Hồi 27
Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Năm người vừa ngắm cảnh, vừa đi về phía Bắc. Tới gần hồ Động-đình, Trưng Nhị nói:
– Chúng ta lại được du ngoạn hồ lần nữa. Hôm trước chúng ta ngoạn cảnh Tam-sơn. Hôm nay chúng ta ngắm trăng trên hòn đảo nhỏ giữa hồ. Hôm trước chúng ta gặp Bồ-tát Tăng Giả Nan Đà, không biết hôm nay chúng ta gặp ai?
Phật Nguyệt nhìn mặt hồ mênh mang trong đêm, nói:
– Gặp Bồ-tát Tăng Giả Nan Đà là đại duyên, đại phúc của chúng ta. Ngài mang đến cho chúng ta lòng yêu thương vô bờ bến của đức Thế Tôn. Chúng ta biết về đời sống đã qua, đời sống hiện tại, đời sống tương lai. Còn hôm nay biết đâu chúng ta chẳng gặp ác quỉ. Trưng sư tỷ! Chúng ta học theo đức Thích Ca Mâu Ni: yêu và giác ngộ kẻ ác.
Tất cả xuống chiến thuyền, đậu ở gành Tương-giang. Sa Giang từ trong thuyền bước ra chào đón. Trưng Nhị ra lệnh cho thuyền trưởng:
– Người đưa thuyền về phía núi Tam-sơn cho ta.
Trần Năng định lên tiếng hỏi tại sao lại đi về phía đó. Bỗng nàng ngước mặt nhìn lên trời và thấy đoàn Thần-ưng bay lượn trên đầu, hướng Tam Sơn. Nàng ngạc nhiên: Không lẽ sào huyệt bọn Phan Anh lại ở Tam Sơn? Hồ Động Đình vào tiết đầu Xuân, lất phất mấy hạt mưa phùn. Gió xuân thổi nhẹ nhẹ. Xa xa tiếng vạc ăn đêm vọng lại. Sóng mặt hồ vỗ rì rào.
Sa Giang cầm ống tiêu thổi bài Tình Hận Trương Chi. Giọng trầm bổng véo von. Khi nức nở như tiếng Mỵ Châu khóc thầm. Khi thì lên cao, như Trương Chi ngồi trên thuyền cất giọng ca cho người yêu nghe.
Hồ Đề hỏi Lê Chân:
– Này Chân. Trước khi khởi hành chị thấy đói meo cả ruột. Em bảo xuống chiến thuyền, sẽ trổ tài làm mấy món ăn Việt. Bây giờ đói lè cả lưỡi rồi đó. Món ăn ở đâu? Phái Sài Sơn nhà em, nức tiếng thiên hạ về tài nấu ăn. Hồi gặp Đào Kỳ y nói: Em nấu món cá cho y ăn. Y muốn nuốt cả lưỡi vào. Hôm nay em cho ta ăn món gì đây?
Lê Chân cười:
– Chúng mình sang đây, ăn món Trung-nguyên mãi chán lắm rồi. Hôm nay em làm món Việt. Chúng ta vừa ăn, vừa ngắm mùa Xuân trên hồ Động Đình. Món em định làm là món Chả cá.
Sa Giang cười khúc khích:
– Em nhớ hôm gặp Tổ Sư là Thiên Sơn lão tiên. Người kể rằng cách đây hai chục năm. Người được đại ca Đặng Thi Sách làm chả cá theo lối Việt. Người vừa ăn, vừa uống rượu. Ngon quá, người ăn muốn vỡ bụng ra.
Lê Chân hỏi thuyền trưởng:
– Hồi chiều, ta dặn ngươi chuẩn bị mấy con cá sống. Nào, cá đâu đưa đây cho ta.
Thuyền trưởng bưng ra một cái nại. Nại lưng nước. Trong có 4-5 con cá đang bơi. Lê Chân bắt cá lên xem. Nói:
– Đây là cá chép. A, có cả cá rói nữa. Được! 15 con đủ rồi. Sa Giang, em làm phụ bếp với chị. Học lối làm chả cá Việt. Sau nay có dịp hầu hạ tổ sư, em làm dâng cho người. Nhất định người sẽ khen: Con bé Sa Giang giỏi quá. Hoa tay quá. Biết đâu người chẳng giữ em ở bên cạnh. Người là Tiên cụ em là Tiên cô. Sướng nhé.
Sa Giang mơ màng:
– Em muốn sau này theo các chị về thăm Lĩnh Nam. Thời gian đi cùng sư tỷ Trần Quốc. Người nói cho biết đạo Kinh-châu có Tây-vu thiên-ưng Lục tướng. Mãi hôm hội quân ở Dương-bình quan em mới được gặp. Sư bá Công-tôn Thiệu khen nức nở, khen không tiếc lời. Nào anh hùng, nào hào sảng, nào thông minh. Chỉ tiếc rằng sáu người không chịu học chữ, nếu không còn trở thành sáu đấng tài hoa. Em tiếp xúc với các vị sư ca ấy một lần, mà không bao giờ quên. Em chê các anh ấy không biết chữ. Các anh ấy nói: Khó gì, mỗi ngày học hai chục chữ. Một tháng 600 chữ. Ba tháng thì đọc được sách. Em không tin. Sún Rỗ đòi đánh cuộc. Cuộc rằng: nội trong ba tháng gặp lại, nếu Rỗ không đọc được sách, anh ấy phải theo hầu hạ em cả đời. Ngược lại anh ấy đủ chữ đọc Tôn Tử, Lục Thao, em phải về Lĩnh Nam đánh quân Hán với anh ấy. Chờ đến ngày Lĩnh Nam phục hồi mới được về quê cũ.
Hồ Đề lắc đầu:
– Vậy thì Sún Rỗ thua mất.
Trưng Nhị lắc đầu:
– Sa Giang thua rồi. Hèn gì hôm ở Dương-bình quan, suốt ngày chỉ thấy Lục Sún bám lấy chị Thiều Hoa, xin học chữ. Chị Thiều Hoa khen chúng nó chăm chỉ lắm. Học suốt đêm suốt ngày. Thôi Sa Giang, coi như em phải về Lĩnh Nam với chúng ta rồi.
Sa Giang cười:
– Em cũng muốn được thua cuộc. Dù chưa thua cuộc, em đã về Lĩnh Nam rồi.
Hồ Đề hỏi:
– Em về hồi nào?
Sa Giang chỉ hồ Động Đình:
– Hồ này không phải là đất Lĩnh Nam sao?
Câu nói của Sa Giang làm mọi người vui không bút nào tả siết. Họ đang cầm quân trên đất Lĩnh Nam. Khác hẳn với cha anh họ, suốt 200 năm làm nô lệ. Thân phận như chó, như lợn.
Lê Chân bảo Phật Nguyệt:
– Kiếm thuật của em thần thông, thì khéo tay bậc nhất. Em bắt cá đánh vẩy, moi ruột, rửa sạch máu cho chị.
Trung Nhị bật cười:
– Em khen kiếm thuật Phật Nguyệt thần thông. Tưởng em nhờ Phật Nguyệt làm gì. Hóa ra để… đánh vẩy cá. Sau này xuống âm phủ, gặp Tổ-sư Lý Thân, ngài sẽ mắng: Con nhỏ Phật Nguyệt kia. Kiếm thuật của ta đâu phải để đánh vẩy cá.
Phật Nguyệt cười:
– Em sẽ cãi: Thưa Tổ sư, giết cá, kiếm con đỡ dơ bẩn hơn giết bọn tham quan.
Lê Chân kéo mọi người về với món Chả Cá:
– Còn Trần Năng, em rang lạc cho chị. Nhớ đảo cho đều. Không thì chỗ cháy, chỗ sống. Ăn mất mùi thơm.
Nàng cầm đoạn tre tươi, đưa cho Sa Giang:
– Sa Giang! Em đem ống tre này chẻ ra từng miếng nhỏ, vót tròn như những cái đũa. Tiếng Việt gọi là cái “Xiên”. Ta dùng xiên nướng cá. Xiên bằng gỗ, bằng tre, bằng nứa đều được cả. Xiên gỗ không ngon bằng xiên tre, xiên nứa. Gặp lửa, xiên tre chảy mồ hôi ra. Mồ hôi tre vừa mặn, vừa chát, vừa ngon ngọt, hợp với mùi thơm cá nướng, thành mùi vị đặc biệt.
Lê Chân mở gói mang theo, bày ra đủ thứ: rau thì là, cà cuống, mắm tôm, bánh đa, bún và rau mùi. Nàng nói:
– Tôi ra chợ Trường-sa xem thực phẩm có khác ở Giao-chỉ không. Thì ra đất Lĩnh Nam đâu đâu cũng thế. Này bánh đa, này mắm tôm, này cà cuống, này thì là, bày bún, này mùi, này nghệ.Cái gì cũng giống hệt Giao Chỉ.
Miệng nói nàng cho nghệ vào cối dã nhỏ, để sang bên cạnh. Rồi nhặt thì là thái ra từng đoạn dài bằng đốt ngón tay.
Phật Nguyệt đem cá vào:
– Em làm cá xong. Bây giờ nướng hay sao?
