Mưa đi qua đồng năn
Tác giả: Vũ Hồng
Cứ vào lúc sẫm tối, ông Bảy Triết lại lủi thủi đi về phía chân đồng với cây dá trên vai. Cả một vùng cỏ năn nhạt nhòa dưới ánh sao trời.
Xóm tôi chỉ có 9 nhà. Đó là những người đầu tiên trở về vùng đất nhiễm phèn này sau ngày giải phóng miền Nam. Tôi nhớ mang máng đâu chừng giữa năm 78, hay là cuối gì đó. Đêm đêm, nhìn qua ô cửa nhỏ, tôi thấy thú vị hơn những ngày tản cư ở tỉnh lỵ Kiến Hòa, là được chiêm ngưỡng bầy đom đóm lập lòe trên những cây bần dọc triền sông Ba Lai. Nhưng rồi chán cũng nhanh, nhanh lắm. Tuổi trẻ chóng chán sau giây phút choáng ngợp. Ban ngày, nắng rơi chan chát như đổ lửa, như muốn hút hết nước trên đồng, như muốn nổ tung cả mắt. Xa tít tắp mới có cây mù u đứng trơ vơ, buồn bã. Mẹ tôi nói: "Giặc đã rải chất độc xuống đây". "Chi vậy?" - Tôi hỏi. "Chúng tạo vành đai trắng cho căn cứ Bình Đức". "Vành đai trắng là gì?". Mẹ tôi có vẻ bực mình: "Lớn lên sẽ biết". Chị tôi đế thêm: "Đồ ngu!".
Người lớn hay hẹn cho trẻ nhỏ bốn chữ lớn lên sẽ biết. Năm đó, tôi học lớp 7. Tuổi của lớp 7 llúc ấy ít hiểu biết hơn tuổi của lớp 7 bây giờ. Nhưng máy bay, đạn pháo thì tôi thấy nhiều hơn, nhiều đến nỗi mỗi khi nghe tiếng pháo rít qua mái nhà và nổ phụp đâu đó, tôi vẫn bình thản như nghe một bản nhạc êm đềm từ Radio.
Mỗi khi tan học, cơm nước xong là tôi tót ngay đến nhà ông Bảy. Chị tôi thì thào, vẻ bí mật: "Ông Bảy điên, đừng sang!". Mẹ tôi mỉm cười độ lượng: "Điên nhưng hiền". "ổng chém thằng Tý có ngày" - Chị tôi gắt um lên. "Tao có thấy ổng giết một con gà hay con vịt gì đâu". Chờ cho mọi người không để ý, tôi băng qua cánh đồng năn để đến căn chòi vách đất ven sông.
Ông Bảy không hề điên trong mắt tôi. Ông chỉ hơi ngớ ngẩn thôi. Mỗi lúc vào mùa khô, nắng gắt, ông thường lang thang trên đường, miệng lảm nhảm những câu không đầu không cuối, rồi cười. Tay ông cầm ngọn cỏ tranh, phất qua phất lại giống như một nhạc trưởng. Chỉ có vậy, ông không hại ai, không chửa ai. Ngay cả con chó dữ nhà bà Sáu Lòng Tong thấy ông cũng biết vẫy đuôi mừng và ông cũng vui vẻ chào lại nó. Mùa mưa, ông ru rú ở nhà. Sẫm tối thì vác dá đi, đi đâu cũng chẳng ai thèm ngó ngàng bởi mọi người còn mải lo kiếm cái ăn trên vùng đất phèn chua, cằn cỗi.
Ông Bảy không có tên. Ngay cả cái thứ Bảy cũng do bà bán xôi ở chợ xã đặt cho. "Hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy... anh thích thứ nào?" - Bà hỏi lớn khi cho ông gói xôi. Ông cười hề hề: "Bảy". Mọi người liền nhao nhao: "Anh Bảy Bắc kỳ! Anh Bảy Bắc kỳ!". Hai Tập Kết giữ chân thư ký ủy ban, ngồi uống cà phê gần đó rầy: "Chọc tầm bậy tầm bạ. Nói vậy người ta sẽ cho quê mình phân biệt xứ này xứ nọ". Ai đó đỡ lời: "Vậy thì gọi là Bảy Triết Gia Đường Phố đi!". "Là sao?" - Có tiếng người thắc mắc. "Tôi thấy ở tỉnh lỵ người ta gọi mấy người bị "chạm dây" đi lang thang như vậy". "Nghe cũng hay!" - Hai Tập Kết vỗ tay tán thưởng. Và cái tên Bảy Triết Gia Đường Phố đeo theo ông Bảy từ đó. Được vài tháng, hình như gọi một cái tên dài cũng mệt cái miệng cho nên cuối cùng chỉ gọi tắt là Bảy Triết.
