KINH XẾ SÁNG
Tác giả: Umberto Eco
Tu viện trưởng
giao nhiệm vụ cho William
Viên quản hầm tướng người mập mạp, hình dáng trông thô lỗ nhưng vui tính, tóc đã bạc nhưng sức vẫn cường tráng, người nhỏ nhưng nhanh nhẹn. Hắn đưa chúng tôi về phòng dành cho thầy tôi trong nhà khách và hứa trễ nhất là ngày mai sẽ dọn cho tôi một phòng khác, vì tuy tôi chỉ là một tu sinh, tôi vẫn là khách của họ, và do đó sẽ được họ đón tiếp ân cần. Tạm thời, tối nay tôi sẽ ngủ trong một hốc đá dài và rộng ăn sâu trong tường, và hắn sẽ trải lên đó một ít rơm mới sạch sẽ.
Sau đó, các tu sĩ mang đến cho thầy trò tôi rượu nho, phô mai, ô liu, bánh mì và nho khô hảo hạng, và để chúng tôi tự do. Chúng tôi ăn uống rất ngon miệng. Thầy tôi không có thói quen khắc khổ của dòng Benedict và không ưa ăn uống trong im lặng. Do đó, ông luôn nói đến những chuyện thật hay, thật khôn ngoan, như thể một tu sĩ đang đọc cho chúng tôi nghe về cuộc đời của các bậc thánh.
Hôm đó, tôi không sao nén được tính hiếu kỳ muốn hỏi thêm thầy tôi về chuyện con ngựa:
- Tuy nhiên, khi thầy phát hiện dấu chân ngựa trên mặt tuyết và các nhành cây gãy, thầy vẫn chưa biết đó là Brunellus. Trên một mặt nào đó những dấu chân này cũng giống như dấu chân của tất cả những con ngựa khác, hay tối thiểu của tất cả con ngựa cùng loài. Phải chăng, chúng ta nên nói rằng quyển sách thiên nhiên chỉ vẽ cho ta thấy những đặc thù nhất, như các nhà thần học lỗi lạc đã từng dậy?
- Không hoàn toàn như thế, Adso thân mến ạ. Quả là loại dấu chân đó gợi cho ta một khái niệm về "ngựa" và có lẽ sẽ gợi cho ta một khái niệm y hệt như vậy ở bất kỳ nơi nào ta tìm thấy nó. Nhưng dấu chân ở địa điểm đó, thời điểm đó, cho ta biết tối thiểu đã có một trong tổng số ngựa tình nghi đã đi ngang qua con đường này. Như thế ta rơi vào tình trạng phân vân lưỡng lự giữa khái niệm "ngựa" chung chung và nhận thức vê một con ngựa riêng lẻ. Và dầu ở tình huống nào đi nữa, các dấu vết đặc thù đó đã cho ta sự hiểu biết về một con ngựa tiêu biểu chung. Ta có thể nói rằng, lúc đó ta bị giằng co giữa hai phía, nửa hoang mang trước các dấu vết khác thường, nửa phân vân mơ hồ trước một khái niệm chung chung mang hình dạng mờ mờ nhạt nhạt. Nếu con từ đằng xa trông thấy một vật gì đó và chưa biết nó là gì cả, con sẽ sẵn sàng mô tả nó như một hình khối nào đó. Khi con đến gần hơn, con sẽ miêu tả đó là một thú vật, mặc dù chưa biết nó là ngựa hay lừa. Và cuối cùng, khi nó đến gần hơn nữa, con sẽ có thể bảo rằng đó là một con ngựa, dù vẫn chưa biết nó tên Brunellus hay Niger. Và chỉ khi đến gần một khoảng cách thích hợp, con mới thấy rằng nó là con ngựa Brunellus. Khi đó, nhận thức về vật đơn lẻ sẽ là nhận thức hoàn thiện. Do đó, một giờ trước đây, ta có thể nghĩ đến mọi giống ngựa, ấy không phải vì trí tuệ bao quát của ta, mà vì giả thuyết còn quá ít ỏi. Và trí tuệ hiếu kỳ của ta chỉ được thỏa mãn khi trông thấy chú ngựa các tu sĩ cầm cương dắt đi. Chỉ khi ấy ta mới thực sự biết rằng sự suy diễn của ta trước đây đã đưa ta tiếp cận sự thật.
Trong những lần trước, tôi vô cùng hoài nghi khi nghe thầy bàn đến các tư tưởng chung chung, nhưng tôi rất khâm phục khi thầy nói đến các sự vật cụ thể; về sau, tôi cũng cho rằng ông có khuynh hướng này vì ông là tu sĩ của cả dòng Briton lẫn Francisco. Tuy nhiên, ngày hôm đó, ông chẳng có sức đâu để đối đầu với các cuộc tranh cãi mang tính thần học, do đó tôi bèn trùm chăn, cuộn mình vào trong hốc và ngủ thiếp đi.
