watch sexy videos at nza-vids!
Truyện GIÔNG TỐ-Dư Luận - tác giả Vũ Trọng Phụng Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng

Dư Luận

Tác giả: Vũ Trọng Phụng

ĐỌC LẠI TRUYỆN GIÔNG TỐ

NGUYỄN TUÂN

Tiểu thuyết Giông tố dài 30 chương và thêm một đoạn kết: nhưng sự việc xảy ra trong một thời gian cũng ngắn vậy. Như lời Vũ Trọng Phụng ghi vào lòng truyện, sự việc mở ra vào tháng 10-1932 và kết thúc vào mùa hè 1933. Những niên hiệu này nói lại rất nhiều về hoàn cảnh chính trị và xã hội nước ta lúc bấy giờ.
(...) Tiểu thuyết Giông tố gồm nhiều thứ người: thôn quê, thành thị và cả những nhân vật từ quê ra tỉnh. Có người là thôn nữ bị bán làm lẽ thứ mười hai cho nhà giàu, có người là thư ký, có người là du thủ du thực, có người là gái tân thời, có người là đốc học, có người làm cách mạng. Nhưng trội lên hết để người đọc suy nghĩ, để người đọc nhớ lại mà đặt thành vấn đề thì có hai nhân vật Thị Mịch và Nghị Hách.
(...) Thấy rõ thực dân cai trị, một mặt đàn áp, bắn giết những người chống lại trật tự của chúng; một mặt khác, chúng tạo ra một bọn tay sai trâng tráo. Nhưng sự trâng tráo bẩn thỉu của những kẻ chỉ sống với đồng tiền, lấy đồng tiền ra mà bắt nạt, ăn hiếp cuộc sống, điều khiển cuộc sống, đặt cho cuộc sống một khuôn phép theo đồng tiền bóp nặn ăn cướp được, cái sự trâng tráo ấy (như đoạn văn trích trên đây của thiên truyện XXI), sự trâng tráo của cái xã hội lấy của đè người ấy lại còn lên tới cái mức mặt dạn mày dày vô liêm sỉ cao độ mà chỉ có ngòi bút Vũ Trọng Phụng mới phân tích nổi và tổng hợp được hết ở chương XXIX. Sau những tình tiết phức tạp của truyện (chính cuộc đời riêng của Nghị Hách là một sự phức tạp kinh rợn nhớp nhúa). Nghị Hách đã biết Long, cái người bị y cướp vợ kia, lại chính là con giai y mà y vẫn gả con gái của y cho Long như thường, và trâng tráo đến cái mức quảng cáo cho y bằng sự công nhận việc loạn luân đó giữa một bữa tiệc khoe mề đay, sau một cuộc phát chẩn giả nhân giả nghĩa cho 4.000 người, chính những người y đã bóc lột và đày đọa.
Chương này gần kết thúc Giông tố : đọc đến đây, thấy sợ Vũ Trọng Phụng. Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Giông tố là một truyện dài đại diện rất nhiều cho tư tưởng tiến bộ và thái độ phê phán của nhà tiểu thuyết trước cuộc sống đảo điên của thời ấy. Nhưng trong Giông tố, chương này là cái đoạn mà thấy tác giả mạnh nhất và cao tay nhất về nghệ thuật. Tôi vừa nói là sợ Vũ Trọng Phụng. Sợ, hiểu theo cái nghĩa của những người trong nghề nghiệp văn chương biết kính phục trước một nhân tài, một chân tâm, một cái uy tín trong văn học cận đại nước ta. Trong dịp kỷ niệm Vũ Trọng Phụng này, sự kính phục ấy càng có nghĩa là sự thương yêu, kính trọng và nhớ tiếc không biết để đâu cho hết được.

* * *

Nói chung về tác phẩm Vũ Trọng Phụng và cả con người tác giả, lúc sinh thời và cả sau lúc nằm xuống để đường hoàng đi vào cõi bất diệt của văn xuôi Việt Nam, rất nhiều người đọc hay bận tâm về cái khía dâm trong bất cứ trứ tác nào của Vũ Trọng Phụng. Bận tâm đến cái mức độ ngộ nhận những văn phẩm có chân giá của hiện thực phê phán kia đều là những dâm thư. Những đoạn gọi là dâm ấy mà có vì sự cần thiết của cơ cấu một truyện dựng thì đấy cũng chỉ là những hiện tượng. Thực chất của văn phẩm Vũ Trọng Phụng là vượt lên những hiện tượng ấy để nói một cái gì rất lớn và nói lên cái hoài bão rất lành, rất đẹp của tác giả.
Riêng về Giông tố, truyện dài đã đóng bằng một việc tiêu cực tự hoại thân thể, và cũng mở đầu bằng một cuộc cưỡng dâm thô bạo có trả tiền. Rồi lại tiếp diễn những cuộc tiền dâm hậu thú và thông dâm, và vân vân. Nhưng cái chính không phải ở đây. Giông tố có nói đến nông dân, nhưng cái nhìn của Vũ Trọng Phụng còn chệch choạc. Giông tố có nói đến chiến sĩ cách mạng nhưng cái nhìn của Vũ Trọng Phụng còn viển vông, phiêu lưu. Cái mà Vũ Trọng Phụng đánh trúng nhất trong Giông tố tức là đánh vào cái sự trâng tráo tàn bạo của thế lực đồng tiền, của những thế lực phản bội đã dựa vào đế quốc và định cầm cân nảy mực cho sự sống và ngự trị lên trên cái giá trị thật của đời sống. Cái mà Vũ Trọng Phụng xưa kia đã dành cái phần tráng kiện trong nhỡn lực và bút lục để tấn công vào, vì hạnh phúc và công lý, thì ngày nay cuộc cách mạng của ta đã dồn nó vào chỗ Mỹ - Diệm. Vũ Trọng Phụng mà còn, còn đánh nhiều thêm bằng nhiều truyện nữa, còn đánh mạnh hơn bao giờ hết và đánh cho kỳ hết. Không những đánh, mà Vũ Trọng Phụng còn kiến thiết nữa.

(In trong báo Nhân dân, số 966, ngày 27-10-1956).

GIÔNG TỐ

TRƯƠNG CHÍNH

Riêng năm 1936, Vũ Trọng Phụng viết sáu tác phẩm, bấy giờ đăng trên các báo, những năm sau mới xuất bản thành sách: Giông tố (tức Thị Mịch), tiểu thuyết dài (đăng Hà Nội báo từ tháng 1-1936), Cơm thầy cơm cô, phóng sự dài (đăng Hà Nội báo từ tháng 3-1936). Số đỏ, tiểu thuyết dài (đăng báo Tương lai, từ tháng 9-1936), Làm đĩ, tiểu thuyết dài (viết tháng 10-1936, in năm 1939), Giết mẹ (kịch, dịch Lucrèce Borgia của Victo Hugô, in năm 1936). Trong sáu tác phẩm ấy, thì có ba cuốn tiểu thuyết cho đến ngày nay vẫn được đánh giá cao: Giông tố, Vỡ Đê, Số đỏ, và cũng là những tác phẩm tiêu biểu của Vũ Trọng Phụng.
I- Từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa” Trong văn chương hiện thực phê phán trước Cách mạng, hiếm có tác phẩm nào, trong đó tác giả dồn lại bấy nhiêu cảnh xấu xa, mục nát, tội lỗi của xã hội cũ như trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Quả không có. Thường thường thì người ta cũng chỉ tả một khía cạnh nào đó. Nguyễn Công Hoan là nhà văn hay khai thác những đề tài như Vũ Trọng Phụng, nhưng ông phải dàn trải ra trong rất nhiều truyện ngắn, chứ chưa hề sáng tác được một truyện dài có những điển hình tập trung như trong Giông tố.
Trong Giông tố, Vũ Trọng Phụng dẫn chúng ta từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa”, từ những chốn ăn chơi truỵ lạc, gái đĩ, thuốc phiện đến những cảnh xa hoa - cũng không kém truỵ lạc - trong phòng Tịnh Tâm ở ấp Tiểu Vạn Trường Thành của Nghị Hách. Không kể những nhân vật chính, riêng những con người của xã hội cũ mà Vũ Trọng Phụng vẽ bằng một hai nét trong Giông tố cũng đã nhiều vô kể. Ở thôn quê thì đủ các mặt hào lý, gặp cơ hội nào cũng có thể tổ chức ăn uống, hút xách, đem lý sự cùn ra mà cãi vã nhau, rồi chửi bới nhau, nhưng lên đến cửa quan thì run sợ, hèn nhát. Ở thành thị, thôi thì đủ hạng người, thượng vàng hạ cám. Những tay doanh nghiệp sắc sảo, gian hùng, “coi đời như canh bạc lớn”, “làm việc thiện để quảng cáo cho mình” có chân trong các hội ái hữu, nhưng “kỳ chung không có ai là bạn trên đời”, đã từng chủ tọa những ban giải thưởng văn chương nhưng chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết; những tay cổ động cho Phật giáo mà lại đi xây hàng dãy nhà xâm; những anh làm chủ ba bốn tiệm khiêu vũ mà đánh con gái hộc máu về tội ăn mặc tân thời; những anh vừa là chủ hiệu xe đám ma, và là chủ dược phong, bán tem cho Hội Bài trừ bệnh lao, mà lại bán cả thuốc lào mốc, v.v... Tóm lại, tất cả những người tự xưng là “thượng lưu” nhưng kỳ thực chỉ biết có đồng tiền và danh hão, dùng mọi cách đầu cơ, mọi ngón bịp bợm. Theo tác giả thì đó là “những mẫu” hàng đặc biệt của công giới và thương giới". Ai từng sống ở Hà Nội lâu năm, nhất là vào khoảng 1930-1939, chắc có thể tìm thấy ở những nét sơ sài trên, một con người có thật, bằng xương bằng thịt, đã làm giàu một cách trắng trợn như thế và cũng đã trở nên những tai to mặt lớn của xã hội đương thời.
Trong các tiệm hút của Hàng Buồm, hay trong các nhà hát ả đầu phố Khâm Thiên, Vũ Trọng Phụng lại có dịp cho chúng ta biết một hạng người khác, hạng người truỵ lạc. Không kể Vạn tóc mai, đứa con hoang của Nghị Hách, xỏ lá, xỏ xiên, nói xấu bố với nhà báo để “làm tiền” bố, có đủ mặt “các nhân viên làng bẹp, những thiếu phụ mặt bự những phấn, môi tái nhợt, tóc búi, cổ đeo kiềng, mặc áo tân thời cổ bánh bẻ”; những tên lính da trắng, da đen; một mụ đầm già. Rồi những ông giáo, ông cử nhân Tây học hẳn hoi, bề ngoài đạo mạo, nghiêm nghị, nhưng đến đây thì giở đủ trò đểu cáng. Tác giả Giông tố dùng ngòi bút phóng sự của mình để tả cuộc đời bẩn thỉu dâm đãng của thành phố Hà Nội dưới thời Pháp thuộc.
Đã hết đâu! Ngoài những cảnh “lầm than” công khai, còn những cảnh “lầm than” kín đáo hơn. Một bà nhà “tử tế” ngoài bốn mươi, chuyên môn nhảy đồng bóng và nằm với anh cung văn; một cô thiếu nữ tân thời hẹn hò với trai trong khách sạn.
Còn chốn quan trường thì như thế nào? Một ông quan thuộc địa “cáo già” dùng những lời nói ngọt ngào, những hành động khôn khéo để phỉnh dân, bóc lột dân cho dễ: một ông tuần và một ông quan huyện chuyên bênh vực những người có của. Dám nói đến các quan Tây, trong các cuốn tiểu thuyết, thì trước đây, có lẽ chỉ Vũ Trọng Phụng mới có gan ấy. Đọc những đoạn tác giả tả Nghị Hách, gặp quan sứ, hoặc đoạn các quan Tây đến dự buổi tiệc của Nghị Hách sau cuộc phát chẩn, chúng ta thấy cái cười mỉa mai của tác giả dưới những câu giả đò ngây thơ. Ngoài những quan cai trị đương chức, đương quyền, lại có những ông quan cai trị đã về hưu, nhưng để ý việc doanh thương từ lâu, và hiện làm đại diện cho một hội lý tài lập bên Pháp, vốn liếng có hai mươi triệu “phật lăng” và đang tìm cách giữ độc quyền nước mắm.
Trở lên trên là những con người. Dưới đây là các sự việc trong xã hội cũ: bỏ truyền đơn, cờ đỏ cộng sản để vu cáo người khác, hối lộ ở chốn quan trường, luật lệ hà khắc của chính phủ thực dân; dạy trên năm người học trò không khai báo thì bị tội, tranh cử ở nghị trường, thông đồng với các cơ quan ngôn luận để làm hậu thuẫn cho các cuộc tranh cử, những bài “đít cua” rỗng tuếch, trò hề của những tai to mặt lớn... Có thể nói không có cái gì khả ố, lố bịch trong xã hội cũ mà Vũ Trọng Phụng không đề cập đến.
Vũ Trọng Phụng còn tỏ ra biết đời nhiều nên ông còn đưa lên sân khấu một cô thầy bói, một ông già đóng vai thầy địa lý và thầy số đi xem đất, đặt huyệt, lấy số tử vi. Dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng, cả xã hội cũ hiện lên một cách bi đát đau thương mà cũng hết sức tồi tệ, đáng căm giận.

