Chương 4
Tác giả: Yukio - Mishima
Mùa Xuân năm Chiêu Hòa thứ 22 (1947) đã đến lúc tôi bắt đầu học năm Dự Bị tại đại học Otani. Tuy nhiên, việc nhập học chẳng phải là điều đáng dương dương tự đắc mà chỉ nhờ lòng tin yêu không thay đổi của Lão sư phụ và chỉ gợi sự thèm muốn của lũ bạn đồng liêu. Nhìn từ ngoài có thể đó là một biến cố đáng tự hào đối với tôi, nhưng thực ra sự tiến thân trên đường học vấn của tôi đã bị một sự tình làm lu mờ nên nghĩ đến lại càng thấy đáng ghét.
Một hôm lúc ở trường về, khoảng một tuần lễ sau buổi sáng tuyết rơi ấy, cái buổi sáng Lão sư phụ hứa cho tôi lên đại học, tôi nhận thấy một chú tiểu khác, từ lâu đã bị gạt bỏ không được lên đại học, hôm đó đã nhìn tôi với vẻ sung sướng cực kỳ. Cho mãi tới lúc ấy, thanh niên này chẳng thèm hé miệng nói với tôi một lời. Cả viên thủ tự và Phó ti dường như cũng có thái độ khác thường. Tuy vậy, tôi khám phá ra rằng bề ngoài trong cách cư xử đối với tôi họ vẫn cố làm ra vẻ như thường không có gì khác trước.
Tối hôm đó đến phòng Tsurukawa và tỉ tê cho nó biết thái độ kỳ cục của những người trong chùa đối với tôi. Mới nghe nó ngoẹo đầu sang một bên rồi tìm đủ cách làm cho tôi tin rằng không có gì đáng tiếc xẩy ra; tuy nhiên, nó che giấu tình cảm thực vụng về rồi giương mắt nhìn tôi trân trân.
“Tớ có nghe một thằng nói về truyện ấy,” nó vừa nói vừa kể tên chú tiểu bạn thân với cả hai đứa chúng tôi, “nhưng nó cũng chỉ nghe hơi như vậy thôi, vì khi truyện xẩy ra nó cũng đi học. Dầu sao, tớ thấy dường như có cái gì khác thường đã xẩy ra trong khi cậu vắng mặt trong chùa.”
Tôi cảm thấy hơi sờ sợ, gạn hỏi. Tsurukawa bắt tôi thề phải giữ bí mật câu truyện. Nhìn chằm vào mắt tôi, nó bắt đầu kể.
Vào buổi chiều hôm đó có một con hát đã tới chùa xin phép vào gặp mặt Thượng tọa trụ trì. Người đó mặc một một tấm áo choàng màu đỏ và rõ rệt là một cô gái làng chơi cho tụi ngoại quốc. Thay mặt Thượng tọa trụ trì, ông Phó ti ra tiếp cô ta ở huyền quan. Thiếu nữ ấy nặng lời với ông Phó ti và bảo rằng nếu ông muốn yên thân thì nên để cô ta vào gặp Thượng tọa trụ trì. Chẳng ngờ đúng lúc đó Lão sư phụ lại đang đi dọc theo hành lang. Trông thấy người con gái, ông đi ra trước huyền quan. Cô ta nói với ông rằng khoảng một tuần trước đó, vào buổi sáng tuyết vừa ngừng rơi cô ta đã cùng một tên lính ngoại quốc tới vãn cảnh chùa. Tên lính này đã đánh cô ngã lăn xuống đất và một chú tiểu trong chùa a dua với hắn đã giẫm chân lên bụng cô ta. Tối hôm ấy cô ta bị đọa thai. Vì thế, cô ta thấy mình có lý đến yêu cầu nhà chùa cho ít tiền. Nếu nhà chùa không chịu, cô ta sẽ phanh phui tất cả đầu đuôi câu truyện và tố cáo cái hành vi không nên không phải của Lộc Uyển tự cho thiên hạ đều biết. Chẳng nói chẳng rằng Lão sư phụ cho cô ta ít tiền và bảo cô ta hãy ra về. Trong chùa ai cũng biết hôm đó tôi đóng vai hướng dẫn cho du khách vãn cảnh, nhưng Lão sư phụ nói vì không có ai ở trong chùa mục kích cái hành vi không nên không phải của tôi nên không bao giờ buộc chặt cho tôi tội đó. Chính ông chủ tâm nhắm mắt làm ngơ. Song le, khi nghe ông Phó ti thuật lại truyện này thì trong chùa ai ai cũng nghĩ quả tôi đã có cái hành vi tồi tệ ấy.
Tsurukawa nắm lấy tay tôi. Tôi nhận thấy hầu như mắt nó rướm lệ. Nó nhìn tôi với cặp mắt trong sáng và gạn hỏi bằng một giọng trẻ con, thực thà: “Có thật mày đã làm như vậy không?”
Tôi đang trực diện với những tình cảm đen tối của chính mình. Khi tiếp tục chất vấn, Tsurukawa đã buộc tôi trực diện với những tình cảm ấy. Tại sao nó lại gạn hỏi tôi như thế? Có phải vì tình bạn hay không? Nó có ý thức được rằng nó đang bỏ rơi phần việc thực sự đã được chia cho nó khi nó chất vấn tôi như thế? Nó có tự biết vì câu chất vấn này nó đang phản bội tôi trong phần sâu nhất nơi con người tôi hay không?
Tôi sẽ phải nhắc đi nhắc lại: Tsurukawa là dương bản tấm phim chụp hình tôi. Nếu làm tròn bổn phận một cách trung thực. Tsurukawa đã chẳng vặn hỏi, mà ngược lại đã chấp nhận những tình cảm đen tối của tôi đúng như nguyên trạng rồi đem phiên dịch thành tình cảm trong sáng tươi vui. Như vậy, dối trá sẽ trở thành chân thực và chân thực sẽ trở thành dối trá. Nếu Tsurukawa đã giữ đúng lề lối đặc biệt của mình - cái lề lối phiên dịch bóng tối thành ánh sáng, ban đêm thành ban ngày, ánh trăng thành mặt trời, sự ẩm ướt của màng rêu ban đêm thành tiếng rì rào của lá xanh tươi óng ánh ban ngày - thì chính tôi có thể lắp bắp mà ngỏ lời sám hối. Nhưng vào đúng lúc này nó lại không làm như thế. Do đó, tình cảm hắc ám của tôi lại càng mạnh mẽ hơn.
Tôi cười vẩn vơ. Đêm khuya trong ngôi chùa không có một ánh lửa. Đầu gối giá lạnh. Mấy hàng cột lớn cổ kính đứng san sát xung quanh trong khi chúng tôi ngồi dựa bên nhau thì thầm trò chuyện.
Tôi chỉ mặc có bộ quần áo ngủ và run rẩy có lẽ vì trời lạnh. Tuy nhiên, cái thú lần đầu tiên công nhiên nói dối với bạn thật cũng thừa đủ làm đầu gối tôi run lập cập.
“Tao chẳng làm gì hết,” tôi nói.
“Thật không?” Tsurukawa nói. “Vậy ra con ấy đến đây nói láo. Đồ súc sinh ở đâu! Mày xem, cả lão Phó ti cũng tin lời nó cơ chứ!”
Tsurukawa tỏ ra hết sức bất bình; rồi nó bảo ngày mai nhất định nó sẽ thưa cho lão sư phụ nghe dùm tôi và nói rõ những gì đã xảy ra. Vào lúc ấy hình ảnh cái sọ dừa cạo nhẵn thín của Lão sư phụ giống như củ khoai luộc vụt qua óc tôi. Rồi tôi nhìn thấy hai má ửng hồng, phúng phính của ông. Không biết vì sao bỗng làm cho tôi thấy ghê tởm quá chừng.
Điều cần thiết là tôi phải làm sao chôn vùi cái cảm nghĩ có chính nghĩa của Tsurukawa trước khi nó phát lộ ra.
“Nhưng cậu có thực nghĩ là Lão sư phụ tin rằng tớ đã làm bậy như thế không?” Tôi hỏi.
“Ừ nhỉ,” Tsurukawa nói, nghĩ đến đó chợt lúng túng.
“Kẻ khác cứ việc mà nói ra nói vào sau lưng tớ. Chừng nào Lão sư phụ còn thấy rõ đầu đuôi câu truyện, tớ còn cảm thấy an tâm. Tớ nghĩ thế đó.”
Do đó, tôi đã nói cho Tsurukawa tin chắc rằng nó càng cố gắng bênh vực cho tôi bao nhiều thì thực ra nó càng khiến thiên hạ thêm nghi ngờ tôi bấy nhiêu. Tôi nói đúng ra chỉ Lão sư phụ biết rõ là tôi vô tội nên ông đã cố giữ im lặng và hoàn toàn không đá động gì đến câu truyện đó nữa. Lúc tôi nói lòng tôi tràn ngập vui sướng, và niềm vui này dần dần bắt rễ vững vàng, sâu xa trong lòng. Nguồn vui đó đã nói: “Không có một ai mục kích hết. Không có một chứng nhân nào hết.
