CHƯƠNG III
Tác giả: Will Durant
Hai thế kỉ sau khi Khổng tử mất là những thế kỉ tranh biện, tà giáo. Thấy cái thú của triết lí rồi, vài nhà như Huệ tử và Công Tôn Long giỡn với khoa luận lí, nghĩ ra những điều nghịch lí, nguỵ biện không kém gì Zénon [1] . Các triết gia đổ xô lại Lạc Dương như ở Ấn Độ và Hi Lạp, họ đổ xô về Bénarès và Athènes cũng vào thời đại ấy. Ở Lạc Dương cũng như ở Athènes người ta được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận nhờ vậy mà Athènes thành trung tâm văn hóa của miền Địa Trung Hải. Các nhà nguỵ biện mà người ta gọi là “tung hoành gia”, ùa lại kinh đô, sẵn sàng dạy nghệ thuật thuyết phục về bất kì đề tài gì, cho bất kì ai. Ở Lạc Dương chúng ta cũng gặp Mạnh tử, môn đệ của Khổng tử; Trang tử, môn đệ nổi danh nhất của Lão tử; Tuân tử người chủ trương thuyết tính ác; và Mặc tử người lập ra thuyết kiêm ái.
1. Mặc Địch, người vị tha
Một nhà luận lí thời cổ - Có tinh thần Ki Tô và đả đảo chiến tranh
Mạnh tử, kẻ thù của Mặc tử, bảo: “Mặc tử lấy kiêm ái làm chủ nghĩa, dầu nhẵn trán mòn gót [2] mà lợi cho thiên hạ thì cũng làm” [Tận tâm, thượng – 26]. Mặc Địch cũng sanh ở Lỗ như Khổng tử và sau khi Khổng mất được ít lâu thì danh của Mặc lên tới tột đỉnh. Ông chê đạo của Khổng tử không thi hành được và đưa ra thuyết kiêm ái [yêu mọi người như nhau, không kể thân sơ]. Trong số các luận lí gia Trung Quốc, ông là người lí sự bậy nhất. Theo ông vấn đề luận lí rất giản dị.
Nó phải có ba biểu chuẩn [3] [tam biểu]. Thế nào là ba biểu chuẩn?
1. Có biểu chuẩn căn cứ vào việc xem xét bản thuỷ. Xét bản thuỷ ở đâu? – Trên thì xét công việc các bậc thánh nhân đời xưa.
2. Có biểu chuẩn căn cứ vào việc quan sát sự cố. Quan sát sự cố ở đâu? – Dưới thì quan sát sự tình của trăm họ.
3. Có biểu chuẩn căn cứ vào kết quả ứng dụng. Xem xét kết quả ứng dụng ở đâu? - Ở việc ứng dụng vào hành chánh xem có phù hợp với quyền lợi của trăm họ nhân dân, nhà nước không. [Phi mệnh, thượng].
Từ phép luận lí đó, Mặc Địch rán chứng thực rằng ma quỉ có thực vì nhiều người bảo đã trông thấy chúng. Ông đả đảo quan niệm ông Trời phi nhân cách của Khổng tử và ông chứng thực rằng Trời có nhân cách. Cũng như Pascal, ông cho tôn giáo chỉ có lợi thôi: chúng ta cúng lễ tổ tiên, nếu các ngài thực sự nghe được chúng ta thì dĩ nhiên là có lợi rồi; nếu các ngài chết, không còn biết gì nữa, không thấy chúng ta dâng đồ cúng nữa thì cũng là “một dịp họp bà con, láng giềng để ăn uống vui vẻ” [4] .
