watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tuổi thơ khát vọng-Phần bốn - tác giả Vũ Đức Nguyên Vũ Đức Nguyên

Vũ Đức Nguyên

Phần bốn

Tác giả: Vũ Đức Nguyên

Cuộc sống luôn xảy ra những điều bất ngờ mà bọn trẻ con chúng tôi chưa hiểu được. Ngay chuyện tôi gặp lại cái Dung cũng vậy. Thì ra gia đình tôi làm nhà ở gần nhà cái Dung. Cách nhau có một quãng thôi. Mấy ngày đầu mẹ con chúng tôi không biết là vì
bác Vinh gái đưa cái Dung đi thị xã Thanh Hóa tìm người bà con họ hàng sinh sống ở đấy từ hồi trước cách mạng tháng Tám. Nhân tiện bác ấy cất ít hàng về bán.
Nghe nói chúng tôi đã vào đây, vừa mới về, bác Vinh liền nhào sang thăm. Chúng tôi vui mừng như gặp lại bà con ruột thịt sau bao năm xa cách. Ngay từ hôm chạy tản cư ở núi Ngang ra đi, mẹ con bác Vinh lên Ghềnh rồi thuê được xe ngựa chạy thẳng vào đây. Cho nên bác cũng không biết Tây nó đánh vào Hệ Dưỡng ra sao, chúng đốt sạch xóm Núi Ngang thế nào. Nghe mẹ tôi kể, bác
Vinh cứ xuýt xoa:
- Cũng may mà mẹ con nhà bác chạy kịp, chứ mắc kẹt lại thì khốn với chúng nó.
Nhịp sống của bà con dân phố Dốc Trầu cuốn hút mẹ con tôi hòa nhập vào guồng máy của nó đến nhanh. Chỉ sau có ít ngày, chúng tôi quen biết hết thảy những nhà sống quanh mình.
Cứ sáng sáng, mẹ tôi mở cửa dọn hàng ra bán. Anh Thành cắp sách đi học. Lớp học mở trong rừng vầu, phía sau lưng phố Dốc Trầu. Thầy giáo là các anh học sinh trường Trung học Lam Sơn Thanh Hóa tản cư lên Thạch Thành đến dạy. Tuần học hai buổi.
Tôi ở nhà chơi với thằng Bền. Mẹ tôi đưa hai đứa ra tăng-xê đào ở đằng sau nhà giữa đám lau mọc đầy kín cả một rẻo chân đồi. Ngồi ở đấy suốt ngày để tránh máy bay.
Ban đầu thật khổ sở. Mẹ tôi bế hai đứa cho xuống ngồi dưới tăng-xê chơi với nhau. Cái hầm cá nhân đào sâu ngập đầu người lớn bên dưới đào thêm bốn cái ngách để mỗi người ngồi vào một cái ngách đó. ẩm ướt và nhiều cóc nhái đến ghê người. Nhưng chán
hơn là hai đứa bị tù túng quá. Y hệt hai thằng tù trẻ con bị giam xuống địa ngục.
Dẫu sao thì tôi cũng đã lớn nên biết phải chịu đựng. Hơn nữa lại là đứa què quặt yếu đuối, cứ hễ một tí là lại gọi mẹ ra bế xuống kéo lên thì không những làm bà vất vả, mà nếu có ra tôi lại bị mắng hoặc "ăn" vài cái phát. Tôi đành yên phận nhẫn chịu, ngồi xếp chân bằng tròn dưới hầm như ông sư ngồi niệm Phật. Chán thì nằm co chân lại, ngủ. Ngủ chán lại dậy, ngồi thu lu. Không gian quá chật chội. Bao bọc quanh mình chỉ là đất và sự ẩm ướt.
Ngước mắt nhìn trời, khoảng trời tròn vo trong cái miệng hầm nên cũng chả thấy gì, đơn điệu và tẻ nhạt. Trái lại, thằng Bền chẳng những không chịu ngồi yên mà còn bắt tôi công kênh cho nó trèo lên miệng hầm. Ngồi dưới hầm tôi nào có được yên thân. Nó mà nghịch ngợm trên đó thì mẹ tôi thế nào cũng biết. Y rằng, bà trông thấy liền chạy tới xách cổ thằng Bền từ trong bụi lau ra, quất cho mấy cái "cháy" mông nổi lằn đỏ, rồi quẳng nó xuống với tôi, mắng:
- Sao hốc thì khỏe thế! Có việc ngồi chơi với nó để tao bán hàng mà cũng không xong là nghĩa làm sao, hở thằng ăn hại?
Thằng Bền vẫn gào khóc. Nó đạp tứ tung làm tôi ngã lăn ra đất. Hẳn mẹ tôi ngồi trong cửa hàng không nghe thấy được. Nên khóc mãi mỏi mồm thằng Bền đành phải nín.
Hai anh em không thể bầy trò gì chơi dưới hầm được. Chỉ có nằm ngủ là giết được một ít thời gian thôi.
Mấy hôm sau tôi lết sang nhà cái Dung xem nó có quyển sách gì thì mượn về xuống tăng-xê đọc. Cái Dung phải chạy lên nhà ông Phù Lưu mở hiệu bán thuốc tây trên đầu phố mượn hộ.
Thành quen. Tôi và thằng Bền đỡ buồn chán. Rồi một hôm cái Dung bảo tôi:
- Đằng ấy đi học với chúng tớ cho vui.
- Tớ không đi được đâu.
- Đằng ấy nói sao lạ thế? Không đi được mà sang bên nhà mình được à?
Tôi lắc đầu:
- Đi học phải leo lên đồi rồi vào rừng thì tớ làm sao đi nổi.
Cuộc sống có sự cám dỗ bình thường mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể đón nhận được. Vậy mà riêng tôi... Nếu tôi bị lòa không nhìn thấy gì đã đành. Song đằng này... Bầu trời trong xanh trên đầu, rừng núi trùng điệp xung quanh, phố xá, ruộng đồng... tôi đều nhận biết. Vậy mà cứ phải ngồi một chỗ mà ao ước và khổ đau trong dằn vặt.
Tối tối, mẹ tôi gánh đôi bồ hàng xén xuống chợ Kim Tân bán. Ba anh em ở nhà chơi với nhau. Anh Thành dắt thằng Bền sang chơi nhà bên cạnh, hoặc ngược lên phố đến nhà những đứa cùng học với nhau nô đùa. Chỉ có một mình tôi ở nhà với ngọn đèn tù mù bóng bằng vỏ chai cắt đáy và đoạn cổ. Hôm nào hết dầu tây thì đốt đuốc trám mù khói và khét lẹt. Tôi chả biết làm gì ngoài mỗi việc tập đi vòng quanh nhà cho vững chân. Cứ thế, mỗi tối tôi đi hàng trăm vòng có khi hàng nghìn vòng. Lúc đầu thì còn đếm thử, sau chán và buồn quá không còn thiết đếm nữa. Nghỉ một lúc cho đỡ mỏi cẳng, lại đi, cho đến khi buồn ngủ mới thôi.
Rồi tôi dám bám theo anh Thành đi xa hơn, ra cả ngoài bãi tha ma. Người ta bảo đó là bãi tha ma, ở ngay bên kia đường trước mặt nhà tôi, lũ trẻ con thường kéo nhau ra chơi trò đánh trận giả.
Đúng như lời cha tôi nói, hôm ông lên Rịa tìm gia đình. Giặc Pháp mở càn quét lần này để nới rộng vùng chiếm đóng của chúng.
Nhiều gia đình tản cư lại phải quay về làng xóm quê hương mình bám ruộng đồng làm ăn.
Dân làng Bộ Đầu dần dần về hết. Gia đình nào cũng phải làm lại nhà để ở. Khắp làng trống trơn không một bờ tre, khóm chuối. Ai cũng phải tìm lại mảnh đất cũ của mình bởi giặc Pháp dùng xe ủi san bình địa không còn lấy một chút dấu tích bờ rào ngày trước. Hồ ao gần như bị lấp sạch. Người nào về đến làng cũng ngẩn ngơ bàng hoàng, nước mắt giàn giụa vừa đau đớn, vừa hận thù quân giặc.
Ông ngoại tôi vừa về đến đầu làng thì giặc ập tới bắt luôn.
Chúng giải ông lên bốt huyện. Khi mẹ con tôi biết tin thì ông ngoại đã được thả ra. Chúng không moi nổi lời khai nào của ông già. Hỏi người làng, họ đều nói ông ngoại là người làm ăn lương thiện. Mặt trận Liên Việt mời ông tham gia bởi ông ngoại là người có uy tín với bà con xóm giềng. Thế thôi, chứ ông nào có biết ai là du kích, ai là đảng viên mà tra khảo. Thế mà bọn giặc giam ông tới một tháng.
