Phần 14
Tác giả: Võ Phiến
Sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, Việt Nam tiếp tục tồn tại hơn mười năm trong những điều kiện khó khăn: tình hình chính trị lắm lúc rất bất ổn: kinh tế suy sụp, vật giá tăng cao; bất công xã hội thêm trầm trọng; chiến tranh mỗi ngày mỗi ác liệt, gây thiệt hại lớn lao, gây xao xuyến hoang mang trong dân chúng; quân đội Hoa Kỳ tham chiến đông đảo, làm đảo lộn nếp sống địa phương, làm tổn thương tự ái dân tộc v.v... Chính trị bất ổn Trước ngày chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Phật giáo đã thành một lực lượng mạnh mẽ. Sau ngày 1-11-63, phong trào Phật giáo càng có thế lớn, trở nên một áp lực trên chính quyền. Công giáo cũng cố gắng phát huy thế lực. Sự chia rẽ có lúc thật sâu xa. Chia rẽ chính trị, chia rẽ tôn giáo, sự hoạt động của cán bộ cộng sản xâm nhập trong cơ quan nhà nước, trong hàng ngũ sinh viên, trong các tổ chức quần chúng v.v... làm cho Miền Nam sống những ngày hết sức hỗn loạn. Các tướng tá đảo chánh, phản đảo chánh, chỉnh lý v.v... liên tiếp. Trong vòng hai năm, xảy ra mười ba cuộc chính biến. Hết Dương Văn Minh làm “cách mạng” đến Nguyễn Khánh chỉnh lý. Rồi Nguyễn Chánh Thi, Lâm Văn Phát, rồi Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Cao Kỳ v.v..., cứ cách dăm ba tuần, đôi ba tháng lại nghe rục rịch có chuyện khuynh đảo nhau: sư đoàn này kéo về Sài Gòn, đại đội nọ chiếm đài phát thanh. Các chính khách bấy lâu bất bình với chế độ Ngô Đình Diệm, hoặc vẫn ở trong nước hoặc từ nước ngoài về, lần lượt thay nhau lập chính phủ: Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Tôn Hoàn v.v... Chính phủ nào cũng “không đáp ứng được nguyện vọng người dân”, cũng bị công kích trên báo chí, đả đảo ngoài đường phố. Tình trạng ấy làm cho ở các đô thị lớn ai nấy luôn luôn thấp thỏm, bất an, gian thương thừa nước đục hoành hành, đến nỗi phải dựng pháp trường cát ở chợ Bến Thành để đối phó; ở thôn quê thì cộng sản thừa cơ hội xông lên; ấp chiến lược bị xóa bỏ, cán bộ cơ sở bị sát hại bỏ chạy lên quận lên tỉnh trốn tránh... Mãi đến tháng 2-1965, khi Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia được thành lập, tháng 4-65 khi hiến pháp mới ra đời khai sinh nền đệ nhị cộng hòa, tình hình mới êm thấm dần. Nguyễn Văn Thiệu ít ra đã ổn định được tình thế. Mặc dù vậy, mặc dù đảo chánh chỉnh lý có ngừng, những chuyện Phật giáo xuống đường, bày bàn thờ ra đường, sinh viên bãi khóa, không ngủ, đốt xe, phụ nữ đòi quyền sống v.v..., những chuyện như thế cứ tiếp tục đều đều cho đến ngày cộng sản vào kéo cờ trước dinh Độc Lập. Chiến tranh gia trọng Trước tình trạng rối loạn của Miền Nam, tất nhiên Hà Nội không thể cầm lòng được: họ gia tăng xâm nhập, gia tăng đánh phá, bất chấp sự đe dọa hăm he của Hoa Kỳ. Họ biết tâm lý của quần chúng Mỹ, của quần