Chiều tà
Tác giả: Võ Thị Xuân Hà
Buổi chiều hôm đó, anh rủ tôi chạy ra bờ sông Hồng. Tôi mang một cái áo dài màu vàng, một đôi giày cao gót cũng màu vàng nâu.
Bờ sông mùa này nước cạn. Người đi trên cầu chỉ nhìn thấy những túi nilông rác lập lờ trôi trên màu nước đục đục hồng hồng. Người dưới chân cầu mải mê với những toan tính, lại thấy nước có màu vàng lợ.
Chúng tôi định chụp một anbum ảnh thật khác xa với trí tưởng tượng của những tay nhiếp ảnh gia quê mùa lang thang khắp xó xỉnh khắp mọi nẻo đường. Anh nói tôi có màu mùi vị của một sự sống ngoài hành tinh. Và tất cả mọi người đều muốn hình dung cái màu mùi vị của kẻ ngoài hành tinh ấy qua gương mặt dáng hình tôi.
Chúng tôi đã từng chụp khá nhiều ảnh trên thành cầu Long Biên. Nhiều người cũng thích đi trên những thanh sắt gỉ ngoèn để lấy cảm giác của loài báo. Phía dưới là dòng nước đục ngầu cuồn cuộn. Phía trên, những thanh cầu trải qua bao thập niên, qua bao nắng mưa gió táp, dường như sẵn sàng sụp xuống. Và khi đó con người ta sẽ bay xuống dòng sông bằng đôi cánh có đuôi được đính bằng những hạt cườm.
Tôi thường nhìn xuống dòng nước từ phía trên cao, dưới những khe hở hoác của đường ray. Anh đưa tay cho tôi vịn. Và giữa những lúc đó cố chớp lấy những khoảng hở hoác dưới chân tôi.
Đôi khi một đám thanh niên đi qua và buông những câu đường phố được môđiphê bằng những thanh âm của tài mà, của lắc và những con bài: “Cô em này của nả chẳng giấu được…”. “Đố mày tán được con kia, cánh ta cùng thử một đêm…”.
Tôi chui vào một bụi cây lúp xúp bên sông để thay áo dài. Gần đó là bến tắm của những kẻ ngông cuồng phóng túng, nơi họ tha hồ thả mình trong dòng nước đục, không cần biết thời gian trôi đi đã mấy mươi niên, không cần biết nước sông cũng đôi khi cần lặng lẽ.
Những người đàn ông trẻ đang hụp lặn trơn truội, nhìn thấy tà áo dài thấp thoáng trong bụi gai bèn gọi: “Này em ơi…”… “Xuống đây tắm, nước sông mát lạnh và rất nhiều loài mang nhiễm sắc đực”… “Xuống đây, xuống đây”… “Mặc cái thằng cha căng chú kiết nào đó đi cùng em. Hắn ta có to bằng của anh không…?”…
Anh cau mày. Tôi thường không thích sự nóng nảy của anh. Mỗi khi anh nóng nảy một việc gì đó, tôi vẫn hay gây sự để át đi, và để anh nhớ rằng chớ nên nóng nảy làm gì. Nhưng thường anh không hiểu điều đó, và chúng tôi lại cãi nhau.
Anh lần này không thấy có biểu hiện gì hơn một cái cau mày. Anh bảo:
- Em hãy tung cái tà áo chết tiệt ấy lên. Cho chúng nó nhìn một thể. Mặc nước sông với cát ướt.
Tôi bảo:
- Cái áo này em may hết cả triệu bạc.
Anh kiên nhẫn:
- Em cứ hình dung đó là một cái áo chết tiệt. Chính vì nó mà em giống với những cô gái khác. Nó làm em lệ thuộc vào dáng vẻ do nó tạo ra, với hàng loạt những thứ công dung ngôn hạnh trói buộc mẹ anh, bà anh, trói buộc đời đời kiếp kiếp những người đàn bà xứ Việt, trong đó có mẹ em, bà em, giờ là em. Em hãy ném cái dáng vẻ ấy đi và đi lại về phía anh. Hãy đi những bước chân tự do trên bờ sông này.
