Chương 7
Tác giả: Võ Hà Anh
- Chà, trông cô bé xinh quá. Anh Dũng hết còn than van gì được nữa nhé!
Phượng đỏ mặt nhìn Hiền cười sung sướng trong lúc Dũng làm ra vẻ thản nhiên bắt tay Quân. Dũng tự nhiên cảm thấy mình đạo mạo một cách khôi hài:
- Có món quà nhỏ để mừng anh chi....
Quân cười hô hố:
- Sư mày, vừa phải thôi. Ừ thì... anh chị nhận cho em khỏi buồn. Mà cái này của... hai em hay của riêng một người cho thôi đấy?
Dũng lúng túng:
- À, à... của tao và Phượng chung nhau đấy. Thông cảm vậy nhé, thời buổi vật giá theo.. Apolo mà, nên chẳng có gì...
Quân trao lại Hiền hộp giấy nhỏ. Hiền tự nhiên mở ngay gói quà:
- Xem nào, mình được cái gì đây nhỉ? Ối chao, phiếu tặng một nồi cơm điện National và một máy quay thịt... vậy mà còn làm bộ bảo chẳng có gì..
Cả bốn người cười vui vẻ. Phượng tíu tít:
- Mấy giờ khách đến hở chị? Có đông không?
- Độ năm giờ chiều. Cũng chỉ những bạn bè thân của hai đứa, họ hàng đâu có ai.
Phượng nhìn Hiền và chợt thấy ao ước nhè nhẹ. Họ sung sướng ghê. Hai người sống tự do không bị gia đình họ hàng ràng buộc. Họ đã sống cạnh nhau như vợ chồng, bây giờ Quân nhất định làm... lễ cưới. Một đám cưới mới mẻ, cả hai nhờ một ông bác họ của Quân đứng chủ hôn, làm lễ cưới trước bàn tơ hồng ở nhà rồi đưa nhau đi ký sổ hôn thú. Sau đó Quân tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở nhà Hiền, chỉ có bạn bè đến dự. Thật giản dị, vậy mà họ tràn đầy hạnh phúc đó, đâu cần phải linh đình to lớn mới sung sướng bên nhau. Bất giác Phượng đưa mắt nhìn Dũng và tự hỏi:
- Bao giờ thì mình và Dũng cũng như họ nhỉ?
Dũng vừa từ Kontum về ít lâu, chàng có vẻ mệt mỏi và hay gắt gỏng. Những căng thẳng ở chiến trường, những hình ảnh ghê gớm chàng đã gặp khiến Dũng bị giao động mạnh. Chàng đến với PHượng như một thói quen hơn là thích đến, thích gần gụi bên nàng. Phượng nghĩ thế, nhưng không hờn trách. Từ khi thân với Hiền, Phượng tập giống vài đức tính của Hiền. Có lần Hiền nói:
- Muốn đàn ông yêu mình lâu dài mình phải tỏ ra quan tâm đến họ, săn sóc họ và nhất là phải to ra bao dung, tha thứ những lỗi lầm của họ. Chỉ hờn trách, giận buồn cho vừa phải. Đừng bao giờ kéo dài quá lâu họ sẽ dễ thấy mỏi mệt, chán nản vì sự cố chấp của mình.
Phượng nghĩ Hìên nói đúng. Và tập được tính đó, Phượng thấy mình... cao thượng hẳn lên.
Hai người đàn ông nói chuyện với nhau trong lúc Hiền và Phượng sửa soạn xếp đặt các thứ lặt vặt. Một lúc Quân rủ Dũng đi mua mấy thứ còn thiếu. Rồi hai người kéo nhau đi, Phượng nhìn Dũng chờ một lời nói tỏ ý "xin phép" nhưng Dũng chỉ nháy mắt với nàng rồi bước theo Quân. Phượng quay lại bắt gặp Hiền nhìn mình cười:
- Tức hả? Anh chàng đị.. ngang xương, chả nói năng xin phép gì hết hả?
Phượng đỏ mặt:
- Đâu có, chú ấy muốn làm gì thì làm chớ em có quyền gì đâu...
Hiền phì cười:
- chà, đến bây giờ vẫn còn chú cháu nữa sao, chị cứ tưởng anh em lâu rồi chứ?
Phượng vội vàng cải chính:
- Đâu có.
- Lúc em mới đến chị đã trêu anh Dũng để dò ý, em nghe đó. Vậy mà tay ấy tỉnh bơ, ghê thật.
Hiền ngắm nghía Phượng:
- Mà em đẹp thật. "Mi nhon" đến thế là nhất. Đeo kính vào chị xem nào. Ừ, cái kính này to vừa phải, áo dài màu nhã, ngắn thế là vừa. Đôi giầy...
Phượng cười e thẹn:
- Em biết rồi. Các ông ấy ghét loại giầy này lắm. Chê là mũi cụt, xấu. Phải thon thon với chân mới đẹp. Ai chứ ông Dũng thì khó tính nhất.
- Khó tính nhưng vẫn khen phải không, xấu mấy thì xấu, chê mấy thì chê nhưng người yêu dùng là khen: em mặc cái gì cũng đẹp.
- Chú Dũng vẫn chê thẳng cánh đó chị.
- Ừ, tại em cả. Cứ chú cháu cho ông ấy có thể bắt nạt. Chứ anh em rồi thì hết dám. Nhưng mà kể ra các ông ấy bực mình cũng phải. Đàn ông con trai họ thích giống nhau: phải sang trọng một cách nhã nhặn mới đẹp và .. quý phái. Hôm nọ chị với anh Quân ngồi ăn bò viên ở chỗ chùa Chà gần chợ Cũ, thấy một cô đi cạnh ông Thiếu úy bộ bịnh, anh ấy đang ăn cũng hét lên oai oái: - Trông kìa, bà bóng. Bà bóng kìa. Bà bóng đi giao duyên tiếu ngạo với anh tiền tuyến, trông cứ nhự.. đôi trẻ giang hồ.
Chị nhìn qua đường thấy cô nhỏ mặc áo dài đỏ chói, mini ngắn tới đầu gối. Chân đi hài hột cườm, tóc buộc đuôi ngựa và đeo chiếc kính to tướng mắt tròn xoe che gần hết mặt. Đã thế còn nắm tay nhau dung dăng dung dẻ nữa chứ.
Phượng và Hiền cười khúc khích. Phượng cũng có bộ đồ như vậy nhưng không dám mặc khi đi với Dũng. Có lần nghe Dũng chê Phượng dọa "chú mà ghét thì Phượng cứ mặc cho xem", Dũng bảo "cứ việc, nhưng chú sẽ không đi cạnh Phượng nữa". Tưởng Dũng đùa, nhưng nhìn mặt Dũng, Phượng biết là chàng nói thật.
Hiền hỏi:
- Thế em cứ định để như thế mãi à?
Phượng giật mình:
- Để gì hở chị?
- Tình trạng giữa em với Dũng đó.
Phượng bâng khuâng:
- Chứ chị bảo em tính sao bây giờ? Ông ấy cứ tơ mơ, em chả hiểu ông ấy có yêu em không nữa, nói gì đến chuyện lấy nhau.
- Sao em không hỏi dò?
- Đã, chị ạ. Nhưng ông ấy than nghèo, than chưa đủ sức lo cho gia đình.. Em nghe con Vi nó kể lại chứ em đâu dám hỏi thẳng.
- À, nhỏ Vi. Dạo này ra sao?
Phượng vui vẻ:
- Nó có thằng bồ cũng là bạn ông Dũng, là lính người nhái Hải Quân thì phải. Chúng nó quen nhau từ ngày còn nhỏ ở Hà Nội, mới gặp lại nhau không bao lâu đã bị "tiêng sét ái tình". Nhưng nó bảo còn nhỏ, chả lẽ lấy chồng sớm vậy, và nó sợ mẹ nó không chịu.
Hiền cười lặng lẽ. Tuổi trẻ và tình yêu, chiến tranh và thân phận. Những "thứ" đó dằn vặt cuộc sống cá nhân từng ngày. Và những thứ đó làm người ta chóng già hay trở thành liều lĩnh.
Phượng tiếp:
- Tụi em nhiều lúc thấy chán đời ghê. Chị nhớ con Thúy bồ ông Hoàng không, nó cứ đòi vào nhà tu kín. Nhà nó cản mãi, bây giờ đẩy nó lên Đà Lạt ở với bà cô già. Nó viết thư về than buồn, than chán và bảo dám có ngày nó nhẩy xuống một trong những thác nước tự tử lắm.
Hiền an ủi:
- Mỗi người có một số mệnh. Em đừng nghĩ ngợi làm gì, chị thấy Dũng có vẻ gần gũi em lắm đấy chứ.
Phượng buồn buồn:
- Ông ấy ghê lắm, chị không biết đâu. Các cô cứ đến tòa báo kiếm hoài à, có cô còn rủ đi xa nghỉ mát nữa cơ. Con nhỏ tên là Mẫn, nó... lẳng lơ ghê chị ạ. Em...
Hiền cười:
- Ăn thua gì. Muốn giữ thì đừng ngăn cấm mà phải làm sao quyến rũ được người đàn ông thường xuyên và hơn được người con gái kia. Ngày bằng tuổi em chị cũng đã nhiều lần ôm ấp trong lòng những bực dọc đó. Rồi chị lấy chồng, vội vàng đến độ chưa kịp nghĩ mình có ao ước như vậy hay không nữa. Rồi anh ấy mất đi, chị cứ tưởng suốt đời phải đóng vai trò của một người góa phụ. Nhưng một ngày, chị thay đổi cách sống. Chị gặp Quân, và lại yêu Quân. Lần này chị mới nghĩ là mình yêu thực sự và tự nhiên, không hề bị gò bó ép buộc nào. Và nếp sống cũng phóng túng nhưng một cách hiền lành như em thấy đó.
Phượng nhìn quanh. Căn nhà vừa phải, hợp với một cặp vợ chồng. Đồ dùng toàn màu nhạt và giản dị. Phượng thích nhất đứng cạnh cửa sổ ngó ra khu vườn nhỏ, trong đó Hiền trồng thật nhiều cây.
Phượng bước lại gần, tì tay lên khung cửa. Bên ngoài trời còn nắng nhưng khu vườn rợp mát. Những cành Hoa Hậu đầy hoa tím, những bông hồng nhung rung rinh bên mép chân tường. Phượng chợt thấy yêu thích cuộc sống của Hiền hiện tại. Nàng nghĩ tới những bạn gái đã lấy chồng và hoang mang. Đứa thì bảo chán lắm, cực nhọc và túng thiếu. Đứa thì ca ngợi và khuyến khích nàng. Nhưng khi hỏi "tao lấy chồng bây giờ có sớm không" thì đứa nào cũng trả lời "vừa rồi đấy, con gái chỉ có một thời.. xuân sắc". Biết chúng nó đùa, xúi khôn xúi dại Phượng vẫn bằng lòng vì nhìn vào hiện tại nàng thấy tình cảm giữa nàng với Dũng thật thoải mái. Phượng lấy làm lạ, tự hỏi trước kia sao mình có thời kỳ "loạn" đến thế. Những lúc buồn nàng thường rủ vài đứa bạnđi xi nê hay đi mua truyện về đọc. Vài lần nhớ đèn mầu, nhớ nhạc nhẩy nàng liều lĩnh theo bạn bè đi khiêu vũ... lậu. Những nơi tổ chức toàn con các ông lớn nên không gặp lôi thôi. Nhưng có một lần bị vây bắt, Phượng phải theo bạn tuột cột đèn ngõ sau nhà mới thoát. Lần đó Phượng vừa sợ, vừa xấu hổ thề không thèm đi nhẩy nữa.
