Một, hai, ba và bốn
Tác giả: Vũ Hồng
Chín ngày sau lập đông, khi ấy là buổi sáng và tôi thức giấc. Phía ngoài sân, cơn gió bấc lùa qua se lạnh.
Tôi ăn sáng vào lúc 6 giờ 30. Đầu óc tôi còn ê ẩm sau buổi tiệc rượu kéo dài đêm qua ở Cửa hàng ăn uống số 2. Tôi gượng nuốt vội ổ bánh mì khô và đi đến trước gương. Chiếc gạt tàn hình con cọp nhe nanh như cười với tôi khi tôi nhấn mẩu thuốc lá vào.
Tôi bàng hoàng không nhận ra mình khi đứng trước gương. Rõ ràng không phải tôi như tôi thường ngày mặc dù tôi thừa biết đó là tôi chứ không ai khác. Tôi há hốc miệng và từ miệng của hình thù trong gương lởm chởm bốn răng nhanh nhọn hoắc. Tôi tiến tới và hình thù ấy cũng tiến tới. Lý trí mách bảo cho tôi rằng ở thời đại bây giờ làm gì có ma quỷ hiện hình. Tôi nhìn thấy trên mặt hình thù ấy có những chòm lông vàng rủ xuống. Lúc 18 tuổi, có một lần tôi đi đến Thảo Cầm Viên và nhìn thấy sư tử. A, con sư tử! Nhưng sư tử sao lại đứng ngang tôi và mặc quần áo của tôi đang mặc. Hằn hằn trên túi áo còn loang bẩn vệt mực của loại viết Horse 07 carbide 201 mà hôm nọ tôi giắt vào túi áo và mực bị chảy.
Điều lo sợ đầu tiên đã làm tôi choáng váng. Tôi bất lực nằm xuống giường và khóc. Làm sao tôi còn có thể đến được với nàng. Nàng sẽ kinh hãi với bộ mặt tôi. Nàng sẽ thoát khỏi vòng tay tôi và bỏ chạy vĩnh viễn. Tôi khóc oe oe như thời lên 3 tuổi trong khi ngoài phố tiếng xe buýt 7 giờ chạy qua bóp còi inh ỏi. Tôi nhớ tới những vườn hoa ngoại ô đang thời chớm nụ để đón mùa Xuân và tiếng gió chướng lùa trên những mái nhà lá ven sông. Lúc mang mặt người tôi thấy bình thường nhưng bây giờ tôi ước được mang mặt người dù sau đó trở thành một kẻ khốn cùng tôi cũng chấp nhận.
Tôi đốt một điếu Scott và quyết định đi đến quán cà phê. ở hai bên đường, những bông hoa dại ngày đông nở đầy. Tôi trách chúng sao vô tâm trước nỗi khổ của tôi.
Ngày Chúa nhật quán đông đặc người. Tôi chọn một bàn phía trong và tê tái nhìn vòm me tây rũ xuống mặt hồ. Không ai chú ý đến sự có mặt của tôi. Tôi tự hỏi rằng họ không phát hiện ra một con thú đang ngồi cùng quán với họ hay sao. Chẳng lẽ tất cả đều trở nên ngu muội không biết giữ sĩ diện cho chính giới người của họ, hay họ giả vờ tảng lờ khi không muốn dây dưa với những chuyện không dính vấp đến bản thân họ...?
Tôi gọi mang đến gói thuốc Vecga và hỏi cô chủ quán:
"Thấy tôi có gì khác trước không?".
"Có gì đâu?".
"Thật?".
"Thật!"
Tôi nhìn thấy cô ta cười, nụ cười khinh khỉnh thường có ở những cô gái đẹp. Tôi chợt tức tối vì nghĩ rằng cô ta đùa cợt trên nỗi đau đang giày vò tôi. Tôi dằn mạnh ly cà phê xuống bàn, đứng dậy và hét lên. Khi ấy có những chiếc lá me vàng vọt rơi. Cô ta sững sờ và sau đó cười phá lên. Những cô gái khi cười mỉm thường đẹp hơn là có kiểu cười sang sảng như kim châm vào lòng người khác.
"Tao là sư tử đây!" - Tôi vỗ ngực.