Ông Bảy Triết sống trong một căn nhà ven sông, cạnh cây trâm có trái chín như màu mực. Nói là nhà chứ thực ra nó nhỏ như tổ chim, mái lá, vách đất, có những chỗ bị nước mưa làm bong ra, lòi loe hoe mấy cọng rơm. Ông thường bận chiếc áo bộ đội đã bạc màu, đầu chít khăn rằn, dưới thì cái quần đùi, phơi đôi chân vàng ệch vì phèn, vàng như nắng của buổi hoàng hôn.
Nước phèn trên cánh đồng năn trong vắt, nhìn rõ đàn cá bơi lội tung tăng. Một vài con cá bị chất độc làm cho biến dạng, chỉ có nửa thân trên mà vẫn biết đớp móng, vẫn biết đón mặt trời lên. Mỗi khi bắt được những con cá ấy đem về cho ông, chẳng hiểu sao ông lại giận tôi đúng một tuần, không thèm giáp mặt, cũng không nở lấy một nụ cười.
"Thằng Tý theo chú Bảy vớt cá lia thia suốt, bỏ cả bọc hành, người đen ngợm, lớn lên chỉ có nước chăn trâu" - Chị tôi càu nhàu.
"Đang Hè mà" - Mẹ tôi nhỏ nhẻ - "Vả lại cũng cho nó quen với đồng đất một chút. Cha mày không còn. Hai anh mày thì nằm xuống ở Ba Chúc trong lần đánh tụi Pôn - Pốt. Cũng phải có người phụ việc ruộng nương chứ. Tao còn có một tay thì làm cũng cầm chừng thôi".
Mủi lòng, chị tôi ôm mẹ, khóc ròng. Xin nói thêm, cha tôi mất hồi Tết Mậu Thân, lúc ông dẫn một cánh quân tiến vào thị xã. Mẹ tôi cũng phải cưa cánh tay vì bị thương sau cái đêm kinh hoàng đó. Thỉnh thoảng, gia đình tôi nhờ ông Bảy sang phụ cuốc đất để trồng mì, trồng khóm. Đổi lại ông chỉ lấy số gạo vừa đủ ăn, có cho thêm nải chuối ông cũng dứt khoát không nhận. Không nhận với nụ cười muôn thuở.
Có một lần theo ông đi hái bần, tôi đánh bạo hỏi: "Quê chú Bảy ở đâu ta?". Ông chợt dừng lại, nhìn tôi với ánh mắt xa xăm; rồi lẳng lặng, ông leo lên đọt cây, liệng xuống cho tôi những trái bần mơn mởn. "Coi chừng ong!" - Tôi la lên. Chỉ nghe ùm một tiếng. Lúc lâu sau mới thấy ông từ dưới sông trồi lên, mỉm cười. Cười trên mặt nước Ba Lai đục ngầu. Tôi trở nên thích ông từ cái mỉm cười hồn nhiên đó.
Mùa mưa đến, đến bằng màn trắng đục phía Tây Nam. Nó đi chậm rãi qua vườn dừa, qua cánh đồng năn như một cô gái làm duyên, đỏng đảnh. Thế rồi nó đổ ụp xuống, rào rào trên mái lá lúc nào tôi cũng chẳng hay. Cả vùng lịm đi trong mưa và tôi có cảm giác như mình đang trôi vào một cõi nào đó thật mơ hồ.
Đằng sau lưng, đột nhiên ông Bảy ư ử hát:
"Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ
Đàn bà có con
Bỏ vô lon
Nhảy ton ton"
Hát xong, ông nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Tôi phì cười. Lần đầu tiên tôi nghe ông hát. Chẳng lẽ mưa xuống đã làm dịu đi sự ngớ ngẩn của ông? Thấy ông có vẻ vui, tôi hỏi: "Chú có con không?". Ông lắc đầu. Rồi ông nói cái gì đó về làng quê. Tôi đoán là quê ông ở chỗ có sông, có núi, có những người đàn bà ăn mặc sặc sỡ mỗi khi đến phiên chợ. Vậy thôi. Tôi chưa bao giờ thấy núi nên chỉ ừ hử cho qua. Đột ngột, ông nói: "Võ Tòng qua Cảnh Dương Cang một mình". "Võ Tòng nào?". "Chết rồi! Chết hết rồi! 108 người". Và ông ôm mặt khóc nức nở. Tôi chỉ biết an ủi ông bằng cách chùi vệt bùn khô bám trên vai áo bạc màu của ông.
