Vầng Trăng Của Mẹ
Tác giả: Việt Dương Nhân
Dạ Nguyệt, một thiếu phụ tuổi sắp vào tứ tuần, sống với hai con, Kim Tú mười ba, Thiên Hà mười lăm tuổi. Hai đứa nhỏ đều ngoan ngoãn và rất châm chỉ học hành. Chiều mùa xuân ánh nắng vàng buông tỏa khắp thủ đô Paris. Thiên Hà đang cậm cụi làm bài trên bàn học, mẹ cậu hỏi : - Thiên Hà ơi ! Làm bài xong chưa. Chút nữa đi chợ dùm má nghe con ? - Dạ, gần xong rồi má.
Kim Tú hí hởn :
- Má sai anh Thiên Hà đi chợ là ảnh khoái lắm.
Thiên Hà nhìn em :
- Nếu muốn, thì em đi thế anh đi !
Kim Tú nũng nịu lắc đầu :
- Thôi, kéo ca-đi nặng lắm, em không thèm đâu !
Thiên Hà đưa ánh mắt dịu dàng nhìn em :
- Em thích ăn tráng miệng bánh gì nè ?
Dạ Nguyệt đang móc trong xách ra hai trăm quan đưa cho Thiên Hà và nói nhanh :
- Con thích ăn bánh, chứ em con chỉ thích ăn trái cây thôi. Nè, con nhớ mua nửa ký thịt bò, xà-lách, tô-mách và mt trái dưa leo. Chiều nay, mẹ sẽ làm bò lúc-lắc, xà-lách trộn củ hành, dầu dấm cho các con ăn. Chịu hôn ?
Kim Tú nhảy chòm lại hun mẹ và nói :
- Ngon hết xẩy !
Thiên Hà đi chợ về. Tiền còn dư liền đưa cho mẹ. Dạ Nguyệt đếm đếm, liền nói :
- Trời ơi ! Người ta thối lộn rồi con ơi !
Thiên Hà giựt mình :
- Chết cha ! Người ta thối thiếu hả má ?
- Không. Dư.
Kim Tú vui lên và vỗ tay :
- Vậy là hay quá !
Dạ Nguyệt nghiêm giọng :
- Không hay đâu con à ! Má đưa tờ giấy hai trăm mà người ta tưởng là năm trăm nên thối lộn. Tội nghiệp cho cô kết-xe, sau giờ làm việc kiểm tiền lại thiếu thì cô sẽ bị chủ đền đó. Thiên Hà ! Con mau mau đem ra trả lại cho người ta. Và nhớ xin họ ký tên đem về cho má xem nhe hôn !
- Dạ.
Thiên Hà nhanh nhẹn cầm tiền đi trả lại. Còn Kim Tú, sau khi nghe mẹ giảng dạy, tự thấy xấu hổ, liền vòng tay xin lỗi mẹ. Vì Dạ Nguyệt sợ con mình khi ra khỏi nhà rồi nổi lòng tham sẽ cất dấu đâu đó, khi trở về nói láo là trả tiền lại cho người ta rồi. Nên nàng mới bảo con xin họ ký tên có nhận tiền.
