P4 - 2
Tác giả: Vũ Bằng
TRÊN ĐƯỜNG VÀO NAM: LỬA SỐNG
Tám tháng ở Hải Phòng có thể coi như tám tháng ngồi chơi xơi nước: thỉnh thoảng nhận được một tin nhà; bất thình lình một hôm lại tiếp một anh cán bộ cầm một thư của những anh em thân thiết về Hà Nội không thấy tôi, cho người xuống bảo đừng đi nữa. Có anh giận quá, dùng những lời lẽ không nhẹ nhàng, nhưng hầu hết đều tỏ ra chí tình, như Phùng Bảo Thạch: “Cách mặt bao nhiêu lâu, có bao nhiêu chuyện muốn nói mà lại kiếm anh thì đã đi rồi. Sầu không tả được. Bao giờ chúng ta mới lại gặp nhau? - Bạn anh”.
ƠŒ Hải Phòng, gần Tết, trời mưa phùn liêu diêu, nằm gối đầu tay ở trên gác trọ, tôi cũng sầu không tả được. Nhưng Nam, Bắc cùng là đất nước, sao lại cứ phải coi chuyến đi này là một cuộc di cư mà không là một vụ đi chơi bậy bạ để tiêu sầu khiển hứng? Nhưng tiêu sầu cách gì thì cũng vẫn không bỏ được nghề báo nó theo mình như bóng với hình. Nghỉ tay được chừng nửa tháng thì Bùi Đình Lĩnh lại rủ tôi làm tờ “Lửa Sống”, tờ báo hàng ngày độc nhất ở Hải Phòng lúc bấy giờ. Tôi biết Lĩnh qua Bùi Đức Thịnh, tổng phát hành báo ở Hà Nội, chủ nhà sách Thanh Bình, chủ nhiệm báo “Quê Hương”.
Lúc “Quê Hương” ra ở Hà Nội, tôi vẫn viết bài cho báo ấy, ngoài ra lại viết nhiều sách khác cho Thịnh, ký những bút hiệu khác nhau. Từ khi có tin anh giúp đỡ ông Ngô Đình Diệm thoát một tai nạn ở một bịnh viện Pháp, tôi thông thường gặp anh. Lĩnh là anh ruột của Thịnh. Vì cây dây leo, lúc Lĩnh rủ tôi về giúp cho tờ “Lửa Sống”, tôi nhận lời ngay, mỗi sáng tạt đến tòa báo xem tin tức độ nửa tiếng đồng hồ. Vì là một tờ báo độc nhất xuất bản lúc ấy trên đường vào Nam, báo “Lửa Sống” được người ta tranh nhau mua đọc: sự kiện đó không lấy gì làm lạ nhưng lạ là sao lúc đó người ta kiếm tiền dễ thế! Một hôm, có một người đàn bà Thổ đến nhà báo khóc như một cái máy nước, nhờ đăng tin rao vặt kiếm con. Tôi ngồi ở đó không nói gì, để cho ông quản lý trả lời. Ông ta ấn định một ngàn hai (đồng tiền dưới thời Diệm to như cái bánh xe!) năm dòng, trả tiền trước. Không ngần ngại, người đàn bà ấy đưa tiền, lấy biên lai. Nhà báo hẹn mai sẽ in lời rao vặt. Trông người đàn bà sụt sịt ra về, tôi vừa ái ngại cho bà ta, vừa kinh ngạc về việc báo bóp cổ người ta dữ quá, nhưng không nói ra miệng. Tôi ký vào mô rát định đứng lên cùng Bùi Đình Lĩnh và mấy anh em đi nhậu, thì người đàn bà mất con trở lại, lần này mặt mũi tươi cười - hoan hỉ báo cho biết là bà ta đã tìm thấy con rồi: “Trời nóng quá, nó chui xuống gầm giường ngủ, tôi cứ tưởng mẹ mìn bắt cháu đi mất rồi!”. Bà ta có ý muốn xin lại số tiền đưa đăng báo. Thực, tôi chịu ông quản lý là người nhanh trí: đương cầm mảnh giấy viết tin rao vặt mất con, ông ta nhét liền vào túi và sưng sưng nói: “Rất tiếc, thợ xếp chữ mất rồi, và số tiền một ngàn hai đã đưa hết cho anh com pô rồi”. Người đàn bà tiu nghỉu, nhưng trước hành động ấy của viên quản lý, tôi thấy có vẻ nhẫn tâm. Tôi bấm ông một cái thì ông thực thi ngay một cử chỉ nhân đạo: “Thôi, nhà báo đành chịu thiệt vậy, xin vui lòng ”giúp" bà một trăm bạc đi xe!".
Ra đến quán uống rượu, thực tình tôi không tìm hiểu cử chỉ ấy của viên quản lý có thể coi là bất lương không, nhưng tôi cảm thấy lòng mình vô cớ se sắt lại. Nào phải đến lúc đó tôi mới thấy một vụ nhẫn tâm như thế. Trong quãng đời qua, tôi đã từng được thấy nhiều vụ “làm tiền” còn trắng trợn và tàn nhẫn hơn nhiều, nhưng không hiểu vì thời tiết, vì sức khỏe hay vì hoàn cảnh... tôi bắt đầu thấy chán nghề. Và đêm hôm đó, ngồi châm điếu thuốc trên một cái lầu vắng vẻ, nghe gió thu về làm xao động cành hoàng lan ngoài cửa sổ, tôi nhớ đến người mẹ van xin tôi đừng làm nghề báo bổ. “Nghề báo đưa người ta bất cứ đâu, miễn là thoát được nó ra”...
Thoát được nó ra, nhưng thoát bằng cách nào đây? Đêm hôm đó, nằm trên một cái giường lạnh, có bóng trăng soi, tôi lẩm nhẩm nhớ lại những người bạn cùng nghề xem những ai thoát được “nó”, mà những ai còn vương vít tơ tằm với “nó”: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Như Hoàn, Việt Bằng, Cuồng Sỹ, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Phan Lãng, Nghiêm Xuân Lãm, Hoàng Cừ, Đặng Văn Hinh, Trương Anh Tự, Hoàng Tích Chu... các bạn ấy đã thoát, thoát hẳn, thoát để không bao giờ trở lại cõi đời này nữa, nhưng cũng còn bao nhiêu người khác thoát được “nó” mà thoát được một cách vẻ vang.
Đó là trường hợp Phạm Quỳnh, nhảy một bước từ phố Hàng Da vào làm thượng thư ở Huế; Nguyễn Tiến Lãng, bí thư của Hoàng hậu Nam Phương; Ngô Văn Phú, làm chủ ấp Tân Bồi; Hoàng Hữu Huy làm giám đốc Việt Tấn Xã; Hà Văn Bính làm hội viên thành phố và gần nhất là Ngô Vân làm xuất nhập cảng.
Ngay ở Hải Phòng, tôi đã biết Ngô Vân và Phạm Trung Phổ sẽ bỏ nghề báo một khi vào trong Nam. Hai ông này đã có một hồi lẫm liệt lúc còn làm tờ “Ngày Mới” của Hội Đồng An Dân, dưới thời bác sĩ Đặng Hữu Chí, trong có cụ Ngô Khánh Thực.
Trọng Thìn, Trọng Quỳnh, lúc đầu là vai chính trong tờ “Ngày Mới” (lúc đó thay thế cho tờ “Vì Dân”), do Trần Tán Cửu làm, đã chết cùng với bác sĩ Trương Đình Chi). Báo “Ngày Mới” in tại nhà in của Hội Đồng An Dân, gồm một số máy thổ phỉ của những người đi chưa về. Đến khi chính phủ đầu tiên Nguyễn Văn Xuân thành lập, tổng trưởng Thông Tin Phan Quang Đán sát nhập nhà in vào Thông Tin. Ngô Vân được Trọng Thìn và Trọng Quỳnh mời về hợp tác, giữ chức chủ nhiệm. Vân đưa em vợ là Phạm Trọng Phổ về làm quản lý. Vừa khi ấy, Phan Quang Đán muốn tổ chức một thông tấn xã Việt Nam, mời Nguyễn Doãn Vượng đứng làm. Vượng đưa ra một chương trình lớn lao, gồm đủ các máy móc của một trung tâm hiệu thính tối tân, mỗi ngày ra hai ấn bản ba thứ tiếng, kèm một ấn bản “mật” hàng ngày và một ấn bản hàng tuần, có nhiều bình luận và đặc ký. Ngân khoản dự liệu trên dưới 500.000. Lúc bắt đầu, Phan Quang Đán không trông đâu ra tiền, về sau đành phải giao cho Nguyễn Giang, Hoàng Hữu Huy và Ngô Vân cọc cạch làm với một ngân khoản năm chục ngàn.
Thừa dịp làm Việt Tấn Xã, gần gũi với Phan Quang Đán, Ngô Vân xin tờ “Ngày Mới” làm sở hữu của ông: cố nhiên là báo sẽ giữ nguyên lập trường triệt để đề cao giải pháp Bảo Đại, tích cực chống Cộng và ủng hộ chính phủ Việt Nam. Phan Quang Đán bằng lòng. Ngô Vân - với sự giúp tay của cụ Ngô Khánh Thực - đổi tên “Ngày Mới” ra làm “Tia Sáng” Ngô Vân chễm chệ làm chủ nhiệm, còn những ký giả có công khai sơn phá thạch như Trọng Quỳnh, Trọng Thìn thì thành ra người làm công. Thừa hưởng nề nếp làm việc và quảng cáo, cũng như số độc giả đã có sẵn và sự giúp đỡ quen thuộc của các cơ quan chánh quyền, tờ “Tia Sáng” đã đem lại cho người điều khiển nhiều đặc ân và tư thế. Báo có lời nhiều, một phần cũng vì thế; nhưng đồng thời ta cũng phải nhận rằng lúc ấy nhiều anh em nhóm “Đông Pháp” có khiếu về săn tin, nhờ mấy năm giúp việc cho ông Ngô Văn Phú đã giúp không ít cho sự thành công ấy.
Rút lại, Ngô Vân đã “làm nên” vì báo, nhưng điều đó không đáng lưu ý bằng việc ông đã khôn ngoan thoát được nó ra để ngả về thương mãi. Trọng Quỳnh ở lại Bắc, hiện giờ không biết ra sao; riêng Trọng Thìn thì tôi được biết anh vẫn còn lao đao lận đận ở trong nghề và phiêu bạt hết Thông Tin lại sang tờ báo này, thông tấn khác. Đó cũng vì không biết cách thoát được nghề báo chăng? Tôi nhớ lại lúc ông Nguyễn Văn Vĩnh sắp lên đường sang Lào để tìm vàng, công nợ ngập đầu, mà cứ cố sống cố chết bám vào tờ “Trung Bắc”, “Học Báo” và “Annam Nouveau” để viết. Toàn quyền Pasquier, một hôm, gặp Nguyễn Bá Trác (lúc ấy vừa ở Nhật về), hỏi theo ý Trác thì nhà cách mạng Việt Nam nào nguy hiểm nhất. Trác trả lời “Nguyễn Văn Vĩnh”. Toàn quyền Pasquier nhờ sở Mật thám điều tra xem ông Vĩnh còn nợ ngân hàng và tư nhân chừng bao nhiêu tiền. Số nợ ấy, so với lúc ấy, thật lớn: từ 6 đến 800.000 đồng. Toàn quyền Pasquier nhờ một người thân tín của ông Vĩnh bắn tiếng đến tai ông: nếu ông Vĩnh bằng lòng ngưng công kích Bảo Đại và bút chiến với Phạm Quỳnh, gấp đôi số nợ ấy cũng sẽ được trang trải êm ấm mà không cần phải bận tâm gì hết.
Lời đề nghị nghe thật bùi tai, nhưng ông Vĩnh đã không biết thoát khỏi nghề báo vào chính lúc có cơ hội tốt. Và không phải là tiên tri, người ta đã biết kết cục ra sao: “Học Báo” nguyệt san giáo khoa độc nhất còn được Pháp trợ cấp sang tay Lê Thăng, “Trung Bắc” về cụ Luận, còn “Annam Nouveau” thì chết, mà ông Vĩnh thì khăn gói gió đưa sang Lào để tìm vàng; nhưng mỏ vàng chưa thấy đâu thì đã mất ở chốn ma thiêng nước độc. Sau ông Vĩnh, còn Ngọc Thỏ, Côn Sinh, cũng là những người đã chết một cách thảm thương. Tôi không biết bác sĩ Tụng có nói đùa không, nhưng quả là lời của bác sĩ đã làm cho tôi thắc mắc nhiều ngày: “Có con, cho nó làm gì thì làm, chớ làm báo thì nên ngăn lại”. Lúc tôi mới bước vào nghề, mẹ tôi cũng bảo tôi như thế, nhưng nghề báo đã đẩy tôi vào “mê hồn trận”, làm thế nào thoát khỏi nó bây giờ?
