watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tuổi thơ khát vọng-Phần Ba - tác giả Vũ Đức Nguyên Vũ Đức Nguyên

Vũ Đức Nguyên

Phần Ba

Tác giả: Vũ Đức Nguyên

Vào một buổi sáng. Khi tỉnh giấc tôi đã thấy trong nhà có bốn năm người đàn ông còn rất trẻ. Họ ăn vận áo quần giống nhau, đầu người nào cũng gần như cạo trọc, đang trò chuyện râm ran. Người nằm, người ngồi. Có một người ôm cái hộp bằng gỗ hình thù rất lạ, giống như quả bầu phình ra thắt vào có cái cần dài, đầu cần có những cái núm, căng sáu dây song song với nhau, anh gãi mấy ngón tay vào bật thành tiếng trầm bổng, thánh thót ngân vang, miệng anh khe khẽ hát lời bài ca nghe đến du dương:
Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung...
Làng tôi theo đoàn quân du kích
Cướp lấy súng quân thù, trả thù xưa...
Tôi bần thần nhìn họ vừa lạ lẫm vừa khó hiểu nhưng vẫn bị hấp dẫn và cuốn hút. Rồi một người trong số họ trông thấy tôi, lên tiếng:
- Em nhỏ ngủ dậy rồi đấy à?
Tôi lắp bắp trả lời người khách lạ:
- Dạ... vâng...
Anh Thành bưng nồi cơm từ dưới bếp lên, giục tôi đi rửa mặt.
Tôi liền tụt xuống lết từng bước ra vại nước. Tôi hỏi anh:
- Mấy người đang ở trong nhà mình là ai thế?
- Các anh bộ đội Cụ Hồ đấy. Họ về hồi khuya, đóng quân rải
khắp từ trong Hệ Dưỡng ra xóm Núi Ngang mình. Đông lắm. Chắc các anh ấy sắp kéo xuống đánh bọn Tây ở phía Phát Diệm hay sao ấy.
- Sao anh biết?
- Thì nghe các anh ấy xì xào nói chuyện với nhau. Tao đoán thế.
- U có biết các anh ấy về trọ ở nhà mình không?
- Có chứ. U cho năm người ở nhà mình. Cái anh đang nằm ngủ tên là Hào. Chỉ huy đấy. Còn anh đang đánh đàn ghi ta tên là Phả làm y tá tiểu đoàn, quê mãi ở Hà Nội cơ.
Tôi cứ lác mắt nghe anh Thành nói. Anh ấy biết đến nhiều.
Suốt ngày tôi cứ ru rú ở nhà nên chẳng hiểu mô tê gì cả.
Tôi lết chân bước vào tới hiên thì anh Phả buông cây đàn xuống giường, chạy ra đỡ tôi.
- Em bị liệt chân à? - Anh hỏi.
- Ông ngoại em bảo em bị bán thân bất toại ạ.
- Năm nay em mấy tuổi rồi?
- Dạ... em đã mười tuổi ạ.
- Tên em là gì?
Tôi ngoảnh lên nhìn anh Phả. Cũng chỉ hơn chú Thìn tôi một hai tuổi là cùng:
- Tên em là Vững ạ.
Anh Phả nắm chặt cánh tay tôi dắt lên thềm.
Anh Thành đi học. Thằng Bền chạy theo mấy đứa trẻ con trong xóm lau nhau sáu bảy tuổi nô nghịch quanh quẩn bên sườn núi. Anh Phả với mấy anh bộ đội rồi cũng đi. Nhà chỉ còn lại mình tôi với quyển truyện mà cái Dung mượn giúp ở nhà ông giáo Kỳ.
*
* *
Từ hôm có bộ đội Cụ Hồ về đóng quân, xóm Núi Ngang và nhất là nhà tôi lúc nào cũng có người qua lại nhộn nhịp. Tôi không còn cô đơn buồn chán nữa. Ngày nào anh Phả cũng tắm rửa cho ba anh em tôi sạch sẽ. Nhất là tôi. Lúc rỗi rãi anh còn kể chuyện hay dạy tôi hát. Anh làm y tá nên biết tiêm thuốc và chữa bệnh. Anh bảo nếu hồi tôi mới ốm mà được đưa đi nhà thương chữa sớm thì không như thế này. Tuy là người thành phố, anh Phả da đen nhẻm như củ súng. Vậy mà nom anh đến duyên. Chả thế mà dạo này chị Nhàn hôm nào cũng lấy cớ sang với tôi để nghe anh Phả hát, nghe anh Phả gẩy đàn ghi ta. Tôi thấy anh Phả cũng chiều chị Nhàn lắm. Nhiều khi anh ngồi hàng buổi gẩy đàn và hát cho chị Nhàn nghe. Tiếng đàn và lời ca quyện vào nhau trầm bổng, thánh thót du dương khuấy động làm xao xuyến tâm hồn thơ bé của tôi. Tôi bồi hồi như nghe rõ tiếng hạt mưa thu rơi. Tôi bâng khuâng như chính mình là người lữ khách bên sông ngóng cô lái đò. Tôi thổn
thức cùng chàng trai nào đấy ngẩn ngơ chẳng thấy bóng dáng cô bạn láng giềng đâu. Và, tôi còn mừơng tưởng được cả một buổi chiều trên chiến khu rừng nơi Việt Bắc xa mù, với
những cô son nữ đitrong rừng vắng...
Chị Nhàn bế tôi ngồi lên lòng. Nhiều lúc chị ghì chặt tôi, nhìn anh Phả không chớp mắt, ánh mắt long lanh, đôi má ửng hồng trông xinh hơn mọi ngày.
Chắc chắn có bọn Việt gian chỉ điểm nên chỉ mấy ngày sau, vào buổi chiều thứ sáu, giặc Pháp cho máy bay đến ném bom oanh tạc xứ đạo Hệ Dưỡng và các làng lân cận tới chập tối mới yên. Bọn trẻ con xóm Núi Ngang hoảng hốt sợ hãi, không đứa nào dám nhí nhố đứng ngoài ngó lên trời xem tàu bay nhào lộn như mọi bận nữa, chui tọt cả vào hang. Đến khiếp! Bom từ trên trời rơi xuống lã chã từng chùm như phân trâu. Nổ inh tai lộng óc. Anh Phả đè lên tôi che chắn kẻo mảnh bom bắn vào hang trúng phải người. Mỗi lần tiếng bom nổ gần, sức ép túa vào miệng hang hất chúng tôi lên. Núi Ngang như con voi khổng lồ thời tiền sử nằm phủ phục giữa cánh đồng rung chuyển lay động đến tận lòng núi.
Gần tối lũ tàu bay Pháp mới cuốn gói sạch. Bầu trời trở lại yên tĩnh. Những cánh đồng, làng xóm và núi non quanh vùng Hệ Dưỡng như rỉ máu, toang hoác những vết thương, nhà cháy, tháp chuông nhà thờ sạt đổ và làm nhiều người chết, bị thương. Đơn vị đóng quân trong vùng có mấy chiến sĩ hy sinh, anh liên lạc của tiểu đoàn bị mảnh bom phạt cắt đứt bàn chân. Con lừa chuyên đi tải gạo cho bộ đội bị bắn chết dọc đường.
Tối mịt cha tôi từ cơ quan tỉnh bộ mặt trận về. Ông gặp anh Hào. Hai người dắt nhau ra đầu núi trao đổi chuyện gì đó.
Mấy anh nuôi mang thịt lừa đem chia cho những gia đình nghèo ở xóm Núi Ngang. Nhiều nhà không chịu nhận bảo để bộ đội làm thức ăn đi đường.
Đêm hôm ấy cha tôi đi luôn. Tôi có linh cảm cuộc sống như đang ngấm ngầm xảy ra một cái gì đó rất trọng đại, nên cha tôi cũng như các anh bộ đội chuyện trò với nhau cứ thì thầm, bí mật lắm.
Sáng ra, tôi không thấy anh bộ đội nào còn ở nhà mình nữa.
Các anh đã bí mật lên đường hành quân từ lúc khuya, cả xóm Núi Ngang không một ai biết. Căn nhà tôi lại trống vắng như trước.
Tôi cảm thấy hẫng một cái gì, thiếu vắng một cái gì. Chợt có tiếng chị Nhàn hát vẳng sang:
Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi Các anh đi đến bao giờ trở lại...
Lòng tôi cứ nôn nao nỗi nhớ. Các anh bộ đội hành quân đi
đâu? Lúc này các anh có mặt ở vùng nào?
Ít lâu sau, cơ quan Ty nông chính tỉnh chuyển tới xóm Núi Ngang ở. Nhà tôi là nơi ở và làm việc của bác trưởng ty, mấy nhân viên văn thư, đánh máy và nấu cơm.
