PHẦN MỘT
Tác giả: Vũ Đức Nguyên
Không hiểu sao bỗng tôi tỉnh táo hẳn. Nhận biết mọi vậtxung quanh rất rõ rệt. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì sao trong nhà lại có đông người đến vậy. Ông ngoại ngồi xếp bằng tròn thu lu trên phản, sẵng giọng:
- Từ nãy đến giờ đã có đứa nào sắc nước trúc lịch cho nó uống chưa?
Mẹ tôi từ ngoài hiên bước vào, miệng lầu bầu gì đó, quẩn quanh trong nhà một tý rồi lại bước ra ngoài sân đến chỗ mấy người mà tôi chỉ nhìn thấy loáng thoáng, đương cưa mấy miếng gỗ, nện búa kỳ cạch.
Ông ngoại gắt lên:
- Ô hay... Mẹ thầy Thành lạ nhỉ! Thầy đã bảo là phải sắc nước trúc lịch cho nó uống thì mới hạ đờm thở hắt ra được chứ.
Sao tôi lại phải uống nước trúc lịch để thở hắt ra nhỉ? Và nước trúc lịch là thứ gì? Có giống nước thuốc bắc sắc trong ấm đất chắt ra từng bát mà tôi vẫn uống không?
- Đến khổ! Nó hành hạ người ta ròng rã hàng năm trời rồi còn gì...
Tôi nghe rõ tiếng mẹ nói nhấm nhẳng ở chỗ mấy người đang đóng "áo quan" vọng vào. Mấy người này cằn nhằn về những miếng gỗ đầu thừa đuôi thẹo mục mủn hết cả. Chắc mẹ tôi nhặt nhạnh ở đâu đó hoặc xin nhà hàng xóm. Rồi bà nói với họ:
- Thôi các bác ạ. Nhà có gì đóng nấy. Nó còn là trẻ con, đóng cái hòm bằng gỗ nào chả được, cốt cho kín. Chứ các bác cứ... - rồi bà oà khóc. - Rõ khốn khổ cho cái thân tôi!
Tôi có cảm giác ớn lạnh suốt dọc sống lưng. Ô kìa... sao lại đóng quan tài chôn tôi xuống đất?... Tôi mắc tội gì?... Tôi mắc tội gì mà đem chôn sống tôi?
Cha mẹ ơi, sao tôi lại không biết người chết chôn xuống đất là như thế nào. Tôi đã từng đi xem rất nhiều đám ma, tôi đã từng nhìn thấy những người đói lăn ra chết. Giờ tôi vẫn còn nhớ như in hồi bà ngoại qua đời. Lúc liệm bà ngoại vào quan tài, lũ cháu chắt lau nhau chúng tôi được vào tận nơi nhìn mặt bà lần cuối cùng.
Tôi không thể nào quên được cái cảm giác lúc đó. Tôi không nhận ra được mặt bà ngoại nữa. Bà ngoại khi còn sống mặt nom khác cơ.
Bà không ưa ba anh em chúng tôi. Vì lý do gì thì tôi chẳng biết. Song anh em tôi mỗi khi về quê ngoại là đều quấn lấy ông bà, thích thú và vui sướng. Vậy mà bà nằm bất động trên phản, tọp đi như thân cây cằn cỗi khô mốc, cong queo. Bà ngoại hoàn toàn thành người khác rồi. Thành thử tôi thấy rờn rợn. Sinh khí trong con người bà siêu thoát chỉ còn để lại một cái xác không, vô hồn, chẳng còn nổi nóng cáu gắt mỗi khi chúng tôi nô đùa nghịch ngợmnữa. Vậy mà tôi lại sợ. Sợ đến run cả người. Lũ cháu chắt đứa nào cũng lẩy bẩy vào ngó bà ngoại rồi ù té chạy ra bám vào người lớn.
Trống ngực đập thình thịch. Giờ tôi cũng giống như thế ư?
Cổ tôi đang bị mắc một cái gì đó ở trong ấy nên khó thở quá.
Tôi gắng lấy hết sức mình. Vẫn chỉ thấy tiếng khò khè, khò khè.
Bất lực, tôi đành nằm ì ra, nước mắt giàn giụa vì tủi thân. Rồi tôi lại lịm dần đi, thiêm thiếp mơ màng.
Có ai đó đưa thìa cạy miệng tôi mở ra, chiêu mấy cùi thìa nước cay cay. Cứ thế, đến vài ba lần. Tôi chẳng hay biết gì, nhưng do bản năng mà vẫn cố nuốt từng ngụm nước cay cay một cách khó nhọc. Quả nhiên, đám đờm tắc nghẽn ở cổ họng bị thứ nước âm ấm cay cay kia làm tan ra, rồi tuột xuống dạ dày. Vậy là tôi thở được liền. Tôi hít lấy hít để không khí vào lồng ngực. Bầu không khí như có phép lạ, như liều thuốc tiên, chui vào buồng phổi trong ngực tôi, vực sự sống đang hấp hối như đám lửa tàn sáng bừng lên. Để rồi tôi dần dần tỉnh táo lại.
Ông ngoại đương bước lại giường tôi nằm kia kìa. Tôi giương tròn đôi mắt nhìn ông. Ông ngoại không nói gì, lặng lẽ sờ vào cổ tay tôi xem mạch, bẹo bẹo vào bàn chân rồi lên hai cổ chân. Tôi không thấy có cảm giác gì, như chưa hề có ai bẹo cấu vào chân mình, nằm ì ra hệt cái xác không hồn, không sự sống.
Lúc quay trở ra cái phản mà ông ngoại vẫn ngồi, ông nói khe khẽ, như nói với chính mình, cho một mình nghe:
- Chết từ chân lên rồi...
Ông ngoại ngồi xuống phản, co chân lên xếp bằng tròn như cũ. Rồi ông kéo cái điếu bát lại gần chỗ mình, mồi thuốc, châm lửa hút. Cái điếu bát rít lên sòng sọc một tràng dài đanh tiếng. Nhả khói ra, ông lại ngồi im lặng, giống như pho tượng trong đền mà tôi đã nhìn thấy trong dịp đi hội Phủ Giầy. Tôi bắt đầu chết rồihay sao? Chết từ chân lên rồi! Nghe ông ngoại nói thế, tôi bèn thử co hai chân lại xem sao. Không tài nào nhúc nhích cử động được.
Hay là ngọ nguậy mấy ngón chân vậy. Cũng vẫn cứng đơ ra. Tôi chẳng hề thấy bất kỳ một thứ cảm giác nào từ hai bàn chân truyền lên cả. Chao ôi... khủng khiếp biết chừng nào! Tôi đang chết. Chết thật. Giống như bà ngoại mất rồi. Tôi bắt đầu đi vào cõi chết từ hai bàn chân thực rồi. Và lúc này, không hiểu sao tôi lại tỉnh táo đến vậy. Mọi việc xảy ra quanh mình ở trong cái nhà này, tôi đều nhận biết và phân biệt được một cách rõ rệt. Trí nhớ vụt lóe sáng khơi dậy tiềm thức trong tôi hiện ra trước mắt những gì mà trí khôn của một đứa trẻ lên tám chín tuổi ghi nhận được từ bấy lâu nay, cái lờ mờ phảng phất, cái đậm nét rõ ràng. Sự sống còn lại chút nào trong người tôi chợt bùng lên trong giây phút cuối cùng để rồi tắt ngấm chăng?