Dũng không biết vụ đó, nhưng báo có đăng tin và nói rõ hai chục người bị giữ, trong số có nữ công chức và sinh viên, chờ giải tòa. Dũng tinh nghịch, cắt mẩu tin đến cho Phượng coi. Phượng toát mồ hôi, mừng thoát nạn mà cũng sợ vu vơ tưởng Dũng đã biết chuyện.
Bên ngoài có tiếng xe đậu, tiếng cười nói lao xao. Tiếng Quân oang oang:
- Chúng mày đến sớm thế, ông mời sáu giờ cơ mà.
Có tiếng lạ đáp lại:
- Thì tao sợ vợ chồng mày.. đơn chiếc, đưa bà xã tới phụ làm lặt vặt.
Mọi người kéo vào. Giới thiệu, bắt tay loạn cả lên. Từ lúc đó trong nhà bắt đầu ồn ào cho đến tối. Mọi người cứ sợ Hiền làm không xuể nên đưa vợ đến sớm phụ giúp, thành ra các bà các cô tha hồ có dịp đấu hót tưng bừng. Phượng cảm thấy "kẹt" nhất, vì chỉ có nàng là bị giới thiệu vòng vo tam quốc:
- Cô Phượng, "người nhà" anh Dũng!
Có người trêu:
- Ơ, thằng Dũng làm gì có người nhà nhỉ? Tôi chơi với nó mấy năm nay có thấy nó dắt... người nhà đi bao giờ đâu?
Phượng đỏ mặt, cúi gầm đầu trong lúc Dũng chỉ cười hề hề không đáp.
Đến gần chín giờ tối tiệc mới tàn. Dũng lái chiếc xe Phượng mượn của Hoạt, đưa PHượng về. Phượng nói nhỏ:
- Chú đưa Phượng đi một vòng đã nhé.
Dũng ngần ngại:
- Thôi về đi, để ở nhà mong.
Phượng bướng bỉnh:
- Không, đi chơi cơ.
Dũng vẫn thoái thác:
- Về ngủ sớm, mai đi học chứ?
Phượng cười chế riễu:
- Chú có say không? Mai chủ nhật mà.
Dũng lặng lẽ lái xe đi. Thực tâm chàng không muốn đi dạo mát lúc này. Buổi chiều khi Quân rủ chàng đã kín đáo nhìn Phượng và đoán trước sau gì Phượng cũng "hỏi tội" vụ chàng đi với Quân không nói với nàng một câu. Chàng sợ bây giờ trở lại vấn đề đó sẽ không biết nói năng ra sao, vì Dũng hơi mệt và nhớ tới những bài vở chưa viết cho nhà báo.
Dũng chờ đợi Phượng đề cập đến việc đó, nhưng suốt cả thời gian đi dạo cho đến lúc xe quay về tới cổng nhà, Phượng chỉ nói chuyện vui và không đề cập gì đến việc kia. Dũng bỗng thấy thương Phượng. Chàng đậu xe dưới bóng cây me, tắt máy và thân mật quàng tay qua vai Phượng:
- Thế nào, hôm nay Phượng hoàn toàn vui chứ?
Hỏi xong Dũng xuýt bật cười vì thấy giọng mình đạo mạo như cha nói với con. Nhưng Phượng vẫn đáp thật ngoan:
- Dạ. Vui lắm chú.
Rồi thật bất ngờ, Phượng áp má vào ngực Dũng, người mắt nhìn lên, thỏ thẻ:
- Anh... hôn Phượng đi. Anh đã quên... từ bao lâu nay, anh nhớ không?
Dũng cúi xuống, hôn nàng. Chàng thấy trong lòng ngùn ngụt lửa. Dũng băn khoăn:
- Rồi sẽ ra sao nhỉ?
*
* *
Dũng bước vào tòa sọan trong lúc mọi người làm việc tấp nập. Chàng dừng lại ở khung cửa, lặng nhìn, sự bận rộn quen thuộc cho chàng một xúc động nhè nhẹ. Đã khá lâu chàng không có dịp nhìn thấy. Người ngồi dịch tin điện, người sửa tin quốc nội, cắt xén, ráp nối. Người khác đang áp tai vào ống điện thoại, nói như hét. Tiếng máy in rầm rập vang lên từ trong nhà máy cho Dũng niềm vui nhỏ. Anh "thầy cò" đang sửa bài, bất chợt nhìn lên thấy Dũng nhe hàm răng khấp khiểng, xen vài cái răng vàng cười duyên với chàng ra dấu chào.
Dũng bước lại chỗ ngồi, chậm chạp kéo ghế. Hùng ngẩng lên, hỏi nho nhỏ:
- Mầy đi đâu mất biệt mấy hôm vậy?
Dũng lừng khừng:
- Ông.. chán đời.
Hùng đùa:
- Em cho rơi hả?
- Rơi.. chó gì. Tao gặp mấy chuyện lăng nhăng, tự dưng thấy chán nản thế nào.
Hùng quan sát bạn:
- Mày có vẻ phờ phạc. Viết lách khuya hả?
- Không, viết gì đâu. Cái truyện dài tao viết đã giao trước nhà in cả xấp, còn cả tuần mới hết. Có lẽ tại tao mất ngủ.
Hùng thương hại:
- Cẩn thận đấy. Mình còn trẻ mà để kiệt sức thì.. chết sướng hơn.
Dũng thở dài:
- Tao chẳng hiểu lúc này tao ra sao nữa. thỉnh thoảng tao lại gặp một khoảng trống như vậy. Lúc đó chẳng muốn làm gì.
Hùng cúi xuống chăm chú đọc những bản tin hàng ngày. Bỗng Hùng kêu lên:
- Mẹ, cái vụ đó đây rồi.
Dũng nhìn sang:
- Vụ gì?
- Vụ con bé bị "mất của trời" ở đường N.M.C. Tao biết rõ vụ này.
Dũng lơ đãng:
- Có chó gì mà phải quan tâm thế?
Hùng hăng hái:
- Lẽ ra thì nó cũng như trăm ngàn.. tin đã loan. Nhưng vụ này thì tao có liên hệ ít nhiều đến nhân vật trong cuộc.
Rồi Hùng kể cho Dũng nghe:
- Con bé này tên Bích, nhà ở Phú Thọ Hòa. Anh nó đi lính, đánh trận bị mất một chân, chờ ra hội đồng phế thải để giải ngũ. Hắn là bạn hàng xóm với con em họ tao. Con bé Bích chơi với em tao. Nhà nó giầu lắm. Anh bố làm thầu khoán, sau áp phe chạy chọt thầu được một vố độc quyền cho cơ quan nào đó kiếm đựơc mấy chục triệu. Bố bận kiếm tiền, mẹ lo đi đánh tứ sắc. Con nhỏ mới mười sáu tuổi hơn, ngoan lắm. Nhưng sau lại đua đòi bạn bè đi chơi hoang. Có lẽ tại ở nhà nó ít người, dễ buồn. Ông anh lại tàn tật, không thích ngồi gần mọi người. Bích kết bạn với những đứa ăn chơi con nhà giầu khác. Rồi một lần, có đứa dắt nó nhập vào cái bande hippy nào đó. Bọn oắt con này thường tụ tập ở Cafétéria khoảng sáu bẩy giờ tối..
Dũng nóng nẩy:
- Vừa phải thôi mày, dài giòng quá. Tóm tắt lại là...
- Cần dài giòng một chút. Vụ này.. đáng nhớ lắm. Và cũng cần phổ biến cho các búp bê con nhà lành nghe, để mở toang hoác hai con mắt ra. Chúng nó cứ tưởng hippy là chịu chơi, là nô đùa, là bay bướm, là ăn diện và bất chấp tất cả. Hippy là cái quái gì, sự thực hỏi bất cứ ông bà "nhô con" nào cũng cóc biết. Cứ học đòi bạn bè, rồi tự xưng là Hippy.
Dũng thấy cần nói một câu biểu đồng tình:
- Nói tới mấy đứa bé con ấy là tao bực mình. Đến chơi nhà bạn bè thấy em chúng nó ăn mặc, nói năng là chỉ muốn bợp tai. Ấy là chúng nó còn thuộc loại khá đấy. Đeo kính to gần bằng hai cái bánh... tráng úp hết cả mặt, dán hoa xanh xanh đỏ đỏ. Quần áo thì ngắn tới.. háng, hay lòe loẹt như áo quần bà bóng. Giầy dép cũng chả ra làm sao. Đứa đi hài hột cườm.. đám ma, đứa đi giầy nhọn hoắt hay cụt ngoẳn cái mũi. Chúng nó gặp mặt nhau là dở tiếng lóng ra dấu, nào là ghế mẫu, khứa lão.. ăn nói mất dậy như thế mà còn có đứa viết báo khen là Hippy dễ thương, cần được thông cảm. Sư các anh ấy, các anh ấy đã hiểu chữ Hippy là gì chưa đã?
Hùng cười:
- Gì mà cay cú thế mày?
Dũng cũng cười:
- Chướng mắt thì nói, nhiều lúc muốn nói mà không... dám nói.
Dũng nghĩ tới các cháu, các bạn gái Phượng Vy. Họ cũng ít nhiều theo cái mốt đó. Tí ti thôi, không đến nổi rởm nhưng Dũng vẫn muốn chê. Khổ nỗi cứ định chê là lại ngại bi.... giận hờn, bị hờn. Mệt!
Hùng cười hô hố:
- Không dám nói vì sợ cháu Phượng... bợp tai phải không? Nàng ăn mặc "nốp" đấy chứ, lại xinh như mộng...
- Bỏ đi tám. Đừng lái vespa vào đời tư của ông.
- Trở lại câu chuyện em Bích nhé.
Bọn nhóc con chiều chiều tụ tập ở Cafétéria là con cái các anh chị bự đất Sài ghềnh này. Đứng đầu là một thằng.. thanh niên tuổi tròn quân dịch, nhưng bố nó làm lớn quá nên vưỡn cứ phây phây. Nó có mái tóc hoe hoe có lẽ là con riêng của đức anh bố với chị mũi lõ nào đó, lại khá đẹp trai nên có biết hiệu là "Pat Hoe". Pat Hoe thuê một căn nhà ở đường N.M.C. giao cho đôi ông bà già nào đó trông coi. Bề ngoài nhìn vào thấy căn nhà rất hiền lành, vắng vẻ. Chiều chiều chỉ thấy ông già ngồi đọc báo, bà già may vá theo đúng tinh thần câu thơ:
"Bên anh đọc báo, bên nàng.. vá may"..
Dũng mỉm cười. Hùng đang nổi hứng rồi đấy. Cái máu phóng sự gia của hắn đang bốc lên ào ào. Không nên làm mất nguồn cảm hứng của hắn. Hùng tiếp:
- Thật ra Pat Hoe dùng căn nhà làm tổ quỷ bí mật chuyên làm thịt những em loại thơm như mít, đụng vào dễ lôi thôi. Chớ những con bò lạc, sến mà tụi nó bắt được thì đưa về tổ khác công khai và giải quyết bằng vài "chứng chỉ Trần Hưng Đạo" là xong hết.
Hôm đó, ma xui quỷ khiến thế nào mà Bích nó lại chui vào Caféteria ngồi một mình. Có lẽ em mới đi xi nê ra.
