Hồi 38
Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Thấm thoắt đã đến ngày mười tư tháng tám. Trong suốt mười ngày trước, Tự-Khánh, Thủ-Độ, Mỹ-Vân, Kim-Dung ngày đêm luyện võ cho bọn Cửu-hào. Bản lĩnh chúng tiến nhanh vô cùng.
Thủ-Độ lấy bốn cái thẻ bài trao cho Tự-Thừa :
- Đây là thẻ bài của cung Ngọc-lan. Người nào cầm thẻ bài này, thì coi như kẻ thân tín của Nam-thiên huyền-quân. Em phải vào cung để điểm danh, trước khi thí võ. Vậy hai anh dùng thẻ bài này dẫn Kim-Dung, Mỹ-Vân trà trộn vào đám con quan, xem cuộc thi tuyển.
Nó dặn bọn Cửu-hào :
- Khi phải lên đài đấu với sĩ tử, các em chỉ nên đánh cầm chừng, dò dẫm bản lĩnh của họ. Nếu thấy bản lĩnh họ cao thâm, hãy xử dụng hết công lực. Còn như bản lĩnh họ thấp, ta cứ đánh lấy lệ. Cuối cùng ta dùng một tuyệt chiêu thắng họ. Sau khi thắng họ, thì phải khen ngợi họ, tìm cách kết thân, rồi rủ họ nhập vào hệ thống Khả-hãn của mình. Có như vậy, ta mới đủ lực làm cái gì cho đất nước.
Thủ-Độ về cung Ngọc-Lan vào buổi trưa hôm mười tư. Đạo-cô Thụy-Hương thấy nó thì mừng ra mặt :
- Đàm Độ ! Người đi đâu hai tháng nay ?
- Đệ tử đi Phong-châu, Đăng-châu, Hồng-châu chơi.
- Người có biết ngày mai là ngày tuyển võ đình thí không ?
- Đệ tử nhớ. Nhưng đệ tử không muốn dự tuyển, vì bản sự quá non nớt.
- Không muốn thì cũng phải thi, vì mi là cháu Hoàng-hậu.
- Thưa Tiên-tử, thế ai làm giám khảo ?
- Kiến-khang, Kiến-bình vương cùng Đại đô-đốc Phùng Tá-Chu, Quản Khu-mật viện Quách Bốc. Ta sẽ cố gắng giúp mi đoạt được ngôi vị Tiến-sĩ, rồi cho mi làm trưởng đoàn Thị-vệ cung này. Mi tắm rửa rồi lên đây ăn cơm với ta.
Trong khi tắm, Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Dù gì Tiên-tử cũng là người mà phụ thân ta sủng ái trên ba năm. Trước đây bà đối xử tàn tệ với ta, chẳng qua vì ghen tương với mẹ ta mà ra. Bây giờ bà đổi thái độ, thân ái với ta, vì muốn dùng ta thay phụ thạn ta. Làm sao bây giờ?
Tưởng đến lần trước, Thụy-Hương trong y phục lụa mỏng, bó sát người, ôm áp, vuốt ve, hôn hít khắp người nó. Cơ thể nó lại rừng rực như hàng trăm ngọn lửa thiêu đốt, mặt nó nóng bừng. Nó vội dùng thức khí công Tiêu-sơn hóa tinh pháp, lập tức một cảm giác mát mẻ đến vơí nó. Nhưng chỉ một lát sau, người nó lại rạo rực, chân khí chạy hỗn loạn.
Nó than:
- Làm sao bây giờ ?
Thay quần áo, Thủ-Độ lên Tam-Thanh điện. Trong điện chỉ có mình Thụy-Hương. Cung nga, thái giám không còn người nào cả. Thụy-Hương ngồi bên cạnh một mâm cơm, đầy thức ăn bốc hơi ngùn ngụt; nào cá hấp, nào thịt gà nướng, nào canh thập cẩm. Thụy-Hương chỉ mâm cơm:
- Người biết không? Đầu bếp ở đây cũng khá, nhưng không thể so sánh với ta. Ta biết hôm nay người sẽ trở về, nên đích thân ta vào bếp làm những món này cho người ăn đấy.
Thủ-Độ từng nghe Thúy-Thúy thuật lại rằng, Thụy-Hương là người có hoa tay về khoa nấu nướng. Hồi Thái-tử Long-Xưởng còn sống, nàng từng giữ chức Thái-tử thượng thiện. Cho đến vua Anh-tông, không thiếu gì những Ngự-trù tài ba, mà cũng bị nàng chinh phục băng tài nấu nướng.
Thụy-Hương xơí cơm, gắp thức ăn bỏ cho Thủ-Độ. Nó im lặng thưởng thức hương vị tuyệt đỉnh của các món trân bảo.
Ăn xong, Thụy-Hương vẫy Thủ-Độ theo theo bà vào phòng. Thủ-Độ muốn chống lại, mà chân tay vô lực. Trong phòng của Thụy-Hương, dường khảm xà cừ sáng lóng lánh. Nệm trải khăn bằng lụa hồng nhạt. Thuận tay Thụy-Hương đóng cửa, rồi bà ôm chầm lấy nó. Thủ-Độ điếng người đi, nó nghiến răng nghĩ thầm:
- Không thể! Ta không thể chung một người đàn bà với cha ta.
Nó vận Tiêu-sơn hóa tinh pháp.
Ghi chú của thuật giả
Viết đến đây, tôi xin ngừng lại, để độc giả Anh-hùng Đông- A suy đoán:
- Thủ-Độ là người con có hiếu, nhưng liệu có chống lại sức cám dỗ, tài chinh phục đàn ông của Thụy-Hương không?
- Hay Thủ-Độ nhắm mắt hưởng thụ, vì nó bị ảnh hưởng của phong tục vùng Thảo-Nguyên: Khi cha chết, con có quyền ăn nằm với tất cả vợ của bố, chỉ trừ mẹ đẻ?
Lý nào đúng?
Sáng hôm sau, Thủ-Độ dậy sớm đến võ đường trong Hoàng-cung để Phạm Bỉnh-Di điểm danh. Bọn Đoàn Thượng, Nguyễn Dư, Phạm Bỉnh-Du nhìn nó bằng nửa con mắt. Đoàn Thượng nói nhỏ :
- Thằng khùng mà cũng thi võ . Nếu nó đấu với ta, thì chỉ nửa chiêu, cam đoan ta đánh cho nó thành tàn tật.
Phạm Bỉnh-Du nói thầm vào tai Nguyễn Dư, Đoàn Thượng :
- Chúng ta đều nhận mật chỉ của Hoàng-hậu, nhân cuộc đấu này, dùng võ công giết tươi nó đi cho tuyệt hậu hoạn. Vậy trong anh em chúng ta, ai rút thăm đấu với nó, thì phải làm cho được.
- Từ hồi đó đến giờ, nó có luyện võ bao giờ đâu ? Giết nó chỉ cần một chiêu cũng đủ.
Nội công Thủ-Độ rất cao, bao nhiêu lời bàn tán, nó nghe thấy hết. Nó nghĩ thầm:
- Ừ! Cho chúng bay bàn tán. Nếu trời xanh dun dủi, mà bọn bay đấu với ta, ta không giết bọn bay đâu, mà gây cho bọn bay nhục nhã ê chề, làm trò cười cho thiên hạ.
Sau khi điểm danh, Phạm Bỉnh-Di dẫn 72 đệ tử lên đường đến viện Giảng-võ. Trong sân điện, võ đài là một cái sàn cao hơn trượng, vuông vức mỗi bề có đến hơn mười trượng. Xa xa, xung quanh, có tám khán đài theo hình Bát-quái, dùng cho quan khách tham dự. Cái ở phương vị quẻ Càn cao hơn hết, trên đặt cái ngai vàng ; đây là khán đài của nhà vua, các vị thân vương, đại thần. Khán đài đặt ở phương vị quẻ Khôn dành cho các giám khảo. Còn lại sáu khán đài dành cho sáu đại môn phái : Tiêu-sơn, Đông- A, Mê-linh, Sài-sơn, Tây-vu, Thiên-sơn.
Theo chương trình, đúng giờ Thìn, thì nhà vua sẽ cùng đạo cô Nam-thiên huyền quân đến. Thế mà gần cuối giờ Mão, mới chỉ có chưởng môn nhân phái Mê-linh là Nghi-Phương sư thái cùng hơn năm trăm để tử tơí mà thôi.
Binh-bộ thượng thư Đỗ Kính-Tu cuống lên, hỏi Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn :
- Dường như có sự bất thường gì thì phải ?
Đoàn Văn than :
- Trước đây, mỗi khoa tuyển võ, triều đình để cho các môn phái với Binh-bộ tổ chức. Ứng sinh thuộc đệ tử các phái. Lần này triều đình gạt các môn phái ra, lại nữa triều đình cấm các phái không được thu đệ tử, nên ứng sinh hoàn toàn là người của Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng. Chính vì vậy mà các môn phái không tới tham dự.
Các giám khảo cũng đã đến : Kiến-khang vương, Kiến-bình vương, Phùng Tá-Chu, Quách Bốc.
Ngồi dưới đài, Thủ-Độ đưa mắt nhìn Phùng Tá-Chu :
- Bố mẹ ta nói, chồng của cô Kim-Ngân ta tên Phùng Tá-Chu, là một mĩ nam tử quả không ngoa. Tuổi người đã gần năm mươi mà trông vẫn như cây ngọc trước gió.
Ba tiếng pháo nổ, rồi âm nhạc cử lên, tiếng loa xướng :
- Hoàng thượng giá lâm.
Từ giám khảo cho tới các thí sinh đều quỳ gối, cúi mặt xuống. Nhà vua đi ngựa. Phía sau ngựa có hai cái kiệu. Trên kiệu là đạo cô Nam-thiên với An-toàn hoàng hậu.
Tên thái giám Đỗ Quảng hô :
- Miễn lễ.
Tất cả đứng dậy.