"Võ Tòng là ai hở mẹ?" - Tôi đem điều thắc mắc về hỏi mẹ. Bà đáp: "Một nhân vật trong Thủy Hử". "Thủy Hử là cái gì?". "Là truyện". Ngày ấy chữ truyện đối với tôi giống như một cái gì thiêng liêng, giống như Tiên, như Phật vậy. Thì ra ông Bảy cũng là người học cao, hiểu rộng. Chỉ phiền cái là ông điên, điên tự bao giờ không ai rõ. Ngay cái ngày ông đến cánh đồng hoang này để định cư cũng không ai rõ. Chỉ nghe đồn phong phanh là ông bị chế độ của ông Thiệu giam ở Phú Quốc. Xóm 9 nhà chấp nhận ông như chấp nhận một đồng loại.
Đường đất sau một đêm mưa nhớp nháp sình lầy. Đồng cỏ như hiu quạnh hẳn đi. Vẳng từ đâu đó, tiếng con chim cu gù, man mác.
Tôi với lấy cái nơm. Chị tôi liền cất tiếng: "Lại đi chơi nữa!". "Đi kiếm đồ ăn mà!" - Vừa đáp tôi vừa lao đi sợ mẹ ngăn cản vì ngại tôi gặp rắn. Tôi tạt qua nhà ông Bảy để mượn cái hom giỏ. Bên trong vẳng ra tiếng rên của người bệnh.
Ông nằm đó, mặt tái xanh. Cái dá dựng một bên còn dính đầy bùn. Nghe tiếng động, ông hé mắt nhìn vu vơ, mệt mỏi, hơi thở khò khè như người đang lên cơn hen suyễn. Tôi biết ông không còn đủ sức mỉm cười với tôi là có chuyện lớn. Tôi lao ra sân, hét lên cầu cứu. Lập tức, mọi người ở xóm 9 nhà đổ xô tới. "Sao vậy?" - Họ hỏi rối rít khiến tôi líu cả lưỡi. Họ ùa vào nhà. Người xoa bóp bấm dọc theo sống lưng ông. Người cạy miệng đổ nước gừng vào. Chưa đầy 15 phút sau, ông đã ngồi dậy với nụ cười ngơ ngác, có lẽ ông tự hỏi vì sao nhà mình hôm nay có quá nhiều người như vậy. Bà Sáu Lòng Tong nói ông bị cảm lạnh, chắc là do dầm mưa. Ông cúi đầu lí nhí: "Cám ơn!" Lần đầu được một người điên nói lời cảm ơn, ai nấy đều hể hả và rơm rớm nước mắt vì cảm động.
"Tối nào chú cũng đi đào đất để làm chi vậy?" - Không nén nổi tò mò, tôi hỏi. "Cám ơn!" - Ông đáp khẽ khàng. "Con không cần chú nói cám ơn". Ông lại nhìn tôi với ánh mắt ngớ ngẩn. Giận, tôi bỏ đi về phía chân đồng xem ông đã làm trò gì trong đêm. Thì ra, đó chỉ là những cái hố con con nhưng đã bị lấp lại. "Đúng là điên!" - Tôi phì cười. Ông ấy cứ đào và đấp. Tôi đếm cả thảy có 8 hố, nằm chéo góc theo hình chữ Z. Tôi lắc đầu, tự hỏi không biết ông đang chơi trò gì.
Biết chuyện, mẹ tôi trừng mắt: "Con đừng lẩn quẩn đến chỗ đó!". "Có sao đâu?". "Chỗ đó tao nghe bà Sáu nói hồi trước đụng trận nhiều lắm". "Ăn thua gì tới mình?". "Người chết vô số. Bà Sáu còn kể đêm đêm nghe văng vẳng tiếng khóc than ở đó. Ma quỷ nó biết mặt con, biết tên con, nó bắt bỏ vào giữa bụi tre cho ăn đất sét". Tôi rùng mình, hoảng sợ. Thế là chiều chiều tôi chỉ còn biết ngồi nhìn những thân dừa ốm quắt queo, lỗ chỗ vết đạn đang ngả nghiêng theo gió, nơi mà ngày trước bà Sáu Lòng Tong nói là có một tiểu đoàn lính Việt cộng đụng với lính Sư đoàn 7 của ông Thiệu. Thế nào là Việt cộng, thế nào là Sư đoàn 7, tôi nghe và để bụng chứ tôi không dám hỏi tới vì ngỡ hỏi tới thì ma quỷ sẽ bắt mình thật. Nửa tháng trời tôi chẳng hề bén mảng đến cánh đồng năn để bắt cá lia thia và lượm trứng cút hoang. Chị tôi còn hù thêm: "Tuần rồi ở xóm Bờ Tre, anh Hai Chi vướng phải M.79, cưa đôi chân đến háng".