chúng các nước dân chủ Tây phương. Họ đã từng thắng Pháp tại Pháp, rồi họ cũng có thể thắng Mỹ ngay tại Mỹ, cứ kéo dài chiến cuộc làm cho dân Pháp dân Mỹ chán ngán, phản chiến nổi lên, chính giới lục đục, quốc hội bị áp lực của dư luận cắt ngân sách, đòi rút quân, thế là xong. Về phía cộng sản, trong nước họ không có dư luận, quốc hội của họ không quan tâm đến ý dân, giới lãnh đạo của họ được hoàn toàn tự do quyết định. Vì thế họ không ngại leo thang chiến cuộc, bất cứ leo tới đâu. Tháng 8-64, sau vụ tàu Maddox bị tấn công, Mỹ oanh tạc Miền Bắc, trực tiếp nhảy vào vòng chiến. Sau đó Miền Bắc đánh vào các trại cố vấn, các cư xá sĩ quan Mỹ; tháng 3-65, thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu đổ bộ lên Đà Nẵng; sự tham dự tiến thêm một bước nữa. Miền Bắc lại đưa sư đoàn 325, đưa quân đội chính qui vào Nam; Mỹ gia tăng quân số, gia tăng oanh tạc: năm 1966 lính Mỹ ở Miền Nam lên đến 400.000, phi cơ Mỹ thả bom cả các kho dầu tại Hải Phòng, Hà Nội... Sang năm 1967, quân số Mỹ tại Miền Nam lên đến hơn 670 nghìn. Đầu năm 1968 Miền Bắc mở cuộc tấn công nhân dịp tết, hi sinh ngót nửa quân số, đánh khắp các tỉnh lỵ và thành phố lớn để gây tiếng vang đến tận Mỹ. Sau vụ tết Mậu Thân, lại một vụ Mùa Hè Đỏ Lửa, quân Miền Bắc vượt giới tuyến tràn vào, đổ từ mật khu bên Miên sang Bình Long, An Lộc... Mặc dù cho đến trước mùa xuân 1975, trước khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi, Miền Nam đã bẻ gãy được mọi cuộc tấn công của Miền Bắc với sự tổn thất thấp hơn tổn thất của đối phương rất nhiều, mặc dù vậy trải qua những chiến trận bạo tàn, Miền Nam — nhất là ở miền quê — thật đã điêu linh. Cảnh tàn phá, chết chóc phơi bày khắp nơi. Kinh tế suy sụp Dù được Mỹ viện trợ, Miền Nam cũng lâm cảnh túng thiếu: không thể nào không túng thiếu khi bị kẹt vào một cuộc chiến tranh dằng dai và qui mô như thế. Năm 1970, trong số công chi của chính phủ 197 tỷ bạc thì đã có 164 tỷ dành cho quốc phòng. Năm 1972 trong số công chi 360 tỷ, thì 270 tỷ cho quốc phòng. Ngoài ra, còn bao nhiêu là ruộng đất bỏ hoang ở những vùng mất an ninh, bao nhiêu là miệng ăn phải nuôi, là gia đình phải săn sóc, cấp chỗ tạm trú, vì bỏ xóm làng ra đi lánh cư trốn cộng sản v.v... Vào Mùa Hè Đỏ Lửa, Dương Nghiễm Mậu gặp đại tá Hòa, tỉnh trưởng Quảng Trị, đang loanh quanh giữa các lều trại tị nạn Hòa Khánh gần Đà Nẵng. Ông đại tá buồn rầu kể với nhà văn: dân số Quảng Trị hơn ba trăm ngàn, bị kẹt lại chừng năm chục ngàn. Hai trăm năm chục ngàn trôi giạt đâu đó từ Thừa Thiên trở vào, phần lớn tự phó thác vào sự trợ cấp của chính phủ.