II. Nghị Hách, một tên tư sản điển hình
Nghị Hách không phải là một ông nghị gật tầm thường, không phải như Nghị Quế của Ngô Tất Tố trong Tắt đèn, Nghị Lại của Nguyễn Công Hoan trong Bước đường cùng. Nghị Quế, Nghị Lại là những tên địa chủ thôn quê, có lẽ ngoài huyện nhỏ chúng ở, không ai biết đến. Còn Nghị Hách chẳng những là một tên địa chủ có năm trăm mẫu đồn điền trong tỉnh nhà, hắn còn là một nhà đại tư bản, một nhà đại công nghiệp có mỏ than ở Quảng Yên, ba chục nóc nhà Tây ở Hà Nội, bốn chục nóc nữa ở Hải Phòng. Cái ấp của hắn đồ sộ nhất tỉnh, đến dinh quan công sứ cũng không bằng. Cách ăn chơi của hắn thì y như các vị công hầu khanh tướng trong tiểu thuyết Tàu, có mười một nàng hầu đặt dưới quyền một mụ quản gia.
Không những thế, Nghị Hách lại sắp ứng cử ghế Nghị trưởng, sắp có Bắc Đẩu bội tinh. Nói tóm lại là một nhân vật quan trọng trong xã hội ngày trước. Ai tò mò có thể tìm thấy tên và ảnh hắn - hay đúng hơn, những người giống như hắn - trong cuốn Những nhân vật Đông Dương, Phủ Toàn quyền in năm 1941. Cũng như nhiều nhân vật có tên và có ảnh trong cuốn “sách vàng” nói trên, tiểu sử Tạ Đình Hách cũng hết sức kỳ khôi. Xuất thân chỉ là tên cai thợ nề, thế rồi sang Lào một chuyến, không biết làm ăn ra sao mà khi về giàu có thế ấy. Chính vợ con hắn kể tội ác của hắn:
“- Ừ đấy, bà thế đấy! Nó là cung văn thật đấy, nhưng mà bụng dạ tốt, nó ăn ở có nhân có nghĩa... Nó còn hơn cái mặt mày, đồ lường đảo! Quân giết người! Đồ lường thầy phản bạn! Quân hiếp dâm! Ừ! Mày cứ ly dị bà đi! Rồi bà tố cáo tội lường gạt, tội giết người của mày trước pháp luật cho mà xem! Mày về mày hỏi mười một con vợ lẽ của mày xem có phải mày hiếp chúng không? Có phải mày đã bỏ bã rượu vào nhà bố mẹ đẻ chúng để bố mẹ chúng phải bán rẻ cho mày không?...”.
Ấy thế mà sau khi câu chuyện Hải Phòng vỡ lở, làm cho Nghị Hách như có dịp ôn lại cả cái quá khứ bỉ ổi của hắn, chính sau khi đó, trong bữa tiệc thết đãi ở Tiểu Vạn Trường Thành, hắn đã đọc một bài diễn văn rất kêu, nói đến luân lý, đạo đức, bác ái, bình dân... Chưa bao giờ ngòi bút Vũ Trọng Phụng mỉa mai cay đắng như trong bài diễn văn đó.
Nhưng chỗ chưa đúng của Vũ Trọng Phụng là ông chỉ nhấn mạnh vào tính cách dâm đãng của Nghị Hách. Hết hiếp dâm vợ người đến hiếp dâm con gái tơ, rồi đem về nuôi như nuôi một lũ gái đĩ. Đành rằng kẻ có tiền trong xã hội cũ, dễ sinh ra dâm đãng, nhưng tội chính của Nghị Hách không phải ở chỗ đó, mà ở chỗ cướp năm trăm mẫu đồn điền, bóc lột nhân công ở mỏ than Quảng Yên, ở cách làm giàu của một anh cai thợ nề trở thành một tên tư bản kếch xù và một nhân vật đặc biệt trong xã hội. Dâm đãng chỉ là một khía cạnh, và không phải là khía cạnh quan trọng nhất trong con người Nghị Hách.
Bi kịch xảy ra trong gia đình Nghị Hách giống bi kịch xảy ra trong gia đình một tên tư bản khác ở Trung Quốc, Chu Phác Viên trong Lôi vũ của Tào Ngu. Lôi vũ viết năm 1933 (năm 1944, mới dịch ra tiếng Việt). Nhắc đến Tào Ngu không có nghĩa là nói Vũ Trọng Phụng chịu ảnh hưởng của Tào Ngu, có lẽ Vũ Trọng Phụng chưa hề đọc Lôi vũ. Giống nhau, chẳng qua vì hai người đều sống trong những xã hội mà đồng tiền làm chủ, vì đã thấy trong đó những người có tiền có thể dùng đồng tiền sắp đặt mọi việc theo ý muốn của mình, và có khi lại phải chịu hậu quả của mình không đoán trước được. Nghị Hách không bao giờ ngờ rằng Thị Mịch lại là vợ chưa cưới của con hắn, mà cũng không bao giờ ngờ rằng Long chính là con đẻ của hắn. Còn Long cũng không bao giờ ngờ mình là con của Nghị Hách, và lấy Tuyết là em ruột mình, và thông dâm với Thị Mịch khi Thị Mịch đã làm lẽ Nghị Hách là thông dâm với vợ lẽ của bố. Trong lúc đó thì “bà Nghị” lại ăn nằm với ông già Hải Vân, rồi chính “bà Nghị” cũng lại ăn nằm với một thằng cung văn.
Chuyện trong Giông tố thật hết sức rắc rối. Bố trí chừng ấy chi tiết ăn khớp với nhau cho được mạch lạc, rồi “gỡ nút” ra cho được tự nhiên, phải có cái tài của nhà văn viết truyện trinh thám. Và chính Vũ Trọng Phụng có khi cũng sắp đặt câu chuyện cho mình y hệt truyện trinh thám. Ông già “bí mật” Hải Vân, Vũ Trọng Phụng dựng lên rất có vẻ trinh thám. Rồi cái “xen” Nghị Hách và ông già Hải Vân cầm súng lục, đi xe hơi trong đêm tối xuống Hải Phòng bắt quả tang vợ Nghị Hách ngoại tình, v.v... phần nào giống truyện trinh thám của Thế Lữ, Phạm Cao Củng hồi ấy.
III. Những nhân vật cảm tình của Vũ Trọng Phụng
Trong Giông tố có một số nhân vật mà Vũ Trọng Phụng ít nhiều có cảm tình: Thị Mịch, Long, Tú Anh, cụ Hải Vân và ông huyện Cúc Lâm. Qua những nhân vật này, chúng ta thấy tâm sự tư tưởng, lập trường của tác giả, bộc lộ càng rõ nét.
Thị Mịch là một nạn nhân của xã hội mục nát đó. Lẽ ra Thị Mịch phải là người tác giả có cảm tình nhiều nhất. Nhưng đối với nhân vật này, ngòi bút của ông không đều. Đoạn đầu, ông tả Thị Mịch là là một cô gái quê mùa, giản dị, chung tình, và sua khi bị Nghị Hách làm nhục, ông có tỏ một chút thương hại. Nhưng không bao lâu sau, dưới ngòi bút ông, người con gái ấy trở thành một nhân vật rắc rối, phức tạp, dâm đãng, nhất là có những cử chỉ vô duyên, đáng ghét của người đang ở cảnh nghèo khổ, bỗng được đổi sang sống trong cảnh giàu có, phong lưu. Trò đời thường như thế thật, nhưng tả một xã hội đáng ghét, rồi lại tả nạn nhân của xã hội ấy cũng đáng ghét nốt thì làm người đọc hết sức hoang mang.
... Long cũng là một nạn nhân khác của xã hội cũ. Vũ Trọng Phụng tả Long làm một kẻ chung tình, vì chung tình mà đau khổ rồi trở nên chơi bời, trác táng, không thiết gì đến gia đình nữa, sau cùng thì tự sát cạnh một gái giang hồ. Tình cảnh của Long cũng là tình cảnh nhiều người ngày trước. Đứng về tâm lý mà xét thì không có gì đáng nói. Nhưng suốt cuốn truyện dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng anh này hơi ồn ào, có những điệu bộ giả tạo, có những câu nói làm ra vẻ quan trọng, hết sức buồn cười. Long đóng vai trò của mình vụng về như một anh kép dở trên sân khấu ngoại ô...
... Tú Anh cũng thế. Tú Anh cũng là một vai đóng kém, mặc dù tác giả có nhiều cảm tình với nhân vật này. Vũ Trọng Phụng tả Tú Anh là một thanh niên tuấn tú, vị tha, bác ái, có lý tưởng. Đối với Nghị Hách, Tú Anh có rất nhiều quyền lực. Đó cũng là một điều hơi lạ, đối với một người bố như Nghị Hách. Chính Tú Anh đã bắt Nghị Hách lấy Thị Mịch làm vợ lẽ, bắt Nghị Hách gả Tuyết cho Long... Người đọc nghiệm thấy nhân vật nào Vũ Trọng Phụng có cảm tình nhiều nhất thì y như rằng nhân vật ấy trở thành giả tạo nhất. Quen tả những cảnh thối nát trong xã hội với những nhân vật đểu giả, thô bạo, nên ngòi bút của Vũ Trọng Phụng bất lực khi muốn tả một cái gì cao thượng, tế nhị, hay ông cho là cao thượng, tế nhị.
Điều này chúng ta còn thấy khi tác giả xây dựng nhân vật Hải Vân - ông già “cách mạng” bôn ba hải ngoại “nửa đời người tù tội”, “chín năm trời trốn tránh, gối đất nằm sương”, công việc của ông già hiện nay là về nước “hòa giải hai Đảng, điều đình cho Đảng Quốc gia cũ hợp nhất với Đảng Quốc tế mới”. Một người như vậy, mà Vũ Trọng Phụng làm cho chúng ta mất cảm tình, ông đã khoác lên người “ông già” những điệu bộ, những cử chỉ của những nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám dở. Mặt khác, không kể những đoạn thuyết về địa lý, số tử vi, - đây là những nghệ phụ mà nhà “cách mạng” này dùng để lọt vào đâu cũng được và dễ tránh con mắt tò mò của mật thám, nhưng trong nhiều trường hợp, “ông già” tỏ ra mê tín, dị đoan thực sự và cũng lại không “đáng kính mến về nhân phẩm” lắm, như bà Nghị Hách ca tụng...
... Cuối cùng đến ông huyện Cúc Lâm. Hình như Vũ Trọng Phụng mong mỏi rất nhiều về ông huyện tân học này lắm thì phải. Ông ta đỗ luật khoa tiến sĩ Ba lê, từng diễn thuyết và biểu tình với nhà văn Romain Rolland về chính trị phạm Đông Dương, về nước làm quan để mưu những việc ích quốc lợi dân. Vì thế, ông ta đã từ chối những cám dỗ bằng sắc đẹp và tiền bạc mà Nghị Hách đưa ra lung lạc ông. Ông ta quyết đứng về phía nhân dân, cự lại viên Tổng đốc để rồi đệ đơn từ chức, mở một phòng luật sư và một cơ quan ngôn luận bằng tiếng Pháp công kích chế độ quan trường... Không rõ về sau, ông ta công kích chế độ quan trường có đi đến đâu không, nhưng chỉ nghe câu ông ta đối đáp viên Tổng đốc thì hết sức chán:
- Bẩm cụ lớn, Nhà nước không cần phải đổi tôi đi xa. Dù tôi không làm quan thì tôi cũng không chết đói ạ! Bẩm cụ lớn, chẳng phải nói khoe gì, quan thầy của tôi trong Đảng Xã hội nay mai mà có sang nhậm chức Toàn quyền thì lúc ấy tôi sẽ làm quan cũng không muộn ạ! Mà nếu có phải làm quan, tôi sẽ cũng không làm quan huyện nữa!
Vũ Trọng Phụng mất năm 1939. Lúc sống, chắc ông cũng đã được mắt thấy những người trong Đảng Xã hội Pháp sang nhận chức Toàn quyền Đông Dương, có người còn làm đến chức Bộ trưởng Hải ngoại nữa, và chắc ông cũng được mắt thấy những người như ông huyện Cúc Lâm làm nước chức quan to hơn chức quan huyện, thế nhưng có phải vì vậy mình xã hội Việt Nam thay đổi được gì! Cái óc “bình dân” của ông huyện Cúc Lâm cũng chỉ đưa ông ta đến làm tay sai cho thực dân Pháp đắc lực hơn mà thôi! Bây giờ nêu điều đó ra, chỉ cốt mọi người thấy tư tưởng Vũ Trọng Phụng bị hạn chế như thế nào. Ông chưa thấy rõ con đường đi đúng, mặc dù ông oán ghét xã hội cũ, xã hội đồng tiền dưới ách phong kiến và thực dân. Ông có những ý định tốt, nhưng ông đặt hy vọng vào những người như Tú Anh, ông huyện Cúc Lâm thì sai lầm hết sức. Mặt khác, ông không biết xây dựng nhân vật “ông già” Hải Vân hiện thực hơn, nghiêm túc hơn để người đọc khỏi hiểu lầm về người cán bộ cách mạng.

