Đêm nhiệt đới
Tác giả: Võ Thị Xuân Hà
Cọp chết để da - đàn bà chết để hương
Người đàn bà dọn đến khu tập thể của chúng tôi vào một buổi chiều. Chị từ chiếc tắc xi cũ bước xuống, ngỡ ngàng nhìn khắp các tầng nhà. Chỗ chúng tôi là một khu chung cư xoàng xĩnh. Vào mùa mưa, những cư dân ở đây phải lội bì bõm qua những vũng nước lềnh bềnh rác rưởi và xác chuột để về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Nhưng nước dùng thì chiều nào cũng thiếu. Mỗi chiều chúng tôi chờ hứng nước ở cái vòi công cộng. Cái vòi nước này mới được làm lại sau một thời gian dài để không. Nước không đủ để bơm lên tầng cao nên mọi người đành chung nhau cái vòi nước ở đầu cầu thang. Thật khó mà tả được cái thứ nước tuy có mùi khử trùng nhưng lại chui qua những đường ống gỉ ngoèn chôn dưới lớp đất lầy nước mưa không có cống thoát. Tuy nhiên rau vẫn được rửa sạch, các món ăn phong phú vùng nhiệt đới vẫn được bày ra vào giờ ăn tối trong các gia đình, với những ngón tay sạch sẽ bày biện chế biến. Xong bữa tối, mọi người co chân lên giường, xem ti vi, đọc báo, tán gẫu và đánh bài. Dĩ nhiên trẻ con phải học.
Cánh đàn ông có chiếc điếu cày, chia nhau rít sòng sọc, rồi dán mắt vào những trận bóng đá triền miên ở cả mấy kênh truyền hình, la hét ầm ĩ.
Chị khá đẹp, nhưng âm thầm và xanh xao, khép kín mọi sinh hoạt riêng tư. Chính vì vậy càng thu hút sự chú ý của nhiều người trong khu, nhất là lũ trẻ khi gặp chị ở cầu thang. Ngay cả tôi, cũng thường ngắm chị qua ô cửa nhà mình.
Thỉnh thoảng trong căn phòng nhỏ của người đàn bà lọt ra tiếng nhạc rất nhẹ. Khi đêm xuống, cả tiếng nhạc cùng luồng ánh sáng hoà với tiếng gió mơ hồ phiêu du trên những cành hoa sữa dưới sân khu tập thể.
Buổi sáng nào tôi cũng dậy thật sớm để chạy bộ. Tôi thường chạy dọc theo con đường ngang qua cửa bệnh viện. Chạy một lúc nữa thì qua cửa nhà xác. Ngay trước cửa nhà xác, phía bên kia đường, là một dãy nhà ở chen chúc phủ đầy rêu phong. Nhà nào cũng bày bán những thứ dành cho người chết. Mỗi khi có người đi từ đêm trước, buổi sáng sớm cửa nhà xác mở toang, trắng loá khăn tang và những ngọn nến lập lòa. Cửa các nhà đối diện cũng mở toang với hương hoa và khúc vải liệm chào mời. Sống chết nhờ vả nhau. Tiếng nức nở lọt ra ngoài, theo gió đọng lại khắp nơi: bãi đá bóng, những chiếc ghế đá, những cành sấu, bằng lăng, hoa sữa…
Và một trong những buổi sáng như vậy, tôi nhìn thấy chị ngồi trên chiếc ghế đá bên cái cây hoa sữa khẳng khiu sát đường. Cây hoa sữa này có rất nhiều hoa. Sáng sớm khi sương chưa tan, hương hoa sữa ngọt ngào đặc kín trong lớp sương mù, dường như được ướp từ đêm hôm trước.
Chị ngồi trên chiếc ghế đá, im lặng. Tôi chạy vụt qua, nghĩ: chị là ai? Có phải là loại đàn bà nhạt nhoà và mông muội như bao người đàn bà khác, và rồi rơi xuống, cô đơn, sợ hãi?
