watch sexy videos at nza-vids!
Truyện VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN-Phần 7 - tác giả Võ Phiến Võ Phiến

Võ Phiến

Phần 7

Tác giả: Võ Phiến

Tính cách cực đoan CHẤN ĐỘNG TÌNH CẢM Ngược xuôi tìm kiếm, xao xác hơn bao giờ hết vì triết học; mà lại thất lạc, hoang mang, ngờ vực hơn bao giờ hết. Sinh hoạt tôn giáo dấy lên tràn lan, sôi động, dữ dội hơn bao giờ hết; mà con người lại thiếu tin tưởng, bơ vơ hơn bao giờ hết. Cái khủng hoảng tinh thần đã thế, đến như các chấn động tình cảm trong thời kỳ này cũng lại thật nặng nề. Trong Đêm nghe tiếng đại bác , có một lúc đang nói về những thanh thiếu niên phải đi lính đánh giặc Nhã Ca chợt kêu lên: “Quyên tuổi trẻ. Tuổi trẻ của máu me. Tuổi trẻ của bom đạn. Tuổi trẻ của tan nát.” Đến đây, bà giật mình, tự hỏi: “Ô hay. Tôi có đang lãng mạn quá không nhỉ.”[1] Có đấy. Nếu lãng mạn là không kiềm chế được tình cảm, là để nó tuôn tràn ra dạt dào trên giấy, thì bà đã lãng mạn quá rồi chứ còn gì nữa. Thế nhưng, sau đó, cuối sách bà lại tuôn ra luôn cả một mạch thế này: “Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tôi đang nghe. Tôi đang nghe đây. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Hãy gọi anh Phan về đêm nay cho mẹ tôi thấy. Hãy mang anh Nghĩa về đêm nay cho chị Phương tôi thấy. Hãy mang tất cả về đêm nay cho tôi thấy. Cho ba tôi thấy. Cho em Kim tôi thấy. Cho chị Hạnh thấy. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Gửi gì không. Có. Tôi có gửi. Cho tôi gửi ra những bông hồng. Những khăn tay, những bữa ăn, những gói thuốc lá. Hãy nhắn với họ. Với Đông, với Hoàng, với Mân, với Nghĩa. Với tất cả. Tôi gửi lời thăm. Thăm tất cả. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Còn gửi gì nữa không. Còn. Tôi còn gửi. Ngủ đi ba. Ngủ đi mẹ. Ngủ đi chị. Ngủ đi em. Ngủ đi tiếng đại bác. Đại bác. Ngủ đi. Ngủ đi. Tôi còn gửi. Để cho tôi gửi. Gửi cả tương lai tổ quốc ta theo đó.”[2] Thôi lần này thì bà “lãng mạn” quá cỡ mất. Nhưng lần này Nhã Ca không kịp thắc mắc về chuyện mình có lãng mạn hay không, bởi vì bà đứng trước một cảnh thương tâm quá đỗi lớn lao, bà bị xúc động quá mạnh: một gia đình đầm ấm tràn ngập yêu thương bỗng đón nhận một lúc hai cái tang, cả con trai lẫn con rể cùng chết trận. Một buổi tối cả nhà đang quây quần tíu tít với nhau thình lình một quân nhân gõ cửa bước vào, lúng túng với cái tin dữ mang theo, thế là sét nổ long trời lở đất xuống giữa bữa ăn của họ: bà mẹ ngã ra bất tỉnh, cô hôn thê chết lặng, rồi lát sau một thiếu phụ nữa lại lăn vào nhà tình nhân chết giấc... Trong hoàn cảnh ấy, tác giả - vốn cũng là đàn bà - biết làm gì khác hơn: bà bất giác la toáng lên inh ỏi. Phản ứng của Nhã Ca cũng là phản ứng của rất nhiều nhà văn khác trong thời kỳ này, cả nam lẫn nữ. Bà làm ta nghĩ đến một người con gái nết na có lúc chợt thiếp mắt, ngáy khe khẽ, giật mình thức giấc, bẻn lẻn, hỏi xung quanh: “Vừa rồi tôi có ngáy không nhỉ?” Một hôm kẻ cướp xông vào nhà, cả gia đình trải qua một phen thất điên bát đảo, tối đến ai nấy lăn quay ra ngủ, ngáy vang như sấm. Cô gái cũng ngáy bằng thích, và không buồn hỏi han ai nữa, hết cả thẹn thùng. Bấy giờ cả Miền Nam ai nấy đều “lãng mạn” cả. Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố dồn dập tuôn trào. Này là Phan Nhật Nam: “Lòng nóng như lửa, trí não nổ như dông, chân tay muốn chặt ném cho chó gặm, người như nướng trên giàn hỏa (...) Tôi không cần biết, chỉ xin nói một điều: Y chết lảng, chết thối, chết vô ích, vô tích sự, chết bẩn và chết ngu... Tôi không thể nén lòng được, tôi muốn thằng này phải chết năm lần, bảy lượt, chết tan xác, chết nhục nhã, chết ghê tởm (...) Gã trẻ tuổi ngu ngốc, đần độn không được quyền chết trên quê hương bi tráng này. Tao nguyền rủa mày trong suốt ngày dài điêu linh tàn khốc của đời sống Việt Nam.”[3] Vẫn Phan Nhật Nam: “Trong cơn say, nỗi buồn chín đỏ nằm riêng một góc linh hồn không tan biến.”[4] (...) “Một khoảng đời đã đổi, tôi thành kẻ lạ rồi... Một tên hung bạo, trí não căm hờn và thù hận. Tôi chết một phần người trong tôi.”[5] Không phải chỉ có cái chết mới dữ dội. Hạnh phúc lúc bấy giờ cũng trở nên ác liệt: “Tôi gặp cả vùng chân trời nằm gọn trong mắt chàng.”[6] “Và cứ thế chúng tôi chơi với nhau. Cho nhau những ngày tháng thênh thang hạnh phúc, đổ đầy đời nhau những tư tưởng nước chóng bốc hơi thành mây bay trên trời (...) Chúng tôi mở cho nhau những thế giới và chân trời mơ ước...”[7] Du Li viết như thế trong truyện Một tâm hồn sa mạc . “Tâm hồn sa mạc”, “tâm hồn sỏi đá”, con người thì ví với “loài dã thú”, “loài rong rêu”, “loài cỏ hoang”, có khi với “loài rau hoang dại” (Nguyễn Thị Thụy Vũ, Bách Khoa , số ra ngày 13-7-74), con người thường ôm “nỗi chết không rời”, “dựa lưng nỗi chết” v.v... Sáo ngữ của thời đại nghe thảm não, khốc liệt. Câu văn của thời đại nhiều khi nghe dồn dập, hổn hển, chát chúa, như tiếng rít lên, tiếng la hét, tiếng gào, tiếng chửi rủa. Cái vui, cái buồn, cái đau đớn, cái khoái trá, cái gì cũng được đưa tới chỗ cực đoan. Cách nói năng của thời này không giống chút nào với cách nói mực thước, khoan hòa trong văn chương cổ điển; thái độ người thời này không giống thái độ truyền thống: “Nao nao dòng nước uốn quanh, Nhịp cầu nho nhỏ cuối gành bắt ngang Sè sè nấm đất bên đường Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh .” Mồ hoang trong buổi chiều tà cũng không hẳn là cảnh buồn. Không có gì chịu buồn thực sự buồn, buồn đến nơi đến chốn. Cái gì cũng dìu dịu, thoang thoảng: sè sè, rầu rầu, nửa này nửa nọ... Những tiếng tĩnh từ kép làm cho nhẹ bớt ý nghĩa, nhẹ bớt cảm giác. Mà tĩnh từ kép lại là cái sở trường của ngôn ngữ dân tộc. Từ xưa đã thế, mãi cho tới gần đây ta vẫn thế. Vẫn chuyên trị về cái dìu dịu, êm êm, mơ mơ màng màng: “Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ Tìm thử chân mây khói tỏa mờ ”... (Thanh Tịnh) “Trước sân anh thơ thẩn Đăm đăm trông nhạn về Mây chiều còn phiêu bạt Lang thang trên đồi quê ”... (Hàn Mặc Tử) Thơ thẩn, lang thang, mây khói, rèm tơ, cuốn nhẹ, tỏa mờ v.v... Thơ như vậy, văn cũng vậy: Thế rồi một buổi chiều là một kiểu nhan đề, Nắng thu, Bướm trắng, Gió đầu mùa, Nắng mới, Hồn bướm mơ tiên v.v..., những nhan đề nữa. Làm sao dưới những nhan đề lành như thế mà lại có được chuyện hung dữ! Không có đâu. Dưới mái chùa nọ quả có xảy ra câu chuyện ngang trái đau lòng chẳng hạn, nhưng cái đau lòng ấy không hề làm cho người ta điên cuồng lồng lộn lên, chỉ thấy một nỗi buồn... man mác! “Lan liếc mắt ngắm phong cảnh quanh mình, lòng hoài nghi man mác đến cả cỏ, cây, mây, nước. Cúi nhìn dòng nước bạc lấp lánh dưới chân đồi quanh co uốn khúc, rì rì lướt giữa dọc cát vàng; trong cảnh êm đềm ấy, biết đâu không ẩn núp những loài rắn độc hại người.” Cuối Hồn bướm mơ tiên là: “Gió chiều hiu hiu... Lá rụng!” Và rồi cuối thời kỳ thơ mộng êm đềm ấy còn lại một người, một nhà văn nghiêm chỉnh, đàng hoàng, tao nhã. Nhà văn ấy - Nhất Linh - thong thả giảng giải về cách viết văn, cách viết thật sáng sủa, thật giản dị, thật tỉ mỉ chi tiết và hơi vui vẻ một chút. Lắm người chịu là đúng đắn hay ho rất mực, nhưng không mấy ai nghe theo. Ai nấy mãi lo văng tục, gào thét, mãi hục hặc với những cái hoặc cộc lốc, cụt lủn: Yêu, Loạn, Tiền, Con sâu ..., hoặc ghê rợn: Mùa hè đỏ lửa, Giải khăn sô cho Huế, Đêm nghe tiếng đại bác v.v... Từ thời Nhất Linh sang thời này, sự thể đổi khác hẳn. Thời sau này là thời của những xúc cảm mạnh. Thời của những cực đoan, của cái quá lố. Lấy con mắt bình thản của người tiền chiến mà nhìn thái độ lớp sau có thể thấy nó như lố lăng, như lập dị. Trong cái tâm trạng cuồng nộ của thời này mà đọc lại nghệ phẩm tiền chiến, thấy nó “trà dư tửu hậu” thế nào. Trở lại câu Nhất Linh nói với Nguyễn Vỹ: “Thế hệ trẻ ngày nay, họ không hiểu được tụi mình.” Quả có vậy. Già dễ dãi bình dân như Nguyễn Vỹ hay già tinh tế trí thức như Nhất Linh, họ đều có chỗ giống nhau và họ đều khác hẳn lớp trẻ. Khác như những tờ tạp chí Phổ Thông, Văn Hóa Ngày Nay đặt bên cạnh những tờ Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ, Thái Độ, Sáng Tạo, Hiện Đại v.v... Một bên ung dung giản dị, cười cợt, hoặc tủm tỉm hoặc hô hố tuệch toạc: Vậy đó là già. Một bên nhăn nhíu suy tư, kêu gào, quằn quại: thế lại là trẻ. Thời cuộc làm ra thế, khủng hoảng tin tưởng khiến nên thế, những chấn động tình cảm quá mạnh gây ra thế. _________________________[1] Nhã Ca, Ðêm nghe tiếng đại bác , Sống Mới tái bản tại Hoa Kỳ, trang 69.
[2] Như trên.
[3] Phan Nhật Nam, Dấu binh lửa , Tinh hoa miền Nam tái bản tại Hoa Kỳ, tr. 351, 352.
[4] Sđd, tr. 119
[5] Sđd, tr. 122.
[6] Tạp chí Bách Khoa số ra ngày 5-9-74.
[7] Như trên.
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN
Lời nói đầu
Khái quát
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16
Phần 17
Phần 18
Phần 19
Phần 20
Phần 21