*
* *
Hẳn trời đã tối lắm rồi nên ánh sáng từ chiếc đèn hoa kỳ tỏa ra tù mù giống như ánh sáng phát ra từ bụng con đom đóm bay
giữa ao bèo.
Trong nhà bỗng ồn ào. Tôi cố ngoái đầu nhìn ra. Anh Thành và thằng Bền vào trong làng Hệ Dưỡng vừa về đang rối rít khoe ông ngoại gói xôi của nhà cô Thắm gửi biếu. Chắc nhà cô Thắm đồ xôi thắp hương vào ngày mồng Một đầu tháng đây. Gia đình tôi thường qua lại nhà cô vì cô là cán bộ đoàn thể của xã. Cha tôi làm cán bộ kháng chiến hoạt động ở vùng này nên mới đưa mẹ con tôi từ quê ngoại tản cư vào đây.
Nghe nói có xôi, tự dưng tôi thấy đói và thèm ăn đến thế. Rõ ràng gần một năm trời ốm đau tôi không hề muốn ăn một thứ gì.
Mỗi ngày chỉ cố nuốt mấy thìa nước cháo. Có lẽ sự sống kéo dài được như vậy chắc chắn là nhờ thuốc bắc. Tôi uống liên tục như uống nước vối. Giờ bỗng tôi lại thấy đói có kỳ không? Tôi gắng sức vươn cánh tay gầy guộc hệt hai đoạn nứa tép nối với nhau chơi vơi
trong không gian, xòe năm ngón tay xương xẩu ra xin:
- Anh Thành ơi... cho em ăn xôi với!
Mẹ tôi ở ngoài sân bước vào nghe thấy vậy, liền gắt:
- Sắp chết mà vẫn còn đòi ăn à?
Như chạm phải lửa, tôi co giật cánh tay gày guộc đang chới với của mình vào, rã rời tự nó rơi bộp xuống giường. Trái tim tôi như có sợi dây thắt chặt lại, nhói đau, tủi hờn. Tôi quay mặt vào bức vách, mặc kệ cho nước mắt ứa ra giàn giụa.
Chợt có tiếng ông ngoại quát:
- Mẹ thằng Thành nói với con như vậy hả?
Rồi ông dịu giọng:
- Cháu Thành của ông đâu rồi nào?
- Dạ cháu ở đây... - anh Thành từ ngoài hiên bước vào.
- Cháu đem xôi vào cho em Vững ăn đi.
- Eo! Em Vững sắp chết rồi ông ạ.
- Thì cháu cứ đem vào cho em nó ăn với, kẻo tội.
- ứ...
Thành đứng tần ngần. Từ bé anh ấy vốn đã có tính ăn tham.
Mẹ tôi vẫn thường nhắc lại chuyện hồi anh Thành mới lên bốn.
Một hôm ăn cơm, mâm cơm chỉ có một đĩa con thịt rang. Bố tôi thò đũa gắp một miếng. Thành nhìn thấy òa lên khóc liền, miệng gào
thét lên:
- "Giả thịt con đây, giả thịt con đây!..."
- Mang vào cho em ăn đi chứ! - Ông ngoại lại giục.
Anh Thành vẫn cứ đứng tần ngần. Thằng Bền thấy thế liền chạy vào giơ nắm xôi trước mặt:
- Ông ơi! Cháu cho anh Vững nắm xôi của cháu nhé.
Vậy là anh Thành được gỡ bí, nhảy tót ra ngoài hiên. Nói rồi thằng Bền chạy lon ton tới bên giường tôi. Nó mới hơn năm tuổi nên chưa thể biết chuyện tôi đang chết dần từ chân lên sẽ ra làm sao. Bởi thế nó đâu có sợ. Nó lay người tôi, miệng reo to:
- Anh Vững ơi, dậy ăn xôi này...
Thằng Bền dúi vào tay tôi nắm xôi. Tôi không thể nào cựa quậy để nhấc mình ngồi lên được. Hai chân tôi lúc này như đôi ống giang, cứng đờ, nặng trịch, không chút cảm giác. Tôi nằm ngửa và nhét từng dúm xôi vào miệng, nhai ngấu nghiến đến ngon lành.
Thằng Bền ngó gần sát xem tôi ăn xôi một lúc rồi chạy ra ngoài hiên khoe:
- Mẹ ơi!... Anh Vững ăn xôi ngon lắm!
Mẹ tôi đang mải giần gạo, không rõ nói với nó hay nói với ai:
- Chắc ăn giả bữa rồi chết thôi.
Tôi mải ăn nên không bận lòng đến những lời nói đó. Xôi ngon thật. Tôi chưa bao giờ thấy thòm thèm như lúc này.
Ông ngoại vẫn ngồi xếp bằng tròn thu lu trên phản. ánh đèn dầu lù mù nên nhìn ông như một cái bóng đen sẫm, lù lù.
No bụng, trong người tôi cảm thấy dễ chịu lạ thường. Thằng Bền lại vào leo lên giường, ngồi với tôi. Đến khi mẹ tôi trông thấy, bà quát luôn:
- Bền! Có ra ngoài đi không? Mày muốn lây bệnh chết theo nó à?
Giật mình, thằng Bền ngó lại vào mặt tôi, tò mò, khó hiểu. Tôi vẫn nằm im trước mặt nó đây. Tôi là anh nó, vẫn thường cõng nó đi chơi dạo nào. Vậy mà ngồi với tôi sẽ lây bệnh chết theo. Người ta sẽ mang ra chôn ở ngoài bãi tha ma. Ma là gì nhỉ? Thằng Bền nào có biết. Nhưng mỗi khi người ta dứ ma là nó sợ. Nó hình dung ma là con vật quái dị và độc ác lắm. Hẳn vì thế mà hễ trẻ con hờn quấy là các bà mẹ, bà chị ẵm trẻ con đều lấy ma ra để dọa.
Như vậy thì anh Vững của nó sẽ thành ma. Ai chết mà chả hóa ra ma. Thế thì khiếp quá! Nghĩ sao đó bỗng nó nhìn tôi chằm chằm,
lùi đít ra mép giường, tụt xuống. Vẫn không rời mắt nhìn tôi, đi giật lùi. Như gặp quái vật, đứa trẻ vừa nhìn thẳng sợ hãi đón chờ tai họa, vừa lùi bước tìm đường thoát thân. Gần đến cửa, nó ù té quay ra ôm chầm lấy mẹ tôi, hoảng hốt và kinh hãi.
Tôi vẫn cứ nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân cứng nhắc, giá lạnh không còn thấy cảm giác gì nữa, nhìn lên mái nhà tối om.