Cuộc sống ba mẹ con êm đềm trôi chảy được vài năm. Đùng một cái, Kim Tú bị bệnh tâm thần phải vô bệnh viện Nhi-Đồng Necker điều trị. Rồi kế tiếp Thiên Hà lại trốn học. Cũng vào lúc ấy, cả miền Nam Việt Nam (nói chung), và gia đình Dạ Nguyệt bên Sài-Gòn (nói riêng), Mẹ và các anh chị đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế ; thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, thiếu thốn những vật dụng cần thiết... Rồi được tin Mẹ bệnh nặng đang nằm điều trị ở bệnh viện Chợ-Rảy. Mặc dù tiền bạc eo hẹp, nhưng Dạ Nguyệt cũng ráng xoay sỡ gởi gấp về cho mẹ. Nghe tin tức những đài truyền hình, đài nào cũng nói về Việt Nam : ‘’Nhà cầm quyền cộng-sản Hà Nội đàn áp, bắt bớ tất cả Quân-dân-cán-chính đều đi học-tập cải-tạo và bắt buộc dân đi vùng Kinh-Tế-Mới. Dân chúng khổ sỡ quá nên ồ ạt tìm đường vượt biên, vượt biển...’’. Bao nỗi buồn khổ dồn dập đến với Dạ Nguyệt : ‘’Họa vô đơn chí. Phước bất trùng lai !’’. Trong cơn đau khổ và lo lắng tột cùng mà Dạ Nguyệt phải xin nghỉ làm vài tuần để lo cho hai con. Ngày đêm, nàng cứ thắp nhang, đốt đèn cầy, lòng chỉ nhứt tâm cầu nguyện Ơn Trên. Và dùng lời ngọt diệu khuyên bảo Thiên Hà đi học trở lại. Còn Kim Tú thì vẫn trong cơn cuồng trí. Nhờ những bác sĩ chuyên môn về khoa tâm-lý-học tận tình chăm sóc. Vài năm sau, căn bệnh của Kim Tú từ từ giảm dần và dứt hẳn. Cô tiếp tục đi học trở lại.
‘’Sau cơn mưa trời lại sáng’’
Trong hơn mười năm, Dạ Nguyệt vẫn đi làm thư ký cho hãng thầu C.I.E. và lo cho hai con học hành chu đáo. Ngày mà Thiên Hà thi đậu bằng B.T.S.M.O.. Nàng mừng quá, ôm con vào lòng mắt rưng rưng và nói :‘’Con thưởng cho mẹ món quà lớn nhứt đời rồi...’’.
Sau khi, Thiên Hà thi đậu xong, cậu chần chờ không chịu đi xin việc làm, đêm đêm thường hay đi chơi về thật khuya, làm Dạ Nguyệt rất lo lắng. Lúc đó, Dạ Nguyệt có quen biết vài người trong Tòa-Đô-Chánh Paris. Nàng tìm cách cho họ gặp Thiên Hà để cắt nghĩa, dìu đắt. Vì vậy mà họ giới thiệu Thiên Hà được vô làm việc trong Bộ Quốc Phòng Pháp. Còn Kim Tú cố gắng học, nhưng chỉ đậu bằng Y-tá mà thôi. Cô dễ dàng xin việc trong nhà thương De Vaugirard Paris quận 15.
Lúc bấy giờ, Thiên Hà và Kim Tú có công ăn việc làm đàng hoàng. Hai năm sau, Thiên Hà xin mẹ cho ra ở riêng. Rồi chẳng hiểu vì sao Kim Tú cũng đi ra mướn một phòng nhỏ ở riêng luôn ! Suốt bao năm, Dạ Nguyệt cam chịu ôm nỗi buồn vì hai con đã xa nàng. Tuy sống cô độc, nhưng nàng không dám than thở một lời nào với hai con. Bởi nàng trọng sự tự do của các con, và chấp nhận luật tự nhiên của thời đại...
*
Đêm nay vầng trăng rằm tròn và sáng trưng. Bầu trời trong xanh cao thăm thẳm không một áng mây che, muôn ngàn vì sao lấp lánh như đang nhảy múa giữa không trung vô tận. Quang cảnh về khuya thật yên lặng, im lìm. Sự lặng yên rùng rợn ! Không một tiếng chim kêu, chó sủa, mèo ngao, cũng chẳng có ai thì thào than thở. Cảnh vật chìm vào giấc ngủ giữa đêm trăng diệu huyền...
Dạ Nguyệt ngồi dậy thật nhanh đi ra khỏi phòng, đến giàn máy Hi-Fi thò tay bấm casette mà chẳng cần trong máy có sẵn băng gì... Từ trong máy phát ra tiếng mõ chuông vang lên, bà tắt ngay, rồi quay lại bấm ti-vi bất cần có chương trình gì miễn sao có tiếng người là đủ rồi. Nhưng bà vẫn còn nghe trong lòng bức rức nóng nãy như bị lửa thiêu đốt dữ di. Bà mở cửa sổ cho hơi lạnh ùa vào để làm mát người lại. Rồi ngồi gục đầu xuống ghế bên cửa sổ...