Bất kỳ ai bước vào cũng có thể nhầm tôi với một đống gì đó. Và hẳn Tu viện trưởng cũng tưởng như vậy khi người viếng thầy William khoảng ba giờ sau khi chúng tôi đến. Thế nên tôi có thể lắng nghe cuộc nói chuyện giữa hai người mà chẳng bị ai để ý cả.
............................
Thế rồi, Cha bề trên đến, Cha xin lỗi đã làm phiền và nhắc lại lời chào mừng chúng tôi đã đến thăm, đoạn bảo Cha cần nói chuyện riêng với thầy William về một điều hết sức nghiêm trọng.
Cha khởi đầu câu chuyện bằng lời ngợi khen vị khách về tài năng của ông, thể hiện qua chuyện con ngựa vừa qua, và hỏi thầy làm cách nào có thể cung cấp những tin tức về con vật mà ông chưa hề trông thấy một cách tự tin như vậy. Thầy William nhẹ nhàng lược giải cho Cha nghe cách suy luận của mình, và Cha hết lời ca tụng tài phán đoán nhanh nhạy của ông. Cha bảo Cha đã đón đợi một tài năng như thế từ một người thông thái như Thầy William. Cha đã nhận được một lá thơ từ Tu viện trưởng Farfa, trong đó không chỉ đề cập đến sứ mệnh của Thầy William đối với Hoàng đế, mà còn viết rằng thầy tôi đã xử nhiều vụ án ở Anh và Ý, nổi danh là một phán quan sáng suốt, tài đức vô cùng khiêm tốn. Cha tiếp:
- Cha cũng rất vui được biết trong nhiều vụ án, con đã quyết định cho bị cáo được trắng án. Chưa bao giờ hơn những ngày đau buồn này, Cha tin vào sự hiện hữu thường xuyên của quỷ dữ trong đời người, - Cha kín đáo nhìn quanh như thể kẻ thù đang chập chờn ẩn nấp trong các bức tường – nhưng Cha cũng tin rằng Quỷ dữ gieo ác qua những tác nhân thứ hai. Cha biết nó có thể xúi giục nạn nhân làm điều ác theo một cách nào đó, sao cho tội lỗi rơi xuống đầu người lương thiện, và quỷ dữ cũng sẽ reo vui khi thấy anh ta bị thiêu rụi thế chỗ cho nữ yêu tinh của nó. Để biểu lộ lòng nhiệt tâm của mình, các phán quan thường dùng mọi cách để buộc bị cáo phải nhận tội, nghĩ rằng một phán quan giỏi ở Toà án Tà đạo phải là người tìm ra một kẻ giơ đầu chịu báng để kết thúc vụ án...
- Phán quan cũng có thể bị quỷ dữ xúi giục.
- Có thể, - Tu viện trưởng dè dặt công nhận, - vì lưới trời lồng lộng, hỏi ai có thể nhìn thấu suốt được. Nhưng Cha không mảy may nghi ngờ những phán quan xứng đáng như vậy. Sự thật, hôm nay Cha cậy đến con với tư cách một phán quan. Trong tu viện này đã xảy ra một việc cần đến sự quan tâm và cố vấn của một người sắc sảo, thận trọng như con đây. Sắc sảo, trong việc khám phá, và thận trọng, nếu cần thiết, trong việc che chở. Nếu có một kẻ chăn chiên lầm lạc, kẻ ấy phải được cách ly khỏi những người chăn chiên khác, nhưng thật đau buồn cho chúng ta nếu để con chiên bắt đầu mất lòng tin vào những người chăn chiên.
- Con hiểu ý Cha - Thầy William đáp.
Tôi đã có dịp quan sát khi thầy tôi đối đáp mau lẹ và lịch sự như thế, ông thường thật thà che dấu sự hoang mang hay bất đồng ý kiến của mình.
Tu viện trưởng tiếp:
- Vì lý do đó, Cha nghĩ Cha chỉ có thể phó thác kẻ chăn chiên lầm lạc cho những người như con, những người không chỉ có khả năng phân biệt thiện, ác, mà còn biết làm điều gì có lợi, điều gì không. Cha mong rằng con chỉ tuyên án một khi...
- ...bị cáo thực sự đã gây tội ác, đã thuốc chết người, đã làm băng hoại những tâm hồn trong trắng, hay đã gây ra những tội lỗi ghê tởm khác mà miệng con chẳng dám nói ra...
- ... con chỉ tuyên án khi, - Tu viện trưởng tiếp, chẳng màng đến lời cắt ngang ban nãy - sự hiện diện của Quỷ dữ quá hiển hiện trước mắt mọi người, đến nỗi không thể hành động khác hơn được, và nếu ta nhân từ thì sự khoan dung sẽ còn gây tai tiếng hơn chính bản thân tội ác.
- Khi con buộc tội phạm nhân - Thầy William giải thích, - kẻ ấy phải thực sự là người đã gây ra những tội ác vô cùng nghiêm trọng, đến nỗi lương tâm buộc con phải giao phạm nhân cho quân đội thế tục.
