watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đàn Chim Việt-Nguyệt Hạ - tác giả Việt Dương Nhân Việt Dương Nhân

Việt Dương Nhân

Nguyệt Hạ

Tác giả: Việt Dương Nhân

Thanh Vinh, kỹ sư điện toán, khoảng ba mươi tuổi. Hơn hai năm nay được chi nhánh hãng IBM mướn và giao cho chức vụ phó giám đốc tại Quận-Cam Californie (Hoa Kỳ). Trong dịp nghỉ hè về Paris thăm cha mẹ. Thanh Vinh để ý và làm quen nữ chiêu đãi viên hàng không trên chuyến bay hãng Air-France từ Los-Angeles về Paris.
Nguyệt Thủy, cô gái mang hai dòng máu Việt-Mỹ, ba mươi hai tuổi.. Theo mẹ là Nguyệt Hạ hồi hương về Pháp cuối năm 1975. Nguyệt Thủy được mẹ lo cho ăn học và trở thành nữ chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp và khả ái. Tuy đã trên ba mươi tuổi mà vẫn còn độc thân.Vì phải lo cho bà mẹ bị nghiện rượu mấy năm nay, tối ngày mẹ cô cứ say sưa, không ăn mà chỉ có uống rượu thôi. Thân xác suy mòn, tiều tụy, sắc hương chẳng còn chút gì tồn tại. Tuy Nguyệt Thủy rất khổ tâm, nhưng bổn phận làm con phải tròn chữ hiếu.
Từ khi lên ngồi trên máy bay, Thanh Vinh cứ ngắm nhìn và để ý Nguyệt Thủy, khi thấy cách cô đối đãi và chăm sóc hành khách. Cậu nghĩ : Cô đầm này dáng điệu dịu dàng, nhỏ nhẹ, chắc có máu Á-Châu ? Vậy đợi cổ đi đến gần, mình hỏi tiếng Việt thử coi !
Nguyệt Thủy nãy giờ cũng để ý Thanh Vinh, cô đẩy chầm chậm xe nước đến gần Thanh Vinh. Không bỏ lỡ cơ hội, cậu đưa mắt nhìn lên hỏi :
- Xin lỗi cô nói tiếng Việt được không ?
Nguyệt Thủy mỉm cười trả lời :
- Dạ được một chút !
- Cô cho tôi xin ly nước cam !
- ... Dạ mời ông !
- Cám ơn cô !...Tôi tên Thanh Vinh ! Xin cô cho biết quý danh ?
- Jannine... !
- ... Có tên Việt không ?
- Nguyệt Thủy !
- Nguyệt Thủy ! Ô ! Tên cô đẹp quá !... Mẹ tôi cũng tên Nguyệt...
Nguyệt Thủy lõ đôi mắt tròn xoe nhìn, và nghĩ : ‘’Ông trẻ này lại nịnh đầm !’’. Thanh Vinh cảm thấy Nguyệt Thủy không mấy gì hài lòng khi cậu nói mẹ cậu trùng tên với cô, cậu liền đính chánh :
- Mẹ tôi tên Nguyệt Thu !
Nguyệt Thủy mỉm cười :
- Vậy à ! Xin lỗi ! Thủy đi làm... Chút nữa, tới lúc chiếu phim Thủy rảnh, anh qua quày bar bên kia uống nước !
- Vâng !
Thanh Vinh được nói chuyện cùng Nguyệt Thủy vài lời xong. Cậu nghĩ : ‘’Nếu mình không bạo dạn hỏi tiếng Việt, thì chắc cô cũng không nói đâu ! Lạ thật ! Lai mà giống y như đầm thiệt’’. Thanh Vinh mỉm cười sung sướng. Sau đó, cô cậu gặp nhau cùng chuyện trò và thăm hỏi gia cảnh...
*
Máy bay đáp xuống phi trường Charles-De-Gaulle rất đúng giờ. Tất cả hành khách ra khỏi máy bay. Họ nối đuôi trình giấy thông hành và đi lấy hành lý. Thanh Vinh nán đứng đợi Nguyệt Thủy ra cùng phi hành đoàn. Vừa thấy Nguyệt Thủy, cậu vội vàn đưa tấm danh thiếp và nói :
- Tôi về đây chỉ được có ba tuần, nếu hôm nào cô rảnh nhớ gọi đến số này, và mời cô đi dùng cơm với tôi một lần nhé !
Nguyệt Thủy tươi cười đưa tay lấy tấm danh thiếp và nói nhanh :
- Dạ, cám ơn anh ! Thủy được nghỉ ba ngày. Sau đó sẽ bay lại đường bay này !
- Vậy tối mai...Thủy gọi... nha !
- Thủy không dám hứa !
- Thôi... Chào Thủy nhé !
Thanh Vinh nghe trong lòng vui vui, và Nguyệt Thủy cũng không khác gì ! Cô nghĩ : ‘’AnhVinh ăn nói dịu dàng, lại còn đẹp trai nữa ‘’. Cô nhìn tấm danh thiếp đề : ‘’Giám đốc kỹ sư điện tử’’. Tự thốt lên : ‘’Ghê quá ! Mấy ông trai trẻ này ! ‘’
Nguyệt Thủy theo đồng nghiệp đi thẳng ra ngoài, leo lên chiếc xe buýt Air-France để đưa họ tới Porte-de-Maillot thả xuống đó, rồi mạnh ai tùy tiện về nhà nấy.
Nguyệt Thủy về đến nhà gần bảy giờ tối, tự tiện lấy chìa khóa mở cửa vô nhà. Cô gọi mẹ. Nhưng bà Nguyệt Hạ đi đâu mất, trên bàn hai ba chai rượu vin Bordeaux cạn đáy nằm đó, Nguyệt Thủy gom bỏ vào thùng rác. Cô đi tắm. Tắm xong ra salon mở T.V. ngồi nghe tin tức. Khoảng nửa tiếng đồng sau, cô đứng lên nhìn ra cửa sổ, nghe khắc khoải tâm hồn, tự hỏi : ‘’Không biết mẹ mình đi đâu rồi cà ? Cô nghe lòng buồn buồn, trở vô, đến mở cái xách tay lấy tấm danh thiếp đọc số điện thoại Thanh Vinh ghi cạnh mấy số bên Mỹ. Cô ưởng ngực hít thật mạnh và thở ra một hơi dài để lấy tinh thần gọi cho Thanh Vinh .
Tiếng điện thoại reo vang trong căn appartement năm phòng, rộng cả trăm thước vuông nằm trong một khu vườn lớn (Résidence de Vaugirard) có nhiều cây cổ thụ che đầy bóng mát và đủ loại hoa kiểng trông thật là sang trọng. Bà Nguyệt Thu đang đặt bàn ăn, bà thò tay nhấc điện thoại :
- A-lô ! Tôi nghe đây !
- A-lô ! Dạ thưa bà có ông Thanh Vinh nhà không ?
- Vâng có ! Xin lỗi cô cho tôi được biết quí danh !
- Dạ thưa bà, cháu tên Nguyệt Thủy !
- Nguyệt thủy ?
Bà Nguyệt Thu hơi ngạc nhiên bởi cái tên quen quen, bà tiếp :
- Vâng, xin cô chờ một tí nhé ! Vinh ơi ! Có điện thoại của con. Cha chả, mới về là có nàng gọi rồi !
Thanh Vinh tươi cười nhận điện thoại qua tay mẹ :
- Dạ, con cám ơn mẹ !... A-lô tôi nghe !
- Nguyệt Thủy đây ! Xin lỗi, Thủy có phiền gì anh Vinh không ?
- Không. Rất hân hạnh nữa là khác.
- Anh về với ba mẹ chắc vui lắm...hén ?
- Vâng, cám ơn Thủy. Tôi vui lắm ! Còn cô ?