Nhà vua, đạo cô, Hoàng hậu cùng lên đài ngồi. Binh-bộ thượng thư Đỗ Kính-Tu tâu thể lệ tuyển võ, số thí sinh, cùng danh tính các giám khảo.
Đạo-cô Nam-thiên hỏi :
- Đỗ thượng thư ! Tại sao các môn phái không ai tới dự ?
- Thần cũng không hiểu tại sao nữa.
Thủ-Độ phóng con mắt nhìn trong khán đài dành cho Hoàng-tộc, gia đình các quan, nó nhận ra Tự-Thừa, Tự-Khánh, Kim-Dung, Mỹ-Vân đã có mặt.
Có tiếng loa hô :
- Thiên-sứ đại nhân cùng sứ đoàn tới.
Chánh-sứ Triệu Dụng-Chi, phó sứ Lâm Hoài-Đức với ba bốn bồi sứ cỡi ngựa đi vào. Nhà vua cùng các đại thần đứng dậy chào. Sứ đoàn an tọa xong.
Thủ-Độ đã nghe nói trong sứ đoàn có bốn bồi sứ đều họ Đinh mang tên Đinh Hoàng, Đinh Huyền, Đinh Thanh và Đinh Hồng. Nó đã biết mặt Huyền, Thanh, Hồng. Hôm nay nó mới thấy Đinh Hoàng. Mới nhìn Đinh Hoàng, người nó đã choáng váng : Dù thời gian qua gần chục năm, nó cũng nhận ra Đinh Hoàng là tên chỉ huy đội tiễn thủ ám toán mẹ nó. Đinh Hoàng cụt một tay trái, tay áo để rủ xuống. Nó nghiến răng nhìn y với con mắt tóe lửa.
Cuộc thí võ bắt đầu. Kiến-khang vương là chánh chủ khảo. Ông lên đài nhắc các thí sinh năm điều :
- Một là không được dùng ám khí có tẩm thuốc độc. Hai là không được cắn đối thủ. Ba là chỉ đấu để phân cao thấp. Thí sinh nào đánh chết đối thù thì bị đánh trượt. Bốn là thí sinh nào nhận thấy bản lĩnh kém cỏi, thì có quyền rút lui. Năm là, sau khi tuyển ba khôi nguyên Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa bất cứ thí sinh nào không phục, cũng có quyền lên đài thách đấu. Nếu như thí sinh nào đả bại được khôi nguyên nào thì được thay thế khôi nguyên đó
Cuộc thuyển võ cho thí sinh dân dã bắt đầu. Trong 72 người được chia làm 36 cặp đấu với nhau. Ai thắng thì thành Tiến-sĩ. Ai bại thì thành Dũng-sĩ.
Thủ-Độ mải nhìn Đinh Hoàng nghĩ phương cách giết y trả thù mẹ, thành ra cuộc long tranh hổ đấu, diễn ra thế nào, nó không biết. Mãi cho đến khi tiếng loa xướng danh 36 Tiến sĩ , Trạng-nguyên, Bảng-nhãn Thám-hoa đến trước nhà vua quỳ gối, nó mới trở về thực tại, phóng mắt nhìn : Trong 36 Tiến-sĩ, đủ mặt chín Khả-hãn Cửu-hào của nó.
Cuộc tuyển võ ngừng lại trong nửa giờ, rồi sẽ tiếp tục phần dành cho con cháu đại thần, Hoàng-tộc. 72 thí sinh, được bốc thăm, chia ra làm 36 cặp, sẽ theo thứ tự lên đài đấu vơí nhau. Thủ-Độ thuộc cặp thứ 36. Nó phải đấu với Phạm Kính-Nghĩa, con trai của Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân. Có hai người làm trọng tài là quan Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn và Vũ-kị thượng tướng quân Phạm Bỉnh-Di.
Thủ-Độ nghĩ thầm:
- Bác Lý, anh Thừa, anh Khánh, Kim-Dung muốn ta tranh Tiến-sĩ, rồi lấy Trạng-nguyên. Nhưng, ta không muốn đả bại con của ông thầy đã yêu thương ta. Nhất định, ta sẽ giả thua, để Kính-Nghĩa thắng, mà thành Tiến-sĩ.
Trên đài, từng cặp được gọi lên. Những cuộc long tranh, hổ đấu diễn ra, hằng vạn người hồi hộp theo dõi, mà thủy chung Thủ-Độ vẫn hướng đôi mắt vào gã Đinh Hoàng. Sau khi 35 cặp tranh thắng, thì Phạm Bỉnh-Di xướng danh gọi:
- Bây giờ tới cặp thứ 36. Hai thí sinh tranh thắng là Phạm Kính-Nghĩa, trưởng tử của Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân và Đàm Độ, cháu của Hoàng-hậu.
Thủ-Độ lên đài, đứng đối diện với Kính-Nghĩa. Bỉnh-Di hô:
- Xuất chiêu!
Kính-Nghĩa ra chiêu Đồng-tử bái Quan-âm, hai tay chắp lại như hành lễ với đối thủ. Thủ-Độ cũng ra chiêu Đồng-tử bái quan âm, rồi lùi lại sau một bước. Kính-Nghĩa dùng võ công Sài-sơn, xuất chiêu Thiên-vương trấn thiên, kình phong khá mạnh. Thủ-Độ xuất chiêu trong Hoa-sơn chưởng đỡ. Hai chưởng đụng nhau, nó không dám nhả kình lực. Bộp một tiếng, nó làm bộ lảo đảo lui lại. Kính-Ân tỏ ra quân tử, chờ cho Thủ-Độ đứng vững rồi lại xuất chiêu Lôi-đả Ân-tặc. Thủ-Độ vẫn dùng võ công Hoa-sơn đỡ. Thỉnh thoảng nó cũng giả bộ trả lại một đòn. Cứ như vậy, hai bên qua lại hơn năm chục chiêu. Khán giả không khám phá ra Thủ-Độ giả bộ. Người người lắc đầu, tỏ vẻ khinh rẻ bản sự của nó qúa thấp.
Nhưng Thủ-Độ chỉ qua mặt được những người bình thường thôi. Còn đối với Kiến-khang vương, Kiến-bình vương, Phùng Tá-Chu, phó sứ Lâm Hoài-Đức thì tất cả đã nhận ra nó giả bộ. Nhưng bốn người không muốn lột mặt nạ nó. Đúng ra với trình độ của Lĩnh-Nam ngũ hổ, năm cao thủ bậc nhất của triều đình cũng nhận ra, song họ thấy Thủ-Độ điên điên, khùng khùng bấy lâu, họ bị áng mây đó che khuất, nên cũng tin rằng võ công nó quá thấp.
Thình lình Kính-Nghĩa tung ra một chiêu cực mạnh. Thủ-Độ để hở ngực cho chưởng trúng vào. Bộp một tiếng, nó giả bật tung lên cao, rồi ngã sóng xoài trên đài, quằn quại một lúc mới đứng dậy được. Nó chắp tay vái Kính-Nghĩa:
- Đa tạ sư huynh đã nhẹ tay.
Phạm Bỉnh-Di tuyên bố:
- Thí sinh Phạm Kính-Nghĩa thắng thí sinh Đàm Độ. Cuộc đấu chấm dứt.
Kính-Nghĩa, Thủ-Độ vái nhau, rồi hướng vào khán đài Càn-vị của nhà vua vái ba vái.
Từ lúc Thủ-Độ lên đài, bọn Đinh Huyền, Đinh Thanh, Đinh Hồng thấy mặt nó hơi quen quen. Song vì từ khán đài Càn-vị đến võ đài quá xa, nên ba người không nhận ra nó. Bây giờ Thủ-Độ quay mặt đối diện với chúng. Chúng nhận ngay ra nó. Đinh Hồng từng bị nó làm nhục, cơn giận nổi lên. Y quát :
- Thì ra là mi.
Rồi y tung mình lên võ đài, tay xuất chiêu Hổ-trảo chụp nó. Quan Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn là trọng tài, đứng ngay mép đài. Y thấy tự nhiên một bồi sứ ra tuyệt chiêu chụp Thủ-Độ, thì kinh ngạc vô cùng. Nếu để nó trúng trảo đó thì sẽ mất mạng. Y vận khí phát một chưởng hướng Đinh Hồng. Đang lơ lửng trên không, Đinh Hồng biến trảo thành chỉ hướng bàn tay Đoàn Văn. Nếu Đoàn Văn không thu chưởng về, thì huyệt Lao-cung của y sẽ bị thương. Đoàn Văn biến chưởng thành gạt, gạt tay Đinh Hồng. Bộp một tiếng, Đoàn Văn bị bật lùi về sau. Y ọe một tiếng, mửa ra búng máu.
Đinh Hồng lại phát một chưởng hướng Thủ-Độ. Phạm Bỉnh-Di thấy chưởng lực của Đinh quá hùng hậu. Y vội phát một Hoa-sơn chưởng đỡ. Binh một tiếng, Phạm lảo đảo bật lui liền ba bước. Đinh Hồng nghiến răng phát một chưởng bằng tất cả bình sinh công lực hướng Thủ-Độ. Mọi người cùng thét lên kinh hoàng, có người nhắm mắt lại không dám nhìn nó tan xương nát thịt.
Thủ-Độ cười nhạt, nó xuất chiêu Đông-hải lưu phong trong Đông- A chưởng, khoan thai đánh vào giữa chưởng Đinh Hồng. Binh ! Đinh Hồng bị bật lai liền hai bước. Còn Thủ-Độ đứng ung dung giữa đài.
Tất cả quảng trường đều kinh ngạc.
Đinh Hồng quát lên :
- Phen này mi phải chết.
Y lại phát chưởng tấn công Thủ-Độ. Thủ-Độ bình tĩnh dùng Đông- A chưởng đấu với y. Áp lực chưởng làm đám sĩ tử ngồi gần đài phải nhảy lui lại.
