Chương 7
Tác giả: Yukio - Mishima
Kinh nghiệm tổng quát của tôi về cuộc đời dường như chỉ là một thứ số không. Giống y như trong một dẫy dài những tấm gương soi dưới hàng hiên một hình ảnh cứ phản chiếu mãi mãi cho đến vô hạn. Những sự vật mà tôi mới nhìn thấy đã phản chiếu rõ rệt trên hình ảnh những sự vật mà tôi đã nhìn thấy trong quá khứ và tôi cảm thấy mình đang bị những sự vật tương tự dẫn dắt đi sâu tới tận cùng hành lang, vào một căn phòng mênh mang tối tăm nào đó. Chúng ta không bao giờ đụng đầu với vận mệnh của mình một cách bất ngờ. Một người sau này bị hành án tử hình - cứ mỗi khi nhìn thấy một cột điện trên đường đi làm, cứ mỗi khi băng qua một khúc đường xe lửa - là anh ta lại luôn luôn mường tượng trong óc mình hình ảnh nơi hành án và rồi dần dần trở nên quen thuộc với hình ảnh đó.
Do đó, trong kinh nghiệm của tôi không hề có cái gì chồng chất tích lũy. Không một lớp đất nào đủ dầy để có thể làm nên một ngọn núi bằng cách chồng hết lớp đất này đến lớp đất kia. Ngoài Kim Các Tự ra, tôi không hề cảm thấy thân thiết với bất kỳ một sự vật nào trên đời, thực vậy, tôi cũng thấy mình cách biệt chẳng hề thắm thiết với những kinh nghiệm đã qua của chính mình nữa. Tuy nhiên, có một điều tôi biết chắc là trong mớ kinh nghiệm này có những tiểu bộ phận chưa bị cái biển thời gian tối om nuốt chửng, chẳng hề tan biến trong sự lặp lại vô nghĩa và bất tận - đã móc nối với nhau và sẽ làm thành một bức họa xấu xí, gớm ghiếc nào đó.
Vậy thì những tiểu bộ phận đặc biệt ấy là những cái gì vậy? Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại tới chúng. Tuy nhiên, những mảnh kinh nghiệm vãi vung, chói sáng này lại cũng còn thiếu cả phép tắc lẫn ý vị hơn cả những mảnh vỏ chai mà mình thấy bên vệ đường nữa. Tôi không thể làm sao tin được rằng những mảnh vụn này là những miếng vỡ nát của cái mà trong quá khứ đã được tạo hình cho thành một sự vật có dáng vẻ đẹp đẽ tuyệt vời. Bởi vì trong sự khiếm khuyết hoàn toàn về ý vị và phép tắc hết sức khó coi của chúng mỗi mảnh vụn đã bị vứt bỏ rã rời này đường như vẫn còn mơ đến tương lai. Phải, tuy chúng chỉ là những mảnh vụn mà thôi, song mỗi một mảnh vụn vẫn nằm ở đó trơ trơ lặng lẽ để mơ đến tương lai! Đến một tương lai! Đến một tương lai chẳng bao giờ có thể bình phục hay là khôi phục, một tương lai chẳng bao giờ đưa tay với tới được, một tương lai từ trước đến giờ chưa có ai nghe thấy, nhìn thấy.
Những hoài niệm mơ hồ như thế đôi khi cũng đem lại cho tôi một miềm hưng phấn trữ tình mà chính tôi cũng phải thấy là không thích hợp với mình. Vào những dịp như thế nếu may mắn vào đêm có trăng tôi sẽ mang sáo ra thổi ngay bên Kim Các Tự. Bây giờ tôi đã đạt đến mức độ có thể chơi bài “Ngự Sở Xa” của Kashiwagi mà không cần nhìn vào bản âm nhạc. Âm nhạc thật giống như là mộng mơ. Ngược lại, đồng thời nó cũng giống như một trạng thái thức tỉnh còn rõ rệt hơn cả hình thức của những giờ tỉnh táo thông thường của chúng ta nữa. Tôi vẫn thường tự hỏi trong hai cái này cái nào thực sự là âm nhạc? Nhiều khi âm nhạc có khả năng làm đảo lộn hai cái trái ngược nhau này. Và có những lúc dường như tôi đã có thể hóa thân thành điệu nhạc “Ngự Sở Xa” mà tôi đang chơi. Tinh thần tôi hằng quen với niềm vui khi hóa thân thành âm nhạc. Bởi vì đối với tôi, khác hẳn trường hợp Kashiwagi, âm nhạc quả thực là một nguồn an ủi.
Lần nào thổi sáo xong, tôi cũng thường tự hỏi: “Tại sao Kim Các Tự lại làm ngơ trước sự hóa thân này của tôi? Tại sao nó chẳng chê trách hoặc can thiệp khi tôi hóa thân thành âm nhạc như thế này? Chưa có một lần nào ngôi chùa lại làm ngơ đối với tôi khi tôi cố gắng hóa thân vào hạnh phúc và khoái lạc của cuộc đời. Trong tất cả mọi trường hợp như thế, ngôi chùa vẫn có thói quen ngăn cản tức khắc cố gắng của tôi và ép buộc tôi quay về với chính mình. Tại sao Kim Các Tự lại chỉ cho phép tôi được ngây ngất hoạc tìm lãng quên trong âm nhạc mà thôi?”
Mỗi khi nghĩ ngợi như thế, tôi lại thường thấy sức lôi cuốn của âm nhạc phai tàn chỉ vì Kim Các Tự đã cho phép tôi được hưởng nguồn vui đặc biệt này. Nhân vì ngôi chùa đã mặc nhiên chấp nhận việc làm của tôi cho nên âm nhạc, mặc dù có giống cuộc đời đến thế nào đi nữa, cũng đã trở thành một hình thức đó thì sự hóa thân ấy tự nó lại càng chỉ có thể là một cái gì tạm bợ.
Tôi không muốn để thiên hạ nghĩ là mình đã cúi đầu cam chịu và co đầu rút cổ lại chỉ vì đã hai lần điêu đứng với đàn bà cuộc sống. Cho đến cuối năm Chiêu Hòa thứ hai mươi ba (1948) tôi vẫn còn bao nhiêu là cơ hội nữa, kể cả sự dẫn dắt của Kashiwagi; rồi chẳng hề sờn lòng nhụt chí, tôi bắt tay vào việc. Tuy nhiên, kết quả luôn luôn vẫn như thế.
Giữa con gái và chính tôi, giữa cuộc đời và chính tôi, lúc nào cũng có Kim Các Tự đứng sừng sững. Do đó, khi tôi cố nắm lấy vật gì thì vừa chạm vào tay tôi vật đó tức thời biến thành tro bụi và cái triển vọng trước mắt tôi biến ngay thành bãi sa mạc.
Có một lần khi dừng tay làm việc ngồi nghỉ trong thửa ruộng sau nhà bếp tình cờ tôi có dịp quan sát một con ong sà xuống một bông hoa cúc mùa hè nho nhỏ màu vàng. Nó bay tới giang rộng đôi cánh màu vàng óng ánh. Chọn một bông giữa biết bao hoa cúc rồi cứ vo vo bay lượn xung quanh. Tôi cố gắng nhìn bông hoa qua con mắt của con ong. Bông hoa cúc đứng im xòe rộng cánh vàng vàng và mượt mịn. Trông nó thật xinh đẹp y như một Kim Các Tự nhỏ bé và thật hoàn toàn y như Kim Các Tự vậy; tuy nhiên nó không biến dạng trở thành ngôi chùa và vẫn giữ nguyên hình dạng chỉ là một bông hoa cúc mùa hè. Đúng thế, nó vẫn cứ là một bông cúc chẳng hề đổi thay, một bông hoa, một hình thái không hề bao hàm một ám thị siêu hình nào hết. Nhờ biết giữ những tiết độ trong cuộc sống, nó đã tỏa ra một mỹ cảm tràn trề và trở thành một đối tượng thích hợp cho dục vọng của con ong mật. Ẩn mình và thở hút nơi đó làm một đối tượng cho cái dục vọng vù vù, bay lượn, quấn quít không có dạng hình ấy mới thật là điều thần bí biết bao. Dần dà hình thái ấy mỗi lúc một mong manh hơn trông như thể sắp sửa tan vỡ, nó rung rinh và run rẩy. Điều này thật hoàn toàn tự nhiên, bởi vì chính hình thái đoan chính của bông cúc đã được đúc khuôn theo dục vọng của con ong và chính vẻ đẹp của nó đã bừng nở trong dự cảm về dục vọng ấy. Bấy giờ là lúc ý vị của hình thái bông hoa sắp sửa chói rạng trong cuộc đời. Chính hình thái ấy là sự đúc khuôn của cuộc đời. Luôn luôn trôi chẩy không có khuôn đúc; đồng thời sự bay lượn của cuộc đời không hình dáng lại là sự đúc khuôn cho tất cả mọi hình thái ở trần gian này… Cứ như thế con ong mật nhào đầu châm sâu vào bông hoa và khi phấn hoa đã bám đầy mình, nó say sưa ngất lịm. Khi đã đón tiếp con ong mật vào trên thân thể mình, bông cúc mùa hè đã tự trở thành như một con ong vàng óng, rực rỡ, có mặc áo giáp và tôi ngắm bông hoa cúc lắc mình dữ dội như thể sắp lìa cuống hoa mà bay đi bất kỳ lúc nào.
Ánh sáng và cái việc làm dưới ánh sáng hầu như đã làm tôi choáng váng. Rồi đúng vào lúc rời bỏ cái nhìn của con ong để trở về với cái nhìn của chính mình, tôi chợt nhận thấy rằng con mắt tôi từ nãy đến giờ vẫn ngắm cảnh này ở đúng vị trí con mắt của Kim Các Tự. Quả thực là như thế. Cũng như tôi đã rời bỏ cái nhìn của con ong trở về cái nhìn của chính mình vào những giờ phút ấy cuộc đời nhích lại gần tôi, tôi lại từ bỏ con mắt của chính mình và đem con mắt Kim Các Tự làm mắt mình vậy. Và chính vào những giây phút như thế ngôi chùa thường chen vào giữa để ngăn cách thân tôi với cuộc đời.
Tôi trở về với con mắt của chính mình. Trong thế giới sự vật bao la, mông lung này, con ong mật và bông cúc mùa hè chỉ còn đó để được “phối liệt”. Con ong mật bay lượn và bông hoa cúc rung rinh chẳng khác nào ngọn gió rì rào lấy mảy may. Trong cái thế giới băng giá im lìm này mọi vật đều đồng cách với nhau, và cái hình thái đã tỏa ra một sức lôi cuốn mãnh liệt như thế đã chết rồi, tuyệt rồi. bông hoa cúc chẳng còn đẹp vì hình thái của nó nữa, nhưng vì cái tên gọi mơ hồ là “hoa cúc” mà chúng ta gán cho nó và vì sự hứa hẹn chứa đựng trong cái tên gọi ấy. Vì không phải là con ong nên tôi không bị bông hoa cúc quyến rũ và vì tôi không phải là bông cúc nên chẳng con ong nào thèm muốn tôi hết. Mối ràng buộc thân thiết của tôi trước đây đối với các hình thái và với dòng đời đến nay đã tan biến mất rồi, thế giới đã bị vứt bỏ vào trong tính cách tương đối và chỉ còn có thời gian là chuyển động mà thôi. Tôi không muốn nhiều lời kể lể dài dòng, tôi chỉ muốn nói là khi cái Kim Các Tự vĩnh viễn, tuyệt đối xuất hiện và khi con mắt tôi biến thành con mắt Kim Các Tự thì thế giới quanh tôi đã biến thành dạng theo chiều hướng tôi đã mô tả, và theo chiều hướng là trong cái thế giới biến đổi này chỉ có Kim Các Tự là giữ nguyên được hình thái cùng vẻ đẹp riêng biệt của nó, đồng thời biến tất cả những cái khác thành cát bụi. Kể từ khi giẫm chân lên bụng cô gái điếm ấy ở trông sân chùa và đặc biệt từ sau cái chết đột ngột của Tsurukawa, tôi vẫn hằng tự mình nhắc đi nhắc lại câu hỏi này: “Thế nhưng có thể nào vẫn có tội ác hay không?”
Một ngày thứ bảy tháng giêng năm Chiêu Hòa, thứ 24 (1948), lợi dụng một buổi chiều nhàn rỗi, tôi đến một rạp chiếu bóng hạng ba. Sau khi xem phim xong, đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu lần tôi mới lại đi bộ một mình qua khu phố Shinkyogoku. Giữa đám người đông đúc, bất chợt tôi thấy mình đang đi cạnh một khuôn mặt rất quen thuộc, nhưng trước khi tôi có thể nghĩ ra người đó là ai, khuôn mặt ấy đã chìm vào trong làn sóng người đang cuồn cuộn trên hè phố rồi biến mất đằng sau lưng tôi.