* * *


Trong văn học hiện thực phê phán của ta trước Cách mạng, Giông tố của Vũ Trọng Phụng có một giá trị rõ nét. Ông đi sâu vào mặt trái của xã hội, đem phơi bày cái xấu xa, bỉ ổi cho mọi người trông thấy. Ông đã xã hội nên điển hình Nghị Hách sống mãi trong lòng người đọc. Đó là mặt ưu điểm. Nội điểm đó cũng đủ dành cho ông một địa vị xứng đáng trong lịch sử văn học nước ta ở thế kỷ này. Chúng ta không đòi hỏi ông phải có những nhân vật chính diện đúng lập trường. Điều đó, trước Cách mạng, với tư tưởng của một nhà văn tiểu tư sản như ông không thể làm được. Nhưng chúng ta không khỏi lấy làm tiếc, về mặt nghệ thuật, ngòi bút Vũ Trọng Phụng chỉ thành thạo khi vẽ hai hạng người, một là những kẻ vì đồng tiền mà trở nên lưu manh; hai là những kẻ lưu manh mà trở nên giàu có. Ông chỉ hiểu tâm lý những nhân vật như thế. Còn những nhân vật khác, thì ông bôi bác vụng về và ông điều khiển như những con rối... Một nhược điểm nữa, về hành văn tuy ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng sắc sảo và giàu bản chất tạo hình nhưng có đoạn ông không giữ gìn lắm. Đó là, tình trạng chung của một số nhà văn chúng ta ngày trước, phải viết nhanh, viết nhiều, bán văn nuôi thân. Nghĩ như vậy thì đáng thương hơn đáng trách. Vũ Trọng Phụng có những đóng góp quan trọng cho thể loại tiểu thuyết. Tiểu thuyết của ông đầy những xung đột căng, giàu kịch tính. Vũ Trọng Phụng đã xây dựng những nhân vật được cá thể hóa cao độ, đa dạng, phong phú về mặt thẩm mỹ, những con người đang đuổi theo những dục vọng cá nhân. Những màn bi kịch và hài kịch thay thế nhau, đan chéo nhau kết cấu Giông tố, tạo nên một sự hấp dẫn cuốn hút đối với người đọc.

(In trong Tác phẩm văn học, tập I, 1930-1945, NXB Khoa học xã hội, H., 1990)

ĐỌC LẠI GIÔNG TỐ CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH

1. Cái tên của tác phẩm: Giông tố
Trong chuỗi tác phẩm xuất sắc của Vũ Trọng Phụng ra đời liên tiếp năm 1936: Giông tố, Số Đỏ, Vỡ đê, Cơm thầy cơm cô, người ta thường đặt Số đỏ lên trên hết như một kiệt tác hoàn chỉnh nhất. Chúng ta không chối cãi giá trị nghệ thuật cao của Số đỏ, nhưng cần thấy Giông tố cũng là một tác phẩm lớn, một kiệt tác hiếm hoi trong nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
So sánh với Số đỏ,, tác phẩm này phải giải quyết những nhiệm vụ nghệ thuật nặng nề hơn. Nó phải quản lý một thế giới nhân vật đông đúc hơn, phức tạp hơn, gồm nhiều thành phần xã hội và nghề nghiệp khác nhau, từ xã hội nông thôn đến đời sống thành thị, từ lâu đài của bọn triệu phú đến túp lều nát của người nông dân, hay một xó xỉnh bẩn thỉu của một tiệm hút mạt hạng, từ sinh hoạt Âu hóa với những cô gái tân thời lãng mạn nhất đến cuộc sống bình dị, chất phác, cần lao của cô gái quê sau luỹ tre xanh, từ xã hội quan lại Tây và ta cấp huyện, cấp tỉnh đến bọn cường hào ở làng xã, từ giới trí thức, giới báo chí đến các nhà hoạt động chính trị gồm đủ các xu hướng khác nhau: quốc gia, quốc tế, Đệ tam, Đệ nhị, v.v... Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng thường mô tả những số phận luôn biến đổi, nghĩa là chuyển từ cảnh ngộ này sang cảnh ngộ khác hoàn toàn xa lạ, giống như được đổi đời vậy. Nhưng ở Số đỏ, nếu xem xét kỹ sẽ thấy thằng Xuân từ cuộc sống ma cà bông bước vào thế giới của bà Phó Đoan hay của những Văn Minh, TYPN, cụ cố Hồng, thực chất vẫn là từ môi trường lưu manh này đi vào môi trường lưu manh khác mà thôi. Và tính cách Xuân không có gì thay đổi, không cần gì phải thay đổi. Nhưng những nhân vật trong Giông tố thì khác. Thị Mịch từ gia đình cụ đồ Uẩn ở làng Quỳnh Thôn bước vào dinh cơ Nghị Hách thì là sự thay đổi hoàn toàn về nguyên tắc sống, về đạo lý sống. Hoặc như Long, từ anh viên chức mạt hạng trở thành con trai nhà triệu phú cũng vậy. Ngoài ra, khác với Số đỏ, Giông Tố phải sử dụng nhiều bút pháp khác nhau: bút pháp tiểu thuyết, bút pháp phóng sự điều tra, bút pháp tả thực, bút pháp lãng mạn, cả bút pháp truyện trinh thám nữa, rồi dựng đối thoại, độc thoại, nhất là độc thoại, v.v... Tác phẩm, vì thế, xét ở bộ phận, ở cấp độ chi tiết, quả là khó tránh khỏi những tỳ vết này, tỳ vết khác.
Nhưng cái hay của Giông tố chủ yếu là cái hay của tổng thể. Thực ra giá trị nghệ thuật của mọi tác phẩm văn chương trước hết đều phải đánh giá như thế mới đúng, vì tác phẩm nghệ thuật cũng như sự sống là những chỉnh thể sinh động. Đọc Giông tố phải cảm nhận cái không khí chung, cái âm hưởng chung, cái linh hồn chung của thế giới hình tượng của cuốn tiểu thuyết. Ấy là một xã hội quay cuồng đảo điên đến chóng mặt, biết bao tình huống trớ trêu, biết bao cuộc đời lên voi xuống chó, xuống chó lại lên voi, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông, khổ trở nên sướng, sướng hóa ra khổ, tất cả diễn ra trong tiếng cười, tiếng khóc, tiếng chửi bới, rên la, có khi lại vừa cười vừa khóc, tạo ra những tấn bi hài kịch về cái sự vô nghĩa lý, về cái “chó đểu” của cuộc đời. Một nhà nghiên cứu văn học Pháp nhận xét nhà văn Bandắc (H. de Balzac) có “một sức mạnh hiếm hoi của trí tưởng tượng tổng hợp” (une rare puissance d’imagination synthétique - Lanson). Cũng có thể đánh giá tác giả Giông tố như vậy. Đọc Giông tố, thấy gần như toàn bộ xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc thu nhỏ lại, thu hình lại - mà không phải xã hội trong trạng thái tĩnh tại mà trong trạng thái đầy biến động với các tầng lớp xã hội phân hóa hết sức dữ dội về kinh tế, xã hội, về chính trị và tâm lý. Dữ dội và nhanh chóng đến mức chính bản thân người trong cuộc cũng phải ngạc nhiên, bàng hoàng. Nhân vật cứ ngớ ra, cứ ngẩn mặt ra không hiểu ra sao cả, như Thị Mịch đến nhà Nghị Hách, như Long xuống nhà bà Nghị ở Hải Phòng, như mấy bố con Nghị Hách bắt quả tang bà Nghị ngủ với thằng cung văn..., như Nghị Hách bỗng gặp lại hải Vân và nghe ông ta nói vanh vách về tiền vận, hậu vận của mình, v.v... Như cả làng Quỳnh Thôn vừa hôm nào chứng kiến tai họa ghê gớm giáng xuống gia đình cụ đồ Uẩn đã lại được mời đến ăn cỗ cưới linh đình của cô Mịch lấy chính kẻ đã gieo tai họa cho mình..., vân vân... Những số phận thay đổi, những tính cách chuyển biến, đột ngột quá, đảo ngược quá, khiến các nhân vật cũng phải thay đổi thái độ với nhau một cách thật mau lẹ, như là quay 180o. Những cuộc sắp xếp lại các quan hệ một cách hấp tấp, vội vã như thế đã làm cho nhiều nhân vật giẫm đạp vào nhau, chơi xỏ nhau, tạo thành những màn đại hài kịch để tô rất đậm sự thối nát, sự chó đểu của những con người tráo trở, đổi trắng thay đen... Tóm lại xã hội Giông tố bày ra đủ cảnh tượng đảo điên, láo nháo, quay cuồng như đèn cù, như trong một cơn lốc mãnh liệt, một trận giông tố. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã đặt tên cho tác phẩm của mình là Giông tố. Cuốn tiểu thuyết lần đầu đăng trên Hà Nội báo từ số 1 (2-1-1936) với tên Giông tố, đến hết chương X thì bỗng dừng lại 7 tuần lễ. Nghe nói tờ báo đăng tải tác phẩm đã bị lôi thôi vì đụng đến một vị tai to mặt lớn đương thời. Khi tác phẩm đăng tiếp thì phải đổi tên thành Thị Mịch.
Như thế là tác giả ngay từ đầu đã cho tác phẩm của mình cái tên Giông tố. Một cái tên rất đúng với tinh thần của tác phẩm. Giông tố. Vâng, xã hội Việt Nam được phản ánh trong cuốn tiểu thuyết là một xã hội trong cơn giông tố. Nó làm đảo lộn tất cả, làm tanh bành tất cả và lật tẩy tất cả mọi thứ mặt nạ đắp điếm lên một cái thực chất bất công, tàn ác, đểu giả, thối nát, hết sức vô nghĩa lý của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.

2. Một quả bom ném vào một xã hội “chó đểu”

Có người nói mỗi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là một quả bom ném vào xã hội cũ. Nhưng phải nói, quả bom Giông tố có sức công phá mãnh liệt hơn cả.

