watch sexy videos at nza-vids!
Truyện GIÔNG TỐ-Chương 15 - tác giả Vũ Trọng Phụng Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng

Chương 15

Tác giả: Vũ Trọng Phụng

Buổi sáng hôm ấy, một chiếc xe hơi hòm đỗ ngay bên cái quán gạch, chỗ con đường nhỏ của Quỳnh Thôn nối với đường thuộc địa. Sau khi hỏi thăm một bà cụ già bán hàng nước ở đấy, ông giám đốc Đại Việt học hiệu quay lại bảo người tài xế:
- Ông ngồi trông lấy xe, để một mình tôi đi bộ vào làng.
- Bẩm để đánh xe vào làng kẻo trời mưa, thế này, ông đi bộ thì bẩn hết mất. Cứ để đánh xe vào rồi chúng tôi liệu quay ra cũng xong...
- Không, không phải tôi sợ phiền ông hì hục lúc quay ra, nhưng mà đi xe vào tận làng thì e dân cư họ bàn tán ầm lên, như vậy thì không giữ kín được chuyện. Vậy thì ông cứ ở trông xe và chờ cho đến lúc tôi ra.
Đường lầm lội một cách đáng sợ. Đã hai ngày rồi trời cứ lún phún mưa xuân. Hạt mưa lúc mau lúc thưa, như có bão rớt.
Giữa lúc ấy, ông đồ Uẩn ngồi bó gối trên cái phản ở nhà. Ông thấy máy mắt dữ dội. Ông bâng khuâng không hiểu đó là điềm lành hay dữ gì sắp xảy ra. Ngó bên cạnh một cái ấm tích để trong cái ủ đã rách tòi bông ra, với bộ chén trông có vẻ tang thương như cảnh ông, với cái điếu ống bẩn thỉu, thỉnh thoảng ông lại phải kéo một mồi thuốc lào. Vợ ông và con gái không biết lúc ấy lúi húi gì dưới bếp...
Mỗi một mồi thuốc lào tuy không làm cho trí suy xét của ông được thêm phần sáng suốt nhưng cũng có sức làm cho tư tưởng của ông khỏi rối loạn. Hiện ông đang ở cái cảnh bứt rứt khó chịu của một người thợ may vội việc ngồi trước một tuần chỉ rối không biết lần đường nào mà gỡ cho ra. Mỗi khi thấy mình vung tay đáng lẽ gỡ được mối chỉ thì lại làm cho nó rối thêm lên, thì ông lại phải cầu cứu đến khói thuốc lào. Vậy mà bên ngoài, những cơn mưa lúc lấm tấm, lúc rào rào, vẫn không thôi khiêu khích sự bực mình, sự chán nản sự muốn tự tử, trong lòng ông. Thật là trời sầu đất thảm.
Hai hôm trước, giữa lúc đêm khuya, ông thấy con rể của ông tự nhiên về một cách thình lình. Ông đã phải nén lòng giơ tay ra cầm lấy của Long mấy đồng bạc. Sau khi ông đem hết sự tình ra kể lể, nào là con gái mình có mang với nghị Hách, nào là nỗi nhà điêu đứng không còn kiếm nổi hột gạo mà ăn nào là sự mỉa mai chèn chế của người làng, nào là sự thờ ơ lãnh đạm của họ Mạc, nào là những trận cãi nhau, chửi nhau om xòm trong đó có bà đồ Uẩn, thì ông thấy con rể của ông cũng là người biết điều. Long đã nói: “Thưa thày, dù chẳng may cơ sự đến thế nào, con cũng không có điều gì thay đổi. Trước kia con quí vợ con có mười phần thì bây giờ con lại thấy phải quí nó lên một trăm. Thày đừng lo ngại gì, vì người ta sẽ đền cho con ba trăm bạc, thì con sẽ lo cưới vợ. Rồi còn số tiền vốn ấy để thu xếp cho nhà ta ra tỉnh ở với anh cả con. Cái làng này bất nhân cả làng thì ta cũng chẳng còn cần gì mà lại không bỏ làng!” Con rể ông đã nói với ông như thế. Về phần ông, ông cũng thấy thu xếp như vậy là ổn thoả. Chính ông, từ nay mà đi, chắc là không đủ tư cách gì nữa, không có thế lực để khu xử một việc gì nữa, ông phó mặc mọi việc cho thiên địa quỉ thần: cũng như một người mù lòa đứng bên vệ đường giơ tay ra kêu gọi người dắt làm phúc, người ta dắt, ông thì đành liều nhắm mắt đưa chân... Còn cái việc người ta sẽ đưa ông đi đâu, ông chưa cần hỏi đến vội. Ông đã trả lời cho con rể đại khái: “Thày thấy anh nói được như vậy thì cũng mừng lắm. Thày rất lấy làm cảm kích... Tuy anh chưa là rể hẳn nhưng mà một lời đã nói thì từ khi anh hỏi mà thầy nhận, con Mịch cũng đã như là vợ anh. Ngày nay chẳng may xảy ra những nông nỗi thế này mà anh lại còn có lòng thủy chung như nhất, lại khu xử cho như thế thì cũng là phúc cho thày lắm. Ở vào cảnh ngộ như thày thì thày đành phải để anh muốn xử trí ra sao cũng tùy lòng. Nếu cuộc đời là bằng phẳng, không có sự gì xảy ra, mà thày cứ coi anh như con ngay thì cũng không sao, thì đó mới là sự đáng quí... Còn như đã thất thế như thày, mà thày lại dám đi coi rằng con Mịch đã là vợ anh rồi, thì e cũng lạm quyền lắm, không thể lọt tai được. Vậy thì thày để anh nói trước là phải. Bây giờ anh đã nói rồi, mà anh đã nói những lời trung hậu quí hóa lắm, thì thày cũng chỉ còn biết nhớ cái ơn ấy mà thôi. Nhà này chẳng may gặp những tai nạn tầy đình ấy, tưởng cũng là vô phúc thiếu âm đức lắm, nhưng mà nay thấy anh như thế, thì thày cũng còn có chút hy vọng nhỏ rằng tuy vậy mà cũng chưa đến nỗi nào...” Thế rồi ông đồ sụt sịt khóc... Trước cảnh ấy, Long lẻn ra, xuống bếp chuyện trò với Mịch, không biết những gì. Rồi hôm sau, lại thấy Long nói: “Người ta rất sẵn lòng cưới em nó một cách linh đình long trọng làm vợ lẽ hẳn hoi... Nhưng mà khi nào con lại để như thế được. Dù nó đã có mang, con cũng cứ lấy. Cái đứa con trong bụng ấy, rồi sẽ cho nó một số phận, cái đó tùy ở lòng con muốn hay là không báo thù. Bấy giờ con về Hà Nội thu xếp công việc, vài hôm sẽ lên...”. Thế rồi Long ra đi. Thế rồi, ông thấy con gái ông cứ rũ rợi người ra như sắp chết. Bực một nỗi là ông căn vặn làm sao, con gái ông cũng nhất định không nói. Ông muốn hỏi cho ra, nhưng sau ông lại thấy rằng con gái ông, không có những lời căn vặn của ông, thì cũng đã khổ tâm lắm, nên ông lại thôi. Vả lại việc tự tử của Mịch tại nhà thương bữa trước, đã đủ khiến ông không những động tâm thương xót con gái, mà lại phải e nó sẽ quá liều.
Nhưng mà liệu Long có cam lòng và vui lòng cưới con gái ông về làm vợ không? Liệu Long có đi chịu được rằng vợ nó lại có sẵn trong bụng một đứa con, không do huyết mạch của nó không? Nếu nó vẫn lấy như đã nói, nó sẽ để dành cho cái thai trong bụng kia, đứa con của kẻ tử thù với nó, một cái số phận như thế nào? Liệu nó có lấy thật không? Hay nó thay lòng đổi dạ? Giá nó không giữ được lời hứa - đó là quyền của nó - thì nó sẽ khu xử cho con Mịch gì nữa? Hay nó sẽ không cưới con Mịch về nữa? Có hay không? Ai đã chắc rằng có? Ai dám bảo rằng không? Thế rồi sự thể sẽ xoay ra như thế nào?