"Điên!" - Tôi nghe cô ta thốt lên như thế và sau lưng mọi người đều cười ầm. Họ gọi tôi là thằng điên. Tôi đá mạnh chiếc bàn con lẫn ly tách bay xuống hồ. Một gã thanh niên to lớn xông đến túm lấy cổ áo tôi và nói:
"Nè, đủ tiền đền kông đó?".
Một tay tôi giữ chặt cổ tay gã, tay kia chém mạnh vào khuỷu. Gã ngã sóng soài. Tôi không ngờ mình lại mạnh khỏe đến như vậy. Chỉ mới có mấy giờ thôi sao sức mạnh từ đâu đến với tôi thật diệu kỳ. Như vậy tôi đã biến thành sư tử thật rồi. Tôi bật khóc và phóng qua bên kia đường. Khi ấy, tôi nhìn thấy ánh nắng của buổi sớm mai nhảy nhót trên những cánh bướm sặc sỡ. Tôi giơ tay chào mấy người cảnh sát giao thông đang đứng tụm năm, tụm ba ở ngã tư và trên trời mây đang xếp thành hình biển cả nổi sóng.
Tôi tạt vào một cửa hiệu nhỏ để mua chai Napoléon sau khi đã quyết định là không còn mặt mũi nào để đến với nàng đúng hẹn được. Bà chủ hiệu gầy còm nói với tôi rằng hình như tôi khang khác với thường ngày. Tôi ngây người ra và bỏ chạy. Khuôn mặt con sư tử trong gương buổi sáng sớm như đang nhe nanh chào tôi. Ngang nhà thờ, tôi nghe giọng thánh kinh trầm trầm. Tôi véo vào tai, vào đùi và cảm thấy đau, nhưng cái đau hôm nay lại khác với cái đau lúc nàng véo tôi cách đây ba ngày. Sự mơ hồ thường gây ra nỗi đau dai dẳng và có sức tận diệt hơn cả những gì đã rõ ràng trước mặt. Có lúc tôi cảm thấy như mọi người đang quỳ mọp trước tôi và tôi là đấng chúa tể sơn lâm, nhưng rồi mọi người vẫn bình thản đi qua mặt tôi và cười nói. Thậm chí, có lần, một đứa bé bán gì đó dám chìa ra những tờ giấy phất phất vào tay tôi. Tôi gầm gừ nhưng nó không sợ. Tôi nhe nanh và nó cười. Khi ấy, có tiếng chuông chùa đổ.
Nàng đến tìm tôi vào buổi tối hôm đó lúc tôi đang xem quyển Hãy để ngày ấy lụi tàn của Giê-rơn Go-đơn. Nàng hỏi tôi sao không đến gặp nàng và tôi thấy nước mắt nàng rơi. Tôi buồn rầu, đốt một điếu HF và hỏi rằng sao nàng không bỏ chạy. Tôi thấy nàng trố mắt ra. ở ngoài đường có tiếng dép lê vội vã. Tôi nghe mắt mình cay cay khi nói:
"Anh biến thành sư tử rồi. Anh không được là người nữa!".
Tôi biết là nàng sờ tay lên trán tôi và hỏi:
"Anh điên à?".
Tôi lặp lại từ điên và cười ha hả. Tôi thấy mặt nàng tái xanh, tay thu lại trước ngực. Tôi bỗng thấy buồn và đặt tay lên vai nàng. Tôi hiểu nàng rùng mình và sau đó thì hai má nàng dần dần ửng đỏ. Khoảng vài phút sau bỗng dưng điện bị cúp. Gian phòng tối om. Tôi cam đoan rằng tôi không có phạm một tội gì để đến lúc chết đi bị sa vào địa ngục. Tôi chỉ mân mê những sợi lông tơ trên cánh tay nàng. Trong bóng đêm, nỗi ám ảnh về sự mơ hồ càng tăng và tôi cảm thấy như bị nghẹt thở. Nếu đèn không sáng lại có lẽ tôi đã ngã ra và chết trên đùi nàng.
