watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Q2 - Động Đình Hồ Ngoại Sử-Hồi 23 - tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Hồi 23

Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Người thứ tư ngồi đối diện với Mã Anh là Việt-kị hiệu-úy Trương Linh. Phật-Nguyệt nhớ lại hôm đến Trường-an, y có lời lẽ chống đối Nghiêm Sơn, sau khi đấu chưởng với Trưng Nhị, Khất đại-phu nhắc Trưng Nhị đánh bại y. Không biết y tới đây từ lúc nào, để làm gì ?
Trương Linh nói:
– Thái-hậu cho rất nhiều cao thủ xuống Quế-lâm truy lùng tin tức y thị mà không thấy. Không ngờ trong lúc đó y thị lại bỏ Quế-lâm lên Linh-lăng, có thể nay mai tới Trường-sa. Vì vậy Thái-hậu mậët sai tôi tới đây truyền lệnh cho Quốc-cữu, bằng mọi giá phải tìm ra y thị mang về nộp. Thái-hậu hứa thăng Mã tướng-quân lên chức Thứ-sử bất cứ vùng nào Quốc-cữu muốn.
Mã Anh đáp :
– Ân chỉ của Thái-hậu, dĩ nhiên tôi phải làm cho hết sức, có điều Trường-sa đang bị quân Thục từ Kinh-châu đánh xuống. Đại quân gần mười vạn người, hiện đã tới hồ Động-đình, ngày mai chắc chắn sẽ có cuộc giao tranh lớn. Tôi phải chống giặc, khó mà chu toàn chỉ dụ của Thái-hậu.
Trương Linh gật đầu :
– Tôi hiểu cái khó khăn của Quốc-cữu, nhưng nếu mất Trường-sa chưa chắc Quốc-cữu đã bị tội, còn không thi hành ân chỉ của Thái-hậu e rằng chúng ta không còn chỗ đội nón.
Mã Anh tỉnh ngộ:
– Hiệu-úy nói đúng, tôi cho Tế-tác đi khắp nơi trong vùng Trường-sa, Linh-lăng nghe ngóng tin tức y thị, nếu gặp y thị phải bắt bằng được, mang về Lạc-dương để Thái-hậu phát lạc. Tôi nghĩ có lẽ y thị đến Trường-sa hơn là Linh-lăng, vậy muốn bắt y thị phải giữ Trường-sa bằng mọi giá trong một thời gian nữa, nhưng Trường-sa quân mình ít quân giặc đông, khó giữ lâu được.
Trương Linh bàn:
– Tốt hơn hết, chúng ta cố thủ, không xuất trận, với lương tiền trong kho, ít ra cũng còn đủ cho quân ăn 6 tháng. Bấy giờ viện-quân tới, Quốc-cữu còn lo gì nữa ?
Hàn Bạch lên tiếng :
– Quân Thục mới đến, còn mệt mỏi, đêm nay chúng ta bất thần xuất thành cướp trại, tất thắng lợi.
Trương Linh lắc đầu:
– Hàn tướng-quân chớ nên khinh địch, Công-tôn Thiệu là một trong những người trí dũng song toàn, một tay cầm quân vùng Kinh-châu. Kiến-Vũ thiên-tử cách chức, giam Nghiêm Sơn, sai sứ giả truyền lệnh trễ có mười lăm ngày, mà y đã cùng với Trưng Nhị đánh lừa Phục-ba tướng-quân, nắm lấy quyền, dùng binh phù chiếm tất cả thành Thục bị mất, và chỉ một ngày lấy mất bảy quận Kinh-châu. Trường-sa, Linh-lăng ở xa, chứ nếu ở gần thì đã mắc lừa rồi. Bên cạnh y còn có đám anh hùng Lĩnh Nam như Trưng Nhị mưu trí tuyệt vời, võ công cao hơn tôi. Phật-Nguyệt kiếm thuật thần thông, đến Hoài-nam vương còn bị bại, nay chúng ở xa tới, tất đề phòng nghiêm mật, chúng ta cướp trại chưa chắc đã thành công.
Vương Hồng gật đầu :
– Được, vậy chúng ta đóng cửa thành, không giao chiến. Đợi ít ngày, giặc không đề phòng, chúng ta tiến quân đến Nam hồ Động-đình, đốt lương thảo. Giặc từ xa đến, quân đông nếu lương thảo tuyệt, lòng quân loạn, ta chỉ đánh một trận thì thành công.
Trương Linh nói:
– Trong thời gian đó chúng ta phải dò tin tức y thị.
Mã Anh cầm lấy tờ chỉ dụ của Thái-hậu kính cẩn khép lại, mở tráp cho vào trong, khóa cẩn thận rồi nói :
– Mời Hiệu-úy sang phòng bên cạnh, tôi xin được khoản đãi Hiệu-úy một bữa no say, sáng mai chúng ta cùng nhau dò la tin tức.
Bọn Mã Anh, Trương Linh đi rồi, Phật-Nguyệt nhảy vào trong phòng. Nàng lấy cái tráp của Mã Anh, định nhảy ra ngoài, nhưng tính tình tinh nghịch, nàng cầm bút viết lên tờ giấy mấy chữ :
Quần hùng Lĩnh Nam bái kiến Tượng-quận tam anh
Sau đó, nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Hai người chờ trời sáng lên ngựa trở về dinh Thục.
Trần Năng kể cho Trưng Nhị nghe chi tiết mọi truyện, rồi đưa tờ mật chỉ của Thái-hậu cho nàng coi.
Trưng Nhị nói:
– Không biết đây là việc gì mà Thái-hậu đứng ra lo liệu? Có lẽ việc riêng của Thái-hậu, chứ nếu là việc công, chính Hán Quang-Vũ phải làm chứ ?
Nàng cầm chỉ dụ mở ra đọc, ngoài bao thư có hàng chữ Cháu là Mã Anh, Thái-thú Trường-sa khai khán. Bên trong có bức thư, nét chữ không lấy gì làm đẹp lắm, có lẽ là thủ bút của Thái-hậu :
Kể từ khi cô về Lạc-dương không được gặp cháu nữa. Nhưng lòng cô lúc nào cũng nghĩ tới cháu. Hiện nay Mã Viện đang cầm đại quân đánh vào Ích-châu, nếu Mã Viện bắt được Công-tôn Thuật, cô sẽ nói với Thiên-tử phong cho tước Công, làm chúa Ích-châu, đời đời hưởng lộc.
Bấy giờ cô cũng nói với Thiên-tử, cất nhắc cháu lên làm Thứ-sử Kinh-châu, sở dĩ cô cất nhắc cháu làm Thứ-sử Kinh-châu vì mong cháu làm cho cô việc ấy. Trong thiên hạ hiện giờ chỉ có cháu giúp được mà thôi. Cô bỏ ra nhiều vàng bạc châu báu, đi tìm tông tích y thị, gần đây cô khám phá ra y thị hiện ẩn náu ở Quế-lâm. Cháu có biết y thị là ai không? Thì ra y thị là nhũ mẫu Nghiêm Sơn, không biết y thị có nói chuyện kia với Nghiêm Sơn không? Cô chắc là không, vì nếu y thị nói với Nghiêm Sơn thì Nghiêm đã tâu với Kiến-Vũ, cô cháu ta đâu có còn sống tới ngày nay và y thị đâu có còn ở Quế-lâm, cho nên cô phải hạ thủ trước. Cô gửi mật chiếu đi khắp nơi, dò la tin tức Nghiêm Sơn, may ra cô tìm ra Nghiêm Sơn chuyên quyền, muốn lập nước Lĩnh Nam để làm vua, vì vậy cô dùng vàng ngọc mua chuộc đại thần, họ cực lực phản đối việc tái lập Lĩnh Nam. Đó là cái mối để cô chia rẽ giữa Nghiêm Sơn và Quang-Vũ.
Hiện Quang-Vũ nghe lời cô cùng quần thần bắt giam Nghiêm Sơn, tước binh quyền của y, trước sau gì rồi cũng giết y, còn cô thì biết y thị từ Quế-lâm lên Trường-sa, còn cháu ngày đêm phục ở lăng mộ tiên-vương hầu bắt sống y thị cho cô. Cô sẽ thưởng cho cháu như lời hứa, cháu phải nhất tâm nhất dạ mà làm. Thư bất tận ngôn.
