watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Q9- Anh Hùng Đông-A Dựng Cờ Bình Mông-Hồi 35 - tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Hồi 35

Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Cả cung Ngọc-lan, ai cũng tưởng Thủ-Độ là thằng điên, nên không người nào chú ý đến nó. Nó được tự do. Không có bạn cùng lứa tuổi, nó ra ngoài kinh thành một mình dạo chơi. Nó làm quen với bọn ăn mày. Nó thường mua bánh, kẹo phát cho đám trẻ cùng khổ này. Bọn ăn mày thích nó vì được nó cho ăn cũng có, được nó kể chuyện lịch sử cho nghe cũng có. Mỗi khi chúng xích mích nhau, nó đứng ra dàn hòa. Khi chúng bị người ta bắt nạt, thì nó bênh vực. Võ công của nó cao, nên bọn du côn đều nể sợ nó. Chỉ một thời gian ngắn, nó đã lựa được 18 đứa rất thông minh, gồm chín đứa con trai, chín đứa con gái kháu khỉnh. Nó thu tất cả làm đệ tử, đặt tên là Tây-hồ thập bát anh hào. Chín đứa con gái nó đặt tên Cửu-anh. Chín đứa con trai, nó đặt tên là Cửu-hào. Căn cứ theo tuổi lớn nhỏ, nó đặt tên Cửu-anh là Nhất-Anh, Nhị-Anh cho đến Cửu-Anh ; Cửu-hào cũng tương tự, gồm Nhất-Hào, Nhị-Hào...cuối cùng là Cửu-Hào.
Nhớ lại tích cũ thời vua Thánh-tông : Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt đều xuất thân cùng khổ. Nhờ có chút lòng son, mà sau đều trở thành những danh tướng, thanh sử ghi tên. Nó muốn bỏ tiền ra mua một căn nhà bên bờ hồ Tây, rồi tập họp Tây-hồ thập bát anh hào về ở chung, nhưng không có tiền.
Nó nghĩ thầm :
- Đường đi nước bước trong Hoàng-thành, ta đều biết hết. Trong Hoàng-thành này, từ Hoàng-hậu cho tới các phi tần, hoàng tử, công chúa... Người nào cũng giầu có, vàng bạc cất đầy kho, mà không giúp ích gì cho dân chúng. Tại sao ta không lấy tiền bạc đó dùng vào việc này ?
Một đêm, nhân lúc bọn Gia-thụy ngũ anh sang cung An-toàn luyện võ, nó biết rằng Hoàng-hậu phải ngồi dự thính. Nó lẻn vào tẩm phòng của bà lấy trộm mấy nén vàng. Nó đem vàng ra hiệu kim hoàn đổi lấy bạc. Có bạc trong tay, nó mua một căn nhà tọa lạc trên thửa đất hơn hai mẫu (7200 mét vuông), nằm ngay bên bờ hồ. Căn nhà này nguyên của một vị quan về hưu. Phía trước trông ra đền Trấn-quốc. Phía sau có bến đậu thuyền. Chủ nhà bán luôn cả con thuyền mà ông dùng để câu cá giải khuây. Mọi sự hoàn tất, nó đem bọn Tây-hồ thập bát anh hào về đó ở. Nó đặt cho căn nhà này cái tên Tây-hồ thủy trang. Nó dùng kinh nghiệm học được ở Mông-cổ, để tổ chức lối sống tập thể như anh em. Nó mượn một thầy đồ dạy chữ cho Tây-hồ thập bát anh hào. Còn nó, đích thân nó dạy võ, bắn cung cho chúng.
Trong Thập-bát anh hào, thì Nhất-Anh, Nhất-Hào là hai đứa có trình độ học vấn cao nhất. Chúng là hai chị em ruột. Nguyên cha chúng là một vị túc nho, khinh thế ngạo vật, không ra làm quan. Khi ông bà chết, thì chúng mới mười hai tuổi. Nhà nghèo, hai chị em làm nghề bắt rắn tranh sống. Thời bấy giờ, những khu vườn cạnh hồ Tây có rất nhiều trăn, rắn đủ loại. Ngay ngày đầu vào ở trong Tây-hồ thủy-xá, chị em Nhất-Anh đã ra tay bắt mấy trăm con vừa trăn, vừa rắn. Nhân chủ nhân cũ để lại hơn chục cái bể cạn, dùng để hứng nước mưa. Nhất-Anh dùng hai cái bể, để nuôi rắn.
Nhị-Anh, Nhị-Hào mồ côi cha mẹ rất sớm. Chúng là hai trẻ cực kỳ thông minh. Nhưng cũng có đủ thói lưu manh dân dã. Cha mẹ chúng nguyên làm nghề mãi võ bán thuốc. Chẳng may, trong khi bệnh dịch hoành hành, ông bà bị chết cùng một lúc. Anh em chúng phải lang thang ăn mày.
Tam-Anh, Tam-Hào là con của các ngư dân, mà cha mẹ bị chết vì trong khi đánh cá gặp bão. Chúng bơi lội rất giỏi. Thủ-Độ trao cho hai đứa huấn luyện bơi lội, đánh nhau dươí nước cho cả bọn.
Sau một thời gian ngắn, bọn Tây-hồ thập bát đã có trình độ võ công cũng như chữ nghĩa kha khá. Thủ-Độ chia kinh thành Thăng-long làm mười tám khu. Mỗi khu nó trao cho một Anh, hay một Hào cái nhiệm vụ cai quản bọn ăn mày. Nó đặt ra luật lệ : Cấm không được nói tục, không được đánh lẫn nhau. Phải bênh che cho nhau, đừng để người đời khinh khi, bắt nạt. Lúc đầu có nhiều tên không phục, không tuân theo luật lệ. Nhưng, sau ít tháng, mấy tên này bị cô độc, nên đành nhập bọn. Thủ-Độ bỗng dưng biến thành một ông vua ăn mày kinh thành Thăng-long, mà quan quyền không ai biết gì !
Thủ-Độ không có kiến thức nhiều về tổ chức chính quyền Trung-quốc, Đại-Việt. Nó rập khuôn theo vùng Thảo-nguyên. Nó phong cho mỗi tên ăn mày coi một chợ chức Tiểu-hãn. Bọn Tây-hồ Anh-hào thì nó phong cho làm Khả-hãn. Còn nó, nó bắt tụi ăn mày gọi nó bằng danh tự Đại-hãn.
Tuy bận rộn, nhưng trong lòng Thủ-Độ luôn tưởng nhớ đến Kim-Dung. Hằng ngày nó ra bến sông, nơi con thuyền của gia đình Kim-Dung đậu thủa nào để hy vọng gặp lại nàng. Nhưng tuyệt vô âm tín.
Trong những lần tìm chim như vậy, nó được biết, dọc theo bờ sông Hồng, mỗi khu thuộc sở hữu của một gia đình. Khu của ai, người ấy mới có quyền đậu thuyền. Thành ra mỗi bến đều có cọc, cây, trụ đá, cầu tầu khác nhau. Trong hàng trăm bến ấy, nó thấy ai cũng trầm trồ khen ngợi bến của quan An-phủ Kinh-lược sứ Kinh-Bắc Nguyễn Nộn. Trên mặt bến cũng như bờ sông đều xây bằng những viên đá vuông vức mỗi chiều bằng gang tay. Mặt bến còn xây bốn cái bồn, trong trồng hoa rất đẹp. Trên bến của gia đình Kim-Dung chỉ có hai cây bàng, với một viên đá khắc hình con chim ưng đang bay.
Nó nghĩ:
- Bà mẹ Kim-Dung với nàng đã cứu mạng ta, ta không biết đền ơn cách nào, tại sao ta không xây bến đò nhà nàng để đáp nghĩa ?
Có tiền trong tay, nó thuê thợ, mua đá lát dọc khu bờ sông ấy dài tới năm mươi trượng . Lại chờ nước cạn, xây đá cho bờ sông khỏi lở. Trong khu năm mươi trượng, nó xây bốn cái bệ đá thành hình vuông. Ở giữa đổ đất, trồng hoa. Giữa bốn cái bồn hoa, nó xây một cái đài cao hai trượng, trên đặt một viên đá dài một trượng, rộng nửa trượng. Mặt viên đá nó sai khắc hình con chim ưng đang bay. Nó đặt cho khu bến sông này tên là Tương-Dung độ, sai khắc ba chữ đó dưới con chim ưng. Độ là tên nó, cũng có nghĩa là bến đò. Dung là tên Kim-Dung. Còn Tương thì lấy điển cố cũ: Quốc-tổ Lạc-Long quân, Quốc-mẫu Âu-Cơ chia tay nhau ở đầu sông Tương, thông với hồ Động-đình, hẹn nhau, cứ mỗi năm tái ngộ trên cánh đồng Tương một lần.
Công việc hoàn tất, Thủ-Độ truyền lệnh cho Khả-hãn Tây-hồ thay phiên nhau, mỗi ngày một đứa ra Tương-Dung độ quan sát, hễ thấy con thuyền mà mũi có vẽ hình con chim ưng đậu ở đó, thì phải báo cho nó biết ngay.
Ở với bọn ăn mày thì Thủ-Độ là lãnh chúa, nhưng khi trở về cung Ngọc-lan, nó lại giả ngây, có khi nó nằm ngay giữa sân mà ngủ. Thành ra nhiều lần nó bỏ cung Ngọc-lan đi hằng mười ngày, mà lúc nó trở về, cũng không ai chú ý đến nó. Tuy bận rộn như vậy, nhưng trong lòng nó luôn luôn nghĩ đến hai việc. Một là truy tầm thủ phạm giết mẹ nó. Hai là giết tuyệt họ Lý, lập một triều đình mới.
Nó biết rõ một điều : Cứ hai ngày một lần, đạo cô sang An-toàn dạy võ cho bọn Gia-thụy ngũ-anh. Mỗi khi mụ vừa đi, thì cung nữ Thụy-Nga cũng ra đi.
Một hôm Thủ-Độ ra chợ Tây-nhai chơi, nó thấy người ta bán những quả bầu già phơi khô, rỗng ruột. Có nhiều quả cuống dài, cầm lên giống cái đầu người có cổ. Nghĩ ra một chuyện, nó mua hai quả , lại may một bộï quần áo trắng, rồi chờ đêm tối, nó lẻn vào Đông-cung cất tại nóc chuồng ngựa. Nó quyết định đêm nay giả hồn ma Thái-tử Long-Xưởng nhát bọn Gia-thụy ngũ anh, để điều tra tông tích kẻ giết mẹ nó.
Chiều hôm ấy, như thường lệ, đạo cô, cung nữ Thụy-Nga vừa ra đi, chờ sang canh hai, Thủ-Độ phóng mình vào Đông-cung. Nó đeo cái mặt nạ quỷ Vô-thường vào mặt, đeo cái mặt nạ quỷ đầu trâu vào một quả bầu, đeo cái mặt nạ quỷ mặt ngựa vào một quả bầu khác. Nó buộc hai quả bầu phía sau vai. Người ngoài nhìn thấy, tưởng đâu là quỷ ba đầu. Từ chuồng ngựa nó ra sân, thì đụng tên thái giám Đỗ Viện. Đỗ Viện tưởng nó là quỷ ba đầu. Y rú lên, rồi té xỉu xuống đất. Thủ-Độ phóng tay điểm huyệt y với năm con chó gác sân, đặt tất cả ngồi thành hàng ngay cổng vào. Nó đi một vòng Đông-cung, cung nga, thái giám gặp nó đều rú lên rồi ngất đi. Nó điểm huyệt hết.
Cuối cùng nó lên Ngự-thiện đường. Trong Ngự-thiện đường, hai cung nga chầu hầu đã bầy thức ăn gồm bánh dầy chả, bánh giò, chờ bọn Gia-thụy ngũ-anh luyện võ xong, trở về ăn đêm. Hai cung nga nghe tiếng bước chân người, ngửng đầu lên, thấy con quỷ ba đầu ; chúng thét lên, rồi ngất xỉu. Thủ-Độ điểm huyệt chúng, đặt chúng ngồi trên hai cái ghế. Mọi việc xong xuôi, nó lấy bánh dầy giò ăn. Nó vừa ăn xong, thì có tiếng xe kêu lọc cọc.
Biết bọn Gia-thụy ngũ anh đã trở về. Nó leo lên bàn ngồi im chờ đợi.