Tôi đi chậm lại. Mồ hôi nhỏ xuống bãi cỏ còn đẫm sương. Qua đêm, trên cành hoa sữa khẳng khiu, gió đã cuốn đi thêm vài chiếc lá, lộ ra những dòng chữ ai đó đã khắc thật mạnh tay làm dòng nhựa trào ra đỏ bầm. Người khắc cố tình đánh dấu một kỷ niệm hay một nỗi đau? Cũng có thể chẳng đánh dấu điều gì mà chỉ là hành động mạt hạng của những kẻ ăn đêm, nghiện hút và vô tích sự. Tiếng nức nở oà ra rất nhẹ từ phía căn nhà người chết, quyện với hương hoa và cái giá lạnh buổi sớm cuối xuân như muốn nhấc tôi lên khỏi mặt đất đầy vỏ bao và ống kim tiêm. Tiếng nhạc của cõi sống dập dồn:
“Thì thôi đừng khóc nữa. Ngoài kia hoa khép cánh rồi. Những giọt sương rơi nhè nhẹ. Chỉ dám chạm vào hoa thôi…”.
Tôi ngồi xuống cỏ và thở. Từ xa một người đàn ông đi xe máy tới, dừng đột ngột cạnh người đàn bà. Chị khẽ nghiêng người nói điều gì đó, rồi ngồi trên chiếc xe, tay bám nhẹ vào lưng người đàn ông, chiếc xe vù đi.
Tôi nhìn theo họ tò mò. Lúc ấy nom người đàn bà trẻ trung như một thiếu nữ. Những tia nắng mặt trời hé ra vàng rực. Mái tóc và gương mặt của cả hai người như được ánh sáng thiên thần bao bọc.
Hàng chiều những ngày sau đó tôi vẫn ngắm chị qua ô cửa. Chị vẫn đi lại lặng lẽ một mình. ở tuổi chị, người ta đã có thể có con đi học. Nhưng người đàn bà này hầu như không có quan hệ bạn bè thân thuộc với ai, ngoài lần duy nhất tôi nhìn thấy chị với người đàn ông còn rất trẻ kia.
Giữa hai hiệp trong một trận đấu bóng sôi nổi của giải bóng đá sinh viên phát trực tiếp trên truyền hình , Céline Dion xuất hiện với bài My heart will go on, nhạc phẩm được chào đón trên toàn cầu. Ở khu chung cư này, nó còn được chào đón trong tiếng rít thuốc lào sòng sọc và những câu chửi thề, những câu chuyện về bọn đi rạch mặt trẻ em.
- Phải tử hình chúng nó!
- Céline Dion đang ở đoạn cao trào. You’re here, there’s nothing I fear. And I know that my heart will go on. We’ll stay forever this way…
Gương mặt một vị sư già xuất hiện, cắt ngang trào âm.
- A di đà phật! Quý vị cho nhà chùa hỏi thăm gia chủ phòng 101.
Tôi biết vị sư già này. Đó là sư ông ở chùa Minh Khánh, một ngôi chùa nhỏ gần nhánh sông Hồng. Sư ông nổi tiếng là bậc cao tăng, với kiến thức nhà Phật uyên thâm. Những buổi sáng tụng kinh gõ mõ, cúng cầu an, tế lễ… do sư ông chủ trì thường rất đông phật tử chúng sinh.
Không ngờ ông lại xuất hiện ở cái khu nhộn nhạo này, lại tìm đúng Giang, tên người hàng xóm lặng lẽ của chúng tôi. Trận đấu lại được tiếp tục, tôi ngồi lẫn với những đứa con trai, cổ vũ cho dân đánh quần đùi vàng.
Dĩ nhiên chúng tôi tò mò về cuộc viếng thăm của sư ông Nghĩa. Ông gõ cửa vào nhà 101 chỉ vài phút, rồi trở ra. Chị Giang tiễn ông ra đường, đi qua chỗ chúng tôi, đầu hơi cúi. Cả hai đều kín đáo lấy tay lau đi những giọt lệ còn ướt ở khoé mắt. Lần đầu tiên tôi thấy một sư ông khóc.
Tôi bỏ dở trận đấu chạy xuống đường, chạy ra con đường mà hàng sáng tôi vẫn chạy bộ qua. Nhà xác đóng chặt cửa, những bông hoa được bày bán phía đối diện không chịu được nắng mới, rũ xuống thật tội nghiệp. Cây hoa sữa vào ban ngày vừa khô khỏng, vừa xơ xác. Vào đúng lúc ấy tôi nhìn thấy chị Giang ngồi trên chiếc ghế đá. Mắt nhìn đi đâu xa lắm. Tôi đi chậm lại, sát bên chị. Chị Giang nhìn thấy tôi thì quay qua, khẽ mỉm cười chào. Chị thường chào tôi bằng nụ cười như thế, từ khi bắt gặp tôi nhìn chị đăm đăm qua ô cửa. Tôi đứng lại, có ý hỏi chị có cho tôi cùng ngồi không. Chị ngồi nhích ra một bên. Chúng tôi ngồi im lặng rất lâu, không cần biết mặt trời lặn từ lúc nào. Tôi rút trong túi ra con dao nhỏ và nhọn, vung lên cao. Mũi dao đâm thẳng vào thân cây, vạch ngang dọc theo những chữ cái. Nhựa cây tứa ra. Những cái lá vặn mình.Câu chuyện của chúng tôi dường như mới chỉ bắt đầu trong sự lặng lẽ của cả hai.