Trưng Nhị đọc xong nói với Trần Năng, Phật-Nguyệt :
– Thì ra Mã Thái-hậu không phải là mẹ đẻ Quang-Vũ. Theo như lời Nghiêm đại-ca nói với Khất đại-phu, do sư thúc Trần Năng kể, thì Trường-sa vương lấy một người tỳ thiếp Hàn Tú-Anh, sinh ra hai người con là Lưu Diễn và Lưu Tú. Thái-phi không bằng lòng trong phủ Trường-sa Định-vương có người con hát làm Vương-phi, cũng không muốn cháu mình sau này lên nối ngôi cha làm Trường-sa Định-vương, tôn con hát lên làm Thái-phi. Bà cho người giết chết Hàn Tú-Anh, cướp lấy hai đứa con mang về cho Mã Vương-phi nuôi, dối là con đẻ. Không ngờ Hàn Tú-Anh được thân phụ Nghiêm Sơn cứu thoát, đem về làm vú nuôi Nghiêm. Bấy giờ Mã Thái-hậu tuy bề ngoài là mẹ ruột Quang-Vũ, nhưng vẫn lo Hàn Tú-Anh xuất hiện, bà cho người đi dò tung tích biết được Tú-Anh là mẹ nuôi Nghiêm Sơn, vì vậy bà hại Nghiêm đại-ca trước, bây giờ bà biết Tú-Anh đang trên đường lên Trường-sa vội truyền mật chỉ cho Mã Anh giết Tú-Anh.
Phật-Nguyệt cười :
– Tên Mã Anh ăn tiệc xong, trở lại trướng, thấy mất bức mật chỉ, lại thấy mấy chữ trên bàn, thì nhất định hồn phách bay lên mây.
Trưng Nhị mời tất cả anh hùng Lĩnh-Nam lên chiến thuyền du ngoạn đêm trước họp, nàng trình bày chi tiết, nội vụ, nguồn gốc Nghiêm Sơn cho đến bức mật chiếu của Mã Thái-hậu.
Trần Năng bàn :
– Mã Thái-hậu không phải là mẹ đẻ của Hán Quang-Vũ, trước đây chánh-phi Trường-sa Định-vương giết Hàn Tú-Anh chứ không phải Mã Thái-hậu. Chánh-phi Trường-sa vương bắt Lưu Diễn và Quang-Vũ giao cho Mã Thái-hậu nuôi. Quang-Vũ lớn lên tưởng Mã Thái-hậu là mẹ mình, có ngờ đâu mẹ mình đang ở Lĩnh Nam, y cũng không ngờ Nghiêm Sơn cứu y là do mẹ mình đứng trong bóng tối thúc đẩy. Bây giờ mẹ ruột Quang-Vũ đã bị Mã Thái-hậu truy lùng giết cho tuyệt hậu hoạn, vậy chúng ta phải chia lực lượng ở đây ra làm hai : Một là đánh Trường-sa, hai là tìm cách cứu Hàn Tú-Anh đưa về Lạc-dương, làm rối loạn triều đình Quang-Vũ. Chúng ta cứ đưa Tú-Anh về cho Phương-Dung hay Vĩnh-Hoa, hai người này chắc có nhiều mưu kế hơn.
Lại Thế-Cường ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Bây giờ ta cần phải biết Hàn Tú-Anh ở đâu, mới có thể cứu bà. Hôm trước Phương-Dung nhờ Trưng Trắc về Quế-lâm tìm bà, không biết Trưng Trắc đã gặp chưa? Không chừng bà lên Trường-sa là do Trưng Trắc mời đi cũng nên, vì nếu đi bằng đường Độ-khẩu qua Thành-đô đường đất khó khăn quá, nếu quả Trưng Trắc đi với bà thì chả cần tìm đâu xa, chắc chắn họ sẽ đến bản doanh tìm chúng ta.
Lê Chân đồng ý:
– Lỡ Trưng sư-tỷ chưa tìm được bà, mà bà đi rồi mới nguy. Trưng sư-tỷ là người cẩn thận, nếu tìm bà ở Quế-lâm không gặp, sẽ hỏi bà đi đâu. Người nhà thể nào cũng chẳng nói bà đi Trường-sa, Trưng sư-tỷ chắc sẽ theo lên đây tìm bà, may mắn đi giữa đường gặp bà thì tạm yên. Còn chẳng may đi giữa đường không gặp bà, mà Mã Anh cho người tìm hại bà mới là cái nguy.
Trưng Nhị ngồi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Vấn đề như thế này, nếu bà đi Trường-sa do Trưng Trắc đưa đi, thì không dễ gì Mã Anh hại được bà, còn trường hợp bà đi một mình ta phải tìm hiểu lý do tại sao bà đi Trường-sa. Ta thử đặt mình vào trường hợp bà xem tại sao bà đi Trường-sa?
Mọi người cúi đầu suy nghĩ, trong chiến thuyền im lặng, không một tiếng động. Bên ngoài gió thổi vi vu, sóng hồ Động-đình vỗ dào dạt, quần hùng Lĩnh Nam chau mày, nhưng không tìm được lý do Hàn Tú-Anh đi Trường-sa.
Trần Năng bàn:
– Hay chúng ta trở lại thám thính xem sao, chứ không lẽ ngồi chờ bà Hàn Tú-Anh bị Mã Thái-hậu giết ?
Vương Sa-Giang bỗng lên tiếng :
– Em có thể góp ý kiến được không ?
Trưng Nhị nhíu mày nghĩ:
– Hàn Tú-Anh là ca-kỹ, Sa-Giang tuy không phải là ca-kỹ, nhưng có cái hồn giống nhau, có thể nàng hiểu Tú-Anh hơn.
Nghĩ vậy nàng nói:
– Sư muội cứ nói.
Sa-Giang cười :
– Tú-Anh là tỳ thiếp của Trường-sa vương, nguyên không phải vì tham công danh. Em nghe nói Trường-sa vương giả khách viễn phương, nghe tiếng nàng tìm đến. Thế rồi trai tài gái sắc gặp nhau, sau khi họ đã có hai con. Trường-sa vương mới cho biết thân thế của mình. Như vậy hai người lấy nhau vì tình yêu, tình yêu của họ bị đứt đoạn, vì thành kiến xã hội, một người là vương tước nhà Hán, một người là ca-kỹ. Rồi nàng bị đoạt mất con, bị ám hại, còn Trường-sa Định-vương bị Vương Mãng giết chết. Hai người coi như Chưa trọn cuộc tình, tơ duyên còn vướng mắc, sao có thể khuây khỏa được ? Khi đã không quên dĩ vãng, họ phải tìm lại kỷ niệm xưa. Vậy Tú-Anh trở lại Trường-sa không phải thăm bà con, vì bà con Tú-Anh không ở đây. Bà trở lại thăm con ư ? Bà biết rằng con bà là Quang-Vũ, con nuôi bà là Nghiêm Sơn đều không ở Trường-sa. Vậy bà trở lại Trường-sa chỉ để thăm lại chốn cũ mà thôi, chốn cũ của bà là gì ? Phải chăng là căn nhà hai người sống vụng trộm với nhau hoặc tìm đến tế mộ Trường-sa vương. Vậy ta cứ cho người phục ở những nơi đó, thế nào cũng gặp lại bà.
Phật-Nguyệt vỗ tay :
– Chúng ta bằng này người, mà không ai bằng Sa-Giang, quả thật những người ở cùng hoàn cảnh mới hiểu nhau. Đoạn trường ai mới qua cầu mới hay. Vì Sa-Giang giỏi âm luật, tính tình lãng mạn, mới hiểu được Tú-Anh.
Trưng Nhị trở lại trại quân gặp Công-tôn Thiệu, nàng hỏi:
– Vương gia! Trước đây Vương-gia đã ở Trường-sa, vậy Vương-gia có biết ba đệ nhất thắng cảnh không ?
Công-tôn Thiệu ngạc nhiên :
– Cô nương muốn nói thắng cảnh nào ?
Trưng Nhị cười:
– Một là kỹ-viện, xưa kia có một kỹ-nữ tuyệt sắc tên gọi là Hàn Tú-Anh, khiến Trường-sa Định-vương cha Quang-Vũ mê man, giả làm văn nhân đến gặp hoa khôi.
Công-tôn Thiệu nhíu mày cười:
– Kỹ-viện đó bị Thái-phi, mẹ Trường-sa Định-vương đốt cháy từ lâu rồi, còn Tú-Anh sống hay chết không ai biết tin tức ra sao. Trước đây khi tôi còn trấn ở Trường-sa dò hỏi tin tức tìm nàng, nhưng tuyệt không ai biết gì cả, thực đáng tiếc.