Một lần nữa, tôi lại muốn ly khai với nghề báo, vì mỗi ngày mỗi thấy thêm sự chán chường. Tôi nhớ lại trước khi lên đường vào Nam, đã có hai lần tôi thấy có một cái gì manh nha trong tim óc. Lần này, tôi cảm thấy “cái gì” đó rõ rệt hơn cả hai lần trước nữa. Nếu làm báo mà chỉ nhắm vào tiền thì quả là lầm quá: van xin các nhà buôn cho tí tiền lẻ, nói cho sang là tiền quảng cáo; bợ đỡ ngoại bang, liếm gót ăn tiền; hay bám vào các chánh đảng làm kiến nghị “Ngô Đình Diệm phải làm vua vì là dòng dõi Ngô Quyền” không những ăn chắc
mà lại còn nhiều hy vọng được đặt vào một địa vị cao cấp trong chánh quyền. Nhưng bây giờ thì tôi đã thấy rõ ràng làm báo không phải như thế, nhưng là làm một cái gì nghiêm trang, cao quý, có tính năng tranh đấu và xây dựng, mà người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm, để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ ngụy tạo.
Nhiệm vụ ấy thật lớn lao, kinh khủng. Nghĩ lại các anh em cùng đi với mình một con đường, bây giờ chia đi các ngả, hoặc đã chết vì bom đạn, hoặc đã bỏ mình vì thực dân đàn áp, còn trơ lại một mình vác cây bút vào Nam, tôi thấy tương lai nặng nề và tự hỏi không biết có làm gì được không, hay là cũng chỉ như ở Bắc, gục đầu để kiếm tiền, phụng sự bất cứ ai kêu mình? Lúc đó, tôi đã lờ mờ thấy những khó khăn ghê gớm đang chờ đợi dân ta trên con đường tranh đấu tự do và độc lập, và tôi sợ rồi đây, viết lách đơn độc và tự xoay mình trong quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm, không có tự do, không có dân chủ, tôi sẽ thành ra thứ người gì? Hay là lại chỉ làm một tên bồi bút để làm những tờ báo lá cải, chỉ có giá trị xuyên tạc, vì chính mình chưa tách ra khỏi được sự chi phối của hoàn cảnh chính trị và xã hội của một chế độ mà tôi biết chắc sẽ không thể không lệ thuộc ngoại bang, một chế độ không thể có tự do, dân chủ chân chính. Không có độc lập, tự do, dân chủ chân chính thì tranh đấu thế nào cho hữu hiệu được?
Tôi cảm thấy sợ hãi hơn cả bao giờ hết. Và ở Hải Phòng, sau vụ báo “Lửa Sống” làm tiền một người đàn bà đăng quảng cáo ngon ơ, những ý tưởng như thế luôn luôn xáo trộn trí óc tôi, và, thú thực, tôi đã nghĩ rất nhiều đến việc thoát ly nghề báo lúc này để chờ một ngày mai thuận lợi.
Trong khi chờ đợi, tôi hãy làm tiếp tờ: “Lửa Sống” cùng với chúng tôi di cư từ Bắc vào Nam - lần này có Bùi Văn Tuyền tiếp tay với Bùi Đình Lĩnh và Bùi Đức Thịnh - (lúc ấy được Ngô Đình Diệm ân trả oán đền giao cho chức giám đốc Dân Vệ đoàn). Nhưng vì mới chân ướt, chân ráo vào Nam, chưa rành tiếng Nam, mà lại không được thấu đáo tâm lý của người đọc báo, thêm nữa lại cứ trình bày báo theo lối Bắc, viết truyện dài kiểu Bắc, cho nên “Lửa Sống” không còn được trông thấy những ngày vàng ở Hải Phòng, in hàng sáu bảy chục ngàn số báo mà bán chỉ độ vài tiếng đồng hồ đã hết bay!
TỪ “HÒA BÌNH” ĐẾN “DÂN CHÚNG”
Thực ra, ngay lúc còn ở Bắc, dưới chánh phủ Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, tôi đã cộng tác với mấy tờ báo trong Nam như “Phục Hưng” của Hiền Sĩ, “Mới” của Phạm Văn Tươi, “Sài Gòn Mới" của bà Bút Trà, nhưng chỉ cộng tác một cách xa xôi, chớ thực tình không biết rõ độc giả trong Nam thích gì, ưa đọc gì và muốn ”giựt gân" theo kiểu nào.
Chắc các bạn đã biết các báo hàng ngày ở Bắc đều “mi” theo lối chân phương, mà tin tức thì cũng viết theo lối chân phương. Có việc gì lớn lắm, đại khái như vụ án Phan Bội Châu, vụ vàng Sầm Sơn, Nhật đánh Pháp trong một đêm... cũng chỉ đặt tít đến bốn hay năm cột là cùng. ƠŒ Nam, không có truyện gì lớn, phải bới óc tìm ra một việc để cương lên và ngày nào cũng phải có một tít vơ đét tám cột, có khi chạy hai dòng liền, xuống năm cột, bốn cột, ba cột, tùy ý; và nhiều khi cái tít vơ đét ấy lại dùng chữ lớn hơn cả tên báo nữa, đến nỗi đã có một hồi Bộ Thông Tin phải chỉ thị cấm làm như thế. Người ta bảo làm như thế để giựt gân độc giả. ƠŒ Mỹ, cũng có một loại báo như thế, loại báo giựt gân kêu là
tabloid, chỉ toàn tít và hình, mà bài thì viết thực ngắn, kiểu đánh dây thép để cho độc giả thường bận công việc, khỏi mất thời giờ đọc lôi thôi con cà con kê. Tôi đã nghĩ làm một tờ báo như thế, kiểu nhỏ, đúng như loại tabloid, nhưng nghiên cứu sâu hơn nữa, tôi thấy làm như thế cũng thất bại luôn, vì tâm lý của người đọc báo xứ mình - nhất là ở miền Nam - rất là phức tạp. Họ muốn đọc những tin tức giựt gân, nhưng lại không ưa cái kiểu viết tin cụt lủn. Tin tức phải nhiều, mà lại viết dài dòng một chút, điểm một tí văn chương lại càng hay; ngoài ra, phải có xã thuyết thì mới là báo đứng đắn, có một tí ti “hạt muối”, “cuốn phim” nói đụng chạm đến người này người nọ, một hai bài khảo cứu - mà lại phải khảo cứu đọc dễ dàng mà nhẹ và vui - ở trang trong tí ti thơ, truyện ngắn và nhất là truyện dài xã hội, ái tình thật nhiều, vô lý cũng được, nhưng cần nhất là phải lâm ly, rùng rợn, hồi hộp, say mê, gay cấn.
Trên tất cả những điều kiện đó, báo lại phải in trên khổ giấy lớn, càng nhiều trang càng tốt, vì một lẽ rất tầm thường là nước mình nghèo, người ta muốn rằng mua tờ báo ngâm nga xong rồi lại còn dùng giấy báo vào nhiều công việc ích lợi và thiết thực cho đời sống.
Trong mấy tháng trời liền, ngày nào tôi cũng kiếm đủ các báo hàng ngày, nhất là của các ký giả người Nam, để xem họ làm ăn ra thế nào, hầu rút kinh nghiệm sau này. Nhân có nhận viết sách cho nhà xuất bản “Phạm Văn Tươi” và “Thế giới”, tôi được dịp tìm hiểu báo nào bán được, báo nào bán yếu vì lúc ấy, hai ông Nguyễn Văn Hợi và Phạm Văn Tươi hợp tác với mấy anh em làm một nhà tổng phát hành. Đây là thời kỳ học hỏi. Ngoài công việc viết sách, tôi chỉ đứng ở ngoài hợp tác với mấy tờ báo của bạn hữu, đáng kể là tờ “Hòa Bình” do một người bạn từ thuở nhỏ đứng ra làm cho một đảng chính trị ở đây. Nguyễn Kim Sinh, tổng thư ký tờ “Hòa Bình” là một nhà báo lành nghề, từng cộng tác và làm nổi bật nhiều tờ báo ở Hà thành, như “Hồ Gươm” của Bùi Cẩm Chương, “Quê Hương” của Bùi Đức Thịnh và “Cải Tạo” của Phạm Văn Thụ, rủ tôi về viết hàng ngày mục bình luận thời sự và mục châm biếm cho báo. Nhờ sự hợp tác đó, tôi lại rút thêm một kinh nghiệm nữa về báo ở đây: viết lớ ngớ có khi chết oan, chứ đừng mong bị truy tố ra tòa như dưới thời Pháp thuộc.
Như thường lệ, vào dịp hai mươi ba Tết năm ấy, trong mục “Thiên hạ sự”, tôi có viết một bài tếu nói về việc đốt vàng mã và nhân dịp có kể lại câu hát cũ:
Ba mươi tết, tết lại ba mươi.
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú Khách,
Một tay cầm cái dù rách
Một tay xách cái chăn bông
Em đứng bờ sông
Em trông sang nước người:
“Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi”
Một tay em cầm quan tiền,
Một tay em xách thằng bù nhìn
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi,
Ơi ai ơi, của nặng hơn người...
Ai ngờ chỉ có thế mà sanh ra to chuyện. Bộ Thông Tin - hồi ấy do ông Trần Chánh Thành điều khiển - cho chữ “thằng Ngô” đó là nói xỏ ông Ngô Đình Diệm, nhờ Công an điều tra và làm lung tung lên một dạo, tưởng chừng như là sắp tận thế đến nơi.
Ai đã từng theo dõi ngành báo từ hồi Tây cai trị, tất phải nhận rằng Tây bóp cổ báo chí không kinh bằng Nhựt. Tây buộc mồm báo lại, nhưng ngoài mặt vẫn làm ra dân chủ một phần nào, chớ đến Nhựt thì không có
oong đơ gì hết, đến đây hôm trước thì hôm sau bắt những nhà báo có tiếng là chống đối rồi kế đó thiết lập luôn chế độ kiểm duyệt, cắt bỏ những đoạn nói lờ mờ thẳng tay, chớ đừng nói là những đoạn chê bai, công kích Nhựt. Tôi còn nhớ lúc ấy có một tờ báo hàng ngày - hình như là tờ “Đông Pháp” - đăng vào mục Hà Nội một tin xe cán chó. Thực ra, báo ta hồi ấy mà đăng tin xe cán chó không có gì lạ hết; nhưng vô phúc cho nhà báo ấy lại dùng phải một ông phóng viên hơi khùng, viết tin lại muốn đúng sự thật 100 phần 100, nên nêu rõ là xe cán chết con chó Nhựt. Mặc dầu báo chỉ mới đập mô rát để đưa ra kiểm duyệt, chớ chưa in để phát hành, các quan Nhựt cũng nổi trận lôi đình, la lên như sấm sét và điện ngay cho hiến binh đến bắt chủ nhiệm, quản lý và mấy người viết về “thẩm vấn”.
Bây giờ, mỗi khi nói đến chế độ kiểm duyệt, tôi hay đem hai sự việc trên kia ra so sánh và buồn cười không chịu được. Nhưng biết làm sao, ở một nước có tổng thống, có hiến pháp như mình, có bao nhiêu quốc gia thừa nhận, luật pháp không phải là trò đùa, chống đối lại chỉ là chơi với lửa. Hầu hết các báo đều hiền như con cừu. Gan lắm thì im lặng, không công kích, không nói bóng nói gió một câu đến chính quyền; còn lại bao nhiêu báo khác thì a dua, nịnh bợ không tiếc lời; hơn thế, lại còn tiếc là sao chữ Việt mình nghèo quá, để cho mình không đủ chữ để mà nịnh cho thực đã... Vì thế, ta đã thấy có ông nhà báo xin đến ngâm thơ cho tổng thống nghe; có ông đề nghị lập tượng tổng thống ở chợ Bình Tây và có ông được tổng thống tiếp kiến về viết bài ca tụng tổng thống, ví tổng thống với mặt trời ở trong dinh Độc Lập.
