CHƯƠNG III (2)
Tác giả: Will Durant
II. CÁC ĐỒ ĐỒNG ĐỎ, ĐỒ SƠN, ĐỒ NGỌC
Địa vị của nghệ thuật ở Trung Hoa – Đồ tơ lụa – Đồ đạc trong nhà – Đồ châu bảo – Quạt – Đồ sơn – Mài ngọc – Vài đồ đồng tuyệt đẹp – Nghề điêu khắc
Tìm hiểu đạo lí và say mê cái đẹp, đó là hai thái cực của tâm hồn Trung Hoa và đôi khi người ta muốn gọi Trung Quốc là xứ của triết học và của đồ sứ. Khi tìm hiểu đạo lí, dân tộc Trung Hoa không đạt tới một siêu hình học khoáng đạt, mà tới một triết lí thực nghiệm nhắm sự cải thiện cá nhân và trật tự xã hội; sự say mê cái đẹp cũng vậy, không đưa họ tới một chủ nghĩa duy mĩ bí truyền hoặc một nghệ thuật chỉ chú ý tới hình thể. Không kể tới công dụng trong đời sống, mà đưa họ tới những thực hiện có tính cách bình phàm, thực tế chỉ để tô điểm đời sống thôi. Cho tới khi bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây, thợ thủ công hoặc thợ thủ công với người làm việc tay chân, không phải là thợ chuyên môn; tất cả hoặc hầu hết kĩ nghệ đều làm bằng tay [1] . Cho nên Trung Hoa không có một kĩ nghệ năng suất thật cao, tạo cho dân chúng nhiều phương tiện để đời sống được dễ dàng hơn như ở châu Âu, mà chỉ muốn vượt các dân tộc khác về tinh thần thẩm mĩ, sản xuất những nghệ phẩm dùng trong đời sống hằng ngày. Người Trung Hoa phong lưu muốn rằng từ chữ viết tới chén đĩa, cái gì cũng phải đẹp, có vậy mới là văn minh.
Sự gắng sức tô điểm từ con người tới nhà cửa, đình chùa đó đạt tới mức cao nhất ở đời Tống. Sự tô điểm đời sống ấy đã có từ đời Đường, và còn tiếp tục sau đời Tống, nhưng đời Tống nhờ được thái bình, thịnh vượng trong một thời gian khá lâu, nên các nghệ thuật dễ tiến bộ, làm cho đời sống Trung Hoa có một vẻ đẹp, một thú vị vượt hẳn các đời trước. Về nghề dệt và nghề đúc, nghề kim hoàn, thợ Trung Hoa đời Tống và các đời sau đạt được một mức hoàn hảo không dân tộc nào sánh kịp; nghề mài ngọc và các thứ đá cứng, cũng vậy; còn nghề chạm gỗ và ngà thì họ chỉ thua học trò của họ là người Nhật. Đồ đạt như bàn, ghế, giường của họ thật quí giá, mà dùng thì bất tiện; thợ giỏi mỗi bữa chỉ ăn một chút cơm, kiên nhẫn tỉ mỉ tạo những nghệ thật phẩm hoàn toàn, mà chỉ những người Âu sành đồ cổ mới biết được giá trị. Đồ trang sức không sản xuất nhiều, nhưng chạm trổ rất đẹp. Đàn ông và đàn bà dùng những cây quạt bằng lông hay bằng tre, bằng giấy hay lụa tô điểm rất đẹp. Ngay hạng hành khất khi đi xin ăn cũng phe phẩy những cây quạt đẹp.