[1] Ở nông thôn, tiếp tục chính sách cải cách điền địa của đệ nhất cộng hòa, năm 1970 chính phủ Nguyễn Văn Thiệu lại ban hành sắc luật số 3 về chương trình Người Cày Có Ruộng. Muộn quá rồi: Nông thôn bấy giờ đã trống rỗng không phải vì bất công mà là vì tình hình an ninh sa sút, chẳng còn được mấy nông dân để ta “tranh thủ” nữa. Duy nơi nào có an ninh thì đời sống nông dân khác hẳn ra, nhờ sử dụng các nông cụ cơ giới sản xuất ngay tại trong nước: ở một tỉnh An Giang đã dùng 25.000 máy cày, có thứ lớn đến 80 mã lực. Máy bơm nước vào ruộng thì phổ biến khắp nơi. Ở thành thị, vì nhà nước chi nhiều thu ít nên phần thì in ra nhiều bạc phần phát hành thêm công khố phiếu mãi, khiến đồng bạc mất giá rất nhanh (trung bình mỗi năm 30%): Quân nhân và công chức, những thành phần chủ yếu của bộ máy nhà nước, bị khốn đốn vì đồng lương cố định. Chính quyền cố gắng giải quyết tình thế: tháng 3-1971, bộ Kinh tế thi hành 7 biện pháp cấp thời, tháng 11-1971 lại tung ra 9 biện pháp nữa. Những biện pháp “cách mạng kinh tế” mùa xuân và mùa thu năm 1971 nhằm tăng thu cho ngân sách và tăng lương bổng cho quân nhân công chức. Hậu quả trái với ước định: sau đó vật giá càng tăng vụt lên, đời sống càng khó khăn. Vào những năm cuối cùng của chế độ, người ta kể nhiều mẩu chuyện bi đát. Có những thầy giáo ngoài giờ dạy ở trường về lại phải làm các nghề phụ: đi kèm trẻ, lái xe ôm, đạp xe ba gác, phụ thợ hồ; có những đám vợ con của lính nheo nhóc thảm thương trong khi chồng đi trận v.v... Tuy vậy không phải không có những ngành hoạt động kinh tế phát triển khả quan: ngư nghiệp, chăn nuôi chẳng hạn. Về ngư nghiệp, tổng số tàu đánh cá tăng từ 53.000 tấn trong năm 1963 lên 81.000 tấn vào năm 1970, nhiều kho cá đông lạnh được xây dựng ở các ngư cảng Sài Gòn, Hà Tiên, Bình Thuận v.v...; kỹ nghệ làm cá tôm đông lạnh để xuất cảng được phát triển nhanh. Về chăn nuôi, vào những năm sau 1970, thực phẩm cho gia súc được nhập cảng nhiều để khuyến khích nuôi gia súc, cho nên dân chúng các đô thị đã đủ thịt ăn, không phải nhập cảng thịt đông lạnh như trước. Chiến tranh làm ngưng mọi đầu tư kinh doanh. Dù sắc luật 004/72 của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thêm nhiều dễ dãi cho các nhà tư bản ngoại quốc để khuyến khích họ bỏ vốn vào Việt Nam, nhưng rất ít người hưởng ứng. Thậm chí các nhà tư bản trong nước cũng chẳng mấy ai sốt sắng bỏ tiền ra kinh doanh: họ ngại ngùng, chỉ lo tìm cách chuyển tiền ra ngoại quốc, hay ít ra cũng giữ tiền lại trong ngân hàng để kiếm lời một cách chắc chắn. Xã hội sa đọa Mặt khác chiến tranh tạo ra tình trạng rối ren hỗn loạn ở nhiều nơi, tình trạng thuận lợi cho sự hoành hành nhũng lạm của các cấp hành chánh, quân sự: nào hối lộ, buôn lậu, nào lính ma lính kiểng, chợ đen chợ đỏ v.v... Chính phủ mãi lo đối phó với những tấn công liên tiếp, những quấy phá liên miên của cộng sản, không còn đâu đủ thì giờ, đủ người để giải quyết các tệ nạn kia. Sự bất mãn của dân chúng mỗi lúc mỗi trầm trọng. Sự hiện diện của người Mỹ Một yếu tố quan trọng