Tu viện trưởng tỏ vẻ hoang mang trong một lúc.
- Tại sao con cứ khăng khăng cho rằng các hành động tội ác không do quỷ dữ gây nên chứ?
- Vì lý giải về quan hệ nhân quả là một điều rất khó khăn và con tin rằng Chúa là vị quan toà duy nhất có thể xét xử điều này... Giả sử một người đã bị thuốc chết. Đó là một dữ kiện. Theo một số dấu hiệu không thể phủ định, con có thể tưởng tượng rằng kẻ đầu độc là người thứ hai. Dựa vào những chuỗi nhân quả đơn giản như vậy, trí tuệ con có thể tự tin mà hoạt động. Nhưng làm sao con có thể phức tạp hoá chuỗi quan hệ đó bằng cách tưởng tượng rằng, để gây ra tội ác đó đã có một sự can thiệp khác không phải của con người, mà là của ma quỷ? Con không nói rằng điều này không thể xảy ra: Quỷ sứ, giống như con ngựa quý Brunellus của Cha, cũng thể hiện đường đi của nó qua những dấu hiệu rõ ràng. Nhưng tại sao con lại phải đi săn lùng những bằng chứng này cơ chứ? Chẳng phải việc con biết rằng kẻ gây tội là một con người và con phải giao người đó cho luật đời chưa đủ hay sao? Dù thế nào đi nữa, kẻ ấy sẽ lãnh án tử hình, xin Chúa tha thứ cho hắn!
- Nhưng Cha có nghe nói đến một vụ án ở Kilkenny cách đây ba năm, trong đó vài kẻ nào đó bị buộc đã phạm một số tội ác ghê tởm, và sau khi xác định được phạm nhân, con đã không phủ nhận sự can thiệp của Quỷ dữ trong tội lỗi đó.
- Nhưng con cũng chẳng công nhận nó. Quả thực con không phủ nhận. Con là ai mà có thể phán xét mưu đồ của Quỷ sứ chứ, đặc biệt, - thầy tiếp, dường như muốn nhấn mạnh lý do này, - đối với các vụ án, trong đó những người đã khởi xướng việc xét xử như Đức Giám mục, các quan toà tỉnh, toàn thể công chúng, có lẽ kể cả các bị cáo nữa, đều thực tình mong muốn cảm nhận sự hiện diện của Quỷ? Đó, có lẽ bằng chứng có thật duy nhật về sự hiện diện của Quỷ là sự nôn nóng, khao khát của mọi người khi ấy, mong được biết Quỷ đang ra tay.
- Có phải con muốn bảo Cha rằng, - Tu viện trưởng nói, giọng lo lắng, - trong nhiều vụ án, Quỷ không chỉ xuất hiện trong bản thân phạm nhân, mà có lẽ và hơn hết, trong các vị phán quan?
- Con có thể tuyên bố như thế chăng? - Thấy William hỏi lại và tôi để ý thấy cách Thầy đặt câu hỏi khiến Tu Viện trưởng không thể khẳng định câu trả lời. Do đó, Thầy bèn lợi dụng sự im lặng của Cha để đổi hướng câu chuyện – nhưng dù sao đi nữa, những điều này thảy đều xa vời quá. Con đã từ bỏ công việc cao quý đó và nếu con làm thế, ấy chính là do ý Chúa...
- Hẳn nhiên rồi, - Tu viện trưởng công nhận.
- ...Còn bây giờ ? - Thầy William tiếp, - con quan tâm đến những vấn đề tế nhị khác. Và nếu Cha vui lòng kể, con muốn bàn đến vấn đề đang khiến Cha ưu phiền.
Tôi cảm thấy Tu viện trưởng rất hân hoan đã kết thúc được cuộc tranh cãi và quay trở lại vấn đề Cha quan tâm. Cẩn thận chọn từng từ một, vừa nói vừa giải thích thêm rất lâu, Cha bắt đầu kể về một sự kiện bất thường vừa xảy ra cách đây ba hôm, khiến mọi tu sĩ hết sức lo buồn. Tin thấy William là người có kiến thức uyên thâm về cả tâm lý con người lẫn các mưu ma chước quỷ, Cha kể thầy nghe việc này với hy vọng thầy sẽ dành một phần thời gian quý báu của mình để soi sáng sự bí ẩn đau thương này. Chuyện xảy ra như sau:
Adelmo là một tu sĩ tuy còn trẻ nhưng đã nổi tiếng là một họa sĩ minh hoạ bậc thầy, Huynh đã liên tục trang trí các bản thảo trong thư viện với những hình vẽ đẹp nhất. Một sáng nọ người chăn dê phát hiện xác Huynh dưới chân vách đá, bên dưới toà Đại Dinh. Các tu sĩ trong ca đoàn thấy Huynh trong buổi Kinh Cuối, nhưng Huynh không có mặt trong buổi Kinh Sớm, do đó, có lẽ Huynh đã rơi xuống vách đá trong khoảng đêm khuya thanh vắng. Đó là một đêm có bão tuyết lớn, màn tuyết sắc như dao đổ xuống tựa mưa đá, theo cơn gió cuồng bạo từ phía Nam thốc tới. Xác chết được phát hiện ở chân vỉa đá dốc, thân bị đá trên đường lăn xuống cứa nát, mình ướt đẫm tuyết, ban đầu tan thành nước, sau đóng lại thành từng mảng băng. Xin Chúa ban phước cho tử thi tội nghiệp, yếu đuối đó. Do thi thể đã tan nát vì rơi xuống quá nhiều tầng lớp đá, khó có thể khẳng định chính xác Huynh đã rơi xuống từ điểm nào: nhưng rõ ràng là từ một trong các dãy cửa sổ quanh ba tầng lầu, trên bốn mặt của ngọn tháp giáp với vực thẳm.