Nghệ thuật sơn xuất hiện trước hết ở Trung Hoa nhưng qua Nhật mới đạt tới mức tuyệt xảo. Thứ sơn đó là nhựa một cây sản xuất ở Trung Hoa, bây giờ người Nhật lấy giống, chăm sóc rất kĩ lưỡng. Nhựa chính từ thân và cành, được lọc rồi nấu cho bay hết nước dư đi, rồi người ta phết lên một miếng gỗ mỏng hoặc một kim loại, một đồ sứ và phơi trong chỗ mát ẩm thấp cho nó khô lần đi. Người ta phết hai chục, ba chục lớp, lớp này khô rồi mới phết lớp sau, rồi người ta mài cho thật bóng; mỗi lớp dầy mỏng khác nhau, màu cũng khác. Kế đó, không biết ở Nhật ra sao, chứ ở Trung Hoa thì người ta dùng một con dao lưỡi nhọn như một chữ V để rạch xoi tới lớp nào có màu hợp với màu trên hình mẫu. Nghệ thuật ấy phát triển rất từ từ, mới đầu là thuật khắc chữ trên thẻ tre; tới đời Chu sơn được dùng để tô điểm các bình, chén, các yên ngựa, xe cộ, vân vân; tới thế kỉ thứ II mới dùng để sơn nhà và các nhạc cụ, đời Đường nhiều đồ sơn được xuất cảng qua Nhật; đời Tống, các đồ sơn đều được qui định để xuất cảng đủ loại qua các nước xa xôi như Ấn Độ, Ả Rập; qua đời Minh, kĩ thuật được cãi thiện thêm và các món đồ đạt tới mức tuyệt xảo; dưới đời Khang Hi và Càn Long (nhà Thanh) triều đình thành lập và tổ chức các xưởng sơn tạo được những nghệ thuật phẩm cực quí như ngai vàng của vua Càn Long hoặc tấm bình phong mà vua Khang Hi tặng Léopold I, hoàng đế Đức. Tới thế kỉ XIX, nghệ thuật sơn ở Trung Hoa, vẫn giữ được mức cao, nhưng vì chiến tranh với các cường quốc châu Âu, và vì bọn khách hàng châu Âu thiếu óc thẩm mĩ, nên các vua Thanh không nâng đỡ kĩ nghệ ấy nữa; nghệ thuật sút đi và Nhất Bản vượt được Trung Hoa.
Người Trung Hoa biết ngọc thạch từ hồi họ bắt đầu có sử, vì người ta thấy những đồ bằng ngọc trong những ngôi mộ cổ nhất. Các tài liệu cổ nhất gọi nó là thứ “đá kêu vang” từ 2.500 năm trước T.L, người ta đã biết dùng nó, đẽo, mài nó thành hình con cá hoặc một hình khác, treo nó lên bằng một sợi dây, rồi gõ vào thì nó phát một âm thanh rất trong và vang. Tiếng jade (ngọc thạch) của Pháp hình như do tiếng Y Pha Nho yada (tiếng La Tinh là ilia ) có nghĩa là trái thận. Người Y Pha Nho tìm vàng ở châu Mĩ thấy thổ dân ở Mễ Tây Cơ uống bột ngọc thạch khuấy với nước để trị nhiều bệnh trong lục tạng và họ đem phương thuốc đó cùng với vàng về châu Âu. Tiếng Trung Hoa có ý nghĩa hơn nhiều: jun [2] có nghĩa là dịu dàng như sương. Hai khoáng chất có ngọc thạch là: một thứ là silicate d’aluminium et de sodium, một thứ là silicate de calcium et de magnesium, cả hai đều rất cứng, đôi khi phải có một sức ép năm chục tấn mới làm bể được một cục ngọc nhỏ vài phân khối; muốn làm bể những cục ngọc thạch lớn thì phải bỏ vào lửa nung cho thật nóng rồi ném rất nhanh vào nước lạnh. Thợ Trung Hoa khéo ở điểm này: từ một cục đá cơ hồ như không có màu sắc, họ làm cách nào mà thành những màu xanh lá cây, màu nâu, đen hay trắng rất rực rỡ; họ kiên nhẫn mài thành những vật đủ hình đủ kiểu, chỉ trừ nút áo thôi, còn thì khắp thế giới không có bảo vật bằng ngọc nào mà giống hệt nhau. Bảo vật đầu tiên xuất hiện từ đời Thương và có hình những con cóc để thờ thần; tới thời Khổng tử đã có những đồ bằng ngọc rất đẹp. Có một số dân tộc dùng ngọc thạch để làm những cái rìu, con dao hoặc vật thường dùng khác; người Trung Hoa trái lại thời nào cũng quí thứ đó và chỉ dùng để làm những đồ có mĩ thuật; họ trọng nó hơn vàng bạc, hơn bất cứ một món gì khác, họ sẵn sàng trả bảy mươi lăm ngàn quan một cục ngọc thạch không lớn hơn chiếc nhẫn ở ngón tay cái các ông quan Trung Hoa; có những người sưu tầm đồ quí bỏ hàng năm để kiếm mỗi một món đồ bằng ngọc. Có thể nói rằng nếu thu thập được hết các đồ bằng ngọc chế tạo ở Trung Hoa thì được một tập (collection) thích nhất, đẹp nhất và quí nhất thế giới.