Hồ Đề tính hay đùa, nàng hỏi:
– Công-tôn vương-gia, tại sao Vương-gia lại nói đáng tiếc ? Phải chăng Vương-gia cũng là một khách đa tình, say mê nàng, nhưng nàng bị Trường-sa vương nhà Hán cướp mất. Khi Vương-gia được phong Trường-sa vương Thục, tìm nàng để nhặt cái phấn hương thừa?
Sa-Giang cũng nói:
– Sư bá! Sư bá đã thấy sư-tỷ Hoàng Thiều-Hoa, Phương-Dung, bà Tú-Anh, vậy sư bá bảo ai đẹp hơn ?
Công Tôn Thiệu bị hai người hỏi dồn, bối rối:
– Không! Tôi nghe tiếng nàng đẹp, chứ không hề thấy mặt nàng, còn Hoàng vương-phi với Đào phu-nhân quả thật trên đời tôi chưa thấy ai đẹp hơn.
Trưng Nhị hỏi:
– Còn ngôi nhà Trường-sa Định-vương với Hàn Tú-Anh ẩn náu chắc Vương-gia biết chứ ?
Công-tôn Thiệu gật đầu:
– Ngôi nhà ở ngoài thành, nằm về phía nam thôn Đào-gia, nay vẫn còn. Cô nương muốn coi sau khi đánh thành tôi sẽ đưa cô nương đi, ngôi nhà kiến trúc bằng đá rất đẹp. Tương truyền Định-vương nhà Hán phái hơn ba ngàn quân vào núi, kiếm những phiến đá đẹp đẽo thành phiến, đem về làm nhà cho nàng ở, gọi là Ngọc-động, danh sĩ đương thời Từ Thẩm, làm một bài từ, ca tụng Ngọc-động và Tú-Anh như sau :
Phương Thảo thanh thanh,
Ngọc Động long lanh.
Dáng người quần hồng, mặt buồn thê lương,
Nàng cất tiếng hát, ngàn chim họa theo,
Nào khách anh hùng, nào đế, nào vương,
Hãy bỏ ngai vàng bệ ngọc về đây …
Về đây để được quì dưới gót chân nàng.
(Lược dịch bài từ Mỹ nhân Trường Sa của Từ Thẩm)
Trưng Nhị lại hỏi:
– Sau khi Trường-sa Định-vương chết, thì thi thể táng ở đâu ?
Công-tôn Thiệu đáp:
– Sau khi y chết có sáu võ lâm cao thủ tên Hợp-phố Lục-hiệp trộm xác đem về chôn ở Vương-sơn phía Đông Nam Trường-sa khoảng ba mươi dặm. Quang-Vũ trùng hưng, muốn cải táng, thầy địa lý bảo đó là ngôi mộ kết phát, y để nguyên, cho xây lăng rất đẹp. Vì Trường-sa có lăng mộ Trường-sa Định-vương, Quang-Vũ mới để em con cô tên Mã Anh làm Thái-thú, hầu trông coi. Chúng ta đánh Trường-sa chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các nơi khác.
Trưng Nhị tường thuật cho Công-tôn Thiệu nghe những điều Phật-Nguyệt, Trần Năng dọ thám được trong thành Trường-sa, nàng dấu hẳn vụ Hàn Tú-Anh, nàng nói:
– Vì vậy tôi cho Tế-tác đột nhập thành Trường-sa chờ đợi, nếu Mã Anh cất quân đốt lương ta, tôi sẽ tương kế tựu kế, chiếm thành. Bây giờ Vương-gia có thể cho quân xuất trại, dạo chơi, nhưng đêm phải dọn trại, chuẩn bị áo giáp sẵn, khi quân trong thành khởi sự cướp lương, ta đánh úp lấy thành ngay. Một mặt tôi cho các anh hùng Lĩnh Nam đột nhập Trường-sa, khi khởi sự thì ra tay.
Trưng Nhị trở về thuyền riêng sắp đặt:
– Bây giờ sư-thúc Trần Năng cùng với sư-tỷ Phật Nguyệt đến phục ở Đào-gia thôn, còn tôi với Hồ Đề đến phục ở lăng Trường-sa Định-vương, mọi việc ở nhà do sư-bá Lại Thế-Cường trông coi, chúng ta mang theo Thần-ưng để liên lạc.
Sa-Giang níu áo Trưng Nhị:
– Sư-tỷ! Sư-tỷ cho em đi với.
Trưng Nhị tuy mưu trí tuyệt vời, nhưng lại nhiều cảm tình, ngay từ hôm đầu tiên mới gặp Sa-Giang, nàng đã có cảm tình với cô gái Tứ-xuyên nhu mì, lãng mạn này. Nàng biết Sa-Giang yêu Đào Kỳ bằng tất cả mối tình nồng thắm, nhưng Đào Kỳ lại trung thành với Phương-Dung, từ võ công cho đến nhan sắc, trí thông minh, bất cứ phương diện nào Sa-Giang cũng không bằng Phương-Dung. Vì vậy mối tình của nàng tuyệt vọng, để muôn nghìn năm sau là mối vạn cổ sầu. Trưng Nhị thương tình vuốt tóc nàng:
– Em muốn đi, ta đâu có thể chối từ ?
Ba người lấy ngựa hướng về phía Nam, dọc đường họ gặp những toán dân chúng sợ chiến tranh, bỏ thành Trường-sa gồng gánh về phương Nam. Hồ Đề mang theo năm Thần-ưng, nàng đặt cho chúng tên Ngũ-ưng, nàng tự tay chăm sóc từ nhỏ, đi đâu chúng cũng bay theo, ba người chậm chạp ruổi ngựa về hướng Vương-sơn, trong khi đó Ngũ-ưng bay lượn trên đầu.
Trong ba người, Trưng Nhị, Hồ Đề nói tiếng Hán giọng Quế-lâm, còn Sa-Giang nói giọng Tứ-xuyên, ba người thủng thẳng đi, không nói nhiều. Họ giả trang giống như những thiếu nữ vùng Giang-hạ, vì vậy không ai để ý đến họ.
Bỗng Sa-Giang nói khẽ :
– Phải cẩn thận, đừng quay lại, phía sau chúng ta có năm kị mã đang phi tới, tốc độ nhanh vô cùng.
Trong ba người, võ công Trưng Nhị cao nhất, nàng không nghe thấy gì, thế Sa-Giang lại nghe thấy, nàng còn phân biệt được tốc độ của ngựa nữa, thật là tuyệt.
Hồ Đề hỏi:
– Sa muội! Trưng sư-tỷ võ công cao hơn sư muội nhiều, tại sao sư-tỷ chưa nghe thấy tiếng ngựa phi, mà sư muội đã nghe thấy ?
Sa-Giang đáp:
– Em thấy gió từ sau thổi lại, phớt qua tai rất đều, có những điểm gió như cái đũa, từng đợt từng đợt bật vào đầu, vào tai thì biết do tốc độ mau. Tốc độ mạnh như vậy mà không nghe tiếng kêu, chỉ có thể một con vật nào to lớn từ xa đang lao tới, đúng là ngựa, em mới đoán phỏng chừng.
Hồ Đề chợt hiểu, Sa-Giang giỏi âm nhạc, nàng thính tai hơn bất cứ ai. Ba người đang nói chuyện, đã thấy tiếng lộp cộp gần, rồi năm kị mã phóng đi như bay.
Sa-Giang kêu lên:
– Khúc-giang ngũ-hiệp !
Hồ Đề hỏi:
– Họ là ai vậy ? Sao sư muội biết họ ?
Sa-Giang đáp:
– Nguyên năm năm trở về đây, sau khi Ngỗi Thuần đầu hàng, thân phụ em phẫn chí, bỏ đi giang hồ. Phụ thân em cùng em giả đi làm người hát dạo, phiêu bạt khắp nơi, em được nghe biết nhiều về anh hùng thiên hạ. Năm kị mã vừa rồi quê ở Khúc-giang, họ là năm anh em ruột đồng môn, hành hiệp khắp nơi, em gặp họ một lần ở Kinh-châu hồi tháng năm, năm trước, sở trường của họ là những chưởng pháp, quyền pháp, vũ khí họ dùng là roi da, võ công họ rất cao.
Hồ Đề hỏi Trưng Nhị:
– Sư-tỷ, Khúc-giang ở vùng nào vậy ?