- Cha cho chôn xác ở đâu?
- Đương nhiên là trong nghĩa trang. Có lẽ con đã để ý thấy: nó nằm ở giữa mạn Bắc của giáo đường, Đại Dinh và vườn rau.
- Con biết, và con thấy vấn đề của Cha như sau: nếu tu sĩ đáng thương đó tự tử, ngày hôm sau Cha phải thấy một cánh cửa sổ bị mở ra, nhưng đằng này Cha thấy mọi cửa sổ đều đóng và khắp các cửa sổ đều không có một vệt tuyết nào.
Như tôi đã nói, Tu viện trưởng là một người mang vẻ điềm tĩnh rất đáng khâm phục của một nhà ngoại giao, nhưng lần này, Cha kinh ngạc ra mặt và sửng sốt hỏi : - Ai nói cho con biết?
- Chính Cha đã kể cho con. Nếu cánh cửa sổ mở, Cha hẳn phải nghĩ ngay rằng Huynh ấy đã tự mình lao ra ngoài. Căn cứ theo những gì con thấy ở phía ngoài, các cửa sổ đều rộng, gắn kính mờ, và loại cửa sổ như thế, trong toà nhà cỡ này, thường không đặt ở tầm cao ngang đầu người. Do đó, thậm chí cửa sổ có mở chăng nữa thì nạn nhân đáng thương ấy hoàn toàn không có khả năng ló đầu ra ngoài và mất thăng bằng được. Như vậy, tự tử sẽ là cách giải thích duy nhất ta có thể nghĩ ra, nhưng trong trường hợp đó, Cha sẽ chẳng cho phép chôn Huynh ấy trong đất Thánh. Nhưng do Cha đã cử hành tang lễ theo phép thánh, các cửa sổ nhất định phải khép kín. Và vì các cửa sổ đều khép, và vì con chưa hề nghe thấy, thậm chí trong các vụ án xử bọn phù thuỷ đi nữa, một xác chết nào lại được Chúa hay Quỷ cho phép leo ngược từ vực thẳm lên để xoá dấu tích tội lỗi của mình: như thế rõ ràng nạn nhân mà ta cho là đã tự tử, ngược lại, đã bị đẩy tới từ phía sau, hoặc là do một bàn tay con người hoặc là do một ma lực nào đó. Và Cha đang tự hỏi kẻ nào đã có khả năng, con không nói là đẩy nạn nhân xuống vực thẳm, mà là nâng được nạn nhân lên đến bệ cửa sổ. Cha đang rất ưu phiền vì một thế lực độc ác, không biết tự nhiên hay siêu nhiên, đang hoành hành trong tu viện.
- Chính như thế... – Tu viện trưởng đáp, và không rõ Cha đang khẳng định lời Thầy William hay chấp nhận cách suy luận mà thầy đã nêu ra một cách chặt chẽ và đáng khâm phục. – Nhưng làm thế nào con biết dưới chân các cửa sổ không có tuyết?
- Vì Cha đã kể gió Nam đang thổi, và gió Nam không thể cuốn tuyết bám vào những cửa sổ quay về hướng Đông.
- Cha thật chưa biết hết tài năng của con. Con nói đúng, không có vết tuyết, và bây giờ Cha đã hiểu tại sao. Tất cả mọi việc đều như con nói, và bây giờ con đã hiểu nỗi lo lắng của Cha. Nếu linh hồn ô uế của một trong các tu sĩ của Cha đã xui hắn phạm cái tội đáng ghét là tự tử thì việc đó cũng đủ nghiêm trọng lắm rồi. Nhưng Cha có đủ lý do để nghĩ rằng còn có một tu sĩ khác hẳn đã ô uế linh hồn bởi một tội lỗi cũng kinh khủng không kém. Và nếu tất cả là thế...
- Thứ nhất, tại sao là một tu sĩ chứ? Trong tu viện còn có bao nhiêu người khác, người chăn ngựa, chăn dê, tôi tớ...
