Chương 3
Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Em quen Hoàng qua những tờ thư. Dưới một bài thơ đăng trên tờ báo nhỏ, tòa soạn vô tình ghi địa chỉ của em, thế là em nhận được mấy chục lá thư gửi đến trong đó có thư của Hoàng từ Vĩnh Long gửi về. Hoàng là Trung úy pháo binh. Lớn như thế mà còn đọc báo con nít. Ngoài phần kê khai lý lịch, cái kết luận của Hoàng làm em quyết định chấp nhận cái tình bạn xa vời đó: “….hình như có một liên hệ bất thường nào giữa chúng ta vì tên tôi nằm giữa tên Ngâu …”. Cái tên của em: Trần Thị Hoàng Ngâu là do công trình lựa chọn giữa bố và mẹ. Mẹ thích con gái phải đặc biệt và dịu dàng nên định gọi là Trần Thị Mưa Ngâu (cái tên này em cũng thấy thích thú nên vẫn thường ký dưới những bài thơ đăng báo). Bố cũng đồng ý tên Ngâu, nhưng bố không yêu mưa Ngâu bằng yêu những hàng ngâu vàng rực, nên quyết định chọn tên Hoàng Ngâu cho em. Mẹ nói nếu sinh con gái nữa nhất định sẽ đặt tên Mưa Ngâu, nhưng không những không có con gái mà con trai cũng không có nốt. Em vẫn là cô con gái cưng độc nhất của gia đình.
Em gửi thư cho Hoàng, với một ít ngoan cố, một ít kiêu hãnh, một ít bướng bỉnh và nhiều sáng kiến. Thư của em như sau:
Nhà Trắng, ngày... tháng... năm...
Nhận được thư ông, Ngâu hơi ngạc nhiên một chút, một chút thôi cũng đủ để Ngâu viết thư cho ông. Một tình bạn xa vời – chữ của ông đó. Ngâu cũng thích có một tình bạn như thế. Để đáp lại tờ “phiếu lý lịch” của ông, Ngâu:
Tên và họ : Hoàng Ngâu Trần Thị
Tuổi: 08-02-1956
Học lớp 12A
Trường: Thánh Tâm
Quê quán: Hương Trà, Huế
Dáng riêng: cận thị, ốm nhom
Bản tính: kiêu hãnh, nóng tính, dễ quên, thích được chìu chuộng, du côn, vui tính, phóng khoáng và thích kênh kênh xì lô thiên hạ
Thích: ăn quà, thức khuya, dậy trễ
Mê: những gì lạ mắt, nho nhỏ xinh xinh, màu sắc rực rỡ
Yêu: những làn khói: khói sóng, khói núi, khói chiều và khói thuốc
Mơ: một dòng sông, mơ trùng dương, một đỉnh núi, một rừng hoa
Mẫu bạn thân: chân thật, vui tính, phóng khoáng và có đôi chút lãng mạn tính
Mẫu người yêu: Chưa nghĩ đến nhưng chắc sẽ đặc biệt, mà thôi, dẹp tiệm (fermer boutique)
Gửi thư, nhưng không biết mặt và cũng không hề nghĩ đến chuyện sẽ biết mặt nhau. Cần gì chuyện đó! Ở xa, dĩ nhiên Hoàng cũng sẽ nghĩ về em tuyệt vời như trong những lá thư gửi về. Cô bé Nhà Trắng, Hoa vàng dễ thương... đủ thứ danh từ tuyệt vời mà cái đầu óc thơ mộng của Hoàng vô tình nghĩ tới. Em thì không nghĩ về Hoàng bằng những thiện cảm tuyệt đối như thế. Em “nhìn” Hoàng qua anh Tiên, ông anh nuôi thân thiết của em từ hồi bé. Anh Tiên đi lính và Hoàng cũng đi lính, chắc họ giống nhau. Mà Hoàng giống anh Tiên thì kha khá tốt, trên trung bình 6 điểm rồi. Anh Tiên cao, gầy, nghệ sĩ tính và dễ thương, mẫu người bạn thân mà em thích.