Như Liên, người bạn gái đến ở tạm nhà Dạ Nguyệt từ khi Nghị, bạn trai của Dạ Nguyệt bị tai nạn chết hơn một năm nay. Như Liên đang ngủ, nàng giựt mình, vì nghe tiếng ti-vi. Nàng mở cửa phòng đi ra :
- Trời ơi ! Mầy làm gì vậy Dạ Nguyệt ? Trời lạnh, sao mầy mở cửa sổ ?
Dạ Nguyệt ngẫng đầu lên :
- Tại tao thấy nóng trong người quá !
Như Liên lắc đầu :
- Nóng đâu mà nóng !
Nàng nắm tay bạn kéo vô, với tay đóng cửa sổ lại, và nói tiếp :
- Tay mầy lạnh ngắt, mặt mày tái mét kìa ! Rồi, lại lén tao nóc rượu nữa !
Dạ Nguyệt đứng lên đi vô salon, nàng nói một giọng hơi nhừa nhựa và yếu :
- Kệ tao, mầy để cho tao chết đi.
- Hứ ! Nếu mầy muốn chết, thì từ từ chết. Còn trời lạnh mà mầy làm như thế. Không chết, mà sẽ bị bệnh dây dưa làm phiền đời... Còn hơn là chết nữa đó !
- Tao đã uống cạn khổ đau và nuốt hết vui sướng của đời rồi.
- Nhưng mầy phải sống.
- Còn chỗ nào thiếu đâu mà ham sống ? à, tao còn thiếu một thứ nữa chứ !
- Thứ gì ?
- Chết !
- Nhưng ông trời chưa chịu cho mầy giấy phép mãn nhiệm kỳ ở trần gian mà. Nếu còn sống mà trồng được một bụi rau hay cây ớt cũng gọi là có ích lợi cho đời rồi. Còn hai con mầy nữa !
- Tao lãnh nhiều vai, đóng quá nhiều tuồng, nếm đủ mùi vị của ông trời cho rồi. Tao chán rồi, mệt rồi. Các con tao hả ? Các con tao nuôi như chim đã mọc lông đầy cánh thì chim bay ! Còn chuyện tao tính riêng cho đời tao, kệ tao. Mầy đừng xía vô. Cuộc đời, tao đã nếm đủ quá rồi. Mầy hiểu chưa ?
- Chưa đủ. Mầy đừng trốn trách nhiệm làm người. Chưa hết vai, hết tuồng đâu em ơi !
- Mầy nghĩ ông trời sẽ giao cho tao thêm vai tuồng gì nữa sao ?
- Chắc chắn rồi đó.
- Sao mầy biết ?
- Điển hình là mầy còn mạnh khỏe. Ăn cái gì cũng thấy ngon, ngủ thì ngáy khò khò...
- Thôi, thôi đủ rồi. mầy đừng lý sự, dạy đời với tao nữa. Tại vì còn khỏe mạnh nên tao mới muốn chết. Chờ đau yếu bệnh hoạn rồi chết là thường quá.
- à, thì ra mầy muốn chết tươi, chết tốt phải không ?
- Đúng. Đúng đó.
Nói đến đây Dạ Nguyệt cười khà khà. Như Liên cũng cười và nói mai mĩa :
- Tươi, tươi cỡ bà cố nội tao hén ! Tụi mình thuộc hoa tàn, hoa héo queo cù đèo rồi, tươi đâu mà tươi. Thôi, đi ngủ đi Dạ Nguyệt ơi !
- Mầy đi ngủ là đúng hơn. Mầy trọng giấc ngủ hơn ăn uống mà.
Như Liên nhẹ giọng :
- Còn mầy, sao mầy không ngủ ?
Dạ Nguyệt nổi nóng :
- Trời ơi ! Mụ này thật là kỳ cục. Mầy làm riết, chắc tao bỏ trốn đi chỗ khác quá. Ở một mình chắc tao tự-do hơn !