Tuy nhiên, chẳng những không tin là chỉ riêng Lão sư phụ tin tưởng rằng tôi vô tội mà ngược lại: tôi nghĩ là chỉ riêng có một mình ông biết chắc rằng tôi đã phạm tội. Việc ông không thèm nhắc đến vấn đề tự nó đã biện minh cho điều suy đoán này. Có lẽ ông đã thấy rõ hết đầu đuôi câu truyện rồi khi tôi đem dâng ông hai tút thuốc lá Chesterfields ấy, có lẽ ông bỏ qua không nhắc nhở gì đến câu truyện là vì ông đang từ xa thầm lặng chờ đợi tôi tự ý tìm tới sám hối với ông. Không phải chỉ có vậy mà thôi. Có lẽ việc ông tiến dẫn cho tôi lên đại học cũng chỉ là cái mồi để nhử tôi sám hối, ông sẽ rút lại lời tiến dẫn để trừng phạt sự không ngay thẳng của tôi; tuy nhiên, nếu tôi thực tâm sám hối, và nếu ông nghĩ rằng tôi đã thực sự ăn năn, sửa lỗi, chắc ông sẽ, như một đặc ân, tiếp tục tiến dẫn cho tôi lên đại học.
Cái bẫy to lớn hơn hết chính là việc Lão sư phụ dặn ông Phó ti đừng có nói cho tôi biết gì về việc ấy. Một mặt, nếu quả thực tôi vô tội thì tôi có thể sống bình thản ngày này qua ngày khác, không cần biết hoặc cảm thấy có gì bất thường đã xẩy ra hết. Mặt khác, nếu tôi có hành vi không nên không phải, nếu quả thực tôi có chút trí tuệ tôi sẽ phải khéo léo làm ra vẻ đang sống trong một trạng thái tâm linh thực là trầm mặc và thuần khiết, chứng tỏ rõ rệt là mình không có lỗi lầm gì - nói cách khác, cái tâm trạng của một người nào đó chẳng có gì phải sám hối cả. Ừ mà phải, tôi nên giả vờ như vậy đối với tôi. Đó là phương cách hoàn toàn nhất, đó là phương cách duy nhất khiến cho tôi có thể tỏ ra mình vô tội. Lão sư phụ đang nói bóng gió ghê gớm lắm. Đó là cái bẫy ông giương ra để dẫn dụ tôi bước vào. Nghĩ đến đây, tôi giận điên người lên. Bởi vì chẳng phải là vì tôi không thể bào chữa cho hành vi của mình. Nếu tôi không giẫm chân lên mình đứa con gái kia thì có thể thằng lính Mỹ đã móc súng ra đe dọa mạng sống của tôi. Hơn thế, ai mà dám chống đối Quân đội chiếm đóng. Những gì tôi đã làm chẳng qua là vì bị ép buộc cả.
Nhưng cảm thấy cái bụng cô gái dưới đế giầy cao su, cảm thấy sức dẽo dai mềm mại như nịnh nọt của thịt da nàng, cảm thấy tiếng rên rỉ phát ra từ thân hình ấy, thật giống như một bông hoa bằng thịt bị vò bóp sắp sửa bừng nở; cái cảm giác ngây ngất, choáng váng của các giác quan tôi, cái cảm giác ấy lúc giống như một tia chớp huyền bí nào đó lướt qua từ thân thể người con gái vào chính thân xác tôi - tôi không thể bảo tôi đã thưởng thức tất cả việc đó vì bị cưỡng ép. Đến bây giờ tôi chẳng thể quên được cái khoảnh khắc ngọt ngào tươi đẹp ấy. Lão sư phụ biết rõ tới tận hạch tâm cảm giác của tôi và ông biết rõ tới hạch tâm của sự ngọt ngào tươi đẹp đó. Suốt năm sau tôi như con chim bị nhốt trong lồng. Tôi luôn luôn thấy cái lồng ở trước mặt. Đã quyết tâm không bao giờ sám hối nên suốt ngày không lúc nào tôi sống thanh thản. Thật là một sự lạ lùng. Cái hành vi ấy của tôi vào lúc ấy không làm cho tôi có chút cảm giác tội lỗi nào cả, cái việc giẫm chân lên bụng người con gái đã dần dần bắt đầu rực sáng trong ký ức tôi. Thực không phải chỉ vì tôi biết rằng kết quả là cô gái bị đọa thai. Bởi lẽ việc làm của tôi đọng lại như những hạt cát vàng chìm đọng trong ký ức tôi và bắt đầu tỏa ra một tia sáng lấp lánh luôn luôn bắn thẳng vào mắt tôi. Vẻ óng ánh của tội ác. Phải, chính nó đấy. Có thể đây chỉ là một tội ác rất nhỏ bé, song lúc này, tôi ý thức rõ rệt tôi đã thực sự phạm tội ác. Ý thức này treo lơ lửng giống như một tấm huân chương nào đó ở bên trong ngực tôi.
Còn về những vấn đề thực tế đối với tôi cho tới khi tôi qua kỳ thi vào đại học Otani bây giờ không có gì đáng kể, ngoại trừ việc phải sống trong một tâm trạng bối rối, cố gắng hết sức mình mò mẫm đoán xem ý hướng Lão sư phụ đối với tôi ra sao, không có một lần nào Lão sư phụ nói lời trái ngược lời hứa của ông cho tôi lên đại học. Mặt khác, không có lần nào ông nói điều gì liên quan đến truyện chuẩn bị cho tôi thi vào đại học. Tôi nóng lòng chờ đợi Lão sư phụ nói điều gì đó về mình biết là bao nhiêu dù điều đó có thế nào đi nữa! Nhưng ác hại thay ông cứ giữ im lặng và bắt tôi phải chịu sự khảo vấn vĩnh cửu đó. Còn về phần tôi trong lúc đó có lẽ vì hãi hùng, có lẽ vì muốn phản kháng, tôi không muốn hỏi Lão sư phụ về ý hướng của ông. Ngày trước tôi nghĩ đến Lão sư phụ với kính ý thường lệ, nhưng có nhiều lúc tôi đã nhìn ông với con mắt phê phán. Nhưng bây giờ ông đã dần dần mang một dáng vẻ quái vật to lớn kinh khủng nên tôi chẳng còn tin được rằng trong cái hình dáng ấy lại có một trái tim bình thường của người đời. Tuy biết bao lần đã cố gắng tránh né không để mắt nhìn, song hình thù ấy vẫn cứ lù lù hiện ra trước mắt tôi giống như một lâu đài kỳ quái.
Truyện xảy ra cuối thu. Lão sư phụ được người ta mời đến đám tang một đàn gia quen biết lâu ngày; và vì phải đi mất hai giờ đi xe lửa mới tới nơi nên chiều tối hôm trước ông đã cho mọi người biết ông sẽ rời chùa ra đi vào lúc năm giờ rưỡi sáng hôm sau, ông Phó ti sẽ đi theo Lão sư phụ. Để sửa soạn cho kịp lúc Lão sư phụ xuất môn, tất cả chúng tôi đều thức dậy lúc bốn giờ, quét dọn sửa soạn bữa ăn sáng. Vừa rời khỏi giường, chúng tôi liền bắt đầu tụng “triêu khóa” kinh trong khi ông Phó ti sửa soạn hành trang cho Lão sư phụ. Từ trong khố lý giá lạnh tối om của chiếc gầu múc nước kêu cót két liên hồi vọng lại. Chúng tôi vội vã rửa mặt. Tiếng gà gáy trong sân xuyên thủng màn tối của buổi sớm cuối thu, trong âm thanh ấy có một vẻ trắng trong và tươi mát.
Chúng tôi vén tay áo lên, rồi vội vã tập trung quì trước bàn thờ trong khách điện. Trong cái giá lạnh của buổi bình minh những chiếc chiếu cói trong căn đại điện, trên đó không có ai nằm, có một cảm giác đặc biệt như thể chúng muốn xô đẩy không muốn da thịt con người sờ vào. Còn ngọn nến trên bàn thì lung linh. Chúng tôi cung kính lễ. Thoạt tiên, chúng tôi đứng cúi đầu, rồi quỳ trên chiếu và cúi đầu vài ba lần theo tiếng chiêng.
Trong tiếp hợp xướng của đàn ông cùng nhau tụng kinh vào triêu khóa luôn luôn tôi nhận thấy có một cái gì tươi mát. Những bài kinh buổi sáng ấy là những bài kinh tụng lớn giọng nhất trong ngày. Những giọng nói mạnh mẽ ấy dường như đang thổi tan tất cả những vọng niệm đã tập trung lại trong đêm, và thật như thể có một tia nước màu đen từ thanh đới những người đang tụng niệm bắn phọt ra tung tóe khắp nơi. Tôi không biết gì về chính tôi nữa. Tôi không biết, tuy nhiên tôi cảm thấy phấn khởi lạ kỳ khi nghĩ rằng giọng nói của tôi đang xua đuổi, đánh tan cùng những tư tưởng tà ác của đàn ông con trai như những người khác.
Trước khi chúng tôi chấm dứt buổi “chúc tọa”, Lão sư phụ đã sẵn sàng rời chùa đi ra đi. Theo tục lệ tất cả những người trong chùa đều ra sắp hàng nghiêm chỉnh ngoài huyền quan để tiễn đưa ông. Trời hãy còn tối. Bầu trời còn sao. Dưới ánh sao sáng bờ đường lát đá trải dài mơ hồ đến cửa Sơn Môn, những bóng cây lịch to lớn, những cây mai và những cây tùng vươn rộng ngoằn ngoèo trên mặt đất, bóng này tan biến vào bóng kia ở bên cạnh che kín cả mặt đất. Cái áo len của tôi có nhiều lỗ thủng, 季hơi lạnh lùa vào làm cánh tay tôi tê cóng lại.
