Hồi 29
Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Phan Anh thở dài:
– A Di không hiểu ta cũng phải. Bấy lâu nay ra dấu A Di. Bây giờ nói ra cũng không muộn. Ta nói cho A Di biết một điều tối mật: Phụ hoàng ta vẫn còn sống.
Tiểu Lan kinh ngạc:
– Thực sao?
Phan Anh quả quyết:
– Sau trận đánh Trường-sa, ai cũng tưởng phụ hoàng băng hà. Sự thực người vẫn còn sống trên thế gian này.
Tiểu Lan ngạc nhiên:
– Hoàng thượng vẫn còn tại thế à? Tiểu tỳ không tin. Không thể như thế được. Hiện hoàng thượng ở đâu.
Phan Anh đáp:
– Trận đánh Trường-sa, phụ vương ta võ công cao gấp bội Nghiêm Sơn. Nhưng Nghiêm dùng binh giỏi hơn. Người bị bại. Người lên núi, cho một tên quân mặc quần áo của người. Người đánh y chết. Thân thể nát bấy. Vì vậy Đặng Vũ đuổi tới, nghĩ rằng phụ vương ta đã qua đời. Kỳ thực người vẫn ở ẩn trong Hoàng cung Lạc-dương.
Tiểu Lan ngơ ngác:
– Sao lại ẩn ở Lạc-dương?
Phan Anh đáp:
– Người thử nghĩ coi, phụ vương ta ở ẩn để tránh con mắt truy lùng của Quang-Vũ, ngay tại Hoàng cung ai còn nghi ngờ?
Phan Anh ngừng một lát tiếp:
– Hành tung của phụ vương ta, không ai biết được. Ta là con, mà gặp cũng rất khó khăn, nữa là người khác. Phụ vương ta khống chế Mã thái hậu. Dùng Mã thái-hậu áp đảo Tam-công, triều đình. Người cử Trần Lữ đầu quân theo Đặng Vũ. Dùng độc chưởng khống chế y. Người cử Tạ Thanh Minh đầu quân với Tần-vương Lưu Nghi ở Trường-an, dọ biết tình hình. Một ngày kia, chúng ta áp chế được quần thần nhà Hán. Nếu A Di nói cho ta biết việc đó, thì đại sự lo gì không xong?
Tiểu Lan lắc đầu:
– Đợi diện kiến hoàng-thượng, tiểu tỳ mới nói. Tiểu tỳ nhất quyết không đổi ý. Tiểu tỳ cũng không tin Mao lão gia. Tiểu tỳ chỉ nói với thái-tử mà thôi. Thái tử ơi! Khi nào thoát khỏi đây. Tiểu tỳ sẽ nói với thái-tử.
Mao Đông Các cười:
– Có vậy mà ngươi cũng hẹp hòi. Ta là thái sư phụ của thái-tử, mà ngươi cũng không tin sao? Thôi được ta đi ra, để ngươi nói với thái-tử.
Mao Đông Các móc trong bọc ra năm viên thuốc đưa cho Phan Anh:
– Đây là thuốc giải, nếu thị nói rồi thái-tử cho thị uống.
Nói rồi y đi ra.
Tiểu Lan nói vào tai Phan Anh:
– Hoàng-thượng bị Mao lão giết chết từ năm năm rồi. Việc đó tiểu tỳ biết hết. Thái tử chỉ biết hoàng-thượng băng hà, mà không biết nguyên do tại sao phải không?
Phan Anh lắc đầu:
– Ta không tin.
Tiểu Lan nói với Phan Anh:
– Thái tử! Ngươi đã biết cách đây hơn ngàn năm, Chu Võ Vương phạt Trụ, thu được kho tàng đầy vàng bạc châu báu, cất dấu ở trong cung. Nhà Chu trải tám trăm năm, các chư hầu tiến cống không biết bao nhiêu mà kể. Vàng ngọc truyền đến cuối đời Chu gom góp lại thành kho tàng lớn. Kho tàng ngọc truyền đến cuối đời Chu gom góp lại thành bảy nước, lại thu thêm được châu báu. Tần bại, Hạng Vũ vào Hàm-dương trước, lấy được. Sở bị diệt. Kho tàng thuộc Lưu Bang. Lưu Bang đem chôn ở một nơi thực bí mật. Rồi suốt đời Hán, của cải súc tích được bao nhiêu, lại cũng đem chôn cùng vào một chỗ với kho tàng, mà không sao biết chỗ. Khi hoàng-thượng đánh Vương Mãng, nô tỳ theo hầu. May mắn tìm được hộp đựng Ngọc-tỷ truyền quốc, dưới cái giếng sâu. Dưới đáy hộp có tấm bản đồ ghi chú nơi chôn kho tàng. Hoàng thượng không ngờ Mao Đông Các phản hoàng-thượng. Lão tiên sinh này báo tin cho Mã Thái Hậu biết. Mã-hậu thuyết phục Mao lão-gia phản hoàng-thượng, để độc chiếm kho tàng một mình. Mao lão gia nghe theo.
Phan Anh hỏi:
– Mao lão tiên sinh là thái sư phụ ta. Tại sao người lại phản phụ hoàng ta?
Tiểu Lan thở dài:
– Điều đó dễ hiểu lắm. Trường-sa vương trước kia chỉ sủng ái Hàn Tú Anh. Vì vậy Mã Vương-phi buồn rầu, cô độc. Không hiểu cơ duyên nào đó, Mao lão-gia gặp Mã vương-phi. Hai người trở thành tình nhân. Trường-sa vương bị Vương Mãng giết chết. Mao lão gia cứu Vương phi ra ngoài thôn dã ở ẩn. Chờ tới khi Quang-Vũ trung hưng, cho người tìm Mã vương-phi vào cung. Phong làm thái-hậu. Mao lão gia theo Mã thái-hậu về Lạc-dương. Thỉnh thoảng lão gia thăm hoàng-thượng. Hoàng thượng nhờ Mao lão gia đào kho tàng. Mao lão gia nhận lời. Không ngờ trong lúc ân ái mặn nồng với Mã thái-hậu, Mao lão gia nói ra hết. Tiểu tỳ còn biết rõ: Mao lão gia với Mã thái-hậu có hai người con gái. Thái-tử có biết hai cô gái đó ở đâu không?
Phan Anh lắc đầu:
– Ta không biết. Hai đứa trẻ đó hiện ở đâu?
Tiểu Lan chỉ vào Hồng Hoa, Thanh Hoa:
– Là hai vị cô nương nầy.
Tiểu Lan tiếp:
– Mã thái-hậu thụ thai, dấu kín, sinh đẻ xong, đưa ra ngoài cho Mao lão gia nuôi. Vì vậy thái-tử thấy, Hồng Hoa, Thanh Hoa tuy họ khác nhau, mà mặt giống nhau như hai giọt nước. Mao lão gia hiện giả làm vệ sĩ trong cung, đi lại với Mã thái-hậu. Mã thái-hậu khám phá ra chuyện Nghiêm Sơn là con nuôi Hàn thái-hậu, bà muốn nhờ tay Mao lão-gia giết Hàn thái-hậu, sau giết Quang-Vũ để cho Mao lão gia lên làm hoàng đế.
Tiểu Lan buồn bã tiếp:
– Hoàng thượng bại trận Trường-sa. Lúc quân tan, thế cùng, tiểu-tỳ ở bên cạnh, hoàng-thượng dặn tiểu tỳ giả câm, ẩn trong thành, trông coi chỗ cất Ngọc-tỷ truyền quốc với bản đồ kho tàng. Vì vậy tiểu tỳ mới cố sống đến ngày nay.
Phan Anh hỏi:
– Từ hồi đến giờ. Phụ-hoàng có liên lạc với ngươi không?
Tiểu Lan đáp:
– Có. Cứ mấy tháng một lần. Người tự rạch mặt cho thành sẹo. Người đến Lạc-dương đầu quân làm thị vệ. Từ đấy người ở ẩn trong cung, dùng độc chưởng kiềm chế quần thần. Cho đến một ngày kia. Hoàng-thượng kiềm chế Mã thái-hậu. Không ngờ Mã thái-hậu không sợ độc chưởng, vì bà được Mao lão gia dạy cách chế thuốc giải. Bà vờ sợ hãi, rồi nhờ Mao lão-gia giết Hoàng-thượng.
Phan Anh hỏi:
– Ngươi có biết di thể phụ-hoàng ta chôn ở đâu không?
Tiểu Lan đáp:
– Dĩ nhiên là biết. Chính tiểu tỳ đem người chôn ở ngoài thành Lạc-dương.
Hồng Hoa xem vào:
– Tiểu Lan, truyện có thực hay không?
Tiểu Lan cười:
– Thực hay không thì cô nương tự biết. Cô nương là đệ tử của Mao lão gia. Tức khâm phạm của triều đình, sao lại được lão gia bí mật dẫn vào cung triều kiến thái-hậu? Tại sao Mã thái-hậu lại yêu thương hai vị cô nương như vậy?
Hông Hoa, Thanh Hoa nhớ lại một đêm, hai nàng được thái sư phụ dẫn vào cung yết kiến Mã thái-hậu. Mã thái-hậu ôm lấy hai nàng, nước mắt trào ra, rồi tặng cho hai nàng không biết bao nhiêu vàng bạc châu báu. Từ đó cứ mỗi tháng một lần, hai nàng nhập cung yết kiến Mã thái-hậu. Hai nàng nhớ lại: Cứ mỗi lần hỏi thái sư phụ, cha mẹ là ai, Mao Đông Các đều lắc đầu không trả lời. Thì ra thái sư phụ là cha hai nàng. Còn Mã thái-hậu là Mẫu-thân. Việc đời thực lắm éo le.