Trước đây, Thủ-Độ đã luyện được cả nội công dương cương lẫn âm nhu, song nó không biết phát lực. Trong mấy tháng qua, nó được bà Trần Lý, hai anh họ Thừa, Khánh dạy cách phát lực, cùng truyền võ công cho nó. Bây giờ bản lĩnh của nó bỏ xa Đinh Hồng. Tất cả cử tọa thấy mỗi chiêu nó đánh ra mạnh đến kinh người. Giá như nó dùng bản lĩnh chân thực khi thi võ, thì chỉ một chiêu đã khiến Phạm Kính-Nghĩa tan xương nát thịt.
Đấu được trên trăm chiêu, Thủ-Độ nghe tiếng Trần Thừa dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai :
- Em nhảy lùi lại ba bước, rồi vận âm kình.
Lập tức Thủ-Độ làm theo. Nó vừa vận âm kình xong, thì chưởng của Đinh Hồng chụp lên người nó. Nó xuất chiêu Phong-ba hợp bích đỡ. Xùy một tiếng, chưởng của Đinh Hồng mất tăm mất tích, người y lảo đảo lùi lại. Thủ-Độ chưa kinh nghiệm chiến đấu, bằng không nó đánh liền hai chiêu thì Đinh Hồng đã bỏ mạng.
Trần Thừa dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Thủ-Độ:
- Thủ-Độ nghe đây! Phàm khi đấu võ, đối thủø bị mất căn bản, thì phải tấn công như mưa sa, như bão táp; không thể để đối thủ kịp phục hồi.
Đinh Hồng hít một hơi lấy lại sức, y lại tấn công Thủ-Độ. Thủ-Độ lại dùng âm kình phát chiêu. Chiêu đầu, Đinh Hồng bị bật lui. Nhớ lời dăn của Trần Thừa, Thủ-Độ đánh liên tiếp chiêu thứ nhì. Y lảo đảo lùi lại. Đến chiêu thứ ba thì y bay bổng khỏi đài, nằm đứ đừ dưới đất.
Đinh Huyền nhảy ra đỡ sư đệ dậy. Còn Đinh Thanh thì tung người lên đài tấn công Thủ Độ.
Bỗng có tiếng quát :
- Khoan.
Phùng Tá-Chu tung mình lên đài. Ông chắp tay hướng Đinh Thanh :
- Đinh tam gia ! Không biết thí sinh Đàm Độ đã làm điều gì vô phép, mà hết Đinh tứ gia, rồi đến Đinh tam gia trừng phạt y ? Các vị là những tôn sư võ học Trung-quốc, tại sao lại bắt nạt một đứa con nít như thế này ?
Đinh Thanh chỉ Đinh Hồng :
- Y...y đã dùng thủ đoạn ám muội bắt tam đệ của tôi, rồi làm nhục.
Tá-Chu hỏi Thủ-Độ :
- Người đã làm gì Đinh tứ gia ?
Thủ-Độ cười nhạt nói với Đinh Thanh :
- Tôi cùng với một người em gái, đánh cá trên hồ Tây. Đinh Hồng trêu ghẹo em gái tôi, rồi y nhảy xuống thuyền của chúng tôi định dở trò ám muội. Tôi đường đường, chính chính dùng Thiên-la thập bát thức của phái Đông- A bắt y. Võ công Đông- A đâu có phải là võ công tà môn ?
Là người thông minh tuyệt đỉnh, nên chỉ nghe đôi bên nói với nhau mấy câu, nhìn thân pháp, công lực Thủ-Độ; Tá-Chu cũng đoán ra được năm phần : Võ công Thủ-Độ cao hơn Đinh Hồng. Nó đã làm nhục y.
Đinh Thanh nhớ lại cái nhục mình bị treo ngược. Y rút kiếm đưa vào cổ Thủ-Độ. Tá-Chu biết võ công Thủ-Độ cao hơn anh em họ Đinh. Nên ông không can thiệp. Thủ-Độ búng tay vào sống kiếm của Thanh, keng một tiếng, Thanh bị bật lui một bước.
Thủ-Độ nhảy lùi liền ba bước, nó đã lấy cái chài trên lưng ra, rồi tung lên. Cái chài chụp vào người Đinh Thanh.
Cả quảng trường cùng bật lên tiếng kêu:
- Thiên-la thập bát thức.
Đinh Thanh kinh hoảng. Y tung người lên cao tránh thoát. Thủ-Độ vung chài hướng lên không. Đinh Thanh quay kiếm gạt chài. Sợ chài bị rách, Thủ-Độ giật tay một cái, chài thu gọn lại.
Đinh Thanh vừa xuống đài, y xỉa kiếm tấn công Thủ-Độ. Thủ-Độ từ Càn-vị, phương Phong-địa-quan bước sang Ly vị phương Ly-vi-hỏa tay tung chài chụp Đinh Thanh.
Đấu với nhau được khoảng năm chục chiêu, mọi người thấy kiếm thuật của Đinh Thanh thực tuyệt diệu. Ai cũng nghĩ: Kiếm pháp của y thực có một không hai. Thế nhưng mỗi khi Thủ-Độ vung chài, là căn bản của y bị tuyệt.
Thình lình Thủ-Độ từ Khôn-vị phương Địa-thiên-thái bước sang Ly-vị phương Thiên-thủy-tụng , chài tỏa ra chụp Đinh Thanh gọn gàng vào trong. Nó điểm huyệt y rồi ném xuống đài.
Phùng Tá-Chu hỏi Thủ-Độ :
- Cháu bé ! Cháu là thí sinh thuộc ngoại thích, thì đều là đệ tử của Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng. Võ công Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng là võ công Hoa-sơn. Tại sao cháu không xử dụng võ công Hoa-sơn, mà xử dụng võ công Đông- A? Nhưng nội lực lại hòa dương cương của Đông- A vơí âm nhu của Mê-linh?
Thủ-Độ chắp tay :
- Cháu không hề học võ với Vũ-kị thượng tướng quân Phạm Bỉnh-Di. Còn võ công Đông- A, thì cháu học với bố cháu.
Phùng Tá-Chu hỏi Hoàng-hậu :
- Thưa nương nương. Như Vũ-kị thượng tướng quân giới thiệu thì cháu họ Đàm. Vậy cháu thuộc vai vế như thế nào với nương nương ?
Đàm hậu đáp :
- Nó không phải họ Đàm, nguyên anh tôi thấy nó ăn mày ở chợ rồi đem về nuôi. Nó là một thằng khùng, được nuôi trong Hoàng-thành lâu rồi.
Tá-Chu cãi :
- Thưa nương nương, dường như có gì bí ẩn ở trong . Bởi muốn luyện nội công âm nhu Mê-linh, thì phải là người cực kỳ thông minh. Vậy cháu này không thể là người điên được.
Phùng Tá-Chu hỏi Thủ-Độ :
- Cháu có thể khai thân thế cháu cho mọi người biết được không ?
Thủ-Độ nhớ lời bà Trần Lý dặn : Bây giờ võ công con cao, tư cách khác phàm, địa vị không nhỏ. Con phải nói thực thân thế mình cho thiên hạ biết. Nó khoan thai nói thực lớn :
- Thưa Đại-đô đốc, cháu họ Trần, tên Thủ-Độ. Phu nhân của Đô-đốc là cô ruột cháu. Cô của cháu nhũ danh Kim-Ngân.
Tá-Chu kinh hãi :
- Cháu nói sao ? Cháu là con của Thần-nông sứ Trần Lý ư ? Tại sao ta chưa từng thấy cháu ?
Thủ-Độ hướng vào khán đài Càn-vị, nó nói thực lớn :
- Thưa chư vị anh hùng. Tôi họ Trần, tên Thủ-Độ. Tôi không phải họ Đàm. Cha tôi nguyên là Phụ-quốc Thái-uý Côi-sơn quốc công Trần Thủ-Huy. Mẹ tôi là trưởng công chúa Đoan-Nghi.
Quảng trường có đến mấy vạn người mà không một tiếng động. Thủ-Độ tiếp :
- Cha mẹ tôi đang ở Mông-cổ thì Hoàng-thượng viết thư gọi về. Nhưng cha tôi cho rằng Hoàng-thượng chỉ viết thư thì bên trong ắt có uẩn khúc gì, nên người không về. Mẹ tôi dẫn tôi theo sứ đoàn hồi hương. Khi vừa tới Thăng-long, thì bị kẻ gian phục tiễn thủ băén chết. Hoàng-thượng sợ phái Đông- A biết mẹ tôi chết oan, ăét sẽ trả thù khủng khiếp lăém. Vì vậy người ban chỉ dấu nhẹm vụ mẹ tôi hồi hương. Còn tôi, người truyền đổi ra họ Đàm.
Rồi nó tường thuật tỷ mỉ việc mẹ nó bị phục kích ra sao. Nó phải giả khùng, giả điên sống trong Hoàng-cung. Nó bị hắt hủi, làm nhục như thế nào...
Vèo...vèo...vèo...Một bóng trắng từ khán đài Khôn-vị phóng lên nhanh không thể tưởng tượng nổi. Bóng đó đáp trước mặt Thủ-Độ. Bấy giờ người ta mới nhận ra là một trung niên thiếu phụ, cực kỳ xinh đẹp, chính là bà Kim-Ngân, phu nhân của Đại Đô-đốc Phùng Tá-Chu. Bà nắm lấy hai vai Thủ-Độ, rồi nhìn thẳng vào mặt nó, như muốn tìm ra những nét quen thuộc. Một lát trôi qua, bà ôm lấy đầu Thủ-Độ:
- Đúng rồi! Cháu là cháu của cô.
Rồi không giữ được bình tĩnh, nước mắt dàn dụa, bà nâng cằm Thủ-Độ lên, tát yêu hai cái:
- Giống bố quá! Hai con mắt, mỗi con có hai tròng ! Giống bố quá.
Bà hướng vào khán đài Càn-vị, nói lớn :
- Tâu bệ hạ, đứa trẻ này quả là Trần Thủ-Độ, con trai của phò mã Trần Thủ-Huy với công chúa Đoan-Nghi. Như bệ hạ cũng như chư vị đều biết, anh Thủ-Huy của tôi có một tướng rất lạ là trong con mắt có hai cái lòng đen. Cháu Thủ-Độ thọ lĩnh cơ thể của cha, nên trong mắt cũng có hai lòng đen.
Nói rồi bà xuống đài.
Thủ-Độ tiếp tục thuật lại thảm cảnh mẹ nó bị giết, rồi nó kết luận :
- Chủ trương giết cha mẹ tôi là Tống triều. Tống-triều ban mật chiếu cho Đàm Thì-Phụng với Đàm Dĩ-Mông thi hành.
Rồi nó thuật lại việc cha mẹ nó bị đem cống cho Tống ra sao, lưu lạc lên Mông-cổ giúp Mông-cổ lập quốc, phá âm mưu của Tống thế nào. Tống triều muốn tìm cách đưa cha mẹ nó rời Mông-cổ, để người của họ có thể chiếm vùng Thảo-nguyên. Tống triều gài bẫy sẵn, khi bố mẹ nó về Thăng-long thì giết chết. Họ ban mật chỉ cho Đàm Thì-Phụng, Đàm Dĩ-Mông làm, với lới hứa, việc xong xuôi sẽ phong cho Đàm Thì-Phụng làm An-Nam quốc vương. Nhưng chỉ mình mẹ nó về, rồi bị trúng phục binh, mà chết trong loạn tên. Một trong những tên chỉ huy tiễn thủ giết mẹ nó có Đinh Hoàng.
Nó chỉ mặt Đinh Hoàng :
- Đinh Hoàng ! Dù mi có cháy thành than, ta cũng nhận ra mi. Chính mi là người chỉ huy tiễn thủ ám toán mẹ ta. Nam nhi đại trượng phu mình dám làm thì dám chịu. Mi hãy lên đây, ta sẽ dùng võ công đường đường chính chính trả thù mẹ.
Đinh Hoàng cười nhạt :
- Xin các vị đừng nghe lời thằng điên này. Nó là thằng ăn mày được họ Đàm đem về nuôi, chứ nó không phải là con của công chúa với Quốc-công Trần Thủ-Huy.
Nói dứt y tung mình lên đài, tay phát Long-trảo chụp Thủ-Độ. Thủ-Độ cười nhạt. Nó dùng Đông- A chưởng tấn công thẳng vào người Đinh Hoàng. Võ công Đinh Hoàng cao hơn Đinh Hồng, Đinh Thanh một bậc. Tuy y chỉ còn một tay, nhưng chưởng phong phát ra mạnh như bài sơn, đảo hải.Y dùng bộ chưởng trấn môn của Hoa-sơn, chân bước theo phương vị Bát-quái. Thủ-Độ cười thầm: Mi dùng võ công này thì khó mà thắng đươc ta. Thủ-Độ dùng võ công Đông- A. Thấy đấu được trên năm chục hiệp, Thủ-Độ vẫn không thắng được Đinh Hoàng, Trần Thừa dùng Lăng-không truyền ngữ nhắc:
- Thủ-Độ! Xử dụng võ công Lôi-giáng Hoa-nhạc.
Thủ-Độ tỉnh ngộ, nó lui lại, rồi thình lình phát ra một chiêu rất quái dị trong bộ Lôi giáng Hoa-nhạc, mà nó mới học được của bà Trần Lý. Đinh Hoàng bị bất ngờ, y lảo đảo bật lui lại ba bước. Thủ-Độ quát lên một tiếng, nó đánh xuống hai chiêu như sét nổ. Đinh Huyền thấy sư huynh lâm nguy, y tung mình lên đài đỡ chiêu của Thủ-Độ. Binh! Cả hai cùng bật lui về sau.
Thủ-Độ cười nhạt:
- Đồ mặt dầy! Hai người đánh một! Ta tuy nhỏ tuổi hơn các người. Nhưng ta chấp cả hai anh em người đấy!
Công lực của Thủ-Độ tuy cao, nhưng vì tuổi nó còn trẻ, thời gian luyện không được làm bao, vừa rồi nó phải đấu vơí Đinh Hồng, Đinh Thanh, nên đã cạn bớt. Bây giờ lại phải đấu với hai người, dùng hai thứ võ công một lúc. Sau khi đấu được trên trăm hiệp, sức nó bắt đầu yếu, cứ mười chiêu mới trả được ba chiêu.
Thình lình Đinh Hoàng, Đinh Huyền cùng quát lên rồi phát ra một chiêu rất thô kệch. Thủ-Độ dùng hai tay đẩy ra một chiêu đỡ. Bạch, bạch hai tiếng, bốn bàn tay dính vào nhau. Bây giờ cuộc chiến trở thành đấu nội lực. Cả quảng trường đều im lặng hồi hộp theo dõi: Hai đại cao thủ Tống đấu với một thiếu niên Việt. Khoảng hơn khắc, trên đầu Thủ-Độ đã bốc ra luồng khói trắng. Nó phải lùi liền ba bước.
Ngồi dưới đài, Tự-Khánh kinh hãi nghĩ:
- Làm sao bây giờ!
Chợt nhớ ra một chuyện, chàng hỏi Tự-Thừa:
- Anh đã dậy Thủ-Độ đã học Quy-pháp âm dương chưa?
- Anh có giảng qua.
- Ta nhắc Thủ-Độ áp dụng thử.
- Đành vậy.
Quy-pháp âm-dương là một thức khí công rất cổ. Người sáng chế ra là Bắc-bình vương Đào Kỳ, lĩnh chức Đại Tư-mã thời vua Trưng. Cũng như Thủ-Độ, ngài có cái may là luyện thành cả nội công dương cương lẫn âm nhu. Trong lần đấu vơí Phong-châu song-quái, bị hai người dùng nội công thượng thừa tấn công, sắp nguy đến tính mệnh. Chân khí hai người cuồn cuộn tuôn vào người ngài. Ngài dẫn khí đó vào Đơn-điền, rồi hợp cả hai nguồn làm một. Chân khí Song-quái dồn ra bao nhiêu, bị mất bấy nhiêu.
Sau trận đó, ngài nghiên cứu, sửa đổi tường tận, lưu truyền cho đời sau.
Xin đọc Anh-hùng Lĩnh-Nam, Q3 của Yên-tử cư-sĩ, do Nam-á Paris xuất bản.
Tự-Khánh dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Thủ-Độ:
- Thủ-Độ nghe đây.
Từ từ giảm kình lực, để chân khí anh em họ Đinh tràn vào cơ thể, rồi dẫn về trung Đơn-điền, quy liễm lại.
Thủ-Độ đang lâm nguy, nghe tiếng Tự-Khánh nhắc, nó buông lỏng chân khí. Lập tức kình lực của anh em họ Đinh ào ạt tràn vào người nó. Cơ thể nó rung động thực mạnh, nó vội dẫn hai luồng chân khí vào Đơn-điền. Hai anh em họ Đinh thấy chân khí mình ào ào tuôn ra, cả hai cùng nghĩ thầm:
- Thằng lỏi con phải chết.
Đinh Hồng, Đinh Thanh đứng dưới đài hỗ trợ hai anh:
- Thằng bé con láu cá! Mi không địch lại đại ca, nhị ca của ta đâu. Hãy quỳ gối van xin, sẽ được ân xá.
Cuộc đấu trải hơn một khắc, anh em họ Đinh thấy chân khí mình cuồn cuộn ra đi, không trở về...thì cảm thấy có điều bất ổn. Lại một khắc qua, chân khí anh em họ Đinh gần như bị kiệt quệ. Chúng muốn thu công, nhưng sợ Thủ-Độ nhân đó dồn kình lực tấn công, nên đành chịu trận.
Tự-Khánh nhắc Thủ-Độ:
- Chân khí anh em họ Đinh kiệt quệ rồi, em phát chưởng đẩy chúng xuống đài đi.
Nghe anh nhắc, Thủ-Độ nhìn Đinh Hoàng, hình ảnh mẹ nó bị tên ghim đầy người, đau đớn quằn quại hiện lên. Nó hít một hơi rồi đẩy ra hai chưởng. Đinh Huyền bay tung xuống dưới đài. Còn Đinh Hoàng bật lên cao. Thủ-Độ phát chiêu Đông-hải lưu phong, nó nói lớn:
- Xin anh linh mẹ hãy nhìn kẻ thù đền tội.
Bùng một tiếng, thân thể Đinh Hoàng bay tung lên cao. Thủ-Độ không tha, nó phát chiêu Phong đáo sơn đầu hướng lên trời. Bùng một tiếng, người Đinh Hoàng vỡ làm trăm mảnh, ruột gan, đầu, chân, tay bay tung tóe ra bốn phía.
Một bóng xanh thấp thoáng từ dưới đài xẹt lên, tung vào người Thủ-Độ một chưởng. Chưởng chưa ra hết, mà nó đã cảm thấy nghẹt thở. Kinh hãi, nó hít một hơi, dùng cả hai tay đỡ. Bùng một tiếng, người nó bật tung lại sau, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng. Nó nhìn lại, thì ra phó sứ Lâm Hoài-Đức. Lâm lại phát chiêu thứ nhì tấn công Thủ-Độ. Thủ-Độ nghiến răng, dùng cả hai tay phát chiêu Hạc phi sơn lĩnh đỡ.
Phùng Tá-Chu xẹt lên đài, ông đẩy một chưởng vào lưng Hoài-Đức, bắt buộc y phải thu chiêu về, để tự cứu mình. Rầm một tiếng. Hoài-Đức bật lui liền ba bước. Tá-Chu chắp tay:
- Xin lỗi!