Một lúc sau bọn Pat Hoe đến. Thằng đầu đàn dắt theo mười hai con chó con đi cùng. Chúng nó vừa nhìn thấy Bích là đã nhấm nháy nhau ra hiệu..
Dũng kê tủ chè:
- Sao mày biết rõ vậy?
Hùng tỉnh bơ:
- Ậy, văn chương phóng sự mà, ai cấm? Đùa thế chứ, thực ra do đương sự "người trong cuộc" tâm sự với con em họ tao mà.
Chúng nó kéo nhau vào ngồi một khu, rồi cử đại diện qua làm quen. Bích mới lớn, thích đua đòi. Nghe giới thiệu là băng Hippỵ. thì mắt sáng rỡ, muốn quen để về lấy le với bạn bè.
Dũng buông gọn:
- Hoa tàn trong ngõ hẹp tới hồi rồi!
Hùng sửa lại:
- Hoa tàn trong phòng... họp mới đúng. Nhưng cần nghe có đầu có đuôi mới ... thú. Em OK liền ngay. Chúng nó giới thiệu nhau rồi Pat Hoe chở em về tổ quỷ sau khi đã mua một chai sâm banh và hộp kẹo Nhật.
Về tới nơi, chúng nó leo rào sau bằng cột đèn. Xe cộ gửi hết chỗ khác.
- Chi vậy?
- Bí mật mà. Chúng nó không muốn hàng xóm chú ý, vì cửa trước nhìn ra hẻm đông dân. Nhưng với Bích, việc leo rào là một trò mới lạ, chắc là trò của hippy. Vậy muốn chơi với Hippy thì cũng phải Hippy như chúng nó cho khỏi mất mặt. "Nàng" bèn leo lên vai Pat Hoe tỉnh bơ để trèo vào, dù biết thằng tóc hoe ngửa mặt nhìn lên cái "mùng" xòe...
Dũng nhột nhạt:
- Xong rồi, thông qua đoạn đó, phóng sự gia. Sao nữa?
- Chúng nó vào trong nhà, ông bà già rạ.. ngồi cổng trước. PickUp vặn lên, sâm banh, kẹo mở rạ.. và cuối cùng.. em đã nát. Em đang tơ lơ mơ vì men sâm banh, Pat Hoe liền vật nghiến em xuống trong lúc mấy thằng kia bao chung quanh, trố mắt nhìn đàn anh biểu diễn. Rồi một thằng, một thằng lại một thằng. Cuối cùng mười hai.. trái ớt đều qua taỵ.. nàng. Em bèn ngất xỉu!
Dũng hằn học:
- Quân khốn kiếp. Rồi sao nữa?
Giọng Hùng trở lại buồn rầu:
- Chúng nó mặc đồ lại cho con bé ngu dại, khuân ra xe chở đi thảy vào ghế đá công viên. Cảnh sát thấy, tưởng em trúng gió, chở vào nhà thương. Ông bố được mời đến, thông báo sự tình. Đấng thân sinh ra nàng buồn rầu và năn nỉ nhà thương đừng tiết lộ, rồi thuốc men cho con gái, rồi chở về nhà. Chẳng hiểu sao anh thông tín viên này cũng săn được tin, mãi hôm nay mới "đúc kết" tài liệu gửi cho nhà báo...
Con em tao sang thăm vì tưởng Bích ốm. Bích hối hận, kể hết cho nó nghe, nhưng không muốn hay không dám trả thù, tố cáo. Kể cũng phải...
Dũng bực tức:
- Phải là phải thế nào? Mấy thằng chó chết đó phải đưa ra tòa hết mới là phải chớ?
- Mày làm gì được chúng nó? Bộ thằng bố chúng nó.. liệng cho chó nhá à? Vả lại, xã hội đang nhan nhản những vụ như thế, có thấy "ai" lên tiếng, ra tay trừng trị đâu?
Dũng càu nhàu:
- Chó thật. Cho nên nhiều lúc tao nghĩ cứ lập một đảng như đảng Hắc Long bên Nhật ấy, bọn nào cần trừng trị là ra tay trừng trị liền.
Hùng nhăn nhó làm bộ sợ hãi:
- Xin ông. Đừng nói chuyện lập đảng, con sợ lắm. Đảng phái bây giờ làm được cái cóc khô gì, chỉ làm nhục quốc gia thêm. Tao kể mày nghe chuyện này: có hai ông thuộc hàng lãnh tụ đảng. Được người ta cho tiền để tổ chức đại hội đảng phái. Mấy triệu. Một lãnh tụ bèn "nhám" cha nó mất hai tê, số còn lại đem chia đôi. Ông kia cầm rồi, còn ông này vô tình để lộ ra. Thế là hai ông chửi nhau ỏm tỏi... cả nước gần.. biết hết.
Dũng khôi hài:
- Vậy mà tao lại không biết.
Hùng dơ tay:
- Thật đó. Mới đây thôi.
Các đấng bố mẹ như vậy, các đấng con cái như rứa.. hỏi còn ai rảnh để lo trị tội người khác?
Dũng bất chợt nghĩ tới Tường Vi, tới Phượng. Một mối lo sợ len nhè nhẹ trong lòng. Chàng nhủ thầm:
- Ngoan mãi nhé, các bé. Cứ sống như đang sống, thế là đúng nhất rồi. Chú không ghét hippy, nhưng các cháu phải biết thế nào là hippy đã. Bọn hippy ở Việt nam đa số chỉ là như vậy đó.
Hùng lại liếng thoắng kể cho Dũng nghe về vài tin thời sự. Như ông nọ làm vua một cõi, bắt nữ nhân viên đấm bóp kỳ lưng lúc ông tắm truồng, ông kia làm "xếp sòng" khu "đó" ngủ với hầu hết vợ người dưới quyền. Ông bà "mặt to" làm trò dơ dáy, "đi đường lưỡi" trong mọi lãnh vực... Những vụ này đang bị các phóng viên điều tra phanh phui trên các báo chí ở Sài gòn, sau khi đã nắm chắc trong tay thư tố cáo và tài liệu của các nạn nhân gửi. Nắm dao đằng chuôi cái đã, kẻo bị "đập" lại hộc máu mồm.
Dũng ngồi nghe càng thấy chán nản. Chàng khám phá ra mình như người trong mộng, chỉ sống với khung cảnh đẹp đẽ, đầy tình thương yêu một xã hội tốt đẹp chưa thể có. Chàng lấy đó làm chất liệu cho việc xây dựng những cốt truyện dài đang viết. Hóa ra chính chàng cũng mắc lỗi dối gạt người, hay sợ hãi lẩn tránh sự thực. Đồng thời chàng thấy băn khoăn, chua xót. Tuổi trẻ bây giờ tan nát đến thế sao. Những đứa còn quá trẻ thì như vậy, trong lúc cha anh chúng nó đang chiến đấu liên miên bên sự chết, quên cả tuổi thanh xuân. Dũng chợt thấy, hơn bao giờ hết, khơi dậy niềm thương yêu những người lính chiến đấu vất vả như điên cuồng. Và Dũng mơ hồ thấy rằng, mình nên bỏ thế giới dơ bẩn này để bước vào thế giới của họ, chia xẻ với họ những cực nhọc ấy.
Dũng quay lại bảo bạn:
- Thôi, dủ rồi mày. Tao chán nghe mấy chuyện đó quá.
Hùng thản nhiên:
- Mày nên nghe ít nhiều. Nhìn lại số tuổi đời mày xem bao nhiêu rồi, mà còn mơ mộng những đâu đâu. Con người mày không thực tế chút nào. Nhà văn Trường Giang với những cuốn "Trong Tình Thương đó", "Đôi Mắt Đôi Môi", "Vào Một Tuổi Nào"... ăn khách thật, những truyện dài truyện ngắn lôi cuốn người đọc thật, chiếm được lòng yêu mến của nhiều độc giả trẻ trung thật, nhưng cuối cùng rồi mày sẽ có gì?
Nhìn vào tuổi trẻ mày đi. Rồi một ngày mày sẽ già. Những gì bây giờ mày có, mai kia sẽ không còn nữa. Tiền bạc, danh phận... những thứ đó có còn không khi nhà báo, nhà văn Trường Giang già nua, còm cõi đị.. Chính nhà báo nó sẽ đào thải mày trước, chứ đừng nói đến độc giả. Độc giả bỏ rơi nhà văn, nhà báo ngay từ khi đọc cuốn sách lần thứ nào đó của "hắn" mà thấy sa sút ở một vài đoạn.
Dũng thấy nhói đau. Nó nói đúng, và đây không phải lần đầu Hùng nói. Hùng không coi việc làm báo như một nghề để nuôi sống, mà chỉ để tìm nguồn vui sống, và thực tế hơn, để "bắt" tí lương tiêu pha vặt. Hắn vẫn còn đi học, với ước mơ có một tương lai rạng rỡ hơn. Tuy vậy Dũng vẫn làm bộ giận:
- Anh cậy có vài chứng chỉ Luật rồi quay ra mạt sát anh em phải không?
Hùng đặt tay lên tay bạn, chân thành:
- Mày đừng nói thế, tao là bạn thân mày bao nhiêu năm rồi mà. Mày không nhớ những lời chị Nguyên, thằng Khoa, thằng Cường khuyên mày sao? Tao chỉ lập lại những ý nghĩ của họ.
Dũng thấy lòng ấm lại. Chị Nguyên cứ mỗi lần chàng đến thăm đều khuyên chàng tìm một nghề khác chắc chắn hơn, có cuộc sống đều đặn và không no đói thất thường, lại không phung phí sức khỏe như nghề làm báo. Chị còn muốn - như chị Tâm - cậu em út phải học thêm để tương lai được bảo đảm. Khoa và Cường là hai tên bạn thân của chàng và Hùng. Khoa bây giờ đã vào quân đội và Cường học Quốc Gia Hành Chánh, sắp ra trường. Tương lai đứa nào cũng "khá" cả. Còn mình thì lông bông quá. Biết thế, nhưng Dũng còn thiết tha với nghề làm báo chỉ vì trong nghề này chàng được sống bay nhẩy tự do và hưởng những cảm giác buồn vui mà nghề khác không thể có.
Dũng xiết tay bạn:
- Tao đùa đấy. Tao định bỏ nghề này trong ít lâu nữa.
Hùng mở to mắt:
- Thật chứ? Nghề làm báo nhiều thích thú lắm, nhưng không có tương lai. Cả nghề viết văn nữa, biết bao người cũng có tiếng tuy không tiếng tăm đến mức đi vào văn học sử được - đã và đang chìm dần vào bóng tối. Tao lại kể cho mày nghe chuyện này...
Dũng bật cười, cái thằng! Đầu óc nó chứa bao nhiêu là chuyện.
- Cách đây ít lâu tao với thằng Anh Vũ ngồi ăn quà ở Ngã Sáu SàiGòn. Đang ăn thì có một vị "cái bang' đến bên cạnh. Vũ nó ngẩng lên, và kêu khẽ:
- Trời đất, ông H.!
Dũng giật mình:
- Ông H. nào. H. "bồ tát vỉa hè" đó hở?
Hùng bùi ngùi:
- Đúng rồi. Trông anh ta mà tao buồn. Tóc tai bù sù, quần áo tả tơi, chân đi dép Nhật. Người trơ xương ra. Thấy Vũ nó kêu tên, ông ta bỡ ngỡ hỏi:
- Ông là ai mà biết tên tôi?
Vũ kéo tay áo ông H.:
- Có thật ông không nhớ tôi không? Hay là ông cố tình làm ra vẻ quên?