Đầu đội mũ dạ mềm, mình khoác áo choàng hạng sang, cổ quấn khăn quàng, người ấy đang đi với một người con gái mặc chiếc áo ngoài đỏ ửng, rõ ràng là một cô gái geisha . Khuôn mặt hồng hào mụ mẫm, dáng vẻ sạch sẽ như trẻ con của người đàn ông thật khác hẳn khuôn mặt, dáng vẻ của đa số các thân sĩ, trung niên thông thường, cái mũi dài - đúng rồi, tất cả là những nét đặc biệt của Lão sư phụ và chỉ có cái mũ dạ mềm là che giấu được những nét đặc biệt ấy đi trong chốc lát mà thôi. Tuy chẳng có gì phải xấu hổ vì chính mình, song tôi sợ rằng tôi đã bị thượng tọa nhìn thấy. Vì lẽ ngay sau đó tôi cảm thấy phải tránh sao cho khỏi trở thành nhân chứng cho cuộc chơi hoang của Lão sư phụ rồi âm thầm dây dưa tới truyện tin cậy hoặc không tin cậy đối với ông.
Rồi tôi thấy một con chó đi qua đám đông dưới trời đêm trong sáng. Con chó này to lớn, lông sù sì và hiển nhiên đã quen đi lại ở những chỗ đông người, vì nó len lách rất khéo qua chân những người đàn bà ăn vận hoa mỹ và những người đàn ông trong những bộ động phục quân đội chiếm đóng, rồi thỉnh thoảng dừng lại đánh hơi bên ngoài một cửa hiệu bán đồ cổ, chẳng hề thay đổi kể từ thời Shogoin Yatsunashi. Lúc đó là lần đầu tiên tôi có thể nhìn rõ khuôn mặt con chó dưới ánh đèn của hiệu ấy. Một mắt nó bị bẹp dí, máu và mủ đọng lại ở nơi đuôi mắt trông giống như một viên mã não. Con mắt lành lặn thì đang nhìn thẳng xuống mặt đất. Phần lông sù sì trên lưng kết chặt lại với nhau thành cụm lớn dắn chắc.
Tôi không hiểu tại sao con chó này lại làm tôi chú ý. Có lẽ bởi vì khi lang thang ngoài phố nó đã bướng bỉnh mang theo trong mình một thế giới hoàn toàn khác hẳn đường phố phồn hoa, sáng rực này. Nó đi qua một thế giới tối đen tràn ngập khứu giác. Thế giới này chồng chất lên thế giới phố xá của nhân gian và quả thực ánh đèn của đô thị, lời ca phát ra từ những đĩa hát, tiếng cười vang vang của con người đang bị những mùi tối tăm dai dẳng đe dọa. Vì lẽ trật tự của mùi ấy xác thật hơn, và mùi nước đái bám ở những cái chân ướt át của con chó quả thực có dây dưa với cái mùi khó ngửi thoang thoảng do nội tạng con người tiết ra.
Trời rét như cắt. Mấy người thanh niên trông giống những tay chạy hàng chợ đen trong khi đi xuống phố đã bẻ những cây thông trang hoàn trong dịp đầu năm hãy còn bầy ở ngoài một vài cửa hiệu mặc dù những ngày nghỉ lễ đã chấm dứt. Họ xòe lòng bàn tay đeo găng da để xem ai đã bứt được nhiều nhất. Một người trong bọn chỉ nắm được vài chiếc lá thông trong tay; một người khác có cả một cành thông nho nhỏ. Họ phá ra cười rồi đi mất hút.
Tôi thấy mình đang đi theo con chó. Có lúc đã nghĩ là mất hút nó rồi, nhưng lại thấy nó hiện ra ngay tức khắc. Nó rẽ vào con đường dẫn tới Kawaramachi. Tôi cứ bước theo sau nó và đi tới chỗ đường xe điện chạy. Khu này tối hơn là khu Shikyogoku. Con chó biến đâu mất. Tôi dừng lại và đưa mắt nhìn quanh khắp bốn phía.Tôi đi dến góc phố và cứ tiếp tục kiếm tìm nó. Vừa lúc đó một chiếc xe hơi có tài xế lái thuê, khung xe bóng lộn dừng lại trước mặt tôi. Người tài xế mở cửa và liền đó một thiếu nữ bước lên xe, tôi nhìn nàng chằm chằm. Người đàn ông sắp sửa bước theo cô gái lên xe, nhưng khi nhận ra tôi, người ấy chôn chân tại chỗ.
Đó là Lão sư phụ. Tôi chẳng hiểu trời đất run rủi làm sao mà Lão sư phụ lúc nẫy đã vượt qua tôi đến bây giờ lại đụng đầu tôi đánh đốp như thế này. Dù sao đúng là Lão sư phụ rồi, tôi còn nhớ rõ tấm áo người con gái mặc bước vào trong xe màu đỏ thẫm.
Lúc này thì không còn cách nào tránh né nữa. Những cuộc chạm trán đã làm tôi bàng hoàng chấn động cả người mà chẳng nói được câu nào. Trước khi tôi lắp bắp thốt ra được một lời thì những âm thanh ngọng nghịu cứ sôi lên ở trong miệng tôi. Cuối cùng khuôn mặt tôi phơi bầy một tình cảm hoàn toàn ngoài ý muốn của mình. Thực ra, tôi đã làm một điều hoàn toàn không đúng chỗ: tôi đã nhìn về phía Lão sư phụ và bật ra một tiếng cười.
Tôi không thể giải thích tiếng cười này. Hình như nó đã từ bên ngoài đi tới rồi đột nhiên chui vào miệng tôi. Tuy nhiên, khi Lão sư phụ nhìn thấy tôi cười, nét mặt ông thay đổi hẳn.
“Thằng nhãi con điên khùng này!” ông nói “Có phải mày định theo dõi tao hay không thì bảo?”
Nói rồi ông bước vào xe, đóng cửa đánh sầm như đập vào mặt tôi. Khi chiếc xe đã đi rồi tôi mới biết ra Lão sư phụ quả thực đã nhìn thấy tôi lúc ông và tôi chạm trán nhau ở Shinkyogoku.
Ngày hôm sau tôi cứ chờ đợi mãi Lão sư phụ gọi mình lên mắng mỏ. Nếu vậy tôi sẽ có cơ hội để tỏ bầy tự sự. Nhưng, cũng như lần trước, sau hôm tôi giẫm chân lên bụng con điếm, lần này Lão sư phụ cũng vẫn hành hạ tôi bằng cách bắt tôi chịu một cuộc khảo vấn không lời.
Vào đúng lúc đó tôi nhận được một lá thứ nữa của Má. Bà cũng vẫn chấm dứt lá thư bằng những lời dặn dò thường lệ là chỉ sống trong hy vọng được nhìn thấy tôi trở thành sư trưởng trụ trì Kim Các Tự.
“Thằng nhãi con điên khùng kia có phải mày định theo dõi tao hay không thì bảo?” khi tôi nhớ lại những lời Lão sư phụ đã gầm lên với tôi thì mỗi lúc tôi lại càng thấy những lời đó không xứng hợp chút nào. Nếu là một tu sĩ Thiền tông thuần thành hơn, có đầu óc rộng rãi và hài hước hơn thì có lẽ Lão sư đã chẳng bao giờ dùng những lời mắng nhiếc tầm thường như thế đối với môn đệ của mình. Đáng lẽ ông phải ban ra một lời răn dậy đanh thép, hữu hiệu hơn. Dĩ nhiên, bây giờ Lão sư phụ chẳng làm sao rút lại lời nói của mình, nhưng tôi biết chắc thật ra ông đã hiểu lầm khi cho rằng tôi có dụng tâm theo dõi ông và đã tỏ ý cười nhạo ông như thể tôi đã gặp ông phạm vào một điều phi pháp nào đó; do vậy ông phát cáu và tự nhiên tỏ ra giận dữ một cách tầm thường.
Dù sự thực có thế nào đi nữa việc Lão sư phụ không nói một lời lại trở nên mầm mống khó chịu cứ càng ngày càng đè nặng lên tôi. Sự tồn tại của Lão sư phụ đã trở thành một sức mạnh vĩ đại, nó đã trở thành y như hình bóng của con bướm đêm bay lượn chập chờn trước mắt như trêu tức người ta.
Khi có người mời đi làm lễ ở bên ngoài, Lão sư phụ có thói quen mang theo một hoặc hai thị tăng. Ngày trước vào những dịp này lúc nào cũng có mặt ông Phó ti, nhưng mới đây, do đường lối gọi là dân chủ hóa nên thường thường năm người chúng tôi - ông Phó ti, ông Điện ti, tôi và hai đồ đệ nữa - thay phiên nhau tháp tùng Lão sư phụ. Ông quản liêu, vốn nổi tiếng nghiêm khắc trong bọn chúng tôi, đã bị gọi nhập ngũ và đã bị chết trận rồi. Công việc của ông ta nay đã có ông Phó ti bốn mươi lăm tuổi kiêm nhiệm. Sau khi Tsurukawa qua đời, có một đồ đệ mới xuất gia đến bổ sung trong chùa.
Đúng lúc ấy có một thượng tọa trụ trì một ngôi chùa (chùa thuộc cùng một phái với Tướng quốc tự) mới qua đời và Lão sư phụ của chúng tôi được mời đến dự những nghi thức nhập viện của vị trụ trì tân mệnh. Thì ra đã đến phiên tôi theo hầu Lão sư. Vì Lão sư phụ không tỏ ý gì tránh né việc tôi theo hầu nên tôi hy vọng là có dịp may để giãi bầy cho ông nghe trên đường đi hoặc lúc trở về. Thế nhưng vào đêm trước buổi lễ lại có sự sắp đặt cho người đồ đệ mới cùng đi. Thế là mọi hy vọng của tôi bị đe dọa nặng nề.
Những ai đã từng quen đọc văn học Ngũ sơn hẳn còn nhớ bài thuyết pháp nhân dịp Ishimuro Zenkyu nhập viện ở Vạn Thọ tự tại Kyoto vào Khang An nguyên niên (1361). Những lời thuyết pháp hoa mỹ và vị tân mệnh trụ trì nói ra khi nhập viện và khi đi từ sơn môn tới Phật điện qua Thổ Địa đường, Tổ Sư đường và sau cùng đến biệt phòng Phương trượng đã được truyền lại cho chúng tôi. Chỉ tay về hướng sơn môn ông đã dõng dạc nói những lời giọng đầy vui thích khi gánh vác trách nhiệm của vị tân mệnh trụ trì: “Đứng trong Thiên vực cửu trùng, đứng trước cổng Đế thành Vạn thọ, hai tay không ta mở khóa cổng, hai chân không ta trèo lên đỉnh Côn Lôn linh thiêng.”
Lễ dâng hương bắt đầu. Thoạt tiên vị tu sĩ làm lễ Tự pháp hương để tỏ lòng báo ân vị Tự pháp sư. Thời xưa, khi Thiền tông chưa bị giam hãm trong quán lệ và khi người ta coi trọng hơn hết sự tỉnh ngộ của mỗi cá nhân thì người đệ tử thường lựa chọn sư phụ của mình hơn là sư phụ chọn lựa đệ tử. Vào thời đó, không những người đệ tử thụ nghiệp nơi vị sư phụ đầu tiên đã dẫn dắt cho mình mà còn ở nhiều vị sư phụ khác nữa; và trong buổi lễ Tự pháp hương này, thường nêu tên vị sư phụ mình nguyện sẽ tiếp nối nghiệp cho ai nấy cùng biết.
Trong khi đứng xem nghi thức dâng hương trang trọng này, tôi tự hỏi khi đến lượt mình hành lễ tự pháp hương ở Lộc Uyển tự liệu tôi có theo tục lệ mà nêu tên Lão sư phụ hay không. Có lẽ tôi sẽ phá vỡ cái tục lệ đã kéo dài trong bảy trăm năm và nêu tên một vị nào khác. Sự giá lạnh trong Phương trượng vào buổi chiều đầu xuân này, mùi thơm ngào ngạt của năm loại hương, vòng anh lục lấp lánh đằng sau bộ Tam cụ túc (bình hoa, đài nến và lò hương) và vòng hào quang rực rỡ bao quanh pho tượng Phật, vẻ tươi sáng và những tấm cà sa trên mình các tu sĩ được mời đến dự lễ… và nếu một ngày kia tôi thấy chính mình phải làm lễ dâng hương theo nghi lễ Tự Pháp? Tôi tưởng tượng ra dáng vẻ của mình trong buổi lễ tân mệnh trụ trì. Làn không khí giá lạnh buổi đầu xuân sẽ cổ vũ cho tôi vui vẻ làm nghịch lại tập quán cổ truyền. Lão sư phụ sẽ đến dự lễ; và ông sẽ ngỡ ngàng không nói nên lời và sẽ giận dữ đến xám xanh mày mặt. Vì lẽ tôi sẽ đọc một tên không phải tên ông. Một tên khác? Nhưng vị sư phụ khác đã dậy đỗ tôi bước vào con đường tỉnh ngộ chân thực là ai? Tôi đang tắc tị. Tật nói lắp của tôi đã bít lối không cho cái tên vị sư phụ đó thoát ra khỏi miệng tôi. Tôi lắp bắp; và trong lúc lắp ba lắp bắp thì một cái tên khác bắt đầu buột ra - tôi bắt đầu nói “Cái Đẹp” và “Hư Vô”. Thế là tất cả mọi người hiện diện trong buổi lễ đều phá ra cười, và tôi đứng như trời trồng, vụng về, cứng ngắc giữa tiếng cười của mọi người.