“Chị yêu cây hoa sữa này, đúng không?”.
“Nó giống cái cây ngày chị còn nhỏ trong một khuôn viên nhà chùa…”.
Mọi trật tự xã hội luôn bị phá vỡ rồi dựng lại theo cách của nó. Tôi chẳng biết hiện thời mình đang đứng ở đâu, chỗ phá vỡ hay chỗ dựng lại?
“Rồi cái cây này cũng sẽ không còn đâu, cả cái nhà xác kia nữa. Bây giờ chúng sắp nở hoa đấy. Chỗ này con đường cao tốc sẽ đi qua”.
“Đường cao tốc”.
“Cả cái khu nhà của chúng ta cũng sẽ phải đập đi xây lại cho xứng với đường cao tốc. Sẽ có những siêu thị ở tầng trệt. Không còn vòi nước chung nữa”.
“Chị sẽ không được biết người ta đập cái nhà này như thế nào”.
“Chị có tin em đã từng vặt cành non đầu tiên của cây hoa sữa này vào một đêm giao thừa khi em mới tập nói?”.
“Thế giới luôn được bắt đầu theo cách của nó”.
“Lúc nãy sao ông ấy lại khóc?”.
“Chị bỏ mặc ông ấy. Chị thích thế giới bên ngoài”.
“Chị thích sao không la hét lên? Em mà la hét được…”.
“Chị bước lỗi nhịp rồi. không thấy chị bước lỗi nhịp sao?”.
Chúng tôi ngồi trong đêm. Đêm âm thầm và dịu dàng hơn cả những điều tôi từng biết. Những ngọn đèn đưòng như chùng xuống trong hơi sương.
Chị xoè cho tôi tập nhật ký của người cha. Tôi cố đánh vần từng từ cái thứ chữ viết rối đầy tâm trạng của một người đã đi qua cuộc đời thường. Nhưng những câu đánh vần của tôi thật khó khăn. Nên dường như tôi cũng không biết được gì mấy về câu chuyện của cha con chị.
Tôi ngửa cổ đón những bụi sương phả vào mặt. Đêm óng vàng và đầy ắp hơi thở của muôn loài. Những cây dừa cạn nở hoa tím hồng. Những đoạn ống bị đào bới tung toé, chưa kịp lấp lại, những đường xới như những vết cắt trên thân cây. Thỉnh thoảng lại một cơn gió ào tới xô những sợi cáp chằng chịt trên không trung, tạo thành những âm thanh riêng biệt của đêm nhiệt đới. Một con chuột chạy vụt qua, ngóc đầu nghiêng ngó rồi vụt biến sâu trong đống rác đầu bãi đá bóng.
Tôi biết chị đang rất gần. Hơi thở và hương tóc quyện trong hương hoa sữa.
Chúng tôi trở về nhà trong sự im lặng. Tôi biết ngày mai sẽ lại ngắm chị qua ô cửa nhà mình.
Chị Giang về khu chúng tôi ở được nửa năm thì người đàn ông tôi nhìn thấy dạo nọ đến hỏi chị làm vợ. Nhưng chị từ chối. Không ai trong khu biết điều này, ngoài tôi. Chị ngồi với tôi trên chiếc ghế đá, mỉm cười thản nhiên:
“Mẹ anh ấy không thích chị. Vừa cao tuổi lại vừa cô độc. Lúc làm đám cưới không được ghi tên cha mẹ lên thiếp”.
“Nhưng anh ấy vẫn quyết tâm”.
“Anh ấy làm thế để khỏi ân hận thôi”. Chị quen anh ấy hôm lên chùa, chẳng may nhìn thấy chị đang tắm. Nhà chùa có xây nhà tắm nhưng cái cửa bị long ra. Anh ấy ra giếng múc nước rửa tay.
Đến lượt tôi cười:
“Mẹ chị đâu?”.