Không rõ giấc ngủ kéo đến hay là tôi lại thiếp lịm đi, hay là đích thị Tử Thần đã hiện ra lấn dần từng bước. Khi đã cướp xong đôi chân, liền bắt đầu nuốt tới phần thân xác tôi vào miệng Cái Chết.
Toàn thân tôi chợt nhẹ bẫng. Tôi có cảm giác như mình đang bồng bềnh trôi nổi chơi vơi giữa khoảng không. Tôi chết thật đến nơi rồi.
Tiếng búa đóng đanh ghép quan tài cành cạch ở ngoài sân vọng vào như tiếng mõ ngoài chùa, mờ tỏ, huyền hoặc, xa xôi, hư ảo. Tôi nào có hay biết gì đâu. Thân xác hay linh hồn tôi bay bổng, lượn lờ. Ngọn đèn dầu để giữa phản nơi ông ngoại đang ngồi, ai đó hay chính ông ngoại đã vặn nhỏ lại, đốm lửa bé bằng hạt đỗ xanh tỏa thứ ánh sáng lờ mờ nhợt nhạt, khiến cho không gian trong nhà nhập nhoạng, tối tăm.
Ngoài trời, gió ào ào về từng đợt từng đợt, đập vào vách núi
Ngang, lật những tấm gianh lợp trên mái nhà chốc chốc lại loạt xoạt.
Đêm
Cả vùng núi đá vôi chìm vào đêm tối, tĩnh mịch, thẳm sâu, hoang dã, chứa chất bao điều bí ẩn. Đúng như trong các truyện cổ tích mà lũ trẻ con chúng tôi vẫn thường nghe ông ngoại kể vào những buổi tối có trăng trong những dịp hè về thăm quê hàng năm.
Tôi đang trong giây phút "ra đi" về nơi thiên cổ nên không thấy có một ai vào với tôi nữa. Mọi người đều đã lên giường đi ngủ cả rồi. Chỉ có mình ông ngoại là vẫn còn thức, cứ ngồi thu lu trên phản như cái cây già cỗi ủ rũ chờ ngày tàn lụi hẳn. Ông ngoại đã ngoài sáu mươi tuổi rồi. Vóc người vốn nhỏ nhắn, về già càng tọp đi, gân guốc và khắc khổ. Vốn là một nhà nho hay chữ trong làng nên có đọc một số sách thuốc. Ông không làm thầy lang kiếm tiền, nhưng bà con họ hàng hay láng giềng có người nào đau ốm đến nhờ cậy, ông sẵn lòng đến thăm con bệnh, bắt mạch kê đơn cho họ đi cắt thuốc. Hẳn lúc này, trước tính mạng đứa cháu ngoại mà phải chịu bó tay buông cho Tử Thần cướp nó đi thì lòng ông đau đớn lắm.
Ông ngoại vẫn cứ ngồi lặng thầm suy tư trong bóng tối. Là người có đông con, lắm cháu. Nhưng trong thâm tâm, ông ngoại dành tình yêu thương cho người con gái thứ năm này. Bởi trong số những đứa con kể từ các con vợ cả đến các con vợ ba, nó là người chất phác thật thà. Năm nó mười tám tuổi, ông cho con gái đi lấy chồng. Chàng rể quê ở mãi ngoài tỉnh Hà Đông. Nhà nghèo phải đi kiếm sống từ thuở mười lăm, mười sáu. Ông thuận ưng, thậm chí còn giấu vợ cùng các con mình, giúi tiền cho chàng rể tương lai lo đồ sính lễ. Ơn trời nó là một trong những chàng rể tốt nhất trong số các con rể của ông, lại là người lanh lợi, có chí tiến thủ nên ăn ở trong họ ngoài làng ai ai cũng yêu thương quý mến.
Ông những mừng. Tuy nhiên cũng phải nói thật, hồi vợ ông còn sống, bà ấy thương con gái theo cái kiểu đàn bà nhà quê, mắt chưa
bao giờ nhìn vượt khỏi cái bờ dậu cúc tần nhà mình. Thấy cây mà chẳng thấy rừng. Chỉ ham cho con vào những nhà có của. Nên bà
ấy chê thằng chồng nó nghèo, đối xử có phần tệ bạc với con. Giờ con rể ông theo cách mạng, làm cán bộ thoát ly hoạt động cho kháng chiến. Con gái ông ở nhà một nách ba đứa con mọn. Ông không lưu tâm chăm nom con cháu sao được. Hơn nữa, ba đứa cháu ngoại này đều được sinh ra và lớn lên trên quê mẹ nó nên ông biết rõ từng đứa. Bởi vậy, khi nghe tin thằng Vững ốm, tuy người đang mệt, ông vẫn bắt thằng Tùng với con Thảo (là những người con còn đang sống với ông) võng vào thăm bệnh cho cháu.
Nó là đứa khôi ngô linh lợi nhất trong ba thằng cháu ngoại này.
Giờ ông đành chịu bó tay... Như thế có nghĩa là bất lực đứng nhìn thằng cháu chết. Nó mà chết thật thì chắc chắn, ông sẽ buồn lòng
rồi không khéo chết theo cháu cũng nên. Ông ngoại vẫn còn ngồi lặng người như chìm vào bóng tối, suy ngẫm một mình. Ông những giận con gái. ừ thì cái chuyện con cái nó ốm đau ròng rã một năm trời, chạy chữa thuốc men mất đứt đi mấy lứa lợn thật. Thời buổi chiến tranh loạn lạc làm ăn kiếm ra đồng bạc nào có dễ, lại còn phải chăm sóc đứa trẻ đau ốm, hờn quấy cũng vất vả mà vẫn không cứu chữa nổi, ai chả xót thương.
Nhiều khi cáu bẳn. Chẳng những thế, nó lại là đứa con nuôi. Con nuôi nhưng lại còn hơn con đẻ. Bởi bố mẹ nó đều đi làm cách mạng, sinh con trong nhà tù. Ngày Việt Minh cướp chính quyền đã kịp thời chiếm ngay nhà giam, giải thoát được hai mẹ con. Nhưng chẳng bao lâu thì người mẹ qua đời bởi kiệt sức. Bố thằng bé thì bị giặc đầy đi Côn Đảo không biết sống chết ra sao. Là bạn cùng hoạt động, con rể ông đã nhận đứa bé về, thuyết phục vợ nuôi. Âu cũng là cái số kiếp nó vào nhờ cậy cửa nhà mình. Chẳng lộc của thì cũng lộc con trời cho. Quả nhiên con gái ông đẻ sòn sòn, toàn con trai cả.
Thằng Vững lớn lên sống hòa mình với lũ cháu ông, không một ai trong nhà được phép cho nó biết sự thật. Và rồi "bố mẹ" cũng như
chú bác, cậu dì không hề bận tâm tới tông tích nó nữa, coi nó đích thị là con đẻ, cháu ruột của mình. Vậy đã thương thì thương cho trót. Đằng này... Giờ nó sắp chết rồi. Đạo lý của người làm cha làm mẹ sống ở đời sao lại nỡ nói năng cay nghiệt với con cái thế? Mà nào nó có làm nên tội tình gì. Nay ông trời bắt nó "đi" về với bố mẹ nó nơi "chín suối", đành phải cắn răng chịu đựng chứ biết làm sao.