Chiều nay, nhận được điện tín của Hoàng: “Sẽ về nhằm sinh nhật 08-02. Cho phép không?” Hỏi như vậy thôi chứ chắc chắn Hoàng sẽ về, vì Hoàng từ lâu vẫn muốn biết mặt cô bạn nhỏ. Một tấm hình có đáng gì đâu, nhưng em nhất định không gởi, cho mãi đến khi Hoàng viết: “Phải cho anh một chút hy vọng để sống sót trong cuộc chiến này chứ. Sống mà không có gì để mến thương, để bám víu thì chỉ là một cái chết mòn.” Em quyết định gởi cho Hoàng một tấm hình, tấm hình chụp biển cát bao la được ghép với một cây ngâu mảnh khảnh. Em ghi ở bên kia: HOÀNG NGÂU đó ! Bức hình được gửi đi, thư Hoàng đến, có vẻ giận: “Ừ, thấy Hoàng Ngâu rồi. Tuyệt vời kiêu hãnh, cứng rắn và đầy bí mật.”
Chị Diễm thấy em ngồi mãi nơi bàn học, mân mê hoài cây bút mà không làm gì cả, chị ngạc nhiên:
- Bí toán hở Ngâu ?
- Dạ không.
- Hay bí... vận ?
- Cũng không.
- Chứ Ngâu ngồi làm gì vậy ?
Em làm ra vẻ quan trọng:
- Em đang suy nghĩ.
- Việc gì mà dữ vậy cưng?
- Sinh nhật em đó.
- Ừ, mà sao ?
- Em muốn nó phải thật là đặc biệt.
- Dĩ nhiên là phải đặc biệt rồi, sinh nhật 18 tuổi của Hoàng Ngâu mà, chị làm cái bánh 2 tầng tuyệt cú mèo.
- Làm bánh 3 tầng cho nó hách, chị Diễm.
Chị Diễm bẹo má em:
- Ba tầng là bánh cưới cưng ơi, cưng muốn bánh 3 tầng thật hở ?
Em đỏ mặt:
- Chị Diễm quê quá. Ngâu chỉ sợ không đủ thôi chứ bộ.
- Nhiều thứ nữa chứ đâu phải mình bánh sinh nhật, chỉ sợ ăn không hết mẹ lại la chị em mình phí phạm.
- Chị đừng lo, không hết mai Ngâu đem lên trường thì hết ngay đó mà.
Cả 2 cùng yên lặng, em nhường ghế cho chị Diễm, đến cửa sổ nhìn chiều đi qua. Từ đây em có thể nhìn thấy những hàng dương liễu mảnh mai tận cuối con đường ra biển, mùa xuân chim yến từ đảo hoang bay về ríu rít. Nha Trang còn có một điểm đặc biệt khác là chim Yến, chị Diễm gọi nơi đây là xứ chim, chim én biển.
- Có đón tiếp ai không mà phải cần đặc biệt hở Ngâu ?
- Dạ có.
- Bạn “đặc biệt” hở ?
- Dạ.
- Ai vậy ?
- Đố chị.
- Luân, Vũ, Triệu, Minh ?
- Ô những tên đó thì đặc biệt cái gì. Em đâu có thèm mời tụi nó.
- Thôi đúng rồi, Nguyễn Khoa Kiên chứ ai.
- Chưa phải.
- Chị chịu, nói đi.
- Hoàng, Vũ Phượng Hoàng.
- Tên nào vậy? Nữ tính quá.
- Chỉ ở cái tên thôi.
- Bạn Ngâu ?
- Dạ.
- Sao không nghe Ngâu nhắc đến ?
- Ở xa, tuốt Vĩnh Long lận, chưa đến nhà mình lần nào.
- Vậy hở ? Thế thì càng có lý do chính đáng để mình tổ chức long trọng và đặc biệt.
- Em không có khiếu về mấy vụ đó.
- Yên chí, trăm điều hãy cứ trông vào một tui.
Em le lưỡi chọc:
- Chị giống Thúc Sinh quá chừng chừng.
Chị Diễm cốc vào đầu em:
- Cô đểu quá !