Nàng từ giã tôi với lời khuyên rằng tôi không nên uống rượu, hút thuốc và thức khuya. Tôi mỉm cười bẽn lẽn và nghe tiếng dơi kêu rít lên như tiếng chuột sạ hương từ ngoài vườn. Vầng trăng thượng tuần ngày đông buông những sợi sáng đùng đục xuống tóc nàng nên tôi chợt thấy thương nàng khi nghĩ rằng về đến nhà nàng sẽ bị cảm lạnh.
Tôi tìm một viên đá nhỏ và ném vỡ tấm gương, nhờ thế tôi mới mạnh dạn bước đến giường. Khoảng mười phút sau thì tôi ngủ.
***
Sáng hôm sau, tôi ra chợ mua mặt nạ. Đó là khuôn mặt của một người đàn ông phúc hậu, không có râu. Tôi đeo vào, cứ thế đi nghênh ngang qua những vỉa hè. Lũ trẻ chạy theo vỗ tay reo hò ầm ĩ. Tôi bỗng thấy lạ vì rằng khi tôi để mặt thú thì mọi người lại không biết sợ, còn xem như đồng loại và bây giờ tôi mang mặt của một người hiền người ta lại cười. Tôi đi lang thang như thế cho đến đêm tối thì tôi nhận ra tôi đang đứng dưới gốc me già. Những lá khô héo hắt rơi bâng quơ và những chiếc xe bò lọc cọc gõ móng xuống mặt đường lồi lõm. Tôi huýt sáo bài Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn. Sau đó, tôi lại khóc. Tôi quyết định phải trầm mình dưới hồ kia để rằng sẽ quên đi nỗi sợ hãi vô hình ngày càng tăng. Nhưng ngay lúc đó tôi nghe có tiếng rên và tôi đi đến. Tôi phát hiện ra một bà già gầy còm đang nằm co ro trên ghế đá. ánh đèn đường trắng bợt hắt qua khuôn mặt tái xanh mà tôi biết rõ rằng là mặt của một người sắp chết. Từ nhỏ cho đến lúc 15 tuổi, tôi hay cùng bạn bè trang lứa chơi trốn tìm cạnh nhà xác cho nên bây giờ tôi không còn cảm giác lo ngại giữa hai luồng sinh và tử khí. Bà già vẫn rên theo bản năng của một cơ thể sống chứ không hề nhận biết có ai bên cạnh. Tôi chạm vào cánh tay bà ta và thấy lạnh.
"Dậy, dậy đi bà! Ngủ mà làm gì? Đời mấy tí..." - Tôi nói.
Tôi thấy bà mấp máy môi. Tôi kề tai và hiểu rằng bà đói. Tôi chạy đi mua tôi phở để mang đến cho bà. Khi những mùi hành, mùi thịt, mùi nước béo phảng phất, tôi biết rằng thân thể bà ta cố gượng dậy nhưng bỗng dưng bà ngã lăn xuống những viên đá tảng lởm chởm. Rồi bà ta nằm im. Tôi nghĩ là bà đã chết. Tôi đứng lặng lẽ như thế bên cạnh tô phở càng lúc càng lạnh. Tiếng rao của người bán bánh mì khuya thăm thẳm như từ cõi nào vọng về.
Tôi đứng cho đến sáng chiêm ngưỡng không gian đầy sương mù. Tôi thản nhiên đốt một điếu thuốc khi có bốn người mặc thường phục đến chụp ảnh hiện trường. Tôi nói rằng tôi đã bóp cổ bà ta. Tức tốc, họ lột mặt nạ tôi và mời tôi về nơi xét hỏi. Sau đó, tôi phải tạm vào nhà giam. Dĩ nhiên, tôi đã trở lại thành một con thú nguyên vẹn. Tôi tự an ủi rằng trong khoảng không gian hẹp của nhà giam tôi sẽ dễ sống hơn là cõi trời đang rộng mở nhưng rất mơ hồ đối với những sinh vật nhỏ nhoi.
Tôi sống trong nhà giam được vài ngày thì người ta lại trả tôi về với vỉa hè. Họ chỉ nói rằng bà ta chết vì cơ thể của bà ta gắng gượng làm một điều gì đó nhưng không đủ sức và chết chứ không phải do tôi bóp cổ. Tôi cười ha ha và sau đó khi quay mặt nhìn lại nhà giam tôi đã khóc. Tôi khóc không có những giọt nước mắt và tôi trở thành lố bịch khi tiếng khóc ấy hóa ra như tiếng cười.