- Đúng vậy, tu viện tuy nhỏ nhưng rất giàu, - Tu viện trưởng tự mãn xác nhận - một trăm năm mươi tôi tớ phục vụ sáu mươi tu sĩ. Nhưng mọi việc đều xảy ra trong Đại Dinh. Có lẽ con đã biết đó, tầng trệt của Đại Dinh là nhà bếp và nhà ăn, còn hai tầng trên là phòng biên khảo và thư viện. Tuy nhiên, Đại Dinh được khoá chặt sau bữa tối, và tuyệt đối cấm tất cả mọi người vào Đại Dinh khi đó. – Cha đoán được câu hỏi kế của Thấy William và lập tức nói thêm, dù rõ ràng là với vẻ vô cùng miễn cưỡng – Đương nhiên là kể cả các tu sĩ, nhưng...
- Nhưng sao?
- Nhưng Cha hoàn toàn phủ nhận, hoàn toàn, con hiểu chứ - khả năng một tôi tớ bạo gan đột nhập Đại Dinh vào ban đêm. – Trong đôi mắt Cha loé lên một nụ cười, tuy ngắn như một tia chớp hay tia sao xẹt, nhưng lộ vẻ thách thức. – Ta hãy giả định rằng, nếu việc ấy xảy ra thì chúng sẽ rất kinh khủng, con biết đấy... đôi khi lệnh ban ra cho những kẻ chất phác phải kèm theo sự đe doạ ngầm rằng, kẻ nào bất tuân sẽ phải chịu một tai hoạ kinh khủng, một sự trừng phạt của siêu nhiên. Trái lại, một tu sĩ...
- Con hiểu.
- Ngoài ra, một tu sĩ sẽ có những động cơ thúc đẩy anh ta liều lĩnh đột nhập một nơi cấm. Cha muốn nói đến những động cơ rất... hợp lý, mặc dù không hợp pháp.
Thầy William để ý thấy thái độ lúng túng của Cha Bề trên, bèn hỏi một câu có vẻ định đổi đề tài, nhưng câu hỏi ấy lại khiến Cha thêm lúng túng.
- Khi nói đến khả năng của một vụ cố sát, Cha có nói “Và nếu tất cả là thế”. Ý Cha muốn nói gì?
- Cha đã nói thế à? Không ai giết người vô cớ, dù nguyên cớ ấy có đồi bại đến đâu đi nữa. Và Cha run rẩy nghĩ đến những động cơ đồi bại xui khiến một tu sĩ giết chết một tu sĩ anh em của mình. Đó, ý Cha là thế.
- Không còn gì khác à?
- Cha không thể nói gì khác với con.
- Cha muốn nói là Cha không có quyền nói điều gì khác?
- Sư huynh William, Sư huynh William, Cha xin con – Tu viện trưởng nhấn mạnh từ “Sư huynh” hai lần.
Thầy William, đỏ bừng mặt nói : - Lời xưng tội phải được giữ tuyệt mật mãi.
- Cảm ơn con.
Chúa ơi, hai bậc bề trên của tôi đang bàn bạc về một điều bí ẩn kinh khủng xiết bao; một người, vì nõi lo lắng; còn người kia, do tính hiếu kỳ. Là một tu sinh trẻ người non dạ, mới tiếp cận với những điều bí ẩn trong giới tu sĩ thiêng liêng của Chúa như tôi đây, tôi cũng hiểu được Tu viện trưởng có biết một điều gì đó, nhưng chỉ biết điều đó qua lời xưng tội. Hẳn Cha đã nghe từ môi ai đó thốt lên một chi tiết tội lỗi, có liên quan đến kết cục bi thương của Adelmo. Có lẽ, vì lý do đó mà Cha khẩn cầu thầy William hãy khám phá ra điều bí mật chính bản thân Cha đã nghi ngờ, nhưng không thể bày tỏ cùng ai. Và Cha hy vọng rằng: trí tuệ phi thường của thầy tôi có thể soi sáng những nơi mà Cha, vì luật từ tâm cao cả, đã phải che đậy nó trong bóng tối.
- Thôi được, con có được phép thẩm tra các tu sĩ không?
- Được phép.
- Con có được phép đi lại tự do trong tu viện không?
- Cha ban cho con quyền đó.
- Cha giao cho con sứ mệnh này thể theo thức quân chủ?
- Ngay buổi tối nay.
- Tuy nhiên con sẽ bắt tay ngay ngày hôm nay, trước khi các tu sĩ biết sứ mệnh Cha đã trao cho con. Ngoài ra, con vô cùng khao khát và đó là một trong các động cơ chính dẫn đến chuyến viếng thăm của con ở đây – được tường lãm thư viện của Cha, vốn được các tu viện khắp xứ đạo hết lời ca tụng.
Tu viện trưởng đứng phắt dậy, mặt đanh lại – Như Cha đã nói, con có thể đi lại tự do trong khắp khuôn viên của Tu viện. Nhưng hãy nhớ, chớ có mon men tới tầng thượng của Đại Dinh, nơi thư viện tọa lạc.
- Tại sao lại không?