Quả bom ấy là hình tượng thằng Nghị Hách.
Tính cách Nghị Hách là một tính cách bạo chúa. Nó dâm một cách bạo chúa, đểu một cách bạo chúa, ác một cách bạo chúa. Lý lẽ của mọi bạo chúa là tất cả phải sợ nó, phải phục tùng nó. Bạo chúa coi thân phận và sinh mệnh con người như rơm rác: đánh người, giết người, hiếp người không hề áy náy, ăn năn gì. Khi Long thuyết phục nó bồi thường cho Thị Mịch 300 đồng, nó giẫy nẩy lên kêu đắt quá. Nó có 11 nàng hầu, lại còn rắc con khắp thiên hạ, nhưng khi vợ nó ngủ với thằng cung văn thì nó lồng lộn lên như thú dữ. Vì nó có thể lừa người, phản người, chứ không ai được lừa nó, phản nó. Bạo chúa chỉ nghĩ đến thắng không bao giờ nghĩ đến thất bại. Nghị Hách là một tính cách như thế.
Nhưng sức công phá của trái bom Giông tố chủ yếu phóng ra ở chỗ nào? Tôi cho rằng ở hai vụ bê bối chính của Nghị Hách, một là trong quan hệ xã hội, hai là trong quan hệ gia đình của nhân vật này.
Vụ “xì căng đan” thứ nhất là vụ Nghị Hách bị kiện về tội hiếp dâm Thị Mịch. Vụ này thuộc về quan hệ xã hội nên được xét xử bằng tòa án của pháp luật xã hội, của công lý thực dân. Chẳng những Nghị Hách không bị kết tội mà chính gia đình cụ đồ Uẩn phải khốn khổ, có thể bị đi tù và cả làng Quỳnh Thôn thì điêu đứng mất ăn, mất ngủ. Rồi tri huyện Cúc Lâm bị mất chức, lý dịch làng Quỳnh Thôn bị đe dọa tù tội. Có lẽ chưa có tác phẩm văn học hiện thực nào đương thời đã lên án công lý của xã hội thực dân một cách trực diện, quyết liệt, sâu sắc và có nghệ thuật như thế.
Vụ “xì căng đan” thứ hai là vụ loạn luân trong gia đình Nghị Hách: hai anh em Long, Tuyết - con đẻ của Nghị Hách, trót có “dâm sự” với nhau. Vụ này thuộc quan hệ đời tư, quan hệ cá nhân, nên chỉ có thể được xét xử bằng tòa án lương tâm mà thôi. Nghĩa là Nghị Hách tự xét xử. Và đây là “lương tâm” của Nghị Hách, y xử cho hai đứa con đẻ chính thức lấy nhau và mượn luôn tình huống loạn luân này để đọc một bài diễn văn “đầy xúc động” (bài diễn văn thỉnh thoảng phải dừng lại để diễn giả lau nước mắt) về tấm lòng “thương xót” của hắn đối với bình dân.
Viết về Giông tố, Nguyễn Tuân đã “sợ” Vũ Trọng Phụng về đoạn văn này. Quả thật, phải là ngòi bút Vũ Trọng Phụng mới đủ sức dựng lên được một nhân vật bất nhân đến mức quỷ sứ đáng “sợ” như thế.
Cho đến nay, có thể nói, chưa có một nhân vật tư sản địa chủ nào trong văn học Việt Nam địch nổi nhân vật Nghị Hách, một con quỷ dâm ô, độc ác, đểu giả, trắng trợn cỡ bạo chúa. Một nhà văn nói với tôi: Đọc Nam Cao người ta bắt buộc phải suy nghĩ băn khoăn không dứt ra được. Đọc Vũ Trọng Phụng, người ta muốn hành động, muốn đập phá một cái gì cho hả giận. Giông tố là một quả bom chính là với ý nghĩa ấy.
3. Về nhân vật ông già Hải Vân
Một hồi người ta đã kết tội tác phẩm Giông tố chủ yếu xoay quanh nhân vật này đây.
Trước hết phải khẳng định, nhân vật ông già Hải Vân đúng là người đại diện tư tưởng chính trị, nói lên mơ ước về chính trị của Vũ Trọng Phụng. Một nhân vật được xây dựng theo bút pháp lãng mạn chủ nghĩa.
Trong một bài viết của mình(1) ông Văn Tân cho rằng tư tưởng chính trị của Vũ Trọng Phụng là tư tưởng quốc gia, vì người đại diện tư tưởng chính trị của trong Giông tố là nhân vật Tú Anh - nhà cách mạng quốc gia.
Thực chất không phải. Tôi cho rằng Tú Anh chỉ là người phát ngôn cho Vũ Trọng Phụng về quan điểm đạo đức, luân lý có màu sắc hư vô chủ nghĩa mà thôi. Nhân vật này chỉ có một lần xuất hiện để tự giới thiệu mình là nhà cách mạng quốc gia ở một chương gần cuối của Giông tố, khi anh ta tiễn chân Hải Vân ở bờ biển Móng Cái. Ta biết sau này Tú Anh mới vỡ lẽ ra rằng Hải Vân chính là bố của anh ta. Ông già bí mật này từ Mạc Tư Khoa về nước để giải quyết một món tiền cần cho quỹ Đảng, sau đó lại vượt biển đi dự một cuộc hội nghị ở Ma Cao gọi là để hợp nhất hai Đảng Quốc gia và Quốc tế. Tú Anh đã tiễn cha lên đường trong một đêm mưa gió. Trong khi đợi chiếc hải thuyền đến đón, hai cha con đã trò chuyện với nhau về tình hình chính trị trên thế giới đang chuyển mạnh sang phong trào cách mạng vô sản với nhiều hứa hẹn đáng phấn khởi cho giai cấp cần lao ở Đông Dương. Ông bố hỏi con về khuynh hướng chính trị. Người con cho biết theo tư tưởng quốc gia và đã bị ông bố phê phán với thái độ đầy khinh bỉ. Trong chương sách này, Vũ Trọng Phụng đã mô tả Tú Anh (nhà cách mạng quốc gia) trước Hải Vân như một chú gà con tội nghiệp trước một con đại bàng cất cánh để lao vào giông tố.
Như vậy rõ ràng là Vũ Trọng Phụng đã thể hiện tư tưởng chính trị của mình ở nhân vật Hải Vân, một người của Đệ tam quốc tế, một người cộng sản.
Đối chiếu Hải Vân với người chiến sĩ cộng sản trong đời sống hiện thực người ta đều thấy có nhiều điểm không chính xách: Chẳng hạn, người cộng sản mà lại đi tống tiền, người cộng sản mà lại tỏ ra mánh lới thủ đoạn chẳng những lừa Nghị Hách mà lừa cả Vạn tóc mai để bắt bí lấy tiền, người cộng sản mà lại tin tướng số và thuật địa lý. Đấy là chưa nói, qua cuộc trò chuyện với Tú Anh, Hải Vân còn nói nhiều điều khá mơ hồ về lý tưởng cộng sản. Căn cứ vào đấy, một thời gian, nhiều người đã quy kết tác phẩm Giông tố là xuyên tạc, bôi nhọ người cộng sản.
Ngày nay nhìn lại vấn đề, đặt Vũ Trọng Phụng trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong tình hình tâm lý xã hội cụ thể của lớp người cầm bút như Vũ Trọng Phụng, ta thấy vấn đề không có gì khó hiểu cả.
Một là Vũ Trọng Phụng cũng như bất cứ một người chưa là đảng viên cộng sản nào khác, làm sao có thể hiểu đúng được chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản.
Trong Từ ấy, ngay chính Tố Hữu nhiều khi cũng mô tả người chiến sĩ vô sản như là những anh hùng thời Chiến quốc. Văn thơ Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời trong phong trào cộng sản cũng chưa phải đã thể hiện được chính xác hình ảnh người cộng sản, cũng như quần chúng cách mạng.
Vấn đề đặt ra chỉ là thái độ của Vũ Trọng Phụng, qua nhân vật Hải Vân, có thiện ý với phong trào cộng sản và người cộng sản hay không. Ở đây người đọc không nên áp đặt cho nhà văn thời trước nhận thức chính trị của mình ngày nay. Nếu đặt mình vào tình hình ý thức và tâm lý của chính Vũ Trọng Phụng, ta sẽ hiểu nhà văn tỏ rõ thái độ cảm phục những con người như ông già Hải Vân; không phải ngẫu nhiên mà tác giả cho nhân vật này thuộc dòng dõi cụ Trạng Trình, mà mô tả ông ta như một con người “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự”. Gắn cho nhân vật của mặt trí tuệ lỗi lạc đó, đâu phải là bôi nhọ, mà ngược lại, chính là tỏ ý sùng bái người lãnh tụ cách mạng. Và nhà văn thấy cần chuyển cách viết của mình từ bút pháp hiện thực sang bút pháp lý tưởng hóa, phi thường hóa, lãng mạn hóa.
Còn Hải Vân là một con người thủ đoạn? Đúng là như vậy. Nhưng điều này cũng có thể giải thích được nếu ta biết rằng Vũ Trọng Phụng vốn quan niệm làm chính trị là phải có thủ đoạn. Ông tán thành cái gọi là chủ nghĩa Makiven về chính trị (Machiavélisme politique): “tous les moyens sont bons”(2). Mọi thủ đoạn đều tốt cả, miễn là đạt được mục đích của mình. Vấn đề là ở mục đích, ở lý tưởng chính trị có tốt đẹp không mà thôi, chứ đã là chính trị thì phải có thủ đoạn.
Ông già Hải Vân đã được mô tả như vậy. Một con người khôn ngoan và thủ đoạn, nhưng mục đích cuối cùng, lý tưởng cuối cùng là tốt đẹp, là cao cả, là vì Đảng, là vì giai cấp vô sản toàn thế giới. Còn người này sau khi tống tiền Nghị Hách được một vạn đồng cho quỹ Đảng đã lên đường đi Ma Cao. Ông nói với con trong giờ phút chia tay: “Ta không được coi nước Pháp là kẻ thù mà để cho bàn tay bí mật của phái quân Nhật nó thực hiện cái chương trình Liên Á bằng những khẩu hiệu ”Á Đông về tay người Á Đông"! Cái chế độ của nó làm khổ dân ta và chính sách của mấy nhà tư bản vua mỏ, vua ô tô, vua nhà băng, nhưng đó không phải là toàn thể nước Pháp! Ta có thể hy vọng vào cái nước Pháp bình dân của Ruxô (Rousseau), Đăngtông (Danton), Rôbexpie (Rôbespierre), Bơlum (Blum), Mutê (Moutet), rồi những người ấy sẽ có thế lực làm cho ta đỡ khổ. Mặc dầu bây giờ họ chưa có địa vị gì cả. Ta sẽ không được coi nước Pháp là kẻ thù riêng, trái lại ta có cả kẻ thù chung trong bọn đồng chủng của ta, cái phái tọa hưởng kỳ thành vẫn bóc lột cái phái lao động, thí dụ thằng Nghị Hách là một. Nhưng tư tưởng quốc gia của con vừa hẹp hòi vừa bất đạt. Phân biệt biên thuỳ với nòi giống là đồ ngu xuẩn, con nên đổi quan niệm cũ đi và nên coi những người Pháp nghèo khổ là bạn thân và bọn trọc phú An Nam là kẻ tử thù...". Ông ta lại khuyên bảo Tú Anh: “Đã có học thức, nhân phẩm lại có một lý tưởng mà thờ, con sẽ cố gắng làm những việc hữu ích cho dân chúng
[...]. Nếu con cũng như trăm nghìn kẻ khác, có tim, có óc mà ích kỷ, mà tham sinh uý tử, mà rồi cứu cánh là một cuộc đời trưởng giả, sống như chó, như lợn, vì kim tiền, vì ái tình, vì vật chất, vì hư danh thì mới đáng lo cho giống nòi.
Tôi đã nói về hai chữ Giông tố theo nghĩa thứ nhất. Nay có thể nghĩ đến một ý nghĩ khác của tên truyện, nhân nói về nhân vật ông già Hải Vân. Ông già này đã lên đường trong một đêm giông tố. Phải chăng Vũ Trọng Phụng đã gửi vào hình ảnh này niềm mơ ước của mình sẽ có một cơn giông tố vĩ đại của cách mạng quét sạch toàn bộ cái thế giới tàn bạo, thối nát của thằng Nghị Hách mà ông vô cùng căm ghét. Ông già Hải Vân ít ra cũng là một ước mơ vượt tình thế, một ước mơ nổi loạn của Vũ Trọng Phụng.
Như vậy không nên quy kết Vũ Trọng Phụng, qua nhân vật Hải Vân, là đã xuyên tạc, bôi nhọ người chiến sĩ cộng sản. Thực ra, đương thời, độc giả của Giông tố cũng không ai nghĩ như thế cả. Tác động khách quan của hình tượng này là tích cực, là có lợi cho cách mạng. Ông Trương Chính trong Dưới con mắt tôi (1939) đã coi ông già Hải Vân là “một người phong trần, có chí khí lớn, hoài bão
lớn”. Và một nhà phê bình khác, ông Xuân Sa, trên báo Nữ lưu (1937) viết: Trong cái xã hội “đài các phong lưu, ta chỉ thấy cái ích kỷ nhỏ nhen, cái bất lương tàn nhẫn ấy của Giông tố, may thay lại có một người, một người muốn phá hoại cái xã hội điên đảo ấy để kiến thiết một xã hội khác hợp với nhân đạo và công lý hơn. Con người ấy là ông già Hải Vân. Đại biểu cho giai cấp vô sản, ông già Hải Vân đã biết giác ngộ, đã biết để cái ”quốc tế" bao la trên cái quốc gia hẹp hòi. Và ông đã biết con đường hạnh phúc của giai cấp mình là trong sự tranh đấu. Cho nên ông hiến thân ông cho cách mạng để sống một cuộc đời luân lạc phong trần".
Vâng, Giông tố ra đời đầu năm 1936, chẳng những là một quả bom có sức công phá vào xã hội thực dân phong kiến, mà còn muốn mở đường đi tới một tương lai tốt đẹp, một tương lai mà mọi thằng Nghị Hách đều bị tiêu diệt hết để các giai cấp cần lao được hạnh phúc, ấm no. Với Giông tố, Vũ Trọng Phụng không chỉ là một thiên tài phủ định cái hiện tại đen tối mà còn là người dự báo một trận giông tố của cách mạng ngày mai.

11-10-1989
In trong Tạp chí Văn học, số 2-1990, tr. 31-36)

(1) Vũ Trọng Phụng qua Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ- tập san Văn Sử Địa, số tháng 4-1957.
(2) Nhân sự chia rẽ giữa Đệ tam và Đệ tứ quốc tế..., Đông Dương tạp chí, tháng 10-1937.

