watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bốn mươi năm nói láo-P3 - 1 - tác giả Vũ Bằng Vũ Bằng

Vũ Bằng

P3 - 1

Tác giả: Vũ Bằng

TIỂU THUYẾT THƯ BẢY

Báo “Vịt Đực” đóng cửa, nhiều nhân vật trong nước, nhất là bọn quan lại, bọn bợ Tây, bọn “Tây Annam” chửi đồng bào Việt Nam là “sale Annamite”, bọn nghị viên nghị hòn, bọn lai căng mất gốc, đều thở phào vì đã nhổ được một cái đanh trước mắt.
Riêng chúng tôi không tiếc lắm, vì làm được ngần ấy số báo, anh em đã thấy mệt mỏi quá rồi. Mệt mỏi vì viết bài, xoay tiền; mệt mỏi vì phải lo đối phó đủ mọi mặt với Tây và bọn chó săn gà chọi; nhưng mệt mỏi nhất là lúc nào cũng phải đề phòng, vì không có mấy khi chúng tôi không bị người ta đe dọa. Người thì dọa bắn; người thì dọa cho ăn dơ; người thì dọa cho vào bẫy rồi tống vào tù mọt gông; người thì dọa sẽ dùng lựu đạn nội hoá san bằng tòa báo. Chúng tôi sẽ còn nhớ rất lâu vụ đàn em Lý Vịt ở Bạch Mai, một đêm khoảng hai giờ, thừa lúc chúng tôi đang nghe hát ở Vạn Thái, nhảy vào sanh sự, ném dao, quăng búa, một hai định chọc tiết chúng tôi vì chúng tôi không ngớt tố cáo chúng mở nhiều sòng bạc ăn thua hàng ngàn, hàng vạn, mà viên đồn Pháp ở đấy lại thông lưng với chúng.
Tại sao chúng lại dám làm dữ như vậy?
Có nhiều phần chắc chắn là tại chúng đặt tin tưởng vào viên đồn người Pháp, nhưng chúng tôi đâu có ngán: ngay lúc ấy, một anh em nhảy qua tường, đi gọi dây nói về sở Cẩm và Mật Thám cho người đến ngay để lập vi bằng và mặt khác, chúng tôi tin ngay cho tên đồn người Pháp ở Bạch Mai biết rằng ngay sáng sớm hôm sau, chúng tôi sẽ đăng báo tất cả các vụ này và khởi tố với các cơ quan hữu quyền bọn vô danh đột nhập tại gia để giết người cướp của, và tố cáo sự bất lực của viên đồn người Pháp trong việc duy trì trật tự, an ninh.
Kết quả trái hẳn với điều mà bọn Lý Vịt hằng mong đợi: bọn “Vịt Đực” không những không lạnh mắt, hơn thế lại phản công chúng, như có thể làm mất chức ông thầy của chúng như chơi. Chúng bèn nhờ một người quen với cả hai bên đứng ra dàn xếp và tổ chức một bữa tiệc linh đình để cho bọn răng đen mã tấu hành hung chúng tôi ở Vạn Thái có dịp cúi đầu tạ lỗi. Cố nhiên không có một người nào trong bọn chúng tôi thèm tới, nhưng “đánh người chạy đi chớ không đánh người chạy lại”, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp riêng Lý Vịt, và bảo cho y biết là chúng tôi sẵn sàng tha thứ.
Ấy đó, ngày nào cũng sống căng thẳng như thế, chịu làm sao cho nổi. Sống như thế, một năm bằng mười năm. Bởi vậy, đóng cửa báo “Vịt Đực” vào lúc đang chạy
“lẫm liệt”, chúng tôi chỉ tiếc rẻ sơ sơ: anh em trong tòa soạn, trị sự, cũng như tất cả bạn bè của báo đều thấy nhão cả người ra, có dừng bước nghỉ xả hơi cũng là nhằm lúc. Duy buồn một điều là từ đây không có tờ báo nữa, anh em ít có dịp tán gẫu và bàn tán xỏ xiên thiên hạ, cũng như Khổng Minh nửa đêm dậy nhìn trời, biết khí số mình đã tận rồi mà tiếc “trời dài đất rộng, từ đây ta không còn được ra ngoài trận địa nữa, trời hỡi trời!”.
Đây cũng là thời kỳ chấm dứt đời làm báo tập đoàn của tôi, anh em cùng chung sống với nhau ở nhà báo, giải chiếu nằm sàn gác tán chuyện đầu voi đuôi chuột, đến trưa dậy ăn cơm tập thể rồi ngủ, để chừng năm, sáu giờ thức dậy đi ăn uống, phiện phò, rồi đi hát thâu đêm.
Ít lâu sau, anh em phân tán mỗi người một ngả. Phùng Bảo Thạch, Vũ Chung, Lưu Văn Phụng, cùng Dương Tự Giáp làm tạp chí “Văn Hóa”, được chừng hai ba số thì thôi; còn tôi, không còn cách gì khác, tôi lại trở về nhà, sống như một con ốc cuộn tròn trong vỏ, đọc các tác phẩm của Dostoievsky, Simenon, Vicky Baum... Các tác phẩm của Dostoievsky ảnh hưởng đến óc tôi hết sức sâu rộng: lần đầu, lòng tôi bớt chua chát, và cảm thấy rằng chỉ có sự thương yêu và nhiều tha thứ mới đem lại một ý nghĩa cho cuộc đời. Đồng thời, tôi nhớ lại những lời mẹ nói, lúc tôi bước chân vào làng báo, và cảm thấy lòng se sắt khi nghĩ rằng trong thời kỳ qua mình đã làm bao nhiêu việc thiếu âm đức, thất nhân tâm... Một cuộc sống mới hình thành: tôi không muốn làm báo chửi bới nữa.
Đọc sách báo Pháp mãi chán, tôi tìm đọc thơ của Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử và trong lúc này, tôi thường sang tán láo ở nhà Lưu Trọng Lư ở chung với Nguyễn Tuân đường Nguyễn Trãi. Mỗi khi đọc một truyện gì hay, chúng tôi lại thuật lại cho nhau nghe: Lư lúc ấy mê André Gide, còn Nguyễn Tuân và tôi thì ưa Dostoievsky.
Lúc ấy, Lư cộng tác với mấy tờ báo văn chương, rồi cùng Lê Tràng Kiều tổ chức tờ “Tân Thiếu Niên” của Trần Tấn Thọ (anh họa sĩ Trần Tấn Lộc), nhưng ra được vài số thì báo bị tịch thu và đóng cửa. Cái “chất” của Lư không phải là để làm báo hàng ngày: anh ốm yếu luôn, lại thêm lúc nào cũng lơ mơ như ở trên mặt trăng rớt xuống, có nhiều khi anh em ngồi đông đủ nói chuyện, mà tâm hồn để tận đâu đâu, sịch một cái, anh chạy ra vơ lấy quản bút và mảnh giấy ghi lại một câu thơ mà anh vừa nghĩ được. Lưu Trọng Lư làm thơ như một ký giả lão thành viết báo; báo thiếu một đoạn, thợ in đòi một bài ngắn để đắp vào, kẻo để trắng trông không được, thì Lư làm “Hà Nội Báo”, “Tiểu thuyết thứ năm” cũng vậy. Lê Tràng Kiều phàn nàn thiếu bài, Lư nằm phủ phục xuống cái chiếu trải trên gạch viết luôn một bài thơ. Thú thực, lúc đó, tôi không bao giờ đọc thơ của Lư, vì yên trí là thơ nhăng nhít; mãi về sau này, đến lúc Nhật hạ Tây, có nhiều thời giờ nhàn rỗi, tôi mới bắt đầu thưởng thức thơ của Lưu Trọng Lư và do đó cũng yêu anh hơn, chớ thực ra lúc đầu thì tôi gần như không chịu được nhà thi sĩ đó, chậm chạp, lười biếng, trốn chui trốn lủi như con cù lần.