“Chết rồi thì cha mới khoác áo nâu đi tìm trong các chùa”.
“Không lấy chồng thì thà cứ ở trong chùa cho tiện. Ra ngoài sống kiểu như chị, họ tưởng chị mắc bệnh mộng du”.
“Lúc nào chị cũng ước ao được làm người bình thường. Buổi sáng đến cơ quan làm việc, mặc váy thật đẹp, tán gẫu một lúc rồi chúi đầu vào công việc của mình. Buổi trưa ăn cơm cùng đồng nghiệp. Buổi chiều tan giờ làm thì đi chợ, về nhà nấu ăn. Tối cả nhà quây quần vui vẻ…”.
Tôi ngạc nhiên nhìn người đàn bà xanh xao và mỏng manh như chiếc lá.
“Mọi khi chị không đi làm?”.
“Có, nhưng là quét lá chùa. Đi khắp các chùa trong thành phố để quét, rồi gom lá biếu người nghèo lấy cái đun. Buổi chiều nào chị cũng vào bệnh viện thăm mấy người bệnh. Chị chăm sóc những người cô đơn. Nếu có ai chết, chị mặc áo liệm cho họ, rồi thắp nến, nấu cơm cúng”.
“Vậy là chị thường xuyên vào cái nhà xác kia?”
“Anh ấy là một người đàn ông mạnh mẽ và trẻ trung. Anh ấy phải lấy một cô gái trẻ và đúng là người bình thường. Còn chị, hai bàn tay này đã chạm vào những thi thể lạnh lẽo…”.
Câu chuyện của chúng tôi thường không có đầu có cuối, luôn bị ngắt quãng bởi tiếng nhạc trầm đục thoảng đến theo gió. “Đừng khóc nữa, ngoài kia hoa khép cánh rồi. Những giọt sương rơi nhè nhẹ. Chỉ dám chạm vào hoa thôi…”.
Bóng tối đã đầy ắp mọi ngả. khi con đường cao tốc đi qua đây, sẽ không còn thứ bóng tối lẩn quất trên những kẽ, ám khói xăng; lẩn quất trong những nhánh cỏ mềm mại và những vỏ bao. Sẽ không còn chiếc ghế đá và bầy đom đóm đang cố nhoài người tìm kiếm chỗ ngủ. Sẽ không còn cái vòi nước gỉ. Không có khu nhà bán đồ liệm. Chỉ còn cái nhà xác được lui vào độ mười mét. Và những bức tường bê tông được quét sơn rực rỡ.
Tôi thích đường cao tốc nhưng tiếc nhiều thứ. Còn Giang, chị vừa thú nhận mình bước lỗi nhịp.
Tôi nghĩ đến một bông hoa nở một mình trên cái hành tinh đầy đá và sỏi. Bông hoa cố ép mình thu lại để giống đá và sỏi. Nhưng ánh sáng chói chang bắt nó nở bung.Bông hoa quá bé so với vũ trụ.
Nhưng vũ trụ liệu đã bao giờ có hình hài đáng yêu như một bông hoa? Cái hình hài đó làm lòng ta xúc động, muốn giang tay ra để che chở. Cái giang tay của ta có thể làm những cánh hoa rụng xuống, bởi sự vụng về và ngu dốt.
Nhưng với tấm lòng thành thì lịch sử loài người đã có bề dày xây đắp. Với tấm lòng thành, người ta phải nhả đạn vào nhau. Nhưng cuộc sống lại càng ngày càng tốt đẹp hơn, khi đạn không còn sản xuất hàng loạt. Vậy tôi đúng hay Giang đúng?
Căn phòng 101 có thợ đến sơn tường. Không ai sơn tường vào lúc này, khi dự án quy hoạch khu nhà đã được phê duyệt.
Nhưng chúng tôi quen với những gì chị Giang đem tới khu nhà. Thậm chí chúng tôi không nhận ra những trận rít thuốc lào và văng tục đã kín đáo hơn. Đàn bà con gái tự nhiên dịu dàng và ăn mặc không hở hang như trước.
Thợ sơn tường trông như một tay nghiện hút. Tôi chạy sang đứng nhìn gằm vào mặt gã. Chị Giang lấy báo trải khắp nhà để che đồ đạc. Những tờ báo mở rộng có đủ thứ như cuộc sống riêng trôi bên ngoài cuộc sống của chúng tôi. Chị chỉ gã thợ sơn tường bảo tôi:
- Chị cứu cậu ấy trong đám bệnh.
