P 1 - 5
Tác giả: Vũ Bằng
Tôi được gặp ông Phùng Tất Đắc lần đầu tiên, vào một chiều tắt nắng, nhân dịp đến “yết kiến” Hoàng Tích Chu tại trụ sở báo Đông Tây ở 12 phố Nhà Thờ. Vừa mới thấy ông Đắc ngồi ở bàn viết ở cửa sổ đi thẳng vào, tôi đã biết ngay; không phải vì đã được ông tự giới thiệu, nhưng tại chính tôi được biết vì có bè bạn, trước đó, đã chỉ ông cho tôi rồi. Ngồi xuống ghế, nói với ông câu đầu, máu tôi chảy có một dòng, phần vì sợ văn ông, phần vì vẫn nghe tiếng ông là con nhà giầu ở Nam Thành, thạo đời một cây, lại có tiếng là tay ăn chơi sộp, mà mình thì chỉ là một anh học trò bé nhỏ mới bước chân vào đời qua mấy ả sẩm và cu-tuy-ri-e tồi! Nói thì biết nói gì bây giờ? Tôi luống cuống và cảm thấy tay chân thừa cả, không biết giấu chỗ nào.
Mà ông Phùng Tất Đắc thì mặt lại lạnh như tiền, không hề khuyến khích tôi một ly ông cụ. Thành thử ngồi chưa đầy năm phút, tôi đứng dậy xin lên lầu gặp ông Hoàng Tích Chu như đã hẹn, nhưng trong năm phút ấy, có ai biết rằng tôi đã sợ ông Phùng Tất Đắc thêm biết chừng nào không?
Ông Đắc mặc âu phục, vén tay áo sơ mi lên ngồi rung đùi khảo cứu Nho giáo. Bên cạnh hai cuốn sách của Lệ Thần Trần Trọng Kim, tôi thấy một chồng sách chữ nho. Đêm hôm ấy, về nằm nhớ lại buổi ban chiều, tôi chán đời không thể tả, vì thấy Phùng Tất Đắc, tôi quan niệm muốn viết báo cho ra viết báo, muốn sử dụng ngòi bút cho tài tình như ông Đắc trong mục “Trước Đèn” của báo Đông Tây, người ta phải thông kim bác cổ, thạo cả chữ Hán lẫn chữ Tây. Mà tôi thì chữ Tây mới đến sơ gông, còn chữ Hán thì biết có mấy chữ “Cố công điền giao từ” do hai cụ Thiện và cụ Chính dạy ở trường Hàng Vôi lúc còn theo tiểu học. Thế này thì đến kiếp chết cũng không thể thành một nhà báo như Phùng Tất Đắc và Hoàng Tích Chu!
Tôi lại xây mộng, tôi lại mơ ước học chữ Hán, nhưng đó chỉ là mơ ước hão thôi, cũng như sau này tôi thấy bọn các ông Đỗ Văn, Chu Mậu, Đặng Trọng Duyệt làm báo chữ Tây, viết chữ Tây, tôi lại mơ ước giỏi chữ Tây để viết báo Tây kiểu “Cri de Hanoi”, nhưng rút cục bao nhiêu mộng ấy đều biến ra mây khói... phù du hết.
Xã hội Việt Nam lúc ấy mắc một cái bịnh mà người ta gọi là bịnh thời đại. Thanh, thiếu niên chưa mất gốc hẳn, nhưng không bám víu vào đâu, sống bấp bênh như những cái phao. Qua mấy cuộc đàn áp các nhà ái quốc lão thành như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, người ta thấy cần phải có một cái thần tượng gì để tôn thờ, để làm đích đi theo, thì vừa vặn bọn Tây Du như Chu Mậu, Hoàng Tích Chu, Đặng Trọng Duyệt, Đặng Phục Thông, Nguyễn Bỉnh Nam... về nước đưa ra phong trào sống mới, nghĩ mới, ăn mặc mới, tranh đấu mới.
Phải, tôi đã nói vậy và tôi nhắc lại rằng tôi thán phục tất cả những người đã cộng tác, đã giao du với Hoàng Tích Chu mà hồi đó tôi coi là những bực tài ba lỗi lạc. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ rằng mỗi khi thấy các ông Đỗ Văn, Chu Mậu, Đặng Trọng Duyệt đi từ nhà in Trung Bắc ở Hàng Bông ra, rồi coi họ là những bực kỳ tài, muốn chiêm ngưỡng. Thấy bọn các ông làm công việc gì, xuất bản báo sách gì, túng mấy đi nữa, tôi cũng để dành tiền mua đọc cho kỳ được. Tôi sẽ không tả lại cảm giác của tôi khi đọc những tờ như
“Cri de Hanoi”, “Dân Mới”, “Nhân Loại”, “Chiếu Bóng” hay cuốn sách thơ gì đó của bạn các ông, trong đó có một bài nói về con morpion, không chê được!
