Chương Hai
Tác giả: Võ Hồng
1. Cái khó ở đời là định được ranh giới. Tới đâu thì dân tộc tính dừng lại, hiện tại tính bắt đầu? Cả đến đạo đức cũng vậy. Đi quá ranh giới, TỐT sẽ thành XẤU. Tiết kiệm quá thành keo kiệt, chân thật quá thành thô lỗ.
2. Khi khuyên ai, ta thường vụng về làm họ bị chạm tự ái. Thực ra thì với cách giải quyết của họ, họ chỉ nên thêm hơn một chút hay bớt đi một chút.
3. Ôi tạo hoá rộng lượng! Một trái ổi có tới bốn trăm hột.
4. Con người thường không ưa những ai chưa quen. Hãy quen với họ đi, và ta sẽ thấy họ có nhiều điểm tốt để ta mến.
5. Càng thêm kinh nghiệm ở đời, tôi càng thấy thấm thía câu nói của Đức Khổng Tử: "Dư dục vô ngôn": ta chẳng muốn nói gì hết.
6. Muốn được tiếng đạo đức, dễ nhất là nên nói ít. Người tầm thường, nói dở nên ít nói, do vậy mà những ý nghĩ xấu không lộ ra, không ai biết. Người khôn tự mãn hay nói, nên phanh phui hết cái xấu của mình.
7. Ông nhà văn, ông được ưu đãi nhiều quá. Ông được nói chuyện dịu dàng với người đọc vào một giờ yên tĩnh nhất, trong một khung cảnh êm đềm nhất. Người đó đem trọn tâm hồn ra để nghe ông và ông được chọn nói những điều mà ông cho là thâm thúy. Những cánh cổng uy nghi, những cửa phòng hoa lệ tự nguyện mở ra đón ông.
8. Cô ấy đồng ý với anh rằng "Im lặng là vàng" hả?...À, vậy thì tốt. Nhưng đừng vội mừng. Kìa, hãy nghe cô ấy nói tiếp cái gì kìa.
- Dạ, đúng. Im lặng là vàng. Còn ồn ào là… kim cương.
9. Bất hạnh cho kẻ nào phải giao thiệp với người độc dữ. Như con cú chỉ kêu được tiếng độc, họ quen miệng chỉ nói được lời dữ.
10. Hoặc là trắng hoặc là đen, anh phải dứt khoát chọn một.
- Nhưng thưa ông, màu trắng tự nó cũng không phải là một. Nó gồm tới bảy màu.
11. Đừng bám vào một câu nói để đả kích, để xưng tụng, mà nên nhìn vào toàn thể việc làm. Một câu nói nhiều khi chỉ như cái chấm dùng làm đỉnh cho một hình tam giác. Cùng chung một đỉnh, nhưng cái đáy có thể nằm nơi khác thì bề mặt của hai tam giác hoàn toàn khác nhau.
12. Liễu Tôn Nguyên kể chuyện người bắt rắn. Hiện tại không chắc có còn một nấm cổ khâu nào, trên đó những bụi cỏ dại lặng lẽ nở hoa mà người đời xác quyết rằng đó là mộ của Liễu thứ sử. Vậy mà, vào một ngày tàn Đông của năm Nhâm Tuất, có một người dị tộc phương Nam lại ngồi bùi ngùi cảm mến tiên sinh trước trang sách mở.
13. Tạo ra tiền của nhiều khi dễ hơn tạo được tình cảm. Bởi chưng tiền của không biết phê phán khen chê.
14. Lên 60 tuổi, ta gặt những gì đã gieo suốt một đời người. Trễ rồi nếu chỉ có cỏ. Đâu còn thì giờ để gieo hột giống khác tốt hơn?