Nguyệt Thủy nín thinh vài giây... :
- Dạ... Thủy cũng thường thôi !
- Sau nghe giọng nói của Thủy hơi gợn buồn vậy ?
- Dạ, đâu có !
- Bác gái khỏe chứ ?
- Dạ, cám ơn anh. Má Thủy khỏe... à ... tối nay anh làm gì ?
- Mẹ tôi bảo, ăn cơm xong đi ngủ sớm !
Nguyệt Thủy bỗng cười khúc khích, nói đùa đùa :
- Anh Vinh được mẹ cưng như em bé bê-bê hén !
Thanh Vinh đổi điện thoại không giây đi vào phòng, lên giường nằm nói chuyện cho thoải mái :
- Cả năm mới về gặp mẹ vài ba tuần. Nên mẹ muốn ở nhà. Nhưng... còn Thủy có đi chơi đâu tối nay không ?
- Chưa biết ! Tại Thủy thấy số điện thoại của anh cùng đường giây với nhà Thủy. Chắc anh Vinh ở gần đây quá ?
- Nhà ba mẹ tôi ở Paris mười lăm. Còn Thủy ?
- Quận mười bốn, gần Porte-d’Orléans !
- Thế thì mình ở gần nhau rồi.
- Nhà anh ở porte nào mà gần ?
- Porte-de-Versailles.
Bà Nguyệt Thu gõ cửa phòng và gọi :
- Vinh à ! Đói bụng chưa ? Ra ăn cơm con ơi !
- Dạ, con ra liền mẹ à !
- Thủy phiền anh Vinh quá !
- Không. Không có phiền đâu Thủy à ! Thủy cho xin số điện thoại liền được không ? Hồi chiều lo nói chuyện mà quên xin.
- Anh ghi nha !
- Rồi, chút nữa tôi gọi lại nhé !
- Dạ.
Cơm đã dọn sẵn ba má Thanh Vinh ngồi chờ. Cậu bước ra phòng ăn đến bàn, ông Thanh Phong hỏi :
- Mới về, mà con nói chuyện với ai lâu thế ?
Bà Nguyệt Thu đỡ lời dùm con trai cưng của bà :
- Thì bạn của nó chớ ai !
Ông Thanh Phong hỏi tiếp :
- Bạn gái hả con ?
- Dạ.
- Quen ở đâu vậy ?
- Dạ, con vừa quen trên đường bay về đây.
Bà Nguyệt Thu tiếp :
- Ông sao hay để ý tới bạn bè của nó chi vậy. Thôi ăn cơm đi con. Rồi còn nghỉ ngơi nữa.
Dùng cơm xong, Thanh Vinh phụ mẹ dọn chén bát xuống bếp. Trong đầu nghĩ đến Nguyệt Thủy thật nhiều. Loay hoay với mẹ một hồi, cậu vô phòng điện thoại lại nhà Nguyệt Thủy, Nguyệt Thủy nghe điện thoại reo thấy mừng mừng trong lòng liền chạy nhanh đến bắt lên :
- A-lô ! ...
- Thủy hả ! Vinh đây, Thủy ăn cơm chưa ?
- Chưa !
- Trời ơi ! Giờ này mà chưa ăn cơm !
Nguyệt Thủy nín thinh, bên đầu giây tiếp :
- A-lô ! A-lô !
- Thủy nghe mà, anh Vinh nói tiếp đi.
- Thủy muốn đi ra ngoài ăn gì không ? Cho địa chỉ, Vinh sẽ đến đưa Thủy đi ăn.
- Anh Vinh ăn rồi mà !
- Ăn nữa đâu có sao ! Bác gái có nhà không ?
Nguyệt Thủy ấm ớ... :
- ...Ơ...ơ không !
- Cho địa chỉ nhé !
- Anh có viết chưa ? Thủy đọc nè ! Số...đường Général Leclerc quận mười bốn, số mật-mã...lầu năm, tay mặt.
- Rồi, nửa tiếng nữa Vinh đến rước Thủy nhé !
Thanh Vinh vào phòng thay quần áo, cậu mặc quần Jean, áo T.sirt trắng, phía trước ngực in chữ California màu đen. Thanh Vinh vừa bước ra khỏi phòng gặp ba mẹ cậu đang ngồi xem truyền hình, hai ông bà cùng hỏi :
- Giờ này con đi đâu vậy ?
- Dạ, con thả một vòng để ngắm cảnh Paris về đêm ba má à !
Bà Nguyệt Thu căn dặn con :
- Đừng đi khuya quá nghe con !
- Dạ, thưa ba cho con mượn xe !
- Chia khóa ba treo đàng kia, và giấy xe trong cặp-táp của ba kìa.
- ... Con cám ơn ba ! Thưa ba mẹ con đi !
Đàng này, Nguyệt Thủy cảm thấy trong lòng xôn xao, rộn ràng. Cô trang điểm chút son phấn đơn sơ, chải mái tóc cắt úp chấm vai và kẹp vén qua bên mép tai trái, cô mặc chiếc rốp lửng màu tím tay ngắn sát nách, dài khỏi đầu gối, gương mặt hơi trái xoan, đôi mắt to đượm nét buồn, nước da trắng hồng mịn màn, vóc dáng cao ráo, mảnh mai...
Thanh Vinh tướng diện đạo mạo, trẻ trung, cao gần một thước tám, gương mặt chữ điền, ánh mắt trong sáng và thông minh, cộng thêm nụ cười rất tế nhị. Hai cô cậu trông thật xứng đôi vừa lứa !
Thanh Vinh lái xe đến rước Nguyệt Thủy. Hai người đưa nhau ra miệt Champs-Élysées..
Tìm chỗ đậu xe xong, vào nhà hàng... Vì đã gần mười một giờ khuya rồi nên họ chỉ vào nhà hàng ăn đêm thôi. Nguyệt Thủy và Thanh Vinh, hai người đều lựa món sà-lách Niçoise, trộn đủ thứ, như cà-tô-mát, cá thu hộp, ô-liu đen, phó-mát, jambon... và cùng gọi hai ly bia express.
Đầu tháng tám, mùa hè ban đêm vẫn nóng cỡ hai mươi bảy, hai mươi tám độ. Hai bên lề đường người ta vẫn còn đi dạo đông đảo. Ăn uống xong, Thanh Vinh đưa Nguyệt Thủy về, và họ cùng hẹn nhau hôm sau.
Nguyệt Thủy vừa vô nhà, thấy mẹ đang nằm ngả nghiêng trên salon, miệng thì ngâm thơ lảm nhảm...
Hoa tươi ong bướm lượn quanh
Hoa tàn ong bướm bay nhanh cái...vèo.
Bây giờ hết cảnh đói nghèo
Mà sao tình bạn chán phèo quá đi...

Ngâm mấy câu thơ xong, là bà cười khặc khặc như người mất trí. Nguyệt Thủy biết mẹ mình đang say sướt mướt. Cô nhè nhẹ đến gần hỏi :
- Má à ! Má ăn gì chưa ?
Bà Nguyệt Hạ giựt mình, ngồi dậy, đôi mắt nặng oằn, nhướng nhướng, nhìn nhìn con và nói một giọng nhè nhè, nhừa nhựa... :
- ...Ăn gì, ăn ...cái gì bây giờ ? ... Ư...ư... con về hồi nào đó ?
- Dạ, con về hồi chiều này ! Má ăn gì chưa ? Con đi nấu chút súp cho má ăn nghe !
- Thôi. Ăn cái gì ? Nè... nè con khui dùm má chai rượu, má mới mua đó. - Má say quá rồi, uống chi nữa !
- Say đâu mà say chứ ! Hổng khui thì... thì tao khui.