Việc học hành của anh Thành và cái Dung gián đoạn vì lớp không thể mở được. Tàu bay Pháp suốt ngày đêm vè vè trên trời thám thính. Cũng may, những lúc rỗi rãi các bác các chú cán bộ Ty nông chính dạy đám trẻ làm tính, viết ám tả. Thành ra tôi có điều kiện theo học được. Tôi thử sức cùng học bài với cái Dung xem có được không. Sau mấy buổi, các chú bảo tôi học được, đôi khi lại còn khen tiếp thu nhanh. Tôi hào hứng học tập và cảm thấy mình không bị bỏ rơi, lạc lõng như trước nữa. Có điều tay phải tôi cầm bút vẫn còn ngượng ngập và run lắm, khiến chữ viết nguệch ngoạc như gà bới.
Vừa sáng ra. Bầu trời u ám và buồn tẻ. Ba anh em chúng tôi đang ngồi ăn cơm thì bác Vinh chạy sang:
- Ô hay! Sao mẹ các cháu đi chợ sớm vậy?
Tôi hỏi bác Vinh:
- Có chuyện gì thế bác?
- Người ta đồn bọn Tây ở dưới bốt Phát Diệm đương đánh lên thị xã Ninh Bình rồi đấy.
Bác đưa mắt nhìn khắp nhà rồi bảo:
- Thôi... các cháu ăn cơm nhanh lên. Anh em bảo nhau thu dọn đồ đạc gọn lại chờ mẹ về đi tản cư ngay kẻo không kịp.
Nói xong, bác Vinh hớt hải quay ra, miệng lẩm bẩm:
- Rõ khổ... Tây càn đến nơi rồi mà mẹ chúng nó còn tiếc buổi chợ! Không khéo giặc nó kéo đến thì khốn...
Ba anh em chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau rồi đột nhiên cuống lên. Ăn vội ăn vàng. Nhất là nghe thấy tiếng tù và từ trong Hệ Dưỡng vọng ra nghe ù ú rờn rợn. Xóm Núi Ngang bỗng nhốn nháo tiếng bước chân, tiếng người gọi nhau í ới, gắt gỏng hoặc quát tháo, tiếng trẻ con gào khóc cùng với tiếng lợn kêu, chó sủa. Nhìn ra cánh đồng, người tản cư gồng gánh bế bồng hối hả bước thấp bước cao, bọn trẻ con chạy theo bạt mạng lội bì bõm, lôi thôi lếch thếch. Trâu bò lồng tớn lên phía trước, tạt qua cả ruộng lúa xanh rờn mà vẫn bị quất roi vun vút vào mông, kêu rống lên, vọng vào núi đá.
Mẹ con chị Nhàn tất tưởi tay nải, bị gậy, gánh gồng ra đi.
Thấy ba anh em tôi đứng nép vào nhau trước cửa nhớn nhác như mấy con chim non vắng mẹ gặp bão, chị Nhàn ái ngại ngoảnh lại bảo:
- Mẹ con chị chạy trước nhé. Đứng ở cửa làm gì nữa. Vào thu dọn đồ đạc giường chiếu đi.
Rồi tới mẹ con bác Vinh đi tiếp. Cái Dung cuống cuồng chạy sang an ủi:
- Chắc mẹ đằng ấy sắp về rồi. Tây đi càn tan chợ còn gì. Thôi tớ đi nhá.
Nó nhìn vào mắt tôi như muốn nói gì nữa mà không nói được rồi quay đi. Cứ thế. Tiếng chân người, tiếng lợn kêu, chó sủa và tiếng gọi nhau giục giã, í ới, đi qua.
Anh Thành chạy loanh quanh trong nhà rồi lại ngó ra cửa chẳng biết thu dọn cái gì. Thằng Bền tự dưng òa lên khóc. Còn tôi... thực sự là tôi lo sợ quá. Liệu mẹ tôi có về kịp không? Mà về kịp thì chạy đi đâu? Ai là người gánh gồng đồ đạc hàng hóa? Ai là người địu thằng Bền, cõng tôi? Hay là mình tôi ở lại? Cha mẹ ơi, tôi mà phải ở lại, Tây nó đến nó giết tôi mất. Khủng khiếp quá!
Cái thằng Tây người cao lêu đêu, lông lá, mũi khoằm khoằm, mắt sâu hoắm xì xồ ra lệnh cho thằng lính bắn. Một phát đạn nổ đoàng. Thế là tôi lăn đùng ra chết. Hay là... có khi thế lại hay, đỡ khổ cho mẹ tôi, đỡ vất vả cho mọi người.
Tôi ngồi đần mặt ra vò đầu bẹo chân. Thật khốn khổ! Tôi là đứa bé biết ăn biết nói và biết nghĩ. Giờ đây trước loạn lạc càng bộc lộ rõ tôi chỉ là cái bị thịt, sống chỉ ăn báo cô chứ được tích sự gì.
Sống mà như thế này thì cũng coi như đã chết.
Con Vàng cũng quýnh lên. Nó quấn vào tôi ngơ ngơ ngác ngác. Chưa được yên chỗ một lúc nó lại chạy ra quấn vào chân anh Thành để trông cậy sự chở che. Nó đã cảm thấy tai họa đang đến gần. Vướng cẳng, anh Thành đá vào mông nó. Con Vàng kêu "ẳng"
lên một tiếng nhẫn chịu chứ không dám cắn lại chủ, đành quay lại chỗ tôi, nằm phủ phục nghếch cái đầu, mắt lơ láo nhìn. Không rõ nó ngẫm nghĩ cái gì.
Khoảng trưa mẹ tôi mới về tới nhà. Hớt hải và lo sợ. Bà quát tháo ầm lên. Anh Thành giúp mẹ tôi cất giấu cái đỉnh đồng, cái nồi mười lăm, chậu thau, đôi mâm và hòm sách thuốc ông ngoại cho vào hang.
Xóm Núi Ngang vắng teo. Chắc chỉ còn gia đình tôi với vài nhà nữa là cùng. Mẹ tôi cuống cuồng thu dọn chỗ hàng xén gọn vào một cái bồ, còn cái bồ kia đựng ít gạo, vài thứ nồi niêu bát đĩa, tay nải quần áo, hàng hóa đồ đạc của gia đình dồn lên vai mẹ tôi, làm sao có thể mang hết được đi bây giờ? Bà trở nên quẫn trí, rên rỉ chửi rủa chúng tôi. Nhất là tôi. Rồi bà òa khóc. Thằng Bền nhớn nhác khóc theo. Cuối cùng thì anh Thành với tôi cũng mếu máo.
- Thằng Thành có cõng được thằng Vững không? - Mẹ tôi hỏi.
- Thế còn thằng Bền? Còn hai con lợn? - anh Thành băn khoăn hỏi lại.
Tôi tập tễnh lê bước chân lại phía mẹ:
- Thôi con ở lại với con Vàng trông nhà và trông hai con lợn.
Hai mắt mẹ tôi ánh lên cái nhìn lạ lắm:
- Mày muốn chết à? Què thì què nhưng Tây nó có Việt gian. Chúng nó sẽ biết mày là con Việt Minh, bố làm cán bộ kháng chiến, nó giết chứ không tha đâu.
Tiếng moóc-chi-ê từ dưới Phát Diệm, dưới bốt núi Sậu của giặc Tây đã bắn lên, thỉnh thoảng lại tắc bọp... veo, ùng oàng như thúc đít mọi người. Bốn mẹ con chúng tôi đương dở khóc dở mếu loay hoay với đôi bồ, tay nải áo quần và rổ bát đũa thì chợt có một người đàn ông từ trong làng Hệ Dưỡng đi ra tìm vào nhà tôi.
- Tôi là Thịnh - người đàn ông xưng tên - ở xóm nhà thờ trong Hệ. Anh Thành nhắn đoàn thể xã giúp đỡ đưa chị và các cháu tản cư vào Đình Trung, chỗ cơ quan Ty nông chính vừa chuyển đến. Nếu tình hình đợt này giặc Pháp càn ta căng, Ty nông chính chuyển đâu thì anh em sẽ đưa chị và các cháu chạy theo.
- Thế còn nhà tôi? - mẹ tôi mếu máo hỏi.
- Anh Thành phải ở lại lãnh đạo chống càn.
- Anh có biết nhà tôi ở đâu không?
- Tôi không được biết. Anh ấy về cơ quan huyện ủy từ tuần trăng trước rồi. Thôi... tôi cũng chẳng biết gì hơn để nói cho chị biết đâu. Chị chuẩn bị quang gánh tôi quẩy giúp cho. Cái gì nặng chị cứ chuyển cho tôi.