Khi trở về làng, các cậu tôi đưa ông lên Rịa ngay để ông nghỉ ngơi và dưỡng bệnh ở nhà bác Bội. Thành ra ông không thể vào đón mẹ con chúng tôi được. Ông nhắn qua người làng vào buôn bán ở chợ Kim Tân hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi. Rằng thằng Vững đã đi lại thật vững chân chưa? Đứng lâu có hay bị giật gân ngã không?
Suốt mấy ngày liền tôi những vẩn vơ nghĩ tới ông ngoại.
Nằm ngủ tôi cũng mơ thấy ông ngoại, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt vuông vuông với chiếc khăn nhiễu màu tím chít thành từng nếp trên đầu của ông cứ hiện ra trong óc tôi. Hình ảnh ông khắc đậm vào tâm trí tôi đến mức nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung ra được từng chi tiết. Vậy mà bọn giặc Pháp đã bắt ông ngoại. Hẳn chúng trói giật cánh khuỷu ông ngoại dong đi. Chao ôi... đôi tay gầy của ông ngoại từng ôm ấp bế bồng tôi. Rồi chúng đánh đập tra tấn ông nữa chứ. Ông già yếu làm sao chịu nổi. Tôi còn mường tượng ra những thằng Tây cao lớn lênh khênh, chân tay mặt mũi tua tủa những lông lá giống hệt lũ quỷ sứ dưới địa ngục trong các tranh mà tôi đã từng được xem người ta dán ở đền trong các ngày lễ, xúm vào cấu xé ông ngoại...
Tôi không hiểu tại sao những người tốt, như ông ngoại chẳng hạn, lại chịu nhiều cay đắng khổ ải đến vậy? Tôi lại càng không hiểu là tại sao con người sống với nhau lại chém giết, đánh chửi và đối xử với nhau thù hằn và ác độc đến vậy? Sao người nước này đi đánh người nước kia? Trẻ con chúng tôi đâu có tội tình gì mà chúng cũng chém giết dã man thế? Liệu giết người làm điều ác chúng có run tay không?
Không thấy có người lớn nào giảng giải cho tôi biết cả.
Những câu hỏi đó cứ hiện ra trong đầu óc con trẻ của tôi.
Mẹ con chúng tôi những muốn ra thăm ông ngoại mà không thể bồng bế nhau đi được. Và khổ tâm hơn là chúng tôi không có một thứ gì để gửi ra biếu ông. Nhà tôi nghèo quá. Mẹ tôi mở hàng xén bán chác chẳng được là bao. Hy vọng người làng tìm thấy số đồ đồng cất giấu trong hang núi Ngang cùng với ba sào lúa chín nhờ cắt giúp cũng đều mất sạch. Mẹ tôi gắng kiếm để gia đình ngày có hai bữa cơm ăn với rau lang, rau dền, hoặc bát cà ghém vẫn chưa nổi. Tiền nong dấn vốn không có. Vay mượn thời loạn ai người ta cho vay. Vả lại toàn là dân tản cư ở với nhau có mấy gia đình dư dật.
Người nào cũng phải phòng xa nhỡ khi sa cơ lỡ vận. Chợ Kim Tân năm ngày mới họp một lần. Thành thử mẹ tôi phải đi đẩy xe thồ kiếm thêm. Vất vả lắm. Bà cùng mấy người dân phố cảnh nghèo với nhau, đi ngược trở ra, tùy sức khỏe mà đi xa hay gần, đón những người thồ hàng vào chợ Kim Tân, đẩy giúp họ qua từng con dốc. Tùy theo dốc cao hay thấp, dài hoặc ngắn mà họ trả cho vài trăm tiền kháng chiến. Nên mẹ con chúng tôi dẫu có thương ông ngoại cũng chỉ biết khóc thầm với nhau.
Dân phố Dốc Trầu hăng hái tham gia phong trào học bình dân để xóa nạn mù chữ. Người ta vận động cả mẹ tôi. Được thể, tôi xin mẹ cho tôi đi học.
- Ai cấm mày? Nhưng đi đứng làm sao được. Vậy là tôi đi.
Sáng dậy. Mẹ tôi ăn vội bát cơm nguội rồi đi đón xe thồ từ sớm. Anh Thành dẫn thằng Bền sang gửi bên nhà cô Bưởi, ở giáp bên cạnh. Rồi anh ấy phốc ngay đến lớp học. Tôi loay hoay buộc hai quyển vở cùng với cái bút cuộn lại, đeo vào vai. Xong đâu đấy, tôi tập tễnh lết từng bước một theo lối mòn vòng vèo lên đồi xuống dốc. Mỏi cẳng lại đứng nghỉ. Lần tiếp vào rừng vầu. Tới đây, đi luồn trong rừng vầu có dễ hơn. Vầu mọc gần nhau, không có cành gai góc, như những cây gậy đứng sẵn thẳng tắp để cho tôi vịn vào.
Không thể tả hết nỗi hào hứng, hân hoan của tôi khi được đến lớp học. Suốt đêm tôi không sao chợp mắt nổi, háo hức mong cho trời mau sáng lên. Tôi mường tượng ra cảnh lớp học đông vui cùng chúng bạn nghe thầy giáo cất cao tiếng giảng bài, mở ra trước mắt đám học trò chân trời tươi sáng và xa xôi đang ở đâu đó, về những miền quê, làng xóm bên Phi Châu, về những thổ dân da đỏ ở mãi bên kia Đại Tây Dương trong rừng hoang Mỹ Châu, về những con chuột túi ở úc Đại Lợi, những con khỉ độc sống trên quần đảo Nam Dương... mà hồi học ở Hệ Dưỡng ông giáo Kỳ thường kể. Tôi không thể nào quên người thầy giáo vốn là một y tá này cùng với tủ sách to đùng của ông.
Tới lớp học vẫn còn sớm. Tôi thấy chúng bạn cũng đã đến đông đúc. Vạt rừng vầu sôi động và sáng rực màu sắc áo quần, ríu ran tiếng nói hòa với tiếng chim hót.
Thầy giáo tròn mắt nhìn tôi hỏi:
- Thế em đã biết đọc biết viết chưa?
- Em làm được cả tính đố rồi. - Tôi đáp, trong lòng nhen nhóm một chút hãnh diện.
Thầy vẫn nhìn tôi vẻ khó hiểu. Chắc thầy nghĩ tôi là thằng bé tàn tật thì làm sao đã biết được chữ. Nên nghe tôi trả lời thế thì lấy làm lạ lùng lắm. Cái Dung ở đâu đó nhìn thấy tôi, bèn chạy tới nói với thầy giáo:
- Thưa thầy, cho cậu ấy học cùng lớp với em được ạ.
- Sao em biết? - Thầy giáo hỏi cái Dung.
- Vững trước đây cùng học với em mà. Học giỏi lắm. Cậu ấy mới ốm khỏi đấy ạ!
Rồi nó kể cho thầy giáo nghe tôi học khá như thế nào, ham đọc truyện ra làm sao. Nó còn nói cả những điều ông giáo Kỳ khen tôi nữa. Mặt mũi tôi đỏ bừng vì xấu hổ, còn thầy giáo nghe cứ chăm chú nhìn tôi.
Thầy mỉm cười, ghi tên tôi vào sổ điểm danh. Tôi bước đến chỗ lớp học cái Dung. Nhiều cặp mắt nhìn theo của đám học trò cùng tuổi. Hẳn chúng nhìn thấy thằng què như tôi mà còn đi học thì lạ lắm. Tôi đứng sững nhìn lớp học mà ngỡ ngàng.
Trước mắt tôi đám học trò lau nhau mỗi đứa chọn một chỗ ngồi vào những khoảng trống giữa vạt rừng vầu mọc thưa. Mỗi đứa đều đặt trước mặt một miếng gỗ trên bốn cái cọc, dùng làm bàn viết.
Những hôm trời mưa, chắc chắn không có máy bay giặc thám thính thì lớp học chuyển vào trong ngôi nhà tranh dựng cạnh hiệu thuốc tây của ông Phù Lưu ở trên đầu phố.
Tôi sống trong tâm trạng hào hứng với việc lại được đi học.
Về nhà, nếu làm được việc gì giúp mẹ hoặc anh Thành thì tôi gắng làm cho gọn rồi sau đó mang sách vở ra học. Tôi bỏ học lâu quá rồi, nên theo được các bạn rất khó khăn. Bài vở cũng nhiều. Nào toán tập, nào làm luận, học thuộc lòng các bài sử ký, địa dư hoặc các
bài thơ. Háo hức thật, nhưng nhiều khi đầu óc mụ mẫm thế nào ấy. Có mấy khổ thơ mà đọc đi đọc lại hàng buổi chiều vẫn chưa Luận: Môn tập làm văn. nhập tâm, nhớ câu trước, quên câu sau. Lắm khi cáu tiết tôi cứ dứt dứt tóc trên đầu mà nó vẫn không chịu nhớ cho. Dẫu sao, đi học được đối với tôi là sướng rồi. Bởi như thế là tôi được hòa nhập vào cuộc sống cùng với mọi đứa trẻ. Thích vậy còn mong gì hơn.