Tiếp xúc lâu hơn, tôi mới thấy Lưu Trọng Lư là một người có học, ham đọc và mâu thuẫn nhất là làm thơ như thế, anh lại thích đọc các sách chánh trị, và tìm hiểu các hiến pháp, các tổ chức, các đảng phái của Pháp lúc bấy giờ; vì thế sau này anh theo kháng chiến không về, tôi không lấy làm lạ, mà chỉ lạ sao trong anh em, có tin người này chết, người kia chết mà không lúc nào tôi nghe thấy tin anh chết trong khi anh mang bao thứ bịnh và bao nhiêu trác táng trong thớ thịt và huyết quản.
Lúc cùng ở với Lư, Nguyễn Tuân chưa nổi tiếng. Tôi biết Tuân từ lúc anh còn làm thông tín viên ở Thanh Hóa cho tờ “Trung Bắc Tân Văn”. Đến khi tôi làm “Vịt Đực”, anh cũng thường lại chơi nhà báo, thỉnh thoảng lại quăng cho một hai bài, nhưng vì anh viết dài, nên nhà báo không đăng được. Những bài này hợp với một tờ báo - như “Ngòi Bút” của nhà xuất bản Hàn Thuyên của tập đoàn Nguyễn Xuân Tái, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh - cho nên mới tung ra vài bài như bài nói về “văn minh đồ hộp” nhạo Mỹ thì anh nổi bật. Thực ra, trước đó, Nguyễn Tuân đã nổi tiếng trên văn đàn, với cuốn “Thiếu Quê Hương”, “Vang Bóng Một Thời”, nhưng thật trội, phải kể từ lúc anh viết truyện ngắn loại “Thèm Ốm” cho Trung Bắc Chủ Nhật" (được Nguyễn Doãn Vượng “mi” thật “trì”, và Mạnh Quỳnh vẽ theo đúng ý muốn của anh). Đến cuốn “Chùa Đàn”, “Tóc Chị Hoài, ”Chiếc Lư Đồng Mắt Cua" thì tên anh thật vững, nhưng nói riêng về cá nhân Tuân, bao giờ cũng như bây giờ, tôi vẫn nói công khai giữa thanh thiên bạch nhật là tôi yêu mến anh thật, nhưng có nhiều điểm “tôi không thể nào thương nổi”. Chắc tôi cũng có nhiều điểm để cho anh không ngửi được, nhưng anh em cứ là anh em, lâu lâu không gặp nhau thì nhớ, mà gặp nhau thì hôm trước hôm sau có chuyện “tẩy” lẫn nhau... gia rít.
Tôi còn nhớ hồi làm Trung Bắc, tôi về Thanh Hóa thăm anh. Đi tầu hỏa đã mệt, tôi đến nhà anh chuyện trò một lát sau đi ngủ liền. Tuân nhè đúng lúc tôi đang ngon giấc, lay dậy, bảo mặc quần áo đi có việc cần. Trời thì rét mà ở ngoài còn tối om như mực, tôi không đi, nhưng không được. Tôi đành phải chiều anh bạn “lọ”. Để đi đâu? Anh bắt tôi đi bộ, vòng hết đường này sang đường khác, rồi rủ đi ăn bánh ướt ở một căn nhà lá mà anh bảo là ngon nhất Thang Mộc Ấp. Riêng một cái việc ngồi chờ cho bà cụ bán hàng thắp đèn lên, tráng bánh và rán đậu cũng đã mất hai tiếng đồng hồ.
Những hành động lẩm cẩm và dớ dẩn, lộn ruột như thế không thể nào kể xiết. Trong khi người ta mặc quần áo Tây, anh mặc áo gấm huyền, đội khăn; mùa nực, cầm cái quạt đánh chó phải chết, để phe phẩy; nói thì rấm rẳn, đang vui câu chuyện ngừng phắt lại, nhăn cái mũi cười rồi thôi, không nói nữa; đi ăn thì lè khè nhấm nháp, lấy hai ngón tay nhón cái chân chim bồ câu bỏ lò, ăn chậm như rùa - mà chỉ ăn có hai chân thôi - còn cả con chim thì lấy tay ngoắt phổ ky lại (chớ không gọi) bảo đem “cất giùm” vào bếp. Cái nếp sống hàng ngày của Tuân đúng y như văn của anh viết trong các bài báo và tác phẩm của anh: khó chịu lạ lùng, làm cho người mới quen bực muốn chết; nhưng các bạn đã biết thì mặc cho anh muốn giở trò trống gì ra, tùy ý. Thanh Châu, Thượng Sỹ, Thâm Tâm, Ngô Tất Tố, Nguyễn Triệu Luật cho anh là một “quái thai” và đả kích kịch liệt, nhưng muốn “tẩy” cách nào, Nguyễn Tuân cứ lập dị nguyên như thế, không thay đổi và kỳ cục nhất là một số người đả kích tính lập dị của Tuân, về sau, lại nói giọng lè nhè, ăn uống kiểu cách, bắt chước như Tuân.
Quên làm sao được hôm Thanh Châu Ngô Hoan cưới vợ, mời anh em văn nghệ đến ăn uống đông đủ ở nhà. Riêng Nguyễn Tuân không tới; anh em tức quá đợi nửa tiếng đồng hồ, rồi quyết định ăn uống không chờ nữa. Chừng một tiếng đồng hồ sau, Nguyễn Tuân mặc quần áo Tây cẩn thận, đến gõ cửa khe khẽ, khều ngón tay kêu Thanh Châu ra ngoài, bảo cho mượn năm đồng rồi đi. Tất cả anh em ngồi đó nổi đóa muốn “xuống phố” (lúc ấy gọi là xuống phố chớ không gọi là xuống đường), chất vấn Tuân, nhưng chỉ một lát sau thì anh trở lại, với cái đầu bù tổ quạ, nhón hai ngón tay cầm một cành la-dơn thực đẹp như trẻ con đi rước đèn tháng tám, mừng Thanh Châu. Thì ra anh mượn tiền để đi mua bông hoa đó! Lúc ấy, một cành la-dơn giá cao lắm độ hai hào, nhưng sau này có người biết anh đã mua tới bảy hào, và biếu bà bán hoa thêm một đồng, còn lại bao nhiêu thì xe đi, xe về hết nhẵn, không còn xu nhỏ!
Chính tôi đến bây giờ vẫn không biết có phải Nguyễn Tuân có chất khùng ở trong đầu óc không, nhưng trước phong trào đang lên ở Mỹ hiện nay, tôi dám quả quyết anh là một thứ tổ sư hippy, quấy không chê được. Điển hình nhất là vụ sau đây:
Một đêm kia, chúng tôi đi hát ở Khâm Thiên, bắt được Tuân ở giữa đường, rủ cùng đi đập trống. Tôi nhớ ngoài các anh em quen biết ra, có ông Ba Mai Lĩnh. Ông Ba, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân và tôi, mỗi người ngồi xếp bằng tròn, dưới đất, ở một góc nhà cô đầu, tu mỗi người một chai Văn Điển (mà cấm không cho đưa cay một thứ gì, dù là củ lạc). Đã đành tu như thế xong thì Lý Bạch, Lưu Linh cũng gẫy. Ấy thế mà Nguyễn Tuân, sau đó lại còn đi lờ khờ hết nhà này sang nhà khác uống nữa, và đến khoảng ba giờ sáng thì cả phố Khâm Thiên nhao lên như có loạn: ở trên nóc nhà, trên một cái gờ bằng gạch nối liền một dẫy với nhau, Tuân đi lại như một anh hát xiếc, giơ hai tay ra lấy thăng bằng, nhún nhảy trên một chân, thỉnh thoảng lại quay ngoắt người trở lại. Bao nhiêu hồn vía của cô đầu và quan viên đều lên mây. Thật là kỳ lạ mà Tuân xuống được, nhưng chuyện đến đây chưa hết.