khác trong tình hình Miền Nam ở giai đoạn này là sự hiện diện của người Mỹ. Quân đội Mỹ chiến đấu trên nước ta lúc đã quá nửa triệu người; ngoài ra lại còn những nhân viên ngoại giao, kinh tế, những nhà thầu xây cất, làm đường sá cầu cống... Người Mỹ đem theo tiền Mỹ, lối sống Mỹ, văn hóa phẩm Mỹ v.v... đó là đầu mối cho nhiều thay đổi sâu xa trong xã hội Miền Nam. Hàng năm người Mỹ chi tiêu ở Việt Nam hàng trăm tỉ mỹ kim (chẳng hạn năm 1966 là 74 tỉ, năm 1967 là 90 tỉ v.v...), gồm tiền ăn xài của quân nhân, tiền chi phí lương bổng của các hãng thầu v.v... Một đồng mỹ kim đã có lúc ăn đến 4,5 trăm bạc Việt Nam. Thành thử những người làm việc cho Mỹ, giao dịch với Mỹ, kinh doanh liên quan với Mỹ được hưởng những khoản lương, khoản thu quá lớn, so với các thành phần khác trong xã hội ta. Mức chênh lệch quá đáng ấy làm rộng thêm sự cách biệt giai cấp, làm chua chát thêm lòng người, kích thích thêm óc bài ngoại của đồng bào ta. Nếp sống của đám quân nhân Mỹ, xa nhà và dư dật, lại làm phát triển những tổ chức ăn chơi: phong trà ca nhạc, đĩ điếm, gái nhảy..., làm lan tràn nạn hút xách, cao-bồi v.v... Và dĩ nhiên người Mỹ phải xem sách Mỹ, nghe nhạc Mỹ: sự phổ biến mạnh mẽ các sản phẩm văn hóa ấy khiến người Việt Nam nghĩ đến một sức uy hiếp, lo ngại một hiện tượng vong bản. Vai trò của Phật giáo Trong giai đoạn sau 1963, một sự kiện nữa cũng không thể bỏ qua: là vai trò của Phật giáo bỗng nổi bật hẳn lên trong đời sống của xã hội Miền Nam. Chế độ đệ nhất cộng hòa có thi hành giáo trị hay không giáo trị, điều ấy hãy để sang một bên. Chỉ biết dưới chế độ ấy Công giáo là một thế lực bên cạnh chính quyền và Công giáo phát triển mạnh: số người theo Công giáo tăng nhanh; số người dựa vào Công giáo để xuất hiện, để thành công, cũng lắm; các cơ sở văn hóa (trường học, báo chí...) của Công giáo phát triển rộng; nhiều học giả văn nhân phát huy tư tưởng Công giáo và gây ảnh hưởng đáng kể... Sự thể khác hẳn sau 1963. Lúc bấy giờ Phật giáo vượt lên thành một thế lực quần chúng, một thế lực chính trị, và một thế lực văn hóa mạnh mẽ. Thế lực Phật giáo có lúc được phát huy một cách ồn ào, dữ dội, phát huy trong náo loạn kinh động. Chùa chiền mọc thêm khắp nơi; chính khách lui tới thiền môn dập dìu; biểu tình, tuyệt thực... diễn ra đều đều. Một câu tục ngữ chua chát độ ấy xếp các sư lên hàng thứ nhì và các tướng lãnh xuống mãi hàng thứ tư trong bảng xếp hạng bốn nhân vật của thời thế. Những khía cạnh tích cực của phong trào Phật giáo cũng nhiều: hiếm có thời nào ở ta sự tìm hiểu về cái hay cái đẹp của Phật giáo được tiến hành nhiệt thành như lúc này. _________________________[1] Dương Nghiễm Mậu, ‘Quảng Trị, đất đợi về’, trong tập Những ngày dài trên quê hương , tủ sách Văn Nghệ Dân Tộc xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 18.