Ông H. thở dài:
- Thôi, tôi nhận. Tôi vẫn nhớ các anh.
Tao kéo ghế cho ông ấy ngồi rồi hỏi:
- Ba bốn năm nay không gặp, đâu dè ông ra nông nổi này.
Ông H. thở dài lần nữa, chán nản:
- Chán lắm. Chán lắm các anh ơi. Cuộc đời tôi kể như bỏ đi rồi.
Hai đứa tao hỏi mãi mới biết ông H. thân tàn ma dại như vậy là vì "choác", mày biết không? Rồi không viết lách gì đựơc nữa, bệnh sinh, thuốc hành.. Ông ấy đi .. xin ăn!
Dũng rùng mình:
- Sợ thật. Tương lai .. của tao đó.
Hùng nửa đùa nửa thật:
- Dám lắm. Nhưng là tương lai của nhiều thằng làm báo, nếu không tự biết lo, cứ mê man với những hào quang mỏng manh bây giờ.
Dũng bảo:
- Thôi, nói chuỵên tao với mày. Đừng đụng vào giới quý anh làm báo, kẻo các anh ấy bất bình chửi cho là "làm báo như chúng mày mới... bị gậy, chớ như chúng ông thì xe hơi nhà lầu thấy rõ, mắt mù hay sao mà không thấy?".
Hùng cười nhạt:
- Kệ các anh ấy chứ, tao sợ gì. Đồng ý là các anh ấy làm nên. Nhưng nhìn kỹ lại xem, có thằng nào làm giầu được theo kiểu đẻ ra chữ lấy tiền như mày không? Hay là phải áp phe, tính trăm phương ngàn kế và đôi khi bán rẻ cả lương tâm. Như Nguyễn Thụy Long viết sách nhiều như thế mà vẫn giao du với bà cả đọi, mãi bây giờ mới lập được nhà xuất bản nhờ.. tiền và tư trang của vợ, mày biết chưa? Nó đã nói một câu rất thật: mở nhà xuất bản, tự phát hành lấy để khỏi bị bọn lái buôn văn nghệ ăn hút trên sức lực và tâm huyết của mình.
Dũng không trả lời Hùng. Chàng nhớ lại những người bạn đã giả từ đời làm báo. Có thể bây giờ chúng nó còn viết lách, nhưng đó chỉ còn là thú vui, niềm ao ước thoa? mãn một nhu cầu của họ, không còn là nghề nghiệp bao bọc cuộc đời. Nguyễn Đức Nam sau lần gặp Phượng, Mẫn, Vi và chàng với Hoạt đã vào Quân Cụ, lên Đà Lạt làm việc và ở với vợ. Tên nhà văn chuyên viết về tuổi trẻ đã từ giả thế giới ấy để về lo cho những "tuổi thơ nhóc" mà hắn đã "sáng tác". Và những thằng khác nữa...
Hùng nhìn nét mặt Dũng thấy đầy vẻ chán chường. Hắn cười vui:
- Đi ăn với tao, trưa rồi.
Dũng uể oải:
- Chờ tao lấy tờ báo mới.
... Ra tới đường Dũng hỏi:
- Ăn ở đâu đây?
- Đến nhà thằng Vũ. Hôm nay ăn đầy năm con nó, hai vợ chồng mời tụi mình tới đớp.
Dũng ngần ngại:
- Mua gì cho con nó chứ, nhưng tao hết tiền rồi.
Hùng đáp ngay:
- Để tao, mày thì hết là phải. Đã "mướp" mà lại hay tiêu hoang. Tụi mình ra Sài Gòn Départo kiếm thứ gì xinh xinh..
Mua xong Hùng lái vespa chở Dũng đến nhà Vũ. Nắng buổi trưa làm Dũng ngột ngạt. Vừa bước chân vào nhà Hùng đã oang oang:
- Chủ nhân đâu, ra đón khách chứ? Nóng bỏ.. bố đi ấy..
Vũ chạy ra, bắt tay hai người và làm bộ quan trọng:
- Xuỵt, khẽ chứ thằng mồm cá ngão. Để yên chọ. người ngủ!
Hùng ngạc nhiên:
- Ai?
- Người..
- Đứa nào?
- Con tao!
Hùng hét lên:
- A, quá xá rồi. Dũng, mày nghĩ thế nào? Bố nó ngủ tao cũng la lên chứ đừng nói gì nó.. nó đâu, "người" đâu?
Vũ cười hì hì, hoa tay múa chân:
- Phải... kính trọng giấc ngủ ngày tròn một năm của người, lát nữa người sẽ dậy. Người là đại diên cho tuổi thơ đấy. Môi người hồng mỉm cười trong mơ là tiêu biểu cho tuổi trẻ đầy sinh lực sau này...
Dũng cười ngả nghiêng:
- Mày điên rồi chắc? Làm gì mà ăn nói loạn ... luân thế?
Vũ vẫn ba hoa:
- Ngừơi là ... nhất! Người là tình yêu, người là kết tinh của những gì cao đẹp nhất. Người tiêu biểu cho tình yêu chung thủy.. nhất thế giới của .. bố người và lòng bao dung, hiền hậu của ... mẹ người! Ôi những ông bố, bà mẹ, ông "cụ non" Việt Nam...
Hùng hét lên:
- Không có rảnh nghe mày làm trò hề. Người đâu, xách cổ ra trình diện coi... Bác hai, bác ba nó đem quà đến cho đây này. Không ra lẹ thì hai bác giận, hai bác đập bỏ... bố thằng bố... người!
Ba đứa cười khằng khặc như điên. Vũ hỏi:
- Mày coi tao đóng tuồng đã khá chưa, Dũng?
- Khá lắm, giống mấy cha ở Chợ Quán lắm. Nhưng để làm gì vậy?
- Để rạ. ứng cử.
- Ứng cử vào đâu?
- Chưa biết, nhưng sẽ ứng cử. Hoặc đi làm chính khách, làm ông nọ bà kiạ..
- Ông nọ, chứ bà kia làm thế "đách" nào được?
- Ừ, ông nọ Ông kia. Mặt phải lì ra như bôi tro trát trấu không biết mắc cở, ăn nói loạn lên như thằng điên không cần biết mình nói gì, đúng hay sai thì mới làm lớn được. Nghĩa là không cần biết nhục nhã là gì. Ơ, nhưng mà tao có cử chỉ điên, nhưng lời tao nói không điên. Tao đang làm thơ, đang ca ngợi tình thương yêu của tao với vợ con tao đấy chứ?
Hùng sốt ruột:
- Đồng ý. Xong rồi. Con mày ngủ thì mày đại diện mà nhận quà cho nó. Cám ơn hai bác chứ, con?
- Sư mày. Ông lại cóc nhận bây giờ...
Hùng cười hề hề:
- Càng tốt. Ông đem về bán lại...
- Thôi, năn nỉ đi, ông nhận cho.
- Còn lâu. Lấy không, một, hai...
- Lấy!
Dũng nhìn hai thằng bạn làm trò hề. Chúng nó vui tính hồn nhiên như vậy đó. Người lạ nhìn vào chắc phải nghĩ gặp ba tên khùng tận mạng.
Dũng nhìn Vũ bóc gói quà:
- Vợ mày đâu?
- Bà ấy đi mua nước đá, chắc sắp về tới. Ngồi chơi, ngồi chơi các em. Để "qua" xem các em cho con "qua" cái chi? Ái chà, cái bình thủy, cái chai bầu và cặp "tin tin". Tếu quá vậy?
Hùng tỉnh bơ:
- Bình thủy đựng nước sôi hay nước cháo. Bầu sữa để pha cho nhóc con ăn. Tintin để ngậm khi ngủ. Và khi bố mẹ cháu khó ngủ có thể mượn hai cái "tin tin" ấy mà ngậm cho dễ ngủ, đỡ... táy máy tay chân. Thời buổi thắt lưng buộc bụng...
Dũng cười bò ra giường. Vũ trợn mắt:
- Thằng... mất dạy. Nhưng mà đỡ tốn tiền mua cho chú bé, cám ơn. Xin Chúa và Phật đồng ban phước lành cho hai con...
- Sao lại đồng ban phước lành?
- Sợ một ông không đủ, xin hai ông cho chắc. Các vị ấy dạo này hay đi vắng, để bọn trần gian nhi nhô đủ chuyện... "rơ ráy".
Dũng nghĩ Vũ nói năng bừa bãi nhưng rất thật và nhiều câu có vẻ châm biếm. Đúng là méo mó nghề nghiệp: hắn chuyên môn viết truyện chửi đời dưới bút hiệu đó, trong lúc lại thiết tha với một xã hội đẹp đẽ dưới một bút hiệu khác. Như chàng.
Vũ chợt reo lên:
- A, vợ tui về kìa. Vô đi mình, mời vô, mời vộ..
Cả bọn cười ngặt nghẹo, vợ Vũ ngạc nhiên:
- Các ông làm gì lạ vậy?
Dũng vừa cười vừa đáp từng tiếng:
- Chị không về sớm mà xem chúng nó đú đỡn..
Vợ Vũ xách giỏ nước đá đi vào nhà trong cười dễ dãi...
- Các ông.. thật. Già đầu mà còn nô đùa như con nít.
Hùng ghé tai Vũ:
- Vợ mày bữa ni diện thế? Trông xinh cóc chê vào đâu được.
Vũ làm bộ dọa:
- Liệu hồn, giữ lời đó kẻo tao cho ăn.. dao. Phải gọi là chi....
Ba người đùa giỡn như vậy cho đến lúc Mỵ - vợ Vũ - hạ cỗ ra bàn. Cả bọn ăn uống vui vẻ. Dũng pha trò:
- Hai vợ chồng hạnh phúc quá. Trông bắt thèm lấy vợ.
Mỵ cười tươi:
- Thì ai cấm anh đâu?
Vũ trêu:
- Đừng dại. Tao "lỡ" dại, đang hối đây nè.
Mỵ lườm chồng âu yếm một cách đanh đá dễ yêu:
- Anh nói vậy hở? Nói lai, em nghe chưa rõ..
- anh bảo nó là lấy vợ khổ lắm...
Mỵ làm bộ trêu:
- Thế sao anh lấy em?
- Tại anh... tại anh... trót dại tưởng là sướng...
Hùng xỏ:
- Thế không sướng thật ư?
Vũ đấm bạn:
- Im mày, chỉ nghĩ nhảm. Tao lấy vợ phải... hầu ghê quá. Lúc nào cũng phải ca bản: em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Nàng ngủ xong lại tới ca cho người ngủ: con ơi hãy ngủ... bố mày đang quạt đây...
Mỵ cười khúc khích, Dũng nghe nó âu yếm thế nào đấy. Vũ hỏi:
- Đúng chưa?
Mỵ vênh váo:
- Đúng. Còn.. rửa bát, quét nhà nữa cơ.
Vũ làm bộ khổ sở:
- Đấy, các bác xem. Nhà tôi ăn hiếp tôi thế đấy.
Hùng lại xen vào:
- Sướng tê người chứ than nỗi gì. Chúng tao đây mới buồn... đêm đêm phòng đơn lẻ bóng... hai chiếc gối... một thằng... rựa.
Mọi người cười sặc sụa.
Mỵ hỏi:
- Thế cô Khánh của anh đâu?
Hùng xua tay:
- Thôi, cho tôi xin. Đừng nói đến Khánh nữa.
Dũng trêu lại:
- Mày cần phải nghe. Nghe chọ.. tỉnh người ra. Khánh dạo này... đẹp lắm, hạnh phúc lắm...