Thấy Tuân say quá, anh em bắt cô đầu phải chăn cho anh đi ngủ. Cuộc vui tạm đình. Đến sáng, mọi người đang ngon giấc ở trong chăn, cả nhà lại loạn lên như thể bị mất trộm. Hỏi ra thì lại mất Nguyễn Tuân: không hiểu anh ta biến đâu rồi. Mỗi người chia nhau một ngả để tìm. Thôi thì chẳng còn thiếu nơi nào không lục soát: dưới gầm giường, trong tủ áo, trong hồ nước, trên bàn thờ ông vải của bà chủ cô đầu. Vẫn chẳng thấy “Tuân mũi to” đâu hết. Vũ Trọng Phụng đoán: “Hay là nó về nhà rồi?”. Anh em định cử một người về nhà để tìm, thì có tiếng gõ cửa rất gấp. Mở ra, lù lù một người cảnh sát. Nghe ông này cho biết thì té ra khoảng năm giờ sáng hôm đó, vào lúc gà cõng con đi đái, Nguyễn Tuân đi xe đến Cẩm Hàng Đậu bấm chuông xin vào thăm chánh cẩm Arnaud (ở trên lầu sở Cẩm) để nói một vài câu chuyện cần. Cẩm Arnaud, bình thường gắt như mắm tôm, lúc ấy đương ngủ ngon với vợ, mà trời lại rét, bỗng nhiên bị người ta đến phá, uất không thể nào chịu được, chửi nhân viên trực đêm cứ oang lên và mời ông khách bất nhã vào ngồi phòng khách cho đến sáng mới tiếp. Do đó, viên Cẩm mới biết Tuân hát ở nhà nào và cho người đến báo để anh em đến bưng Tuân về.
Trở lại câu chuyện đọc sách với Lưu Trọng Lư và Nguyễn Tuân. Thực ra, Tuân viết ít và chỉ viết khi nào thích chí thôi; túng thì đến “gõ” anh em chớ nhất định không chịu viết, như công chức, để cuối tháng lấy tiền.
Phần tôi, trước khi làm các báo Công Dân, Tương Lai, Rạng Đông, tôi đã viết truyện dài, truyện ngắn, nhưng không chuyên chú lắm. Bây giờ, ngày rộng tháng dài, muốn tìm học cách viết truyện của người Âu Mỹ mới, tôi mua Gringoire, Candide, Lu, Vu, để đọc và chú ý đặc biệt về tiểu thuyết. Lúc đó, trong toàn quốc, chỉ có một tờ báo chuyên về tiểu thuyết: đó là “Tiểu Thuyết Thứ
bảy” của ông Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm phục ông Vũ Đình Long, vì ông đã tỏ ra hiểu biết ngay từ buổi đầu hội kiến. Trên căn gác nhỏ trang trí theo kiểu Tầu, tôi đi thẳng vào vấn đề với ông Long: từ trước đến nay, truyện ngắn của ta đòi người viết phải có một cốt truyện hoặc ly kỳ ít, hoặc ly kỳ nhiều, thí dụ các truyện ngắn nói về những mối tình éo le làm cho người đọc hồi hộp và than khóc.
Dù sao, báo “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” cũng là tờ báo hiện giờ chạy nhất nước, có một số độc giả vững chắc rồi. Ông thử nghĩ xem có nên đưa ra một loại truyện mới để cho lãnh vực tiểu thuyết của ta phồn thịnh hơn?
Ông Vũ Đình Long bằng lòng thí nghiệm. Những truyện ngắn đầu tiên của tôi trên báo “Tiểu Thuyết Thứ
Bảy” (khổ nhỏ, ngoài vẽ một bức tượng bán thân) như
“Chàng Kim người Bắc, cô Kiều người Kinh”, hay “Một Người Rơi Xuống Hố”... đều thuộc về loại truyện ngắn kiểu mới vừa nói trên. Cuộc đời, theo tôi nghĩ, thường bình dị, xuôi đuột, không có khúc mắc như các tiểu thuyết gia thường tả. Bịa đặt, phóng đại hay phiền phức hóa cuộc đời không phải là hiện thực. Thí dụ một cô gái yêu một chàng trai, nhất định phải lấy nhau cho bằng được. Nhưng hoàn cảnh không cho lấy nhau: nhà tiểu thuyết cho họ đâm đầu xuống sông, bỏ nhà đi tu, hay là bắn súng vào đầu trên một nấm mả ở ngoài đồng. Rất có thể như thế lắm. Nhưng trong khi đó ta cũng thường thấy những cặp trai gái như thế dắt nhau ra bờ sông đứng than khóc và đòi cùng trầm mình một lúc, song le đến lúc chót thì họ chẳng nhảy xuống sông, mà cũng chẳng đi tu, nhưng chia tay từ giã, ai về nhà người ấy ngủ ngon. Một trường hợp khác: có anh say rượu, đi đêm về nhà, rơi xuống một cái hố. Anh ta la lối om sòm, kêu mọi người đến cứu. Có ông sư, có thày tu, có nhà chính khách, có ông bác học đi qua, ai cũng hứa sẽ tìm cách để lôi người ở dưới hố lên. Nhưng rút cục, ai cũng đi mất tăm, mất tích. Đêm vắng, anh rơi xuống hố còn lại một mình với mình. Anh ta suy nghĩ lung và cuối cùng bật ra một sáng kiến: cái hố không lấy gì làm sâu, anh cho hai tay lên miệng hố leo lên mặt đất, thủng thẳng đi về nhà.
Một truyện ngắn hồi đó đăng lên “Tiểu Thuyết Thứ
Bảy” được nhuận bút năm đồng. Năm đồng tiêu được nhiều việc hơn 5.000 đồng bây giờ, nhưng điều đó là thứ yếu. Điểm chính yếu, đáng lưu ý, là mình đã đưa ra được một loại truyện mới - có thể độc giả không ưa mấy - nhưng dù sao thì rồi đây cũng có một số thức giả không coi thường tờ báo. Đó là điều mong ước của tôi. Và cũng vì mong ước và tin tưởng như thế nên tôi cứ tiếp tục viết loại truyện đó... cho đến khi tình giao hữu giữa ông Vũ Đình Long và tôi đậm đà hơn. Qua những câu chuyện, lần lần tôi được biết ông Vũ Đình Long tự tay làm hết các công việc của báo: từ việc đọc các bài của độc giả - trừ mấy bạn cộng tác thường xuyên như Nguyễn Trẩm Giự, Lan Khai, Vũ Lang, Ngọc Giao, Thanh Châu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan - đến cách xếp đặt trang báo, trình bày tranh vẽ, chọn lựa tiểu thuyết Tàu, Tây để dịch. Có lẽ cũng qua những câu chuyện đó, ông Long hiểu tôi hơn và biết tôi cũng hơi rành về ấn loát, về “mi” và có đôi chút kinh nghiệm về nhà báo, ông ngỏ ý sẽ lấy mỗi tuần của tôi một truyện ngắn, thay vì nửa tháng một truyện. Và tôi cứ giúp việc
“Tiểu Thuyết Thứ Bảy” như thế chừng nửa năm, cho đến một ngày kia, ông mời tôi, buổi tối, sang nói chuyện. Câu chuyện lần này tương đối trịnh trọng hơn các lần trước: ông Ngọc Giao giúp việc thường trực “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” trong phạm vi sửa văn, sửa lỗi xếp chữ ở mô rát, có ý định muốn đi Sài Gòn làm ăn. Ông Bằng có vui lòng đến giúp việc hẳn “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” không?