GIÔNG TỐ

NGUYỄN HOÀNH KHUNG

Tiểu thuyết Giông tố bắt đầu đăng trên Hà Nội báo từ số 1 (ra ngày 1-1-1936); được 11 số thì nghỉ, ít lâu sau lại đăng tiếp với nhan đề mới: Thị Mịch, 1937, Nhà xuất bản Văn Thanh in thành sách với tên cũ.
Vừa ra mắt, Giông tố đã có tiếng vang lớn đến nỗi, có người nói đó là quả bom nổ giữa làng văn khi đó. Đây là một trong hai tác phẩm tiêu biểu nhất cho sự nghiệp văn học của Vũ Trọng Phụng, có giá trị hiện thực và sức mạnh tố cáo độc đáo, đồng thời, cũng bộc lộ khá hệ thống những lệch lạc, những mâu thuẫn lắm khi có vẻ vô lý trong tư tưởng nhà văn.
Giông tố bao quát hiện thực trên một phạm vi rất rộng. Với cuốn tiểu thuyết dày dạn này, nhà văn muốn dựng nên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam đương thời. Câu chuyện trải ra từ nông thôn đến thành thị, trong nhiều khung cảnh rất khác nhau. Bấy nhiêu khung cảnh là bấy nhiêu môi trường sống, hoạt động của khá đông nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Và đằng sau những nhân vật có tên tuổi, diện mạo cụ thể đó, thỉnh thoảng hậu cảnh sân khấu Giông tố lại hé ra những đám đông thuộc một xã hội con con nào đó được vẽ bằng những nét ký họa sắc sảo, vừa là ngòi bút “tả chân” linh hoạt, vừa là ngòi bút tiểu phẩm châm biếm của nhà báo tài năng.
Đó là xã hội “làng bẹp” trên tiệm hút Mã Mây, “một xã hội thất vọng truỵ lực, muốn làm cho những điều thất vọng phải tan ra khói”, gồm “ông chủ sòng mà Sở Liêm phóng không thương hại, mấy cậu học trò vừa ra khỏi trường mà đã oán giận xã hội không trọng dụng nhân tài, cụ phán già không được cưới thêm vợ lẽ, ông nhà văn có sách mới bị cấm, tay chủ báo bị kiện về tội phỉ báng, tay phóng viên thiếu đầu đề, cô gái nhảy vừa đánh mất nhân tình, nhà tài tử cải lương không có người bao...”.
Đó là đám khách của Nghị Hách vào ngày nhà tư bản tính sổ doanh thương: “Bọn người mà bề ngoài đủ tỏ ra vẻ doanh nghiệp, vẻ sắc sảo, vẻ gian hùng ở những cái mũ cát két, ở những đôi giày ống, ở những cái kính cặp, ở những cái răng vàng, ở cái máy chữ xách được, ở những cái cặp da to kếch xù, ở cái ống đựng nước nóng lạnh trong 24 giờ, v.v... (...). Trong bọn ấy có anh coi đời như canh bạc lớn, làm việc thiện là để quảng cáo cho mình, làm điều ác mà bắt mọi người phải nhớ ơn, đọc đủ các báo chí mà không biết gì về văn chương mỹ thuật, tủ sách đầy những tập kỷ yếu các hội ái hữu, nhưng kỳ chung thật không có ai là bạn trên đời, cầm đến tờ nhật trình chỉ xem tin thương trường, tin gọi đấu thầu, các đạo nghị định, tin xuất cảng, nhập cảng, đã từng chủ tọa những cuộc ban giải văn chương, mà chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết. Lại có anh vừa cổ động kịch liệt cho Hội Phật giáo, lại vừa xây hàng dãy nhà săm... (...). Bọn người này là những mẫu hàng đặc biệt của công giới và thương giới. Bọn ấy đều hoặc là bạn hàng, hoặc là tay sai của Nghị Hách cả”.
Đó là “cái xã hội thượng lưu trí thức trưởng giả quý phái vân vân”, gồm đủ các quan chức Pháp - Nam trong tỉnh, đám thực khách sang trọng trong bữa tiệc linh đình ở phòng đại sảnh Tiểu Vạn Trường Thành lập vào dịp chủ nhân nhận thưởng bội tinh.
Rồi cái xã hội ăn chơi trác táng trong một chầu hát xóm Khâm Thiên, gồm “toàn những thiếu niên trí thức, cử nhân, tú tài, giáo sư...” mà lăn lóc trong “một cuộc cuồng dâm dữ dội, một bữa dạ yến long trời lở đất...”, v.v. ..
Hình ảnh những đám đông lố nhố đó đã gợi nên cảm tưởng rõ rệt về sự đông đúc, phức tạp của xã hội Giông tố, với đủ các lớp người, nhóm người rất khác nhau song đều là sản phẩm của chính xã hội nhố nhăng thối nát đó.
Hiện thực xã hội được phản ánh trong Giông tố đúng là phong phú, đầy đặn, đa dạng. Cuốn tiểu thuyết đầy ắp sự kiện, chi tiết về đời sống; nhiều mảng hiện thực sinh động được dựng lên chồng chất, kế tiếp... Ít có tác phẩm đương thời nào so được với Giông tố về dung lượng hiện thực đậm đặc và quy mô phản ánh rộng lớn như vậy.
Cốt truyện, tình tiết Giông tố chủ yếu xoay quanh một gia đình loạn luân nhưng nội dung, ý nghĩa tác phẩm vượt xa phạm vi sinh hoạt đạo đức gia đình; trước hết, đó là một bức tranh xã hội, được vẽ bằng những nét bút táo bạo, gay gắt mà chân thực, toát lên lời kết án dữ dội của nhà văn.
Đáng chú ý là bức tranh xã hội ấy không tĩnh lặng chút nào mà trái lại, rất động. Tình tiết lắm chỗ ly kỳ, đột ngột khôn lường, số phận các nhân vật lắm khi thật trớ trêu, lên voi xuống chó bất ngờ như trong bão lốc. Chưa thể nói nhà văn đã có được cảm quan chính xác về sự vận động biện chứng của hiện thực, nhưng quả là ông thật nhạy cảm với cái gọi là thế sự thăng trầm, trò đời điên đảo, thể hiện một cái nhìn năng động để cảm nhận được nhịp độ hối hả, sự quay cuồng dữ dội của đời sống. Trong “tấn trò đời” đầy những tình cờ oái oăm đó, thấy nổi lên hiện tượng mang tính quy luật: sự tấy lên giàu sang nhanh chóng của kẻ bất lương vô sỉ, và sự bế tắc, bị đè bẹp của những con người nhỏ bé trong guồng máy xã hội lạnh lùng.
Song giá trị hiện thực chủ yếu của tác phẩm không phải ở đó. Nếu trước đây, Vũ Trọng Phụng mới chỉ mơ hồ cảm thấy sự xung đột giàu - nghèo và sự bất công xã hội thì đến Giông tố, ông đã tiến tới cái nhìn “trên tinh thần giai cấp” - chữ dùng của Vũ Trọng Phụng - có khi khá sắc sảo. Giông tố đã phản ánh trực diện hiện thực từ góc độ mâu thuẫn giai cấp cơ bản và đã vạch ra khá chính xác những quan hệ xã hội thực của đời sống đương thời. Đó chính là chiều sâu của sự phản ánh, làm nên chất lượng hiện thực của tác phẩm.
Qua Giông tố, Vũ Trọng Phụng tỏ ra rất nhạy bén với sự bất công giai cấp hiện ra khắp nơi. Mở đầu tác phẩm là chuyện hiếp dâm, tình tiết gặp ở nhiều sáng tác của Vũ Trọng Phụng, và dễ dẫn ngòi bút nhà văn sa vào chủ nghĩa tự nhiên. Song, ở Giông tố, cốt truyện, tình tiết triển khai từ cái nút khai đề ấy đã đi theo hướng phân tích xã hội với tinh thần tố cáo. Qua vụ hiếp dâm bỉ ổi của tên triệu phú và vụ kiện kéo dài sau đó, bộ mặt tàn ác đểu cáng của “phái tư bản” được quan trên quan dưới che chở, cũng như thân phận con sâu cái kiến của người dân nghèo hèn trong cái xã hội hoàn toàn không có công lý đó, đã bị phơi trần.
Với niềm căm ghét sâu sắc cái xã hội trưởng giả sống phè phỡn thối nát, với cảm quan về sự bất công xã hội tiến tới cái nhìn “trên tinh thần giai cấp” được mài sắc do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Dân chủ, Vũ Trọng Phụng đã nắm khá chắc ngòi bút hiện thực để dựng nên một điển hình nghệ thuật bất hủ về tầng lớp tư bản xứ cỡ lớn trong xã hội Việt Nam thuộc địa nửa phong kiến đương thời: Nghị Hách.
Khác với những Nghị Quế, Nghị Lại, Bá Kiến - những địa chủ “nhà quê” của một vùng nông thôn nhỏ hẹp, Nghị Hách là một đại tư bản cỡ “phú gia địch quốc”. Tài sản của lão đại khái gồm “năm trăm mẫu đồn điền trên tỉnh... một cái mỏ than ở Quảng Yên... ba chục nóc nhà Tây ở Hà Nội, bốn chục nóc nữa ở Hải Phòng”. Lão sống hết sức xa hoa, đế vương với cái ấp Tiểu Vạn Trường Thành có “những tòa nhà nguy nga bề thế như những cung điện với người hầu như trong cung nhà vua”; với mười một cô nàng hầu “địa vị chả khác gì địa vị một cung phi” cùng hầu hạ một ông chồng mà họ khiếp sợ như một vị bạo chúa; với những tên Khuyển, Ưng dưới trướng để có thể sai đi gây tội ác bất cứ lúc nào...
Hai mươi sáu năm trước, Tạ Đình Hách mới chỉ là một bác cai thợ nề. Ngay khi đó, cai Hách đã là kẻ lường thầy phản bạn, có dã tâm cướp vợ bạn. Và kẻ chuyên lường đảo ấy không ngần ngại trước bất cứ tội ác nào. Lão đã từng “bỏ bã rượu vào ruộng lương dân rồi báo nhà đoan và chỉ bởi một thủ đoạn ấy đã tậu được ba trăm mẫu ruộng rất rẻ tiền”; đã “đánh chết người làm rồi vứt xác người ta xuống giếng mà khai người ta tự tử”. Mỗi thứ tài sản to nhỏ trong nhà tên triệu phú đó, cả mười một cô nàng hầu và cô vợ lẽ sống như trong lãnh cung ở phố Quan Thánh, đều có nguồn gốc gắn với một tội ác bỉ ổi của chủ nhân. Hải Vân xem tử vi cho lão mới kể “qua loa” cho lão nghe một số tội ác trước kia của lão: “thông dâm vợ người”, “lừa người được số bạc trăm”, “hiếp dâm”, “giết người”, “hai mạng người đã chết vì quan bác...”. Chưa thể nói Vũ Trọng Phụng đã chăm chú nghiên cứu quá trình làm giàu của giai cấp tư bản Việt Nam (quá trình đó của Nghị Hách chỉ được kể sơ sài, gián tiếp), song nhà văn cũng hé ra cái sự thực về con đường tích luỹ tư bản: đó là con đường đầy tội ác và hết sức bẩn thỉu, mỗi chân lông đều đẫm máu - như cách nói của Mác.
Miêu tả sinh hoạt xa hoa, dâm ô đồi bại và những tư cách đểu cáng vốn là sở trường của ngòi bút “tả chân” Vũ Trọng Phụng và đôi khi được tô đậm đến thừa thãi. Song nhà văn không phải chỉ thấy mặt thương luân bại lý mà bản chất chính trị phản động mang tính giai cấp của “phái tư bản” cỡ lớn cũng bị ngòi bút sắc sảo của ông phơi trần. Chương IV tác phẩm tả một cuộc đi dạo một vòng ô tô của Nghị Hách ở tỉnh lỵ là một chương khá đặc sắc. Trước hết, lão đến dinh Công sứ, “chắp tay vái dài lưng cúi thật khom” trước vị “quan cai trị” đầu tỉnh rồi ton hót với “ngài” về “cái phong trào cộng sản (...) sắp sửa lan đến tỉnh ta. Vậy con xin lấy tư cách một dân biểu mà trình báo để cụ lớn tiện đường cai trị cho tỉnh yên ổn”. Sau đó ô tô đưa Nghị Hách đến dinh Tổng đốc, cánh hẩu của lão, nhắc nhở quan “xúc tiến gấp” cái việc bảo “chú Tuần nó” nhận thông gia với lão, đồng thời, xúi bẩy ông “quan tắt” vô học này ra tay trị viên tri huyện trẻ Cúc Lâm - người không chịu dập tắt vụ kiện hiếp dâm theo ý lão. Chương XXI có màn hội kiến giữa một nhà tư bản “đại biểu cho một hội lý tài mới thành lập bên Pháp” và Nghị Hách, để làm một áp phe lớn là “cái độc quyền nước mắm ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ”. Chỉ vài trang sách, Vũ Trọng Phụng đã phơi ra ánh sáng sự móc ngoặc bẩn thỉu giữa bọn tư sản mại bản bản xứ và bọn thực dân; đã lật ra mặt trái của những cái gọi là Viện Dân biểu, là Đại hội đồng kinh tế... đã phanh phui những thủ đoạn bịp bợm trong cái trò hề bầu cử nghị viện, những mánh khóe của báo chí.
Thế là, vì “năm trăm cổ phần mà mỗi cổ phần là hai nghìn phật lăng”, vì “cái ghế Nghị trưởng cũng dắt đến cái mề đay Bắc Đẩu” và “còn làm được nhiều việc lợi khác”, Nghị Hách đã hăng hái nhảy ra tranh cử, hành động theo bài bản vạch sẵn của tên thực dân cáo già. Lão còn bỏ “250 tạ gạo và một nghìn đồng bạc” phát chẩn dân nghèo, để được báo chí ba kỳ tranh nhau ca ngợi “công đức nhà triệu phú có óc bình dân”, được quan Công sứ rất vui lòng “đại diện Chính phủ Bảo hộ, Chính phủ Nam triều gắn huy chương cho một người công dân rất xứng đáng (...), một bậc doanh nghiệp hiển hách ít có mà lòng nhân từ bác ái thì lại đáng treo gương cho dân bảo hộ soi chung”!... Trâng tráo, vô liêm sỉ, đó là nét nổi bật của hạng người tham tàn, bỉ ổi đó. Khi gặp lại khóa Hiền, “thằng phản bạn, thằng cướp vợ bạn đã ngồi trước mặt người bạn hồi ấy đã trung thành và khờ dại” đó thản nhiên thanh minh tội lỗi của hắn một cách trơ trẽn đến kỳ lạ: “Vâng, chẳng may bác phải tai nạn, còn trơ trọi bác gái sống một mình, thành ra tôi đem lòng thương. Từ cái thương đến cái yêu không xa, xin bác hiểu cho cái chỗ hèn yếu của lòng người” (!). Trong bữa tiệc khao được tặng huy chương, lão đã diễn thuyết hùng hồn, nước mắt lã chã và thề thốt thống thiết: “Tôi thương xót đồng bào tôi quá (...). Đẻ ra là bình dân, tôi xin giữ lòng trung thành với bình dân cho đến chết!”. Thế rồi, lão tuyên bố với mọi người: lão sẽ gả con gái lớn cho “một thiếu niên vô thừa nhận” mà lúc này lão biết rõ là con riêng của lão! Thật là trâng tráo vô sỉ tới tột cùng; hết sức kinh tởm!