Đồng đỏ trong nghệ thuật Trung Hoa còn giữ một địa vị cao hơn ngọc nữa, nó cũng xuất hiện sớm như ngọc mà có lẽ còn được quí hơn ngọc. Tương truyền vua Vũ, người có công trị thuỷ [dưới thời vua Thuấn] được chín châu cống một thứ kim thuộc, cho đúc thành ba cái đỉnh cao chín thước; ba đỉnh ấy có phép trừ được những việc xui, lại không cần lửa mà nấu sôi được nước, muốn có món ngon gì cũng có liền, do đó mà tượng trưng quyền thiêng liêng của nhà vua; đời trước truyền cho đời sau, khi nhà Chu bị diệt thì ba cái đỉnh đó biến mất một cách bí mật, thành thử Tần Thuỷ Hoàng không được làm chủ ba cái đỉnh, mà uy thế giảm đi nhiều [3] . Nghề đúc và chạm trổ đồng đỏ là một trong những nghệ thuật thịnh hành nhất ở Trung Hoa, và có những tập đồ đồng đỏ mà mục lục gồm tới bốn mươi hai cuốn. Người ta làm những bình để thờ, và cả ngàn đồ dùng và nghệ phẩm khác. Chỉ những đồ đồng thời Phục hưng Ý mới sánh nổi với đồ đồng Trung Hoa, mà có lẽ trong những đồ đồng Ý đó, chỉ riêng những cánh cửa do Ghiberti vẽ kiểu cho Tẩy lễ đường Florence là đáng đem so sánh thôi.
Những đồ đồng cổ nhất của Trung Hoa mà chúng ta được biết là những bình đỉnh để thờ khai quật được ở Hà Nam . Các nhà bác học Trung Hoa cho rằng những đồ ấy chế tạo ở đời Thương, nhưng các người Âu sành đồ cổ bảo là không phải đời Thương mà một đời sau, chưa biết đời nào. Những đồ cổ nhất mà biết chắc được thời đại là những đồ đời Chu . Hầu hết những đồ này bị Tần Thuỷ Hoàng tịch thu, sợ dân chúng dùng để chế tạo khí giới. Ông ta gom hết số đồng về, sai thợ đúc mười hai tượng vĩ đại cao mười lăm thước tây, nhưng bây giờ không còn gì cả. Đời Hán, người ta làm được những cái bình rất đẹp, có cái cẩn vàng. Thợ Nhật đào tạo ở Trung Hoa về nước đúc được vài nghệ thuật phẩm cho đền Horiuji ở Nara, đẹp nhất là ba tượng Phật ngồi trên toà sen; trong lịch sử đồ đồng không có gì đẹp bằng. Nhưng đời Tống, nghệ thuật mới đạt đến tuyệt đỉnh, vừa đẹp vừa phong phú: nồi, bình đựng rượu, vò rượu, lư hương, khí giới, gương, chuông, chiêng, tượng nhỏ chứa đầy ngăn tủ của các người chơi đồ quí và gần như nhà nào cũng có. Trong số các đồ đồng đời Tống, đáng chú ý nhất là một cái đỉnh đúc hình Lão tử cưỡi trâu, nét mặt thật bình tĩnh, để tỏ rằng triết lí thắng được những tính tính hung dữ nhất. Lớp đồng mỏng như một tờ giấy, vì lâu đời hoá ra mốc [4] , sắc biến thành màu xanh cẩm thạch, có cái vẻ đẹp của những đồ tàn phế từ lâu. Qua thời Minh, nghệ thuật đồ đồng suy lần, người ta đúc những đồ lớn hơn nhưng thường là xấu hơn. Đồng đỏ là một phát minh kì diệu thời vua Vũ, bây giờ hoá tầm thường rồi và nhường chỗ cho đồ sứ.
Thuật điêu khắc không bao giờ được người Trung Hoa coi là một nghệ thuật. Có một lòng khiêm tốn hơi đặt biệt, người Đông Á không chịu sắp cơ thể loài người vào hàng những “vật đẹp”; các nhà điêu khắc chỉ rán “miêu tả” y phục thôi; họ dùng hình đàn ông – ít khi dùng hình đàn bà – để diễn tả một số tình cảm, nhưng không bao giờ khắc những vẻ đẹp của thân thể. Thường thường thì họ chỉ chạm khắc những tượng Phật, hoặc đạo sĩ, không như người Hi Lạp thích hình các lực sĩ và kĩ nữ. Các nhà điêu khắc Trung Hoa còn thích hình loài các vật hơn là hình các triết gia và thánh nhân.