Lê Chân cười:
– Đúng! Cá cắt ra từng miếng càng mỏng càng tốt. Lượn con dao, sao cắt ngang thớ cá. Bởi vậy ta mới nhờ em.
Phật Nguyệt cầm con dao, đưa thoăn thoắt, cắt cá ra từng miếng mỏng.
Trưng Nhị nhìn nhát dao của Phật Nguyệt, phì cười:
– Cắt cá mà em cũng dùng kiếp pháp Long-biên à? Em lượn lưỡi dao hay thật. Ta không thể nào bằng.
Lê Chân đem cá bóp lẫn với nghệ, hồ tiêu, xuyên vào mấy cái xiên tre. Sa Giang quạt than trên lò đỏ hồng. Lê Chân đem mấy xiên cá để lên nướng. Nàng lấy mỡ, bỏ vào cái niêu đất nhỏ, bảo Sa Giang:
– Em đun mỡ cho thực sôi dùm chị.
Nàng lấy chanh vắt vào mắm tôm, nhỏ mấy giọt cà cuống. Dùng đũa đánh sủi bọt lên. Để bát mắm tôm giữa bàn, nói lớn:
– Mời các vị nhập tiệc. Chả cá phải ăn nóng. Ăn nguội mất cả ngon đi.
Nàng cầm mấy xiên chả cá nóng. Dùng đũa gỡ ra trên cái đĩa lót đầy thì là. Miệng nói:
– Các vị cẩn thận. Nếu không bị phỏng.
Nàng cầm cái niêu, đựng mỡ sôi sục, tưới vào đĩa cá. Quả như lời nàng nói. Mỡ gặp cá nướng, nổ lép bép, bắn ra xung quanh. Thì là gặp mỡ sôi, tái đi liền. Lê Chân giảng:
– Nào, một gắp bún, mấy cọng mùi, một miếng chả cá, thêm vào vài hột lạc rang. Múc mắm tôm chanh cà cuống đổ vào là đủ vị.
Mùi cá nướng, mùi thì là, mùi mắm tôm cà cuống thơm điếc mũi. Hồ Đề ở rừng, ít được ăn cá. Bây giờ được ăn món đặc biệt, nàng cầm đũa gắp. Miệng hít hà:
– Trời ơi! Các cụ nhà mình ăn uống khôn thực.
Lê Chân cản lại:
– Khoan, phải cho vào vài củ lạc rang, một miếng bánh đa nướng. Cá là vật âm hàn, cần có thì là, hồ tiêu, nghệ là những thức dương nhiệt. Như vậy mới bớt tanh. Mùi thơm của cá nướng, của gia vị, hợp với cà cuống thành một mùi hỗn hợp khó tả. Còn cá thì mềm, thêm bánh đa, lạc rang dòn. Đây là tinh hoa về ăn uống của người Việt. Nào, mời các vị.
Cử toạ ăn đến đâu, Lê Chân nướng cá đến đó. Sa Giang thông minh. Nàng cầm bút ghi vào tờ giấy cất đi, sợ sau nầy quên mất một chi tiết rất uổng.
Lê Chân dặn Sa Giang:
– Về cá. Em nhớ phải là cá có vẩy. Chứ cá không vẩy, ăn hết ngon. Cá vẩy trắng ngon hơn cá vẩy đen, vẩy xanh, vẩy vàng.
Bữa ăn vừa tàn, thuyền trưởng bước vào hỏi:
– Thưa quân sư, Thần-ưng đổi hướng. Xin quân sư ban lệnh.
Trưng Nhị nhìn ra ngoài quan sát. Thuyền đang đi về phía Bắc. Thần ưng đổi chiều, hướng phía Tây Bắc. Trưng Nhị ra lệnh cho thuyền trưởng đổi hướng. Cứ theo dấu Thần-ưng mà đi. Một lát, xa xa hiện ra một đảo nhỏ. Trên đảo, leo lét ánh đèn.
Trưng Nhị dặn thuyền trưởng:
– Người neo ở đây. Thả mủng xuống. Chúng ta cần vào đảo kia. Khi thấy ta phóng hoả hiệu ra lệnh, thì người ghé thuyền đón chúng ta.
Sáu người xuống cái mủng nhỏ chèo vào bờ. Bấy giờ đã vào đầu tháng hai. Trời tối đen như mực, xòe bàn tay ra không nhìn thấy. Cái mủng chở sáu người vào đảo. Trưng Nhị ra hiệu, cả sáu người đều nhảy lên bờ. Đây là hòn đảo nhỏ, chiều dài chưa quá hai trăm trượng. Giữa đảo có lâu đài nguy nga, đứng lù lù trong đêm. Hồ Đề tinh mắt quan sát một lượt. Nói:
– Chà lâu đài có đến 6 nóc, chồng lên nhau. Không biết ai ở đây?
Trong ngôi nhà, đèn đuốc sáng chưng chiếu ra. Nhiều tiếng động, tiếng nói vọng lại. Trưng Nhị dặn Trần Năng:
– Tôi với Hồ Đề đột nhập phía trước. Phật Nguyệt với sư thúc đột nhập phía sau, nhất thiết không nên dùng võ. Còn Sa Giang, Lê Chân núp ở ngoài này coi chừng cái mủng, điều khiến Thần-ưng phòng địch tấn công cướp chiến thuyền.
Trưng Nhị, Hồ Đề men theo các bụi cây trong đảo tiến tới sát lâu đài. Trong nhà có nhiều tiếng nói vọng ra. Hai người vọt lên mái nhà. Khẽ gỡ ngói dòm xuống. Bất giác cả hai cùng giật bắn người lên: Trong căn phòng rộng lớn, ở giữa có cái ghế cực lớn, Lê Đạo Sinh ngồi đó. Bên cạnh là vợ chồng Phan Anh, Trần Nghi Gia, Đức Hiệp, Hoàng Đức, Hàn Thái Tuế. Phía sau còn Tô Định, Tô Phương, Tiểu Lan. Cạnh Tiểu Lan một lão già râu tóc bạc trắng, mặt mũi hồng hào, với hai thiếu nữ, một mặc áo hồng, một mặc áo xanh.
Trưng Nhị ngẩn người ra tự hỏi thầm: Thái sư thúc Lê Đạo Sinh với Tô Định là người triều Hán, thì đúng rồi. Nhưng tại sao lại có Phan Anh ở nay? Y là kẻ thù của Hán kia mà?
Bỗng nghe Lê Đạo Sinh lên tiếng:
– Tình hình nguy ngập lắm rồi. Quân Thục đã chiếm được chín quận Kinh-châu, Đông-xuyên, đang đánh Thiên-thủy. Tôi nghe tin còn hai đạo nữa, một đạo tiến theo ngả Tà-cốc, một đạo tiến theo ngã Tí-ngọ đến Trường-an. Mà dường như giờ này thiên-tử chưa biết thì phải.
Phan Anh nói:
– Lê hầu còn chưa biết. Một đạo nữa do Đinh Đại thống lĩnh, xuất khỏi đất Thục bằng đường Độ-khẩu trở về chiếm trọn Lĩnh Nam.
Lê Đạo Sinh nghe Phan Anh nói, y bật lên tiếng kêu:
– Chà! Nguy quá! Tôi mới nhận chiếu chỉ làm Thứ-sử Quảng-châu gồm ba quận Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm. Các đệ tử của tôi đều chưa kịp tới nhận chức Thái-thú Quế-lâm, Nam-hải, Tượng-quận, mà giặc đã đem quân trở về. Không biết Trần Đạt, Ngô Huệ có giữ nổi Vĩnh Nhân không?
Phan Anh lắc đầu:
– Không giữ nổi. Trần, Ngô là người Hán, đặt dưới quyền chỉ huy của thái thú Tượng-quận. Sau đặt dưới quyền Đào Kỳ. Đào Kỳ thấy Kim-sa giang, Nhã-giang, Dân-giang, bên này do Tượng-quận, bên kia do Ích-châu, thành ra thiếu thống nhất trong việc phòng vệ. Y hợp hai khu, thành huyện Độ-khẩu, cắt cử người Việt làm huyện-lệnh, huyện-úy. Khi Lĩnh Nam phản Hán, Đinh Đại cho Đinh Công Thắng mang đạo Giao-chỉ về trước, tiếp theo Triệu Anh Vũ mang đạo Cửu-chân, Minh Giang mang đạo Quế-lâm. Cuối cùng Đào Hiển Hiệu mang đạo Tượng-quận. Hiển Hiệu mời Trần Huệ, Ngô Đạt tới họp. Tuyên bố phản Hán phục Việt. Trần Huệ, Ngô Đạt phản đối. Hiển Hiệu thản nhiên để cho cả hai ra về. Hai người mang bản bộ quân mã chống Đào Hiển Hiệu, bị đạo quân Thục, do Vương Lộc chỉ huy đánh úp. Hai người đã bị giết hại.
Phan Anh tiếp:
– Trong sáu đạo quân của Lĩnh Nam, hiện 5 đạo đã trở về đóng tại Tượng-quận, Quế-lâm, Nam-hải. Còn đạo Nhật-nam, do Lại Thế Cường chỉ huy, trấn đóng Trường-sa, Linh-lăng.