Tôi bất chợt tỉnh mộng. Lão sư phụ có vài việc phải làm; và với tư cách một thị tăng, tôi có bổn phận tiếp tay cho ông. Đối với một thị tăng được hiện diện trong một dịp lễ như thế này thật là một điều rất đáng tự hào; đặc biệt là trong trường hợp tôi, vì lẽ Thượng tọa trụ trì Lộc Uyển tự là bậc thượng thủ trong hàng tân khách. Khi Lão sư phụ của tôi đã niêm hương xong, ông lấy cái chùy gọi là “bạch chùy” gõ một tiếng để chứng minh rằng vị tân mệnh trù trì hôm nay không phải là một Nhạn phù đồ , nghĩa là, một nhạn phường chủ hay một anh tăng sĩ tiếm vị. Ông ê a tụng “Pháp duyên long tượng chúng Đương quan đệ nhất nghi” rồi cầm bạch chùy gõ khẽ một tiếng nữa. Lúc đó tôi mới thấy được quyền lực huyền diệu của Lão sư phụ.
Tôi không thể làm sao chịu được cảnh Lão sư phụ cứ lặng lẽ buông trôi câu truyện vừa qua mà không nói một lời, nhất là tôi không biết rồi ra sự im lặng này sẽ kéo dài bao lâu. Nếu tôi được trời phú cho tình cảm nào đó của con người thì tại sao tôi lại không hy vọng tìm thấy ở người đời như ở Lão sư phụ mà tôi thường tiếp xúc, những tình cảm tương ứng. Dù là yêu hay ghét cũng được. Gần đây tôi có cái thói quen đốn mạt là mỗi khi có dịp cứ quan sát vẻ mặt Lão sư phụ, nhưng chẳng một lần nào có thể phát hiện những tình cảm đặc biệt trên khuôn mặt ấy. Nét mặt thản nhiên của ông chẳng phải là lạnh lùng. Có thể là khinh miệt, nhưng nếu quả như vậy, thì đó không phải là sự khinh miệt đối với tôi như một cá nhân mà với một cái gì tổng quát, một cái gì chẳng hạn ông đã hướng về nhân gian nói chung hoặc về những khái niệm trừu tượng khác nhau.
Vào khoảng thời gian này tôi cố ép mình gọi ra hình ảnh cái đầu tựa đầu loài thú của Lão sư và những hành vi nhục thể khó coi của ông. Tôi tưởng tượng ra ông đang làm việc bài tiết và tôi cũng mường tượng ra ông khi ông nằm ngủ với người con gái mặc tấm áo choàng đỏ rực ấy! Tôi nhìn thấy những nét thản nhiên, không chút tình cảm trên khuôn mặt ông và một dáng vẻ có thể là tươi cười, có thể là đau đớn chợt lộ trên khuôn mặt ông khi khuôn mặt ấy đờ đẫn vì khoái cảm.
Da thịt ông mềm mại, mịn mát khi tan biến vào da thịt cũng mịn mát, mềm mại của người con gái và khi hai thân hình ấy quyện chặt vào nhau không làm sao phân biệt được. Cái bụng phưỡn của ông áp chặt vào cái bụng phình của cô gái. Tuy nhiên, kể cũng kỳ lạ, dù có tưởng tượng đến đâu đi nữa lúc nào tôi cũng chỉ thấy nét mặt lạnh lùng thản nhiên không lộ chút tình cảm nào của Lão sư phụ với dáng vẻ như loài thú trong khi bài tiết hoặc lúc tính giao và chẳng bao giờ có một cái gì lấp kín khoảng trống giữa hai cái này cả. Cực đoan này được trực tiếp biến sang cực đoan kia, ở giữa chẳng hề có một sắc hợp tình cảm nào trong cuộc sống thường nhật móc nối. Chỉ có một điều duy nhất có chút xíu liên hệ đó là lời mắng mỏ có vẻ thô lỗ của Lão sư phụ vào chiều hôm ấy: “Thằng nhãi con điên khùng kia, có phải mày định theo dõi tao hay không thì bảo?”
Sau khi suy nghĩ và chờ đợi đến mệt đừ cả người, cuối cùng tôi thấy mình có một thèm muốn hết sức mạnh mẽ, dai dẳng: chỉ cần làm sao bắt gặp được một cái nhìn ghét bỏ rõ rệt trên mặt Lão sư phụ. Kết quả của tất cả những ý nghĩ đó là một sự sắp đặt hết sức điên rồ, trẻ con và bất lợi rõ rệt cho tôi; nhưng tôi không làm sao còn có thể tự kiềm chế nữa. Tôi cũng chẳng thèm để ý là cái trò chơi ác này sẽ chỉ làm cho Lão sư phụ hiểu lầm tôi thêm khi trước kia ông đã nghĩ rằng tôi đã dụng tâm theo dõi ông.
Tôi gặp Kashiwagi ở đại học và hỏi nó tên cùng địa chỉ cửa hiệu ấy. Kashiwagi cho tôi biết liền mà chẳng hề hỏi đến lý do. Tôi đi ngay đến cửa hiệu ấy xem xét tỉ mĩ một lô ảnh khổ bưu thiếp chụp các cô danh kỹ trong khu Kỳ viên. Mới đầu tôi thấy những bộ mặt trát phấn dầy cộm của các cô gái ấy trông đều giống hệt như nhau, nhưng nhìn kỹ một lúc tôi thấy nhiều nét khác biệt nhỏ nhặt bắt đầu hiện rõ. Qua lớp son phấn lồ lộ bây giờ tôi có thể phân biệt rõ những sắc điệu biểu hiện bản chất từng khuôn mặt ấy - tối tăm hoặc sáng sủa, lanh lợi thông minh hoặc đẹp đẽ đần độn, ủ dột hoặc hớn hở, bất hạnh hoặc may mắn. Cuối cùng tôi giở tới tấm hình mình đang muốn tìm. Dưới ánh đèn điện sáng trưng của cửa hiệu, hình ảnh phản chiếu lấp lánh trên mặt giấy bóng lộn thật khó mà nhìn rõ tấm ảnh, nhưng khi đã soi theo đúng chiều ánh sáng tôi có thể nhận ra đích thực đấy là khuôn mặt cô gái mặc áo choàng đỏ chót.
“Xin cho tôi tấm ảnh này,” tôi nói với người bán hàng.
Sự táo bạo đặc biệt của tôi vào lúc này tương ứng hoàn toàn với việc tôi đã hoàn toàn thay đổi và thấy trong lòng nhẹ nhõm, ngập tràn một niềm vui sướng không thể giải thích được kể từ lúc quyết tâm thực hiện sách lược của mình. Mới đầu tôi có ý định chọn lúc nào Lão sư phụ đi vắng để cho ông không biết được là ai đã làm việc đó, nhưng bây giờ nỗi hăm hở mới có của tôi đã dẫn dắt tôi đến chỗ lựa chọn cái phương pháp nguy hiểm là làm thế nào để không ai có thể lầm lẫn về trách nhiệm của tôi cả.
Tôi vẫn có bổn phận đem báo buổi sáng tới phòng Lão sư phụ. Một buổi sớm tháng ba, khi trời hãy còn giá lạnh, như thường lệ tôi đi ra cổng ngoài lấy báo đem vào. Tim tôi đập thình thịch lúc tôi rút trong túi ra tấm ảnh cô gái ở khu Kỳ viên để đem nhét vào trong tờ báo.
Mặt trời buổi sáng chiếu vào cây tô thiết mộc ngay giữa tiền đình có hàng rậu vây quanh. Vỏ cây tô thiết cứng dắn sù sì biến màu rõ rệt dưới ánh sáng mặt trời. Bên trái là cây bồ đề nhỏ. Một vài con chim nhược cuối mùa đậu trên cành cất mấy tiếng hót êm nhẹ nghe như tiếng tràng hạt cọ vào nhau. Vào lúc này trong năm vẫn còn chim nhược thì kể cũng lạ, nhưng cái mớ lông tơ vàng vàng, li ti ấy mà tôi nhìn thấy trước ánh mặt trời xuyên qua cành cây, thực chẳng thể thuộc về loài chim nào khác. Những hòn sỏi trắng óng nằm lặng lẽ trong tiền đình.
Tôi cẩn thận đi men theo hành lang, cho chân khỏi bước vào những vũng nước còn sót lại đó đay khi vừa lau nhà xong. Cửa phòng Lão sư phụ trong Đại Thư Viện đóng kín mít. Hãy còn sớm quá nên tấm liếp kéo bằng giây trắng còn chiếu sáng chói lọi.
Tôi quì ở ngoài hành lang và nói như thường lệ: “Thưa, con có thể vào được không?” Nghe tiếng Lão sư phụ cho phép tôi ẩn tấm cửa kéo bước vào phòng rồi đặt tờ báo gấp nhẹ vào một góc bàn giấy. Lão sư phụ đang bận đọc một cuốn sách nên không nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi lui bước, khép cửa lại và vừa từ từ đi theo hành lang trở lại phòng mình vừa cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh.
Khi tới phòng riêng, tôi ngồi xuống hoàn toàn buông mình theo khích động rộn rã cho tới lúc rời chùa đi học. Chưa bao giờ trong đời mình tôi lại trong chờ một cái gì với hy vọng như thế. Mặc dù đã dụng ý làm cho Lão sư phụ tức giận, song cái khung cảnh lúc này đây tôi đang đợi chờ lại chỉ chứa đầy nguồn nhiệt tình của giây phút mà hai con người đi đến chỗ hiểu biết lẫn nhau.
Có lẽ Lão sư phụ sẽ bất thình lình nhẩy bổ vào phòng tôi và tha thứ cho tôi. Và nếu ông tha thứ cho tôi, có lẽ lần đầu tiên trong đời mình tôi sẽ đạt tới cái tình cảm trong sáng, thuần khiết trong đó Tsurukawa đã luôn luôn sống. Lão sư phụ và tôi sẽ ôm lấy nhau, và tất cả những gì còn lại sau đó chỉ là sự tiếc rằng sao chúng tôi đã hiểu nhau quá chậm.
Giấc mơ này không kéo dài lâu, nhưng thực khó mà giải thích rằng tại sao tôi lại có thể buông mình theo những không tưởng dớ dẩn như thế dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Khi lạnh lùng bằng cái hành vi ngu dại này tức là tôi đã tự gạt bỏ tên mình khỏi danh sách những người có thể kế nghiệp ông và như thế, tự mình tôi đã dọn đường cho việc vĩnh viễn không bao giờ có hy vọng trở thành chủ nhân Kim Các Tự nữa - trong suốt thời gian này tôi bị cái mục tiêu tức thời lôi cuốn, chấp trước đến nỗi quên hết sự tha thiết trọn đời của mình đối với Kim Các Tự.
Tôi vểnh tai nghe ngóng phía phòng Lão sư phụ trong Đại Thư Viện. Tôi chẳng nghe thấy một tiếng động nào hết.
Bây giờ tôi bắt đầu chờ đợi con thịnh nộ của Lão sư phụ, chờ đợi tiếng la hét như sấm rền của ông. Về phần mình, tôi cảm thấy nếu có bị đánh đập, đá cho ngã lăn xuống sàn nhà và nện cho chảy máu lênh láng thì chẳng có gì đáng hối tiếc nữa. Nhưng về phía Đại Thư Viện vẫn hoàn toàn im lặng; trong lúc tôi ngồi trong phòng chờ đợi không một tiếng động nào tới gần.
Rồi lúc rời Lộc Uyển tự để đi đến trường, tôi thấy lòng mình hoàn toàn trống rỗng, rã rời và hoang lạnh. Tôi không thể tập trung tư tưởng vào bài giảng và khi vị giáo sư hỏi tôi một câu thì tôi đã trả lời sai bét chẳng ăn thua gì đến câu hỏi khiến cho ai nấy đều bật cười. Tôi liếc mắt nhìn Kashiwagi và thấy rằng có mình nó là thờ ơ với việc này và đang nhìn ra cửa sổ. Hẳn là nó cũng biết cái bi kịch đang diễn ra trong lòng tôi.
Khi tôi trở về chùa vẫn chẳng có gì thay đổi hết cả. Nếp sinh hoạt vĩnh viễn, ngột ngạt, đen tối trong chùa đã trở thành khuôn phép chắc chắn đến nỗi giữa ngày này với ngày khác chẳng làm sao có được sự khác biệt nào cả.