Tiểu Lan nói với Phan Anh:
– Đợi ra khỏi nơi đây, tiểu tỳ sẽ nói cho thái-tử biết rõ chỗ cất Ngọc tỷ.
Bỗng một bóng nhảy vào cười rộ lên:
– Phan Anh, Tiểu Lan! Đáng lẽ ta không giết các ngươi. Nhưng chuyện bí mật của ta, các ngươi đã biết rồi, ta phải ra tay.
Mao Đông Các, thò tay vào bọc rút ra cây búa. Y vung lên một cái, xích trói Hồng Hoa, Thanh Hoa đứt rời ra. Y hướng vào Tiểu Lan phóng một chưởng. Nhanh như chớp Tiểu Lan lăn người ra xa tránh khỏi chưởng đó. Thân pháp bà nhanh không thể tưởng tượng được. Ngoài sự ước đoán của Mao Đông Các. Mao Đông Các cười gằn:
– Thì ra ngươi cũng biết võ? Võ công ngươi là võ công Lĩnh Nam.
Tiểu Lan đứng thẳng người dậy cười:
– Mao Đông Các! Ngươi có mắt như mù! Ta họ Trần, tên Thiếu Lan, người phái Tản-viên đất Lĩnh Nam. Ta chủ trương phản Hán phục Việt, khởi binh phục quốc. Chẳng may mất thế, bị người Hán bắt làm nô tỳ. Ta theo Xích Mi, xúi Xích Mi tàn hại nhà Hán, khiến Trung-nguyên loạn lạc. Có thế Lĩnh Nam ta mới nổi lên đuổi người Hán dễ dàng. Ta đâu có phải thứ nữ tỳ hèn hạ.
Mao Đông Các lại vung chưởng tấn công Thiếu Lan. Thiếu Lan nhảy sang phải tránh, rồi phản công. Chưởng của bà chưa phát ra hết, gió lộng ào ào. Bình một tiếng đánh trúng ngực Mao Đông Các. Mao đông Các không phòng bị, trúng một chưởng như trời giáng. Người y lảo đảo, ngã ngồi xuống. Thiếu Lan phóng tiếp chưởng thứ nhì. Hồng Hoa, Thanh Hoa quát lên, tấn công vào hai bên. Thiếu Lan đẩy chưởng của Hồng Hoa vào Thanh Hoa, lùi lại tấn công Mao Đông Các. Mao đã phục hồi được sức lực. Hai người tái diễn cuộc đấu.
Trưng Nhị đứng ngoài kinh ngạc:
– Võ công Trần Thiếu Lan mạnh muốn hơn Lê Đạo Sinh, chỉ kém Khất đại-phu với Đào Kỳ. Vậy nàng là đệ tử của ai trong bản phái?
Thình lình Mao Đông Các nhảy ra khỏi nhà tù. Tay y liệng một vật tròn vào trong. Tia lửa lóe ra như chớp. Một tiếng nổ kinh hồn phát ra.
Trưng Nhị la lên:
– Gian tế, gian tế, bắt gian tế mau.
Lập tức các nơi trống chiêng đánh vang lên. Mao Đông Các vội cùng với Hồng Hoa, Thanh Hoa vọt mình ra khỏi nhà ngục. Vừa ra khỏi, thì đã thấy đèn đuốc sáng trưng. Bên ngoài nhà ngục, quân sĩ đã dàn ra từ bao giờ. Mao Đông Các cùng Hồng Hoa, Thanh Hoa vung chưởng tấn công, họ chỉ nhô lên thụp xuống mấy cái, đã mất tích vào đêm tối.
Vũ Chu tiến tới trước Trưng Nhị nói:
– Tiểu tướng bất lực để gian tế chạy thoát, mong quân sư trị tội.
Trưng Nhị cười:
– Vũ Thứ-sử! Tất cả chúng ta đây, không ai là đối thủ của một trong hai người con gái đó. Chứ đừng nói là đối thủ của lão già. Cứ để chúng chạy, chúng không thoát khỏi tay tôi đâu.
Trưng Nhị vào nhà tù, thấy Tiểu Lan chỉ còn thoi thóp thở. Nàng sai mở còng cho vợ chồng Phan Anh, nói:
– Phan thái-tử, ngươi đi thôi. Nếu ngươi muốn về Lạc Dương giết Mã thái-hậu trả thù cho cha mẹ, môn hộ thì cứ đi. Thiếu Lan có tôi chiếu cố.
Phan Anh cúi lạy Thiếu Lan, vái Trưng Nhị nói:
– Trưng cô nương, kẻ thù của kẻ thù là bạn ta. Cô nương với chúng tôi, cũng như Quang Vũ đều có chung kẻ thù là Mã thái-hậu với Mao Đông Các. Vậy chúng ta là bạn. Bọn chúng tôi đi đây.
Hai người hú lên một tiếng, phóng mình vào đêm tối.
Trưng Nhị lại bên Thiếu Lan, cầm mạch, thấy khi có khi không. Bỗng Thiếu Lan mở mắt ra nhìn Trưng Nhị. Nàng nói bằng tiếng Việt:
– Trưng Nhị! Ngươi có phải là Trưng Nhị không?
Trưng Nhị đáp:
– Đúng! Đệ tử là Trưng Nhị đây.
Thiếu Lan nói:
– Những người biết tiếng Việt ở đây có thể tin được không?
Trưng Nhị quả quyết:
– Ở đây chỉ có ba người. Một là đệ tử. Hai là Lê Chân ba là Hồ Đề. Tất cả đều đáng tín nhiệm.
Thiếu Lan nói:
– Trưng Nhị! Ngươi mau bồng ta vào căn phòng cũ của ta. Ta có cái này cần trao cho ngươi. Nếu không e trễ mất.
Máu miệng bà lại ri rỉ chảy ra. Người bà run lên bần bật. Hồ Đề tính mau mắn, bồng Thiếu Lan rời ngục, trở về căn phòng cũ của bà. Bà nói:
– Hồ Đề cô nương. Cô nương có Thần-ưng, mau gọi chúng đến gác xung quanh cẩn thận. Lê cô nương gác cửa ngoài, cầm kiếm đứng canh. Còn cháu Trưng Nhị ở đây. Ta trao cho cháu một vật tối quan trọng.
Hồ Đề huýt sáo gọi Thần-ưng, rồi cầm kiếm đứng gác cạnh Trưng Nhị. Thiếu Lan mệt nhọc, thở phều phào:
– Cháu ơi! Ta họ Trần. Cha ta tên Trần Đại Sinh, thường được đời gọi là Khất đại-phu.
Trưng Nhị, Lê Chân kêu lên ngạc nhiên:
– Úi cha! Thì ra sư thúc là con của thái sư thúc đây à? Hèn gì võ công người cao gần ngang với thái sư-thúc.
Thiếu Lan tiếp:
– Ta tên Trần Thiếu Lan. Cha ta chỉ có một mình ta. Lớn lên người gả ta cho đệ tử của người là Trần Anh. Chúng ta có với nhau hai đứa con gái sinh đôi là Quế Hoa, Quỳnh Hoa. Chúng ta gửi con cho người nuôi dùm, để chuyên tâm lo phục quốc. Thất bại, chồng ta tuẫn quốc. Ta bị cầm tù đưa sang Trung-nguyên làm cung nữ của Trường-sa vương. Ta thừa dịp trốn đi, theo Xích Mi. Ta dùng đủ cách khích Xích Mi làm loạn Trung-nguyên, hầu anh hùng Lĩnh Nam có thể phục quốc.
Thiếu Lan thở một lát rồi nói:
– Khi Xích Mi chết. Ta đang giữ Ngọc Tỷ và bản đồ kho vàng. Từ đấy để tránh sự săn đuổi của phái Trường-bạch. Ta giả câm ở thành Trường-sa coi việc nấu ăn cho tù nhân. Ta theo dõi, biết mọi điều diễn biến ở Giao-chỉ. Ta nghe cha và hai con ta đang theo quân đánh Thục. Hy vọng đạo quân đó qua đây, ta làm nội ứng chiếm thành. Không ngờ… không ngờ Mao Đông Các và Phan Anh tìm được tông tích ta.
Nàng mỉm cười tiếp:
– Ta sắp chết rồi! Trưng Nhị nói với cha ta hãy trả thù cho ta. Ban nãy ta nói chỗ cất Ngọc-tỷ cho Phan Anh, Nghi Gia là nói láo. Ta bảo Ngọc-tỷ cất dưới nền nhà của điện Vị-ương. Mục đích đưa Phan Anh với Mao Đông Các chém giết nhau. Chứ thực sự ta vẫn giữ bên mình, đâu có rời ta?
Trưng Nhị ngạc nhiên, vì hôm ở trên hồ Động-đình nàng bắt được Thiếu Lan, đã cho khám xét thật kỹ, đâu còn gì mà bảo Ngọc-tỷ?
Thiếu Lan bảo Trưng Nhị:
– Ta chết đến nơi rồi. Hãy đưa cho ta con dao nhỏ.
Hồ Đề đưa con dao cho Thiếu Lan, bà cầm lấy đâm vào bụng, rạch ra một cái thực dài.
Hồ Đề, Trưng Nhị tuyệt không ngờ Thiếu Lan làm vậy. Hai người muốn cản thì đã muộn. Thiếu Lan mổ bụng, moi ra cái bọc vải. Bà mở bọc vải ra, bên trong có một vật bằng ngọc khá lớn. Bà đưa cho Trưng Nhị:
– Đây, Ngọc-tỷ truyền quốc đây. Cháu hãy cầm lấy tùy tiện xử dụng. Còn miếng vải này, vẽ sơ đồ nơi chôn cất kho tàng. Cháu cùng các anh hùng Lĩnh Nam đào lên, dùng vào việc phục quốc.