– Khúc-giang là một con sông ở quận Nam-hải, chạy giữa ba dãy núi Thạch-sơn, Đào-sơn, Thanh-vân-sơn. Khi Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư mang quân đánh Âu Lạc, vua An-Dương hạ lệnh rút khỏi vùng Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, các đạo quân đều tuân theo. Riêng có Phương-chính hầu Trần Tự Minh không tuân lệnh, ngài xuất lĩnh đệ tử kháng chiến chống giặc, sau khi Đồ Thư chiếm quận này trao cho viên quan là Triệu Đà trấn thủ, Đồ Thư chết rồi vua An-Dương cũng không nghĩ đến chiếm lại ba quận phía Bắc. Vì vậy Triệu Đà nhân Trung-nguyên có loạn, lập nước Nam-Việt, Khúc-giang hầu cùng đệ tử chiếm một vùng, không thần phục. Đã nhiều lần mang quân vào đánh đều bị thất bại, Triệu Đà đành để cho Khúc-giang hầu tự trị như một nước riêng biệt.
Hồ Đề chợt nhớ ra điều gì hỏi:
– Em nghe nói Khất đại-phu, sư-bá Nam-hải đều là giòng dõi Phương-chính hầu. Như vậy Khất đại-phu với Khúc-giang ngũ-hiệp có tình máu mủ ?
Trưng Nhị gật đầu tiếp:
– Khúc-giang hầu, đời đời cha truyền con nối làm chủ vùng Khúc-giang. Cho đến khi nhà Hán dứt họ Triệu, Phục-ba tướng-quân nhà Hán là Lộ Bác-Đức mang quân đánh Khúc-giang, Khúc-giang hầu thấy tình thế không ổn, đầu hàng rút về còn phái Khúc-giang mà thôi. Phái Khúc-giang truyền đến đời thứ tám là Trần Phương-Đức. Nhân Thái-thú Nam-hải tàn ác, người giết chết y rồi cùng vợ, con tông tộc chạy xuống Giao-Chỉ lập nghiệp, tới Giao-Chỉ người gác kiếm qui ẩn, không dính líu đến võ thuật nữa. Em trai của người tên Trần Đại-Sinh, tức Khất đại-phu theo học phái Tản-viên, các con của người như Trần Thị Phương-Châu, Trần Thị Phương-Chi, Trần Công-Minh và Trần Quốc-Hương theo học phái Sài-sơn, trở thành bốn vị Thái-bảo sau này.
Trưng Nhị nghĩ rồi tiếp:
– Vì vậy võ công của sư bá Nam-hải là võ công của phái Sài-sơn chứ không phải của phái Khúc-giang. Phái Khúc-giang võ đạo rất cao, người nào cũng đầy khí phách. Còn Khúc-giang ngũ-hiệp là nhân vật như thế nào thì ta không rõ, như vậy họ ngang vai với sư bá Nam-hải.
Hồ Đề hỏi Sa-Giang:
– Võ công của thân phụ em so với Khúc-giang ngũ-hiệp như thế nào ?
Sa-Giang lắc đầu:
– Em không rõ, vì hai bên không đấu với nhau, nghe đâu Mã Viện đã đấu chưởng với một trong Ngũ-hiệp, chỉ một chưởng làm Mã phun máu miệng.
Trưng Nhị a lên một tiếng nói :
– Chưởng lực Mã Viện cao hơn ta nhiều, thế mà y chịu một chưởng đã phun máu miệng, thì chưởng lực của Khúc-giang ngũ-hiệp phải cao lắm. Hôm hội quân ở Quế-lâm, Minh Giang đến hành lễ với sư bá Nam-hải gọi bằng sư thúc, Minh Giang là đệ tử của Khúc-giang nhất-hiệp.
Hồ Đề nói:
– Khất đại-phu thường nói: Khúc-giang ngũ-hiệp tuy phải gọi người bằng chú, song võ công cao ngang với ngài. Còn Nghiêm đại-ca, người thuộc vai anh Khúc-giang ngũ-hiệp. Khi Thục An-Dương khám phá ra mình bị mắc mưu Triệu Đà, ngài bèn xuống chiếu chỉ nhường ngôi cho con trai sư đệ Phương-chính hầu Trần Tự-Minh là Trần Tự-Anh kế tiếp sự nghiệp ngài, phục hồi Lĩnh Nam, trong chiếu chỉ ngài dặn rõ:
Nếu một năm không phục được nước thì mười năm, hai mươi năm. Đòi này không phục được thì đời con, đời con không làm được thì đời cháu, miễn đừng bao giờ quên phục quốc là được.
Trưng Nhị nói:
– Như vậy Nghiêm đại-ca phải gọi Khất đại-phu bằng chú, người ở vai sư huynh của sư bá Nam-hải, Tiên-yên. Trong lần hội mặt ở Cối-giang người xuất trình gia phả, xuất trình chiếu của An Dương-Vương, nên trên từ Thái sư-thúc Khất đại-phu, Đào-hầu, Đinh-hầu cho tới tôi đều kính cẩn quì gối nghe chiếu chỉ An-Dương-Vương. Kể từ đấy anh hùng Lĩnh Nam nhất nhất tuân theo lệnh Nghiêm đại-ca, coi Nghiêm đại-ca như Hoàng-đế Lĩnh Nam, đáng lẽ tôi phải gọi Nghiêm đại-ca bằng sư-thúc, song gọi đại-ca đã quen rồi, không sửa được nữa.
Sa-Giang móc trong túi ra một tấm bản đồ vẽ trên lụa đưa cho Trưng Nhị :
– Sư-tỷ, đây là bản đồ lăng mộ của Trường-sa Định-vương, sư bá đưa cho em để chúng ta biết đường mà đi.
Trưng Nhị mở tấm bản đồ, đối chiếu với cảnh bên ngoài, nàng chỉ vào một dãy núi nhỏ:
– Theo bản đồ này, kia là Vương-sơn, lăng mộ Trường-sa Định-vương ở Vương-sơn. Vì là lăng mộ của cha đẻ Quang-Vũ, chắc chắn có quân lính canh phòng. Chúng ta tìm một thôn xóm nào nghỉ chân, tối hãy thám thính.
Chiều hôm đó, ba người tới Vương-sơn, tìm một nhà nông xin tá túc, chủ nhà là cặp vợ chồng già, không có con, họ thấy ba thiếu nữ xinh đẹp, cưỡi ngựa, trang phục sang trọng, nét nghi ngờ hiện ra trên mặt, Sa-Giang móc một nén bạc đưa cho lão già nói:
– Thưa hai bác, chúng cháu từ Kinh-châu đi Linh-lăng thăm bà con, xin hai bác cho chúng cháu tá túc một đêm.
Lão già cầm lấy nén bạc nói:
– Ba vị cô nương thanh quí thế này, mà ở trong nhà lụp xụp, thực tội nghiệp. Nhà lão chỉ có ba gian, vậy nhường hai gian cho ba vị cô nương, không biết ba vị cô nương ăn uống gì không ?
Sa-Giang đáp:
– Chúng cháu mang lương khô theo, không dám phiền hai bác.
Ăn cơm chiều xong, ba người ra bờ suối nhìn hoa. Bây giờ tiết tháng hai, hoa nở đầy trời, khí hậu mát dịu, ba người cùng ngắm hoa, lòng phơi phới nhẹ nhàng. Tuy họ phải ở trong hoàn cảnh phải làm những chuyện nghiêng trời lệch đất, nhưng bản chất dù sao cũng là những thiếu nữ đương xuân, cho nên trong chốc lát, họ mơ màng thả hồn theo thiên nhiên. Trưng Nhị đọc sách, nhiều tình cảm dễ hòa mình với thiên nhiên. Hồ Đề gốc thiếu nữ ở rừng núi từ thuở nhỏ, thiên nhiên là khung cảnh thích hợp với nàng. Còn Sa-Giang tuy con nhà võ nhưng nàng thích âm nhạc, tính tình lãng mạn, trước cảnh chín vạn hoa trời nở, nàng ngây ngất không ít.
Ba người ngồi ngắm hoa, mỗi nguời đuổi theo một ý nghĩa riêng biệt, Sa-Giang hỏi Trưng Nhị:
– Sư-tỷ! Sư-tỷ! Nghĩ gì về ông bà chủ nhân này ?
Trưng Nhị lắc đầu:
– Chị không chú ý cho lắm.