Mỗi tháng có hai buổi giảng nghĩa giáo điển; hôm nay chính là ngày có buổi giảng bài như thế. Mọi người trong chùa đều tụ tập ở phòng Lão sư phụ để nghe ông thuyết giảng. Tôi trộm nghĩ là ông sẽ khéo léo lấy cớ giảng kinh Vô Môn Quan để trách mắng tôi trước mặt tất cả mọi người. Tôi có lý do đặc biệt để tin tưởng điều này. Tôi cảm thấy có một thứ can đảm đầy nam tính đã thúc đẩy tôi tôi ngồi ngay trước mặt Lão sư phụ trong buổi thuyết giảng tối nay. Tôi thấy Lão sư phụ sẽ đáp lại bằng cách chính ông bày tỏ một đức tính tốt đẹp của bậc nam nhi: ông sẽ giẫm chân lên sự đạo đức giả và cáo bạch cho mọi người trong chùa biết rõ hành trạng của mình rồi sau đó sẽ chỉnh tôi một trận vì cái hành vi tồi tệ của tôi.
Tất cả mọi người ở trong chùa đã tụ tập xong đâu vào đấy dưới ngọn đèn lờ mờ, ai nấy đều cầm trong tay một bản kinh Vô Môn Quan . Đêm tối lạnh lẽo, song chỉ có một cái bếp lò nhỏ đặt ngay cạnh Lão sư phụ để sưởi ấm. Tôi nghe thấy tiếng người hắt hơi. Họ ngồi đó, cả già lẫn trẻ, bóng hình lúc đậm lúc nhạt in trên các khuôn mặt cúi khom, và trên nét mặt họ có cái gì hết sức đờ đẫn. Người đồ đệ mới, ban ngày đi dậy ở một trường tiểu học, là một anh chàng cận thị và cái kính trắng cứ tuột mãi xuống sống mũi xương xương của anh ta.
Chỉ riêng tôi cảm thấy được sức mạnh trong cơ thể mình. Ít nhất đó là điều tôi đã tưởng tượng. Lão sư phụ mở cuốn kinh của ông, rồi đưa mắt nhìn quanh khắp một vòng hết chúng tôi. Tôi đưa mắt nhìn theo cái nhìn của ông. Tôi muốn ông thấy rõ là tôi hoàn toàn không hề cúi mặt nhìn xuống. Nhưng khi cặp mắt có những múi thịt múp míp bao quanh đưa đến chỗ tôi, chúng lại chẳng tỏ ra có mảy may cảm hứng nào và rồi lướt nhìn qua các bộ mặt khác.
Bài thuyết giảng bắt đầu. Tôi chỉ những chờ đợi cái giây phút khi bất chợt bài giảng chuyển vào vấn đề của mình. Tôi chăm chú lắng nghe. Giọng lão sư phụ cao vút kéo dài. Không có một tiếng nói nào phát ra từ nội tâm ông hết.
Đêm hôm đó tôi không sao ngủ được. Trong lúc trằn trọc, tôi thấy lòng mình tràn ngập một sự khinh miệt đối với Lão sư phụ và một niềm ước muốn chế diễu cái thói đạo đức giả của ông. Thế nhưng, sau đó dần dần một cảm giác hối hận chỗi dậy trong lòng tôi và bắt đầu xoa dịu những ý nghĩ ngạo mạn của tôi. Sự khinh miệt của tôi đối với thói đạo đức giả của Lão sư phụ, kỳ diệu thay lại liên hệ với sự suy nhược dần dần của tâm hồn tôi, và kết cục tôi đâm ra có ý nghĩ là riêng đối với tôi thực ra Lão sư phụ chẳng là cái quái gì hết, vì vậy dù cho tôi có năn nỉ xin ông tha thứ thì cũng chẳng phải là một sự thất bại. Tâm hồn tôi sau khi đã trèo lên tận đỉnh một con dốc thật cao bây giờ đang lao xuống chân dốc thật nhanh.
Tôi định tâm vào sáng hôm sau sẽ tới xin lỗi Lão sư phụ. Sáng hôm sau, tôi lại quyết định sẽ tới xin lỗi vào một lúc nào đó trong ngày. Tôi nhận thấy nét mặt Lão sư phụ chẳng mảy may thay đổi.
Đó là một ngày lộng gió. Sau khi ở đại học về, bất đồ tôi mở ngăn kéo ra. Tôi nhìn thấy một cái gì gói kín trong bao giấy trắng. Đó là tấm ảnh. Trên tờ giấy không có một chữ nào. Hiển nhiên, Lão sư phụ đã chủ tâm dùng phương pháp này để kết thúc vấn đề. Ông không có ý hoàn toàn bỏ qua hành vi tôi, nhưng muốn tôi thấy rõ là hành vi đó chẳng có hiệu lực gì hết. Tuy nhiên cung cách đem trả lại tấm ảnh lạ kỳ của ông đã khiến cho trí óc tôi tưởng tượng đến hàng chuỗi hình ảnh.
“Như vậy Lão sư cũng đã đau khổ rồi!” tôi nghĩ vậy. Trước khi xử sự như thế này hẳn ông đã phải trải qua bao nỗi ưu phiền ghê gớm. Hẳn là bây giờ ông phải ghét tôi kinh khủng. Chắc không phải ông đâm ra ghét tôi vì tôi đã làm cho ông bó buộc phải cư xử một cách khó coi như vậy. Chỉ vì một tấm ảnh này mà Lão sư phụ bó buộc phải hành động lén lút ngay trong ngôi thiền tự của riêng ông. Ông đã phải lén lút men theo hành lang vào lúc không có một ai ở đó. Rồi lẻn vào phòng một tên đồ đệ, nơi từ trước đến nay ông chưa bao giờ đặt chân tới và mở ngăn kéo của tôi ra y như một kẻ phạm tội. Đúng thế, bây giờ ông đã có đủ thập phần lý do để mà ghét tôi.”
Nghĩ vậy tôi chợt thấy lòng mình tràn ngập một niềm vui khó tả. Rồi tôi bắt tay vào một công việc thích thú. Tôi lấy kéo cắt tấm ảnh cô gái ra thành nhiều mảnh nhỏ. Xong đâu đấy tôi lấy một tờ giấy cứng ở cuốn vở của tôi gói ghém cẩn thận những mảnh vụn ấy trong hai lớp giấy rồi nắm chặt gói giấy trong tay đi ra tới chỗ gần Kim Các Tự. Sự quân xứng u uất thường lệ vẫn tràn ngập ngôi chùa nhô cao dưới bầu trời đêm sáng trăng lộng gió. Hàng cột mảnh mai đứng xích lại gần nhau; dưới ánh trăng rọi thẳng xuống những hàng cột trông tựa các sợi dây đàn còn chính ngôi chùa lại giống như một nhạc khí khổng lồ dị dạng. Mặt trăng lúc thấp lúc cao đã gây nên ấn tượng khác thường này. Đêm nay thấy thực là rõ. Tuy vậy, gió lùa qua khoảng trống giữa các sợi dây đàn câm nín ấy lại chẳng tạo nên một tiếng đàn nào cả.
Tôi cúi xuống nhặt một hòn đá, gói vào trong tờ giấy rồi buộc thật chặt vào gói giấy. Thế rồi những mảnh vụn của tấm hình khuôn mặt cô gái, do sức nặng của hòn đá, chìm xuống đáy Kính Triều trì. Sóng nước lăn tăn trải dài khắp bốn phía chẳng mấy lúc đã lan tới bờ nước ngay dưới chân tôi.
Việc tôi đột nhiên chạy trốn khỏi chùa vào tháng mười một năm ấy là kết quả của sự tích lũy những sự việc này. Về sau nghĩ lại tôi nhận ra rằng sự trốn chạy có vẻ đột ngột thực ra đã được tiến hành từ lâu qua biết bao thời kỳ phân vân và ưu lự. Tuy nhiên, tôi lại thích nghĩ rằng đó là vì một vài rung động đột ngột thôi thúc. Vì tự căn bản, trong con người tôi thực hoàn toàn thiếu sót những xung động mô phỏng. Chẳng hạn trong trường hợp một người tối hôm trước đã dự định đi thăm một thân phụ vào ngày hôm sau, nhưng tới lúc ra khỏi nhà đứng trước nhà ga, người đó lại đột nhiên đổi ý và quyết định tới thăm một người bạn chè chén của mình, như vậy trong trường hợp này người đời có thể nào nói là có một xung động thuần túy hay không? Phải chăng sự đổi ý đột nhiên của người đó là thứ hành vi phục thù đối với ý chí của mình? Thực ra, có phải đó là cái gì có ý thức hơn sự chuẩn bị từ lâu để đi thăm mộ hay không?
Cái động cơ trực tiếp đã khiến tôi phải bỏ chùa chạy trốn là việc hôm trước Lão sư phụ đã nói rõ cho tôi hay: “Trước đây đã có lúc ta định bụng cho con kế vị ta sau này, nhưng bây giờ ta có thể nói thẳng cho con hay là ta không còn giữ ý định đó nữa.”
Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy một lời tuyên cáo như thế, song lẽ ra tôi nên đoán trước và đợi chờ một lời tuyên cáo như vậy mới phải. Tôi không thể làm ra bộ là lời nói của Lão sư phụ như một tiếng sét đánh ngang tai hoặc đã làm cho tôi sững sờ hoảng hốt. Tuy vậy, tôi vẫn thích nghĩ là những lời nói của Lão sư phụ đã va chạm làm nổ bùng và một xung động đột nhiên đã gây ra việc tôi bỏ chùa trốn chạy.
Sau khi đã chắc chắn là làm cho Lão sư phụ ghét bỏ mình vì cái trò chơi ác về tấm hình, tôi bắt đầu xao lãng việc học hành tại trường; điều đó thực rành rành ai cũng thấy rõ. Thành tích của tôi trong năm dự bị là 84 điểm trong khi hai môn khá nhất: Hoa ngữ và Lịch sử và 748 điểm tổng cộng tất cả các môn; như vậy được xếp hạng 24 trong lớp học 84 người cả thảy. Tôi chỉ vắng mặt tất cả có 4 giờ trong số 464 giờ học. Sang năm thứ nhì, tổng cộng tôi chỉ được có 693 điểm và tụt xuống thứ 35 trong 77 sinh viên. Nhưng sang đến năm thứ ba tôi mới thực sự xao lãng việc học hành - chẳng phải vì có tiền để rong chơi mà chi vì thích biếng lười không chịu học. Và tình cờ học kỳ mới trong năm thứ ba lại bắt đầu ngay sau câu truyện về tấm ảnh.
Khi học kỳ thứ nhất chấm dứt, nhà trường gửi giấy về chùa yêu cầu chú ý đến sự thụt lùi của tôi và tôi bị Lão sư phụ gọi lên trách mắng và thành tích quá tệ, số giờ vắng mặt quá nhiều, nhưng điều làm Lão sư phụ giận dữ nhất là trong một học kỳ chỉ có ba ngày giảng dậy về “Tiếp tâm” (môn học đặc biệt cho tăng sĩ Thiền tông) thì tôi đều trốn học cả ba. Cả một năm chỉ có chín ngày giảng dậy về “Tiếp tâm” chia làm ba lần, mỗi lần ba ngày trước những dịp nghỉ dầu mùa hạ, mùa đông và mùa xuân, và mọi việc đều theo đúng các hình thức trong những đạo trường chuyên môn.
Lão sư phụ đặc biệt cho gọi tôi lên tận phòng riêng của ông để nghe ông trách mắng, việc này tự nó là một điều hiếm thấy. Tôi cúi đầu đứng yên. Trong thâm tâm tôi đang chờ đợi Lão sư sẽ xoay sang một câu truyện nào đó; nhưng không, ông đã chẳng hề đả động tí gì đến câu truyện tấm ảnh cả, mà ông cũng chẳng nhắc nhở gì tới câu truyện cô gái điếm cùng việc cô này đến làm tiền ông.
Chính từ dạo này trở đi Lão sư phụ có thái độ lãnh đạm rõ rệt đối với tôi. Nói cho đúng ra đó thực là điều tôi hằng mong đợi, là chứng tích tôi thêm được thấy và tôi coi điều này như là một thứ thắng lợi. Tuy nhiên, muốn đạt được sự thắng lợi ấy thì tôi chỉ cần cứ việc lười biếng. Trong học kỳ đầu tiên của năm thứ ba tôi vắng mặt 60 giờ - gấp năm lần tổng số giờ vắng mặt trong cả năm thứ nhất. Trong suốt những giờ vắng mặt ấy tôi không hề đọc một quyển sách nào, mà tôi cũng chẳng có tiền để đi tìm thú vui. Đôi khi tôi cũng có nói chuyện với Kashiwagi, song thường thường tôi chỉ ngồi một mình không làm gì hết; và như vậy những ký ức của tôi về đại học Otani thường pha trộn một cách thân mật với những ký ức về sự vô vi lười biếng. Sư vô vi lười biếng này có lẽ là một lối thực tập “Tiếp tâm” đặc biệt của tôi về Thiền học, và khi đã đắm mình vào sự thực tập ấy, chẳng có một lúc nào tôi cảm thấy chán nãn hết.
