CHƯƠNG 2
Tác giả: Agatha Christie
Bà Welman nằm cẩn thận trên những chiếc gối chồng. Hơi thở hơi nặng nề, nhưng bà không ngủ. Mắt bà vẫn còn sâu thẳm xanh xanh như mắt của cô cháu Elinor, ngước nhìn lên trần nhà. Bà có thân mình to lớn, nặng nề, với dáng nhìn nghiêng đẹp mạnh như diều hâu. Vẻ cao ngạo, cương quyết lộ rõ trên mặt.
Cặp mắt đó đưa thấp xuống rồi tới đặt trên khuôn mặt ngồi bên cửa sổ. Chúng dừng lại đó dịu dàng - gần như khao khát.
Cuối cùng bà nói:
- Này, Mary…
Cô gái ngoảnh mau lại:
- Ồ, bà đã thức, thưa bà Welman.
Bà Laura Welman nói.
- Phải, bà vừa mới tỉnh thôi.
- Thế mà cháu không biết. Lẽ ra cháu phải…
Bà Welman ngắt lời:
- Không sao đâu. Bà vừa nghĩ… nghĩ đến nhiều chuyện.
- Thế ư, thưa bà?
Cái nhìn thân ái, giọng nói quan tâm đem lại vẻ hiều dịu trên khuôn mặt bà già. Bà dịu dàng nói:
- Bà rất thương cháu, cháu ạ. Cháu rất tốt đối với bà.
- Ồ, thưa bà Welman, chính bà mới tốt đối với cháu chứ. Nếu bà không tốt thế, thì cháu không biết cháu phải làm gì. Bà đã làm cho cháu đủ mọi thứ.
- Bà không biết - bà không biết, chắc thế đấy - Bà già bệnh hoạn trăn trở không ngừng, tay phải quằn quại, tay trái cứng đờ không động đậy - Người ta muốn làm hết sức mình, nhưng khó mà biết được thế nào là tốt nhất - thế nào là phải. Bà đã luôn luôn quá tin chắc mình.
Mary Gerrard nói:
- Ồ, không đâu, cháu chắn chắn rằng bà lúc nào cũng biết nên làm gì đó cho tốt, cho phải.
Nhưng bà Laura Welman lắc đầu:
- Không… không thế đâu. Nó làm bà buồn phiền. Bà có một tội lỗi luôn ám ảnh, Mary ạ. Bà kiêu căng. Tính kiêu căng có thể là con ác quỉ. Nó mọc lau trong gia đình bà. Elinor cũng có tính đó.
Mary nói mau:
- Cô Elinor và cậu Rederick xuống đây, thực là tốt cho bà. Bà sẽ khuây khỏa nhiều. Đã khá lâu rồi cô cậu ấy không xuống đây.
Bà Welman nói khẽ.
- Chúng là đứa trẻ ngoan, rất ngoan. Cả hai đứa đều yêu mến bà. Bà luôn biết rằng chỉ cần gọi một cái là chúng đến liền, bất cứ lúc nào. Nhưng bà không muốn gọi đến chúng nhiều quá. Chúng trẻ trung, sung sướng, có cả thế giới ở trước mặt. Chẳng cần đem chúng đến gần cái cảnh suy tàn, đau khổ trước lúc.
Mary nói:
- Cháu chắc chắn rằng không bao giờ cô cậu ấy có cảm nghĩ như vậy đâu, thưa bà Welman.
Bà Welman tiếp tục nói, có lẽ nói với chính mình hơn là nói với cô gái:
- Bà luôn luôn mong mỏi chúng nó lấy nhau. Nhưng bà cố gắng không bao giờ gợi ý về chuyện đó. Bọn trẻ thường trái khuấy lắm. Nếu tỏ ý ra thì chúng sẽ lảng tránh. Cách đây đã lâu, khi chúng còn bé, bà có ý nghĩ rằng Elinor đã đặt tim mình vào Roddy. Nhưng bà chẳng chắc chút nào về y cả. Y có vẻ ngồ ngộ làm sao ấy. Henry là con người như vậy - rất dè dặt và cả ưa chóng chán… Đúng thế, Henty thì…
Bà im lặng một lát, nghĩ đến người chồng đã khuất.