Bà Nguyệt Hạ vừa đứng lên là ngả xuống liền, từ trong miệng bay ra mùi rượu nực nồng làm Nguyệt Thủy muốn nghẹt thở. Nhưng cô cũng ráng chìu ý mẹ đi khui rượu. Cô xách chai rượu xuống bếp khui xong đem lên, trên này bà Nguyệt Hạ đã ngái khò khò tại salon. Nguyệt Thủy lấy mền đắp lên cho mẹ, cô vào phòng thay đồ ngủ, nằm trằn trọc suy nghĩ đến Thanh Vinh, người con trai mà cô vừa quen nhưng sao trong lòng lại nghe vấn vương tình cảm đậm. Biết rằng, việc làm, ngành của cô, cô giao thiệp rất nhiều đàn ông, con trai, mà chưa dám để ý đến một ai, chỉ xem họ như bạn đồng nghiệp. Mặc dầu có vài ba cậu muốn thân thiện. Nhưng cô vẫn từ chối. Bởi cô thường mang cái mặc cảm là có bà mẹ bệnh hoạn như thế, cô khổ tâm lắm. Hơn nữa, cô chỉ giao thiệp với người Âu-Mỹ ít khi được quen với Việt Nam. Bởi bận đi làm rồi về lo cho mẹ. Có đôi khi cô muốn tự nguyện không lấy chồng. Nhưng bây giờ cô gặp được Thanh Vinh, làm tâm hồn cô đang thay đổi...
Căn appartement ba phòng do tiền của Nguyệt Thủy dành dụm và gom góp một số nữ trang của mẹ bán nhập vô để đủ mua góp. Đã có chỗ cho hai mẹ con, mỗi người một phòng ngủ mà dường như salon là giường ngủ thường niên của bà Nguyệt Hạ. Nguyệt Thủy đoán mẹ mình có một nỗi buồn đau, u uất gì đó. Dù vậy, mẹ cô cũng ráng lo cho cô ăn học đến nơi, đến chốn. Từ ngày Nguyệt Thủy học ra trường và đi làm đến nay đã gần mười năm. Rồi bỗng nhiên vài năm nay mẹ cô lại uống rượu say sưa. Những năm Nguyệt Thủy còn đi học, bà đi làm từ hai giờ chiều đến ba bốn giờ sáng. Nhưng gần mười năm nay bà không còn đi làm như thế nữa. Chẳng biết bà buồn chuyện chi mà sanh ra như vậy. Phải chăng bà quá cô đơn, hay lý do gì đó ? Nhưng tại sao bà không nghĩ đến đứa con gái mà bà hết mực thương yêu lo lắng khi bà còn trẻ ? Thật cũng lạ !
*
Cuộc gặp gỡ giữa Nguyệt Thủy và Thanh Vinh, đem đến cả hai một tình cảm càng ngày càng thiết tha và sâu đậm. Sau khi Thanh Vinh hết ba tuần lễ nghỉ hè. Cậu trở lại Cali. làm việc. Nguyệt Thủy vẫn tiếp tục nghề của cô. Mỗi lần bay đi và về, cô nghỉ ở nhà được ba ngày. Từ dạo đó Thanh Vinh và Nguyệt Thủy thường xuyên viết thư cho nhau. Và thỉnh thoảng họ hẹn gặp nhau ở Los-Angeles. Kết cuộc mối tình giữa hai người rất thắm thiết.
Một năm sau, cũng vào mùa hè. Thanh Vinh trở về Paris và xin cha mẹ cưới Nguyệt Thủy cho cậu. Một hôm Thanh Vinh mời mẹ cha đi ăn cơm chung với hai mẹ con Nguyệt Thủy, sẵn dịp giới thiệu cho cha mẹ đôi bên biết mặt. Họ hẹn nhau đến một nhà hàng Tàu ở quận mười ba.
Trước mấy ngày, Nguyệt Thủy năn nỉ mẹ bớt uống rượu. Bà Nguyệt Hạ nghe lời con, nhưng bà phải uống thuốc an thần cho tĩnh táo tâm thần.
Đến ngày hẹn đi ăn. Ông bà Thanh Phong và con trai đến nhà hàng trước. Mười phút sau Nguyệt Thủy dẫn mẹ vào. Bà Nguyệt Thu vừa thấy Nguyệt Hạ, bà sửng sốt, làm mặt nghiêm xem như chưa từng quen biết nhau, bà nghĩ : Trời ơi ! Sao mà ông trời sắp đặt chi quái ác như vầy ? Nguyệt Hạ cũng ngạc nhiên không ít.
Thanh Vinh đứng lên giới thiệu :
- Dạ, thưa ba má, đây là bác Nguyệt Hạ mẹ của Nguyệt Thủy đấy ba má !
Hai ông bà Thanh Phong đều đứng lên chào. Nét mặt Nguyệt Thu thay đổi không tự nhiên chút nào. Mọi người ngồi bàn... Cậu bồi bàn đem mấy tờ thực đơn đưa mỗi người... Bà Nguyệt Thu lựa lựa... Sau đó, mọi người đều chọn menu năm phần... Người ta vừa bưng đồ ăn ra... Bàn phía bên trong. Thật ngẫu nhiên ! Bà Lệ Huyền cũng đi ăn với bạn bè.
Vào thập niên sáu mươi khi xưa Lệ Huyền là bạn của Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu. Hai bà vừa thấy Lệ Huyền cả hai đều hết hồn. Lệ Huyền nhìn ra thấy hai người bạn cũ, bà đứng lên õng a, õng ẹo đi qua bàn chào hỏi, cười nói sang sảng :
- Nguyệt Thu ! Nguyệt Hạ !...Thiệt là trái đất tròn ! Sao mà tụi bây gặp lại nhau được vậy ?
Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu muốn đứng tim, bốn mắt nhìn nhau. Còn ông Thanh Phong, Thanh Vinh và Nguyệt Thủy không hiểu gì hết, nên chỉ gật đầu chào. Bà Nguyệt Thu lúng túng chẳng biết phải làm sao, bà liền nói :
- à, ờ cũng ngẩu nhiên thôi ! Mai mốt mình gặp sau nhé Lệ Huyền ! Vì bữa nay con trai tao mời... ăn cơm.
Nguyệt Thu bối rối, lật đật bảo con cho số điện thoại mà không cần suy nghĩ :
- Vinh, con ghi số điện thoại nhà mình cho dì Huyền đi con !
Thanh Vinh cũng làm theo lời mẹ. Lệ Huyền lấy số điện thoại và chúc cả bàn ăn ngon, bà õng ẹo đi trở về bàn.
Bữa cơm Tàu thịnh soạn, ông Thanh Phong, Thanh Vinh cùng Nguyệt Thủy ăn rất tự nhiên. Chỉ có bà Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu là nuốt hết nỗi. Ăn xong tính tiền, mọi người ra về. Hai bà, Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu muốn nghẹt thở...
*
Vào khoảng năm 1964, Nguyệt Hạ là cô vũ nữ hai mươi tuổi làm tại phòng trà... giữa thủ đô Sài-gòn. Lúc đó, cô mướn một căn phòng nhỏ. Chung quanh có các cô, cậu sinh viên học đủ ngành. Phòng của Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu cạnh bên. Dạo ấy, Nguyệt Thu nữ sinh viên trường luật, năm thứ hai. Cô sanh trưởng trong một gia đình người Bắc di cư vào Nam năm 1954, cư ngụ trên Hố Nai (Biên Hòa), gia cảnh không mấy gì khá giả cho lắm, hôm nào rảnh là Nguyệt Thu qua phòng Nguyệt Hạ để tâm sự, than thở, nói là gia đình cô nghèo mà cô tiếp tục học hành thì không giúp được gì cho mẹ cha ở nhà. Nguyệt Hạ nghe động lòng. Mặc dù cô mang thân làm vũ nữ, nhưng tấm lòng của cô hay thương người, nhứt là các sinh viên nghèo mà chăm học nên cô hay tặng chút ít tiền bạc để mua sách vỡ... Nguyệt Hạ nghe những lời than thở của Nguyệt Thu, thấy vậy, cô mới rủ Nguyệt Thu nên đi làm vũ nữ với cô, chớ đi dạy kèm tiền đâu có bao nhiêu. Vì nào là tiền phòng, tiền học, tiền sách... còn không đủ, thì làm sao có tiền mà giúp gia đình. Nguyệt Thu nghe những gì Nguyệt Hạ cắt nghĩa trong việc làm ấy. Nên cô không ngần ngại đi làm ngay vài ngày sau đó. Bởi nơi vũ trường có nhiều khách ngoại quốc. Vì Nguyệt Thu nói rất khá sinh ngữ Anh và Pháp. Cách nói chuyện của cô thật hoạt bát và duyên dáng.