Một hôm, mẹ tôi hỏi: "Sang thăm thấy chú Bảy đỡ chưa, Liên?". Chị tôi đáp: "ổng như con trâu nước". Rồi chị nói thêm: "Con nghe ổng hát. Cái gì mà trời mưa lâm râm; cây trâm có trái...". "Em biết rồi" - Tôi xen vào và đọc hết một mạch. Chị tôi cười khùng khục: "Thằng này cũng bày đặt thuộc thơ".
Ba tháng trôi qua thật nhanh nhưng ký ức về những ngày ấy không bao giờ lạt phai trong tôi. Lên lớp 8, chuyển trường mới, đi về khoảng 7 cây số. Thời gian tôi gặp ông Bảy Triết Gia Đường Phố thưa thớt dần. Thỉnh thoảng, đi ngược chiều nhau trên con đường làng, ông chỉ nhìn tôi, rồi cười và lại cặm cụi bước thấp bước cao, tay cầm cọng cỏ tranh phất qua phất lại như một nhạc trưởng lành nghề. Cũng vẫn cái đầu trần chít khăn rằn, cũng cái quần đùi nhăn nhúm và đôi chân mốc thếch vì phèn, như thể nắng, gió, mưa của vùng đồng bằng này không hề hấn gì đến ông.
Năm sau, nhà nước hạn chế dùng dầu lửa. Vả lại cũng chẳng ai đủ tiền để mua vì trước mắt phải chạy gạo từng bữa. Riết rồi gạo cũng đâm ra khan hiếm bởi nạn rầy nâu. Không riêng gì xã tôi, tỉnh tôi mà cả đồng bằng sông Cửu Long đều như vậy. Người ta ào ào trồng cao lương. Ngày ăn cao lương trộn khoai mì, đêm thắp ngọn đèn mù u nhợt nhạt như xác người chết. ấy thế mà mọi người đều không ca thán, mọi người vẫn đều đặn đến chợ mỗi sáng, đến để ngắm mấy cái cửa hàng lương thực trống huơ trống hoác, mạng nhện giăng đầy, rồi về. Hình như tôi nghe nói có chiến tranh nổ ra ở đâu đó.
Một đêm cuối tháng Mười, khi những lát mù u cuối cùng đã cháy gần hết, mẹ tôi bảo: "Sang nhà chú Bảy xin đỡ vài trái, Tý!". "Con sợ ma!". "Ma cỏ gì. Đây đến đó chỉ có một khoảng ruộng. Trong nhà chỉ có mày là đàn ông". Tự ái, cực chẳng đã tôi phải đi, vừa đi vừa bắt ấn tý. Đêm hắt xuống đồng năn những vì sao lạc loài.
"Có nhà không, chú Bảy?" - Tôi hỏi lớn khi vừa bước vào nhà. Đập vào mắt tôi là cảnh ông Bảy đang lúi húi mở dây cột bao, thứ bao đựng lúa. Cạnh đó là mấy cây nhang cháy lập lòe. Thứ khói nhang hòa với khói mù u khiến tôi nôn nao cả ruột gan. "Làm gì đó, chú Bảy?". Ông quay lại nhìn tôi, ánh mắt đỏ hoe: "Cậu về đó hở Kiên?". "Kiên nào? Con đây! Con là thằng Tý con Hai Sa đây!". "Tớ có lỗi với các cậu!". Ông khóc nấc lên, cả thân thể như muốn đổ ụp xuống. "Tý đây!" - Tôi vội chồm tới níu ông lại. "Tụi mày chịu khó ngủ chung nghe. Giải phóng rồi tao sẽ về tìm" - Ông nói với giọng mơ màng. Rồi ông hát khe khẽ. Tôi chợt thấy ái ngại cho một ông già đang lên cơn lú lẫn.
"Để con phụ cho!" - Tôi hăm hở cầm dây đèn mù u và vạch rộng miệng bao. Bên trong, những mẩu xương và mấy cái xương sọ đen xỉn với hai hố mắt nhìn tôi đăm đắm.