Lâu nay tôi vẫn thấy một thằng con trai chừng mười một, mười hai tuổi và một đứa con gái lớn hơn thường đến đứng xem chúng tôi học. Chẳng có đứa học trò nào để ý đến chúng nó. Tôi lấy làm lạ, bèn hỏi cái Dung. Nghe nó kể tôi mới biết. Thì ra thằng bé ấy bị câm, con nhà bà Xủng bán xôi, tên nó là Quý. Còn đứa con gái tên là Hằng, con ông Thênh mở hiệu chữa xe đạp, bị điếc. Thảo nào chúng nó không học được đành đứng ngoài ngó xem.
Vào giờ nghỉ giải lao, tôi thường lảng chơi một mình kẻo làm vướng cẳng cái Dung. Dạo này nó có nhiều bạn mới. Xem ý chúng nó chẳng thích tôi mấy. Tôi mà cứ bám theo cái Dung thì chỉ làm nó khó xử. Hơn nữa, cái Dung giờ cũng đổi khác so với hồi ở núi Ngang. Cũng có thể ngày thêm khôn lớn, cái Dung chẳng mấy thấy thích thú gì chơi với tôi nên có phần nhạt dần. Tôi nhận ra điều đó trong nỗi buồn man mác, xót xa như người mắc bệnh hủi bị người thân xa lánh sợ bị lây. Bởi thế, tôi lần đến chỗ thằng Quý với cái Hằng đứng. Cái Hằng chỉ vào chân tôi, hỏi:
- Đằng ấy bị Tây nó bắn vào cẳng à?
Tôi lắc đầu:
- Không phải, tớ bị ốm suýt chết đấy.
Cái Hằng nghiêng nghiêng cái đầu nghếch tai về hướng tôi.
Nhưng vẫn không nghe thấy gì thì phải.
- Cái gì? - Nó hỏi lại.
Tôi đứng đực ra như người điếc nghe kèn. Thằng Quý liền vỗ vào vai tôi, miệng uơ uớ, khoa tay làm hiệu một lúc. Tôi vẫn đần mặt, há hốc miệng, nhìn mà không tài nào hiểu nổi chúng nó "nói" gì, thằng Quý nhận ra tôi chưa quen "nghe" thứ ngôn ngữ nó "nói" nên cau mặt lại ngẫm nghĩ. Nom đến cực. Rồi nó hầm hầm kéo đầu tôi ghé gần vào tai cái Hằng. Một tay nó chỉ vào tai cái Hằng, còn tay kia vỗ vỗ vào miệng nó thành tiếng "oa, oa". Ra thế. Có nghĩa là tôi phải nói thật to vào sát tai cái Hằng thì nó mới nghe được. Tôi làm theo. Cái Hằng gật đầu, khua tay, ngả người làm điệu bộ "lên cơn sốt" để "nói" lại cho thằng Quý biết. Thằng Quý bèn gật đầu ra điều hiểu ý, nhìn tôi ú ớ. Cái Hằng bảo:
- Đằng ấy tội nhỉ? Giá đằng ấy không bị ốm...
Tôi kéo đầu cái Hằng cúi thấp xuống, ghé vào tai nói như thét:
- Trước tớ khỏe lắm! Còn cao hơn cái Dung kia kìa...
Cái Hằng nhìn theo tay tôi chỉ về phía cái Dung đang nói chuyện gì đó với chúng bạn. Nó gật đầu:
- Nó cũng xinh đấy nhỉ?
Chúng tôi nói chuyện với nhau như quát tháo nên bọn học trò để ý quay lại nhìn. Chúng phá lên cười ngặt nghẽo, chỉ trỏ về phía ba đứa chúng tôi rồi chúng diễn lại cho nhau xem để giễu cợt thằng què, con điếc, đứa câm chơi với nhau. Cái Dung lỉnh biến vào một chỗ. Hình như nó thấy xấu hổ về việc tôi là bạn nó hay sao? Tự dưng mặt tôi đỏ lựng, nóng ran khắp người. Nỗi tủi hờn cay đắng dâng trào đến nghẹn thở. Tôi chợt nhớ tới thằng mù hát
xẩm vẫn thường qua lại phố Dốc Trầu. Dân phố xúm đến nghe nó hát đông lắm. Nhiều người cho tiền và mủi lòng thương hại. Song có người tuy cho nó ít tiền nhưng lại trêu chọc ngay cái tật nguyền của nó. ấy là thử xem nó có nhận ra từng loại tiền hay không nên cho hai chục, lại bảo là năm chục hoặc một trăm. Thằng xẩm sờ tay vào tờ giấy bạc, nắn vuốt một lúc rồi đưa lên mũi ngửi. Đúng tiền thật rồi. Nhưng không phải như người bố thí xướng cho nó.
Miệng nó nhoẻn cười như mếu: "Các bác lại đùa trêu cháu mù lòa rồi. Đây là tờ bạc hai chục thôi!". Đám đông vây quanh nghe hát xẩm cười rộ lên vui thích vì thằng mù tinh quá. Nó chỉ sờ sờ, ngửi ngửi mà nói đúng tiền từng loại. Thế mới tài chứ. Trong khi đó,
thằng xẩm chẳng hiểu vì sao lại tự bẹo vào hai bên gò má mình.
Chắc chắn là nó bẹo vào má nhiều lần lắm rồi nên hai bên gò má nó lúc nào cũng sưng tấy lên. Thế thì nó đi hát rong ở nơi khác chắc cũng hay bị người ta trêu chọc những đứa tật nguyền. Tôi buồn muốn khóc lên được. Tại sao người ta độc ác vậy?...
Tôi quay lại chỗ ngồi học. Im lặng không hề để ý đến đứa ngồi cạnh. Thôi được, bọn bay cứ việc giễu tao què quặt. Bệnh tật gây nên tao thế, chứ những đứa khỏe chân mạnh tay mà học dốt như bò "đội nón" chuyên môn quay cóp bài của bạn thì hay hớm gì?
Sau này khi chơi thân với nhau rồi, tôi được biết cái Hằng bị điếc là do sức ép của bom đến độ làm túa máu ra đằng mũi, đằng tai, đằng miệng, ngất xỉu đi. Đến khi chữa khỏi mới biết bị điếc.
Màng nhĩ cả hai tai đều bị rách sạch. Còn thằng Quý thì bị câm, điếc bẩm sinh. Nó là đứa cực hơn hai chúng tôi. Cho đến bây giờ, thằng Quý vẫn không hề biết một thứ tiếng động nào ở bên ngoài nó ra làm sao. Thấy tôi hay lại chỗ hai đứa nó đứng chơi, chúng bèn bắt quen, sáng nào cũng đến dìu tôi đi học.
Mẹ tôi bị cảm rồi lăn ra ốm liệt giường. Tai họa giáng xuống ba anh em chúng tôi thực là thê thảm. Anh Thành trở thành người chỉ huy tối cao trong nhà. Nhưng anh ấy khí đụt nên chẳng biết lo toan gì. Mẹ tôi vẫn cứ phải cắt đặt công việc nhà cho từng đứa. Thằng Bền đỡ nô nghịch quấy quả hơn. Tôi nhận thêm việc nấu cơm, nấu cháo sắc thuốc cho mẹ. Anh Thành vừa bán hàng vừa lo chạy mời ông y tá về thăm bệnh cho mẹ.
Tôi vác rá đi vay gạo hết nhà cô Bưởi lại sang nhà chị Ngần, rồi đến nhà bác Vinh mà bệnh mẹ tôi vẫn chưa thuyên giảm.
Không nhắn được ai ra Rịa để báo cho bác Bội biết. Vay được ít tiền chỉ mua vài chai dầu tây và dăm tấm vải nhựa là hết. Bầy hàng bán câu dầm. Mẹ con ăn cả vào lãi lẫn vốn.
Nghĩ lại những ngày mẹ tôi chưa ốm, bà lăn lộn chạy ăn cho con, mấy anh em tôi ở nhà nấu cơm mà còn tỵ nạnh nhau từng việc. Giờ vác rá đi vay ê mặt tôi mới thấm thía. Để có hột gạo thổi cơm mới khó nhọc chứ cái việc xách nước, rửa rau, nhóm bếp thì nặng nhọc khó khăn gì đâu mà cứ đùn đẩy cho nhau! Ứớc gì thùng gạo nhà tôi chẳng khi nào vơi để hàng ngày anh em tôi khỏi phải thay phiên nhau mang rá sang vay hàng xóm.