Sa-Giang thở dài:
– Trưng sư-tỷ! Em muốn nói một câu, nhưng phải xin lỗi trước, sư-tỷ không chấp em mới dám.
Một tay Trưng Nhị cầm tay Sa-Giang, một tay nâng cằm nàng lên, nói:
– Từ hôm gặp em, chị đã thấy như quen biết tự bao giờ, đúng như Đại-sư Tăng Giả Nan Đà nói: Chúng mình có tiền duyên với nhau từ kiếp trước. Cho nên chị nghĩ, nếu chị là con trai, chị sẽ bắt em về làm vợ, vì vậy chị nhắc lại: Chúng ta đối xử với nhau như ruột thịt, em có ý kiến gì cứ nói.
Sa Giang cảm động:
– Em thấy dường như tất cả sách vở của Trung-nguyên, chị đều đọc hết, hiểu hết, ứng dụng linh động. Võ công chị thuộc loại tuyệt cao, hơn nữa mưu trí không ai bì kịp. Nhưng chị ít tiếp xúc với đời nhiều nên thiếu tinh tế nhỏ nhặt, những tinh tế đó, đối với chị không cần thiết, song đôi khi nó dễ đưa đến nguy hiểm cho chị và cho đại cuộc.
Trưng Nhị nhận thấy lời Sa-Giang là đúng, về bất cứ mặt gì nàng cũng hơn cô bé này. Duy có một điều, những kinh nghiệm, những xảo trá trên đời nàng kém Sa-Giang, kinh nghiệm của Trưng Nhị do ở sách vở, còn những gì Sa-Giang có do gần mười năm theo phụ thân phiêu bạt khắp nơi thu thập được.
Sa Giang tiếp:
– Khi vào nhà cặp vợ chồng nhà quê, em thấy có gì khác lạ, ông nói giọng Trường-sa, bà nói giọng Nam-hải. Bởi vậy em biết họ không phải người vùng này, chẳng qua họ tới đây mưu đồ việc gì khác lạ mà thôi.
Hồ Đề chợt hiểu:
– Chị biết rồi, họ gốc người ở nơi khác đến đây mưu đồ việc gì, nên giả làm nông phu, vì nếu họ làm lái buôn họ có thể nói giọng Nam-hải, Trường-sa, đây gốc nông dân chỉ có thể là người Trường-sa mà thôi. Thế nhưng lão bà nói giọng Nam-hải, mười tiếng có đến bảy tám tiếng Việt nhà mình.
Sa-Giang nói:
– Bước chân của lão rất vững, đôi mắt sáng như sao, hàm răng trắng đều, cử động tự nhiên. Tỏ ra còn trẻ có nội công thượng thừa. Tuy ông hóa trang bằng chòm râu, mái tóc bạc và tô cho lớp da dăn deo, còn lão bà thì yểu điệu tha thướt, không lên tiếng, dáng đi vững chắc, mắt sáng. Nhất là khi bà mở cửa cho chúng ta, tay áo co lại, để hở ra cánh tay trắng muốt, mịn màng, em tưởng sư-tỷ lịch lãm nhiều, chắc để ý đến điều đó. Không ngờ từ nãy đến giờ, không thấy sư-tỷ đề cập đến, em mới quyết rằng sư-tỷ không chú ý !
Trưng Nhị toát mồ hôi:
– Quả thực chị thiếu thận trọng, thiếu lịch lãm giang hồ, vậy chúng ta phải dè dặt mới được. Hai người này giả làm nông dân ở đây, chắc cũng liên quan đến lăng mộ Trường-sa Định-vương.
Sa-Giang tiếp:
– Chúng ta đề phòng, từ nước uống cho đến những việc nhỏ như đi, đứng nhất thiết không được sơ hở. Tối hôm nay chúng ta sẽ thám thính lăng mộ Trường-sa Định-vương.
Ba người trở về, mở cửa căn nhà bước vào, lão chủ nhà pha trà ra bát mời ba người uống, lão hỏi:
– Chẳng hay ba vị cô nương quí tính phương danh là gì ? Và sao lại qua đây trong lúc Trường-sa sắp có giặc ?
Trưng Nhị chỉ Hồ Đề đáp:
– Hồ sư muội đây người Lĩnh Nam với tôi, chúng tôi là con Lạc-hầu, cha mẹ gửi chúng tôi sang Kinh-châu học, còn đây Trang sư-muội người Thành-đô, chúng tôi cùng theo học một thầy. Nay nhân vì Kinh-châu có loạn, chúng tôi tạm lánh về Lĩnh Nam ít lâu, chẳng hay hai bác quí tính là gì ?
Lão già nói:
– Tôi họ Vương, tên Anh, còn đây tiện nội họ Chu tên Nghi-Gia, chúng tôi là nông dân vùng này, vợ chồng chúng tôi có hai con trai đều bị gọi đi lính, thành ra chúng tôi sống cô quạnh một mình
Chu Nghi-Gia hỏi Trang Sa-Giang:
– Trang cô nương ở Thành-đô ra Kinh-châu học đã lâu chưa ? Cô nương học về khoa gì ?
Sa-Giang đáp:
– Cháu ra Kinh-châu học từ năm trước, bấy giờ Kinh-châu thuộc đất Thục, sau Kinh-châu thuộc Hán, rồi mới đây lại thuộc Thục. Cháu học về âm nhạc, sư phụ của cháu là Trường-giang lão-sư.
Sa-Giang lưu lạc bên cạnh cha lâu ngày, nàng nói dối rất dễ dàng. Nàng biết Nghi-Gia nghi ngờ nàng không phải từ Thục ra Kinh-châu học, mới hỏi học lâu chưa, vì giữa Thành-đô và Kinh-châu thường bị gián đoạn vì chiến tranh. Bây giờ nàng nói rõ ràng từng chi tiết, Nghi-Gia mới hết ngờ.
Ba nàng lấy cớ mệt, từ biệt đi ngủ, Sa-Giang với Trưng Nhị lên giường nằm, còn Hồ Đề nhảy lên xà nhà, dựa vào kèo nhà mà ngủ. Nguyên Hồ Đề sống ở rừng lâu năm, nàng thường leo lên cây ngủ như loài khỉ, bây giờ trước cặp vợ chồng nông thôn, nhiều nghi ngờ, nàng lên xà nhà quan sát động tĩnh.
Nhờ ở trên cao, nàng nhìn sang phòng vợ chồng Vương Anh rất rõ ràng. Hai người đang nằm trên giường, họ ghé tai vào nhau bàn chuyện, nàng lắng tai nghe, nhưng không phân biệt được hai người nói gì. Một lát sau Vương Anh bò dậy, nhẹ nhàng đến cạnh phòng nàng ghé mắt nhìn vào, lắng tai nghe ngóng một lúc, rồi vẫy tay gọi vợ ra ngoài sân.
Hồ Đề truyền theo xà nhà, đưa tay lên mái tranh giật một cái, mái tranh hở ra lỗ nhỏ, nàng chui khỏi nóc nhà, từ nóc nhà nàng truyền sang cây lớn phía sau, tuột xuống đất bám sát vợ chồng Vương Anh.
Vợ chồng Vương Anh đến bờ suối ngừng lại, Chu Nghi-Gia lên tiếng:
– Sư-ca thử đoán xem ba cô gái này là ai ? Họ có phải người du học thực hay không ?
– Tôi thấy Hồ cô nương bàn tay lớn, nước da đen, chắc không phải người cầm bút. Trưng cô-nương nói năng ôn nhu, văn hoa tất đọc sách nhiều, còn Trang cô-nương thì đúng người đất Thục, như vậy có thể tin rằng họ du học.
– Sư ca quên mất một điều, giữa lúc chiến tranh thế này, mà ba cô gái dám ra ngoài, thực quái lạ, không hiểu họ có biết võ công không ?
– Thí dụ họ là người nào chăng nữa, chúng ta cũng mặc họ, ngày mai họ sẽ ra đi, việc ta, ta cứ tiếp tục.
Hai người nhắm hướng Vương-sơn phóng mình vào đêm tối, thoáng một cái đã biến mất, đủ tỏ kinh công của họ thuộc loại cao siêu. Hồ Đề hú lên một tiếng gọi Ngũ-ưng, lập tức năm con chim Ưng bay lượn trên đầu nàng, rồi đậu xuống các cành cây cạnh nhà, Hồ Đề huýt sáo ra lệnh, lập tức cả năm con bay vút lên cao, hướng theo vợ chồng Vương Anh, Hồ Đề trở về phòng đã thấy Trưng Nhị, Sa-Giang thức giấc, nàng thuật cho hai người nghe về hành động của vợ chồng Vương Anh.