- Tao là người ra đi mới đúng. Nhà này mầy mướn mà !
Đôi mắt Dạ Nguyệt rũ xuống thoáng buồn :
- Tao để lại cho mầy. Tao đi kiếm phòng khác mướn.
- Mầy sống một mình à !
- Ừa, có sao đâu ?
- Thôi đi Dạ Nguyệt ơi ! Ở một mình để mầy dễ dàng tính chuyện tầm bậy hả ?
- Tính chuyện gì tầm bậy ?
- Tự tử ! Hủy thân xác như mầy thường nói.
- Đã nói ra thì trong lòng có nghĩ đến. Còn thực hiện. Há, để chờ xem !
- Chuyện gì mà mầy không dám làm.
- Đúng. Ngán ai mà không dám ? Ý, cũng tùy chuyện chứ. Những chuyện gì phạm pháp thì tao không dám đâu. Còn cái vụ tao chết thì có mắc mớ ai đâu ? Thôi, tao đi ngủ nghe Liên ! Mầy cũng vô phòng ngủ đi.
Nói đến đây, Dạ Nguyệt đi vô giường nằm nhắm mắt... mơ màng nhớ lại những ngày tháng sống chung với Nghị...
... Nghị đi làm về thấy Dạ Nguyệt lo đi quyên tiền để giúp người nghèo. Hắn bực bội :
- Em cứ bày đặt đi làm nhân-đạo để người đời cho em là tốt, là giàu có... Thân phận của em mà em không lo.
Dạ Nguyệt đứng lên và hỏi Nghị :
- Thân phận em ! Nghĩa là sao ?
- Hứ, cái thứ bị Tây-Mỹ hóa mà còn làm bộ.
Dạ Nguyệt giận điếng người. Nhưng nàng cố trấn an để khỏi tát tay vô mặt Nghị. Nàng ngồi phệt xuống salon và nghĩ : ‘’Cái thằng cha này dở trò ăn nói mất dạy. Hắn muốn mình tống cổ ra khỏi nhà này rồi. Dạo trước mới quen với mình, hắn nói hắn là loại con cháu nhà giàu ở Sài-gòn. Ngày cộng-sản Bắc-Việt cưỡng chiếm miền Nam, hắn chạy theo tàu... vượt biển. Sau mấy tháng ở đảo Pô-Lô-Bi-Đong, rồi được chánh phủ Pháp cho tỵ-nạn. Học bập-bẹ được chút ít tiếng Pháp chẳng ra hồn gì cả. Hắn chỉ làm phụ bếp cho nhà hàng này sang nhà hàng khác suốt mấy chục năm nay, chớ có phải ông Nghè, ông Cống gì đâu mà hắn không biết tội nghiệp những người nghèo khổ. Lúc mình quen hắn, hắn đang ở cái phòng nhỏ chật chi chưa tới mười thước vuông. Vì các con mình ra ở riêng từ lâu. Nhà trống vắng một mình cô đơn. Mình có nhiều cảm tình với hắn nên kêu hắn về ở nhà mình cho có bạn. Rồi càng ngày, hắn càng lên giọng làm như ông nội mình. Bày đặt nói không bằng lòng chuyện này sang chuyện khác. Phiền thiệt !’’.
Dạ Nguyệt ngồi im và suy nghĩ. Bà chẳng thèm nói câu nào với Nghị. Nghị hỏi trỏng :
- Sao nín thinh vậy ?
- Ông muốn tôi nói gì bây giờ ?
- Cha, bữa nay gọi tôi bằng ông à !
Dạ Nguyệt nổi cáu :
- Không lẽ kêu bằng ... thằng ?
Nghị nghe Dạ Nguyệt hỏi sốc, ông quay lại :
- Hỗn hả ?
Ánh mắt Dạ Nguyệt nhìn Nghị như hai tia Laser chiếu vào, nàng lớn tiếng :
- Già rồi, không mất dại, vũ phu nghe !