Mẹ tôi cứ lúc sốt lúc tỉnh. Có ngày ăn được lưng bát cháo hành. Nhưng cũng có ngày bà kêu đắng miệng không hề nuốt lấy một thìa nước đường cát. Ông y tá bảo mẹ tôi bị ngã nước, cho uống tuyền ký-ninh vàng. Ba anh em tôi cứ ngơ ngác như bầy chim vắng mẹ gặp bão, nhớn nhác lo âu, chẳng đứa nào dám ăn no, có bữa nồi cơm còn nguyên. Không khí nặng nề bi thảm bao trùm khắp nhà. Thấm vào cả thằng Bền. Dường như nó cảm thấy
có một cái gì đó kinh hãi lắm sẽ xảy ra. Nên nó cứ ủ dột đến tội.
Tối tối cô Bưởi hay chị Ngần, bác Vinh sang ngủ đỡ đần mẹ tôi. Những khi cơn sốt rứt, mẹ tôi tỉnh táo, bà rầm rì nói chuyện. Tôi nằm ngủ ở giường bên này, nào có ngủ được, mắt mở thao láo nhìn lên nóc nhà, lặng im lắng nghe. Dần dần chắp nối những đoạn mẹ tôi kể với bà con xóm giềng lối phố mà tôi hình dung ra cuộc đời của cha mẹ tôi...
*
* *
Bà ngoại thân sinh ra mẹ tôi là vợ hai ông ngoại. Nhưng lại là người làm nên cơ nghiệp nhà chồng. Bà ngoại sinh được chín người con. Tuy nhà khá giả, bà ngoại vẫn bắt tất cả con cái mình đều phải lăn lưng ra làm. Ai có việc ấy. Từ ẵm em, giã gạo cho tới việc đồng áng, trồng bông se sợi... Năm mẹ tôi mười ba tuổi, bà ngoại cho mẹ tôi lên tỉnh trông cửa hàng bán thuốc lào. Chả là người chị gái mẹ tôi lấy chồng quê vùng Tiên Lãng, Vĩnh Bảo tỉnh Kiến An là vùng trồng thuốc lào có tiếng. Bà ngoại tôi có mua một ngôi nhà mở cửa hiệu bán thuốc lào, phong gói bằng giấy đỏ, trưng biển An Khê hẳn hoi. Nay thuộc Hải Phòng.
Năm năm sau, tức năm mười tám tuổi thì mẹ tôi lấy chồng.
Cuộc tình duyên này, như mẹ tôi kể, âu nó cũng là cái duyên cái số giời se. Bởi cha tôi, người quê mãi tận ngoài tỉnh Hà Đông, sớm mồ côi mẹ phải lang bạt đi kiếm ăn khắp xứ để góp phần nuôi cha già và em dại, nên nghèo kiết xác. Vậy mà gặp nhau, rồi quen biết
nhau, mẹ tôi đã bằng lòng để cha tôi dạm hỏi. Bà ngoại và người anh trai mẹ tôi không ưng thuận. Không ưng thuận vì cha tôi là kẻ khốn khó chứ chẳng phải là người xấu xa gì. Còn hơn thế, cha tôi lại là một chàng trai mặt mày sáng sủa, hoạt bát linh lợi. Song mẹ
tôi đã vượt qua mọi sự cản trở phá ngang của những người trong nhà, cùng với những lễ nghi phong kiến trói buộc. Được ông ngoại, vốn là người hiểu biết dẫu không làm ra được của cải cho gia đình, nhưng vẫn là người đứng cầm cân nảy mực, thuận lòng, cuối cùng
cha mẹ tôi mới nên vợ thành chồng. Cố nhiên là bà ngoại giận con gái nên chẳng cho gì.
Vốn là một cô gái nông thôn nết na, chất phác, mẹ tôi chỉ biết chăm chỉ bán hàng, tiền nong thu được bao nhiêu đều đưa lại cho gia đình. Không biết trí trá, bớt xén. Chẳng hề tọc mạch chuyện buôn bán làm ăn của mẹ ra sao. Không hề đòi hỏi ăn tiêu, đua đòi lối sống thị thành. Thuần phác đến mức chẳng giao lưu bạn bè với ai trong phố. Giờ lấy chồng chỉ có hai bàn tay trắng về nơi "đất khách quê người" làm ăn. Trong khi đó cha tôi vẫn ở lại thị xã.
Sau này mẹ tôi mới biết ông hoạt động cách mạng nên không đưa bà về quê cùng sinh sống. Lạ nước lạ cái. Lạ người lạ cảnh. Nhà chồng nghèo đến mức ngoài mấy vuông đất làm nhà ở, còn thì chẳng có lấy một mảnh vườn hay sào ruộng nào để cày cấy. Anh em bên chồng đều đi làm mướn kiếm ăn. Mẹ tôi đành xoay sang buôn thúng bán mẹt khắp
các chợ quanh vùng.
Rồi một hôm có người làng Bộ Đầu làm ăn ở ngoài Hà Nội đi qua bắt gặp mẹ tôi bán muối ở ga chợ Tía. Thấy cảnh gieo neo vất vả quá, khi về quê người đó có nói lại cho ông bà ngoại biế.Nay thuộc Hà Tây.chuyện. Ông ngoại thương con gái, bèn cho người ra Hà Đông gọi mẹ tôi vào. Giấu vợ giấu con, ông ngoại dúi cho mẹ tôi ít tiền làm lưng vốn buôn bán ở chợ tỉnh. Rồi anh Thành ra đời, đến tôi xuất hiện... Rồi cách mạng tháng Tám năm bùng lên. Cha tôi cùng mọi người dân thị xã vùng lên cướp chính quyền tỉnh. Rồi cuộc
kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Mẹ con tôi mấy lần chạy tản cư vào Thanh Hóa rồi lại phải trở ra quê ngoại ở ngay phố Cầu Yên buôn bán. Đến lượt đẻ ra thằng Bền thì loạn lạc giặc dã càn quét khủng khiếp. Kiếm ra đồng bạc khó biết mấy. Cho đến bận tôi ốm
thì nhà tôi thực sự khánh kiệt...
*
* *
Tiếng mẹ tôi thỉnh thoảng lại rì rầm nói chuyện với bác Vinh, giọng mệt mỏi:
- Bác tính, con cái đứa nào mà mình chẳng thương chẳng quý. Nhất là thằng Vững...
Nói đến đây bà ngừng một chút để thở rồi nói tiếp:
- Cái hoàn cảnh em nuôi nó éo le lắm... Mà em... thực tình em coi nó như đứa con đẻ dứt ruột ra...
Bác Vinh ngạc nhiên hỏi, cắt ngang lời mẹ tôi, lạc cả giọng:
- Bác nói sao lạ thế? Thằng Vững là con riêng của bác trai ư?
- Không phải con riêng của nhà tôi đâu.
- Lại còn thế nữa cơ. Vậy nó là con nuôi à?
Không hiểu sao mẹ tôi bối rối nói thì thầm:
- Không phải con nuôi. Em vẫn coi nó như con đẻ. Nhiều lúc thấy còn yêu quý hơn cả thằng Thành, thằng Bền nữa kia. Nó là thằng bé khôi ngô, hiếu thảo...
Bác Vinh càu nhàu. Có lẽ bác ấy chả hiểu những điều mẹ tôi nói.
- Bác nói lảm nhảm thế nào ấy. Thôi, khuya rồi ngủ đi cho đỡ mệt.
Nhưng mẹ tôi vẫn cứ thì thầm:
- Em không nói lảm nhảm đâu. Thằng Vững không phải là con em đẻ ra, không phải con riêng của nhà em...
- Nếu không có gì phải giữ kẽ thì bác kể đi.
Cuộc sống có sức mạnh lạ kỳ. Nếu không có ai đánh thức dĩ vãng thì đến ngay tôi cũng không thể biết rõ mình sống những ngày thơ bé như thế nào. Nhưng một khi đã được khêu gợi thì bỗng nhiên trí nhớ chợt hiện ra đầy đủ mọi tình tiết cuộc sống, cứ như trước mắt ta là màn ảnh đang chiếu phim vậy.
Giọng nói của mẹ tôi vẫn đều đều. Tôi chìm đắm vào câu chuyện bà kể với bác Vinh...
*
* *
Một hôm em đi chợ Rồng về đến phố nhà em ở. Thấy mọi người vây quanh trước hè phố hiệu ảnh Đông ích xem anh ta vẽ chân dung Cụ Hồ trên một miếng vải căng rộng bằng cái chiếu đại.
Giống quá đi thôi. Người xem ai nấy đều trầm trồ khen. Em cũng dừng lại, ngó coi. Cha mẹ ơi, cái anh Đông ích này đến tài. Biết chụp ảnh lại còn biết cả vẽ nữa. Em đứng ngây ra ngắm mãi
Chợt có tiếng người gọi phía sau lưng làm em giật cả mình:
- Chị Thành còn chưa về nhà à? Anh ấy ngóng chị mỏi mắt rồi.