Thực ra, các nhà báo ấy viết ra như thế, in lên như thế, nhưng ở thâm tâm thì một số lớn chửi thầm tổng thống, song cái việc phải nịnh thì cứ nịnh, nịnh bất cứ ai, miễn có lợi thì thôi, nếu dại dột mà đả kích Ngài thì chỉ có mà... ăn sắn. Nghĩa là nhà báo chống đối chẳng trước thì sau cũng bị lâm vào mấy cái thế sau đây: báo bị đóng cửa; chủ nhiệm, quản lý... bị đưa đi bí mật ban đêm; nếu không thế thì một ngày đẹp trời nào đó tự nhiên cũng bị ghép vào tội gá bạc, tống tiền, dỗ gái vị thành niên hay đi lừa đảo, đưa ra tòa, gia sản bị tịch biên, có bao nhiêu vốn liếng đi tiêu hết.
Lúc ấy, sau ba lần thắng Bình Xuyên và áp dụng biện pháp mạnh đối với các giáo phái, thắng lợi, Ngô Đình Diệm bắt đầu có lông có cánh, ra mặt chống Bảo Đại, không đi Pháp để trình với Quốc trưởng về các biến cố ở nước nhà, nhưng ở lì trong nước tập làm độc tài cỏ, đưa họ hàng lên nắm hết các chức vụ quan trọng. Ông Trần Văn Chương, thân phụ bà Ngô Đình Nhu, được đưa lên chức Quốc vụ khanh. Các cuộc tranh giành quyền thế, và cũng là những cuộc thanh toán, bắt đầu diễn ra trong dinh Độc Lập. Từ một nội trợ giặt áo, nấu cơm, tắm rửa cho con, bà Nhu thành một nhân vật của nhà Ngô và bà đã nhờ cái sếch áp pin thuyết phục các lãnh tụ quân sự và các cố vấn và ngoại giao Mỹ ở Sài Gòn. Nhưng đồng thời giúp ích cho họ Ngô Đình, bà không quên nghĩ đến cho chính gia đình bà trước: mẹ bà, bà Trần Văn Chương, lên như diều; ông Chương làm đại sứ ở Hoa Thịnh Đốn: Nguyễn Hữu Châu, em rể của bà, cũng có tiếng là người tình cũ, làm bộ trưởng tại phủ tổng thống, em ruột Trần Văn Chương là Trần Văn Đỗ được tôn lên làm ngoại trưởng, con trai của ông Chương là Trần Văn Khiêm làm giám đốc báo chí, rồi được bổ làm giám đốc Mật vụ. Việc thay đổi bộ máy cầm quyền từ 1954 đến 1956 nhắm mục đích giành quyền của bà Chương về cho bà Nhu. Nói một cách khác, ngay trong gia đình Trần Văn đã có sự tranh giành quyền thế, mà giữa họ Trần Văn và họ Ngô Đình lại cũng có sự tranh giành nữa; nhưng tựu trung Việt Nam lúc bấy giờ là một quốc gia cảnh sát do hai gia đình quan lại Trần Văn và Ngô Đình nắm hết quyền hành. Gia đình Trần Văn tương đối còn trung thành phần nào với tập tục cổ truyền của nhà vua Bảo Đại, chớ họ Ngô Đình thì trắng trợn ly khai với chế độ cũ và nuôi cái mộng lập một triều đại mới: triều đại Ngô Đình.
Cố nhiên muốn thực hiện mộng đó, phải tàn ác diệt trừ những cá nhân, đoàn thể chống đối, mà cá nhân và đoàn thể chống đối lúc ấy là những người gốc ở miền Bắc và miền Nam chỉ muốn nhà Ngô giữ lời đã hứa là tổ chức cuộc bầu cử để họ có thể bầu người đại diện của họ lên lo việc nước. Theo những người có tiếng là chống đối này, ông Diệm là một lính nhảy dù do Mỹ thả từ trên trời xuống và không có rễ ở dưới đất. Đứng trước sự chỉ trích hỗn xược đó, ông Nhu và vợ đặt ở các văn phòng các đường phố một số mật báo viên, có nhiệm vụ báo cáo những phần tử chỉ trích chánh phủ; ngoài ra theo dõi hành động của các tờ báo khác, hồ thấy viết một câu nào xa xôi, xách mé bóng gió thì đóng cửa vĩnh viễn, còn ký giả nào bướng bỉnh, không quy phục thì chụp cái nón cộng sản lên đầu, cho xuống hầm tối để không bao giờ lên được đất liền nữa, hoặc có lên được cũng mù lòa, què quặt, bán thân bất toại.
Không khí làng báo lúc ấy thật đìu hiu, tẻ lạnh. Mỗi buổi sáng, người làm báo nhận được những cú điện thoại cho biết phải tránh những tin gì không được nói, những lời tuyên bố nào của ông Diệm, bà Nhu phải làm to; thậm chí lại có khi buộc phải đưa câu nói này của bà Nhu lên làm vơ đét tám cột, diễn văn kia của ông Diệm năm cột và kèm theo thật nhiều tranh ảnh.
Tất nhiên, những ký giả, chủ nhiệm, có dây mơ rễ má với gia đình Trần Văn hay Ngô Đình, được nhiều quyền lợi ưu tiên; nhưng dù không có quyền lợi gì của họ ban cho, một số ký giả vẫn cúi đầu ra báo một cách ngoan ngoãn vì mấy lẽ sau đây: một là số báo xuất bản lúc ấy hạn chế, tồi ra cũng cứ tằng tăng kiếm được ít lời hàng tháng để nuôi vợ con, gà chó; hai là được cấp giấy in giá rẻ, in một ít còn phần lớn thì đem bán chợ đen cho các chú ở Chợ Lớn; ba là có dịp thậm thà thập thọt họp báo ra vào dinh Độc Lập, biết đâu lại không được bà Cố vấn đoái đến mà ban cho một áp phe ra tiền?!!
Tôi còn nhớ, hồi đó, nửa muốn thử thách xem sao, nửa cũng là vì tinh nghịch, ba lần tôi gửi đơn xin ra một tờ báo lấy tên là “Quảng Cáo” không được, mà không vì lý do gì cả. Một hôm, đi chơi trên đường Tự Do, tôi gặp giáo sư Ortoli, dạy Pháp văn từ đệ tứ đến đệ nhất, rủ vào uống rượu ở một nhà hàng nọ. Giáo sư Ortoli hỏi tôi có thường gặp Trần Thị Lệ Xuân cùng học ban B với tôi không, “bây giờ là Mme Ngô Đình Nhu, anh biết rồi đấy chứ”. Tôi trả lời không. Giáo sư Ortoli nói: “Tôi gặp Xuân luôn và en tỏ ra tốt lắm. Nay mai tôi trở về Pháp, nếu anh có cần gì, cứ điện thoại cho tôi, chúng ta sẽ cùng đến để nhờ Xuân giúp”.
Tôi cảm ơn lấy lệ. Trong thâm tâm, tôi nghĩ mình cũng chẳng cần gì phải nhờ Trần Thị Lệ Xuân giúp đỡ, nhưng ví có cần giúp đỡ chăng nữa, tôi ngờ rằng lời nói của một ông thày học cũ không thể làm cho Xuân chú ý bằng một người Mỹ mới. Tôi yên lặng ngồi viết sách cho nhà xuất bản “Phạm Văn Tươi”, “Thế Giới”, và nghe thấy từ dưới đường vọng lên những tiếng chuyển động khác thường: đó là tiếng oán than của những cuống họng bị bóp nghẹt lẫn với tiếng cười của trai gái đú đởn trong ánh đèn mầu, tiếng nguyền rủa não nề của dân chúng tắc thở vì chế độ tự do bị nhà Ngô bóp chẹt. Các giáo phái, các chánh đảng, các tầng lớp nhân dân nghĩ phải làm một cái gì, nếu không thì quá trễ, nhưng, thay vì đoàn kết để chống lại nhà Ngô thì họ lại chia rẽ, kình chống nhau. Các chánh đảng không thể thống nhứt trong một mặt trận chung, vì thế vợ chồng ông Nhu càng đắc thế và càng áp dụng hữu hiệu chiến thuật “chia để trị”. Báo chí cúi đầu theo răm rắp, suy tôn Ngô tổng thống. Vào rạp chiếu bóng, rạp hát, phải chào cờ và đứng nghiêm nghe nhạc trổi bài “Toàn dân Việt Nam biết ơn Ngô tổng thống - Ngô tổng thống, Ngô tổng thống muôn năm” cho đến khi lá cờ vàng sọc đỏ mờ dần cùng với cái hình ông lùn mập, mới có quyền ngồi xuống để xem “đượi” Âu Châu nhảy tuýt. Báo câm như hến. Không có một ký giả nào dám lên tiếng phản đối anh em nhà Ngô, dù là phản đối xa xôi. Phải đợi mãi đến năm 1960, cơn sốt mới bùng lên: đại tá Nguyễn Chánh Thi, trung tá Vương Văn Đông, cùng một số sĩ quan đem quân vây dinh Độc Lập và đòi Ngô Đình Diệm rút lui. Ngô Đình Diệm trao quyền cho các tướng lãnh để lập chính phủ khác, nhưng sau nhờ các sư đoàn 7 ở Biên Hòa và sư đoàn 21 ở Mỹ Tho về ứng cứu kịp thời, Ngô Đình Diệm thoát chết: Đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông rời khỏi Việt Nam, Ngô Đình Diệm lại phệnh phà phệnh phạo tuyên bố hỗn xược không chê được, và cố nhiên Quốc hội lại ngỏ lời trung thành, các đoàn thể lại biểu tình ủng hộ và lũ cầy cáo hèn nhát đi với cách mạng lại quay về thần phục nhà Ngô.
Lúc ấy, tôi đang làm “Dân Chúng”. Tôi còn nhớ bầu không khí nẩy lửa lúc đó, ai cũng hăng say muốn thấy Ngô Đình Diệm và công ty bị chết đâm chết chém. Cứ đăng hết những tin tức đảo chánh lúc đó, không thêm bớt, thì độc giả cũng đã khoái tỉ lắm rồi, khỏi cần bình luận; nhưng đa số nhân viên “Dân Chúng” dè dặt không dám đăng thật rõ, có ý muốn “trông và chờ”, một phần vì sợ cho tính mạng tờ báo sau này nếu cuộc đảo chánh không thành và mặt khác thì anh em không dám quyết định một thái độ dứt khoát vì lẽ khi ấy giám đốc tờ “Dân chúng” là ông Mạc Kinh Trần Thế Xương, lại không có mặt ở Việt Nam. Tô Văn và Cát Hữu thấy Phi Vân tỏ ra sợ sệt, chửi ầm cả lên, nhưng rút lại báo “Dân Chúng” tương đối lúc ấy “hiền lành” và mỗi khi có tin gì bất lợi cho Ngô Đình Diệm thì viết một giọng hoài nghi, đánh dấu hỏi, chớ không dám quả quyết như mấy tờ báo khác.
Giá thử lúc ấy Trần Thế Xương có mặt ở nhà, chắc chắn báo “Dân Chúng” có một thái độ khác hẳn, là vì từ lúc mới ra, “Dân Chúng” đã đứng về phía chống đối chánh quyền Ngô Đình Diệm, mà điển hình nhất là vụ hội chợ Thị Nghè, Trần Thế Xương đả kích bọn các ông Trần Kim Tuyến và Lý Trung Dung bằng thích!