Tên thị vệ Cao Kinh đánh xe cho bọn Gia-thụy ngũ anh về đến Đông-cung, không thấy tên thái giám Đỗ Viện mở cửa như thường lệ, có hơi ngạc nhiên. Gã ra hiệu, Cao Giới xuống xe mở cổng. Cổng vừa mở , một cảnh tượng quái gở đập vào mắt mọi người: Tên thái giám Đỗ Viện trong tư thế quỳ. Cạnh y là năm con chó ngồi ngay ngắn. Tất cả đều bất bất động như những pho tượng.
Long-Sảm hỏi :
- Đỗ Viện ! Người làm trò gì vậy ?
Đỗ Viện vần bất động. Long-Thẩm gọi năm con chó :
- Hú u..u..u..u.
Năm con chó cũng bất động.
Cao Kinh đánh xe vào sân. Cả bọn cùng xuống xe. Trong tâm chúng biết có sự gì bất thường đã xẩy ra. Cao Kinh sờ lên đầu Đỗ Viện, y nói :
- Dường như y còn sống.
Y lại sờ mấy con chó. Con nào cũng còn thở. Cả bẩy tên cùng tới Ngự-thiện đường. Ngay cửa, hai cung nữ phụ trách chầu hầu, trong tư thế quỳ giống hệt Đỗ Viện. Long-Sảm đẩy cửa, bẩy người cùng bước vào. Bất giác chân tay cả bọn bủn rủn, miệng mở không ra : Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn nến, trên bàn ăn, một con quỷ ba đầu, mặt nửa đen, nửa đỏ, cổ trán trắng; ngồi bất động. Con quỷ rên lên tiếng hù...hù...hù... đầu lắc lư !
Cao Kinh, Cao Giới rút đao ra quát :
- Mi...mi...là quỷ hay là ma ?
- Là quỷ.
- Mi ở đâu tới đây ?
- Diêm vương sai ta lên trần thế điều tra những án mạng oan khuất.
- Đây là Đông-cung ! Người hãy đi chỗ khác.
Hai anh em họ Cao cùng xả đao chém xuống cổ con quỷ ba đầu. Thủ-Độ vung tay kẹp cứng hai thanh đao, rồi dồn chân khí ra. Hai chuôi đao bật tung lại trúng huyệt Đản-trung. Cả hai anh em họ Cao bị tê liệt đứng như trời trồng. Thấp thoáng một cái, Thủ-Độ đã chĩa tay điểm huyệt Gia-thụy ngũ anh. Cả năm tên khuỵu xuống như quỳ gối vậy. Ba tên Đoàn Thượng, Nguyễn Dư, Phạm Bỉnh-Du còn bị điểm huyệt Á-môn, Nội-quan, chúng mê man, không nói được. Còn anh em Long-Sảm, Long-Thẩm chỉ bị điểm huyệt Dương-lăng-tuyền, Khúc-trì, khiến chân tay bị tê liệt mà thôi.
Đúng ra với bản lĩnh của chúng, Thủ-Độ không thể kiềm chế dễ dàng như vậy. Chẳng qua, chúng thấy con quỷ ba đầu, thì hồn phách bay mất, Thủ-Độ mới thành công.
Thủ-Độ rút thanh đao của Cao Kinh, nó múa một vòng rồi chĩa vào cổ Long-Sảm. Long-Sảm rú lên :
- Xin ông quỷ tha cho tôi.
- Mi có biết ta là ai không?
- Không!
- Ta là oan hồn của Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế!
- Như vậy...người là Thái-tử Long-Xưởng, anh của phụ hoàng sao?
- Đúng thế !
- Xin...quan lớn dung tình đừng bắt hồn tôi!
- Mi nói gì ?
- Dạ... dạ... Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế đừng bắt hồn thần nhi.
Thủ-Độ nghĩ thầm :
- Bây giờ nếu ta khoét mắt, cắt lưỡi, cắt gân chân tay, chọc thủng tai, khiến chúng vừa câm, vừa điếc, vừa mù, vừa tê liệt thì chỉ hả giận trong chốc lát. Ta phải để chúng sống, sau này dùng chúng làm cho triều Lý bị diệt vong mới hả cái căm hờn.
Nó giả tiếng eo éo của đàn bà :
- Diêm vương muốn biết một số chuyện, nếu mi nói thực thì thôi, bằng không, ta bắt hồn mi xuống âm phủ đối chứng với những oan hồn !
- Xin Đại-thánh hoàng đế cứ ban chỉ dụ .
- Đạo-cô Nam-thiên là ai, mà mi lại gọi là tổ mẫu ?
- Là...là Thái-hậu .
- Thái hậu nào ? Phụ hoàng mi có hai bà mẹ. Đích mẫu là Chiêu-linh Thánh-cảm hoàng thái hậu. Người là sinh mẫu của ta. Chiêu-thiên Chí-lý hoàng thái hậu Đỗ Thụy-Châu, sinh ra nhà vua. Vậy đạo cô là ai ?
Long-Sảm trì nghi không muốn nói. Thủ-Độ thích mũi đao vào cổ khiến Long-Sảm đau quá rú lên :
- Tôi xin nói. Đỗ Thụy-Châu không phải là sinh mẫu phụ hoàng. Đạo-cô mới là sinh mẫu của người.
- Đạo-cô là ai ? Tên gì ?
- Thái-hậu họ Vương, tên Thụy-Hương, là Công-chúa tiên tử đời thứ 18 của phái Hoa-sơn. Ông ngoại của phụ hoàng tên Vương Cương-Trung là tể thần Tống-triều, là Lạc-nhạn đạo sư của phái Hoa-sơn. Bà ngoại của phụ hoàng là Công-chúa tiên tử đời thứ mười bẩy của phái Hoa-sơn, họ Triệu tên Mai-Hương.
Nghe Long-Sảm khai, Thủ-Độ ớn da gà. Tất cả những bí ẩn trong hậu cung cũng như ngoài triều đình dưới thời vua Anh-tông, bố nó giảng cho nó rất kỹ. Bố mẹ nó thường ân hận rằng, hồi hai người tổng trấn Bắc-cương, mà sao để cho Vân-đài Trịnh Nam-Phương, Công-chúa Vương Thụy-Hương trở lại Đại-Việt, Khu-mật viện không biết. Bố mẹ nó cứ đặt câu hỏi : Liệu vụ án giết cả nhà Bảo-quốc đại-vương Long-Xưởng, vụ giết cả nhà Đỗ An-Di với Mạc Hiển-Tích có do bọn tế tác Tống gây ra không ?
Nó hỏi tiếp :
- Ta không tin . Mi nói láo.
- Thần nhi nói thực, không hề dấu diếm.
- Ta làm sao mà biết thực hay hư. Được, ta hỏi chuyện của ta, xem mi nói có đúng không. Nếu mi nói sai, thì các chuyện khác đều sai.
- Dạ !
- Vụ án cả nhà ta bị hại có phải do bà nội mi là Thụy-Hương gây ra không ?
- Không, theo bà nội nói thì vụ này do bọn Đỗ An-Di, Đỗ Thụy-Châu làm.
- Có thế chứ. Vụ này mi nói đúng. Thế ai giết cả nhà Đỗ An-Di với Mạc Hiển-Tích ?
- Chính bà nội với Vân-đài Trịnh Nam-Phương làm !
Thủ-Độ lại một lần nữa kinh hoảng :
- Trịnh Nam-Phương chẳng là vợ Đỗ An-Di ư ? Thụy-Hương chẳng là người tình của Mạc Hiển-Tích ư ?
- Đại-thánh hoàng đế không hiểu cũng phải ! Trịnh Nam-Phương vì tưởng nhớ Đỗ An-Di mà thất sủng với Tống triều. Bà ấy tìm trăm phương nghìn kế để trở lại Đại-Việt mong tìm lại An-Di. Chẳng ngờ An-Di phụ rẫy bà ta, rồi còn bắt giam vào hầm kín, khóa chân tay lại. Bà ta được bà nội cứu ra. Còn bà nội, lúc trở về Đại-Việt bà nội cũng bị Mạc Hiển-Tích phụ rẫy, mà gian dâm với Đỗ Thụy-Châu. Hiển-Tích, An-Di, Thụy-Châu định soán ngôi, phế phụ hoàng xuống, lập An-Di lên thay. Ba người công bố vụ phụ hoàng là con của bà nội với Trần Thủ-Huy. Nếu Đỗ Thụy-Châu công bố bí mật phụ hoàng là con của bà nội với vua Anh-tông thì đúng. Nhưng mụ bịa ra rằng phụ hoàng là con của Trần Thủ-Huy thì không thể tha thứ được. Vì vậy, khi vừa thấy cáo tri của Côi-sơn song ưng, bà nội với Trịnh Nam-Phương nhân đó xuống tay, giết cả nhà hai tên cho hả giận. Sau khi giết cả nhà hai tên này, bà nội bắt Đỗ Thụy-Châu uống thuốc độc chết. Từ đấy, bà nội giả làm đạo cô Nam-thiên, ẩn trong cung Ngọc-lan, phụ chính cho phụ hoàng.
- Thế Vân-đài Trịnh Nam-Phương bây giờ ở đâu ?
- Là Nghi-Phương sư thái, chưởng môn phái Mê-linh.
Một lần nữa Thủ-Độ phát run. Hồi ở Mông-cổ, bố mẹ nó được tin Nghi-Ninh sư thái truyền chức chưởng môn cho một đệ tử mới nhập môn là Nghi-Phương. Vì Nghi-Phương tìm được cuốn phổ chép tất cả tuyệt kỹ của phái Mê-linh, bị Vương Cương-Trung ám toán, rồi cướp đi. Khi được tin này, bố mẹ nó cứ thắc mắc mãi, làm sao Nghi-Phương lại tìm ra được bí lục võ công Mê-linh ? Bây giờ nó mới hiểu rằng chính Vương Cương-Trung đã trao cho Trịnh Nam-Phương. Nó than thầm:
- Hỡi ơi ! Suýt nữa ta tìm Nghi-Phương sư thái cáo vụ mẹ ta bị giết, thì không khác gì nạp mạng cho cọp đói ! Vậy cái vụ phái Mê-linh đem linh cữu mẹ ta về chôn ở chân núi vua Bà, hẳn có mục đích gì khác đây. Ta cần điều tra cho rõ.
Nó lại hỏi Long-Sảm :
- Vậy ai là người ám toán công chúa Đoan-Nghi ?
- Thần nhi không biết. Sau khi công chúa băng thì phụ hoàng buồn vô cùng. Bà nội hay lên ruột lắm. Bà nội cũng cho người điều tra mà không ra manh mối. Ý bà nội muốn dụ cho Thủ-Huy, Đoan-Nghi về, rồi công khai tình tự với Thủ-Huy, làm cho Đoan-Nghi đau khổ để trả thù trước đây Đoan-Nghi cướp Thủ-Huy của người. Còn Thủ-Huy thì bà nội phong cho chức tước thực lớn, mà không trao quyền.
- Cái tên Vũ Khải, Tham-tri bộ Lễ là người thế nào ?
- Y không xuất thân từ khoa bảng. Y là con cô, con cậu của mẫu hậu. Mẹ của y tên Đàm Phi-Phượng là em gái của Quốc-trượng Đàm Thì-Phụng.
- Hiện giờ Vũ Khải giữ chức gì ?
- Hiện y là Kinh-lược an-phủ sứ Hồng-châu. Y có một dinh thự khá lớn ở Gia-lâm, gần Cổ-loa.
- Cái tên thuyền trưởng đi đón công chúa Đoan-Nghi tên là gì . Hiện y ở đâu?
- Y tên Đặng Vũ. Hiện y coi thủy đội cai quản dọc sông Hồng, quanh Thăng-long.
- Nhà y ở đâu ?
- Thần nhi không rõ.
Biết Long-Sảm không cung cấp thêm được gì nữa, trời lại sắp sáng. Thủ-Độ dọa :
- Cái việc ta hiện hồn lên hôm nay, mi phải cấm bọn thủ hạ không được tiết lộ ra ngoài. Nếu như chỉ một đứa nói với người khác, lập tức ta bắt hồn tất cả. Mi hiểu không ?
- Dạ. Nhưng vụ này lớn quá, sao dấu được ?
- Vậy mi ban chỉ cho chúng rằng, có quỷ ba đầu nguyên là hồn oan của Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế hiện lên, nhưng mi không được tiết lộ những gì đã khai với ta.