15. Truyện cổ hay kể những cô thôn nữ trung thành với người yêu nghèo mà từ chối ông vua. Vậy đó, cái cao cả nhiều khi phát xuất từ cái bình dị. Có những tâm hồn mộc mạc làm những hành động hy sinh một cách tự nhiên. Y như hoa cỏ nở lác đác giữa đồng nội, không hề bận tâm tìm xem người ta có thể khen chê gì về chúng.
16. Đừng nói những nhận xét quá tinh tế với những kẻ căn cơ quá tối. Nói "Ai cũng có lúc tham" sẽ được hiểu đơn giản rằng anh là đồ tham.
17. Người tốt được 80 người khen, 20 người chê. Người xấu bị 80 người chê, được 20 người khen.
18. Phước cho kẻ nào trên thế gian có ân huệ được một xá lợi tử cất giữ dùm kỷ niệm.
19. Thỉnh thoảng hãy nhớ lại những ngày gian khổ của đời mình để bớt kiêu căng, để thêm nhân ái.
20. Bất hạnh cho ta nếu có người họ hàng xấu: ta không nhận được cái tốt từ họ, không làm được cái tốt cho họ.
21. Ngu ngốc thay cho kẻ tự hạ mình: "Tính tôi cà trớt... tôi không sâu sắc..." Người khác sẽ dùng những tính từ đó để kết luận về anh, như dùng những dụng cụ giảo hình tự anh rèn sẵn.
22. Khi nhỏ, ta ghét những người ta phải kính trọng. Khi già, ta thèm có những người để ta kính trọng.
23. Nhiều người đàn bà khổ chỉ vì vừa giàu vừa mạnh. Giàu tình cảm và mạnh lý trí.
24. Đừng mắng trẻ con bằng từ ngữ tổng hợp mà nên phân tích cái lỗi, cái sai. Mắng "mày ranh mãnh, nói láo, ganh tị..." thì nhiều khi lại chính là dạy chúng ranh mãnh, nói láo, ganh tị...
25. Bữa ăn sang làm khổ con người. Bữa ăn khổ làm sang con người.
26. Dù khốn khổ nhất, người ta cũng nuôi một chút hy vọng về tương lai. Chính tâm lý đó nuôi sống nghề bói toán.
27. Tôi thường nói chuyện đạo đức với cô. Cô tỏ ý không thích. Ghét tôi thì được, có thể tôi rất dễ ghét. Nhưng xin đừng ghét lây Đạo đức.
28. Khi bị xúc phạm bằng lời nói, người ta thù hận sâu hơn là khi bị lừa đảo một cách lặng lẽ.
29. Chỉ cần một lần nói lỡ lời đủ tạo một hình ảnh xấu cho suốt đời.
30. Sự suy nghĩ có tỷ trọng của bạch kim. Nó khiến công việc thêm nặng. Nhen lửa đun cho ấm nước sôi, công việc dễ dàng, nhẹ nhàng biết bao. Nhưng ngồi mà nghĩ xung quanh việc đun nước thì ta sẽ thấy việc đó nặng cả tạ.
31. Người ta ưa nói thái quá một cách tự nhiên, không băn khoăn. Họ không nghĩ rằng chỉ thêm chơi 1, 2, 3, 4... con số không ở đằng sau là một đại lượng nhỏ đã trở thành khổng lồ.
32. Sự hiểu biết nông cạn thường dẫn tới cái nhìn thiên lệch và lời phê phán sai lầm. Ta khen Démosthène lập chí khi ngậm sỏi luyện giọng, ta phục Démosthène hùng biện, nhưng ta thường không biết thêm rằng ông ta là một chính khách dở. Thật bất công cho vua Philippe khi phải đương đầu với Démosthène và bị phê phán bởi những độc giả chột mắt.
33. Người đàn ông có giá trị đối với kẻ dưới, người đàn bà có giá trị đối với người trên. Ông Vinh Khải Kỳ há không hiểu rằng, cả vào thời đại của ông, khi cần vận động xin xỏ với cấp trên thì nụ cười và khóe mắt của người đàn bà có hiệu lực hơn trí thức của ông sao?