Không thích điệu, tôi nhận lời ngay, nhưng xin một điều kiện là tôi giúp “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” trong mọi việc mà ông ủy thác, nhưng không thể theo giờ công chức. Tôi đến lúc nào, tùy tôi; miễn tôi thu xếp với nhà in cho mọi công việc không trục trặc. Hai bên thỏa thuận. Ông Long không phải bận tâm về nhà in, về vấn đề họa sĩ, về bài vở nữa. Ông rất thành thực: báo đứng, báo chạy hay báo xuống, ông đều nhất nhất nói cho tôi biết.
Rồi một hôm, để mở rộng phạm vi hơn nữa, và đăng nhiều truyện của các bạn nhà văn gửi về, ông ngỏ ý muốn ra khổ lớn hơn và cũng nhiều trang hơn. Nói rất thành thực, trong thời kỳ này, tôi học hỏi được ông Long rất nhiều điều hữu ích về lề lối làm việc: ông chịu khó đọc báo, sách của Pháp để tìm sáng kiến; có sáng kiến nào hay, ông nghiên cứu, khơi sâu rất kỹ lưỡng và ghi ra giấy. Nhưng tựu trung nguyên tắc làm báo của ông có thể gói ghém lại như sau: không làm chánh trị, phục vụ văn hóa, giúp ích đại chúng bằng cách vừa mua vui cho họ, vừa mở mang trí tuệ, in rõ ràng và đẹp để đọc không mệt mắt, và bán bằng một cái giá hạ nhất để cho các bạn đồng nghiệp không theo kịp, mà cũng là để cho bất cứ độc giả nào cũng có thể bỏ tiền ra mua. Mà loại độc giả ông nhằm nhiều nhứt là trẻ em và phụ nữ. Bởi vì trước khi làm việc gì, ông Long tính toán rất kỹ lưỡng, cân nhắc lợi hại từng ly, nên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” khổ lớn lại chạy hơn loại nhỏ, và cũng vì thế, số anh em viết văn qui tụ về nhà xuất bản Tân Dân mỗi ngày mỗi đông hơn. Để cho tờ báo sống động hơn lúc ra khổ nhỏ, chúng tôi đặt nhiều mục mới như “Biết Ai Tâm Sự” để trả lời các thư nhờ giải quyết tâm tình, “Để Cười Khi Chung Bóng” cho các em gửi văn vui về họp bạn, “Y Nghĩ Của Người Dạo Phố” nói về vấn đề văn hóa và văn nghệ. Riêng về tiểu thuyết, chúng tôi khai thác đủ các loại mà khổ nhỏ không có: truyện có thật (theo kiểu histoires vraies của báo Confidence), truyện cổ tích nhi đồng, truyện dài bằng thơ, truyện ngắn bốn phương (theo kiểu Les Mille et Une Nouvelles của Hung Gia Lợi), truyện ma quỉ (theo kiểu Flammarion), truyện trinh thám ngắn (theo kiểu Mystère Magazine)...
Người bạn giúp tôi nhiều ý kiến nhất lúc đó là Thanh Châu Ngô Hoan. Phần nhiều bạn đọc “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” khổ nhỏ, thấy cái tên Thanh Châu đi kèm sát với Ngọc Giao hồi đó, tưởng đâu Thanh Châu và Ngọc Giao là hình với bóng, là một khối “bất khả chia lìa”; thực ra, cùng viết một báo với nhau, thường thường gặp gỡ nhau, nhưng Thanh Châu ít trò truyện với Ngọc Giao, vì hai người bất đồng ý kiến về nhiều quan điểm, nhất là về phương diện văn chương và xã hội. Bắt đầu viết văn, Ngọc Giao là một thư ký toà án, nặng về phần công chức hơn là văn sĩ; trái lại, Thanh Châu phóng khoáng hơn, có sẵn tiền, sống nhàn nhã, không muốn bất cứ ai hay bất cứ cái gì kiềm chế.
Là người Thang Mộc Ấp, Thanh Châu vừa viết “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” vừa học thêm, lúc nào cũng cầu tiến, lúc nào cũng phục thiện, và có một cái tính đáng khen là không có tiền không sao, chớ phàm đã viết thì phải thích, chớ không thể viết miễn cưỡng, viết “sur commande” được. Thực ra, Thanh Châu là một nhà văn đọc nhiều mà lại có một tâm hồn thi sĩ, thấy bất cứ một sự việc gì cũng rung cảm mà lại viết nhanh, viết khỏe, nhưng cho đến lúc ra ngoài kháng chiến, anh tương đối có ít tác phẩm ra đời, một phần lớn cũng là tại anh không mấy tha thiết đến danh tiếng, đến tiền tài. Anh còn trẻ, lại đủ xài, cho nên anh muốn sống cho mình nhiều hơn, sống với nội tâm một mặt, và mặt khác hưởng lạc, nhưng luôn luôn giữ gìn chớ không sa đọa. Ban ngày anh đi chơi hay ngủ, tối đến lờ phờ lên rạp Tố Như tán róc vì vị hôn thê của anh là dòng dõi nhà Trần Viết, sở hữu chủ rạp Tố Như.
Mỗi khi có điều gì tâm sự, Thanh Châu, Micro Bùi Xuân Như (em trai Bùi Xuân Học) và tôi thường vẫn thảo luận ở cái gác nhỏ mà diêm dúa của Thanh Châu ở Ngõ Trạm, gần Trung Bắc. Anh có nhiều thiện chí, chiều anh em và có những câu nói văn hoa khuyến khích tôi làm “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” rất tài tình.
Đọc bài của anh em và độc giả gửi về; đứng lựa chữ ít, trông in; tối đến, đem mô rát về nhà để sửa, tôi làm việc không kể thì giờ, nhưng không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, có lẽ vì trong lòng hứng khởi vì những lời của Thanh Châu.
Trừ vấn đề nhuận bút hay vay mượn, anh em viết văn lúc đó hầu hết đều tiếp xúc với tôi, cho nên ngoài cái lợi được học hỏi thêm về văn hóa, văn chương ngoại quốc, ngoài cái lợi rút kinh nghiệm và trau dồi nghề nghiệp, tôi lại còn được biết rõ hơn về tài đức, tư tưởng, sở trường, sở đoản của từng anh em văn nghệ. Thanh Châu và vài người bạn khác bàn với tôi nên mở rộng phạm vi hoạt động ra, chớ bao nhiêu anh em mà chỉ quy tụ ở vẻn vẹn hai tờ “Phổ Thông Bán Nguyệt San” và “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”, e rằng chật hẹp. Tôi nẩy ra ý muốn bàn với ông Long ra thêm một tờ báo nữa, vì nói thực ra, viết có hai tờ, có khi một vài tuần mới đăng một truyện hay vài bốn tháng mới xuất bản một cuốn tiểu thuyết, anh em sẽ nản vì đời sống vật chất hàng ngày thường cấp bách, vả lại anh nào anh nấy lại tiêu xài lẹ lắm.