Chị chẳng bao giờ nói rõ điều gì. Thợ sơn tường lặng lẽ làm. Gã sơn kỹ và khéo. Thỉnh thoảng dừng lại sửa một đường dây điện hay nhổ những cái đinh la liệt do căn phòng qua nhiều chủ đóng lên. Tôi thấy chị Giang có lý khi gọi thợ sơn tường. Đi qua cầu thang tối om với những bức tường ẩm mốc, khi bước vào đến căn phòng nhỏ của mình, với ánh sáng ùa ra tràn ngập, với những thứ đồ đạc đơn giản nhưng kê gọn ghẽ, chị hoà mình trong bầu vũ trụ nhỏ của riêng chị.
Tôi như một kẻ đần độn trước căn phòng ánh sáng ấy.
Thợ sơn tường làm ba ngày mới xong. Đang ngổn ngang thì anh Thuận, người yêu chị Giang đến. Trông anh tươi tắn trẻ trung hơn tôi tưởng, anh cầm cái hộp có chiếc nhẫn hạt xoàn nhỏ, đặt trước mặt chị Giang, trước mặt tôi và gã thợ sơn:
- Tặng em!
Chị Giang nhăn mặt, cười:
- Cứ như không còn cơ hội nào.
Tôi và gã thợ sơn lảng đi để họ đeo nhẫn cho nhau. Hai chúng tôi như hai phù rể trong cái đám cưới khônghoa, không nhạc, không phù dâu và áo váy. Chỉ có ánh sáng ban ngày tràn ngập, đẹp hơn những đoá hoa, đẹp hơn những bộ váy áo trắng muốt. Chị Giang đứng im lặng và cười, còn anh Thuận thì lúng túng ngồi xuống mép giường. Như một giấc mơ vậy. Tôi không dám quay lưng lại, vì tôi không hiểu được giấc mơ này. Những gì đã có trên khắp thế gian che chắn cho tôi để chạy trốn khỏi mình.
Tôi lười nhác bước xuống đường. Bản nhạc “ngoài kia hoa khép cánh rồi” đập vào màng tai tôi. Trước đây tôi không hề thích bản nhạc này, nó có cái gì đó pha trộn giữa cõi sống và cõi chết, âm u và tinh khiết y như My heart will go on. Nhưng nó tồn tại trong tôi không cần sự đồng cảm của cả thế giới, không cần hệ thống chuyển dịch hình ảnh và âm thanh với những cố gắng sáng tạo lớn lao của con người. Không cần gì cả. Chỉ có lá và bụi, cùng người đàn bà xa lạ đã bước qua niên kỷ của tôi từ rất lâu.
Một đám đông ào lên, tay cầm những lá đơn:
- Không thể để họ đẩy chúng ta đi. Không thể! đây là cuộc sống, là chỗ sinh nhai của chúng ta.
Tôi dừng bên đường nhìn theo đám đông. Đó là những cư dân của dãy nhà đối diện nhà xác. Tôi hoà vào dòng người, cố gắng chia sẻ với họ, nhưng không ủng hộ họ. Tôi muốn nhìn thấy con đường cao tốc . Khi nó ào qua, mọi thứ sẽ được xoá sạch: rác rưởi, những ống kim tiêm, cái ghế đá, cây hoa sữa khẳng khiu và những đêm có đom đóm lập loè. Lúc đó con người ta sẽ luôn tiến lên phía trước mà không được phép quay lại.
Còn bây giờ tôi muốn san sẻ cùng những con người này nỗi bất hạnh của riêng họ, nỗi bất hạnh thật giản đơn, không màu mè. Nó xộc tới thực hơn tất cả những ý tưởng cao siêu, dễ làm người ta xiêu lòng.
Một người vừa chết nằm dài trong nhà xác, mặc gió và lá rụng, mặc tiếng ồn ào gọi nhau, mặc người đàn bà trong căn phòng mới sơn đang hạnh phúc, mặc nước mắt tôi nhỏ giọt xuống mặt đường bụi bặm.
Cho tới lúc này tôi mới hiểu mình đã bước sang thế giới đàn ông. Nhưng mãi mãi tôi sẽ không thể nói được lời yêu.
Tôi là một cậu bé câm sống lặng lẽ trong căn phòng của khu nhà sắp bị phá bỏ. Một ngày nào đó tôi sẽ nằm lên chiếc bàn dài, buông tay và bay về nơi có chị Giang.