Chương 8
Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Về đây em nhận vô số là thư từ Nha Trang, của mẹ, của chị Diễm, anh Tiên và các bạn... thư mẹ khi nào cũng làm em khóc được: sữa uống hết chưa, thuốc còn bao nhiêu, cần cái chi thì viết thư nói mẹ. Chúa ơi! Mẹ làm như em ở đây suốt kiếp; thư chị Diễm ngọt ngào, dỗ dành; thư anh Tiên vừa nghiêm khắc vừa thương mến: “Con chim trắng bây giờ ra sao, đã ngậm môi cười hay im tiếng hót? Này cô nhỏ bướng bỉnh dại dột, cô có làm cái chi chi đi nữa thì cũng không cứu vãn được gì. Anh mong ngày về nhỏ em của anh sẽ lớn hơn chút nữa, khôn hơn chút nữa...” Cả lá thư của Kha, anh chàng tập làm thi sĩ hồi nào em cũng chẳng hay:
“Kha khẽ gọi tên Kha
Thầm như lời nhắc nhở
Hoa Vàng đã bay xa
Bằng ngàn đôi cánh nhớ”
Những tờ thư thân ái của bạn bè làm em nguôi ngoai quên một thân tình ở xa. Nhưng thật thì trong thâm tâm, dầu bỏ đi, dầu trốn chạy, em vẫn mong được một tờ thư của Hoàng, một lần nữa và em sẽ không tham lam đòi hỏi điều gì nữa cả dầu rằng một lần vẫn còn quá thiếu, quá ít ỏi chóng quên. Em không hề hỏi chị Diễm về Hoàng, về mối tình đã bắt đầu tan vỡ. Em cố tránh hết sức để khỏi nhắc đến những gì đã làm buốt trái tim em. Có lẽ em ích kỷ, nhưng có phải là đó như một nỗi đau chung. Chúng ta sẽ phải gánh chịu cùng nhau, dầu rằng nơi mỗi người nỗi đau mang một tên gọi khác nhau.
Nhưng định mệnh cũng còn chìu đãi em thêm một lần nữa, như một ủi an trong hình phạt chung thân. Bối rối biết mấy, xót xa biết mấy khi nhận được tờ thư quí giá mà mình hằng mong đợi. Hoàng gởi về Nha Trang và chị Diễm gởi ra cho em. Thời gian có lẽ quá dài cho một sự chờ đợi bất cứ của ai ai. Em đọc vội tờ thư quên đề ngày tháng
“Hoa Vàng yêu dấu
Cho anh gọi như thế, một lần cuối cùng rồi thôi. Vì anh đã nhận thức, đã cảm thấy qua cái thái độ im lặng bấy lâu của Hoàng Ngâu thân quý. Anh đọc lại tờ thư của Ngâu: Bản tính: kiêu hãnh, tàn nhẫn, dễ quên... và anh biết rằng mình không còn một hy vọng nào dù nhỏ nhoi.
Hoàng Ngâu! Thật là lố bịch khi đi nài nỉ van xin một thứ mà người ta không sẵn lòng trao tặng. Tự ái của anh đâu? Thôi rồi, tự ái của loài chim thênh thang biển Bắc, ngạo nghễ núi Đông đã bị vứt lìa khỏi trái tim. Từ nay tôi sống trong đời chết. Chỉ là cõi tạm tất cả, nhưng cõi tạm của tôi sao dai dẳng và bi thảm thế này ?
Hoa Vàng ơi, Hoa Vàng. Rồi sẽ ra sao nếu đời mình chỉ còn một bóng lẻ loi đơn độc. Em thì không thế. Chúc em thênh thang đường dài. Có gì đâu khi quay lưng, môi em đã quen với những âm thanh khác, hồn em đã mờ những hình ảnh cũ xưa thì còn bàn tay nào vẫy gọi tôi ở cuối con đường xa lạ ?
Hoàng Ngâu, nếu mà tôi nói rằng tôi yêu em, chỉ vô ích mà thôi hả Ngâu? Nhưng tôi cứ nói để an ủi rằng mình vẫn còn tình yêu để hy vọng sống sót về để nhìn em xa lạ mà tưởng chừng như quen thuộc. Và nói để tin rằng có một chút gì đáng sống trên cõi đời này..."