Mọi việc đều tiến hành trong im lặng. Chúng tôi cúi thấp đầu chào Lão sư phụ, chúng tôi không nói năng gì; ông đáp lại vài lời hầu như không nghe thấy rõ. Rồi tiếng guốc Lão sư phụ và ông Phó ti chìm lặng dần đi, khi hai người xa dần trên con đường trải đá. Theo nghi lễ Thiền gia người ta chờ cho đến khi người mình tiễn đưa đã hoàn toàn mất hút ở đàng xa rồi mới trở về. Bây giờ theo rõi hai hình bóng đang đi xa ấy, chúng tôi không thể nhìn thấy toàn bộ hình dáng họ. Chúng tôi chỉ còn thấy vạt áo cà sa trắng cùng bít tất trắng của họ. Đến một chỗ nào đó họ dường như mất hút hẳn. Tuy nhiên, đó chỉ vì họ đi khuất sau hàng cây. Sau một lúc vạt áo trắng và những đôi bít tất trắng hiện ra một lần nữa; chẳng hiểu vì sao tiếng chân họ lại vang xa hơn trước. Chúng tôi đứng đó chăm chăm nhìn theo, và hình như đứng đó thật là lâu cho đến lúc hình bóng hai người đi qua tổng môn lần cuối cùng biến hẳn.
Chính vào lúc này trong da thịt tôi lại nẩy sinh một xung động lạ kỳ. Vừa khi vài lời nói quan trọng đang cố gắng thoát khỏi miệng nhưng bị tiếng nói lắp chặn lại thì cái xung động này nóng ran ở cuống họng tôi. Xung động này là sự khao khát bất ngờ được mong cởi gỡ buông thả. Vào lúc này những tham vọng trước kia của tôi biến hẳn đi - ước muốn vào đại học, và hơn thế, hy vọng Má ngấm ngầm gợi ý mong tôi có thể nối nghiệp Lão sư phụ trụ trì ngôi chùa này. Tôi muốn thoát khỏi một sức mạnh âm thầm nào đó đã chi phối và đè nặng lên tôi.
Tôi không thể nói rằng vào lúc ấy tôi đang thiếu can đảm. Cái can đảm cần có để thú tội chỉ là một truyện hết sức tầm thường. Đối với một người như tôi đã sống lặng lẽ trong hai mươi năm qua, giá trị của sự sám hối thật nhỏ nhoi. Thiên hạ có thể cho là tôi đang nói quá lời. Tuy nhiên, sự thực là do việc tự mình chống đối thái độ yên lặng của Lão sư phụ và khước từ việc thổ lộ tâm can cho đến lúc ấy tôi chỉ trải qua có một thử thách này: “Liệu ở đời có tội ác hay không?” Nếu tôi cứ khăng khăng cho đến phút chót không chịu sám hối, thì điều đó chứng tỏ rằng tội ác dẫu cho chỉ là một tội nhỏ, thực sự có ở đời. Nhưng khi tôi chợt nhìn thấy qua hàng cây tà áo trắng và những đôi tất trắng của Lão sư phụ đã khuất vào màn tối buổi sớm, cái sức mạnh đang nóng ran trong cuống họng tôi trở nên hầu như không chịu nổi và tôi muốn tỏ bầy hết tất cả. Tôi muốn chạy theo Lão sư phụ, bám chặt tay áo ông rồi lớn giọng kể ông nghe rõ những gì đã xẩy ra vào cái buổi sáng đầy tuyết ấy. Chắc chắn là trong tôi không hề có sự tôn kính nào đó đối với cái người đã khiến cho tôi có ý tưởng này. Sức mạnh của Lão sư phụ giống như một loại cường lực vật lý nào đó.
Tuy nhiên, ý nghĩ nếu tỏ bầy hết mọi sự thì sẽ đánh tan ngay các tội lỗi nhỏ nhoi đầu tiên trong đời mình lại làm tôi trù trừ. Và tôi cảm thấy có cái gì đang giật mạnh đằng sau lưng. Rồi hình bóng Lão sư phụ đi qua tổng môn và tan biến dưới bầu trời hãy còn mù mịt.
Tất cả ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm, mọi người vội vã chạy xô ra huyền quan đàng trước. Trong lúc đó tôi đứng đó thẫn thờ. Tsurukawa vỗ vào vai tôi. Vai tôi rung lên. Đôi vai gầy guộc xương xẩu ấy của tôi lại hồi phục được niềm kiêu hãnh.
Như tôi đã nói mặc dù có rất nhiều điêu rắc rối cuối cùng tôi vẫn được vào đại học Otani. Tôi chẳng hề sám hối. Một vài ngày sau, Lão sư phụ gọi Tsurukawa và tôi tới; ông vắn tắt cho hai chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ phải bắt đầu sửa soạn để thi vào trường và trong khi học thi chúng tôi được miễn các công việc trong chùa.
Thế rồi, tôi trúng tuyển kỳ thi nhập học. Tuy nhiên, việc này chẳng phải là cái cớ để giải quyết mọi khó khăn. Thái độ của Lão sư phụ thật ra chẳng cho tôi biết lấy mảy may là ông nghĩ thế nào về truyện xẩy ra hôm tuyết rơi ấy, mà tôi cũng chẳng thể nào đoán được lòng dạ của ông đối với kẻ kế nghiệp ngày sau ra làm sao nữa.
Đại học Otani tiêu biểu cho những khúc quanh trong đời tôi. Chính tại đây lần đầu tiên trong đời, tôi làm quen với nhiều tư tưởng, với những tư tưởng chính tôi đã cẩn thận lựa chọn. Otani được xây dựng gần ba trăm năm trước đây vào năm Khoan Văn thứ năm (1663) khi đại học liêu của chùa Chúc Tử Quan Thế Âm được di chuyển tới Chỉ Xác đại dinh ở Kyoto. Từ đó trở đi đại học này sử dụng làm tu đạo viện dành cho đệ tử Bản Nguyện tự của phái Otani. Vào đời Thế thường tông chủ thứ mười lăm của Bản Nguyện tự có một môn đồ tên Soken Takagi trú quán tại Naniwa đã đem lòng hỉ xả đóng góp nhiều công của. Người ta đã đến ở trên miếng đất hiện tại nơi khu Lạc Bắc Ô Hoàn Đầu phía bắc kinh đô rồi xây dựng lại đại học này. Toàn thể khu đất chỉ có bốn mươi nghìn thước vuông, như vậy kể ra không phải là rộng lớn đối với một đại học. Tuy nhiên, chính tại đây rất nhiều thanh niên, không những chỉ thuộc phái Otani mà còn từ mọi tông phái Phật giáo, đã nghiên cứu học hỏi và được huấn luyện về căn bản triết lý Phật giáo.
Một cái cổng gạch cũ kỹ ngăn khu đại học với đường phố và đường xe điện bên ngoài. Cổng nầy quay về hướng tây trông lên núi Bỉ Duệ. Có một xa đạo trải cát vàng chạy từ cổng lớn vào trong. Đi vào cổng ngoài có một đường cho xe chạy qua cái cổng lớn xe ngựa có thể đi lọt tới ba tòa nhà chính - một kiến trúc hai tầng có mái đỏ cổ lỗ và trầm uất. Trên nóc huyền quan một ngọn tháp bằng đồng xanh dựng đứng thật là hấp dẫn trông không ra một cái tháp chuông mà cũng chẳng ra một ngọn tháp đồng hồ; dưới cây cột thu lôi mảnh mai, một cửa sổ vô dụng hình vuông cắt gọn hẳn một khoảng trời xanh.
Gần huyền quan có một cây bồ đề lâu đời, cao vút có các tùm lá trang nghiêm óng ánh dưới mặt trời tựa như đồng đỏ. Ban đầu nhà trường chỉ gồm có tòa nhà chính. Sau dần dần xây cất rộng thêm ra nhiều phần chắp nối lại với nhau chẳng theo một trật tự nào cả. Phần lớn là một tòa kiến trúc bằng gỗ, cổ kính. Không ai được phép đi giầy vào bên trong. Tòa nhà có nhiều cánh ăn thông với nhau bằng những hành lang dài như vô tận lát bằng giống tre vì lâu đời nên đã bắt đầu ọp ẹp. Thỉnh thoảng những bộ phận gãy rập đã được sửa sang; vì đó khi đi từ cánh này sang cánh kia người ta như bước lên một khảm gỗ đen bóng gồm đủ mầu đậm nhạt, vì cứ sau một khoảng sàn sắc gỗ cực kỳ lâu đời lại có một khoảng sàn gỗ sắc rất là tươi mới.
Cũng giống như người mới vào học bất kỳ một trường mới nào, tuy mỗi ngày đều có cảm giác mới mẻ, thích thú, tôi vẫn thấy trong sự vật có một cái gì lang bang, mờ mịt. Chỉ quen biết có một mình Tsurukawa nên tôi chỉ có thể trò chuyện với một mình nó mà thôi. Tuy nhiên, vài ngày sau tôi thấy rằng nếu cứ tiếp tục chỉ có hai đứa với nhau thì thực chẳng bõ cái công phu khó nhọc ngoi đầu lên góp mặt với thế giới mới mẻ này. Hiển nhiên là Tsurukawa cũng cảm thấy như thế, vì vậy bắt đầu từ vài hôm sau đó chúng tôi định tâm là trong giờ nghỉ học, mỗi đứa phải đi một đường và cố gắng khai thác những tình bạn mới. Thế nhưng, vì cái tật nói lắp, tôi không được bạo dạn như Tsurukawa cho nên trong khi nó càng ngày càng có thêm bạn bè thì riêng tôi càng ngày càng cô độc.
Trong năm học Dự Bị có cả thảy mười môn: Tu thân, Quốc ngữ, Hán văn, Hoa văn, Anh ngữ, Lịch sử, Phật điển, Luận lý, Số học và Thể thao. Ngay từ những ngày giảng nghĩa đầu tiên về luận lý, tôi định tâm mon men làm quen một thằng sinh viên để hỏi đôi ba điều. Từ ít lâu nay tôi hy vọng trở thành bạn thân với thằng này. Thằng sinh viên này luôn luôn ngồi riêng một mình và đem hộp đồ ăn ra cạnh những luống hoa ở vườn đàng sau. Tập quán này của nó giống như một loại nghi thức. Chẳng đứa nào muốn lại gần thằng này, nhất là vì có một cái vẻ vô cùng yếm thế trong cái lối nhìn hết sức vô cùng chán chường vào món ăn của nó. Về phần nó, nó không bao giờ hé miệng chuyện trò với bất cứ thằng bạn học nào và có vẻ như nhất định không thèm nghĩ đến cái việc kết thân với bất kỳ ai.