Ngẫm ngợi gì đấy, chợt ông lắc đầu lẩm bẩm một mình: "Nó cạn nghĩ như mẹ nó ngày xưa vậy. Thương chồng thương con nhưng thiển cận và xốc nổi quá!".
Đêm chuyển dần về sáng. ở vùng núi, mùa hè cũng vậy, đêm bao giờ cũng lành lạnh. Thức mãi chắc là mệt mỏi lắm rồi. Ông ngoại vặn ngọn đèn dầu cho đốm lửa đều bấc to lên, ánh sáng bừng thêm một chút. Ông khẽ lần bước đến giường tôi nằm, đưa tay lên sờ nắn khắp người thằng cháu bé bỏng đã bén sâu vào lòng yêu thương của ông. "Không lẽ nó lại chết ư?" Thoáng trong đầu ông câu hỏi. Ông đứng lặng yên nhìn tôi hồi lâu. Không nói gì. Rồi ông lặng lẽ quay ra, thu dọn điếu bát, ấm tích và đĩa chén, lấy cái gối mây đặt xuống phản ngả lưng nằm.
Ngọn đèn dầu lẫn vào bóng đêm bởi đốm lửa ở đầu bấc chỉ còn bé tí nhờ nhờ xanh xanh như ánh lân tinh ngoài bãi tha ma.
Chỉ có gió là không ngủ, vẫn thức đập vào chái hồi, đập vào vách núi hun hút, loạt xoạt.
Rõ ràng là tôi không chết nên mọi sự việc đều được lưu giữ trong trí nhớ. Sự sống trong con người tôi chỉ còn thoi thóp ở trái tim bé nhỏ, yếu đuối. Thỉnh thoảng nó mới gắng gõ một nhịp đến là khó khăn, cố sức đẩy chút máu có trong cơ thể lên nuôi bộ óc. Để tôi có thể sống trong một giấc mơ kỳ lạ và khó hiểu. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hay biết một tí gì về sự thật con người tôi. Mới tám chín tuổi đầu, tâm hồn còn thơ trẻ nên tôi không hề bận tâm về bất cứ một sự bí ẩn nào. Tôi đinh ninh mình được sống trong gia đình với bố mẹ và anh em ấm êm, hòa thuận như bất kỳ một đứa trẻ nào. Đến tuổi học hành được cắp sách đến trường.
Gia đình tôi vốn làm ăn sinh sống ở thị xã Ninh Bình. Sau mấy lần chạy tản cư loanh quanh, luẩn quẩn. Gồng gánh chạy ra vùng Thượng Đồng, rồi lại bồng bế nhau đi vào thị trấn Cầu Cừ tỉnh Thanh Hóa. ở đó không được bao lâu lại trở ra làng Bộ Đầu giáp cầu Yên là quê mẹ tôi. Mẹ tôi thôi không bán thuốc lào mà chuyển sang mở hàng xén bán ở phố ga Cầu Yên. Phố ga khá đông vui, chạy từ mố cầu phía nam vào tới khu nhà ga hỏa xa, phải tới hơn cây số. Bên kia đường sắt là cánh đồng chiêm bao bọc lấy làng
Đông Trang. Bên này đường nhựa là nhà cửa, phố xá với đủ các hàng quán, cửa hiệu, đằng sau liền với làng Bộ Đầu. Ông ngoại tôi
cũng có một ngôi nhà ngói hai gian ở mặt phố.
Giặc Pháp chiếm đóng dưới Phát Diệm, xây bốt ở núi Sậu, thỉnh thoảng lại đi càn quét quanh vùng, cướp bóc của cải, gạo thóc, trâu bò gà lợn và phá phong trào du kích, hoặc câu đại bác lên vùng ven thị xã Ninh Bình. Mà quê ngoại tôi cách thị xã có năm sáu cây số là cùng. Nếu tính theo đường chim bay thì còn ngắn hơn nhiều. Thành thử lắm khi đạn lạc xuống. Đã có mấy nhà ở dãy phố Cầu Yên trúng đạn rồi. Mẹ tôi mới đành đưa gia đình vào ở núi Ngang thuộc xứ đạo Hệ Dưỡng để tránh bom đạn. Cũng có nhiều gia đình ở phố Cầu Yên chạy vào. Đông vui và thành xóm Núi Ngang. Xóm Núi Ngang nhà nào cũng dựng một đầu hồi nhà áp sát vách núi để tiện khi tàu bay Pháp có đến oanh tạc thì chạy vào hang ẩn nấp cho nhanh. Đầu hồi kia chĩa ra phía cánh đồng chiêm trũng.
Những đứa trẻ lớn bằng tôi trở lên đều đi học. Vào học tận trong làng Hệ Dưỡng ấy. Lớp học mở ở chùa của dân bên "đời" dựng dưới chân núi giáp làng. Từ ngôi chùa đến nhà thờ xứ đạo cũng rất gần.
Thầy giáo dạy tôi là một ông y tá đã ngoài bốn mươi tuổi, tên là Kỳ. Không rõ vì lý do gì mà ông bỏ nhà thương trên thị xã Ninh
Bình về làng sống với vợ con. Đoàn thể mời ông ra dạy đám trẻ con học chữ.
Tôi là đứa học trò chăm chỉ và cũng sáng dạ nên được thầy giáo yêu mến. Một hôm vào nhà ông chơi, thấy có nhiều sách xếp đứng thành từng hàng để trong tủ, tôi bèn hỏi:
- Bẩm thầy... thầy có các quyển sách gì để trong tủ kia ạ?
Ông giáo Kỳ tròn mắt nhìn tôi. Có lẽ vì ngạc nhiên lắm, bởi đám học trò ông dạy đều là những đứa trẻ tinh nghịch, mải nô đùa hơn là phải ngồi làm tính, viết tập thật nắn nót từng chữ, từng dòng, càng ngại viết ám tả và rất sợ làm tập làm văn, chứ đừng nói gì đến chuyện buộc chúng nó ngồi một chỗ đọc sách.
Tôi run lẩy bẩy, khoanh hai tay trước ngực đứng thẳng người y như một đứa học trò đứng chịu lỗi trước mặt thầy giáo. Bởi tôi ngỡ ông phật lòng, khó chịu vì sự tò mò của tôi. Đến khi những nét nhăn trên mặt ông Kỳ dãn ra, ánh mắt dịu đi, nheo nheo như cười, tôi mới hoàn hồn. Ông Kỳ hào hứng:
- Toàn sách truyện cả đấy, con ạ! Con có muốn đọc truyện không?
- Bẩm thầy... có ạ!