Mặc Địch cũng lại lí luận rằng chỉ có thuyết kiêm ái là giải quyết được vấn đề xã hội, vì nếu đem ra thực hành thì thế nào cũng thành công. “Nếu mọi người yêu nhau thì không hại lẫn nhau, kẻ giàu sang không khinh ngạo kẻ nghèo hèn, kẻ láu lỉnh không lừa kẻ ngu dại” [Kiêm ái, trung]. Ích kỉ là nguyên nhân mọi tội ác, từ tật ham học [?] ham kiếm tiền [?] của đứa trẻ [5] cho tới cái tội xâm chiếm nước khác. Ông ngạc nhiên rằng người ta xử tội một người ăn trộm một con heo, kẻ đi xâm chiếm nước người thì lại khen là anh hùng, ghi công trận để lại đời sau. Từ thuyết “phi công” (mạt sát chiến tranh) đó, Mặc Địch chuyển qua đả đảo kịch liệt Quốc gia, gần như chủ trương vô chính phủ, khiến cho nhà cầm quyền đương thời khó chịu… Tương truyền Công Thâu Ban chế giúp nước Sở một cái thang máy sắp đem đánh nước Tống. Mặc Địch hay tin, đi từ nước Tề luôn mười ngày mười đêm tới đất Dĩnh, kinh đô Sở, giảng thuyết kiêm ái để can Công Thâu Ban. Công Thâu Ban nghe lời đáp: “Trước khi gặp ông, tôi muốn chiếm nước Tống. Gặp ông rồi, tôi cảm thấy rằng, nếu không có lí do chính đáng, dù người ta có dâng nước Tống cho tôi, tôi cũng không nhận”. Mặc Địch bảo: “Như vậy cũng như tôi tặng ông nước Tống rồi. Ông cứ theo chính đạo ấy thì tôi sẽ tặng ông cả thiên hạ”.
Các môn phái đạo Khổng cũng như các chính khách Lạc Dương đều mỉa mai thuyết của Mặc Địch. Nhưng ông cũng có nhiều môn đệ trung thành và trong hai thế kỉ, một nhóm đưa đạo của ông lên thành một tôn giáo. Hai môn đệ, Tống Khanh [6] và Công Tôn Long hăng hái hô hào “phi công”. Hàn Phi, nhà phê bình lớn nhất thời ấy, theo một quan điểm tôi gọi là quan điểm Nietzche mà chỉ trích họ, bảo rằng trong khi tôi đợi cho loài người phát ra được cái tình kiêm ái, cũng như chim mọc cánh, thì chiến tranh vẫn làm “trọng tài” cho các quốc gia. Và khi Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh đốt sách thì những sách của Mặc gia cũng bị đốt như sách của Khổng tử, nhưng trái hẳn với Khổng giáo, thứ tôn giáo mới ấy từ đó lụn bại luôn [7] .
2. Dương Chu, nhà vị kỉ
Một nhà hưởng lạc theo thuyết số mệnh – Trường hợp tàn bạo
Trong khi đó, một thuyết hoàn toàn ngược lại cũng xuất hiện ở Trung Hoa. Chúng ta được biết chút gì về Dương Chu đều là do lời những kẻ thù của ông nói về ông thôi [8] . Ông nói hơi ngược đời rằng sống là khổ, vậy thì mục đích chính của cuộc đời chỉ là để hưởng lạc. Không có quỉ thần, chết rồi là hết; con người bất lực, bị những sức mạnh thiên nhiên mù quáng đày đoạ; mình sinh ra không do mình muốn, mình không được lựa chọn cha mẹ, ông bà, thể chất, tinh thần, tính tình bẩm sinh ra sao thì mình phải chịu vậy. Bậc hiền nhân phải nhận số phận của mình, đừng than van, mà cũng đừng để Khổng tử, Mặc tử lừa gạt bằng những thuyết hảo huyền của họ về tính thiện, về kiêm ái, về danh vọng. Thuyết tính thiện là do bọn khôn lanh bịa ra để gạt bọn chất phác; kiêm ái là ảo tưởng của bọn con nít không hiểu rằng luật tàn sát lẫn nhau mới chính là luật sinh tồn; còn danh vọng chỉ là món đồ chơi. Khi mình chết rồi, hưởng được gì đâu, kẻ nào điên mới chịu trả nó một giá đắt. Trong đời, người thiện cũng đau khổ như kẻ ác, mà bọn này lại có vẻ được hưởng lạc nhiều hơn. Các thánh nhân thời cổ không phải là các ông vua đạo đức như Khổng tử tưởng đâu, chính là bọn ham khoái lạc, chìm đắm trong nhục dục, may mắn được sống vào cái thời chưa có những người lập pháp, chưa có triết gia, và họ nhờ vậy có thể thoả tình hành lạc. Nói cho ngay, bọn tàn ác lưu lại tiếng xấu cho đời sau thật đấy, nhưng như vậy có hại gì cho nắm xương khô của họ đâu. Dương Chu bảo ta thử xét số phận của người thiện và người ác ra sao:
Mọi tiếng tốt đẹp trong thiên hạ đều dồn cả cho vua Thuấn, vua Vũ, Chu công, Khổng tử; còn mọi tiếng xấu qui cả cho Kiệt và Trụ. Vua Thuấn cày ruộng ở Hà Dương, làm đồ gốm ở Lôi Trạch, chân tay không lúc nào nghỉ, miệng không được ăn thức ngon, không được cha mẹ yêu, anh em quí mến (…) [9] , khi vua Nghiêu truyền ngôi cho thì tuổi đã cao, trí đã suy. Con trai ông ta là Thương Quân bất tài, ông phải nhường ngôi cho ông Vũ rồi rầu rĩ cho tới chết. Ông ta là con người khốn khổ, cô độc nhất đời.