Ngần ấy cái dấu hỏi vẫn không thôi kéo lần lượt nhau đến quấy rầy ông đồ Uẩn... Chính ông, ông đem những câu hỏi kia ra để tự bắt mình phải giải quyết, ác nghiệt như một ông quan chấm trường, đương có điều gì bực mình, nên trút cả sự tức tối trong lòng vào một thí sinh cũng lại là chính ông!
- Mịch ơi!
- ...
- Ơi Mịch!
- Dạ
- Lên đây thầy hỏi.
Mịch tần ngần bước vào, đầu tóc bù rối như mới ngủ dậy, mặt mũi hốc hác như vừa ốm khỏi, hai mắt đỏ ngầu lên như đau. Nhất là cái bụng! Cái bụng đã hơi to, trông rõ ai oán, rõ “báo chướng” vô cùng. Ông đồ ngán ngẩm nhìn con gái rồi từ tốn nói:
- Con ngồi xuống đây, ngồi gần lại đây cho thầy hỏi.
- Thầy bảo gì ạ?
- Anh Long hôm vừa rồi đã nói những gì với con?
- Không ạ.
- Con cứ nói đi, nói hết cho thầy biết. Thầy cần biết lắm.
- Anh ấy không nói gì cả ạ.
- Sao mày lại giấu tao? Nó không nói gì mà mày lại khóc à?
- Không.
- Con bé này mới hay chứ?
- Thật thế đấy ạ.
Nghe đến đấy, ông đồ thở dài một cái, rồi giơ một tay lên bưng trán. Mịch cũng đủ nhận thấy sự thất vọng của bố mình. Động lòng Mịch vội nói tiếp:
- Thưa thầy, anh ấy ra ý nghi ngờ con.
- Nó bảo với tao là dù sao nữa nó cũng nhất định cưới mày...
Mịch mỉm cười một cách chua chát mà rằng:
- Chắc gì! Người ấy đã khinh bỉ con nhiều lắm, đã ngờ vực con nhiều lắm.
- Ô hay! Thế ra nó nói với mày một giọng, nói với tao lại một giọng khác hay sao?
- Con cũng chả biết. Con chỉ biết là sau khi anh ấy đã nỡ ăn nói đến như thế, thì chúng con chả còn hi vọng gì sum họp được với nhau.
- Thế anh ấy nói những gì?
- Anh ấy nỡ đi hỏi con rằng có thật là con chửa với lão nghị ấy không, có thật con bị hãm hiếp không, với những là nếu muốn làm vợ bé lão nghị thì anh ấy sẽ vui lòng bảo lão ấy đem mười chiếc ô tô về ăn hỏi.
Ông đồ nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Nó nói thế cũng phải. Người ta khổ đến như thế thì người ta phải tức, mà khi người ta nóng nẩy, thì người ta cũng có quyền ăn nói quàng xiên.
Mịch rầu rĩ mà rằng:
- Vâng, thì nào con có dám oán trách gì người ta đâu!
- Đã biết nói thế thì còn việc gì mà để bụng? Phải chấp trách?
Mịch vùng vằng phẫn uất mà rằng:
- Ồ! Thưa thầy, đã nỡ ăn nói với nhau đến như thế, thì tưởng chả bao giờ nên nhìn mặt nhau nữa!
Ông đồ trợn mắt lên kinh hãi. Ông không thể hiểu nổi sự phẫn uất của con gái ông. Ông không biết rằng khi lòng tự ái đã bị thương, thì nó không còn cần gì biết đến thế nào là điều hay, lẽ phải nữa. Vì không là Mịch, nên ông không thể hiểu sự xót xa của Mịch được. Thế là ông trờn trợn, e con gái mình, trong một phút không biết nghĩ cho chín, lại quyên sinh một lần nữa chăng. Ông bèn dùng mẹo để dò xét bụng dạ con gái.
Ông nói một cách đau xót:
- Nếu cơ sự đến như thế nữa thì chán lắm con ạ.
Nhưng ông chỉ thấy Mịch thản nhiên đáp có một tiếng:
- Vâng.
Sự thản nhiên của con gái ông lại càng làm cho ông phải lo sợ thêm. Vào trường hợp ấy, trước sự thử thách ấy, cái tiếng vâng ấy đủ tả rõ một cái tâm trạng của một người nhút nhát, đã đến lúc muốn liều mạng, của hạng con giun xéo lắm cũng quằn. Ông bố lại hỏi:
- Thế con định thế nào?