Có một lần tôi ngồi hàng giờ trên bãi cỏ ngắm một đàn kiến thi nhau khênh những mẫu đất nhỏ xíu. Thực không phải đàn kiến đã làm cho tôi thích thú. Một bận khác tôi đang ngớ ngẫn không biết trong bao lâu bên ngoài đại học ngắm đợt khói mong manh bốc lên từ ống khói xưởng máy ở đằng sau nhà trường. Thực không phải làn khói đó đã lôi cuốn cảm hứng của tôi. Vào những giờ phút như thế, tôi cảm thấy dường như đã đắm mình trọn vẹn vào cuộc sống của chính cái tôi. Thế gian bên ngoài nhiều phần đã nguội đi và từ lúc ấy lại được hâm nóng lại. Tôi biết nói ra sao nhỉ? Tôi cảm thấy thế giới bên ngoài đã lốm đốm loang lở và lại có dọc vằn ngang nữa. Bản thân bên trong của tôi và thế giới bên ngoài đã thay đổi vị trí một cách từ từ không theo một quy tắc nào cả. Cái phong cảnh vô ý vị vẫn hằng bao quanh tôi chợt sáng rực lên trước mắt tôi; trong lúc sáng rực, phong cảnh ấy xông xáo, len lách tìm đường chui vào trong tôi và chỉ những phần còn lại không chui vào được là tiếp tục óng ánh ngoài xa một cách sinh động. Những phần chói sáng ấy có thể là lá cờ trên nóc một xưởng máy hoặc một vết dơ trên tường hay chiếc guốc cũ kỹ nát mục vứt bỏ trên bãi cỏ. Dần dần tất cả sống dậy trong tôi - và rồi chúng lại chết đi. Hoặc giả liệu tôi có nên nói, tất cả mọi hình thức tư tưởng không thành hình? Những sự việc trọng yếu dắt tay đi đôi với những việc tầm thường nhất, và những sự kiện chính trị ở châu âu mà tôi đọc thấy trong báo sáng nay trở nên có liên hệ khắng khít với chiếc guốc gỗ cũ kỹ đang nằm ở dưới chân tôi đây.
Tôi suy nghĩ hàng giờ về cái góc nhọn do đầu một ngọn cỏ tạo thành. Có lẽ từ ngữ “suy nghĩ” không được thích đáng cho lắm. Cái quan niệm lạ lùng, vớ vẫn này của tôi không có quá trình sinh hoạt liên tục, nhưng cứ xuất hiện rồi lại biến đi như một điệp khúc trong bản nhạc nào đó. Tại sao cái góc nhọn ấy lại phải nhọn hoắt đến thế? Giả như nếu nó là một góc bẹt thì liệu sự xếp loại của “cỏ” có bị mất đi không và liệu thiên nhiên có tránh khỏi bị băng hoại từ một góc bẹt trong toàn thể hay không? Khi một cái cực tiểu lấy ra khỏi thiên nhiên thì liệu toàn thể thiên nhiên có biến dạng hay không? Cứ theo phương pháp này tâm trí tôi vẩn vơ suy nghĩ hết từ quan điểm này đến quan điểm khác.
Việc Lão sư phụ trách mắng tôi chẳng mấy chốc trong chùa ai ai cũng biết, do đó đối với tôi họ có thái độ thù nghịch rõ rệt hơn. Người đồ đệ đã từng ghen ghét tôi về việc tôi được gửi lên đại học bây giờ bất kỳ lúc nào nom thấy tôi hắn cũng hinh hích cười một cách đắc ý.
Tôi tiếp tục sống ở trong chùa trong suốt mùa hè và mùa thu, và ít khi hé miệng chuyện trò với ai. Vào buổi sáng trước ngày tôi bỏ chùa trốn đi Lão sư phụ bảo ông Phó ti gọi tôi vào phòng Lão sư phụ. Hôm đó là ngày mồng chín tháng mười một. Vì sắp sửa rời chùa lên trường nên tôi mặc bộ đồ đồng phục.
Khuôn mặt phúng phính của Lão sư phụ vẫn tươi tắn như thường lệ, nhưng để sửa soạn nói cho tôi hay điều gì không vui, khuôn mặt ấy chợt đanh lại một cách lạ kỳ. Tuy nhiên, với riêng tôi thì tôi lại lấy làm thích thú là được thấy Lão sư phụ nhìn tôi như thể đang nhìn một tên hủi. Đó chính là nét mặt tôi thật tình mong được nhìn thấy nơi ông một ánh mắt có mang tình cảm của con người.
Lão sư phụ quay mặt nơi khác không nhìn tôi. Trong lúc nói, ông xoa hai bàn tay vào nhau hơ trên lò sưởi. Hai bàn tay ông thịt da mềm mại chỉ tạo nên một âm thanh khe khẻ, thế nhưng tôi lại nghe thấy như vang vang và hình như phá tan vẻ trong sáng của làn không khí buổi sáng sớm đầu mùa đông. Sự cọ sát giữa da thịt một ông hòa thượng với chính da thịt ông ta tạo nên một cảm giác thân mật không cần thiết.
“Ba con ở dưới suối vàng sẽ buồn rầu xiết bao khi biết sự thể đã đến như thế này!” Ông nói. “Hãy xem lá thư này! Một lần nữa nhà trường lại gửi một lá thư lời lẽ rất gay gắt. Con nên suy ngẫm xem nếu cứ tiếp tục như thế này thì sự thể sẽ ra sao.” Và rồi ông bắt thẳng sang những điều ông muốn nói. “Trước đây đã có lúc ta định bụng cho con kế vị ta sau này, nhưng bây giờ ta có thể nói thẳng cho con hay là ta không còn giữ ý định đó nữa.”
Tôi ngồi im lặng một lúc lâu. Rồi tôi nói: “Như vậy tức là thầy bỏ rơi con phải không?”
“Có thực là con nghĩ rằng ta sẽ không bỏ rơi con sau vụ này không?” Lão sư phụ nói sau một lúc im lặng.
Tôi không trả lời, nhưng ngay sau đó tôi nghe thấy chính mình lắp bắp thốt ra một điều gì về một việc hoàn toàn khác biệt. “Bạch thầy, thầy biết rõ con từng chân tơ kẽ tóc. Con nghĩ con không biết rõ về thầy từ kẽ tóc chân tơ.”
“Và giả như thực sự con biết hết thì đã sao đâu.” Hòa thượng nói, trong mắt ông hiện ra một ánh u-ám. “Con có biết hết thì cũng chẳng đi đến đâu. Thật hoàn toàn vô ích mà.”
Từ trước đến giờ chưa lần nào tôi nhìn thấy một khuôn mặt nào lại hoàn toàn xa rời cuộc đời này đến như vậy. Từ trước đến giờ chưa làn nào tôi nhìn thấy khuôn mặt một con người mặc dù đã nhúng tay vào mọi thú vị của cuộc sống, nào bạc tiền, nào đàn bà con gái, lại hoàn toàn khinh miệt cuộc đời này cho đến thế? Lòng tôi tràn ngập những hiềm ố như thể tôi đang đứng trước một cái xác chết nhưng hãy còn âm ấm, da dẽ hãy còn hồng hào.
Vào lúc ấy tôi thấy lòng mình tràn ngập ước muốn mãnh liệt, thống thiết xa lánh tất cả mọi khung cảnh bao quanh mình, dù chỉ trong một chốc lát. Sau khi lui gót khỏi phòng Lão sư phụ, tôi thấy cái ước muốn đó lại càng dữ dội hơn nhiều khiến tôi chẳng thể nghĩ đến điều gì khác nữa.
Tôi lấy cái khăn gói cuộn quyển từ điển Phật giáo và chiếc sáo Kashiwagi đã cho tôi lại. Khi tới trường mang theo cặp sách và khăn gói này tôi thấy ý định ra đi cứ ám ảnh mãi đầu óc.
Bước vào cổng trường, tôi vui lòng hết sức khi thấy Kashiwagi đang đi đằng trước, tôi kéo tay nó lại và dẫn ra vệ đường. Tôi bảo nó cho tôi vay ba nghìn yen và giữ lấy cuốn tự điển và chiếc sáo muốn làm gì thì làm. Lúc này, trên khuôn mặt nó không hề có một dấu vết nào của cái dáng vẻ sáng khoái triết học quen thuộc nó hằng có mỗi khi đưa ra một nghịch thuyết. Nó nheo mắt lại nhìn tôi, ánh mắt như có lờ mờ sương khói.
“Mày có nhớ lời khuyên con trai của ông bố anh chàng Laerter trong bi kịch Hamlet hay không? ‘Đừng bao giờ cho ai vay tiền mà cũng đừng bao giờ đi vay tiền ai, vì cho vay tiền thì thường mất cả tiền lẫn bạn.’
“Tớ đâu còn bố nữa mà nói,” tôi đáp. “Nhưng hãy cùng nhau bàn tính lại xem nào. Tớ không biết liệu có thể cào cấu đâu được đủ ba ngàn yen hay không?
Tôi đã định bụng nói phăng cho Kashiwagi nghe những lời thiếu phụ dậy cắm hoa kể lại về cái mánh khóe móc tiền đàn bà con gái của nó nhưng rồi đột nhiên tôi cố tự kiềm chế lại.
“Trước hết mình nên thu xếp cho xong cuốn từ điển và chiếc sáo này đi đã.”
Nói rồi Kashiwagi quay ngoát lại đi ra phía cổng trường. Tôi cũng quay lại và bước theo, cất bước thật chậm để khỏi vượt qua nó. Nó bắt đầu kể cho tôi nghe truyện thằng bạn sinh viên làm chủ tịch câu lạc bộ Quang Minh đã bị bắt vì bị tình nghi buôn tiền chợ đen. Thằng này đã được phóng thích vào tháng chín và sau đó gặp nhiều khó khăn ghê gớm, vì không được thiên hạ tin dùng như trước nữa. Ngay từ mùa xuân, Kashiwagi đã đặc biệt chú ý đến thằng chủ tịch hội Quang Minh và hai đứa chúng tôi vẫn thường hay nói chuyện về thằng ấy! Cả hai chúng tôi đều tin chắc rằng thằng ấy đối với xã hội hãy còn mạnh thế lắm; và hiển nhiên là chúng tôi không thể ngờ rằng chỉ hai tuần lễ sau thằng ấy đã tự tử.
“Cậu cần món tiền ấy để làm gì vậy?” Kashiwagi đột nhiên hỏi. Dường như nó đặt một câu hỏi thực là kỳ cục.
“Tớ muốn đi lang thang đến một nơi nào đó.”
“Thế rồi cậu có trở lại không?”
“Có lẽ.”
“Tại sao cậu lại chuồn vậy?”
“Tớ muốn chạy trốn tất cả những gì vây bọc thân tớ, chạy trốn cái mùi vô lực mà mọi người quanh tớ tiết ra nồng nặc. Lão sư phụ cũng vô lực. Vô lực một cách khủng khiếp. Tớ cũng biết rõ điều ấy nữa.”
“Thế cậu cũng muốn xa lánh cả Kim Các Tự nữa ư?”
“Đúng thế! Xa lánh cả Kim Các Tự nữa.”
“Thế Kim Các Tự cũng vô lực à?”
“Không, tất nhiên là Kim Các Tự không vô lực! Nó là căn nguyên tạo ra sự vô lực của mọi người.”
“Phải rồi, cậu nghĩ đến điều đó là phải,” Kashiwagi nói; và nó vừa nhún nhẩy bước ra vừa chặc lưỡi một cách vui vẻ. Tôi theo nó bước vào một cửa hiệu bán đồ cổ nho nhỏ, giá lạnh, nơi nó bán chiếc sáo. Người ta chỉ trả nó bốn trăm yen thôi. Sau đó, chúng tôi dừng lại ở một cửa hiệu bán sách cũ và xoay xỏa bán cuốn từ điển được có một trăm yen . Hãy còn thiếu hai nghìn năm trăm yen nữa. Kashiwagi dẫn tôi về nhà trọ để lấy. Sau khi đã đưa cho tôi mượn tiền nó mới đưa ra một đề nghị thực là kỳ lạ. Nó giải thích, cái sáo là vật nó cho tôi mượn nên tôi phải hoàn lại còn cuốn từ điển thì có thể coi như món quà tặng. Vậy là tôi mới chỉ trả lại nó những gì vốn là của nó, và số tiền bán đồ được năm trăm yen cũng thuộc về nó nốt. Khi thêm vào hai ngàn năm trăm yen thì số tiền cho vay đương nhiên là ba nghìn yen . Về số tiền ba nghìn này, mỗi tháng Kashiwagi muốn nhận được mười phân lãi đến khi nào tôi trả hết nợ. Theo lời Kashiwagi, so với số tiền lời thực là cao ba mươi tư phần trăm của câu lạc bộ Quang Minh thì vay lãi như thế này còn nhẹ hơn nhiều. Và tính tiền lãi thấp như thế này ấy là nó đã ban cho tôi một ân huệ. Nó rút ra một tờ giấy dầy, một nghiên mực rồi thịnh trọng ghi lại các điều kiện cho vay. Đoạn nó bảo tôi điểm chỉ vào từ giấy chứng vay tiền đó. Vì chán chẳng buồn nghĩ đến tương lai, tôi liền nhúng tay cái vào nghiên mực rồi ấn mạnh lên tờ biên nhận vay nợ.
