Phần 10
Tác giả: Võ Phiến
Thành tích Bảo rằng thời kỳ văn học 54-75 phản ảnh một một khủng hoảng tin tưởng sâu xa; bảo rằng thời ấy chất chứa những xúc cảm mạnh bộc lộ trong lối viết cực đoan quá lố; lại bảo rằng so với Miền Bắc thì ở Miền Nam trong thời kỳ này có tinh thần cởi mở khoáng đạt hơn, thường hay cười cợt chỉ trích, lắm kẻ ngông nghênh, có khi kỳ dị, nói thế là nói về một số đặc điểm tâm tình của con người Việt Nam trong thời kỳ này. Bây giờ thử tìm hiểu về những đặc điểm nơi thành tích của nền văn học thời này. Thành tích văn học Miền Nam từ 54 đến 75, so với thời trước đó, hoặc với nền văn học cùng thời ở Miền Bắc, có chỗ hơn lại cũng có chỗ kém, và ở những chỗ không có vấn đề hơn kém thì nó vẫn có những nét khác biệt đáng chú ý. Đối chiếu với Miền Bắc Giữa Miền Nam với Miền Bắc cùng trong thời kỳ này mỗi bên quan niệm công việc khác nhau và làm việc khác nhau. Ở Miền Nam hoạt động văn hóa là việc của những cá nhân tự do, ở Miền Bắc nhà nước huy động mọi khả năng trong nước để thực hiện các chương trình văn hóa do mình vạch ra. Ở Miền Nam, Lê Văn Siêu đơn thân độc mã tiến hành soạn thảo bộ văn học sử Việt Nam và gặp những khó khăn nan giải (cố nhiên); ở Miền Bắc, để soạn bộ Thơ văn Lý Trần (3 cuốn) chẳng hạn, cả tổ Hán Nôm được chỉ định lo sưu tầm tài liệu và phiên dịch; chừng mười năm sau, hai nhóm soạn giả gồm mười hai người bắt tay làm việc dưới sự hướng dẫn thường xuyên của hai học giả Đặng Thai Mai và Cao Xuân Huy; trong khi tám học giả khác lo góp ý, theo dõi, góp tài liệu, soát lại bản thảo v.v... Ở Miền Nam một mình Nguyễn Hiến Lê dịch bộ Chiến Tranh và Hòa Bình của L. Tolstoi; ở Miền Bắc dịch phẩm ấy được một ban phiên dịch bốn người thực hiện, trong đó có kẻ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, có người biết tiếng Hoa, tiếng Nga. Tập hợp một số người đông đảo để biên khảo dịch thuật tại Miền Nam thì tổn phí sẽ cao quá, sách đã khó bán mà phần tác quyền chia cho mỗi người sẽ chẳng được là bao. Trong khi ấy ở Miền Bắc mỗi một soạn giả mỗi tháng chỉ tốn của nhà nước mấy chục ký gạo, muốn bao nhiêu người có bấy nhiêu, và ai nấy làm việc tha hồ nhẩn nha trong tinh thần thi đua, không bị những bận tâm về lợi tức, về giá sách quấy rầy. Trong những điều kiện như thế, các bộ môn biên khảo và dịch thuật ở Miền Bắc có một số lợi thế. Tuy vậy các sự hạn chế kiểm soát gắt gao về quan điểm, về lập trường, không khỏi trở ngại công việc của người cầm bút có lương tâm, ảnh hưởng nặng nề đến giá trị tác phẩm. Còn về mặt sáng tác, cái giá mà các văn nghệ sĩ Miền Bắc phải trả cho khoản cấp dưỡng của nhà nước thật quá cao. Sáng tác càng cần một không khí tự do, chắc chắn cần hơn biên khảo và hiển nhiên là cần hơn dịch thuật. Vì vậy mặc dù được giải tỏa khỏi các lo lắng về sinh kế để dành trọn thì giờ cho trước tác, mặc dù được huấn luyện đi huấn luyện lại, được đưa vào thực tế để quan sát, tham dự các mặt sinh hoạt của xã hội, được thúc đẩy ráo riết, giới sáng tác Miền Bắc cũng không đạt được thành tích khả quan. Hiện tôi không có điều kiện để đọc đầy đủ sách Miền Bắc, vậy xin trích dẫn những nhận định của cố học giả Nguyễn Hiến Lê. Ông Nguyễn là một nhà văn độc lập không có thiên kiến chính trị, không từng cộng tác với một chính quyền