Điều khiển tờ “Dân Chúng”, Trần Thế Xương trước sau giữ nguyên một lập trường không thay đổi. Lúc đầu, báo in thuê ở nhà in Nguyễn An Ninh, tương đối khá chạy, nhưng không hiểu về sau báo có bị các người của Ngô Đình Diệm ếm không, mà cứ xuống dốc lần lần, mặc dầu bài vở lúc nào cũng thế. Vì vậy, có một lúc nhà báo đã có ý định tự đóng cửa vì hết tiền. Thực ra, muốn cho báo sống, Trần Thế Xương cũng có cách để vận động với anh em, bà con lúc đó đương bám chặt Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm; nhưng nguyên là một con người có đầu óc, lại nóng như điên, nên anh nhất định không chịu làm cái việc hèn hạ ấy. Thà chết, chớ không hạ mình xin xỏ, lậy lục ai. Vậy “Dân Chúng” sẽ chết trong sự trong sạch, nhưng anh em muốn rằng trước khi chết, báo phải tỏ ra là “chịu chơi”, vì thế chúng tôi cứ nhùng nhà nhùng nhằng chờ một cơ hội thuận tiện. Vừa khi đó, thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng, lập lại một lời kêu gọi hiệp thương của ông Hồ hồi tháng 8 năm 1955, gửi thư cho Ngô Đình Diệm yêu cầu hiệp thương Nam Bắc, Trần Thế Xương cho ra một loạt bài về hiệp thương, bình luận về mọi khía cạnh hiệp thương để tiến tới thống nhất xứ sở. Bây giờ, nói đến chuyện hiệp thương, hòa hội là thường, nhưng có ai đã sống sát với thời cuộc lúc đó đều thấy rằng đưa vấn đề ấy ra làm tám cột, kéo dài hàng tháng phải là “trì” lắm. Nhất là đối với Ngô Đình Diệm là một thứ người có thành kiến, lì lợm, thì sự việc ấy lại càng đáng nể lắm vì Diệm không thích cái gì thì không muốn cho ai nói tới. Trái lại, dân chúng chán ngấy chế độ tự do dân chủ ngụy tạo của Diệm, lại muốn hiệp thương hai miền Nam Bắc nên loạt bài của “Dân Chúng” ra đời thì độc giả tìm đọc “không chịu được”, nhất là họ lại không biết - vì chánh quyền giấu kín lắm - bức thư của Phạm Văn Đồng gửi cho Ngô Đình Diệm, nên cho rằng việc báo “Dân Chúng” đề cập đến vấn đề hiệp thương Nam Bắc là một hành động can đảm và sáng suốt. Thế là báo “Dân Chúng” một phát hồi lại như thường. Lúc ấy, đi lại chặt chẽ với nhau, có Trần Thế Xương, Bùi Anh Tuấn và tôi, các bè bạn ở ngoài phần nhiều không giao thiệp công khai, một phần vì sợ mật vụ của Ngô Đình Diệm theo dõi và chơi võ gì xấu chăng.
Thấy chất viết về hiệp thương đã cạn, chúng tôi đang lo nghĩ để kiếm đề tài thì báo “New York Times” ở Mỹ đưa ra một bài phỏng vấn Trang Thiên Kim đăng suốt một trang và nối tiếp ba ngày liền. Lúc ấy, Diệm-Nhu không cho người dân tự do đọc báo nhập cảng. Chỉ có một số ít người đọc thôi, mà đọc rồi, thấy có gì lạ, không anh nào dám ho he thuật lại cho người khác biết, vì không biết ai là bạn mình, ai là mật vụ. Báo “Dân Chúng” làm một phát thứ hai: đưa mười câu hỏi của báo “New York Times” phỏng vấn Trang Thiên Kim ra mổ xẻ. Mỗi ngày, tôi dịch một câu hỏi và một câu trả lời, cương lên cho sôm câu chuyện. Cả buổi trưa, Trần Thế Xương và tôi ở lại nhà báo, thảo luận với nhau nên thêm chữ gì hay bớt chữ gì, viết thế này có được không hay là phải sửa lại câu văn cho nhẹ kẻo không “chúng nó trù”, loay hoay có khi mất đến một hai tiếng đồng hồ mới xong một bài. Phần nhiều xong bài vở thì đã một hai giờ trưa rồi, về nhà cũng lỡ tầu, chúng tôi đành dắt nhau đi ăn qua loa, rồi lại quay về nhà báo hì hục tìm các kiểu hình của Trang Thiên Kim, mỗi ngày đăng một kiểu, kèm với bài để cho bài báo “bô” thêm. Và đời sống của
“Dân Chúng” từ đó cũng bô thêm không thể chịu được, báo cứ cái đà ấy tăng lên mãi, tăng lên mãi, thậm chí trẻ con mua báo phải lấy phiếu trước từ sáng để chiều đến lấy, mà lấy như thế cũng không được, vì trẻ con có phiếu chen lấn với nhau dữ quá, nhà báo phải đóng cửa sắt lại kẻo không các em xung phong vào bên trong làm dữ. Nhân viên trị sự thò tay ra lấy phiếu, đếm báo rồi đưa ra ngoài. Tiếng hò hét, chửi rủa, kêu khóc hôm nào cũng vang lên khắp cả con đường Nguyễn An Ninh, làm cho anh em cảnh sát cũng khổ lây và hôm nào cũng phải cử vài người đến canh gác để duy trì trật tự và giao thông buôn bán. Anh em tòa soạn, chán nản bỏ đi lúc báo sắp đóng cửa, lúc này lại kéo về đông đủ như là hội hoa đăng, đua nhau viết bài cho báo bật hơn lên nữa, nhưng chỉ được một thời gian thôi, vì ty trị sự có một cái bịnh là lúc nào cũng kêu không có tiền!
Được trang ngoài rồi, chúng tôi lo chấn chỉnh trang trong, đặt thêm những mục mới như “Đọc sách giùm các bạn”. “Đọc báo giùm các bạn”, mục “Bịnh đàn bà”... Đến lúc vận khá, không nói vào đâu được: độc giả cho là báo “được” cả trang ngoài lẫn trang trong, tìm đọc rất đông, báo mười phần chết cả mười, bỗng nhiên chỉ trong có hai tháng hồi sinh lại và phồn thịnh hơn hết thảy các báo lúc bấy giờ. Cũng đến bấy giờ, tôi mới bắt đầu tin một điểm vẫn nghi ngờ từ trước: báo chạy nhiều khi nhờ hoàn cảnh giúp cho chớ không phải hoàn toàn do tài trí của người làm báo. Ra một tờ báo cạnh tranh với hàng chục tờ báo khác mà không có sáng kiến mới, bài vở hay thì khó mà đứng vững, điều đó đã đành rồi; nhưng nếu có cơ hội và có tin tức, hoặc có biến đổi gì quan trọng trong nước hoặc ngoài nước thì hy vọng thành công cũng nhiều hơn. Vì thế, cũng như tất cả mọi ngành, kiên nhẫn là một điểm quan trọng trong công cuộc làm báo; chỉ phiền một điều là người ra báo kiên nhẫn có thừa, nhưng không dư vốn thành ra không chịu đựng được, và do đó thường sinh ra cái nạn yểu tử, đồng tiền đội nón ra đi, mà ra đi rất lẹ. Thật thế, đứng về phương diện thương mãi, không có nghề gì lời bằng ra báo, nếu báo chạy; nhưng báo mà không bán được thì cũng không có nghề gì ăn gỏi tiền bằng.
Lúc làm “Trung Bắc Chủ Nhật”, tôi có viết về cách thức làm báo tabloid và, mở đầu thiên sưu tầm này, tôi có nhắc lại một chuyện về nghề làm báo do ông tổ sanh ra tabloid kể lại: bao nhiêu kho tàng của Diêm Vương chật ních vàng bạc, không còn chỗ đâu mà chứa nữa, mà âm phủ lúc ấy lại gặp cái nạn nhân mãn, người nhiều mà đất hiếm, không thể xây thêm bin đinh được, Diêm Vương, một hôm, bèn hội quần thần lại hỏi ý kiến để tìm xem có cách nào tiêu đỡ ít vàng bạc đi không. Một người bèn đề nghị xuất bản báo. Diêm Vương ô kê, cho ra báo liền... Và chỉ nửa năm thì vàng trong các kho vơi hẳn đi rồi hết nhẵn, gây một cái nạn thiếu hụt ghê gớm cho âm phủ.
Vậy tờ “Dân Chúng” thập tử nhất sinh, bây giờ lại sống lại. Sống lại thì hay đủ các cách: có tiền, nhờ thêm người viết, mà người viết thấy báo chạy hình như viết cũng hay hơn. Đó là trường hợp Văn Sen, có Pháp tịch, lúc vào giúp việc, không biết được một câu chữ Việt ngữ ra hồn; ấy thế mà chỉ hai, ba tháng, anh viết đã lâm ly và đưa ra nhiều loạt bài đến bây giờ vẫn còn có nhiều người nhắc nhở, như những ký sự “Con ma nhà chú Hỏa” và “Bí mật Tây Tạng” và “Đạt Lai Lạt Ma” cũng như những truyện thần bí và ma quỉ hay chài, ếm. Cũng dịp này, Văn Tuyên, gặp tôi ở tòa đại sứ Pháp, cũng ngỏ ý thừa thời giờ muốn viết chơi cho một tờ báo nào “kha khá”. Tôi lại giới thiệu anh về viết cho “Dân Chúng” hai mục: mục “Bàn Cờ Thế Giới” và mục “Phim hàng ngày” được thiên hạ chú ý ngay từ bài đầu, “Cô Thiên Kim và ông Nước Vàng (Goldwater)”, vì giọng văn rí rỏm, có duyên, thỉnh thoảng lại sổ Tây, sổ Nho ra một tí.
Nhưng báo hay cũng như người đẹp: không để cho người ta thấy bạc đầu. Sau vụ đảo chánh 1960, Ngô Đình Diệm không chết, nhưng lại chết tờ báo tương đối e dè nhất, cân nhắc nhất, khi tường thuật các biến cố xảy ra. Tôi và mấy người bạn đang ngồi ở trên lầu vừa đánh phé, vừa ôn lại mấy ngày sôi nổi vừa qua, thì hàng chục xe ô tô nhà binh và cảnh sát đến khám xét nhà báo, đập phá máy in, tung hê các ô chữ ra đường, rồi lấy giấy tờ, máy chữ, bút máy, bình mực, búp bê, nón mốt săng, áo mưa... lấy hết, đem đi. Nhà báo thì khóa ba khóa, niêm phong cẩn thận, sau khi để cho các người ở trong nhà báo vừa kịp khoác cái áo sơ mi, đi ra ngoài. Một vài tờ báo khác cũng lâm vào trường hợp như chúng tôi lúc đó. Anh em “Dân Chúng” tản mác mỗi người mỗi ngả. Cố nhiên là trong bọn có một vài người vì vấn đề cơm áo, vợ con, ngầm đi với bọn mật vụ còm để xin tha tội “treo cổ” - vì ở đâu cũng có bích chương viết tay đòi treo cổ người này, bắn chết người kia - nhưng đa số thì lì lợm ăn xong ngồi đánh phé và loan báo cho nhau biết bọn chánh khách, quân nhân nào đã xé hàng rào cách mạng, chạy vào dinh Độc Lập, bọn nào đã làm hư cuộc đảo chánh và đã khóc lóc như trẻ con lúc bị trói ở trường bay Tân Sơn Nhứt và không quên theo dõi hành động của Nhu Diệm cùng bề tôi nhắm củng cố địa vị, uy tín, đồng thời sẽ đối phó với những người tham gia cuộc đảo chánh ra sao.
Hàng ngày tin tức cho biết, trong “Dân Chúng”, có hai người bị kết vào tội “chết treo”. Trường hợp bị coi như là nặng. Lần lần các báo khác, cũng bị niêm phong và đập phá như “Dân Chúng” được “giải tỏa”, có tờ lại tục bản; nhưng riêng tờ “Dân Chúng” thì vẫn cứ bị “cửa đóng then cài” hết tháng nọ sang tháng kia. Trần Thế Xương ở Nam Vang không về, vì biết về thì thế nào cũng bị những người thù từ trước làm khó dễ. Thành ra tờ báo đã không xuất bản được, mà bao nhiêu sổ sách, giấy tờ, phắc tuya thu quảng cáo cũng như ngân phiếu của các cơ quan mua báo gửi về trả không thể nào lấy ra được. Về sau này, tôi được biết riêng cái tội của “Dân Chúng” viết về cuộc đảo chánh chống Ngô Đình Diệm, tự nó, không nhẹ mà cũng không nặng hơn các tờ báo khác; nhưng báo cứ bị niêm phong chơi như thế hàng năm, hàng tháng là vì “Dân Chúng”, lúc sinh thời, đã tỏ ra một thái độ chống Ngô Đình Diệm, Trần Thế Xương đi sát với trung tá Vương Văn Đông và dính líu vào cuộc đảo chánh. Nhưng trên các tội ấy, “Dân Chúng” còn một cái tội khác quan trọng hơn nhiều là họ Trần có một anh em làm bộ trưởng ra vào dưới trướng Ngô Đình Diệm, bị một số người khác coi là “ngoan cố”, “phản bội” và thường thậm thọt với Ngô Đình Nhu để tìm cách “tẩy nhẹ” anh em.