Em quay lại. Hóa ra nhà cô Tẽo, vú em ở nhà ông phán Hoàn bên cạnh nhà em. Vậy là em tất tưởi về nhà.
Tới cửa đã thấy nhà em ngó ra:
- Sao mẹ thằng Thành về muộn vậy?
- Em qua hiệu ảnh Đông ích thấy anh ấy vẽ tranh đẹp quá nên đứng lại ngó xem một lúc.
Vừa nói vừa đặt cái làn xuống phản, em nhìn thấy một thằng bé con đang ngồi ở trên giường kê giáp buồng trong, miệng ăn bánh đa vừng nhai rau ráu, bèn hỏi:
- Con ai đấy hả mình?
Nhà em ngồi xuống phản, miệng tủm tỉm:
- Con riêng của tôi mình ạ.
Em sững sờ giây lát. Song, lạy Phật, cũng trấn tĩnh được ngay. Quay lại nhìn kỹ thằng bé. Nó chỉ mới hơn hai tuổi là cùng. Kém thằng Thành hai ba tuổi. Như thế thì không thể là con riêng của anh ấy được. Em biết rõ nhà em chứ. Anh ấy không có tính trai gái cờ bạc rượu chè. Vả lại, thằng bé kia chẳng có nét gì giống nhà em cả. Ngay đến nước da cũng khác. Em lấy làm yên tâm, bật cười:
- Nếu là con riêng thì mình bế nó đi ngay về nhà mẹ nó mà ở.
Nhà em vốn không biết đùa dai. Anh ấy kể rõ sự thể. Hóa ra nó là con một người cùng hoạt động cách mạng với nhà em bị giặc Pháp đày đi Côn Đảo từ năm , khi đó mẹ nó vừa mới mang thai. Rồi mẹ nó cũng bị sa vào tay giặc. Chị ta sinh con trong nhà tù. Hồi trước cách mạng tháng Tám thành công mấy tháng, đoàn thể tìm cách giải thoát cho mẹ con chị ra khỏi nhà tù. Nay chị lâm bệnh hiểm nghèo mới qua đời mấy ngày, để lại đứa con nhỏ dại
Thế là chuyện đã rõ. Nhà em muốn đưa nó về nuôi. Hoàn cảnh đã đến nông nỗi ấy mà em gạt đi làm sao đành lòng được. Vậy là từ đó thằng Vững trở thành con em. Nhà em dặn không được cho một ai biết chuyện, nhất là đối với thằng bé. Bên nhà chồng em ở tận
ngoài Hà Đông nên không một ai rõ sự thể. Còn bên em chỉ có một mình thầy em là biết thôi. Thằng Vững trở thành con em như một lẽ thường tình. Em đẻ thằng Thành, ba năm sau mới sinh ra nó kia mà. Ai chả tin như thế. Giờ em kể, bác nghe để bụng biết vậy thôi. Thằng Vững tuy còn bé nhưng cả nghĩ lắm. Nhất là từ khi nó ốm đau bệnh tật tới nay...
Để kết thúc, mẹ tôi thở dài:
- Cái số em khổ cả đời bác ạ! Ai cũng bảo đẻ được mấy đứa con trai thì sướng. Sướng cái nỗi gì hở bác? Có chồng mà em đâu có nhờ cậy được gì. Nhà em cứ đi biền biệt. Giờ em một nách ba đứa con mọn, lại chạy loạn, lại ốm đau...
*
* *
Tôi nghe rõ tiếng mẹ tôi sụt sùi khóc, tiếng thở dài của bác Vinh. Hồi lâu mẹ tôi chợt mếu máo:
- Ngộ nhỡ em không qua khỏi... nhờ bác nhắn ông ngoại các cháu vào... đỡ đần em nuôi các cháu. Thằng Thành với thằng Bền thì chả làm sao, chứ còn thằng Vững thì... thật tội nghiệp! Nó sẽ khổ suốt đời. Em mà sống được... em còn tần tảo nuôi nó...
- Đừng có dại miệng! Chết thế nào được - Bác Vinh gắt: - Mai cho thằng Thành lên nhà ông Phù Lưu mua tiếp ít thuốc nữa mà tiêm, hoặc uống cho dứt cơn sốt.
- Tiền nong đâu mà mua. Chả nhẽ mua chịu người ta mãi hay sao.
Bác Vinh vẫn sẵng giọng:
- Rõ dở hơi! Thiếu bao nhiêu thì cứ nói với tôi. Chị em cùng cảnh chạy loạn với nhau, việc gì phải giữ kẽ như thế.
Giọng mẹ tôi thều thào mệt mỏi:
- Bác cứ nói thế chứ. Hoàn cảnh em cứ túng quẫn mãi thì lấy của đâu ra trả cho bác sau này.
Bác Vinh bật cười:
- Thì gán nợ thằng Thành cho tôi vậy.
Mẹ tôi cũng phì cười, nhưng cười trong nước mắt:
- Ơn giời, sau này nó mà được làm rể nhà bác thì sướng cả
một đời...
Tiếng rì rầm trò chuyện dần dần lặng im. Hẳn mẹ tôi với bác Vinh đã thiu thiu ngủ. Đêm về sáng càng thêm tĩnh mịch. Thỉnh thoảng có tiếng hoẵng kêu vẳng đến lạc lõng. Chắc con vật hiền lành đang táo tác chạy sao cho thoát khỏi nanh vuốt con cọp đuổi sau đuôi đây. Cầu trời cho nó thoát nạn.
Tôi gắng nhắm mắt lại hồi lâu mà vẫn không thể kéo được giấc ngủ đến. Đầu óc tỉnh táo như vừa chợp mắt được một giấc ngon lành.
Giờ đây, tôi mới thấu tỏ cuộc đời cha mẹ và cuộc đời tôi. Chao ôi! Một khi được nhìn thấy sự thật, thì sự thật mới nghiệt ngã làm sao! Nếu không lấy cha tôi, hẳn cuộc đời mẹ tôi đâu đến nỗi vất vả gian truân. Giá như tôi không "bước vào" cửa nhà bà thì hẳn bà cũng đỡ cơ cực bần hàn. Túng quẫn quá nên mẹ tôi trở nên bẳn tính, suốt ngày gắt gỏng, lắm khi quẫn trí đánh chửi các con. Vậy bố mẹ thật của tôi là ai... là ai? Tôi không hề biết một chi tiết dù nhỏ nhặt nhất về cha mẹ đẻ ra mình, bóng dáng họ như thế nào.
Xin cuộc đời hãy tha thứ cho đứa trẻ khốn khổ này! Đừng ai nhắc tới cái sự thật phũ phàng đớn đau của tôi. Xin hãy cứ đinh ninh rằng đây là bố mẹ đẻ ra tôi. Như vậy, có lẽ cuộc sống của tôi dịu bớt nỗi xót xa hơn nhiều. Xin đừng ai nhắc đến sự thật... Sự thật
nhiều khi làm ta ứa máu và tủi hờn..
Ngẫm nghĩ, tôi mới thấy cuộc đời mình không có người mẹ như bà thì chẳng rõ thân phận tôi sống chết thế nào. Suốt đời bà chỉ biết lo gánh vác công việc gia đình, chịu mọi cực khổ. Giờ đây ốm đau cũng chỉ một mình. Vậy mà tôi... mà tôi... sao lại có những ý nghĩ không hay về mẹ, sao lại đòi hỏi quá đáng, sao lại cứ ghen tỵ với anh em chúng bạn? Nào có một ai làm cho tôi đến nông nỗi này đâu. Mẹ tôi đã gắng chạy chữa thuốc men hết sức rồi đấy chứ.
Tôi thật là một đứa trẻ tội lỗi và hèn kém. Trời ơi... giá tôi chết quách đi từ dạo nào có phải hơn không?
Mấy hôm nay trời mưa dầm. Bầu trời lúc nào cũng sầm sì đầy mây đen bưng kín khắp mọi chỗ. Phố xá vắng ngắt. Mưa thế này không có mấy ai mang hàng từ vùng tề ra. Đường sá lầy lội.
Đèo cao dốc thẳm. Thỉnh thoảng gió lại u ú trên đỉnh rừng tràn qua. Vào những ngày mưa rả rích, dân vùng núi cũng chỉ bám quanh bếp lửa giữa nhà sàn chứ chẳng đi đâu.
Tối đến. Dọc dãy phố Dốc Trầu nhà nào cũng đóng cửa sớm.
Sau khi cắt cơn sốt, mẹ tôi vẫn nằm bẹp giường. Bà đuối sức quá. Vả lại cũng chả có gì để tẩm bổ. Vẫn ngày ăn vài bát cháo, bữa với muối, bữa với thìa đường cát. Anh em chúng tôi không còn lo mẹ chết, nhưng không khí trong nhà vẫn cứ buồn buồn.
