Chương 17
Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Anh bồi tiêm đã bị mời đi chỗ khác một cách lễ phép.
Tú Anh tháo giầy, cởi bỏ cái khăn quàng cổ, cái áo dạ ngoài, rồi nằm dài xuống sập, cầm lấy tiêm...
Thoạt đầu Long cũng ngạc nhiên về chỗ chủ mình sao lại thạo sự chơi bời như thế. Nhưng sau thấy Tú Anh cứ để rỏ thuốc xuống đèn, hoặc là để thuốc dính be bét trên mặt tẩu, tiêm đã lóng ca lóng cóng mà lại cứ muốn ra vẻ thạo đời, thì Long vừa buồn cười vừa cảm động, cho rằng chính chỉ vì cái tâm sự riêng của mình, mà chủ mình mới có thái độ và những cử động thân mật kia.
Sau một lúc lâu mà cả hai bên đều im lặng, cả tiệm hút lúc ấy lại ồn ào lên vì những câu chuyện kỳ lạ thú vị đặc biệt khác. Vì lẽ ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện làm rầm rĩ lên, ai cũng tranh lấy nói mà không ai để tai nghe, thành thử giữa cái đống huyên náo, lang chạ ấy mà Long và Tú Anh lại thấy mình cũng như ở giữa một chỗ vắng vẻ, kín đáo, cứ nói cho khẽ thì chuyện can hệ đến đâu cũng không có một người thứ ba để ý đến.
Hồi lâu, Anh hỏi:
- Tại sao mấy bữa nay, ông không đến trường làm việc thế?
Long thú tội một cách thành thực:
- Thưa ông, chính là vì tôi muốn ông đuổi tôi ra.
- Ồ! Sao ông lại nghĩ ngộ nghĩnh như thế?
- Thưa ông, hiện nay tôi có một điều khổ tâm không thể tả được. Tôi khổ lắm, tôi giận thân, giận đời lắm, tôi muốn liều lĩnh làm một điều gì xằng bậy, một điều gì càn dỡ, chỉ cốt được hả giận mà thôi. Tôi muốn đập vỡ một cái gì, đánh đập một kẻ nào, giết một người nào, nếu không thì không thể chịu được, vì lẽ tôi không thể làm được những việc ấy, để hại người khác, nếu tôi bần cùng mà tôi muốn làm hại tôi. Tôi nghĩ để cho ông phải đuổi tôi ra, thì tôi sẽ được điêu đứng, được khổ sở một thể.
- Tư tưởng phá hoại lạ!
- Vâng, chính thế. Tôi chỉ muốn được khổ sở cho nó bõ một thể.
- Ông Long, ông điên mất rồi.
- Thưa ông chẳng phải tôi không biết như thế là điên đâu. Nhưng không hiểu vì sao tôi muốn điên lắm, không thì không chịu được nữa. Trời ơi, nếu ông có là tôi, thì ông mới hiểu được những nỗi đau đớn của tôi.
Tú Anh bùi ngùi mà rằng:
- Tôi biết lắm, tôi biết lắm, ông Long ạ. Nếu không, tôi lặn lội đi tìm ông ở một chỗ mà nếu tôi có đến thì có hại cho danh dự của tôi như thế này làm gì? Tôi dám tự phụ rằng ở trên đời nay, tôi hiểu rõ ông hơn hết thảy mọi người khác, và ông cũng nên lấy làm tự kiêu rằng có tôi là người tri kỷ nhất đời của ông, nếu ông cho thế là đáng tự kiêu.
- Xin cảm tạ...
- Ở đời này, cứ tìm lấy được một người tri kỷ cũng đã là khó lắm, ông Long ạ.
- Vâng, tôi vẫn nghĩ thế.