Chính các người chống họ Trần đó lại có công rất lớn trong việc bẻ gãy cuộc đảo chánh và cứu Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu thoát chết, thành ra mới có cuộc “ân trả oán đền” trường kỳ nói trên và cũng vì thế ta mới thấy sau khi củng cố được địa vị rồi, Nhu và Diệm cho ba tờ báo mới ra đời để đền đáp lại công ơn của những người chung thủy. Đó là tờ “Đồng Nai” của Huỳnh Thành Vị, “Tiếng Dân” của Trung tá Châu và “Saigon Mai” của Ngô Quân.
SAU KHI ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM THOÁT CHẾT LẦN THỨ NHẤT
Sài Gòn, sau ngày đảo chánh hụt 1-11-60, lần lần trở lại bộ mặt bình thường. Những báo đăng những tin bất lợi cho ông Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chánh lo sốt vó. Lúc ấy, những người có công với các ông Diệm và Nhu giả thử muốn phá nhà báo nào, cho ký giả nào đi mò tôm cũng cứ được đi, nhưng họ đã khôn khéo không nghĩ tới việc đối phó mà chỉ lo củng cố địa vị cho ông Diệm. Nhất cử, nhất động lúc ấy rất là thận trọng. Ngoài mấy tờ báo đóng cửa, chính phủ không cho ra thêm một tờ báo nào hết, trừ ba người có thể chắc chắn là không phản bội, hơn thế lại có công lao không ít thì nhiều với họ Ngô hay bác sĩ Trần Kim Tuyến: ông Huỳnh Thành Vị được phép xuất bản tờ “Đồng Nai”, Ngô Quân, tờ “Saigon Mai” và Trung tá Châu tờ “Tiếng Dân”.
Tôi không làm hẳn cho tờ báo nào, nhưng cùng lúc tôi được ủy nhiệm trông nom cả cho ba tờ ấy. Hàng ngày, mỗi buổi sáng, tôi đảo qua cả ba tờ. Thư ký tòa soạn của “Đồng Nai” là Từ Thành; “Saigon Mai” do Ngô Quân đảm trách về bài vở; còn báo “Tiếng Dân” thì bài vở do Mặc Thu thâu thập lúc đầu. Trong ba tờ này, “Đồng Nai” ra trước hết. Vì lẽ lúc ấy báo ra hạn chế, mà cũng vì người dân muốn biết biến chuyển tình hình trong nước qua một tờ báo mới “cắt chỉ”, nên ngay từ số đầu, báo “Đồng Nai” đã được các giới tranh nhau tìm đọc. Các bài xã thuyết hướng mạnh về nông thôn. Tin tức không có gì mới, nhưng trang trong hấp dẫn vì nhiều bài có ích mà lại đánh đúng tâm lý bạn đọc thanh niên, nhưng đáng ghi là tờ “Đồng Nai”, lần đầu tiên, đã đăng một võ hiệp kỳ tình tiểu thuyết dịch của Tàu. Từ trước, các báo ở đây chỉ đăng Tây Du, Phong Thần, Tam Quốc; đến lúc có phong trào di cư thì báo đều đăng tiểu thuyết trước tác hay phỏng theo Tây vì coi tiểu thuyết Tầu là lạc hậu.
Tôi nhớ trong một cuộc tiếp xúc, một ông bạn đặc trách về báo chí trong văn phòng ông Ngô Đình Nhu, thấy tôi đưa ra tiểu thuyết kiếm hiệp Tầu, có ý không tán thành và muốn bỏ đi, nhưng tôi không chịu, viện lẽ báo mới ra cần phải có độc giả, một khi đã vững rồi, sẽ tính sau. Đúng như lòng mong đợi, tiểu thuyết kiếm hiệp ấy được người ta tìm đọc nhiều. Tiền Phong, vốn là một nhà viết kịch và đóng kịch ở Bắc, bắt đầu nổi tiếng từ đó và cũng từ đó anh thành ra một tên tuổi trong làng dịch tiểu thuyết Tầu, nhứt là từ “Cô Gái Đồ Long” cũng đăng trên báo “Đồng Nai”, làm cho báo ấy in không kịp bán. Hai chữ “Kim Dung” thành ra thần tượng ở nước ta bắt đầu từ đó. Nhiều báo khác thấy thế, đua nhau dịch tiểu thuyết chưởng, khi có truyện Kim Dung thì tranh nhau mua về dịch. Kết cục, dịch tiểu thuyết Kim Dung thành ra một cái... dịch, báo nào đăng nhiều truyện Kim Dung thì chạy, báo nào không có thì ế, vì độc giả mê Kim Dung quá, ngồi đâu người ta cũng bàn tán với nhau về Kim Dung và nghiêm chỉnh đặt vấn đề quan trọng gấp bội vấn đề Mỹ rút quân, hòa đàm Balê phen này có khai thông được không hay là cứ bế tắc hoặc chánh sách hòa bình của Nixon khác của Johnson những điểm nào. Tôi đã từng thấy có những độc giả làm những cử chỉ mới đầu tưởng như có thể làm vinh dự cho báo này hay báo nọ: họ đến sạp báo hỏi mua một tờ và giựt lấy đọc lia lịa một hồi rồi trả tiền và biếu luôn tờ báo cho người bán báo và đi. Té ra họ mua báo chỉ đọc thật nhanh cho thật “đã” truyện chưởng của Kim Dung rồi thôi, không cần đọc gì khác nữa. Người làm báo thật yêu nghề, thấy thế, không khỏi cảm thấy trơ trẽn vì bao nhiêu tâm huyết của mình đem ra làm báo đều vô ích: Làm cho báo chạy có phải là chủ bút, chủ nhiệm, thư ký tòa soạn, bỉnh bút hay phóng viên đâu, nhưng là một người xa tít tận đâu đâu viết cho người Trung Hoa coi rồi mình đem ra nhai lại mà thấy vẫn ngon như thường!
Này, thế tôi đố anh có dám cá với tôi không nào; cái thằng Lệnh Hồ Sung nó mê con Nhạc Linh Sơn, thế rồi con Nhạc Linh Sơn gặp thằng Lâm Bình Chí, đẹp trai hơn, lại mê thằng Lâm Bình Chí. Anh dám cá không: tôi bảo thằng Lệnh Hồ Sung rồi lại quay lại với con đó đấy, chớ đến kết thúc rồi nó cũng chẳng lấy con Doanh Doanh hay con ni cô Nghi Lâm như nhiều người tưởng lầm đâu. Ấy đấy, anh cá với tôi đi nào!
Người độc giả Việt Nam Cộng Hòa đọc báo và suốt ngày đánh đố nhau như thế. Nửa thế kỷ sống với chiến tranh đau khổ, người nào mà không chán nản và muốn tự thoát ly ra bên ngoài, vì thế người ta không lấy làm lạ, sau chiến tranh thứ nhất, các báo có nhiều tiểu thuyết chạy hơn các báo bình luận thời sự, và ít lâu trở lại đây, người ta ưa đọc truyện trưởng, truyện thần tiên kiếm hiệp hay truyện tình du dương hơn là coi lời tuyên bố của ông tướng này, phóng sự về trận chiến kia hay thông cáo chung về cuộc hội đàm tay năm, tay sáu nọ.
Cũng trong một tinh thần đó, mục “Tử vi của bạn” có một dạo được coi như là một mục “tủ” của tờ báo: đàn ông cầm tờ báo giở liền ra xem mình tuổi Quý Mão ra sao, và vợ mình tuổi Tỵ hôm nay xui hay là hên, có làm xong cái áp phe ấy hay không, còn đàn bà tuổi Thìn, hôm nay tốt hay xấu và có hy vọng có tiền hay không. Tôi quen nhiều ông thầy tướng, thầy số phụ trách về mục tử vi như thế: có ông “bao” sáu bảy tờ, ký hai ba tên hiệu khác nhau, cứ đầu tháng lại cho người đưa đến cho mỗi báo một cuốn số, xào đi xào lại cho khác nhau một chút, nhưng tựu trung thì nói “bố láo” hết vì tôi biết chắc có anh ham ăn ham chơi quá đã bảo thư ký lấy tử vi năm 1957 chép lại cho các báo xuất bản năm 1961 đăng tải và, hơn thế, chính tôi đã biết những ông nhà báo đăng lầm tử vi tháng 5 vào tháng 8 và tháng 1 vào tháng 11, lầm nam ra nữ, nữ ra nam, mà độc giả vẫn say sưa và chịu là mục tử vi của báo này, báo nọ “đoán trúng phong phóc, không chịu được”.
Tội nghiệp cho độc giả, mất tiền mà bị lừa. Nhưng đó là ý nghĩ của một số người cầm bút. Đa số cho rằng họ thích gì thì cho họ đọc; cái hại chưa thấy đâu, nhưng cứ thấy ngay rằng báo mình chạy, mình có tiền trả nhà in để cho nó khỏi mè nheo; ngoài ra, anh em lại có xu tiêu không “rách” là được quá rồi, chớ còn mong gì hơn nữa. Vì nuôi trạng thái tâm lý đó, một số nhà báo ở đây khai thác những vụ giết người vì tình, làm phóng sự, ký sự về ông đạo nhỏ, đạo nước lạnh, đạo ớt, đạo xôi, đạo chuối hàng tháng mà vẫn đề “còn nữa” hay tiểu thuyết hóa cuộc đời của những trai trốn chúa, gái lộn chồng, còn hơn cả những anh hùng dân tộc. Mối tình Lãng, Hổ còn nhiều bí ẩn, phải làm thế nào cho bật được ra cái nhân vật thứ ba nổi tiếng là đạo đức một thời mới thực ăn khách đấy, bồ à. Chết cha tôi chửa, phương thức Manila viết làm gì đến hai cột thế này, sao không hỏi thêm chi tiết về vụ Trang Kim Yến suýt giết chết Thanh Lan vì một bức thư, hay vụ Hùng Cường - Bạch Tuyết và đặt câu hỏi: “Bạch Tuyết mê Hùng Cường hay Hùng Cường mê Bạch Tuyết?” làm cái 3 cột ở cuối trang nhất, vét một ít khán giả kịch trường có hơn không? Nhưng tôi xin căn dặn hết thảy anh em lần nữa: cái việc ông gì mời hai ông gì lại văn phòng đưa tiễn mười bốn triệu vì hai ông ấy có tiếng nói quyết định ở đại hội thì lờ ngay đi nhé, cứ để mặc bà tôi lo liệu, được tí tiền lẻ nào, tôi không quên các anh em đâu, đừng sợ!
Huỳnh Thành Vị, chủ nhiệm báo “Đồng Nai” là một người có học, nên đã tránh được nhiều cái hèn kém đó; nhưng vì quá say mê cho báo chạy nên có vài ba trường hợp thấy người khác làm cũng muốn làm; tuy nhiên, vì có anh em cản trở nên lại thôi kịp thời. Dù sao, cũng phải nhận rằng anh là một người chung thủy với lập trường, nhưng vì trực tính như điên nên một số anh em không thể nào gần được, dù vẫn biết là bản tâm anh rất tốt. Đó là trường hợp của tôi, sau hơn một năm cộng tác với tờ “Đồng Nai”.
Lúc ấy, Vị là chủ nhiệm, tôi là thư ký tòa soạn, Tô Văn còn viết bài ở ngoài đưa tới hàng ngày. Trong các anh em thường trực, có một anh không nhớ là lầm lẫn cái gì xét ra không quan hệ lắm, nhưng không hiểu Vị ngán anh ta hay là vì cáu bẳn vì chuyện nhà chuyện cửa, đứng giữa nhà chữ, “mạ” anh ký giả kia tàn tệ, đến nỗi anh em xếp chữ phải bảo tôi: Nếu tôi là anh X, tôi đi ngay chớ không làm thêm một phút". Mà chính anh X cũng biết như thế, vì sau đó nửa tiếng đồng hồ, anh dắt tôi đi uống nước, rơm rớm nước mắt bảo tôi: “Moa nhục quá, moa bần tiện chịu đựng chỉ là vì moa nghiện, chớ nếu moa không nghiện thì đâu có thể như thế được”. Tôi không nói, nhưng ngay buổi trưa hôm đó, tôi cùng Vị về nhà riêng, báo cho Vị biết tôi chỉ giúp tờ “Đồng Nai” hết tháng thì thôi, không thể làm hơn được nữa. Ký giả X có thể vẫn cứ ở lại với anh, nhưng tôi, với địa vị là thư ký tòa soạn, đứng mũi chịu sào mà để cho anh em bị “mất mặt” như thế trước mặt anh em xếp chữ, tôi cảm thấy đau khổ trong lòng hết sức.