Tôi về thăm lại căn nhà vào lúc ba giờ chiều. Tôi thấy trên nền nhà còn những mảnh gương vỡ phản chiếu ánh nắng hắt vào từ khe vách gỗ. Quyển Hãy để ngày ấy lụi tàn vẫn còn phủ bụi ở trang 63. Tôi bỗng nhớ tới nàng và cảnh chúng tôi quen nhau ở ga Mương Mán cùng tiếng còi tàu man mác buồn.
Nàng trở lại nhà tôi và nói với tôi rằng nàng sẽ tổ chức lễ cưới với một gã kỹ sư vào 63 ngày sau đó. Thường khi ta luyến tiếc nơi nào thì ta không muốn quay lại nơi ấy nữa để mãi mãi ôm trong lòng hình ảnh đẹp. Tôi vốn luyến tiếc 16 ngày trong nhà giam nên tôi không bao giờ muốn trở lại nơi ấy nữa và như thế tôi bèn bỏ qua ý định hại nàng. Lúc chia tay, nàng trao cho tôi lá thư và tôi liền đốt. Tôi không thích nhìn nét chữ của nàng mà tôi chỉ nhớ những sợi lông tơ trên cánh tay nàng.
Tôi đi ra phố như chúa sơn lâm bị trọng thương. Khi ấy, những cành mai nở sớm rực rỡ hoa vàng. Tôi nghĩ ra một điều rằng mỗi loại hoa con người sẽ lợi dụng để dùng ở một mùa nào đó và sau rốt rồi sẽ bị vứt đi khi hoa tàn. Và năm sau, những nụ hoa con lại nở thành những bông hoa sặc sỡ. Cứ thế, nó thực hiện một chu trình khép kín, lẩn quẩn. Tôi chợt nhớ tới bà già và tô phở cũng như nhớ tới người đồ tể trước khi chết thường đặt trên đầu thau nước và con dao. Lúc đó, có chiếc xe tang chạy qua, tôi nhìn thấy vòng hoa trước mũi xe. Tôi cúi nhặt những tờ giấy vàng bạc rơi vãi hai bên đường. Tôi xếp chúng thành hình chữ O trên ghế đá.
Khi xếp xong, tôi chợt thấy hoảng sợ và chưa đầy một phút thì tôi bỏ chạy. ánh nắng vàng của buổi hoàng hôn nhạt nhòa trên hàng dương. Tôi gầm lên. Mọi người thản nhiên ngồi trong quán cà phê. Tôi nhìn thấy một ngôi nhà cao tầng và không hiểu bằng cách nào tôi đã leo lên đến sân thượng. Tôi quyết định phải chết để thoát khỏi sự mơ hồ ám ảnh tâm trí. Tôi đứng trên cao và lúc đó tôi phát hiện rằng tôi sợ chết. Hóa ra trong đời thường nhiều khi tôi không muốn sống nhưng khi tiếp cận với cái chết trong gang tấc, tôi lại trở về với bản năng sinh tồn của sinh vật thuần túy. Tôi đứng giang tay như Chúa Giê-su bị đóng đinh và không dám nhìn thẳng góc xuống mặt đất. Tôi phóng tầm mắt ra xa. Có nhiều người dưới lòng đường đang đứng chỉ trỏ về phía tôi và cười, sau đó thì bỏ đi. Tôi tức tối khi nghĩ rằng sao họ thờ ơ trước một thứ động vật như tôi sắp chết. Tôi nghe tiếng gió lùa qua những khu vườn phía ngoại ô. Tôi chợt nhớ về quê cũ và người mẹ của tôi cùng dòng sông mùa nước cạn.
Một bước, hai bước, ba bước, rồi bốn bước dài, tôi đã rời khỏi ngôi nhà cao tầng và đi xuống đường phố. Lúc đó là một chiều cuối năm.
Tôi nghe phảng phất đâu đó mùi hương thiếu nữ. Tôi ra nơi bán hoa và mua về ba chậu ớt kiểng.