Nghị tát tay vô mặt Dạ Nguyệt. Bị Nghị đánh bất thình lình, bà nổi điên lên liền chộp cái gạt tàn thuốc lá liệng vào mặt Nghị. Ông né qua. Dạ Nguyệt thét lên :
- Đồ khốn nạn... Đi ra khỏi nhà tao lập tức. Nếu không, tao giết mầy. Thằng cha già vũ phu... vũ phu... vũ phu...
(...)
Như Liên nghe tiếng la hét, nàng liền chạy qua phòng đánh thức Dạ Nguyệt :
- Mầy nằm chiêm bao chuyện gì vậy ?
Dạ Nguyệt còn ú ớ... Như Liên lắc mạnh và gọi :
- Dạ Nguyệt ! Dạ Nguyệt !
Dạ Nguyệt giựt mình ngồi nhổm dậy :
- Trời ơi ! Tao đang đánh lộn với anh Nghị.
- Anh Nghị đã chết đời kiếp nào rồi mà mầy còn...
- Sao ảnh cứ ám tao hoài Như Liên ơi !
- Anh Nghị chết vì bị tai nạn, chớ mầy đâu có giết ảnh mà mầy sợ.
- Biết rằng, tao không có giết ảnh. Nhưng đêm đó tao đuổi ảnh đi...
- Anh Nghị đi. Rồi tại ảnh nhậu nhẹt, say sưa. Nên mới bị xe đụng chết. Thôi, cũng tại do số trời tất cả hết. Mầy hãy lo thân mầy đi Dạ Nguyệt à ! Còn tao, thì chắc là vài tháng nữa sẽ bay qua Mỹ sống với con gái của tao.
- Mầy thật có phước được con lo về già.
- Tao có một đứa con gái. Còn mầy được hai, có trai có gái. Thế nào rồi cũng có một trong hai đứa về với mầy.
Dạ Nguyệt thở ra :
- Người mẹ nào mà không mong muốn sống chung với con đến mãn đời. Nhưng...
Nói đến đây mắt bà rưng rưng. Như Liên an ủi :
- Thôi, đừng buồn nữa Dạ Nguyệt à ! Vì mỗi người đều có số phận riêng...
*
Thời gian bay vèo, Dạ Nguyệt đến tuổi hưu trí, lãnh tiền rất ít. Một cuối tuần vào mùa Giáng Sinh, tuyết rơi lã chã trắng xóa khắp nẽo đường, Kim Tú về thăm mẹ. Dạ Nguyệt lật đật bỏ cá bông-lau ra, lấy mấy khứa kho tộ và mấy khứa nấu canh chua... Hai mẹ con ăn cơm xong, Dạ Nguyệt cầm tay con và nói :
- Chắc má xin vào Nhà-Già ở quá !
Kim Tú nhìn mẹ, nghe lòng se thắt và cảm thấy mình có lỗi vì bỏ mẹ sống cô độc . Đôi mắt cô rưng rưng :
- Má ! Sao má muốn vô Nhà-Già ở ?
Dạ Nguyệt cố trấn an con. Bà gượng cười :
- Nghe đâu vô trong đó vui lắm. Nếu rủi má có bệnh hoạn thì người ta lo đầy đủ.
- Theo con thì con không muốn má vào đó đâu !
- Bây giờ các con có đời sống riêng tư. Mai mốt con sẽ lấy chồng, rồi bận rộn con cái...
- Không. Con không chịu má vô Nhà-Già. Để con nói chuyện này với anh Thiên Hà.
- Anh con, nay đã có vợ, có con rồi. Con đừng làm chao động gia đình anh con nghe hôn !
- Không sao đâu má. Con thấy chị Christine, vợ ảnh cũng hiền.
- Vậy con muốn nói chuyện gì với anh con ? Mà nè, nếu con muốn nói gì thì chờ khi nào có mặt chị dâu con nghe hôn ! Chớ đừng có rù rì riêng rẽ, rồi sau này chị dâu con biết được sẽ hành tội anh con đó nghe ! Chuyện gì mình cũng phải tế nhị thì sẽ vui vẻ cả làng.