Ông chỉ Thủ-Độ nói lớn:
- Các vị đều là những người có thân phận lớn. Bốn vị bồi sứ, nức danh Trung-nguyên thay nhau đánh một đứa nhỏ. Rồi hai vị đánh mình nó, bất kể đạo lý võ lâm. Bây giờ đến Lâm đại nhân lại nhập cuộc. Thế là thế nào?
Lâm Hoài-Đức chỉ đống thịt Đinh Hoàng, hỏi nhà vua:
- Quốc vương! Quốc-vương được Thiên-tử phong cho làm chúa trời Nam. Thế mà Quốc-vương để cho người ta giết bồi sứ như thế này đây?
Phùng Tá-Chu trả lời thay nhà vua:
- Lâm đại nhân! Ở đây có hàng vạn người cùng thấy: Khi không, ba vị bồi sứ lên đài xúm vào đánh một thiếu niên. Chưởng qua, cước lại, Thủ-Độ đường đường chính chính thắng cả ba vị. Còn Đinh nhất gia, là thủ phạm sát hại công chúa Đoan-Nghi. Thủ-Độ công khai thách Nhất-gia đấu võ để trả thù. Nhất-gia bị bại, vong mạng, đó là lẽ thường. Triều đình Đại-Việt không thể can thiệp vào việc này. Vừa rồi, giả như Thủ-Độ bị bại, thì cái xác chết nằm đây là y, chứ không phải của Đinh nhất gia. Bấy giờ Đại-Việt đòi ngài trả lời...thì ngài nghĩ sao?
Lâm Hoài-Đức xấu hổ, nhảy uống khỏi đài.
Thủ-Độ hướng vào quần hùng:
- Thưa các vị võ lâm, thưa các vị hào kiệt. Hôm nay, tôi xin tố cáo mưu gian của họ Đàm định dâng Đại-Việt cho Tống.
Thế rồi nó kể hết: Nào là họ Đàm gửi tấu chương xin phong cho Thì-Phụng làm An-Nam quốc vương. Nào việc Đàm Dĩ-Mông bắt con gái của Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân là Phạm Thùy-Dương dâng cho chánh sứ Triệu Dụng-Chi. Nào bắt con gái của đô thống Phan Lân là Phan Mỹ-Vân dâng cho phó sứ Lâm Hoài-Đức. Nào là đem gạo sang cung phụng cho Tống, gây lên nạn đói, chết không biết bao nhiêu người.
Nó chỉ vào đạo cô Nam-phương huyền quân :
- Các vị có biết đạo cô là ai không ? Tôi chắc có nhiều vị biết mà không dám nói ra. Đạo cô chính là Tuyên-phi Vương Thụy-Hương. Trước đây người giả chết, trở về Tống. Lúc cha mẹ tôi rời Đại-Việt, thì đạo cô được Tống triều gửi sang làm tế tác cho họ. Người chính là sinh mẫu Hoàng-thượng. Người là Thái-hậu.
Rồi nó kể hết những gì Thụy-Hương đã làm : Mưu tiêu diệt các võ phái Đại-Việt bằng cách ban chỉ không cho các gia, các phái thu đệ tử. Nào là cùng với Trịnh Nam-Phương, vợ cũ của Đỗ An-Di giả Ưng-sơn song hiệp giết cả nhà Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích.
Nó chỉ vào chỗ khán đài phái Mê-linh :
- Trịnh Nam-Phương, tức Vân-đài tiên tử phái Hoa-sơn, bây giờ thay tên đổi họ, chiếm lĩnh chức chưởng môn phái Mê-linh, mang tên Nghi-Phương sư thái. Bà tiềm ẩn mưu làm nội ứng cho Tống, khi Tống đem quân sang Đại-Việt.
Thấp thoáng bóng xanh, Nam-thiên đạo cô đã tung mình lên đài. Bà chỉ vào mặt Thủ-Độ :
- Xuống đài ngay ! Mi là một đứa trẻ mồ côi, được Hoàng-hậu đem về nuôi trong Hoàng-thành. Khắp Hoàng-thành, ai cũng biết mi bị chứng điên. Bây giờ mi mang cái điên đó lên đây gây hoang mang ư ?
Thủ-Độ di chuyển thân mình thực mau, tay nó xỉa vào ngực Thụy-Hương, kình lực cực trầm trọng. Thụy-Hương dùng hai tay gạt tay nó, thì nó đã di chuyển cánh tay. Nó lột hai miếng da mặt trên má Thụy-Hương. Lập tức khuôn mặt uy nghi của bà ta, biến thành khuôn mặt cực kỳ xinh đẹp.
Cả quảng trường cùng bật lên tiếng kêu thất thanh :
- Tuyên-phi Vương Thụy-Hương.
Thủ-Độ cung tay :
- Cô cô ! Dù sao người cũng có thời là bạn thanh mai trúc nhã với phụ thân cháu. Cháu kính cô cô cũng như mẹ cháu. Cô cô là sinh mẫu của Hoàng-thượng, địa vị cao quý biết mấy. Tại sao cô cô không nhận cái danh Thái-hậu của mình ?
Thụy-Hương còn đang tần ngần, thì Thủ-Độ tiếp :
- Trước đây cô cô tuy có làm tế tác cho Tống thực. Nhưng xưa khác, nay khác. Nay thì Tống muốn đem ngôi vua cho họ Đàm. Còn cô cô thì muốn bảo vệ ngôi vua cho Hoàng-thượng. Võ công cô cô cao, kiến thức cô cô uyên bác. Như vậy cô cô xứng đáng là một Thái-hậu. Tại sao cô cô không dám nhận ?
Nhà vua thấy việc mẹ mình bị lộ chân tướng, ngài đứng dậy :
- Mẫu hậu ! Thủ-Độ nói đúng. Ngay ngày mai, con sẽ ban chế tôn mẫu hậu là Tiên-thể chí-thánh hoàng Thái-hậu.
Thụy-Hương đành khoan thai xuống đài.
Thủ-Độ hướng vào khán đài phái Mê-linh :
- Còn việc Nghi-Phương sư thái là chuyện nội bộ của phái Mê-linh. Đứa trẻ con như vãn bối, không muốn can dự vào.
Thấp thoáng bóng nâu, rồi một người từ khán đài phái Mê-linh tung người lên nhanh không thể tưởng tượng nổi. Trong khi còn ở trên không, người đó đã rút kiếm xỉa vào người Thủ-Độ. Thủ-Độ vội lộn một vòng ra sau tránh. Nhưng bóng kia cũng di chuyển thân hình theo, mũi kiếm vẫn chĩa vào cổ Thủ-Độ. Thủ-Độ kinh hãi, nó lại lộn liền hai vòng về sau để thoát khỏi vòng kiềm tỏa. Nhưng khi nó đứng dậy thì thủy chung mũi kiếm vẫn dí vào cổ nó. Trong lúc quá khẩn cấp, nó rút thanh trủy thủ đeo bên hông, mà bọn Thảo-nguyên ngũ điêu tặng nó trong lúc chia tay. Nó vung dao lên gạt kiếm. Choang, kiếm bị gãy tận chuôi, nó tung mình lùi lại ba bước.
Biến cố xẩy ra, kẻ xuất chiêu đã nhanh, người tránh cũng nhanh. Người người quan sát đều nín thở. Bây giờ họ mới vỗ tay hoan hô. Thủ-Độ nhìn kẻ tấn công mình, đó là một ni sư, thân thể đẹp tuyệt trần, nhưng mặt thì bì bì coi không tương xứng tý nào. Trên đầu ni sư đội một chiếc mũ che khuất cả hai tai.
Thủ-Độ chắp tay vái ni sư :
- Không biết sư thái pháp danh là gì ? Tại sao lại hạ thể tấn công tiểu bối?
Có tiếng ai đó nhắc :
- Bà là Nghi-Phương sư thái, chưởng môn phái Mê-linh đấy.
Nghi-Phương chỉ mặt Thủ-Độ :
- Bần ni lên đây để dậy dỗ mi ! Mi không được ngậm máu phun người. Bần ni xuất gia từ hồi còn là khuê nữ. Thế mà mi dám bảo bần ni là gian tế Vân-đài Trịnh Nam-Phương, tức vợ của Đỗ An-Di thì còn trời đất nào nữa?
Phùng Tá-Chu nói với Thủ-Độ :
- Chú từng giao đấu với Vân-đài Trịnh Nam-Phương, chú biết mặt bà. Sư thái đây không phải là Vân-đài Trịnh Nam-Phương đâu. Cháu xin lỗi sư thái đi.
Thủ-Độ chắp tay vái liền ba vái :
- Sư thái ! Sư thái đi tu từ nhỏ, thì vượt ra được tham, sân, si. Đệ tử nghe lời người ta nói, mà lầm lẫn. Xin sư thái hỷ xả tha lỗi cho đệ tử.
Nghi-Phương chắp tay đáp lễ. Thủ-Độ cảm thấy một kình lực cực kỳ bá đạo đẩy vào người mình. Một là không đề phòng, hai là nó đứng quá gần Nghi-Phương, nên người nó bị đánh bay lên không. Tuy nhiên chân khí tòng tâm tự vệ bao phủ khắp người, nó chỉ cảm thấy khó chịu mà thôi. Nghi-Phương quyết không tha, bà tung lên một chưởng, định kết liễu tính mệnh nó. Còn ở trên không Thủ-Độ vận Quy-pháp Âm-dương, chưởng của Nghi-Phương trúng người nó, vù một tiếng, chân khí của bà bị nó hút mất tăm mất tích.
Nghi-Phương quát lên một tiếng, rồi phát chiêu Loa-thành nguyệt chiếu, quyết giết Thủ-Độ. Thủ-Độ lùi lại một bước, nó phát chiêu Phong-ba hợp bích phản công. Bình. Cả hai lảo đảo lùi lại. Cái mũ trên đầu Nghi-Phương bị bay mất. Cả quảng trường cùng la hoảng, vì bà không có tai trái.
Thủ-Độ quát lớn :
- Khoan !