Em ôm đầu, nhức nhối khó chịu. Mình nghĩ sao, Hoàng Ngâu? Từ chối hay chấp nhận? Từ chối để Hoàng tiếp tục những ngày như thế, để ta lơ ngơ suốt cõi đời này. Hay chấp nhận để cả hai cùng sa chung một chốn không hẳn là thiên đàng hay địa ngục! Rồi sẽ ra sao? Không có ai cho em kể lể. Xa quá rồi. Hơn 500 cây số đường dài, sao không có anh Tiên để em bắt nghe em nói, đòi những lời khuyên bảo chân thành để rồi không bao giờ nghe theo.
Chung quanh em, sách vở, hoa và những trang ảnh vô tri vô giác. Đời sống chi mà quái đản, chúng ta cứ xoay quanh những yêu thương thù hận, trốn chạy và đuổi bắt, để làm cái quái gì vậy hở anh Tiên? – Đó mới đúng là đời sống nếu hoàn toàn hạnh phúc thì chính là thiên đàng, hoàn toàn đau khổ thì gọi là địa ngục – nghe như tiếng anh Tiên hôm nào trên sân thượng. Thôi, chắc em đành chấp nhận đời sống này, cố mà chấp nhận một cách vui vẻ vì tất cả chúng ta đều có một nỗi đau chung.
*
* *
- Mai chị về, Ấu Sơn!
Sơn ngước lên:
- Nhanh vậy, khi nào thi ?
- Còn 10 ngày, về lấy phiếu báo danh. Có nhờ chị Diễm nhưng tự nhiên thấy... bất ổn.
Ấu Sơn gấp quyển sách:
- Chứ không phải vì một lý do nào khác.
Em nhăn mặt:
- Lý do nào ? Ấu Sơn hơi nhiều chuyện.
Chú nhỏ cũng nhăn mặt chọc:
- Lá thư bảo đảm, rồi tờ điện tín, chẳng hạn.
Hôm kia, em nhờ Ấu Sơn đánh cho Hoàng mấy chữ: “Thôi cũng đành” và chú nhỏ cứ theo thắc mắc hỏi han, nhưng em không giải thích. Chú nhỏ còn quá ngây thơ để hiểu những rắc rối tơ vò như thế. Đâu có gì hay để chú nhỏ tìm hiểu mất công, chú nhỏ có vẻ không bằng lòng.
- Hơn người ta có một tuổi mấy tháng mà cũng làm tàng.
Em đã cười vui vẻ:
- Cho dầu bằng tuổi chị, Ấu Sơn cũng không cảm nhận được những gì như chị đâu.
Ấu Sơn kêu lên:
- Chị ngông nghênh quá vậy ?
Em không trả lời, chắc Ấu Sơn có đọc câu phụ đề... Việt ngữ dưới tấm ảnh đặt trên bàn học.
- Ông Diệp buồn chết mất.
- Nói bậy.
- Thật đó, dám ổng đi theo chị lắm à.
- Theo tới chân trời góc biển chứ ?
Ấu Sơn gật đầu:
- Ai thì không chứ ông ấy dám lắm.
Em kêu lên:
- Thôi mà, Ấu Sơn chỉ nói bậy là giỏi, bộ ổng khùng sao ?
Ấu Sơn đưa hai tay lên trời:
- Không, em xin đính chính, ổng chỉ mad nặng thôi, chưa khùng.
Em bật cười:
- Chị không thích người mad, khó ưa lắm.
Ấu Sơn hất hàm:
- Để mình chị độc quyền mad hở ?
Em gật đầu:
- Chứ sao.
*
* *
Diệp và Ấu Sơn đưa em ra bến xe, trời còn mờ sương, khói đêm la đà trên những ngọn cây và mù lan trên mặt nước. Ngồi gọn vào chỗ, Diệp hạ dùm em kính xe, nói qua khung cửa:
- Tôi ở lại giữ chỗ trong công viên chờ ngày về của em nhỏ nhé!
Ấu Sơn khoác tay:
- Thôi ông ơi, chị tôi đi tìm hạnh phúc và chắc không bao giờ trở lại nữa đâu.
Em mỉm cười:
- Sẽ trở lại chứ, khi nào có dịp.
- Dịp may rất hiếm có trên đời này.
- Nghĩa là cũng có, còn đòi gì hơn?
Diệp chống tay trên thành cửa:
- Em nhỏ đi tìm hạnh phúc?
Em bối rối:
- Ông nghe chi lời nhỏ Sơn?
Ấu Sơn lên tiếng:
- Thật đó ông, nhưng không hẳn là đi tìm, nghĩa là đã có và trở về để gặp lại.
Lâu lâu nghe chú nhỏ nói một câu người lớn ghê, em nheo mắt:
- Rành quá nhỉ ?