Sau đó, ngày ngày Nguyệt Thu đi vào trường đại học. Đêm đêm xách giỏ đi làm vũ nữ. Từ nhà ra đi, cô vẫn mặc áo dài trắng, quần đen, xách cặp-táp theo giống như đi dạy kèm cho học sinh. Nhưng khi đến nơi vũ trường, cô thay đổi xiêm-y theo phòng trà. Cô trang điểm phấn son rất đơn sơ, và luôn giữ tư cách lịch sự, đàng hoàng, trên gương mặt có vẻ ngây thơ, vì cô mới va chạm đời, cô rất ăn khách là nhờ những điểm ấy, không bao giờ cô đi chơi khách. Nếu kẹt quá thì đẩy qua cho Nguyệt Hạ giải quyết vấn đề ấy thay thế ! Cô chỉ tiếp khách, khách mời uống nước ‘’trà Sàigòn’’, cô được chia đôi với chủ và có một chút tiền lương cố định hàng tháng. Chủ biết cô có trình độ học vấn khá cao nên rất quý cô và chủ thường nhờ cô coi sổ sách. Tuy Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu đồng tuổi, nhưng Nguyệt Hạ ra đời sớm nên sành sõi và rất vững nghề, cô rất thích làm anh hùng che chở, bênh vực Nguyệt Thu khi bị những tay anh chị... đụng đến, Nguyệt Hạ xem Nguyệt Thu như cánh hoa yếu đuối. Hai người bạn gái thân thương nhau lắm. Trong khi đó lại có thêm một cô bạn đồng nghiệp là Lệ Huyền. Thỉnh thoảng cả ba đi ăn sáng trong chợ Sài-gòn hoặc thả bộ vào các Thương-Xá đại lộ Lê-Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do để mua sắm son phấn, áo quần v.v... Nhưng Nguyệt Thu không mấy gì hạp với Lệ Huyền. Bởi Lệ Huyền hay móc lò, kê tủ đứng, nói Nguyệt Thu là : ‘’Nữ sinh viên còn trinh, biết đâu xe nhà binh ...’’. Lệ Huyền nói xong, cô cười khặc khặc, khà khà. Bởi cô thiếu tư cách và thô lỗ nên khi nào có cô đi chung thì Nguyệt Thu nét mặt không mấy gì được vui.
Suốt mấy năm liền, Nguyệt Thu vừa đi làm vừa đi học đại học. Sau đó, cô thi đậu bằng cử nhân luật, cô bắt đầu đi làm tập sự có được chút tiền thù lao. Từ đó cô dứt khoát bỏ nghề vũ nữ bất đắc dĩ ! Nhưng cô vẫn còn ở chỗ cũ. Cũng vừa lúc đó, Nguyệt Hạ có chửa hoang với người khách Mỹ, bụng càng ngày càng bự, cô phải nghỉ làm để chờ ngày sinh nở. Cái nghề tiền rừng bạc biển. Nhưng khi hết đi làm chỉ một thời gian ngắn là tiền cạn khô. Nguyệt Hạ ngày đêm suy nghĩ, cô qua phòng Nguyệt Thu than thở :
- Nguyệt Thu à ! Chắc tao phải đi tìm nơi khác, chứ ở đây tao thấy mắc cỡ với mấy anh chị sinh viên quá hà Nguyệt Thu ơi ! Kiếm chỗ nào phòng rộng hơn một chút. Tao với mầy mướn chung nha !
- Tìm đâu ra bây giờ ?
- Thiếu gì !
- Mầy biết hả Nguyệt Hạ ?
- Ừa, tao nghe bên hẻm đường Trần Quí Cáp có chỗ cho mướn, phòng sạch sẽ hơn ở đây và giá cũng phải chăng.
- Đừng có đắc tiền lắm là được rồi.
- Tùy theo mình muốn lấy phòng nhỏ hay lớn thôi.
Nguyệt Thu và Nguyệt Hạ dắt nhau đi xem phòng. Cuối cùng hai cô đồng ý mướn và hì hụt dọn đến hẻm Trần Quý Cáp.
Gần đến ngày sanh nở, Nguyệt Hạ túng thiếu nên muốn vào nhà thương Từ-Dũ sanh cho đỡ tốn tiền. Nhưng Nguyệt Thu không bằng lòng, vì cô đã đi làm luật sư có khá tiền, cô sẵn sàng lo giúp Nguyệt Hạ hết mình. Cô đưa Nguyệt Hạ đi sanh trong một nhà bảo sanh tư... Tình nghĩa chi giao cao như núi, rộng như biển trời. Hai cô thề thốt, kết tình bạn keo sơn chẳng bao giờ nhạt phai.
Nguyệt Hạ sanh con gái, cô và Nguyệt Thu, đều bằng lòng đặt tên cho bé là Nguyệt Thủy. Khi bé Nguyệt Thủy được vài tháng, Nguyệt Hạ mướn vú nuôi, cô trở lại nghề cũ, còn Nguyệt Thu thì gia đình gọi về lấy chồng. Từ đó Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu phải chia tay. Nguyệt Thu lấy ông dược sĩ vừa ra trường, tên Nguyễn Thanh Phong ba mươi tuổi. Cưới xong vài tháng sau thì ông dẫn vợ sang Pháp cùng tu nghiệp và sống luôn bên ấy. Vài năm sau hai ông bà có đứa con trai đặt tên là Thanh Vinh.
*
Một cuộc đổi đời, vào tháng 4 năm 1975, Nguyệt Hạ và con hồi hương về Pháp. Nhờ gia đình của Nguyệt Hạ khi xưa có quốc tịch Pháp. Nên được hồi tịch.
Sang Pháp, bé Nguyệt Thủy được tám tuổi, Nguyệt Hạ và con lúc đầu được chánh phủ trợ cấp, và cho ở trong trại tạm cư ngoại ô Paris. Sáu tháng sau họ muốn đưa hai mẹ con cô đến những tỉnh xa xôi. Nguyệt Hạ không thích sống xa Paris. Người ta nói : nếu cô không chịu đi, thì phải tự túc lo liệu, họ chỉ trợ cấp tám trăm quan mỗi tháng thôi. Lúc đầu hai mẹ con sống rất là vất vã với số tiền ấy. Nguyệt Hạ phải bán vài món nữ trang và nhờ người đứng ra bảo đảm mướn một phòng nhỏ (chambre de bonne). Sau đó Nguyệt Hạ định đi tim việc làm. Nhưng nàng suy nghĩ, rồi tự hỏi : ‘’Làm gì bây giờ ? Trong khi mình chẳng có bằng cấp gì cả ! Tiếng Pháp nói dở, tiếng Anh cũng chẳng khá hơn ! Ai mướn mình bây giờ ?’’
Cuối cùng nàng soi gương ngắm lại vóc dáng, rồi an ủi tự nhủ : ‘’Với chút hương sắc của tuổi ba mươi này, mình hy vọng trong mấy hộp đêm người ta sẽ không từ chối’’.