Tôi biết tên nó là Kashiwagi. Nét đặc biệt của nó là hai chân hết sức cong queo quặp hẳn vào bên trong. Nó đi đứng vô cùng cẩn thận y như luôn luôn cất bước trong bùn: sau khi xoay xỏa rút một chân khỏi bùn nó mới cắm chân kia xuống. Vào những lúc dó toàn thân nó nhảy nhót, múa may, bước chân đi giống hệt như một lối dẫm chân trong vũ điệu hoàn toàn xa lạ với cuộc sống thường nhật.
Cố nhiên là ngay từ ngày đầu tiên mới bước chân vào đại học tôi đã phải để ý đến Kashiwagi. Tôi thấy an tâm trước sự tàn tật của nó. Ngay từ đầu cặp chân cong queo của nó đã có nghĩa là đồng ý với điều kiện của chính thân tôi.
Kashiwagi đã mở hộp đồ ăn trưa trên một khoảng đất đầy kim hoa thảo ở vườn sau. Vườn này nằm sát cạnh một tòa nhà hoang phế, trong đó có nhiều phòng chúng tôi tập võ karaté hoặc đánh bóng bàn nữa; các khung cửa sổ chẳng còn lấy một miếng kính che. Trong vườn có năm sáu cây tùng khẳng khiu và mấy cái khung nhỏ bằng gỗ lửng lơ trên mấy cái giường ngủ trẻ con rỗng không. Nước sơn trên mấy cái khung đã tróc trông khô queo như những bông hoa nhân tạo. Bên cạnh vài ba cái giường ngủ trẻ con trống không là một cái bệ với mấy cái giá ngang dùng làm chỗ xếp mấy chậu lan lùn tịt; gần đó là một đống ngói và sỏi, còn có cả một luống ngọc trâm hoa và một luống dạ hương lan nữa.
Ngồi trên kim hoa thảo thật thú vị. Những chiếc lá non mềm hút lấy ánh sáng mặt đám kim hoa thảo có đầy những hình ảnh nho nhỏ khiến cho tất cả lối đi như đang nhẹ nhàng bồng bềnh trên mặt đất. Trong lúc ngồi đó Kashiwagi trông chẳng khác gì những sinh viên kia: chỉ khi đi lại mới thấy khác. Khuôn mặt xanh xao của nó có một vẻ đẹp cứng cỏi mạnh mẽ. Về phương diện thể xác, nó là một đứa trẻ tàn tật; tuy nhiên khuôn mặt nó vẫn có vẻ đẹp lạ lùng giống như vẻ đẹp của một người đàn bà duyên dáng. Những người què quặt và những người đàn bà xinh đẹp thường không thích bị người ta ngắm nhìn mình mãi, họ chán ngấy cái cuộc đời cứ bị thiên hạ dòm ngó mãi mãi không thôi, họ có cảm tưởng bị vây hãm và họ đáp lại ánh sáng của thiên hạ bằng chính cuộc sống của mình. Kẻ nào nhìn là kẻ ấy thắng. Kashiwagi đang nhìn xuống khi ăn cơm trưa; tuy nhiên, tôi cảm thấy đôi mắt nó đang nhìn soi mói tất cả thế giới xung quanh.
Nó có vẻ tự mãn trong lúc ngồi đó dưới ánh sáng chói chan. Đó là ấn tượng đã thu hút tôi mạnh mẽ. Chỉ cần nhìn nó ngồi giữa đám hoa dưới ánh sáng trời xuân là tôi có thể nói ngay rằng nó không hề cảm thấy chút thẹn thùng hoặc chút tội lỗi giấu giếm nào như tôi vẫn thường thấy. Nó là một cái hình bóng có chủ trương, hoặc hơn thế nữa, nó chính là hình bóng của chính hiện hữu. Chắc chắn ánh sáng mặt trời chẳng bao giờ có thể xuyên vào các lớp da cứng cáp của nó được.
Món ăn mà nó đang dốc một lòng ngồi ăn với một vẻ chán chường cho đến thế xem ra có vẻ thực tồi tệ. Tuy nhiên, cũng chẳng tồi tệ cho bằng bữa ăn tôi vẫn thường tự dọn cho mình mỗi sáng bằng những đồ ăn thừa trong bữa điển tọa buổi sớm trong chùa. Lúc đó và năm Chiêu Hòa thứ 22 (1947) trừ khi tìm mua được thực phẩm ở ngoài chợ đen, người ta không thể nào ăn uống đầy đủ được. Tôi đứng bên cạnh Kashiwagi hai tay cầm quyển vở và cái hộp đựng bữa thức ăn trưa. Bóng tôi hắt xuống che lấp món ăn làm Kashiwagi ngửng mặt lên nhìn. Nó tiếp tục nhấm nhót đều đều giống hệt con tằm nhai lá dâu vậy.
“Xin lỗi,” tôi lắp bắp kinh khủng, “tôi muốn hỏi anh một vài điểm trong bài giảng hôm nay, tôi chưa hiểu rõ cho lắm.” Tôi nói bằng giọng tiêu chuẩn Tokyo, vì tôi quyết định, sau khi vào đại học, không dùng thổ ngữ Kyoto nữa.
“Tôi chẳng hiểu anh đang nói cái quái gì cả,” Kashiwagi nói. “Tôi chỉ nghe thấy toàn một chuỗi lắp bắp.”
Tôi cảm thấy mặt mình đỏ ửng lên. Le lưỡi liếm đầu đũa. Kashiwagi tiếp tục: “Tôi hiểu rõ tại sao anh lại bắt chuyện với tôi, Mizoguchi ạ - đó là tên anh phải không? Được, nếu đằng ấy nghĩ chúng mình cần trở thành bè bạn chỉ bởi vì hai thằng ta đều tật nguyền thì tớ chẳng thèm để ý làm gì. Nhưng so với sự bất hạnh của tớ, cậu có cho là cái tật nói lắp của cậu thực sự to truyện đến như thế hay không? Cậu để ý nhiều đến bản thân mình có phải không? Do đó, cậu đã làm to truyện quá về cái tật nói lắp cũng như về chính bản thân mình.”
Về sau, khi khám phá ra rằng Kashiwagi xuất thân từ một gia đình Thiền phái cũng thuộc tông Lâm tế, tôi nhận thấy trong những câu vấn đáp đầu tiên này nó có ít nhiều dáng vẻ đặc biệt của tăng sĩ Thiền phái; tuy nhiên, tôi chẳng thể phủ nhận cái ấn tượng mảnh liệt mà nhận xét của nó đã gây ra trong con người tôi vào lúc ấy.
“Nói lắp!” nó nói. “Cứ nói lắp bừa đi!”
Tôi lắng nghe rất đỗi ngạc nhiên đối với cái cách tỏ bày lý thú của nó.
“Ít nhất cậu đã gặp một đứa để yên tâm tha hồ mà nói lắp. Có phải thế không nào? người đời đều như thế cả, cậu ạ. Con người thảy đều muốn tìm kiếm người đồng hội đồng thuyền. Mà này, cậu có còn là trai tân không vậy?
Tôi gật đầu mà chẳng hề mỉm cười. Kashiwagi đặt câu hỏi theo lối một bác sĩ khiến tôi cảm thấy chẳng nên nói dối làm gì.
“Ừ, tớ cũng nghĩ thế,”nó nói. “ Vậy ra cậu hãy còn đồng trinh. Nhưng cậu không phải là một đồng trinh xinh đẹp. Quanh cậu chẳng có cái cóc gì là đẹp đẽ hết. Cậu không thành công với bọn con gái và cậu đâu có gan giao thiệp với gái làng chơi. Tất cả vấn đề chỉ có vậy. Nhưng nếu cậu nghĩ khi bắt chuyện với tớ là cậu sắp sửa kết thân với một thằng đồng trinh khác thì cậu lầm bét. Cậu có thích nghe câu truyện tớ đã mất tân ra làm sao không?
Chẳng đợi cho tôi trả lời, Kashiwagi nói tiếp liền.
“Tớ là con trai một tu sĩ Thiền phái ở Samnomiya và ngay khi ra đời tớ đã bị tật nguyền ở chân rồi. khi cậu nghe thấy tớ kể lể như thế này, chắc cậu lại tưởng tượng tớ là một thằng ốm yếu đáng thương nào đó chẳng cần biết là mình đang nói chuyện với ai miễn là có người để dốc bầu tâm sự về chính mình. Này, tớ không phải là thằng như thế đâu nhá. Tớ chẳng hề nói chuyện như thế này với bất kỳ ai đâu. Nói ra tớ cũng thấy khỉ khỉ thế nào ấy, nhưng sự thực là ngay từ đầu tớ đã nhắm chọn cậu để cho cậu nghe câu truyện của tớ. Thấy không, tớ loáng thoáng cảm thấy rằng khi biết tớ đã làm những gì thì cậu sẽ học được nhiều cái hay hơn bất kỳ ai khác. Tốt nhất là cậu nên làm y hệt như tớ. Như cậu thừa rõ, đó là cái cách những nhà tôn giáo đã đánh hơi tìm kiếm tín đồ và đó là cái cách những tay không uống rượu đã đánh hơi tìm những người đồng hội.