Ông Kỳ lấy làm thích thú bởi ít có người mượn sách của ông để đọc. Dân quê, dường như cả làng chỉ có vài ba người biết chữ quốc ngữ là cùng. Còn đám quan viên, hào lý trong làng chỉ biết độc có mỗi chữ Nho thôi. Nhưng cái thứ Hán tự này xem ra học cũng khó vào nên có người đọc viết được, có người chỉ đọc được thôi, hiểu nghĩa lơ mơ lắm. Ông lần trong túi áo lấy ra chùm chìa khóa, chọn chìa rồi mở tủ. Nom ông đứng nghiêng nghiêng cái đầu ngó nhìn khắp lượt các hàng sách, đến điệu. Dáng vẻ hào hoa lịch lãm người thành phố có học chứ không nghiêm nghị khó tính như ông thầy đồ dạy tôi học chữ Thánh Hiền ở làng Bộ Đầu. Sau một lúc lựa chọn, ông vạch hàng sách rút ra một quyển, quay lại đưa cho tôi:
- Thầy cho con mượn quyển này. Phải giữ gìn sách cẩn thận đấy. Thấy không, sách của thầy vẫn còn mới nguyên. Khi nào đọc xong thì trả, không được chuyền tay người khác làm bẩn sách. Rồi thầy sẽ cho con mượn tiếp quyển khác.
Mắt tôi sáng lên, hai tay run run đón lấy cuốn sách. Tôi đứng ngây ra ngắm nghía cái bìa có hình người đàn bà ăn vận kiểu ám tả: Bây giờ gọi là môn chính tả. Quần áo thuở xưa, phía sau thấp thoáng có bóng núi xa mờ. Lần đầu tiên trong đời một đứa trẻ tôi được nhìn thấy quyển sách truyện. Và quyển truyện trong tay tôi mới đẹp làm sao! Tâm trí tôi cuốn hút vào bức tranh in ở bìa. Trông hệt người thật. Ai đó vẽ được như thế này thì thật là kỳ tài quá. Và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận thấy con người có thể làm được cho mình nhiều thứ đồ dùng tuyệt mỹ, như cuốn sách này chẳng hạn.
Ông giáo Kỳ nói người ta in trong sách bao chuyện. Cả những chuyện cổ tích mà ông ngoại kể cũng có in trong sách. Đọc sách là cách mở mang kiến thức và còn "sống" được nhiều hơn so với những người cả đời không biết một cuốn truyện là gì. Cuối cùng, ông giáo nói với tôi:
- Thôi... cứ thế nhá. Con mang sách về mà đọc.
Tôi chợt bừng tỉnh, ngẩng đầu nhìn ông với nỗi niềm hân hoan, miệng lắp bắp:
- Cho con mượn thầy đem về nhà đọc ạ!
Nói rồi tôi nhảy tót qua cửa, vọt ra sân, quên cả chào thầy.
Ông Kỳ nói với theo:
- Nhớ giữ gìn sách cho sạch sẽ nghe con...
Về nhà, tôi leo lên hang đá giở cuốn truyện ra đọc. Đây là quyển truyện "Chàng rể cóc" viết bằng văn vần. Câu chuyện cổ tích này làm cho tôi xúc động đến khó tả. Tâm hồn thơ bé trong tôi đinh ninh tin là cuộc đời có thật câu chuyện xảy ra như thế. Nhiều buổi chiều nằm dài trong hang đá bởi chẳng biết chơi trò gì và cũng không có chỗ nào nô đùa, tôi những miên man với bao ý nghĩ.
Tâm hồn như phiêu diêu, bồng bềnh mường tượng ra trong óc cảnh sống thuở "ngày xửa ngày xưa" nào đó. Để rồi chính những điều mình tưởng tượng nghĩ ra lại hấp dẫn cuốn hút tâm trí mình. Tôi đâm ra mê đọc truyện. Truyện nào cũng đọc. Còn ông giáo Kỳ thì lấy làm vui thích có đứa học trò ham đọc sách.
Ban đầu ông giáo cho tôi đọc "Chàng rể cóc", tiếp tới truyện
"Thạch Sanh", truyện "Tấm Cám". Rồi đến "Tống Trân - Cúc Hoa",
"Nhị độ mai", "Cung oán ngâm khúc", "Truyện Kiều"... Cuối cùng thì đủ loại: "Chinh đông, chinh tây", "Tam quốc", "Thủy hử", "Đông chu liệt quốc", "Tây du ký", "Đôi lứa xứng đôi", "Bỉ vỏ"... Rất nhiều. Cứ đọc xong một quyển, đến lớp, ông thầy lại bắt tôi kể lại cho
chúng bạn nghe. Ban đầu thì có run run, ấp úng. Dần dần thành quen nên tôi kể chuyện ngày càng lưu loát, mạch lạc. Ông giáo Kỳ đứng tựa lưng vào cửa lớp học nhìn tôi, thỉnh thoảng lại gật gù.
Rồi ông còn nói cho tôi nghe những điều hay dở của cuốn truyện mà ông lấy làm tâm đắc. Ông giáo còn ngạc nhiên trước sự đọc
sách nhanh của tôi. Có lần hôm trước mượn sách, hôm sau đến lớp học tôi đã mang trả. Ông hỏi:
- Thế con không thích đọc quyển truyện này à?
- Thưa thầy, con đọc xong rồi ạ.
Ông giáo trố mắt ra nhìn tôi đăm đắm:
- Con đọc xong rồi? Thế về nhà con không đi chơi à?
- Trình thầy ở xóm Núi Ngang chúng con chả có chỗ nào mà nô đùa cả. Leo trèo mãi lên núi cũng chán lắm, chui rúc mãi trong các hang đá cũng buồn. Con chỉ ngồi đọc sách thôi. Buổi tối, đám trẻ con xóm Núi Ngang thường rủ nhau tụ tập ngồi chơi ở cửa hang. Chúng tôi nặn những con vịt, con ngan bằng đất rỗng bụng, khoét một lỗ nhỏ ở ngang sườn bên này, hai lỗ nhỏ ở ngang sườn bên kia, phơi khô thổi thành tiếng như tiếng tù và nghe buồn buồn, nhất là khi tiếng núi vẳng âm trở lại. Thổi như thế mãi cũng chán. Chúng nó quay ra bắt tôi kể chuyện. Rồi thành quen, thành lệ.
Mỗi lần kể cho chúng bạn nghe những chuyện đã đọc ở trong sách, tâm hồn tôi như hòa nhập vào các nhân vật đó, vừa thơ ngây
con trẻ, vừa ngộ nghĩnh hồn nhiên. Đám bạn quây quần quanh tôi lắng nghe, nhiều đứa há hốc mồm, đôi lúc bật cười thích thú...