- Vâng.
Thủ-Độ mang tất cả hơn hai chục người Đông-cung đem lên Ngự-thiện đường, giải huyệt cho chúng tỉnh. Chúng vừa mở mắt ra, thấy con quỷ ba đầu thì rú lên kinh khủng. Thủ-Độ gật gù ba cái đầu làm cho chúng sợ đến té đái vãi phân ra, rồi mới biến vào bóng đêm. Nó dấu phụ tùng làm quỷ, rửa mặt rồi quay về cung Ngọc-lan.
Vừa đáo cung Ngọc-lan, thì có ai đó hì một tiếng ngay phía sau nó. Nó quay lại, thì thấy một bóng đen dơ tay vẫy nó rồi chạy. Nó dùng khinh công đuổi theo. Tuy đã dùng hết mười thành công lực nhưng nó vẫn không đuổi kịp người kia. Nó nghĩ thầm :
- Với khinh công của ta, dù ngựa chiến cũng thua, mà sao không đuổi kịp người này ?
Nghĩ vậy nó gia tăng cước lực. Lạ một điều, nó chạy nhanh, thì người kia cũng chạy nhanh. Nó chạy chậm, người kia cũng chạy chậm. Thủy chung khoảng cách giữa hai người không thay đổi.
Đến Văn-miếu, thình lình người đó dừng lại, suýt nữa Thủ-Độ đâm sầm vào người đó. Một người núp sau bia tiến sĩ nhảy ra. Trong bóng đêm lờ mờ nó nhận ra đấy là một người đàn bà. Người này không nói, không rằng, phát chưởng tấn công nó, đó là chiêu Phong-ba hợp-bích của Đông-A chưởng. Chưởng chưa ra hết, mà nó đã cảm thấy ngộp thở. Kinh hoảng, nó xuất chiêu Phong-đáo sơn đầu cũng trong Đông-A chưởng đỡ. Binh một tiếng, nó cảm thấy trời long đất lở, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng, mũi cảm thấy thoang thoảng mùi thơm của nước hoa. Kinh hãi, nó chợt nhậïn ra mình đang đứng ở cung Càn phương Hỏa-địa-tấn. Nó vội hít một hơi rồi lộn đi một vòng sang vị trí Địa-thủy-sư cung Khảm. Áp lực trên người nó hoàn toàn được hóa giải. Người kia bật lên tiếng ái chà đầy kinh ngạc, rồi cất tiếng khen :
- Khá lắm ! Đỡ chiêu nữa!
Rồi phát chiêu Phong-sơn hoa lạc tấn công. Nó vội hít hơi vận đủ mười thành công lực phát chiêu trong Hoa-sơn chưởng mà nó học trộm của đạo cô Nam-thiên. Binh một tiếng, người nó bay tung lại phía sau. Nó rơi xuống đúng cung Chấn, phương Địa-phong-thăng. Nó lộn đi hai vòng đáp xuống cung Ly, phương Trạch-sơn-lữ, để giảm bớt kình lực. Người kia tần ngần ôm tay suy nghĩ.
Trời đã tang tảng sáng. Bất giác Thủ-Độ bật lên tiếng kinh ngạc, vì người vỗ vai, dụ nó chạy ra đây là một trung niên nam tử dáng điệu to lớn kềnh càng đang nhìn nó cười toe toét. Còn người đàn bà thì đẹp không thua gì mẹ nó. Nó thấy dáng điệu của bà quen quen, nhưng trong nhất nó không nhận ra bà ta là ai.
Người đàn bà hỏi nó :
- Cháu lày ! Cháu là lệ tử của cao nhân nào ?
Thấy cử chỉ, tư thái người đàn bà, Thủ-Độ không muốn nói dối . Nó đáp :
- Cháu không có sư phụ. Cháu học võ với bố mẹ cháu. Bố cháu hiện ở rất xa, ngàn trùng cách biệt. Còn mẹ cháu, thì bị người ta giết chết rồi.
- Mẹ cháu bị người ta lánh thuốc lộc hay dùng lên mắn chết ?
- Sao sao...bà biết ?
- Dễ hiểu ! Cứ như mản lĩnh của cháu, thì hiếm người có thể so sánh. Như vậy mản lĩnh của mẹ cháu phải cao thâm lắm. Mản lĩnh của mẹ cháu cao thâm mà bị dít, thì nhất lịnh mẹ cháu phải bị ám toán mằng thốc lộc hay mằng loạn lên. Cháu có thể cho ta biết lên của cha mẹ cháu không ?
Nghe âm thanh của bà, Thủ-Độ đoán bà là người Việt gốc Hoa. Nó trở thành e dè :
- Cháu không thể nói tên bố mẹ cháu ra được,bằng không sẽ có nhiều kẻ thù tìm giết chết cháu. Khi mẹ cháu sắp qua đời người dặn cháu chuyển lại một câu cho năm người. Năm người này căn cứ và đó mà truy tầm thủ phạm ám toán mẹ cháu.
- Có phải năm người đó thuộc phái Đông-A không ?
- Vâng !
- Năm người đó là ông bà Trần Tự-Hấp chưởng môn phái Đông-A, và ba con của người là Trần Lý, Thủ-Huy, Kim-Ngân. Có đúng không ?
Thủ-Độ rùng mình :
- Sao ? Sao bà biết ?
- Ta biết vì ta biết.
Bà chỉ vào Nam tử to lớn kềnh càng:
- Bạch-Hạc là sư tỷ của ông chồng ta. Bà đã nói cho ta nghe về cháu.
Nam tử to lớn xen vào:
- Ta có hai thắc mắc. Một là vừa rồi cháu xử dụng một chiêu trong Đông-A chưởng pháp, khi thấy công lực yếu, cháu biết di chuyển theo Cửu-cung bát quái trong Thiên-la thập bát thức để hóa giải. Trong bản phái, chưa một ai xử dụng Cửu-cung bát quái áp dụng vào Đông-A chưởng cả. Vì nội công Đông-A gốc là Thiền-công, khi dùng với Dịch-lý thì âm thủy trong người hỗn loạn, có thể nguy đến tính mệnh. Duy người luyện nội công âm nhu mới có thể làm được công việc này. Nhìn qua thân pháp, ta biết cháu luyện thành cả âm lẫn nhu. Vậy ai đã dạy cháu?
- Khi gặp hung hiểm, cháu tòng tâm xử dụng, chứ không ai dậy cháu cả.
- Hai là cháu xử dụng chiêu Lạc-nhạn thu phân trong Hoa-sơn chưởng, bị kình lực của vợ ta đẩy tung đi, cháu lại dùng Cửu-cung bát quái của Thiên-la thập bát thức. Phái Hoa-sơn tuy có áp dụng Dịch-lý vào chưởng pháp, nhưng Dịch-lý của họ không giống Dịch-lý của Thiên-la thập bát thức. Có phải cháu học trộm võ công Hoa-sơn không?
- Sao tiền bối biết?
- Có gì khó đâu. Nếu cháu được truyền Hoa-sơn chưởng thì họ phải dạy cháu phương cách biến hóa theo Dịch-lý của họ. Đây cháu đem áp dụng Hoa-sơn chưởng bằng Dịch-lý Đông-A thì rõ ràng cháu không được học Dịch-lý Hoa-sơn, rồi cháu tưởng Dịch-lý nào cũng là Dịch-lý, cháu đem Dịch-lý Đông-A ra áp dụng bừa. Có đúng thế không?
Thủ-Độ gật đầu, trong lòng nó nảy ra niềm kính phục nam tử:
- Tiền bối thực bác học lại thông minh. Cái gì của cháu tiền bối cũng biết.
- Này cháu, có phải mẹ cháu là con gái của Minh-Đạo đại vương, tức Côi-sơn song ưng không ?
Nó nghĩ thầm :
- Không biết tại sao khi ông bà này cũng như y sư Vũ Phòng-Phong gặp ta cứ cho rằng ta là con cháu của Minh-Đạo vương. Bố mẹ ta thường giảng về hành trạng của Linh-chiếu Chiêu-hòa Thái-hậu với Minh-Đạo vương cho ta nghe. Mẹ ta nói : Hai vị đó được võ lâm tặng cho mỹ danh là Côi-sơn song ưng, nức danh thời vua Anh-tông.
Nó trả lời lơ mơ :
- Phải hay không phải thì sao ?
- Vậy cháu là ai ? Nhất định cha mẹ cháu là người phái Đông-A thì mới biết võ công Đông-A mà dạy cháu.
- Đúng như bà nói ! Bố cháu là người của phái Đông-A.
Nó hỏi nam tử to lớn :
- Tiền bối ! Người vào Hoàng-thành có việc gì vậy ?
- Ta điều tra nhiều sự. Còn cháu. Cháu làm ma làm quỷ với mục đích gì ?
- Để điều tra một số sự việc.
- Cháu tìm ra hết những gì muốn biết chưa ?
- Chưa.
- Có phải cháu muốn tìm dinh thự Kinh-lược An-phủ sứ Vũ Khải không ?
- Vâng !
- Coi chừng, trong dinh của y có nuôi mấy cao thủ, cũng như chó, ngỗng canh cửa. Phải cẩn thận.
- Còn tiền bối, người muốn điều tra gì ?
- Hai người đàn bà.
- Họ là ai ? Tiền bối thử nói ra. May cháu biết.
- Một người tên Trịnh Nam-Phương. Một người tên Từ Thụy-Hương.
Thủ-Độ à lên :
- Trịnh Nam-Phương thì cháu biết. Có phải bà ta là Vân-đài tiên-tử đời thứ mười bẩy của phái Hoa-sơn, trước đây từng là vợ của Tể-tướng Đỗ An-Di thời vua Anh-tông không ?
- Đúng đấy ! Bà ta hiện là ai ? Ở đâu ?
- Bà là Nghi-Phương sư thái, chưởng môn phái Mê-linh.
Trung niên nam tử ái chà một tiếng :
- Còn Từ Thụy-Hương ?
- Cháu có biết một người tên Thụy-Hương, bà ta họ Vương chứ không phải họ Từ.
Thiếu phụ đẹp nắm lấy tay Thủ-Độ, bà tỏ ra súc động :
- Họ Vương à ? Phải, lúc đầu bà này dùng họ Triệu của mẹ, sau mới trở lại họ Vương của cha.
- Bà ta ẩn tu trong cung Ngọc-lan, làm phụ chính cho nhà vua. Bà là mẹ đẻ của nhà vua, lại là sư phụ của bọn Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc, Nguyễn Nộn, Đoàn Văn. Hiện bà âm thầm dạy võ cho bọn Gia-thụy ngũ-anh.
Trên mặt thiếu phụ đẹp hiện ra nét kinh hoàng, như gặp phải điều gì ghê rợn lắm :
- Cháu nói thực hay đùa ?
- Cha cháu là người đồng môn với nhị vị. Cháu đâu giám nói dối nhị vị ?
Nói dứt nó kể lại tất cả những gì Khu-mật viện Tống đã làm ở vùng Thảo-nguyên như phong Mao Khiêm làm chúa. Sai Hàn Dũ Linh, Vương Cương-Trung đem võ sĩ lên trợ chiến. Họ cũng sai Vân-đài Trịnh Nam-Phương, Công-chúa Vương Thụy-Hương trở về Đại-Việt. Hai người này giả danh Côi-sơn song ưng giết cả nhà Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích ra sao.
- Cảm ơn cháu. Vậy thế này. Kể từ nay, hằng tháng cứ ngày mùng một, canh hai, chúng ta lại ra đây gặp nhau, trao đổi tin tức. Cháu có đồng ý không ?
- Vâng.
Chợt nhớ một chuyện, Thủ-Độ hỏi :
- Có phải hôm trước tiền bối đùa cợt cháu, lấy xôi, chim sẻ quay trên lưng cháu không ?
Người đàn bà tỏ ra nghiêm nghị :
- Đó là hai đứa trẻ con. Chúng thấy cháu trêu ghẹo bọn Gia-thụy ngũ-anh, nó cũng trêu lại cháu.
- Họ là ai vậy ?
- Ta không nói. Khi nào cháu cho ta biết cha mẹ cháu là ai thì ta sẽ nói cho cháu nghe.
- Hôm ấy tiền bối cũng hiện diện ư ?
- Không ! Hai trẻ kể cho chúng ta nghe.