Bầu không khí hốt hoảng và bế tắc bao trùm lấy mẹ con tôi được phá tan. Người đàn ông tên là Thịnh bế tôi và thằng Bền đặt vào một bên thúng cái, còn bên thúng kia chất nào gạo, nồi niêu bát đũa, tay nải quần áo. Mẹ tôi gánh một bên bồ đựng hàng xén, cái chiếu, tấm chăn chiên; một bên bồ nhét đủ thứ từ hũ mắm cua, niêu muối, chai dầu tây... nghĩa là nom thấy thứ gì có thể mang đi được là vơ ráo bỏ tất vào bồ.
Anh Thành lăng xăng đeo túi dết đựng mấy quyển vở với cái chăn chiên cuộn lại buộc chéo vai, dắt con Vàng chạy trước. Chú Thịnh nhắc gánh lên vai rảo bước. Chỉ một lúc sau, cả mẹ tôi lẫn anh Thành vừa chạy vừa thở cũng không đuổi kịp.
Ngồi trong thúng chao đi chao lại theo nhịp chân bước, thằng Bền lấy làm khoái chí như ngồi ở trong nôi. Nó hò hét gọi anh Thành, gọi mẹ rối rít. Nhiều khi nó còn co quang rướn người đứng lên làm cho chú Thịnh phải quát mấy lần. Còn tôi, chỉ biết ngồi lặng im ngơ ngác nhìn lên bầu trời đầy mây đang kéo về phủ kín.
Dân các làng trong vùng kéo nhau lũ lượt chạy tản cư vào núi. Cả dân ngoài Bộ Đầu quê ngoại tôi nữa. Rồi thấy cả dân thị xã cũng chạy vào đây. Táo tác vội vàng.
Trời nổi giông, không khí mát dịu.
Tới Đình Trung vào lúc chạng vạng tối. Cơ quan Ty nông chính đóng ở một cái hang đá cao rộng như một tòa nhà lớn chứa được hàng trăm người. Thấy mẹ con tôi gồng gánh nhau vào, mấy bác cán bộ nhào ra đón. Người đỡ mẹ tôi, người đỡ chú Thịnh, người dắt anh Thành.
Con Vàng nhảy phốc lên hang, ngoáy tít đuôi mừng gặp lại người quen. Mấy bác cán bộ cứ trách mẹ tôi:
- Đã bảo chị cho các cháu chuyển cùng chúng tôi từ tuần trước thì đâu đến nỗi. Giờ đồ đạc, đàn lợn phải bỏ lại đấy.
- Mai em quay về mang bán đi vậy.
- Chắc mai có còn không?
Đuốc được đốt lên. Mẹ con chúng tôi ngồi bệt xuống những tảng đá trong hang nghỉ một chút cho đỡ mệt. Nói gì đó với mấy bác cán bộ Ty nông chính rồi ra chào mẹ con tôi - chú Thịnh quay về làng ngay để kịp chuẩn bị chống càn. Chúng tôi không kịp đun nước mời chú uống.
- Không việc gì phải khách khí như vậy, chị ạ. Đưa mẹ con chị vào đây tránh giặc cũng là nhiệm vụ của đoàn thể địa phương.
Nói rồi, chú Thịnh nhảy một cái lên cửa hang. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng đá lạo xạo, đoán chắc chú đang lần xuống núi.
Mẹ con tôi vội thu xếp một chỗ để ở tạm.
Trong lúc này, tôi thực sự là đứa bé vô dụng. Còn hơn thế, vì tôi mà mọi người khó nhọc. Bỏ tôi ở lại chắc mẹ không đang tâm, mà tha cho được mới cực nhọc làm sao. Bà ở trong tâm trạng hoang mang, chả biết tính toán định liệu cho mấy đứa con thế nào cho phải. Nghe binh tình chuyến này giặc Pháp mở đợt càn quét lớn lắm, lan rộng ra khắp vùng tây nam Ninh Bình. Làm thế nào chạy thoát và làm gì để sinh sống bây giờ? Các bác ở Ty nông chính bàn với mẹ con tôi là cơ quan chuyển đến đâu họ sẽ đưa mẹ con tôi theo tới đó. Còn chuyện cơm cháo thì có gì ăn nấy, khi bắt được liên lạc với tỉnh, ắt có tiếp tế thôi. Xem chừng mẹ tôi vẫn không yên bụng. Cơ quan đã thiếu thốn mọi bề, lại còn lỉnh kỉnh
đồ đạc, hồ sơ giấy má, máy chữ máy in... giờ đa mang cả mẹ con tôi sao xuể. Mẹ tôi định bụng sẽ quay về Núi Ngang bán đôi lợn với số đồ đồng cất giấu trong hang đá. Gom lấy ít tiền rồi tìm đường đưa anh em chúng tôi chạy vào Thanh Hóa.
Chắc mệt lắm nên mẹ tôi với anh Thành ngủ rõ say. Riêng tôi thì vẫn không thể nào chợp mắt được.
- Mẹ thằng Thành có trong đó không?
Tôi vùng dậy, lần lại chỗ mẹ tôi nằm lay người. Bà đang mệt, vừa thiếp đi được một lúc nên gắt:
- Để cho tao ngủ! ỉa đái thì cứ lần ra cửa hang ấy.
Tôi gắng dằn lòng lại, nói:
- Có ai gọi u ở cửa hang chứ con có muốn gì đâu.
Nghe vậy mẹ tôi mới nhỏm dậy:
- Hay là thầy mày đến tìm cũng nên...
Tiếng người gọi ở ngoài cửa hang lại vọng vào:
- Mẹ thằng Thành có ở trong đó không?
- Có! - Mẹ tôi nhận ra tiếng đáp như cái máy. Bà vội bò lên cửa hang:
- Ai gọi đấy?... à... thầy vào đấy ạ?
Hóa ra ông ngoại cùng cậu Phùng vào tìm đón mẹ con tôi đưa đi tản cư lên Rịa.
- Sao lại đi lên Rịa hả thầy? - Mẹ tôi hỏi lại.
- Cứ chạy lên đấy đã rồi liệu tính sau. Chồng mày có tạt qua làng gặp thầy. Nó cho biết có thể giặc Pháp tung lính mở càn lớn ra khắp tây nam Ninh Bình. Chuyến này có khi đánh nhau to. Chúng rao ai bắt được chồng mày sẽ được thưởng ba vạn đồng Đông Dương. Chúng còn treo giải cho người bắt được mẹ con nhà mày nữa...
Mẹ con tôi nghe ông ngoại nói mà bủn rủn cả chân tay. Tôi lo sợ cho cha tôi quá. Giờ cha tôi ở lại chống càn, ngộ nhỡ sa vào tay giặc thì chết với chúng. Được dịp mẹ tôi liền ca cẩm oán trách cha tôi đủ điều. Rằng người ta lấy chồng được cậy nhờ chồng. Đằng
này, đã chả giúp gì cho vợ đỡ cực, lại còn đa mang đèo bòng, vẫn chỉ một thân một mình gánh vác gia đình. Giờ sự thể đến nông nỗi này còn biết liệu tính sao? Không chạy kịp thì... chả nhẽ chịu chết?
Nghe ông kể mọi chuyện tôi mới biết là ông có đi họp trên huyện, được nghe nói rõ tình hình hẳn hoi. Nhưng ông chép miệng:
- Đến khổ, về vận động bà con dân làng đi tản cư sớm, làm vườn không nhà trống để giúp du kích tiện bố trận đánh giặc thì chả ai nghe cho. Chủ quan. Đến khi Tây nó bắn đì đoàng ở dưới Phát Diệm lên, thế là nháo nhào như tổ ong vỡ...
Ngoài trời vẫn rả rích mưa. Bằng mọi cách mẹ con tôi phải ra đến Ghềnh trước rạng đông.
Mẹ tôi vào gọi một bác cán bộ của Ty nông chính, gửi lời chào mọi người, rồi tất tả quẩy đôi bồ nặng trĩu vai xuống núi. Ông ngoại đội nón, khoác áo tơi lá cõng tôi, chống gậy dò dẫm đi từng bước. Anh Thành và cậu Phùng cõng thằng Bền cũng khoác mỗi người một chiếc áo tơi lá. Riêng mẹ tôi thì buộc tấm vải nhựa để đặt đòn gánh trên vai cho dễ. Đôi bồ được che bằng miếng vải nhựa kẻo đồ đạc thấm nước.
Mưa dai dẳng và nặng hạt. Đường trơn như đổ mỡ. Đêm chuyển về sáng tối nhờ nhờ. Người nọ chờ người kia đi như bò từng bước.
Mưa thưa hạt dần rồi tạnh hẳn. Trời chuyển mây trong ra.
Bóng tối loãng hơn. Đã nhìn thấy mặt người nhọ nhem. Chốc chốc ông ngoại lại lên tiếng nhắc tôi:
- Ôm chặt lấy ông, đừng ngủ cháu nhé!