Vậy mà tôi đã ốm liệt giường một năm nay rồi. Chết đi sống lại đến mấy lần. Đám bạn xóm Núi Ngang đâu cả? Bố mẹ, anh em tôi đâu cả? Ông giáo Kỳ ở đâu? Cả ông ngoại tôi nữa kìa. Ông đi đâu rồi? Sao chỉ có mình tôi... chỉ có một mình tôi lạc giữa cánh rừng ma thiêng nước độc hoang vắng, cổ xưa thế này? Ô kìa... đàn voi từ rừng già Châu Phi kéo nhau tới kìa. ại... con cọp từ trong truyện Thủy Hử nhảy chồm ra kìa. Trời đất ơi! Đây mới khiếp chứ, con Trăn tinh từ trong miếu thần trườn đến nhe cái miệng đầy răng nuốt chàng Thạch Sanh... Có một cái gì, như một bàn tay khổng lồ giữ lấy tôi, như có tảng đá đè nặng trên ngực không thể cựa quậy, không thể thốt lên thành tiếng kêu cứu. Tôi có cảm giác run bắn, co rúm người lại như sắp chết đến nơi. Tôi nhắm nghiền mắt lại không dám nhìn những con quái vật trước mặt nữa. Khi tôi mở mắt ra, những con quái vật biến hết sạch. Hoàn hồn. Tôi ngơ ngác giữa rừng xanh hoang dã. Chợt Bụt hiện lên kia kìa. Bụt giống ông ngoại như hệt. Bụt cất tiếng nói hẳn hoi. Tiếng Bụt thoảng trong thinh không, nhẹ như gió thoảng: "Tấm ơi... con đừng khóc nữa..." Bụt tới xoa tay vào trán tôi, đưa cho tôi uống bát nước vối đen đen: "Thuốc tiên cứu con sống lại đấy, con ạ!" Tôi gắng sức há miệng uống bát thuốc tiên Bụt mang tới. "Thôi... được rồi. Con nằm yên ngủ đi. Tử Thần sẽ bị đuổi ra khỏi người con, sự sống sẽ dần dần hồi sinh..." Khi tôi tỉnh giấc thì trời đã sáng bảnh mắt rồi.
Tôi mở to hai mắt nhìn thao láo lên nóc nhà. Trong người nhẹ nhõm, đầu óc tỉnh táo đến mức tôi tưởng như mình vẫn khỏe khoắn, chưa bao giờ bị ốm liệt giường, sống bình thường như anh Thành, thằng Bền, như mọi đứa trẻ khác. Tôi nghe rất rõ tiếng cậu Tùng và dì Thảo, chắc ngủ nhờ bên nhà hàng xóm đêm qua đã về, đang rì rầm nói chuyện với nhau ở ngoài sân:
- Chắc thằng Vững chết rồi hay sao mà im lặng quá thế này?
Dì Thảo sụt sùi khóc:
- Cháu Vững ơi... sao cháu nỡ vội bỏ ông bà, bố mẹ, cậu dì, bỏ anh em mà đi hả cháu? Cháu có biết dì võng ông vào thuốc thang
cứu chữa cháu không?
Cậu Tùng nói khe khẽ:
- Thì hãy cứ vào nhà xem sự thể nó ra sao đã nào.
Ông ngoại tề chỉnh áo quần, đầu chít khăn voan màu tím thẫm gọn thành từng vòng như khăn xếp, ngồi xếp chân bằng tròn, uống nước ở phản giữa nhà từ bao giờ. Thấy mẹ tôi từ buồng giáp hang núi đi ra, ông bảo:
- Mẹ thằng Thành thử ngó xem thằng Vững nó thế nào?
Mẹ tôi giật bắn người:
- Khiếp! Con sợ lắm! Thôi... đằng nào thì cũng để tí nữa chú Thìn với các cậu các dì về đông đủ - Bà bước ra cửa: - Ôi... cậu Tùng, dì Thảo dậy sớm thế?
Dì Thảo mếu máo hỏi mẹ tôi:
- Liệu cháu Vững nó có còn sống không hả chị?
- Dì vào giường nó xem hộ tôi một cái.
Cậu Tùng bước lên hiên càu nhàu:
- Chị đến thật là... đã coi là con cháu trong nhà mà còn sợ à?
Thằng Bền cũng thức giấc từ lúc nào không hay. Nó chạy vàogiường với tôi:
- Anh Vững ơi...
Vừa gọi nó vừa lay người tôi. Tôi quay mặt ra nhìn nó. Nó ấp úng hỏi:
- Anh còn sống à?
Tôi mở to mắt ra nhìn nó trước câu hỏi. Ô hay... sao thằng Bền lại hỏi tôi thế? Tôi có chết đâu, vẫn sống đấy chứ. Lạ nhỉ. Tôi chết làm sao được. Tôi là thằng bé khỏe mạnh nhất nhà. Năm lên bảy tuổi tôi từng vật anh Thành ngã chổng kềnh, suýt va đầu vào cái cối đá ở nhà cậu Hảo, có cậu Phùng - con út của ông ngoại trạc tuổi anh Thành - làm chứng. Chứ không thì tôi bị một trận đòn
nên thân vì tội dám đánh anh. Thằng Bền tụt xuống giường chạy ra khoe với ông ngoại:
- Ông ơi! Anh Vững còn sống kia kìa...
Ông ngoại gật gật đầu, gương mặt bừng sáng như một người thành đạt sau một cuộc thi căng thẳng đã vượt qua được mọi khó khăn, đã tìm gỡ được mối hóc hiểm để giải trình câu hỏi của giám khảo. ở đây, rõ ràng còn hơn cuộc thi. Bởi vật nhau với cái chết, giữ lại sự sống cho tôi mới thật sự là khó khăn và hóc hiểm, những tưởng phải chịu bó tay.
Vừa lúc cậu Tùng bước vào nhà:
- Cháu Vững sống lại rồi hả thầy?
- ừ!
Ông ngoại gật đầu, chỉ "ừ" một tiếng gọn không, sảng khoái, rồi kéo cái điếu bát lại gần, so xe điếu, mồi thuốc vào, chờ cậu Tùng lấy đóm châm lửa cho ông hút thuốc. Ông ngoại nói, giọng nhỏ nhẹ:
- Đêm qua thầy ngồi ngẫm nghĩ mãi. Không có nhẽ mình chịu bó tay để cháu nó chết. Thầy liều cho nó uống một chén thuốc tự mình sắc lấy. Lúc bấy giờ đã quá đêm rồi. Nếu nó uống chén thuốc này mà không bị "công", tâm lực chịu đựng nổi thì dứt khoát sống. Còn bằng không... thì chết luôn...
Đón que đóm bén lửa, ông ngoại đưa xe điếu vào miệng. Cái điếu bát kêu réo lên sòng sọc. Ông nhả khói, lấy làm khoan khoái,
rồi nói tiếp:
- Thằng bé quả là đứa chịu khó uống thuốc. Nó cũng biết sợ chết chứ cứ gì người lớn. Thầy bảo: "Cháu ngoan của ông cố sức uống chén thuốc này nhé. Uống xong là sẽ khỏi bệnh, không thể chết được. Chịu khó nào. Rồi chóng khỏe ra ở với ông. Ông sẽ kể cho cháu nghe nhiều chuyện cổ tích". Nó nửa mê nửa tỉnh nhưng vẫn cố ngóc đầu lên cho thầy bế ngồi, rồi há miệng uống ừng ực hết chén thuốc. Thuốc này đắng lắm. Một lúc sau thì người nó ấm dần rồi thầy thấy mạch. Cầm chắc nó sống. ẵm nó ngủ một lúc lâu, thầy mới đặt nó xuống giường, quấn chiếc chăn chiên cho chặt kín quanh mình. Ra phản nằm chợp mắt được một tí thì thầy nghe tiếng tiếng gà đã gáy vọng từ trong Hệ Dưỡng ra tận đây rồi.