Hùng la lên:
- Tao lạy mày. Đừng tàn nhẫn thọi ba lông vào "tim non rướm máu" của tao nữa.
Mỵ nghiêm trang:
- Cũng tại anh cả. Ai bảo ông lang bang lắm vào, nay cô này mai cô khác khiến cô ấy cho là anh không thành thật. Người ta phải lấy chồng chứ!
Dũng ngâm nga:
- Gái lớn thì ai.. chẳng lấy... ấy... chồng... Trời ơi người ấy (có)... tức cành hông...
Hùng quay nhìn Dũng cười thảm não:
- Mày trả đũa tao lúc ở tòa báo phải không? Tao thành thật với mày, mà mày...
- Thành thực nhưng tao vẫn thấm đòn..
- Thôi lần sau có cho vàng tao cũng chê, không thèm nói tới mày.
Có tiếng trẻ con khóc ré lên. Như cái lò so bật, Mỵ đứng phắt dậy và chạy vào nhà trong. Mọi người nghe tiếng nàng nựng con vui vẻ:
- Âu... nín đi chú.. úi chà chú chàng tè ướt hết cả... ụ. Ợ.. ngoan đi nào... hôm nay là đầy năm bé đó, bé biết không? Nào dậy thay quần áo mới ra chào các bác nào...
Dũng quay nhìn Vũ, nét mặt hắn rạng rỡ, miệng tủm tỉm cười, tay xoay xoay điếu xì gà Ha Va Tăm Pa. Dũng thấy gia đình Vũ thật đầm ấm. Nhưng trước khi lấy nhau, vợ chồng nó cũng gặp nhiều trắc trở. Có lẽ vì thế mà hai vợ chồng hắn yêu thương nhau hơn, lúc nào cũng quấn quýt không rời nhau. Chàng đi làm về là lo săn sóc vợ. Vợ thì chiều chồng và.. làm đẹp cho chồng ngắm. Vũ thích nhất ngắm vợ. Hắn bảo vợ như nàng thơ, nàng thơ mà "xí" thì hết thi hứng. Có con rồi mà vợ hắn trông vẫn như trẻ con trong nhưng y phục mới, áo dài, mi ni, rob... Nhìn Mỵ khó ai dám nghĩ nàng đã lấy chồng, có con. Vũ ở đơn vị xa mới được đổi về Sài Gòn. Hắn chỉ còn viết lách lăng nhăng chứ không say sưa như lúc trước. Dũng hỏi, Vũ trả lời tỉnh bơ:
- Tại tao bận!
- Bận gì?
- Bận... yêu vợ, yêu con!
Dũng cười thông cảm:
- Nhưng đừng bỏ luôn nhé.
- Ừ. Tao đang khoái làm thơ.
Mỵ bế đứa con trai đầu lòng bước ra. Thằng bé hồng hào nổi bật trong bộ đồ trắng thuê xanh đỏ. Mắt nó to thật to, mở tròn xoe. Hai tay hai chân vung vẩy lung tung. Nó ngơ ngác nhìn Dũng và mọi người rồi bỗng toét miệng cười. Dũng ngắm hai mẹ con: Mỵ mặc bộ lụa màu thiên thanh, tóc buộc đuôi ngựa. Dáng người Mỵ nhỏ nhắn và mặc dù đã ngoài hai mươi trông nàng vẫn như mười bẩy, mười tám. Chàng buột miệng:
- Y như hai chị em!
Mỵ cười, hồng au đôi má. Vũ cũng cười theo. Không khí có vẻ đầm ấm tươi vui. Vũ gọi:
- Ra đây bố bế con nào. Để mẹ ăn cơm chứ. Đưa con anh trông cho, em. Từ nãy giờ cứ chạy lên chạy xuống hoài, em đã ăn gì đâu.
Nụ cười của Mỵ tự nhiên, nhưng Dũng nghĩ nàng đang cảm động vì câu nói của chồng đầy âu yếm trước mặt bạn bè. Mỵ đưa con cho chồng bế rồi ngồi vào tiếp thêm đồ ăn cho khách. Hùng cản lại:
- Chị mặc chúng tôi. Vừa ăn nhậu vừa hút thuốc, vừa uống bia và vừa... gắp lấy mới thú.
Bốn người chuyện trò thật vui. Thỉnh thoảng Vũ cúi xuống đùa với con. Bỗng hắn kêu lên:
- Chết cha, ướt hết bố rồi. Đái lắm thế.
Mỵ nhăn mặt:
- Con tè nhiều tốt chứ. Ứ ự. anh chỉ hay kêu... kỳ cục. Đưa em thay chọ.
Vũ bảo:
- Thôi em ăn đi, để anh lo.
Rồi Vũ đứng lên. Cả một khoảng quần Pyjama của Vũ ướt đẫm. Hắn bế con ra giường, vừa đi vừa kêu:
- Chú hư quá, ướt hết bố rồi, ướt hết bố rồi.
Hùng và Dũng bật cười, nhìn Vũ loay hoay thay quần cho đứa bé.
Hùng bảo:
- Có vẻ thạo "nghề" lắm.
Dũng tiếp:
- Nghề của chàng mà.
Mỵ cười nhỏ nhẹ:
- Các anh cứ nói thế, oan cho Mỵ. Ông ấy mà biết làm gì, toàn Mỵ lo hết đấy chứ.
Vũ quay ngoắt lại, làm bộ phản đối:
- Cô nói vậy hở? Thế ai.. tráng trứng hôm qua nào?
Mỵ chun mũi lại:
- Xí, thế mà còn dám khoe. Tráng cháy cả trứng lẫn chảo, báo hại em cọ chảo gần đứt hơi.
- Thế ai sơn lại cái tủ đồ ăn đó?
- A, cái đó lại càng tệ nữa. Sơn được cái tủ thì bát chén, nồi niêu nhà cửa thôi cứ gọi là dây dính sơn tèm lem cả. Ấy là chưa kể mặt mũi, quần áo anh đầy.. nét chấm phá sơn thủy...
Vũ ngó quanh ngó quẩn rồi reo lên:
- Lần này thì chắc chắn được rồi. Ai thoa Baume Solar mỗi tối cho em vậy?
Mỵ rú lên, thẹn thùa:
- Anh kỳ không, chuyện ấy mà cũng kể...
Mọi người cười rú lên. Hùng trêu:
- Chị phải nói: "A, cái đó thì... được, được... ược". Ơ, nhưng mà làm gì đến nỗi phải thoa thuốc ấy luôn vậy?
Mỵ cúi gầm mặt, tai đỏ hồng. Vũ âu yếm nhìn vợ:
- Tại bà ấy làm bếp, rửa chén, lau nhà, ủi đồ... nên tối đến mệt nhoài, lưng nhức mỏi. Tao đòi chia xẻ công việc nhưng bà ấy không chọ..
Mỵ cười:
- Anh mà làm em còn phải dọn dẹp nhiều thêm. Tại nhà không tìm ra người làm anh ạ. Thời buổi này khó khăn quá.
"Thời buổi này khó khăn quá". Dũng nhẩm lại rồi mỉm cười một mình. Câu nói thốt ra từ miệng "cô bé mới lấy chồng" nghe quen thuộc như giọng chị Tâm, chị Nguyên thường nói. Dũng thấy ao ước nhè nhẹ không khí của một gia đình nhỏ, mà chàng là chủ gia đình đó. Ao ước mơ hồ thôi.
Dũng buông đũa, châm một điếu xì gà. Bữa ăn cũng tàn theo, từ lúc ấy.
Dũng mở mắt, choàng dậy. Chàng liếc nhìn chiếc đồng hồ trên mặt bàn viết. Sáu giờ rưỡi. Chàng đã ngủ một giấc cả buổi chiều, sau khi chia tay Hùng ở nhà Vũ. Dũng cảm thấy người vẫn mệt, và còn muốn ngủ lại. Nhưng nỗi cô đơn trống trải ập đến vừa lúc khiến Dũng nôn nao. Căn nhà chìm vào im lặng, cái yên lặng loáng thoáng những tiếng động mơ hồ bên hàng xóm xen vào làm Dũng có cảm tưởng đang sống những ngày thơ ấu ở nhà quê. Nhà quê, đã một thời Dũng sống sung sướng hoàn toàn ở nơi đó. Bây giờ, tuổi thơ đã đi qua, tuổi trẻ cũng sắp mất, Dũng thấy tiếc nuối lạ lùng. Chàng nhớ tới Vũ với cảnh gia đình đầm ấm, tới chị Nguyên, chị Tâm trong nhà ồn ào tiếng la hét trẻ con. Rồi nghĩ tới những người con gái đã ít nhiều đã ít nhiều đi qua tâm trí chàng. Thu và chồng nàng, Mẫn, Phượng. Mẫn đã nhận lời lấy một anh Thiếu Tá Bộ Binh gấp đôi tuổi nàng. Tính cô nhỏ như vậy đó. Ngày nào nàng còn nằm cuộn tròn trên giường Dũng, có thể là nàng bằng lòng "cho" chàng tất cả, lúc đó. Nhưng Dũng đã không làm gì, và chàng thấy lòng sung sướng thanh thản, không bợn chút hối hận với lương tâm. Dũng nhớ tới một đoạn trong cuốn truyện của Nguyễn thị Hoàng, và chàng bật cười. Lần đó Khoa đọc và chỉ cho Dũng thấy. Dũng nhớ nhất câu "những thằng đàn ông có lương tâm đều chậm chạp và chẳng làm đựơc việc gì". Dũng tự nói với mình "Tôi là thằng đàn ông chậm chạp và chẳng làm được việc gì, vậy tôi là thằng có lương tâm".
Lần cuối gặp Mẫn, cô nhỏ bảo:
- Tha cho anh đấy. Em yêu anh thực nhưng anh lờ đờ chẳng ra sao cả nên em phải lấy chồng. Hắn là Thiếu Tá và gấp đôi tuổi em, nhưng có tiền. Anh có lấy em cũng không nuôi nổi đâu. tuy nhiên, em yêu anh mãi. Cho anh tự do từ giờ phút này, đến với con Phượng đi.
Dũng cười không đáp. Mẫn rủ Dũng đi chơi phố rồi khi trở về, nàng bảo:
- Đưa em về chứ?
- Về đâu?
- Về nhà em. Chả lẽ về nhà anh? Bi giờ đâu có "tự do" như ngày trước, mà ngày trước anh "khờ" bỏ xừ... Em sắp lấy chồng, chả lẽ theo anh về nhà anh cho người ta ghen?
Dũng đưa Mẫn về nhà. Khi chia tay Mẫn hôn lên má Dũng thật nhẹ và nói:
- Cám ơn anh, mong có dịp gặp lại.
Dũng hiểu đó là một lời dứt khoát, chàng chợt thấy bâng khuâng.
Trên giường này hơi nóng của người Mẫn đã từng có lần làm ấm nệm, tiếng cười giọng nói nàng như còn văng vẳng đâu đây.
Phượng thì vẫn đến với chàng như thế. Phải chăng là tình yêu, phải chăng là chàng và Phượng đang tiến tới giai đoạn đó? Dũng chưa có dịp và cũng chẳng muốn phân tích. Chàng cứ để buông trôi.. Rồi đến đâu thì đến.
Còn Từơng Vi, đứa cháu chàng thương yêu hơn chính bản thân. Nó xinh, ngoan, hiền và thương chú. Những lúc buồn chàng thường tìm đến nhà chị, và cô cháu ra công an ủi, vỗ về.