Lê Đạo Sinh hỏi:
– Trường-sa, Linh-lăng thuộc Kinh-châu. Tuy trước kia là đất Lĩnh Nam. Không hiểu Thục có chịu trả cho Lĩnh Nam không?
Phan Anh lắc đầu:
– Điều đó tôi không biết.
Lão già râu tóc bạc trắng hỏi:
– Bây giờ chúng ta phái tìm hiểu xem ý đồ chúng thế nào. Một là Thục tiến chiếm Quang-trung, Đồng-quan, Kinh-châu rồi ngừng lại. Mặt khác Trưng Nhị, Đào Kỳ trở về chiếm Lĩnh Nam. Hoặc chúng chiếm Kinh-châu tiến lên đánh Nam-dương. Mặt kia chiếm Trường-an sau đó hai mặt Nam-dương, Trường-an liệu có tiến về uy hiếp Lac-dương không?
Tô Định hỏi:
– Nếu trường hợp thứ nhất xảy ra. Lê-hầu phản ứng như thế nào?
Lê Đạo Sinh đáp:
– Nếu trường hợp thứ nhất xảy ra. Quả giũa Thục với bọn Trưng Nhị, Đào Kỳ ước hẹn với nhau chia ba thiên hạ. Thục chiếm Ích-châu, Đông-xuyên, Quang-trung, Kinh-châu. Đạo Hán-trung sẽ dừng lại ở Trường-an, lập ra một nước nữa. Chúng ta tâu với thiên-tử dồn binh xuống phía Nam, qua ngã Uất-lâm, Thương-ngô đánh Trưng Nhị.
Phan Anh nói:
– Không được. Nếu thiên tử dồn quân xuống cứu sáu quận Lĩnh Nam thì Thục thừa cơ tiên chiếm Lạc-dương bằng hai ngả Đồng-quan, Nam-dương. Bởi vậy tôi mới nói Thục với Trưng Nhị lập thành thế chân vạc, đối phó với Hán. Phương Dung, Trưng Nhị có tài dùng binh không thua gì Nghiêm Sơn. Họ giúp Thục chiếm Hán-trung, Trường-an, Kinh-châu, để cầm chân toàn bộ quân Hán. Trong khi đó họ có thì giờ mang quân trở về Lĩnh Nam.
Đức Hiệp nói:
– Quân Lĩnh Nam toàn người Hán. Liệu họ có nghe lệnh Trưng Nhị không?
Phan Anh gật đầu:
– Trước khi đánh Thục, Phương Dung đã chuẩn bị sẵn: Tất cả tướng sĩ, binh lính Hán bị tổn thất. Chúng bổ sung bằng người Việt. Vì vậy trong sáu đạo quân Lĩnh Nam, hầu hết từ cấp lữ, sư, quân đều là người Việt. Tuy vậy Trưng Nhị còn lo ngại quân Hán nổi loạn. Chúng giúp Thục đánh Hán. Thục chặn phía trước. Phía sau họ có thời giờ thay đối quân Hán bằng quân Việt. Họ còn cẩn thận đến độ: Vẫn dùng cờ Hán, vẫn nhân danh Lĩnh-nam vương, để an lòng bọn quan lại Hán cấp nhỏ. Tôi nghĩ ít ra trong vòng một tháng nữa, họ mới hạ cờ Hán, bắt giam các quan Hán. Thế là xong.
Lê Đạo Sinh thở dài:
– Nếu trường hợp thứ nhì xảy ra. Chúng quyết ăn thua, chiếm Trung-nguyên, chúng ta phải quay về tiêu diệt đạo quân Đinh Đại. Sau đó đánh vào phía Nam Thục qua Độ-khẩu, chiếm lại Trường-sa, Linh-lăng.
Phan Anh lắc đầu:
– Như vậy thì Lạc-dương nguy mất.
Lê Đạo Sinh cười đầy vẻ khoái trá.
– Không sao đâu. Bấy giờ Công-tôn Tư, Công-tôn Khôi, Công-tôn Thiệu đang trấn thủ ở ngoài. Thì bên trong chúng ta chỉ trở tay một cái, đất Tây-xuyên, Đông-xuyên trở về nhà Hán. Bọn viễn chinh mất đường về.
Nghe đến đây Trưng Nhị ớn da gà. Vì hồi anh hùng Lĩnh Nam đánh Thục Công-tôn Tư cầm quân ở ngoài. Công-tôn Thi dựa thế mẹ là Tây-cung quí phi được Lê Đạo Sinh trợ giúp, mưu với các quan. Dự định phế trưởng, lập thứ. Đám Lê Đạo Sinh nắm được tình hình Thục. Lỡ mai này, Điền Sầm, Vương Nguyên, Tạ Phong, Công-tôn Khôi, Công-tôn Thiệu, Công-tôn Tư đang sống chết ngoài mặt trận. Chúng giúp Công-tôn Thi làm phản ở Thành-đô, thì Thục không còn nữa. Nguy hiểm thực.
Nàng nhớ ra một điều:
– Các đạo quân của ta tiến ra Độ-khẩu, Kinh-châu, Tý-ngọ, Tà-cốc, Thiên-thủy. Đến các tướng lĩnh cao cấp của Thục cũng không biết, tại sao Lê Đạo Sinh biết? Thì ra Công-tôn Thi làm gian tế cho Hán.
Lê Đạo Sinh hỏi Phan Anh:
– Thế nào Phan-hầu, ngươi cho ta biết về tin tức Hàn Tú Anh đi!
Phan Anh đứng lên kể sơ lược lại mọi diễn biến trên Vương-sơn.
Tô Định hỏi:
– Thái hậu mật chỉ cho chúng ta ba việc. Thứ nhất tìm hiểu xem Hàn Tú Anh còn sống hay đã chết. Nếu chết rồi thì thôi. Nếu y thị còn sống phải tìm cho ra. Thứ nhì có đúng Hàn Tú Anh là nhũ mẫu của Trần Tự Sơn không? Trần Tự Sơn có phải là con trai của Uy-viễn tướng quân Trần Kim Bằng không? Thứ ba, bắt sống được Hàn Tú Anh mang về Lạc-dương cho Thái-hậu phát lạc. Ai làm xong một điều được phong hầu. Ai làm xong hai điều được phong hầu và lĩnh chức thái-thú. Ai làm được cả ba điều được lĩnh chức thứ-sử, phong hầu. Phan huynh đệ, ngươi tốn công theo dõi, tìm được hai điều, ta mừng cho ngươi. Nhưng có điều ngươi không bắt nổi Hàn Tú Anh. Thực đáng tiếc.
Phan Anh đáp:
– Tôi đã cố gắng hết sức mình mà không làm xong. Thứ nhất, tôi không địch nổi Trường-sa tam anh. Thứ nhì, tôi không địch nổi một trong Khúc-giang ngũ hiệp. Thứ ba, hai vợ chồng tôi cũng không địch nổi Trần Năng.
Lê Đạo Sinh nhăn mặt:
– Trần Năng là đệ tử của sư huynh ta. Y thị mới được thu nhận gần đây. Võ công tầm thường, có gì đâu mà Phan-hầu bảo không địch nổi. Ta không tin điều đó.
Phan Anh biện luận:
– Dù tôi có thắng được bằng ấy người chăng nữa cũng bị người Tây-trúc, hiện diện ngăn cản. Người này không biết võ công, nhưng nội công cao không biết đâu mà lường được. Lại thêm Trưng Nhị, Phật Nguyệt, Hồ Đề đều có mặt với đội Thần báo, Thần-hổ đến mấy trăm con. Tôi phải trăm khôn nghìn khéo mới thoát chết, đến đây.
Đức Hiệp cũng nói theo:
– Sư phụ! Võ công Trần Năng cao không biết đâu mà lường. Ba đứa chúng con đấu với sư tỷ cũng bại. Sư tỷ dùng một thứ nội công gì kỳ lạ. Hoá giải công lực của ba đứa chúng con.
Lê Đại Sinh bảo vợ chồng Phan Anh:
– Bây giờ người hãy diễn lại từng chiêu thức của Trần Năng đấu với người cho ta xem nào!
Trần Nghi Gia đứng lên diễn lại từng chiêu thức một của Trần Năng. Cho đến lúc y thị bị đánh văng lên cao rồi Phan Anh nhảy vào vòng chiến. Lê Đạo Sinh trầm ngâm không nói gì. Tiếp theo Phan Anh diễn lại từng chiêu đấu với Trần Năng, lúc Trần Năng trúng độc ra sao, rồi nàng đẩy được chất độc ra ngoài thế nào. Tiếp theo hai vợ chồng cùng đấu cho đến lúc kiệt lực.
Lê Đạo Sinh lắc đầu:
– Ta không tin điều nầy. Nội công căn bản của Trần Năng là nội công Tản Viên. Tại sao y lại pha lẫn nội công của phái Liêu-đông vào, làm tiêu tan công lực người khác. Nội công phái Liêu-đông phải tập ít nhất hai mươi năm mới có kết quả. Y thị từng ấy tuổi, làm sao có công lực ấy.