nào hoặc Nam hoặc Bắc, ông đã ở lại Việt Nam sau 1975 cho đến ngày qua đời, ông lại là nhà văn từng quan tâm nghiên cứu và phê bình văn học, tác giả các cuốn Đại cương văn học sử Trung Quốc, Văn học Trung Quốc hiện đại, Hương sắc trong vườn văn, Luyện văn, Mười câu chuyện văn chương, các thiên tiểu luận Văn thể hùng vĩ, Quan niệm sáng tác của Edgar Poe, Bốn lối kết trong tiểu thuyết v.v...; ngoài ra ông còn dự tính biên soạn một bộ lịch sử văn học Việt Nam giữa hai cuộc thế chiến. Trong những năm sau 1975 ông đã bỏ ra nhiều thì giờ để đọc sách Miền Bắc, và ghi nhận xét của mình vào cuốn Đời viết văn của tôi (Văn Nghệ xuất bản tại Hoa Kỳ, 1986). Ông viết như sau: “Phần lớn thì giờ của tôi dùng để đọc sách báo Bắc Việt, tìm hiểu văn học ngoài đó, và xét chung, tôi thấy về sáng tác, Bắc không phong phú bằng Nam; về khảo cứu sử và cổ văn học của mình thì Bắc hơn Nam, nhưng trừ vài ba tác phẩm thực có giá trị như Chống Nguyên Mông của Hà Văn Tấn..., còn lại đều bình thường thôi; về dịch, Bắc cũng ít hơn Nam.” (sđd, trang 228) Đối chiếu với tiền chiến Nếu thử đối chiếu với thời kỳ văn học tiền chiến, từ thuở phôi thai của văn học quốc ngữ cho đến 1945, thì phải nhận rằng thời kỳ 54-75 không theo kịp sức phát triển nhanh chóng lạ thường của thời kỳ trước. Thực ra rồi sẽ khó lòng có thời kỳ văn học nào theo kịp thời tiền chiến về phương diện này. Từ lời văn mộc mạc của Trương Vĩnh Ký kể những câu chuyện đời xưa “lựa nhón” tới câu thơ trau luyện của Vũ Hoàng Chương, từ lời lẽ vụng về trên báo Nông Cổ Mín Đàm tới câu văn cao kỳ tinh diệu của Nguyễn Tuân trong Tùy bút, trong Chùa đàn , sự cách biệt thật là thăm thẳm. Chỉ trong vòng mười lăm năm mà từ những thiên truyện thô sơ của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn đến tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, từ bổn Tuồng Lôi Xích phải dịch giới thiệu để biết thế nào là kịch cho đến những vở Kim tiền của Vi Huyền Đắc, Ghen của Đoàn Phú Tứ v.v..., bộ môn nào cũng nhảy những bước nhảy vọt ngoạn mục. Riêng trong thi ca thì đã xảy ra cả một cuộc cách mạng. Những tài năng về văn thơ trưởng thành trong vòng thời gian ngắn ngủi ấy rồi tiếp tục chễm chệ trên các địa vị lãnh đạo Miền Bắc cho đến ngày nay, chưa có người kế vị: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân v.v... Mà không riêng gì trong phạm vi văn chương học thuật, ở các ngành nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc cũng thế. Từ chỗ khởi đầu, một nền hội họa mới, một nền tân nhạc được dựng lên, rồi phát triển thật nhanh đến chỗ cực thịnh với những tên tuổi còn sáng chói đến bây giờ. Thời tiền chiến ấy là thời Pháp thuộc, nhưng dĩ nhiên hiện tượng văn nghệ hưng thịnh kia không dính líu gì với chế độ chính trị. Đưa những lý do chính trị để cắt nghĩa sự thịnh phát nọ là ngớ ngẩn; mà phủ nhận nó, chủ trương che giấu, dè bĩu, chê bai nó vì lý do chính trị thì rõ là lố bịch. Tây thuộc địa không có công gì trong cuộc phát huy văn nghệ rực rỡ ấy, mà cách mạng vô sản cũng chẳng có gì để áy náy, ngượng ngùng, ganh tị trước thành quả của nó. Đây là một hiện tượng văn hóa, phát sinh do những nguyên nhân văn hóa: Cuộc tiếp xúc với Tây phương thay đổi xã hội chúng ta, thay đổi sâu xa nếp sống của chúng ta, ảnh hưởng