Những tượng cổ nhất của Trung Hoa được ghi lại trong sử là tượng mười hai người khổng lồ Tần Thuỷ Hoàng bảo đúc; một vua Hán sai nấu ra để lấy đồng đúc tiền. Đời Hán còn lưu lại cho ta vài con vật nhỏ bằng đồng đen, còn hầu hết các tượng thời đó đã bị thời gian hoặc chiến tranh tàn phá. Những di tích quan trọng duy nhất thời ấy là những hình chạm nổi trong các ngôi mộ khai quật ở tỉnh Sơn Đông; ở đây cũng vậy, hình người rất hiếm, những hình quan trọng nhất là hình loài vật, chạm không nổi lắm. Đáng gọi là điêu khắc hơn, chỉ là những tượng nhỏ bằng đất sét, nặn hình loài vật hoặc đôi khi hình nô tì, thê thiếp, chôn cùng người chết. Đó cũng là một cách thay tục suttee (quả phụ chết theo chồng) của Ấn Độ.
Thỉnh thoảng người ta gặp những tượng loài vật chạm nổi hẳn lên (ronole bosse) cũng vào thời ấy, như con cọp bằng cẩm thạch, bắp thịt cuồn cuộn, cặp mắt trừng trừng, ở cửa đền Sniang-fu, hoặc những con gấu dữ tợn trong tập đồ cổ của Gardner ở Boston, hoặc những con sư tử có cánh và có bướu ở cổ tại các ngôi mộ ở Nam Kinh. Những con vật đó với những con ngựa hung hăngchạm ở trên các ngôi mộ rõ ràng chịu ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp – Bactrane, Assyrie và Scythie, không phải hoàn toàn Trung Hoa.
Một ảnh hưởng khác nữa cũng xâm nhập từ Ấn Độ, tức ảnh hưởng thần học và nghệ thuật của đạo Phật. Miền Tân Cương chịu ảnh hưởng trước hết, nhờ vậy mà văn minh lên, và [đầu thế kỉ chúng ta] Stein và Pelliot khai quật được ở đó hàng tấn tượng đã bể, một số có thể so sánh được với những tượng đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ. NgườiTrung hoa bắt chước ngay nghệ thuật này không thay đổi bao nhiêu, và tạo nên những tượng Phật đẹp không kém tượng Phật ở Gandhara hoặc ở Ấn Độ. Những tượng cổ nhất là những tượng thấy trong đền Yun Kan, ở dưới đất, tỉnh Sơn Tây (khoảng 490 sau T.L.); còn những tượng đẹp nhất thì ở những hang Lung men [Long môn?] [5] , tỉnh Hà Nam. Ở phía ngoài những hang ấy, có vài tượng khổng lồ, đẹp nhất là tượng Phật Bồ Tát; lớn nhất là tượng Phật “Vairochana” (khoảng (672 sau T.L.), dưới chân bị bể nhiều; nét mặt bình tĩnh, thanh thản. Trong tỉnh Sơn Đông, người ta đã thấy nhiều đền ở dưới đất, trên vách hang chạm đục những hình thần thoại theo kiểu Ấn Độ, và xa xa, như trong động Yun men [6] (khoảng +600) có một tượng Phật Bồ Tát lớn. Đời Đường giữ được truyền thống điêu khắc, và tượng Phật ngồi bằng đá (khoảng +639) ở tỉnh Thiểm Tây có thể nói là đạt tới mức hoàn hảo về nghệ thuật. Qua các đời sau, còn vài tượng La Hán lớn bằng đất sét, tuy là môn đồ của đức Phật từ bi mà nét mặt lại dữ dằn như bọn tài phiệt ngày nay; và vài tượng Phật Quan Âm rất đẹp từ Phật ông biến thành Phật bà.
Sau đời Đường, ngành điêu khắc không tìm nguồn hứng trong tôn giáo nữa; nó tục hoá và đôi khi có khuynh hướng nhục cảm là khác; các nhà đạo đức phàn nàn, cũng như ở Ý thời Phục hưng, rằng các nghệ sĩ đục tượng thánh mà có những nét yểu điệu, kiều diễm như đàn bà; khiến các hoà thượng phải nghiêm cấm, không cho các nhà điêu khắc làm nổi bật lên cá tính của mỗi tượng, cùng những đường nét của thân thể. Có thể tin rằng khuynh hướng đạo đức rất mạnh của người Trung Hoa làm cho ngành điêu khắc không tiến bộ được. Các nghệ sĩ đã mất lòng mộ đạo mà lại không được diễn những nét đẹp của thân thể tất nhiên ngành điêu khắc phải suy; tôn giáo đã diệt một nghệ thuật mà nó không còn gợi hứng được nữa. Vào khoảng cuối đời Đường, nguồn điêu khắc cạn đi. Đời Tống chỉ còn lại vài tác phẩm nhỏ có giá trị; người Mông Cổ dùng hết sinh lực vào thuật chiến tranh, cho nên nghệ thuật càng suy; đời Minh nghệ thuật được phục hồi một chút, nhưng người ta chỉ thích những hình kì cục, chẳng hạn tượng những con vật khổng lồ bằng đá ở cửa và sân các lăng tẩm vua Minh. Ngành điêu khắc bị các nghiêm cấm của tôn giáo làm cho tê liệt, chán nản không muốn chiến đấu nữa và nhường khu vực nghệ thuật cho ngành làm đồ sứ và ngành hoạ.