(…) Ông Vũ phải đem hết sức ra khai hoang, có con mà không âu yếm, săn sóc con, đi qua nhà mà không vô, thân thể khô đét, tay chân chai cộm, đến khi được vua Thuấn truyền ngôi cho, sống trong cung thất tồi tàn, đeo dây thao, đội mũ miện đẹp mà rầu rĩ tới chết. Ông ta là con người lo lắng, lao khổ nhất đời.
[Vua Vũ (nhà Chu) khi mất con là Thành Vương còn nhỏ, ông Chu công [10] , ông Thiệu công [11] không vui, khắp bốn phương đâu đâu cũng nổi lên lời chê, nên phải bỏ ra phía ở Đông ba năm, giết anh, bỏ tù em để tự cứu mình, sau sống rầu rĩ tới chết. Ông ta là người khốn đốn, lo sợ nhất đời] [12] .
Khổng tử hiểu rõ cái đạo đế vương, hễ vua nào mời thì sẵn sàng tới giúp, mà khi ở nước Tống có lần người ta tính đốn cây để cây đổ xuống đè bẹp ông, có hồi phải trốn khỏi nước Vệ, có hồi bị khốn cùng ở Thương, Chu [tức Tống và Lỗ], bị vây ở Trần, Thái, bị Quí thị xúc phạm, Dương Hổ làm nhục, sau rầu rĩ cho tới chết. Ông là người long đong bị xua đuổi nhất đời.
Bốn ông Thánh đó sống không được một ngày vui, mà chết đi lưu danh lại vạn đại. Danh vốn không phải là thực mà có thể hưởng được [13] , tuy được người ta khen thưởng thì cũng không biết, trơ trơ khác chi khúc cây cục đất.
(Mặt khác) Kiệt được hưởng kho tàng mấy đời tích luỹ, quay mặt về phương Nam mà giữ ngôi chí tôn, trí đủ để bầy tôi không dám nhờn, uy đủ để khắp nước phải run sợ, tha hồ hưởng cái vui thanh sắc, muốn làm gì thì làm mà sống thoả thích cho tới chết. Ông ta là người phóng đãng nhất thiên hạ.
Trụ cũng được hưởng kho tàng mấy đời tích luỹ, cũng quay mặt về phương Nam mà giữ ngôi chí tôn, uy lan ra khắp nơi, muốn làm gì thì làm, phóng túng trong Khuynh cung [14] , dâm đãng trong cảnh “trường dạ” [15] , không tự làm khổ mình bằng lễ nghĩa, vui vẻ sống cho tới khi bị [vua Chu Vũ vương] giết. Ông ta là người phóng túng nhất thiên hạ.
Hai con người hung tàn đó sống thì hưởng lạc cho thoả lòng, chết mang cái tên xấu là ngu bạo. “Thực” vốn không phải là cái mà “danh” có thể tặng được, tuy bị người đời chê hay khen thì cũng không biết, trơ trơ khác chi khúc cây, cục đất.
Bốn ông Thánh kia tuy được dồn cho mọi tiếng tốt, nhưng chịu khổ cho tới hết đời, rồi cũng chết như mọi người vậy. Hai kẻ hung bạo kia phải chịu mọi tiếng xấu, nhưng được vui cho tới hết đời, rồi cũng chết như mọi người vậy [16] .