Thâm Tâm lúc ấy ở Nhà Diêm với đại gia đình. Mấy em gái anh sống về nghề đóng sách mướn cho các nhà xuất bản, kiếm ăn chật vật. Được đồng nào, anh chỉ mang về cho gia đình được một ít, còn lại phải thù tiếp trả lại anh em, nên trong nhà ít khi có đủ tiền tiêu. Mặc dầu suốt trong thời kỳ tôi đi lại chơi bời với anh, Thâm Tâm không hề than thở với tôi một lời nào, nhưng ai cũng biết các em anh phải vay mượn thêm mới đủ ăn, mà ăn không đủ chất bổ cũng như Phụng vậy. Có lẽ cũng vì thế, Thâm Tâm thường phải vay trước tiền của nhà báo. Một hôm, không hiểu vì nguyên nhân gì, ông Long từ khước và bảo Thâm Tâm: “Ông không nên vay thì hơn”. Thế là Thâm Tâm đứng dậy liền, móc túi còn bao nhiêu mời anh em đi uống rượu hết và anh uống thật say rồi độc thoại “Không cho vay thì bảo là không cho vay có được không, tại sao lại nói ông không vay thì hơn! Thế nào là hơn? Mà tại sao lại hơn? Hơn cái gì? Hở khỉ!” Sau đó, Thâm Tâm đi kháng chiến, và đã mất rồi. Tôi không gặp anh lần nào ở hậu phương, cho nên không biết tâm tính anh có thay đổi nhiều không, nhưng trước đó thì anh là một người “đa bất mãn hoài”, nhưng lì lì không nói, bao nhiêu oán hận, tủi hờn đối với tổ chức xã hội lúc bấy giờ đều gói ghém vào trong các truyện ngắn và các bài thơ tuyệt diệu. Truyện “Con
Vờ” của anh là điển hình quan niệm của anh về xã hội lúc bấy giờ, và sau này, nghĩ lại thì có vẻ anh đã hoạt động bí mật lúc múa bút viết bài thơ bất hủ trên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”.
Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng...
Trần Huyền Trân, Tô Hoài, Nam Cao dường như cũng bí mật hoạt động cho kháng chiến với Thâm Tâm cùng một lúc với Lý Văn Sâm chiến đấu ở trong Nam. Nói trộm vong hồn ông Vũ Đình Long, ông không muốn cho ai đã viết ở báo của ông lại viết cho tờ khác, mặc dầu không nói ra miệng bao giờ. Nhóm Thâm Tâm đã bẻ gẫy mưu đồ ấy của ông Long, viết bừa bãi cho các báo khác: Tô Hoài viết sách bán cho các nhà xuất bản khác, Trần Huyền Trân viết truyện dài bán cho một tờ tuần báo hình như của Trác Vỹ xuất bản, còn Nam Cao thì viết truyện ngắn cho “Trung Bắc Chủ Nhật” và bán tiểu thuyết, trong đó có truyện “Đôi Lứa Xứng Đôi”, cho nhà in Công Lực ở đường Tiên Tsin. Theo chỗ biết của tôi thì Thâm Tâm không viết cho báo nào hay bán sách cho nhà xuất bản nào khác, có lẽ một phần vì anh yếu phổi đã lâu, mà mặt khác anh lại không mấy thiết tha đến việc kiếm tiền “có thì ăn, không có thì nhịn, vấn đề bao tử không quan hệ lắm”.
Rút cuộc, ông Vũ Đình Long cũng phải chịu vụ “tranh
đấu” này, mà không chịu cũng không thể được, vì ông Long ngồi một chỗ không thể biết rằng nhuận bút của
“Tiểu Thuyết Thứ Bảy” và “Phổ Thông Bán Nguyệt San”, nhất là vào hồi Nhựt đến Đông Dương, không thể giải quyết được việc gì.
Trần Huyền Trân sống heo hút trong một cái chòi đánh cá bắc trên sông để làm thơ và viết truyện. Truyện thì hay mà thơ thì tuyệt, nhưng thường thường mỗi tháng nhịn ăn ít nhất cũng năm sáu ngày. Còn Nam Cao thì nghèo nhất Nam Định, bần cùng bất đắc dĩ lắm mới chịu hớt tóc vì tiền chi tiêu ở trong nhà anh phải tính toán từng đồng xu. Anh ở với một người bà, có vợ, nhiều con. Ngoài số nhuận bút còm hàng tháng (mà có khi nhà báo lại gửi ngân phiếu chậm!), tất cả gia đình anh trông vào một giàn trầu mà bà anh vừa ăn vừa đem ra chợ bán lấy tiền thêm nuôi các cháu. Có ai đọc truyện “Cười Với Trăng” của Nam Cao, hẳn còn nhớ cái anh chàng không có tiền đem về nhà, bị vợ day dứt trong khi con cái đứa thì khóc, đứa thì mếu, đứa thì đau, đứa thì phá... không biết đối phó ra sao, đâm ra mặt lì, khoanh tay dưới đầu nằm nhìn lên trời cao và bật cười, rồi cười thật to, cười mãi, cười đến đau bụng và chảy cả nước mắt ra.
Trong tất cả các truyện của Nam Cao, tôi nhớ nhất truyện ấy và tôi nhớ là vợ chồng tôi đọc xong cùng không nhịn được cười và chịu là Nam Cao viết tài tình quá.
Tôi không biết Nam Cao bắt đầu viết từ lúc nào, gửi bài về “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” từ bao giờ, nhưng cái bút hiệu “Nam Cao” nổi bật lên cho đến bây giờ cũng là do một tình cờ may mắn.
Ngọc Giao đi Sài Gòn, tôi là thư ký tòa soạn cho
“Tiểu Thuyết Thứ Bảy” bị tràn ngập vì bài cũ và bài mới, nên sao nhãng có khi không đọc xuể. Có khi những bài ấy đem ra quay lại mặt sau để dùng làm giấy viết bài; có khi thất lạc; lại cũng có khi để chồng đống cho đến lúc nào cao quá thì bỏ đi. Một buổi chiều tháng bảy, đường sá bùn lầy dơ dáy vì mưa Ngâu, không có bạn bè đến chơi, tôi không biết làm gì trong khi ngồi chờ cơm, rút một tập ở trong những chồng bài cũ ra để đọc. May mắn làm sao tôi lại được đọc một truyện của Nam Cao, và ngay mấy câu đầu tôi đã thích thú vì lối hành văn với những câu kệch cỡm, nghịch ngợm, có khi dớ dẩn nhưng đậm đà có duyên. Truyện ấy - bây giờ tôi quên mất nhan đề rồi - đăng lên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” được độc giả để ý liền. Tôi lại lục tập bài cũ tìm nữa, thấy hai truyện khác, đăng luôn và nhắn Nam Cao trong mục thư tín viết tiếp gửi về. Đến truyện thứ năm, thứ sáu thì Nam Cao được các anh em văn nghệ bàn tán rất nhiều và cho là trong loại văn nghệ sĩ mới lên, Nam Cao viết “được” lắm, và người ta bắt đầu hỏi Nam Cao là bút hiệu của anh nào vậy. Đến cuối tháng ấy, Nam Cao lù lù tìm đến nhà tôi. Anh đến nhà báo, Trần Kim Dần chỉ sang nhà tôi ở cách báo quán độ mươi bước đường. Lần thứ nhất, gặp Nam Cao, tôi có cảm tưởng anh là một người hiền lành, tử tế. Tôi có cảm tình liền, đi ăn nhà hàng, lại có thể có một thanh niên chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi không biết món vây là cái gì, và hỏi cơm chiên đã có lạp xưởng và trứng rồi hà cớ gì lại phải ăn vây, và “thịt bò tây hồ” cho tốn tiền? Về sau này, tôi giữ nguyên cảm tình của tôi đối với Nam Cao Trần Văn Trí, một nhà văn dí dỏm, chua chát lại sâu xa, nhưng chân thật và hồn nhiên “vượt mức”, không có nhà báo, nhà văn nào so sánh được. Đi sâu vào tình bạn hơn, anh nhỏ nhẻ cho tôi biết rằng cái chàng thanh niên “cười với trăng” chính là anh, nhưng các nhân vật say rượu, chơi bời láo lếu thì nhất định không phải là anh đâu, mà là những người ở lối xóm hay những người mà anh thấy ở Nam Định mỗi khi anh đi bộ từ làng lên tỉnh để lãnh tiền của nhà báo gửi cho. Tác giả ưa nhất là Alphonse Daudet; truyện đọc nhiều lần là “Le Petit Chose”. Ngoài vợ ra, không hề biết một người đàn bà nào khác. Đến chỗ đông, sợ lắm; mà khổ nhất cho tôi - lời Nam Cao là trước mặt người lạ, mặt tôi cứ nóng bừng lên, mà lưỡi như muốn líu lại, không nói ra lời.