Tim tôi đập thình thịch vì sốt ruột. Rời nhà trọ Kashiwagi với ba nghìn trong túi tôi lên xe điện đến tận trước công viên Thuyền Cương mới xuống xe. Tôi lao đầu chạy lên các bậc thềm đá vòng vèo dẫn đến thần xã Kiến Huân. Tôi định xin một quẻ thẻ để xem thánh dậy ra sao về cuộc hành trình của mình. Ngay từ dưới chân các bậc thềm đá người ta đã có thể nhìn thấy chính điện của thần xã Nghĩa Chiếu Đạo Hà, màu đỏ sặc sỡ và cả hai con cáo có lưới sắt vây quanh. Mỗi con cáo ngoạm một cuốn giấy và bên trong những vành tai vểnh lên nhọn hoắt của chúng cũng sơn màu đỏ choét.
Hôm ấy trời giá lạnh. Thỉnh thoảng gió lại rập rờn len lách qua những làn ánh sáng mặt trời mỏng manh. Ánh nắng yếu ớt xuyên qua các hàng cây làm cho những bậc thềm đá trông như có rải một lớp tro mịn. Trông như là tro bẩn vì ánh sáng mờ nhạt quá.
Tôi chạy thẳng một hơi ngược lên các bậc thềm đá, và khi tới cái tiền đình rộng rãi trước Kiến Huân thần xã thì người tôi ướt đẫm mồ hôi. Ngay trước mắt tôi là một hàng thềm đá nữa dẫn thẳng tới Bái điện. Mái ngói bằng phẳng chạy dài xuống phía các bậc thềm. Hai bên lối đi dẫn tới ngôi đền có những cây thông nho nhỏ uốn éo vươn mình dưới bầu trời mùa đông. Xã vụ sở với vách gỗ mầu đã cũ thì ở bên phải và trên cửa có treo một tấm biển ghi những chữ: “Sở Nghiên Cứu Vận Mệnh”. Giữa Xã vụ sở và Bái điện là căn Thổ tàng màu trắng. Phía ngoài có mấy cây sam cành lá lưa thưa, nhô lên dưới những đám mây trắng đục, giá lạnh đang lửng lơ, rải rác trên đầu tôi chứa đầy một thứ ánh sáng tang tóc. Từ đấy người ta có thể nhìn thấy những ngọn núi phía tây thành phố Kyoto.
Vị thần chủ tể ở Kiến Huân thần xã là Nobunaga (Tín Trường). Ngay con cả của vị thần này là Nobutada (Tín Trung) cũng được thờ ở bên cạnh. Đây là một miếu thờ đơn giản chỉ có hàng lan can màu đỏ chót vây quanh bái điện là làm tăng thêm màu sắc.
Tôi trèo lên các bậc thềm và cúi đầu vái lậy. Sau đó tôi nhắc cái ống hình lục giác cũ kỹ đặt trên một cái giá gần ngay hộp đựng tiền cúng tạ. Tôi lắc mạnh cái ống gỗ, một thanh tre vót nhẵn có khắc chữ nhô ra khỏi miệng ống. Trên đó có viết con số “14” bằng mực Tàu. Tôi lui gót quay lại.
“Một bốn, một bốn,” tôi lẩm bẩm một mình trong lúc đi xuống các bậc thềm. Âm thanh của các con số dường như đông đặc lại trên lưỡi tôi và dần dần có một vài ý vị.
Tôi đi đến cổng ngoài của xã vụ sở và đánh tiếng. Một người đàn bà dứng tuổi hiện ra. Hiển nhiên, mụ đang giặt giũ gì đó và đang vội vã chùi tay vào cái khăn quấn trước người. Mặt lạnh lùng như tiền, mụ nhận ở tay tôi số tiền mười đã quy định trước.
“Số bao nhiêu?” mụ hỏi.
“Mười bốn.”
“Xin đứng đợi đàng kia.”
Tôi ngồi xuống đầu hè và đợi. Tôi chợt nghĩ nếu mà vận mệnh tôi lại được quyết định bởi những bàn tay sần sùi, ướt át của mụ đàn bà này thì thực là vô nghĩa quá chừng. Tuy vậy cũng chẳng sao vì tôi tới thần xã này đúng là để đánh bạc mà tìm kiếm một sự vô nghĩa như thế. Phía bên trên kia cánh cửa kéo bằng giấy, tôi nghe tiếng chuông ở ngăn kéo cổ lỗ kêu leng keng trong lúc rõ ràng là mụ đàn bà đang gắng sức lôi ngăn kéo ra một cách khó khăn. Rồi tôi lại nghe thấy tiếng xé giấy và một lúc sau cánh cửa kéo hé mở.
“Đây cậu ơi.” Người đàn bà vừa nói vừa đưa ra một tờ giấy mỏng dính rồi sau đó đóng cửa lại. Ngón tay trỏ ướt át của mụ ta đã để lại một vệt ướt trên một góc tờ giấy.
Tôi đọc quẻ thẻ “Số mười bốn - Hung,” quẻ thẻ ghi vậy. “Nhữ hữu thử gian giả loại vi bát thập thần sở diệt. - Nếu còn lẩn quất nơi này, người sẽ bị tám mươi vị thần tiêu diệt. Sau khi đã bị đem dí những hòn đá nung vào người, những mũi tên nhọn cấm sâu vào thịt và nhiều cực hình khác nữa, theo lời dạy của tổ thần, hoàng tử Okuri đã rời bỏ xứ này. Đây là điềm triệu người phải lén lút trốn đi.”
Lời giải thích in dưới toàn nói đến những điều bất an và bất như ý trên con đường trước mặt tôi. Những lời giải thích ấy không làm tôi hoảng sợ. Tôi tìm những điều khá ghi ở phía dưới cùng tờ giấy và khoản mục nói về xuất hành.
“Xuất hành - Hung. Hết sức tránh đi về hướng Tây Bắc.”
Đọc thấy thế rồi, tôi bèn quyết định đi về hướng Tây Bắc.
Xe lửa đi Tsuruga rời ga Kyoto lúc bảy giờ kém năm sáng. Ở chùa cứ năm giờ rưỡi sáng là lúc thức dậy ra khỏi giường. Vào sáng mồng mười khi tôi thức dậy và thay ngay quần áo, mặc bộ đồng phục sinh viên không một ai tỏ vẻ nghi ngờ gì hết. Mọi người trong chùa vẫn có thói quen làm ra vẻ không thèm nhìn đến tôi.
Trong ánh sáng lờ mờ của buổi bình minh công việc trong chùa luôn luôn hỗn độn một chút. Người thì bận quét dọn, người thì lo lau chùi, công việc quét dọn lau chùi kéo dài cả tiếng đồng hồ cho tới sáu giờ rưỡi. Tôi ra ngoài và bắt đầu quét tiền đình. Tôi dự định ra đi ngay khỏi chùa không mang theo vật gì hết, như thể tôi đã đột nhiên biến mất một cách thần kỳ. Cái chổi và tôi lướt nhẹ trên lối đi trải đá sỏi tỏa màu trắng nhợt dưới ánh sáng buổi sớm tinh sương. Rồi bất chợt chiếc chổi sẽ rơi xuống, tôi sẽ biến đi và không còn gì sót lại trong ánh bình minh nhạt mờ ngoại trừ những viên sỏi trắng nằm im trên lối đi. Đó, tôi tưởng tượng sự ra đi của mình phải như thế đó! Chính cái lý do này tôi đã không cáo biệt Kim Các Tự. Cần nhất là tôi phải bất chợt bứt mình khỏi toàn cảnh đã vây hãm tôi và - cái toàn cảnh giam hãm này gồm có cả Kim Các Tự. Tôi hướng ngọn chổi dần dần về phía tổng môn. Qua các cành thông tôi còn nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh.
Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Bây giờ tôi phải ra đi . Từ ngữ này hình như đang rập rờn bay trong không khí. Dù cho nó có xẩy ra điều gì đi nữa tôi vẫn phải ra đi - ra đi khỏi cái hoàn cảnh, cái quan niệm của tôi về cái đẹp đã từng kìm kẹp tôi bấy lâu, cái nỗi khảm kha bất ngộ, cái tật nói lắp và mọi điều kiện trong cuộc sống của tôi.
Cái chổi buột khỏi tay tôi rơi vào bóng tối của làn cỏ giống như một quả chín rụng khỏi cành cây. Tôi len lét bước về phía tổng môn, núp mình sau các thân cây. Khi đã qua khỏi tổng môn rồi, tôi bắt đầu co giò vắt chân lên vai mà chạy. Chuyến xe điện đầu tiên buổi sáng chạy tới gần. Tôi bước lên. Trên xe chỉ vẻn vẹn có mấy người; trong có vẻ là những người lao động. Tôi dầm mình ngay dưới ánh ngọn đèn điện chói chang trong toa xe. Tôi cảm thấy đường như suốt cả đời chưa bao giờ mình đã ngồi vào một chỗ sáng sủa như thế.
Tôi ghi nhớ rõ mồn một từng chi tiết của cuộc hành trình. Tôi đã trốn đi và biết rõ mình sẽ tới nơi nào. Tôi quyết định đến một quận mà đã có lần tôi tới thăm trong một cuộc du ngoạn với cả trường khi tôi còn ở trung học. Thế nhưng trong lúc dần dần tiến tới nơi đó, những cảm xúc của tôi về ra đi và giải phóng lại mạnh mẽ đến nỗi tôi cảm thấy như thể đang tiến về một nơi chưa bao giờ biết tới.
Tôi đang đi trên toa tầu chạy trên con đường quen thuộc từng dẫn tôi về cố quận của mình; những dưới mắt tôi, con tầu cũ kỹ đen mầu bồ hóng này chưa bao giờ lại có vẻ xa lạ như lúc này và cũng chưa bao giờ có những màu tươi mát đến như thế. Nhà ga, tiếng loa phóng thanh rè rè vang âm trong không khí bình minh, tất cả lặp lại cùng một tình cảm duy nhất, gia tăng cường độ tình cảm ấy và phát tỏa ra trước mắt tôi một triển vọng hết sức trữ tình. Ánh sáng ban mai cắt sân ga rộng lớn thành nhiều khu. Tiếng giầy dép chạy lẹp kẹp trên sân ga, tiếng chuông nhà ga dai dẳng đều đều, tiếc guốc gỗ khua lép kép, màu sắc một quả cam mật mà một người bàn hàng ở sân ga nhặt trong thúng giơ lên - tất cả hiện ra đối với tôi như là một ám thị hoặc điềm báo của một sự vật to lớn mà từ đây tôi đã đem trao phó hết cả thân mình.
Từng mảnh nhà ga đơn độc, dù nhỏ bé đến thế nào, cũng đều tập trung vào cái tình cảm nổi bật của tôi về sự biệt ly và xuất phát. Sân ga bắt đầu lui lại phía sau tôi với một dáng vẻ rất chững chạc. Tôi cảm thấy rõ ràng như vậy. Đúng thế, tôi cảm thấy cái mặt phẳng xi măng cốt sắt không có chút tình cảm đã được rọi sáng ra sao bởi cái vật đang chuyển động, xa rời và ra đi.
Tôi ngả lưng vào thành tầu. Đây thực là một lối nói buồn cười; tuy nhiên, không có một lối nói nào khác để bảo chứng cho cái ý nghĩ mơ hồ và vị trí của tôi đang dần dần xa cách và di chuyển khỏi nhà ga xe lửa Kyoto. Đã bao đêm rồi, trong khi nằm trong Lộc Uyển tự, tôi đã từng nghe thấy tiếng còi những chuyến tầu chở hàng hóa rúc lên khi chạy qua gần vườn hoa trong chùa và tôi không khỏi lấy làm lạ là chính mình lúc này lại đang ngồi một trong những con tầu ấy ngày đêm cứ vun vút lao mình về phía không biết mỏi mệt.
Bây giờ chúng tôi đang đi mau men theo gần dòng sông Hozu mà trước đây lâu lắm tôi đã nhìn thấy khi đi trên con tầu này cùng với ông bố bệnh tật ốm đau. Miền đất nằm giữa nơi này và Sonobe về phía tây dẫy núi Atago và dẫy núi Arashi có một khí hậu hoàn toàn khác hẳn thành phố Kyoto. Có thể đó là do ảnh hưởng của các luồng không khí. Trong ba tháng mười, mười một và chạp cứ vào khoảng mười một giờ đêm luôn luôn có một lớp sương mù từ mặt sông Hozu dâng lên bao phủ khắp địa phương cho đến khoảng mười giờ sáng hôm sau. Thật hiếm khi lại thấy một khoảng trống trong lớp sương mù ấy khi nó từ mặt đất dâng lên rồi bồng bềnh trôi về phía xa.