Đôi nam nữ hú lên một tiếng dài, thấp thoáng một cái đã biến mất.
Thủ-Độ về cung Ngọc-lan, không ai chú ý đến nó. Nó ngủ một giấc dài. Khi nó giật mình tỉnh giấc, thì mặt trời đã lên cao. Thấy cung nữ Thụy-Nga, nó làm bộ méo mặt, cười hề hề. Mụ gọi nó :
- Đàm Độ ! Người lại đây !
- Lại làm gì ?
- Mi may mắn lắm đó !
- May gì ?
- Mi rời Đông-cung về đây nên thoát nạn quỷ ám. Hôm qua quỷ ba đầu hiện lên Đông-cung. Nó xưng là hồn oan của Thái-tử Long-Xưởng. Nó nhát từ Thái-tử Sảm cho tới đàn chó. Sáng nay thị vệ, cung nga, thái giám đều khóc xin về quê làm ruộng, vì họ không thể sống trong cung quá nhiều quỷ.
Thủ-Độ làm bộ tỉnh táo :
- Thưa bà, thế Hoàng-thượng có ban chỉ gì không ?
- Người sai Vũ-kị thượng tướng quân Phạm Bỉnh-Di đem thanh Thượng-phương bảo kiếm đến Đông-cung để trấn quỷ. Im xem ! Liệu Bỉnh-Di có đủ phép trừ quỷ không ! Tin này đồn đại khắp Thăng-long. Nhiều người có tật giật mình. Bọn gian thần, tặc tử khiếp đảm lắm.
Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Đã vậy ta phải sai bọn ăn mày, đi khắp nơi phao tin này, để làm hoang mang trong dân chúng, làm mất uy tín bọn Gia-thụy ngũ anh cho bõ ghét. Ta cũng nhân đó điều tra dinh thự bọn Vũ Khải, thủy thủ đoàn có liên quan đến việc ám toán mẹ ta.
Nghĩ vậy nó lại cười toe toét. Mụ Thụy-Nga cau mặt nhìn từ đầu đến chân Thủ-Độ rồi bảo nó:
- Nghe nói hồi này mày hay đi chơi với ăn mày. Ta muốn mày đi biệt ít tháng rồi hãy về...
- Sao??? Tại sao???
- Hiện có sứ đoàn Tống sang đây. Cung này sẽ phải tiếp nhiều khách, hội họp. Khách ra vào mà cứ phải nhìn thằng khùng làm trò hề thì chán quá.
Nghe mụ nói, Thủ-Độ cười rồi nhảy cà tưng, cà tưng vào bếp kiếm ăn.
Buổi trưa hôm ấy, Thủ-Độ lại giả lên cơn, rồi ra ngoài thành dạy võ cho bọn Khả-hãn Tây-hồ. Sau khi dạy võ, làm như là người ngoài cuộc, nó thuật lại chuyện con quỷ ba đầu, hồn oan của Thái-tử Long-Xưởng hiện lên đòi nợ tại Đông-cung. Sau khi thuật xong, nó hạ lệnh:
- Các em trở về khu vực của mình, mỗi em tập họp các Tiểu-hãn thuộc quyền kể cho chúng nghe, rồi bảo chúng đi khắp nơi thuật lại với trẻ con, với ông già bà cả, để dân chúng cùng cười cho vui.
Bọn Khả-hãn Tây-hồ vâng lệnh ra đi. Thế là chiều hôm đó khắp kinh thành Thăng-long, người người, nhà nhà tụ nhau kể chuyện con quỷ ba đầu hiện lên nhát 27 người trong Đông-cung. Người ta còn thêm mắm thêm muối rằng con quỷ sẽ còn hiện lên bắt nhiều gian thần, tặc tử nữa.
Khi bọn Khả-hãn Tây-hồ trở về, chúng đều hỷ hả báo cho Thủ-Độ biết những thành công của chúng. Riêng Thất-Anh, Thất-Hào, gương mặt hiện ra nét kỳ dị. Chúng nhìn Thủ-Độ, mỉm cười:
- Anh có tin vui.
- Gì vậy?
- Con thuyền mà anh chờ đợi hơn năm qua, bây giờ đã đậu trên Tương-Dung độ từ tối hôm qua.
Thủ-Độ run run:
- Trên thuyền có những ai?
- Thuyền phu mười người. Bộc phụ hai người. Còn chủ nhân thì chỉ có ba người thôi, hai trai, một gái. Tất cả đều còn trẻ. Người lớn nhất, tướng mạo uy nghi, mặt rồng, trán hổ, tay dài quá gối, dáng điệu từ ái, tuổi khoảng mười tám. Một người to lớn, thâm trầm ít nói tuổi khỏang mười sáu. Người nhỏ tuổi nhất là gái. Chà! Thực là một người đẹp bọn em chưa từng thấy. Cô ấy luôn cười. Khi thuyền tới bến, thì hai người con trai lấy ngựa ra đi. Trên thuyền chỉ còn lại người con gái thôi.
Tim Thủ-Độ đập loạn xạ. Nó bảo Thất-Hào:
- Thắng ngựa cho ta.
- Có cần bọn em đi theo không?
- Không.
Thủ-Độ đánh xe ra bến Tương-Dung. Xe vừa đi đến bến Bắc-ngạn, thì nó thoáng thấy Kim-Dung cũng đang rong xe đi phía trước. Nó cho xe vọt lên đi song song với xe nàng. Kim-Dung thấy Thủ-Độ thì reo lên:
- À! Đàm Độ! Lâu nay người vẫn khỏe chứ?
- Cảm ơn cô nương. Tôi khỏe hơn trước nhiều.
Hai người gò cương cho ngựa dừng lại trước một tửu lầu. Nó nhận ra là Anh-hùng tửu lầu, mà hồi từ Mông-cổ về mẹ nó dẫn nó vào ăn, rồi bị ám toán.
Trao cương cho tửu bảo, hai người lên lầu, chọn một bàn hướng ra sông. Vừa ngồi xuống, Kim-Dung nhìn Thủ-Độ cười bí hiểm:
- Cảm ơn người đã xây bến Tương-Dung đẹp quá. Khi được tin báo có người đã xây đá trên bến sông của nhà ta. Ông bà nội ta ngạc nhiên vô cùng. Cả nhà xúm vào tìm hiểu xem ai đã làm công việc này. Không ai đoán ra. Còn riêng ta, ta biết ngay là người, mà không dám nói.
Tim Thủ-Độ đập rộn ràng. Trong những ngày đi chơi với bọn ăn mày, nó nghe chúng kể rất nhiều chuyện tình ái nam nữ : "Khi người con gái có tình ý với người con trai, thì họ muốn dấu kín những gì hai người cùng làm". Bây giờ nó biết Kim-Dung đã dấu cuộc rong xe khắp Long-thành với nó. Nàng lại đoán ra việc nó xây bến Tương-Dung, mà cũng không dám nói ra...Thì rõ ràng, nàng đã có tình yêu vơí nó.
Kim-Dung nhìn Thủ-Độ, nàng cười bí hiểm, rồi gọi tửu bảo:
- Người cho ta một đĩa bốn con sẻ quay, với một đĩa xôi.
Qua nụ cười bí hiểm, rồi gọi chim sẻ quay, xôi của Kim-Dung khiến Thủ-Độ luống cuống. Nó cảm thấy chân tay thừa, không biết nói gì. Nó nghĩ thầm:
- Không lẽ nàng biết vụ ta dọa ma ở Đông-cung? Không lẽ nàng là người ăn trộm chim sẻ quay với xôi trên lưng ta ?
Kim-Dung nhìn Thủ-Độ, rồi hỏi:
- Thì ra người là một công tử, mà ta không biết.
- Tôi..Tôi là công tử ư ?
- Người là cháu họ xa của Đàm hoàng hậu, thế mà người dấu ta. Là quốc thích, người mới có tiền xây bến Tương-Dung đẹp thế. Có điều tư cách công tử bỏ xa bọn Gia-thụy ngũ-anh. Công tử là cháu Hoàng-hậu, thì Thái-tử Long-Sảm phải thân với công tử chứ, có đâu y xua cả Gia-thụy ngũ anh hành hạ công tử như vậy?
- Tôi cũng không biết nữa. À, tôi nghe nói, cô nương về Thăng-long cùng vơí hai người anh. Vậy hai ông đó đâu rồi?
- Bố mẹ tôi sai ba anh em tôi về đây tìm tung tích một vài người thân. Ngặt vì người thân đó ẩn ở trong Hoàng-cung. Cho nên hai anh tôi đi tìm cô chú tôi, cậu mợ tôi để nhờ giúp sức. Thế mà gần hai ngày qua, vẫn không ra manh mối.
Nàng nói giọng khẩn khoản:
- Công tử hiện ở trong Hoàng-cung, công tử có thể dẫn tôi vào chơi được không?
- Dĩ nhiên là được.
- Ăn xong, tôi phải về thuyền gặp hai anh tôi. Vậy khi cần, tôi tìm công tử ở đâu?
- Trên bến Tương-Dung lúc nào cũng có ăn mày. Khi cô nương cần, cứ gọi một đứa, bảo nó "Ta muốn gặp Đại-hãn của người". Nó sẽ báo cho tôi, tôi đến gặp cô nương liền.
- Đại-hãn là gì vậy?
- Là vua ăn mày!
Tuy say tình, nhưng Thủ-Độ vẫn không quên thù mẹ, không quên lời nguyền diệt triều Lý. Nó quyết định thám thính phủ Thái-sư Đàm Dĩ-Mông, Kinh-lược sứ Vũ Khải và nhà tên thuyền trưởng Đặng Vũ.
Trở về Tây-hồ thủy xá, Thủ-Độ gọi riêng Nhất-Anh, Nhất-Hào ra lệnh :
- Các em là Khả-hãn vùng Gia-lâm. Các em có biết rõ tình hình trong vùng không ?
Nhất-Hào tự tin :
- Trong huyện, có bao nhiêu nóc gia, bao nhiêu người, bao nhiêu trâu, bò, lừa, ngựa em biết hết.
- Anh muốn hai em điều tra chi tiết trang trại của Kinh-lược An-phủ sứ Hồng-châu tên Vũ Khải. Độ bao nhiêu lâu thì xong ?
- Năm ngày !
Đợi cho câu chuyện quỷ ba đầu lắng xuống, năm ngày sau Thủ-Độ trốn ra ngoài thành Thăng-long. Vào Tây-hồ thủy xá nó hỏi Nhất-Anh, Nhất-Hào :
- Việc đó xong chưa ?
Nhất-Hào cười :
- Xong rồi.
Nó lấy ra mảnh giấy :
- Trang trại của Vũ Khải rộng khoảng trăm mẫu (360.000 mét vuông). Trang được bao bọc bởi con hào rộng hai trượng (4m) sâu hơn trượng, dưới cắm đầy chông nhọn. Sau con hào là lũy tre đồng gộc dầy hàng hai ba trượng. Trong trang có bố mẹ y cùng ở. Bố y 74 tuổi, mẹ y 60 tuổi. Y ở trên Hồng-châu với người thiếp thứ năm tên Mỹ-Hồng. Mỗi tháng y về thăm nhà bốn ngày vào mùng một, mùng hai và mười tư, mười rằm. Vợ cả y tên Mỹ-Hoàng, vợ thứ nhì tên Mỹ-Thanh, vợ thứ ba tên Mỹ-Huyền, vợ thứa tư tên Mỹ-Lam. Y có tất cả mười lăm con vừa trai vừa gái.
Nhất-Anh tiếp lời :
- Dinh của y nằm giữa trang trại, xung quanh có mấy chục nóc nhà, đó là chỗ ở của gia thuộc. Y duy trì một đội võ sĩ hơn ba mươi người, do ba cao thủ chỉ huy. Ba cao thủ này có tên Mao Thiên, Mao Địa, Mao Nhân. Còn thú vật y nuôi đàn chó trên năm chục con, đàn ngỗng trên trăm con. Ngựa năm mươi con, trâu trăm con.
Nghe Nhất-Anh, Nhất-Hào thuật Thủ-Độ thừ người ra :
- Dường như tên Vũ Khải biết rằng y tham dự vào việc ám toán mẹ ta, thì trước sau gì cũng bị phái Đông-A trả thù nên y đề phòng quá kỹ. Ta khó mà đột nhập vào dinh y. Ừ, không vào được dinh y thì ta lên Hồng-châu ! Bây giờ ta thám thính nhà tên Đặng Vũ trước.