Là “công dân trung thành với hai nhà nước”, ra sức kết vây cánh với quan lại, ôm chân bọn thống trị thực dân, căm ghét những tư tưởng tiến bộ và căm ghét Cộng sản, nhảy vào chính trị với động cơ đen tối và thái độ cơ hội trâng tráo, Nghị Hách có một bản chất chính trị rất phản động mang tính giai cấp rõ rệt. Vạch ra được điều đó, ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã chứng tỏ một bước tiến tới trong nhận thức, tư tưởng của ông và trong điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa của văn học Việt Nam.
Chỗ yếu của ngòi bút Vũ Trọng Phụng trong hình tượng nhân vật này chủ yếu không phải ở việc miêu tả quá tỷ mỷ, thừa thãi những chi tiết dâm ô, đểu cáng, mà là ở cái nhìn có phần choáng ngợp trước thế lực thống trị đen tối mà Nghị Hách là tiêu biểu. Nghị Hách được thể hiện như một bạo chúa có quyền lực tuyệt đối. Bóng đen của lão triệu phú gian ác trùm lên cả xã hội Giông tố. Những nạn nhân khốn khổ của lão dù đã quyết chí rửa thù, song cuối cùng đã đầu hàng thảm hại: Mịch trở thành vợ lẽ lão, Long thì vừa là con tiêng vừa là con rể của lão, ông bà đồ Uẩn đi kiện lão thì sau này vênh váo được làm bố vợ nhà tư bản, tri huyện trẻ Cúc Lâm không chịu để lão mua chuộc sai khiến thì bị lão làm cho mất chức... Trong khi đó, Tú Anh tuy tuyên bố “không bênh vực” hành vi đốn mạt của bố song lại đứng ra cứu chữa thanh danh, bảo vệ lão; quan Công sứ “hiền nhân quân tử hiếm có” thì rất khen ngợi Nghị Hách và đứng ra gắn huy chương cho lão; nhà “cách mạng quốc tế” thì trở thành người bạn cố tri, vị thượng khách của Nghị Hách, ra sức giúp lão cất một ngôi mả tốt để lão “sẽ giàu hơn nữa,... sẽ có Bắc Đẩu bội tinh”. Càng về cuối truyện, kể cả sau khi lão gặp chuyện “đau đớn về tinh thần”, Nghị Hách vẫn cứ sừng sững như “một ngọn núi hùng vĩ cao cả” trong khi những nạn nhân chỉ là “một bọn người nhỏ bằng cái đầu tăm”. Nếu điều đó có ý nghĩa phê phán thì đồng thời, cũng toát lên tâm trạng bi quan khiếp nhược của người tiểu tư sản trước sức mạnh đen tối được uy quyền hóa. Thực ra, viết như vậy là không phản ánh thật đúng thực tế xã hội Việt Nam đương thời, khi quần chúng lao động đang đấu tranh sôi sục dưới lá cờ của Đảng, đang tự khẳng định sức mạnh vĩ đại của mình.
Cũng như Nghị Hách, Long và Mịch là những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết. Cả hai đều là những nhân vật “nhỏ bé”, nạn nhân của xã hội tàn bạo, thối nát.
Long vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc chào đời, lớn lên trong tình thương bố thí lạnh lẽo của một trại trẻ mồ côi. Nhờ kiếm được chân thư ký ở một trường tư thục và có một tình yêu bình dị thơ mộng với một cô gái quê nhu mỳ, Long đã “xây đắp biết bao mộng đẹp”. Khi cô gái bị làm nhục, chàng chỉ còn trái tim ứa máu kêu gào trả thù. Nhưng nỗi đau, nỗi nhục của Long không chỉ có thế. Long kinh hoàng tới phát điên khi bỗng biết rõ sự thật về cuộc đời mình: chính lão Nghị Hách - kẻ cưỡng hiếp vợ chưa cưới của Long lại là bố đẻ của chàng! Như thế có nghĩa là Long đã lấy em ruột và thông dâm với... vợ bố! Đó là điều ô nhục kinh tởm quá sức chịu đựng của Long và có ý nghĩa tố cáo rõ rệt.
Số phận của Mịch cũng đau thương, ê chề không kém, cô gái quê trong trắng, trở thành nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp bỉ ổi. Cô và bố mẹ cô trông đợi ở ngọn đèn công lý nên đã viết đơn khởi kiện kẻ dâm ác, thì trước công đường, lão quan huyện già, kẻ đại diện công lý đã ném thẳng vào mặt Mịch những lời xúc phạm đến trắng trợn: “Con Mịch kia1 Mày là đứa hư thế! (...). Trước pháp luật, việc mày làm như thế là một việc làm đĩ không môn bài. Vậy mày có muốn làm nhà thổ suốt đời không?”. Chỗ bấu víu cuối cùng của Mịch là tình yêu thương, sự cảm thông an ủi của người chồng chưa cưới, thì chính người ấy cũng nghi ngờ, nói những lời mỉa mai đầy xúc phạm đối với cô. Ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã đạt tới sự sâu sắc khi miêu tả, phân tích tâm trạng lỳ lợm vì quá đau khổ, ê chề của Mịch. Khi ông muốn phân tích thăm dò tâm lý “ái tình bị thương” và “sự oái oăn”... của “lòng tự ái” trong Mịch thì chính là nhà văn đã chạm tới chiều sâu trong nỗi đau của cô gái quê đáng thương đó.
Tâm trạng Mịch đêm tân hôn cũng được tác giả thể hiện bằng ngòi bút vừa “tả chân”, vừa có chiều sâu phân tích tâm lý. Lối xưng hô “mày tao”, giọng ông chủ răn dạy con dâu, những cử chỉ thô lỗ, chớt nhả của “chú rể” triệu phú đã khiến cho Mịch “điên người lên” và “tê tái” cảm thấy “đủ mọi sự chua chát về phận lẽ mọn, nhất là lại lấy lẽ nhà giàu”.
Ở những chương đầu Mịch và Long vẫn là nhân vật của chủ nghĩa hiện thực, được viết với một cảm hứng nhân đạo rõ rệt nhưng càng về sau cả hai hình tượng đều càng mất đi tính chân thực, nhanh chóng trở thành những hình tượng minh họa cho tư tưởng chủ quan của tác giả.
Cả Long và Mịch đều thay đổi nhanh chóng về số phận và về tính cách. Sự biến chất của Long và Mịch đã được Vũ Trọng Phụng cắt nghĩa bằng quan niệm riêng. Theo ông, chính hoàn cảnh, cụ thể là “cái bả vật chất” đã có sức cám dỗ ghê gớm, làm biến chất con người, hầu như không ai đủ sức cưỡng lại.
Ở đầu truyện, Long được giới thiệu như là một con người “ngay thẳng có một”, “có chí khí”, “có hoài bão”; chính Long cũng có lúc tự kiêu: “mình là người có tâm hồn vững lắm”. Long đã nói nhiều lời lẽ cao thượng và cảm động với vợ chưa cưới, cam đoan yêu cô suốt đời và hứa quyết chí trả thù. Nhưng khi vừa bước chân đến ấp Tiểu Vạn Trường Thành nguy nga đồ sộ, chàng “đã hồi hộp lo sợ” (...) về cái thế lực ghê gớm", “như một ngọn núi hùng vĩ cao cả” của đối phương; rồi đến khi có dịp gần gụi... hai tiểu thư lãng mạn rẻ tiền, con gái lão Nghị, được giữ xe đạp cho các cô tập, thì Long thấy “lòng dục bùng lên như lửa bén vào rơm”... và lúc chia tay, đã hấp tấp tỏ tình với cả hai cô ở hai góc sân như một gã Sở Khanh! Từ đó, mấy câu khuyên giải của Tú Anh khiến cho lòng căm hờn và chí trả thù của Long tắt ngấm; thậm chí, Long còn hớn hở khi nghe ý định của Tú Anh gả em gái cho mình. Cuộc đời và lương tâm của chàng thư ký nghèo ấy cứ lay lắt vật vờ trước sự xô đẩy của số mệnh, nhất là trước sự cám dỗ của “bả vật chất”. Khi bị đặt trước sự lựa chọn giữa Mịch và Tuyết, hoặc chung tình với người vợ chưa cưới nghèo bất hạnh, hoặc một bước leo lên địa vị giàu sang, Long cứ ngả nghiêng, chao đảo; ban đầu bỏ Mịch lấy Tuyết theo lời Tú Anh, sau lại lừa dối Tuyết và Tú Anh để dan díu với Mịch. Tác giả đã khá chu đáo để giải thích có tính chất biện hộ cho những hành vi đó của Long, và để cho Long có những hối hận chân thành: “Tôi đã bắt đầu thấy rằng cái cuộc ái ân vụng trộm này đã hạ tôi vào hạng những kẻ thất phu, vô học, những kẻ mất nhân cách, những kẻ vô lương tâm”. Song thứ hối hận chu kỳ ấy không có lấy một chút sức mạnh nào để giữ con người lại trước vực thẳm sa đọa mà dường như chỉ xoa dịu lương tâm anh ta, để anh ta cảm thấy yên lòng hơn trong việc tiếp tục trượt dài trên cái dốc sa đọa, tội lỗi mà thôi.
Cuối cùng, nhân vật “có học”, “tâm hồn trong sạch” đó đã trở thành công cụ bẩn thỉu trong tay lão tư bản gian hùng, vẫn im lặng nhận lời lấy Tuyết ngay cả sau khi biết đó là em ruột, vẫn phơi mặt trước đám cử tọa sang trọng trong bữa tiệc của Nghị Hách làm món hàng quảng cáo giật gân cho lão, và sau đó vẫn chung đụng loạn luân với Tuyết. Vậy là Long đã đi tới sự tận cùng của đốn mạt. Có những lúc, Long tự quan sát “giải phẫu” sự thay đổi một cách đáng sợ của mình, của Mịch và truy tìm nguyên nhân: “Sau cùng, Long tìm ra được cái bả vật chất”, “người ta thay đổi là vì hoàn cảnh”, “mấy ai là chống chọi nổi với hoàn cảnh”.
Khám phá, khẳng định tác động của hoàn cảnh đối với tính cách là một cống hiến lớn của chủ nghĩa hiện thực. Song với Vũ Trọng Phụng, vai trò của hoàn cảnh được tuyệt đối hóa và chỉ tác động một chiều, con người chỉ là nô lệ của hoàn cảnh. Và theo nhà văn, con người không chỉ bị chi phố bởi hoàn cảnh bên ngoài mà còn là nô lệ của những dục vọng ích kỷ của chính mình. “Cái hèn yếu của lòng người” được nhà văn tuyệt đối hóa như một sức mạnh ghê gớm ngoài con người và tác động như một định mệnh. Từ đó, sự nhu nhược đến thảm hại và lương tâm vật vờ, rách nát của Long dẫn đến sự soa đọa của chàng được nhà văn thể hiện với sự cảm thông, biện hộ. Ông để cho Long tuy có hối hận nhưng lại rất yên tâm về sự soa đọa của mình: “Long thấy mình không có điều gì trái đạo cả. (...) Long hình như không phải chịu trách nhiệm những cử chỉ của mình. Long đã hoàn toàn bị sai khiến”, “Long thấy ông Đồ, Mịch và Long chỉ là bọn người đáng thương hại mà thôi. Hình như trong đời vẫn có một sức mạnh huyền bí gì đó, vẫn cầm quyền cuộc đời đến nỗi không còn ai lại tự chủ nữa”. Đằng sau giọng điệu hư vô cao đạo đó là niềm bi quan sâu sắc về sức mạnh của nhân phẩm, về con người. Nhà văn cho rằng không đáng đòi hỏi con người phải chịu trách nhiệm về nhân cách của mình. Con người không đáng được đánh giá - “người đời không ai đáng yêu, không ai đáng trọng, không ai đáng khinh”, tất cả chỉ đáng “thương hại” mà thôi! Thực chất, đó chính là tư tưởng suy đồi, xa lạ với tinh thần nhân đạo chân chính.
Hình tượng Mịch còn bị làm hỏng một cách đáng tiếc hơn nữa. Chính Long cũng phải ngạc nhiên: “Mịch ra đi từ một gái quê ngây thơ hiền lành, chất phác, đến một thiếu phụ gian dâm, lãng mạn, xảo quyệt đáng sợ”. Mặc dù tác giả đã chu đáo để chứng minh rằng sự thay đổi đó là do hoàn cảnh, địa vị thay dổi của Mịch, rằng Mịch ngoại tình chỉ vì vẫn chân thành yêu Long, rằng Mịch phản bội Nghị Hách chỉ là để trả thù, v.v... nhưng, rõ ràng, sự biến chất của Mịch được tác giả giải thích chủ yếu bằng niềm khao khát nhục dục một cách bệnh hoạn của nhân vật. Ông đã để cho Mịch “nhớ lại” lúc bị hiếp dâm “say sưa như người háu đói” vậy. Mịch thả mình trong những cuộc “ngoại tình bằng tư tưởng”, “tưởng tượng ra những cảnh dâm dục ghê gớm hưởng với mọi kẻ qua đường”. Bản chất xã hội của nhân vật đã bị xóa mờ, Mịch chỉ còn là một hình tượng luận đề, nghiên cứu một “ca” tâm sinh lý để chứng minh cho quan điểm Vũ Trọng Phụng về “căn tính dâm đãng của loài người”, “đã là người thì ai cũng dâm” (!). Quan điểm sinh lý thô bạo của chủ nghĩa tự nhiên và ngòi bút phân tích tâm lý có khuynh hướng suy đồi của nhà văn đã làm mất đi tính chân thực và ý nghĩa tích cực ban đầu đầy hứa hẹn của hình tượng.