- Đáng lẽ Cha nên giải thích cho con hiểu trước, nhưng Cha lại nghĩ con đã biết rồi. Thư viện của chúng tôi không giống như các thư viện khác…
- Con biết nó có nhiều sách hơn mọi thư viện khác trong xứ đạo. Con biết so sánh với các kệ sách của Cha, các kệ sách của Bobbio hay Pomposa, của Cluny hay Fleury dường như chỉ là một căn phòng của thằng bé đang mò mẫm học tính toán. Con biết sáu ngàn quyển sách chép tay mà Novalesa vẫn thường khoe khoang cách đây hơn trăm năm, so với số sách của Cha chỉ là số lẻ, và có lẽ rất nhiều sách trong số đó đang được giữ tại đây. Con biết thư viện của Cha là ánh sáng duy nhất mà Ki-tô giáo có thể dùng để đối chọi với ba mươi sáu thư viện ở Bá Đạt với mười ngàn bản viết tay của Vizir Ibn al-Alkami; số kinh thánh của Cha tương đương với hai ngàn bốn trăm quyển Koran mà Cairo vẫn tự hào. Sự tồn tại thư viện của Cha là bằng chứng rực rỡ chống lại truyền thuyết tự phụ của những kẻ vô thần, mấy năm trước đây đã tuyên bố rằng thư viện phong phú ở Tripoli có đến sáu triệu quyển sách, tám mươi ngàn người viết dẫn giải và hai trăm người sao chép.
- Lạy chúa, con nói đúng.
- Con biết nhiều tu sĩ sống quanh Cha đã đến đây từ các tu viện nằm rải rác khắp thế giới. Vài người lưu lại đây một thời gian để chép lại những bản thảo không tìm thấy ở nơi khác và mang những bản sao đó về quê nhà, họ không quên mang đến trao đổi với Cha một bản thảo quí hiếm khác để Cha sao lại và làm giàu thêm kho tàng của Cha. Những người khác ở đây rất lâu, đôi khi có người ở đây cho đến chết, vì chỉ nơi đây mới có những tác phẩm soi sáng công trình nghiên cứu của họ: Do đó, quanh Cha có những tu sĩ Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Đa-sa. Con biết Hoàng đế Frederick cách đây rất lâu đã yêu cầu Cha biên soạn cho Người một quyển sách về các lời tiên tri của Merlin và dịch quyển đó sang tiếng Ả rập để gửi đi làm quà cho lãnh tụ Hồi giáo ở Ai Cập. Cuối cùng con biết một tu viện rực rỡ như Murbach trong thời kỳ thê lương này không còn lấy một quyển sách; ở tu viện thánh Gall chỉ còn lại vài tu sĩ biết viết; trong các thành phố ngày nay mọc lên các nghiệp đoàn, phường hội, bao gồm các thường dân làm việc cho các trường đại học, chỉ có tu viện của Cha là mỗi ngày một tái tạo mới hơn, và – con đang nói gì nhỉ? – ngày càng làm hiển danh dòng tu của Cha.
Tu viện trưởng trầm ngâm: - Tu viện không có sách vở giống như nền văn minh mà không có tác phẩm, như trại lính không quân sĩ, như nhà bếp không nồi niêu xoong chảo, như bàn tiệc không thức ăn, như vườn cây không cỏ, thảo nguyên không hoa, cây không lá… Dòng tu của chúng ta trưởng thành dưới hai yêu cầu: vừa tu vừa làm việc, vẫn còn nhỏ nhoi so với toàn thế giới. Nó là kho tri thức, là sự cứu rỗi của nền học vấn cổ đại đang có nguy cơ bị hỏa tai, cướp bóc, động đất, sự phát triển của văn hóa mới và sự gia tăng của văn cổ tiêu diệt… Ôi, như con biết rõ đấy, chúng ta đang sống trong một thời kỳ đen tối và ta hổ thẹn nói cho con hay rằng, cách đây không lâu, Hội đồng Thành phố Viên đã phải tái khẳng định là mọi tu sĩ đều phải thụ giới… Trong số các tu viện của chúng ta mà hai trăm năm trước đây từng chói lọi vẻ nguy nga thần thánh, có bao nhiêu cái đã trở thành nơi trú ẩn của những kẻ lười nhác. Dòng tu vẫn còn vững mạnh, nhưng mùi tanh tưởi từ các đô thị đang xâm lấn chốn thiêng liêng của chúng ta, các giáo dân bắt đầu phát sinh xu hướng bán buôn, bè phái; trong khu dân cư rộng lớn bên dưới kia, nơi linh hồn thánh thiện không còn chỗ ẩn náu, họ không chỉ nói ngôn ngữ thô tục mà còn dùng