Bến Tre, 1997
Cứ vào lúc sẫm tối, ông Bảy Triết lại lủi thủi đi về phía chân đồng với cây dá trên vai. Cả một vùng cỏ năn nhạt nhòa dưới ánh sao trời.
Xóm tôi chỉ có 9 nhà. Đó là những người đầu tiên trở về vùng đất nhiễm phèn này sau ngày giải phóng miền Nam. Tôi nhớ mang máng đâu chừng giữa năm 78, hay là cuối gì đó. Đêm đêm, nhìn qua ô cửa nhỏ, tôi thấy thú vị hơn những ngày tản cư ở tỉnh lỵ Kiến Hòa, là được chiêm ngưỡng bầy đom đóm lập lòe trên những cây bần dọc triền sông Ba Lai. Nhưng rồi chán cũng nhanh, nhanh lắm. Tuổi trẻ chóng chán sau giây phút choáng ngợp. Ban ngày, nắng rơi chan chát như đổ lửa, như muốn hút hết nước trên đồng, như muốn nổ tung cả mắt. Xa tít tắp mới có cây mù u đứng trơ vơ, buồn bã. Mẹ tôi nói: "Giặc đã rải chất độc xuống đây". "Chi vậy?" - Tôi hỏi. "Chúng tạo vành đai trắng cho căn cứ Bình Đức". "Vành đai trắng là gì?". Mẹ tôi có vẻ bực mình: "Lớn lên sẽ biết". Chị tôi đế thêm: "Đồ ngu!".
Người lớn hay hẹn cho trẻ nhỏ bốn chữ lớn lên sẽ biết. Năm đó, tôi học lớp 7. Tuổi của lớp 7 llúc ấy ít hiểu biết hơn tuổi của lớp 7 bây giờ. Nhưng máy bay, đạn pháo thì tôi thấy nhiều hơn, nhiều đến nỗi mỗi khi nghe tiếng pháo rít qua mái nhà và nổ phụp đâu đó, tôi vẫn bình thản như nghe một bản nhạc êm đềm từ Radio.
Mỗi khi tan học, cơm nước xong là tôi tót ngay đến nhà ông Bảy. Chị tôi thì thào, vẻ bí mật: "Ông Bảy điên, đừng sang!". Mẹ tôi mỉm cười độ lượng: "Điên nhưng hiền". "ổng chém thằng Tý có ngày" - Chị tôi gắt um lên. "Tao có thấy ổng giết một con gà hay con vịt gì đâu". Chờ cho mọi người không để ý, tôi băng qua cánh đồng năn để đến căn chòi vách đất ven sông.
Ông Bảy không hề điên trong mắt tôi. Ông chỉ hơi ngớ ngẩn thôi. Mỗi lúc vào mùa khô, nắng gắt, ông thường lang thang trên đường, miệng lảm nhảm những câu không đầu không cuối, rồi cười. Tay ông cầm ngọn cỏ tranh, phất qua phất lại giống như một nhạc trưởng. Chỉ có vậy, ông không hại ai, không chửa ai. Ngay cả con chó dữ nhà bà Sáu Lòng Tong thấy ông cũng biết vẫy đuôi mừng và ông cũng vui vẻ chào lại nó. Mùa mưa, ông ru rú ở nhà. Sẫm tối thì vác dá đi, đi đâu cũng chẳng ai thèm ngó ngàng bởi mọi người còn mải lo kiếm cái ăn trên vùng đất phèn chua, cằn cỗi.
Ông Bảy không có tên. Ngay cả cái thứ Bảy cũng do bà bán xôi ở chợ xã đặt cho. "Hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy... anh thích thứ nào?" - Bà hỏi lớn khi cho ông gói xôi. Ông cười hề hề: "Bảy". Mọi người liền nhao nhao: "Anh Bảy Bắc kỳ! Anh Bảy Bắc kỳ!". Hai Tập Kết giữ chân thư ký ủy ban, ngồi uống cà phê gần đó rầy: "Chọc tầm bậy tầm bạ. Nói vậy người ta sẽ cho quê mình phân biệt xứ này xứ nọ". Ai đó đỡ lời: "Vậy thì gọi là Bảy Triết Gia Đường Phố đi!". "Là sao?" - Có tiếng người thắc mắc. "Tôi thấy ở tỉnh lỵ người ta gọi mấy người bị "chạm dây" đi lang thang như vậy". "Nghe cũng hay!" - Hai Tập Kết vỗ tay tán thưởng. Và cái tên Bảy Triết Gia Đường Phố đeo theo ông Bảy từ đó. Được vài tháng, hình như gọi một cái tên dài cũng mệt cái miệng cho nên cuối cùng chỉ gọi tắt là Bảy Triết.