Trưng Nhị cầm lấy miếng vải, gấp lại bỏ vào bọc. Nàng ngắm nghía Ngọc-tỷ, thấy vuông vức, bốn cạnh, mỗi cạnh bốn tấc. Mặt ấn có khắc tám chữ triện :
Thụ mệnh vu thiên, thọ ký vĩnh xương.
Thiếu Lan nói:
– Nguyên đời Sở vương, có người thợ ngọc là Biện Hòa, đi qua núi Kỳ-sơn, thấy phụng đậu trên tảng đá mà gáy. Biện Hòa đem tảng đá về, đập ra bên trong tìm được khối ngọc lớn, dâng cho vua Sở. Sau ngọc đó về tay Tần Thủy Hoàng. Đời Tần Thủy Hoàng năm thứ 25, thừa tướng Lý Tư chính tay viết 8 chữ trên vào phiến ngọc, sai khắc thành ấn. Niên hiệu thứ hai mươi tám đời Tần Thủy Hoàng, nhân nhà vua du hồ Động Đình gặp sóng lên, thuyền muốn chìm. Nhà vua sai ném ấn ngọc xuống hồ, sóng tự nhiên im. Niên hiệu thứ 38 Tần Thủy Hoàng qua Hoa-âm gặp dị nhân đem dâng cái hộp. Mở ra thấy cái ấn này. Sau con Thủy Hoàng là Tử Anh dâng cho Cao-tổ nhà Hán. Nhà Hán dùng làm Ngọc-tỷ truyền quốc. Đến đời Hán Bình Đế, Vương Mãng cướp ngôi. Y sai Vương Tam, Tô Hiến vào cung đoạt ấn. Bà Hiếu-nguyên hoàng thái-hậu cầm ấn ném Vương Mãng, Ngọc tỷ mẻ một góc. Xích Mi lấy lại của Vương Mãng, y dùng vàng bịt lại góc bị bể. Xích Mi giao cho ta giữ. Y đâu có biết ta ghi lòng phục quốc, chiếm Ngọc Tỷ và bản đồ kho tàng. Bây giờ các ngươi hãy giữ Ngọc-tỷ, đào kho tàng lên, làm phương tiện phục hồi Lĩnh Nam.
Đến đó Thiếu Lan, thở hắt ra một cái, rồi nước mắt chảy ròng ròng. Bên cạnh nàng, tiếng sáo tỉ tê như khóc như than cho người liệt nữ bạc mệnh của Lê Chân thổi lên trong đêm trường tịch mịch.
Trưng Nhị sai chôn cất Thiếu Lan thật cẩn thận bên ghềnh sông Tương-giang đổ vào hồ Động-đình. Khắc trên mộ:
Liệt nữ Lĩnh Nam Trần Thiếu Lan chi mộ.
Sau khi giành được độc lập, phục hồi Lĩnh Nam, Trưng đế phong cho Trần Thiếu Lan: Anh thư bảo quốc, diệu tài, đại lược, linh-ứng công chúa. Và cho cất đền thờ. Dân chúng quanh vùng cầu gì được nấy.
Chú giải
Sau này các sứ thần Đại Việt đời Đinh, Lê, Lý, Trần nhân đi qua Động-đình hồ đều có ghé miểu thắp hương, tưởng nhớ người Việt-nữ có tấc lòng với tổ quốc. Trước đền thờ, một tấm bia đá đề:
Lĩnh Nam liệt nữ, Bảo quốc anh thư miếu.
Trải qua các đời Đinh, Lê, Lý, Trần, Trương Phụ thu ngọc phả mang về Kim-lăng (1407). Vì vậy không biết đời Lê, Nguyễn, các sử gia Đại Việt có còn tế lễ như những đời trước không?
Đầu năm 1981, cuối năm Canh Thân, thuật giả từ Paris đi Bắc-kinh. Đổi máy bay từ Bắc-kinh đi Trường-sa tìm di tích về anh hùng Lĩnh Nam, đã tìm được di tích của bà. Trong một cuốn sách nói về tỉnh Hồ-nam, có đoạn ghi :
“Miếu thờ liệt nữ Lĩnh Nam Trần Thiếu Lan ở ghềnh sông Tương-giang. Hồi cách mạng văn hóa bị phá hủy. Nay chỉ còn cái nền”.
Thuật giả thuê xe đến cửa Tương-giang, lần mò hỏi thăm dân chúng. Họ chỉ vào khu đất bằng phẳng, cách bờ sông khoảng hai trăm thước, đó là một khu vườn. Tôi nói với chủ vườn rằng: Ngôi mộ, miếu của một vị tổ cô xa đời. Chúng tôi ở ngoại quốc, trở về thăm mộ người.
Chủ vườn vui vẻ, hướng dẫn thuật giả ra xem mộ. Mộ xây bằng đá ong. Trải bao thỏ lặn ác tà bị sứt mẻ, nhưng vẫn còn nguyên. Bia trên mộ không còn nữa. Chủ vườn cho biết, hồi Cách Mạng Văn Hoá, bọn Vệ binh đỏ kéo đến đập phá miếu, gỡ tấm bia trên mộ mang đi mất. Còn tảng đá dùng làm bệ thờ trên ghi sắc phong của Trưng Đế, nặng quá, bọn chúng để lại.
Thuật giả tới cạnh tảng đá, trên còn lờ mờ đọc được:
“ ….bảo quốc,linh ứng….”.
Hồi năm 1981, du khách tới Trung-quốc, muốn chụp hình, quay phim, phải xin phép rất khó khăn. Thành ra thuật giả muốn chụp hình kỷ niệm, mà không được. Thuật giả cũng muốn tu bổ mộ bà nhưng vì thời gian ở Trường-sa giới hạn, và còn phải xin phép với nhiều thủ tục nên không kịp. Sau này bạn đọc có ai muốn viếng mộ ngài xin theo chỉ dẫn nói trên, tất vẫn còn thấy mộ.
Sa Giang đã thuật về cuộc chiến Kinh Châu cho Phương Dung nghe xong.
Phương Dung nghe Sa Giang kể truyện, nàng hỏi:
– Sư muội, thế sư thúc Trần Năng đâu?
Sa Giang nói:
– Khi rời Trường-sa được ít dặm, bọn tiểu muội gặp Tăng Giả Nan Đà. Ngài muốn đến Trường-an cùng với bọn tiểu muội. Bọn tiểu muội thấy mình đã có tiên ông Khất đại-phu, thêm một vị Bồ-tát sẽ vui lắm. Vì vậy trên đường đi chúng em có thêm ngài. Ngài chỉ ăn hoa quả như chim không ăn cá thịt. Sư tỷ, không ai ngờ ngài ăn uống như vậy mà công lực cao dường ấy. Suốt dọc đường ngài giảng thiền cho Trần sư tỷ nghe. Em chẳng hiểu gì cả. Ngài giảng những gì nào là Nhân ngã tứ tướng rồi giảng kinh Lăng-già, Kim-cang. Em nghe câu hiểu câu không. Còn Trần sư tỷ thì khoan khoái trong lòng. Trần sư tỷ nói, nhờ có ngài dạy dỗ, mà trên đường từ Trường-sa về đây, công lực của sư tỷ cao gấp bội. Trần sư tỷ bảo em đi trước gặp sư tỷ trình bày mọi sự. Không biết bao giờ Trần sư-tỷ với vị Bồ-tát sẽ đến.
Bỗng tiếng Trần Năng nói vọng lại:
– Bồ-tát và Trần sư tỷ đến từ lâu rồi. Sư muội khỏi lo lắng nữa.
Phương Dung là người cực kỳ thông minh. Tuy nàng chưa biết Phật-giáo. Chỉ nghe Sa Giang kể, nàng đã biết được một phần nào cách xưng hô với Tăng Giả Nan Đà. Nàng chắp tay hướng ngài hành lễ:
– A Di Đà Phật. Đệ tử Phương Dung, kính cẩn tham kiến Bồ-tát.
Nàng nhìn ngài: Nước da đen bóng, đầu không tóc. Lưng quấn tấm cà sa mầu đại hồng. Khuôn mặt cười mà không cười. Ánh mắt chiếu ra vẻ từ bi. Chỉ nhìn đã thấy ấm áp dễ chịu:
Tăng Giả Nan Đà đáp lễ Phương Dung:
– A Di Đà Phật! Đại phúc. Đào phu nhân sao lại muốn khóc thế kia?
Phương Dung giật mình. Quả thực nàng gặp hai thất bại: Thiều Hoa bị bắt, không hiểu tình trạng ra sao. Đó là thất bại thứ nhất. Thứ nhì, Tiên-yên nữ hiệp bị trúng Huyền-âm độc chưởng, đau đớn chết đi sống lại. Hiện đang nằm hấp hối. Nàng bó tay, không biết làm cách nào chữa trị.
Phương Dung chắp tay:
– Bạch Bồ-tát. Đệ tử quả đang có mối ưu phiền trong lòng không nguôi. Vì vậy không ngăn cấm được nước mắt. Mong Bồ-tát hóa giải cho.
Tăng Giả Nan Đà mở to mắt nhìn Phương Dung. Ngài không ngờ một thiếu nữ trẻ xinh đẹp nhu mì, gặp ngài lần đầu đã biết cách xưng hô như những Phật-tử chính tông thuận thành.
Phương Dung là người cực kỳ thông minh, chỉ nghe Sa Giang thuật truyện, nàng đã ghi nhớ được một số thuật ngữ trong nhà Phật, đem ra ứng dụng, khiến cho vị Bồ-tát phải ngạc nhiên.
Lục Sún nghe tin Sa Giang đến. Chúng ào vào trướng Phương Dung gặp nàng. Giữa Sa Giang với Lục Sún tuổi ngang nhau. Gặp nhau là đùa giỡn vui vẻ.
Sún Lé nói:
– Nầy chị Sa Giang! Chị thua cuộc rồi đấy nhé! Bọn nầy đã đọc được sách binh thư rồi!