Rồi nó chỉ vào mặt Nghi-Phương :
- Mi ! Thì ra mi ! Chính mi đã cùng tên Đinh Hoàng chỉ huy đội tiễn thủ ám toán mẹ ta. Khi mẹ ta bị trúng tên, người biết rằng dù có giết mi với Đinh Hoàng thì cũng khó mà thoát khỏi cái chết. Vì vậy, thay vì giết bọn mi, người chặt cụt tay Đinh Hoàng, cắt tai trái người, rồi khoanh trên má người hai vòng tròn.
Nghi-Phương cười nhạt:
- Tiểu thí chủ! Cái người mà công chúa Đoan-Nghi cắt tai, khoanh hai vòng tròn trên mặt, không phải là bần ni. Vì trên mặt bần ni không có hai vòng tròn...
Chợt có tiếng Trần Thừa nhắc:
- Thủ-Độ, dùng Thiên-la thập bát thức.
Nghe anh nhắc Thủ-Độ cười nhạt:
- Có vòng tròn hay không thì dễ lắm...
Miệng nói, tay nó tung cái chài ra chụp Nghi-Phương, chân từ quẻ Càn phương Hỏa-địa-tấn bước sang cung Đoài phương Lôi-trạch Quy-muội. Chài tỏa ra chụp Nghi-Phương. Sở trường của phái Mê-linh là kiếm pháp, mà kiếm của Nghi-Phương đã bị chặt đứt. Bà lùi lại, phát chiêu Kình-ngư quá hải đỡ! Ai cũng tưởng với chiêu võ trong Thiết-kình phi chưởng không làm Thủ-Độ bật lui, ít ra cũng hóa giải chiêu Thiên-la thập bát thức. Không ngờ, chưởng phong bị mất tăm mất tích. Nghi-Phương vội biến chiêu thành chiêu Kình quá Đông-hải. Thủ-Độ lại bước sang cung Tốn, phương Sơn-phong-cổ.
Trần Tự-Khánh hỏi anh:
- Nghi-Phương là cao thủ Vân-đài của phái Hoa-sơn, công lực cao thâm vô cùng. Mà sao bà không thắng được Thủ-Độ.
- Dễ hiểu, vì bị Thủ-Độ tố cáo là Vân-đài, nên bà không dám dùng võ công Hoa-sơn, mà dùng võ công Mê-linh. Bà ta tưởng dùng Thiết-kình phi chưởng có thể phá rách cái chài. Nhưng bà ta quên mất...
- Em hiểu rồi, bà ta dùng Thiết-kình phi chưởng, là chưởng đặt căn bản trên cá kình trong biển Đông. Trong khi Thiên-la thập bát thức đặt căn bản trong việc dùng chài bắt cá. Cá gặp chài thì thất bại là phải.
Đấu được mười hiệp nữa, Thủ-Độ đánh tiếp hai chiêu, Nghi-Phương lảo đảo muốn ngã. Chỉ chờ có thế,Thủ-Độ xuất chiêu Cầm-long công móc vào má Nghi-Phương, lột ra hai miếng da. Lập tức khuôn mặt bầu bầu của Nghi-Phương biến thành khuôn mặt trái soan cực kỳ xinh đẹp. Trên má có hai vết thẹo hình tròn.
Phùng Tá-Chu nhảy lên đài, hô lớn:
- Ngừng tay!
Thủ-Độ, Nghi-Phương cùng lùi lại. Tá-Chu xá Nghi-Phương:
- Vân-đài Tiên-tử. Thì ra sau khi được đức Anh-tông ân xá, Tiên-tử lại trở về Đại-Việt tiếp tục làm gian tế cho Tống. Việc Tiên-tử sát hại công chúa Đoan-Nghi xin để triều đình xử. Bây giờ Tiên-tử có còn chối cãi nữa không?
Thủ-Độ hướng vào khán đài có nhà vua ngồi:
- Hoàng đế bệ hạ. Hồi còn sinh tiền, mẫu thân của thần đã xả thân cứu giá bao phen. Nếu không có mẫu thân thần, thì liệu Bệ-hạ có còn ngồi đây không? Nhị vị Kiến-Khang, Kiến-Bình vương! Hồi thơ ấu dường như mẫu thân thần từng nuôi dưỡng, từng dạy dỗ hai vương, yêu thương hai vương như con đẻ. Bây giờ, thân mẫu thần bị kẻ gian hãm hại. Mà kẻ gian đang đứng nhơn nhơn trước mặt quý vị. Võ lâm, nhân sĩ, trăm họ đang chờ Bệ-hạ, chờ nhị vị vương gia tỏ tình lân mẫn máu mủ...
Thủ-Độ còn muốn nói nữa, nhưng có tiếng bà Trần Lý dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai :
- Đủ rồi, xuống đài ra con thuyền của nhà mình đậu ở trên bến Tương-Dung ngay.
Thủ-Độ chắp tay vái bốn phía, rồi nó hướng vào ba tên Phạm Bỉnh-Du, Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn, tay phát chiêu trong Lôi giáng Hoa-nhạc đánh thẳng vào người chúng. Ba đứa kinh hãi, vội dùng cả hai tay đưa ra đỡ. Binh, binh, binh ! Cả ba tên bay bổng lên cao, rơi xuống cái hồ sen trong sân Giảng-võ, cắm đầu xuống bùn.
Thấp thoáng một cái, Thủ-Độ đã xuống đài, rồi biến vào đám đông.
Trong sảnh đường phái Đông- A. Ông bà Trần Tự-Hấp, chưởng môn ngồi chính giữa. Hai bên là các đại đệ tử thế hệ thứ nhất : Đại-Việt ngũ tuyệt, Trần Tự-Duy. Kế tiếp đến thế hệ thứ hai : Trần Lý Tô Phương-Lan, Phùng Tá-Chu Trần Kim-Ngân, Tô Trung-Từ Nhạc Bảo Bảo, Phan Lân, Vỵ-xuyên ngũ tiên, Hồng-sơn ngũ đại phu. Cuối cùng là các đệ tử thế hệ thứ ba : Trần Thừa, Tự-Khánh, Kim-Dung, Mỹ-Vân, Vương Lê, Lê Mịch, Lý Bất Nhiễm.
Thủ-Độ được đặt ngồi cạnh bà Tự-Hấp. Bà quàng tay ra ôm lấy vai cháu, như sợ người ta bắt đi mất. Suốt từ ngày rời Thảo-nguyên, bây giờ Thủ-Độ mới lại được hưởng cái tình nhân luân. Nó ân hận rằng đã đánh giá họ phía nội qua họ phía ngoại.
Ông Trần Tự-Hấp lên tiếng :
- Chúng ta họp hôm nay, để thông báo tin tức liên quan đến bản môn cũng như võ lâm Đại-Việt. Trước hết là triều đình ban chỉ cho phép các môn phái được thu dụng đệ tử trở lại. Thứ nhì, các giám khảo cuộc thi võ tâu xin nhà vua phong Thủ-Độ làm võ trạng nguyên. Nam-thiên huyền quân đề nghị trao cho Độ chức Tổng-lĩnh thị vệ. Thứ ba, ban chỉ ân xá, cùng triệu hồi Thủ-Huy trở về, trao đại quyền.
Ông ngừng lại cho cử tọa theo kịp :
- Bây giờ trước hết, ta phải biết rõ tình hình đã.
Ông nói với Thủ-Độ :
- Cháu ngoan ! Cháu hãy đứng dậy thuật chi tiết cuộc sống của bố mẹ cháu từ khi rơì Đại-Việt ra đi, cho đến ngày cháu theo mẹ về nước.
Thủ-Độ cúi đầu hành lễ với cử tọa, rồi nó thuật theo thứ tự : Thủ-Huy Đoan-Nghi bị đưa sang Tống, cùng với đội võ sĩ Long-biên. Tất cả bị giam lỏng ở Quảng-châu gần năm. Sau đó Bác Nhĩ Truật đem thư mời sang Mông-cổ săn bắn. Rồi Thủ-Huy Đoan-Nghi giúp Thiết Mộc Chân luyện quân, chiến thắng hầu hết các Khả-hãn, Đại-hãn, cuối cùng lên ngôi Thành-cát Tư-hãn lập ra nước Mông-cổ trên vùng Thảo-nguyên.
Bà Tự-Hấp hết sức chú ý đến việc Tống gửi bọn Mao Khiêm, Vương Cương-Trung... mưu biến Thảo-nguyên thành một nước thuộc Tống. Bà hỏi Thủ-Độ chi tiết về cuộc sống, tổ chức quân đội, chăn nuôi, canh nông của Mông-cổ. Cuối cùng bà kết luận :
- Cứ như Thủ-Độ thuật, thì cái việc Tống muốn đưa Thủ-Huy Đoan-Nghi rời Thảo-nguyên là đúng. Bởi Tống cho rằng Thủ-Huy Đoan-Nghi rời Mông-cổ, thì họ có thể dùng đám võ sĩ Hoa-sơn giúp tàn quân Khắc-liệt, Thát-đát phục hồi cố quốc được. Vì sợ Thủ-Huy Đoan-Nghi về Đại-Việt, rồi chỉnh đốn cai trị, dí gươm vào lưng họ. Họ dùng phục binh ám toán. Không ngờ chỉ mình Đoan-Nghi về, nên mắc nạn.
Thủ-Độ lại thuật chi tiết về cái chết của mẹ nó, cuộc sống khốn khổ của nó trong Hoàng-thành mấy năm qua. Tuy thấy cháu mình phải khổ sở, nhưng ông bà Tự-Hấp lại cực kỳ cao hứng, vì trong cái khốn nạn ấy, nó đã làm được những việc ngang với ông cha nó. Bây giờ, nó nghiễm nhiên thống lĩnh hầu hết bọn ăn mày cùng khổ trên đất nước. Ngoài ra, nó còn làm chủ mấy nghìn trang ấp, quy tụ những người bần nông cùng khốn...chỉ vài năm nữa họ sẽ trở thành khá giả.