Tôi theo lời người đàn ông đang dẫn dụ tôi, bước tới. Tôi bước những bước chân hình sin. Tôi ngẩng đầu lên, thật kiêu kỳ, hé nhìn bầu trời xanh cao lộng lẫy vào thời khắc đất trời sắp chuyển sang màu hoàng hôn tim tím. Vài giây đầu tiên tôi nhìn thấy người đàn ông đang giơ máy một cách căng thẳng. Trán và tóc anh lấm tấm những hạt mồ hôi nhỏ xíu. Rồi tôi thấy niềm hứng khởi đàn ông bừng toả như đám sương mù bao chụp lấy những cành cây khẳng khiu, những nhánh cỏ nhỏ nhoi rạp mình dưới mặt đất. Tôi nhìn thấy hình ảnh mình giống như những nhánh cỏ nhỏ nhoi kia, đang cố vươn lên, cố tạo nên một cảm giác yên bình không hình thù.
Tôi cảm thấy sợ hãi chính mình. Bước chân hình sin không hướng được đến miền đất tự do.
Đúng lúc đó tôi nghe thấy tiếng máy bấm xoẹt. Người đàn ông mà tôi vẫn cùng ôm ấp cười hỉ hả:
- Anh chắc chắn những bức ảnh này sẽ cho chúng ta môt cuộc triển lãm tuyệt vời em ạ. Em thật thông minh và thật tuyệt.
Bỗng nhiên tôi thấy bực bội. Cơn nóng bùng phát bất ngờ:
- Anh đừng ban phát cho em cái gì nữa nhé.
Khi chúng tôi ngồi bên bờ sông ngắm dòng nước trôi qua vào mùa cạn, anh khẽ hỏi tôi:
- Điều gì khiến em muốn chia tay? Chúng ta đã có những sự hợp tác thật tuyệt vời. Triển lãm đã rất thành công. Anh lại đang chờ hôm nào rảnh sẽ đưa em về giới thiệu với bố mẹ. Anh vẫn kể với họ về em.
Tôi cười:
- Anh có nhớ cái lần anh nói với em về tà áo dài của đời đời kiếp kiếp những cô gái Việt? Anh có còn nhớ cái buổi chiều hôm đó, một lũ đàn ông cười hô hố rủ em nhảy xuống sông? Anh còn nhớ anh bảo em hãy bước đi tự do, thật tự do, theo cách của mình?
Anh gật:
- Anh nhớ.
- Trong lúc em bước đi, em thấy trong em diễn ra những điều thật kỳ lạ. Em thấy em được hạnh phúc trong cái cổ áo cứng nhắc, trong những cái ly chiết eo. Em thấy dòng nước phóng túng chứ không thanh sạch như mọi người thường ví von. Em thấy sự đáng yêu của những lời mời gọi khả ố vang lên dưới lòng sông. Em thấy em thích họ hơn anh. Họ tự do hơn anh. Họ không bị phụ thuộc, không bị những tư tưởng quái dị vây bủa, co ép. Họ sống giản dị, không phức tạp như anh. Em gần với họ hơn…
Anh nắm lấy tay tôi, cố ủ nó trong lòng tay to xù của anh:
- Em thật lãng mạn quá chừng, cô bé. Em đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Em cứ sống như em muốn. Khi nào em thấy mệt mỏi, hãy gọi cho anh. Nhớ nhé, hãy cứ gọi cho anh…
Hôm cưới tôi, chồng tôi giật phăng cái tà áo dài màu hồng đào. Anh ta gào lên:
- Biết ngay mà. Đám bạn tao bảo phải xem mày trinh trắng bao nhiêu phần, nhưng tao lại tin cái vẻ thanh tao, vẻ khác người, vẻ học thức của mày… Tao tin cái tà áo màu vàng tao nhìn thấy bên bờ sông năm ấy. Tao khi ấy đang vục dưới nước. Cuộc đời trai trẻ của tao cho đến khi nhìn thấy cái tà áo cứ vống lên của mày, chưa bao giờ cái của tao cũng vống lên như thế. Mày có biết tao đã phải đi thử biết bao nhiêu phen với lũ gái điếm không? Tao tốn cơ man tiền, nhưng lũ chó chết ấy chỉ được mỗi cái trò vặt tiền là nhanh, đứa nào cũng ra sức nâng, véo, ra sức nịnh nọt, dùng mọi cách lũ chúng nghĩ ra được để tao vui. Nhưng tao vẫn không sao cất lên được. Cái chiều hôm ấy… chiều hôm ấy…
Tôi cười nhạt, bảo chồng:
- Anh cứ coi như tôi còn trinh trắng. Ít nhất tôi chưa từng chơi trai như anh chơi gái…
Tôi cởi cái áo dài cưới:
- Nhưng tôi đã từng có một người. Nếu tôi không chán anh ta, chắc không lấy anh.