Thật khác xa Khổng tử! Chúng ta muốn tưởng rằng thời gian vốn phản động [?] chỉ lưu lại cho chúng ta những triết gia Trung Hoa đáng kính trọng nhất, còn những nhà khác, thì bị chôn vùi trong cõi u minh không ai nhắc tới nữa. Ấy vậy mà có lẽ thời gian có lí: nhân loại không thể tồn tại lâu được nếu môn đệ của Dương Chu rất đông [17] . Chúng ta chỉ có thể đáp Dương Chu rằng không thể có xã hội được nếu mỗi cá nhân không hợp tác với những người đồng thời và trong sự trao đổi với nhau những điều hay cách tốt phải hi sinh cho nhau, chia lợi cùng nhau, mà muốn vậy thì cần có một sự câu thúc về luân lí; không có xã hội thì cá nhân không thể phát triển được; đời sống của ta tuỳ thuộc những bức rào cản nó bao vây ta đó. Vài sử gia cho rằng xã hội Trung Hoa tan rã ở thế kỉ thứ IV và thứ III trước T.L., một phần tại thuyết vị kỉ của Dương Chu đó được nhiều người theo quá.
Cho nên chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên rằng Mạnh tử cực phẫn nộ, lớn tiếng đả đảo cả thuyết hưởng lạc của Dương Chu lẫn thuyết kiêm ái duy tâm của Mặc Địch:
Học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch lan tràn thiên hạ, khi bàn bạc người nào không theo Dương thì theo Mặc. Họ Dương vị ngã, như vậy là không có vua; họ Mặc kiêm ái, như vậy là không có cha; không vua, không cha tức là cầm thú (…) Nếu không ngăn chặn hai đạo ấy thì đạo của Khổng tử không được sáng tỏ, tà thuyết sẽ dối gạt dân, ngăn lấp đường nhân nghĩa (…).
Ta vì lo sợ như vậy nên phải bênh vực đạo lí của chư thánh thời xưa, đả đảo học thuyết của Dương và Mặc, trừ tuyệt những lời bậy bạ để tà thuyết khỏi khơi lên (…). Nếu thánh nhân có sống lại, chắc cũng cho lời ta là phải [Đằng Văn Công, hạ 9].
3. Mạnh tử, bậc thầy của các vua chúa
Một hiền mẫu – Một triết gia ở các triều đình – Bản tính con người có thiện không? – Một thứ thuế duy nhất – Mạnh tử và cộng sản – Sự kích thích của cái lợi – Quyền làm cách mạng.
Trong lịch sử triết lí rất phong phú của Trung Hoa, địa vị của Mạnh tử chỉ kém Khổng tử thôi. Ông sinh trong một quí tộc cổ, họ Mạnh, tên Kha.
Chúng ta biết về thân mẫu ông cũng gần bằng biết về ông vì các sử gia coi cụ là một bà mẹ kiểu mẫu, kể nhiều truyện lí thú về cụ. Họ bảo ba lần cụ vì con mà đổi chỗ ở; vì lần đầu ở gần một nghĩa địa, cậu con bắt chước người ta đào huyệt, làm lễ chôn cất; lần thứ nhì vì ở gần một lò sát sinh, cậu bắt chước tiếng kêu của các con vật bị thọc tiết; lần thứ ba vì ở gần chợ, cậu cũng bắt chước thói con buôn; sau cùng kiếm được một nơi ở gần trường học, cụ mới yên tâm. Khi cậu làm biếng học, cụ cắt sợi chỉ ở cái thoi cho cụ thấy, cậu hỏi tại sao, cụ đáp đương học mà bỏ học thì cũng như đương dệt mà cắt sợi chỉ. Sau cậu thành một học sinh rất siêng năng, lập gia đình, định li dị rồi tự chủ được, lại thôi, mở trường dạy học, môn sinh đông, và được nhiều vua chúa đương thời mời tới triều đình để hỏi về cách trị nước. Ông do dự, không muốn nhận lời họ vì không muốn xa mẹ, lúc đó đã già lắm, nhưng cụ khuyên ông cứ đi. Lời khuyên ấy – chép lại dưới đây – làm cho mọi người đàn ông Trung Hoa đều ngưỡng mộ cụ; nhưng có lẽ không phải của cụ mà của một người đàn ông nào thời sau nguỵ tác rồi gán cho cụ:
Đàn bà không được tự ý quyết định một điều gì cả, vì phải theo đạo tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Con đương tuổi cường tráng mà mẹ thì già rồi. Con cứ theo điều nghĩa còn mẹ thì mẹ theo đạo của mẹ, chứ lo lắng về mẹ làm gì?
