Chương 4
Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Em kéo đôi kính cận xuống cầm trên tay, anh Tiên bảo những lúc mơ mộng người ta thường tháo kính ra khỏi mắt để nhìn mọi vật ảo huyền hơn một chút. Trước mặt em là biển, sóng trùng trùng. Không có kính, em chả nhìn thấy những cánh buồm nâu thấp thoáng chân trời nhưng em vẫn cảm thấy điều đó. Những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhoi, mỏng manh không hiểu tại sao lại chịu đựng được những ngọn sóng tàn bạo giữa trời nước bao la. Tích Hương ngồi xuống cạnh em:
- Mơ mộng nữa.
- Ừ, không mơ mộng uổng đời.
Nhỏ nheo mắt:
- Như ta?
Em ngắt tay Tích Hương:
- Mi mà không mơ mộng! Sự lạ đó nhé!
Ngự Đàn trên dốc chạy xuống thẩy mấy gói lạc rang:
- Sao cô thi sĩ ?
- Sao là sao cái gì ?
- Đọc bài thơ mới nhất nghe coi.
- Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê gọi bờ cát trắng đêm khuya...
Ngự Đàn đấm vai em:
- Láu cá.
Em trả đũa:
- Cũng chưa bằng mi.
- Vậy hả? Biết vậy thì tốt.
Em đứng lên:
- Thôi về đi.
- Không chờ ai sao?
- Chờ ai ?
- Chàng chẳng hạn như con nhỏ Rosy trong Ryan’s daughter.
Ryan’s daughter. Cuốn phim xem tuần trước làm cho em buồn buồn nhớ lại một mối tình chênh lệch mọi thứ kể cả tuổi tác và kinh nghiệm sống. Cô bé Rosy lãng mạng và anh chàng thầy giáo tội nghiệp. Họ sống với nhau không hạnh phúc như họ tưởng. Phần ngoại cảnh được quay phần lớn trên biển. Những dấu chân nhỏ nhắn của cô bé tìm lại dấu chân của ông thầy giáo. Chiếc mũ nỉ đầy cát không dấu được những cuộc đi chơi vụng trộm. Em muốn khóc khi đọc mẩu đối thoại giữa 2 người:
- Rosy vừa đi dạo biển về phải không?
- Không.
Người chồng lặng lẻ rũ cát trên chiếc mũ nỉ xuống đất và lặng im. Tha thứ thêm một lần không biết thứ bao nhiêu, và:
- Anh biết hết mọi chuyện sao không nói với em?
- Anh chỉ muốn cho em hạnh phúc.
Nhưng rồi lòng khoan nhân và cao thượng ấy không làm hồi tâm cô vợ trẻ lãng mạng liều lĩnh đam mê. Cuối cùng họ đã ra đi, một cuộc ra đi đầy nước mắt... Ngự Đàn cầm tay em:
- Nghĩ gì đó Công Chúa ?
Những lúc chọc em, tụi bạn vẫn gọi bằng công chúa hay bằng thi sĩ, những chữ ấy chỉ dễ thương khi thốt ra từ miệng bạn em thôi.
- Không nghĩ gì cả.
- Chứ không phải nghĩ đến...
Em trừng mắt, ỷ tụi bạn cưng nên em thường hay ăn hiếp tụi nó:
- Ai ?
- Một loài chim quý hiếm !
Em đấm vào vai Ngự Đàn, cong môi:
- Xịa !
Chẳng biết bắt chước ai, em hay nói chữ "xịa" như Hạnh Nhân với chữ "còn khuya", An Như với chữ "Giỡn!" trong những lúc không bằng lòng. Có lẽ đó là những từ ngữ riêng của mỗi người.
Thả em trước cửa ngõ, Ngự Đàn vẫy tay:
- Về nhé, chúc ăn ngon.
Em cười cười, chạy vào nhà. Chị Diễm chận lại ở phòng khách:
- Trốn học đi chơi !
- Dạ không, thầy Huy nghỉ.
- Có thư của Hoàng Ngâu trên phòng.
- Thư ai vậy chị ?
- Không để ý.
Em phóng lên những bậc thang, thay nhanh quần áo, em vội đến bàn học. Thư của Hoàng, tên của loài chim quý mà Ngự Đàn vừa nhắc đến. Em xé nhẹ nhàng một góc thư.
*
* *
- Sao buồn vậy Ngâu ?
Em lắc đầu, cố dấu:
- Không, Ngâu có buồn gì đâu ?
Chị Diễm ngồi xuống cạnh giường em:
- Thấy Ngâu có vẻ ủ rũ, có bịnh gì không ?