- Chẳng phải nói nịnh gì ông, xưa nay tôi vẫn có bụng mến ông lắm. Tôi thấy ông, tuy nghèo, nhưng mà có chí, biết tự trọng, nhân cách vào bậc thượng lưu, lại có tư tưởng nữa, nên trong bụng vẫn có muốn rằng từ cái địa vị người chủ với người làm công. Từ cái chỗ cần dùng nhau để làm việc đời, tôi muốn chúng ta sẽ trở nên thân nhau hơn nữa, cũng chỉ để làm việc đời! Ấy bản thân tôi vẫn như thế thì chẳng may lại có những sự không ra gì nó xảy ra... Ta giận thân làm gì mà oán đời làm gì? Sự đời là như thế, bao giờ cũng có cái sự gì nó xảy ra, để cho chúng ta đương sướng phải hóa ra khổ, hoặc khổ rồi thì lại phải khổ hơn trước nữa... Ai cũng chịu đựng số phận như thế, chứ chẳng cứ gì một ta đâu, nên tôi muốn khuyên ông can đảm mà chống chọi với đời. Biết lục tìm những điều khổ sở lấy một chút hạnh phúc, ấy là cái đạo của người khôn ngoan, biết hy sinh đi, biết tha thứ cho hết thảy những kẻ có tội với mình, dù trong sự hy sinh có bị nhiều mùi vị chua cay, cũng phải cứ dằn lòng mà hy sinh đi, đừng bao giờ oán giận ai nữa, đừng nên coi sự đời là to, nếu nó thiệt hại cho mình phải coi trọng sự đời, nếu nó thiệt hại đến kẻ khác, bao giờ cũng bình tĩnh, nên luôn luôn giữ sự im lặng, vì chỉ có sự im lặng mới tỏ ra được cái khinh bỉ sự vật, vì chỉ có sự im lặng là thanh cao mà thôi, ấy mọi hành vi mà theo được một trật tự như thế thì đó là cái đạo của người quân tử...
Tú Anh đương nói một cách sốt sắng, một cách có văn vẻ, nói như một diễn giả trước một đám đông người, nói như theo thói quen, nghĩa là như một giáo sư giảng bài cho học trò - cái nghề của chàng - thì Long nhăn mặt lại, ngắt đoạn:
- Không phải tôi không hiểu được những điều nghĩa lý ấy. Không phải tôi không biết như thế là phải, là hay, khốn nhưng, thưa ông, hiện nay tôi đương là một người khổ sở trăm chiều! Tôi không muốn làm người quân tử! Tôi sợ ông càng nói thì chỉ càng phí mất những lời quí hóa ấy mà thôi. Ông vẫn nhầm tôi chứ chính tôi là một kẻ tiểu nhân lắm, tôi xin thú thật với ông như thế mà không hổ thẹn. Tôi không thể nào có lòng hy sinh và trở nên một người quân tử theo ý ông được. Vả lại... hiện nay, tôi đương là người cực kỳ chán đời, cực kỳ khinh đời. Đã thế, tôi còn cần gì nữa?
Tú Anh cười nhạt mà rằng:
- Ông tưởng thế đấy, chứ ông không chán đời và khinh đời một chút nào đâu! Ông nhầm to! Người ta, khi đã biết sự đời là đáng khinh, thì không thể còn can đảm nào mà lại sốt sắng tỏ sự phẫn uất ra cho ông, vì một người đã khinh đời là một người thản nhiên lắm, không còn có một mối cảm giác gì nữa. Vậy mà ông kêu gào đến như thế được thì ông còn yêu đời lắm. Tôi xin can ông! Sao ông lại coi sự đời to như thế? Sự đời có đáng yêu đến thế đâu? Đáng thương hại cho ông thật.
Long ngẩn người ra vì không hiểu, rồi nhăn nhó lại nói:
- Vì chung... tôi... tôi khổ quá.
- Ở đời này, ai mà không đau khổ? Ông tưởng dễ tôi đây, tôi sung sướng hơn ông đấy à?
- Ồ! Không! Ta không nên nhảy vào phạm vi triết học.
Tú Anh ngồi dậy, bất bình mà rằng:
- Tôi chỉ nói một cách thiết thực về những sự thực hiển hiện ra trước mắt ông đó mà thôi! Ông không có gia đình thì thôi, chứ nếu ông cũng có một gia đình như tôi, thì tôi xin nói thẳng rằng những cái dây liên lạc thiêng liêng nhất đời, đại khái như tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ chẳng hạn, cũng lắm khi chỉ đáng để xuống đất mà dí dưới gót chân! Là vì trong suốt một đời người, thể nào rồi bố mình cũng phải có điều không tốt với mình, mẹ mình thì cũng phải có điều gì ăn ở không ra sao với mình, anh chị em mình thể nào cũng phải có điều gì khốn nạn đểu cáng với mình. Tôi xin nói thẳng cho ông biết rằng, đến những điều thiêng liêng như vậy, mà rồi cũng có khi chỉ là những chuyện khôi hài, thì ở đời này không còn có cái cóc gì là đáng quí nữa, mà sự đời thật là không có nghĩa gì cả!