Mà chị Diễm tài thật. Công dung ngôn hạnh đầy đủ, em thích cái vẻ nhu mì dịu dàng của chị, nét đẹp thanh thoát tự nhiên thoạt nhìn người ta đã có ý tôn trọng, nét mũi thanh thanh nhìn nghiêng như tượng mẹ Maria trong nhà nguyện. Chị lại giỏi đủ thứ, đi học về chị hay xuống bếp giúp mẹ nấu ăn, chị may quần áo đẹp hơn ngoài tiệm. Có chị, em được nhiều quần áo đẹp, dễ thương và lạ mắt. Tụi bạn hỏi chổ may, em trả lời ẩn một chút hãnh diện là chị Diễm may cho. Có chị Diễm tủ lạnh lúc nào cũng đầy nhóc bánh trái, từ những dĩa caramen thơm nhức mũi đến những ly đông sương đẹp nhức mắt được em chiếu cố tận tình. Chị Diễm cũng thích làm Yaour cho mẹ, làm mức chanh cho bố nữa. Ai cũng thương chị Diễm, nhiều lúc em nghĩ quẩn nghĩ quanh, chị Diễm lúc nào cũng quấn quít bên mẹ, nhỡ may mẹ thương chị Diễm hơn em thì sao nhỉ ? Em hư lắm, đâu có ngoan như chị Diễm, đi học về em ngồi nơi bàn học hay nằm dài trên giường, buông cây bút lại ôm cây đàn ngồi ở phòng khách hát nghêu ngao, thích long rong ngoài đường hơn là chui vào bếp, mẹ cưng em và bố cũng cưng em, ai cũng muốn cho em sung sướng, em đôi lúc cũng hối hận vì đã không gần gũi mẹ luôn. Thế giới của em, bạn bè trước rồi mới tới gia đình. Ở nhà buồn, em xách xe đến nhà bạn ngồi tán dóc. Sao em ích kỷ thế nhỉ ? Em không hề nghĩ tới là ở nhà vắng vẻ, mẹ cũng buồn như em. Có chị Diễm, mẹ vui hơn, chị Diễm đi phố với mẹ, đi chợ với mẹ, chị Diễm nói chuyện với mẹ và nghe mẹ than thức ăn mắc mỏ, vàng, than, gạo lên giá. Em thì chịu thôi, sà đến bên mẹ không để nhỏng nhẽo, cũng để xin tiền. Mẹ thường nói đùa chị Diễm mới chính là con gái của mẹ, Hoàng Ngâu chỉ là con nuôi thôi. Hoàng Ngâu thích bay nhảy ngoài đường hơn là sống cạnh mẹ. Em biết mẹ đùa nhưng cũng hơi buồn buồn. Chị Diễm giỏi dắn và hiền hậu. Biết mẹ thích Yaour, chị làm để sẵn trong tủ lạnh, biết bố thích uống nước trà với mứt chanh, những ngày nghỉ học chị làm cả thẩu để dành cho bố. Còn em, em hư lắm, chả biết làm gì cả. Sờ đâu hỏng đó, làm mứt chanh thì bố bảo không the gì cả, cứ như là ngậm viên đường, làm bánh không hư cũng cháy. Công dung ngôn hạnh em không được tròn chữ nào cả: ngôn thì tía lia như chim sáo, chim di, ăn nói du côn móc họng. Hạnh thì không đằm thắm nết na chút nào hết, cứ như con trai. Em thua xa chị Diễm. Mẹ vẫn bảo Hoàng Ngâu nhìn chị Diễm mà bắt chước, bố cũng nói Hoàng Ngâu mà giống chị Diễm thì nhà mình có phước lắm. Anh Tiên thì ác hơn một chút: Ngâu có bắt chước mấy cũng không được vì nghinh nghinh vốn sẵn tính trời mà …
Nhưng em không thèm nghe lời xuyên tạc của anh Tiên. Em cũng hiền lành chứ bộ. Kiên đã chẳng tưởng lầm như vậy sao. Và em sẽ bắt chước chị Diễm, ngoan ngoãn một tí, dịu dàng một tí, bố mẹ muốn em như thế cơ mà.
*
* *
Bạn em ríu ra ríu rít trong phòng khách, Hạnh Nhân cứ đứng khen cái bánh 2 tầng xinh quá đỗi, Ngự Đàn thì thích những bình hoa cắm khéo. Em thì mê nhất những ngọn nến đủ màu chẳng biết anh Tiên kiếm được đâu. Chị Diễm đang nói chuyện với chị Định Tuyết, anh Tiên và Kiên trước cửa. Em và Hạnh Nhân kê thêm vài chiếc ghế. Em hơi nôn nao một tí, hôm nay Hoàng ra, có thể như thế nên em chần chờ chưa muốn bắt đầu vội. Người bạn xa bao giờ cũng là khách quý, có phải thế không?
- Cô là Hoàng Ngâu ?
Em nhón chân nhìn qua vai Ngự Đàn, chị Diễm lắc đầu:
- Ngâu ở trong kia, tôi là Hoàng Diễm.
- Tôi là Vũ Phượng Hoàng, ở Vĩnh Long.
- Vâng, có nghe Ngâu nói. Cô bé hình như đang đợi Hoàng.
Hoàng bắt tay Kiên và anh Tiên. Em nắm tay Hạnh Nhân ra cửa.