Ông Bảy Triết sống trong một căn nhà ven sông, cạnh cây trâm có trái chín như màu mực. Nói là nhà chứ thực ra nó nhỏ như tổ chim, mái lá, vách đất, có những chỗ bị nước mưa làm bong ra, lòi loe hoe mấy cọng rơm. Ông thường bận chiếc áo bộ đội đã bạc màu, đầu chít khăn rằn, dưới thì cái quần đùi, phơi đôi chân vàng ệch vì phèn, vàng như nắng của buổi hoàng hôn.
Nước phèn trên cánh đồng năn trong vắt, nhìn rõ đàn cá bơi lội tung tăng. Một vài con cá bị chất độc làm cho biến dạng, chỉ có nửa thân trên mà vẫn biết đớp móng, vẫn biết đón mặt trời lên. Mỗi khi bắt được những con cá ấy đem về cho ông, chẳng hiểu sao ông lại giận tôi đúng một tuần, không thèm giáp mặt, cũng không nở lấy một nụ cười.
"Thằng Tý theo chú Bảy vớt cá lia thia suốt, bỏ cả bọc hành, người đen ngợm, lớn lên chỉ có nước chăn trâu" - Chị tôi càu nhàu.
"Đang Hè mà" - Mẹ tôi nhỏ nhẻ - "Vả lại cũng cho nó quen với đồng đất một chút. Cha mày không còn. Hai anh mày thì nằm xuống ở Ba Chúc trong lần đánh tụi Pôn - Pốt. Cũng phải có người phụ việc ruộng nương chứ. Tao còn có một tay thì làm cũng cầm chừng thôi".
Mủi lòng, chị tôi ôm mẹ, khóc ròng. Xin nói thêm, cha tôi mất hồi Tết Mậu Thân, lúc ông dẫn một cánh quân tiến vào thị xã. Mẹ tôi cũng phải cưa cánh tay vì bị thương sau cái đêm kinh hoàng đó. Thỉnh thoảng, gia đình tôi nhờ ông Bảy sang phụ cuốc đất để trồng mì, trồng khóm. Đổi lại ông chỉ lấy số gạo vừa đủ ăn, có cho thêm nải chuối ông cũng dứt khoát không nhận. Không nhận với nụ cười muôn thuở.
Có một lần theo ông đi hái bần, tôi đánh bạo hỏi: "Quê chú Bảy ở đâu ta?". Ông chợt dừng lại, nhìn tôi với ánh mắt xa xăm; rồi lẳng lặng, ông leo lên đọt cây, liệng xuống cho tôi những trái bần mơn mởn. "Coi chừng ong!" - Tôi la lên. Chỉ nghe ùm một tiếng. Lúc lâu sau mới thấy ông từ dưới sông trồi lên, mỉm cười. Cười trên mặt nước Ba Lai đục ngầu. Tôi trở nên thích ông từ cái mỉm cười hồn nhiên đó.
Mùa mưa đến, đến bằng màn trắng đục phía Tây Nam. Nó đi chậm rãi qua vườn dừa, qua cánh đồng năn như một cô gái làm duyên, đỏng đảnh. Thế rồi nó đổ ụp xuống, rào rào trên mái lá lúc nào tôi cũng chẳng hay. Cả vùng lịm đi trong mưa và tôi có cảm giác như mình đang trôi vào một cõi nào đó thật mơ hồ.
Đằng sau lưng, đột nhiên ông Bảy ư ử hát:
"Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ
Đàn bà có con
Bỏ vô lon
Nhảy ton ton"
Hát xong, ông nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Tôi phì cười. Lần đầu tiên tôi nghe ông hát. Chẳng lẽ mưa xuống đã làm dịu đi sự ngớ ngẩn của ông? Thấy ông có vẻ vui, tôi hỏi: "Chú có con không?". Ông lắc đầu. Rồi ông nói cái gì đó về làng quê. Tôi đoán là quê ông ở chỗ có sông, có núi, có những người đàn bà ăn mặc sặc sỡ mỗi khi đến phiên chợ. Vậy thôi. Tôi chưa bao giờ thấy núi nên chỉ ừ hử cho qua. Đột ngột, ông nói: "Võ Tòng qua Cảnh Dương Cang một mình". "Võ Tòng nào?". "Chết rồi! Chết hết rồi! 108 người". Và ông ôm mặt khóc nức nở. Tôi chỉ biết an ủi ông bằng cách chùi vệt bùn khô bám trên vai áo bạc màu của ông.