Tôi chỉ muốn nhắc lại lần đầu tôi nhìn vào cái bar
“Dân Mới” của Chu Mậu, chỗ đầu Hàng Gai rẽ ra Hàng Hành. Bây giờ bar mở nhiều, ngồi uống rượu ở quầy, trên những chiếc ghế cao lêu nghêu là thường; nhưng hồi đó ở Hà Nội mà thấy thế thì người ta muốn té xỉu vì lạ quá. Uống rượu; nhảy đầm; có ông ra đứng ở cửa nói tiếng Tây vi va vi vút như gió; lại thêm ông Chu Mậu đội cái “mũ đấu” của Chà chạy ra chạy vào nói toàn tiếng Tây, tôi cảm thấy mình quê một cục; do đó tôi phải thú thực là từ khi bar Dân Mới ra đời cho tới khi đóng cửa, tôi không dám bước chân vào một lần nào, mặc dầu tôi có thừa phương tiện.
Tôi không dám bước chân vào không phải vì tôi đạo đức. Trái lại, lúc đó tôi cũng sa đọa như ai, nhưng cái tâm lý của người trẻ tuổi thực là phiền toái. Cá nhân tôi đủ các tật xấu nết hư, nhưng tôi quan niệm các bậc đàn anh đó, các thủ lãnh của tôi không được là những người tầm thường, lố lăng, nhăng nhít. Bởi vì nói cho thực, thấy các ông ra cái vẻ chơi bời khét tiếng, có khi lố lỉnh, trắng trợn, lại trà rượu, nhảy nhót, tôi cảm thấy họ đã vi phạm đạo đức, mà đạo đức lúc ấy đã xuống quá rồi. Tập đoàn Hoàng Tích Chu, Chu Mậu, muốn nói gì thì nói, cũng đã có một cái lỗi, là đẩy cho thanh niên, thiếu nữ lúc đó nhảy những bước nhảy vọt vào sự ăn chơi liều lĩnh, coi đời là “nơ pa”, coi đời “như bãi phân”. Có nhiều người, đồng ý với tôi, không tán thành; nhưng trái lại, cũng có một số người cởi mở hơn, sẵn sàng tha thứ, viện lẽ rằng mỗi khi có một cuộc đổi thay quan trọng, trong lúc giao thời, sao tránh được những sự lăng nhăng, quá trớn!
Dù sao đi nữa, cảm tình của tôi với tập đoàn Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn, Chu Mậu vẫn không vì thế mà giảm thiểu. Tôi có cảm giác là tập đoàn ấy ngồi xổm lên xã hội, và một số người trong tập đoàn có một thái độ khinh bạc, kiêu hãnh; nhưng nghe thấy họ thóa mạ xã hội, mạt sát những cái thối tha - dù là không có một kế hoạch gì xây dựng - tôi vẫn cứ mê như thường. Điển hình là tuần báo “Duy Tân” của Nguyễn Đình Thấu chửi nghe sao mà sướng thế, mà truyện với trò nghe sao mà... đểu thế?! Đểu đến phát ớn, nhưng không tìm đọc không chịu được. Tôi có cảm giác như bây giờ đọc những báo Mỹ như “Play Boy”, “Feminal”, “Figure”, “For Male”, đăng những hình đểu quá, dâm quá, một mặt cứ thích và cứ phục, nhưng một mặt cứ chê - chê cái xã hội Mỹ sướng quá hóa rồ, giải phóng con lợn lòng quá mức, chẳng trước thì sau cũng sẽ đưa người dân Mỹ đến một con đường đen tối hơn bây giờ.
Tôi còn nhớ hôm báo Đông Tây đăng bài “Bút Mới” đầu tiên, tôi tưởng vì xúc động quá có thể bị một cú đờ săng mà ngoẻo. Chiều hôm đó, họ hàng thân quyến và bạn bè đến hỏi thăm. Tôi phớt tỉnh, ra cái ý “đó là chuyện rất thường, hà cớ gì phải làm ồn như vậy!”. Với cái vẻ mặt phớt tỉnh giả tạo đó, tôi có ý muốn nói lên một cách thầm kín cho thiên hạ biết rằng “đấy mới chỉ là một chưởng xoàng, tôi còn trăm ngàn chưởng khác ác lắm, rồi sẽ giở ra dần dần, tôi là thiên tài mà!”.