Huyền-My hỏi Thủ-Độ :
- Có một nghi vấn, mà cô muốn con nói thực : Con quỷ ba đầu giết cả nhà Đàm Thì-Phụng có phải là con không ?
- Không ! Nếu con làm, thì việc gì con phải dấu ông bà, các bác, các chú, các cô ?
Tự-Hấp gõ tay xuống bàn :
- Chúng ta phải điều tra vụ này khẩn cấp. Ông nghĩ rằng Thủ-Độ, Tự-Thừa, Tự-Khánh đang điều khiển bọn ăn mày, thì có thể tìm ra manh mối.
Đệ tử của Trần Lý là Vương Lê góp ý:
- Có nhiều sự kiện ta phải chú ý: Người giả danh anh Thủ-Độ đã biết chi tiết việc công chúa Đoan-Nghi bị ám hại. Lại cũng biết Quỷ ba đầu là anh Thủ-Độ. Căn cứ vào đó ta có thể tìm ra y.
Tự-Khánh quả quyết :
- Cháu hứa với ông là nội trong một tháng chúng cháu sẽ tìm ra thủ phạm vụ này.
Phùng Tá-Chu trình bầy về tình hình triều đình :
- Sau khi Đàm Thì-Phụng bị giết, thì thế lực họ Đàm bị mất hẳn. Đàm Dĩ-Mông tuy lĩnh chức Thái-sư, mà vô quyền. Còn Phụ-quốc Thái-úy Đỗ Kính-Tu thì luôn khiêm tốn rằng mình không đủ tài. Ông ta xin triều đình ban chỉ ân xá, rồi triệu Thủ-Huy về thì mới hy vọng dẹp được bọn giặc đang nổi lên khắp nơi.
Đệ tử thứ nhì của Trần Lý là Lê Mịch bàn:
- Từ ba đời vua rồi, triều Lý không còn được lòng dân nữa. Ý dân là ý trời. Triều Lý đã mất lòng dân, thì ta nên thay bằng triều khác là hơn.
Đệ tử thứ ba là Lý Bất Nhiễm cũng đồng ý:
- Phàm cai trị dân phải có đức. Họ Lý nhân có đức mà được ngôi vua, thì nay nhà ta đức còn hơn Lý Công-Uẩn, tại sao ta không phất cờ cứu dân, lập triều đình Đông- A?
Bà Tự-Hấp xua tay:
- Chúng ta không ai muốn làm vua, cũng chẳng muốn diệt triều Lý. Thôi, cứ để triều đình tìm Thủ-Huy về, bình định lại đất nước là hơn cả.
Tô Phương-Lan (Bà Trần Lý) lắc đầu :
- Với tình hình rối loạn của đất nước hiện nay, thì dù tể tướng Phương-Dung thời vua Trưng có sống dậy cũng bó tay. Trên cao, thì vua suốt ngày chỉ rượu chè, vui trong câu ca tiếng hát của cung nga. Đã vậy còn xây dựng cung điện nguy nga, làm tốn sức dân, làm hao công nho. Ngoài trấn, phủ, huyện thì các quan chỉ lo vơ vét. Nếu chú Thủ-Huy về, không lẽ chú ấy phải giết chết vua, giết hết cung nga ? Tru diệt tất cả các quan ?
Cử tọa bàn luận phân vân, không biết có nên để Thủ-Huy trở về hay không ?
Trần Thừa lên tiếng :
- Theo cháu nghĩ, bất cứ ai lên làm vua, thì cũng phải lấy việc tạo phúc cho dân làm căn bản. Khi cái căn bản đó không còn, thì vua hóa ra một thứ đạo tặc. Vua Hùng thứ 88 làm cho dân khổ thì vua An-Dương đem quân đánh, lập lên triều Âu-lạc. Vua Ngọa-triều tàn hại dân, cai trị bằng bạo ngược thì vua Lý Thái-tổ lên thay. Bây giờ triều Tiêu-sơn quá thối nát, quá dơ bẩn, tại sao chúng ta là những kẽ sĩ , là những võ sĩ, lại không tuốt cao ba thước gươm lập lên một triều đình mới ?
Hầu như cử tọa đều có ý tưởng giống Trần-Thừa, nhưng không ai muốn nói ra. Bây giờ nghe Trần-Thừa nói, người người đều nhìn nhau như cùng đồng ý.
Trần Lý phát biểu :
- Theo con nghĩ, nếu như triều đình triệu hồi chú Thủ-Huy, chưa chắc chú ấy chịu về. Bố mẹ cũng nên viết thư riêng khuyên chú ấy. Bây giờ khắp vùng Thiên-trường, Trường-yên, Kinh-Bắc, Thanh-hóa đều thuộc hệ thống trang ấp của ta. Nay thêm bang Lĩnh-Nam của Thủ-Độ, với 9 Tiến-sĩ của nó sắp được trao binh quyền...Chú Thủ-Huy trở về đã có một lực lượng căn bản. Khi quyền vào tay, chú ấy cứ ý mình mà làm, không cần biết đến nội cung, triều đình. Bằng nhà vua làm quá, thì ta kiếm một thiếu niên Hoàng-tộc thông minh, hiền đức đưa lên ngôi vua. Chỉ có cách ấy mới dẹp được giặc dã, mới ổn định lại đất nước.
Sau phiên họp, suốt ngày đêm, ông bà Tự-Hấp thay nhau luyện võ cho Thủ-Độ. Vốn luyện được nội công cả âm nhu lẫn dương cương. Hôm ở trên đài tại sân Giảng-võ, Thủ-Độ hút được toàn bộ nội lực của Đinh Hoàng, Đinh Huyền, nên công lực của nó hiện cao vào bậc thượng thừa. Vì vậy, bất cứ chưởng, quyền, kiếm, hay võ công khó đến đâu, nó chỉ luyện một lần là thành công ngay. Càng học, nó càng thấy rùng mình : Hồi ở Thăng-long, nó chỉ biết có một vài pho võ công, mà dám tung hoành. Cũng may chưa gặp những cao thủ bậc nhất, bằng không thì nó đã mất mạng.
Trong thời gian đó, Thủ-Độ được luyện võ, chơi đùa với ba đệ tử của Trần Lý là Vương Lê, Lê Mịch, Lý Bất Nhiễm. Nó thấy ba người sư huynh này văn võ toàn tài, chí khí khác thường. Nó ngỏ ý nhờ Trần Thừa mời ba người nhập vào bang Lĩnh-Nam. Ba người vui vẻ nhận lời.
Tuy phải luyện võ, học văn, nhưng Thủ-Độ vẫn cùng Trần-Thừa, Tự-Khánh, Mỹ-Vân, Kim-Dung dùng thư tín điều khiển bọn Khả-hãn trong công việc quy dân nghèo lập ấp, huấn luyện các đội dân binh.
Vào các buổi chiều. Những khi mặt trời nghiêng bóng, Thủ-Độ lại cùng Kim-Dung xuống con thuyền nhỏ, thả theo giòng sông, ngắm cảnh. Ông bà Tự-Hấp, Trần Lý tưởng giữa tình chị em con chú, con bác, mà hai trẻ gần nhau là sự thường ; không ai ngờ mối tình của đôi trẻ đã mặn nồng.
Hôm nay, ông bà Tự-Hấp bận tiếp khách. Thủ-Độ, Kim-Dung rủ nhau ra tháp Phổ-minh chơi. Hai trẻ ngồi bên bờ hồ xây bằng đá, ngâm chân xuống nước. Kim-Dung nhìn mây trôi, thở dài não nuột. Thủ-Độ hỏi :
- Kim-Dung ! Tại sao lại thở dài ?
- Không những thở dài, mà còn héo cả ruột gan ra được.
- ! ? ! ? ! ?
- Hư ! Người đang là Đại-hãn, là đại ca. Ta đang là phó Đại-hãn, tiểu muội của người. Bỗng nhiên ta thành chị người. Người thành em ta.
- Nhưng chúng mình vẫn yêu nhau. Vẫn gần nhau.
- Người không biết gì cả. Người sinh ra, lớn lên ở Mông-cổ. Mà ở Mông-cổ thì anh chị em con cô con cậu, con chú con bác được lấy nhau. Còn đạo lý Đại-Việt thì không thể...
- Thế cái đạo lý đó do ai đặt ra ?
- Do các Nho-gia.
- Nho gia là người. Nho gia đặt ra luật lệ được. Chúng ta cũng là người, tại sao chúng ta không đặt ra luật nhỉ ? Ta hãy bỏ cái luân lý Nho-gia đi, làm ra luân lý Đại-Việt mới.
- Nói thì dễ. Nhưng liệu ông bà, bố mẹ có cho không ?
- Các người không cho thì chúng ta trốn lên Mông-cổ. Khó gì.
Qua câu chuyện, Kim-Dung mới nhận thấy ở người tình mình có đức tự tin, tinh thần nổi loạn. Cứ như lời thề Chân-giáo, lời thề trên hồ Tây, lời thề tại đền Hùng... thì Thủ-Độ sẽ khởi binh lật đổ triều Lý ! Điều này thực ngoài sức tưởng tượng của nàng.
Thủ-Độ nói :
- Triều đình ban chỉ cử anh làm sứ giả đi Mông-cổ đón bố anh về. Vậy Kim-Dung xin hai bác cùng đi với anh. Tới Mông-cổ, ta làm lễ cưới, khi về Đại-Việt thì sự đã rồi.
- Vụ này xin bố thì có thể, chứ mẹ thì không hy vọng. Mẹ tinh lắm. Trước đây thấy em với anh thân thiết mẹ đã nghi rồi. Qua mặt mẹ không được đâu ! Anh ơi, dù thế nào chăng nữa, bố mẹ có gả chồng cho em, em phải tuân theo. Nhưng...nhưng em vẫn dành cho anh tất cả.