ngôn ngữ đó để viết sách, mặc dù những loại sách đó sẽ chẳng bao giờ lọt được vào nhà chúng ta – chúng nhất định sẽ trở thành phương tiện xúi giục của bọn tà giáo! Vì tội lỗi của nhân loại mà thế giới đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm, bị cuốn hút vào chính cái vực thẳm từ vực thẳm sinh ra. Ngày mai, như Horonius đã nói, con người sẽ nhỏ bé hơn chúng ta ngày nay, cũng như chúng ta bây giờ nhỏ bé hơn những người thời cổ đại. Thế giới sẽ già cỗi đi. Nếu Chúa đã giao cho dòng tu chúng ta một sứ mệnh, sứ mệnh đó chính là ngăn chặn nhân loại khỏi rơi xuống vực thẳm bằng cách giữ gìn, bảo vệ và kế thừa kho tàng tri thức cha ông đã ủy thác cho chúng ta. Đấng Thiên Mệnh đã phán rằng, chính quyền cai trị toàn thế giới, hồi lập thế ở phương Đông, khi thời gian xoay đến gần đích hoàn thiện sẽ chuyển về phương Tây, báo cho ta biết ngày tận thế sắp đến, vì quá trình diễn biến của các sự kiện đã đến sát ranh giới của vũ trụ. Nhưng cho đến khi thời hoàng kim được xác lập, cho đến khi ta chiến thắng bọn phản giáo súc sinh tanh tưởi, nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ kho báu của xứ đạo và gìn giữ từng lời dạy của Chúa, y như lời Ngài đã ban cho các bậc tiên tri và tông đồ, như các trường dòng hằng rao giảng, mặc dù trong các trường ngày nay, loài rắn độc của lòng tự mãn, ganh tị, ngu xuẩn đang làm tổ. Trong cảnh hoàng hôn điêu tàn hôm nay chúng ta vẫn là những ngọn đuốc sáng thắp cao trên nền trời. Và ngày nào những bức tường này còn đứng vững, chúng ta còn là người canh giữ lời Chúa dạy.
- Amen – thầy William thành kính nói – Nhưng việc này có liên quan gì đến việc cấm viếng thăm thư viện?
- William, con biết đấy, để có thể hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng và đồ sộ là làm giàu những bức tường đó, - Tu viện trưởng nói và hất mặt ra hiệu về phía tòa Đại dinh, đứng cao sừng sững nhìn xuống ngôi giáo đường – các tu sĩ ngoan đạo đã phải lao động cật lực hàng nhiều thế kỷ, theo một kỷ luật sắt. Thư viện được xây dựng theo một đồ án mà hàng nhiều thế kỷ nay chưa hề ai hay biết, kể cả các tu sĩ đi nữa. Bí mật được truyền từ cựu quản thư viện xuống đương kim quản thư viện, và tu sĩ này, khi còn sống, sẽ chỉ giáo lại cho phụ tá quản thư viện hay để nếu Tu sĩ ấy có chết bất đắc kỳ tử thì vẫn còn người trong dòng tu nắm được bí mật. Cả hai, tuyệt đối không được hé răng tiết lộ bí mật này. Ngoài việc nắm giữ điều tuyệt mật này, chỉ có tu sĩ quản thư viện mới có quyền đi lại trong Mê cung thư viện, biết nơi chốn và cách sắp xếp sách, và một mình Tu sĩ ấy chịu trách nhiệm bảo quản sách. Các tu sĩ khác làm việc trong phòng biên khảo và có thể biết được danh mục sách có trong như viện. Nhưng danh mục các tựa sách thường chẳng nói lên được điều gì. Căn cứ vào cách sắp xếp sách và mức độ quý hiếm của nó, chỉ có quản thư viện mới biết cuốn sách đó chứa đựng những bí mật gì, những sự thật và điều giả trá gì. Chỉ có quản thư viện có quyền quyết định bằng cách nào, khi nào, hay có nên đưa quyển sách đó cho tu sĩ nào có yêu cầu hay không; đôi khi, tu sĩ ấy hỏi ý kiến Cha trước. Nguyên do vì không phải ai cũng hiểu được chân lý, và một linh hồn ngoan đạo có thể không nhận chân được bản chất của tất cả mọi sự giả trá. Cuối cùng, mỗi tu sĩ trong phòng biên khảo có một nhiệm vụ cụ thể riêng và nhiệm vụ đó chỉ yêu cầu họ đọc một số sách nhất định chớ không phải những loại sách khác; nó không yêu cầu họ theo đuổi bất kỳ một sự tò mò ngu ngốc nào phát sinh từ một trí tuệ yếu đuối, lòng kiêu hãnh, hay sự xúi bậy của ma quỷ.