Đêm ấy...
Đã khuya lắm rồi. Rừng núi yên tĩnh đến nỗi có thể nghe được tiếng hổ gầm gừ trong rừng sâu vọng về. Mẹ con chúng tôi ai nấy đều ngủ thiếp đi vì mỏi mệt. Chợt có tiếng người gọi ở ngoài đường.
- Có phải nhà chị Thành đây không?
Cả nhà tôi vẫn đang trong giấc ngủ say nên không một ai nghe thấy tiếng gọi:
- Có phải nhà chị Thành ở đây không?
Cô Bưởi ở nhà bên cạnh chỉ cách bức vách bằng phên nứa, nghe thấy bèn lên tiếng:
- Ai gọi đấy?
Người ở ngoài đường trả lời:
- Tôi đây. Tôi là Hào đây. Có phải nhà chị Thành ở đây không ạ?
- Đúng rồi bác ạ. Để tôi gọi hộ cho...
Rồi cô Bưởi đập tay vào phên nứa, gọi:
- Chị Thành! Chị Thành!... Có ai gọi chị ở ngoài đường đấy.
Mấy mẹ con chúng tôi cùng bừng tỉnh. Anh Thành vội đánh bật lửa thắp đèn, ra mở then cửa:
- Ai hỏi mẹ em đấy?
Ba người từ trong bóng tối ở ngoài đường nhảy qua rãnh nước vào thềm nhà. Một người lên tiếng:
- Cháu Thành đấy à? Chú Hào đây. Cháu còn nhớ chú không?
Anh Thành ngước mắt nhìn ba người đàn ông rồi thốt lên:
- Ô... chú Hào thật! U ơi... chú Hào! Vững, Bền ơi... chú Hào đây này.
Mẹ tôi ngồi nhổm dậy. Anh Thành phải đốt thêm ngọn đuốc trám cho sáng. Tôi với thằng Bền sau giây phút ngơ ngác cũng nháo nhác ngó nhìn ba người khách. Chú Hào độ này già hẳn. Dẫu vẫn nhanh nhẹn như xưa nhưng đôi nét đường bệ của người chỉ huy đã xuất hiện. Hai anh bộ đội cùng đi đều là người chúng tôi mới gặp lần đầu.
Cởi mũ, áo mưa rũ sạch nước ngoài hiên, ba anh bộ đội to xù những ba lô và bao gạo trên người bước vào nhà.
- Sao trông chị gầy thế? ... Mới ốm dậy hả? - Chú Hào nhìn mẹ tôi hỏi liên tiếp.
- Tôi suýt chết đấy, chú Hào ạ! - Mẹ tôi thều thào trả lời.
Sau khi tháo cởi nào những ba lô, bao gạo, túi dết để gọn vào góc nhà, ba anh bộ đội ra ngoài giếng khơi kéo nước rửa mặt mũi tay chân. Mẹ tôi sai anh Thành nhóm bếp nấu cơm cho khách.
Chú Hào gạt đi móc trong túi dết ra gói cơm nắm vẫn còn nguyên.
Giữa đêm khuya nhà tôi bỗng ồn ào tiếng người trò chuyện.
Cái không khí vắng ngắt buồn đến hiu hắt được ba chú bộ đội xua tan. Thôi thì hồi tưởng lại những ngày sống ở xóm Núi Ngang, điểm tên từng người quen biết. Anh Phả lên công tác ở quân y trung đoàn, anh liên lạc bị thương ở bàn chân hôm máy bay oanh tạc xứ đạo Hệ Dưỡng được đi học trên chiến khu Việt Bắc... Chú Hào nói cho mẹ con chúng tôi biết là chú đi công tác lên miền Tây Bắc, nghe nói gia đình chúng tôi chạy tản cư vào đây, tiện đường chú hỏi thăm. Thật là cuộc gặp gỡ bất ngờ đến ngỡ ngàng. Sau này tôi mới biết đận đó chú Hào vào quân tình nguyện sang Lào đánh giặc giúp nước bạn.
Suốt đêm, cả nhà không ai chợp mắt được, chốc chốc lại rì rầm nói chuyện với nhau đôi ba câu.
Gần sáng thì chú Hào cùng hai chú chiến sĩ lên đường. Chú để lại cho mẹ con chúng tôi hai bao gạo, một cái chăn trấn thủ, lòng những ngậm ngùi ái ngại cho hoàn cảnh mẹ con tôi.
- Chẳng có gì để lại thêm cho chị và các cháu cả! Thôi... chị và các cháu hãy gắng chịu đựng tới ngày kháng chiến thắng lợi. Ngày ấy chắc sẽ không xa...
Anh em chúng tôi bịn rịn bám lấy các chú bộ đội, nước mắt đầm đìa:
- Chú nhớ quay trở lại với chúng cháu nhé.
Ngoài trời mưa rả rích, gió vẫn ào ào thổi từ trên đỉnh rừng tràn về. Bốn mẹ con chúng tôi đứng nép vào nhau ở bậc cửa nhìn theo ba cái bóng đen hòa vào đêm tối nhập nhoạng lúc về sáng.
Con đường lầy lội và trơn như đổ mỡ. Các chú bộ đội đi về phía chợ Kim Tân để sang miền Tây. Miền Tây ở đâu? Miền Tây có xa lắm không? Chú Hào nói miền Tây có rừng núi giống như ở đây, có bà con đồng bào cũng đùm bọc yêu thương bộ đội Cụ Hồ như ở đây. Có thật thế không chú Hào?
*
* *
Tôi chuẩn bị sách vở đi học.
Trời mưa, mẹ tôi không mở cửa bán hàng. Vả lại bà vẫn chưa hồi sức. Hễ cứ ngồi lâu một lúc là chóng mặt. Hôm nay lớp anh Thành nghỉ học nên mẹ tôi bắt anh dẫn tôi đi. Nhìn trời mưa rả rích và con đường trơn lầy lội đất vàng quánh, anh Thành lấy làm ngại ngùng:
- Thôi... nghỉ một buổi học Vững ạ. Mày đi đến lớp thì bẩn hết người.
- Bẩn thì bẩn em cũng cứ đi. - Tôi nói như van vỉ.
- Ngộ nhỡ thầy giáo cũng không đến thì sao?
Anh Thành vẫn bàn chùn.
- Thầy giáo không thể lỡ hẹn được.
Đầu óc tôi ngày thêm sáng ra, học đâu nhập tâm đấy, tấn tới trông thấy nên tôi càng ham học. Hai ba tháng nay tôi đều xếp thứ nhất hoặc thứ nhì trong lớp. Còn cái Dung chỉ xếp thứ hai mươi nhăm, gắng lắm mới nhích lên hai mươi ba là hết sức, tháng vừa rồi lại tụt xuống hai mươi tư. Đến lạ. Nó nào có lười nhác cho cam.
Thế mà điểm trung bình tháng nào cũng chưa được năm phẩy theo thang mười điểm. Thành ra nó có vẻ chán học lắm rồi. Cái đầu nó bỗng dưng mụ mị đến vậy. Nhưng nó được cái không bao giờ bị mẹ mắng mỏ rầy la. Bác Vinh vẫn cưng nó như cục vàng.
Dạo này mẹ tôi cũng bớt chửi bới, cáu gắt với tôi. Tôi đoán chắc mấy lần thầy giáo gặp bà nói chuyện về tôi gì đấy. Thầy giáo thương tôi lắm, tuần nào cũng tìm sách cho tôi đọc. Nào "Đôi lứa xứng đôi" của Nam Cao, nào "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng, "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng... Vậy mà anh Thành lại bảo tôi bỏ một buổi học! Anh ấy nghĩ thế nào chứ riêng tôi thì tôi thấy tiếc lắm.
Lâu nay tôi cũng muốn lảng tránh, ít muốn phiền cái Dung.
Hơn nữa tôi thấy nó khang khác thế nào ấy. Càng ngày Dung càng tỏ ra là người lớn hơn tôi, luôn bận rộn với đám bạn mới. Tuy nó vẫn sẵn lòng giúp tôi việc nọ việc kia, song lại rất ít khi nói chuyện với tôi. Sao nhỉ? Hình như nó còn ngài ngại gặp tôi trước mọi người
nữa cơ. Đã thế tôi "cóc cần". Nó thích chơi với anh Thành cũng phải thôi. Anh ấy xinh xẻo, múa dẻo mà lại. Dạo này nó thường rủ anh ấy đi rừng kiếm củi, hay xuống chợ Kim Tân xem gánh xiếc rong biểu diễn. Nghĩ đến cái đêm bác Vinh gái sang ngủ cùng mẹ tôi hồi bà ốm ngã nước. Hai bà rì rầm trò chuyện với nhau. Tôi biết bác Vinh quý anh Thành lắm. Chả rõ đùa hay thật mà bác ấy đã ướm lời xin anh ấy làm con rể. Nếu sau này chuyện đó thành sự thực thì cái Dung là chị dâu tôi à? Làm chị... bé hơn tôi mà đòi làm chị? Đã thế tôi cóc nhờ nó dẫn đi học nữa. Tôi tự một mình đi. Đã sao? Tôi bèn nói với mẹ: - Thôi... không cần anh Thành dẫn, con tự đi một mình cũng được.