Huỳnh Thành Vị đối xử với riêng tôi lúc nào cũng thành thực, tận tình, quí hóa. Nghỉ tờ “Đồng Nai”, không có nghĩa là tôi nghỉ cảm tình với anh, nhưng chuyện đó không quan hệ giữa cá nhân và cá nhân.
“Đồng Nai” có một hồi chạy hết sức: đó là lúc mới ra và lúc đăng truyện “Cô Gái Đồ Long”, mỗi buổi sáng trẻ con mua báo ngồi đen đặc cả đường Thủ Khoa Huân và góc đường Gia Long. Những ngày sôi nổi như thế in sâu vào trí óc người làm báo còn lâu, nhưng trong tất cả các kỷ niệm về “Đồng Nai”, có một kỷ niệm tôi không thể nào quên được, mà chính người trong trị sự và tòa soạn báo “Đồng Nai” cũng như chánh quyền và độc giả, rất ít người chú ý. Đó là một đoạn văn phiếm của Phạm Văn Tươi, bút hiệu “Tú Xe” viết trong mục “Thiên hạ rù rì” - viết sau khi Ngô Đình Diệm thoát chết trong cuộc đảo chánh 1960 - mà viết ngay trên báo “Đồng Nai” là một trong ba tờ báo mà Nhu và Diệm đặc biệt ký giấy phép cho ra, sau đảo chánh. Đoạn văn ấy đại khái như sau: Có một anh thái tử rất hỗn xược, một hôm, trèo lên lưng một con voi có tiếng là hung dữ, rồi cứ ngồi ì ra đấy không chịu xuống. Vua và hoàng hậu sợ quá, khuyên thái tử xuống, thái tử không chịu; các quan triều thần lậy để xin thái tử xuống, thái tử cũng không chịu nữa. Chán quá. Cả triều đình nhốn nháo lên. Vua và hoàng hậu buồn muốn khóc. Thấy tình hình bi thảm như vậy, tên nài phủ phục xuống đất, xin cho lên lưng voi để khuyên thái tử, thì mả quá, chẳng biết nó nói nhỏ vào tai thái tử cái gì mà thái tử ngoan ngoãn xuống liền! Cả triều đình xúm lại hỏi tên nài đã dùng câu thần chú gì bảo thái tử mà có hiệu năng lạ kỳ như vậy, thì nó ngần ngừ mãi mới thưa rằng: “Bẩm các quan, các quan có tha tội chết cho tôi, tôi mới nói”. Mọi người ô kê. Tên nài mới khai thực như sau: “Thưa các ngài, tôi chẳng có thần chú nào hết, mà cũng chẳng có phép gì kỳ lạ. Tôi ch’ r’ vào tai nó có một câu, thế là nó xuống”.
- Câu gì? Nói nghe. Câu gì mà lạ vậy? Câu gì mà thái tử lại nghe mày liền, còn bố, mẹ và các quan lạy nó hết nước hết cái mà nó cứ nằng nặc không chịu xuống?
- Dạ, câu ấy bình dân lắm. Tôi bảo thái tử thế này: “Mày lì quá, tao bảo cho mà biết, mày mà cứ bám mãi, tao đánh cho thấy bà cố nội bây giờ! Tổ sư cha mày!”.
Bảo là “nham nhở”, Tú Xe quả đã chơi một phát nham nhở thực. Có trách nhiệm phải coi lại bài vở trước khi cho “bon à tirer”, hôm ấy, tôi lại về sớm vì có việc ở báo “Tiếng Dân” mà Huỳnh Thành Vị thì cũng bận việc ở ngoài; đến lúc báo in xong, tôi lại hồi ba giờ chiều thấy đoạn ấy muốn đục cũng không kịp nữa, vì báo đã phát hành rồi.
Hình như công lệ của người làm chính trị là bất cứ lúc nào, nói đến ai không ở phe phái của mình thì đả kích thậm tệ, không tha một điểm nào. May thay, tôi lại không làm chính trị, nên đến đây tôi phải thành thật nhận là bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị hồi đó, đã tỏ ra chịu chơi hết sức. Biết rõ cái “hố” không thể cứu vãn được bằng cách thu số báo “Đồng Nai” ấy lại, ông cho rằng “mọi việc ở đời đều quan trọng, nhưng nhiều lúc ta phải quan niệm chẳng có việc gì quan trọng cả” và ông hứa sẽ tìm cách đối phó thích nghi nếu ông Diệm hỏi đến vụ này. Nhưng rồi ông Diệm cũng chẳng bao giờ biết cả, thành ra báo “Đồng Nai” cứ sống, có lúc chạy dữ dội, có lúc chạy tằng tằng; nhưng có một điểm đáng nghi là người chủ trương báo “Đồng Nai” không lúc nào phải dùng đến hạ kế đưa văn dâm dật để câu độc giả trong lúc hầu hết các báo đều nhằm vào sự việc đó để lôi kéo người đọc báo.
Là vì đa số độc giả ở đây đều say mê những đoạn văn tả vú vê với những bàn tay xiết chặt, hơi thở hổn hển với những bộ đùi dài, trắng nõn giạng ra, những con mắt lim dim với những tiếng rên rú, lâm ly trong đêm khuya hiu hắt gió vàng... nên một số ký giả được hinh hương ch’ vì lúc nào cũng xen vào trong tiểu thuyết, phóng sự những câu văn nham nhở làm giựt gân người đọc. Không có như thế, cũng như không có tiểu thuyết chưởng hay tử vi hàng ngày, thiên hạ chán quá, không buồn đọc, vì lúc ấy, thật ra báo cũng chẳng có gì đọc được, nếu không đề cao luật gia đình của bà Nhu thì lại đăng tin chiến sự; hành quân Bình Tây tại U Minh Hạ, hành quân ở Củ Chi, hành quân Lam Sơn II, hành quân ở Cao Lãnh, hành quân ở Mỹ An... Một đống hành quân, giết không còn một mống Việt Cộng - ông Ngô Đình Diệm tuyên bố Việt Cộng chết hết rồi - hay tường thuật bốn năm cột báo bà Nhu đi thăm Phụ nữ Liên đới, vì phong trào này vừa được thừa nhận là một hội công ích do sắc lịnh 84/NV; ông Nhu đi thăm Sihanouk vì có tin Sihanouk tuyên bố thừa nhận Trung Cộng, cả về phương diện pháp lý; hoặc Liên Đoàn Công Chức Cách Mạng Quốc Gia kịch liệt lên án những người thân Pháp, yêu cầu chánh phủ chấm dứt nhiệm vụ của công chức điều khiển từ Chủ sự, nếu không từ bỏ quốc tịch Pháp.
Ối chao, ngán quá, ngán đến nỗi không buồn xem hình nữa, không buồn đọc bài nữa, dù là những bài tối quan trọng như bài tường thuật lễ cửu tuần khánh thọ bà mẹ ông Ngô Đình Diệm ở Huế có nhiều đại diện các đoàn thể và rất đông cao cấp trong chánh quyền về chúc mừng “thái từ”, mà bộ nội vụ lại tổ chức một lễ tạ ơn tại Vương Cung Thánh Đường. Còn như những tin nói về “Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc” (tiền thân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam), tin về vụ án Nhân Văn, tin Hồ Chí Minh đã chết (bây giờ là Hồ Chí Minh giả) thì chẳng có ai tin cả, chưa đọc người ta đã cho là bịa - mà bịa một cách vụng dại, ngây ngô - nên rút lại, mua báo không đọc được gì hết, vì thế ta cũng không thể trách được độc giả sao ch’ ưa coi những cái vớ va vớ vẩn và đọc tiểu thuyết khiêu dâm sa đọa.
Người làm báo chuyên nghiệp biết suy nghĩ, thấy thế, không khỏi không tự s’, và có những lúc không thể không tự hỏi: sao cùng là làm báo mà ở nước ngoài, người ta không đủ người bằng mình lại làm ra trò, động viên được tinh thần tranh đấu của dân chúng, để kiến quốc về đủ mọi mặt, mọi lĩnh vực, mọi ngành? Cố nhiên dân chúng ở đâu mà không bất mãn, mà báo chí bao giờ chẳng phải giấu cái xấu, phô cái tốt ra; nhưng ít ra phần đông người ta, dù ghét bỏ đến chừng nào đi nữa cũng cứ phải nhận là báo của bên kia phần đông đều sạch sẽ, không có máu đổ ở trang nhất, không có truyện khiêu dâm, không khai thác những vụ án tình tay ba tay tư hay cương những ông đạo này, đạo nọ, và nhân đó đề cao những câu sấm, những dị đoan, số mệnh.
Tự s’ trước những cảm nghĩ lông bông như thế, các anh em và tôi quyết định làm tờ “Tiếng Dân” của Trung tá Châu thành một tờ báo “sạch” cũng như “bom nguyên tử sạch”, bom nguyên tử không có quá nhiều phóng xạ làm ô uế bầu không khí của thế giới tự do. Sau này, nghĩ lại thì quả lúc đó tôi khùng, vì cái “tri” và cái “hành” của tôi ngay lúc gặp Trần Thiện Phúc, đại diện gián tiếp của Trung tá Châu, đã mâu thuẫn với nhau rồi. Định làm một tờ báo sạch mà cư xử không sạch tí nào: tôi đặt điều kiện báo phải đưa cho anh em tòa soạn một tháng lương để ngồi suy nghĩ về cách làm ăn; nhưng cái đó không quan hệ lắm bằng mâu thuẫn dưới đây: làm một tờ báo cho Trung tá Châu ủng hộ Ngô Đình Diệm mà lại nói chuyện “sạch” thì có khác gì nói chuyện “dây thừng ở trong nhà có người thắt cổ!?...”.
Tờ “Tiếng Dân” gặp sự bê bối ngay từ lúc chưa ra số 1, vì mỗi phe có một số người của riêng mình, mà cũng ngay từ lúc mới quảng cáo, ở Huế, đã có con cháu của cụ Huỳnh Thúc Kháng bắn tin là không thể đem bôi nhọ tên một tờ báo đã có hồi lừng danh ở Huế. Nói như vậy, tức là tờ “Tiếng Dân” đã mang tiếng là báo của nhà Ngô ít nhiều rồi; vì thế chúng tôi phải hết sức tìm cách né tránh, viết lách thế nào để cho thiên hạ đỡ chửi là quân liếm gót. Dù biết rằng báo này có hai mục tiêu, một là suy tôn Ngô Đình Diệm, thần thánh hóa ông ta (vì ông ta đã mất uy tín rất nhiều sau cuộc đảo chánh 1960) và hai là đối phó với những liên danh chống đối ông trong cuộc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ II vào đầu năm 1961, chúng tôi cố ý làm ra mặt dớ dẩn, toàn bàn về vấn đề nông thôn và đăng những tin tức cố tránh đụng chạm đến Nhu và Diệm, không đả kích những người đảo chánh Diệm mà cũng chẳng hề đụng chạm đến những liên danh II và III mà ngay từ tháng giêng 1961, chúng tôi đã biết có ai, tuy là các liên danh ấy chưa tiết lộ ra bên ngoài. Đó là liên danh Nguyễn Đình Quát - Nguyễn Thành Phương và liên danh Hồ Nhựt Tân - Nguyễn Thế Truyền, ấy là không kể nhiều liên danh khác hoặc trù trừ không quyết định ra vì biết sẽ bị gian lận, mất công vô ích, hoặc bị Nhu Diệm cho người đến mua chuộc, tống ít tiền lẻ để đừng ra ứng cử làm gì cho quẩn chân.