Nó hỏi :
- Hai em có biết nhà tên Đặng Vũ, coi thủy đội Thăng-long không ?
- Biết chứ !
- ? ? ?
- Nhà y nằm ở Nghi-tàm bên bờ hồ Tây. Y có hai vợ, ba con. Y đóng một con du thuyền khá đẹp, neo trước nhà. Vào ngày trăng thanh gió mát, y mời bạn hữu xuống con thuyền này, rồi buông chèo trên hồ Tây, đem theo ca nhi tiêu khiển. Nhà y cũng nuôi năm con chó, một đàn ngỗng canh phòng.
Thủ-Độ cho Nhất-Anh, Nhất-Hào ra, nó nghĩ thầm :
- Ta cần tra khảo tên Đặng Vũ này mới được.
Đến đó thì Nhị-Anh bước vào :
- Nhà có khách.
- Khách là ai vậy ?
- Là y sư Vũ Phòng-Phong.
Thủ-Độ chỉnh đốn y phục. Nó hành lễ :
- Không biết trận gió nào thổi, mà Đại-phu lại đến thăm cháu ? Tại sao Đại-phu biết cháu ở đây ?
Phòng-Phong nắm tay Thủ-Độ :
- Cháu có một tin mừng.
- Thưa là... ? ! ? ! ? !
- Việc cháu lang thang sống với người cùng khổ, kể chuyện tổ tiên ta anh hùng cho bọn ăn mày nghe, đã đến tai nhạc phụ ta. Người biết cháu tổ chức bọn ăn mày lại thành một khối, người khen cháu là đứa trẻ có khí tiết khác thường, nên người gửi hai đứa cháu nội về gặp cháu, và giúp đỡ cháu. Để cháu khỏi bỡ ngỡ, người viết thư cho ta, nhờ ta hỏi ý kiến cháu trước.
Tuy mới về nước. Nhưng nhờ sống lăn lóc từ trong Hoàng-cung tới đầu đường, xó chợ, Thủ-Độ đã từng nghe người ta nói về phái Đông-A nhà nó. Nào danh tiếng phái Đông-A lừng lẫy khắp các nước Chiêm-thành, Xiêm-la, Chân-lạp, Trung-quốc, Tây-hạ, Đại-kim, Mông-cổ. Nào là chưởng môn là ông nội nó tên Trần Tự-Hấp, ân đức trải khắp nước. Trong môn phái còn có năm cô nó, mang mỹ danh Vỵ-xuyên ngũ tiên cùng với chồng là Hồng-lĩnh ngũ đại thần y. Bác của nó là Trần Lý được dân chúng tôn là Thần-nông sứ, suốt bao năm quy dân phá hoang, giúp người cùng khổ trở thành những nhà nông sung túc. Cô út nó là Kim-Ngân với chồng là Phùng Tá-Chu được tôn là Tiểu Côi-sơn song ưng. Hiện Phùng Tá-Chu đanh lĩnh chức Đại-đô-đốc. Sống cô đơn ở Thăng-long, đã mấy lần nó muốn tìm về Thiên-trường gặp ông bà, chú bác, anh chị để hưởng cái tình nhân luân. Nhưng ác mộng ông cậu được cha mẹ nó cứu sống bao phen là nhà vua, bà mợ là Đàm hoàng hậu, hai em con cô con cậu là Long-Sảm, Long-Thẩm hành hạ nó tàn nhẫn chưa từng thấy trong thế gian... làm nó chưa muốn về quê cha vội.
Nhưng bây giờ, với địa vị to lớn của chưởng môn phái Đông-A, thiện cảm với nó trong việc dạy dỗ, nuôi nấng đám trẻ cùng khổ, mà lại khen ngợi, gửi hai con lên trợ giúp... Hơn nữa, còn sai sứ tới xin hẹn trước.
Nó cảm động, nghĩ rất nhanh:
- Để ta gặp hai con của bác ta, quan sát phong thái của họ xem sao đã. Nếu họ thực tình thì ta nhận họ. Còn như họ cũng ích kỷ, ác độc, thì ta lờ đi luôn.
Nó trả lời Phòng-Phong:
- Không biết bao giờ thì hai người cháu của Trần đại hiệp về Thăng-long, để cháu còn đi đón. Hai người đó là ai vậy
- Hai người đó đã có duyên gặp gỡ cháu tại quán Bích-động hồi mấy năm. Ngày mười bẩy tháng tám thì chúng sẽ tới Thăng-long.
- Có lẽ sau ngày mười bẩy, cháu sẽ đi Thiên-trường, chuyển lời trăn trối của mẹ cháu cho ông bà Tự-Hấp, bác Lý, cô Ngân.
Phòng-Phong nắm tay Thủ-Độ :
- Ta có một thắc mắc hỏi cháu. Mong cháu nói thực cho ta nghe.
- Xin Đại-phu cứ hỏi ?
- Có phải mấy hôm trước, cháu đã điểm huyệt hai mươi bẩy người trong Đông-cung rồi giả làm quỷ ba đầu nhát chúng không?
- ? ! ? ! ?
- Hồi trưa nay, sư tỷ của ta là Trần-thị Phương-Thanh đến thăm ta. Người cho biết mấy hôm trước có một đại cao thủ đột nhập Đông-cung, giả làm quỷ đa đầu điểm huyệt Gia-thụy ngũ anh, thị vệ cung nga, thái giám tộng cộng 27 người ; rồi nhát chúng. Sáng nay Hoàng-hậu tuyên triệu sư tỷ vào trị bệnh cho chúng. Sau khi chẩn mạch, người biết ngay rằng chúng bị một nội gia cao thủ điểm huyệt, chứ không phải quỷ nhát. Tuy vậy người vẫn không nói ra điều bí mật đó. Nhưng đạo cô Nam-thiên, Kiến-khang vương, Kiến-bình vương lại cho rằng trên thế gian này làm gì có người luyện được cả nội công dương cương lẫn âm nhu. Ba người giải đoán rằng: Đây là quỷ. Quỷ này hồi sinh thời là người luyện nội công dương cương. Vì chết rồi, sống ở âm phủ, nhiễm âm khí. Nên nội công thành âm dương hỗn hợp. Họ cho rằng quỷ này chính là hồn Thái-tử Long-Xưởng... Nghe sư tỷ kể, ta biết ngay là cháu. Bởi trên thế gian này, chỉ cháu mới có nội công ấy. Vậy cháu phải cẩn thận.
Nghe Phòng-Phong kể, Thủ-Độ vẫn không đổi ý. Nó quyết định tiếp tục điều tra tìm cho ra thủ phạm đã ám toán mẹ nó. Nó phải đột nhập trang trại của Kinh-lược An-vũ sứ Vũ Khải, phủ Thái-úy Đàm Thì-Phụng, phủ Thái-sư Đàm Dĩ-Mông. Tuy vậy, nó cũng vâng dạ cho qua
Tiễn Phòng-Phong về rồi, nó họp Tây-hồ thập bát anh hào lại ra lệnh :
- Hôm trước ta nhờ các em điều tra phủ Thái-sư Đàm Dĩ-Mông, phủ Thái-úy Đàm Thì-Phụng. Vậy các em đã điều tra xong chưa ?
- Phủ Thái-sư thì xong rồi! Còn phủ Thái-úy thì chưa.
Nhất-Anh nói :
- Việc gì chứ việc đó thì chỉ nửa ngày là xong.
Nói rồi Nhất-Anh trình ra tờ giấy vẽ sơ đồ hàng rào dinh thự. Chỗ nào cao. Chỗ nào thấp. Chỗ nào có vọng gác của người. Chỗ nào có vọng gác của chó. Lại trình bản đồ trong dinh, khu nào là nơi bọn thân binh, gia thuộc ở, khu nào là nơi Đàm Dĩ-Mông ở. Trong khu Đàm ở, đâu là thư phòng, đâu là phòng khách, đâu là phòng ngủ của y, đâu là phòng ngủ của các bà cơ thiếp. Thủ-Độ nhất nhất ghi nhớ.
Nhất-Hào tiếp lời Nhất-Anh :
- Hiện Thái-sư Đàm Dĩ-Mông đang chuẩn bị tiếp sứ Tống. Trong dinh nhộn nhịp lắm.
- Y tiếp ban ngày hay ban đêm ?
- Nghe đâu là đêm mai.
- Sứ đoàn Tống sang được mấy ngày rồi ? Sứ đoàn gồm những ai ?
- Họ sang đã năm ngày. Chánh sứ là người hoàng tộc còn trẻ tên Triệu Doãn-Chi, tước phong Trịnh Quốc-Công, y không biết võ, tính tình dễ dãi. Phó sứ tên Lâm Hoài-Đức tuổi trên năm mươi, là một cao thủ phái Thiếu-lâm, lĩnh ấn Trấn-viễn thượng tướng quân. Bồi sứ có bốn người đều họ Đinh tên Hoàng, Huyền, Thanh, Hồng. Tùy tùng hơn năm chục. Thị vệ hơn trăm.
Tối hôm sau, Thủ-Độ lấy hai quả bầu, cột vào hai bên cổ, mặc bộ quần áo trắng, đeo mặt nạ, rồi hướng dinh thái sư phóng tới. Nó nhắm trạm canh của thân binh, tung mình qua hàng rào, đáp vào trong sân nhẹ nhàng. Không thấy tên thân binh trong vọng canh, nó biết tên này đi tuần. Nó núp bên đường chờ đợi. Lát sau, tên thân binh trở về. Y trông thấy con quỷ ba đầu, thì chân tay phát run, miệng ú ớ không thành tiếng. Thủ-Độ phóng tới điểm huyệt y, rồi để y đứng tựa lưng vào vọng canh, giống như đứng canh gác. Nó hướng tòa nhà chính của dinh thự phóng tới. Không gặp người nào. Nghe có tiếng người từ trong vọng ra, đó là tiếng đàn bà. Nó núp vào cửa sổ nghe:
- Xong chưa? Ta còn lên mời Thiên-sứ đại nhân với Thái-sư xuống?
- Thưa phu nhân xong rồi ạ!
Thủ-Độ ghé mắt nhìn vào: Bên trong là một phòng ăn, trang trí cực kỳ sa hoa. Bàn ghế toàn bằng gỗ trắc khảm xà cừ sáng choang. Bốn bên của chiếc bàn ăn, là bốn cây mãn đường hồng mạ vàng. Mỗi cây mãn đường hồng lại tỏa ra năm cánh hoa, trên mỗi cánh hoa là một cây nến cực lớn. Xa chút nữa là bốn bộ da hổ nhồi bông trong tư thế nằm, trông giống như hổ thực. Trên tường treo đầy nhưng danh họa cùng bút pháp của các danh gia Trung-quốc.
Trên bàn bầy chén, đĩa bằng vàng, đũa bằng bạc, với bốn năm bình rượu khác nhau đều bằng vàng.
Một thiếu phụ tuổi trên dưới năm mươi, dáng người to lớn, bước đi nặng nề, da mặt tái mét đang chỉ huy bọn tỳ nữ bầy bàn, cắm hoa. Thủ-Độ đoán bà ta là vợ của Đàm Dĩ-Mông. Thiếu phụ hỏi một tỳ nữ:
- Thế nào, con Thùy-Dương đã trang điểm xong chưa?
- Thưa phu nhân cô ấy cứ khóc, không chịu thay quần áo, trang điểm. Tiểu tỳ đã dỗ dành, nhưng cô ấy vẫn bướng bỉnh.
- Được! Để ta nói chuyện với nó.
Nói dứt, mụ mở cửa ra ngoài hành lang. Thủ-Độ vội ẩn vào bụi cây. Mụ già béo ị tới trước một căn phòng cuối hành lang, đẩy cửa bước vào. Thủ-Độ lách mình vào bụi ngâu, dùng ngón tay thấm nước, chọc thủng giấy dán cửa sổ nhìn vào.