- Chắc không sao đâu má à ! Con chỉ hỏi mượn ảnh chút ít tiền để con đủ ứng trước mua căn nhà cỡ ba phòng nho nhỏ. Nếu được, con sẽ đem Má về ở chung. Thôi, con đi rửa chén nghe má !
Bà Dạ Nguyệt đi lại salon ngồi. Bà vừa nghe con gái nói chuyện mua nhà và sẽ ở chung với bà, lòng bà cảm thấy vui vui. Nhưng bà nghĩ : ‘’Căn nhà ba phòng nhỏ này, các con mình đã sống từ nhỏ đến hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi có sao đâu ? Từ khi chúng đi làm có dư chút tiền là đòi ra ở riêng. Có phải chăng vì thời đại, do xã-hội Tây-phương tạo lên, nên con mình đua đòi như thế không ? Phải chi con gái mình về đây ở, phụ tiền nhà chút ít thì mình khỏe, khỏi tính chuyện vô nhà-dưỡng-lão. Nhưng mình cũng phải để cho con nó trả hiếu... Biết đâu các con mình muốn ‘’trở về nguồn ?’’.
Kim Tú vừa rửa chén xong, cô đến ngồi cạnh bên mẹ :
- Sao ! Má thấy con tính như vậy có được không ?
Dạ Nguyệt đưa tay vuốt tóc con :
- Má để cho các con tính sao cho ổn thỏa thôi. Nếu cuối cùng không được thì theo như dự định của má. Hỗm rày con có gặp anh con không ?
- Dạ, không. Chắc ảnh bận rộn lắm má à ! Ảnh đi làm về còn phụ vợ lo cho hai đứa nhỏ nữa.
- Má cũng nghĩ như vậy !
- Ảnh có điện thoại thăm má thường không ?
- Thỉnh thoảng thôi. Mỗi năm má được gặp hết các con vào những dịp lễ lớn là đủ làm má vui lắm rồi !
Nói đến đây, ánh mắt bà Dạ Nguyệt hiện lên nét buồn buồn. Rồi bà gượng vui trở lại, hỏi đùa đùa với con gái :
- Nè, chừng nào con lấy chồng ? Ba mươi mấy tuổi rồi đó nghen ! Nếu không, thì rồi đây sẽ làm gái-già cho mà coi !
Kim Tú nhìn mẹ một cách ngạc nhiên :
- Má ! Lần đầu tiên con mới nghe má hỏi câu này !
Nhìn ra cửa sổ, cô nói tiếp :
- Chắc, con không lấy chồng đâu má ơi !
- Tại sao kỳ vậy con ?
Kim Tú ngần ngừ, rồi nói :
- Nếu lấy chồng, rủi xui gặp cảnh giống má thì buồn thấy mồ !
- Ý, làm sao mà giống được chứ ? Bộ con bị ám ảnh đời má hả ?
- Hồi lúc má còn trẻ. Hễ tụi con thấy má quen với ông nào là tụi con ghét cay ghét đắng ông đó. Sau này, tụi con biết má sợ tụi con bất mãn bỏ nhà đi hoang nên má dẹp mấy ông qua hết một bên. Nghĩ lại, thấy tụi con thật quá ích kỹ với má...
- Chuyện đó là chuyện bình thường của những đứa con nít. Đâu có đứa con nít nào ưa cha mẹ ghẻ bao giờ ?
Kim Tú cầm bàn tay nhỏ nhắn của mẹ :
- Sau này, tụi con thấy má có cậu Nghị làm bạn hủ hỉ. Tụi con mừng ghê đi. Nhưng...
- Ối, tại số của má như vậy rồi. Còn con thì khác xa má mà. Con đừng có quá bi quan...
- Thôi má à ! Má đừng nhắc nữa. Bây giờ con đi về. Con sẽ cố gắng mua nhà để con được sống chung với má. Thưa má con về.
- Ừa, có gì thì đêm lễ Giáng Sinh các con về. Má sẽ nấu cà-ri gà Tây cho mà ăn.
- Ngon nhứt rồi. Dạ, con đi nghe má !