- Hoàng Ngâu đây phải không?
Em gật nhẹ đầu, Hoàng tiếp:
- Đúng hẹn, thấy không?
- Vâng, đúng hẹn nhưng hơi trễ giờ. Bây giờ Ngâu mời các anh, các chị và các bạn vào phòng khách.
Hoàng nói nhỏ:
- Xin lỗi Ngâu nghe, lần đầu tiên đến Nha Trang, tìm không ra nhà.
- Không sao đâu anh. Ngâu nói chơi đó. Anh vào đây thôi.
Bữa ăn diễn ra vui vẻ và thân mật. Kiên có vẻ hợp chuyện với chị Diễm, chị Diễm khôn khéo như thế ai mà không thích. Hoàng thì khoái nói chuyện lính tráng với anh Tiên. Em và mấy nhỏ bạn chẳng bị ai dòm ngó cứ nhai bằng thích. Vui nhất là lúc thổi nến và cắt bánh. Dòng chữ Trần Thị Hoàng Ngâu 18 tuổi và những đóa hồng khéo quá, làm em tiếc. Thấy em ngần ngừ, chị Diễm giục:
- Cảm động hở Ngâu.
- Khéo cắt trúng tay.
Anh Tiên đùa:
- Trúng tay thì không trúng, nhưng chắc trúng tim.
- Tim ai.
- Tim ai không phải tim tui thì thôi.
Em chồm tới, dí con dao vào ngực anh Tiên:
- Muốn chết hở ?
- Thôi tui đầu hàng rồi, tội nghiệp mờ.
Tất cả phá lên cười, em cười theo:
- Anh Tiên tham sống sợ chết, không quân tử chút nào.
Chị Diễm can thiệp:
- Thôi mà nhỏ, cắt bánh đi.
Em chia chiếc bánh ra từng phần nhỏ. Kiên reo lên:
- A, tôi được Hoàng Ngâu...
- Gì đó ?
- Phần tôi có chữ Hoàng Ngâu.
- Phần Ngự Đàn có chữ Trần Thị.
- Đổi cho anh Kiên miếng khác này, có hoa hồng đỏ.
Kiên lắc đầu:
- Không, tui ưa chữ Hoàng Ngâu.
- Trả Hoàng Ngâu lại cho Hoàng Ngâu.
- Cho rồi đòi lại, xấu. Đòi lại thì tui về.
- Không đòi lại, chỉ đổi thôi. Anh nỡ lòng nào nuốt Hoàng Ngâu à?
Anh Tiên phá đám:
- Con nhỏ sẽ dùng ngón tay chưởng bấu đứt ruột của Kiên.
Kiên cười:
- Không sao, tôi nguyện sẽ đứt ruột.
- Vì Hoàng Ngâu ??
Hoàng nãy giờ ngồi yên bỗng lên tiếng làm mọi người cười phá lên, em trả đũa:
- Anh Hoàng vui tính nhỉ ?
Đôi mắt Hoàng nheo nheo chọc tức. Em không thèm cười, cúi đầu ăn muỗng kem nhỏ. Anh Tiên nhắc:
- Mở quà đi bé Ngâu.
Chiếc bàn nhỏ đựng đầy quà được kéo ra để bên cạnh. Em lựa gói lớn nhất cầm lên. Tháo gói giấy hoa ở ngoài, bên trong là chiếc hộp lớn như chiếc hộp đựng giày. Em mở bung ra, một con poupée đẹp, tóc bạch kim sang trọng, tấm carte nho nhỏ bên trong: Mừng sinh nhật 18 của Hoàng Ngâu – Nguyễn Khoa Kiên - Dễ thương ghê.
Em nói và Kiên có vẻ bằng lòng:
- Để tối Hoàng Ngâu ôm ngủ.
Em mím môi:
- Hoàng Ngâu hết tuổi ôm poupée rồi.
- Poupée này đặc biệt.
- Sao ??
- Hoàng Ngâu vặn cổ cô nàng 3 vòng đi.
- Tàn nhẫn.
- Cứ vặn đi.
Nghe lời Kiên em xoay đầu poupée 3 vòng, những nốt nhạc nổi lên thánh thót êm đềm và những tiếng nói thầm thì: “Je t’aime, Je t’aime”.
- Quà của anh Kiên độc đáo.
- Hoàng Ngâu cảm động không ?