Thế là Mạnh tử lên đường, vì sở dĩ ông dạy học chỉ là để mong sau được cầm quyền. Như Voltaire, ông thích chế độ quân chủ hơn chế độ dân chủ, vì dưới chế độ dân chủ phải giáo dục toàn dân rồi chính thể mới tốt được, còn dưới chế độ quân chủ, chỉ cần có một bậc hiền nhân khéo cải hoá một ông vua là chính trị có thể hoàn toàn tốt đẹp rồi. “Kiểu chính nhà vua rồi thì nước sẽ trị”.
Mới đầu ông qua nước Tề, rán thuyết Tuyên vương, nhận một chức danh dự, nhưng không nhận bổng lộc [18] , chẳng bao lâu thấy nhà vua không theo đạo ông, ông bỏ qua nước Đằng, một nước chư hầu nhỏ; vua Đằng thực tâm muốn theo đạo ông nhưng lại bất lực. Ông trở lại Tề, và lần này tỏ vẻ khôn hơn, nhận một chức vụ có bổng lộc. Thân mẫu ông mất trong khi ông bôn ba như vậy; ông chôn cất mẹ rất long trọng, khiến môn sinh phải bất bình; ông đáp như vậy là vì lòng hiếu. Vài năm sau Tuyên vương dấy binh để xâm lăng nước khác, cho thuyết hiếu hoà của Mạnh tử không hợp thời, nên không dùng ông nữa. Lúc đó, nghe nói vua Tống có thiện chí, ông lại yết kiến, nhưng mới gặp, ông đã thấy lời người ta đồn là sai. Tất cả các nước chư hầu đều viện cớ này cớ khác để không theo cái đạo ông. Ông thì bảo: “Quả nhân có tật, quả nhân hiếu dũng” [nghĩa là hiếu chiến], ông thì bảo: “Quả nhân có tật, quả nhân hiếu hoá” [thích của cải] [19] .
Sau cùng Mạnh tử bỏ ý làm chính trị mà lui về, trong mấy năm cùng soạn chung với môn sinh một cuốn trong đó chép lại những cuộc tiếp xúc với các vua chúa đương thời. Sự thực chúng ta không biết rõ cuốn ấy do ông viết hay do môn sinh viết; có thể do người khác viết chứ không phải do thầy trò ông. Chúng ta chỉ biết rằng cuốn Mạnh tử là một trong những cuốn nổi danh nhất của triết học Trung Hoa thời Tiên Tần.
Mạnh tử cũng như Khổng tử không quan tâm tới tôn giáo, tới môn luận lí, nhận thức học hay siêu hình học; các phái Khổng giáo nhường những vấn đề tế nhị ấy cho môn đệ Lão tử mà chỉ bàn về đạo đức, chính trị. Mạnh tử chú trọng nhất tới cách cải thiện đời sống, lập một chính quyền gồm toàn những người tốt nhất. Ông đưa ra qui tắc này là con người bẩm sinh ra thiện, xã hội loạn không phải do dân mà do chính quyền tệ hại, tàn bạo. Do đó ông kết luận các triết gia [tức bậc hiền nhân] phải làm vua, hoặc ít nhất thì các vua chúa cũng phải có đức mới được.
Nay nếu nhà vua muốn bắt đầu một chính trị tốt, thi ân cho mọi người, thì các quan chức trong thiên hạ đều muốn lại triều đình của vua, các nhà nông đều muốn cày cấy ruộng đất của vua, các thương nhân đều muốn trữ hàng hoá ở chợ búa của vua, các khách phương xa đều muốn đi lại trên đường sá của vua; lúc đó trong thiên hạ ai chán ghét phép cai trị vô đạo của vua nước mình, sẽ kéo nhau đến tố cáo với nhà vua. Khi người ta có những thói quen đó rồi thì làm sao trở lại những lầm lỗi cũ được [20] .
Tuyên vương đáp: “Ta tối tăm, chẳng thể hiểu điều đó được” [21] [Lương Huệ vương, thượng -7].