Cô con chỉ cười chua chát và đáp:
- Con chả định thế nào cả, thày ạ. Người ta muốn định liệu cho con thế nào con cũng xin vâng. Ha, ha, ha!... Vào cảnh ngộ như con mà lại còn có quyền định liệu việc gì nữa à? Con cũng đành liều nhắm mắt đưa chân thôi, thày ạ.
Ông bố nhăn nhó, nói bằng giọng kêu van:
- Mịch ơi! Thế ra con lại muốn tự tử như trước nữa đấy à? Giời ơi, chớ nên liều thân đến như thế con ạ. Con nên để cho thày chết đi đã, rồi con có muốn liều thân thì hãy liều. Con đừng để cho thày phải trông thấy cái cảnh đau lòng ấy. Mịch ạ.
Nói đến đấy, nước mắt ông đồ ứa ra. Ông lấy tay áo gạt ngang một cái. Cử chỉ ấy giống với của một đứa bé lúc ăn vụng, sợ có người lớn biết, nên vội gạt tay chùi mồm.
Mịch nhìn bố một lúc, rồi đáp một cách thành thực:
- Không, thày đừng sợ, không bao giờ con lại muốn chết nữa. Người ta đã khinh con như thế, thì con chết mà làm gì? Con còn phải sống, còn cần sống lắm, con còn sống mãi mãi, sống cho nó đủ dầy dặn, cho nó đủ khổ nhục, sống để xem cuộc đời xoay xở ra sao... Không, chẳng đời nào con lại muốn chết, nhất là từ nay mà đi, thì người ta đã không thương yêu con như xưa rồi. Xưa kia thì con muốn người ta yêu quí con, vì xưa kia con cũng yêu quí người ta. Bây giờ thế này, con bắt người ta quí mình là vô lý rồi. Nhưng mà con, con tưởng con vẫn có thể kêu cầu người ta không yêu con, thì ít ra cũng còn thương xót con. Nhưng mà người ta lại đi khinh bỉ rẻ rúng con! Trời ơi, như thế thì việc gì con lại muốn chết?
Ông đồ rất ngạc nhiên về cái luận điệu ấy. Ông ngạc nhiên vì ông tưởng con gái ông không khi nào nói được
như thế, nghĩ được như thế, và nhất là vì ông vẫn chưa hiểu được tâm trạng của con ông. Ông thấy tư tưởng của con là mâu thuẫn. Trước kia chưa có sự gì xảy ra, chưa bị khinh bỉ, con ông đã tự tử, đã chết hụt mà bây giờ con ông lại có những ý nghĩ trái ngược với trước như thế thì chính là con ông sẽ tự tử một lần nữa, nên lúc này nó phải nói dối ông. Cho hay muốn nói sự oái oăm thì phải kể đến lòng tự ái. Nhưng lòng tự ái của một người là một thế giới mà chỉ người ấy hiểu chứ người khác - dù là cha nữa - cũng không thể hiểu nổi. Cho nên ông đồ vẫn ngờ con mình điêu ngôn. Ông không biết rằng sự bị thương của lòng tự ái sinh lòng căm hờn. Ông không hiểu rằng chỉ có sự hối hận, sự tự mình giận mình, mới làm cho người ta phải tự tử. Trước kia Mịch tự tử là vì ái tình. Bây giờ Mịch không được yêu, thì Mịch chỉ trông thấy sự căm hờn mà thôi. Mà sự căm hờn chỉ nuôi, chứ không giết.
Ông đồ gặng hỏi một cách ngây thơ, đáng cảm động:
- Con nghĩ thế nào thì con nói thế đấy, có phải không, con?
Mịch đáp:
- Thưa thày, con lừa dối thày mà làm gì? Trước kia, đã không phải chính con gây ra tai họa cho con, con cũng hối hận lắm, nên con cũng muốn chết. Bây giờ thì con không hối hận gì cả, thật thế, vì con tưởng đối với một người mà con yêu quí nhất đời, mà con cũng tưởng là yêu quí con nhất đời, vậy mà...
Ái tình bị thương đương kể lể.