Cuối cùng, chúng tôi cũng tới bến đò. Thấy chúng tôi tới, ông
lái đò lên tiếng giục:
- Có đi sang Ghềnh thì mau chân xuống thuyền. Nghe nói Tây nó chiếm thị xã rồi.
Thế là cha con ông cháu vội vàng bồng bế nhau xuống thuyền cho mau. Khi người lái đò chống sào sắp tới bờ bên kia thì chúng tôi nghe thấy tiếng chó sủa ông ổng vọng theo.
- Con Vàng! - Tôi thốt kêu lên.
Mấy mẹ con tôi đều ngẩn ra. Con Vàng đang sủa gọi chúng tôi đó. Bởi cả nhà quýnh lên với đồ đạc gồng gánh nên quên bẵng nó. Hẳn là nó chạy đuổi theo nhưng không kịp. Giờ biết làm thế nào? ạng lái đò cũng vội lắm rồi. Tôi ngồi ở sạp thuyền nghe con Vàng sủa theo lạc cả giọng mà cứ ngẩn ngơ thương tiếc. Con thuyền gần tới bờ bên này thì bờ bên ấy cũng xa. Tôi căng mắt nhìn lại. Mặt nước mênh mang tới chân dãy núi đen thẫm trùng
điệp. Không tài nào nhìn thấy con Vàng được. Nhưng tiếng nó sủa
được vách núi vọng đến âm vang khắc khoải.
Tới bờ. Cha con ông cháu lại gánh gồng bồng bế nhau lội qua cánh đồng ngập nước đến mắt cá chân, đi lên Ghềnh. Im ắng đến rợn người. Có vài bóng đen đi ngược lại. Cậu Phùng với anh Thành chợt đứng sững, khe khẽ gọi:
- Thầy ơi...
- Ông ơi...
Khi gần giáp mặt nhau, một trong mấy người kia lên tiếng hỏi trước:
- Ai...? à chạy tản cư hả?
Không kịp để ông ngoại trả lời người đó nói tiếp:
- Đi mau chân lên.
Mẹ tôi hổn hển hỏi:
- Tây nó đến đâu rồi, các ông?
- Hình như nó đến Cầu Yên rồi thì phải! Chú ý không có bọn Việt gian gián điệp phục kích đấy nhé.
Từ Cầu Yên vào tới Ghềnh không xa. Mẹ tôi bỗng cuống lên
giục:
- Thôi mau chân lên, thầy ơi...
Cậu Phùng và anh Thành bị thúc chạy nhanh lên trước. Ai nấy đều phấp phỏng lo gặp phải Tây hay bọn Việt gian mai phục rình nấp đâu đó. Cứ gặp bụi cây dại nào um tùm là lên tiếng hỏi:
"Ai?" Chẳng có ma nào trả lời. Vậy mà cứ len lén bước qua, mắt không rời bụi cây đen kịt im lìm. Chợt ông ngoại nói:
- Mấy người ban nãy là du kích đấy.
- Thế họ đi đâu vậy thầy? - Mẹ tôi hỏi cốt để vững dạ.
Tôi ngồi sau lưng ông cũng thấp thỏm lắng nghe. Ông ngoại lại lên tiếng:
- Họ đi cài chông hay gài mìn đấy.
- Để làm gì ạ? - Mẹ tôi hỏi đến ngớ ngẩn.
- Để cản đường bọn giặc chứ để làm gì...
Đến Ghềnh thì gà te te gáy. Sáng đến nơi rồi. Chúng tôi vào một nhà bên đường nghỉ chân. Chủ nhà cho gia đình tản cư sạch chỉ còn lại một mình trông nom đồ đạc chưa chuyển được. Ông ta nói chuyện với ông ngoại và mẹ tôi, thì thào chứ không thành
tiếng. Bảo mẹ tôi giết gà nấu cơm đi. Tý nữa sáng bạch thì không thể đun nấu gì được đâu.
Cậu Phùng, anh Thành và thằng Bền nằm lăn ra đất ngủ.
Mệt quá mà. Ông ngoại với chủ nhà ngồi lặng yên như hai cái bóng. Thỉnh thoảng mới nói khe khẽ với nhau đôi ba câu, hoặc hút thuốc sòng sọc. Hai mắt tôi díp lại rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nàokhông biết.
Chúng tôi bị đánh thức dậy. Vừa dụi mắt vừa ăn cơm. Vậy mà mẹ tôi vẫn giục ăn tứa lên chứ không Tây nó đến nơi bây giờ. Sau một đêm gồng gánh và lo âu, mẹ tôi hốc hác trông thấy. Mặt vàng bệch, mắt thâm quầng, lúc nào cũng cau có.
Đang ăn cơm thì cậu Tùng từ Rịa trở lại như ông ngoại đã hẹn. Cả nhà mừng rỡ. Cậu mượn được chiếc xe đạp cọc cạch, không
chuông, không phanh... Chỉ trơ khấc cái khung cùng đôi bánh... thế thôi. Dắt xe dựng vào vách. Cậu nói với ông ngoại:
- Giờ con đèo thằng Vững đi trước. Xong con trở lại. Tý nữa thằng Sơn, con nuôi anh Bội cũng mang xe đạp đến rước thầy. Cái Thảo đang ở ngoài đường, nó gánh cho chị Thành một ít đồ đạc.
Ông ngoại gật đầu:
- Thế cũng được. Thầy tính cả nhà cứ lên đường đi tiếp rồi mấy đứa bay quay lại gặp đâu đón đó. Chứ binh tình này không thể dềnh dàng, Tây nó kéo tới Ghềnh không biết đâu mà lường.
Trời sáng đã nhìn rõ mặt nhau. Đằng đông ửng hồng nơi chân mây báo hiệu một ngày nắng ráo.
Cậu Tùng buộc cái chăn chiên vào dóng ngang xe đạp. Bế tôi ngồi lên, bảo hai tay nắm chặt lấy ghi đông cho chắc. Cậu du du xe thử xem tôi ngồi đã vững chưa rồi nhảy pê-đan phóng xe vọt lên.
Lúc đầu tôi lấy làm khoái được ngồi xe đạp phóng như bay đi trước, thích thú nhìn cảnh vật hai bên đường. Con đường từ Ghềnh đi lên Rịa là con đường đất đồi. Cũng chẳng có gì ngoài những bụi cây dại um tùm và những cây thuồng muồng trổ đầy buồng quả chạy suốt hai bên đường lên đến đỉnh đồi, bạt ngàn như rừng. Giờ tôi mới biết đây là con đường đi chợ Vĩnh Khương mà tôi được nghe kể, ngày còn sống, bà ngoại vẫn thường mang rượu, vải vóc lên bán hoặc đổi cho bà con người Mường lấy lúa về xay. Suốt đời bà chỉ có làm như thế mà bà nuôi nổi một gia đình hơn mười miệng ăn, lại còn xây nhà tậu ruộng, dạy dỗ con cái trồng bông, sợi dệt vải... thành một nhà khá giả trong làng.
Rồi xe xóc. Tôi ngồi ê cả mông chỉ muốn mau tới Rịa. Đường mỗi lúc một đông người chạy tản cư. Toàn đổ lên Rịa. Xe ngựa lọc cọc chạy qua, người đánh xe nào cũng vút roi liên tiếp vào mông ngựa thúc phi nước đại. Đường qua trận mưa rào ban đêm, giờ ráo
nước đỏ quạch. Nắng lên. Đất đồi rực một màu gạch cua.
Cậu Tùng vòng tay lái, đạp xe rẽ vào lối nhỏ bên đường cái chỗ có cây mít cành lá tốt xanh.
- Đến nhà rồi.
Tôi nhìn thấy chị Yến và anh Tịnh con bác Bội chạy ra:
- Vững đấy à... xuống đi!
Cậu Tùng đỗ xe, nhưng vẫn để tôi ngồi trên dóng khung, dắt vào nhà mới bế tôi xuống.
Tôi ngước nhìn ngôi nhà đến lạ của bác Bội mà sau này được biết đó là nhà sàn.