Em uể oải kéo tấm drap mỏng đắp ngang người:
- Có lẽ, em hơi nhức đầu.
- Uống thuốc không, chị lấy ?
- Thôi chị Diễm, em nằm nghỉ một chút hết ngay.
Chị Diễm chồm qua người em với tay khép cánh cửa sổ, em ngăn lại:
- Đừng chị.
- Gió làm nhức đầu thêm đó em.
Em bướng bỉnh:
- Em muốn nhìn ngoài kia.
- Có cái gì mà nhìn Ngâu ?
Em đáp mơ hồ mà không nghĩ đến câu mình nói:
- Những cánh chim, cứ bay mãi...
- Sao em ??
Em chống tay ngồi dậy, tựa lưng vào chiếc gối ôm:
- Mình không thể bắt chúng được phải không chị Diễm. Chúng đâu là của riêng ai...
Chị Diễm vuốt má em, dỗ dành:
- Có chuyện gì không Ngâu, đừng nghĩ vẩn vơ như thế nữa.
Tự nhiên em nói một câu mà mình không ngờ rằng sẽ nói vì lòng kiêu hãnh và tự ái ắp đầy không cho phép:
- Em buồn, em...
Chị Diễm cầm tay em, dịu dàng khuyên dỗ:
- Em còn nhỏ lắm, Ngâu. Có chuyện gì hãy nói với chị đi. Chị không phải là chị ruột Ngâu, nhưng chị nghĩ rằng Ngâu tin chị và thương chị. Gánh nặng sẽ nặng hơn khi ta phải gánh lấy một mình. Ngâu sẽ nguôi khuây khi nói được với một người nào đó.
Em lắc đầu:
- Nhưng em không biết rằng điều gì đã làm em buồn cả. Tự nhiên em thèm được bay như chim, hay được nằm xuống, không lo nghĩ, không vướng bận...
Chị Diễm đứng lên:
- Có lẽ Ngâu bịnh nên buồn buồn đó thôi, gắng nằm ngủ một chút. Sau giấc ngủ mọi sự sẽ khác đi.
Chị Diễm rời phòng, bóng chị khuất qua khung cửa.
“Nói được với ai đó Ngâu sẽ nguôi khuây” nhưng em nói với ai bây giờ. Bạn bè thì vô tư như chim, hơn nữa em không muốn chúng nhìn rõ những yếu đuối của tâm hồn mình, với bạn, em là chim sáo nhỏ, là cô bé nghinh nghinh như bạn bè thường gọi. Nói với mẹ, không. Em không thể. Mẹ cưng chìu em, dưới mắt mẹ, em lúc nào cũng là bé Ngâu ốm yếu bé nhỏ như những ngày thơ ấu.
Nhưng mẹ không bao giờ ngờ rằng có những đổi thay lớn lao trong tâm hồn em. Bé Ngâu của mẹ không còn những hồn nhiên như những ngày xưa cũ. Hay nói với chị Diễm? Được không, chị Diễm thương mến của em hiểu em hơn em tưởng. Tờ thư của Hoàng với những giòng chữ ngạo nghễ nối nhau: “Hoàng Ngâu giúp dùm anh đi, tán ra tán vào một tí. Anh chưa dám nói gì với Diễm vì thấy... hơi sờ sợ. Chị em cô ai cũng kiêu căng bỏ xừ. Nói chơi thôi chứ trăm sự nhờ tay Hoàng Ngâu, ơn trọng đại đó cô bé...”
Em muốn kêu lên, Hoàng là bạn em cơ mà! Chị Diễm, em có giận chị được không? Chị vô tình có biết gì đâu. Và Hoàng, Hoàng cũng có quyền lựa chọn chứ. Giữa em nhỏ nhắn dại dột và chị Hoàng Diễm xinh xắn khôn khéo, dĩ nhiên, Hoàng sẽ chọn chị Diễm. Nếu là con trai chắc em cũng vậy thôi...
Em chống tay nhoài mình ra thành cửa sổ, trời đã nhá nhem tối, các vì sao mới mọc nhấp nhánh như những đôi mắt ướt, em đưa tay lên dụi mắt, tiếng nhạc từ phòng khách vọng lên như một bài ca quen thuộc mà em không biết tên:
... Yêu hết một mùa đông,
Không một lần đã nói
Gió bên thềm thổi mãi...