Em lắc đầu nhè nhẹ. Những gói quà khác tiếp theo đều dễ thương và ý nghĩa. Anh Tiên một tấm gương soi mặt chạm trổ tinh vi. Chị Diễm một bình hoa vải dễ thương, tượng mỹ nhân bằng thạch cao của Ngự Đàn, những cuốn sách của Tích Hương, Hạnh Nhân, Vũ, An Như và bức họa “Hoàng Ngâu 18 tuổi” của Hoàng. Bức vẻ tương tự như tấm hình em gởi về dạo nào chỉ khác một chút là thay gì cây Ngâu mảnh khảnh, Hoàng lại vẽ một cô bé áo vàng đứng nhìn ra biển, cũng yếu đuối, lẻ loi, tóc dài hơn tóc em một chút và cái dáng ôm ốm cũng khá giống. Hoàng bảo không dám vẽ đằng trước vì sợ không giống mấy, chỉ dám vẽ sau lưng.
- Hoàng là họa sĩ hở ?
Anh Tiên hỏi.
- Không. Hoàng vẽ tài tử thôi. Ở đó nản lắm, đi hành quân về chẳng biết chơi đâu, ở nhà tưởng tượng cô bé Hoàng Ngâu với biển để vẽ vời cho đỡ buồn.
- Giống Hoàng Ngâu đó chứ.
- Hoàng mà.
Câu nói của Hoàng làm em cảm động, thế thì Hoàng cũng nghĩ đến em nhiều hơn em tưởng. Em thì quá nhiều bạn bè nên đối với ai cũng vừa phải, cũng hạn chế bớt tình cảm của mình và câu “Hoàng mà” làm em nhớ tới câu nói quen miệng đầy bướng bỉnh của em: “Hoàng Ngâu mà” ! Có phải đó là một điểm tương đồng thứ 2 giữa chúng ta không ?
Kiên lên tiếng trước nhất:
- Xin lỗi Hoàng Ngâu nghe, tối nay anh bận.
Bạn em cũng đòi về:
- Mười giờ rồi đó Ngâu, về học bài mai ông Tuyên dò.
- Ta có điểm rồi.
- Ta chưa có, sợ lắm.
Chị Diễm bảo em chia cho các bạn mỗi người một bông hồng đỏ.
Em chạy đến cạnh anh Tiên:
- Anh Tiên lấy xe ba chở bạn Ngâu về nghe. Tối tụi nó sợ.
- Ừ để anh chở.
Em tiễn Hoàng về sau cùng, những chiếc xe đua nhau chạy mất hút.
- Anh Hoàng ở đâu ?
- Nhà người quen ở dưới Yersin.
- Xa nhỉ.
- Không xa mấy.
- Anh ở lại chờ anh Tiên chở về nghe.
- Thôi, phiền anh ấy. Anh định đi bộ cho giãn gân cốt.
Em bật cười, Hoàng xoay xoay đóa hồng trong tay:
- Hoàng Ngâu tuyệt vời hơn anh tưởng.
- Đừng làm Ngâu cảm động.
- Chuyện thật mà. Anh ít khi nói dối.
- Nghĩa là cũng có.
- Có nhưng hồi bé, bây giờ hết rồi.
- Xạo.
- Sinh nhật, chưa chúc Hoàng Ngâu gì nhỉ.
- ...
- Chúc Hoàng Ngâu dễ thương mãi như ngày hôm nay.
- Cám ơn anh.
- Anh về, chúc Hoàng Ngâu ngủ ngon.
Hoàng cúi xuống định nói gì đó, nhưng rồi quay gót đi, đóa hồng nhỏ xoay xoay trên bàn tay.
*
* *
Đứng trên tảng đá, em phóng người xuống bơi nhanh đến chỗ chị Diễm:
- Xuống bơi đi ôm phào hoài làm sao chị bơi được.
Em đưa tay định lật phao, chị Diễm la ơi ới:
- Tui không phải dân Nha Trang như cô, tui không thèm học bơi làm gì !
Em lắc đầu cho nước rơi xuống hai vai, tay vịn vào phao của chị Diễm, chọc:
- Chị cù lần.
Chị Diễm cong môi:
- Người ta không phải là dân chài nên người ta không biết bơi, ai như cô.
Em tức tức:
- Bộ dân chài mới biết bơi hả ?
Chị Diễm cười vuốt má em:
- Nói chơi vậy mà giận rồi !
Em lắc đầu và bơi vào bờ:
- Chị tắm một mình nghe, Ngâu mệt rồi !