Nghĩ tới Tường Vi chàng vùng dậy. Phải tắm một cái cho khỏe rồi đến đằng đó mới được. Dũng tưởng tượng ra khuôn mặt tươi tắn của cháu gái, không khí gia đình đầm ấm vui nhộn. Chàng búng tay:
- Chiều nay ăn cơm đằng đó.
... Bữa cơm chiều trôi qua trong bầu không khí đầm ấm như Dũng mong muốn. Bà chị, sau bao ngày vắng mặt đứa em lông bông, đã chiều chuộng hết mức. Bà Tâm ép Dũng ăn hết thứ nọ đến thứ kia và bọn chị em Tường Vi cũng đua nhau tiếp cho chú. Trong bữa ăn, Dũng nhận thấy Tường Vi hình như có vẻ tư lự, dù cố làm ra vui vẻ. Dũng tìm dịp hỏi riêng cô cháu nhỏ:
- Có gì buồn vậy cháu?
Tường Vi mỉm cười, nụ cười tố cáo những lo nghĩ muốn che dấu:
- không chú ạ.
- Cháu có dấu chú không?
Tường Vi chớp chớp mắt:
- Không phải cháu định dấu chú, nhưng chuyện không có gì...
Dũng thôi không hỏi thêm. Cơm nước xong chàng lên gác, đem chiếc ghế ra sân thượng nằm một mình. Dũng muốn ở riêng một chỗ để nghĩ ngợi về những việc đang làm chàng bận tâm.
Dũng nằm duỗi dài người trong lòng ghế, gác hai chân lên lan can. Buổi tối đã bắt đầu từ lúc ngồi vào bàn ăn. Trời trong và đầy sao, gió hây hây mơn trớn da thịt chàng. Dũng thấy hoàn toàn dễ chịu. Chàng nhìn lên, những chiếc lọ nhỏ treo lủng lẳng trên khung xi măng sân thượng, trồng những dây vạn niên thanh buông rủ trước mắt chàng đong đưa theo gió. Dũng nhìn thật lâu những chiếc lá xanh mướt ngả mầu đậm tràn trề nhựa sống. Chàng cảm thấy nó biểu tượng cho một niềm yêu đời mạnh mẽ, một hạnh phúc không hết như mầu xanh của lá.
Dũng nhìn hết cái nọ đến cái kia, những hình ảnh ấy quá quen thuộc với chàng mà lần này chàng cảm thấy mới mẻ, như chàng chưa hề biết đến trước giờ phút này.
Dũng vô tình dõi mắt về chân trời. Ở xế phía tay phải, hướng ngoại ô, mươi trái sáng bỗng bùng lên trên nền trời. Ánh sáng vàng rực, thật rực rỡ. Bất chợt Dũng thấy bâng khuâng. Chàng nghĩ đến bản tin trên tờ báo chàng lấy ở tòa soạn về, buổi trưa. Lệnh gọi nhập ngũ, hạn tuổi chàng có trong đó. Mình có thể xin hoãn một năm nếu chạy chọt, kiếm giấy tờ nộp vào hồ sơ. Dũng bâng khuâng. Có nên làm thế nữa không? Những mẩu chuyện với Hùng, những cuộc sống thăng trầm trong nghề nghiệp và của bạn bè bắt chàng suy nghĩ mông lung.. Và Dũng bắt đầu nghĩ ngợi mãi, chàng bị dằng co bởi hai vấn đề: nên nhập ngũ hay ở nhà thêm một năm nữa...
Cho đến lúc Tường Vi đặt chiếc ghế bên cạnh, gây một tiếng động lớn, Dũng mới giật mình trở về thực tại. Chàng ngước nhìn cháu, Tường Vi đứng trước mặt chàng, tay cầm ly nước chanh. Vi nói:
- Cháu pha ly "vodka Việt Nam" cho chú nè.
Dũng mỉm cười gật đầu bằng lòng, đỡ lấy ly nước. Vodka Việt Nam là tên Dũng đặt cho thứ nước chanh pha theo ý Dũng: nước đá, chanh và limonade không cho đường. Uống có mùa thơm và vị từa tựa như rượu Vodka Hoa kỳ. Nghe chú quảng cáo, Tường Vi đã pha uống thử, thấy hay hay nên "nghiện" luôn. Nàng hỏi chú "học" được ở đâu, Dũng bảo Khoa bầy ra trò ấy đó. Tường Vi chợt nghĩ tới ông bạn Thiết giáp của chú đóng ở Vùng 2, mỗi khi pha nước chanh cho chú. Lần này nàng hỏi như một thói quen:
- Ông Khoa vẫn ở Vùng 2 hở chú?
- Ừ, ở cùng chỗ với thằng Đình.
- Chuyện ông ấy với cô Mai Anh gì đó đến đâu rồi chú?
- Chả hiểu, có lẽ vẫn ở.. mức bình thường. Hình như cô nhỏ đó cũng mê Vodka Việt Nam rồi thì phải.
Tường Vi bật cười. Coi bộ thứ nước uống này được phổ biến dữ. Nàng ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh chú. Cả hai yên lặng một lúc lâu, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ.
Chợt Dũng hỏi, câu hỏi chàng đã hỏi cháu trong bữa cơm:
- Cháu không dấu chú điều gì chứ?
Tường Vi nói nhỏ:
- Cháu không định dấu chú. Cháu lên đây để hỏi ý kiến chú đây.
Dũng làm ra vẻ bình thản:
- Chuyện gì thế?
Tường Vi ngập ngừng:
- Cháu không biết bắt đầu bằng cách nào.. Cháu khó nói quá.
Dũng bật cười:
- Gì mà quan trọng thế cô?
Tường Vi xoắn hai tay vào nhau:
- Cháu kể hết chú nghe, chú phải hứa đừng.. la cháu nhé. Cháu sợ chú la lắm. Và chú phải hứa cho cháu ý kiến nhé.
Dũng linh cảm có chuyện quan trọng xẩy đến cho cháu mình, không "nhẹ" như chàng tưởng. Dũng nhìn cháu, soi mói. Gương mặt Tường Vi đầy vẻ băn khoăn nghĩ ngợi. Dũng thương hại:
- Ừ, chú hứa.
Tường Vi bắt đầu kể, thoạt đầu lúng túng, sau đó mỗi lúc mỗi mạch lạc hơn.
Sau lần ra Vũng Tàu nghỉ mát với gia đình, Tường Vi gặp lại Thọ lần nữa ở Sài gòn, khoảng ba tháng sau. Thọ cho biết chàng về Bộ Tư Lệnh để nhận sự vụ lệnh tham dự cuộc hành quân dài hạn ở vùng 4 duyên hải. Lẽ ra, Thọ nghỉ phép thường niên và không phải đi công tác. Nhiệm vụ này là của một người bạn, nhưng vợ hắn tới ngày sanh. Tài - tên người bạn đó - chạy ngược chạy xuôi nhờ bạn bè nhận dùm chuyến công tác này và sẽ đi bù lại cho người nào đi giúp. Không ai chịu. Nhìn nét mặt lo âu của Tài, Thọ thấy mủi lòng. Vợ Tài đau ốm luôn, đã hụt chết lần sanh nở trước. Thọ búng tay:
- Được rồi. Tao thế cho. Lần tới đi phép Tết mà tao kẹt mày phải gánh cho tao nhé.
Tài vui mừng ôm lấy Thọ:
- Cám ơn mày nhiều lắm. Vợ tao, con tao cũng cám ơn mày luôn.
Thọ bật cười:
- Thôi, vừa vừa vậy. Tao với mày...
- Tao thành thật mà. Tao đi cũng được, nhưng lúc công tác mà vợ có bề gì thì yên tâm sao nổi.
Thọ gật đầu. Ai chả thế. Gia đình của chính mình không xếp đặt xong thì lo vịêc khác thế quái nào được. Thọ nói một mình:
- Để tao đi trình diện lấy phép về Sàigòn nhận sự vụ lệnh. Đi một tháng phải không? Hơi dài đấy. Nhưng công tác xong tao sẽ đi phép công tác và phép thường niên luôn. Ai chịu thì chịu, không chịu thì.. thôi à. Tao đi rồi tính sau.
Thế là Thọ về Sàigòn. Chàng đến kiếm Tường Vi hai lần, nhưng đều không gặp. Lần thứ nhất Tường Vi đi học và lần thứ hai Tường Vi đi chợ với mẹ. Thọ không còn cơ hội gặp nàng vì sáng sớm hôm sau máy bay Mỹ chở Thọ đi Cần Thơ, và tại đây trực thăng đưa Thọ đi Cà Mau. Hơn nửa tháng qua, Tường Vi trông chờ tin Thọ, nhưng lá thư Vi nhận được hôm qua đã mang đến cho nàng quá nhiều suy nghĩ. Lá thư dài mười trang giấy. Tường Vi đã đọc đi đọc lại không biết bao lần. Và nàng không quyết định gì đựơc hết. Cuối cùng nàng nghĩ tới Dũng.
Tường Vi rút lá thư trong túi áo trao cho Dũng:
- Chú đọc và cho cháu biết ý kiến nhé.
Dũng ngại ngùng:
- Chú có nên đọc không?
Tường Vi thành khẩn:
- Cháu nghĩ không có gì cần dấu chú. Dù đó là thư riêng cho cháu, nhưng Thọ cũng là bạn chú mà.
Dũng cầm lá thư, từ tốn rút những trang giấy đầy chữ ra khỏi bao, trong lúc Tường Vi đứng dậy bật ngọn đèn tròn ở trước cửa ra sân thượng.
" Cà Mau ngày...
Vi của anh,
Anh xuống đây đã hơn nửa tháng rồi đấy. Đến tìm em hai lần đều không gặp, buồn và tiếc. Anh theo toán công tác xuống vùng rừng đước này với một tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Sau mười mấy ngày tham dự hành quân liên miên, hôm nay anh được nghỉ tại căn cứ. Chuyến công tác này có nhiều điều đáng ghi nhớ. Anh nghĩ rằng em sẽ thích khi anh kể những mẩu chuyện vui buồn trên đường hành quân, phải không em? Và khi kể xong, có lẽ anh sẽ nói với em một điều quan trọng, nếu anh còn đủ "can đảm" và không mỏi tay vì lâu ngày quên cầm viết.
Anh xuống tới đây lúc chín giờ sáng ngày mười hai. Đi khắp nơi, nhìn thấy đủ loại hình ảnh nên anh không ngạc nhiên về quang cảnh nơi anh đến. Nhưng chắc em muốn thấy thật rõ, vì em chưa lần nào "nhìn" một vùng trên đất nước mình rõ rệt phải không Vi?
Nơi anh đến là một nền đất cũ hoang tàn của quận Năm Căn tỉnh Cà Mau. Vào những năm trước, khoảng 1960, nơi này thật là trù phú, dù nằm ven sông giữa rừng cây đước dầy đặc. Đó là một giải đất bên giòng sông Cửa Lớn, một đầu sông chảy ra vịnh Nam phần và đầu kia ăn sang vịnh Thái Lan. Giòng thủy triều lên xuống thật nhanh và chảy thật xiết vì hai nẻo sông đều ăn ra biển. Chảy thật xiết đến độ ngừơi nhái khó có thể bơi theo ý muốn và ghe thuyền có máy đuôi tôm cũng phải chờ con nước xuống lên mà lái chạy xuôi giòng khi đi chợ hay đốn củi.