Lúc ấy, Mỹ còn nuôi hy vọng ăn đứt Việt Nam, dù cách gì đi nữa thì Diệm cũng vẫn ngồi vững ở ghế Tổng thống như thường; ai cũng biết như vậy, kể cả Nguyễn Đình Quát; nhưng đã chót cưỡi lên lưng cọp rồi, Quát cứ phải liều, dù phải trả mắc tiền; Quát chửi Diệm đã sướng miệng và kể từ lúc bấy giờ về trước, có lẽ không có ai dám khi quân chửi Diệm đau như thế, và hơn nữa lại công khai dám công bố ở rạp Thống Nhất một ý kiến mà cũng từ trước cho tới lúc đó không ai dám hé môi nói ra lời: ông hứa nếu đắc cử sẽ điều đình ngưng bắn, tái lập hòa bình ở Việt Nam! Tất cả những tin tức liên quan đến cuộc vận động bầu cử Tổng thống, chúng tôi cho vào một mục ở cuối trang nhất, không lấy gì làm long trọng... Phần chính của báo là đề cao Phật giáo ngay giữa lúc Công giáo đang lên hương, bọn Nhu Diệm làm chúa tể, Đức cha Nguyễn Văn Bình làm lễ nhậm chức Tổng giám mục ở Sài Gòn mà Ngô Đình Cẩn thì bắt đầu ngấm ngầm chơi tăng ni, phật tử ở Huế. Chúng tôi đánh một trận hỏa mù làm cho không ai hiểu đường lối của báo ra sao, nhắm mục đích là nếu có một số độc giả cố định rồi thì quay về làm tin tức và chú tâm mổ xẻ, cứu xét các vấn đề thời sự, nhưng không thể được. Riêng tôi thấy rằng làm báo ở dưới một chính thể độc tài độc đoán, thì dù muốn xoay sở thế nào, bịp bợm thế nào cũng vẫn không thể thoát khỏi được ra ngoài quỹ đạo của chế độ và cuối cùng độc giả cũng biết ai ngay, ai gian. Báo nào mới ra đời cũng la thét ghê gớm lắm: nào dám nói, dám làm, dám chửi; nào phục vụ nhân dân, đứng hẳn về phía đối lập, đòi công bằng xã hội, tranh đấu cho đồng bào có cơm no áo ấm; nào quét sạch thối tha, nhơ bẩn, dám làm, dám chết... nhưng rút cục trong một chính thể độc tài, nô lệ, dân chủ ngụy tạo như chính thể nhà Ngô, chẳng có một tờ báo nào thoát được ra ngoài quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm. Những báo hăng xằng, đi chệch đường lối của các báo khác ch’ có mà chết sớm: nếu sống, tất bên trong phải có cái gì! Vì độc giả hiểu như thế cho nên “Tiếng Dân” muốn xoay sở thế nào cũng không thể vượt lên được; ra chừng năm sáu tháng thì kiệt lực. Nhưng báo của chính quyền hay do chính quyền bảo trợ ngầm không tất nhiên là đều phải theo công lệ ấy.
Về sau này, ngồi rút kinh nghiệm, tôi thấy rằng làm báo của nhà nước tay sai hay của kẻ đi thống trị, người ta vẫn có thể làm cho chạy được, nhưng phải có biệt tài và biết vồ lấy cơ hội, nếu cơ hội đến với mình. Đó là trường hợp báo “Gringoire” của bọn cầm đầu sở Mật thám Pháp De Carbuccia, Jean Chiappe nói xa; còn nói gần thì phải kể tờ “Liên Hiệp” và tờ “Saigon Mai”. Như trên kia đã nói, tờ “Liên Hiệp” ngay từ lúc chưa ra đã mang tiếng là tờ báo của thực dân Pháp, nhưng đến lúc chạy cũng vẫn cứ chạy như thường. Còn tờ “Saigon Mai”, một trong ba tờ báo mà Nhu Diệm cho phép xuất bản sau khi Diệm thoát chết, cũng mang tiếng là báo của mật vụ và như tờ “Liên Hiệp” chết lên chết xuống. Qua bao nhiêu lần thay đổi tòa soạn, báo cũng vẫn chẳng hơn gì. Lúc ấy, cùng với tờ “Đồng Nai” và tờ “Tiếng
Dân”, tôi phụ trách làm cả tờ “Saigon Mai”, nếu giúp thường trực được thì tốt, không có thì mỗi ngày đến nhà báo một hai tiếng đồng hồ trò chuyện với anh em và bàn cách nâng đỡ tờ báo lên cho khỏi “yếu” quá, vì tiền của Ngô Quân bỏ ra với anh em có hạn.
Không cần biết thành phần xã hội và hành động của anh từ lúc làm báo trong quân đội, ch’ đứng về phương diện người với người thôi, tôi thấy cả hai anh chị đều lịch sự và đặc biệt có cảm tình với tôi, luôn luôn tỏ ra vẻ khôn khéo như Tào Tháo đối với Quan Công lúc thất thủ Hạ Bì, nhưng tiếc vì không có thời giờ nên không thể đến giúp hàng ngày được. Tôi bàn với Huỳnh Văn Phẩm đặt một người bạn vào đó làm thư ký tòa soạn và Phẩm cũng bằng lòng cùng tôi ch’ đứng ngoài để giúp tay cho báo, chớ không hợp tác thực sự. Về phần tôi, tôi cố muốn né tránh đi như thế một phần vì ngay lúc “Saigon Mai” còn in và thiết lập tòa soạn ở đường Tự Do, tôi đã phong thanh nghe thấy nói Ngô Quân đang điều đình lấy nhà in “Dân Chúng” và đặt tòa soạn và trị sự ngay ở tòa soạn “Dân Chúng” cũ. Mà tôi là bạn của Trần Thế Xương, cộng sự viên thường trực của “Dân Chúng”, tôi không muốn sau này anh em có sự hiểu lầm nhau. Ít lâu sau, Sở Nghiên cứu chính trị tháo khoán cho tòa báo “Dân Chúng” mở cửa, “Saigon Mai” đặt tòa soạn ở đó, đúng như lời đồn đại, và cũng bắt đầu từ đó báo “Saigon Mai” chạy lần lần để rồi đến tết Tân Sửu (1961) thì chạy như điên, đánh bạt các báo khác, vét tiền kỳ thích. Báo “Saigon Mai” chạy lúc đó một phần lớn vì đã chụp lấy cơ hội như tôi đã nói ở trên kia. Sau cuộc đảo chánh hụt Ngô Đình Diệm, đa số dân chúng đều tỏ ý tiếc rẻ sao Trung tá Đông không giết phắt Diệm đi lại cứ hội đàm vớ vẩn với Diệm làm gì, bàn tính chuyện chia đôi Sài Gòn làm gì để cho ông ta lật lại được thế cờ trở lại sống phây phây, ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ II. Do đó người dân lúc ấy theo sát thời cuộc để xem Mỹ đối phó ra sao, phe cách mạng còn làm gì nữa không, và Ngô Đình Diệm sẽ gẫy hay là cứ sống nhăn như thế mãi. Người ta lại càng tò mò muốn biết Ngô Đình Diệm, sau vụ sống sót này, có thay đổi thái độ đi không.
Ngay từ cuối năm Tý, đã có tin Diệm cải tổ chánh phủ. Thường thường nghe thấy tin cải tổ, người dân không để ý, vì họ cho là nội các nào cũng “hầm bà làng” giống nhau, nhưng đặc biệt lần này họ chú ý nghe ngóng xem Diệm cải tổ ra sao, vì họ tin rằng cuộc đảo chánh vừa qua ít ra cũng mở mắt cho Diệm và Diệm cũng đỡ độc tài như trước. Báo “Saigon Mai” đã nắm lấy cơ hội ấy đưa ra những tin sốt dẻo lượm lặt được ở các nơi “có thẩm quyền”: một số chính khách, nhân sĩ nhóm họp để bàn việc lập Nghị Hội Đại Đoàn Kết toàn dân chống Cộng, có bác sĩ Phan Huy Quát, bác sĩ Lý Trung Dung, Đặng Văn Sung v.v...; bà Ngô Đình Nhu đi các t’nh cổ võ cho phong trào Phụ Nữ Liên Đới và Phụ nữ Bán Quân Sự; các chính khách hầu hạ dưới trướng Diệm đang bí mật liên minh các đảng phái để đúc lại thành một đảng chính quyền do ông Ngô Đình Nhu điều khiển.
Tết năm ấy, các báo thỏa hiệp với nhau ngh’ năm ngày; ba mươi và bốn ngày đầu năm, đến mồng 5 tháng giêng phát hành. Thấy dân chúng nôn nao muốn biết nội các sẽ cải tổ ra sao, báo “Saigon Mai” lẳng lặng xé rào, phát hành số tân niên ngày mồng hai tết. Vì muốn biết tin tức, thiên hạ kiếm “Saigon Mai” đọc kỳ thích, mặc dầu vẫn yên trí báo này là “mật vụ”, một mặt không cảm tình gì cho lắm, nhưng mặt khác lại cho là mật vụ thì có nhiều tin hay, báo mật vụ thông thạo hơn các báo khác, có thể có những tin mà các báo thường không có. Độc giả mua đọc và yên trí rằng mình sáng suốt sẽ không bị huyễn hoặc vì những tin đăng tải, nhưng trái lại, mình sẽ đủ khôn ngoan để tìm ra sự thực nằm giữa những hàng chữ, cũng như người ta vẫn đọc thông cáo quân sự, mặc dù các thông cáo ấy bao giờ cũng loan đi rằng “ta thắng, địch thua”, nhưng người ta cứ đọc là vì họ yên trí sẽ tìm thấy nhiều điều mà các nhà hữu trách muốn giấu giếm, che đậy.
Dù sao, báo muốn chạy thế nào thì chạy, nhưng đã mang tiếng là báo mật vụ, báo của thực dân, đế quốc, thì gặp thời muốn hách thế nào thì hách, người đọc cũng cứ cho là cùi, kính nhi viễn chi, mà người viết cách gì cũng có mặc cảm, báo chạy mà lòng không vui gì cho lắm. Trái lại, có những ký giả làm báo không chạy, tiền in không có, mà ăn cũng không có luôn, lại thấy linh hồn yên ổn, tuy là cũng có nhiều lúc cảm thấy s’ nhục vì không có tự do, không có độc lập, bị khống chế về mọi phương diện, nhưng cũng có nhiều khi khác lại thấy trong cái s’ nhục toát lên một khí thế tự hào, nhìn đời không tủi, nhìn người không thẹn, vì mình biết chắc là mình trong sạch, không ai có thể khinh khi được.
Bây giờ, sống với những người bị chi phối vì tiền nhiều quá, chưa ra báo đã lo đi vận động với Mỹ để xin tiền hay chạy chọt các ông to trợ cấp hoặc bằng tiền mặt, hoặc dưới hình thức mua báo đăng quảng cáo... người ta mới quan niệm rõ ràng hơn nữa gan dạ của những người từ khước sự giúp đỡ nó cao quý như thế nào. Một triệu bạc thời xưa không phải là một món tiền nhỏ mà nhiều người có thể chê, không chịu cầm, vậy mà, dưới hình thức đề nghị gián tiếp của toàn quyền Pierre Pasquier, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã khước từ, mặc dù lúc ấy ông đang bịnh nặng - bịnh thiếu vitamin T - và có biết bao nhiêu đe dọa, ngồi tù, đóng cửa nhà in, nhà báo.