Im lặng một cách sợ sệt, Long nghe những lời phẫn uất ấy. Sợ nhân đó là Tú Anh trạnh nghĩ thấm thía đến gia đình, Long vội tìm một đầu để lảng chuyện ra. Rồi Long nói:
- Vâng, vì tôi không có gia đình nên tôi mới cầu cứu hạnh phúc ở ái tình, và cầu một cách khẩn khoản hơn ai... Tôi đương muốn tin cậy ở ái tình, vây mà rồi tôi phải bán tin, bán nghi, không còn biết nghĩ sao nữa.
Tú Anh dịu mặt, lại nằm xuống cạnh khay đèn. Hồi lâu Anh nói:
- Ái tình cũng không thể cho ta hạnh phúc được!
- Ô nếu như vậy thì loài người này hết đường trông cậy hay sao? Nếu được thì người ta chết cả, chứ còn ai sống được!
- Vậy mà chẳng ai chết cả! Họ đau khổ, họ không biết! Hoặc họ có biết, mà họ cứ sống. Ái tình chỉ làm khổ người ta mà thôi! Ông tưởng ái tình ban được cho ông hạnh phúc, ấy là vì ông không hiểu đời.
- Ông bi quan quá nhỉ? Sao lại thế được?
- Không, hoặc là có. Người ta đã trải cuộc đời thì phải hoài nghi, mà đã hoài nghi thì phải bi quan. Sở dĩ ông còn tin được ở ái tình, một là vì ông hãy còn trẻ tuổi, hai là vì bọn văn sĩ mê hoặc ông. Ông văn sĩ chỉ đi mô tả những cuộc thảm tình, những cuộc tơ duyên lỡ dở, những câu chuyện khổ sở điêu đứng, hình như nếu họ mà lấy được nhau thì họ sung sướng bồng lai! Nếu bọn văn sĩ bây giờ chịu viết những chuyện tình rồi cho họ lấy nhau đi, rồi cho họ ghen nhau, giận nhau đi, thì mới chứng thực rằng ái tình chỉ làm cho con người ta khổ sở. Mà nào chỉ có thế! Lại còn cãi nhau, đánh nhau, phụ nhau, rồi giết nhau, chồng ăn chả, vợ ăn nem, hoặc là sống chung với nhau để khinh bỉ thù hằn lẫn nhau. Nào có ông văn sĩ nào là tả đúng sự đời và bảo được cho mọi người rằng ái tình là một điều không bõ để ý!
- Nếu mải nghe ông, thôi thì không còn ai thiết gì đến sự đời nữa.
- Thì trước sau, tôi chỉ muốn cho ông không thiết gì đến sự đời! Mà tôi mong rằng ông đừng tin đàn bà! Hoặc là ông ngồi trong văn phòng, hoặc là ông ra ngoài phố, mắt ông, tai ông lúc nào ông cũng chỉ thấy sự dâm đãng đội lốt Văn chương mỹ thuật mà thôi. Văn chương sách vở khiêu dâm, phim ảnh khiêu dâm, nhà hát khiêu dâm, tranh ảnh khiêu dâm, phòng khiêu vũ, nhà săm, những quân phu xe bảo ông đi lấy sự trinh tiết của mọi hạng phụ nữ bằng năm đồng, ba đồng, âm nhạc cũng khiêu dâm, những mốt y phục lại càng ngày càng khiêu dâm, nói tóm lại thì bao nhiêu cái xô đẩy người ta vào vòng thương luân bại lý! Ông có thấy rằng chúng ta đang đắm đuối ngập lụt đến cổ vì vũng bùn lầy dâm đãng đó không? Ông vẫn còn tin được đàn bà và ái tình đó à?
Long trầm ngâm nghĩ ngợi, càng thấy những lý luận ấy là đúng sự thật. Nhưng chàng cũng nói:
- Trường hợp của tôi không dính dáng gì đến những điều ông vừa buộc tội.