Mẹ tôi từ dưới bếp đi lên, dì Thảo từ ngoài sân vào, chú Thìn đang cho lợn ăn cũng bỏ cả đấy. Cả nhà nhốn nháo ồn ào mừng vui lẫn buồn tủi. Tôi nằm ngây ra ngơ ngác nhìn mọi người chẳng hiểu là tại sao lại như vậy.
Tiếng bác Vinh gái, hàng xóm nhà tôi, vừa bước lên hiên đã hỏi:
- Thằng Vững sống lại rồi hả ông? Trời ơi... phúc đức làm sao!
Rồi bác Vinh bước lại bên giường tôi nằm:
- Vững này ồ! Cháu còn sống thật rồi. Này nghe cháu, cháu phải biết ơn ông ngoại đấy, cháu nhá. Ông ngoại đã cứu cháu sống đấy.
Bác Vinh quay ra gọi đứa con gái xấp xỉ tuổi tôi, cùng học một lớp với nhau:
- Dung này vào đây với anh Vững. Anh sống lại rồi đây này...
Trời sáng rõ. ánh bình minh rực rỡ bừng lên khắp mọi nơi.
Ông ngoại vào thăm bệnh lại cho tôi. Ông nhìn kỹ gương mặt, sắc da ở người, rồi sờ nắn tay chân mình mẩy, xem lại mạch tay, mạch
chân. Đầu ông lúc gật gật, khi lắc lắc. Xong đâu đấy, ông trở ra ngồi bò trên phản viết. Một lúc sau ông ngồi thẳng dậy. Mọi người
ngồi ở giường, ở bậc hèm cửa chờ ông cắt đặt từng việc. Ông gọi mẹ tôi ra ngồi ở phản để ông nói, giọng nhỏ nhẹ thương cảm với nỗi vất vả của con gái:
- Thầy vừa xem lại bệnh cho cháu. Còn nước còn tát, đã thương thì thương cho chót, con ạ. Thầy tính vầy. Hai con lợn trong chuồng nhà mày còn bé quá. Hãy cứ để đấy nuôi. Thầy cho nó con lợn chắc xấp xỉ tám mươi cân gì đấy, để chạy thuốc thang ngay bây giờ cho nó. Nếu bây giờ mày không còn đồng nào thì giật tạm của ai đó đưa cho chú Thìn đi xuống chợ Tu cắt thuốc. Đơn thuốc cắt cho nó đây.
Ông ngoại đưa lá đơn với những cột chữ Nho thẳng tắp, đều đặn và vuông vắn, viết bằng bút lông, mực Tàu. Chú Thìn đưa hai ngón tay đón lấy rồi gấp tư, bỏ vào túi áo, gài ghim băng cẩn thận.
Chú là em ruột bố tôi, mới mười tám tuổi, vào ở với mẹ tôi được vài ba năm nay. Ông ngoại dặn lại chú Thìn một lần nữa, đến là cặn
kẽ: nếu thiếu vị này thì thay bằng vị kia, bao nhiêu đồng cân một
vị mỗi thang. Đoạn, ông quay sang bảo cậu Tùng: - Con về nhà ngay bây giờ. Nhớ bắt con lợn lớn nhất trong chuồng bán đi rồi
mang tiền vào cho chị mày thuốc thang cho cháu. Khi vào nhớ gánh cho nó gánh gạo thông. Đỡ thêm cho mẹ con nhà nó. Còn con
Thảo, ở lại với chị mày và các cháu. Hôm nào thằng Tùng vào thì hai đứa võng thầy về.
Từ nãy đến giờ mẹ tôi cứ ngồi mặt bần thần, rầu rĩ và im lặng. Chắc đoán biết là mẹ tôi chẳng còn đồng nào dính túi, bác
Vinh gái liền lên tiếng:
- Thôi ơn giời, cậy nhờ có cụ đây nên cháu nó sống lại là mừng rồi. Nếu bác Thành không còn đồng nào thì em về lấy bên nhà mang sang cho bác giật tạm một ít.
Nói xong, bác Vinh đứng lên ngay, về nhà một tí đã nhào sang, ngại ngùng đưa tiền cho mẹ tôi.
- Cảnh nghèo túng với nhau, em có từng này bác cầm lấy đưa cho chú Thìn đi cắt thuốc ngay kẻo trưa mất rồi.
Cảm thấy món tiền chẳng đáng là bao, chợt sực nhớ, bác
Vinh vội cởi bao thắt lưng xanh ở bụng ra:
- A... còn chỗ này nữa, gộp cả lại. Cứ tạm mua cho cháu nó chục thang cái đã.
Mọi người tản ra, ai vào việc nấy. Anh Thành cắp sách đi học. Cái Dung hôm nay được nghỉ nên ở nhà sang chơi với thằng Bền. Chúng trèo cả lên giường trò chuyện với tôi luôn miệng.
Nhưng tôi lại thiếp đi. Tử Thần chưa đủ sức mạnh cướp được tôi đi, song sự sống thì hãy còn mong manh lắm.
Cha tôi tạt về nhà được vài ba ngày. Công tác đoàn thể cuốn hút ông nên chuyện tôi ốm đau ròng rã một năm trời, dẫu có biết, ông vẫn không thể về nhà được. Vả lại mọi việc đã có ông ngoại lo toan cả rồi. Ông ngoại có chân trong Mặt trận Liên Việt huyện, vẫn thường xuyên hội họp nên cũng gặp cha tôi luôn. Bởi vậy, khi nhìn thấy tôi như cái bóng ma trên giường, cha tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên. Ông ngồi bế tôi một lúc đợi chú Thìn đi xúc cua về. Cha tôi nói chuyện gì đó với chú hồi lâu rồi đi vào Hệ Dưỡng.
Ông nói là ông đi đến gặp cha xứ ở đấy để bàn việc làm lễ phóng thích cho một số lính vệ sĩ công giáo theo Pháp đi càn quét bị ta bắt. Sau một thời gian giáo dục, chính quyền kháng chiến khoan hồng cho về sinh sống làm ăn với vợ con gia đình.
Hồi này mẹ tôi bán hàng xén để nuôi con cái nên từ sớm tinh mơ đã gồng gánh đôi bồ lên thuyền chống sào đến các chợ quanh vùng cho tới tận khuya. ở nhà, chú Thìn thường vào Hệ Dưỡng xúc cua ở các ao bèo lục bình, hay cất vó te kiếm ít tép vụn.