Vài ngày sau đó, tôi nẩy ra một sáng kiến: tôi là nhà báo thực thụ. Chứng cớ là tôi đã có bài in trên báo gửi đi toàn quốc. Mà là nhà báo thực thụ thì phải có cái gì khác người ta chứ! Không phải suy nghĩ lâu la gì lắm, tôi biết ngay rằng đã là một nhà báo thì phải khác người, phải lập dị, phải có tác phong y như những nhà báo nổi tiếng lúc bấy giờ như Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Bùi Xuân Học, Đặng Trọng Duyệt, Phùng Tất Đắc mà tôi vẫn thường nghe đồn đại là những tay chơi chí tử.
Tôi hút. Tôi uống rượu, tôi chơi đĩ bợm.
Và để tỏ ra rằng mình cũng là tay lão luyện như ai, tôi hút dữ, uống dữ. Như thế, tôi còn oai về một phương diện khác nữa. Là lúc bấy giờ dân nước oán Tây vô cùng, vụ Phan Bội Châu bị bắt đưa về nước xử chưa xong thì tiếp đến vụ Phan Chu Trinh gửi huyết thư cho Tây gây phong trào bãi công bãi khóa rồi lại đến vụ Yên Bái làm cho mười ba liệt sĩ lên máy chém. Bao nhiêu biến thiên đó đã tạo nên một phong trào sôi nổi hăng say. Những người thực tâm ái quốc, vào tù ra khám, không ngày nào không có. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ngày nào không có những tay ái quốc sa lông thở vắn than dài cho thế nước, thỉnh thoảng lại đóng cửa oán Tây, hoặc làm thơ con cóc chửi thằng Tây (nhưng lại sợ bị bắt nên gọi chệch thằng Tây là thầy tăng) và cho như thế là... cay chua lắm.
Thú thật lúc đó, đọc những bài thơ như “Tiếng Quốc Kêu” của Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng hay “Chiêu Hồn Nước” của Phạm Tất Đắc hoặc thơ “Gánh Nước Đêm” của Trần Tuấn Khải, tôi phục cứ lăn ra và trong thâm tâm cũng muốn có cái tài chửi đổng, chửi cạnh, chửi bóng, chửi gió như thế; nhưng vì không có tài nên đành phải chịu “tho”.
Không chửi Tây được như ai (vì tôi sợ bị Tây bắt đưa ra Côn Đảo) tôi bèn buộc ngay lên cổ tôi một thứ bịnh: bịnh chán đời. Tôi làm ra vẻ chán chường thế sự, uất ức vì những cảnh chướng tai gai mắt, đất nước lầm than, tìm đủ các cách trác táng hình hài, tìm đủ các cách để tự hủy mình đi. Làm như thế - theo tôi nghĩ lúc bấy giờ - nó có vẻ “cha”, mà mới thật hợp với con người làm báo.
Rồi các bài báo nào mình viết ra, đọc lại, mình cũng thấy hay phi thường và tự cho văn mình là “nhứt tự thiên kim”, tòa soạn bỏ đi một đoạn hay sửa một chữ - một chữ thôi - mình cảm thấy là làm hại văn mình, giết mình, phá hoại mình.
Tôi vừa nói đến danh từ “nhứt tự thiên kim”. Phải rồi, từ thuở nhỏ tôi vẫn nghe thấy nói đến danh từ ấy: một chữ đáng giá ngàn vàng. Về sau này, tôi lại nghe thấy có người làm một câu thơ mà đuổi được giặc, làm báo như hạng Nguyễn Phan Long. Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, viết một bài, Tây sợ “chết cha chết mẹ”, phải mua chuộc hàng ngàn, hàng vạn mà chưa chắc đã êm... Mê quá. Tôi mê nghề báo vì cho nó là một nghề đã oai mà lại hốt bạc, nhưng thú thực từ lúc bắt tay vào nghề đến lúc ấy, quả tôi chưa kiếm được một đồng xu nhỏ.
Là vì tôi viết là viết đấy thôi, chớ có báo nào mướn làm thực sự đâu. Cơm nhà vác ngà voi. Nhưng không sao, được cái tiếng là nhà văn, nhà báo, oai quá rồi, cần gì phải có tiền. Và tôi nghĩ như nhà triết lý: Tiền bạc không gây hạnh phúc cho con người.