Em khoác chiếc robe vào người và ôm lấy cây đàn guita đến ngồi trên một ghềnh đá, nắng chiếu xuyên qua vai. Ngày thứ sáu nên đảo không đông bằng những ngày chủ nhật, nắng ở đây cũng tươi mát hơn nắng ở thành phố. Tay em bấm vu vơ trên những giây đàn, âm thanh nhẹ hòa cùng tiếng sóng ì ầm qua ghềnh đá, thật vô tình, em hát nho nhỏ bài derniers baisers...
Giọng Hoàng chùng xuống:
- Nghệ sĩ quá.
Em ngẩng lên, Hoàng đang nằm trên một mô đá cao hơn, nhoài người ra cúi xuống nói chuyện, chiếc kính nâu che khuất đôi mắt:
- Nãy giờ không chịu lên tiếng, rình nghe người ta hát. Quê !
- Xin lỗi, ai xí chỗ này trước? Thôi, huề đi, Hoàng Ngâu hát hay lắm. Hát nữa đi.
Em đỏ mặt:
- Ghê, không biết hát nghêu ngao cho đỡ buồn vậy thôi.
- Nghêu ngao mà hay tuyệt. Hoàng Ngâu hát bài khác đi. Anh đàn cho.
- Không.
- Khó bảo.
- Ừ, vậy đó.
Hoàng nhảy xuống mô đá em ngồi:
- Hát đi năn nỉ đó.
Em hơi xiêu lòng:
- Bài gì.
- “L’amour c’est pour rien”.
- Không thuộc.
- Để anh hát trước.
Hoàng đàn và hát nhỏ. Giọng ấm dễ thương, em vẫn thích những gì êm dịu, trầm ấm, như giọng hát giọng nói và những điệu nhạc êm ái, để ru ngủ chứ không phải để đánh thức. Băng nhạc của em toàn những bài buồn, êm dịu; nhạc của Francis-Lai, của Tchaikovsky dịu dàng, nhạc của Cung Tiến thiết tha, nhạc Phạm Duy êm ái. Băng nhạc trẻ anh Tiên đi thâu về chỉ mở nghe một lần trong đêm sinh nhật rồi sau đó em quăng đâu mất vì không hề dùng tới. Chị Diễm cũng như em, chúa ghét cái loại thời trang nhạc tuyển ồn ào đó.
Tích Hương những lần đến chơi, nằm dài trên giường em đòi nghe nhạc buồn rồi sau đó than van chán đời. Tích Hương rất nhạy cảm, nhỏ dễ khóc, dễ vui và em thường thích những con người nhạy cảm, em nhìn thấy ở họ một sự thông minh.
Hoàng chuyển một qua một điệu nhạc khác.
- Ngâu thích “A time for us” ?
Em lắc đầu:
- Xưa thì Ngâu thích lắm. Nhưng bây giờ thiên hạ thích nhiều rồi Ngâu ghét.
Hoàng cười nhỏ:
- Ngâu lạ quá, ý thích của mình vẫn mãi mãi là của riêng mình chớ.
Em bướng bỉnh lắc đầu:
- Hoàng Ngâu nghe lại một lần nữa đi, để thấy rằng cái ý thích ấy không mất hẳn đâu, nó chỉ tiềm ẩn vì lòng kiêu hãnh đó thôi. Rồi nó sẽ thức dậy.
Bàn tay Hoàng lướt nhẹ trên những giây đàn, âm thanh của bản nhạc quen thuộc vang lên khác xa với lúc em nghe trong Lys, trong Thu Vàng và gần giống như lúc em nghe anh Tiên hát lần đầu tiên trong đêm sinh hoạt chung ở hội quán, và êm ái như khi em nghe một mình trên sân thượng lúc nửa khuya.
Và lần đầu tiên em biết những ý thích của mình vẫn là của riêng mình mãi mãi.
*
* *
- Chúc Hoàng Ngâu thi đậu.
- Cám ơn anh.
- Vào ngủ ngon nghe, thi đậu vào Saigon anh khao.
Em cười:
- Lâu lắm mới thi.
- “Thời gian tựa cánh chim bay, qua rồi những tháng cùng ngày” cơ mà, lâu gì?
- Đó là bài Hoài Cảm của Cung Tiến. Thực tế khác hẳn.
- Anh về nghe.
- Dạ, chúc anh đi đường bình an.
Một tuần ở Nha Trang của Hoàng qua đi, buổi tối Hoàng đến từ giã, chị Diễm chơi nhà bạn chưa về:
- Gởi lời hỏi thăm Hoàng Diễm nghe Ngâu !