III. CHÙA CHIỀN VÀ CUNG ĐIỆN
Kiến trúc Trung Hoa – Tháp bằng sứ ở Nam Kinh – Chùa ngọc ở Bắc Kinh – Miếu Khổng tử - Đền Nam Giao – Cung điện Hốt Tất Liệt – Một ngôi nhà Trung Hoa ở phía trong, màu sắc và hình thể
Kiến trúc cũng như điêu khắc chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong nghệ thuật Trung Hoa. Kiến trúc sư nước đó ít khi lưu danh lại và hình như công chúng không ngưỡng mộ họ bằng những nhà làm đồ gốm. Ít thấy ở Trung Hoa các công trình kiến trúc lớn lao; chỉ có ít lâu đài cổ và vài ngôi chùa trước thế kỉ XVI. Các kiến trúc sư đời Tống đã in năm 1103 tám cuốn đầy hình về Phương pháp xây cất , nhưng những công trình đẹp họ vẽ để lưu lại thì đều bằng gỗ mà ngày nay không còn chút dấu vết gì. Còn những hình còn bảo tồn được ở Thư viện Quốc gia tại Paris – mà cứ theo truyền thuyết thì là hình các ngôi nhà, dinh thự xây cất đời Khổng tử - chúng ta thấy rằng trên hai mươi ba thế kỉ, kiến trúc Trung Hoa chỉ theo đúng những kiểu cũ, không ưa những kích thước lớn. Có thể rằng dân tộc Trung Hoa có óc thẩm mĩ thanh nhã, cho nên tránh những cái gì đồ sộ; cũng có thể trí thông minh cản trở óc tưởng tượng của họ. Nhưng lí do quan trọng nhất là ngành kiến trúc Trung Hoa không phát triển mạnh mẽ được vì thiếu ba điều kiện mà hầu hết các dân tộc lớn thời Thượng cổ có đủ: một giai cấp quí tộc thế tập, một giới tăng lữ có quyền lực, một chính quyền trung ương mạnh và giàu. Đó là những thế lực xã hội bỏ tiền ra thực hiện những công trình nghệ thuật lớn lao: đền đài, cung điện, giáo đường, hí viện, lăng tẩm, bích hoạ. Mà Trung Hoa thì may mắn không có những thế lực ấy. Phật giáo chỉ chi phối tâm hồn Trung Hoa trong một thời gian thôi, hồi đó một phần tài sản quốc gia đem ra xây cất những ngôi đền [7] lớn mà gần đây người ta khai quật được ở Tân Cương [8] . Tại các miền khác ngày nay còn vài đền Phật khá lớn nhưng không thể so sánh với kiến trúc tôn giáo ở Ấn Độ được. Cảnh chung quanh thường đẹp; muốn lên đền phải theo một đường dốc đắp lài lài, có những cổng trang hoàng gọi là p’ai lu có lẽ bắt chước các “hàng rào” chung quanh các tháp Ấn Độ; đôi khi cửa có những tượng ông ác, mặt mày ghê tởm, để ngăn các quỉ sứ vô. Một ngôi đền đẹp nhất của Trung Hoa là đền Phật ngủ gần Di Hoà viên ở Bắc Kinh, Fergusson khen là “công trình kiến trúc đẹp nhất của Trung Hoa”.