Kim-Dung khẳng định :
- Anh có ba lời nguyền. Lời nguyền Chân-giáo, lời nguyền trên hồ Tây với em, lời nguyền tại đền Hùng với các Khả-hãn. Hôm nay, thề có đất trời, bất cứ ở hoàn cảnh nào, bất cứ ở nơi nào, em cũng nhất tâm nhất trí cùng anh thực hiện ba lời nguyền đó.
Hôm sau, quan phủ Thiên-trường tới báo với ông bà Tự-Hấp rằng : Bốn ngày nữa, sẽ có sứ giả tới phong chức tước cho Thủ-Độ.
Bốn hôm sau.
Vào khoảng giờ Mùi, thì tráng đinh báo với ông bà Tự-Hấp:
- Thưa thái sư phụ, sứ đoàn đã tới.
- Họ gồm bao nhiêu người?
- Thưa đông lắm! Chánh sứ là Thái-tử Long-Sảm. Phó sứ là Lễ-bộ tham tri Phạm Kính-Ân.
Nghe tin ân sư sắp đến, lòng Thủ-Độ cảm thấy ấm áp bao nhiêu, thì nghe đến tên Long-Sảm, trong lòng nólại ngút lên ngọn lửa hận thù. Tất cả những đau đớn, tủi nhục hồi thơ ấu do Long-Sảm với bọn Gia-thụy ngũ anh gây ra cho nó, lại ngùn ngụt bốc lên. Nó nghiến răng, chân tay phát run. Không ai để ý đến tình trạng đó của nó cả. Duy Trần Thừa, là người đã được Kim-Dung kể cho nghe chi tiết về lời nguyền Chân-giáo. Bây giờ, liếc qua, Thừa nhìn thấu tâm can người em. Chàng dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai nó:
- Em phải bình tĩnh. Em ơi, ví như em muốn đánh một con chó, thì phải vuốt ve nó, mới tới gần nó được. Đối với Long-Sảm cũng vậy. Nó là một thằng vừa ác, vừa ngu. Em cần tỏ ra phục tùng y, hầu giữ ngôi vua cho y. Bằng như em chống phá y, sao em có thể gần y được? Sao y có thể lên ngôi vua? Em muốn diệt triều Lý, thì cần nhất là trên ngai có ông vua vừa ngu, vừa ác như Long-Sảm.
Nghe anh giảng, Thủ-Độ bừng tỉnh. Nó đứng dậy, vào nhà thay y phục, rồi theo ông bà đi đón sứ đoàn.
Chánh sứ Long-Sảm cỡi ngựa đi trước, phía sau là phó sứ Phạm Kính-Ân với bồi sứ Nguyễn Nộn, Đoàn Văn, Phạm Bỉnh-Du, có đoàn Thiết-kỵ hộ tống.
Lễ nghi tất.
Viên thái giám phòng Kính-sự hô :
- Trần Thủ-Độ quỳ xuống nghe chiếu chỉ.
Thủ-Độ đến trước hương án quỳ gối. Phạm Kính-Ân cầm trục giấy đọc. Trong chiếu phong Thủ-Độ làm võ trạng nguyên, lại ban cho chức Tổng-lĩnh thị vệ. Nội trong ngày phải về Thăng-long nhậm chức. Thủ-Độ bái lậy.
Long-Sảm nhìn Thủ-Độ, rồi cười :
- Thằng khờ ! Không phải nhờ tiếng tăm của cha, của mẹ mà mày được vinh hiển thế này đâu nhá ! Chả biết bằng cách nào, mà mày được Thái-hậu đặc biệt chiếu cố. Người nói với phụ hoàng, nên phụ hoàng phải tuân chỉ, mà trọng dụng mày đó.
Thủ-Độ giận tím mặt, nó định phản đối, thì Trần Thừa bảo nó:
- Em phải ghi nhớ lời Thái-tử vào tâm can. Ghi nhớ đời đời. Khi về Thăng-long em phải hết sức tận tụy, để báo đáp ơn trời biển của Thái-hậu.
Câu nói của Tự-Thừa có hai nghĩa. Đối với Thủ-Độ thì : Tên Long-Sảm này là một đứa nói năng càn rỡ. Em hãy ghi vào lòng, để mai hậu trả thù. Còn đối với Long-Sảm thì lại có nghĩa : Phải ghi nhớ ơn Thái-hậu.
Thủ-Độ đóng kịch :
- Đa tạ Thái-tử ban chỉ dụ.
Long-Sảm thấy Kim-Dung đứng sau Thủ-Độ thì cười :
- Cô nương ! Thực là có trời, mà cũng tại ta. Hồi trước nhác thấy dung nhan của cô nương, cô gia cứ tưởng là Hằng-nga giáng thế. Cô gia tự hỏi : Hằng-Nga sao lại đi chung xe với thằng khùng Thủ-Độ ? Hôm ấy cô gia từng nói với cô nương rằng : Nếu cô nương cho biết song thân cô nương là ai. Cô gia sẽ nói với người, để người cho phép cô nương đi chơi vơí cô gia. Có đúng thế không ? Bây giờ cô nương biết cô gia là ai rồi chứ ? Sau khi cách biệt cô nương, ngày nhớ đêm mong. Cô gia phải sai Thị-vệ đi tìm tông tích cô nương. Mà than ôi, tìm cô nương không khác tìm chim. Nào ngờ cô nương là ái nữ của Thần-nông sứ. Vì vậy, cô gia phải xin phụ hoàng cho lĩnh mệnh sứ thần, để được thấy lại cô nương.
Thấy Long-Sảm thân là Thái-tử, mà buông lời khinh bạc vơí Thủ-Độ rồi lại cợt nhả với Kim-Dung. Ông bà Tự-Hấp tự cảm thấy chán nản :
- Tư cách một đấng trừ quân, mai này lên ngôi vua, cai trị thiện hạ mà như thế này thì dù Khai-Quốc vương có sống lại cũng không cứu được sự nghiệp Tiêu-sơn ! Hèn gì Tự-Thừa, Tự-Khánh, Thủ-Độ cứ luận với nhau làm sao khích anh hùng nội dậy, diệt triều Lý cũng không oan.
Ông bà Tự-Hấp mời Long-Sảm cùng bọn Gia-thụy ngũ-anh xuống con thuyền lớn là nơi tiếp khách của phái Đông- A dự tiệc. Long-Sảm chỉ Kim-Dung hỏi Trần Lý:
- Không biết Thần-nông sứ có thể cho Hằng-nga tiên tử đi vơí cô gia chăng ?
Trần Lý tuy bực mình, nhưng cũng phải trả lời :
- Dĩ nhiên tiểu nữ sẽ phải xuống thuyền hầu Thái-tử.
Chủ khách cùng xuống thuyền. Ông bà Trần Lý ngồi ở chủ vị tiếp Long-Sảm với bọn Gia-thụy ngũ-anh.
Long-Sảm rút thanh kiếm trao cho Thủ-Độ :
- Xưa kia, Hậu-chúa Lưu Bị, mỗi khi dự tiệc đâu, thì danh tướng Triệu Tử-Long đeo kiếm đứng sau hầu. Nay ta là Thái-tử, người là Tổng-lĩnh thị-vệ. Phận chúa tôi đã phân. Vậy người hãy đeo kiếm này đứng sau lưng hầu ta.
Thủ-Độ tím mặt nhưng cũng phải cúi đầu, lĩnh kiếm đeo vào hông, khoanh tay đứng sau Long-Sảm. Trong suốt bữa tiệc, Long-Xưởng luôn cười nói, cớt nhả vơí Kim-Dung. Mỗi lời của Long-Sảm nói, như một nhát kiếm đâm vào ngực Thủ-Độ. Nó cảm thấy miệng đắng, hơi nóng rừng rực bốc lên hai vai, rồi thái dương. Nó nghiến răng thề ngầm trong tâm :
- Mối hận này chồng chất lên mối hận cũ. Ta, Thủ-Độ nguyện sẽ làm cho mi đau đớn cùng cực, rồi chết mới hả lòng.
Đêm hôm đó Thủ-Độ tới phòng ngủ của Phạm Kính-Ân để tạ ơn ông. Kính-Ân nắm tay Thủ-Độ:
- Thầy mừng cho con huyết nhục trùng phùng. Võ công con cao đến không ai tưởng tượng nổi. Tư cách của con lại khác phàm. Nhất là việc con cứu Thùy-Dương thoát khỏi cảnh ô nhục tại dinh Đàm Dĩ-Mông. Sau con lại nhường Kính-Nghĩa trong cuộc thi võ... Hà, con hơn cả cha con rồi đó. Con ơi! Thầy thấy con lập bang Lĩnh-Nam mà mừng vô hạn?
- Thưa thầy, con muốn mời chị Thùy-Dương, anh Kính-Nghĩa nhập bang Lĩnh-Nam, không biết thầy có cho phép không?
- Cho chứ! Đó là điều mà thầy cầu còn không được. Thầy cũng muốn nhập bang của con. Vậy con định để thầy làm gì nào?
Thủ-Độ còn đang suy nghĩ, thì Kính-Ân nói:
- Bây giờ thầy trò ta sắp xếp lại nhân sự, sao cho hợp lý. Con nghĩ sao?
- Xin thầy dạy cho.
- Con vẫn làm Bang-trưởng. Nguyên-sư đã có Trần Thừa. Tả hộ pháp có Tự-Khánh. Thầy, thì thầy sẽ đảm trách Hữu hộ pháp cho con.
Thủ-Độ chắp tay:
- Đa tạ thầy. Con đề nghị, sáu Vụ như sau: Lê Mịch coi Vụ-binh, Lý Bất Nhiễm coi Vụ-hình, Vương Lệ coi Vụ-lại, Kim-Dung coi Vụ-lễ, Mỹ-Vân coi Vụ-hộ, Thùy-Dương coi Vụ-công. Còn anh Kính-Nghĩa lĩnh chức Tổng-lĩnh chư Khả-hãn.
- Hay lắm!