Cái mảnh ruộng vườn trải rộng mờ mờ ở hai bên con tầu, và những thửa ruộng đã gặt hái rồi và bây giừ đang khoác một màu xanh thẫm. Một vài gốc cây rải rác, to nhỏ ngăn cách những thửa ruộng với nhau. Người ta chặt hết những cành lá sà thấp xuống và lấy những tấm chiếu rơm quấn quanh: các thân cây khẳng khiu (trong quận gọi là “chưng lung” hay nồi nấu hơi) để khi các thân cây lần lượt nhô ra khỏi sương mù chúng sẽ trông giống như hồn ma của những thân cây. Có lần một cây liễu to lớn hiện ra hết sức rõ rệt ngay sát cửa sổ con tầu. Ở dưới là cánh đồng lúa màu tro hầu như không nhìn thấy rõ; những cành liễu ướt át, buông nặng rủ xuống một cách buồn thảm và toàn thân cây liễu nhẹ nhàng đu đưa trong làn sương mù.
Lúc mới ra khỏi Kyoto thì lòng tôi thật là vui thích, đến lúc này đang bị những truy ức về những người đã chết đè nặng. Khi tôi nhớ lại Uiko, ba tôi và Tsurukawa thì một niềm thương yêu trìu mến khó tàn hai dâng lên trong lòng tôi và tôi tự hỏi phải chăng trên đời này tôi chỉ có thể thương yêu những người đã chết mà thôi. Dù sao đi nữa, đem so với những người còn sống, những con người đã chết mới thực dễ yêu làm sao.
Toa xe lửa hạng ba không đông người lắm, người ta ngồi đó - những con người sống mà mình thực khó lòng thương yêu nổi - đang bận hút thuốc lá hoặc bóc vỏ cam mật mà ăn. Bên cạnh tôi là một người viên chức già chắc là làm việc ở một công đoàn nào đó. Ông ta đang nói tiếng oang oang với một người đàn ông khác. Cả hai đều mặc những bộ quần áo cũ kỹ, nhầu nát mà tôi nhìn thấy cả phần vải rách mướp, vằn sọc lòi ra khỏi ống tay áo mỗi người. Một lần nữa tôi lại thấy rõ rệt là khi người ta trở nên già nua, vẻ tầm thường chẳng hề giảm bớt chút nào. Những bộ mặt xạm nắng, nhăn nheo con nhà bách tính ấy, những giọng nói khàn khàn vì hơi rượu ấy có thể nói đã tiêu biểu cho tinh hoa của một loại tầm thường nào đó.
Họ đang bàn bạc xem phải tìm đến những ai để xin gia công đóng góp cho công đoàn của họ. Một ông lão hói đầu ngồi đó, nét mặt điềm nhiên. Ông lão không góp lấy một lời nào vào một câu truyện mà chỉ lấy cái khăn mặt bông lau đi lau lại hai bàn tay khiến cho ban đầu chiếc khăn trắng toát song bây giờ vì lau mãi nên đã hóa ra thành màu vàng khè.
“Nhìn hai bàn tay đen xì của tôi này!” ông lão khẻ nói. “Khói than làm bẩn hết cả rồi vì tôi ngồi ở đây. Thật khó chịu quá chừng!”
“Có lần cụ viết thơ cho báo phàn nàn về truyện khói tầu có phải không, thưa cụ?” Một người đàn ông khác, lúc này đã bắt đầu góp chuyện lên tiếng.
“Dạ, thưa không,” ông lão hói đầu nói, “Nhưng thật nó làm mình khó chịu quá đi - cái khói tàu này này!”
Tuy không lắng tai nghe, song tôi vẫn phải nghe những lời chuyện trò của họ. nghe thấy trong câu truyện, những người này cứ nhắc đi nhắc lại mãi đến Kim Các Tự và Ngân Các Tự. Họ đều đồng ý với nhau là phải đòi hỏi cho kỳ được sự đóng góp cụ thể của hai ngôi chùa này. Tiền thu vào cửa của Ngân Các Tự chỉ bằng nửa ở Kim Các Tự, vậy mà cũng đã là một món tiền khá lớn rồi. Một người đưa ra tỉ dụ là hàng năm Kim Các Tự thu vào có lẽ tới hơn năm triệu yen . Chi phí thực sự cho ngôi chùa Thiền tông, kể cả tiền điện nước, cũng không thể vượt quá hai mươi vạn yen trong một năm. Vậy thử hỏi số tiền thừa trữ lại để làm gì? Thật là dễ hiểu quá mà. Hòa thượng trụ trì đã bắt các chú tiểu của mình ăn cơm nguội trong khi mỗi đêm ông đem tiền cho gái ở xóm Kỳ Viên. Hơn nữa, chùa chiền lại được miễn thuế. Thật là như thể chùa chiền ở xứ này đã được hưởng trị ngoại pháp quyền vậy. Mình phải đốc thúc cho thật dữ dội để yêu cầu những ngôi chùa ấy đóng góp mới được!”
Câu truyện họ nói cứ thế mà tiếp diễn. Khi họ ngừng, ông lão đầu hói, vẫn lấy cái khăn mặt bông lau chùi tay mình, lúc đó mới cất tiếng: “Chà, khó chịu quá đi thôi!”. Lời ông đã kết luận thay cho mọi người. Bấy giờ tay ông không còn một vệt than đen nào nữa; hai bàn tay ấy đã được lau chùi, đánh bóng và toát ra cái ánh bóng lộn giống như một đồ gỗ chạm trổ đẹp mắt. Những bàn tay đã làm sẵn của ông lão thực giống như một đôi găng tay hơn bất kỳ một cái gì khác.
Nghe có vẻ lạ, nhưng đây thực là lần đầu tiên tôi có dịp được nghe những lời phê bình của thế gian. Sống trong Kim Các Tự, chúng tôi thẩy đều thuộc về thế giới tăng lữ, và ngay trường đại học cũng nằm trong thế giới ấy. Chưa bao giờ chúng tôi trao đổi với nhau những lời phê bình liên quan đến ngôi chùa cả. Vậy mà câu truyện giữa những người viên chức già nua này chẳng hề làm tôi ngạc nhiên chút nào hết. Những điều họ nói với nhau đối với tôi chỉ là sự thực rành rành. Chúng tôi thì phải ăn cơm nguội. Hòa thượng thì đi chơi ở xóm Kỳ Viên. Sự thực rành rành ra đấy. Nhưng điều làm cho tôi tức tối không sao chịu nổi ấy là chính bản thân tôi đã phải được hiểu bằng cái phương pháp hiểu biết mà những viên chức già này vừa mới phơi bầy ra. Nếu tôi đã được người ta hiểu bằng những lời nói của thiên hạ thì thật là không chịu nổi. Vì lẽ những lời nói của tôi thì khác hẳn. Xin nhớ cho rằng ngay cả khi nhìn thấy Lão sư phụ đi chơi với cô danh kỹ xóm Kỳ viên ấy tôi cũng chẳng hề vì đạo đức mà có ý ghét bỏ ông lấy một mảy may.
Vì những lý do này cuộc nói chuyện của mấy ông viên chức già đã bay ra khỏi tâm trí tôi, chỉ còn rơi rớt lại một sự ghét bỏ mơ hồ và một mùi vị tầm thường khó tan biến. Tôi không có ý định cầu mong thiên hạ ủng hộ những tư tưởng của chính mình. Mà tôi cũng chẳng có ý định tạo nên một khuôn khổ cho những tư tưởng của mình để cho thế gian có thể hiểu được dễ dàng hơn. Như tôi đã nói nhiều lần, việc không được người khác hiểu thấu chính là lý do tồn tại của tôi.
Đột nhiên cánh cửa toa tầu mở ra và một người bán hàng xuất hiện, trước ngực đeo lủng lẳng một cái rổ lớn. Anh ta rao hàng bằng một giọng khàn khàn. Bất giác tôi thấy bụng rỗng và mua một hộp đồ ăn trưa. Bữa ăn gồm có miến màu lục trong đó hải thảo hiển nhiên đã được dùng thay cho bột gạo. Sương mù đã tan, nhưng bầu trời vẫn chưa sáng. Ở phía chân ngọn núi Tamba, tôi nhìn thấy những cây dâu tằm mọc lên trên mặt đất khô cằn và những căn nhà trong đó người ta đang làm giấy viết.
Vịnh Maizuru. Cái tên này đã làm cho lòng tôi xốn xang, cảm động y như trong quá khứ vậy. Kể từ thời niên thiếu trong thôn Shiraku gần đó, “Maizuru” đã trở nên một thứ tên gọi chung để nói đến vùng biển mà mình không nhìn thấy và về sau từ ngữ này dùng tiêu biểu cho một dự cảm về biển cả.
Cái vùng biển vô hình ấy không thể nhìn thấy rõ rệt từ đỉnh núi Thanh Diệp, nhô lên đằng sau thôn Shiraku. Tôi đã hai lần trèo lên đỉnh núi ấy. Vào lần thứ hai chẳng ngờ tôi đã nhìn thấy một hạm đội liên hiệp đang hạ neo tại quân cảng Maizuru. Những chiếc tàu chiến đang cắm neo trong vịnh nước óng ánh ấy rất có thể nằm trong một thế phân phối bí mật nào đó. Tất cả mọi thứ xung quanh hạm độ này đều chìm trong một màn cơ mật khiến mình không khỏi nghi ngờ tự hỏi là liệu hạm đội ấy có thực sự tồn tại hay không. Kết quả là nhìn xa hạm đội liên hiệp này trông giống như một đàn chim biển uy nghi màu đen mà người ta đã biết tên trong ảnh mà thôi. Chúng có vẻ dường như đang vui thích với cuộc tắm gội bí mật trong vịnh này, dưới con mắt canh chừng che chở của một con chim già lão oai nghi và hình như hớn hở vui đùa mà không biết rằng đang có người nhìn ngắm.
Tiếng người soát vé kéo tôi trở về thực tại khi ông ta bước vào toa xe và báo cho biết chuyến tàu sắp đến ga Tây Maizuru. Trong đám hành khách bây giờ không không còn một người nào thuộc đám thủy binh ấy trước đây đã vội vã khoác quân trang sắp sửa xuống tầu.
Tất cả đều đã thay đổi. Nơi này đã biến thành một hải cảng ngoại quốc. Các bảng tên đường phố bằng tiếng Anh ngạo mạn xuất hiện ở những ngã tư và quân đội Mỹ đi lại đông như kiến. Dưới bầu trời đầy mây đầu mùa đông như một làn gió lạnh đượm mùi muối biển thổi hắt xuống con đường trước kia đã được thiết bị đặc biệt để cho quân đội sử dụng. Làn gió có mùi vị của chất vô cơ, có mùi sắt hoen rỉ hơn là mùi hương của một làn gió biển. Giải nước biển nhỏ hẹp, tựa như một kênh đào, chạy sâu vào trung tâm thành phố; mặt nước phẳng lặng như chết, một chiếc tiểu hạm đĩnh Hoa Kỳ đang nằm hạ neo sát ngay bờ biển - tất cả đều phảng phất một hương vị hòa bình, thật thế, nhưng một chính sách vệ sinh thái quá đã cướp mất của quân cảng này cái sức sống nhục thể hỗn độn xưa kia của nó và làm cho toàn thể thành phố trông giống như một thứ bệnh viện.
Tôi không hề nghĩ là mình sẽ gặp mặt biển ở đây trong một thân tình nào hết, nhưng dĩ nhiên là rất có thể một chiếc xe Jeep nào đó từ đằng sau chạy tới và hất tôi lăn tòm xuống biển để đùa chơi. Khi nghĩ về điều này vào giây phút này, tôi mới nhận ra rằng cái xung động đã hối thúc tôi ra đi đã chứa đựng một thân tình với biển cả; tuy nhiên, đó không phải là chỗ biển có hải cảng nhân tạo giống như ở Maizuru, nhưng mà là một chỗ biển dữ dằn dậy sóng vẫn còn duy trì sinh lực hoang dại ban đầu, giống như vùng biển mà tôi đã được tiếp xúc trong thời niên thiếu tại quê cũ ở mũi Nariu. Đúng thế, đó là vùng biển sóng cồn, giận dữ luôn luôn phẫn nộ điên cuồng mà người ta vẫn thấy dọc theo bờ Nhật Bản hải.
Do đó, tôi quyết định đi về phía Yura. Về mùa hè, bãi biển này đông nghịt những người đi tắm biển, nhưng vào mùa này thì vắng teo chẳng có ma nào trừ mặt biển cùng mặt đất đang dùng sức mạnh tối tăm mà vật lộn với nhau. Từ Tây Maizuru đến Yura phải đi mất chừng mười cây số. Chân tôi hãy con mang máng nhờ đường đi.