“Ấy đấy, tớ vẫn thường xấu hổ về những điều kiện sinh sống của mình. tớ nghĩ rằng hòa giải bản thân mình với những điều kiện ấy, sống ôn hòa với những điều kiện ấy tức là tiêu biểu cho sự thất bại. Nếu tớ muốn oán hận thì tất nhiên chẳng thiếu gì lý do. Đáng lẽ cha mẹ tớ đã phải lo liệu nhờ nhà thủ thuật uốn nắn lại đôi chân cho tớ ngay khi tớ còn nhỏ xíu. Bây giờ thì muộn quá mất rồi. Tuy nhiên, tớ hoàn toàn đếch có quan tâm gì đến cha mẹ và ý tưởng oán hận cha mẹ làm tớ khó chịu lắm.
“Tớ vẫn thường tin rằng đàn bà con gái chẳng bao giờ có thể yêu tớ được. Cậu thừa hiểu, tin tưởng như thế lại làm cho mình dễ chịu hơn và an vui hơn là người ta có thể tưởng tượng. Hiển nhiên là không nhất thiết phải có mâu thuẫn nào giữa sự tin chắc này với việc tớ không chịu hòa giải với những điều kiện sống của tớ. Cậu thấy đấy, nếu như tớ đã tin tưởng rằng đàn bà con gái có thể yêu mình như tớ nghĩ, thế nghĩa là, trong những điều kiện sinh sống của mình, rồi đến giới hạn mà tớ có thể tin tưởng được, có lẽ tớ sẽ hòa giải với những điều kiện ấy. Tớ nhận thấy rằng hai loại can đảm - cái can đảm phán đoán thực tại chính xác, và cái can đảm chiến đấu chống lại sự phán đoán ấy - có thể thuận hợp vói nhau rất dễ dàng. Chẳng cần nhúc nhích, tớ cũng có thể có được những cảm tưởng là mình đang chiến đấu.
“Vì tớ như thế, nên dĩ nhiên là tớ sẽ chẳng thể mất tân với gái làng chơi như nhiều thằng bạn tớ. Đương nhiên, điều ngăn cản tớ ấy là việc chị em ta không ăn nằm với khách buôn hoa vì thương yêu họ. Đối với các ả thì ai cũng là khách cả, nào những ông già lọm khọm, nào những tên ăn mày, nào những thằng chột mắt, nào những chàng trai bảnh bao - ngay cả những thằng hủi. Sự tiếp đãi bình đẳng này sẽ khiến đa số người đời an tâm; họ sẽ vui vẻ tiến tới mà mua cho kỳ được những người đàn bà đầu tiên họ gặp. Nhưng riêng tớ, tớ cóc có khoái sự bình đẳng này. Cứ nghĩ một người đàn bà lại tiếp đón người đàn ông hoàn toàn bình thường và một người nào giống như tớ trên căn bản bình đẳng là tớ không thể chịu nổi. Đối với tớ thế thật giống một sự tự mình khinh nhờn rất đáng ghê sợ. Cậu thấy đấy, tớ lo sợ là nếu người đời bỏ qua hoặc không thấy tình trạng tật nguyền của tớ, chỉ hiểu theo nghĩa đặc biệt mà thôi, thì tớ sẽ không tồn tại nữa. Đó cũng là mối sợ hãi đang chất nặng trong lòng cậu vào lúc này có phải vậy không? điều kiện cho tớ được người đời hoàn toàn công nhận và chấp nhận thì mọi việc cần phải được thu xếp sao cho thừa thãi, xa xỉ hơn gấp bội người khác. Tớ nghĩ dù cho có xẩy ra điều gì đi nữa thì đó cũng là cái lề lối mà cuộc đời phải dành ra cho tớ.
“Hẳn rằng khắc phục cái cảm giác bất mãn kinh khủng của tớ - bất mãn ở chỗ thế giới và tớ đã bị đặt vào một trạng thái đối lập - có lẽ cũng không phải là điều không thể làm được. Kể cũng có thể làm được nếu thay đổi chính tớ hoặc thế giới. Nhưng tớ lại ghét mộng tưởng đến những đổi thay như vậy. Tớ ghê tởm những giấc mơ dớ dẫn thuộc loại này. Sau khi đã nghĩ rất nhiều, tớ đi đến sự tin tưởng chắc chắn rất phù hợp lý luận là nếu thế giới thay đổi, tớ sẽ không tồn tại nữa. Kể cũng nghịch thường lắm, kết luận này tiêu biểu cho một thứ hòa giải, một thứ dung hòa. Cậu ạ, nói trắng ra thế giới có thể sống chung với cái ý nghĩ giống như tớ thấy là tớ chẳng bao giờ có thể được ai yêu. Và sau cùng một người tật nguyền sẽ rơi vào cái bẫy không ở chỗ người ấy giải tiêu cái trạng thái đối lập giữa mình và thế giới, mà chính ở chỗ nó mang hình dáng chấp nhận hoàn toàn sự đối lập này. Đó là lý do khiến một người tật nguyền trở thành bất trị.
“Ừ, chính vào cái tuổi thanh xuân của tớ - tớ dùng những chữ này sau khi cân nhắc kỹ càng - một điều hết sức khó tin đã xẩy ra cho tớ. Có một người con gái xinh đẹp nổi tiếng con một đàn gia giầu có thuộc chùa nhà tớ, đã tốt nghiệp trường nữ trung học Kobe, bất ngờ một hôm thổ lộ cho tớ hay rằng nàng yêu tớ. Thoạt nghe tớ không thể tin chính đôi tai mình nữa. Vì sự bất hạnh của mình, tớ là tay thành thạo đo lường tâm lý người khác. Vì thế, tớ đã không ngốc nghếch gạt bỏ tất cả câu truyện, như nhiều người thường làm, bằng cách nghĩ rằng nàng yêu tớ hoàn toàn chỉ do đồng tình với tớ. Tớ đã biết rất rõ rằng không một người con gái nào lại yêu tớ chỉ vì đồng tình với tớ. Bởi thế, tớ đoán nguyên nhân khiến nàng yêu tớ chỉ là tấm lòng tự tôn rất khác thường của nàng. Thiếu nữ này ý thức rõ rệt, sắc đẹp và giá trị của mình, song nàng không thể chấp nhận bất kỳ một kẻ nào mong được thương yêu mà lại tỏ ra có lòng tự tin. Nàng nhất định chẳng chịu để người ta bắc cân bắc lạng đem sánh lòng tự tôn của mình với tính hợm hĩnh của một chàng trai tự tin nào đó mong được thương yêu. Nàng may mắn có rất nhiều mối lương duyên nhưng những mối ấy càng hay bao nhiêu thì nàng lại càng ghét bấy nhiêu. Rốt cuộc, nàng khăng khăng cự tuyết bất kỳ mối tình nào có vẻ dính dáng đến sự bằng vai phải lứa - và rồi để tớ lọt vào mắt xanh.
“Tớ đã biết sẵn phải trả với nàng như thế nào. Cậu có thể cười tớ, nhưng tớ chỉ cộc lốc bảo: ‘Tôi không yêu cô’ Liệu tớ còn có thể trả lời gì hơn? Câu trả lời này thành thực và hoàn toàn không có chút vờ vĩnh. Bởi lẽ, nếu như tớ đã quyết tâm không bỏ lỡ một cơ hội tốt và khi nàng tỏ tình nếu như tớ đáp lại rằng: ‘ Anh cũng yêu em’ thì sẽ lố bịch hết chỗ nói, gần như là có vẻ bi thảm nữa. Những thằng con trai trông có dáng hoạt kê như tớ thường có tài tránh né khéo léo để khỏi tỏ ra bi thảm vì lầm lẫn. Tớ biết chắc chắn rằng một khi tớ bắt đầu lộ vẻ bi thảm thì người đời sẽ không còn cảm thấy an lòng trong khi tiếp xúc với tớ nữa. Đối với tâm hồn kẻ khác, điều trọng yếu đặc biệt là không bao giờ tớ tự tỏ ra là một con người tàn phế đáng thương hết. Đó là lý do tại sao tớ dứt khoát cự tuyệt: ‘Tôi không yêu cô!’
“Cô bé chẳng hề lùi bước vì câu trả lời của tớ. Chẳng một phút trù trừ, nàng bảo ngay là tớ nói dối. Thật là một cảnh sống động khi nhìn nàng giở đủ mọi trò để cố gắng thuyết phục tớ trong khi vẫn dụng tâm để khỏi làm thương tổn lòng tự tôn của tớ. Cô bé không thể tưởng tượng rằng trên đời này có một thằng con trai lại có thể không yêu mình khi hắn có cơ hội. Nếu thực có một thằng như thế, ắt là nó chỉ có thể tự lừa dối chính nó mà thôi. Và thế là nàng tiếp tục phân tích tỉ mĩ, rồi rút cuộc đi đến kết luận là thực ra tớ đã đem lòng yêu nàng từ trước. Nàng là một thiếu nữ thông minh. Cho rằng đã thực sự yêu tớ, nàng hẳn phải nhận ra là nàng đang yêu một người hết sức khó mà ai vói tới. Hầu như bất kỳ điều gì nàng nói cũng sai bét cả. Nếu nàng bảo rằng tớ có một bộ mặt xinh trai trong khi thực ra tớ làm gì có được, hẳn là nàng sẽ làm tớ nổi giận. Nếu nàng bảo đôi chân què của tớ đẹp mắt dễ coi thì càng làm tớ nổi giận hơn nữa. Và nếu nàng làm cái điều không yêu tớ vì ngoại mạo mà vì nội tâm có lẽ nàng sẽ làm tớ nổi giận thực sự. Tuy nhiên, nàng đã khám phá thấy một cảm tình đối ứng bên trong con người tớ, cảm tình ấy đối với sự thương yêu của nàng.