- Dạ.
- Thôi anh về.
Hoàng chần chừ muốn nói gì đó, nhìn em:
- Ngâu !
- Gì vậy anh ?
- Thôi, anh về. Chúc 2 chị em vui vẻ.
Hoàng quanh xe ra cổng, em khép nhẹ cánh cửa và quay vào nhà. Tự nhiên em thấy lòng nao nao. Mai Hoàng đi rồi. Em tựa người vào thành balcon. Một tuần qua nhanh quá...“Thời gian tựa cánh chim bay, qua rồi những tháng cùng ngày, còn đâu mùa cũ êm vui, nhớ thương biết bao giờ nguôi...” Em hát nhỏ với những giòng nước mắt nhòe nhoẹt trên má. Thường thì những lúc buồn em hay hát cho nguôi khuây. Những giọt nước mắt lăn dài nhẹ xuống môi mằn mặn. Giờ thì Hoàng đã về nhà, có thể Hoàng đang sắp hành lý hay có thể Hoàng đang ôm cây đàn hát những bài ca quen thuộc hoặc Hoàng đang châm một điếu thuốc, thở khói lên trời. Bất cứ khi nào Hoàng cũng mang cái vẻ nhàn nhã rong chơi. Vũ Phượng Hoàng, tên của một loài chim quý hiếm, bay mù tít tắp dặm xa. Em cố đuổi xua những ý nghĩ về Hoàng lan man trong tâm trí. Hoàng không là gì cả. Sao mình lãng mạn đến vậy hở Ngâu? Em quay vào phòng nhìn tấm hình “Hoàng Ngâu 18 tuổi” của Hoàng treo trước tủ truyện. Em đó sao, lẻ lo tội nghiệp giữa những trùng trùng biển cát, không em là Hoàng Ngâu, Trần Thị Hoàng Ngâu, con chim vô tư ríu rít mang đến cho mọi người niềm vui. Em là Hoàng Ngâu, hơi kiêu hãnh với đời. Và em là Hoàng Ngâu, vừa tròn 18 tuổi.
Chị Diễm lên phòng hồi nào em cũng không hay, chị đặt tay lên vai em:
- Ngắm hoài thôi, Hoàng vẽ giống lắm.
Em quay lại, có lẽ những giòng nước mắt chưa khô:
- Em không thích.
Chị Diễm dỗ dành, giọng ngạc nhiên:
- Sao khóc, không thích thì thôi !
- Hoàng vẽ em lẻ loi quá, một mình giữa biển xanh và cát trắng, trời gần.
- Đó là cái vẻ đặc biệt nhất của những cô bé Nha Trang. Hoàng Ngâu và biển, Tích Hương và biển, Hạnh Nhân và biển. Đề tài quen thuộc mà cô bé.
Em lập lại một câu đã nói với Hoàng hôm nào ngoài đảo:
- Những gì thiên hạ yêu thích thì không có em.
Chị Diễm dịu dàng:
- Thế nhưng chưa ai vẽ các cô ấy với biển, chỉ mới mình Hoàng vẽ em thôi mà.
Em bướng bỉnh lắc đầu:
- Ngâu vẫn không thích.
- Ừ, Ngâu không thích thì thôi.
Em quay lại nhìn chị Diễm:
- Mai Hoàng về Vĩnh Long.
Chị Diễm khựng lại một chút:
- Mai Hoàng về rồi à ?
- Dạ, Hoàng có gởi lời chào chị.
- Hoàng đến lúc nào ?
- Lúc nãy, Hoàng có ý chờ chị về nhưng mãi không thấy.
- Ừ, chị làm bài với Định Tuyết nên về trễ.
Em nắm tay chị Diễm:
- Chị Diễm...
- Chi đó bé ?
Em ngần ngừ một chút và nói khác đi ý nghĩ của mình:
- Em không muốn thấy cái hình này nữa.
- Sao, nó làm đẹp bức tường của mình mà.
- Nhưng nó gợi hình ảnh một người đã đi xa, buồn lắm.
- Kệ nó Ngâu, đừng nghĩ người trong hình là Ngâu, họ chỉ là ai đó giống Ngâu quá đấy thôi, đừng nghĩ người vẽ là Hoàng, chỉ là một họa sĩ xa lạ nào đó, Ngâu sẽ không còn thắc mắc.