đến quan niệm nhân sinh, đến lối cảm xúc suy tưởng của chúng ta, kích động mạnh vào tâm hồn chúng ta; mặt khác cuộc tiếp xúc với Tây phương mở ra trước mắt chúng ta một chân trời mới, kích thích óc sáng tạo nghệ thuật của chúng ta. Và chúng ta đã vùng lên đuổi theo trong vòng ba mươi năm tất cả chặng đường dài mà Tây phương đã đi trong ba thế kỷ. Những trường hợp như thế không phải mỗi lúc mỗi xảy ra. Thời kỳ 1954-75 không đi hia bảy dặm, nó có những đặc điểm khác. Sự phát triển văn nghệ theo chiều rộng trên đất nước chẳng hạn. Hồi tiền chiến, trong bộ Nhà văn hiện đại Vũ Ngọc Phan nói đến 78 vị, trong đó số người cầm bút quê quán từ 17 độ vĩ tuyến vào Nam chỉ được một phần mười. Một phần mười cho nửa nước, ít quá. Trong cái số ít ấy phần lớn là các vị học giả (như Trương Vĩnh Ký, Phan Khôi, Thiếu Sơn) và các nhà thơ (Đông Hồ, Quách Tấn v.v...). Chỉ có đôi ba vị sáng tác bằng tản văn là Hồ Biểu Chánh mà ông Vũ cho là viết truyện bình dân, và Thanh Tịnh với Nguyễn Vỹ vừa làm thơ vừa viết truyện, cả hai phía khá lu mờ. Sau 1954, số người ở Nam phần viết truyện cho quần chúng đông đảo như bà Tùng Long, Ngọc Linh... tăng nhiều, mà số tiểu thuyết gia viết cho hạng độc giả cao hơn cũng lắm: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Thụy Vũ, Hồ Hữu Tường, Trần Thị NgH... Ở Trung phần, nơi trước kia hầu như chỉ có thi nhân thì sau 1954 đã xuất hiện rất nhiều người viết truyện: Linh Bảo, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Túy Hồng, Minh Đức Hoài Trinh, Nhã Ca, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thị Hoàng v.v... (Còn thi sĩ, dĩ nhiên lúc nào cũng nhiều.) Nếu sự phát triển của văn chương ¾ nhất là ở nước ta ¾ từ trước đến giờ vẫn bắt đầu bằng vận văn trước rồi mới đến tản văn sau, thì chúng ta thấy trong thời kỳ 1954-75 phần đất phía Nam của đất nước đã tiến thêm một chặng quan trọng trên đường mở mang về văn hóa. Trên đây vừa nói thời kỳ này không đi hia bảy dặm, như thế không có nghĩa là nó không đi, không tiến. Không! chẳng những nó có đi, thực ra trên một vài địa hạt nó còn chạy, còn nhảy, nhảy vọt. Trên địa hạt tiểu thuyết chẳng hạn. Kiểm điểm tình hình tiểu thuyết, năm 1973 Cao Huy Khanh nêu lên vài sự kiện nổi bật: trong hơn 30 năm của thời tiền chiến (1913-1945) Vũ Ngọc Phan chỉ đưa ra được khoảng trên 30 tiểu thuyết gia, thế mà trong vòng không đầy 20 năm từ 1954 đến 1973 đã có xấp xỉ 200 tiểu thuyết gia, trong số đó trên dưới 60 người có giá trị hẳn hoi. Mặt khác theo lời ông Cao thì “tiểu thuyết chúng ta [1] có quá nhiều sắc thái, nhiều tính chất, nhiều đặc điểm khác biệt.”[2] Tiểu thuyết gia tăng lên gấp bội, bộ môn tiểu thuyết lại phong phú hơn về màu sắc dáng vẻ, thế thì sự tiến bộ thật hiển nhiên, rành rành. Đã vậy, thời kỳ 54-73 chỉ sử dụng tài năng của nửa nước, trong khoảng hai phần ba thời gian của thời tiền chiến mà thôi. Và cái nửa nước nói đây hồi tiền chiến chưa có tiểu thuyết gia! Từ một vị thế bất lợi như thế mà tiến xa đến chừng ấy, thời kỳ 54-73 quả đã gây nên thành tích đáng ngạc nhiên đấy chứ. Thế rồi giữa thời tiền chiến với thời kỳ này còn có chỗ nữa tưởng cũng nên chú ý. Số là viết về các nhà văn tiền chiến Vũ Ngọc Phan chia ra một lớp trước và một lớp sau; lớp trước gồm hầu hết là những