Trong phòng, một thiếu nữ, tuổi khoảng mười sáu, mười bẩy, nhan sắc diễm lệ. Nàng mặc bộ quần áo lụa mầu tím nhạt, cổ đeo một chuỗi hạt trai đến năm vòng. Trên đầu là cánh hoa bằng ngọc xanh biếc, dát đầy kim cương. Hai cổ tay, mỗi cổ tay đeo một cái vòng hồng ngọc đỏ chói. Nàng ngồi ủ rũ trên một chiếc giường trạm trổ tinh vi. Thấy thiếu phụ vào, nàng đứng dậy chắp tay vái liền năm vái:
- Phu nhân, sáng nay bố mẹ cháu bảo rằng: Cháu phải trang điểm thực lộng lẫy, sang dinh Thái-sư, nghe phu nhân dậy dỗ trước khi vu quy. Thế rồi cháu tới đây, thì mấy chị hầu cận phu nhân dạy cháu cách hầu rượu, dâng thức ăn cho Thiên-sứ đại nhân. Sau tiệc, cháu còn phải hầu hạ chăn gối cho ngài. Cháu thực không hiểu.
Mụ già béo ị cười:
- Thiên-sứ vâng chỉ Tống Thiên-tử sang kinh lược nước ta. Hoàng-thượng nhận sắc phong của Tống Thiên-tử thì trở thành phận tôi con. Cho nên Hoàng-thượng ban chỉ cho Thái-sư tuyển lấy mấy thiếu nữ xinh đẹp dâng lên người. Cháu ơi! Cháu khéo hầu hạ Thiên-sứ, ắt người hài lòng. Khi về Trung-nguyên, người tâu lên Thiên-tử, thì nước ta vững như bàn thạch. Cái việc mà cháu dâng hiến cho Thiên-sứ, trở thành việc cứu dân, hộ quốc. Cháu phải hãnh diện chứ?
Thiếu nữ khóc thút thít:
- Phu nhân! Xin phu nhân thương tình cho cháu trở về nhà. Đời người con gái quý nhất chỉ có cái trinh. Phu nhân đừng bắt cháu phải dâng hiến cho thằng sứ Tầu. Phu nhân ơi! Chỉ còn hơn tháng nữa, cháu về làm dâu họ Đặng rồi. Nếu cháu mất trinh thì bố, mẹ, họ hàng nhà cháu trả lời sao với gia đình nhà chồng?
Mụ già béo ị ngồi xuống cạnh thiếu nữ, vuốt tóc nàng:
- Này cháu! Bố cháu bất quá là một Kinh-diên quan dưới quyền của quan Quốc-tử giám Tế-tửu. Suốt mười năm qua cũng vẫn là Kinh-diên quan. Nếu như bây giờ, cháu chịu tiếp Thiên-sứ đại nhân, chỉ ba đêm thôi, thì Hoàng-hậu sẽ tâu với Hoàng-thượng, phong bố cháu lên làm Thượng-thư bộ Lễ. Cháu sẽ được phong tiểu thư. Bấy giờ thiếu gì anh hùng, danh sĩ tới cầu hôn. Cháu hãy quẳng cái tên họ Đặng kia xuống sông cho rồi. Thôi ta không nói nữa, cháu chuẩn bị đi, Thiên-sứ cùng Thái-sư sắp nhập tiệc. Nhập tiệc xong, Thiên-sứ sẽ vào đây với cháu.
Mụ béo ị ra khỏi phòng, thuận tay, mụ khép cửa lại.
Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Cha của thiếu nữ này là Kinh-diên quan. Trong Quốc-tử giám có tất cả bẩy Kinh-diên quan. Vị nào cũng tỏa ra cái ôn nhu, đạo đức, khiêm khiêm quân tử. Các ngài đều là thầy ta. Trong thời gian ta học ở Quốc-tử giám, tuy bọn Long-Sảm ác độc với ta. Tuy Hoàng-hậu luôn theo dõi để hại ta. Các thầy không hùa theo Hoàng-hậu, không a dua theo bọn Long-sảm. Trái lại các ngài luôn tỏ ra thương xót ta, yêu quý ta như con. Bây giờ con gái của thầy gặp nạn. Bằng mọi giá, dù tan ương nát thịt, ta phải cứu nàng thoát khỏi cái nhơ nhuốc này. Ta...Ta không ngờ tên Đàm Dĩ-Mông lại hèn hạ đến thế. Bắt lương gia thiếu bữ dâng cho tên sứ Tầu! Thực là một điều nhục quốc thể. Ta phải cứu thiếu nữ này, rồi dấu đi một nơi mới được.
Nghĩ vậy nó nhảy qua cửa sổ vào phòng. Thiếu nữ thấy hình dáng kỳ dị của nó tưởng đâu là con quỷ ba đầu mà nàng đã nghe đồn đại mấy hôm trước. Nàng vừa há miệng ra định hét lên, thì nó điểm huyệt Á-môn của nàng, rồi ghé miệng vào tai nàng nói nhỏ:
- Ta không phải là quỷ đâu. Ta là sứ giả nhà trời giáng thế cứu cô nương đây. Cô nương hiểu không? Nếu cô nương hiểu thì gật đầu đi.
Thiếu nữ gật đầu. Thủ-Độ vác nàng lên vai vọt khỏi cửa sổ, băng hàng rào ra ngoài. Nó hướng đền thờ vua Trưng, phóng như bay. Tới nơi, nó bảo thiếu nữ:
- Cô nương tạm ngồi đây, để tôi trở lại tính tội tên Đàm Dĩ-Mông với bọn Tầu, sau đó sẽ đưa cô về nhà.
Thủ-Độ đặt thiếu nữ nằm dưới gầm bàn thờ, rồi trở lại dinh Thái-sư. Nó núp sau cửa sổ phòng khách nhìn vào bên trong: Đàm Dĩ-Mông đang ngồi trên bàn tiệc với một người tuổi còn trẻ, trang phục đại thần Tống. Phía sau, sáu thiếu nữ quần áo xanh, sáu thiếu nữ quần áo hồng đứng hầu.
Đàm Dĩ-Mông nói bằng giọng khúm núm:
- Bây giờ tiểu nhân xin dâng Thiên-sứ đại nhân món canh vi cá nấu yến sào, loại hồng yến rất hiếm.
Thủ-Độ kinh ngạc:
- Gã Thiênsứ này là Triệu Doãn-Chi đây. Tại sao gã lại biết tiếng Việt?
Đàm Dĩ-Mông hô:
- Dâng lễ!
Đầu bếp bưng lên cái khay bạc, trên có hai bát canh vi yến lớn. Hai thiếu nữ áo hồng đỡ lấy, bưng đến đặt trước Đàm và gã Thiên-sứ. Dường như hai thiếu nữ cố tình, nên khi cúi xuống để ngực chạm vào má hai người.
Gã Triệu Doãn-Chi nắm lấy tay thiếu nữ, rồi kéo nàng ngồi vào lòng. Gã vừa uống rượu, vừa sờ soạng khắp người nàng. Nhìn cảnh đó, Thủ-Độ không ngạc nhiên, vì nó từng thấy các tướng Mông-cổ, sau khi thắng trận, họ bắt hoàng hậu, phi tần, công chúa của các nước bại trận hầu rượu, dùng làm vật tiêu khiển lúc xa nhà.
Gã Doãn-Chi lên tiếng:
- Đàm Thái-sư! Thái-sư kiếm đâu được mười hai nàng tiên này vậy? Bản sứ sống tại kinh đô Lâm-an, nơi nổi danh sản xuất nhiều người đẹp của Trung-nguyên, mà chưa từng thấy thiếu nữ nào xinh đẹp thế này?
- Thiên-sứ đại nhân quá khen. Tiểu nhân đã dành một thiếu nữ mười bảy tuổi, đẹp bậc nhất Thăng-long. Dáng người đã thanh lịch, lại ôn nhu văn nhã, thân thể tiết ra hương thơm. Nàng vốn là một tiểu thư khuê các, lại còn trinh nguyên. Nàng đang chờ Thiên-sứ đại nhân ở phòng ngủ bên cạnh.
Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Từ ngày vua Thái-tổ dựng nghiệp, có bao giờ triều đình phải cúi đầu nịnh hót, hối lộ, cung phụng bọn sứ như thế này đâu? Không biết cái việc bắt gái dâng cho tên sứ này là chủ ý của triều đình hay của tên Đàm Dĩ-Mông ? Dù đây là chủ trương của triều đình hay tên Đàm Dĩ-Mông, ta cũng phá cho chúng tức đến điên đảo lên, mới xứng đáng là cháu thánh Gióng. Triều đình như thế, quan đầu triều như thế, hèn gì cha ta cứ nghiến răng đòi phế bỏ ngôi vua của họ Lý, lập một triều đình mới. Ta...ta quyết thi hành cái chí của cha ta.
Bỏ phòng ăn, nó xuống nhà bếp, nấp bên cửa sổ nhìn vào: Bên trong, các món ăn đã nấu nướng xong, chuẩn bị mang lên. Tên đầu bếp, ngồi ngủ gật cạnh cửa. Có tiếng động, Thủ-Độ nhìn ra ngoài sân, dưới ánh sáng lờ mờ, nó thấy một con chuột chù đang ngửi ngửi kiếm ăn, với hai con cóc đang nhảy. Tính tinh nghịch, nó chĩa ngón tay phóng chỉ giết cả ba con vật. Rồi buông mình nhảy vào trong bếp. Tên đầu bếp thấy con quỷ ba đầu thì há hốc mồm định rú lên. Nó điểm huyệt Á-môn của y. Thế là người y cứng đơ. Tuy bị tê liệt, nhưng mắt y không bị ảnh hưởng. Nghĩ rằng mình bị quỷ bắt, y nhắm mắt lại chờ chết. Thủ-Độ bới đĩa xào thập cẩm, bỏ con chuột vào giữa, rồi vun cho đồ xào che kín như cũ. Còn hai con cóc, nó bỏ vào bụng con cá chép nướng. Hành sự xong, nó định bỏ đi, nhưng nó chợt nghĩ:
- Nếu mình bỏ đi như vậy thì tính mệnh tên đầu bếp khó toàn.
Nó vác tên đầu bếp đem bỏ vào cái ghế trong thư phòng của Đàm Dĩ-Mông, rồi nói với y:
- Ta là Vô-thượng chí-tôn đại thánh hoàng đế đây. Diêm-vương sai ta về dương thế điều tra mấy việc. Ta tạm bắt một hồn, ba phách của mi, để mi tê liệt, không nói được. Hai giờ sau, ta sẽ trả hồn phách lại cho mi. Nếu tên Đàm Dĩ-Mông có hỏi tội mi rằng sao trong đĩa xào có chuột chết, trong cá nướng có cóc, thì mi bảo là ta làm. Mi có biết tiền kiếp ta là ai không?
Tên đầu bếp gật đầu.
Hành động xong, Thủ-Độ nghĩ:
- Dù gì ăn xong, tên Thiên-sứ khốn nạn kia cũng vào phòng để hãm hiếp Thùy-Vân. Đã vậy ta đột nhập vào, nhát cho y bở vía một phen.
Nó hướng phòng Thùy-Vân, chạy tơí, mở cửa sổ nhảy vào, ngồi lên dường của nàng chờ đợi. Không đầy một khắc sau, có tiếng dép khua lẹp kẹp, rồi một người bước vào. Thì ra là mụ vợ Đàm Dĩ-Mông. Sau khi khép cửa, mụ ngẩng mặt lên, nhìn thấy hình dáng kỳ dị của con quỷ ba đầu thì chân tay bủn rủn, miệng há hốc ra không kêu thành tiếng. Thủ-Độ cúi xuống ngỏng lên. Ba cái đầu cùng gật một lượt. Mụ sợ quá ngã ngồi xuống. Sợ mụ la lên, Thủ-Độ phóng tới điểm huyệt mụ, rồi bồng mụ đặt lên giường, lấy chiếc khăn lụa trùm kín mặt mụ. Nó cười thầm:
- Mình định nhát tên Thiên-sứ, nhưng mụ này ở đâu dẫn xác vào. Mình để mụ nằm đây, lát nữa tên Thiên-sứ nhập phòng, hân hoan thưởng thức đóa hoa đẹp nhất Long-thành, thì chỉ thấy một mụ già béo ị.
Nó nhảy ra khỏi căn phòng nhỏ, rồi trở lại núp ngoài phòng ăn. Nó lắng tai nghe. Gã Thiên-sứ hỏi :
- Mấy hôm nay, bản sứ đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về con quỷ ba đầu hiện lên ở Đông-cung. Không biết nó có còn hiện lên ở đâu nữa không ?
- Thưa ngài chưa.
- Sao triều đình không tìm cách trấn áp nó đi ! Không lẽ cứ để nó hoành hành như vậy sao ?