Em ngoan ngoãn gật đầu và đến bàn học. Em mân mê cây bút xinh xinh của mình trên tay, viết vào tờ giấy lịch chữ Vũ Phượng Hoàng bằng những nét bay bướm rồi xé vụn thả rơi chung quanh. Tự nhiên em thèm khóc một lần để được dỗ dành ghê gớm. Em rời bàn học, tối nay em bỏ quên hết cả bài vở trên bàn cảm thấy trí óc mình rỗng không và lòng thì hoang mang kỳ dị. Em tắt ngọn đèn néon trắng và bật ngọn đèn ngủ nhỏ xíu trên đầu giường. Tiếng hát chị Diễm vang dịu từ balcon: dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi, người về khuất chân trời. Nhớ nuối thương một chiều vương vấn đời. Cuộc tình vĩnh viễn xa vời. Chỉ còn thương nhớ mà thôi...
Em ôm con poupée nhỏ vào người, khẽ vặn đầu để nghe những tiếng nhạc thánh thót. Lời thầm thì Je t’aime, Je t’aime thật thiết tha đầm ấm. Có phải là Hoàng đã về khuất chân trời trong một nghĩa buồn bã âu sầu nào đó không?
Em úp mặt xuống gối. Tiếng đàn ngâm đằm thắm lôi kéo em vào một giấc ngủ êm ái dịu dàng. Giấc mộng nếu có cũng chỉ mơ thấy một rừng hoa ngát hương. Bóng chị Diễm thấp thoáng ngoài balcon, tà áo lụa óng ả ánh đèn. Em nhắm hờ đôi mắt, hình như chị Diễm buông màn cho em, chị ngồi vào bàn học, ngọn đèn mờ mờ soi bóng chị lên vách. Em chợt nghe tiếng chị thở dài và em ngủ quên luôn.
*
* *
- Mẹ con đi học.
Chào mẹ xong, em ôm sách vở ra ngoài nhà để xe. Chị Diễm đang lui cui trong bếp.
- Làm gì đó chị Diễm?
- Hâm thịt kho, em ăn sáng chưa ?
Em chu môi làm nũng:
- Chưa chị Diễm, em đói bụng lắm.
Chị Diễm kêu lên:
- Vào ăn thôi, thịt được rồi đó. Em nhờ mẹ cắt bánh mì cho.
Em cười:
- Đùa thôi. Em dậy muộn nên uống sữa rồi, sợ trễ học, thôi em đi kẻo trễ.
Chị Diễm nhìn em, đôi mắt dịu dàng làm em cảm động, chị săn sóc và yêu chìu em như bố, như mẹ. Vậy thì em vẫn còn nhỏ lắm thôi. Em còn thèm những săn sóc, em vẫn còn thèm nhõng nhẽo, còn thèm ôm mẹ. Em 18 tuổi, như thế là em còn nhỏ hay đã lớn???
Dựng xe ở garage ôm sách vở vào lớp. Vội thế mà cũng trễ, cúi đầu chào thầy, em về chỗ ngồi nghe thầy mắng nhẹ:
- Lười quá, cứ đi trễ hoài.
Em không đùa như thường lệ, lẳng lặng ngồi vào chỗ. Hạnh Nhân mở vở ôn bài không nhìn em. Em cũng mở vở, nhưng không học gì. Hôm qua em có học bài đâu. Em ngẩn ngơ nhìn từng giòng chữ. Bài học dài và khô như đá mọi hôm em vẫn thuộc lòng lòng, hôm nay tâm trí em trống rỗng. Em ôm đầu, tại sao ta dại dột ngần ấy hả Hoàng Ngâu? Em giận mình quá đỗi. Hoàng, Hoàng là cái quái gì?
- Trần Thị Hoàng Ngâu.
Em cầm vở tiến lên bục, những bước chân ngớ ngẩn vô hồn.
- Thế nào là hiện tượng giao thoa ?
Em cúi mặt:
- Thưa thầy con không biết.
Thầy ngạc nhiên lắm, nhìn đăm đăm cô học trò vẫn được khen là giỏi giắn thông minh:
- Ơ hay, sao lại không biết?
- Khi hôm con không học bài, con bận...
Những giọt nước mắt của em ứa ra, em cố gắng để chế ngự những cảm xúc của mình nhưng không thể được:
- Thôi tuần sau trả nợ, có gì đâu mà khóc nào, coi như một tai nạn nghề nghiệp...
Em đưa tay chùi mắt và về chỗ mình, Hạnh Nhân nắm tay em lắc nhè nhẹ, giọng dỗ dành: Ngâu đừng khóc nữa, đừng khóc nữa Ngâu...