Ngôi nhà rất to, cao ngất, sừng sững những cột gỗ cả vòng tay ôm mới xuể. Dưới sàn không có thưng vách gì cả, bỏ trống tuềnh, ngổn ngang những cưa, bàn mộc và đồ nghề đục chạm của thợ, hai cái xe trâu đương đóng dở, dăm cái vòng bánh gỗ đã lắp vào vành sắt. Còn gỗ thì hàng đống chất cao có ngọn ngoài sân. Từ sàn đến mái lợp nứa, che chắn bằng những tấm phên cứng cáp và chắc chắn, mỗi gian đều mở cửa sổ có chấn song gỗ. Ngôi nhà được bao bọc một vườn cây mít lúc lỉu những quả quanh thân. Chị Yến với anh Tịnh tròn mắt nhìn tôi kinh ngạc sau vài năm mới gặp lại nhau. Tôi vốn là thằng bé khỏe mạnh, linh lợi. Giờ đứng trước mắt họ là một "bộ xương quặt quẹo" với cái đầu trọc tếu to tướng như cái sọ dừa, mông teo lại, toàn thân "cắm" trên hai cái chân chỉ còn da bọc xương nhẳng như hai cái tăm oặt ra sau như cái trò lấy củ lang làm thằng người cắm mấy cái tăm làm chân tay. Như vậy, chị Yến anh Tịnh không thấy lạ lẫm sao được. Nhất là chị Yến. Chị bằng tuổi tôi. Năm lên sáu tuổi tôi gặp chị Yến ở nhà ông ngoại. Hồi ấy chúng tôi về chịu tang bà mất.
Tôi cũng nhìn lại chị Yến, anh Tịnh ngỡ ngàng trước sự ngạc nhiên của họ. Có lẽ không tin vào mắt mình hay sao nên chị Yến lại đánh tiếng hỏi:
- Vững đấy à?
Tôi nhìn chị, chớp chớp mắt và gật đầu, cảm thấy mình yếu đuối và tiều tụy quá.
Cậu Tùng vào bếp uống nước rồi đi ra. Cậu không để ý đến chúng tôi đương nhìn nhau như kẻ ở Cung Trăng với người ở Trái
Đất. Cậu hỏi:
- Thằng Sơn phóng xe đi rước ông rồi à?
- Vâng ạ! - Chị Yến lễ phép đáp.
- Thế mà tao không gặp... Thôi, cái Yến dắt thằng Vững vào hầm tránh máy bay, ngồi chơi. Cậu đạp xe quay lại đón thằng Bền đây.
Nói rồi cậu lại nhảy lên xe đi thẳng. Tôi tập tễnh lê từng bước một theo chị Yến đi ra phía đằng sau nhà sàn đến trước cửa hầm khoét ở sườn đồi. Sau giây phút ban đầu bàng hoàng đến khó hiểu, trẻ con chúng tôi rất chóng làm quen nhau nên chẳng mấy chốc đã ríu rít trò chuyện cởi mở. Tôi kể cho chị Yến nghe chuyện tôi bị ốm suýt chết như thế nào, mẹ con tôi chạy tản cư ra làm sao, và tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ khi nghe tiếng con Vàng sủa ông ổng gọi theo từ bên dãy núi đá vôi vọng tới. Chị Yến an ủi: - Thôi được. Để chị nói với bác cho nhà em một con chó khác. Con chó Bông nhà chị vừa mới đẻ một lứa năm con, lông trắng đẹp lắm. Chị Yến không hiểu. Tôi đâu tiếc vì mất con chó rồi thay bằng một con chó khác là xong. Con Vàng nhà tôi khôn lắm. Nó không chỉ là một con chó giữ nhà, nó là người bạn của anh em tôi.
Nhất là tôi. Con chó Bông lông trắng của chị Yến đẹp thật. Song đem so nó với con Vàng của tôi làm sao được. Không rõ từ lúc sủa gọi chúng tôi đến giờ, nó có còn quẩn quanh ở bến đò nữa hay thôi?
Nó đã biết mình lạc chủ chưa? Liệu nó có biết tìm đường trốn vào núi kiếm ăn không hay lại cứ lảng vảng ở đấy thì Tây đến, chết với tụi nó mất thôi...
Có tiếng máy bay vè vè trên đầu dứt những ý nghĩ của tôi về con Vàng. Anh Tịnh kéo tôi:
- Vào hầm đi Vững. Máy bay cào cào bay thám thính đấy.
Hầm tránh máy bay của nhà bác Bội đào sâu vào lòng đồi, đâm thẳng rồi tách đôi theo hình chữ T. Nóc hầm được ken đầy những đoạn gỗ to như thân cây chuối để chống sập; hai bên vách hầm thẳng đứng, nhẵn như tường; nền hầm được rải một lớp ván cho sạch. Hầm tránh máy bay như thế này thì suốt ngày ở đây cũng không chán.
Mấy đứa đang mải nói chuyện huyên thuyên với nhau thì bác Bội gái đi chợ Rịa về. Nghe nói tôi đã lên đang ngồi trong hầm, bác chạy vào mang theo một chùm quả đo đỏ bằng ngón chân cái người lớn:
- Thằng Vững đã lên đấy à? Ăn dâu da đi cháu.
Bác nắn chân nắn tay tôi rồi bảo:
- Thôi... sống được thế này cũng là phúc đức lắm rồi! Nghe ông ngoại nói mà bác cứ rối cả ruột, ơ thế mẹ cháu đâu?
- Mẹ cháu với ông ngoại còn đi sau ạ.
- Thế... ngồi chơi nhé. Mệt thì cứ nằm kềnh ra sàn gỗ mà nghỉ. Bác đi nấu cơm không trưa đến nơi rồi.
Tới trưa. Ông ngoại cùng mẹ tôi, dì Thảo, cậu Phùng, anh Thành, thằng Bền tới Rịa. Hóa ra cậu Tùng với anh Sơn lai mỗi người từng quãng bởi ai nấy cuốc bộ đều mỏi mệt quá.
Mọi người đang ồn ào trò chuyện hoặc rửa mặt mũi tay chân lấm bụi đường, đột nhiên bầu trời ầm ầm tiếng máy bay nhào lộn trên đầu ném bom oanh tạc. Tiếng súng máy bắn từ trên máy bay xuống liên hồi, tiếng bom nổ inh tai lộng óc. Vậy là người lớn, trẻ con nháo nhào chạy vào hầm, quát tháo gọi nhau ầm ĩ.
Cậu Phùng chui vào hầm bế tôi lên lòng:
- Có sợ không cháu?
Tôi nép vào người cậu không nói gì. Cậu Phùng chỉ lớn hơn tôi có mấy tuổi mà mọi việc cậu đều xử sự như người lớn. Ngay cả với anh Thành, tuy bằng tuổi nhau, cũng vậy.
Ngớt tiếng bom. Bọn trẻ con túa ra khỏi hầm như bầy chim ríu ran chuyện trò làm quen nhau, chẳng hề lo sợ chiến tranh giặc giã. Người lớn thăm hỏi, kể lể cho nhau nghe những chuyện gia đình làm ăn buôn bán, cấy cày.
Bữa cơm trưa phải mấy lần gián đoạn vì máy bay lượn qua, và cứ thế cho tới chiều, hết đợt ném bom này đến đợt ném bom khác.
Tối đến. Bác Bội trai về cùng với tốp thợ, bàn bạc công việc của xưởng một lúc lâu. Nghe nói cơ quan kháng chiến yêu cầu xưởng mộc của bác phải đóng gấp mấy chục chiếc xe trâu lo việc vận tải tiếp tế cho bộ đội ngoài mặt trận. Xong đâu đấy bác lên sàn chào ông ngoại. Hai cha con ngồi nói chuyện với nhau gì đấy. Chắc là ông ngoại nói với bác Bội việc mẹ con tôi chạy tản cư lên đây ở tạm nương nhờ nhà bác ít ngày.
Bác Mẫn dẫn anh Thường và anh Thụy lại thăm hỏi mẹ con tôi. Vậy là mấy chị em gái kéo nhau vào buồng nói chuyện. Anh Thường và anh Thụy cùng trạc tuổi anh em chúng tôi, đều là trẻ con với nhau cả nên cũng chóng thân quen. Tôi được biết bác Mẫn là em gái bác Bội gái, con bà cả. Còn mẹ tôi là con bà hai mà. Chỉ một lúc sau mấy anh em đã nô đùa ầm ĩ, chạy nhảy bắt nhaungoài sân.
Tôi nào có tham gia được, ngồi một mình ở trên sàn nhà ngó qua cửa sổ nhìn lên bầu trời trăng sáng vằng vặc. Rừng núi nơi đây sau trận máy bay oanh tạc ban chiều, trở lại yên tĩnh âm u. Tiết trời lành lạnh. Trải qua mấy ngày chạy giặc căng thẳng trong lo âu sợ hãi, tới đây mẹ con tôi vẫn được vẹn toàn, được đoàn tụ trong đại gia đình họ hàng anh em ruột thịt. Phút chốc lòng tôi bâng khuâng những ý nghĩ con trẻ thơ ngây. Và hơn lúc nào hết, tôi giận thân tủi cực vì yếu đuối tàn tật. Và cũng hơn lúc nào hết, tôi thèm khát được như một đứa trẻ sống bình thường, tự mình làm lấy mọi việc mà mình muốn, không phải trông chờ nhờ cậy người khác.