Sau khi Kim Tú đi rồi, bà Dạ Nguyệt nghe lòng vui vui :‘’Mình mướn căn nhà này mấy chục năm nay. Ở đâu quen đó. Phải chi con mình thích mua lại thì mình sung sướng biết chừng nào ! Mà tại sao mình không bàn việc này với con ? Hôm nào mình sẽ gọi điện thoại đề nghị thử xem ! Dù sao đi nữa, mình cũng là mẹ mà. Mình thương yêu con thì mình muốn gì phải cho các con biết. Chớ nín thinh hoài, tụi nó biết chỗ nào đâu mà mò. Nếu mình không đòi vô Nhà-Già thì chắc chắn ý định mua nhà sẽ không có nẩy ra trong đầu con gái mình đâu. Bởi vì tụi nó thích ở nhà mướn để đỡ bớt đóng thuế. Thiệt, sống già quá làm chi để phiền lụy đến con cái đây !’’. Tuy nghĩ vậy, nhưng tâm hồn bà Dạ Nguyệt nghe lâng lâng sung sướng. Bà tin tưởng con bà hiểu biết sự hiếu thảo.
Đêm lễ Giáng-Sinh, Kim Tú về trước để cùng phụ mẹ nấu nướng. Sau đó, Thiên Hà cùng vợ ẩm hai đứa con trai song sanh, Lễ và Nghĩa vừa giáp thôi nuôi về ăn tiệc với bà ni. Mấy mẹ con có chút đỉnh quà cáp đơn sơ trao tặng qua lại. Ăn uống xong đến nửa đêm nghe những tiếng chuông nhà thờ đỗ vang vang. Thiên Hà khui Champagne rót bốn ly trao tay mọi người và chúc mừng Chúa-Hài-Đồng ra đời cách đây 2001 năm. Sau khi uống Champagne xong, rồi uống trà, ăn bánh kẹo, Sô-cô-la... Không khí thật là hạnh phúc. Bà Dạ Nguyệt mở lời, nói với Thiên Hà và con dâu :
- Sẵn đây, má muốn nói cái chuyện em con muốn hai con giúp chút ít tiền để mua nhà. Nếu được thì tốt. Còn không được thì cũng không sao đâu.
Thiên Hà và vợ ngớ ngẩn. Kim Tú nhanh nhẹn nói :
- Con chưa có hỏi anh Thiên Hà và chị Christine má à !
Thiên Hà nhìn Kim Tú :
- Ủa ! Em dịnh mua nhà hả ?
Bà Dạ Nguyệt kể lể ra hết những ý định của con gái và ý muốn của bà cho vợ chồng Thiên Hà nghe...(...). Tất cả ngồi nghe mẹ nói. Sau cùng đều đồng thuận theo ý muốn của mẹ.
Đã hơn một giờ khuya, hai bé Lễ và Nghĩa đều ngủ khò trong phòng. Kim Tú cùng chị dâu lo dọn dẹp rửa chén, dĩa, ly, tách dùm cho mẹ. Xong xuôi, rồi tất cả hôn mẹ chào ra về. Còn lại một mình bà Dạ Nguyệt trong căn nhà. Bà thay đồ ngủ, rón rén lên giường mà nghe lòng sung sướng hơn bao giờ hết.
Ra tháng Giêng, qua khỏi Tết Việt Nam. Kim Tú cùng mẹ hẹn gặp người chủ nhà. Người chủ nhà vui vẻ bằng lòng bán căn nhà với giá phải chăng. Sau mấy tháng, Kim Tú chờ đợi nhà băng cho vay tiền. Xong, kế tiếp đi chưởng-khế ký giấy mua nhà. Mọi việc đã êm xuôi. Kim Tú dọn về sống chung với mẹ. Bà Dạ Nguyệt được hạnh phúc tuyệt vời lúc tuổi già. Nhưng oái oăm thay ! Chỉ được tám tháng sống vui cùng đứa con gái. Bất thình lình nửa đêm, bà lên cơn đau tim, rồi tắt thở trước khi bác sĩ, xe cứu cấp đến. Xem như bà Dạ Nguyệt được mỉm cười nơi chín suối. Bà tin chắc hai con mình hiền từ và hiếu thảo...