Đến lúc ra ngoài kháng chiến, một hôm, anh lù lù đi vào nhà tôi và đến bây giờ, tôi cũng không biết tại sao anh lại tìm được nơi tôi ở hay như vậy. Anh ở chơi với tôi hai ngày, hai đêm. Hỏi có gì lạ không, anh bảo cũng thường thường thôi. Anh làm thư ký riêng cho Nguyễn Sơn. Vẫn gặp các anh em cũ. Tây thế nào cũng thua, anh ạ. Tôi mấy lần suýt chết vì bom. Nhưng có lẽ mình khổ quá rồi nên trời đền bù, cho được sống để nhìn thấy thực dân cút cả đi. Tội nghiệp Nam Cao, cả một đời vất vả, chỉ mong được thấy ngày ta toàn thắng để trở về Thủ đô thương mến, ăn một bữa cơm với anh em rồi cả cười với nhau, thì trước khi ký kết hiệp định, tôi được tin anh đã mất trong một vụ ném bom tàn ác của lũ lang sói vô nhân đạo. Hai ngày anh ở lại chuyện trò tâm sự với tôi thì ra là ngày cuối cùng gặp nhau. Nam Cao vẫn bẽn lẽn thẹn thò như thế, tóc vẫn bờm như thế, mà tâm tính vẫn hồn nhiên như thế. Không biết hút thuốc lá; vẫn không uống rượu. Cả đời chưa đọc chuyện Tam Quốc bao giờ. Nhân có một bộ Tam Quốc do Phan Kế Bính dịch, nhà in Lê Văn Phúc ấn hành, tôi thắp một ngọn đèn dầu, bỏ màn xuống, hai anh em cùng đọc. Lần thứ nhất và cũng là lần duy nhất, tôi thấy Nam Cao cười lớn tiếng lúc Tào Tháo giết Lã Bá Sa. Cái đêm hôm ấy, sau này, anh thuật lại trong một bài đăng trên tạp chí “Văn Nghệ” của Mặt Trận và chính nhờ bài ấy, tôi được biết Nam Cao cũng có cảm tình với tôi.
Là bạn của Nam Cao, Tô Hoài cũng không dễ chịu về tiền nong hơn mấy chút, nhưng tương đối anh cũng đỡ lo lắng và cũng đỡ phải vật lộn với sự sống hàng ngày như Nam Cao. Có lẽ vì thế giọng văn của Tô Hoài ít chua chát, sâu xa: anh đúng là con dế mèn phiêu lưu, nhìn con vật gì ở chung quanh cũng lạ lùng với con mắt thơ ngây. Không có gì lạ hết: Tô Hoài lúc viết cuốn truyện đầu tay “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” chỉ là một bạch diện thư sinh mới ở trường ra và sống một cách hiền lành, cơm ngày hai bữa, ở một làng làm giấy bản trên sông Tô Lịch, ngày ngày ngồi ở hiên nhìn ra sân xem những gà, lợn, chim sẻ, cào cào, bươm bướm... Tô Hoài cũng hiền lành như Nam Cao, nhưng ranh mãnh hơn một chút; tuy vậy, không lúc nào để mất tính chân thành.
Trước khi di cư vào Nam, anh còn tỏ sự chân thành ấy với tôi lần chót: trong một thư dài viết tay, anh đã chí tình khuyên tôi ở lại và nói lên những giờ phút mong đợi trở về gặp nhau đông đủ để sống lại những ngày thân mến trước đây.
Riêng trong bọn anh em, từ lúc rời Hà Nội, tôi không biết tin tức của Nguyên Hồng, Kim Lân và bao nhiêu anh em văn nghệ khác nữa, nhưng dù còn sống hay đã mất, dù chiến đấu ở những nơi lam sơn chướng khí, hay giang hồ phiêu bạt ở quê người, các anh em ký giả, văn nghệ đó vẫn giữ được tiết tháo, không vì nghèo mà sợ kẻ giàu, không vì nghèo mà phải gục đầu với kẻ mạnh, không vì nghèo mà sợ khó khăn vất vả.
Giữa tiếng súng ở ven đô vọng về, thường đêm tôi nghe thấy một cái gì trầm trầm, bàng bạc đến làm xáo trộn nhân sinh quan của tôi lúc bấy giờ. Có đêm tôi nằm mê thấy hàng trăm ngàn người đói khát, đi thành hàng bất tuyệt đến đòi tôi trả nợ; có đêm tôi mơ thấy cái núi xác của những người chết đói năm 1946 chồng chất lên ở bãi chợ Hàng Da tan rã rồi từ đó hiện ra những bộ xương đi lọc cọc và nhìn tôi cười ngạo nghễ; lại cũng có những đêm tôi mê thấy các anh em văn nghệ họp ở nhà hàng Anh Mỹ uống rượu nghe Vũ Hoàng Chương xốc cái tay áo gấm huyền, bắc một cái ghế lên trên bàn ngâm một bài thơ tràng thiên nói về một trăm năm đô hộ, Việt Minh lên nắm chính quyền trong tiếng hoan hô như sấm sét. Thế là nghĩa lý gì? Tôi không hiểu. Nhớ lại bao nhiêu bạn làm báo, viết văn với mình bây giờ đã đi khu cả rồi, tôi cảm thấy trơ trọi. Và nằm một mình giữa cái không gian khói lửa vang lên những tiếng ta oán thảm thê của một dân tộc bị gót sắt của hết bọn xâm lăng này đến bọn xâm lăng kia dầy xéo, tôi nghe thấy một cái gì manh nha trong tim óc tôi và tôi tiên cảm rằng cái gì đó sẽ thay đổi rất nhiều ý niệm về nếp sống, về cách nghĩ và cả về nghề nghiệp của tôi.
Nhưng đó là chuyện sau. Trở lại lúc làm “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”, thấy anh em đông mà phạm vi hoạt động chỉ có tờ đó và tờ “Phổ Thông Bán Nguyệt San”, Thanh Châu bàn với tôi nên nói với ông Vũ Đình Long xin ra thêm một tờ báo nữa để cho anh em có đủ chỗ thi thố tài năng và phô bầy ý kiến.
Thấy độc giả “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” đã vững rồi, tôi thảo một thư rất dài gửi cho ông Long (tôi viết thư mới giãi bày được ý kiến đầy đủ, chớ nói thì tôi rất vụng) đề nghị nên ra một tờ báo trẻ em. Lúc ấy, tờ “Cậu Ấm” của Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong vừa đóng cửa, cả nước không có một tờ báo loại đó, nếu ra được thì không những có ích mà lại còn hy vọng chạy như “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”, hay hơn thế.