Giữa lúc ấy, một thằng bé - tên nó là thằng Bôi - chạy xồng xộc vào giữa nhà vừa thở, vừa nói, như có ý khoe khoang:
- Cụ đồ ạ. Cụ có khách đấy! Một ông tây đi xe tu-bin về tận làng! Ông ấy đã đến ngõ rồi đấy!
Ông đồ hốt hoảng đứng ngay lên. Mịch cũng vội đứng lên mới kịp chạy tọt vào gian buồng bên, thì khách đã lộp cộp vào đến giại nứa rồi.
Ông đồ chạy ra thấy một người trẻ tuổi, mặt mũi, dáng điệu tỏ ra là người lịch sự lắm, thì không hiểu ra làm sao nữa, cứ đứng ngây ra nhìn, ấp úng muốn hỏi mà lưỡi líu lại. Tú Anh hỏi:
- Kính chào cụ. Xin cụ tha lỗi, có phải chính cụ là cụ đồ Uẩn không?
- Vâng, chính tôi đây.
Đáp vậy, ông đồ vẫn còn đứng ngây ra, mặt tái đi nữa. Tú Anh vội nói:
- Thưa cụ, xin cụ đừng sợ. Tôi đây không phải là người nhà nước, không phải là người mật thám của ông tuần, cũng không phải mật thám của ông huyện, về dò xét gì cụ, hay làng này đâu... Xin cụ cứ cho tôi vào nhà.
- Mời ngài vào.
- Xin phép cụ.
Không đợi mời, Tú Anh ngồi xuống phản, dang tay mời ông đồ cùng ngồi, rồi khoan thai nói nữa:
- Thưa cụ, tôi xin nói ngay rằng tôi là chủ ông Long, người sắp làm rể cụ.
Ông đồ bần thần nói:
- À, vâng.
- Tôi chính là con giai cụ nghị Hách, về đây để...
Nói đến đây, Tú Anh ngừng lại... Ông đồ nhìn khách một cách sợ hãi, lại nói:
- À, vâng.
Tú Anh tiếp:
- Vâng, chính tôi là con giai người ấy. Nhưng mà tôi không giống người ấy, tôi không bênh vực người ấy, mặc dầu người ấy là bố tôi. Chứng cớ hiển nhiên là tôi về tận đây để cứu chữa lại một điều lầm lỗi, do bố tôi đã gây ra. Bố tôi đã làm hại cụ, con cụ, cả vật chất, lẫn tinh thần. Tôi không muốn nhắc lại những điều đau khổ của cụ mà đau lòng cụ, đau lòng tôi. Ông Long đã nói với tôi rằng cô Mịch chửa. Như vậy thì... Tôi chỉ còn nghĩ được một cách... Vâng... Vả lại ông Long đã cho tôi được toàn quyền trong việc này... Chỉ có hai cách, một là đền cụ một số tiền lớn, hai là cụ sẽ là nhạc phụ của bố tôi. Vậy xin cụ cho biết ý cụ thế nào. Còn nếu cụ muốn viện cớ tôi về đây mà lại kiện tụng nữa thì tôi xin nói trước là không khi nào cụ được kiện. Vậy cụ muốn tôi phải thế nào, xin cụ cho biết.
Ông đồ lúng túng đáp:
- Tôi cũng không biết tình thế nào cả.
- Thưa cụ, ông Long đã cho tôi toàn quyền. Nếu cụ không quyết định thì tôi sẽ quyết định, ông Long đã cho phép tôi như thế.
Mịch từ buồng bên mạnh bạo bước sang, và hỏi:
- Thưa ông, quả thật anh Long tôi bảo ông thế? Anh nhìn Mịch một lúc rồi khoan thai tiếp:
- Vâng, đấy cô xem! Sự thể đã như thế thì chỉ còn một cách. Tôi sẽ phải gọi cô là dì. Dì chứ không phải chị, cô nhớ cho. Cô muốn rửa nhục cho cha mẹ, cho mình, rửa nhục với làng nước, thì chỉ còn cách lấy lẽ bố tôi mà thôi. Ông Long đã cho tôi khu xử, vậy tôi khu xử như thế.
GIÔNG TỐ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
ĐOẠN KẾT
Dư Luận