Nhìn xuống dưới sân, thấy đám anh em vui chơi một cách hào hứng, còn tôi không thể nào tụt xuống cầu thang mà nhập vào cuộc vui. Mấy năm về trước tôi cũng chạy nhảy nghịch ngợm phải biết.
Chợt có bàn tay con gái đặt vào vai làm tôi giật nảy mình, quay lại:
- Chị Yến! Làm em hết hồn...
- Vững có muốn xuống dưới sân không?
- Em có chạy nhảy nô đùa được đâu mà xuống.
- Thì cứ xuống! Chị dẫn Vững đi loanh quanh cho đỡ buồn.
Chị Yến giúp tôi tụt dần xuống cầu thang. Chúng tôi thủng thẳng từng bước đi ra ngõ. Qua chị Yến kể, tôi được biết Rịa là một thị trấn đông vui. Mấy năm gần đây có nhiều gia đình từ khắp nơi kéo đến sinh sống. Cũng có phố xá và chợ búa nên khá sầm uất, bởi có cả bến sông, thuyền bè tấp nập.
- Thuyền đi tới đâu hả chị? - Tôi hỏi.
- Đò dọc đi Ninh Bình, Phủ Lý, Nam Định, đi vào thị xã Thanh Hóa... Rồi chị sẽ dẫn Vững ra bến sông chơi. Vững sẽ thấy cơ man những thuyền là thuyền. Người ta chở gạo, mắm muối, cá khô lên đây. Chả thiếu thứ gì.
Đi dạo một lúc, sợ tôi mỏi chân, chị Yến dắt tôi lên cầu thang. Ông ngoại nom thấy bèn gọi:
- Vững đấy à?
- Dạ... cháu đây.
- Vào đây ngủ với ông nào.
Ông ngoại lẩm nhẩm trong miệng hát ru tôi như ru đứa trẻ một hai tuổi. Lúc này tôi mới thực sự thấm mệt, nằm xuống một tí là ngủ liền.
*
* *
Ở đây được vài tuần thì cha tôi từ vùng địch hậu ra tìm, xin phép ông ngoại và bác Bội đưa gia đình tản cư vào Thanh Hóa. Gia đình chúng tôi lên đường từ lúc mặt trời chưa mọc.
Cuộc chia tay với ông ngoại và gia đình bác Bội diễn ra trong bóng tối. Chỉ dám thầm thì nói với nhau đôi ba câu, cứ như sợ đâu đó có Việt gian rình nấp nghe lỏm. Ông ngoại buồn rầu, còn vợ chồng bác Bội lấy làm áy náy và lo ngại cho gia đình chúng tôi.
Chị Yến với anh Tịnh cũng tỉnh giấc, bịn rịn không muốn mấy anh em chúng tôi ra đi.
Thế là chị Yến chưa kịp thực hiện lời hứa dẫn tôi dạo chơi khắp thị trấn và ra xem bến đò Rịa. Tuy đã sống ở đây mấy tuần nhưng tôi nào đã được đi đâu. Chả hiểu phố xá, chợ búa thế nào.
Cha cõng tôi trên lưng. Mẹ gánh đôi bồ đựng đồ đạc, hàng hóa và thằng Bền, còn anh Thành cuốc bộ theo.
Đồi núi chập chùng, cây rừng rậm rạp. Không gian yên tĩnh.
Cái yên tĩnh còn lại của ban đêm sắp tàn. Trời sáng nhập nhoạng nên tôi đã nhìn thấy cảnh vật hai bên đường một cách lờ mờ.
Muông thú bắt đầu tỉnh giấc. Tôi lạ lẫm lắng tai nghe tiếng chim rừng, thoạt tiên còn thưa thớt, sau mỗi lúc một nhiều hơn, khiến cho buổi bình minh nơi đây rộn rã muôn âm thanh, cung bậc trầm bổng của ban nhạc thiên nhiên.
Cả nhà tôi ai nấy đều lầm lũi bước đi, đôi lúc bước thấp bước cao, hoặc vấp chân vào đá, chệch choạng tưởng ngã. Chuyến đi này không phải lo sợ giặc đuổi sau lưng nhưng tâm trạng người nào cũng mỏi mệt, buồn bã. Vì lẽ gì? Tôi nào biết được. Ngay tôi cũng cảm thấy làm sao ấy. Dường như chúng tôi đương dấn thân vào chốn hang cùng ngõ hẻm nào đó để rồi đành phải quay lại Rịa cũng nên. Chẳng rõ con đường này có từ bao giờ mà sao hoang vắng thế? Cảnh vật mịt mùng rờn rợn. Song chúng tôi đều thấy là phải tới chỗ rừng sâu, ma thiêng nước độc thì mới sống yên ổn được. Chứ chỗ nhiều người qua lại hoặc đông vui sầm uất dẫu không bị máy bay oanh tạc thì giặc Pháp cũng xua lính đến càn quét. Và sẽ có bọn Việt gian chỉ điểm gia đình tôi là gia đình có người đi kháng chiến.
Không hiểu sao tôi chợt nhớ tới những câu chuyện về hổ báo ở chốn rừng xanh vẫn đọc trong sách hoặc nghe người lớn kể. Đâm ra có cảm giác sờ sợ. Bởi biết đâu đấy, trong hẻm núi hay trong rừng kia, bất thần có con cọp nào đấy đang rình nhảy ra vồ cha mẹ, anh em tôi thì sao? Rồi những con rắn độc, những con trăn đất, không biết ẩn náu từ chỗ nào văng mình tới quấn lấy người thì chết. Sợ hãi đến mức tôi nín thở, toàn thân run lên. Cha tôi ngỡ tôi lên cơn sốt, hỏi:
- Vững làm sao thế? Con thấy mệt lắm không?
Tôi đành phải nói sự thật cho cha biết. - Con có trí tưởng tượng như thế là tốt. Rất có thể trong rừng núi vùng này lắm hổ báo và nhiều loài rắn rết. Phải nghĩ tới điều đó. Nghĩ tới là để cảnh giác đề phòng bất trắc, chứ không phải để lo sợ. Như vậy là không được. Người ta sẽ coi mình là kẻ yếu hèn, nhút nhát. Con người trước thiên nhiên hoang dại quả là bé nhỏ. Nhưng con người có trí khôn để nhìn nhận thiên nhiên con ạ. Và con người sẽ trở
thành khổng lồ nếu họ thông minh và có lòng can đảm.
Cha tôi vừa đi vừa thủng thẳng nói. Tôi cảm nhận từng lời của ông như một sự chê trách mình. Tôi từng coi anh Thành nhút nhát sợ ma. ấy vậy mà anh Thành còn hăng hái đi lên phía trước kia kìa. Có sợ hổ báo gì đâu, lại còn lò cò chân sáo nữa chứ. Vả lại, cha tôi còn đeo một khẩu súng bên hông đây thôi. Lơ tơ mơ thấy động tĩnh gì là ông rút ra bắn liền.
Mặt trời đã bắt đầu lên. Núi rừng quanh tôi hiện ra rõ đường nét và màu sắc, hùng vĩ và mịt mùng, tươi mát trong nắng sớm.
Lần đầu tiên đi sâu vào rừng núi tôi mới tận mắt thấy điệp trùng nhấp nhô của muôn lớp núi này tiếp nối rặng núi kia, vạt rừng này lan tới cánh rừng nọ. Tôi đã thấy vực sâu, quèn dốc và cảnh mây bay dưới chân mình.
Cha tôi bảo cả nhà dừng chân. Mẹ tôi liền đặt gánh xuống, ngồi bệt ra vệ cỏ, kéo vạt áo lau mồ hôi ròng ròng quanh cổ, thở như kéo bễ lò rèn. Anh Thành tới chỗ tảng đá thẳng bên đường, nằm kềnh duỗi thẳng cẳng hai chân. Cha tôi ngồi xuống bên cạnh
anh Thành, lấy cái mũ cát trên đầu phe phẩy quạt. Còn tôi, từ lúc tụt trên lưng cha xuống đất, hai chân đứng oặt ra mải nhìn xuống vực sâu thăm thẳm.
- Thằng ranh! Có đến chỗ thầy mà ngồi không? Lộn cổ xuống đất bây giờ.
Tôi giật nảy mình nghe tiếng mẹ quát, quay lại lê bước chân đến chỗ cha, hỏi:
- Đây là đâu hở thầy?
- Bố con mình đang ngồi ở chân dốc Giang. - ông chỉ tay nói: -
Con dốc cao chưa, bên kia là vực.