Nửa khuya trở giấc, Kim Tú thấy có ánh sáng ngoài salon, liền ngồi dậy đi ra khỏi phòng :‘’Ha ! Ánh sáng của trăng, chớ không phải mình quên tắt đèn !’’. Cô đưa tay vén bức màn mỏng che cửa sổ, nhìn vầng trăng đang ngả về phía tây làm lòng cô nhớ mẹ vô cùng. Mới tháng trước, mẹ cô còn sống, hễ mỗi lần trời có trăng thì lối hai giờ khuya là bà thức dậy ngồi im lặng bên cửa sổ để ngắm nhìn vầng trăng đang tỏa sáng. Kim Tú nghe lòng se thắt, mắt rưng rưng :‘’Đêm nay vầng trăng của mẹ trở về, mà mẹ không về để ngắm trăng. Mẹ ơi ! Thật sự, con mãi mãi mất mẹ rồi !’’. Ngồi một hồi, cô trở vào phòng leo lên giường nằm ôm gối cố vỗ giấc ngủ nhưng không làm sao ngủ lại được. Cô nghĩ và nhớ lại bao kỷ niệm vui buồn cùng mẹ và người anh.
Mặc dù trời đã sang đông, thời tiết bên ngoài buốt lạnh. Nhưng đêm nay trời trong, mây biếc, vầng trăng đêm đông mà to tròn như cái bóng đèn khổng lồ treo lơ lửng giữa không trung, ánh trăng sáng vằng vặc buông tỏa khắp trần gian. Kim Tú thẩn thờ trở ra salon ngồi nhìn ảnh mẹ, thấy như mẹ đang tươi cười với cô trên bàn thờ. Làm lòng cô xót xa tan nát và thương nhớ mẹ vô biên, đôi dòng nước mắt tuôn trào. Cô ngồi im lặng, rồi dường như bên tai cô nghe văng vẳng những lời khuyên dạy của mẹ :‘’Các con rất hiếu thảo, biết yêu thương và ngoan hiền với má. Thì với đời, các con cũng phải biết thương người, mở lòng bao dung, rộng lượng.‘’Hãy luôn mỉm cười ’’ với mọi người, với những kẻ thù ghét, chống đối hay chỉ trích mình. Nếu trong lòng các con được chứa mang giàu tình thương, thì sẽ không bao giờ bị ai ăn cắp hay cướp mất được. Thứ rẻ tiền này, nhưng rất quí báu. Các con luôn mang theo bên mình như bảo vật. Hãy biết sợ, thù ghét và chán chê tội lỗi, thì chẳng bao giờ các con dám gây nên tội lỗi.....’’. Đến đây, ánh mắt Kim Tú sáng bừng lên, cô đứng dậy đi đến bàn thờ mẹ, đốt ba nén nhang và miệng lẩm bẩm : ‘’Vâng ! Con luôn ghi khắc trong lòng những lời của mẹ khuyên dạy...’’.
Thuở ấy, đời Mẹ phong ba, té ngựa
Mẹ còn xuân. Con lại quá bé thơ
Mẹ định sang thuyền. Con tuổi dại khờ
Nên thù ghét bướm vờn loanh quanh Mẹ.
Từ tuổi mộng, xuân xanh mùa hoa nở
Bướm ong vờn, con thương Mẹ vô biên
Con trở về, với tâm tánh diệu hiền
Mẹ vĩnh viễn không còn bên con nữa.
Mẹ là tất cả, là bầu sữa ngọt,
Là nguồn suối trong, con li, con bơi
Nhưng bây giờ Mẹ đã xa con rồi...
Lòng tưởng nhớ nghẹn ngào, xin chúc Mẹ :
Chúc Mẹ đi được yên lành
Vào nơi đất Phật nhặt cành Vô-Ưu
Chúc Mẹ an giấc mộng du
Nhẹ nhàng trong cõi thiên thu tuyệt vời.
(Paris 11/2002)