Bến Tre, 1989
Chín ngày sau lập đông, khi ấy là buổi sáng và tôi thức giấc. Phía ngoài sân, cơn gió bấc lùa qua se lạnh.
Tôi ăn sáng vào lúc 6 giờ 30. Đầu óc tôi còn ê ẩm sau buổi tiệc rượu kéo dài đêm qua ở Cửa hàng ăn uống số 2. Tôi gượng nuốt vội ổ bánh mì khô và đi đến trước gương. Chiếc gạt tàn hình con cọp nhe nanh như cười với tôi khi tôi nhấn mẩu thuốc lá vào.
Tôi bàng hoàng không nhận ra mình khi đứng trước gương. Rõ ràng không phải tôi như tôi thường ngày mặc dù tôi thừa biết đó là tôi chứ không ai khác. Tôi há hốc miệng và từ miệng của hình thù trong gương lởm chởm bốn răng nhanh nhọn hoắc. Tôi tiến tới và hình thù ấy cũng tiến tới. Lý trí mách bảo cho tôi rằng ở thời đại bây giờ làm gì có ma quỷ hiện hình. Tôi nhìn thấy trên mặt hình thù ấy có những chòm lông vàng rủ xuống. Lúc 18 tuổi, có một lần tôi đi đến Thảo Cầm Viên và nhìn thấy sư tử. A, con sư tử! Nhưng sư tử sao lại đứng ngang tôi và mặc quần áo của tôi đang mặc. Hằn hằn trên túi áo còn loang bẩn vệt mực của loại viết Horse 07 carbide 201 mà hôm nọ tôi giắt vào túi áo và mực bị chảy.
Điều lo sợ đầu tiên đã làm tôi choáng váng. Tôi bất lực nằm xuống giường và khóc. Làm sao tôi còn có thể đến được với nàng. Nàng sẽ kinh hãi với bộ mặt tôi. Nàng sẽ thoát khỏi vòng tay tôi và bỏ chạy vĩnh viễn. Tôi khóc oe oe như thời lên 3 tuổi trong khi ngoài phố tiếng xe buýt 7 giờ chạy qua bóp còi inh ỏi. Tôi nhớ tới những vườn hoa ngoại ô đang thời chớm nụ để đón mùa Xuân và tiếng gió chướng lùa trên những mái nhà lá ven sông. Lúc mang mặt người tôi thấy bình thường nhưng bây giờ tôi ước được mang mặt người dù sau đó trở thành một kẻ khốn cùng tôi cũng chấp nhận.
Tôi đốt một điếu Scott và quyết định đi đến quán cà phê. ở hai bên đường, những bông hoa dại ngày đông nở đầy. Tôi trách chúng sao vô tâm trước nỗi khổ của tôi.
Ngày Chúa nhật quán đông đặc người. Tôi chọn một bàn phía trong và tê tái nhìn vòm me tây rũ xuống mặt hồ. Không ai chú ý đến sự có mặt của tôi. Tôi tự hỏi rằng họ không phát hiện ra một con thú đang ngồi cùng quán với họ hay sao. Chẳng lẽ tất cả đều trở nên ngu muội không biết giữ sĩ diện cho chính giới người của họ, hay họ giả vờ tảng lờ khi không muốn dây dưa với những chuyện không dính vấp đến bản thân họ...?
Tôi gọi mang đến gói thuốc Vecga và hỏi cô chủ quán:
"Thấy tôi có gì khác trước không?".
"Có gì đâu?".
"Thật?".
"Thật!"
Tôi nhìn thấy cô ta cười, nụ cười khinh khỉnh thường có ở những cô gái đẹp. Tôi chợt tức tối vì nghĩ rằng cô ta đùa cợt trên nỗi đau đang giày vò tôi. Tôi dằn mạnh ly cà phê xuống bàn, đứng dậy và hét lên. Khi ấy có những chiếc lá me vàng vọt rơi. Cô ta sững sờ và sau đó cười phá lên. Những cô gái khi cười mỉm thường đẹp hơn là có kiểu cười sang sảng như kim châm vào lòng người khác.
"Tao là sư tử đây!" - Tôi vỗ ngực.