Ấu Sơn nghinh nghinh chọc tức. Diệp thả những vòng thuốc thơm:
- Hạnh phúc là cái bóng thôi, em nhỏ. Khó lòng tìm thấy.
Em im lặng mỉm cười. Ô nỗi vui mừng trở về chốn cũ xôn xao trong tim làm em bỏ quên những câu đối đáp chan chát vào valise khóa kín.
- Tôi cũng chưa biết hạnh phúc xanh đỏ thế nào, nhưng tôi chúc em nhỏ may mắn bắt gặp nhé! Và kể lại cho tôi nghe để tôi rút kinh nghiệm. Thôi chúc vui vẻ.
Ấu Sơn đưa tay vẫy em:
- Vui vẻ, may mắn và bình an nghe.
Chuyến xe lăn đi, ở lại nghe Huế. Em không buồn như hôm nào rời phố biển mà trái lại một nỗi vui ăm ắp ngập hồn. Em sẽ sà vào lòng mẹ để nghe hương bồ kết ngai ngái từ mớ tóc dài phết gót, sẽ chạy nhanh trên những bậc thang về căn phòng yêu dấu, sẽ phóng xe ra đường đi long rong thăm hết bạn bè xưa, từ những chú dã tràng lăng quăng trên biển đến hàng lim xẹt mướt xanh trên những con đường im vắng, từ rừng Khuynh Diệp đến những ánh sao nhấp nháy từng đêm. Hai tháng ở Huế không tắm biển, không bị nắng quái đốt da, hình như em trắng hơn một chút, không còn là nàng sirène hoang dã của biển cả dấu yêu. Anh Tiên chắc sẽ ngâm nga trêu chọc:
“Trăng rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường Lèo cưới vợ Nha Trang"
Ôi ông anh quái đản, nhưng chắc anh sẽ hài lòng vì em ngoan hơn một chút, cái gì cũng một chút thôi nhưng đó là cả một sự ngạc nhiên lớn cho những người thân. Em không còn bướng bỉnh cãi lời, ngoan cố quyết định một mình bất cứ chuyện gì từ những đâu đâu tới. Không ai quên em hết, có phải thế không? Bạn bè còn đó vây quanh ríu rít, em cũng còn là Hoàng Ngâu thân mến của bạn bè. Và em là Hoa Vàng rực rỡ, sẽ tiếp tục rải xuống nghìn cánh mỏng, tung đầy bụi phấn xuống từng bờ vai thân yêu.
Người đàn bà ngồi bên cạnh nói xin lỗi và choàng tay qua khép cửa kính. Gió ngược thổi tóc em bay rát cả má và hai vai. Chiếc áo len choàng trên lưng ghế, em cầm lên tay mân mê. Đứa bé ngồi trên lòng người đàn bà chong đôi mắt ngó, miệng nhóp nhép nhai, chiếc đồng tiền nhỏ xíu ẩn hiện bên má phải. Em muốn chọc cho chú bé cười để coi thử có răng khểnh không? Ô, em lại vẩn vơ quá, răng chú bé là răng sữa, trắng muôn muốt và đều như những hạt bắp non làm sao có được chiếc răng khoé nhọn. Mai mốt chú bé “ráng” có răng khểnh nha. Anh Tiên vẫn chê em:
- Nhỏ đi mỹ viện khoét đồng tiền đi, có răng khểnh mà không có đồng tiền trông vô duyên tệ.
- Sao vậy ?
- Vì nó làm nụ cười tươi mà không vui.
Em cắt ngang, bướng bỉnh:
- Như thế ai có đồng tiền thì phải đi nha sĩ trồng răng khểnh hở anh?
Anh Tiên bí, dọa cốc đầu. Ui chao chao, làm quái gì có một chiếc răng khểnh trong phòng răng để mà trồng đã chứ.
Em cúi xuống tìm phong chocolate cho chú bé. Bất ngờ lôi ra quyển sách nhỏ bìa bao giấy hoa sặc sỡ; em hơi ngạc nhiên, chú nhỏ Ấu Sơn bỏ vào lúc nào em không chú ý. Quyển “Tristant et Iseult” nguyên tác. Ô như thế này chắc em phải “vật lộn” với quyển tự điển để mà đọc cho xong. Dòng chữ đề tặng dí dỏm: “Hãy dong buồm trắng mà trở về, chị Ngâu - Ấu Sơn”. Em lật lật vài trang, bỗng chú ý tới một câu, cái vốn Pháp văn sinh ngữ phụ chỉ cho phép em diễn nôm một cách ẩu xị là: “kẻ nào không biết thế nào là tình yêu sẽ không biết thế nào là đau khổ”. Em mỉm cười, gấp sách; chú bé nhìn thấy bìa sặc sỡ chồm qua đòi. Em đưa tay bế và lôi phong chocolate ra:
- Bé tên gì ?