Long và Mịch không phải là những hình tượng nghệ thuật thành công, tiêu biểu cho sức bút mãnh liệt của Vũ Trọng Phụng. Mà đó là những hình tượng phản ánh rõ nhất tính chất phức tạp, đầy mâu thuẫn của ngòi bút tác giả, trong đó có sự tranh chấp đan xen tư tưởng nhân đạo và quan điểm suy đồi, giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên, giữa tài năng sắc sảo và lối viết minh họa...
Trong hệ thống nhân vật của toàn bộ sáng tác Vũ Trọng Phụng, Tú anh có một vị trí đặc biệt. Có thể nói, đó là nhân vật phát ngôn trực tiếp, đầy đủ và hệ thống hơn cả những khái quát nhân sinh của nhà văn.
Đó là mẫu người lý tưởng đích thực của Vũ Trọng Phụng: “một người ngồi trên đống bạc mà không bị ánh sáng hoàng kim chiếu lóa mắt, đương tuổi thanh xuân mà thản nhiên được trước ái tình; một người học thức cao, nhân phẩm cao, một người hữu ích rất hiếm có vậy”. Là ông chủ hào hiệp, ân nhân, người tri kỷ, thậm chí còn là người chỉ đạo lương tâm của Long, Tú Anh còn như là lương tâm sống của tất cả đám nhân vật quay cuồng trong Giông tố. Không những thế, chàng còn là nhà hoạt động cải tạo xã hội, luôn đứng ra gây dựng, sửa chữa những cảnh đời bất công. Song trước những hoạt động gọi là vị tha cao thượng “chỉ có chịu thiệt mà không hề câu lợi” của Tú Anh có ý nghĩa gì? Thu xếp để Mịch “được” làm lẽ Nghị Hách và Long “được” lấy Tuyết, để Mịch và Long được “đền bù” - theo cách nghĩ của kẻ có tiền - Tú Anh chỉ khiến cuộc đời họ càng tan nát mà thôi. Chưa nói rằng ý định gả Tuyết cho Long của Tú Anh cuối cùng lại trùng hợp với âm mưu bẩn thỉu của chính Nghị Hách; và điều không hiểu nổi là, sau khi đều biết Long và Tuyết là anh em ruột, không những Nghị Hách mà cả Tú Anh vẫn cứ mặc nhiên thực hiện ý đồ của mình, đẩy họ vào cuộc loạn luân kinh tởm! Chàng đã vui sướng khi thấy báo chí ca ngợi “nhà triệu phú Tạ Đình Hách phát chẩn cho bần dân”. Tức là với ông bố gian ác đểu cáng, Tú Anh không có hành động nào khác ngoài việc chạy chữa thanh danh cho lão, ngăn chặn mọi sự chống đối hướng vào lão, chia sẻ những thắng lợi của lão. Tú Anh, trước sau vẫn chỉ là đứa con trung thành của giai cấp tư sản mà thôi, dù là đứa con sạch sẽ “hiếm có”. Về thực chất, hoạt động của Tú Anh chỉ là chủ nghĩa cải lương tư sản không hơn. Vũ Trọng Phụng căm ghét bọn tư bản phè phỡn tàn ác song ông trông cậy ở lòng từ thiện của những cá nhân trí thức tư sản “có tim có óc”. Chính “nhà cách mạng quốc tế” Hải Vân cũng bảo Tú Anh: “Đã có học thức, nhân phẩm lại có một lý tưởng mà thờ, con sẽ cố gắng làm những việc hữu ích trong vòng pháp luật thì làm gì không trở nên một người hữu ích”. Sau khi biết mình không phải là máu mủ Nghị Hách và lại được Hải Vân giác ngộ, Tú Anh vẫn tiếp tục “sống ở xã hội như cũ:, ”sẽ ăn ở với lão (Nghị Hách) như trước", vẫn cứ là cậu cả được cưng chiều của nhà tư bản, để thường đọc sách đến 3 giờ sáng và chờ có dịp thì “sẵn lòng hy sinh một chút tài sản của Nghị Hách đi, thế là được rồi”! Chủ nghĩa cải lương mang tính chất ban ơn đó lại rất phù hợp với tư tưởng chính trị của Vũ Trọng Phụng.
Nếu lý tưởng “quốc gia” của Tú Anh không phải là quan điểm chính trị của Vũ Trọng Phụng thì quan điểm nhân sinh, đạo đức của nhà văn lại gửi gắm đầy đủ, trực tiếp và có hệ thống ở nhân vật trí thức này. Về mặt đó, nhân vật Tú Anh là cái loa, là người phát ngôn trực tiếp của tác giả. Đó là chủ nghĩa hoài nghi khinh bạc cao độ, được nâng lên một cách cực đoan thành chủ nghĩa hư vô có màu sắc khuyển nho (cynisme), một biểu hiện của chủ nghĩa bi quan định mệnh vốn ăn sâu trong tư tưởng Vũ Trọng Phụng. Đáng chú ý là triết lý yếm thế tiêu cực đó lại được Tú Anh dùng làm liều thuốc an thân để xoa dịu, chữa chạy vết thương xã hội. Sau khi thuyết phục Long “không biết gì sự đời”, Tú Anh đưa ra “cái đạo của người quân tử”: “Biết hy sinh đi, biết tha thứ cho hết thảy kẻ có tội với mình (...) đừng oán giận ai nữa, đừng nên coi sự đời là to
(...) nên luôn luôn giữ sự im lặng, vì chỉ có sự im lặng mới tỏ ra được cái khinh bỉ sự vật, vì chỉ có sự im lặng là thanh cao mà thôi...”. Thực chất của cái đạo “quân tử” đó chỉ là nhắm mắt đầu hàng, thủ tiêu đấu tranh chứ không có gì khác. Giai cấp thống trị yên tâm biết mấy nếu những kẻ bị nó chà đạp, lăng nhục “không oán giận”, cứ “im lặng” để “khinh bỉ sự vật” như lời Tú Anh! Đó là chưa kể luận điệu “loài người không ai ác, không ai tồi (...) chỉ là một lũ nhầm lẫn đáng thương” của Tú Anh rõ ràng thể hiện một quan điểm hết sức mơ hồ, vô tình biện hộ cho thế lực thống trị mà tác giả đã phê phán mạnh mẽ. Có lẽ không đúng nếu cho rằng Tú Anh là nhân vật nguy hiểm, đeo mặt nạ ông Thiện và đóng vai triết gia cao đạo để dập tắt sự chống đối, bảo vệ quyền lợi giai cấp thống trị. Song là triết gia hư vô, khinh bạc, yếm thế - thể hiện tư tưởng hoài nghi bi quan của Vũ Trọng Phụng - đồng thời là nhà hoạt động từ thiện cải lương - thể hiện lập trường chính trị của tác giả - nhân vật “tích cực” đó chỉ là sự kết hợp đầy mâu thuẫn những yếu tố tiêu cực trong thế giới quan của ông mà thôi. Chính vì vậy mà nhân vật lý tưởng được tác giả gửi gắm tin cậy nhất này lại hết sức giả tạo, không có giá trị hiện thực. Không phải chỉ vì nhà văn vụng về để cho nhân vật làm cái loa cho tác giả, thuyết lý quá nhiều mà chủ yếu là nhân vật này chỉ là sản phẩm thuần tuý chủ quan của nhà văn, không mang bản chất xã hội, không có bề dày hiện thực.
Xung quanh nhân vật Hải Vân đã có những ý kiến giải thích, đánh giá rất khác nhau. Vì đây là hình tượng người cộng sản, “nhà cách mạng quốc tế” nên nó trực tiếp thể hiện nhận thức, thái độ chính trị của Vũ Trọng Phụng và do đó, một thời từng có ý nghĩa quyết định trong việc đánh giá nhà văn.
Đúng là hình tượng nhà cách mạng quốc tế này hoàn toàn xa lạ với người cộng sản chân chính. Một cốt cách giang hồ, có dáng vẻ ly kỳ bí mật của nhân vật tiểu thuyết trinh thám, lại phảng phất bậc hiền triết phương Đông, thông tuệ cả nho y lý số, “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự”, thấu hiểu thiên mệnh; đồng thời lại như một nhân vật cầm đầu “hội kín” lợi hại, hành tung bí mật, bản lĩnh cao cường, lắm thủ đoạn, lắm âm mưu, giỏi tổ chức bắt cóc, tống tiền, giỏi cả lái xe hơi, bắn súng lục, thôi miên... Hành trạng con người này đầy tính chất kỳ quặc, nhất là dưới mắt người đọc hôm nay. Nhà “cách mạng quốc tế” quan trọng ấy nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản từ nước ngoài trở về “điều đình cho Đảng Quốc gia cũ hợp nhất với Đảng Quốc tế mới”, sau đó lại bí mật xuất dương “để kịp dự cuộc Hội nghị đỏ Viễn Đông”... đã xuất hiện một cách giật gân trên sân khấu Giông tố, với tư cách bạn cũ và thượng khách của tên triệu phú gian ác, đặt mồ mả cho lão, giúp lão tránh được cái thế “hoạnh phát hoạnh tán”, cam đoan làm cho lão “lên được ghế Nghị trưởng và được Bắc Đẩu bội tinh”, để được lão hậu tạ một vạn đồng... làm quỹ Đảng! Hải Vân đã từng dính líu vào chuyện ngoại tình, loạn luân trong gia đình Nghị Hách; giờ đây về nước, ông ta cùng tên vô lại Vạn tóc mai bày trò bắt quả tang vợ Nghị Hách ngoại tình và nhận lại con trai bấy lâu vẫn “gửi” Nghị Hách!... Nhà “cách mạng quốc tế” ấy còn hiện ra là một lão thầy tướng số, đoán đâu trúng đấy, hơn hẳn “những anh thầy số ở bờ hè phố Hàng Ngang, Hàng Đào”, luôn miệng nói đến “số giời”, “số mệnh xui khiến cả...”. Xét về ý nghĩa khách quan, đối với người đọc ở miền Bắc sau Cách mạng, hình tượng ông già Hải Vân giống như một biếm họa, một sự xuyên tạc về người cộng sản.
Song dù vậy, có căn cứ để nói rằng Vũ Trọng Phụng đã dựng lên hình tượng nhân vật người chiến sĩ cộng sản này với niềm kính phục, tin tưởng chân thành mà không hề có ác ý. Chính Hải Vân là nhân vật trực tiếp phát ngôn về nhận thức, quan điểm chính trị, cả về niềm tin vào “số mệnh: của Vũ Trọng Phụng. Trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, chỉ ở Giông tố mới xuất hiện xu hướng vượt tình thế, và điều đó cũng chỉ thật sự biểu lộ ở nhân vật Hải Vân. Đây là nhân vật được xây dựng với bút pháp đầy lãng mạn, có những nét bay bổng, khoáng đạt - tuy lắm chỗ dễ dãi, tuỳ tiện. Hải Vân hiện lên như một con người phi thường, toàn năng, ”một bậc kỳ tài", khác hẳn đám nhân vật nhợt nhạt, bất lương trong Giông tố. Cái tên Hải Vân và cái cảnh “giông tố” mịt mùng trên biển khơi, lúc Hải Vân lên thuyền vượt biển ra đi, để lại Tú Anh ngây ngất trông với theo ở trên bờ... rõ ràng có ngụ ý và thật lãng mạn! Con người này vụt đến vụt đi, không bị một ràng buộc nào; đó là con người của bốn phương “không thu chặt lòng yêu vào gia đình... mà là để muốn biết cả nhân loại, muốn biết cả xã hội”, “chí bình sinh là đem tiền kiếm được của bậc phú quý ra san sẻ cho kẻ bần hàn”, “nửa đời tù tội (...), chín năm giời trốn tránh, gối đất nằm sương”... Đó là con người ung dung tự chủ, thấu suốt lẽ trời, nắm chắc tương lai; con người tung hoành bốn bể với sứ mệnh trọng đại liên quan đến toàn xã hội! Không có gì lạ nếu nhiều người đương thời thấy ở Hải Vân “một người phong trần, có chí khí lớn, có hoài bão lớn”(1). Có thể nói, nhà văn đã thể hiện người cộng sản theo nhận thức ấu trĩ và tâm lý tiểu tư sản của ông. Ông tưởng đâu nhà cách mạng cộng sản phải là “bậc kỳ tài”, sáng suốt và bản lĩnh cao cường khác thường. Mà với Vũ Trọng Phụng, tài nào, sáng suốt nào bằng giỏi tướng số, thấu hiểu mệnh trời, uyên bác cả thiên văn, địa lý... và cao cường nào bằng các thủ đoạn tống tiền, bắt cóc, ám sát(2), v.v...! Và nhà cách mạng quốc tế ấy lại khẳng định đường lối chính trị, “cải tạo xã hội trong vòng pháp luật”, lên án gay gắt đường lối bạo động của phái “quốc gia”. Tác giả đã gắn cho nhân vật cộng sản tầm cỡ này quan điểm chính trị cải lương vọng ngoại lầm lạc cùng tư tưởng bi quan định mệnh đầy tính chất mê tín của chính ông. Thành thử, nhân vật trọng yếu của Đảng Cộng sản được thể hiện như là nhân vật tích cực, lý tưởng đó chỉ là sự lắp ghép tuỳ tiện những yếu tố mâu thuẫn nhau đến vô lý trong tư tưởng tác giả, và do đó, khó có được chút giá trị chân thực nào. Song, ở hình tượng nhân vật lý tưởng đầy lãng mạn đó, Vũ Trọng Phụng đã gửi gắm khát vọng và niềm tin trong sáng về cải tạo xã hội, thiện cảm và lòng ngưỡng mộ đối với người cộng sản theo cách hiểu của ông. Xét theo quan điểm lịch sử, Hải Vân là một hình tượng nhân vật tích cực.
Nhìn chung lại, trong Giông tố, Vũ Trọng Phụng đã thành công xuất sắc trong việc dựng lên một điển hình bất hủ về tầng lớp đại tư sản phản động thối nát đương thời; ông khá chông chênh và không thật thành công trong việc thể hiện quần chúng bị áp bức, nạn nhân của xã hội; và nhà văn chệch khỏi con đường hiện thực khi dựng lên những nhân vật tích cực, cải tạo xã hội.