"Võ Tòng là ai hở mẹ?" - Tôi đem điều thắc mắc về hỏi mẹ. Bà đáp: "Một nhân vật trong Thủy Hử". "Thủy Hử là cái gì?". "Là truyện". Ngày ấy chữ truyện đối với tôi giống như một cái gì thiêng liêng, giống như Tiên, như Phật vậy. Thì ra ông Bảy cũng là người học cao, hiểu rộng. Chỉ phiền cái là ông điên, điên tự bao giờ không ai rõ. Ngay cái ngày ông đến cánh đồng hoang này để định cư cũng không ai rõ. Chỉ nghe đồn phong phanh là ông bị chế độ của ông Thiệu giam ở Phú Quốc. Xóm 9 nhà chấp nhận ông như chấp nhận một đồng loại.
Đường đất sau một đêm mưa nhớp nháp sình lầy. Đồng cỏ như hiu quạnh hẳn đi. Vẳng từ đâu đó, tiếng con chim cu gù, man mác.
Tôi với lấy cái nơm. Chị tôi liền cất tiếng: "Lại đi chơi nữa!". "Đi kiếm đồ ăn mà!" - Vừa đáp tôi vừa lao đi sợ mẹ ngăn cản vì ngại tôi gặp rắn. Tôi tạt qua nhà ông Bảy để mượn cái hom giỏ. Bên trong vẳng ra tiếng rên của người bệnh.
Ông nằm đó, mặt tái xanh. Cái dá dựng một bên còn dính đầy bùn. Nghe tiếng động, ông hé mắt nhìn vu vơ, mệt mỏi, hơi thở khò khè như người đang lên cơn hen suyễn. Tôi biết ông không còn đủ sức mỉm cười với tôi là có chuyện lớn. Tôi lao ra sân, hét lên cầu cứu. Lập tức, mọi người ở xóm 9 nhà đổ xô tới. "Sao vậy?" - Họ hỏi rối rít khiến tôi líu cả lưỡi. Họ ùa vào nhà. Người xoa bóp bấm dọc theo sống lưng ông. Người cạy miệng đổ nước gừng vào. Chưa đầy 15 phút sau, ông đã ngồi dậy với nụ cười ngơ ngác, có lẽ ông tự hỏi vì sao nhà mình hôm nay có quá nhiều người như vậy. Bà Sáu Lòng Tong nói ông bị cảm lạnh, chắc là do dầm mưa. Ông cúi đầu lí nhí: "Cám ơn!" Lần đầu được một người điên nói lời cảm ơn, ai nấy đều hể hả và rơm rớm nước mắt vì cảm động.
"Tối nào chú cũng đi đào đất để làm chi vậy?" - Không nén nổi tò mò, tôi hỏi. "Cám ơn!" - Ông đáp khẽ khàng. "Con không cần chú nói cám ơn". Ông lại nhìn tôi với ánh mắt ngớ ngẩn. Giận, tôi bỏ đi về phía chân đồng xem ông đã làm trò gì trong đêm. Thì ra, đó chỉ là những cái hố con con nhưng đã bị lấp lại. "Đúng là điên!" - Tôi phì cười. Ông ấy cứ đào và đấp. Tôi đếm cả thảy có 8 hố, nằm chéo góc theo hình chữ Z. Tôi lắc đầu, tự hỏi không biết ông đang chơi trò gì.
Biết chuyện, mẹ tôi trừng mắt: "Con đừng lẩn quẩn đến chỗ đó!". "Có sao đâu?". "Chỗ đó tao nghe bà Sáu nói hồi trước đụng trận nhiều lắm". "Ăn thua gì tới mình?". "Người chết vô số. Bà Sáu còn kể đêm đêm nghe văng vẳng tiếng khóc than ở đó. Ma quỷ nó biết mặt con, biết tên con, nó bắt bỏ vào giữa bụi tre cho ăn đất sét". Tôi rùng mình, hoảng sợ. Thế là chiều chiều tôi chỉ còn biết ngồi nhìn những thân dừa ốm quắt queo, lỗ chỗ vết đạn đang ngả nghiêng theo gió, nơi mà ngày trước bà Sáu Lòng Tong nói là có một tiểu đoàn lính Việt cộng đụng với lính Sư đoàn 7 của ông Thiệu. Thế nào là Việt cộng, thế nào là Sư đoàn 7, tôi nghe và để bụng chứ tôi không dám hỏi tới vì ngỡ hỏi tới thì ma quỷ sẽ bắt mình thật. Nửa tháng trời tôi chẳng hề bén mảng đến cánh đồng năn để bắt cá lia thia và lượm trứng cút hoang. Chị tôi còn hù thêm: "Tuần rồi ở xóm Bờ Tre, anh Hai Chi vướng phải M.79, cưa đôi chân đến háng".