- Quốc-vương đã sai Phạm Bỉnh-Di đem thanh kiếm của người tới trấn ở Đông-cung. Dường như con quỷ sợ oai, nên không thấy hiện lên nữa.
- Thế con quỷ đó gốc tích ra sao ?
- Nó xưng là oan hồn của Thái Long-Xưởng.
- Thái-hậu hiện là Công-chúa tiên-tử của phái Hoa-sơn. Mà phái Hoa-sơn nức tiếng thiên hạ về việc bắt tà, trừ quỷ. Sao Thái-hậu không ra tay ?
- Có lẽ, sau khi Phạm Bỉnh-Di trấn áp, nó không hiện lên nữa, nên Thái-hậu mới không im lặng.
- Cô gia lo nhất là hồn ma của Đoan-Nghi. Nếu hồn ma này hiện lên gào khóc, thì phái Đông-A không ngồi im đâu.
- Đại nhân đừng lo, Thái-hậu đã sai Đoàn Văn quật mồ nó lên, bỏ vào đó một con chó mực, thì không sợ gì nữa.
Tim Thủ-Độ đập thình thình, cứ như tên Thiên-sứ với Đàm Dĩ-Mông luận thì cái chết của mẹ ta do triều đình Tống, triều đình Việt cùng ra tay. Chà ! Vấn đề này to lớn đây.
Dĩ-Mông vẫy tay, một thiếu nữ áo vàng hô lên :
- Dâng rau xào thập cẩm.
Không có tiếng đáp lại, cũng không thấy đầu bếp bưng lên. Dĩ-Mông truyền lệnh :
- Mai ! Người vào bếp xem sao ?
Thiếu nữ áo vàng rời khỏi phòng, lát sau nàng trở lại với đĩa xào thập cẩm. Nàng bưng để trước mặt Đàm Dĩ-Mông. Dĩ-Mông trịnh trọng :
- Xin mời đại nhân. Món thập cẩm này gồm ruột gà, tim gà, cật gà, mề gà, gan gà, vi cá, mực, cua, tôm, sò. Tất cả đều do trấn Thiên-trường gửi về.
- Thiên-trường à ! Bản sứ thấy tiếng tăm, thế lực bọn Đông-A quá lớn. Thái-sư là tể thần, phải liệu trừ đi cho sớm. Ai đời trong một nước mà cả một vùng trù phú, dân cư đông đúc, triều đình để cho một võ phái kiểm soát hết thì thể diện đấng quân phụ còn ra gì nữa?
- Tiểu nhân xin ghi nhớ lời Thiên-sứ. Song muốn trừ chúng cũng khó. Bởi dân chúng, do tên Trần Lý chiêu mộ về. Đất đai, thì y bỏ tiền ra giúp dân khai hoang. Trong vùng ảnh hưởng của y, không có nạn cường hào, trộm cướp cũng không. Vạn nhất mà có gì xẩy ra, chỉ cần vùng này đóng cửa, thì dân Thăng-long không còn gạo, trâu, bò, gà vịt, tôm cá mà ăn.
Triệu Doãn-Chi gắp món xào thập cẩm đưa lên miệng, dường như thấy mùi vị lạ, hắn nhăn mặt nuốt đi, rồi gắp một gắp khác đưa lên mũi ngửi. Hắn bỏ xuống, rồi hỏi Dĩ-Mông :
- Món này có thêm gia vị gì không mà sao có mùi hơi nặng.
Dĩ-Mông cũng cảm thấy có mùi lạ, y cầm đũa đảo cả đĩa ào thập cẩm lên, thì hỡi ơi, giữa đĩa có con chuột chù hôi thối cùng cực. Y ra lệnh cho thiếu nữ áo vàng :
- Gọi tên đầu bếp lên đây !
- Thưa Thái-sư, y bỏ đi đâu mất rồi !
- Người xuống bếp, xem còn món gì khác thì đem lên.
- Vâng.
Con hầu Mai rời phòng ăn, rồi trở lại với cái đĩa bằng bạc lớn, trên để con cá chép cực lớn, nướng vàng ngậy. Đàm Dĩ-Mông trịnh trọng dùng đũa vẽ lái lườn con cá bỏ vào bát gã Thiên-sứ. Gã Thiên-sứ gắp cá chấm nước mắm ăn. Gã gật gù :
- Cá nướng ngon thực.
Gã vẽ một miếng cá nữa, thì trong bụng cá có cái gì lòi ra. Cho rằng đây là bộ đồ lòng. Y dùng đũa kéo ra, thì ôi thôi một, rồi hai con cóc.
Mặt Dĩ-Mông tái xanh. Y đứng dậy chắp tay vái Triệu Dụng-Chi :
- Đại nhân ! Xin Đại-nhân xá tội ! Cái tên đầu bếp này phản chủ, rồi bỏ trốn. Tiểu nhân xin tạ tội bằng cách mời Thiên-sứ rời khỏi đây, đến một tửu lầu lớn nhất Long-thành, sẽ có đủ miếng ngon vật lạ.
Doãn-Chi xua tay :
- Thôi, bản sứ ăn mấy món trước cũng đã lửng bụng rồi. Bản sứ muốn đi nghỉ.
Dĩ-Mông cúi rạp người xuống :
Tiểu nhân xin mời Thiên-sứ tới căn phòng hoa, giai nhân Thùy-Dương đang đợi chờ !
- Được !
Dĩ-Mông đi trước, gã Thiên-sứ theo sau. Tới căn phòng Thùy-Dương, Dĩ-Mông ngừng lại, vái một vái :
- Xin mời Thiên-sứ.
Triệu Doãn-Chi hân hoan cùng cực, trong tâm tưởng tượng ra sau cánh cửa ; một tuyệt thế giai nhân đang chờ đợi dâng hiến đời con gái cho mình.
Y đẩy cửa bước vào !
Dụng-Chi mở cửa vào trong. Cánh cửa khép lại. Dĩ-Mông định bỏ đi, thì một thân binh hớt hải vác một thân binh khác đến. Y run run để thân binh trên vai xuống :
- Thưa Thái-sư, con quỷ ba đầu nhát chết một thân binh tên Hòa.
Nghe nói đến con quỷ ba đầu, mặt Dĩ-Mông tái xanh. Y run run cầm mạch tên Hòa :
- Nó chưa chết. Nó chỉ ngất đi thôi. Người kiểm lại xem, trong phủ còn có ai bị nhát nữa không ?
Lát sau, viên trưởng sử tới, y run run :
- Thưa Thái-sư, con quỷ ba đầu nhát chết hai viên thư lại rồi.
Dĩ-Mông cũng bắt đầu sợ. Y đờ người ra, thì cửa phòng Thùy-Dương bật mở, gã Thiên-sứ run run :
- Trong phòng này, Thái-sư bảo có người đẹp, mà sao chỉ có một mụ già béo ỵ. Mụ này chết cứng từ hồi nào rồi.
Dĩ-Mông tung cửa vào, người nằm trên giường không phải Thùy-Dương, mà là vợ y. Vợ y chết rồi. Y nói với gã Thiên-sứ:
- Đại nhân, có lẽ con quỷ nuốt Thùy-Dương, nhát chết vợ tôi, rồi đem xác bỏ vào đây.
Phủ Thái-sư đánh trống báo động. Đích thân Dĩ-Mông cùng gia tướng đi kiểm soát. Trong phủ có trên ba trăm người, mà hơn năm chục người bị con quỷ ba đầu nhát.
Núp trong bụi cây, Thủ-Độ nghĩ :
- Mình quậy phủ Thái-sư như vậy cũng đủ rồi. Cứ theo lời tên Triệu Dụng-Chi, thì người chủ chốt trong vụ ám toán mẹ mình gồm cả Tống triều, lẫn triều Lý. Hà, vụ này ngoài tầm tay mình rồi. Tuy vậy mình vẫn phải tìm cho ra, bọn Việt là bọn nào ?
Nó cất mặt nạ, gỡ hai quả bầu gói lại, rồi tung mình ra khỏi hàng rào phủ Thái-sư. Nó hướng đền vua Trưng dùng khinh công phóng tới. Bất giác nó ngẩn người ra, vì Thùy-Dương không còn đó nữa. Nó nghĩ thầm:
- Chắc là sau hai giờ, huyệt đạo tự giải, Thùy-Dương đã tìm đường trở về nhà rồi. Ta chẳng nên quan tâm.
Nó trở về Tây-hồ thủy-xá vào lúc qúa canh ba. Tuy vậy đám Tây-hồ thập bát anh hào còn thắp đèn ngồi học. Cả bọn cùng ùa ra đón Thủ-Độ.
Đệ tam hào mở cổng cho Thủ-Độ vào rồi hỏi:
- Anh có việc gì, mà giờ này lại ra đây?
Thủ-Độ đang khoái trá cùng cực, nó cười:
- Các em chăm học thực! Giờ này còn thức! Chú Cửu-Kiệt ra gọi gã hàng phở ở đầu phố lại đây. Anh em ta cùng ăn phở gà với nhau.
Gã bán phở rong cùng bà vợ đẩy xe tới. Thủ-Độ hỏi:
- Này anh! Anh có mấy cái bát lớn?
- Tôi chỉ có mười cái lớn, mười cái nhỏ thôi.
- Bây giờ anh làm phở cho mười chín đứa chúng tôi cùng ăn. Liệu có đủ cho mỗi đứa hai bát to không?
Hôm nay là ngày ế ẩm, gã hàng phở đang lo nghĩ phải đem nồi phở ế về. Nghe Thủ-Độ hỏi, anh ta mừng lắm:
- Đủ! Thưa đủ chứ.
Cả bọn mười tám đứa trẻ với Thủ-Độ cùng ăn. Mỗi người hai bát lớn, hoặc ba bát nhỏ. Gánh phở vẫn chưa hết. Thủ-Độ hỏi:
- Chị Hai, chị Ba đâu? Mời các chị ăn phở một thể.
Chị Hai, chị Ba là hai thiếu phụ trẻ. Thủ-Độ mượn để nấu cơm, giặt dũ trong nhà. Tam-Anh xua tay:
- Các chị ấy ngủ rồi.
Thủ-Độ hỏi gã bán phở:
- Anh còn độ bao nhiêu bát?
- Khoảng hai chục
- Thôi, làm cho chúng tôi ăn hết, để anh trở về không, khỏi cất để bán ngày mai.
Ăn phở xong, bọn Thập-bát Anh-hào lại tiếp tục học. Thủ-Độ trở về phòng ngủ. Khép cửa phòng, vừa tháo dầy ra, nó chợt nhận thấy có người nằm. Người đó là Thùy-Dương. Thùy-Dương vẫn bị điểm huyệt, mắt nàng mở to nhìn Thủ-Độ. Kinh-hãi, Thủ-Độ chạy ra ngoài hỏi đám Thập-bát Anh-hào:
- Hồi chiều đến giờ có ai lạ vào nhà mình không?
- Không! Có chuyện gì xẩy ra?
- Thôi được!
Trở vào phòng, Thủ-Độ ghé miệng vào tai Thùy-Dương:
- Cô nương có biết ta là ai không?
- Ngài có phải là thiên tướng giáng thế cứu tiểu nữ không? Ban nãy ngài hiện ra ba đầu, bây giờ lại biến thành một Thiên-đồng.
- Cô nương có biết đây là đâu không?
- Đây là Thiên-cung chăng? Ban nãy ngài bỏ tiểu nữ dưới gầm môt cái bàn, lát sau ngài lại hiện ra hình một tiên nữ, mang tiểu nữ về đây.
Vốn cực kỳ thông minh, Thủ-Độ đoán ra:
- Hành động của ta đã bị một võ lâm cao thủ là đàn bà theo dõi. Chắc là vị trung niên to lớn, với bà vợ xinh đẹp ở Văn-miếu...hôm trước. Hai người này muốn trêu ta, nên mang Thùy-Dương bỏ vào phòng, rồi rình xem ta có hành vi khinh bạc không đây! Vậy ta cũng trêu lại.
Nó lên tiếng:
- Đêm khuya, cao nhân rình ở ngoài như vậy e nhẹ thể đi! Xin mời vào tương kiến!
Có tiếng cười trong như nước suối chảy:
- Thông minh thực!
Rồi tiếng chân người di động. Biết có đuổi theo cũng vô ích. Thủ-Độ bảo Thùy-Dương:
- Cô nương là con của vị Kinh-diên quan nào ?