34. Chúng ta hiểu người khác qua từ ngữ. Nhưng những từ ngữ chính xác nhất vẫn không diễn tả đúng ý, huống chi còn có người dùng từ ngữ sai, từ ngữ hời hợt và cả từ ngữ dối trá.
35. Mỗi chân lý thường chỉ đúng có một nửa. Nửa kia dành cho chân lý ngược lại.
36. Tên những vị có quyền lực, tên những học thuyết, những trường phái, những chủ nghĩa, những...ism được các thiên tài cỡ nhỏ dùng thay lý luận, dùng làm kết luận.
37. Con người có thể, bằng tài năng, bằng ý chí, chinh phục được tất cả, chiếm đoạt được tất cả. Ngoại trừ tình yêu.
38. Con người chỉ thiếu phương tiện chớ không thiếu nhu cầu.
39. Chuột thường sập bẫy chặng khuya gần sáng. Chống chọi với sự cám dỗ quả thật không dễ.
40. Nói " được cái này, mất cái khác" không có nghĩa là cái Được ngang bằng với cái Mất. Chỉ xét về mặt chính tả, Được đã hơn Mất một chữ rồi.
41. Người trì độn dễ có Hạnh phúc. Nó phản ứng chậm nên tránh được những xung đột. Người thông minh mà nhân hậu dễ mất Hạnh Phúc. Bởi nó không biết nói dối.
42. Đừng sợ vô lễ đối với người lớn bằng sợ thất lễ đối với người nhỏ. Người lớn thường đã phạm nhiều điều xấu, có thể đáng bị xử vô lễ. Nếu là người tốt thì họ rộng lượng không câu chấp. Người trẻ trong sạch hơn và thường cố chấp hơn. Giữ lễ với họ để họ khỏi mất niềm tin khi bước vào đời.
43. Với người đàn bà đang tự hào vì được nhiều kẻ tán tỉnh, đừng trả lời câu họ hỏi " Em có đẹp không?" Trả lời đẹp thì họ thêm say sưa, xông xáo, đem sử dụng cái đẹp. Trả lời không đẹp thì họ tự ái, đem đi thí nghiệm vung vãi, để chứng minh là anh nói sai. Cả hai cách trả lời đều thiệt hại cho anh, nếu anh lỡ yêu người đó.
44. Những con vật đáng ghét càng thêm dễ ghét khi chúng còn nhỏ. Như thằn lằn con, rắn con. Vì sao?
45. Trộn cà phê loại 10 đồng với loại 2 đồng sẽ không thành loại cà phê 10 + 2 : 2 = 6 đồng, mà chỉ thành loại cà phê 4 đồng. Cái Tốt kề cạnh cái xấu thì cái xấu không tốt thêm bao nhiêu, còn cái Tốt thì mất đi quá nhiều.
46. Nếu phụ nữ bớt thì giờ trang điểm sắc đẹp để thêm thì giờ trang điểm tâm hồn!
47. Hãy liệt kê những trường hợp bất hạnh của những người mà bạn biết. Thỉnh thoảng đọc lại. Chúng như bài thuốc giải khổ, giúp bạn an nhiên chấp nhận cuộc sống.
48. Hãy liệt kê những may mắn bạn từng gặp được trong đời. Đọc lại, khi bạn gặp những điều bất như ý, những điều buồn khổ.
49. Không có một cuộc đời hạnh phúc, chỉ có những ngày, những giờ hạnh phúc.
50. Này bạn, bạn đang tự hành hạ mình, bạn có biết không? Luôn luôn bạn để thường trực nơi tâm hồn bạn, không một nỗi khổ tâm lớn thì một nỗi bực bội vừa hoặc một bất như ý nhỏ. Sao bạn hào phóng nét nhăn mặt mà bủn xỉn nụ cười vậy?