Một hôm, mẹ tôi hỏi: "Sang thăm thấy chú Bảy đỡ chưa, Liên?". Chị tôi đáp: "ổng như con trâu nước". Rồi chị nói thêm: "Con nghe ổng hát. Cái gì mà trời mưa lâm râm; cây trâm có trái...". "Em biết rồi" - Tôi xen vào và đọc hết một mạch. Chị tôi cười khùng khục: "Thằng này cũng bày đặt thuộc thơ".
Ba tháng trôi qua thật nhanh nhưng ký ức về những ngày ấy không bao giờ lạt phai trong tôi. Lên lớp 8, chuyển trường mới, đi về khoảng 7 cây số. Thời gian tôi gặp ông Bảy Triết Gia Đường Phố thưa thớt dần. Thỉnh thoảng, đi ngược chiều nhau trên con đường làng, ông chỉ nhìn tôi, rồi cười và lại cặm cụi bước thấp bước cao, tay cầm cọng cỏ tranh phất qua phất lại như một nhạc trưởng lành nghề. Cũng vẫn cái đầu trần chít khăn rằn, cũng cái quần đùi nhăn nhúm và đôi chân mốc thếch vì phèn, như thể nắng, gió, mưa của vùng đồng bằng này không hề hấn gì đến ông.
Năm sau, nhà nước hạn chế dùng dầu lửa. Vả lại cũng chẳng ai đủ tiền để mua vì trước mắt phải chạy gạo từng bữa. Riết rồi gạo cũng đâm ra khan hiếm bởi nạn rầy nâu. Không riêng gì xã tôi, tỉnh tôi mà cả đồng bằng sông Cửu Long đều như vậy. Người ta ào ào trồng cao lương. Ngày ăn cao lương trộn khoai mì, đêm thắp ngọn đèn mù u nhợt nhạt như xác người chết. ấy thế mà mọi người đều không ca thán, mọi người vẫn đều đặn đến chợ mỗi sáng, đến để ngắm mấy cái cửa hàng lương thực trống huơ trống hoác, mạng nhện giăng đầy, rồi về. Hình như tôi nghe nói có chiến tranh nổ ra ở đâu đó.
Một đêm cuối tháng Mười, khi những lát mù u cuối cùng đã cháy gần hết, mẹ tôi bảo: "Sang nhà chú Bảy xin đỡ vài trái, Tý!". "Con sợ ma!". "Ma cỏ gì. Đây đến đó chỉ có một khoảng ruộng. Trong nhà chỉ có mày là đàn ông". Tự ái, cực chẳng đã tôi phải đi, vừa đi vừa bắt ấn tý. Đêm hắt xuống đồng năn những vì sao lạc loài.
"Có nhà không, chú Bảy?" - Tôi hỏi lớn khi vừa bước vào nhà. Đập vào mắt tôi là cảnh ông Bảy đang lúi húi mở dây cột bao, thứ bao đựng lúa. Cạnh đó là mấy cây nhang cháy lập lòe. Thứ khói nhang hòa với khói mù u khiến tôi nôn nao cả ruột gan. "Làm gì đó, chú Bảy?". Ông quay lại nhìn tôi, ánh mắt đỏ hoe: "Cậu về đó hở Kiên?". "Kiên nào? Con đây! Con là thằng Tý con Hai Sa đây!". "Tớ có lỗi với các cậu!". Ông khóc nấc lên, cả thân thể như muốn đổ ụp xuống. "Tý đây!" - Tôi vội chồm tới níu ông lại. "Tụi mày chịu khó ngủ chung nghe. Giải phóng rồi tao sẽ về tìm" - Ông nói với giọng mơ màng. Rồi ông hát khe khẽ. Tôi chợt thấy ái ngại cho một ông già đang lên cơn lú lẫn.
"Để con phụ cho!" - Tôi hăm hở cầm dây đèn mù u và vạch rộng miệng bao. Bên trong, những mẩu xương và mấy cái xương sọ đen xỉn với hai hố mắt nhìn tôi đăm đắm.
Bến Tre, 1997