Kinh nghiệm làm báo ăn tiền trợ cấp cho người ta thấy kẻ bỏ tiền ra không bao giờ dại cả, ch’ ăn người chớ không bao giờ chịu để người ăn. Trong mười tờ báo mà tôi biết rõ là lỡ ăn trợ cấp, may ra có một tờ sống lây lất, còn chín tờ thì chết lần chết mòn, một mặt vì ỷ lại vào tiền nhiều không chịu cố gắng, một mặt há miệng mắc quai, đã nhổ thì phải liếm và mặt khác nữa, độc giả lần lần biết tẩy, xa lánh tờ báo ăn trợ cấp để đi tìm một tờ báo khác triết trung hơn, ăn nói dễ nghe hơn. Có lẽ vì biết rõ như thế, lúc làm “Trung Bắc Chủ Nhật”, Nguyễn Doãn Vượng đã từ khước một số tiền trợ cấp của Nhật do viên đại sứ Nhật trao cho. Trước đó, tuy Vượng không nói ra - vì câu chuyện này liên quan đến gia đình của Vượng - tôi biết anh cũng đã khước từ một đề nghị của sở Thông tin toàn quốc của Pháp ở Việt Nam. Lúc đó, Nhật và Pháp tranh chấp ngấm ngầm ảnh hưởng của mỗi bên trong dân chúng, mà ở Hà Nội thì tờ báo có tiếng chạy và được dân chúng hoan nghênh là tờ “Trung Bắc Chủ Nhật”. Được báo cáo như vậy, mà cũng biết rằng Nhật đang vuốt ve tờ báo ấy, Omya và Komatsu vẫn thường xuyên gặp Vượng, đại tá hải quân Robb, cầm đầu Sở Thông tin toàn quốc ở Việt Nam lúc bấy giờ, qua sự trung gian của mấy người bạn như Trúc Đỳnh Trương Công Đ’nh, mời cụ Nguyễn Văn Luận lên Sở Thông tin nói chuyện riêng. Đại tá hải quân Robb đề nghị giúp báo “Trung Bắc Chủ Nhật” một số tiền cũng như đã giúp báo “Đàn Bà” của bà Thụy An (lúc ấy là bà Bùi Nhung). Cố nhiên là số tiền giúp cho “Trung Bắc Chủ Nhật” sẽ lớn gấp bội số tiền đã giúp cho báo “Đàn Bà”, nhưng cũng như đối với báo “Đàn Bà”, không có điều kiện gì hết: tên chủ nhiệm và quản lý vẫn y nguyên, cộng tác viên và cách thức làm việc vẫn y nguyên, duy th’ nh thoảng I.P.P có bài gì gửi đến thì đăng lên báo.
Cụ Luận yêu cầu để cho về nhà suy nghĩ: sự thực, cụ không muốn xen lấn vào vụ này, tờ báo đã trao cho Vượng, cụ muốn Vượng quyết định lấy. Cụ ch’ khuyên Vượng nên đối phó cách nào cho êm đẹp cả Pháp lẫn Nhật, lúc đó đang tranh chấp ngấm ngầm ở trên đầu trên cổ người Việt Nam; xử sự không khéo rất có thể tờ báo bị đóng cửa, mà không cứ Pháp, cả Nhật cũng có thể làm khó dễ cho mình. Nhận lời đối phó, Vượng đã tìm tới đại tá Robb khước từ số tiền trợ cấp mà I.P.P dành cho “Trung Bắc Chủ Nhật”, viện cớ rằng tờ báo hiện cũng tạm đủ nuôi sống nó rồi, vì độc giả mỗi ngày mỗi tăng, mà các nhà kinh doanh, thương mãi, có lòng yêu báo, đến đăng quảng cáo rất nhiều, nhiều khi báo không có chỗ mà đăng tải. Thực ra, đó là một lối từ chối khéo, vì Vượng từng biết là báo sống về trợ cấp không thể nào trường tồn được, một là vì độc giả ngày một ngày hai thế nào cũng biết và sẽ bỏ báo, không thèm đọc nữa, và hai là một khi báo đã mất người đọc thì khó mà làm cho lên lại, thế rồi chính lúc ấy trợ cấp sẽ bị thiến đi hay rút về “vì lý do này hay lý do khác” và chủ báo lúc ấy ví có ngửa tay ra xin thì nhà hữu trách khinh b’ và không thèm lý tới.
Vốn là một võ quan kiêm ngoại giao lành nghề, đại tá Robb nghe thấy thế không tỏ vẻ gì bất mãn, trái lại, lại hết lời khen ngợi tinh thần vị tha của người Việt Nam khi Vượng tiếp: “Dù cách nào đi nữa, tôi cũng hứa với đại tá một câu là tôi còn làm ”Trung Bắc Chủ Nhật" thì không bao giờ tờ báo ấy lại có thể làm tay sai cho ngoại bang nào mới tới đây. Đại tá có thể tin như thế. Đại tá có thể tin rằng báo của tôi sẽ không làm hại đến tinh thần hợp tác Pháp - Việt. Và đại tá cũng có thể tin luôn rằng tôi và anh em tôi bao giờ cũng đặt tinh thần quốc gia dân tộc lên trên hết, bao giờ chúng tôi cũng lấy người Việt Nam là đầu mối tranh đấu để tiến tới tự do, bình đẳng trong cộng đồng thế giới".
Công việc tạm yên một thời gian, tưởng là êm, không ngờ Robb lại kiên nhẫn không tưởng tượng được: th’ nh thoảng ông lại mời Vượng lên I.P.P nói chuyện, và một hôm, bất thình lình, ông cho biết là ông có ý đề nghị với chánh phủ Nam Triều ban cho Vượng huy chương đặc biệt “Hồng lô tự thiếu khanh” - thứ huy chương cao cấp nhất lúc bấy giờ mà Phạm Quỳnh đã được cấp trước khi vào làm thượng thư ở Huế, Phạm Lê Bổng, khi làm Viện trưởng viện Dân biểu Bắc Kỳ.
Nghe thấy Vượng, lúc trở về, thuật lại câu chuyện ấy, tôi cười gần muốn chết, vì không bao giờ tôi lại quan niệm được một gã trẻ tuổi làm báo, phá như quỉ sứ mà bây giờ lại mặc đồ Tây, đeo cái bài ngà có khắc chữ “Hồng lô tự thiếu khanh”, rồi mỗi khi Tây có yến tiệc gì lại mời đi ăn với cái bộ mặt cố làm ra nghiêm chỉ nh như anh bí đái để cho xứng với Phạm Quỳnh, Phạm Lê Bổng, Đỗ Thận vân vân...
Lẽ tất nhiên, Vượng lại từ chối liền tấm tình nồng hậu của ông trùm Thông tin Pháp. Về sau này, hình như có Hàn Hòe, không tán thành cử chỉ ấy; còn thì hết thảy anh em cộng tác với “Trung Bắc Chủ Nhật” cảm thấy hãnh diện vì Vượng đã hành động theo ý muốn của những nhà làm báo chân chính, trông thấy tiền mà không thể ham, bị đe dọa mà không thể sợ hãi để thay đổi lập trường, tư tưởng như ta thay quần cụt.
Nhân nói đe dọa, tôi lại nhớ luôn một câu chuyện khác xảy ra cách đó không lâu. Bây giờ, chắc nhiều bạn đọc còn nhớ những buổi đầu quân Nhật đến nước ta, không khí chánh trị và xã hội thực là tang tóc và rùng rợn. Mặc dầu Pháp vẫn còn là chủ nhân ông đất nước này về danh nghĩa, nhưng Nhật cứ làm “ẩu”, coi thiên hạ không có kí lô nào hết: bắt người, giam người mà không cần đếm xỉa đến sự phản kháng của ai; trồng cột điện thoại văng mạng như là đất nước của mình; về quê mua heo, mua gạo hàng thuyền, mang đi mà không cần biết sau đó Pháp làm khổ dân như thế nào. Một sĩ quan người Nhật - sau này chúng tôi mới biết là Koiké, và là bạn tâm giao của chúng tôi - mời Vượng và tôi đến sở Hiến binh nói chuyện. Anh ta đen trùi trũi, mà to béo như một con voi, nói nhỏ ở trong phòng mà như thể là đang la lối. Koiké nói về văn hóa, về báo chí, về chính trị rồi chửi toáng tất cả mọi người, chửi thậm tệ nhất là Ngô Văn Phú, chủ nhiệm “Đông Pháp”, mà anh gọi là “chó săn của thực dân”. Vừa chửi như thế, anh vừa cầm cây kiếm to tổ bố đập chan chát xuống bàn rồi bảo Vượng:
- Ông lắm chuyện vừa vừa chứ. Bây giờ, tôi hãy để ông về, mai mốt ta còn nhiều chuyện nói. À này, tôi nhờ ông việc này: ông về nhà báo, đi qua nhà tướng Cho, ông có thể vào chơi và bảo cho ông ta biết rằng hôm qua Nguyễn Đệ đã “chuồn” rồi và nếu “có cần phải đối phó với mấy tên còn ở lại thì nên làm ngay đi”. Tôi chưa kịp nghĩ ra sao thì Vượng đã xông lên trả lời:
- Thưa ông, chúng tôi rất tiếc.
- Anh nói cái gì?
- Chúng tôi rất tiếc không thể làm giúp ông việc đó, vì ông chửi Ngô Văn Phú là chó săn của Pháp. Mà tôi thì không muốn làm chó săn.
Koiké thét lên một tiếng lớn, rung cả cửa kính, có vẻ như muốn nhảy lại bóp cổ Vượng chết tốt, nhưng sau không hiểu nghĩ ra sao, anh cầm kiếm đập chan chát xuống bàn, rút ra khỏi vỏ, huơ lên mấy đường lả lướt rồi lại tra vào vỏ, đoạn nói:
- À, tôi khuyên ông đừng giở cái giọng ấy ở đây. Ông nói như thế tức là bảo tôi là chó săn Nhật phải không? Tôi cho ông biết là tôi lấy đầu ông lúc nào cũng được, nhưng tôi chưa muốn vậy là vì tôi biết ông sẽ suy nghĩ mà đưa tờ “Trung Bắc Chủ Nhật” về hợp tác với chúng tôi...
Lúc bắt đầu ra tờ “Trung Bắc Chủ Nhật”, Vượng và tôi đã nói chuyện rất nhiều về tôn chỉ và lập trường của báo, nhất định không làm tay sai cho ai hết, chỉ biết quyền lợi của nước Việt Nam và của người Việt Nam thôi.
Sau này, tôi cũng làm nhiều tờ báo nữa và anh em cũng đoan chắc với nhau như thế, nhưng đếm đốt ngón tay thì ít có ai giữ được đúng lời cam kết buổi ban đầu, như Vượng. Có thể thái độ của Vượng, ngay lúc ấy, làm như nhiều người liên hệ tức bực và căm hận, nhưng rồi sau, hiểu nhau hơn, không có người nào khinh được anh. Thứ nhất là Koiké bạo hổ như thế, bị quất vào lòng tự ái như thế, và cũng căng phồng một cái bụng tự ái như thế mà sau này cũng “cảm thông” với chúng tôi và trở nên những người bạn thân thiết, coi nhau như ruột thịt. Gác bỏ hết những thành kiến chánh trị ra ngoài, chúng tôi ngày nào cũng gặp nhau, trò chuyện và nhiều khi tôi không có nhà, Koiké đến lục chạn lấy cơm nguội và thịt kho tàu ra ăn, có khi bỏ kiếm ra nằm ngáy pho pho để đợi nhà tôi làm xong cốm nén thì chồm dậy ăn luôn bốn, năm đĩa bự. Đứng trên cương vị một nhà cách mạng, một nhà chánh trị, hành động ấy có thể coi là một hành động Việt gian, bán nước, hợp tác với phát xít, nhưng riêng tôi bất cần: ai tốt, bất kể dòng giống nào, màu sắc chánh trị nào, tôi cũng coi là anh em hết. Vì thế, lúc Nhật đầu hàng Đồng Minh vì mấy trái bom nguyên tử, nghe thấy tin Koiké chết, tôi chảy nước mắt, thương nhớ như thương nhớ một người thân thuộc và tôi nhớ mãi một câu tâm sự của anh: “Làm báo mà ăn tiền Nhựt, nó khinh cho như chó”.
Từ khi Mỹ đến đây, đồng tiền to lắm, phần lớn người ta lo cách nào để vét cho được thực nhiều. Đàn bà con gái đi bán “ba” thừa ăn, thừa tiêu; đàn ông chê chánh phủ ta, đi làm với Mỹ, vì Mỹ chi lương hậu; còn làm báo thì có người chưa ra số nào đã lo chạy chọt để Mỹ cho tiền và lúc đi mời người viết, lại khoe khoang báo không thể chết được vì có bọn Mỹ này giúp, bọn Mỹ kia đỡ đầu. Có lẽ ham tiền như thế, người ta cũng có những lý lẽ riêng để tự cho mình là thực tế và hợp thời, nhưng người làm báo chân chính vẫn cảm thấy rằng chịu nghèo để được sống tự do, bất khuất, chịu khổ để mà nói lên được những điều đáng nói thì cũng là một cái thú riêng, mặc dầu có người vẫn cho rằng hành động như thế là quân tử tầu, là gàn dở, là quê một cục.