Một ông vua nhân từ thì không gây chiến với các nước khác, mà tấn công kẻ thù chung của nhân loại là sự nghèo khổ, vì sự nghèo khổ và sự dốt nát gây ra tội lỗi mà nước hoá ra loạn. Dân nghèo vì không có việc làm, hoá ra bậy bạ, mắc vòng tội lỗi, rồi cứ chiếu theo luật pháp mà trừng trị, thì tức là bủa lưới bắt dân [Đằng Văn công, hạ -3]. Chính quyền phải lo sự ăn mặc cho dân, phải đánh thuế ruộng đất chứ không đánh thuế nhà cửa hoặc công việc làm trên ruộng đất ấy [22] , phải bỏ hết các thứ thuế khác mà mở trường cho thật nhiều, bắt trẻ nào cũng phải đi học, vì cách ấy là cách chắc chắn nhất để phát triển văn minh. “Mở mang giáo dục thì được lòng dân hơn là đặt ra pháp luật”. “Chỗ người ta khác với cầm thú không có bao nhiêu, kẻ dân thường bỏ mất chỗ khác ấy còn người quân tử thì giữ được” [Li Lâu, hạ - 19].
Mạnh tử không được các vua chúa dùng vì họ cho là quá cấp tiến, mà lại bị bọn xã hội và bọn cộng sản đương thời khinh là bảo thủ quá; nghĩ tới điều ấy chúng ta mới thấy những vấn đề chính trị và các giải pháp chúng ta đưa ra ngày nay, trong thời đại chúng ta gọi là văn minh này, có gì là mới đâu, cổ nhân cũng nghĩ tới rồi. Khi Hứa Hành “con người mọi rợ ở phương Nam [Sở], giọng líu lo như chim chàng làng”, muốn lập chế độ cộng sản chuyên chính, đòi cho thợ thuyền lên cầm quyền, bảo “các đại thần phải lựa trong đám lao động”, và một số đông các nhà trí thức thời đó cũng như thời nay, theo ông ta, thì Mạnh tử khinh bỉ, mạt sát quan niệm ấy, bảo chính quyền phải giao cho kẻ sĩ. Nhưng ông đồng thời cũng đả đảo thuyết công lợi, trách Tống Khanh khuyên các vua chư hầu đừng gây chiến với nhau, vì như ngày nay chúng ta nói: “chiến tranh không có lợi”:
Mục đích của ông lớn [đáng khen] đấy, nhưng lí do ông trưng ra không vững. Nếu ông đem việc lợi ra thuyết vua Tần, vua Sở, mà hai vua ấy nghe ông, bãi các sư đoàn trong tam quân thì các binh lính trong quân đội sẽ vui lòng nghỉ ngơi và thích chạy theo cái lợi; kẻ làm tôi cũng sẽ vì tham lợi mà thờ vua, kẻ làm con tham lợi mà thờ cha, kẻ làm em vì tham lợi mà thờ anh; kết quả là vua tôi, cha con, anh em đều bỏ hết nhân và nghĩa, mà giao tiếp với nhau vì lòng tham lợi mà thôi. Xã hội như vậy mà không diệt vong, là điều chưa từng thấy vậy [Cáo tử, hạ - 4].
Mạnh tử thừa nhận quyền làm cách mạng và tuyên bố ngay vào mặt các vua chúa. Ông mạt sát chiến tranh, coi đó phải bực tức: “Có kẻ bảo: “Tôi giỏi bày binh bố trận”. Họ là những kẻ mắc đại tội”. “Không có nghĩa chiến” [23] , nghĩa là không có chiến tranh nào chính đáng, hợp đạo nghĩa cả. Ông chỉ trích thói xa hoa của triều đình và mắng thẳng các vua chúa nuôi chó, heo mà để cho dân chết đói [24] [Lương Huệ vương, thượng – 3]. Một ông vua [25] tuyên bố rằng không ngăn được nạn đói, ông đáp nếu vậy thì nên nhường ngôi đi [Công Tôn Sửu, hạ - 4]. Vì “dân vi quí, quân vi khinh” [Tận tâm, hạ - 14], cho nên dân có quyền truất ngôi vua và trong vài trường hợp, giết vua nữa:
Tề Tuyên vương hỏi về đạo nghĩa của quan khanh [như thủ tướng hay bộ trưởng ngày nay]… Mạnh tử đáp: Nếu vua có lỗi lớn thì bọn đó phải can gián, can gián nhiều lần mà vua không nghe thì tôn người khác kên [Vạn Chương, hạ -9].