- Sô cô la.
Em bật cười:
- Tên gì ? Nói rồi chị cho.
Chú bé nói giọng ngọng nghịu làm em không nghe rõ, người mẹ tiếp lời:
- Cháu tên Nhương Sao.
Cái tên lạ lùng làm em nhớ đến câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Hồn sa mạc tựa ngôi đền Nhương Sao”. Chú bé ôm tay em thân thiết. Người mẹ cúi xuống âu yếm:
- Ai đó con?
Chú bé lúc lắc mớ tóc ánh vàng xinh xinh, mẩu chocolate còn dính bên môi trông dễ thương như con mèo uống sữa.
Xe ngừng ở bến xe Đà Nẵng, người đàn bà xách hành lý trao xuống cho người nhà và hỏi em:
- Em về đâu ?
- Thưa Nha Trang ạ!
Là dân Huế, nhưng đôi lúc em vẫn bắt chước những cô bạn nói giọng Bắc cho vui, cũng “âm hưởng Hà Nội” như ai. Người đàn bà tròn mắt:
- Xa vậy mà em dám đi một mình ?
Em mỉm cười không đáp. Em về chứ em đâu có đi, chữ về nghe yêu dấu gấp triệu lần chữ đi dễ ghét. Người đàn bà bảo chú bé:
- Nhương Sao mi chị rồi xuống với bố.
Chú bé chồm lên má em, chắc chocolate bôi lem trên đó. Em ôm chú bé hôn lên mái tóc vàng óng ánh, người đàn bà nhỏ nhẹ:
- Thôi tôi xuống, em đi bình an và vui vẻ nghe.
Em đáp:
- Vâng, cám ơn bà nhiều.
Chú bé toét miệng cười ngô nghê. Chiếc xe lăn bánh tiếp tục con đường dài. Những chỗ ngồi trống rỗng nửa xe trên đã được thay thế. Ở dãy ghế giữa này vắng hoe, em nhấc cái sắc Pan-Am để lên chiếc ghế bên cạnh và duỗi chân thoải mái. Còn những nửa ngày ngồi trên xe.
Mẹ chắc đang mong em gởi thư, mẹ đâu ngờ rằng em đang ở trên con đường dài này và từng phút qua là cảm thấy gần kề thêm chút nữa. Em muốn ngủ một giấc dài, khi thức dậy thấy tấm bảng “thị xã Nha Trang chào mừng quý vị du khách”. Chao ơi, chắc sẽ có những giọt nước mắt mừng vui. Sẽ thấy lại Nha Trang hay Nhà Trắng. Ở đó, cái gì cũng trắng, tinh anh và bệnh hoạn. Nắng trắng, mây trắng và cát trắng, còn biển thì xanh rợn người; đẹp chưa từng thấy ở đâu. Chắc bây giờ phượng đã thắm, hoa vàng đã rực trên những con đường xanh, màu sắc hòa hợp và rực rỡ, có lẽ vì thế mà những dòng sông ở khắp nơi đều chọn biển để trở về.
Em dựa lưng vào thành ghế, nhắm mắt. Tiếng gió ru em ngủ, tiếng lúa rì rào bên tai như lời gọi trở về của những người thân thuộc.
Em đang trở về, có ai biết không?
*
* *
Hình như chiếc xe chao đi, hình như có tiếng nổ, tất cả đều mơ hồ thoáng qua trong trí tưởng, em cố khép mắt tìm giấc ngủ, có cảm tưởng như tiếng máy chạy rì rào trong phòng lạnh mà em được đưa vào trong những cơn kích ngất. Chắc căn bịnh tim đã trở về sau những ngày mỏi mệt. Em không lo nghĩ thêm gì cả, chắc mẹ, bố và những ai ai đó đang ngồi ngoài phòng đợi, đôi mắt mẹ xót xa, trìu mến, đôi mắt bố an ủi, mến thương. Trong cơn bệnh, em không bị bỏ rơi. Điều đó khiến em mãn nguyện.
Hình như có tiếng gió reo, hình như... em cố ngẩng lên, choáng váng, chỉ kịp thấy một ruộng lúa chín vàng mênh mông và chiếc xe đổ nát. Cả thân thể em phiêu bồng đâu đó, nhẹ nhõm hơn cả khi nằm duỗi người trên mặt biển, thoải mái nghe sóng vỗ về chung quanh...