Trưng Nhị nghe Lê Đạo Sinh bàn luận, cười thầm:
– Lê thái sư-thúc võ công tuy cao. Nhưng kiến thức không bằng Trần Nhất Gia. Trần Nhất Gia tìm thấy nội công Phật gia là thứ đại từ bi, không hại người. Khi người đánh ta hóa giải. Còn nội công của phái Liêu-đông dùng tấn công, hại người. Hai thức khác hẳn nhau.
Trần Nghi Gia ngồi im, bây giờ mới thêm vào:
– Theo như Trưng Nhị nói. Thì chỉ nội một vài ngày nữa là Hàn Tú Anh sẽ được đưa đến Trường-an, Lạc-dương yết kiến hoàng-thượng. Đi theo Tú Anh có công-chúa Vĩnh-Hòa với Triệu, Chu quận chúa. Hộ tống thì tôi chưa biết rằng ai. Tôi đoán Khúc-giang ngũ hiệp cũng đi theo.
Lê Đạo Sinh trầm ngầm:
– Khúc-giang ngũ hiệp võ công không phải tầm thường. Nhất, nhì, tam gia võ công suýt soát với ta. Đó là điều khó khăn. Ở đây có Đức Hiệp, Hoàng Đức, Hàn Thái Tuế, Tô thái-thú, Phan hầu phụ với ta thì là bảy. Hà, chúng ta chỉ đủ cầm cự ngang tay với Khúc-giang ngũ hiệp. Nếu Trưng Nhị cho thêm người đi theo nữa, thì thực khó khăn.
Phan Anh chỉ vào lão gia râu tóc bạc phơ nói:
– Vì vậy tôi mới mời thái sư phụ cùng với hai sư tỷ giúp sức.
Trần Nghi Gia giới thiệu:
– Thái sư phụ họ Mao trên Đông Các, hiện là đệ nhất cao nhân phái Trường-bạch. Còn hai vị sư tỷ, một vị là Tiêu Hồng Hoa, một vị là Văn Thanh Hoa. Tuy là đệ tử của sư bá tôi, nhưng võ công do Thái sư phụ tôi truyền dậy.
Lê Đạo Sinh cầm trái táo khô hướng vào Văn Thanh Hoa búng đến vèo một cái. Trái táo quay tròn, kêu thành những tiếng vo vo liên tiếp hướng vào Thanh Hoa. Khi sắp tới người Thanh Hoa, tự nhiên bật ngang đối chiều trúng vào thành ghế nàng ngồi đến cách một tiếng. Thành ghế bị xuyên thủng một lỗ. Hột táo dư lực trúng vào tường kêu lên một tiếng bộp. Văn Thanh Hoa thản nhiên không phản ứng, chắp tay hướng Lê Đạo Sinh.
– Đa tạ Lục-trúc tiên sinh nhẹ tay.
Lê Đạo Sinh gật đầu:
– Định lực cô nương cao lắm. Thực không hổ là đệ tử danh gia.
Lê Đạo Sinh dùng kình lực búng hột táo là một tuyệt kỹ của phái Tản-viên. Chính giữa trận đánh Kiếm-các, Khất đại phu dùng để cứu Quế Hoa, Quỳnh Hoa trong lúc giao tranh với Thục. Đào Kỳ cũng đã dùng để đe dọa Quang-Vũ. Trưng Nhị là người phái Tản-viên, nàng không lạ gì với thủ pháp nầy. Còn đối với Thanh Hoa. Y thị nhìn qua, đã biết Lê Đạo Sinh không chủ tâm tấn công mình. Nàng ngồi yên không phản ứng, điều này làm Trưng Nhị tự thấy không thể bằng được.
Lê Đạo Sinh lại búng vèo một cái nữa. Bốn trái táo quay tròn hướng vào Tiêu Hồng Hoa. Hồng Hoa co ngón tay chỏ phóng ra bốn chỉ liền. Bốn chỉ trúng vào bốn trái táo kêu thành bốn tiếng kịch nhẹ nhàng. Bốn trái táo rơi xuống.
Lê Đạo Sinh buộc miệng khen:
– Nội công âm nhu của cô nương tuyệt cao.
Ngoài này Trưng Nhị thấy vậy cũng sững sờ, nghĩ thầm:
– Kình lực dương cương của Lê sư thúc bắn ra như vậy. Chỉ có Thái sư thúc Khất đại-phu với Đào tam đệ có thể hóa giải nổi. Thế mà Tiêu Hồng Hoa dùng chỉ lực âm nhu chống lại dễ dàng như không. Thì nội công âm nhu của y thị cao không biết đâu mà lường.
Lê Đạo Sinh vỗ tay:
– Tuyệt hảo! Công lực hai vị cô nương cao đến trình độ này, e vượt xa bọn đệ tử của lão phu. Như vậy chúng ta có đủ lực lượng bắt Hàn Tú Anh. Nào, ta định thế này: Tô thái-thú cùng công tử trở về Giao-chỉ. Khi về tới nơi phải giết hết tất cả người của Nghiêm Sơn. Rồi xuất quân đánh các trang ấp theo Nghiêm. Đợi chúng tôi tiêu diệt đạo quân Đinh Đại, rồi mới đem quân về chiếm Mê-linh, Cửu-chân, Đông-triều, Đăng-châu.
Y quay lại tiếp:
– Về việc bắt Hàn Tú Anh. Phan hầu với phu nhân trở về Trường-sa làm cách nào xin Trưng Nhị theo đoàn hộ tống Hàn Tú Anh. Trên đường đi dùng thuốc mê bỏ vào cơm canh cho chúng ăn. Khi chúng, bị trúng độc rồi, chúng ta đồng xuất hiện bắt hết. Trường hợp chúng không trúng độc, khi qua Nam-dương, chúng ta bất thần xuất hiện bắt Hàn Tú Anh. Cần chia người ra tấn công: Ở đây Mao tiên sinh võ công đệ nhất sẽ cùng hai vị cô nương Hồng Hoa, Thanh Hoa, Phan hầu và tôi cầm chân Khúc-giang ngũ hiệp. Phan phu nhân cầm chân Trần Năng. Trong khi đó, Đức Hiệp, Hoàng Đức và Hàn Thái tuế cướp Hàn Tú Anh với hai quận chúa chạy trước. Trên đường rút, chúng ta đặt nhiều cạm bẫy, cùng cung thủ phục sẵn. Như vậy chúng có đuổi theo cũng không kịp.
Trần Nghi Gia nói:
– Tôi sợ Trần Năng lợi hại vô cùng. Lỡ ra Phật Nguyệt đi theo nữa thì thực khó khăn. Hiện trong chúng ta không ai địch nổi kiếm pháp của nàng.
Lê Đạo Sinh cười:
– Phan phu nhân đừng quá lo sợ, chúng ta chỉ cầm cự, cho bọn Đức Hiệp ra tay, chứ cần thắng họ đâu?
Phan Anh lưỡng lự hỏi:
– Trưng Nhị thông minh, tinh tế vô cùng. Sợ chúng tôi trở về, y thị biết thì mất mạng như chơi.
Đức Hiệp cười:
– Trưng Nhị là một đệ tử bậc dưới chúng tôi. Sư phụ thị còn không hơn được chúng tôi, thì y thị có gì đáng sợ? Vả lại chúng ta họp nhau khẩn cấp thế này, y thị làm sao biết được.
Phan Anh khẽ gật đầu, rồi chỉ sang phòng phía trái:
– Mời quí vị sang phòng bên cạnh chúng ta uống rượu đã.
Phan Anh mời Mao Đông Các vào ghế chủ tọa, kế đó là Lê Đạo Sinh, Thanh, Hồng Hoa rồi tới đám đệ tử Lê Đạo Sinh.
Cha con Tô Định lấy cớ khẩn cấp phải trở về Giao-chỉ, từ tạ lên đường.
Lê Đạo Sinh cầm chung đưa lên nói:
– Nào chúng ta cùng uống chung rượu này, để mừng Phan hầu lĩnh chức thứ-sử Giao-chỉ. Giữa Giao-châu và Quảng-châu hợp tác, chống bọn phản tặc Lĩnh Nam.
Mọi người uống cạn chung, đặt xuống bàn, bỗng bẹt, bẹt. Năm, sáu, bảy bãi phân chim từ nóc nhà rơi xuống đúng vào giữa chén ăn của mọi người. Mùi hôi thúi nồng nặc.
Lê Đạo Sinh nhìn lên nóc nhà: Trên cây sà ngang có đến mươi con chim ưng đậu đó từ hồi nào. Kỳ diệu ở chỗ mỗi con ị trúng vào chén uống rượu, không trật ra ngoài. Phân từ cao xuống, bắng tung tóe ra bàn.
Lê hỏi Phan Anh:
– Phan hầu! Những con chim ưng này do Phan hầu nuôi phải không?
Phan Anh lắc đầu:
– Không phải. Trên đảo không nuôi bất cứ một loại thú vật nào. Tuy nhiên hồ có rất nhiều chim. Song mấy con chim này lớn quá, tôi chưa từng thấy xuất hiện bao giờ.