Chồng tôi há hốc mồm:
- Cô dám…
- Tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ vợ. Không léng phéng với thằng nào ngoài anh. Nhưng anh không thể cấm tôi nghĩ đến người ta. Trong đầu tôi chẳng hạn diễn ra ý nghĩ: không biết giờ này anh ta đang lang thang phiêu bạt phương nào? Ai nấu cơm cho anh ấy ăn? Ai giặt áo cho anh ấy? Anh ấy thật sự còn sống hay đã chết? Tất cả, tôi có thể nghĩ và những ý nghĩ ấy của tôi sẽ cho tôi một cuộc sống chung thuỷ với anh.
Những chiếc nút áo đã tuột xuống khỏi vai, mảnh lụa hồng đào chưa rời thân thể tôi, nhưng tôi đã bị phơi bày.
Tôi chạy ra bờ sông. Tiếng chồng tôi loang khắp mặt sông:
- Được đấy, con điếm… Mày sẽ có tự do của mày…
Những vồng cát đã bắt đầu ngấm nước sông. Nước đang dâng từ từ. Nước về từ phía thượng nguồn.
Tôi không màu không mùi không vị. Tôi đứng nhìn dòng nước sông Hồng đang trôi mải miết.
Tôi không bao giờ gọi anh. Bởi tôi không hề nhớ anh. Tôi chỉ thấy anh luôn bên mình. Cả trong những giấc mơ ngọt ngào hay nặng nề.
Tôi đứng bên bờ sông bây giờ đã có nhiều bãi tắm thiên. Những cụ già tóc bạc phơ cũng trầm mình dưới nước như cánh trai trẻ. Thậm chí họ đi cả tốp cùng những cô gái chân dài.
Thi thoảng tôi nhìn thấy một tay nhiếp ảnh lang thang bên mép nước.
Tôi bảo:
- Tôi có thể làm người mẫu cho anh chụp vài bức.
Anh ta giơ máy ảnh lên. Máy ảnh loang loáng ánh chớp rẹt qua thái dương, qua chỏm tóc tôi, thậm chí đôi lúc rẹt qua bộ ngực nóng rãy và phóng túng đang muốn cởi bung ra. Nhưng tôi không nhìn thấy bức ảnh nào sau đó được công bố.
Tất cả chìm trong quên lãng và nhạt thếch.
Tôi ngồi bất động bên mép nước.
Rồi có một cụ già đến ngồi cùng tôi:
- Con ạ, ngày xưa lão là một tay nhiếp ảnh nghèo. Ngày ấy có một cô gái. Cô ấy ví như người của hành tinh khác, không màu không mùi không vị… Nhưng cái không màu không mùi không vị ấy ngấm sâu trong tim khiến ta không thể nào tẩy rửa, khiến ngày ngày tim ta nhức buốt.
Tôi thảng thốt nhìn cụ già:
- Rồi sau ra sao hở ông?
- Ta để mất cô ấy bên bờ sông này, vì một đám trai trẻ khác. Chúng táo tợn hơn ta. Còn ta thì cứ mải thuyết giảng.
- Giờ bà ấy đâu?
- Ta nghĩ hoặc bà ấy đã chết, hoặc bà ấy vẫn ngày ngày ra bờ sông này, nhưng chúng ta không bao giờ gặp được nhau nữa.
- Sao ông không thử đi tìm bà ấy?
Ông già bật cười:
- Ta sợ cô bé ạ.
- Ông sợ gì vậy?
- Sợ sự già nua. Nhưng sợ nhất là sự lãng xẹt…
- Lãng xẹt?
- Đúng vậy, lãng xẹt.
Ông già đứng dậy:
- Hãy cứ mơ mộng đi, cô gái ạ. Nhìn cô, ta lại thấy giống như chúng ta ngày nào, nhỏ bé yếu ớt dưới bầu trời hoàng hôn bên con sông này. Giống như bà ấy ngày xưa… Cứ mơ mộng và nhớ nhung đi. Nhưng khi nằm trên giường cùng chồng thì hãy mạnh như loài báo. Nhớ nhé. Phải mạnh như loài báo, ở thế phản công. Đàn ông thường quên ngay những bi kịch và sẵn sàng hợp tác…
Tôi nhìn xuống những hạt nước đang trôi đi. Dường như tôi đã sống bên bờ sông này hàng bao nhiêu kiếp, mà sông vẫn vậy. Lúc nào cũng mang màu hồng phù sa và trôi lững lờ như trêu ngươi, như thách đố.
Trong bụng tôi, đứa con đang quẫy đạp mạnh mẽ. Đứa con này dường như tôi đã mang nó trong mình cả kiếp luân hồi.
31.1.2010