Chùa chiền [9] thường làm cho các thành phố Trung Hoa có một vẻ đặc biệt vì tính cách Đông Á của chúng. Những kiến trúc thanh nhã ấy, cũng như đạo Phật, chấp nhận tất cả các tín ngưỡng, kể cả Đạo giáo; trong chùa người ta chẳng những làm các lễ tôn giáo mà còn theo cả những thuật phong thuỷ [xưa gọi là địa lí]. Có một số thị trấn dựng chùa để Phật phù hộ mà tránh được thiên tai, thịnh vượng lên, và ma quỉ phải tránh xa. Thường là những tháp hình bát giác xây bằng gạch trên nền đá, và gồm năm, bảy, chín hay mười ba tầng, chính những con số ấy cũng có một năng lực huyền nhiệm rồi. Chùa cổ nhất còn đứng vững là chùa Sung Yueh Ssu cất năm 523 trên ngọn núi Sung Shan [Tung Sơn?] [10] ở Hà Nam ; một trong những ngôi chùa đẹp nhất là chùa trong Di Hoà viên ở Bắc Kinh; rực rỡ nhất là chùa ngọc ở Bắc Kinh và “chùa nậm rượu” [?] ở Wu-tai shan [11] ; nổi danh nhất là tháp bằng sứ ở Nam Kinh. Tháp này cất từ 1412 đến 1431, mặt trước bằng gạch gắn đầy những mảnh sứ, năm 1854 nó bị phá huỷ trong cuộc nổi loạn Thái Bình thiên quốc.
Những ngôi đền đẹp nhất của Trung Hoa là những đền thờ Khổng tử ở Bắc Kinh. Khổng miếu có một p’ai lu giữ cửa, chạm đục rất khéo, nhưng chính ngôi miếu thì có những nét nghiêm trang, hợp với triết lí hơn là nghệ thuật. Dựng từ thế kỉ XIII, nó được phá đi cất lại rồi trùng tu nhiều lần rồi. Trong một cái khám để ngỏ, bài vị của vị “chí thánh” đặt trên một cái giá; điện chính để thờ đức “vạn thế sư biểu”. Gần bức thành Hung Nô ở ven phía Nam Bắc Kinh, có đền Nam Giao. Cảnh làm cho ta khá xúc động, phải leo nhiều bực thang và qua nhiều sân bằng cẩm thạch, rồi mới lên tới cửa đền, số bực và sân phải là những con số huyền diệu; chính ngôi đền thì tựa như một ngôi chùa ba từng xây bằng gạch và ngói, không đẹp, trên một nền cẩm thạch. Ba giờ khuya ngày Nguyên đán, nhà vua lại đó tế Trời phù hộ cho quốc thái dân an. Bị sét đánh năm 1889, hư nhiều chỗ.
Những lâu đài trang hoàng rất thanh nhã của các vị vương và đại thần thời xưa ở Bắc Kinh có phần đẹp hơn những ngôi đền đồ sộ ấy. Dưới triều Minh Thành Tổ (1403-1425), một bậc thiên tài về kiến trúc nâng cao phòng lớn các lăng tẩm vua Minh, và sau người ta xây cất ở đó nhiều cung điện lộn xộn trong vòng gọi là Cấm Thành ; nơi mà hai thế kỉ trước Marco Polo phải kinh dị trước những cung điện của Hốt Tất Liệt. Những con sư tử dữ tợn ngồi canh ở hai bên lan can bằng cẩm thạch, đưa lên một sân cũng bằng cẩm thạch, trên có đủ những cung điện lộng lẫy của một triều đình; tản mát đây đó là những cung dinh trang hoàng lộng lẫy cho các người trong hoàng tộc, cung nhân và hoạn quan ở, cung nào cũng theo một kiến trúc như nhau; cột mảnh khảnh, cửa sổ đẹp, hiên chạm trổ, màu sắc rực rỡ, mái lợp bằng ngói lớn, nặng và uốn cong ở bốn góc. Di Hoà viên thứ nhì chỉ cách đó vài cây số - xưa cấm không ai được lại gần – cũng theo một kiểu y hệt; nhưng có lẽ đẹp hơn, các cung điện cũ của nhà Minh ở Bắc Kinh cân đối hơn, chạm trổ nhiều hơn – nhiều quá nửa.
*
Bây giờ chúng ta thử rán vạch ra một cách thật sơ lược những nét chính của kiến trúc Trung Hoa. Nét chính không đẹp mấy, là bức tường ngăn cách hẳn căn nhà với đường phố. Trong những khu nghèo, bức tường đó liên tiếp bao vây cả khu, điều đó chứng tỏ rằng thời xưa trộm cướp, giặc giã thường xảy ra. Sau bức tường đó là cái sân của một ngôi nhà hay của chung nhiều nhà; cửa và cửa sổ hướng ra sân.