Ba hôm sau, ông Vũ Đình Long không trả lời thư tôi. Nhưng đến ngày thứ bảy, ông trịnh trọng bấm chuông nhà tôi vào thăm, mang theo một tập giấy: ông ngồi sít lại tôi, thì thầm như buôn giấy bạc giả. Thì ra ông đã có ý kiến ấy từ lâu và bí mật cho tôi biết ông đã được phép xuất bản một tờ báo loại đó lấy tên là “Truyền Bá” từ hai tháng trước.
Ông đã vẽ ma két rồi. Kế hoạch bán báo như thế này. Trình bày như thế này. Chữ in như thế này. Đoạn phụ lục giúp vui bạn đọc như thế này. Ông Bằng xem đi rồi cho tôi biết ý kiến, đồng thời cũng nên nghĩ luôn cả các mục vui ở trang bìa 2, 3, và 4, hay là ta để thêm 4 trang trong nữa để cho bạn đọc xem cho đã?...
Suốt một tháng, tôi sang nhà báo chỉ thấy ông Long nghĩ về tờ “Truyền Bá”, và bất cứ chuyện gì cũng quy về “Truyền Bá”. Ông Long và tôi chia nhau ra viết quảng cáo, lời phi lộ. Báo in trước ba số để sẵn đấy, bắt đầu bán số 1 thì in số 4 (hầu hết các báo của nhà Tân Dân in như thế, vì vậy báo thứ bảy ra thì từ Nam Quan đến Cà Mau, nhà đại lý nào cũng có từ chiều thứ sáu). Đúng như lòng mong mỏi, báo chạy dữ dội ngay từ số đầu. Ông vẫn trung thành với quan điểm cố hữu: tiểu thuyết, ai cũng thích đọc tiểu thuyết; bình luận, nghiên cứu khô khan lắm. Tờ “Truyền Bá” ra khổ nhỏ bằng bàn tay, đăng mỗi số một truyện, trừ 8 trang cuối đăng các bài ngắn, vui, giải buồn cho bạn đọc như “Đố Bạn”, “Truyện Tốc Hành”, “Kịch Vui”, “Ô Chữ”, “Nhịp Cầu”, “Truyện Lạ Thế Giới”, “Kỳ Lạ Nhưng Có Thực”...
Có thêm một cơ quan, anh em “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” chạy sang viết thêm cho “Truyền Bá”. Đồng thời, các độc giả bốn phương cũng gửi nhiều truyện về nhà báo, nhất là các mục vặt ở tám trang cuối, nên chẳng mấy lúc chúng tôi lại thấy rằng có thêm tờ “Truyền Bá” cũng chẳng giải quyết được việc gì cho anh em.
Ông Vũ Đình Long làm đơn xin thêm một tờ báo nữa, tờ “Ích Hữu”, làm một cơ quan sưu tầm, bình luận để làm chỗ phát biểu ý kiến của anh em, nhân tiện cũng là để nói lên quan điểm văn nghệ, văn hóa, xã hội của nhóm Tân Dân (và ít lâu sau này, phe Tự Lực Văn Đoàn vẫn giễu ông Long là lái sách, chỉ lo vét tiền chớ không có quan tâm gì đến văn nghệ cũng như văn hóa).
Trong khi chờ phép tờ “Ích Hữu”, ông Long đưa ra thêm một sáng kiến: thay vì tờ “Phổ Thông” ra mỗi tháng một số đăng trọn một truyện dài (loại bìa xanh), ông cho ra thêm một loại nữa (loại bìa vàng). Thực ra, truyện của hai loại này không cách biệt nhau nhiều lắm, nhưng ra thêm loại vàng, chúng tôi có ý kết hợp thêm nhiều nhà văn, nhà báo, mà cũng là để cho báo chạy nhiều hơn nữa, vì loại này bán rẻ hơn. Về phương diện thương mại, sáng kiến ấy đem lại một kết quả tốt đẹp:
“Phổ Thông Bán Nguyệt San” cả loại xanh, loại vàng đều chạy hơn. Hai loại này, đánh số 1,2,3... riêng biệt, có một cái lợi khác là ai đã mua báo cũng đều muốn cho đủ bộ để bầy tủ sách gia đình, không thiếu một số nào. Vì thế, ai đọc quảng cáo của nhà Tân Dân đều thấy ông Long rất chú ý đề rõ giá báo và nhấn mạnh độc giả nên mua cho đủ số thứ tự, đừng để thiếu, e mất giá trị của tủ sách gia đình.
Về phương diện văn nghệ, nhờ hai loại này, anh em trong nước có dịp thi thố tài nghệ rộng rãi hơn, đồng thời cũng kiếm được nhiều tiền nhuận bút hơn khi trước. Nổi tiếng nhất trong bọn này là Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Thanh Châu, còn cuốn nọ kéo cuốn kia hầu hết đều sàn sàn bằng nhau, thành thử có những nhà văn không nổi tiếng mấy mà cũng được nhiều người đọc như những nhà văn nổi tiếng rồi, là nhờ các tập báo in ra đều chước số thứ tự 1, 2, 3, 4...
Trong tám năm trời, vì phụ trách đọc, sửa, chọn lựa bài vở và trông nom phần kỹ thuật của cả ba tờ “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”, “Truyền Bá”, “Phổ Thông Bán Nguyệt
San” (Phần khảo cứu, sưu tầm và thơ do ông Trúc Khê Ngô Văn Triện phụ trách) của nhà Tân Dân, tôi mặc nhiên được cái may là giao thiệp với đủ mặt anh em văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.
Bây giờ các anh em đã tản mác, mỗi người mỗi ngả: người thì chết bịnh, người thì chết bom đạn ở ngoài mặt trận, người còn sống ở miền Nam, người thì chiến đấu ở chốn đèo heo hút gió, lại cũng có người sống ở nước ngoài, đôi khi được biết tin tức là nhờ có bạn quen cho biết... Có lẽ đây chưa phải là lúc kiểm điểm lại những người còn người mất, nhưng ngay lúc này, tôi có thể nói rằng số anh em văn nghệ sĩ góp công vào việc xây dựng ba tờ báo đó thật đông và thật kỳ lạ, y như một cánh vườn có trăm hoa, không hoa nào giống hoa nào, mà cả trăm hoa đều đua nở. Ngoài những vị đã được biết từ trước như Nguyễn Đỗ Mục (dịch Tam Quốc Chí, Liêu Trai), Dương Phượng Dực (dịch Les Mystères de Paris), Nghiêm Xuân Lãm, Ngô Văn Triện (tôi được biết từ khi ông làm “Thực Nghiệp”, thỉnh thoảng lại đến bán sách cho nhà tôi xuất bản) và những bạn quen sau này như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Mỹ (tức Anh Mỹ), Lê Văn Trương, Thanh Châu, Nguyễn Trẩm Giự, Ngọc Giao, Thâm Tâm, Hiên Chy, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Kinh Kha, Từ Thạch, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Vũ Lang, Lan Khai, Nguyễn Dân Giám, Vũ Ngọc Phan... trong lúc làm ba tờ báo nói trên, tôi còn có cái may là tìm được nhiều bạn mới, trong số có nhiều anh hiện giờ nổi tiếng như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Văn Nhàn, Lý Văn Sâm, Phan Du, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Văn Xuân, Lê Công Thành, Lâm Mỹ Hoàng Ba, Nguyễn Duy Diễn, Văn Thu, nữ sĩ Ngân Giang, Trần Thanh Địch...