Phương Dung hỏi:
– Thua cuộc gì vậy?
Sún Rỗ nói:
– Chị Sa Giang chê bọn chúng em không biết chữ chẳng khác gì mù. Chúng em nói học chữ không khó. Chị Sa Giang đánh cuộc với em rằng: Trong vòng sáu tháng, nếu chúng em học chữ đến trình độ đọc được sách. Thì chị ấy phải về Lĩnh Nam phản Hán phục Việt với bọn em. Ngược lại bọn em thua cuộc, thì cả đời phải làm nô bộc cho chị ấy.
Phương Dung cười với Sa Giang:
– Sư muội! Em thua rồi. Từ hôm rời Dương-bình quan, chị ngạc nhiên tại sao Lục Sún lại chăm học chữ thế. Thì ra vì muốn thắng cuộc.
Sa Giang e thẹn:
– Trong thâm tâm em muốn được thua, để về Lĩnh Nam chống bọn Hán bốn chân. Sau nầy lịch sử Lĩnh Nam ghi: Niên hiệu Lĩnh Nam thứ… con gái người Hán tên Vương Sa Giang, đến Giao-chỉ, diệt bọn tham quan người Hán.
Sún Cao trầm ngâm hỏi Tăng Giả Nan Đà:
– Sư phụ! Có cách nào cháu chịu chết thay cho sư bá Tiên-yên không?
Tăng Giả Nan Đà nói:
– Tất cả đều là nghịch cảnh. Nghịch cảnh đã bày ra trước mắt thì phải chấp nhận. Muốn giải nghịch cảnh ấy phải trở về với mình. Tự lòng mình giải lấy, chứ không thể nhờ người khác được
Phương Dung nghe Tăng Giả Nan Đà nói một câu, bên trong bao hàm nhiều ý nghĩa cao siêu, nàng chỉ hiểu đại khái: Việc bày ra trước mắt ngoài ý muốn. Mỗi số phận con người đều bị những cái ngoài ý muốn đó. Phải chấp nhận. Còn buồn, vui do chính mình phải tháo bỏ ra, mới thoát được. Nàng cung kính mời ngài vào doanh, đem trái cây, hai tay cung kính dâng lên.
– Đệ tử thành tâm cúng dường. Mong Bồ-tát thu dụng cho.
Tăng Giả Nan Đà hai tay tiếp mâm trái cây, đáp:
– Thực là đại duyên.
Tiếng Tiên-yên nữ hiệp đau đớn, rên rỉ ở trong trướng vọng ra.
Trần Năng hỏi:
– Ai đau đớn vậy?
Phương Dung thở dài:
– Sư bá Trần Thị Phương Chi.
Trần Năng vào trướng. Người Tiên-yên nữ hiệp vàng vọt, chỉ còn xương bọc da, đang nằm vận công chống với cơn đau. Nàng cầm tay bà chẩn mạch. Mặt thất sắc nói:
– Sư tỷ đã giao chiến với người phái Trường-bạch ư?
Phương Dung gật đầu, kể chuyện Trần Lữ và Tạ Thành Minh. Trần Năng cũng kể chuyện Phan Anh, Trần Nghi Gia và Mao Đông Các. Nàng móc trong bọc ra một túi thuốc đưa cho Phương Dung:
– Túi thuốc này lấy được từ người Mao Đông Các. Chả biết có dùng được không? Nếu là thuốc giả, cho sư tỷ dùng thì tối nguy. Giá có sư phụ ở đây, người phân biệt được ngay.
Sún Lé ngồi đó nói:
– Có gì khó đâu, chúng ta có hàng vạn tù binh Hán, lấy thuốc này cho chúng uống. Nếu là thuốc độc thì chúng chết. Còn chúng không chết thì là thuốc giải, đem cho sư bá uống.
Tăng Giả Nan Đà chắp tay:
– A Di Đà Phật! Tội quá, tội quá! Cứu một mạng, giết một mạng như vậy cũnh như không. Thôi để bần tăng uống thử thuốc nầy cho.
Tiên-yên nữ hiệp đã bớt đau, tỉnh dậy. Bà nghe thấy nói vậy, lắc đầu:
– Xin Bồ-tát đừng làm thế. Tiểu nữ không tiêu thụ được ân đức này đâu.
Tăng Giả Nan Đà bảo Tiên-yên nữ hiệp:
– Mời thí chủ hãy ngồi kiết già theo bần tăng, để bần tăng nói về đạo của Đức Thế Tôn cho thí chủ nghe.
Tiên-yên nữ hiệp ngồi theo ngài. Ngài giảng về tiểu sử đức Phật. Sau đó ngài tiếp:
– Phàm người theo đạo Đức Thế Tôn, thì lăn mình vào mệnh hổ đói, xẻo thịt cho chim ưng ăn cũng không ngại. Đào phu nhân, đưa thuốc cho bần tăng.
Lời nói của ngài uy nghiêm quá. Phương Dung không chống được. Nàng đưa túi thuốc cho ngài.
Ngài lấy viên thuốc màu đỏ định bỏ vào miệng. Phương Dung thấy vậy lòng đầy bất nhẫn. Nàng chụp viên thuốc trong tay ngài. Tay nàng chạm vô bàn tay ngài. Nàng giật bắn người lên, vì một kình lực nhu hòa truyền vào người nàng. Tuy lấy được thuốc, nhưng người nàng bị rung động mạnh.
Tăng Giả Nan Đà khoan thai giảng giải:
– Để bần tăng nói cho Đào phu nhân nghe. Phàm người theo đạo Đức Thế Tôn, dù nhảy vào miệng cọp đói, xẻo thịt cho chim ăn cũng không từ.
Phương Dung thấy ngài chưa bỏ thuốc vào miệng. Nàng tìm cách kéo dài thời gian, may ra đoạt lại viên thuốc. Nàng khẩn khoản nói:
– Đại sư, đệ tử thật ngu tối, chưa từng nghe biết tại sao người theo đạo Phật, lại tự nguyện nhảy vào miệng cọp, xẻo thịt cho chim ưng ăn?
Trên mặt Tăng Giả Nan Đà thoáng hiện ra nét vui mừng:
– Đào phu nhân đã hỏi. Bần tăng xin vì phu nhân mà nói về pháp của Phật. Người tu đạo, nguyện nhảy vào miệng cọp đói, xẻ thịt cho chim ưng ăn được chép trong kinh Hiền-ngu. Câu truyện như thế này:
"Khoảng cách thời gian lúc Đức Thích Ca tại thế vô số kiếp. Ở Châu Diêm Phù Đề có một ông vua tên Ma Ha La Đàn Na, cai trị ba nghìn nước nhỏ, vua có ba con trai. Người thứ nhất tên Ma Ha Phù Na Bình. Người thứ nhì tên Ma Ha Đề Bà. Người thứ ba tên Ma Ha Tát Đoá.
Người con thứ ba, có tính phúc đức, rộng lòng từ bi quảng đại, chí khí cao cả, hiền hậu hiếu thảo, thương dân, giúp vật. Một hôm vua dẫn hoàng hậu, thứ phi, cung nga và cả ba con vào rừng chơi. Nhân lúc nhà vua nằm nghỉ dưới gốc cây. Ba hoàng tử cùng nhau dạo bước. Tới khu rừng bên cạnh, thấy một con cọp mẹ và hai con cọp con. Cả ba gầy gò, chỉ còn da bọc xương, nằm thoi thóp thở. Chứng tỏ cả ba mẹ con cùng đói quá, kiệt sức. Cọp mẹ định ăn thịt hai con. Thấy thế Thái-tử Ma Ha Tát Đóa nói với hai anh:
– Các anh nhìn kìa! Cọp mẹ đói quá, đang muốn ăn thịt con, phải có súc vật máu nóng, giết thịt đem cho nó ăn.
Thái-tử Ma Ha Tát Đoá nghĩ: Ta sống thác trong bao kiếp đến nay. Bỏ thân cũng đã nhiều. Song trọng những thân ấy chỉ gây thêm tội nghiệp tham, sân, si chứ chưa từng đem thân ấy làm lợi cho chúng sinh. Tại sao không đem thân này đổi lấy trí tuệ từ bi bất diệt?
Nghĩ là làm. Thái-tử để hai anh đi trước. Còn mình chậm lại, rồi lui về sau. Ngài gieo mình vào miệng cho cọp ăn thịt. Cọp đói lâu ngày mất hết nghị lực, run rẩy không há mồm ăn được. Thái-tử dùng cây nhọn đâm cổ cho máu phọt vào miệng cọp. Ba mẹ con cọp liếm máu, dần dần có sức tỉnh dậy, cùng ăn thịt Thái-tử. Phút chốc chỉ còn lại mấy khúc xương.
Hai người anh dạo chơi một lúc, không thấy em, bèn quay trở lại thì chỉ còn thấy cái đầu và đống xương trên mặt đất. Hai ngài vội vàng báo cho vua và hoàng hậu. Ngài thương xót con vô cùng, khóc lóc thảm thiết. Còn thái-tử sau khi thác, hồn được sinh về cõi trời, tự nghĩ rằng: Ta được phép thiên nhãn, coi năm cõi như vật trên bàn tay. Chắc đời trước ta làm phúc gì, nay mới được như vậy.
Vị thái-tử đó là một trong những tiền thân của đức phật Thích Ca Mâu Ni vậy.
Trong khi Tăng Giả Nan Đà thuyết pháp, các anh hùng Lĩnh Nam hiện diện có Tiên-yên nữ hiệp, Phương Dung, Lục Sún. Tám người say mê theo dõi. Ngài thuật xong nói:
– Vì vậy, nay bần tăng chỉ thử nuốt viên thuốc, chưa hẳn là thuốc độc. Dù có là thuốc độc cũng không bằng gieo mình vào miệng cọp đói.