"Điên!" - Tôi nghe cô ta thốt lên như thế và sau lưng mọi người đều cười ầm. Họ gọi tôi là thằng điên. Tôi đá mạnh chiếc bàn con lẫn ly tách bay xuống hồ. Một gã thanh niên to lớn xông đến túm lấy cổ áo tôi và nói:
"Nè, đủ tiền đền kông đó?".
Một tay tôi giữ chặt cổ tay gã, tay kia chém mạnh vào khuỷu. Gã ngã sóng soài. Tôi không ngờ mình lại mạnh khỏe đến như vậy. Chỉ mới có mấy giờ thôi sao sức mạnh từ đâu đến với tôi thật diệu kỳ. Như vậy tôi đã biến thành sư tử thật rồi. Tôi bật khóc và phóng qua bên kia đường. Khi ấy, tôi nhìn thấy ánh nắng của buổi sớm mai nhảy nhót trên những cánh bướm sặc sỡ. Tôi giơ tay chào mấy người cảnh sát giao thông đang đứng tụm năm, tụm ba ở ngã tư và trên trời mây đang xếp thành hình biển cả nổi sóng.
Tôi tạt vào một cửa hiệu nhỏ để mua chai Napoléon sau khi đã quyết định là không còn mặt mũi nào để đến với nàng đúng hẹn được. Bà chủ hiệu gầy còm nói với tôi rằng hình như tôi khang khác với thường ngày. Tôi ngây người ra và bỏ chạy. Khuôn mặt con sư tử trong gương buổi sáng sớm như đang nhe nanh chào tôi. Ngang nhà thờ, tôi nghe giọng thánh kinh trầm trầm. Tôi véo vào tai, vào đùi và cảm thấy đau, nhưng cái đau hôm nay lại khác với cái đau lúc nàng véo tôi cách đây ba ngày. Sự mơ hồ thường gây ra nỗi đau dai dẳng và có sức tận diệt hơn cả những gì đã rõ ràng trước mặt. Có lúc tôi cảm thấy như mọi người đang quỳ mọp trước tôi và tôi là đấng chúa tể sơn lâm, nhưng rồi mọi người vẫn bình thản đi qua mặt tôi và cười nói. Thậm chí, có lần, một đứa bé bán gì đó dám chìa ra những tờ giấy phất phất vào tay tôi. Tôi gầm gừ nhưng nó không sợ. Tôi nhe nanh và nó cười. Khi ấy, có tiếng chuông chùa đổ.
Nàng đến tìm tôi vào buổi tối hôm đó lúc tôi đang xem quyển Hãy để ngày ấy lụi tàn của Giê-rơn Go-đơn. Nàng hỏi tôi sao không đến gặp nàng và tôi thấy nước mắt nàng rơi. Tôi buồn rầu, đốt một điếu HF và hỏi rằng sao nàng không bỏ chạy. Tôi thấy nàng trố mắt ra. ở ngoài đường có tiếng dép lê vội vã. Tôi nghe mắt mình cay cay khi nói:
"Anh biến thành sư tử rồi. Anh không được là người nữa!".
Tôi biết là nàng sờ tay lên trán tôi và hỏi:
"Anh điên à?".
Tôi lặp lại từ điên và cười ha hả. Tôi thấy mặt nàng tái xanh, tay thu lại trước ngực. Tôi bỗng thấy buồn và đặt tay lên vai nàng. Tôi hiểu nàng rùng mình và sau đó thì hai má nàng dần dần ửng đỏ. Khoảng vài phút sau bỗng dưng điện bị cúp. Gian phòng tối om. Tôi cam đoan rằng tôi không có phạm một tội gì để đến lúc chết đi bị sa vào địa ngục. Tôi chỉ mân mê những sợi lông tơ trên cánh tay nàng. Trong bóng đêm, nỗi ám ảnh về sự mơ hồ càng tăng và tôi cảm thấy như bị nghẹt thở. Nếu đèn không sáng lại có lẽ tôi đã ngã ra và chết trên đùi nàng.