Nói thêm về nghệ thuật Giông tố

Trong tác phẩm có dung lượng phong phú bề bộn như Giông tố, tài năng nghệ thuật của tác giả tỏ ra không đều tay. Giông tố không thuộc loại tác phẩm có phẩm chất nghệ thuật toàn bích mà có những mặt yếu rõ rệt. Song, Giông tố có những đặc sắc riêng, thể hiện một bản lĩnh nghệ thuật già dặn, độc đáo, một bút lục mãnh liệt ít thấy trong văn học đương thời. Nhìn tổng thể,
Giông tố xứng đáng được coi là kiệt tác, cùng với Số đỏ. Trước hết, Giông tố thể hiện một năng lực bao quát hiện thực trên một bình diện rộng lớn, phức tạp, với nhiều địa bàn, nhiều mảng đời sống, nhiều tầng lớp xã hội. Không phải không có chỗ còn tham lam, ôm đồm, có khi thừa thãi, song nhìn chung, tất cả được thâu tóm trong một cốt truyện chặt chẽ, liền mạch, từ đó tỏa ra trên bề rộng, tạo nên sự phong phú, dày dặn của đời sống xã hội được phản ánh. Các nhân vật có số phận khác nhau song đan kết chằng chéo với nhau. Tuy bề bộn nhưng tác phẩm không bị xé lẻ, tãi mỏng mà khá thống nhất trên một cốt truyện, một tình tiết chủ đạo, mang một không khí, một giọng điệu chung, toát lên một tư tưởng cơ bản chung.
Đáng chú ý là nhịp độ vận động Giông tố rất khẩn trương gấp gáp, sự việc diễn biến bất ngờ, đầy kịch tính, gợi ấn tượng sâu về cuộc đời điên đảo, thế sự thăng trầm. Đó chính là đặc điểm trong cảm quan hiện thực, trở thành ý thức nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Tuy cuối cùng, nhà văn nghĩ đến “bàn tay của Hoàng thiên”, song dù sao cũng chứng tỏ ông đã cảm nhận được mạch đập hối hả, rối loạn như trong cơn sốt của xã hội đang hết sức quay cuồng khi đó.
Giông tố có rất nhiều cảnh được miêu tả thật linh hoạt, sống động, đọc và nhớ mãi. Cảnh xử kiện của quan huyện già Cúc Lâm, cuộc tiếp kiến quan Công sứ và Tổng đốc của Nghị Hách, cuộc hội kiến giữa Nghị Hách và tên thực dân cáo già, đại diệm một công ty tư bản, bữa tiệc mừng Nghị Hách được huy chương, cảnh Vạn tóc mai tiếp Hải Vân... đều rất sinh động, như hiện ra mồn một trước người đọc. Vũ Ngọc Phan đã nhận xét về “ngọn bút tả chân” của Vũ Trọng Phụng:
“Ngọn bút ấy thật là sắc sảo, nó tả như vẽ, chỉ vài ba nét người ta đã hình dung được những cảnh vật mà tác giả định tả với màu sắc linh động vô cùng”(3)
Thành tựu nghệ thuật nổi bật nhất của tác giả Giông tố là đã dựng nên một hình tượng điển hình xuất sắc về giai cấp tư sản phản động nhất đương thời. Tính cách Nghị Hách thật là đa dạng, được soi sáng từ nhiều bình diện: sinh hoạt, đạo đức, cơ sở kinh tế, quá trình làm giàu, thái độ chính trị...; được đặt trong nhiều mối quan hệ, gia đình, xã hội... Đó là một hình tượng đầy đặn, phức tạp, có bề dày xã hội, đồng thời, lại là một cá tính hết sức độc đáo, song không phải độc đáo kiểu biếm họa của nghệ thuật trào phúng mà là con người sống động mang tính chân thực cao, giống như bản thân đời sống. Nét nổi bật nhất trong tính cách lão dân biểu Tạ Đình Hách là gian hùng, dâm ác, trâng tráo... Hắn lạnh lùng ra lệnh cho tài xế phóng ô tô chẹt chết người trương tuần, thản nhiên hút thuốc phiện trước cảnh Tài Nhì đang “oằn mình như sợi tóc hơ trên ngọn lửa” vì cơn mưa roi cá đuối do lệnh của lão... Hành động cưỡng dâm bỉ ổi trên ô tô, giọng chớt nhả với Thị Mịch đêm tân hôn, cảnh hú hý với Thị Tín, cô nàng hầu trẻ nhất... phần nào thể hiện thói dâm ác đểu cáng của Nghị Hách. Và nhà tư bản gian ác dâm đãng ấy là một kẻ hết sức trâng tráo! Chương XXIX - cảnh Nghị Hách mở tiệc nhân dịp được huy chương và lão diễn thuyết, theo Nguyễn Tuân, “sự trâng tráo của cái xã hội lấy của đè người ấy lại còn lên tới cái mức mặt dày mày dạn vô liêm sỉ cao độ mà chỉ có ngòi bút Vũ Trọng Phụng mới phân tích nổi và tổng hợp được hết”(4)
Nếu trong tiểu thuyết truyền thống, cốt truyện lấn át tính cách, hành động lấn át tâm lý - điều này, tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan chưa vượt được - thì ở Vũ Trọng Phụng, tuy vẫn rất chú ý dựng lên một cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ, nhưng đã tỏ ra khá sắc sảo trong việc thăm dò, phân tích tâm lý phức tạp của con người. Giông tố có những đoạn miêu tả, mổ xẻ tâm lý thật sắc sảo: tâm sự Mịch khi nằm nhà thương, xót xa, tủi nhục, không dám gặp mặt người yêu vì xấu hổ (Chương V); tâm trạng hằn học có chút lỳ lợm, liều lĩnh của Mịch vì tình yêu và lòng tự ái đều bị tổn thương khi cảm thấy bị Long nghi ngờ, rẻ rúng (Chương XV), nỗi uất hận chua xót của Mịch về thân phận lẽ mọn nhà giàu, bị bỏ rơi, nhớ người tình cũ đã phụ bạc (Vũ Ngọc Phan coi đó là “một đoạn thật hay”)... Tuy vậy, ở Giông tố, Vũ Trọng Phụng cũng chỉ mới thành công trong việc thể hiện, phân tích những mảnh tâm trạng cụ thể mà chưa thật thành công trong việc thể hiện cả quá trình phát triển tâm lý, tính cách của nhân vật theo nguyên tắc hiện thực chủ nghĩa. Quá trình tha hóa của Long và Mịch được thể hiện có phần sơ lược, không thật, tâm lý nhân vật bị uốn nắn theo quan điểm chủ quan của tác giả hơn là phát triển tuân theo lôgíc tự thân. Bản chất xã hội của những nhân vật đó bị xóa nhòa dần và việc miêu tả tâm lý cũng trở nên thiếu chân thật. Trong Giông tố, cũng có chỗ tác giả ham chạy theo tình tiết, sự kiện mà bỏ quên tâm lý. Chương XXIX mà Nguyễn Tuân cho rằng tác giả tỏ ra “mạnh nhất và cao tay nhất về nghệ thuật”(5) nếu xét ở góc độ miêu tả tâm lý lại thấy rằng tác giả sơ hở đến vô lý: sau khi gặp chuyện “đau đớn về tinh thần” và biết Long là máu mủ của lão, Nghị Hách vẫn cứ ghép Long với Tuyết, đẩy hai người vào cảnh loạn luân, vậy những gì diễn ra trong đầu óc lão? Và Tú Anh, Hải Vân, những nhân vật “có tim, có óc”, có nhân cách hơn đời đó có những phản ứng tâm lý gì khi vẫn có mặt trong bữa tiệc để chứng kiến màn kịch trơ trẽn rợn người của Nghị Hách? Nhất là Long, sau khi biết mình là con Nghị Hách, giờ đây bị đưa ra làm món quảng cáo bỉ ổi cho lão, để lấy... em ruột, đã nghĩ thế nào?... Vũ Trọng Phụng đã bỏ qua tất cả; ông chỉ chăm chú thể hiện việc Nghị Hách diễn thuyết hùng hồn, vỗ ngực xưng là “bình dân”!
Để có thể phân tích tâm lý con người một cách sâu sắc trong sự vận động hợp quy luật của nó, văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam phải trải qua một quá trình. Giông tố đã đánh dấu một bước trưởng thành trong quá trình đó, song chưa phải bước phát triển cao nhất. Phải đến Nam Cao, cây bút tiêu biểu cho văn học hiện thực phê phán giai đoạn cuối cùng (1940-1945), tâm lý và quá trình phát triển lôgíc của nó mới được miêu tả, phân tích một cách sâu sắc chặt chẽ đến thế.
(1) Trương Chính - Dưới mắt tôi, Nhà in Thuỵ Ký, Hà Nội, 1939.
(2) Hải Vân kể cho Tú Anh nghe về trường Đại học Quốc tế cộng sản Phương Đông ở Maxcơva “có những lớp chuyên môn huấn luyện học sinh múa gươm, bắn súng cưỡi ngựa, bơi lặn, cầm lái xe hơi, phi cơ, võ Tây, võ Nhật, những cách đảo chính, cách diễn thuyết cho quần chúng nghe theo, những cách thay hình đổi dạng, phương pháp chiêu an, những điều kiện để tổ chức một Sở Liêm phóng...” (đoạn này bị bỏ khi in thành sách).

(3) Nhà văn hiện đại, tập III, Vĩnh Thịnh in lại, 1951.
(4) Đọc lại Giông tố, báo Nhân dân, số 966, ra ngày 27-10-1956.
(5) Bài đã dẫn.

(Trích mục IV, Chương XIV, Vũ Trọng Phụng 1912-1939), trong Văn học Việt Nam (1930 -1945),
NXB Giáo dục, 1997, tr. 435-449)
GIÔNG TỐ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
ĐOẠN KẾT
Dư Luận