Anh nhắc lại, vào những năm trước vùng này rất trù phú. Dân cư khá đông và sống bằng hai nghề: người không vốn thì vào rừng - rừng sát cạnh nhà và chạy dọc hai bên bờ - đốn đước. Mỗi chiếc ghe to loại trung bình đốn được khoảng hai chục thước củi tươi. Chở về tới quận là đã có ngót mười ngàn làm vốn làm lời. Củi này bán lại cho các chủ lò than, và biến thành than đước. Không rõ họ kiếm tiền được cỡ nào nhưng chỉ biết một người thợ "ngửi" khói lò kiếm được bao nhiêu, là có thể rõ dân ở đây giầu đến mức nào. Em biết không, một người thợ chuyên môn dí mũi vào các lò đốt than đước để "tuyên bố" cho chủ lò biết than đã "chín" vừa mức chưa, tốt, xấu thế nào mà lương tháng là bảy chục ngàn. Chỉ riêng một lò thôi đó, và bảy chục ngàn là tiền thời gian đó.
Cho nên ở đây, dù lọt giữa rừng rậm, bùn lầy nhà cửa vẫn khang trang, nhà lầu hai ba từng và có đủ môn giải trí, ăn chơi. Nơi này lại càng phát đạt hơn vì đựơc "mắt xanh" của bà cố vấn vĩ đại Ngô Đình Nhu để ý tới. Bà ra tay "săn sóc" để kiếm tiền làm giầu.
Nhưng cuối năm sáu mươi, Việt cộng từ rừng rậm kéo ra đen nghịt, uy hiếp cả quận lỵ hàng tháng. Cuối cùng, quận Năm Căn bị lọt vào tay giặc. Ông Quận đã làm một cuộc di dân lịch sử, đoàn dân làng lũ lượt kéo nhau đi bộ có lính Quốc gia đi đầu và đoạn hậu trên một đoạn đường dài hơn hai mươi cây số, dưới làn mưa đạn của địch quân, về nền đất định cư mới. Nơi mà người ta gọi là Năm Căn mới bây giờ.
À, anh quên chưa kể cho em nghe về nguồn gốc cái tên Năm Căn lạ tai này. Người ta bảo sở dĩ có tên Năm Căn vì nơi này lúc đầu chỉ có năm căn nhà, và dân đi lại trên sông gọi như vậy để dễ xác định một vị trí, một đoạn đường trong câu chuyện. Lâu dần năm căn thành năm trăm căn, nhưng họ vẫn để nguyên tên đó. Miền Nam có những cái tên thật giản dị, ít ai biết xuất xứ nhưng chắc cũng phát sinh theo kiểu Năm Căn, như Bà Quẹo, Bà Điểm, Bà Om, Bà Chiểu... và Bà Rá, phải không em? Toàn là bà, nghe có vẻ... thờ Bà quá.
Khi dân cư bỏ đi, Việt cộng tràn vào chiếm cứ, sống giữa những đổ nát và làm bạn với muỗi, với mòng. Anh không nói ngoa, muỗi mòng ở đây to bằng nửa con ruồi và chích đau như ong vậy. Thế mà dân chúng ở đây coi như "pha" ít ai cần ngủ trong "nóp" (một loại che muỗi như mùng màn của nhà mình). Nói đùa thế chứ, muỗi ở đây được gọi là muỗi trâu, chích đau thế thì người chịu sao thấu. Họ kể rằng muỗi rừng U Minh là cả một hiện tượng, nông dân phải mắc mùng cho cả... trâu ngủ. Vì trâu bị muỗi chích đau quá, rống lên thê thảm khiến người cũng ớn. Sự thật đó Vi, anh không phịa đâu. Những ngày ở đây bọn anh sống theo tiện nghi dành cho một quân nhân Hải Quân Mỹ (vì hành quân chung với người anh em Hoa Kỳ) mà vẫn bị muỗi "thịt" có anh ghẻ lở tùm lum. Bọn Hoa Kỳ tởn quá, nhưng lại mê một con vật khác ghê gớm: cua biển. Cua ở đây bán rẻ lắm, của dân chúng đi bán ở chợ, chèo ngang qua căn cứ. Năm chục đồng một ký bốn con to tổ bố (Sàigòn hai trăm rưởi, phải không Vi). Anh Đại Úy Tâm lý chiến Mỹ ở đây ăn một ngày ít nhất hai ký và luôn miệng kêu:
- Craps, number one! (Cua, số dách).
Anh nói lan man quá. Tại có nhiều chuyện, mà chuyện nào anh cũng muốn kể cho em nghe hết. Thôi để anh tiếp tục đoạn Việt Cộng đóng ở đây nghe. Ở đựơc ít lâu, Việt cộng bị tiêu diệt một phần lớn vì máy bay oanh tạc. Và một phần vì hoạt động của người nhái V.N. mình. Bằng cách nào thì... anh không nói ra được (bí mật.. quân sự mà). Bọn còn sống chạy vào rừng và từ đó, nơi này không còn ai đến, chỉ còn lại một ít vách tường, cột cổng nám đen đứng chơ vơ. Cỏ dại, lau lách bắt đầu mọc lên rậm rạp, hoang tàn như phế tích.
Và bây giờ Hải quân mình đến, lập lại nếp sinh hoạt cũ ở đây. Họ dự tính di dân từ các vùng mất an ninh và quận mới về vùng nền quận cũ. Mọi hoạt động bắt đầu từ đó. Tất nhiên là phải đối đầu với bọn du kích địa phương và Việt cộng đóng quanh đó. Anh xuống đây sáng mười hai, nghỉ ngày hôm ấy. Buổi chiều trực thăng chở về xác chết của ba anh Mỹ và một anh người Thượng, biệt kích Mỹ. Anh đứng nhìn, tự nhủ: Mấy anh này bị Claymore rồi.
Ngày hôm sau - ngày mười ba - anh lên đường. Chuyến đi đầu tiên này nhằm ghi nhận địa thế tổng quát cho hoạt động những ngày kế tiếp cho bọn anh. Đi chung trên một chiếc P.C.F. (chiến đỉnh) của Mỹ với một tên nhà báo và một tên nhạc sĩ Hải quân mình, cùng một số khác.
Vừa ra khỏi căn cứ độ hơn cây số, Việt cộng đã chào đón cẩn thận. Và sau mười lăm phút, trên tầu có ba người đổ máu, một ra đi vĩnh viễn. Trên bờ hẳn không còn tên nào sống sót vì ngay từ lúc bắt đầu giao tranh, căn cứ được tin gửi thêm năm chiến đỉnh và hai trực thăng tới quần nát vùng bờ có Việt cộng ẩn núp.
Khi tiếng súng im bọn anh tiếp tục đi. Anh tiết lộ tí tí cho em nghe: Hoạt động của người nhái ở đây là hợp cùng lực lượng Seal Teams Hoa Kỳ và những cán binh Việt Cộng về hồi chánh tổ chức những trận đánh du kích, phục kích, phản phục kích và thám sát.. để có thể nắm vững tình hình và bảo đảm an ninh cho căn cứ, hầu chương trình di dân của chiến dịch khỏi bị trở ngại.
Từ hôm ấy, anh tham dự những chuyến đột nhập rừng già, khi thì giữa trưa, khi thì gần về sáng. Khoác trên mình bộ bà ba đen, cây AK hay cây M79, như một Vẹm chính tông. Tất nhiên là phải mang theo những thứ tối cần thiết cho nghề nghịêp nữa.
Gần hai chục ngày qua đi. Bọn anh có mấy đứa bị thương, nhưng không một tên nào đị.. luôn cả. Mà còn mang về mỗi lần bốn năm anh cán, mặt mũi ngờ nghệch nhưng bắn lén giỏi cóc chịu được. Phải khó nhọc lắm mới "vồ" được mấy ảnh, vì mấy ảnh quen đường quen lối trong rừng rồi. Có một lần đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, anh "được" một anh Cán không biết từ ngõ ngách nào chui ra, chào:
- Chào đồng chí!
Anh còn đang bàng hoàng, mừng thoát chết hụt, hắn đã tiếp:
- Cho mồi chút lửa, đồng chí!
Anh dơ điếu thuốc rê (bắt buộc chỉ hút loại thuốc này trong rừng đấy nhé) ra trước mặt, hắn cúi xuống và anh đưa luôn mũi súng AK vào sườn hắn.. Lần đó anh vừa run, vừa tức cười.
Những hôm không có mission anh vẫn xác súng đi theo bọn Tâm Lý Chiến đi công tác. Tên nhạc sĩ lo kiểm tra dân qua lại, tên báo chí lấy tin tức, tên tình báo dò la tình hình.. và anh đứng nhìn hoạt cảnh đó. Thật vui, dân và quân thân mật trong sư.... e dè thường lệ.
Người nào cũng có vẻ kín đáo. Anh thấy tội nghịêp họ. Không dám nói gì, chỉ sợ có tên "xấu máu" tố cáo khi đi ngang vùng Việt cộng kiểm soát, thì rồi đời. Cả đến trẻ con cũng y hệt tính nết ấy của người lớn. Anh nhìn chúng và nghĩ ngợi nhiều. Một sự cách biệt quá xa so với trẻ con thành phố. Ở Sàigòn những đứa mười ba, mười bốn tuổi đã học đòi hư hỏng, nhẩy nhót ăn chơi và.. biết đủ thứ của người lớn. Trái lại ở đây, giữa bể rộng sông dài, giữa trời cao rừng rậm, trên sóng nước mênh mang, đứa bé lên bảy tuổi đã biết nấu cháo ngoài mưa trong lúc mẹ nó ngồi đánh vẩy cá. Con thuyền nhấp nhô trên sóng, đứa bé vẫn ngồi thành thạo trên sàn thuyền, giữ thăng bằng cho bếp lửa. Có những bé trai chừng mười tuổi lái chiếc ghe đầy cây đước chạy băng băng trên giòng sông xuôi sóng, lành nghề như thủy thủ ra khơi.
Bây giờ dân ở đây nghèo thật nghèo. Xét chiếc ghe nào cũng thấy đồng một điệu giống nhau. Một lu gạo nhỏ, đủ ăn bốn ngày đi đốn củi. Một chiếc nồi để nấu cháo hay cơm một lần ăn hai bữa. Vài trái dưa leo, một chai nước mắm và một thùng nước ngọt. Một thùng nước ngọt phải mua với giá ba chục đồng ở một nơi cách đó hàng chục cây số, nên có gia đình mang theo nước mắm mái lá, vàng như nghệ và số lượng lăng quăng... nhiều hơn nước. Có lần thiếu nước uống, anh đã xin và được "mời" thứ nước quý đó. Vừa uống vừa... nhai! Vậy mà trẻ con vẫn khỏe mạnh, mắt vẫn sáng, môi vẫn hồng. Chúng trưởng thành trong cuộc sống đó, da xám mùi bùn và quấn áo tơi tả cũng nhuộm màu núi rừng U Minh. Lớn lên nếu không ra được quận lỵ đi lính thì cũng bị Việt Cộng điểm tên, bắt theo chúng. Rồi khi lâm trận, những tuổi trẻ môi hồng ấy bị bắt, bị giết như chưa hề có mặt trên mảnh đất, giòng sông này. Nói chuyện với chúng nó, nhiều khi anh xúc động. Xúc động hơn cả khi nhìn thấy người thân mình đau ốm ở Sàigòn, hay khi bạn bè gục xuống. Chúng nó nghe anh nói ở Sàigòn xuống, chúng nó hỏi Sàigòn ở đâu hả anh, đi từ "đây" tới "đó" có xa bằng từ đây sang Cái Nước không anh? Anh phì cười vuốt tóc chúng. Cái Nước là một quận cách đây chừng vài chục cây, hình như là quận Năm Căn mới bây giờ thì phải. Địa danh ở đây nhiều tên nghe hay lắm. Bạn anh, tên Thượng Sĩ Bính - mà bọn Mẽo ở căn cứ gọi là Chief Bird cho dễ nhớ - đã đặt một câu vè như thế này:
- Cái Nước bước sang Cái Nẩy, Cái Nẩy nhẩy sang Cái Chồn, Cái Chồn dồn qua Cái Keo, Cái Keo leo qua Cái Vồn. Cái Vồn dồn về Đầm Cùng, Đầm Cùng lùng về Mật Khu, Mật Khu đu qua Cái Nước... và cứ thế mãi. Ý hắn muốn đùa bọn anh là cứ truy kích bọn Cán Vẹm từ nơi này qua nơi khác cho đến khi hết chỗ lại quay về vùng đất ban đầu.