Vào những nhà nghèo ta có một cảm giác ảm đạm: cửa và lối đi đều hẹp, trần thấp, nền nhà là đất nện; trong nhiều gia đình heo, chó, gà, đàn ông đàn bà sống lẫn lộn, lộn xộn. Bọn dân cùng khổ, thì chỉ có một cái chòi vách đất, trộn rơm, chịu đựng với gió táp mưa sa. Kẻ nào khá hơn một chút thì trải chiếu trên nền đất hoặc trên nền gạch xấu xí. Người nào phong lưu thì trong sân trồng cây, hoa, có bể nước, hoặc bốn phía có vườn mọc đủ thứ cây dại hoặc kì cục. Không có những lối đi hai bên trồng hoa, không có những bồn cỏ hoặc hoa; những con đường mòn uốn khúc, vượt qua những lòng khe có sỏi, đi vòng quanh những gốc cây mà thân và cành uốn theo những hình kì dị theo ý chủ nhân. Đây đó, một cái đình (nhà nghỉ mát) [12] xinh xinh lấp ló trong cành lá để khách bộ hành vào nghỉ.
Ngôi nhà, dù là một dinh thự, thì cũng không bao giờ là một công trình kiến trúc quan trọng. Chỉ có mỗi một từng nếu cần có thêm phòng thì người ta thích cất thêm một ngôi nữa, chứ không muốn mở rộng thêm ngôi cũ. Cho nên nhà của một người giàu ít khi chỉ có một ngôi, mà thường có dăm ba ngôi tụ lại một chỗ, ngôi chánh ở giữa còn các ngôi phụ ở hai bên. Vật liệu thường dùng nhất là gỗ và gạch; đá thường dùng xây nền, gạch thường dùng để xây tường bốn bên, cột, đà và vách ngăn các phòng ở trong đều bằng gỗ; mái lợp ngói. Tường luôn luôn sơn màu rực rỡ, phía trên có một cái hiên bụng rắn (corniche) chạm trổ. Nóc không có tường hoặc cột gạch đỡ, dù nặng tới mấy thì nó cũng chỉ đè lên những cột gỗ của sườn nhà thôi. Nóc là phần chính của nhà hay đền. Lợp bằng ngói tráng men – cung điện của nhà vua thì màu vàng, ngoài ra là màu lam, đỏ hoặc lục – mái nhà luôn luôn nổi bật lên trong cảnh thiên nhiên hoặc trong cảnh hỗn tạp ở thành thị, coi thật đẹp mắt. Nó lại uốn cong ở bốn góc – nét này đặc biệt của Đông Á – có lẽ do người ta bắt chước sự mềm mại của những cành tre xưa dùng để đỡ căn lều; nhưng có phần chắc chắn hơn [?] [13] . Cửa sổ rất hiếm; người ta thay bằng một thứ giấy nhập cảng từ Triều Tiên, hoặc một cái cửa mắt cáo, nhưng cửa mắt cáo không che mưa được.
Cửa chính không phải ở trên mặt có đầu hồi, mà ở trên mặt nhà phía nam; trước cửa thường có một thứ bình phong để người ngoài không nhìn thông thống vào trong nhà được, mà cũng để ngăn ma quỉ nữa. Phòng chính và các phòng thường tối, vì mái nhà gie ra quá mà ánh sáng khó lọt qua cửa mắt cáo. Không có cách nào cho thoáng hơi,và cách duy nhất để sưởi là dùng lò than (brasero) dời đi được, hoặc nằm trên những cái giường bằng gạch xây trên một cái lò khói mù; không có ống khói. Giàu hay nghèo thì cũng đành chịu lạnh và bận áo thật ấm rồi đắp mền ngủ. Khách du lịch ngoại quốc thường hỏi người Trung Hoa: “Ông thấy lạnh không?”, và câu trả lời thường là: “Thấy, lạnh chứ!”. Trên trần đôi khi treo giấy màu sặc sỡ, tường treo câu đối, hoặc tranh sơn thuỷ vẻ bằng mực [tranh thuỷ mặc], hoặc những bức thêu bằng lụa. Đồ đạc bằng gỗ rất chắc, nặng, nhuộm rồi đánh đen như mun, chạm trổ tỉ mỉ; những đồ đạc nhỏ hơn, nhẹ hơn [như tráp, hộp, yên] thì thường sơn. Trong số những dân tộc phương Đông, chỉ có người Trung Hoa là dùng ghế dựa; mặc dầu vậy, họ vẫn thích nằm tựa gối hoặc ngồi xổm. Bàn thờ ông bà nhiều bình và chén để cúng. Phía sau là phòng của phụ nữ. Có những phòng ăn riêng ra hoặc những căn nhà nhỏ cách biệt với nhà lớn dùng làm thư viện hoặc phòng học cho trẻ.