“Tớ không hề chấp nhận điều bất hợp lý này. Đồng thời, tớ lại đâm ra thèm muốn cô bé dữ dội, tuy nhiên, tớ không nghĩ rằng cái dục vọng ấy sẽ đem cô bé lại gần tớ. Tớ chợt nhĩ nếu nàng thực lòng yêu tớ và không yêu một người nào khác tất là tớ hẳn phải có một vài đặc điểm cá biệt nào làm cho tớ khác hẳn những người khác. Như vậy còn là cái gì ngoại trừ đôi chân què của tớ. Bây giờ, theo như chỗ suy nghĩ riêng tư của tớ, điều này thật hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu đặc điểm cá biệt của tớ không thực sự ở đôi chân què thì có lẽ tình yêu này có thể chấp nhận được. Song le, nếu tớ phải công nhận đặc điểm cá biệt của mình - lý do tồn tại của tớ - như là nằm ở chỗ nào đó ngoài cặp chân tàn tật thì điều này chỉ là một thứ công nhận bổ túc mà thôi. Như vậy, tất nhiên tớ sẽ đi tới chỗ công nhận lý lẽ tồn tại của người khác cũng theo cái lối bổ túc này, và rồi sẽ tới chỗ tớ công nhận luôn một cái ngã nằm gọn lọn bên trong thế giới. Vậy thì không thể có tình yêu được. Điều nàng nghĩ là nàng yêu tớ chẳng qua chỉ là một cảm giác sai lầm; và tớ không thể làm sao yêu nàng được. Do đó, tớ cứ tiếp tục lặp lại: Tôi không yêu cô.’
“Kể cũng kỳ lạ, tớ càng bảo tớ không yêu nàng thì nàng lại càng đắm chìm trong cảm giác sai lầm là nàng yêu tớ. Và rút cuộc, một tối, chẳng lý luận gì nữa nàng đem thân tới trước mặt tớ. Nàng hiến dâng thân mình cho tớ; tớ có thể nói đó làm một thân mình cực kỳ đẹp đẽ. Thế nhưng khi cần hành sự, tớ lại cóc làm được gì được.
“Sự thất bại khủng khiếp này của tớ khiến cho câu truyện được giải quyết một cách dễ dàng. Thấy lời tớ nói ‘tôi không yêu cô’ đã được chứng minh, nàng bỏ tớ đi luôn.
“Tớ lấy làm xấu hổ vì sự bất lực của mình, tuy nhiên, so sánh với sự xấu hổ vì đôi chân tàn tật thì chẳng có gì đáng nói. Điều thực sự làm tớ khốn đốn là cái gì khác hẳn cơ. Tớ hiểu lý do đã làm tớ bất lực. Đó là ý nghĩ đôi chân tật nguyền của tớ áp vào đôi chân trần trụi xinh đẹp của nàng trong lúc hành sự. Và bây giờ sự phát giác này hoàn toàn tiêu hủy sự yên bình bên trong tớ đã từng làm tớ tin chắc rằng tớ chẳng bao giờ được một người đàn bà yêu.
“Vào lúc ấy, cậu ạ, tớ cảm thấy một niềm vui không thành thật khi nghĩ rằng do dục vọng của mình - do ý muốn chạy theo dục vọng của mình - tớ đã chứng thực được tính bất khả của tình yêu. Nhưng da thịt tớ đã phản bội lại tớ. Điều tớ muốn làm bằng tinh thần mình thì da thịt tớ đã làm thay mất rồi. Và do đó tớ bị đặt trước một mâu thuẫn khác. Nói một cách có vẻ hơi phàm tục, từ trước đến giờ tớ đã mơ tưởng đến tình yêu trong tin tưởng sắt đá rằng tớ không thể được ai yêu, nhưng chung cuộc tớ đã đem dục vọng thay thế cho ái tình, và rồi cảm thấy an lòng. Nhưng kết cục tớ đã hiểu rằng dục vọng tự nó cũng đòi hỏi phải được thỏa mãn, tớ đã phải quên đi những điều kiện sinh sống của mình và phải từ bỏ cái đã tọa nên trở ngại duy nhất dẫn tới tình yêu đối với tớ nghĩa là điều tin tưởng rằng tớ sẽ không được ai yêu. Tớ đã luôn luôn nghĩ tới dục vọng như làm một cái gì sáng sủa rõ ràng hơn chính bộ mặt thực của nó, song tớ đã không nhận thấy rằng dục vọng đòi hỏi người ta phải nhìn thấy chính mình theo một lối mờ mờ ảo ảo như trong mộng vậy.
“Từ đó trở đi, tớ lại quan tâm tới nhục thể nhiều hơn tinh thần tớ. Tuy nhiên, tớ không thể trở thành một sự hóa thân của dục vọng thuần túy. Tớ chỉ có thể mơ tưởng về điều đó. Tớ hóa ra như luồng gió. Tớ trở thành một vật mà những người khác không thể nhìn thấy, nhưng tự nó nhìn thấy mọi vật, nó nhẹ nhàng tiến lại gần đối tượng, âu yếm vỗ về toàn thân và rồi sau hết thẩm nhập vào phần sâu kín nhất bên trong đối tượng. Nếu tớ có nói đến sự tự giác về nhục thể, tớ mong rằng cậu sẽ tưởng tượng ra một sự tự giác có liên quan tới một vật có chất lượng đục ngầu, vững chắc nào đó. Nhưng tớ không giống cái đó. Đối với tớ, ý thức chính mình như một nhục thể duy nhất có nghĩa là tớ lại trở thành trong suốt, vô hình, nói khác đi, giống như một làn gió.
“Nhưng đôi chân què quặt của tớ luôn luôn tự tỏ ra là một chướng ngại vật to lớn. Riêng chúng chẳng bao giờ có thể trở thành trong suốt. Dường như chúng không giống chân người cho bằng một cặp tinh thần ngoan cố. Chúng là thế đấy - nhưng đối tượng còn chắc chắn hơn cả chính nhục thể của tớ.
“Có nhẽ người đời nghĩ rằng họ không thể nhìn thấy chính mình trừ phi có tấm gương. Nhưng đã là một đứa tàn tật thì luôn luôn có một tấm gương ngay trước mũi rồi. Toàn thân tớ phản ảnh một tấm gương ấy trong từng giờ từng phút. Chẳng làm sao có thể quên được. Kết quả là cái mà thế gian cho là bất an thì đối với tớ chỉ là thứ trò chơi trẻ con. Trong trường hợp của tớ, chẳng làm gì có sự bất an. Bảo rằng tớ hiện hữu trong hình thức này là một sự kiện rõ rệt, rõ rệt như sự hiện hữu của mặt trời, như trái đất hoặc những con chim xinh đẹp và những con cá sấu xấu xa. Thế giới im lìm như một tấm mộ bia vậy.
“Chẳng có chút bất an cũng chẳng hề có chút vững bước - đó là phương cách sinh hoạt độc sáng của tớ. Tớ sống để làm cái quái gì? Nghĩ đến chuyện ấy, người đời sẽ cảm thấy khó chịu và còn tự sát nữa. Những điều đó cóc có làm tớ bực bội, thắc mắc chút nào. Có được đôi chân què quặt - đó là điều kiện, đó là lý do, mục đích, lý tưởng của cuộc sống; đó là chính cuộc sống vậy. Chỉ nguyên một việc sinh ra trên đời, sống ở trên đời, cũng đã làm tớ thỏa mãn. Trước tiên, có phải cái cảm giác khó chịu đối với sự hiện hữu của chính mình sự bắt nguồn từ một thứ xa xỉ cho là mình không thể sống được một cách trọn vẹn?
“Tớ bắt đầu để ý một quả phụ già sống một mình cùng một thôn với tớ. Người ta bảo bà ấy sáu mươi tuổi, hoặc theo vài người còn già hơn thế nữa. Ngày giỗ bố bà ta tớ được mời tới nhà tụng kinh thay cho bố tớ. Không một người thân thích nào của bà ta tới dự lễ, và chỉ có người đàn bà già ấy và tớ trước bàn thờ thôi. Khi tớ tụng kinh xong bà ta mời tớ sang phòng riêng uống trà. Vì hôm đó là một ngày hè nóng bức, tớ mới hỏi bà ta liệu có nước cho tớ tắm một cái hay không. Tớ cởi quần áo ra và người đàn bà lấy nước lạnh dội lên lưng tớ. Tớ để ý bà ta nhìn chăm chăm vào đôi chân tớ với con mắt có thiện cảm, tức thì trong lòng tờ nẩy ra một kế hoạch.
“Tắm rửa xong xuôi tớ trở lại căn phòng chỗ ban nẫy hai người đã ngồi. Trong khi lau mình cho khô, tớ lên giọng thịnh trọng trang nghiêm mà nói với bà ta rằng khi sinh ra tớ má tớ đã nằm mộng thấy đức Phật hiện lên phán rằng khi đứa trẻ này khôn lớn, người đàn bà nào thành tâm tôn thờ đôi chân nó thì khi nhắm mắt sẽ được vãng sinh cực lạc. Trong khi tớ nói, quả phụ già nua ngoan đạo tay cầm tràng hạt mắt chăm chăm nhìn vào mắt tớ. Tớ nằm ngữa trần truồng ngay đơ như một xác chết; hai tay chắp lên ngực nắm chặt chuỗi tràng hạt và tớ khe khẻ lẫm nhẩm bài kinh bố láo. Hai mắt tớ nhắm nghiền, đôi môi tớ tiếp tục lẩm nhẩm đọc kinh.