[Lần khác] Mạnh tử bảo: Như có quan sĩ sư [đầu ti Hình pháp] mà không cai quản nổi những quan dưới quyền mình thì vua xử trí cách nào?. Tề Tuyên vương đáp: “Thì cách chức”. Mạnh tử lại hỏi tiếp: “Nếu có một ông vua mà để trong nước rối loạn thì nên xử trí cách nào?”. Tuyên vương ngó qua bên tả bên hữu rồi mới nói lảng qua chuyện khác [Lương Huệ vương, hạ - 6]. [Lần khác nữa] Tuyên vương hỏi: “Vua Thành Thang đuổi vua Kiệt, vua Võ vương đánh vua Trụ, có thật vậy không? Mạnh tử đáp: “Trong sử sách chép như vậy”, vua hỏi tiếp: “Bề tôi giết vua, có nên chăng?”. Mạnh tử đáp: “Kẻ làm hại đức nhân thì gọi là “tặc” [giặc], kẻ làm hại đức nghĩa gọi là “tàn” [bao ngược]. Hạng tàn, tặc chỉ là người thường mà thôi. Tôi nghe nói vua Võ vương giết một người thường là Trụ chứ chưa nghe nói giết vua [Lương Huệ vương, hạ -8].
Thật là một học thuyết can đảm, nó có công lớn nhồi vào óc các vua chúa và đại chúng Trung Hoa tín niệm này: “Khi một ông vua đã thất nhân tâm thì cũng mất luôn cái mệnh Trời giao cho” và phải bị truất ngôi. Vậy ta không thấy lấy làm lạ rằng Minh Thái tổ, người sáng lập ra nhà Minh [niên hiệu là Hồng Vũ, tên là Chu Nguyên Chương] đọc những đoạn Mạnh tử nói chuyện với Tề Tuyên vương, bất bình lắm, ra lệnh dẹp hết những phiến đá khắc các bài ấy mà vua Thần tôn nhà Tống sai dựng năm 1084 ở miếu thờ Khổng tử. Nhưng năm sau, Thái tổ lại phải cho đặt lại chỗ cũ, và cho tới cuộc cách mạng Tân Hợi 1911. Mạnh tử được coi là một đấng đại trượng phu của Trung Hoa, một á thánh danh vọng và ảnh hưởng chỉ kém Khổng tử trong lịch sử triết học chính thống. Chính nhờ ông và Chu Hi đời Tống, mà Khổng tử được coi là bực tôn sư về tư tưởng Trung Hoa trên hai ngàn năm [26] .
[1] Triết gia Hi Lạp, sinh vào khoảng từ -490 tới -485. (ND).
[2] Bản tiếng Pháp: chặt thành từng khúc từ đầu đến chân. (ND).
[3] Bản tiếng Pháp: Trois lois du raisonnement – ba luật lí luận. (ND).
[4] Chúng tôi không tra được chữ Hán (ND).
[5] Bản tiếng Anh: from the acquisitiveness of the child.. . (Goldfish).
[6] Có sách chép là Tống Kiên hoặc Tống Vinh -383 -290. (ND).
[Trong cuốn Trang tử - Nam Hoa kinh , cụ Nguyễn Hiến Lê chú thích mấy chữ “Ông Vinh tử nước Tống” như sau: “Một hiền triết nước Tống thời đó. Chương Thiên Hạ ở cuối cuốn này gọi là Tống Kiên, trong bộ Mạnh tử gọi là Tống Khanh, trong bộ Tuân tử gọi là Tống tử”. (Goldfish)].
[7] Chúng ta chưa có bản dịch trọn bộ Mặc tử , chỉ mới có một cuốn giới thiệu học thuyết Mặc tử của Ngô Tất Tố - Khai Trí – 1959. (ND).
[Khi dịch cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa , cụ Nguyễn Hiến Lê chưa viết cuốn Mặc học . (Goldfish)]
[8] Trừ Khổng tử, còn các triết gia khác thời đó thì năm sinh, năm tử không có gì chắc chắn, có thể sai vài ba chục năm trở lên. Theo Vũ Đồng thì như sau: Khổng tử -551 -497; Mặc tử -480 -397; Dương tử -440 -380; Lão tử -430 -340; Liệt tử -430 -349; Mạnh tử -372 -289; Trang tử -360 -280; Tuân tử -330 -227; Hàn Phi -280 233. (ND).
[9] Chỗ này Durant cắt bỏ, dưới cũng vậy. (ND).