Nàng từ giã tôi với lời khuyên rằng tôi không nên uống rượu, hút thuốc và thức khuya. Tôi mỉm cười bẽn lẽn và nghe tiếng dơi kêu rít lên như tiếng chuột sạ hương từ ngoài vườn. Vầng trăng thượng tuần ngày đông buông những sợi sáng đùng đục xuống tóc nàng nên tôi chợt thấy thương nàng khi nghĩ rằng về đến nhà nàng sẽ bị cảm lạnh.
Tôi tìm một viên đá nhỏ và ném vỡ tấm gương, nhờ thế tôi mới mạnh dạn bước đến giường. Khoảng mười phút sau thì tôi ngủ.
***
Sáng hôm sau, tôi ra chợ mua mặt nạ. Đó là khuôn mặt của một người đàn ông phúc hậu, không có râu. Tôi đeo vào, cứ thế đi nghênh ngang qua những vỉa hè. Lũ trẻ chạy theo vỗ tay reo hò ầm ĩ. Tôi bỗng thấy lạ vì rằng khi tôi để mặt thú thì mọi người lại không biết sợ, còn xem như đồng loại và bây giờ tôi mang mặt của một người hiền người ta lại cười. Tôi đi lang thang như thế cho đến đêm tối thì tôi nhận ra tôi đang đứng dưới gốc me già. Những lá khô héo hắt rơi bâng quơ và những chiếc xe bò lọc cọc gõ móng xuống mặt đường lồi lõm. Tôi huýt sáo bài Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn. Sau đó, tôi lại khóc. Tôi quyết định phải trầm mình dưới hồ kia để rằng sẽ quên đi nỗi sợ hãi vô hình ngày càng tăng. Nhưng ngay lúc đó tôi nghe có tiếng rên và tôi đi đến. Tôi phát hiện ra một bà già gầy còm đang nằm co ro trên ghế đá. ánh đèn đường trắng bợt hắt qua khuôn mặt tái xanh mà tôi biết rõ rằng là mặt của một người sắp chết. Từ nhỏ cho đến lúc 15 tuổi, tôi hay cùng bạn bè trang lứa chơi trốn tìm cạnh nhà xác cho nên bây giờ tôi không còn cảm giác lo ngại giữa hai luồng sinh và tử khí. Bà già vẫn rên theo bản năng của một cơ thể sống chứ không hề nhận biết có ai bên cạnh. Tôi chạm vào cánh tay bà ta và thấy lạnh.
"Dậy, dậy đi bà! Ngủ mà làm gì? Đời mấy tí..." - Tôi nói.
Tôi thấy bà mấp máy môi. Tôi kề tai và hiểu rằng bà đói. Tôi chạy đi mua tôi phở để mang đến cho bà. Khi những mùi hành, mùi thịt, mùi nước béo phảng phất, tôi biết rằng thân thể bà ta cố gượng dậy nhưng bỗng dưng bà ngã lăn xuống những viên đá tảng lởm chởm. Rồi bà ta nằm im. Tôi nghĩ là bà đã chết. Tôi đứng lặng lẽ như thế bên cạnh tô phở càng lúc càng lạnh. Tiếng rao của người bán bánh mì khuya thăm thẳm như từ cõi nào vọng về.
Tôi đứng cho đến sáng chiêm ngưỡng không gian đầy sương mù. Tôi thản nhiên đốt một điếu thuốc khi có bốn người mặc thường phục đến chụp ảnh hiện trường. Tôi nói rằng tôi đã bóp cổ bà ta. Tức tốc, họ lột mặt nạ tôi và mời tôi về nơi xét hỏi. Sau đó, tôi phải tạm vào nhà giam. Dĩ nhiên, tôi đã trở lại thành một con thú nguyên vẹn. Tôi tự an ủi rằng trong khoảng không gian hẹp của nhà giam tôi sẽ dễ sống hơn là cõi trời đang rộng mở nhưng rất mơ hồ đối với những sinh vật nhỏ nhoi.
Tôi sống trong nhà giam được vài ngày thì người ta lại trả tôi về với vỉa hè. Họ chỉ nói rằng bà ta chết vì cơ thể của bà ta gắng gượng làm một điều gì đó nhưng không đủ sức và chết chứ không phải do tôi bóp cổ. Tôi cười ha ha và sau đó khi quay mặt nhìn lại nhà giam tôi đã khóc. Tôi khóc không có những giọt nước mắt và tôi trở thành lố bịch khi tiếng khóc ấy hóa ra như tiếng cười.