Tôi ngước mắt nhìn theo hướng tay cha tôi chỉ. Con dốc vươn dài lượn lên lưng chừng núi khi đổ xuống phía bên kia có thoai thoải hơn. Người ta bạt núi làm con đường. Thành thử nó chênh vênh, phải đi giáp vào bên vách núi.
- Thầy đã qua đây lần nào chưa?
- Đi rồi nên mới biết chứ con. Đến ngày hội đền Sòng, con đường này tấp nập người qua lại. Chúng ta nghỉ lấy sức để vượt một mạch qua dốc kẻo trưa máy bay giặc đến oanh tạc.
Chốc chốc lại có một gia đình gồng gánh chạy tản cư vượt
qua chúng tôi. Rồi xe trâu, xe ngựa gõ móng xuống mặt đường lọc cọc. Anh Thành nói như van vỉ:
- Thầy ơi, con mỏi cẳng lắm. Bàn chân sưng tấy lên đây này.
Quả thật, bàn chân anh Thành sưng vù lên như bị phù. Cha tôi nhào ra đường ngáng một chiếc xe trâu:
- Bác làm ơn cho tôi gửi thằng cháu qua con dốc này có được không? Cháu nó đi bộ nhiều quá, giờ hai chân sưng tấy lên không thể bước được.
Người đánh xe trâu nhìn gia đình chúng tôi rồi gật đầu:
- Bác bảo cháu leo lên xe.
Ông ta phàn nàn như để thanh minh:
- Xe chở nặng quá chứ không tôi cho bác gái gửi đôi bồ kia lên nữa.
Khi anh Thành trèo lên xe, người đánh xe còn dặn:
- Nhớ lúc xuống dốc chớ có ngó ra ngoài kẻo lộn cổ xuống vực
đấy.
Chúng tôi cùng lên đường. Chiếc xe trâu lóc cóc chuyển bánh. Thằng Bền ngủ gục trong bồ bây giờ mới tỉnh. Nó đòi sang xe trâu ngồi với anh Thành. Ông đánh xe không bằng lòng, sợ đường xóc nó lăn xuống vực. Vực sâu hun hút. Mà dưới ấy cũng là núi đá vôi và những khe nước.
Nắng chói chang. Không khí nồng nực, oi bức. Càng lên dốc, con đường càng lộ ra giữa trời. Ai nấy đến phải mau chân bước. Tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau mình. Những người còn ở dưới chân dốc bé tí như đàn kiến lúi húi chậm như rùa bò lên.
Cha tôi cũng bắt đầu thở dốc. Thỉnh thoảng ông lại xốc tôi trên lưng. Tôi im lặng sợ làm điều gì không phải để ông nổi cáu thì khốn. Tai họa giáng xuống đời tôi khủng khiếp cho đến chết vẫn phải gánh chịu. Suốt từ ngày tỉnh lại cho đến nay tôi càng nhận thấy tai họa hiện ra cụ thể. Con đường mở ra trước mặt hệt như con đường leo dốc mà cha con tôi đương cõng nhau vượt qua. Nó ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, gập ghềnh lúc ẩn lúc hiện trong mây,lẩn vào sương mù. Liệu tôi có đủ sức vượt qua? Vượt qua bằng cách nào? Tôi đã bước sang tuổi thứ mười. Như vậy là sẽ còn sống nhiều năm nữa. Mẹ tôi nói không sai. Tôi có sống cũng chỉ là đứa ăn báo cô mà thôi. Đúng, tôi chỉ là một đống thịt biết ăn và biết nói. Mới mười tuổi đầu, cuộc sống buộc tôi phải sớm nghĩ về con người và cuộc đời. Cố nhiên đó là những ý nghĩ tản mạn, lung tung. Và nhiều lúc cũng chẳng nghĩ được gì.
Xuống dốc. Chiếc xe trâu lăn bánh đến nhanh. Vượt chúng tôi. Người đánh xe nhảy xuống đất gắng sức ghìm chiếc xe lại.
Mẹ tôi mấy lần suýt ngã. Thằng Bền thỉnh thoảng lại đòi đi đái. Bà vừa thở vừa gắt gỏng. Vẫn phải mau chân bước. Chốc chốc vẳng đến tiếng máy bay giặc như hăm dọa và thúc giục sau lưng.
Vừa xuống tới chân dốc bên này thì máy bay Tây ập đến oanh tạc. Người đi trên đường chạy bạt vào rừng. Những người còn trên đỉnh dốc hốt hoảng, kêu khóc loạn xị.
Chúng tôi chui vào một cái hang bên sườn núi cách con đường cái không xa. Cả nhà ai nấy đều mệt lử và đói. Cha tôi bảo lấy cơm nắm ra ăn. Cơm gạo thông đỏ như xôi gấc thẫm màu, chấm với "cá biển" rang khô, giã nhỏ, nhai kỹ cũng thấy ngon miệng. Chợt mẹ tôi nói:
- Thầy nó có chạy tản cư với mẹ con tôi mới thấy vất vả. Binh tình này mà thầy nó lại đi, có một mình tôi sẽ xoay xở ra sao?
- Thì biết tính thế nào bây giờ? Công tác đoàn thể không bỏ đấy cho các đồng chí khác được. Ta đang dốc sức cho cuộc kháng chiến mau tới ngày thắng lợi. Mẹ nó bảo tôi bỏ dở giữa chừng ư?
- Thế thầy nó bảo vào Thạch Thành thì ở chỗ nào để sinh sống?
- Nghe nói xã Kim Tân có nhiều gia đình tản cư vào sống ở đấy từ mấy năm nay rồi. Cũng đông đúc, tiện chợ búa và tiện đường thoát lên Hòa Bình nếu giặc Pháp đánh chiếm lên Rịa. Vào đó, tôi sẽ liên hệ với các đồng chí ở địa phương, nhờ họ giúp đỡ.
*
* *
Chiều mát. Sau khi đã ngủ được một giấc để lấy sức, gia đình chúng tôi lại lên đường. Không rõ người tản cư ở đâu ra mà đi hàng đoàn rầm rập như đi trẩy hội. Hình như mẹ tôi bớt lo ngại hơn. Thì người ta cũng chạy cả vào Thạch Thành đấy thôi.
Trời tối đến mau. Đường rừng lại càng tối. Những người chạy tản cư lại phải đốt đuốc soi đường đi. Gia đình tôi nhập vào đoàn người nên đỡ nản lòng. Giờ đây chỉ thấy rừng cây và đồi núi vây quanh chúng tôi. Đoàn người tản cư vừa đi vừa nói chuyện với nhau to dần, rồi ồn ào. Thì ra toàn là những gia đình có người đi kháng chiến. Dân Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng... có cả. Họ đã chạy vòng vo rồi mới kéo vào đây. Cũng chưa định liệu ở đâu, cốt tìm người thân đang làm việc ở các cơ quan kháng chiến thuộc liên khu Bốn rồi mới lo tính sau.
Đến khuya. Nhân gặp một xóm nhỏ bên đường, đoàn tản cư dừng chân. Mỗi gia đình thu xếp cho mình một chỗ nằm, liền nhau đề phòng dã thú hoặc rắn rết. Đàn bà và trẻ con nằm lăn ra ngủ. Đám đàn ông túm năm tụm ba ngồi hút thuốc lào, nói chuyện với nhau những cảnh tang thương mà họ nhìn thấy qua các làng mạc thôn xóm bị giặc Pháp càn quét đốt phá.
Những ngọn đuốc cháy tàn dần. Tiếng người trò chuyện cũng thưa đi. Đến khi không còn lấy một đốm lửa thì tiếng ngáy ngủ nổi lên từ đầu này tới đầu đằng kia.
*
* *
Sáng sớm hôm sau, đoàn người lại kéo nhau lên đường. Nhiều gia đình bắt đầu quen nhau, đỡ đần qua lại. Bọn trẻ con tíu tít chạy đi trước, bắt đầu nô đùa và giở trò nghịch ngợm. Tôi rất thèm được đi bộ cùng với lũ trẻ. Thành thử ngồi trên lưng cha cõng mà cứ như bị giam. Thằng Bền không chịu ngồi trong bồ nữa. Nó tung tăng chạy theo anh Thành đến sướng.
Chợt giữa chốn rừng xanh, núi non bao bọc trùng điệp hiện ra trước mắt chúng tôi dãy phố chạy dài, cảnh quan sơn thủy hữu tình hệt như trong tranh. Tôi nhổm trên lưng cha tôi:
- Thầy ơi, đây là đâu?
- Phố Cát đấy con ạ.
Một lúc sau thì đoàn người đi tới Phố Cát. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Hai bên đường nhà cửa, hàng quán tươm tất. Nhiều gia đình nghỉ chân. Có nhà lo nấu cơm, có nhà vào quán ăn. Bọn trẻ con nhốn nháo đi xem hàng quán hoặc đi vào đền Sòng chơi.