Trưng Nhị bàn:
– Chắc chắn vợ chồng Vương Anh có liên quan đến lăng Trường-sa Định-vương, vậy chúng ta cùng đi thám thính xem sao ?
Ba người nhắm hướng Vương-sơn tiến tới, xa xa trong bóng trăng Hồ Đề thấy Ngũ-ưng bay lượn trên trời, nhờ thế nàng biết rõ vị trí của vợ chồng Vương Anh ở phía Tây lăng Trường-sa Định-vương. Hồ Đề nói:
– Vợ chồng Vương Anh ở phía Tây của lăng, vậy chúng ta đột nhập vào phía Nam cho khỏi đụng chạm nhau.
Ba người dùng khinh công lên núi Vương-sơn, xa xa đã thấy lăng mộ hiện ra dưới ánh trăng. Hồ Đề giả tiếng cú, hú lên mấy tiếng, Ngũ-ưng bay lại trước nàng đáp xuống, nàng huýt sáo với Ngũ-ưng. Ngũ-ưng bay lên cao liền, năm con bay năm nơi khác nhau.
Sa-Giang hỏi:
– Có phải sư tỷ sai Ngũ-ưng canh chừng bốn phía lăng và vợ chồng Vương Anh không ?
Hồ Đề gật đầu nói :
– Trong lăng không có ai, nếu có Ngũ-ưng đã báo cáo cho chúng ta biết rồi, bây giờ ta tìm chỗ ẩn xem sao.
Ba người cùng ẩn vào một bụi hoa lớn gần mặt chính lăng, Hồ Đề luôn luôn nhìn trên trời quan sát Ngũ-ưng.
Hồ Đề giảng cho Sa-Giang
– Sư muội chú ý nghe: bốn Thần-ưng bay lượn bốn phía lăng, dù chỉ con chồn, con cáo xuất hiện, chúng cũng sẽ báo cho mình biết ngay. Còn con Thần-ưng kia nó cứ bay lượn trên đầu chỗ ẩn của vợ chồng Vương Anh, dù họ di chuyển một chút cũng không qua mắt Thần-ưng.
Bỗng Sa-Giang bịt miệng Hồ Đề:
– Coi chừng có nhiều tiếng ngựa ở phía Bắc tới.
Chỉ nháy mắt sau, quả nhiên Thần-ưng canh chừng phía Bắc lăng từ trên cao bổ nhào xuống, rồi bay vụt lên. Chúng kêu lên năm tiếng liền rồi cứ bay lượn phía Bắc lăng.
Hồ Đề nói nhỏ:
– Đúng như sư muội nói, họ có năm người tới, Thần-ưng đang bay trên đầu họ.
Chỉ lát sau có người đi lên, không thấy ngựa. Có lẽ họ đã dấu ngựa dưới chân núi, năm người đi quanh lăng một vòng, Trưng Nhị nhận ra đó là Khúc-giang ngũ-hùng, họ ra hiệu cho nhau rồi ẩn thân vào các bụi cây, cũng may họ không ẩn vào chỗ bọn Hồ Đề.
Sa-Giang nói nhỏ:
– Trong lăng có tới ba phe ẩn náu, không biết còn bao nhiêu phe phái nữa ở đây ?
Trong lòng Trưng Nhị nảy ra nghi vấn :
– Vợ chồng một khách giang hồ giả làm người nhà quê trong vùng. Đêm đêm phục ở lăng mộ để mưu cầu điều gì ? Khúc-giang ngũ-hùng từ Nam-hải lên đây, cũng ẩn nấp chờ đợi cái gì? Không biết hai phe này có liên hệ với nhau không ? Họ mai phục vì tư lợi, hay vì trận đánh Trường-sa ? Hay vì Hàn Tú-Anh như nàng với Sa-Giang, Hồ Đề ?
Một lát sau có tiêng Thần-ưng ở phía Đông kêu lên, Hồ Đề nhìn theo nói:
– Có nhiều người sắp tới nữa có lẽ gần mười người.
Quả nhiên lát sau có chín người ngựa cùng lên đồi. Họ gồm ba nữ sáu nam, họ mang theo nhiều thứ trên lưng ngựa, sáu người nam gỡ những vật mang theo, đến bày trước chính lăng: Heo, dê, gà, hoa quả, vàng hương, rượu. Họ đốt đuốc lên sáng rực, rồi chia nhau đứng làm hai hàng, ba thiếu nữ thì hai mặc quần áo xanh, còn một mặc quần áo trắng. Trưng Nhị suýt kêu thành tiếng, vì thiếu nữ mặc áo trắng tuổi 19, 20, đẹp tuyệt thế, Trưng Nhị đã thấy vẻ đẹp của Chu Tường-Quy, Hoàng Thiều-Hoa, Nguyễn Phương-Dung, ba người đẹp ngang nhau. Tường-Quy nhu mì, ủy mị, mềm mại như phong lan, Phương-Dung sắc sảo tươi như hoa hải-đường, còng Hoàng Thiều-Hoa thì vẻ đẹp trang nhã có sức hút người rất mạnh. Nay nàng thấy vẻ đẹp của thiếu nữ này, thoang thoảng như bông hoa dưới nước, thấp thoáng như người trong sương, vẻ đẹp như có như không, thực huyền ảo, nhất là trong đêm xuân, dưới ánh đuốc, ánh trăng. Thiếu nữ đến trước lăng, đốt hương lên rồi quì xuống, hai vai nàng rung động mãnh liệt, dường như đang khóc.
Trưng Nhị cảm thấy kỳ lạ:
– Thiếu nữ trẻ đẹp này là ai ? Nếu là con cháu Trường-sa vương thì sao không đường hoàng đến ban ngày tế lăng, mà phải đến ban đêm ? Bảo nàng là Hàn Tú-Anh thì không đúng, vì bà là mẹ Quang-Vũ, năm nay Quang-Vũ cũng gần 30 tuổi rồi, bà ít ra cũng phải 50 tuổi mới đúng. Còn thiếu nữ này tuổi khoảng 20 là cùng. Vậy thì Trường-sa Định-vương chết, nàng còn nhỏ lắm, chắc không phải Phi-tần của ông. Vậy nàng là ai ?
Thiếu nữ mở cái túi, lấy ra một cây đàn cầm. Nàng so phím vuốt tay trên dây, tiếng đàn ai oán não nùng trong đêm tối, nàng cất tiếng ca, tiếng nàng cao vút như muốn bay vào không gian. Sa-Giang biết đó là bài Sở-từ của Khuất Nguyên tên Ly Tao.
Ly Tao, là một thiên Sở-từ của Khuất Nguyên, ông người thời Chiến-quốc, thuộc tôn thất nước Sở. Ông trợ giúp Sở Hoài-Vương về nội trị, sau bị gian thần dèm pha, không được dùng. Ông phẫn chí làm bài Ly Tao, tình cảm nồng nàn, giọng văn thanh nhã. Bởi vậy sau này khi phê bình văn học, người ta thường ví với Ly Tao: nào tao nhã, thanh tao, rừng tao và tao nhân mặc khách. Bài Sở-từ Ly Tao không được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, cho đến nay chỉ còn bản phổ nhạc của Từ Thẩm, Vương Hoài và Lý Kế-Xuyên.
Trên đồi vắng, dưới ánh trăng, ánh đuốc chập chờn, tiếng đàn, tiếng ca, bi ai, khiến cho người cứng rắn như Hồ Đề cũng cảm thấy bải hoải chân tay.
Thiếu nữ ca hết bài Ly Tao, lại ca đến một bài trữ tình thê lương. Sa Giang nhận ra đó là bài Phượng Cầu Kỳ Hoàng của Tư-mã Tương-Như. Ba người bị ru hồn vào tiếng đàn, tiếng hát, thì cả bốn Thần-ưng đều reo lên trên không.
Thiếu nữ áo trắng dơ tay vẫy nhẹ nhẹ. Hai thiếu nữ áo xanh, cùng sáu người cầm đuốc quì xuống. Nàng lướt tay trên phím đàn. Hai thiếu nữ áo xanh cất tiếng ca một lượt:
Ao ao lộc ninh
Thực dã chi bình,
Ngã hữu gia tân.