Y lên tiếng gọi. Một nữ tỳ bước vào đứng chờ lệnh. Y hỏi:
– Chiều nay khi chuẩn bị bày tiệc, người có thấy những con chim ưng này không?
Nữ tỳ lắc dầu:
– Tiểu tỳ không rõ. Tiểu tỳ không chú ý.
Bỗng đám chim ưng lại cùng ị một lượt nữa, phân rơi xuống đầy bàn tiệc. Phan Anh đổ quạu, y nhảy vèo lên, khoằm tay làm trảo chụp bắt một chim ưng. Nhưng cả đàn chim ưng đồng bay ra ngoài cửa sổ vỗ cánh cất lên cao, biến vào đêm tối.
Mao Đông Các nhăn mặt nói:
– Phan Anh, cháu cẩn thận. Dường như những con chim ưng này có người điều khiển, chứ không phải chim hoang đâu. Đã do người điều khiển, thì cuộc họp chúng ta có thể bị lộ mất rồi.
Phan Anh luôn miệng cáo lỗi. Y mời khách sang phòng khác. Truyền nữ tỳ bày lại tiệc.
Tới phòng khách, trên bàn có tờ giấy. Y cầm lên coi, mặt tái nhợt. Y đứng chết trân như trời trồng. Mao Đông Các hỏi:
– Cái gì vậy?
Phan Anh đưa tờ giấy cho Mao. Mao cầm lên. Trên tờ giấy viết mấy chữ. Nét mực còn ướt chưa khô:
Trần Năng, Trưng Nhị, Hồ Đề, Phật Nguyệt, Lê Chân, Sa Giang bái kiến.
Mao Đông Các nổi giận:
– Chúng chạy chưa xa đâu, mau đuổi theo.
Cả bọn ra khỏi phòng. Kịp thấy bên ngoài có chiếc mủng, đang chèo về phiá chiến thuyền.
Phan Anh gọi gia nhân, sai lấy thuyền, cả bọn nhảy xuống, đồng chèo đuổi theo. Lê Đạo Sinh miệng hô gia nhân chèo thuyền, nói:
– Phải bắt cho được sáu đứa này, để chúng nó thoát thân, bao nhiêu kế hoạch bị lộ hết.
Chiếc mủng ngoài khơi đã áp vào chiến thuyền. Thủy thủ đồng loại kéo buồm lên, hướng về phía Nam. Người trên chiến thuyền dường như không biết bị đuối theo. Nên thuyền vẫn trôi thong thả. Trên thuyền vọng lại tiếng tiêu, tiếng đàn réo rắt.
Lê Đạo Sinh thúc gia nhân chèo thực mau. Chỉ lát sau thuyền của y đã đuổi gần kịp chiến thuyền. Bây giờ y mới nhìn rõ đó là chiến thuyền của Hán. Trên cột treo cờ Lĩnh Nam.
Bất thình lình có tiếng kêu chóe ngay trên đầu. Rồi vèo một cái như có vật gì bay qua. Bốn tên gia nhân chèo thuyền rú lên những tiếng đau đớn, buông chèo ngã lộn xuống hồ. Bấy giờ mọi người mới chịu nhìn rõ, trên bầu trời co ù một đàn mười con chim ưng bay lượn uy hiếp. Vừa rồi bốn con bổ xuống tấn công gia nhân. Vì đêm tối, không ai phát hiện ra trước.
Phan Anh cùng vợ cúi xuống vớt bọn gia nhân lên. Tên nào đầu cũng bị một vết thương, máu chảy đầm đìa. Phan Anh nghiến răng nói:
– Chúng ta chèo thực mau, bắt cho được Trưng Nhị, báo thù.
Nhưng càng chèo mau bao nhiêu. Chiến thuyền cũng chạy mau bấy nhiêu. Đuổi được hơn giờ, đã thấy bờ phía Nam. Lê Đạo Sinh nói:
– Phan hầu, chúng ta trở về đi thôi. Đuổi nữa gặp thủy quân Thục, e cả bọn bị bắt hết.
Phan Anh tỉnh ngộ, ra lệnh thuyền quay trở về. Lê Đạo Sinh than:
– Tại sao chúng ta họp như vậy mà Trưng Nhị biết được? Ôi thôi tất cả những gì chúng ta bàn, chúng đều biết cả rồi. Chúng ta mau mau rút khỏi đây. Nếu không, thủy quân của chúng tới bây giờ, chạy đâu cho thoát?
Thuyền quay mũi trở về, chiến thuyền cũng trở mũi đuổi theo. Phan Anh nói hỏi Lê Đạo Sinh:
– Lê tiên-sinh, chúng quay trở lại là thế nào?
Lê Đạo Sinh đoán không ra. Y nói:
– Mặc chúng, ta cứ trở về đảo. Nếu chúng theo ta, cho chúng theo. Dụ chúng rời xa thủy quân. Chúng ta lên chiến thuyền bắt chúng.
Nhưng chiến thuyền chỉ theo một quãng rồi buông neo giữa hồ. Bọn Phan Anh trở đảo, cùng lên bờ. Thì thấy như có gì khác lạ. Y dẫn đường cả bọn vượt qua khu vườn vào nhà. Trước cửa nhà, hai người lực lưỡng cầm dao trong tư thế canh gác. Y quát hỏi:
– Các ngươi là ai? Tại sao dám đột nhập vào dinh thự của ta?
Một thiếu nữ xinh đẹp, mặc quần áo lụa trắng, chắp tay hướng Phan Anh, Lê Đại Sinh nói:
– Phan hầu, Lê hầu bớt giận. Phan hầu nói rằng tại sao chúng tôi dám đột nhập dinh thự ư? Người lầm rồi, người đã là thứ-sử, mang tước hầu nhà Đại-hán, thì phải biết tất cả của cải trong gầm trời này đều của thiên-tử chứ? Của thiên-tử, hay của thái-hậu cũng thế.
Ngưng một lát, nàng tiếp:
– Thái hậu giá lâm bất thần, người có chỉ dụ: Mời Phan-hầu, Lê-hầu vào triều kiến. Còn tất cả phải ở ngoài.
Phan Anh, Lê Đạo Sinh tần ngần một lát, cùng nhìn nhau hội ý, rồi theo thiếu nữ tiến vào đại sảnh. Trong đại sảnh đèn đuốc sáng choang. Giữa có chiếc ghế lớn, trên ghế một thiếu phụ trang phục theo lối cung nga cực kỳ diễm lệ ngồi. Tư thái ung dung nhàn nhã.
Phan Anh nhận ra thiếu phụ ngồi giữa là Hàn Tú Anh. Ba thiếu nữ là công-chúa Vĩnh-Hoà, quận chúa Lan Anh và Thúy Phượng. Xung quanh có Khúc-giang ngũ-hiệp, Trường-sa tam anh, Trưng Nhị, Trần Năng. Không thiếu người nào. Công-chúa Vĩnh Hòa cất tiếng:
– Phan-hầu, người là thần tử nhà Đại-hán, tại sao thấy thái-hậu không quì xuống
Hàn Tú Anh cất tiếng ôn nhu:
– Bình nam đại tướng quân Phan Anh. Chinh-thảo đại tướng quân Lê Đạo Sinh các vị là thần tử nhà Đại-hán, tại sao thấy ta không chịu hành lễ? Đến chúa của ngươi là Quang-Vũ, thấy ta còn phải quì gối. Các ngươi đã là cái gì mà cứng đầu? Hay là các ngươi chỉ biết Mã thái-hậu? Các ngươi tưởng ta không tru di tam tộc các ngươi được chăng?
Một liều ba bảy cũng liều. Phan Anh nói lớn:
– Ngươi là ai, mà dám lớn lối? Ta chỉ biết có Mã thái-hậu mà thôi. Ta không biết ngươi.
Lê Đạo Sinh thấy tình thế nguy cấp, y nghĩ: Chỉ có cách bắt sống Hàn Tú Anh, uy hiếp y thị, mới mong thoát khỏi nơi đây.
Nguyên khi núp ở trên mái ngói. Trưng Nhị nghe bọn Lê Đạo Sinh, Phan Anh bàn truyện bắt Hàn Tú Anh. Nàng bảo Hồ Đề sai Thần-ưng mang thư về bản doanh cho Công-tôn Thiệu, dặn dò mọi truyện. Công-tôn Thiệu cho mời Hàn Tú Anh, công-chúa Vĩnh Hòa, Khúc-giang ngũ-hiệp xuống chiến thuyền, hướng đảo. Khi chiến thuyền đi rồi, Hồ Đề cho Thần-ưng nhập vào dinh thự Phan Anh chọc phá chúng. Quả nhiên Phan Anh trúng kế, đuổi theo nàng với Sa Giang. Trong khi đó, Trưng Nhị cùng Khúc-giang ngũ hiệp chiếm đảo. Mời Hàn Tú Anh vào đại sảnh đường ngồi. Bọn Phan Anh trở về. Đảo bị chiếm, đang từ vai chủ biến thành khách.
Y biết đã bị Thủy quân vây. Vừa nghĩ, y vừa tiến đến trước mặt Hàn Tú Anh, quì gối đập trán xuống:
– Thần, Lê Đạo Sinh, thứ-sử Quảng-châu, lĩnh Chinh-thảo đại tướng quân xin tham kiến thái-hậu. Chúc thái-hậu trường thọ, an khang.