Mẹ tôi kiếm ít cành cây khô làm củi nhóm bếp. Bà lặng lẽ làm mọi việc. Cha tôi tìm chỗ trải chiếu nằm nghỉ. Ông giấu bao súng ngắn vào bồ. Còn anh Thành, tuy mỏi rã cẳng nhưng vẫn háo hức chạy loăng quăng ngó nhìn cảnh vật lạ mắt. Mẹ tôi bèn bắt anh ấy dẫn thằng Bền vào đền Sòng chơi để nó khỏi nom người ta ngồi ăn uống trong các hàng quán.
Tôi cũng muốn theo nhưng chẳng có ai cõng đi. Vào đền Sòng phải nhảy qua một quãng đầy những mỏm đá nhấp nhô như một sự sắp đặt sẵn của thiên nhiên rồi mới tới cái cầu cong lưng bắc qua dòng nước trong vắt. Nhìn rõ cả đá cuội dưới đáy và từng đàn cá bơi lội tung tăng.
Tôi đành ngồi xuống chiếu nhìn người qua đường, nhìn phố xá và cảnh vật xung quanh vừa lạ lẫm ngạc nhiên, vừa cuốn hút tâm trí thơ bé trong tôi. Không rõ lúc yên hàn, ngày hội đền Sòng đông vui nhộn nhịp như thế nào. Chứ nhìn cảnh núi non, rừng xanh, sông suối nơi đây thì ai chẳng thích tới vãn cảnh.
Ngôi đền cổ xưa dựng bên chân núi có dòng suối uốn khúc chảy qua ôm vòng bao quanh. Cây rừng xen kẽ thành bức rèm thiên nhiên khiến người ta chỉ nhìn thấy ngôi đền thấp thoáng. Tạo nên khung cảnh không gian vừa hoang hoải trang nghiêm lại vừa huyền thoại. Cứ như đưa ta trở lại với cuộc sống từ thời xa xưa mông muội, rừng thiêng nước độc hoang vu. Tôi bỗng nhớ tới những câu chuyện cổ tích. Thôi đúng rồi. Chắc chắn từ ngày xửa ngày xưa, ở một chỗ nào đó quanh đây, có chàng Thạch Sanh vẫn thường kiếm củi nuôi thân bị tên Lý Thông lừa đến ngủ trong ngôi đền kia để hiến mạng cho Trăn tinh. Cuộc giao tranh đã xảy ra ác liệt nơi cửa đền dưới chân núi này... Trí tưởng tượng của tôi thôi thúc sự tò mò ngây thơ trẻ con, gán những điều đã đọc trong sách với cảnh vật trước mắt. Và tôi như hóa thân mình vào câu chuyện Thạch Sanh. Tiếng ông ngoại thầm thì vẳng đến bên tai: Ngày xửa, ngày xưa...
Suốt bữa ăn, tôi ngồi há miệng nghe anh Thành kể những thứ ở trong đền Sòng với nỗi thèm khát cháy lòng.
*
* *
Tôi không thể nhớ là chúng tôi đã leo qua bao nhiêu con dốc, vượt qua bao chặng đường xuyên rừng. Càng đi càng chậm chạp và mỏi mệt. Con đường cứ tít tắp lẫn vào cây rừng, hút vào hẻm núi.
Câu chuyện của đoàn người tản cư trên dọc đường nhạt dần. Rồi không thấy ai nói nữa. Đến chiều, chúng tôi đến dốc Trầu.
Cha tôi bảo đây là thuộc địa phận xã Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Tôi ngẩn ra không hiểu gì hết. Tưởng Thanh Hóa là ở thị trấn Cầu Cừ ấy chứ. Đằng này chẳng thấy làng xóm đâu cả. Xung quanh tứ bề toàn đồi núi và rừng xanh mịt mù
âm u.
Cha tôi xốc tôi bá chặt vai, gần như bò, gắng sức vượt lên. Nghỉ ở đỉnh dốc lấy sức, khi quay xuống đỡ anh Thành ông dặn tôi chú ý không rắn rết ở trên cây văng xuống cắn. Tôi ngồi thu lu ngó nghiêng xem có động tĩnh gì ở cỏ cây, cành lá. Anh Thành tự leo lên. Cha tôi liền gánh hộ mẹ tôi đôi bồ. Nhìn thấy ngôi nhà đầu tiên dựng bên đường dốc, cha tôi thốt lên:
- Các đồng chí ở Rịa nói với tôi đúng quá.
Có dân tản cư vào sống ở dốc Trầu kia kìa.
Gia đình chúng tôi xin ở nhờ một người Hà Nội. Vợ chồng ông bà chủ nhà ân cần và sẵn lòng giúp đỡ.
Tối hôm đó, sau khi gia đình chúng tôi đã dọn dẹp xong chỗ ở tạm thời. Ông bà chủ nhà ngồi hàn huyên với bố mẹ tôi hoàn cảnh của nhau.
Bác Cần trai - chủ nhà, vốn là người tham gia kháng chiến, sau một thời gian bị bệnh, bác nghỉ công tác thoát ly, đưa gia đình tản cư vào đây sinh sống được hai năm rồi. Vợ bác -một người đàn bà đẫy đà, trạc tuổi mẹ tôi. Xem ra bác Cần gái mới là người cai quản gia đình. Bác có hai mụn con gái. Một đứa bằng thằng Bền, một đứa nhỏ hơn. Cả hai đều tròn như viên bánh trôi, trắng như cục bột. ở đây có cả một "dãy phố" chạy dài xuống chân dốc theo con đường đi vào chợ Kim Tân. Dân thành thị tản cư đến đây khá
đông.
Mấy ngày liền cha mẹ tôi đi hết khắp phố, lại xuống chợ Kim Tân thăm thú tình hình và tìm chính quyền kháng chiến địa phương để liên hệ nhờ họ giúp đỡ. Cuối cùng cha tôi bàn là nên làm nhà ở phố dốc Trầu này. Theo ông, nơi đây tiện tránh máy bay đánh phá, có thể mở cửa hàng xén buôn bán. Chứ xuống dưới chợ Kim Tân ở, vừa là mục tiêu máy bay oanh tạc, vừa bất tiện cho sinh hoạt. Cha tôi không muốn để anh em chúng tôi sống ở nơi chợ búa "dễ hư thân". Mẹ tôi lại muốn làm nhà ở phố chợ. Nhùng nhằng cho tới hôm cha tôi nhắn được cậu Tùng vào. Cậu Tùng cùng đồng tình với ý của cha tôi. Mọi chuyện mới đi đến quyết định.
Cậu Tùng trở ra Rịa. Đến tối hôm sau lại trở vào ngay cùng với người thợ ở xưởng mộc của bác Bội. Vậy là tất bật tìm đất dựng nhà. Dân tản cư đến trước làm nhà từ phía đỉnh dốc chạy xuống lối đi chợ Kim Tân. Cho nên gia đình tôi dựng nhà ở cuối "phố" phía bên kia đường có mấy vạt nương của dân địa phương. Tôi không ngờ làm nhà lại nhanh đến thế. Chỉ vài ngày sau đã dọn vào ở. Bà con lối phố kéo tới làm giúp đến đông. Người vào
rừng chặt gỗ, chặt bương, chặt vầu. Người lên đồi cắt cỏ tranh về lợp nhà, đập nứa đan phên thưng vách. Ba anh em chúng tôi nô đùa, quên béng mấy ngày đi đường vất vả lo âu. ổn định nơi ăn chốn ở xong đâu đấy, cha tôi lại ra đi. Ông quay vào vùng tề bám dân trong lòng địch để giữ vững phong trào.
Bốn mẹ con tôi ở lại ai nấy đều buồn. Cuộc sống nay mai đến với chúng tôi sẽ như thế nào? Cha tôi sống trong vùng kìm kẹp của giặc có an toàn không? Hôm cha tôi ra đi trời mưa rả rích. Đường đất đồi vừa dính vừa trơn. Nấn ná mãi, ông dằn lòng lên đường mặc mẹ con tôi bịn rịn, sụt sịt khóc. Hình ảnh ông ghi đậm vào tâm trí tôi. Ông thắt bao súng ngắn vào bụng, trùm áo ra ngoài, khoác tấm vải nhựa đội chiếc nón lá lên đầu như những người thường dân vẫn qua lại giữa vùng địch và vùng tự do buôn bán các loại hàng hóa, tay chống gậy rảo bước ra đường.
Bầu trời xám xịt những đám mây sũng nước. Gió ào thổi trên đỉnh rừng thành những tiếng hú u ú âm vang.
Tuổi thơ khát vọng
Lời mở đầu
PHẦN MỘT
Phần Hai
Phần Ba
Phần bốn
Phần 5
LỜI CUỐI SÁCH