Trong lòng Sún Cao tự nhiên mở rộng, một ý nghĩ thoáng qua, nó kính cẩn chắp tay lễ Tăng Giả Nan Đà:
– Kính bạch Hoà-thượng. Nếu như đệ tử thấy một người bị rắn cắn. Đệ tử biết nếu để lâu, người đó sẽ chết. Đệ tử nguyện hút máu độc, cứu người như thế có nằm trong đạo lý Phật-gia không?
Tăng Giả Nan Đà liếc nhìn Sún Cao, ngài gật đầu:
– A Di Đà Phật. Tiểu thí chú có ngộ tính thực cao. Nếu tiểu thí chủ hút nọc độc cứu người đã có hạnh Bồ-tát rồi. Trường hợp tiểu thí chủ biết rằng hút nọc cứu người, mình sẽ chết, mà vẫn hút, quả thực tiểu thí chủ có trái tim Bồ-tát, thành Phật vậy.
Sún Lé chắp tay hỏi:
– Bạch sư phụ, còn chuyện xẻo thịt cho chim ăn nguồn gốc thế nào? Xin sư phụ từ bi dạy cho chúng đệ tử.
Tăng Giả Nan Đà khoan thai giảng:
– Tích nầy cũng lấy trong kinh Hiền-ngu. Chuyện như sau:
"Lại cũng trong thời quá khứ, tại cõi Diêm Phù Đề này, có một vị vua tên Thi Tỳ, ở thành Đề Bà Bạc Đề. Lúc đó nước mạnh, dân giầu. Nhà vua thống trị tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông. Nhà vua có hai muôn cung tần, thể nữ, năm trăm hoàng tử, một vạn đại thần. Vua có hạnh từ bi, thương dân như con.
Bấy giờ trên trời, vua Đế Thích gặp lúc năm đức ly thân, sắp tới ngày chết. Khí sắc ông âu sầu. Ông Tỳ Thủ Yết Ma thấy thế hỏi rằng:
– Tâu bệ hạ. Hồi này thần thấy khí sắc bệ hạ kém xưa nhiều lắm. Chẳng hay có chuyện chi? Xin nói cho hạ thần được rõ.
Vua Đế Thích đáp:
– Khanh không biết hay sao? Hoa trên đầu ta héo. Triệu chứng chết đã xuất hiện. Mạng sống không còn là bao. Hiện nay ở thế gian không có giáo pháp Như Lai, ta biết qui hương về đâu, nên buồn.
Ông Thủ Yết Ma tâu rằng:
– Hiện nay ở thế gian, Châu Diêm Phù Đề có một ông vua tự theo hạnh Bồ-tát, tên là Thi Tỳ, tâm ý vững bền tinh tiến lắm. Vị vua đó sau sẽ thành Phật. Xin bệ hạ tới đó qui y, thì lai sinh sẽ được đầy ý nguyện, hay tôn vinh trên cõi nhân, thiên hoặc xuất thế gian.
Vua Đế Thích phán:
– Nếu quả như khanh nói, thực may cho ta lắm. Tuy nhiên ta phải thử xem thực hư thế nào đã. Vậy khanh hóa làm chim bồ câu. Ta hóa làm chim ưng. Khanh bay trước, ta bay sau. Khi tới nơi khanh bay vào lòng nhà vua, xin nhà vua cứu. Ta đến sau, đòi trả bồ câu để ăn thịt. Xem nhà vua giải quyết ra sao?
Tỳ Thủ Yết Ma tâu:
– Bồ Tát là người từ bi, phúc đức, chúng ta nên cúng đàn, trợ giúp. Chẳng nên làm những sự đau khổ đến Bồ-tát.
Vua Đế Thích liền đọc bài kệ:
Ngã diệc phi ác tâm,
Như trân báo ứng thí,
Dĩ thử thí Bồ Tát,
Tri vi chí thành phủ.
(Ta vốn chẳng ác tâm,
Muốn thử bồ tát xem,
Là vàng thực hay giả?
Chí thành đâu có sao? )
Vua Đế Thích đọc xong, Tỳ Thủ Yết Ma hóa làm bồ câu bay trước. Vua Đế Thích hóa làm chim ưng bay theo. Tới nơi, bồ câu bay thẳng vào lòng vua Thi Tỳ tỏ vẻ sợ hãi. Chim ưng bay theo sau đứng ở trên điện nói:
– Tâu bệ hạ! Xin ngài trả lại cho tôi con chim bồ câu kia.
Vua Tỳ Thử đáp:
– Trả cho ngươi ăn thịt ư? Ta có nguyện cứu tế muôn loài, nó đã lại đây cầu cứu ta. Ta không trả đâu. Trả có khác gì giết chết nó.
– Tâu bệ hạ. Ngài tự nói cứu muôn loài, mà cứu nó, ắt tôi chết đói. Tôi không phải là một trong muôn loài sao? Cứu một mạng, mà giết một mạng cũng như không.
Nhà vua thấy chim ưng nói có lý. Ngài nghĩ bây giờ ta lấy thịt loài khác cho chim ưng ăn. Giết một con vật, để cứu con bồ câu thì cũng vô ích. Chi bằng ta cắt thịt ta cho nó ăn là hay hơn hết.
Ngài cầm dao cắt một miếng thịt đùi, đưa cho chim ưng:
– Đây ngươi ăn miếng thịt của ta thay cho bồ câu.
Chim ưng không đồng ý:
– Tâu bệ hạ, theo lẽ công bằng, thì ngài phải đem cân ra. Để bồ câu một bên, thịt ngài một bên. Thịt ngài và thịt chim phải bằng nhau mới được.
Vua làm theo. Bắt đầu ngài để một miếng, vẫn không bằng. Rồi hai miếng, ba miếng… cho đến hết hai bắp vế vẫn không bằng. Ngài quyết định đứng lên cân. Bấy giờ trới đất tự nhiên chuyển động sáu lần, thân thể nhà vua lành lặn như cũ. Vua Thi Tỳ chính là một tiền kiếp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.
Sún Cao đến bên Phương Dung mở túi, lấy viên thuốc đỏ cầm ra xem. Nó nói với Tăng Giả:
– Đại-sư! Đệ tử nguyện uống viên thuốc này thử xem. Nếu đệ tử chết thì là thuốc độc. Còn đệ tử sống, thì là thuốc chữa bệnh, có thể dùng cứu bao nhiêu người khác đang khổ vì Huyền-âm độc chưởng.
Nói rồi bỏ viên thuốc vào miệng. Mọi người cùng bật thành tiếng kêu thất thanh. Nhưng đã trễ. Trần Quế Hoa từ ngoài bước vào, vung tay phóng một Lĩnh-nam chỉ. Véo một tiếng, chỉ trúng viên thuốc. Viên thuốc bay vọt khỏi tay Sún Cao, trúng vào viên đá kêu đến cách một tiếng, vỡ tan tành.
Tăng Giả Nan Đà gật đầu:
– Tiểu thí chủ! Ngươi có tâm Bồ-đề, thực đáng quí thay. Song việc này nên để bần tăng làm. Đào phu nhân, đưa thuốc cho bần tăng.
Phương Dung đưa túi thuốc cho ngài. Ngài cầm lấy, bỏ viên màu đỏ vào miệng nhai, rồi nhắm mắt nhập định. Một lát sau, trên đầu ngài có khói trắng bốc lên, mồ hôi xuất ra dầm dề. Mặt ngài tái mét. Trần Năng hoảng sợ, đưa tay bắt mạch ngài, thấy một luồng điện cực mạnh, nhu hòa đẩy tay nàng ra. Trần Năng sợ quá vội thu tay lại.
Ngài ngồi một lúc mới mở mắt ra, gương mặt lại hồng hào như thường. Ngài nói với Phương Dung:
– Đào Phu nhân, thuốc này cực độc, dùng không được. Dùng thì cơn đau trấn tĩnh, nhưng sau đó người sẽ mất hết năng tính nhân từ.
Ngài trao thuốc cho Trần Năng nói:
– Hùng phu nhân, hôm ở lăng Trường-sa, bần tăng đọc kinh Phật để hóa giải độc chất trong người phu nhân. Hôm nay bần tăng lại dùng kinh Phật hoá giải chất độc của Tiên-yên nữ hiệp đây.
Ngài nói với Tiên-yên nữ hiệp:
– Bần tăng xin vì thí chủ nói về nguồn gốc pháp môn Thiền của nhà Phật. Pháp môn Thiền bao gồm mấy chữ:
Giáo ngoại biệt truyền,
Bất lập văn tự,
Trực chỉ chân tâm,
Kiến tính thành Phật.
Không lập văn tự, vì Thiền không có một nguyên tắc nào cả. Nếu có nguyên tắc thì không phải là Thiền. Người tu Thiền phải tự mình trở lại với chân tâm mình, thoát ra ngoài Nhân, Ngã tứ tướng, tự mình giác ngộ mà thành Phật.
Ngài ngừng lại một lúc nói:
– Người đầu tiên được Phật tổ truyền tâm ấn là ngài Ma Ha Ca Diếp. Một hôm Phật tổ lên đài Linh-sơn thuyết pháp. Pháp hội có đến mấy trăm ngàn người chờ nghe. Ngài lên đài tay cầm bông hoa, miệng mỉm cười. Pháp hội không ai hiểu ý Phật. Chỉ có ngài Ma Ha Ca Diếp hiểu ý, mỉm cười đáp lại. Phật tổ nói: Ta có nhãn tăng chính pháp, diệu tâm Bồ Đề, vô pháp vô tướng, nay truyền cho Ma Ha Ca Diếp.
Nhãn tâm chính pháp là chính pháp chứa trong đôi mắt Phật vậy. Kể từ ngài Ma Ha Ca Diếp, truyền tâm ấn đến đời bần tăng là đời thứ tám.