Hàn Tú Anh vẫy tay:
– Miễn lễ.
Lê Đạo Sinh liếc Phan Anh ra hiệu. Phan Anh cũng quì xuống hành lễ, rồi đứng sang một bên.
Lê Chân nói:
– Lê-hầu, Phan-hầu, các ngươi bất tất phải lo sợ. Các ngươi đã biết Hàn thái-hậu là sinh mẫu hoàng-thượng. Nếu các vị phò tá người về Lạc-dương hội kiến với hoàng-thượng. Hoàng-thượng nhất định hoan hỉ các vị, thăng chức lớn hơn nữa cho các vị. Hàn thái-hậu hài lòng, trong lúc mẫu tử trùng trùng, tất người nói gì tất thiên-tử cũng nghe. Người xin thiên-tử phong chức tước gì mà chẳng được.
Nàng nhìn Hàn Tú Anh nói:
– Còn các vị theo Mã thái-hậu, nội việc hại Hàn thái-hậu không xong. Các vị cũng bị Mã thái-hậu chặt đầu. Chứ đừng nói gì đến chuyện khác. Dù Mã thái-hậu không giết các vị. Nguyên việc các vị mưu hại Hàn thái-hậu, sẽ bị tru di tam tộc chứ không phải chuyện thường.
Lê Đạo-Sinh, Phan Anh cùng nhìn nhau, công nhận Lê Chân nói đúng.
Công chúa Vĩnh Hòa nói tiếp:
– Ngày mai, chúng ta lên đường đi Trường-an, để thái-hậu với hoàng-thượng, mẫu tử trùng phùng. Ta hứa bảo tấu cho Lê hầu, Phan hầu giữ nguyên chức vị cũ.
Trần Năng đến trướcmặt Lê Đạo Sinh hành lễ:
– Đệ tử là Trần Năng xin tham kiến sư thúc. Gần đây sư thúc có được mạnh khỏe không?
Lê Đạo Sinh hỏi:
– Sư phụ ngươi đâu.
Trần Năng đáp:
– Sư phụ cháu hiện ở Trường-an, nhưng cháu không rõ người ở trong quân Hán hay quân Thục. Chẳng hay sư thúc muốn gặp sư phụ cháu có việc gì?
Lê Đạo Sinh thở dài:
–Ta nghe Đức Hiệp, Hoàng Đức nói rằng trong trận giao tranh ở Trường-sa, ngươi dùng một thứ nội công tà ma của phái Liêu-đông, làm tiêu tan công lực chúng. Ta cần chất vấn sư phụ ngươi, tại sao để đệ tử đi vào con đường tà đạo như vậy?
Trưng Nhị đáp thay Trần Năng:
– Thái sư thúc, ngươi lầm rồi. Nội công mà Trần sư thúc học được là một thứ nội công chính đại quang minh bậc nhất thế gian. Đó là Thiền-công của nhà Phật. Đức Phật là đấng chí tôn, là đấng đại từ, đại bi, là đấng đại giác ngộ. Đạo của Ngài giải thoát cho lục đạo là Thiên, A Tu La, Người, Địa Ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh. Đạo của Ngài không phải giải thoát cho thế giới nayầy, mà còn giải thoát cho muôn ngàn thế giới khác. So về chính đạo, đệ tử e rằng nội công Tản-viên nhà ta cũng không thể nào chính đại quang minh hơn.
Hoàng Đức giận dữ nói tiếp:
– Trưng Nhị, ngươi nổi danh Tản-viên song phượng, thông minh, nghĩa hiệp mà ngươi dám nói láo như vậy sao? Rõ ràng hôm trước, trong thành Trường-sa. Chúng ta đấu với Trần Năng. Bị y thị dùng nội công tà ma Liêu-đông làm tan hết công lực của chúng ta. Mà ngươi còn bịa đặt rằng đó là Thiền-công Phật gia ư?
Trần Nhất Gia xem vào:
– Hoàng thái-thú là đệ tử danh gia, sao không biết phân biệt rõ ràng. Này nhé, nội công tà ma của phái Liêu-đông khi tấn công người, thì truyền độc chất cùng nội lực của mình vào cơ thế đối phương, làm nội lực đối phương tiêu tan. Đối phương sẽ bị tàn tật, dù muốn luyện công lại cũng không được nữa. Có phải thế không?
Hoàng Đức gật đầu:
– Đúng thế. Nhưng nội công của Trần sư tỷ có khác gì đâu? Cũng tiêu tan công lực của chúng tôi vậy. Nếu không thế sao sư tỷ mới được sư bá nhận có ba năm, mà đã thắng hai chúng tôi có đến trên 25 năm công lực?
Trần Nhất Gia cười:
– Sai rồi! Thiền công Hùng phu nhân, chỉ hóa giải luồng chân khí tấn công vào người mình mà thôi. Cho nên khi hai vị thu nội lực lại, không tấn công Hùng phu nhân nữa, thì người khỏe mạnh như thường. Chứ có bị tàn tật đâu? Chính tà khác nhau ở chỗ đó.
Trưng Nhị đứng nghe hai bên biện luận, nàng mỉm cười xen vào:
– Sư-thúc chưa đến nỗi già, mà sao lẩn thẩn vậy? Từ xưa giờ, việc luyện võ thành công nhiều hay ít một là nhờ minh sư, hai là nhờ chăm chỉ ba là nhờ duyên may hay gọi là ngộ tính. Như sư tổ nhận tới tám đệ tử, thế mà chỉ có ba người trở thành cao nhân, đó là thái sư phụ của đệ tử sau đó đến Trần thái sư thúc và Lê thái sư thúc.
Nàng chỉ vào Trần Năng:
– Còn sư thúc nay tuy mới nhập môn. Nhưng nhờ có minh sư, lại có đức chăm chỉ và nhất là ngộ tính thực cao, tiến mau như vậy thì có gì lạ?
Trần Nhất Gia tiếp:
– Khởi đầu trận đấu ở Vương-sơn, Hùng phu nhân với Phan phu nhân công lực một mười một chín. Sau nhờ vị Phật gia Tăng Giả Nan Đà đọc kinh Phật. Hùng phu nhân vừa chiến đấu vừa suy nghĩ cao sâu mà giác ngộ. Áp dụng vào việc vận khí, nên chỉ một lát sau thắng Phan phu nhân.
Ông quay lại hỏi Trần Nghi Gia:
– Tôi nói có đúng không?
Trần Nghi Gia đáp:
– Trần Nhất Hiệp nói đúng đó. Ba chiêu đầu, tôi trội hơn Hùng phu nhân một chút. Chỉ vì ông già đen thui đọc mấy câu thơ không ra thơ, văn chẳng ra văn, Hùng phu nhân không những đánh bại phu quân tôi. Còn đẩy được chất độc ra ngoài.
Trần Nhất Gia hướng vào Lê Đạo Sinh:
– Phan hầu phu phụ võ công cao hơn quí hiền đồ đôi chút. Thế mà cả hai người cùng đấu với Hùng phu nhân một lúc. Một bên dùng nội công Dương-cương của phái Khúc-giang nhà tôi, một bên dùng nội công Âm-nhu của phái Trường-bạch. Dồn Hùng phu nhân đến chỗ nguy, rồi chính vị Phật gia lại đọc kinh Phật. Hiện siện tại Vương-sơn hôm đó có hai mươi bảy người, thế mà không ai hiểu gì cả. Chỉ có mình Hùng phu nhân giác ngộ, nhờ vậy đánh bại được Phan hầu phu phụ.
Lê Đạo Sinh vẫn chưa tin:
– Như thế thì chính ông Đồng Đen Tây-trúc kia đã truyền nội công tâm pháp tà ma của y cho Trần Năng chứ có gì khác lạ đâu?
Lê Đạo Sinh nhìn Trần Năng rồi y vận sức phát một chưởng đánh vào đỉnh đầu nàng. Thấy sư thúc phát chưởng. Trần Năng không dám chậm trễ, hít hơi vận không tâm, lui lại một bước, phát lực theo Bát Nhã la mật, vung tay đẩy ra một chưởng. Bịch một tiếng, nàng nhảy lùi lại ba bước để giữ thế, hóa giải được kình lực của Lê Đạo Sinh.
Lê Đạo Sinh thấy mình đánh Trần Năng một chưởng, nàng vung chưởng đỡ, đúng là chưởng pháp Tản-viên. Nhưng không thấy có gió lộng, rồi hai chưởng đụng nhau. Kình lực của ông bị hóa giải mất tăm mất tích. Bây giờ ông mới tin nội lực của Trần Năng chính đại quang minh, chân khí phát ra là của phái Tản-viên. Nhưng biến thành Âm nhu mềm mại, làm mất những gì y đánh ra. Chứ không phải thứ nội lực tà môn của phái Liêu-đông, làm hại nội lực người khác. Y biết mình lầm, gật đầu:
– Ta lầm! Nội lực này ngươi học ở đâu vậy?
Trần Năng đáp:
– Của hòa thượng Tăng Giả Nan Đà. Ngài là Phật tử Tây-trúc mới qua Trung-nguyên.