nhà biên khảo (như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh v.v...) với những thi sĩ (Đông Hồ, Tản Đà...), còn lớp sau lại gần như chẳng có nhà biên khảo nào, chỉ có năm vị cùng chuyên về ngành lịch sử, viết loại lịch sử truyện ký, trong số đó đã có vài ba vị còn lẫn lộn truyện ký với tiểu thuyết. Lực lượng đông đảo nhất của lớp sau gồm các tiểu thuyết gia, mà tiểu thuyết vào lớp trước chẳng qua còn phôi thai. Sang thời kỳ 1954-75, chúng ta nhận thấy các bộ môn văn học phát triển khá đồng đều (ngoại trừ ngành phê bình văn học): số lượng tiểu thuyết gia không nhiều quá đáng mà số khảo luận gia thì tăng thêm rõ rệt. Bộ môn biên khảo lúc này không những chỉ thu hút thêm nhiều tài năng mà lại còn mở rộng phạm vi nghiên cứu. Như đã thấy, hồi tiền chiến lớp sau chỉ có dăm vị tìm tòi về sử, còn sau 1954 ngoài sử học còn có bao nhiêu khảo luận về triết lý, văn học, thẩm mỹ học, dân tộc học, ngữ học, địa chất học, về âm nhạc, hội họa v.v... Sự phát triển của bộ môn biên khảo trong thời kỳ 1954-75 một phần có lẽ do nơi sự phát triển của ngành đại học Việt Nam sau khi nước nhà thu hồi độc lập: với một số lượng giáo sư và sinh viên mỗi lúc mỗi đông đảo, nhu cầu tìm hiểu, trao đổi kiến thức chuyên môn tất nhiên phải lớn hơn trước. Phần khác, sự thiên lệch quá đáng trong buổi đầu và tình trạng quân bình về sau này giữa các bộ môn có lẽ cũng phản ảnh những bước tiến triển tự nhiên của nền văn học quốc ngữ: Văn học Việt Nam là một nền văn học cố cựu, nhưng sau cuộc tiếp xúc với văn hóa Tây phương nó lại bắt đầu một cuộc đổi mới, một cuộc phục hưng. Có những môn loại tàn đi, lại có những môn loại mới xuất hiện. Bước đầu không tránh khỏi những chênh lệch, ngập ngừng. Về phương diện này, sau 1954, chúng ta thấy sự phát triển đạt đến một tình trạng ổn định hơn trước. Đối chiếu với Miền Nam trước 1954 Cuối cùng, đem đối chiếu tình hình văn học ngay ở Miền Nam trước và sau 1954, lại thấy cả một thay đổi lớn lao. Thay đổi ấy trước hết là một sự lớn mạnh. Trước 1954 số văn nghệ sĩ tên tuổi ra mặt hoạt động ở Sài Gòn khá ít oi. Họ có mặt không hẳn là ít, nhưng hoạt động thì không đáng kể. Cũng như các chính khách có uy tín, họ ngần ngại, chờ đợi. Sau hiệp định Genève một mặt lớp văn nghệ sĩ “trùm chăn” tung ra hoạt động, một mặt hàng loạt văn nghệ sĩ từ Miền Bắc di cư vào, tất cả họp thành một số lượng đông đảo, làm cho văn đàn náo nhiệt hẳn lên. Nhưng cái thay đổi quan trọng không phải thuộc về số lượng: Chiều hướng tinh thần đồng thời cũng xoay chuyển hẳn. Trước 1954 sáng tác “trong thành” phản ảnh một tâm lý vọng về chiến khu, về phía Việt Minh. Sau 1954 cả một phong trào chống cộng bừng lên, lan tràn khắp mặt sách báo. Trước 1954 văn học “trong thành” phản ảnh một thái độ hoàn toàn thiếu tự tín: Không tin ở cái nơi mình chọn sống, không tin ở chế độ của mình, không tin rằng mình có một lẽ phải; sau 1954, văn học dõng dạc nói lên cái tâm trạng của một Miền Nam đầy tin tưởng ở lý tưởng tự do của mình. Dĩ nhiên về mặt thành tích thời kỳ sau 1954 cũng vượt bỏ rất xa thời kỳ trước đó. _________________________[1] Tức của thời kỳ 1954-73.
[2] Cao Huy Khanh, “Vấn đề khuynh hướng trong tiểu thuyết miền Nam từ 1954 đến 1973”, tạp chí Thời Tập số ra ngày 14-4-74 (tr. 44).