Nước mắt em rơi ra dễ dàng quá đỗi. Em ghét mình không nén nổi những cảm xúc. Co phải chăng những biểu lộ bất ngờ nhất là những phút sống thực của chính mình. Em mím môi ngăn những giọt lệ, được khóc ngon lành thoải mái biết bao nhiêu, nhưng em không cho phép mình thực hiện điều ấy. Những giọt lệ, chúng chỉ được phép lăn âm thầm giữa những nỗi buồn chất ngất trong tim. Em muốn can trường một chút bằng cách ôm nỗi buồn riêng không cần một ai san sẻ. “Thật can trường khi phải ôm nỗi buồi riêng không một ai chia xẻ”. Em đã chẳng viết câu nói của R. Tagore trong THE GARDENER vào đầu trang nhật ký đó sao.
Nhưng có lẽ em không dấu được hồn mình, nỗi buồn sẽ tan mau theo những giọt nước mắt, em ôm mặt mình khóc cho những giọt lệ tràn qua kẽ tay. Một lần này thôi, rồi đứng lên, thản nhiên, vững mạnh và ngạo nghễ.
Em chỉ mới có 18 tuổi thôi, có phải thế không?
Em nghĩ rằng mình sẽ quên Hoàng nhanh chóng. Có gì đâu. Hoàng chỉ là mẫu người bạn em ưa thích: vui tính, chân thật, phóng khoáng và có đôi chút nghệ sĩ tính... như Luân, Vũ, Triệu, Kha... Thế thôi, em không yêu Hoàng, đó là những cảm xúc thoáng qua, những rung động nhất thời. Em cố dỗ mình bằng những ý nghĩ như thế. Vũ Phượng Hoàng. Cái tên cao ráo, sạch sẽ, dễ thương, trên trung bình 6 điểm, Hạnh Nhân “cho điểm” như thế đó, nó còn phê bình rằng thua ông Kiên xa lắc. Em giận nhỏ hết ba ngày. Tích Hương thông minh hơn, em thích cái nhạy cảm của nhỏ. Thấy em buồn buồn, một hôm Tích Hương đến nhà em, trưa chủ nhật nắng hanh hao. Ngồi bó gối trên giường em, nhỏ đòi nghe cuộn băng “nửa khuya” toàn những bài tình ca êm dịu em thâu ngoài thương xá Độc Lập, em có những cuộn băng đặc biệt, cuộn thì nghe buổi trưa, cuộn thì nghe buổi tối... Có những bản nhạc thì nghe buổi trưa mới hay, có những bản nhạc thì nghe nửa khuya mới thấm thía. Chìu nhỏ, em cho cuộn băng vào cassette. Mở đầu là đoạn hòa tấu sầu CHOPIN.
- Buồn.
Tích Hương đưa tay tắt máy; em ngạc nhiên:
- Vừa đòi nghe xong kêu buồn, nhiều chuyện !
- Cấm không cho buồn hở?
- Không cấm, nhưng ghét ai nhiều chuyện. Vui đó, buồn đó, dòn cười tươi khóc vô duyên.
Tích Hương nằm tựa đầu vào thành cửa sổ:
- Cạn lời chưa ?
Em nghinh mặt:
- Rồi có thắc mắc khiếu nại chi không ?
Tích Hương thản nhiên:
- Có.
- Điều gì ?
- Vũ Phượng Hoàng.
Câu nói của nhỏ làm nhói tim em một cái. Vũ Phượng Hoàng, Tích Hương biết gì về chuyện ấy. Em đã nói với ai đâu, kể cả Hoàng, kể cả chị Diễm. Bức tranh HOÀNG NGÂU 18 tuổi em xoay vào trong vách, còn trơ cái gáy gỗ buồn thảm ra ngoài, ngủ yên đi nghe Hoàng Ngâu, em đã nói thầm khi quay cô bé Hoàng Ngâu trong mộng tưởng của Hoàng vào trong vách, ngủ yên và đừng bao giờ thức dậy đừng chứng kiến những đổi thay trong hồn người, những đổi thay luôn luôn bao hàm ý hướng bội bạc và đau khổ. HOÀNG NGÂU 18 tuổi. Ta đã 18 tuổi từ hôm nào rồi sao? Em quý Tích Hương, yêu thích cái vẻ thông minh của nhỏ, thông minh và tế nhị. Nhưng không phải vì thế mà em kể cho nhỏ nghe những biến chuyển của hồn mình, không phải vì thế mà em phơi mở cho nhỏ thấy một góc hồn chùng chùng yếu đuối. Những người bạn thân sơ, họ đều nhìn em qua cái dáng rộn ràng vui vẻ, Hoàng Ngâu là tiếng cười rộn rã, là chim nhỏ mang mùa xuân, là bướm trắng chở niềm vui. Em bình thản hỏi Tích Hương:
- Mi muốn hỏi gì về anh chàng Trung úy pháo binh nớ ?