Con đường men theo vùng bể thấp ở phía Tây Maizuru băng qua đường xe lửa Miyazu theo góc thước thợ, vượt qua đèo Takajiri và đổ tới sông Yura. Rồi thì, sau khi đã qua cầu Okawa, nó chạy theo sông Yura tiến về hướng bắc dọc theo bờ sông phía Tây. Từ chỗ này trở đi, nó chỉ việc chạy theo dòng sông mà ra tới cửa biển.
Tôi rời thành phố và bắt đầu đi dọc theo con đường. Trong lúc bước đi, chân cẳng tôi mỏi như và tôi tự hỏi: “Mình sẽ tìm thấy gì ở Yura? Mình hy vọng tìm được một minh chứng nào mà mình đã phải khổ công đến như thế này? Hẳn rằng ở đó chẳng có gì hết chỉ trừ một vùng biển Nhật Bản và một bãi biển vắng tanh?” Tuy nhiên, chân cẳng tôi lại không muốn chậm bước. Tôi đang cố gắng đi tới một nơi bất cứ là một nơi nào cũng được. Địa danh cái nơi tôi đang cắm đầu đi tới chẳng hề có một ý nghĩa gì hết. Tôi cảm thấy trong lòng nẩy sinh một niềm hăng hái - một thứ hăng hái hầu như vô đạo đức - để đối đầu với nơi mình đi tới bất kể là nơi nào.
Thỉnh thoảng ánh nắng dịu dàng lại rực lên và chiếu qua cái ngọn cây cử to lớn bên vệ đường một cách mời mọc. Tuy nhiên, không biết vì lý do nào đó, tôi cảm thấy không thể trùng trình chậm trễ được. Tôi không có thì giờ để nghỉ ngơi nữa.
Thay vì thấy phong cảnh một mặt dốc thoai thoải dẫn xuống một lưu vực rộng rãi, đột nhiên tôi lại nhìn thấy dòng sông Yura xuất hiện từ một đường hẹp triền núi. Nước xanh biếc, và tuy mặt sông khá rộng, song dòng nước cứ lững lờ trôi xuôi dưới bầu trời đầy mây và trông như thể nó đang miễn cưỡng bò ra ngoài biển.
Khi tôi tới bờ sông phía Tây thì trên đường chẳng còn một chiếc xe hơi hoặc một khách bộ hành nào nữa. Chốc chốc tôi lại nhìn thấy một vườn cam mật gần bên vệ đường, nhưng chẳng thấy một bóng người nào cả. Khi qua một ngôi làng nhỏ bé tên là Kazue, tôi nghe tiếng rẽ cỏ sột soạt. Đó là một con chó và chỉ có mặt nó là nhô ra khỏi đám cỏ. Râu nó đen nhánh.
Tôi biết vùng này sở dĩ được nổi tiếng (theo lời đồn không đáng tin cậy cho lắm) vì là nơi cư ngụ của một thổ hào ngày xưa tên Sansho Dayu; tuy nhiên, tôi không có ý định dừng chân lại ở chỗ này và tôi cứ đi qua mà chẳng buồn để ý nữa. Vì lẽ tôi đang mãi mê nhìn dòng sông. Giữa sông đang có một cồn đất lớn có hàng tre bao bọc xung quanh. Tuy trên mặt đường chẳng có tí gió nào, song hàng tre trên cồn đất đang nghiêng ngã trước gió. Cồn đất có bốn năm mẫu ruộng tưới bằng nước mưa; Tuy vậy tôi chẳng nhìn thấy một nông phu nào cả. Người duy nhất tôi nhìn thấy là một người đàn ông đứng quay lưng về phía tôi, tay cầm cần câu. Đã lâu lắm rồi tôi chưa nhìn thấy một bóng người nào nên tôi cảm thấy thân thiện với người này liền. Dường như ông ta đang câu cá đối. Tôi nghĩ bụng như vậy là tôi chưa xa cửa sông được bao nhiêu.
Thế rồi tiếng bụi tre cọt kẹt, ngả nghiêng vì gió, đã làm chìm cả tiếng dòng sông. Có cái gì giống như một làn sương mù đang dâng lên trên cồn đất: chắc là mưa đang bắt đầu rơi. Hạt mưa đang tẩm ướt bờ sông khô nứt trên cồn đất; và trước khi tôi nhận ra thì cơn mưa đã đổ ào ào trên đầu tôi. Trong lúc đang ngắm cồn đất và dần dần bị ướt hết người, tôi nhận thấy bây giờ ở bên đó không có dấu vết gì của cơn mưa cả. Người đàn ông đang đứng chẳng hề nhúc nhích tí nào kể từ lúc tôi thoạt nhìn thấy ông ta đến giờ. Chẳng mấy chốc cơn mưa cũng tạt qua khỏi chỗ tôi đang đứng.
Cứ mỗi lúc rẽ trên một khúc đường tôi lại chỉ nhìn thấy toàn là những cỏ dại và cây thu thảo. Nhưng liền sau đó khi đã tới gần, tôi thấy cửa sông hiện ra ngay trước mặt tôi. Vì lẽ một luồng gió biển hết sức mạnh đã tạt mạnh vào mũi tôi. Càng gần đến khúc cuối dòng sông Yura càng có lắm cồn đất quạnh hiu. Nước sông đang đổ ra cửa biển nên đã bị nước mặn lấn át: tuy nhiên, riêng mặt sông thì càng ngày lại càng êm lặng hơn và không cho thấy một điềm báo trước nào về những gì sắp xảy ra cả - thật giống hệt một người vừa bị ngất xỉu và rồi nhắm mắt lìa đời mà không lúc nào tỉnh lại.
Cửa sông hẹp lạ lùng. Mặt biển pha trộn mịt mờ với những đám mây đen chồng chất trên cao, chen lộn và lấn át cả dòng sông. Muốn nhìn thấy rõ mặt biển hơn, tôi phải đi bộ một quảng đường khá xa nữa trong khi gió từ đồng ruộng ào ào thổi về phía tôi. Gió đang hất mạnh trên khắp mặt biển mênh mông. Chính vì mặt biển mà trận gió đã lãng phí sức lực trên những thửa ruộng vắng người này. Và biển này là một vùng biển đầy hơi nước đã bao phủ cả miền đất lạnh lẽo lộng gió này. Một vùng biển hách dịch có sức chi phối mãnh liệt.
Ra khỏi cửa sông những đợt sóng đè lên nhau, hết đợt này đến đợt khác và để lộ dần dần cả cái mặt biển xám ngắt mênh mông. Một hòn đảo trông giống như một cái mũ dạ nổi bồng bềnh trên dòng sông. Đó là đảo Kammuri được dùng làm đất nương thân cho một loài chim hiếm được giữ gìn làm vật kỷ niệm của thiên nhiên gọi là omizunagi .
Tôi quyết định bước vào một thửa ruộng. Tôi nhìn xung quanh. Đây là một mảnh đất hoang lạnh. Vào lúc ấy trong óc tôi lóe lên một ý nghĩ mơ hồ. Nhưng tôi chưa kịp ý thức được thì nó đã biến mất và tôi cũng không nắm được ý nghĩa nữa. Tôi đứng đó một lúc, nhưng ngọn gió lạnh buốt thốc vào người tôi đã đánh tan hết mọi ý tưởng trong tôi. Tôi bắt đầu đi trong gió. Những thửa ruộng khô cằn cứng như đá tạo thành một miền đất hoang vu. Màu cỏ vàng úa; màu xanh duy nhất không úa vàng ấy là màu của những cây cỏ trông giống như rêu bám chặt vào mặt đất, và cả những cây cỏ này nữa cũng có một vẻ quắt queo, rập nát. Đất đã trộn lẫn với cát mất rồi.
Tôi nghe thấy một âm thanh đục cùn run rẩy. Rồi tôi nghe thấy tiếng người. Chính vào lúc này quay lưng lại luồng gió dữ dội và ngước mắt nhìn đỉnh Yuragateke ở sau lưng mà tôi nghe thấy tiếng này.
Tôi nhìn xem có ai quanh đó hay không. Một con đường nhỏ men theo các bờ đá thấy chạy xuống biển. Tôi biết người ta đang dần dần làm những công sự để che chở cho những vách đá ấy chống lại sức xâm thực. Những cột xi măng dựng lên khắp đó đây trông giống như những bộ xương người trắng hếu và có một cái gì vô cùng tươi mát quanh những cây cột xi măng mới cắm xuống đất ấy. Tiếng động run rẩy đục cùn phát ra từ cái máy trộn xi măng. Lắc nghiền cho xi măng rơi xuống cái khuôn. Một nhóm công nhân mặt mũi đỏ gay nhìn tôi một cách tò mò khi tôi đi qua trong bộ đồng phục sinh viên. Tôi liếc mắt nhìn về phía họ. Ấy, chúng tôi chỉ đưa mắt chào hỏi nhau như vậy mà thôi.
Cuồn cuộn theo hình nón, nước biển rút mạnh và mau ra khỏi bãii cát. Lúc bước qua bãi cát mang chất đá hoa cương đó về phía bờ nước, tôi thấy lòng mình tràn ngập niềm vui khi nghĩ rõ ràng là tôi đang tiến dần từng bước về phía cái ý nghĩa duy nhứt đã lóe sáng qua đầu óc tôi trong giây lát trước đây. Gió thổi lạnh buốt, và vì tôi không đeo găng nên hai bàn tay hầu như tê cóng nhưng vẫn chẳng làm tôi để ý đến mảy may.
Đúng, đích thực đây là bờ biển Nhật Bản! Đây là cội nguồn của tất cả mọi bất hạnh, đủ mọi tư tưởng hắc ám của tôi. Đó là mặt biển hoang dại. Sóng cuồn cuộn không ngừng dâng về phía trước thành từng khối lớn ít khi để cho mình có thể nhìn thấy những vực sâu xam xám, bằng phẳng nằm giữa đợt sóng này với đợt sóng kia. Những đám mây đen chồng chất trên mặt biển bao la, và đồng thời vừa cho thấy một dáng vẻ xinh xắn. Vì rằng những đám mây chồng chất nặng nề, mênh mang ấy có một đường viền nhẹ nhàng lạnh lẽo như đường viền chạy quanh cái lông vũ mảnh mai nhất nhưng ở chính giữa nó bao bọc một khoảng trời xanh xám mà mình không chắc là có thực hay không nữa. Phía sau mặt biển xám ngắt như chì dẫy núi tím sẫm nhô lên đằng mũi biển. Tất cả đều thấm đượm mùi dao động và bất động, với một sức mạnh tối tăm luôn luôn chuyển động, với cái cảm giác ngưng kết của khoáng vật.
Bất giác tôi nhớ lại điều Kashiwagi nói với tôi vào hôm hai đứa chúng tôi mới gặp lần đầu. Chính vào lúc khi người ta ngồi trên một bãi cỏ cắt tỉa cẩn thậtn vào một buổi chiều Xuân đẹp trời, mơ màng ngắm mặt trời rọi qua lá cây và tạo thành những hoa nắng trên mặt cỏ - chính vào những lúc như thế trong lòng chúng ta đột nhiên trỗi dậy cái ý tàn ác.
Bây giờ tôi đang đối đầu với sóng biển và ngọn gió bấc hoang lạnh. Ở đây không có buổi chiều Xuân đẹp đẽ, không có bãi cỏ cắt tỉa gọn gàng. Nhưng cái thiên nhiên hoang lạnh trước mắt tôi nay lại mơn trớn lòng tôi, xoắn xuýt thân mật với cuộc sống của tôi hơn bất cứ một bãi cỏ nào vào một buổi chiều Xuân. Ở đây tôi có thể tự túc. Ở đây tôi không bị bất cứ cái gì uy hiếp hết cả.
Có phải cái tưởng niệm lúc này đây xẩy đến trong tôi là một tưởng niệm tàn ngượ c theo nghĩa của Kashiwagi không? Tôi không rõ, nhưng dù sao đi nữa thì tưởng niệm đột nhiên trỗi dậy trong tôi cũng đã phát lộ cái ý nghĩ của điều khải thị đã từng lóe sáng thoáng qua óc tôi trước đây và chính nó đã làm cho tôi rực sáng từ bên trong. Tôi vẫn chưa cố gắng nghĩ cho sâu, song đã bị cái tưởng niệm ấy nằm trọn như thể bị ánh sáng tràn ngập. Tuy nhiên, tưởng niệm ấy cho đến lúc đó chưa bao giờ có trong tôi, đang bắt đầu lớn mạnh kinh khủng ngay khi mới chào đời. Chẳng những không hề khống chế, chính tôi lại còn bị cuốn tròn trong tưởng niệm ấy. Và đây là cái tưởng niệm đang bao trùm thân tôi: “Ta phải hỏa thiêu Kim Các Tự.”
Hết phần 7