Nam Cao, cùng với tôi, nuôi cái ý thích là viết truyện không có chuyện. Tôi tiếc một điều là lúc ký hiệp định Genève, từ Bắc di chuyển vào Nam, tôi đã để lạc mất hàng ngàn bức thư trao đổi với các văn nghệ sĩ, nói lên sở trường, sở đoản và hoài vọng của từng người thành thực cởi mở cõi lòng với tôi. Tôi chỉ nhớ rằng qua những bức phúc thư, đối với mỗi người, tôi đều đề nghị hướng về một con đường chuyên biệt: như với Nam Cao, tôi đề nghị nên chuyên viết về những bạn trí thức nghèo, Tô Hoài về loài vật, Nguyễn Tất Thứ về các phong tục và đồng dao miền Trung, Lý Văn Sâm về những chuyện đường rừng Trung Nam, Phan Du về bọn quan lại đế kinh xuống dốc và các lề lối ăn chơi ở sông Hương, núi Ngự, Nguyễn Văn Nhàn, về đời giáo học ở tỉnh nhỏ, Nguyễn Duy Diễn về đời sống của người bịnh hoạn quanh năm, Kim Lân về các cách ăn chơi lọc lõi của các vị con quan thất thế, như đá gà, chọi trâu, chơi chó, chơi chữ, chơi cây, đấu kiệu... Tóm lại, tôi có ý muốn đề nghị với các anh em chú ý hướng về một đường đi riêng biệt, để cho mỗi anh em có một “dấu” độc đáo, dễ làm cho người viết văn nổi tiếng, cũng như ở Pháp, nói đến văn kỳ ảo, bí mật thì phải kể Simenon, dâm thư viết thực mê ly có Pierre Louys, mà nói về bọn anh chị có Francis Carco chẳng hạn...
Hầu hết các anh em thỉnh thoảng lại về trụ sở “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” để hội với nhau, mỗi khi có việc quan trọng như ra số Tết, hay ra số đặc biệt; nhưng vì bịnh tim nên ông Long ít khi thù tiếp được. Đại diện có Nguyễn Khánh Đàm (em Nguyễn Tuân), Trầm Kim Dần, phụ trách trị sự những tờ báo của nhà Tân Dân và coi về nhà in, cùng tôi, đưa các bạn ấy đi ăn, đi hát hay đi hút. Vì ít trực tiếp giao thiệp với ông Long, nhiều anh em không hiểu ông và tưởng ông là một lái sách. Thực ra, ông là một người cần mẫn, có tài, có học và có nhiều kinh nghiệm về nghề làm báo. Tôi học được ông rất nhiều trong tám, chín năm hợp tác.
“Truyền Bá” đóng cửa lúc Nhựt Bổn đánh Pháp cùng với “Phổ Thông Bán Nguyệt San”. Nhà in Tân Dân dọn về Mục Xá (Hà Đông) tức là quê ông Vũ Đình Long. Cọc cạch chỉ còn lại “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” ra khổ 45x30, nghiêng về chánh trị, rồi lại ra khổ 7.5x11 chuyên về nghiên cứu văn học, nhưng trong suốt thời gian Nhật thuộc, “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” không còn cách nào sống lại được những buổi huy hoàng khi trước nữa.
Sở dĩ như vậy, một phần lớn là vì đa số anh em văn nghệ trong nhóm Tân Dân xếp bút nghiên theo kháng chiến. Thực ra không phải đến lúc đó anh em mới theo kháng chiến; ngay từ hồi Nhựt tới, Pétain lên cầm quyền ở Pháp thì nhiều anh em trong nhóm đã bí mật hoạt động rồi, nhưng vẫn viết bài thường trực. Phải chờ đến lúc Pháp tiến vào Thủ đô, dân ta tiêu thổ kháng chiến, lúc ấy anh em mới ra bưng thật sự. Trong khi đó, hầu hết dân chúng Hà Nội và các tỉnh cũng như các thành phố lớn cũng đi theo kháng chiến, không ai buồn đọc báo, thành ra làng báo có vẻ hoang vắng, xác xơ, buồn nản. Ngoài những người ra đi, các nhà văn nhà báo còn ở lại khoanh tay nhìn thời cuộc, thay vì viết văn viết báo, hoặc cạo trọc đầu nằm đọc truyện kiếm hiệp Tàu ở tỉnh nhỏ như Lãng Nhân Phùng Tất Đắc.
Ông Vũ Đình Long, tuy không nói ra lời, nhưng cũng ở trong tâm cảnh ấy. Thêm nữa, từ lúc này bịnh tim làm cho ông nhọc mệt hơn bao giờ, nên ông chỉ làm báo cầm chừng, và thừa lúc ở Mục Xá, ông nghỉ ngơi nhiều hơn làm việc, và mỗi khi tôi về thăm, ông sung sướng vô cùng, trịnh trọng làm một cử chỉ hiếm có: mở rượu sâm banh ra, để cùng nói chuyện về tình hình đất nước, mà cũng là để tiễn đưa một thời gian làm báo vàng son.
Thôi, từ đây không còn những ngày dài tháng rộng tương đối được viết lách và xuất bản tự do: Nhật đến, chế độ kiểm duyệt được lập ra ngay dưới quyền điều khiển của một người Cao Ly theo Nhật. Nhà báo bị hiến binh nửa đêm đến bắt có hàng trăm, hàng ngàn. Dân chúng sống trong sự hãi hùng rùng rợn. Cùng lúc đó, Việt Minh nổi lên hoạt động ngay trong lòng địch, đánh thức dậy lòng uất hận đối với cả “Pháp thực dân” và
“Nhật phát xít”. Kết luận: văn chương lùi xuống hàng thứ yếu, người nào cũng thấy bừng lên trong lòng ngọn lửa thiêng chống xâm lăng và muốn xông ra tiền tuyến. Cố nhiên, ở vào một giai đoạn như thế, làm báo văn nghệ không thể nào sống được. Người ta chỉ muốn tìm đọc những tờ báo nói lên uất hận và nguyện vọng của người dân, những tờ báo gào thét lên những tội lỗi tầy đình của thực dân và phát xít, nhưng ai dám nói?
Chỉ nói bóng nói gió một chút thôi cũng đủ làm cho những kẻ thống trị bắt giữ, cho đi tù đày hay đánh đập cho đến chết và đóng cửa báo liền. Báo bí mật của kháng chiến được hinh hương như sấm truyền. Những người không có gan đọc báo lậu, đành trùm chăn, tìm những tờ báo khảo cứu, sưu tầm để đọc tiêu sầu và cũng muốn nhân lúc quốc gia đa sự, học hỏi thêm để mở mang trí óc. Tờ “Tri Tân” của ông Nguyễn Tường Phượng, có nhiều nhà văn lớp cũ hợp tác như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Triệu, Nguyễn Quang Oánh nhờ đó cứ sống dai dẳng mãi. Tờ “Thanh Nghị” của nhóm Đặng Thai Mai, Đinh Gia Trinh cũng được nhiều người lưu ý, nhưng trội hơn hết trong thời gian này là tờ “Trung Bắc Chủ Nhật” của Nguyễn Doãn Vượng.
Bốn mươi năm nói láo
P 1 - 1
P 1 - 2
P 1 - 3
P 1 - 4
P 1 - 5
P 1 - 6
P 1 - 7
P 1 - 8
P 1 - 9
P 1 - 10
Phần 2
P3 - 1
P3 - 2
P3 - 3
P4 - 1
P4 - 2
P4 - 3
Phần 5