Bao nhiêu ngày Nguyệt Hạ hy vọng và nghĩ ngợi lung tung. Sau đó, nàng mướn người giữ bé Nguyệt Thủy, và đi tìm việc trong các vũ trường. Nguyệt Hạ xem nghề cũ ấy là nghề của nàng trên cõi đời này rồi. Mấy đêm liền lẩn quần, loanh quanh trong ba bốn hộp-đêm. Nàng được việc làm. Trở lại cảnh cũ mà xứ người, mỗi nơi luật lệ khác nhau. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng chỉ vài ngày là hiểu ngay. Nguyệt Hạ đi làm, trước để lo thân và nuôi cho con ăn học, cùng phụ giúp chút ít cho gia đình bên nhà.
Suốt mười mấy năm dài Nguyệt Hạ làm nghề vũ nữ kiêm chiêu đãi viên một trong những hộp-đêm sang trọng tại thủ đô ánh sáng Paris. Nhờ có quốc tịch Pháp, nên người ta khai báo đàng hoàng. Nguyệt Hạ được may mắn gặp thời cũng là tiền rừng bạc biển. Nàng đổi phòng rộng rãi hơn. Cuộc sống hai mẹ con được khá gấp bội phần khi xưa. Nàng luôn khuyên dạy con : ‘’Con ráng ăn học, chớ đừng để thân phận dốt nát như mẹ, phải rửa chén, lau bàn...’’. Vì nàng nói dối với con là đi chạy bàn cho nhà hàng về đêm. Nguyệt Thủy tâm tánh hiền ngoan và rất nghe lời của mẹ dạy. Cô cố gắng chăm học. Sau khi cô đậu tú tài đôi xong, liền đi ghi danh thi tuyển ngành chiêu đãi viên hàng không. Cô được trúng tuyển và tiếp tục đi học thêm. Mấy năm sau Nguyệt Thủy ra trường và được đi làm, tiền lương khá cao. Cô năn nỉ mẹ nghỉ làm đêm. Vì cô đủ sức nuôi mẹ. Nguyệt Hạ cũng cảm thấy quá mệt mỏi với cái nghề ấy. Hơn nữa, hương sắc cũng đã tàn phai theo những năm tháng phong trần, sương gió... Nên bà nghe lời con mà giải nghệ liền sau đó.
Bấy giờ Nguyệt Hạ đã trên bốn mươi tuổi, bà nghĩ : ‘’Ở không cũng buồn !’’. Bởi bà quen với phấn son, trưng diện và muốn tiếp xúc với người đồng hương. Nên bà đi tìm việc lòng vòng trong khu có nhiều tiệm Việt Nam. Cuối cùng, bà xin được một chân bán băng tại Trung Tâm băng nhạc Vân-Phương trong những ngày cuối tuần.
Rồi một buổi chiều thu... Vào ngày thứ bảy, ngoài trời gió thổi hiu hiu, man mác lạnh, ngàn chiếc lá vàng lác đác rơi rơi. Trong tiệm khách ra vào mua băng đông nghẹt. Nguyệt Hạ đang tươi cười, vui vẻ đứng bán băng, bất chợt nhìn thấy Nguyệt Thu vào tiệm. Vừa gặp lại người bạn năm xưa chưa kịp chào hỏi vui mừng gì cả. thì Nguyệt Thu đưa ngón tay lên miệng suỵt và lắc đầu, từ từ tiến lại gần nói nhỏ với Nguyệt Hạ :
- Có chồng tao đứng ngoài kia !
Nguyệt Hạ sửng sốt, nước mắt muốn trào ra. cố nén lòng, nuốt thương đau, đôi môi run run gượng cười, tiếp Nguyệt Thu như người khách lạ chưa từng quen biết.
Qua tuần sau, Nguyệt Thu gọi điện thoại đến tiệm... muốn hẹn riêng với Nguyệt Hạ để hai chị em cùng tâm sự. Nhưng Nguyệt Hạ nói :
- Nguyệt Thu à ! Theo tao thấy mầy muốn dấu bặt cái dĩ vãng xa xưa. Thì nên dấu đi ! Kể từ bây giờ tụi mình xem nhau như đã chết hết rồi. Hoặc như chưa bao giờ có quen biết với nhau !
Nguyệt Thu khóc nức nỡ trong điện thoại, và nói :
- Nguyệt Hạ ơi ! Xin mầy thông cảm cho hoàn cảnh của tao. Không phải tao làm phách, hay khinh rẻ mầy, hoặc tao quên thuở cơ hàn của chúng mình khi xưa đâu !
Nguyệt Hạ cũng nghẹn ngào :
- Cái dĩ vãng xấu xa ấy, mầy dấu là phải ! Vì đối với người đời. Họ không bao giờ thông cảm. Nhứt là đối với chồng mầy. Hạnh phúc của mầy, cũng chính là hạnh phúc của tao đó Nguyệt Thu à ! Mầy đừng lo và cũng đừng tìm gặp tao nữa, hãy xóa đi nhe ! Tao chúc mầy mãi mãi hạnh phúc bên cạnh chồng con.
Nguyệt Thu chúc lại :
- Tao cũng cầu chúc mầy và đứa con gái được an lành !
Từ dạo ấy, Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu không hề gặp lại nhau. Rồi bây giờ, trong cảnh tình của các con. Hai bà đang đứng trước ngã ba đường thật khó xử. Đã hơn ba mươi năm qua dĩ vãng không bay mất, bây giờ nó lại quây về. Có lẽ người khổ nhứt là Nguyệt Thu !
Ông Thanh Phong đã thấy mặt Nguyệt Thủy, một cô gái lai, ông hơi phân vân, sợ con ông sẽ khổ vì mấy cô đầm lai. Nhưng ông chẳng biết phải làm sao. Còn bà Nguyệt Thu thì cứ ôm ắp cái dĩ vãng xa xưa mà trong lòng lo âu, hồi họp, sợ chồng sẽ biết được. Hai ông bà mỗi người ôm mỗi nỗi khổ.
Trong khi họ lo lắng chẳng yên lòng. Lệ Huyền điện thoại lại thường xuyên, bởi bà Nguyệt Thu trong lúc lính quýnh bảo con bà cho số điện thoại nhà. Bà không ngờ Lệ Huyền vẫn còn cái tâm xấu như xưa. Lệ Huyền cố ý muốn gặp riêng ông Thanh Phong thôi. Bữa nay Nguyệt Thu cùng con trai đi phố. Lệ Huyền gọi lại :
- A-lô !
- A-lô ! Lệ Huyền đây ! Có con Nguyệt Thu nhà không vậy anh ?
Ông Thanh Phong thấy khó chịu cách Lệ Huyền gọi vợ ông bằng con...này, con nọ, ông trả lời :
- Không ! Nhà tôi đi vắng rồi ! Có chuyện gì thì chị nhắn lại tôi đi !
- May quá ! Không có Nguyệt Thu ở nhà... thì tốt !
- Chuyện gì vậy chị Lệ Huyền ?
- Tôi nghe loáng thoáng con anh sắp lấy con gái của con Nguyệt Hạ phải không ?
- ... Gia đình chúng tôi mới bàn tính thôi, chớ chưa có gì rõ ràng.
- Anh có biết rõ về con Nguyệt Hạ không ?
- Dạ không ! Mà chuyện của sắp nhỏ. Có dính líu gì người lớn đâu ! Chúng nó cũng lớn quá rồi !
- Con Nguyệt Thu nó có nói với anh là con Nguyệt Hạ bạn của nó khi xưa ở Sài-gòn không ?
- Xin lỗi ! Chị nói gì mà tôi không hiểu ? Nguyệt Hạ nào bạn của vợ tôi đâu ? ... à ! Có phải chị Nguyệt Hạ...tôi nhớ rồi ! Mà bà ấy đâu phải bạn của vợ tôi !
Ông Thanh Phong bóp đầu suy nghĩ. Lệ Huyền sẵn đã không ưa Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu từ xưa, nay bà ta muốn có dịp trả thù đời. Bà dở vọng như là tội nghiệp ông Thanh Phong :
- Trời ơi ! Anh sống với vợ anh mấy mươi năm mà anh không biết khi xưa nó làm cái nghề gì à ?