[10] Chu công là con vua Văn vương, em vua Vũ vương, chú vua Thành vương (1115-1077), nhiếp chính cho Thành vương, vì anh em ông ta muốn cướp ngôi của Thành vương, ông phải giết anh và bỏ tù em. Chu công cai trị giỏi, đặt ra lễ, nhạc. (ND)
[11] Có sách chép là Triệu công – cũng là nhiếp chính. (ND).
[12] Cả đoạn trong dấu [ ] này, Durant cắt bỏ, tôi giữ lại cho hợp với tiền văn và hậu văn. Trên đưa bốn ông Thánh: Thuấn, Vũ, Chu Công, Khổng tử, rồi dưới lại nhắc “bốn ông Thánh đó sống không một ngày vui”, vậy thì không lí gì lại loại bỏ Chu Công đi, mà chỉ nói tới ba ông kia. (ND).
[13] Bản tiếng Pháp: những người có ý thức về cái thực thì không tìm cái danh. (ND).
[14] Tên một cái đài do vua Trụ xây. (ND).
[15] Vua Trụ dâm đãng, lấy 120 ngày làm một đêm, gọi là “trường dạ ẩm”. (ND).
[16] Người Trung Hoa chỉ còn giữ lại được trên hai chục bài viết từ khoảng 2.000 năm trước về Dương Chu (mà không phải của Dương Chu). Tôi đã dịch và gom lại tất cả những bài đó trong phần III cuốn Liệt tử và Dương tử - Lá Bối – 1972. (ND).
[17] Tôi dịch sát bản tiếng Pháp, thấy đoạn này, từ “Chúng ta muốn tưởng…” nghĩa không xuôi, không rõ bản tiếng Anh ra sao. (ND).
[Bản tiếng Anh: “Again we suspect that time, who is a reactionary, has preserved for us the most respectable of Chinese thinkers, and has swallowed nearly all the rest in the limbo of forgotten souls. And perhaps time is right: humanity itself could not long survive if many were of Yan Chu's mind”. (Goldfish)].
[18] Chức khách khanh cũng như chức cố vấn giao cho người ngoại quốc. (ND).
[19] Sự thực hai lời đó đều của Tề Tuyên vương. Tề Tuyên vương còn thú có tất hiếu sắc nữa. (ND).
[20] Nguyên văn: Kì nhược thị, thục năng ngữ chi , có sách dịch là: Như vậy ai ngăn cản họ được. Tôi nghĩ có lẽ nên hiểu là: Được như vậy thì còn ai chống lại được [nhà vua]. (ND).
[Sách in sai chữ thục thành chữ thực. Nguyên văn chữ Hán cả câu: 其若是, 孰能御之 Chữ 御 (ngữ ), có bản chép là 禦 (ngữ), cả hai chữ đều có nghĩa là chống lại. (Goldfish)].
[21] Có người hiểu là: Ta tối tăm, chẳng tiến được tới mức ấy. (ND).
[Nguyên văn: Ngô hôn, bất năng tiến ư thị hĩ 吾惛, 不能進於是矣 (Trang web đã dẫn). (Goldfish)].
[22] Chỗ này Durant hiểu hơi sai. Coi Công Tôn Sửu, thượng – 5 và coi cuốn Mạnh tử của tôi – Cảo Thơm xuất bản – 1974. (ND).
[23] Nguyên văn chữ Hán: Xuân Thu vô nghĩa chiến (Tận tâm, hạ - 2). (ND).
[24] Nguyên văn: Cẩu trệ thực nhân thực nhi bất tri kiểm, đồ hữu ngạ biễu nhi bất tri phát: [Ngày nay nhà vua] để cho loài chó heo ăn hết thức ăn của người mà chẳng biết cấm ngăn, trên đường đầy kẻ chết đói mà vua chẳng chịu xuất lúa ra phát chẩn.
[Trong phiên âm ở trên có 3 chữ in sai, tôi đã sửa lại theo nguyên văn chữ Hán đăng trên trang web đã dẫn: 狗彘食人食而不知檢,塗有餓莩而不知發 (Goldfish)].
[25] Chính ra là Khổng Cự Tâm, một quan đại phu cai trị đất mới được truất ngôi vua, sau khi họp công tộc triều đình Bình Lục ở Tề. (ND).
[26] Đã có nhiều bản dịch trọn bộ Mạnh tử . Có thể đọc thêm cuốn viết về Mạnh tử - Cảo Thơm – 1974. (ND).