Cổ cầm suy sinh,
Suy sinh cổ quảng
Thừa khương thi tương,
Nhân chi hiếu ngã,
Thị ngã chu hàng.
Hồ Đề ngơ ngác hỏi khẽ Sa-Giang:
– Bản nhạc này là bản gì, mà sao chị nghe quen quá?
Sa Giang ghé vào tai nàng nói:
– Đó là bài ca Lộc Minh trong Kinh thi để tiếc các bậc vua chúa thời xưa.
Hồ Đề nhớ ra hồi trước đây, mỗi khi tế vua An-Dương-Vương ở Tây-vu. Các nhạc công thường tấu bản này.
Kinh thi là một trong Ngũ-kinh: Thư, Thi, Dịch, Lễ và Xuân-Thu. Bốn bộ đầu do Khổng Tử san định, tuyển chép lại. Bộ kinh Xuân-thu thì chính ngài là tác giả. Ngũ kinh là sách căn bản giáo dục của Nho-gia. Kinh thi là bộ chép các bài ca dân dã cuối Tây-Chu (1066-770 trước Tây lịch 500 năm). Cương thổ nhà Chu bấy giờ gồm các tỉnh Thiểm-tây, Sơn-tây, Hà-nam, Hà-bắc, Sơn-đông và Hồ-bắc ngày nay. Vua nhà Chu cắt đất phong cho 800 chư hầu. Hàng năm nhà vua gửi quan đến các địa phương, ghi chép bài ca dân gian về nghiên cứu. Cho rằng các bài ca đó, là phản ảnh đời sống dân chúng. Vua nhà Chu xét nội dung các bài Thi để quyết định thăng thưởng, trách phạt chư hầu. Đến đời Khổng Tử còn trên 3000 bài. Ngài tước bỏ hết, còn lại 305 bài. Ngài chia ra: Quốc phong là bài ca dân gian của từng nước một như Chu-Nam, Thiện-Nam, Tề-Phong, Trịnh-Phong v.v... Những bản nhạc như: Quan thư, Đào yêu, Yến yêu, Hùng Trĩ, Tĩnh Nhữ đã trình bày ở các hồi trước, đều là những bài ca trong Quốc Phong. Bài Lộc minh trên đây thuộc phần Tiểu nhã. Nhà nghiên cứu Chu-Hy đời Tống viết trong bài tựa Kinh thi rằng: Tiểu nhã là những bài nhạc tấu trong bữa tiệc. Còn đại nhã để tế các vị vua.
Lúc mà Trưng Nhị với Hồ Đề nấp ở lăng Trường-sa vương là năm 39 sau Tây lịch. Các nhạc gia Trung-nguyên chưa sáng tác ra được nhiều bản mới, quanh quẩn lại chỉ hát những khúc trong Kinh thi. Thảng hoặc có những đại nhạc gia tài ba như Tống Ngọc, Tư-mã Tương-Như, Chiêu Quân sáng tác mấy khúc còn lưu truyền. Tại Lĩnh Nam thì Trương Chi đỉnh lập ra hẳn một lối sáng tác. Khảo trong hơn 300 cuốn phổ về các danh nhân từ thời Trưng Vương về trước, thấy nói đến các bản sau đây của Trương Chi: Động Đình Ca kể lại mối tình ông với Mỵ Nương. Bản Phù Đổng Thiên Vương ca tụng ngài đánh giặc Ân. Bản Lô hoa tình khúc nghĩa là khúc hát trữ tình dưới bụi lau, ca tụng mối tình của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Còn ba bài Xuân giang dạ vũ nghĩa là mưa trên sông mùa Xuân, Trung thu tý dạ ca bài hát giữa đêm thu, Đoạn trường mang mang nghĩa là mối hận đứt ruột ra. Xét về lời lẽ, thì tác giả không thể là Trương Chi được vì lời ca óng chuốt, nặng ảnh hưởng của thơ Đường. Có hai vấn đề đặt ra: Hoặc ba bản đó không phải của Trương Chi. Hoặc nguyên của Trương Chi rồi người sau sửa đổi lời, nên có lẫn ảnh hưởng của thơ Đường. Tỷ dụ câu:
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Phương thảo thê thê Anh vũ châu.

Thì câu trên lấy trong bài Khuê Oán của Lý Bạch nghĩa là: Ngày xuân ngưng trang điểm, lên lầu buồn nhớ. Câu cuối lấy trong bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu nghĩa là: Bãi xa Anh Vũ xa đầy cỏ non.
Hồ Đề ít đọc sách, nghe thiếu nữ áo trắng đàn, hai thiếu nữ áo xanh hát bài Lộc Minh trong Tiểu-nhã, nàng không biết là phải. Đoạn trên nghĩa rằng:
Con nai kêu oang oác,
Nó đừng gậm bèo hoang,
Khách đến đầy nhà ta.
Tấu đàn, tiêu mời khách,
Âm thanh tiêu, đàn hòa hợp,

Lễ vật dâng lên thành kính
Bằng hữu đều thương mến,
Dạy ta đạo lý, đáng kính.

Tiếng đàn, tiếng ca bi hùng vang lên trong đêm vắng.
Hồ Đề hỏi nhỏ:
– Có rất nhiều người, theo bốn hướng lên đây.
Một lát sau, quả nhiên bốn phía đều có người lên trên núi. Họ tiến tới bao vây thiếu nữ áo trắng và đám người tế lăng.
Hai thiếu nữ áo xanh một người đeo trường kiếm, một người đeo cây nhuyễn tiên. Hai người liếc mắt nhìn bốn phía, thấy tình hình bất lợi. Thiếu nữ đeo kiếm nói:
– Sư tỷ! Phải cẩn thận. Có nhiều người tiến vào lăng.
Thiếu nữ áo trắng vừa đàn, vừa ca, những giọt lệ chảy xuống hai má, dưới ánh sáng của sáu ngọn đuốc, trông càng tăng thêm vẻ đẹp huyền ảo. Đám người mới tới vũ khí sáng choang, khí thế hùng mạnh. Trưng Nhị nhận ra người cầm đầu là Việt-kị hiệu-úy Trương Linh. Trương Linh vẫy tay cho thủ hạ vây kín bọn người tế lăng. Bọn người tế lăng như coi thường đám người của Trương Linh. Sáu người đàn ông vẫn cầm đuốc đứng như pho tượng. Hai thiếu nữ chống kiếm đứng cạnh thiếu nữ áo trắng, thản nhiên như không có gì xảy ra.
Thiếu nữ áo trắng vừa đàn vừa ca. Giọng nàng bi thiết, tiếng đàn não nùng, khiến người nghe như nát tim, vỡ phổi.
Tiếng ca vừa dứt, thì thiếu nữ áo xanh đeo kiếm hỏi Trương Linh:
– Các ngươi là ai? Đêm khuya lên lăng mộ Tiên-đế làm gì?
Trưng Nhị lấy cùi chỏ sẽ thúc Hồ Đề, Sa-Giang ý nói:
– Thiếu nữ này dùng chữ Tiên-đế chắc chắn là con cháu Trường-sa Định-vương đây.
Trương Linh đáp:
– Tôi là Việt kị hiệu-úy, họ Trương tên Linh. Vâng chỉ dụ Thái-hậu tới đây bắt gian nhân đột nhập lăng Tiên-đế.
Thiếu nữ áo trắng vẫn không lên tiếng, nàng đưa mắt liếc nhìn Trương Linh hơi cau mày một chút.
Thiếu nữ áo xanh đeo kiếm chậm chạp nói:
– Người là Việt-kị hiệu-úy, tức Thống-lĩnh thị-vệ, cấm-quân. Ngươi không ở Lạc-dương, đến đây làm gì? Việc bắt gian nhân đột nhập lăng Tiên-đế là nhiệm vụ của Thái-thú Trường-sa, đâu phải của người?
Trương Linh đáp:
– Tôi vâng mật chỉ của Thái-hậu tới đây.
Thiếu nữ áo xanh đeo roi chỉ vào thiếu nữ áo trắng:
– Vậy ngươi hãy quì xuống ra mắt sư tỷ ta đi.
Trương Linh hỏi:
– Các vị là ai?
Thiếu nữ áo trắng cau mặt:
– Ta là ai, không đến cái thứ như ngươi được quyền hỏi bằng giọng hỗn láo như vậy.
Trương Linh đáp:
– Ta được mật chỉ của Thái-hậu, tới đây bắt bất cứ ai vào lăng này. Dù hoàng-thân quốc thích.