- Vợ tôi là luật sư mà chị ? Thôi, chị muốn nói gì thì đợi vợ tôi về rồi chị gọi lại nói.
- Tôi muốn nói thiệt chuyện bí mật của vợ anh đã dấu anh mấy mươi năm kìa !
Ông Thanh Phong nghe. Ông bắt đầu thấy bực, nhưng làm sao ông không muốn nghe được ? Ông bèn hỏi Lệ Huyền :
- Chuyện gì mà bí mật dữ vậy chị ?
Lệ Huyền ỡm ờ... rồi nói :
- Chẳng có gì quan trọng lắm ! Ở đời ! Dĩ vãng ai mà không có ! Nhưng... đối với tình nghĩa vợ chồng phải nói thật, tại sao mà con Nguyệt Thu nó dấu anh kìa ?
Ông Thanh Phong càng nghe như lửa đốt ruột, ông mạnh giọng nói hơi lớn tiếng :
- Chuyện gì chị cứ nói ra đi, chị cứ lòng vòng hoài làm tôi nóng ruột quá !
- Anh muốn biết thiệt hôn ?
- Thì chị nói đi !
- Được rồi ! Tôi nói cho anh biết, là bởi vì tôi quý anh lắm đấy !
- Tôi không cần chị quý hay khinh, mà tôi muốn nghe chị nói thật hết về vợ tôi thôi !
Trong bụng của Lệ Huyền đã nư, bà nói thầm : - Kỳ này tao cho chúng bây biết tay của bà. Cho chúng bây đứt tình, đoạn nghĩa luôn...ha ha... Rồi Lệ Huyền làm bộ thở ra và từ từ nói :
- Ngày xưa... tôi với con Nguyệt Hạ là vũ nữ làm chung với nhau, mà... mà có cả con Nguyệt Thu vợ của anh nữa ! Ba đứa tụi tôi thân nhau lắm !
Ông Thanh Phong vừa nghe như bị trời đánh. Ông đứng dậy đi lấy nước mát hớp mấy ngụm nuốt vào, ông nói nhanh :
- Thôi bấy nhiêu đó đủ rồi. Tôi rất cám ơn chị ! Chào chị !
Ông Thanh Phong cúp liền điện thoại, ông dựa lưng, ngửa đầu, dang hai cánh tay thẳng ra trên salon, mắt nhìn lên trần nhà thấy mình như trong cơn ác mộng, ông nhủ thầm : Trời ơi ! Mình lầm Nguyệt Thu mấy chục năm nay rồi !
Ông đứng dậy, ra trước cửa sổ ngó lên trời, ông hồi tưởng lại ba mươi hai năm qua, ngày cưới Nguyệt Thu. Bất chợt ông tự hỏi : - Nguyệt Thu khi xưa làm vũ nữ, mà sao nàng vẫn còn trinh trắng khi về làm vợ mình kìa ? Dạo đó, mình đâu phải là thằng con nít mới lớn lên đâu ! à, có thể là bạn của Nguyệt Hạ thôi ! Ông Thanh Phong tự hỏi, rồi tự trả lời, cuối cùng, ông nghe trong lòng nhẹ bớt phần nào. Nhưng ông lại nghĩ việc khác : - Mình không thể bằng lòng cho Thanh Vinh cưới cô đầm lai ấy được. Tuy có học và đẹp, nhưng cái ngành của cô ta làm rất là phức tạp. Không khéo, thì con trai mình sẽ khổ vì cô ấy ! Từng tuổi này, mình mới nếm mùi rắc rối ! Thật là khổ ! Vợ ơi ! Con ơi !
Chiều hôm ấy, bà Nguyệt Thu và con về nhà. thấy chồng ngồi yên một chỗ, ông không hỏi, không nói gì đến vợ con. Bà xuống bếp lo cơm tối xong, dọn lên cả ba đều vào bàn ăn. Bà Nguyệt Thu thấy chồng hôm nay có thái độ lạ, bà hỏi :
- Anh có chuyện gì buồn phải không ?
- Ăn cơm đi, đừng hỏi gì nữa cả !
Ông quay sang nhìn Thanh Vinh và tiếp :
- Còn việc con muốn cưới cô Nguyệt Thủy kể như không được rồi.
Thanh Vinh nghe cha vừa nói, cậu buông liền chén đủa xuống bàn. Cổ họng nghèn nghẹn nhìn cha mẹ, cậu hỏi :
- Chuyện gì vậy ba mẹ ?
- Hỏi mẹ con đi !
Bà Nguyệt Thu lại sửng sốt :
- Trời ơi ! Có chuyện gì sao anh không nói ra, mà ắp úng hoài vậy ? Nói đi, nói đại đi !
- Em với bà Nguyệt Hạ má cô Nguyệt Thủy là bạn. Tại sao em không nói cho tôi biết ?
Bà Nguyệt Thu muốn ngất xỉu vì lời nói vừa rồi của chồng. Mặt bà tái nhợt, tay run run, nước mắt tuôn rơi. Thanh Vinh không hiểu, lại càng không hiểu thêm. Cậu nhìn mẹ, nhìn cha, buông ra lời nức nỡ :
- Nếu ba không thương Nguyệt Thủy thì tụi con đành cam chịu, chớ ba má đừng có gây gỗ. Vì từ hồi nào đến gìờ ba má sống hạnh phúc, êm đềm. Nay, tại vì việc hôn nhơn của con mà ba má mất vui, thì làm sao con vui được ?
Bà Nguyệt Thu nghẹn ngào nói :
- Không có hề gì đâu con, con hãy bình tĩnh, việc gì rồi để từ từ má giải quyết với ba con. Má sẽ nói ra hết cho con và ba con nghe câu chuyện.
Vài ngày sau Nguyệt Thu trân mình kể lể hết sự tình cho chồng và con bà nghe. Sự thật đã phơi bày, bà thấy nhẹ người. Nói xong, lại lo lo trong lòng, bà nhũ thầm : Nếu chồng mình không thông cảm, hoặc không tin mình, thì mình phó mặc chuyện gì đến rồi sẽ đến !
Thanh Vinh nghe câu chuyện ấy xong, lòng cậu lại càng thấy thương hai mẹ con Nguyệt Hạ hơn nữa. Còn ông Thanh Phong đứng lên nhìn trời qua cửa sổ mà thở ra, rồi ông chấp tay sau đít đi tới đi lui, bỗng quay lại ông nói với vợ :
- Chuyện em dấu anh hơn ba mươi năm nay, anh thông cảm, anh sẽ không nghĩ gì đến nữa. Nhưng...anh quyết định không bằng lòng hỏi cưới cô Nguyệt Thủy cho thằng Vinh.
Thanh Vinh kêu lên :
- Ba ! Ba ơi ! Nguyệt Thủy đâu có tội tình gì, mà ba không thương chứ ? Trời ơi trời !
Bà Nguyệt Thu thấy con mình đau đớn, bà đến ngồi gần ôm hai vai con vuốt, và an ủi :
- Con đừng buồn nữa, để má năn nỉ ba con !
Thanh Vinh đứng dậy đi vô phòng của cậu. Ngoài salon còn lại hai ông bà Thanh Phong. Cả hai không ai nói gì nữa cả. Mỗi người mỗi ý nghĩ...Bà Nguyệt Thu đi xuống bếp lo cơm.
Hôm sau, ông Thanh Phong chờ vợ con đi vắng, ở nhà ông liền điện thoại gặp ngay bà Nguyệt Hạ, bằng một giọng cứng rắn và nghiêm nghị, ông nói :
- Chuyện sắp nhỏ không thành đâu nhé chị !