Tiếp theo ngài giảng về phép Thiền định, làm thế nào bỏ ra ngoài được Nhân ngã tứ tướng. Bỏ ra ngoài được cái Vọng Tâm, để xóa bỏ đi hết những gì trong con người.
Tiên-yên nữ hiệp nghe đến đâu, tỉnh đến đó, mồ hôi bà xuất dầm dề.
Tăng Giả Nan Đà tiếp:
– Bây giờ thí chủ hãy hít một luồng khí, tưởng tượng luồng khí đó như sợi tơ vàng vào mũi, rồi vào cổ, xuống Phế, Tâm, qua Tỳ, Vị.
Ngài nói đến đâu, Tiên-yên nữ hiệp làm theo đến đó.
Ngài tiếp:
– Bây giờ chí chủ chuyển chân khí từ Tỳ, Vị, tỏa ra ngoài da.
Tiên-yên nữ hiệp làm theo lời ngài, một lát da căng như mặt trống rất khó chịu, miệng đắng, lưỡi nhạt, chân tay run run, rồi các đồ vật trong phòng quay tròn, bà cảm thấy như mình bị dốc ngược. Tuy nhiên Tiên-yên nữ hiệp là người tính khí quật cường, nhất định nghiến răng không kêu than. Bên cạnh bà Tăng Giả Nan Đà vẫn đọc kinh Phật:
….Thị chư pháp không tướng,
bất sinh bất diệt,
bất cấu bất tịnh,
bất tăng bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức.
Vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý.
Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp.
Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới,
vô vô minh diệt, vô vô minh tận.
Nãi chí vô lão, tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo.
Vô trí diệt vô đắc...
Trần Năng nhận ra ngài đang đọc đoạn giữa bài kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Ngày nọ nàng được ngài giảng đoạn đầu kinh Lăng-già, giác ngộ mà thắng được Trần Gia Nghi. Rồi ngài giảng đoạn đầu bài kinh Bát Nhã, nàng áp dụng vào vận khí mà thắng Phan Anh. Sau đó ngài giảng tiếp đoạn kinh Lăng-già mà đẩy được chất độc của Huyền-âm thần chưởng ra ngoài. Cho nên bây giờ nghe ngài đọc đoạn sau của kinh Bát Nhã, thì nàng hiểu liền. Nàng xếp chân ngồi kiết già, vận khí.
Ngài giảng:
- Bát nhã ba la mật đa tâm kinh là pháp môn của Thiền Tông nhà Phật. Đức Phật giảng cho đệ tử của ngài là ngài Xá Lợi Phất. Kinh Bát Nhã lấy chữ Không làm căn bản. Trong kinh Kim-cang Phật dạy đệ tử là ngài Tu Bồ Đề rằng: Nhược hữu Bồ Tát... Nghĩa là nếu có vị Bồ Tát nào thấy Tướng ta của ngài, rồi thấy Tướng của người rồi thấy Tướng của chúng sinh, tức chẳng phải Bồ Tát. Tại sao vậy? Khi đã có Ngã tướng, liền có Nhân tướng. Đối với Ngã tướng, Nhân tướng chẳng phải chỉ có một người, mà có nhiều người, do vậy có Chúng sinh tướng. Nói thì nhiều chứ thực sự ra phải bỏ ngã tướng thì tự nhiên bỏ được hết các tướng khác.
Phật dạy rằng: Các pháp đều không có tướng. Đã không có thì làm sao sinh? Làm sao diệt, làm sao dơ bẩn, làm sao tăng? Làm sao giảm? Cho nên trong thế gian nầy Ngũ uẩn đều không. Ngũ uẩn là gì? Tức là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành Thức.
Cho nên nhập Thiền, phải bỏ mọi sắc giới hình ảnh ra ngoài tức vô nhãn rồi không chú ý đến âm thanh tức vô Nhĩ. Không ngửi thấy mùi gì nữa thành vô tị, không chú ý đến mùi vị là vô Thiệt. Khi bỏ ra ngoài được ngũ uẩn, thì ý tưởng không còn nữa, cái thân cũng biến mất. Đến trình độ nầy thì không có sắc, không có thanh, không có hương, không có vị, không có súc nữa. Như vậy con người đi đến không còn già, chết tức không còn khổ nữa.
Lúc đầu Tiên-yên nữ hiệp chống trả cơn đau, không chú ý được lời giảng của ngài. Nhưng có một câu lọt vào ta bà Bỏ ra ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi và thân ý. Bà nghĩ: Nếu bỏ ra ngoài được như vậy thì con người chết rồi còn gì? Chết rồi thì hết đau đớn nữa. Nghĩ vậy bà thử không chú ý đến màu sắc, bà thấy dễ dàng quá. Bà bỏ ra ngoài âm thanh cũng dễ dàng quá. Bà bỏ hết cả sáu thứ ra ngoài. Quả bà không biết gì nữa. Thế nhưng trong khi bỏ ra như vậy, ý thức giới vẫn làm việc, chân khí vẫn luân lưu trong người bà. Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh bà nghe tiếng giảng sang sảng của Tăng Giả Nan Đà. Nghe đến đâu bà áp dụng đến đó. Khi ngài ngưng giảng. Bà từ từ tỉnh dậy, mở mắt ra, thấy mồ hôi mình xuất đầm đìa ướt hết y phục. Mồ hôi tanh hôi không thể tưởng tượng được bốc ra.
Cơn đau đớn kinh khiếp giảm. Chân tay có thể cử động được. Tăng Giả Nan Đà lên tiếng:
– A Di Đà Phật, thí chủ hãy vận khí qua mũi, xuống cổ, vào Phế, Tâm, đưa tới Tỳ, Vị. Rồi, thí chủ đưa xuống Đại-trường, Thận, Tiểu-trường. Rồi, tiếp tục đưa xuống đùi, đầu gối, bàn chân. Sau đẩy ra ngoài.
Tiên-yên nữ hiệp làm theo, thấy mùi tanh tiết ra ở chân bốc lên nồng nặc.
Cứ thế, bà tiếp tục vận khí suốt ngày, đến chiều, bà mới ngưng lại để nghỉ ngơi. Bà vận khí cho đến khuya, thấy không còn trở ngại gì khác nữa. Tiên-yên nữ hiệp đứng dậy, thấy người khỏe mạnh khác thường, cái đau đớn không còn nữa. Bà biết vị Bồ-tát dạy Thiền để chữa bệnh cho mình. Bà quì xuống chắp tay hành lễ:
– Sư phụ! Tạ ơn đại đức sư phụ đã cứu đệ tử.
Tăng Giả Nan Đà tủm tỉm cười:
– Cũng là túc duyên tiền kiếp cả đó thôi. Thí chủ tiếp tục luyện thêm ba ngày, thì chất độc tống ra ngoài hết sạch.
Ba hôm sau Tiên-yên nữ hiệp đã đẩy được chất độc ra ngoài. Bà bước ra sân trướng dạo chơi. Trong khi đi, bà tập bỏ ra ngoài nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, nhưng vẫn vừa đi vừa nhìn cảnh vật một cách mơ hồ. Trong mơ hồ bà đụng phải một cây lớn. Bà giật mình, cung tay đẩy mạnh vào cây. Khiến cây rung động lên thật mạnh, âm thanh trầm trầm chuyển đi vang dội cả một vùng. Bà kinh hãi nghĩ:
– Sao công lực ta biến thành âm nhu mạnh thế này ?
Bà chắp tay thử vận khí Tứ đại giai không đập mạnh vào cây. Cây to bằng bắp chân, kêu đến rắc một cái, từ từ đổ xuống. Có tiếng hoan hô:
– Công lực sư tỷ đến thế này thì không ai bì được nữa rồi.
Bà quay lại thì ra sư đệ Đặng Đường Hoàn. Đặng Đường Hoàn nổi tiếng chưởng lực mạnh nhất Lĩnh Nam, chỉ thua có hai người là Khất đại-phu và Lê Đạo Sinh, sau nầy thêm vào Đào Kỳ. Ông hít hơi vận khí phát một chưởng đánh vào cây khác, bằng bắp chân. Rầm, cây gãy đôi từ từ đổ xuống. Ông bảo Tiên-yên nữ hiệp:
– Sư tỷ đánh vào gốc cây còn lại xem sao?
Tiên-yên nữ hiệp vận khí theo Vô nhãn tướng, phóng một chưởng. Rắc, gốc cây đã được tiện đứt bằng phẳng như bị chặt một nhát dao rất ngọt.
Đặng Đường Hoàn chắp tay:
– Sư tỷ, chưởng lực của sư tỷ mạnh dường nầy, bây giờ nếu gặp Trần Lữ, sư tỷ có thể trả thù được rồi đấy.
Tăng Giả Nan Đà từ xa đến:
– A Di Đà Phật. Tiên-yên nữ hiệp có thể chấp nhận cho bần tăng một lời hứa chăng?
Tiên yên nữ hiệp chắp tay:
– Sư phụ cứ dạy, đệ tử nguyện theo.
Tăng Giả Nan Đà nói:
– Nếu sau này nữ hiệp gặp Trần Lữ, đừng hại y. Nữ hiệp hãy dùng những gì của nhà Phật hóa giải hết chất độc trong người y. Như vậy thí chủ cứu được nhiều người. Đại phúc đến với thí chủ.
Chiều hôm đó Phương Dung được thám mã cho biết:
– Quang-Vũ cử Ngô Hán cầm quân mặt Đồng-quan chống Thục. Còn Đặng Vũ giữ Nam-dương. Mã Viện đem quân phòng vùng Uất-lâm, Thương-ngô.
Phương Dung nói với Công-tôn Tư:
– Quang-Vũ rút khỏi Trường-an. Quân Hán còn chưa đầy mười vạn, so với quân Thục trên ba mươi vạn. Thái-tử chỉ giơ tay một cái là lấy được các thành trì xung quanh.