Công-chúa Vĩnh Hòa hướng vào Lê Đạo Sinh:
– Lê thứ sử, trước khi đến đây. Tôi đã cho người phi ngựa lưu tinh về Trường-an tâu với thiên-tử về việc Hàn thái-hậu. Có lẽ giờ này thiên-tử nhận được biểu rồi cũng nên. Chắc chắn người sẽ ngự giá đi đón thái-hậu. Tôi thấy tiên-sinh là bậc kỳ tài, không nỡ để tiên-sinh mang họa, mới nhờ Trưng cô nương xếp đặt, cứu tiên sinh. Giúp tiên sinh được triều kiến thái-hậu.
Lê Đạo Sinh nghe Vĩnh Hòa nói, bất giác y hoảng kinh. Vì từ đầu đến cuối, y được Mã thái-hậu thâu dụng. Bà dùng áp lực bắt Tam-công tâu Quang-Vũ phong cho y chức thứ-sử Quảng-châu lĩnh Chinh-thảo đại tướng quân. Các đệ tử lĩnh thái-thú, đô-úy. Cuối cùng bà ra lệnh phải bắt cho được nữ khâm phạm là Hàn Tú Anh. Bây giờ y biết rõ Hàn Tú Anh là mẹ đẻ Quang-Vũ. Hàn Tú Anh sắp trùng phùng với con, tất giữa hai thái-hậu có cuộc tương tranh. Thất bại chắc chắn về Mã thái-hậu. Y là người của Mã thái-hậu sai đi hại Hàn thái-hậu. Tất không thoát khỏi tội. Ôi thôi bao nhiêu dự định, công danh đều hóa thành giấc mộng. Bây giờ được công-chúa Vĩnh Hòa nói thẳng cho y biết mọi sự. Y nghĩ: Mình đáng chết thực. Suýt nữa mình bắt Hàn thái-hậu làm áp lực với bọn Trưng Nhị thả thầy trò mình ra. Mình tuy thoát được. Nhưng công danh phú quí đều ra mây khói.
Trưng Nhị là người thông minh tuyệt đỉnh. Nàng đọc được những ý nghĩ của Lê Đại Sinh. Đợi cho y bớt bàng hoàng. Nàng nói tiếp:
– Lê thái sư thúc! Mã thái-hậu đưa thái sư-thúc vào chỗ chết. Thái sư-thúc có biết không?
Lê Đạo Sinh lắc đầu:
– Làm gì có chuyện đó?
Trưng Nhị mỉm cười:
– Trời ơi! Sư phụ cháu thường nói: Thái sư thúc là người trông rộng nhìn xa, mà sao chuyện nay lại không thấy? Mã thái hậu cho người mời thái sư-thúc làm quan với bà, chứ có phải với triều Hán đâu? Rồi người sai thái sư thúc đi hại Hàn thái-hậu. Việc thành thì Quang-Vũ tru di tam tộc thái sư thúc. Việc không thành, thái sư thúc cũng sẽ bị Mã thái-hậu giết để bịt miệng.
Lê Đạo Sinh nghe đến đó, nhìn các đệ tử rùng mình.
Sa Giang đứng cạnh, xen vào:
– Lê tiên sinh! Tiểu nữ muốn thưa với tiên-sinh một vài câu. Mong tiên-sinh rộng lượng cho phép.
Từ lúc trở lại đảo. Lê Đạo Sinh gặp Sa Giang. Nàng lễ phép tiếp khách ngoài cửa. Ông cho rằng nàng là người Hán, chắc bà con thân thích với Hàn thái-hậu, chứ không phải người Lĩnh Nam. Giọng ông khách sáo:
– Được cô nương cứ nói:
Sa Giang mỉm cười:
– Tiểu nữ nghe nói tiên-sinh cùng các đệ tử mở võ đài ở Lạc-dương, mà được Mã thái-hậu thu dùng. Sau đó phong cho tước Uy-viễn đình hầu. Này Lê tiên sinh! Luật triều Hán soạn thảo từ đời Cao-Tổ, định rõ ràng rằng: Muốn có phong hầu phải ở một trong hai điều kiện: Hoàng thân quốc thích, hoặc có công trận lớn lao.
Sa Giang nói đến đây, Hàn Tú Anh, Khúc-giang ngũ hiệp đều gật đầu đồng ý. Nàng tiếp:
– Xưa kia đại tướng Lý Quảng trọn đời đánh Đông dẹp Bắc cũng không được phong hầu. Đến như Mã Viện, cháu ruột của thái-hậu, trí dũng song toàn, vào sinh ra tử nhiều lần. Đến nay cũng vẫn là đại tướng. Thế mà Lê tiên sinh chưa vào triều kiến thiên-tử, được phong hầu ngay, là lẽ gì vậy?
Nghe Sa Giang nói, Lê Đại Sinh biết việc ông và các đệ tử được phong chức tước dễ dàng bên trong còn có điều gì bí ẩn, mà ông không biết.
Sa Giang tiếp:
– Chiếu chỉ phong cho Tiên-sinh là chiếu chỉ giả. Do bọn ngoại thích của thái-hậu tạo ra, chứ quân hàm nhà Hán làm gì có tước Uy-viễn đình hầu? Làm gì có chức Chinh-thảo đại tướng quân? Làm gì có Quảng-châu mà phong cho ngươi chức thứ-sử Quảng-châu? Chẳng qua họ chỉ dùng tiên-sinh hại Hàn thái-hậu. Sau vụ này, dù thành dù bại, họ cũng giết tiên-sinh. Sự việc rõ ràng vậy, mà tiên sinh không thấy sao? Khổ quá! Tiên sinh vì chút công danh, để thần minh bị che lấp đi. Thực đáng tiếc.
Trần Tứ Gia vốn nhiều mưu, ông tiếp:
– Lê tiên sinh ơi! Dù chức tước ấy có thực chăng nữa. Cũng chỉ đưa Tiên-sinh vào chỗ chết thôi, vì sao vậy? Quảng-châu gồm có ba quận Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm. Thái-thú, huyện-lệnh, huyện-úy, tướng sĩ là chân tay của Lĩnh-nam vương. Họ đều là anh hùng Lĩnh Nam. Sáu đạo quân tinh nhuệ, do các cao thủ võ lâm Lĩnh Nam chỉ huy. Tổng số trên ba chục vạn người. Mạnh đến như Thục. Tài ba như Đặng Vũ, Tương đương cửu hùng, còn bị thua họ. Thử hỏi tiên-sinh với mấy cao đồ. Thân cô, thế cô, tuy tiên-sinh có bản lĩnh nghiêng trời, liệu có làm gì được không?
Trần Tứ Gia cười:
– Vì vậy chức tước tiên-sinh với các cao đồ. Chẳng qua là cái mồi nhử tiên-sinh hại Hàn thái-hậu. Hại rồi, họ giết tiên-sinh. Giả như tiên-sinh có ngây thơ xuống nhận chức. Chẳng ai trao quyền cho tiên sinh. Các thái-thú địa phương, xuất thân võ lâm, đời tặng cho họ danh hiệu: Hợp phố lục hiệp, họ chẳng ngại ngùng gì, cho quân vây bắt tiên-sinh chặt đầu.
Mồ hôi Lê Đạo Sinh toát ra như tắm. Y nhìn các đệ tử ngớ ngẩn không biết nói sao. Hàn Tú Anh nói:
– Lê tiên-sinh! Ta sẽ vì tiên-sinh, mà làm cho tước hầu, chức thứ-sử của tiên-sinh trở thành chính thức. Quang-Vũ, Nghiêm Sơn chúng cùng đều là con ta cả. Tiên sinh yên tâm, ta bảo gì chúng phải nghe.
Lê Đạo Sinh tiến tới trước mặt Hàn Tú Anh, rập đầu xuống đất lạy đủ tám lạy, nói:
– Thần là Lê Đạo Sinh, xin kính cẩn đa tạ hồng ân của thái-hậu.
Đám Đức Hiệp cùng rập đầu tạ ơn theo, rồi đứng sang một bên.
Phan Anh cười ha hải nói:
– Lê tiên-sinh! Ngươi mắc mưu Trưng Nhị rồi. Trưng Nhị đưa một kỹ nữ ra, mạo xưng sinh mẫu hoàng-thượng. Ngươi cũng tin ư? Nếu Hàn Tú Anh là thái-hậu, sao còn kết cấu với bọn phản tặc Lĩnh Nam như Trưng Nhị, Trần Năng, Phật Nguyệt? Chính bọn này đã giúp Thục chiếm chín quận Kinh-châu. Nếu Tú Anh thật sự là thái-hậu, thân thế cao quí biết bao, đời nào bà phản con mình là thiên-tử?