-Như thế, trong thư viện cũng có những quyển sách chứa đựng điều giả trá…
-Quái vật tồn tại vì chúng là một bộ phận trong thiên cơ, và trong hình thù kinh sợ của những quái vật này bộc lộ sức mạnh của Đấng Tạo hoá. Và cũng theo thiên cơ mà những loại sách của bọn phù thuỷ, sách pháp thuật của bọn Do Thái, truyền thuyết của những nhà thơ đa thần, những điều giả trá của bọn vô thần được tồn tại. Chính các bậc tiền bối sáng lập nên tu viện này đã thành tâm và thành kính tin tưởng hàng bao thế kỷ nay rằng đôi mắt tinh tường của một độc giả thông thái có thể nhận thấy trí tuệ thiêng liêng ngời sáng trong những quyển sách, thậm chí trong các sách giả dối. Do đó, thư viện cũng là nơi cất giữ những loại sách này. Nhưng, con hiểu cho, chính vì lý do này mà không phải bất kỳ ai cũng được phép vào viếng thư viện. Hơn thế nữa, - Tu viện trưởng tiếp, như thể xin lỗi về lý lẽ không được chặt chẽ cuối cùng này, - sách là một sinh vật yếu đuối, nó chịu đựng sự bào mòn của thời gian, sợ các loài gậm nhấm, kỵ thuỷ, kỵ hỏa, và e ngại những bàn tay vụng về, cục mịch. Nếu mấy trăm năm nay ai cũng được phép đi lại tự do trong thư viện cầm nắm các bản chép tay của chúng tôi thì phần lớn đã chẳng thể tồn tại đến ngày nay. Do đó, quản thư viện bảo quản sách chống lại sự tàn phá của cả con người lẫn thiên nhiên, tận tuỵ cống hiến cả đời mình cho cuộc chiến đấu chống lại những thế lực lãng quên, vốn là kẻ thù của Chân lý.
- Và như thế, ngoại trừ hai người, không ai đặt chân lên tầng thượng của Đại Dinh…
Tu viện trưởng mỉm cười – Không ai lên và không ai có thể đến được. Dù có muốn đi nữa, không ai có thể thành công. Mênh mông như chân lý nó gìn giữ, phản trắc như những điều giả dối nó chất chứa, thư viện tự bảo vệ mình. Hồn nó là Mê cung, đất của nó là Mê cung, người có thể vào, và rồi sẽ chẳng ra được. Cha đã nói cho con biết rồi đó, mong con tuân thủ luật lệ của tu viện.
- Nhưng Cha vẫn chưa bác bỏ giả thuyết Adelmo rơi xuống đất từ một trong các cánh cửa sổ của thư viện. Làm thế nào con có thể điều tra cái chết của nạn nhân nếu không được nghiên cứu hiện trường, nơi ta nghi là khởi điểm của cái chết đó.
- William – Tu viện trưởng nói với giọng hoà hoãn - một người đã miêu tả con ngựa Brunellus của Cha mà không cần thấy nó, miêu tả cái chết của Adelmo mặc dù không biết gì về việc đó, sẽ dễ dàng nghiên cứu những nơi người ấy không được quyền đến.
Thầy William cúi đầu – Khi nghiêm khắc, Cha vẫn rất khôn ngoan. Mọi việc sẽ theo như ý Cha muốn.
- Nếu Cha khôn ngoan ấy chính là nhờ Cha biết cách nghiêm khắc.
- Điều cuối cùng con xin hỏi. Ubertino hiện ở đâu?
- Hiện ở đây. Và đang đợi con. Con sẽ gặp Cha ấy trong giáo đường.
- Khi nào?
- Bất kì khi nào – Tu viện trưởng mỉm cười nói – Con nên biết, mặc dù Cha Ubertino rất thông tuệ, Cha lại không quý thư viện lắm. Cha xem nó như một cám dỗ của thế tục… Phần lớn thời giờ Cha ở giáo đường, tĩnh tâm, cầu nguyện…
- Cha Ubertino già lắm không? - Thầy William ngập ngừng hỏi.
- Con không gặp Cha ấy bao lâu rồi?
- Đã nhiều năm nay.
- Cha đã chán ngán xa lánh thế tục. Năm nay Cha đã sáu mươi tám tuổi. Nhưng Cha tin Cha Ubertino vẫn giữ được tinh thần thời trai trẻ.
- Con đi tìm Cha Ubertino ngay đây. Cảm ơn Cha.
Tu viện trưởng hỏi thầy tôi, xem ông có muốn cùng cộng đoàn dùng bữa trưa sau Kinh Trưa hay không. Thầy William đáp vừa mới ăn no xong, và muốn đi gặp Cha Ubertino ngay. Tu viện trưởng ra về.
Khi Tu viện trưởng vừa ra khỏi phòng thì từ phía sân nổi lên một tiếng rú nhói tim, như tiếng ai đó bị đâm chết, tiếp sau đó là những tiếng rống khác cũng kinh rợn không kém. Thầy William luống cuống hỏi : - Cái gì thế ? – Tu viện trưởng mỉm cười đáp - Chẳng có gì đâu. Bây giờ là thời điểm mổ heo hàng năm. Công việc của mấy người chăn heo đó mà. Không phải loại máu con cần quan tâm đâu.
Cha bước ra. Chính ông đã tự tước bỏ cái danh hiệu khôn ngoan của mình. Vì buổi sáng hôm sau… Nhưng chớ quá nóng nảy như vậy, hỡi cái lưỡi lắm chuyện của ta. Vì trong cái ngày tôi đang tường thuật đây, và trước khi đêm xuống, đã xảy ra thêm nhiều việc khác cần kể hơn.