Nàng chỉ lên bản đồ tiếp:
– Sau khi lấy xong Quan-trung. Thái-tử chỉnh bị quân mã mấy năm sau chiếm Trung-nguyên. Chúng tôi rời đây về Lĩnh Nam phục quốc. Thái-tử phải cẩn thận, nếu không Hán đánh về phía sau Thái-tử. Chúng tôi sẽ theo sát Quang-Vũ.
Công-tôn Tư, Tề-vương Tạ Phong sai làm tiệc tiễn đưa anh hùng Lĩnh Nam. Trong bữa tiệc, Sa Giang ngồi cạnh Công-tôn Tư nói nhỏ:
– Sư huynh, tiểu muội được phụ thân chấp thuận cho theo Trưng Nhị. Tiểu muội không ở bên đại ca được. Vậy tiểu muội có đôi lời thưa riêng với đại ca.
Rồi nàng thuật lại chi tiết lời nói của Lê Đạo Sinh, Mao Đông Các về việc Công-tôn Thi liên lạc với Hán, chính y làm gian tế của Hán. Cuối cùng nàng kết luận:
– Giặc ngoài dễ đánh. Giặc trong khó trị. Mong sư huynh đề phòng. Anh em thực. Nhưng khi họ trở mặt, e trở tay không kịp. Sư huynh chắc không quên vụ Thái-tử Lịch Sanh chết oan?
Công-tôn Tư cảm động:
–Đa tạ sư muội. Ta sẽ nhớ kỹ lời sư muội.
Phương Dung họp anh hùng Lĩnh Nam. Nàng đứng lên nói:
– Hoàng sư tỷ bị bắt, chúng ta phải cứu ngay. Vậy những vị sau đây sẽ cùng tôi đi cứu Hoàng sư tỷ: Sư bá Trần Công Minh, Đặng Đường Hoàn, Tiên-yên nữ hiệp, Cao Cảnh Minh, Cao Cảnh Sơn, sư thúc Trần Năng, sư tỷ Giao Chi, sư muội Trần Quốc. Tất cả còn lại do sư bá Lương Hồng Châu, Đinh Công Thắng chỉ huy, đến hồ Động-đình chờ trước.
Lục Sún hỏi:
– Bọn chúng em đi đường nào?
Phương Dung đáp:
– Lục Sún đi Lạc-dương.
Sa Giang hỏi:
– Em đi cứu Hoàng sư tỷ hay đi hồ Động-đình?
Phương Dung đáp:
– Sư muội dẫn đường phái đoàn đi hồ Động-đình, để họ hỏi bỡ ngỡ.
Phương Dung cho mọi người hóa trang làm binh lính Hán, đi Lạc-dương. Việc giả binh Hán rất dễ dàng, vì Phương Dung có đủ thẻ bài của tất cả các đạo quân Hán. Chỉ ba ngày sau, mọi người đã tới Lạc-dương. Lạc-dương là kinh đô mới của Quang-Vũ. Dân cư đông đúc. Nhà cửa mọc lên như nấm.
Phương Dung an trí Lục Sún với đội Thần-ưng ở núi Bắc-mang. Nàng dặn các Sún không cho chim bay lượn nhiều, sợ thám mã Hán biết, e gặp khó khăn. Nàng nói với Đặng Đường Hoàn:
– Sư bá tạm ở núi Bắc-mang cùng với Giao Chi, Giao long nữ, cai quản bọn Lục Sún với đội Thần-ưng. Chúng ta dùng Thần-ưng liên lạc với nhau. Việc trước mắt là dọ thám xem chúng giam Hoàng sư tỷ ở đâu? Khất đại phu với Đào tam lang đã làm gì?
Lục Sún dầu sao cũng là đám thiếu niên, tính nhạy cảm. Từ hôm theo quân tòng chinh đến giờ, chúng đi với Trưng Nhị, Hồ Đề, Lê Chân. Trần Năng và Phật Nguyệt. Trong năm người, nhiều tình cảm nhất là Trưng Nhị với Phật Nguyệt. Nhưng họ không có thì giờ săn sóc chúng. Khi đổi mặt trận. Chúng theo đạo Trường-an, sống gần Hoàng Thiều Hoa nhiều nhất. Hoàng Thiều Hoa tuy chưa có con. Song nàng có kinh nghiệm chăm sóc cho Đào Kỳ, nên biết tâm lý Lục Sún. Vì vậy chị em sống bên nhau giữa chốn ba quân, mà tình ý thâm trọng. Từ hôm nàng bị bắt, Lục Sún khóc mấy ngày, rồi bản tính quật cường nổi dậy, chúng bàn định cách cứu Thiều Hoa, Phương Dung chưa cho chúng đi. Chúng nhất định đòi đi ngay. Phương Dung đem quân luật ra bắt chúng phải ở núi Bắc-mang. Bề ngoài chúng tuân lệnh. Trong lòng chúng phản đối.
Sún Rỗ kêu lên:
– Bất công, em phản đối sư tỷ Phương Dung. Đi cứu Hoàng sư tỷ mà không cho Lục Sún đi là cớ gì? Nếu vậy Lục Sún sẽ đi riêng. Lục Sún vào hoàng cung bắt sống hoàng-hậu, công-chúa, thái-tử... đem đổi cho Quang-Vũ lấy Hoàng sư tỷ. Nếu Quang-Vũ làm Hoàng sư tỷ đau đớn, Lục Sún cũng làm người của Quang-Vũ như vậy.
Trần Năng an ủi Lục Sún:
– Các sư đệ ngoan ngoãn mới được. Đây là kinh đô Lạc-dương. Nếu Lục Sún làm ồn lên chỉ nguyên mấy vạn thị-vệ cũng đã giết hết chúng ta, còn ai cứu Hoàng sư tỷ nữa?
Trần Công Minh vốn tính nóng nảy quát mắng:
– Lục Sún không được ồn ào. Phải tuân lệnh sư tỷ Phương Dung, nếu không phải đòn.
Tâm lý trẻ con bao giờ cũng thế. Khi thấy điều gì không vừa ý, chúng phản đối một cách tự nhiên. Người lớn cần giải thích cho chúng đúng lý, chúng mới chịu tuân theo. Còn dùng uy quyền, áp lực chúng nín chịu, nhưng rồi khi vắng mặt người lớn chúng sẽ hành xử theo ý chúng. Lục Sún thấy sư bá quát mắng. Chúng nhìn nhau, không nói gì, nhưng trong lòng nổi lên một cơn giông tố.
Chúng đợi cho Phương Dung cùng mọi người đi rồi, lấy mắt ra hiệu cho nhau, cùng lên chỏm núi hội nghị. Nguyên Lục Sún xuất thân là những trẻ mồ côi, cha mẹ chúng bị người Hán giết chết. Chúng bơ vơ, được Hồ Đề đem về nuôi nấng, dạy dỗ từ nhỏ. Chúng chơi với nhau thân như ruột thịt, nghịch ngợm không biết đâu mà lường.
Sau khi ngồi xuống sáu tảng đá khác nhau, Sún Lé nói:
– Hoàng sư tỷ bị Quang-Vũ bắt đi đã lâu không có tin tức gì. Bây giờ chúng ta cho Thần-ưng trinh sát đi tìm xem sư tỷ bị giam ở đâu? Vậy chúng ta cùng vào thành Lạc-dương một lúc.
Sún Rỗ tiếp:
– Sư tỷ Phương Dung có mang theo năm Thần-ưng đưa tin. Vậy chúng ta thấy chúng bay lượn ở đâu, tránh chỗ đó, không thể để sư tỷ bắt được. Sư tỷ bắt được, sẽ đuổi chúng ta trở lại đây mất. Không chừng còn bị phạt nữa là khác.
Sún Cao hỏi:
– Từ đây vào thành Lạc-dương cũng hơi xa. Chúng ta phải dùng ngựa mà đi. Vào thành rồi chúng ta mới dọ thám. Nhưng chúng ta lấy tiền đâu trả nhà trọ, mua cơm ăn? Chúng ta học nói tiếng Hán, nhưng giọng nói của chúng ta là giọng Trường-sa. Hay chúng ta phải giả làm ăn mày để bọn Hán không biết.
Sún Lé lắc đầu:
– Giả ăn mày thế nào được? Chúng ta đi ngựa mà giả ăn mày ư? Bây giờ chúng ta lấy những bộ quần áo đẹp Hoàng sư tỷ may cho mặc vào. Người Hán thấy chúng ta ăn mặc đẹp, cưỡi ngựa, đeo ngọc đầy người tưởng chúng ta là con vua chúa mới thú.
Nó lấy tay nải, moi ra cái túi, mở miệng túi: Trong túi đầy ngọc trai ngọc bích, hồng ngọc, vàng bạc không thiếu gì. Nguyên hôm đánh thành Ngọc-đế, chiếm được kho tàng Thục. Trưng Nhị chở về Lĩnh Nam. Sún Lé nhanh tay, bốc lấy một ít cho vào túi. Nó có ý định rằng về Lĩnh Nam làm quà cho bạn bè. Bây giờ nó đưa ra, làm các Sún khác reo hò mừng rỡ.
Lục Sún cũng như Hồ Đề, đi đâu cũng đều mang theo mỗi người vài con trăn, mấy con rắn, rết, bò cạp, nhện thực độc phòng thân. Trong 600 Thần-ưng của Lục Sún, chúng cũng luyện một đội đặc biệt hai chục Thần-ưng cực kỳ tinh khôn, để hộ vệ. Trong hai chục Thần-ưng nầy. Hồ Đề mang theo mười con, còn lại mười lúc nào chúng cũng mang theo bên cạnh, để sai vặt. Khi thì đưa thư, khi thì hái hoa quả, khi thì phơi quần áo.