- Phụ thân của tiểu nữ họ Phạm tên Kính-Ân.
Không giữ được bình tĩnh, Thủ-Độ bật lên tiếng kêu :
- Ái chà.
Vì Phạm Kính-Ân là một Kinh-diên quan, mà Thủ-Độ kính trong nhất trong các thầy ở Quốc-tử giám. Quên mất mình đang là Thiên-tướng, nó chắp tay :
- Cô nương là con thầy Kính-Ân, theo nghĩa của Nho-gia, con thầy là anh chị mình. Vậy cô nương là chị tôi rồi !
Nghe Thủ-Độ nói, Thùy-Dương ngẩn người ra :
- Ngài có biết gia nghiêm à ?
Thủ-Độ chợt tỉnh, nó chữa :
- Tôi thường tàng hình kiểm soát Quốc-tử giám, nên được nghe Phạm tiên sinh giảng sách. Tôi kính ngài là bậc thầy.
Nó dặn Thùy-Dương:
- Bây giờ tôi đưa cô nương về nhà. Nếu Đàm Dĩ-Mông làm khó dễ cô nương, hỏi tại sao cô nương trốn khỏi dinh y, thì cô nương cứ trả lời rằng, cô nương được một thiên tướng ba đầu đã cứu rồi đem về nhà.
Thùy-Dương quỳ gối rập đầu:
- Xin thiên tướng nhận ở tiểu nữ tám lạy, gọi là tấc lòng biết ơn.
Thủ-Độ không cho nàng lạy, nó nói:
- Sau này tôi sẽ hiện hình nhiều lần, hóa làm nhiều người khác nhau; làm sao cô nương nhận được tôi? Vậy tôi cho cô nương một kệ. Khi gặp một người xưng là thiên tướng, thì cô nương đọc câu Đông-sơn chi pha. Nếu người đó đáp lại là Nhật chiếu cương la. Thì đúng. Còn như y đáp sai, hoặc ngơ ngác là giả mạo. Cô nương có hiểu nghĩa không?
- Thưa thiên tướng, nghĩa rằng ngài là thần núi phương Đông, như mặt trời chiếu xuống thế gian, cứu những kẻ bị nạn, như thỏ, như nai bị mắc lưới.
Sự thực Thủ-Độ muốn nói.
"Đông-sơn chi pha"
Nghĩa là sườn núi phương Đông. Pha là sườn, có nghĩa là phụ. Chữ phụ với chữ Đông thành chữ Trần. Nhật-chiếu nghĩa là mặt trời lướt qua, tức chữ Độ. Cả hai câu có nghĩa: Trần Thủ-Độ cứu người mắc nạn như cá lọt lưới. Nay thấy Thùy-Dương giảng khác đi. Nó không muốn cãi. Nó hỏi nhà thiếu nữ ở đâu? Thiếu nữ kể rành rọt cho nó nghe. Nó phóng chỉ điểm huyệt thiếu nữ, rồi đưa nàng về nhà.
Hoàn thành công việc xong, Thủ-Độ trở về Tây-hồ thủy-trang ngủ. Sáng hôm sau, nó thức giấc thì mặt trời đã lên cao. Bọn Tây-hồ thập bát anh hào học văn với thầy đồ vừa xong. Chúng đang tiễn thầy về.
Thủ-Độ gọi chúng tới . Nó nói :
- Các em có biết đêm qua, con quỷ ba đầu lại hiện ra, quấy phá dinh Thái-sư Đàm Dĩ-Mông không ?
Cả bọn nhao nhao lên :
- Con quỷ quậy như thế nào ? Anh nghe được ở đâu ?
- Nghe chính viên trưởng sử của Đàm phủ kể.
Rồi nó tường thuật chi tiết những gì xẩy ra đêm qua. Cuối cùng nó ra lệnh :
- Các em lại làm như hôm trước. Nghĩa là chia nhau, mỗi em ra một chợ ở Thăng-long, thuật cho tụi ăn mày, hoặc tụi trẻ con nghe. Hễ quan quyền có hỏi, thì nói rằng chính tai nghe viên trưởng sử kể.
Thế là không đầy một ngày, khắp Thăng-long, người ta tụm năm túm ba thuật cho nhau nghe hành trạng của con quỷ ba đầu. Dân chúng, kẻ sĩ nghe chuyện đều tấm tắc khen con quỷ có hành vi giống Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn vọng thê hòa thương thời vua Thái-tổ, Thái-tông, Nhân-tông và Côi-sơn song ưng thời vua Anh-tông.
Tin tức này làm cho Thủ-Độ cảm thấy cực kỳ cao hứng. Quyết định thám thính nhà tên Đặng Vũ, nó gọi Tứ-Anh, Tứ-Hào vào thư phòng ra lệnh :
- Các em ra lệnh cho thủ hạ theo dõi nhà của tên Đặng Vũ xem chiều nay có gì lạ không ?
Tứ-Anh, Tứ-Hào đi liền. Vào khoảng đầu canh một, chúng về báo với Thủ-Độ :
- Nhà tên Đặng Vũ có lễ lớn. Y mời đạo sư Thiên-Sơn đến làm lễ yểm tà.
- Nhà y bị ma quấy phá à ?
- Không ! Y nghe nói con quỷ ba đầu hiện hồn nhát người ở Đông-cung, rồi phủ Thái-sư. Y lo sợ vội yểm trước.
- Thôi được ! Các em đi ngủ đi !
Thủ-Độ vào phòng, lấy bộ đồ làm quỷ đeo vào lưng rồi hướng Nghi-tàm, dùng khinh công phóng tới. Đến hàng rào nhà Đặng Vũ, nó liếc nhìn vào trong : Đèn nến sáng trưng. Bốn góc của khu vườn đều cắm cờ theo ngũ hành. Đông mầu xanh, Tây mầu trắng. Nam mầu đỏ, Bắc mầu đen. Giữa sân, một bàn thờ lớn, trên đặt bài vị Tam-thanh, Tứ-đế, đầy lễ vật. Một người trong y phục đạo sư đang xõa tóc, cầm gươm làm phép. Hai bên mỗi bên có mười hai đệ tử cầm cờ Bát-quái. Xung quanh, có hàng trăm người đang ngồi, đứng lố nhố xem . Lại có năm người đánh trống, gõ thanh la, đập phách. Tên Đặng Vũ quỳ gối cùng thủy thủ đoàn mười tám tên, hướng bàn thờ lạy lia lịa.
Thủ-Độ nghĩ thầm :
- Tội nghiệp cho ông đạo sư kia ! Ông làm phép trấn tà chết. Trong khi ta là con tà sống đứng đây. Ta phải dọa cho tên Đặng Vũ này sợ đến té đái vãi phân ra thì mới mong y khai sự thực.
Tay đạo-sư Thiên-Sơn bắt quyết, miệng hú lên lanh lảnh, trong khi đó thì một tên đệ tử túm lưng một hình nộm lắc lư. Hình nộm trong y phục phụ nữ, trước ngực có đề chữ. Nhưng ở vì tối quá nó không đọc được.
Thủ-Độ đã được nghe nói: Khi gia chủ giết oan một người nào, bị hồn ma hiện về nhát, thì có hai cách giải quyết. Một là tìm một nhà sư, làm chay, giải oan, cắt đoạn cho oan hồn đi đầu thai. Hai là mời thầy phù thủy về bắt hồn con tà, bỏ vào một cái hũ, trên đậy nắp, dán bùa, rồi thả chìm xuống đáy sông. Hồn con tà đời đời, kiếp kiếp bị giam, không bao giờ ra được. Trường hợp oan hồn thành quỷ rồi, thì thầy sẽ dùng một hình nộm kết bằng rơm, cho mặc quần áo như khi con tà còn sống thường mặc. Trên ngực hình nộm đề niên canh bát tự của con tà. Thầy làm phép cho hồn con tà nhập vào hình nộm, rồi dùng gươm phép giết chết.
Bây giờ thấy hình nộm di chuyển, đạo sư làm phép, nó biết ngay, ông ta sắp giết chết một người...đã chết. Không biết kẻ xấu số nào sắp bị chết một lần nữa đây? Hình nộm di chuyển đến bên ngọn đuốc. Thủ-Độ nhìn rõ ràng chữ đề trên hình nộm là Lý Đoan-Nghi.
Uất khí vì cái chết của người mẹ thân yêu chưa nguôi, bây giờ Thủ-Độ thấy người ta sắp giết mẹ mình một lần nữa. Nó nghiến răng:
- Ta phải giết tên đạo sư Thiên-Sơn khốn nạn này.
Nhưng nó nghĩ:
- Dù võ công ta cao đến đâu, mà ta xông ra, thì cũng bị hàng trăm người kia giết chết.
Nó vòng hàng rào ra phía sau nhà quan sát, trên ngôi nhà chính, nhà ngang, bếp đều vắng bóng người. Năm con chó bị xích vào gốc cây. Nó tung người vào hàng rào. Năm con chó vừa há miệng định tru lên, thì đã bị Thủ-Độ điểm huyệt. Nó dấu bốn con ở bụi cỏ khu vườn hoang bên cạnh. Còn một con, nó mang treo hai chân sau lên cột buồm chiếc du thuyền đậu ở bờ hồ. Xong xuôi, nó dùng sỏi bắn vào đầu chó để giải huyệt. Huyệt vị vừa được giải, con chó tru lên một tiếng dài, rồi kêu oăng oẳng. Tiếng tru, kêu của chó vọng ra phía trước, lập tức tiếng trống, tiếng thanh la im bặt.
Nghe tiếng cho tru, mặt tên Đặng Vũ tái xanh. Y ra lệnh cho một thủy thủ :
- Người ra phía sau xem tại sao chó tru như bị ai đánh vậy ?
Dường như tên thủy thủ có vẻ sợ hãi. Y tần ngần một lát, rồi miễn cưỡng đứng lên, tay cầm cây đuốc, tay cầm đao ra phía sau. Y vượt qua khoảnh vườn tới bờ hồ. Nhìn lên thấy con chó bị treo ngược, y rởn tóc gáy, chân tay run lật bật. Y quay trở lại định chạy, thì con quỷ ba đầu chặn mất lối đi. Y hét lên một tiếng hãi hùng, rồi quẳng đao, quẳng đuốc chạy ra phía trước. Y chỉ nói được một tiếng :
- Quỷ...Quỷ ba đầu.
Rồi ngất xỉu.
Đạo sư cùng chư đệ tử cùng múa cờ, phất phướn, tay bắt quyết. Đám thủy thủ cùng cầm đao, cầm đuốc chạy ra phía bờ hồ. Đám người xem, người nhà kinh hoảng cũng chạy theo. Tới nơi, tất cả cùng ngây người ra nhìn chiếc du thuyền đang từ từ chìm. Trên cột buồm, con chó bị treo ngược, đang dẫy loạn xạ, tru lên rùng rợn.
Đặng Vũ vẫy tay, đám thủy thủ dàn ra, bao vây lấy khách và người nhà. Còn đạo sư với đệ tử cùng múa chân, múa tay bắt quyết, miệng hú lên những câu thần chú. Khi chiếc du thuyền chim xuống rồi, thấy không có gì lạ, đạo sư an ủi :
- Con quỷ ba đầu đã bị bần đạo đuổi đi rồi.
Bỗng có nhiều tiếng chó tru phía trước. Đạo sư đi đầu dẫn mọi người trở lại bàn thờ. Đèn nến tắt hết. Trong sân tối om, tiếng chó tru vang lên trên bàn thờ. Dưới ánh đuốc chập chờn, bốn con chó nằm bốn góc bàn thờ trong tư thế bốn chân duỗi rất nhàn tản, miệng kêu oăng oẳng. Lễ vật biến mất. Hình nộm công chúa Đoan-Nghi cũng không còn.
Q9- Anh Hùng Đông-A Dựng Cờ Bình Mông
Lời nói đầu
Hồi 1
Hồi 2
Hồi 3
Hồi 4
Hồi 5
Hồi 6
Hồi 7
Hồi 8
Hồi 9
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Hồi 31
Hồi 32
Hồi 33
Hồi 34
Hồi 35
Hồi 36
Hồi 37
Hồi 38
Hồi 39
Hồi 40
Hồi 41
Hồi 42
Hồi 43
Hồi 44
Hồi 45
Hồi 46
Hồi 47
Hồi 48
Hồi 49
Hồi 50