Công chúa Vĩnh Hòa quát:
– Phan Anh! Ngươi là con của phản tặc Xích Mi. Trung thần nhà Đại-hán có thể gọi anh hùng Lĩnh Nam là phản tặc. Còn ngươi, thì không đủ tư cách nói năng vô phép. Truyện nhà Đại-hán, truyện Mã thái-hậu, Hàn thái-hậu và truyện Lĩnh Nam là hai vấn đề khác biệt. Thiên-tử với Lĩnh-nam vương đều là con của Hàn thái-hậu. Ta là công-chúa, phải biết chuyện nhà của ta chứ? Còn mi, xuất thân con tên giặc ghê tởm Xích Mi. Tán tận lương tâm, giết nghĩa huynh, hãm chị dâu. Kiến-Vũ thiên-tử đã treo giải thưởng cho ai bắt, hoặc giết mi được thọ tước vạn hộ hầu. Không hiểu sao Mã thái-hậu lại dùng mi. Ta chắc có điều gì bí ẩn ở trong.
Trưng Nhị nói với Phan Anh:
– Xích tiểu vương! Hôm ở núi Vương-sơn ngươi bịa ra chuyện mẫu thân bị giam ở Trường-sa hầu thoát thân. Ta nghĩ, giữa Lĩnh Nam với người không thù, không oán, lờ đi. Song ngươi để nhiều sơ hở quá. Ngươi ẩn ở làng Trường-sa hơn ba năm, dối rằng nhận lệnh Mã thái-hậu bắt Hàn thái-hậu. Ngươi quên mất một điều: Truyện Hàn thái-hậu mới lộ ra trong vòng nửa năm nay. Đến Mã thái-hậu còn không biết Hàn thái-hậu tại thế hay đã qua đời, làm sao ra lệnh cho ngươi phục bắt? Lại nữa, ngươi không thích công danh, phú quí. Xưa kia, Xích Mi phong ngươi làm Đông cung thái-tử. Ngươi còn từ chối. Thì nay không lẽ chỉ vì chức vạn-hộ hầu, ngươi đi giết Hàn thái-hậu? Tôi nghĩ chắc có gì bí ẩn ở đây.
Phật Nguyệt xen vào:
– Xích vương gia. Tôi tìm ra rồi. Vương gia phục ở lăng Trường-sa vương vì một mưu đồ khác lớn hơn tước vạn hộ-hầu. Có đúng thế không? Chả vậy mà hôm ở trên đồi Vương-sơn. Bồ tát Tăng Giả Nan Đà khuyên ngươi nên bỏ lòng tham. Ngươi nghe lời khuyên, mặt tái đi. Ta biết ngươi mưu đồ gì rồi.
Thình lình Phan Anh, Trần Nghi Gia cùng vọt người lên hướng vào Hàn Tú Anh chụp bà. Hiện diện có võ công cao như Khúc Giang ngũ hiệp, Lê Đạo Sinh, Phật Nguyệt, Trần Năng, Trưng Nhị, muốn ra tay nhưng đứng xa quá, không phản ứng kịp. Họ đồng lên tiếng quát:
– Ngừng tay!
– Không được hại người!
Nhưng không kịp. Hai vợ chồng Phan Anh đã chụp đến trước ngực Hàn Tú Anh rồi. Mọi người nhắm mắt lại không dám nhìn cảnh người đẹp như bà bị giết chết.
Đức Hiệp, Hoàng Đức thấy vậy vội phát chưởng đánh vào người vợ chồng Phan Anh. Bùng, bùng hai tiếng. Đức Hiệp, Hoàng Đức lảo đảo lui lại đến hai bước. Oẹ một tiếng khạc ra búng máu.
Vợ chồng Phan Anh lại vọt người lên tấn công Hà thái-hậu hai chưởng cực kỳ hùng hậu. Mọi người la hoảng lên. Thình lình một rồi hai, rồi ba, rồi bốn sợi giây từ sau Hồ Đề bay đến lao vào lưng vợ chồng Phan Anh. Hai người thấy sợi giây không kình lực. Vận sức vào lưng chịu đòn. Quyết giết Hàn Tú Anh. Không ngờ sợi giây quấn chặt lấy hai tay, hai chân vào thân hình. Vợ chồng Phan Anh ngã vật xuống trước mặt Hàn Tú Anh. Chúng cố dãy dụa để thoát. Sợi dây càng siết chặt. Không ai hiểu Hồ Đề dùng thứ ám khí gì mà kỳ lạ như vậy.
Hồ Đề đứng trước Hàn Tú Anh, miệng cười khanh khách:
– Hàn thái-hậu đừng sợ, có tôi đây!
Bấy giờ mọi người mới nhìn vợ chồng Phan Anh. Họ đều nổi da gà lên một lượt. Vì hai vợ chồng Phan Anh bị mấy con trăn bằng cổ tay quấn lấy chân, tay, cổ không sao thoát được.
Nguyên Hồ Đề đã được Trưng Nhị dặn trước rằng: Trong cuộc dọ thám nay có nhiều hung hiểm. Hồ Đề mang theo hai cái túi lớn. Bốn cái túi nhỏ trong đựng nào trăn, nào rắn độc, nào bò cạp, nào nhện. Không thiếu thứ gì.
Khi thấy vợ chồng Phan Anh xuất chiêu hại Hàn Tú Anh. Biết mình có ra tay ngăn cản cũng vô ích. Nàng mở miệng túi, huýt sáo. Mấy con trăn theo lệnh chủ, vọt ra, quấn vợ chồng Phan Anh lại. Mấy con rắn lục xanh óng ánh, thì trườn qua trườn lại trên người chúng.
Hồ Đề cười lớn:
– Phan Anh. Bây giờ ta huýt sáo một tiếng, những con rắn nhỏ này sẽ cắn vợ chồng ngươi. Sau mười ngày đau đớn, chết đi sống lại. Các ngươi trở thành điên khùng. Bấy giờ các ngươi hóa ra con thú hoang, đi đến đâu người ta chạy đến đó. Người Lĩnh Nam chúng ta có câu: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Cha mi giết Cảnh-Thủy hoàng-đế, triệu, Tấn công. Ngày nay ngươi phải lãnh hậu quả nầy.
Thình lình, thấp thoáng một cái. Hai cái bóng, một đỏ, một xanh phóng đến trước mặt Hồ Đề. Người chưa tới, chưởng đã tới, tấn công nàng. Chưởng lực hùng hậu vô cùng. Hồ Đề kinh hoảng vung chưởng lên đỡ, nhưng không kịp nữa. Hai bóng kia đã biến chưởng thành trảo, chụp được nàng.
Mọi người nhận ra là Tiêu Hồng Hoa và Văn Thanh Hoa. Hai người đứng gần Hồ Đề nhất, ra tay khống chế nàng, cứu vợ chồng Phan Anh. Tiêu Hồng Hoa để tay lên đầu nàng nói:
– Ngươi có thu trăn, rắn lại không? Nếu chậm trễ, ta nhả chưởng lực, đầu người vỡ ra từng miếng nhỏ.
Biến cố xẩy ra bất ngờ. Khúc-giang ngũ hiệp, Phật Nguyệt đang nói chuyện ở cuối phòng, xa quá, không cứu ứng được. Còn thầy trò Lê Đạo Sinh lại không có cảm tình với Hồ Đề. Chúng thản nhiên đứng nhìn.
Hồ Đề là thiếu nữ ương ngạnh, bởi từ năm mười bảy tuổi, nàng được bầu thống lĩnh 72 động Tây-vu, rất can đảm. Nàng hỏi:
– Nếu ta không tha vợ chồng Phan Anh, các ngươi giết ta hẳn? Lầm rồi! Tại đây, bọn ngươi có hàng trăm kẻ hầu, nữ tỳ, đầu bếp, thuyền phu, bị chúng ta bắt. Nếu các ngươi dám đụng đến một sợi tóc của ta. Người phe ta sẽ băm vằm các ngươi ra như băm chả.
Hồng Hoa, Thanh Hoa nhìn nhau, chưa biết phản ứng ra sao. Thì Choác, choác mấy tiếng. Ngũ ưng từ nóc nhà vút xuống tấn công hai nàng. Bởi ngũ ưng đi đâu cũng được Hồ Đề mang theo. Chúng thấy Hồ Đề bị khống chế thì thông hiểu, khi nàng nheo mắt một cái, chúng hiểu nàng gặp nạn, tức tốc nhào xuống cứu chủ. Hồng Hoa, Thanh Hoa bị chúng mổ vào đầu đau quá, vội buông Hồ Đề đánh Thần-ưng. Hồ Đề nhân đó nhảy lùi lại bên Trưng Nhị. Hồng Hoa thấy Hồ Đề vượt thoát, phóng chưởng đánh theo. Trưng Nhị xuất chưởng đỡ. Bịch một tiếng, Hồng Hoa đứng nguyên, tư thế rất ung dung. Còn Trưng Nhị bật lùi đến hai bước. Khí huyết trong người nàng muốn nổ tung lồng ngực. Chưởng lực Hồng Hoa Âm nhu, bao hàm sát thủ ghê người, mùi hôi tanh bốc ra nồng nặc. Chưởng này cùng loại chưởng Phan Anh đấu với Trần Năng hôm trước. Có điều nội lực mạnh hơn nhiều. Cánh tay nàng dường như tê dại.
Hồng Hoa cười:
– Tưởng Trưng Nhị tài ba thế nào, hóa ra chỉ có vậy thôi sao? Hãy đỡ chưởng thứ nhì của ta.