- Đó là ông chưa nghĩ kỹ. Tình là dây oan, cổ nhân không nói sai đâu. Trong khi yêu, người ta chỉ nghĩ đến chữ chung tình. Vậy mà tôi, tôi có thể cam đoan với ông rằng, không một người đàn bà nào lại chung tình với một người đàn ông nào cả. Ông thử xét ngay chính ông mà xem! Khi có một người yêu rồi, sau khi đã tâm tâm niệm niệm, quyết chung tình với ý chung nhân rồi, cũng đôi khi ông bị sức cao hứng của tâm hồn nó lôi cuốn đi, khiến ông quên bẵng người yêu mà mơ màng đến một người khác, tôi dám chắc như thế!
- ...
- Có thế không thì công nhận đi!
- Vâng, cũng có thế thật.
- Ấy đấy, chính ông, chưa chi ông đã không chung tình rồi! Như vậy, ông cầu sao được lòng chung tình ở một người đàn bà? Người ta cũng giống ông, vì ở dưới này bọn phàm trần chúng ta, giống nhau tất. Tôi không nói rõ tên tuổi và chỗ ở một cặp giai gái kia, yêu nhau tưởng chết mà rồi người đàn bà bỏ người chồng, đi theo một kẻ tồi hơn chồng. Tôi cũng không vạch mặt chỉ tên một mỹ nhân tuyệt đẹp chung tình có một chồng chết thì khóc chồng năm năm trời tưởng chừng không sống được nữa, thế mà một buổi sáng kia, tươi cười hớn hở bước lên xe hòm cưới của một người chồng thứ hai... Tôi không đếm xỉa đến những hạng lẳng lơ dâm đãng có chồng con đi ngủ với giai, hoặc là bọn gái tân thời có cái quan niệm mới lạ rằng yêu ai thì chỉ bắt nhân tình cho có vẻ sang trọng thôi còn lấy hẳn ai thì là vì muốn trả thù người ấy... Tôi không muốn nói đến những hạng ấy, e rằng mang tiếng cố ý dọa nạt ông. Nhưng mà tôi có thể lấy riêng ra một người đàn bà có học thức, có nhan sắc, có đức hạnh, một người đàn bà đáng làm gương mẫu cho đời, một buổi chiều thu kia, ngồi trên bao lơn đan áo rét cho chồng, trông ra cánh đồng và con đường um tùm vắng vẻ, tâm trạng nao nao lên, bao nhiêu thì tình, thì tứ, trong lòng như sóng cuốn, rồi chợt ở dưới đường có một chàng diện mạo thanh tao, y phục lịch sự, vừa đi vừa quay cổ nhìn lên, rồi người đàn bà cúi mặt xuống, để cho khách qua đường phải quay lại nhìn lần thứ hai, và bắt được quả tang là mỹ nhân trên bao lơn cũng có nhìn theo mình, rồi khách qua đường phải giữ vẻ con nhà giáo dục mà lững thững bước đi không dám nhìn lại nữa, và, do thế, người đàn bà, trong một phút xúc động, đã thấy kẻ qua đường là hơn chồng mình, rồi chợt nghĩ đễn những điều nhỏ nhen của chồng trong cuộc đời sống chung với chồng, rồi mơ màng, so sánh, oán giận, rồi lim dim cặp mắt lại, trong một phút đã tưởng tượng một cảnh gia đình khác mà mình được người khách lạ nâng niu chiều chuộng hơn chồng, phải, dù chỉ là trong một phút mơ mộng nữa, dù là trong cả một đời chỉ có một phút như thế kia, thì ấy là người vợ hiền ấy cũng đã phụ chồng rồi, là cuộc nhân duyên ấy cũng là bị vết ô tỳ làm hoen bẩn rồi, mà sự chung tình không còn có nữa! Ấy đó, bộ mặt thật của ái tình mà tôi đã hé mở cho ông xem...
Tú Anh nói xong thì thở dài một cái ra vẻ chán chường, mặt lộ ra sự đau đớn, sự buồn rầu, sự chán nản, sự khổ não, y như một người chồng bị vợ lừa, hay là người đã đau khổ vì tình vậy.