“Cậu có thể tưởng tượng tớ muốn phá ra cười đến mức độ nào. Tớ buồn cười đến vỡ bụng. Tớ chẳng hề có chút mộng tưởng nào về mình cả. Tớ biết rằng bà già ấy đang vừa đọc kinh vừa đắm mình trong sự sùng kinh đôi chân của tớ. Đầu óc tớ chỉ loáng thoáng nghĩ đến hai cái chân và tớ thấy khoái trá vô kể trong cái tình trạng nực cười này. Đôi chân què quặt. Đôi chân què quặt - đó là những gì tớ đang nghĩ, đó là những gì tớ có thể nhìn thấy trong đầu óc mình. Cái hình thù kỳ quái của đôi chân. Cái trạng huống vô cùng xấu xa tớ đã bị đặt vào. Cái trò cười man dại trạng huống ấy tạo nên! Buồn cười hơn nữa là mấy lần khấu đầu làm lễ, mớ tóc buông thả của bà ấy quệt vào gót chân tớ làm tớ buồn buồn đếch có thể chịu được.
“Thì ra trước đó tớ đã lầm to vì những dục vọng kể từ cái lần tớ chạm vào đôi chân đẹp đẽ của cô gái ấy và trở nên bất lực. Bởi vì trong suốt buổi lễ ác ôn này, tớ nhận thấy tớ bị kích thích không sao chịu nổi. Đúng thế, tớ không hề có chút mộng tưởng về con người tớ một tí nào cả! Đúng thế, ở trạng huống tàn tệ quá đổi này!
“Tớ nhỏm dậy và bất thần đè ngữa bà già ấy ra. Tớ cũng không kịp nghĩ đến điều lạ lùng là bà ta chẳng tỏ vẻ kinh ngạc mấy trước hành động của tớ. Người quả phụ già nua ấy nằm tại chỗ tớ đã đẩy bà ta ngã lăn ra, hai mắt nhằm nghiền và miệng vẫn lầm dầm đọc kinh. Kể thực kỳ diệu, tớ liền nhớ ra rằng bài kinh bà ta đang tụng là ở chương nói về Lòng Đại Từ Bi: “Y-ê, y-ê, thất-na thất-na A-la sam. Phật la xá lị, phạt sa phạt sam. Phật la xá lị.” Cậu biết đoạn này đã được giải thích trong đoạn bình chú như thế nào không, dĩ nhiên là: ‘Trăm lậy Ngài, nghìn lậy Ngài vì bản thể thanh tịnh vô cấu hãy hủy diệt ba điều xấu - tham, sân, si’.
“Trước mắt tớ, khuôn mặt một người đàn bà già sáu mươi tuổi - một khuôn mặt sạm nắng không chát phấn son - dường như đang chào mời tớ. Sự kích thích chẳng hề giảm bớt chút nào trong con người tớ. Điểm phi lý tối hậu của trò hề nằm ở chỗ đó, nhưng chẳng thể ngờ được chính tớ đang được điều phi lý đó xỏ mũi lôi đi. Hơn thế, không phải là tớ vô ý thức - tớ nhìn thấy rõ ràng tất cả. Đặc sắc nổi bật của địa ngục là nhìn thấy mọi thứ rõ rệt từng chân tơ kẻ tóc. Và lại nhìn thấy tất cả những cái ấy trong bóng tối đen ngòm!
“Nét mặt nhăn nheo của bà già chẳng có gì là đẹp đẽ và chẳng có gì là thiêng liêng hết. Tuy thế, vẻ xấu xí và tuổi tác của bà già dường như luôn luôn xác định trong cái trạng thái nội tại ấy của tớ trong đó chẳng có mộng mơ gì hết. Ai dám nói nếu mình nhìn một mỹ nữ mà không mơ mộng, dù cho người ấy đẹp đến đâu đi nữa, thì nét mặt người đó cũng không bị biến dạng thành nét mặt của bà già này? Đôi chân què quặt của tớ và khuôn mặt này. Ừ, đúng thế đó. Ngắm nhìn thực tướng vẫn là tình trạng kích thích nhục thể của tớ. Bây giờ lần đầu tiên tớ đã có thể tin tưởng vào dục vọng của chính thể xác mình với một cảm tình thân ái. Và tớ nhận thấy rằng vấn đề không nằm ở chỗ cố gắng rút ngắn khoảng cách này sao cho đối tượng vẫn còn là một đối tượng.
“Kể ra nhìn đến thì cũng hay hay. Vào lúc ấy tớ phát minh ra lý luận về eroticism (1) của tớ xuất từ luận lý của thằng què quặt chủ trương rằng trong khi đứng ỳ một chỗ đồng thời nó cũng đã đi tới rồi - từ cái luận lý chủ trương rằng nó không bao giờ bị khó chịu cả. Tớ khám ra cái điều giả vờ giả tảng ẩn trong cái mà người đời gọi là cái say đắm. Nhục dục thật giống như một luồng gió hoặc một tấm áo phù thủy nào đó để che dấu người mặc bên trong. Và sự kết hợp phát sinh từ dục vọng như thế thì không khác gì hơn trong giấc mộng. Đồng thời trong khi đang đắm chìm, chính tớ cũng trở thành đối tượng đang bị ngắm thật kỹ lưỡng. Lúc ấy và tại đó tớ tung hê khỏi thế giới của mình cả cặp chân tật nguyền lẫn những người con gái mình biết. Nhưng cái chân tật nguyền và những người đàn bà của tớ thảy đều đứng cách xa tớ. Thực tại nằm ở đó; dục vọng chỉ là bóng ma ẩn ẩn hiện hiện. Và trong khi ngắm nhìn, tớ thấy mình vấp ngã liên hồi vào bóng ma ấy và đồng thời đang bị bắn tung lên tận bề mặt của thực tại mà tớ đang ngắm nhìn. Đôi chân tật nguyền và những người đàn bà của tớ chẳng bao giờ gặp gỡ nhau; vậy mà cả hai sẽ bị tống khứ ra ngoài thế giới. Thèm khát liên tục chỗi dậy bên trong con người tớ. Bởi lẽ đôi chân tật nguyền của tớ và đôi chân xinh đẹp kia sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ va chạm nhau vào nhau.
“Cậu có hiểu rõ điều tớ nói không? những lời tớ nói có cần nói rõ gì thêm? Tuy nhiên, tớ tin chắc cậu hiểu rằng sau lần này tớ có thể hoàn toàn an tâm tin rằng ‘Tình yêu là cái gì không thể có được.’ Không còn bất an, không còn tình yêu nữa. Thế giới đã tới một sự đình chỉ vĩnh cửu và đồng thời cũng đã đi tới. Liệu tớ có cần làm sáng tỏ điều này bằng câu ‘Thế giới của chúng ta?’ Như vậy chỉ trong một câu, tớ có thể định nghĩa cái mê vọng lớn lao liên hệ ới ‘tình yêu’ của thế gian này. Đó là nỗ lực móc nối thực tại với mê vọng ấy. Hiện tại tớ đã đi đến chỗ tin chắc rằng - tin chắc tớ không bao giờ được ai yêu hết - điều tin chắc của tớ tự nó là tình trạng căn bản của cuộc sống trên đời. Bởi thế đến đây cậu mới hiểu được từ đầu đến đuôi là tớ đã mất tân như thế nào?
Kashiwagi ngừng kể. Từ nẫy đến giờ tôi đã nín thở lắng nghe nó. Thế rồi bây giờ tôi buộc ra một tiếng thở dài. Câu truyện của nó đã làm tôi xúc động mạnh mẽ và tôi không làm sao ngăn được cảm nghĩ đau xót là đã tiếp xúc với một lối suy tư từ trước đến giờ chưa bao giờ có tôi cả. Một vài phút sau khi Kashiwagi đã dứt lời, mặt trời ngày Xuân bừng dậy quanh tôi, bụi cây xa trục thảo sáng rực bắt đầu óng ánh. Tiếng reo hò từ sân chơi bóng rổ đằng sau tòa nhà lại bắt đầu vang lên. Tuy nhiên, mặc dù vẫn là buổi trưa ấy, vẫn là ngày Xuân ấy, ý vị của tất cả những cái này dường như đã thay đổi hoàn toàn.
Tôi không thể ngồi im lặng. Tôi muốn phụ họa theo. Để bổ sung cho những lời nó nói. Tôi lắp bắp một câu nhận xét vụng về: “Từ đó đến nay chắc hẳn là cậu cô đơn lắm nhỉ.”
Một lần nữa Kashiwagi lại chơi ác giả vờ không hiểu tôi và bảo tôi nhắc tại điều tôi đã nói một lần nữa. Tuy nhiên, trong câu trả lời nó đã để thoáng lộ đôi chút thân thiện.
“Cậu bảo tớ cô độc ấy à? Tại sao tớ lại cô độc nhỉ? Rồi cậu sẽ dần dần thấy từ đó về sau tớ đã tìm cách phụ hợp ra làm sao một khi cậu hiểu tớ.”
Chuông reo báo hiệu giờ giảng bài học buổi chiều. Tôi sắp sửa đứng dậy thì Kashiwagi, lúc đó hãy còn đang ngồi trên cỏ, nắm ngay lấy tay áo tôi mà kéo thực mạnh. Bộ đồng phục sinh viên đại học của tôi cũng vẫn là bộ tôi đã dùng trước kia ở Thiền môn học viện đem sửa lại. Chỉ có những cái khuy là mới mà thôi; vải áo đã vá chằng chịt và lợt chỉ hết cả rồi. Ngoài ra, nó lại quá chật và làm cho cái thân hình gầy guộc của tôi đã nhỏ trông lại càng nhỏ hơn.