Bọn trẻ con ở đây, trừ những món ăn kiếm được trong sông như cua, cá biển, chắc chưa bao giờ chúng được nếm mùi thịt bò, bánh trái. Vi có biết không, không riêng gì trẻ con, có những người già quá nửa đời người cũng chưa hề biết qua mùi vị ấy. Một người gạ đổi con cá lớn cho anh lấy hộp thịt bò trong phần lương khô. Anh đã tặng ông ta, và mình cũng thấy no khi nhìn ông ta ăn ngấu nghiến miếng bánh lạt với hộp thịt bò. Một lần khác, một người đàn bà trông thấy anh Mẽo trên tầu ăn trái táo, liền bảo anh:
- Thầy Hai ơi, ông "Mỹ Ngụy" kia ăn trái dưa ngộ ha?
Anh cũng lại quên chưa kể cho em biết: dân ở đây bị Việt Cộng tuyên truyền quen miệng gọi Mỹ là Mỹ Ngụy và Hải Quân là Hải Thuyền, các tầu chiến gọi là Hạm Đội Nhỏ và tầu nào cũng làm bằng... giấy thoa keo. Khi đựơc đưa lên chiến hạm chơi, mấy ông già lấy tay gõ coong coong xuống sàn tầu và nói với vẻ hoang mang:
- Bằng sắt dắn thấy... mẹ mà mấy chả "tiêng triềng" là bằng "cạt tông", bằng giấy, khỏi cần bắn súng lớn cũng chìm...
Đó, Vi thấy người dân ở đây sống trong hoàn cảnh như vậy đó. Ngu dốt, nghèo khó và cực nhọc là những thứ bệnh dịch lan tràn trong đời họ làm dân mình dễ lạc đường, và còn mãi chiến tranh. Anh tự nhủ: chỉ cần họ được sống bằng ba, bốn phần mười cuộc sống những kẻ ở Sàigòn thì chắc chả còn ai theo Cộng Sản để chết mất xác trên những vùng đất hoang sơ này.
Và những đứa trẻ ngu dốt, những đứa trẻ kém may mắn này nếu được đi học và nuôi dưỡng tử tế biết đâu lại chả thành nhân tài, ích lợi cho đất nước hơn là những đứa hư hỏng ở tỉnh thành...
Nhưng có một điều không thể phủ nhận, là chúng nó sung sướng. Sống trong cảnh cực nhọc, nhưng vẫn được ấp ủ trong tình thương của cha mẹ và những người thân. Những chuyến đi theo đoàn công tác, anh đã đựơc chứng kiến bao hình ảnh cảm động. Những bà mẹ múc cháo cho con ăn, vừa cho ăn vừa nựng nịu. Nét đầm ấm đó gợi cho anh hình ảnh một nếp sống gia đình.. Và Vi ơi, bây giờ anh xin phép được nói về anh, về em, về chuyện của anh với em đây...
Chiều hôm qua anh ngồi vắt vẻo trên những bao cát chắn làm hàng rào căn cứ, cùng với Tuấn. Tuấn là một người bạn mới quen, đã đi tầu nhiều năm và bây giờ thuộc Vùng 4 Duyên Hải. Hắn được biệt phái vào tham dự chiến dịch này. Tuấn là một người trầm tĩnh và rất là tư cách. Hắn và anh thân nhau trong bàn Domino. Tuấn vừa lấy vợ, chuyện tình của hắn "ly kỳ" lắm, cô vợ trẻ trước kia gọi hắn bằng.. chú đó. Anh chàng cũng đã có thời làm thơ lẩn thẩn, mà nhiều bài thơ lãng mạn của hắn đã đăng trên báo với bút hiệu là Hoàng Kim Tuấn. Kim là tên vợ hắn. Tuấn thường khoái chí nhắc đến cái biệt danh đã giúp vốn kỷ niệm trong tình yêu của vợ chồng hắn trước ngày lấy nhau - tức là thời "hai đứa" yêu nhau: Tuấn cù lần, Tuấn nhà văn Nhớn.
Lúc bấy giờ buổi chiều đang ngả sang mầu đậm, gió sông thổi lồng lộng tung bay mái tóc bềnh bồng của Tuấn. Hai đứa ngồi hút thuốc, uống cà phê. Tuấn kể về những kỷ nịêm đẹp mê hồn của hắn với Kim, chuyện hai đứa giận nhau, rồi làm lành... Những mẩu chuyện thật trẻ con nhưng dí dỏm, và dễ thương chỉ được tên bạn trầm tĩnh ấy kể lại khi nhắc đến vợ hắn. Còn lúc bình thường, Tuấn ít nói và ít ai hiểu rõ về con người của hắn.
Đột nhiên Tuấn cất tiếng hát. Con người hạnh phúc đó không hiểu sao lại hát một bài hát buồn, giọng hắn trầm, và anh có cảm tưởng tiếng hát ấy bay lên cao, vượt qua cả mấy vòng rào căn cứ, lồng lộng trong gió chiều, bồng bềnh trên sóng nước, trôi bất tận về mãi phương xạ. Tuấn hát bài "Ảo Ảnh" Vi ạ.
Trong một phút tất cả những gì anh đã gặp, chợt đổ xô về. Những thăng trầm anh đã qua, những hạnh phúc gia đình, những mất mát trong tình thương mà đời người có thể gặp. Và cuộc sống của những người ở đây nữa. Tất cả những thứ đó đều có thể tan biến trong chớp mắt, không còn gì tồn tại. Như tiếng hát của Tuấn thật sự đã tan đi, tan như ảo ảnh cuộc đời!
Anh bỗng thấy lo sợ vu vơ khi nghĩ tới chuyện mình. Trong tích tắc, lòng anh cồn lên một quyết định mà anh biết sẽ làm em ngỡ ngàng lo ngại. Anh biết nói ra sẽ làm em không thể nào trả lời được, nhưng anh cứ nói. Vì lần này không nói ra, có lẽ sẽ không bao giờ anh có dịp nói nữa. Anh muốn em trả lời anh, em có dám từ bỏ tuổi thơ, từ bỏ những ngày hoa bướm để... làm vợ anh không? Anh không đòi cưới em ngay, nhưng anh muốn được nghe em trả lời: có hay không? trong lá thư đáp lại. Tùy theo câu trả lời của em, sau kỳ công tác này anh về phép sẽ đến với em hoặc là.. đi về một phương nào khác.
Anh đã kể cho Tuấn nghe chuyện này sau khi hắn dứt tiếng hát. Hắn bảo anh vội vàng, đừng hấp tấp thế. Nhưng anh không phải là Tuấn. Có lẽ anh sẽ tìm Dũng, khi về.
Trả lời anh, nhé Vi!
Yêu em,
Thọ "
.... Tường Vi kiên nhẫn ngồi chờ chú đọc xong lá thư.
Dũng miên man suy nghĩ, chàng cố tìm những lời giải đáp cho một lối thoát nhưng không nghĩ đựơc cách nào.
Tường Vi còn trẻ quá, dù có yêu đến mấy cũng chưa đủ can đảm nhận lời làm vợ một người nào trong tuổi này. Trước đây có lần Vi tâm sự, kể cho chàng biết chuyện giữa nàng và Thọ. Dũng chỉ khuyên cháu vài điều cần thiết. Chàng ngại ngùng sẽ có một ngày mối tình ấy gặp trắc trở, vì những nguyên nhân chưa xẩy đến. Nhưng Dũng không nói, sợ cháu buồn và giận dỗi.
Riêng Thọ, nó có lý khi đưa ra câu hỏi. Gần nửa đời người lang bạt, nó có quyền tìm một nơi dừng chân lại. Nhất là nơi đó nó tìm được hạnh phúc.
Cuối cùng Dũng đã tìm đựơc một câu trả lời dùm cháu, dù là gượng ép.
Tường Vi hỏi:
- Cháu phải làm sao hở chú? Trọn một lá thư dài anh ấy khôn khéo kể chuyện vòng quanh, rồi thật bất ngờ và vắn tắt, anh ấy hỏi ở cuối thư một câu như vậy. Cháu.. cháu yêu Thọ, nhưng bắt cháu thay đổi cả cuộc sống ngay bây giờ thì... ghê gớm quá, cháu chưa dám nhìn vào thực tế, mà cũng chẳng đoán nổi nếu chấp nhận thì sẽ ra sao nữa.
Dũng thở ra nhè nhẹ:
- Chú hiểu tâm trạng cháu. Và chú cũng hiểu Thọ nữa. Cả hai đều có lý trong quyết định của mình. Thọ đã khôn ngoan nhấn mạnh chỉ đòi hỏi cháu trả lời có bằng lòng nhận lời nó hay không? Chứ chưa bắt buộc cháu phải quyết định ngay trong vấn đề lập gia đình. Phân tích ra, chú biết rằng Thọ đang bị giao động mạnh, vì ảnh hưởng những sự kiện chung quanh. Khi sống trong hạnh phúc và sung sướng người ta dễ trở thành mềm yếu. Nó nhìn thấy cái chết hàng bữa, nghe chuyện hạnh phúc của Tuấn, nhìn cảnh vui buồn sướng khổ của dân chúng ở đó và .. lo sợ vẩn vơ vì cháu ở Sàigòn quá xa tầm tay nó. Những sự đó đã đưa đẩy Thọ tới ý nghĩ phải tạo ra một niềm hy vọng, một sự hứa hẹn tốt đẹp để bấu víu vào.
Còn cháu, cháu bị mấy chữ "nhận lời làm vợ" làm giao động mạnh phải không? Chú không thể xui cháu nên thế này hay nên thế khác vì chú không muốn gánh tránh nhiệm về một lời khuyên nhầm lẫn. Chú chỉ nói một câu này: cháu hãy suy nghĩ thật chín chắn, thật kỹ. Và nhận lời hay không, sau khi nghĩ xong, hãy viết thư cho Thọ ngay. Thư cháu rất cần cho nó, trong lúc tinh thần Thọ đang căng thẳng thế này.
Tường Vi hiểu rằng vấn đề không thể giải quyết gì thêm. Chú Dũng có lý nữa, khi chú muốn ở vai trò người ngoại cuộc. Nàng cười buồn buồn:
- Vậy là lần này chú của cháu không giúp cháu được gì nhé.
Dũng vặn mình trên ghế. Những khớp xương kêu răng rắc như sự chuyển mình của một cái gì đang trỗi dậy sau bao lâu lặng im:
- Có lẽ thế. Chú vừa quyết định, thứ hai tới này chú đi trình diện nhập ngũ.
Tường Vi mở to mắt nhìn chú. Dũng hướng mắt nhìn về phía những trái hỏa châu đang rực sáng, buông gọn:
- Xong!