Thiếu nữ áo xanh đeo kiếm nhìn Trương Linh hỏi:
– Ta hỏi Trương tướng-quân điều này: Đương thời Tiên-đế có đức, hậu nhân mới kính trọng, kính trọng mới tế lăng. Như xưa kia Văn-Vương ân đức trải khắp thiên hạ, trăm họ đều nhớ ngày kị mà tế mộ, sao gọi là gian nhân?
Trương Linh ngẩn người người ra một lúc rồi nói:
– Thái-hậu chỉ dụ, có nhiều gian nhân, muốn lợi dụng đêm tối, định phạm lăng Tiên-đế, ăn cắp bảo vật, sai ta phục quanh núi này bắt. Vậy các người hãy theo ta về Lạc-dương để Thái-hậu phát lạc.
Thiếu nữ áo xanh đứng cạnh lên tiếng:
– Trương hiệu-úy! Ngươi là thần tử nhà Đại-Hán, người núp ở đây đây từ nãy đến giờ, chắc ngươi đoán ra chúng ta là ai rồi? Đã biết chúng ta là ai mà không dập dầu làm lễ, một tội đáng chém đầu. Đã không dập đầu làm lễ, còn nói lời vô lễ, hai tội đáng chém đầu. Ngươi muốn làm phản phải không? Quân này to gan lớn mật thật.
Trương Linh nghe thiếu nữ áo xanh nói như vậy, y ngẩn người ra tự hỏi:
– Thái-hậu sai ta đến Trường-sa bắt Hàn Tú-Anh. Nhưng ta xem ra trong ba thiếu nữ, đều không phải Hàn Tú-Anh, vì Hàn Tú-Anh không thể trẻ như thế này được. Không chừng con cháu Tiên-đế cũng nên. Như vậy thì hỏng bét. Vạn nhất là Công-chúa, Quận-chúa thì nguy.
Y gặng hỏi:
– Tôi vâng chỉ dụ Thái-hậu đến đây bảo vệ lăng mộ Tiên-đế, cho nên thấy người lạ đột nhập vào lăng, phải tra hỏi. Vàng thau lẫn lộn, khó phân biệt chân giả. Vậy chẳng hay các vị là ai? Các vị là con cháu di thần của Tiên-đế hay thuộc chi nào của nhà Đại-Hán mà đến đây tế mộ?
Thiếu nữ áo trắng thủy chung không lên tiếng, nàng quì gối, ôm lấy chiếc lư hương bằng đồng trong lăng mà khóc. Tiếng khóc của nàng trong, nhẹ nhàng, nức nớ, nghẹn ngào, làm thiếu nữ áo xanh với Trương Linh phải tạm ngừng tranh luận. Thiếu nữ áo trắng lại lấy cây đàn ra dạo lên những tiếng thanh thoát. Trưng Nhị nhận ra bài Đại Phong. Hồi nàng đi Trường-an, đã thấy nhạc quân tấu lên trước khi Quang-Vũ thiết triều.
Nguyên hồi Cao Tổ nhà Hán, Lưu Bang, sau khi thắng Sở Bá Vương Hạng Võ, trở về cố hương. Trong lúc hứng chí vì đại nghiệp đã thành, làm bài ca Đại Phong. Từ đó, nhạc quan nhà Hán phổ nhạc, khi thiết triều tấu lên, tỏ uy vũ:
Đại phong khởi hề! Vân phi dương.
Uy gia hải nội hề! Qui cố hương.
An dắc mãnh sĩ hề! Thư tứ phương.

(Gió lớn dấy lên, mây bay lên trời.
Oai của ta bao trùm khắp nước, nay trở về quê cũ.
Ta thu phục mãnh sĩ, chiếm được bốn phương).

Giọng thiếu nữ áo trắng cao vút, trong mà nhẹ, hòa lẫn với tiếng dàn vang vang trong đêm vắng.
Dứt bản Đại Phong, thiếu nữ áo trắng, thắp lên tuần hương nữa, lạy 8 lạy rồi sửa lại quần áo.
Thiếu nữ áo xanh đeo nhuyễn tiên bấy giờ mới lên tiếng:
– Trương tướng quân, luật lệ của bản triều do Tiêu thừa-tướng soạn ra: Bắt gian phi phải có chứng cớ. Người vâng chỉ Thái-hậu giữ lăng, bắt gian thì gặp gian tế người mới có quyền bắt, đây người gây sự với thần dân vì nhớ ân đức tiên-vương đến tế lăng, đó là tội đáng tru di tam tộc. Còn người thấy chúng ta, biết chúng ta không phải gian tế, mà còn gây sự là hai tội. Được, ta sẽ tâu lên Thiên-tử, người có đến mười cái đầu cũng cụt. Còn chúng ta là ai, ngươi không xứng đáng hỏi đến.
Trương Linh nghe thiếu nữ áo xanh nói, y mới cảm thấy lạnh gáy: Thái-hậu sai y đi bắt Hàn Tú-Anh. Trong lúc chủ quan, y đã phạm vào một tội trọng đối với luật nhà Hán. Nhìn cung cách, y cũng biết thiếu nữ áo trắng giòng dõi của Trường-sa Định-vương, nếu không phải Công-chúa, cũng Quận-chúa gì đây.
Bấy giờ thiếu nữ áo trắng mới lên tiếng:
– Lan-Anh sư muội, ngươi nói cho tướng quân biết ta là ai đi.
Thiếu nữ đeo kiếm nói:
– Trương Linh, đây là Công-chúa Vĩnh-Hòa, trưởng nữ của Cảnh-Thủy Hoàng-đế. Còn ta là Quận-chúa của Tấn-công. Ta họ Lý, khuê danh Lan-Anh..
Nàng lại chỉ thiếu nữ đeo nhuyễn tiên:
– Đây là Quận-chúa Chu Thúy-Phượng, trưởng nữ của Ngụy-công Chu Huy.
Trương Linh nghe Lý Lan-Anh nói, hồn phách bay lên mây.
Nguyên con thứ của Hán Cảnh-Đế tên Phát được phong Trường-sa Định-vương. Truyền đến đời thứ tư tức cha đẻ của Quang-Vũ. Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, Trường-sa Định-vương đời thứ năm bị hại. Người anh của ông tên Huyền khởi binh ở Quan-trung, xưng hiệu Cảnh-Thủy Hoàng-đế (23 sau Tây Lịch) phong cho hai cháu Lưu Diễn, Lưu Tú (Quang-Vũ) làm tước Vương. Sau khi giết Vương Mãng, ông phong cho ba sư đệ Phan Sùng làm Sở-vương, Chu Huy làm Ngụy-công, Lý Điệt làm Tần-công. Sau Phan Sùng cầm quân trong tay, làm phản, giết Lưu Huyền. Hai sư đệ Lý Huy, Chu Điệt cũng bị giết. Vì Phan Sùng là người râu, tóc đỏ hoe nên người đời gọi là Xích-mi.
Lưu Diễn nhân đó cầm quân đánh Xích Mi, lấy cớ cháu kế nghiệp bác. Diễn chết, con còn nhỏ. Nghiêm Sơn cùng các tướng tôn em là Lưu Tú lên thay. Cảnh-Thủy Hoàng-đế không có con trai, chỉ có một con gái. Để lấy lòng sĩ dân, Quang-Vũ phong cho con gái Lưu Huyền làm Vĩnh-Hòa Công-chúa, con gái Lý Điệt và Chu Huy làm Quận-chúa, ban cho một cây Thượng-phương kiếm, được quyền trên trảm hôn quân, dưới trảm gian thần, mà không phải tấu.
Trương Linh thấy mình đã phạm tội nặng. Nếu có quì xuống kêu van, chắc cũng không toàn mạng. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Y phải giết chết ba người rồi tìm cách bắt Hàn Tú-Anh. Nếu việc bại lộ, đã có Thái-hậu che chở.
Nghĩ vậy, y quát lớn:
– Bọn gian tế thực lớn mật, giám mạo xưng Công-chúa, Quận-chúa. Bây đâu, bắt lấy chúng cho ta.
Lý Lan-Anh rút kiếm ra quát lớn:
– Phản rồi! Phản rồi!
Bọn võ sĩ theo Trương Linh cũng rút binh khí nhảy vào bắt sáu thanh niên cầm đuốc. Sáu thanh niên rút binh khí chống trả.
Q2 - Động Đình Hồ Ngoại Sử
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Phụ Lục