Tôi về thăm lại căn nhà vào lúc ba giờ chiều. Tôi thấy trên nền nhà còn những mảnh gương vỡ phản chiếu ánh nắng hắt vào từ khe vách gỗ. Quyển Hãy để ngày ấy lụi tàn vẫn còn phủ bụi ở trang 63. Tôi bỗng nhớ tới nàng và cảnh chúng tôi quen nhau ở ga Mương Mán cùng tiếng còi tàu man mác buồn.
Nàng trở lại nhà tôi và nói với tôi rằng nàng sẽ tổ chức lễ cưới với một gã kỹ sư vào 63 ngày sau đó. Thường khi ta luyến tiếc nơi nào thì ta không muốn quay lại nơi ấy nữa để mãi mãi ôm trong lòng hình ảnh đẹp. Tôi vốn luyến tiếc 16 ngày trong nhà giam nên tôi không bao giờ muốn trở lại nơi ấy nữa và như thế tôi bèn bỏ qua ý định hại nàng. Lúc chia tay, nàng trao cho tôi lá thư và tôi liền đốt. Tôi không thích nhìn nét chữ của nàng mà tôi chỉ nhớ những sợi lông tơ trên cánh tay nàng.
Tôi đi ra phố như chúa sơn lâm bị trọng thương. Khi ấy, những cành mai nở sớm rực rỡ hoa vàng. Tôi nghĩ ra một điều rằng mỗi loại hoa con người sẽ lợi dụng để dùng ở một mùa nào đó và sau rốt rồi sẽ bị vứt đi khi hoa tàn. Và năm sau, những nụ hoa con lại nở thành những bông hoa sặc sỡ. Cứ thế, nó thực hiện một chu trình khép kín, lẩn quẩn. Tôi chợt nhớ tới bà già và tô phở cũng như nhớ tới người đồ tể trước khi chết thường đặt trên đầu thau nước và con dao. Lúc đó, có chiếc xe tang chạy qua, tôi nhìn thấy vòng hoa trước mũi xe. Tôi cúi nhặt những tờ giấy vàng bạc rơi vãi hai bên đường. Tôi xếp chúng thành hình chữ O trên ghế đá.
Khi xếp xong, tôi chợt thấy hoảng sợ và chưa đầy một phút thì tôi bỏ chạy. ánh nắng vàng của buổi hoàng hôn nhạt nhòa trên hàng dương. Tôi gầm lên. Mọi người thản nhiên ngồi trong quán cà phê. Tôi nhìn thấy một ngôi nhà cao tầng và không hiểu bằng cách nào tôi đã leo lên đến sân thượng. Tôi quyết định phải chết để thoát khỏi sự mơ hồ ám ảnh tâm trí. Tôi đứng trên cao và lúc đó tôi phát hiện rằng tôi sợ chết. Hóa ra trong đời thường nhiều khi tôi không muốn sống nhưng khi tiếp cận với cái chết trong gang tấc, tôi lại trở về với bản năng sinh tồn của sinh vật thuần túy. Tôi đứng giang tay như Chúa Giê-su bị đóng đinh và không dám nhìn thẳng góc xuống mặt đất. Tôi phóng tầm mắt ra xa. Có nhiều người dưới lòng đường đang đứng chỉ trỏ về phía tôi và cười, sau đó thì bỏ đi. Tôi tức tối khi nghĩ rằng sao họ thờ ơ trước một thứ động vật như tôi sắp chết. Tôi nghe tiếng gió lùa qua những khu vườn phía ngoại ô. Tôi chợt nhớ về quê cũ và người mẹ của tôi cùng dòng sông mùa nước cạn.
Một bước, hai bước, ba bước, rồi bốn bước dài, tôi đã rời khỏi ngôi nhà cao tầng và đi xuống đường phố. Lúc đó là một chiều cuối năm.
Tôi nghe phảng phất đâu đó mùi hương thiếu nữ. Tôi ra nơi bán hoa và mua về ba chậu ớt kiểng.
Bến Tre, 1989