Người ngoại quốc mới tới có cảm thưởng rằng kiến trúc Trung Hoa thanh nhã và không vững chắc. Màu sắc quan trọng hơn hình thể, đẹp nhưng không trang nghiêm, hùng vĩ. Đền đài cung điện không nhằm mục đích khắc chế thiên nhiên mà chỉ muốn hợp tác với thiên nhiên để tạo một sự hoà hợp hoàn toàn, nên kích thước các bộ phận đều khiêm tốn. Không nên tìm ở đây cảm giác mạnh mẽ, an ổn, vĩnh cửu; cơ hồ như kiến trúc sư ở Trung Hoa luôn luôn sợ có động đất mà công trình của họ sụp đổ hết. Không thể nào có ý nghĩ rằng kiến trúc ấy cùng với một kĩ thuật với kiến trúc Ai Cập (Karnak) hay Ba Tư (Persépolis), Hi Lạp (Athène); không phải là kiến trúc theo nghĩa chúng ta hiểu; chỉ là điêu khắc chạm trổ trên gỗ, trên đá, chỉ là đồ gốm có men hoà hợp với ngọc và đồ sứ hơn là với những công trình xây dựng nặng nề của các kiến trúc sư kiêm kĩ sư ở Ấn Độ, Mésopotamie, La Mã. Nếu chúng ta đừng đòi hỏi các kiến trúc Trung Hoa phải lớn lao, vững bền, mà cứ coi là những đồ trang sức thanh nhã nhất, mảnh dẻ nhất thì chúng ta có thể coi chúng là thích hợp với nhu cầu của dân tộc Trung Hoa và xếp chúng vào hàng những lập thể diễm lệ nhất của nhân loại.
[1] Chắc sách in thiếu mấy chữ “ở Trung Hoa người ta không phân biệt nghệ sĩ với”. Nguyên văn tiếng Anh: “Until it began to yield its own ideals to Western influence, China refused to recognize any distinction between the artist and the artisan, or between the artisan and the worker; nearly all industry was manufacture…”. (Cho tới khi bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây, ở Trung Hoa người ta không phân biệt nghệ sĩ với thợ thủ công hoặc thợ thủ công với người làm việc tay chân, không phải là thợ chuyên môn; tất cả hoặc hầu hết kĩ nghệ đều làm bằng tay). (Goldfish).
[2] Không rõ chữ Hán là gì. Theo Léon Weiger trong cuốn Caractère chinois – thì chữ ngọc , phiên ra tiếng Pháp là ú gồm ba nét ngang để trỏ ba miếng ngọc và một nét dọc trỏ sợi dây xỏ qua ba miếng đó; dấu chấm ở bên mặt là mới thêm sau này để phân biệt chữ vương là vua. (ND).
[Ngọc 玉 , vương 王 . (Goldfish)].
[3] Truyền thuyết này không tin được. Theo sử thì vua Vũ (-2055 -2196) thu phục được chín châu rồi, gom góp số đồng trong nước mà đúc chín (chứ không phải ba) cái đỉnh rất lớn, bày trong hoàng cung để tượng trưng cho chín châu. Sau chín đỉnh đó thành bảo vật để truyền ngôi thiên tử, ai được chín đĩnh đó thì làm thiên tử. Tới đời Chu Hiển vương, nhà Chu suy, Tần muốn lấy chín đỉnh. Không rõ sau chín cái đỉnh đó ở đâu. Thời loạn thì có gì mà còn được. (ND).
[4] Lớp đó do mốc hoặc đất đóng mà làm hư chất đồng đi. Ngày nay, có cái “mốt” đánh giá đồ đồng theo lớp mốc xanh lá cây hoặc đen trên các đồ đồng cổ; có kẻ dùng át-xít bôi lên để giả tạo đồ cổ. (ND).
[5] Lung men: Long môn 龍門 . (Goldfish).
[6] Yun men: Ngọc môn 玉門 . (Goldfish).
[7] Tiếng Pháp: temple (chứ không phải pagode). (ND).
[8] Có lẽ Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc chăng? (ND).
[9] Ở đây bản tiếng Pháp dùng tiếng pagode. (ND).
[10] Sung Yueh Ssu: Tung Nhạc tự 嵩岳 寺 - Sung Shan: Tung Sơn 嵩山. (Goldfish).
[11] Wu-tai shan: Ngũ Đài sơn: 五台山 . (Goldfish).
[12] Pavillon: có nóc mà không có tường, như những quán gạch ở Bắc Việt. (ND).
[13] Nguyên văn tiếng Anh: but more probably this celebrated form arose merely from the desire of the Chinese builder to protect his structure from rain . (Goldfish).