Bà Nguyệt Hạ bị cứng họng. Ông Thanh Phong nói tiếp với cái giọng như là một lệnh truyền :
- Hôm nay đây. Tôi yêu cầu chị nên khuyên con gái của chị, phải xa lánh con trai tôi tức khắc ! Tôi có mấy lời, mong chị hiểu nhiều hơn nữa. Chào chị !
Bà Nguyệt Hạ nghe những lời của ông Thanh Phong nói, bà im lặng, nín thinh, mà không nói nổi một câu nào.
Thanh Vinh hẹn được Nguyệt Thủy ở một quán cà-phê gần nhà cô, để hỏi lại thử xem hư thực thế nào ! Cả hai gặp nhau, Thanh Vinh nắm tay Nguyệt Thủy và hỏi :
- Nguyệt Thủy à ! Em có biết, mẹ em hồi thuở sanh tiền làm nghề gì không ?
Nguyệt Thủy đã hiểu rõ câu chuyện. Cô cố nén lòng, nuốt nước mắt trở vào tim. Nhưng không làm sao xoa dịu được cơn đau, cô khóc và nấc lên thành tiếng, nghẹn ngào nói :
- Anh hãy nhìn kỹ hình dạng của em là gì đây ? Em là đứa con gái lai Mỹ. Còn mẹ em, dù mẹ em có làm gì xấu xa đi nữa, thì cũng mãi mãi là mẹ của em. Mẹ em, người đã hy sinh cho em, cho gia đình, và đôi khi hy sinh luôn cả người dưng nước lã nữa anh à !
Nói đến đây, Nguyệt Thủy nuốt nỗi đau, tủi buồn, nàng tiếp :
- Từ cái ngày mình gặp dì Lệ Huyền, mẹ em biết sẽ không dấu được ai, nên người kể hết cho em nghe rồi. Vì mẹ em nghi, là dì Lệ Huyền sẽ không để yên cho mẹ anh sống đời hạnh phúc đâu. Bà ấy có mối thù riêng gì đó với mẹ anh khi xưa. Theo mẹ em đoán, là dì Lệ Huyền ganh ghét với mẹ anh. Bởi vì, dì Nguyệt Thu có học, có giáo dục, đẹp và hiền, lại được mẹ em thương và có chồng, có con và được sống hạnh phúc đàng hoàng. Còn dì Lệ Huyền, thì lang bang, không con, không chồng, học hành thì... chắc cỡ như mẹ em là cùng. Nhưng hai người, hai tánh tình thật là khác nhau !
Thanh Vinh ngồi lắng nghe Nguyệt Thủy, chàng đưa hai bàn tay lên ôm đầu. Lòng chàng thấy thương hai mẹ con Nguyệt Thủy thêm, vì họ chân thật.
Nguyệt Thủy nói tiếp :
- Anh biết tại vì sao, trên ba mươi tuổi mà em chưa lấy chồng không ? Biết bao nhiêu lần em muốn đánh bật cái mặc cảm lai Mỹ ra khỏi lòng mình. Nhưng sao nó cứ lảng vảng bao quanh em hoài. Rồi năm rồi, bỗng gặp anh và quen với anh đến ngày nay. Thú thật với anh ! Lúc nào em cũng cảm thấy lo sợ. Sợ người ta sẽ chê trách và khinh rẻ, vì em là con gái của một người đàn bà là loại gái giang hồ, dốt nát, thất học ...là...là... Thôi. Bây giờ thì mọi việc rõ ràng quá rồi, em có nói nhiều cũng vô ích !. Phận làm con mà ! Sự việc như vậy rồi ! Thôi thì phần anh, anh lo. Còn phần em, để mặc em lo. Sự đời nó là vậy đó ! Mình hãy chia tay, hoặc xem nhau như bạn qua đường đi anh Vinh à !
Thanh Vinh nắm tay Nguyệt Thủy, chàng lắc đầu và nói :
- Má anh đã kể cho anh nghe y như em vừa kể. Thật tội nghiệp cho dì Nguyệt Hạ và em quá !
- Thôi, anh đừng tội nghiệp hay thương hại làm gì ! Vì đời là thế !
- Mà anh yêu em chân thành !... Không thể được. Anh phải tranh thủ với ba anh mới được. Anh phải nói chuyện với ba anh. Dù sao ba anh cũng là người có ăn học, thì phải có kiến thức rộng mới được chứ ! Theo anh biết, tánh ba anh từ thuở giờ rất bình dân. Ông đối xử với nhân viên trong nhà thuốc Tây... như người thân gia đình. Và ông cũng thường hay đi hủy lạo chung với những phái đoàn Từ-Thiện để thăm nôm các gia đình nghèo. Anh hy vọng là ba anh sẽ thông cảm !
- Tùy anh quyết định, chớ em và má em thì như vậy rồi ! Thân phận hẩm hiu của mẹ con em thế đó. Có lẽ vì thế mà má em cứ uống rượu cho quên đời !
- Thôi anh về ! Anh sẽ gọi cho em sau nha !
Thanh Vinh và Nguyệt Thủy tạm biệt, chia tay. Lòng của hai cô cậu đau buồn vô tận. Nguyệt Thủy lẵng lặng đi lên nhà.
*
Sau khi Nguyệt Hạ nhận được cú điện của ông Thanh Phong. Bà biết con mình bị từ hôn. Bà buồn đến đỗi quẩn trí, bà chịu hết nỗi, cứ cho là lỗi ở tại nơi bà. Vì cuộc đời của bà có một dĩ vãng mà người đời cho là xấu xa. Nên làm con gái của bà phải chịu khổ lây.
Mấy tuần Nguyệt Hạ suy nghĩ và khổ tâm vô cùng. Bà nằm, ngồi không yên chút nào. Bà cứ uống rượu, mà không còn thấy say nữa. Bà lại nghĩ đến cái chết để cho khuất mắt mọi người. Bà diện cớ đi khám bác sĩ xin thuốc an thần và thuốc ngủ để cay rượu. Bà đi khám một loạt bốn năm ông bác sĩ, được có nhiều toa mà mua thuốc. Mua được một số thuốc, bà đem về lén hòa vô rượu, chờ Nguyệt Thủy đi vắng, ở nhà bà uống hết vô bụng. May thay ! Vừa uống thuốc xong, Nguyệt Thủy cũng vừa về tới. Vô nhà, cô thấy mẹ nằm dài trên salon, cô nghĩ : ‘’Mẹ lại say rượu nữa rồi !’’. Nguyệt Thủy đi xuống sau bếp định rót nước uống, bỗng chợt thấy một hộp thuốc trống không rớt bên cạnh thùng rác, cô cầm lên đọc, thấy là thuốc ngủ, cô bươi vạch thùng rác, lại có thêm ba hộp trống không nữa. Cô thất thần, lật đật gọi sở cứu cấp chở mẹ vào nhà thương... rửa ruột. Bà Nguyệt Hạ xem như thoát chết. Nhưng bà bị hôn mê bất tỉnh.
Sự việc đáng tiếc xẩy ra, Nguyệt Thủy khóc nức nỡ và gọi cho Thanh Vinh hay. Thanh Vinh cùng mẹ chạy liền vào bệnh viện... thăm Nguyệt Hạ. Hai mẹ con bất kể chồng, cha. Bởi ông Thanh Phong quá cố chấp mà nghe lời Lệ Huyền. Bà Nguyệt Thu tức mình, nghĩ trong bụng : ‘’Con Lệ Huyền này, sao mà nó ác chi mà ác dữ vậy. Ông trời cho nó trôi qua đây làm chi để nó làm khổ người ta chứ ? Nguyệt Hạ ơi ! Tao không có bỏ mầy đâu !’’
Hai mẹ con Nguyệt Thu vào phòng, chỉ nhìn cái xác vướng đầy dây ống để chuyền nước biển và máy hô hấp... Hơi thở của Nguyệt Hạ thoi thóp. Vì bà vẫn còn trong tình trạng hôn mê. Nguyệt Thu cầm tay bạn nước mắt đôi dòng.