Sún Hô bàn:
– Bây giờ chúng ta cứ ngoan ngoãn ăn cơm rồi đi ngủ. Đợi trời gần sáng hãy lấy ngựa đi. Như vậy sư bá Đặng Đường Hoàn không biết đã đành, đến sư tỷ Giao Long cũng không ngờ tới.
Chúng ăn cơm rồi mắc võng, leo lên ngủ. Tới nửa đêm, Sún Lé thức giấc trước. Nó đánh thức từng đứa một, lén lấy ngựa ra đi. Trời gần sáng tới thành Lạc-dương, vừa đúng lúc thành mở cửa. Chúng cưỡi ngựa ngao du khắp phố phường. Lần đầu tiên chúng được đi chơi trong một thành phố náo nhiệt như vậy. Cái gì đối với chúng cũng hay cũng lạ hết. Trong khi chúng đi, trên trời mười con Thần-ưng cứ là là trên cao. Gặp cây nào đậu cây ấy. Đi đến trưa, chúng bắt đầu đói. Sún Lé bàn:
– Chúng ta vào tửu lầu đánh chén một bữa đã, rồi sẽ tìm cách sai Thần-ưng đi dò tin tức Hoàng sư-tỷ.
Sún Rỗ hỏi:
– Phải đem vàng đi đổi tiền đã?
Sún Lé móc trong túi ra một nén vàng:
– Không cần, cứ đưa cái này ra, nhà hàng sẽ đổi tiền cho mình.
Bốn đứa tìm đến một tửu lầu, nhà hàng thấy sáu thiếu niên trang phục sang trọng. Lưng đeo cung tên, bảo kiếm, tưởng rằng thiếu niên con quan lớn. Họ sai tửu bảo chạy ra đón. Tửu bảo chia nhau đứa cầm cương, dắt ngựa ra sau cho ăn cỏ. Đứa cúi rạp người xuống mời Lục Sún.
Khi khởi hành từ Lĩnh Nam, Hồ Đề cho Lục Sún mặc theo lối người rừng. Trông rất quê kệch. Từ ngày bọn Lục Sún theo Hoàng Thiều Hoa đến giờ. Nàng ra lệnh may cho chúng mỗi đứa hàng chục bộ quần áo sang trọng. Thiều Hoa từng là đệ tử yêu của Đào Thế kiệt, nàng sống trong nhung lụa đã quen. Sau này làm vợ Nghiêm Sơn, một vị Lĩnh-nam công, uy quyền bao la, muốn gì được nấy, nàng sống nếp sống đài các đã lâu. Nàng đánh cho mỗi Sún mấy cái vòng chân, đeo vàng, ngọc đầy người, khiến bọn tửu bảo trông thấy tưởng chúng là con nhà vương tôn, đưa chúng lên bàn chưng hoa rất đẹp.
Chủ nhân tửu quán đến khoanh tay hỏi:
– Không biết các vị công tử dùng gì?
Sún Cao rành về ăn uống. Nó đã ăn với Hoàng Thiều Hoa, nên biết món ăn ngon. Nó nói:
– Trước hết cho tôi sáu bát Vi-yến nấu với trứng gà. Sau đó cho sáu con cá-chép chưng thập-cẩm, sáu con gà nướng ngũ-vị hương, mười hai con bồ-câu quay dòn. Trái cây có thứ nào tươi tốt nhất, đắt nhất mang ra đây.
Sáu đứa ngồi ăn uống giữa tửu lầu lớn nhất kinh đô Lạc-dương, nghênh ngang coi thiên hạ bằng nửa con mắt. Ăn nửa chừng, có tiếng hô:
– Tránh ra, nhường chỗ cho các quan lớn.
Bọn Lục Sún chú ý nhìn: năm quân nhân Hán, mặc theo lối Thị-vệ hoàng cung, rồi cùng ngồi vào bàn gần đấy. Lát sau thêm một nho sinh tới nữa là sáu. Một Thị-vệ mặc quần áo đội-trưởng, gọi chủ quán lại gần hỏi:
– Bọn trẻ con nào vậy?
Chủ quán đáp khẽ:
– Không rõ! Sáu vị công tử cùng cỡi ngựa đến đây. Thấy cách phục sức, tôi đoán họ là vương tôn, công tử chứ không phải thường. Họ kêu toàn món ăn rất đắt tiền.
Người đó nói sẽ:
– Ngoài bọn sáu người ra, tuyệt đối không cho ai lên lầu này nữa nghe!
Chủ quán cúi rạp người xuống tỏ ý vâng lệnh. Sún Lé nói khẽ bằng tiếng Việt:
– Này! Chúng mày không được lên tiếng. Để tao muốn làm gì thì làm nghe, nếu không lộ mặt nạ hết.
Nói rồi nó gọi chủ quán:
– Cho ra một bình rượu thực ngon lên đây.
Chủ quán hơi ngạc nhiên đôi chút, rồi cũng đưa lên một bình rượu lớn. Sún Lé cầm bình rượu lại bàn của sáu người Hán. Nó đến bên đội-trưởng cúi đầu chào nói:
– Bọn tiểu đệ nhân ngày xuân, muốn kính mời quí huynh một chung rượu lạt, gọi là duyên may gặp gỡ giữa đường. Mong quí vị không chê bọn tiểu đệ hủ lậu quê mùa.
Đội trưởng bọn thị vệ hơi bỡ ngỡ. Y nhìn thấy Sún Lé đeo vàng, ngọc, đầu để tóc dài, nước da đen, trông rắn rỏi khỏe mạnh, có thiện cảm. Y nói:
– Đa tạ tiểu huynh đệ. Chúng tôi xin nhận.
Sún Lé cầm bình rượu rót ra từng chung mời bọn họ uống. Nho sinh uống rồi hỏi:
– Chẳng hay các tiểu huynh đệ là công tử của vị vương tôn đại thần nào vậy?
Sún Lé cười:
– Bọn tiểu đệ họ Lưu, đều ở Trường-sa. Bọn tiểu đệ về đây chúc mừng sinh nhật một người. Thú thực trông thấy các vị đại ca, bọn đệ cảm tình lắm. Nhưng tiểu đệ không dám nói người mà bọn tiểu đệ chúc mừng sinh nhật.
Bọn thị vệ nghe vậy, đoán bọn trẻ nầy là con cháu bậc vương tôn. Vì chúng biết Quang-Vũ sinh trưởng ở Trường-sa. Bề trên chúng họ Lưu thì đúng là quốc thích rồi.
Sún Lé hỏi đội trưởng:
– Chẳng hay quí tính các đại huynh đây là gì? Hiện thuộc cơ đội nào trong hoàng-cung?
Đội trưởng thấy Sún Lé hỏi đúng khuôn phép, càng tin đây là đám vương-tôn thực. Y nói:
– Tiểu huynh họ Mã tên Huy. Còn năm vị này thuộc đội Thị-vệ hầu cận thái-hậu.
Sún Lé cười:
– Thì ra đại huynh là ngoại thích đây. Chắc đại huynh con cháu của Mã thái-hậu hẳn. Còn bốn vị đại huynh đây chắc ở Trường-an mới về?
Rồi hắn ta nói với chủ quán:
– Tất cả tiền cơm, rượu của sáu vị, tính về ta.
Mã Huy tuyệt không ngờ, đứa trẻ này lại hào hoa như vậy. Y nói mấy câu cám ơn, rồi giới thiệu:
– Năm vị Thị-vệ này quả mới từ Trường-an về. Suốt mấy ngày qua các vị phải trông coi một tù nhân. Hôm nay mới được rảnh rỗi ra đây uống rượu.
Sún Lé giật mình nghĩ:
– Binh Thục bị Hán bắt rất nhiều. Đều giữ ở Đồng-quan. Vậy tù nhân mà năm thị vệ gác này là ai? Không lẽ là Hoàng sư tỷ?
Nó lại gọi thực nhiều rượu, gọi cả năm Sún lại. Mỗi đứa thay nhau mời một tuần rượu. Bọn thị vệ uống đủ sáu tuần rượu, đã bắt đầu ngà ngà say.
Một tên nói:
– Mã đội trưởng! Thú thực từ ngày tôi ra đời đến giờ, chưa bao giờ thấy một người đẹp đến như người này. Hoàng-thượng lệnh chúng tôi giữ nàng, cấm không được hành hạ. Dường như ngài định tuyển nàng làm chánh cung nương nương thì phải. Chứ sao nàng là tù nhân, mà được cung phụng đủ thứ như vậy?
Sún Lé giật mình, biết rằng tù nhân mà chúng giữ đúng là Hoàng Thiều Hoa rồi. Nó lờ đi làm như không biết, chỉ vào bức tranh Tây Thi treo trên tường hỏi:
– Đại huynh! Người đàn bà đó có đẹp bằng Tây Thi không?
Tên Thị-vệ cười:
– Đẹp gấp vạn lần. Võ công nàng cao vô cùng. Chúng ta được lệnh phải xích nàng rất cẩn thận.
Sún Lé lắc đầu:
– Tôi không tin trên đời có người đẹp hơn bức tranh Tây Thi kia. Này đại huynh, người cho chúng tôi nhìn một cái, nếu quả thật như đại huynh nói đẹp hơn tranh Tây Thi tôi sẽ tặng đại huynh vật này.
Nó thò tay vào bọc, móc ra một chuỗi ngọc trai đến mấy trăm hột. Nguyên chuỗi ngọc này nó lấy trong kho tàng tại thành Bạch-đế, nó cất giữ tới nay mới đưa ra.
Tên thị vệ lắc đầu:
– Chúng ta dù có đến một ngàn cái đầu cũng không dám cho các chú coi. Vì người này hiện giữ ở phủ Hoài-nam vương phía Đông thành.