Sáng hôm sau, vì có chuyện to tiếng giữa bố mẹ với nhau nên tôi mới biết rõ sự thể. Chuyện là như thế này: Chuyến này cha tôi về nhà mấy ngày không phải vì chuyện tôi suýt chết. Tuy thương con đứt ruột nhưng cha tôi không thể làm được gì, cho dù chỉ có ít tiền gửi về để đỡ đần mẹ tôi. Bởi cán bộ kháng chiến đâu có lương bổng, đi đến đâu sống dựa vào dân ở đó. Đồng bào có gì cho, ăn nấy. Cha tôi tạt về nhà chính vì chuyện chú Thìn. Thì ra cha tôi định đưa chú Thìn đi tòng quân. Cố nhiên là chú Thìn thích rồi. Bởi chú là thanh niên sức dài vai rộng, chạy giặc phải bỏ quê vào đây. Chẳng biết làm gì để kiếm sống, cứ ru rú ở nhà với mấy đứa cháu cũng chán, ăn bám chị dâu mãi càng không tiện. Riêng mẹ tôi thì lấy làm bực tức. Chẳng phải là hám lợi gì, song phận đàn bà con mọn có một mình chạy loạn làm sao? Hơn nữa lại còn thằng con đang sống dở chết dở nằm trên giường kia nữa chứ. Chả nhẽ bỏ mặc nó đấy để chạy lấy thân mình. Phải tội với giời! Mẹ tôi đổ mọi sự cho cha tôi. Nếu không có thằng Vững. Sao lại không có tôi?
Mẹ tôi đẻ tôi ra là chuyện miễn cưỡng hay sao? Nếu không có thằng Vững. Nếu... tiếng nói của mẹ tôi cứ vẳng đến tai tôi. Chỉ
nói có như thế thôi thì bà ngập ngừng. Cha tôi suỵt cắt ngang lời.
Tính ông nóng như lửa, đã quyết là làm. Mẹ tôi đành chịu. Đành chịu trong sự phẫn chí. Bà giận dỗi bỏ buổi chợ, ở nhà.
Vậy là chú Thìn xăng xái đi ngay xuống chợ Tu mua sắm mấy thứ lặt vặt để sớm hôm sau cùng cha tôi lên đường.
Trời bỗng nổi giông. Mây đen kéo về. Gió lồng lộn như con ngựa bất kham tung vó giữa thảo nguyên. Mưa. Nước như trút từ trên trời xuống ào ào. Gió hất tốc mái chuồng lợn. Thế là không ai bảo ai cha mẹ tôi cùng chạy ra sửa lại mái chuồng.
Trong nhà không còn một ai. Anh Thành và thằng Bền chạy sang chơi bên nhà chị Nhàn. Mưa không về được. Chỉ còn mỗi mình tôi đang nằm quay mặt vào vách.
Ngoài trời mưa như xối nước, sấm chớp ùng oàng nhì nhằng những lưỡi lửa chốc lại lóe sáng. Không hiểu sao, tôi bỗng thèm nhìn ra xem trời mưa thế. Tôi gắng lấy hết sức để tự lật người quay mặt nhìn ra cửa mà không tài nào cử động nổi. Thân xác tôi cứ ì ra như đống thịt bất động. Chỉ có mỗi bên chân tay phải thì có khá một chút. Tức là co lại duỗi ra được một tí, rê đi rê lại nhích một tẹo. Tôi đành bật miệng kêu:
- Thầy u ơi! Vào lật người cho con quay mặt nhìn ra cửa với.
Tiếng mẹ tôi gắt gỏng quát ở ngoài chuồng lợn xuyên làn mưa vọng vào:
- Làm nũng vừa vừa chứ! Hầu hạ mày suốt ngày không đủ hay sao mà hễ động một tí là hành người ta! Không tự quay ra được thì cứ nằm thế đã sao?
- Nhưng con tê người lắm rồi.
- Thế cũng không chết được đâu mà sợ.
Tôi bật khóc ré lên vì tủi hờn và đau đớn. Tim tôi thắt lại, toàn thân rã rời. Tôi nào có dám làm nũng đòi hỏi cái gì. Tôi nằm quay mặt vào vách suốt từ sáng tới giờ, cố hết sức rồi mà không thể tự lật nổi người đấy chứ. Mưa vẫn cứ rơi xối xả như vẫy gọi, giục giã nỗi thèm muốn khát vọng được quay nhìn ra. Trời mưa có sức hấp dẫn lạ kỳ cám dỗ tôi.
Chắc là dọi xong mái chuồng lợn, cha tôi chạy vào. Ông tới bế tôi ra đặt nằm ở phản giữa, ngoảnh mặt nhìn mưa rơi.
- Có lạnh không Vững? Nếu lạnh thầy mặc thêm áo cho con.
Tôi lắc đầu, nước mắt đầm đìa. Cha tôi nựng:
- Thôi nín đi con! Để thầy tắm kẻo cảm lạnh. Rồi thầy vào nằm với con.
Hồi lâu. Rất lâu. Khi cha tôi đến nằm xuống bên cạnh, nâng đầu gối lên cánh tay người, quặp hai chân khẳng khiu của tôi vào lòng cho ấm thì tôi đã ngủ thiếp đi rồi...
Chiều hôm đó, chú Thìn ngồi bế tôi cả buổi. Hẳn chú thương tôi lắm nên trước khi đi xa, chú dành cả thời gian còn lại để an ủi tôi. Chú thủ thỉ căn dặn tôi phải gắng chịu khó uống thuốc, ăn thật nhiều cơm cho chóng khỏe rồi còn phải đi học nữa chứ.
Sớm hôm sau. Trước khi đi, cha tôi nói với mẹ tôi:
- Mẹ thằng Thành đừng cáu gắt với thằng Vững như thế. Con nó còn nhỏ dại, lại ốm đau bệnh tật chứ nó có nhõng nhẽo gì đâu. Tôi sẽ rẽ về làng mời ông ngoại vào thăm lại bệnh cho nó.
Rồi cha tôi vào bế tôi lên, thơm hai bên má. Tôi thấy mắt ông rưng rưng. Chú Thìn cũng vào bế tôi. Chú nói như mếu:
- Đừng chết cháu nhé! Rồi chú sẽ về thăm cháu. Chú sẽ dẫn cháu đi học.
Cha tôi cùng chú Thìn khoác túi dết đi ra. Bên ngoài, trời vẫn còn nhập nhoạng. Nhưng đó đây đã có nhiều tiếng gà gáy sáng và tiếng chó sủa vang. Tôi không thể biết rằng từ giờ phút này tôi bắt đầu phải tự làm nhiều việc cho chính mình chứ chẳng còn ai ở nhà nâng giấc như trước nữa. Lòng tôi dâng trào một nỗi bâng khuâng, cảm nhận thấy sự thiếu vắng chú Thìn như thiếu hụt một nơi nương tựa, chở che.
Rồi tôi lại thiu thiu ngủ.