“Bây giờ tới giờ Hán văn phải không? Chán chết được. Bỏ quách và tụi mình đi tản bộ một vòng chơi.” Nói rồi tôi đứng dậy. Thật là cả một cố gắng kinh khủng: thoạt tiên dường như nó tách rời toàn thân rồi sau đó mới đem ghép cả lại. Nhìn nó đứng dậy mà tôi nhớ đến con lạc đà có lần tôi đã nom thấy nhỏm mình đứng dậy trong cuốn phim chiếu bóng.
Từ trước đến giờ tôi chưa lần nào bỏ học, nhưng lần này tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội nghe Kashiwagi kể chuyện. Chúng tôi cất bước đi về phía cổng chính.
Sau khi hai đứa đã qua cổng chính, bất chợt tôi để ý đến cách cất bước thật kỳ cục, đặc biệt của Kashiwagi, và một tình cảm gần như bối rối, thẹn thùng đã xâm chiếm lòng tôi. Kỳ dị ở chỗ là cứ như thế tôi đã đồng lõa với tình cảm thông thường của thế gian và cảm thấy xấu hổ khi đi cùng với Kashiwagi.
Chính Kashiwagi đã cho tôi biết tường tận ngọn ngành hang ổ về niềm hổ thẹn của tôi. Đồng thời cũng chính nó đã thôi thúc tôi tiến tới nhân sinh. Lời nói của nó đã uốn nắn, nung đúc toàn thể cái khía cạnh tủi hổ và tất cả những sự xấu xa trong lòng tôi thành một cái gì tươi mới. Cũng có lẽ chính vì thế mà trong khi hai đứa chúng tôi đi trên lối sỏi qua cổng chính, có mái ngói đỏ, ngọn núi Tỉ Duệ sừng sững đằng xa ngay trước mặt đang ẩn mình trong sương mờ dưới ánh mặt trời mùa Xuân trông như thể hôm nay mới hiện ra trước mắt tôi lần đầu. Và dường như nó tái hiện ở đó trước mắt tôi sau khi đã tìm lại những ý vị riêng biệt cũng như nếu nhiều sự vật quanh tôi giờ lại phục sinh ý vị của chúng sau một thời gian ngủ dài. Đỉnh núi Tỉ Duệ nhọn hoắt, nhưng chân đồi quanh núi lại trải rộng ra thật xa, giống y như dư âm một chủ đề âm nhạc nó đó còn ngân nga, dặt dìu trong không khí. Khi ngắm ngọn núi Tỉ Duệ phía bên kia dãy mái nhà thấp, tôi thấy chỉ có mép núi là nổi bật lên tươi sáng và trông như rất gần còn tất cả lòng núi chỗ đậm chỗ nhạt như là sắc xuân thì chìm sâu trong một màu xanh đậm.
Ngoài cổng chính của đại học Otani có rất ít người đi lại và hầu như cũng chẳng có một cái xe hơi nào. Thỉnh thoảng người ta chỉ nghe thấy tiếng xe điện chạy leng keng trên đường sắt từ trước ga Kyoto tới trước bến xe điện. Phía trên kia đường phố là những cây trụ cổng cũ kỹ của đại học đối diện với cổng chính nơi chúng tôi đang đứng; một hàng cây ngân hạnh đầy lá non mùa Xuân chạy dài sang phía bên trái.
“Mình dạo quanh các sân chơi một lát đi!” Kashiwagi nói.
Tôi đi trước bước qua đường xe điện về phía bên kia dẫy phố. Kashiwagi nặng nề lệt bệt qua đường phố hầu như vắng tanh, toàn thân nó run rẩy vì những cử động mãnh liệt như một con tầu chạy qua một dòng nước chẩy điên cuồng. Sân đại học thật là rộng rãi. Ở phía xa nhiều tốp sinh viên, vì không có giờ học hoặc vì muốn trốn học, đang chơi bắt banh; gần hơn nữa năm sáu người đang tập chạy đường trường. Chiến tranh chỉ mới kết liễu chừng hai năm, nhưng các thanh niên một lần nữa lại đã tìm cách tiêu hao tinh thần của họ. Tôi nghĩ đến các món ăn nghèo nàn mà chúng tôi đã được ban phát ở trong chùa. Chúng tôi ngồi gần trên cái đu gỗ đã mục một nữa và lơ đễnh nhìn những sinh viên bạn học đang chạy về phía chúng tôi rồi chạy qua cái sân chơi hình bầu dục để tập dượt lối chạy đua đường trường. Việc trốn học như lần này cho tôi một cảm giác thích thú giống như cái áo sơ mi mới cọ sát vào thịt da vậy; ánh sáng xung quanh và làn gió mát nhẹ đã làm cho tôi thấy rõ cảm giác này mạnh hơn. Một nhóm người chạy đua đang từ từ tiến về phía chúng tôi; họ thở hổn hển. Vì đã mệt nhoài nên bước chân nện bành bạch; rồi họ chuyển về phía xa hất bụi tung lên từng đám.
“Mấy thằng ngốc,” Kashiwagi nói. “Tụi nó vậy mà!” Lời nó nói không hề có một tí gì chua chát. “Trời đất ơi! Chúng nó diễn trò đó để làm gì vậy? Chúng nó bảo làm như vậy để cho thân mình được khang kiện, tớ nghĩ vậy. Nhưng liệu có lợi gì khi đem công khai cho mọi người xem sự khang kiện của mình như thế? Tụi nó biểu diễn thể thao ở khắp nơi phải không? Thực là một dấu hiệu cho chúng ta thấy đã tới mạt thế rồi. Cái cần phải công khai trưng bầy cho công chúng xem thì chưa bao giờ thấy trưng bầy cả. Cái mà ta thực sự cần công khai trưng bày cho công chúng biết thì lại chưa bao giờ thấy trưng bầy cho quần chúng thấy là - những vụ hành án tử hình! Tại sao chúng nó lại không công khai trình diễn án tử hình hở?”
Kashiwagi ngừng một lúc rồi lại tiếp tục bằng một giọng mơ màng: “Mày nghĩ mà xem muốn giữ an ninh trật tự trong thời chiến tranh thì phải làm gì nếu không phải là công khai trình diễn cho dân chúng xem những cái chết bi thảm? Lý do khiến chúng nó ngừng những cuộc hành quyết công khai theo tin tao thu lượm được là vì chúng sợ cảnh đó sẽ làm lòng người thêm ham chém giết. Mẹ kiếp! Nếu mày muốn hỏi ý kiến thì tao bảo chúng nó là đồ ngu si một lũ! Những người đã dọn xác kẻ chết sau các cuộc không tập thảy đều có nét mặt khoái hoạt. Nhìn thấy con người buồn khổ, nhìn thấy con người máu me đầy mình và nghe thấy con người rên rỉ, hấp hối sẽ làm cho người ta trở nên khiêm hư. Cảnh đó làm cho lòng người tiêm tế, trắng trong, êm ả. Vào những lúc như thế, chúng ta quyết chẳng bao giờ trở nên tàn ngược hoặc khát máu. Không, chính vào một buổi chiều xuân nên thơ như thế này con người mới bất chợt trở nên tàn ác. Chính vào cái giây phút như thế này, mày có nghĩ thế không, trong khi người ta mơ màng ngắm mặt trời mới nhô lên qua đám lá cây trên một bãi cỏ cắt tỉa cẩn thận? Mọi cơn ác mộng trong thế giới, mọi cơn ác mộng trong lịch sử đều đã phát sinh trong những giây phút giống như những giây phút này. Nhưng khi người ta ngồi đó dưới thanh thiên bạch nhật, chính cái ý nghĩ về những hình người đẫm máu đang ngất lịm trong hấp hối đã làm cho cơn ác mộng có đường nét rõ rệt và đã tạo những phương tiện để biến những ác mộng thành thực tại. Ác mộng thôi không còn là sự khổ não của chúng ta nữa, nhưng là nỗi đau đớn mãnh liệt của thân xác người khác. Và chúng ta đã bị bó buộc phải cảm thấy sự đau đớn của kẻ khác. A, thực là một sự cứu rỗi khó tả nên lời!”
Cái lối lý luận độc đoán, khái quát này của Kashiwagi đã có ma lực quyến rũ tôi hết sức; thật thế, những điều mà lúc này tôi muốn được nghe ấy là tất cả những sự nó đã trải qua khi mất tân. Bởi vì, như tôi đã nói, tôi đang hăm hở trông đợi ở Kashiwagi để hiểu biết nhân sinh. Tôi tìm cách xía vào và gợi ý cho nó nói đến sự ham thích của tôi.
“Mày muốn nói con gái hả?” nó nói. “Hừm, tao đã đi đến kết luận này hiện giờ tao có thể dùng trực giác mà nói một cách chính xác là đứa con gái nào thuộc loại người ta ưa thích một thằng con trai có cặp chân què quặt. Mày ạ, có những loại như thế đấy! Có thể rằng một đứa con gái như vậy sẽ giữ kín suốt đời sự ưng thích của mình đối với những thằng con trai què quặt. Nàng ta cũng sẽ không ngần ngại đem theo điều bí mật xuống dưới đáy mồ. Điều này có thể là sự thất bại duy nhất về thị hiếu mà loại con gái ấy đã có; điều này có thể là giấc mộng duy nhất của các nàng… Ờ, xem nào. Mày nghĩ thế nào về loại con gái thích những thằng con trai què quặt? Thường thường nàng là một mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành. Nàng có cái mũi thon thon, man mát. Nhưng miệng nàng có hơi he hé trễ xuống một chút…”
Đúng lúc đó một thiếu nữ cất bước đi về phía chúng tôi.
Hết phần 4
1) Nguyên tác dùng chữ này và phiên âm. Tiếng Anh có nghĩa là tính dâm dật dâm đãng