Mẹ tôi sẵng giọng:
- Tự đi một mình thế nào được! Hay là gọi cái Dung nó cùng đi học với mày.
- ứ, con không đi với nó.
Mẹ tôi vẫn càu cạu:
- Trời mưa, đường trơn thế kia người lớn đi không khéo còn ngã nữa là mày. Thằng Thành đâu? Cõng em đi học chứ.
Anh Thành phụng phịu, ra điều kiện với tôi:
- Tao cõng mày mà ngã thì chớ có kêu đau nhé.
Nói vậy chứ anh Thành vẫn cứ chần chừ. Sợ muộn giờ học tôi bảo:
- Thôi, chả cần anh cõng nữa đâu. Em tự đi một mình vậy.
Nào ngờ, anh Thành có cớ kích tôi nhưng lại phân trần với mẹ:
- Mày đòi tự mình mà đi được à? Một mình mày đi nhé.
Tôi không nói gì thêm nữa, cúi xuống xắn quần lên tận đầu gối, khoác áo tơi lá, đội nón vào đầu hăm hở bước ra đường. Mới rời khỏi nhà được mươi bước là tôi bỗng trượt chân, người lật ngửa, hai tay chới với. May quá, tôi kịp bám được vào cây cọc bờ dậu sắn của nhà bác Chính làm nghề chụp ảnh, gắng sức co người, từ từ co chân trái còn yếu liệt ra khỏi vùng đất nhão nhoét nước mưa. Tự dưng có ai đó đỡ người tôi. Tôi ngoái cổ nhìn sang. Cái Hằng với thằng Quý như có phép thần kịp thời hiện ra hai bên.
- Các cậu đi đâu đấy? - Khi đã đứng lên được, tôi ghé vào tai cái Hằng hỏi.
- Bọn tớ đến đón cậu đi học chứ còn đi đâu nữa. Sao không chờ?
- Tưởng trời mưa, các cậu ở nhà.
- Mưa to mấy chúng tớ cũng đến. Cậu học được thì phải học cho cả chúng tớ nữa.
Cái Hằng bảo tôi bá vào cổ cho nó cõng. Tôi không nghe. Có đời thuở nhà ai con trai lại ôm lưng cho con gái cõng bao giờ. Xấu hổ lắm. Bọn trẻ con khắp phố sẽ giễu cho thôi. Cái Hằng và thằng Quý đành phải chịu. Bởi thằng Quý lại không thể cõng nổi tôi. Vậy là ba đứa chúng tôi nhùng nhằng, dắt díu nhau đi ngược lên Dốc Trầu đến lớp học ở bên cạnh hiệu thuốc tây nhà ông Phù Lưu.
Chúng tôi làm khuấy động dãy phố im lìm giữa rừng trong trời mưa nên nhiều nhà hai bên đường mở cửa nhìn ra. Thấy chúng tôi lôi thôi lếch thếch dắt nhau đi rồng rắn chắc là ngộ lắm nên họ bật cười ngặt nghẽo, gọi nhau í ới. Bọn trẻ con thích chí chỉ trỏ hò reo
inh ỏi. Có đứa vừa hét vừa vỗ tay:
- Đồng bào hãy xem: thằng què, con điếc, đứa câm làm xiếc kìa.
Cái Hằng với thằng Quý không nghe thấy. Còn tôi thì tím mặt, uất đến nghẹn cổ. Tôi muốn đi cho chóng đến lớp mà không thể vội vã mau cẳng được. Cái Hằng và thằng Quý chẳng những không biết người hai bên phố đang giễu, lại còn khoa tay ra hiệu "nói" với nhau. Càng nhí nhố làm cho họ cười đến sặc sụa.
Tôi cắn răng lờ đi, hỏi cái Hằng.
- Sao đằng ấy không đi chữa tai cho khỏi điếc?
Nó lắc đầu.
Tôi không hiểu hết ý nên lại hỏi:
- Nhà đằng ấy giầu thế mà không có tiền mua thuốc à?
Cái Hằng nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh mắt thật lạ lùng:
- Bố tớ tìm khắp nơi mà không có thầy thuốc. Ra thế. Như vậy là nếu có thầy thuốc thì cái Hằng sẽ đi chữa khỏi điếc. Còn tôi? Được ông ngoại kê đơn cắt thuốc chữa mà sao chân tay còn yếu đuối thế này? Liệu có phải là do không có thầy thuốc không? Ông y tá ở phố Dốc Trầu vẫn đi khám bệnh tiêm thuốc đấy thôi. Chẳng đã chữa cho mẹ tôi khỏi ốm là gì? Có khi cái Hằng không biết gì nên mới nói thế. Mẹ tôi vẫn thường bảo cái số tôi trời bắt thế phải chịu. Mà bà Xủng mẹ thằng Quý cũng nói cái số thằng Quý phải gánh chịu như vậy. Chỉ riêng cái Hằng là đổ cho không có thầy thuốc. Nói phét thì có! Chứ đã là cái số trời bắt điếc thì điếc thôi.
Thấy trời mưa mà tôi vẫn đến lớp học, thầy giáo thích lắm.
Từ trong nhà, thầy nhảy qua rãnh đón tôi, dắt vào: - Bước khéo nhé... thế. Để thầy nhấc bổng em qua rãnh nào.
Lớp học vắng mười đứa. Cái Dung cũng không có mặt.
Lúc nghỉ giải lao, tôi lần đến bên thầy giáo hỏi:
- Thầy Khang ơi...
- Gì đấy? - Thầy quay lại hỏi.
- Liệu có thầy thuốc không ạ?
Thầy giáo nhìn tôi cười:
- Tưởng em hỏi gì. Sao lại không? Có thầy thuốc chứ.
- Vậy sao cái Hằng đứng kia kìa, nó bảo vì không có thầy thuốc nên không có ai chữa cho nó khỏi điếc.
Thầy giáo Khang gật đầu:
- Em Hằng nói đúng đấy. Chiến tranh giặc giã thế này, đến nhà thương sao được để chữa bệnh hả em.
Rồi thầy nắm tay tôi nói tiếp:
- Khi nào kháng chiến thành công. Vững phải đến nhà thương chữa bệnh cho tay chân cứng cáp khỏe mạnh như mọi người.
- Có chữa khỏi bệnh thật không thưa thầy?
- Thật chứ!
Tôi đứng nghệt mặt ra buồn vui lẫn lộn. Liệu đến bao giờ kháng chiến thành công để tôi đi nhà thương chữa bệnh? Tôi bám lấy tay thầy giáo, lại hỏi:
- Em muốn sau này lớn lên sẽ làm thầy thuốc, có được không ạ?
Thầy giáo Khang nghiêng đầu nhìn tôi hồi lâu, khẽ nói:
- Em muốn trở thành bác sĩ à?
- Bác sĩ là gì ạ?
- Là đốc-tờ ấy mà...
Tôi ngơ ngác vì chẳng hiểu gì hết. Thầy Khang bèn giảng giải:
- Đốc-tờ tức là bác sĩ là thầy thuốc. Sau này Vững muốn làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người thì phải học thật giỏi để thi vào trường Y.
Thầy giáo cắt nghĩa cho tôi nghe trường Y là gì, thi vào khó thế nào, và phải học nhiều môn ra sao mới làm được bác sĩ...
Suốt giờ học tiếp, đầu óc tôi cứ lộn xộn những ý nghĩ với các chuyện mà thầy giáo Khang vừa nói. Giá mà có thầy thuốc thì mấy đứa chúng tôi, kể cả thằng xẩm nữa, chắc chắn sẽ được chữa khỏi điếc, khỏi câm, hết què, mắt sáng trở lại. Chao ôi... nếu được như vậy thì sướng ơi là sướng! Sẽ không còn ai câm, điếc, mù, què nữa. Những đứa tật nguyền chúng tôi sẽ không còn bị ai trêu đùa giễu cợt nữa. Không phải trông mong vào sự thương hại của ai cả... ý nghĩ làm cho tâm hồn tôi bay bổng. Cuộc sống vẫn đáng yêu lại mở ra trước mắt vẫy gọi tôi dũng cảm bước vào.
*
* *
Cha tôi ở trong vùng địch hậu ra. Mẹ con chúng tôi mới biết tin ông ngoại cũng bị ốm nặng. Sau đợt giặc Pháp tung quân đánh lên thị trấn Nho Quan, bác Bội chuyển phần lớn xưởng mộc vào khu rừng bên đường Hoa Sói nên hồi mẹ tôi ốm ngã nước, ông ngoại không vào thăm được.