Những ngôn ngữ, cử chỉ ấy, Long hiểu một cách rất thấm thía. Chàng thấy không nên ghen Mịch, nghi Mịch nữa. Chàng bắt đầu cảm thấy đàn bà là khó tin. Rồi thì chàng thấy cuộc đời trống trải. Đương đau khổ mà được thôi, không phải đau khổ nữa, như thế Long cũng chẳng thấy sung sướng gì. Long bất giác lại lấy làm tiếc, giá Tú Anh đứng nói thế, cứ mặc chàng ngu dốt để mà có thể đau khổ thì hơn... Long thấy không thể yêu được Mịch nữa, và nếu có phải lấy Mịch thì chỉ vì bổn phận, “Ta không nên cần đến ái tình vì ta đã phải ngờ vực ái tình. Ấy là ta sẽ lấy vợ cũng như trăm nghìn người khác vậy”. Nghĩ thế, Long muốn về, vì lẽ gì Tú Anh đi tìm mình ở đây. Long hỏi:
- Bây giờ đã mấy giờ đêm rồi, thưa ông?
- Cũng khuya lắm rồi. Để tôi nói xong mọi điều dự định của tôi, chúng ta về nghỉ. Đây này, tôi xin nói thẳng ngay rằng xưa nay tôi vẫn muốn gả em tôi cho ông. Vì lẽ ấy, tôi đã để ông về ấp và xuống cảng, để ông biết rõ gia thế nhà tôi, ông nên biết như thế. Vậy tôi có hai con em đấy, tùy ông ưng, đứa nào cũng được. Tôi thấy ông nghèo, chưa có tiền, nhưng nếu có, chắc là sẽ biết dùng tiền. Người ta đã có tiền, lại có bụng tốt, thì dễ trở nên hay... Rồi trong cuộc đời, thể nào chúng ta cũng còn bắt tay vào việc gì khác thường với nhau... Tôi xin nói trước là chưa chắc em tôi đã cho ông hưởng hạnh phúc đâu, vì tôi đã khuyên ông chớ nên hi vọng ở đàn bà. Ông chỉ biết rằng, ông lấy em tôi, thì ông có vợ, cũng như người khác có vợ, thế thôi. Còn việc cô Mịch, ông chớ nghĩ đến nữa...
Long nghe đến đấy bỗng thấy vui vẻ, mừng rỡ trong lòng. Nhưng chợt nghĩ đến Mịch, Long lại tự trách mình hèn hạ quá. Nhưng Long không đủ thời giờ vấn tâm, vì Tú Anh đã lại tiếp:
- Tôi đã về Quỳnh Thôn thu xếp xong chuyện rồi!
Long hãi hùng hỏi:
- Ông? Ông đã về...?
- Phải! Tôi đã trông thấy sự sa sút nhà cụ đồ, sự đau khổ của cô Mịch, sự cả cái nhà ấy bị cả làng khinh miệt, lục tội, phỉ báng! Tôi căm giận hộ ông đồ lắm! Cô Mịch cần phải lấy chồng giầu để mà rửa hờn! Người ta lấy ông, thì bị ông làm khổ, làm nhục mà thôi! Mà đứa bé trong bụng ấy, em tôi. Vậy thì số phận cô Mịch như thế, không vì lẽ gì đứa bé lại là con ông được!
Long rền rĩ.
- Trời ơi, không ngờ cơ sự lại xoay ra đến.
Thật bất ngờ.
Long nói rồi cúi mặt xuống. Tú Anh nhìn trộm Long, lại nói:
- Ông tiếc cái gì? Người ta yêu quí gì ông?
Long trợn mắt, thở hồng hộc mà hỏi:
- Sao? Ông nói gì? Họ không có tình với tôi nữa hay sao?
Anh gật đầu một cách vụng dại, làm cho Long nôn nao lên:
- Không! Không phải thế! Giời ơi! Tôi van ông! Không phải thế, có phải thế không? Ồ! Không! Ông nói dối! Tôi van ông, xin ông nói thật cho! Tôi van ông. Ồ, có đời nào! Đời nào con Mịch lại ăn ở như thế với tôi được!
Nhưng Tú Anh bình tĩnh đáp:
- Tôi xin đem danh dự tôi ra mà thề.