Tích Hương tròn đôi mắt nâu dò hỏi:
- Hắn đâu rồi ?
- Về Vĩnh Long, có nhắn nhủ điều chi không?
- Có, nhắn hắn đừng nên yêu một cô bé không tim.
Đừng yêu một cô bé không tim! Nhưng Hoàng có yêu em đâu, Hoàng yêu chị Diễm, chắc thế... Em nhăn mặt:
- Ta không có trái tim ?
- Có, nhưng bằng đá, khó vỡ, khó xiêu.
Em mím môi:
- Nhưng trái tim ta đã vỡ rồi đó Tích Hương!
Tích Hương nhìn em, đôi mắt của nhỏ ăm ắp những mến thương. Có lẽ suốt đời em sẽ không bao giờ tìm gặp lại thứ tình bạn tuyệt vời như những năm Trung Học.
- Ta không tin như thế, chắc mi đã lầm.
Em gật đầu:
- Lầm, ta hy vọng rằng mình đã lầm. Không ai đoán được tình cảm của mình. Không ai đo lường được...
Đáng lẽ em không nên nói ra những điều ấy với Tích Hương, tự ái và lòng kiêu hãnh không cho phép, nhưng Tích Hương cũng đủ thông minh để đoán biết những gì em còn giữ riêng mình những mảnh đời biệt lập, không thể chia buồn chung vui gì được cả.
Em nhìn thấy những điều ấy trong giọng nói ngập ngừng của Tích Hương:
- Hoàng Ngâu à, mi... hạnh phúc và đầy đủ quá đừng khi nào chạy theo một... bóng ảo nào cả. Có thể điều ấy làm mình khôn lớn hơn chút nhưng có ích lợi gì đâu ? Vấp ngã, dĩ nhiên rồi cũng quen đi, nhưng cố gắng để khỏi vấp ngã thì hơn chứ ta nghĩ mi không dại dột để lầm tưởng một điều gì, không ngây thơ để làm một điều gì không phải...
Câu nói vẩn vơ của Tích Hương không rõ ràng lắm như một lời khuyên nhủ, em không dễ dàng chấp nhận những lời khuyên bất cứ từ ai... Mẹ vẫn mắng em bướng bỉnh, bố vẫn là em ngoan cố. Những gì thiên hạ khuyên em, em ưa làm ngược lại, không phải là cố ý tạo một vẻ khác người, nét lập dị gì cả, mà là chỉ để... chọc tức, thế thôi, có lẽ đó là tính xấu của những cô bé quen được nuông chìu... Em phản đối:
- Mi nghĩ gì khi nói với ta những điều như vậy ??
Tích Hương nhìn em chăm chú:
- Nghĩ rằng Hoàng Ngâu làm một điều gì không phải, cũng không hẳn như thế. Nhưng không còn những cá tính đặc biệt như xưa.
Em nhăn mặt:
- Mi ăn nói mất trật tự, ta không hiểu.
Tích Hương cười nhẹ:
- Muốn hiểu rõ hơn sao? Hoàng Ngâu hết còn thông minh rồi...
Em xoay tròn chiếc ghế nệm:
- Sốt ruột.
Tích Hương nhắm mắt, con nhỏ có hàng mi cong cong dễ thương:
- Mi hãy nghĩ kỹ đi, mi yêu Hoàng! Đừng chối cãi điều đó. Vì không có chi là tội lỗi cả, ai cũng vậy thôi... Mình có quyền yêu một hình ảnh đẹp thì tại sao lại không được phép yêu một người... hợp nhãn ?
Em cố đùa:
- Ừ, để ta nghĩ kỹ thử. Hoàng cũng được đó chứ hở Tích Hương?
Tích Hương so vai:
- Không chê được chỗ nào.
Em cười:
- Vậy nếu ta cảm thấy không yêu thì “sang” lại cho mi nhé !
- Ta đâu phải cái thùng rác cho nhà ngươi liệng đồ phế thải ?
Em bảo Tích Hương khép cửa sổ và nằm xuống giường của chị Diễm:
- Đừng nói chuyện Hoàng nữa. Hắn sẽ ăn không ngon, ngủ không yên.
- Ừ, ta stop. Để hắn bình yên mà... lội bùn.
Em nhoài người qua bàn vặn cassette, tiếng nhạc nho nhỏ vang lên nối tiếp bài sầu CHOPIN đang dở. Nhất định em sẽ bắt anh Tiên tập bản này mới được...