Chúng tôi được sống trong mấy ngày gia đình đoàn tụ đông vui. Bữa ăn cũng được mẹ tôi "hào phóng" cải thiện thêm hoặc đĩa thịt rang, hoặc đĩa cá kho. Tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ là cha tôi bắt tôi nằm ngửa ra giường để ông xoa nắn chân tay hồi lâu cho ấm. Nét mặt cha ưu tư phiền muộn. Rồi ông nằm xuống bên cạnh tôi, hỏi chuyện học hành. Tôi hỏi cha những điều chưa hiểu trong các bài sử ký hoặc địa dư. Nhân một hôm chỉ có hai cha con ở nhà, tôi ướm lời hỏi:
- Thầy ơi... có phải con là...
Thoạt tiên cha tôi lơ đễnh không để ý đến câu hỏi của tôi, ông tưởng tôi e sợ nên giục:
- Con cứ nói...
- Con không phải là con đẻ của thầy u phải không?
Nghe hết câu, tôi thấy ông sững ra giây lát rồi chuyển nét mặt đến nhanh:
- Con nghĩ vớ vẩn!
Tôi nhìn chằm chằm vào mắt ông:
- Thầy nói đi. Con là con nuôi chứ gì?
- Ai nói với con thế?
Tôi không dám nói là nghe mẹ kể với Bác Vinh. Sợ ông nổi giận mắng bà. Hơn nữa tôi lại nghe lỏm mới biết được chuyện. Nghĩ mãi, tôi mới tìm được cách trả lời:
- Con nhìn kỹ trong gương không thấy con giống thầy u gì cả.
Cha tôi bật cười, ông tự nhủ sau mấy giây xúc động vì câu hỏi thật bất ngờ.
- Con ngốc lắm - Cha tôi nói: - gương mặt vuông chữ điền của con là giống thầy. Nước da thất bì là nước da của u con. Thôi, đừng có nghĩ bậy nữa. Con ốm yếu thầy u vẫn thương.
Ông giảng giải cặn kẽ, giọng đều đều khiến tôi thiu thiu ngủ đi lúc nào không biết.
Nhưng lắm đêm đang ngủ bỗng tỉnh giấc, tôi nghe tiếng tiếng mẹ tôi nói rì rầm. Thoạt đầu tôi ngỡ bà nói một mình. Mẹ tôi vẫn có cái tật như thế. Lo toan tính toán công việc gia đình, chẳng biết bàn cùng ai, cứ đêm khuya bừng tỉnh lúc nào, nghĩ ngợi điều gì là bà nói lẩm bẩm trong miệng điều ấy. Như đang nói chuyện với người nào đấy. Nhưng sau nghe thấy tiếng cha đáp lại thì tôi mới vỡ lẽ. Cha mẹ tôi đương bàn bạc về cuộc sống gia đình và các chuyện về con cái.
Mẹ tôi kể lể không biết bao nhiêu là chuyện xảy ra trong những tháng vừa qua. Trí nhớ của bà kể cũng thần tình. Bà "dựng" lại không thiếu sót một chuyện vụn vặt nào. Bà ứa nước mắt mỗi khi nhắc đến những gian truân vất vả. Cũng may là cha tôi mang mấy yến gạo và ít tiền đoàn thể trợ cấp về cho mẹ con tôi kịp trả nốt nợ nần và sinh sống. Mẹ tôi khen anh Thành hết lời.
Quả thực, anh Thành càng lớn càng xinh trai trắng trẻo, càng giống cha tôi y hệt. Chả thế mà bác Vinh gái cứ nửa đùa nửa thật xin anh ấy làm con rể. Đến chết cười. Còn thò lò mũi xanh mà người lớn đã lo tính đến chuyện tơ duyên vợ chồng. Cái Dung thích chơi với anh Thành lắm. Nhưng thấy mẹ tôi với bác Vinh chế là mặt đỏ gay, nhõng nhẽo:
- ứ ừ... mẹ đừng chế con, chúng bạn nó giễu cho xấu hổ lắm.
Bác Vinh cười lộ hàm răng đen hạt na, mắng yêu con gái:
- Tông môn nhà cô! Người ta lên tám tuổi đã về nhà chồng rồi. Đằng này cô đã mười một mười hai chứ còn bé bỏng gì nữa mà nhõng nhẽo. Rõ dơ chưa!
Kể lại cho cha tôi nghe chuyện này, mẹ cũng bật phì cười. Tôi nhận thấy bà tỏ ra vui thích vì bộc lộ niềm sung sướng về đứa con của mình.
Cũng là một đứa trẻ mà không một người nào để ý tới. Mọi việc chăm sóc, giúp đỡ của những người xung quanh chỉ là sự thương hại đối với kẻ tật nguyền yếu đuối. Trái tim tôi nhói đau hệt như có những mũi kim châm.
Mẹ tôi chuyển sang nói chuyện về thằng Bền. Ngày nó mới có một hai tuổi, sau đợt bị thủy đậu, người chớt như cá trê chuội da. Vậy mà bây giờ nghịch ngợm, đánh nhau khắp phố. Cái thằng đến cục. Lớn lên sau này thì gan cóc tía và ngang bướng nhất nhà...
- Thằng Vững chuyến này tôi cũng thấy khá đấy chứ? - Chợt cha tôi lên tiếng như muốn gợi chuyện về tôi.
Mẹ tôi im lặng hồi lâu rồi thở dài:
- Có khỏe lên. Nhưng sau này không biết có làm được gì để tự nuôi sống nổi mình không đây?
Tôi nằm im lắng nghe xem cha mẹ nói chuyện với nhau về tôi thế nào. Mãi vẫn không thấy ai lên tiếng nói thêm gì nữa. Im lặng kéo dài. Tôi chờ đợi đến nghẹn cả thở. Rõ lâu. Vẫn im như thóc. Có lẽ cha mẹ tôi thôi không nói chuyện nữa, ngủ thiếp đi rồi cũng nên. Chốc chốc vẳng đến tiếng hoẵng kêu gọi bầy.
Hai mắt tôi từ từ díp lại thiu thiu ngủ thì tiếng mẹ tôi rì rầm lại vang lên. Tôi giật mình mở căng mắt xua cơn buồn ngủ.
- Kể nó chết hồi ốm bại liệt thì thương đứt ruột đấy, nhưng yên phận nó. Đằng này nó lại sống, còn mang thêm cả tật nguyền, vừa khổ cái thân nó, vừa khổ cả mình... Bây giờ mình với tôi còn khỏe, làm ăn nuôi nó được. Chứ chiến tranh loạn lạc thế này, sống chết ai lường trước được thì nó sống ra sao? Đấy, cái đận tôi ốm ngã nước vừa rồi những tưởng sảy đàn tan nghé.
Tiếng thở dài của cha tôi như cố xua đi câu chuyện bế tắc về tôi. Ông nghĩ gì nhỉ?
Đã nhiều lần tôi thấy cha mẹ bàn bạc với nhau về tôi. Càng lớn tôi càng thêm hiểu biết để đoán xét ý tứ mọi người nên có dám đòi hỏi, tị nạnh với anh hoặc em, hay nhũng nhiễu gì đâu. Tôi biết thân phận mình chứ.
Chợt cha tôi lên tiếng:
- Đành vậy chứ còn biết làm thế nào bây giờ. Mình có cắn rứt tôi thì cái sự nó vẫn vậy. Thôi, hãy cứ biết là mình còn sống nuôi nó. Mong cho ngày kháng chiến thắng lợi đến mau để yên ổn làm ăn, xây dựng đời sống mới xem nó ra sao đã...
... Sau đó cha tôi lại ra đi. Cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới. Ông trở vào vùng địch hậu thúc đẩy phong trào ủng hộ kháng chiến, gửi lúa gạo, thuốc men ra mặt trận, đưa thanh niên trai tráng ra vùng tự do tòng quân đi giết giặc, đưa đồng bào đi dân công phục vụ tiền tuyến... Thảo nào dạo này bộ đội, dân công cứ nườm nượp hành quân qua phố Dốc Trầu. Súng ống đạn dược ùn ùn hết đoàn xe thồ này lại tới đoàn xe thồ khác. Nghe nói bộ đội ta đang tiến quân giải phóng miền Tây Bắc, khép chặt vòng vây cứ điểm Điện Biên Phủ. Tôi thấy những chú bé liên lạc trạc tuổi tôi cũng ba lô, túi dết khoác vai chạy theo đoàn quân mà thèm đến cháy ruột. Giá tôi được như mấy chú bé liên lạc ấy nhỉ?
Tuổi thơ khát vọng
Lời mở đầu
PHẦN MỘT
Phần Hai
Phần Ba
Phần bốn
Phần 5
LỜI CUỐI SÁCH