Sau hơn một tuần lễ, Nguyệt Hạ mới hồi phục. Bà vừa thấy Nguyệt Thu trở lại thăm. Hai người bạn thân ôm nhau khóc nức nỡ. Bà Nguyệt Thu hứa :
- Từ đây cho tới chết tao với mầy mãi mãi là bạn, Và tụi miinh sẽ không bao giờ xa cách nhau nữa.
Nguyệt Hạ đôi mắt lệ còn đọng đầy, giọng nói yếu ớt :
- Không được đâu Nguyệt Thu à ! Còn chồng mầy nữa chớ ! Xin đừng vì mẹ con tao mà gia đình mầy mất hạnh phúc ! Người Việt mình, thời buổi nào cũng còn giữ mãi cái thành kiến... Nhứt là dân Việt Nam mình. Thôi, số phận của mẹ con tao trời đã dành sẵn vậy rồi !
Nguyệt Thu vẫn ôm bạn, và vỗ lưng nói :
-Mầy đừng lo buồn nữa, và cũng đừng lo cho thân tao. Tao tranh thủ cho các con, chớ tao không cần bản thân tao nữa đâu. Nhưng tao có chút hy vọng, là ba thằng Vinh không hẹp lượng gì đâu. Bởi vì từ ngày ổng cưới tới bây giờ, tánh ổng tao biết quá ! Ổng cũng rất từ tâm, thương người. Tại bất chợt con Lệ Huyền... Tại nó hết ! Nó vẫn còn tâm tánh xấu xa, ích kỹ, cố tình hại tao với mầy. Nên nó có cơ hội trả thù, chờ có dịp mà kể chuyện xưa của tụi mình cho chồng tao nghe. Chồng tao, ổng bị cú sốc mới như vậy đó thôi.
Nguyệt Thủy và Thanh Vinh đứng nghe hai bà mẹ than thở, nước mắt cô cậu cũng không cầm được. Bà Nguyệt Hạ hỏi con :
- Bác sĩ có nói chừng nào cho má ra bệnh viện không con ?
- Dạ có ! Bác sĩ nói, má ở đây cỡ ba bốn ngày nữa thôi má à !
- Thôi, tối rồi con về với dì Thu và Vinh đi ! Bữa nay má thấy khỏe nhiều lắm !
Nhìn Nguyệt Thu, bà tiếp :
- Nguyệt Thu à ! Mầy cũng về với tụi nhỏ đi. Tao rất cám ơn mầy !
- Ơn nghĩa gì giữa tao với mầy ? Tụi mình đã xem nhau như ruột thịt dính liền thân rồi mà !
Bà Nguyệt Thu ôm hôn bạn, và nói :
- Mầy ráng nằm đây thêm vài ngày nữa thôi. Có gì mai tao vô nữa. Các con lại hôn mẹ bây rồi về với mẹ. Thôi, tao về nghe Nguyệt Hạ !
Cả ba ra về, bà Nguyệt Hạ còn lại trong phòng một mình, bà thấy nhẹ lòng đôi chút dùm cho con gái của bà. Nhưng còn Nguyệt Thu với Thanh Phong sẽ ra sao đây ? Bà nghe lâng lâng buồn !
Còn Nguyệt Thu nghĩ : ‘’Nếu chồng mình không chịu. Thì mình cũng phó mặc cho ông ấy. Mình nhứt định giữ gìn tình nghĩa là quan trọng hơn hết, và, mình chấp nhận cho Thanh Vinh và Nguyệt Thủy kết duyên với nhau’’. Sau bao ngày ông Thanh Phong suy nghĩ thiệt, hơn, nghe lòng hối hận, ông nghĩ : ‘’Mình được người đời cho mình là hiền đức. Không lẽ ngày nay vì nghe lời của bà Lệ Huyền, mà mình lại trở thành kẻ ác đức sao đây ? Mình thiệt là nông nỗi, nóng nảy, hấp tấp. Điện thoại làm chi để cho chị Nguyệt Hạ như thế ! Cũng may là không sao. Nếu chỉ chết, thì chắc mình sẽ ân hận suốt cả đời quá !’’. Ông Thanh Phong tự trách mình xong. Ông chờ vợ con về, nhờ đưa ông đi thăm bà Nguyệt Hạ để nói vài lời xin lỗi và bằng lòng hỏi cưới Nguyệt Thủy cho Thanh Vinh.
*
Đám cưới của Thanh Vinh và Nguyệt Thủy thật linh đình, do vợ chồng ông Thanh Phong đứng ra làm chủ hôn và mời bạn bè thân thuộc đôi bên trên dưới khoảng ba trăm người. Từ đó hai gia đình kết nghĩa sui gia rất thân tình. Họ sống một cuộc đời thật là hạnh phúc.
Sau khi đám cưới xong, Nguyệt Thủy phải theo chồng qua Cali. Cô xin hãng Air-France chuyển từ chiêu đãi viên hàng không qua làm tiếp đãi viên văn phòng cùng hãng tại Los-Angeles. Còn vài ngày trước khi đi, Nguyệt Thủy thấy mẹ vui vẻ và bớt uống rượu. Cô đề nghị với mẹ :
- Má à ! Má qua Mỹ sống với tụi con nghe má ? Nhà mình để đó, lâu lâu về Paris thăm nhà.
- Chưa được đâu con.
- Sao vậy má ?
Bà Nguyệt Hạ gật gật đầu và mỉm cười :
- Má phải vô nhà thương cai rượu trước đã. Sau đó sẽ tính sau !
Nguyệt Thủy vừa nghe mẹ mình tự nguyện muốn đi cai rượu cô vui mừng quá, vội chạy lại ôm mẹ hôn hít hai ba cái. Vì từ lâu cô cũng muốn đem mẹ đi. Nhưng sợ mẹ cô bị chạm tự ái giận lên là khổ hơn nữa. Bởi cô biết quá tánh của mẹ rất cứng rắn, ít chịu ai khuyên bảo hoặc sai khiến.
Bà Nguyệt Hạ đã bằng lòng cho con đưa vào dưỡng đường đặc biệt, bà ở trong đó một tháng cai rượu. Và sau khi cai rượu xong, bà chỉ muốn đi đi, về về Paris - Los-Angeles thôi, chớ bà không thích bỏ hẳn nhà của hai mẹ con bà và cả Paris thơ mộng ! Từ đó bà sống vui và yêu đời hơn bao giờ hết.
Giữa mùa hè đầy nắng ấm, Nguyệt Thu đến nhà Nguyệt Hạ rủ nhau đi ăn bánh, uống cà-phê và thả bộ dạo mát, ngắm cảnh, ngắm hoa trong vườn Lục-Xâm-Bảo. Hai bà tươi cười, sung sướng và tha hồ nhắc về dĩ vãng xa xưa. Vì cả hai bà bây giờ không còn mang cái mặc cảm, lo âu hay sợ sệt ai nữa cả...
Chân tình giữ vẹn sắt son
Chi giao nghĩa trọng như non biển trời
Bây giờ sự thật trải phơi
Nguyệt Thu, Nguyệt Hạ trọn lời thề xưa.
(Ivry-sur-Seine, Bạch-Am đêm hè 8/2000)
Đàn Chim Việt
Lời giới thiệu về nhà văn Việt Dương Nhân
Ơn đền, Oán Xả
Vầng Trăng Của Mẹ
Đàn Chim Việt
Ai Khổ Hơn Ai
Khối Tình Đơn
Âm Thầm
Vẫn Chưa Muộn Màng
Tình Thắm Đêm Xuân
Quán Chú mùi
Tâm Như Đất
Niềm Tin
Lá Rơi Về Cội
Nhờ Tin Có Ông Trời
Nguyệt Hạ
Mây vẫn Còn Bay (Bút Ký )