Bà thì thầm nói:
- Cách đây lâu rồi, lâu lắm rồi… Chúng ta mới cưới nhau được năm năm thì ông ta chết. Hai lần viêm phổi… Chúng ta hạnh phúc - đúng thế, rất hạnh phúc; nhưng cái hạnh phúc ấy có vẻ dường như không thực. Ta là một đứa con gái kỳ quặc, nghiêm nghị, tối tăm. Đầu óc dày đặc những lý tưởng và sùng bái anh hùng. Không thực tại.
Mary thì thầm nói:
- Sau đó chắc hẳn bà rất cô đơn.
- Sau cái gì? Ồ, phải rồi - cô đơn khủng khiếp. Hồi đó ta hai mươi sáu - còn bây giờ thì ngoài sáu chục. Một thời gian dài, cháu ạ - một thời gian dài, rất dài. - Bà bỗng chua chát, gay gắt - Và bây giờ thì thế này đây. Phải rồi. Ta sợ nhất là khi bệnh lên cơn. Thực là nhục nhã Người ta rửa ráy, chăm sóc mình như là đứa con nít. Chẳng tự làm lấy cho mình được cái gì hết. Điều đó làm ta đến phát điên lên. Cô O’Brien tính tình rất tốt - ta phải nhận là thế. Ta có bẳn gắt với cô, cô cũng chẳng để tâm; cô ta chẳng ngây ngốc, khờ dại hơn phần đông bọn họ. Thế nhưng vẫn khác rất nhiều với khi có cháu ở bên, cháu Mary ạ.
- Thế ư bà? - Cô gái mặt ửng hồng lên - Cháu, cháu rất lấy làm sung sướng, thưa bà Welman.
Bà Laura Welman sâu sắc nói:
- Cháu băn khoăn lắm phải không? Về tương lai ấy. Cháu cứ để đó cho bà liệu, cháu ạ. Bà sẽ tính sao cho cháu có phương tiện tự lập, có nghề nghiệp đàng hoàng. Nhưng cháu hãy kiên nhẫn một chút - bà rất cần có cháu ở đây.
- Ồ, thưa bà Welman, lẽ dĩ nhiên như thế rồi. Cháu sẽ chẳng khi nào rời xa bà cả. Chẳng khi nào, nếu bà cần cháu.
- Bà rất cần cháu - Giọng nói thâm trầm, chứa chan tình cảm - Cháu, cháu thật giống như là con gái của bà, Mary ạ. Bà đã thấy cháu lớn lên ở đây, ở Hunterbury này, từ khi còn bé bỏng chập chững - đã thấy cháu trở nên cô gái xinh đẹp, bà rất hãnh diện vì cháu. Bà chỉ mong sao làm được gì tốt đẹp nhất cho cháu.
Mary nói mau:
- Nếu bà cho rằng bà đã tốt với cháu, đã giáo dục cháu vượt trên địa vị của cháu, nếu bà nghĩ rằng việc đó không làm cháu vừa lòng hay - hay đã đem đến cho cháu những ý tưởng mà bố cháu bảo là đài các tiểu thư, thì thực không đúng thế đâu. Cháu rất biết ơn bà. Nếu cháu có lo lắng bắt đầu kiếm kế sinh sống, thì chỉ bởi vì cháu cảm thấy rằng đúng là cháu không cần làm gì, sau tất cả những gì bà đã làm cho cháu. Cháu, cháu không thích bị người ta nghĩ rằng ăn bám bà.
Bà Welman giọng bỗng gay gắt.
- Thế ra lão Gerrard đã nhét vào đầu cháu cái ý nghĩ ấy à? Mary ạ, cháu chẳng nên để ý tới bố cháu; không bao giờ và sẽ không bao giờ có chuyện là cháu ăn bám bà cả. Bà sở dĩ yêu cầu cháu ở đây một thời gian nữa, thì đó chỉ là vì bà mà thôi. Chẳng còn bao lâu nữa sẽ qua hết… Nếu cứ để mặc cho tự nhiên, thì đời bà có thể chấm dứt tại đây, bây giờ - chẳng còn phải kéo dài mãi những cái lẩn thẩn, vớ vẩn này với bọn điều dưỡng, bác sĩ.
- Ồ, không đâu, thưa bà Welman, bác sĩ Lord bảo rằng bà còn có thể sống được nhiều năm nữa.
- Cám ơn cháu, bà chẳng lo lắng gì về chuyện đó đâu. Hôm trước bà nói với ông ta rằng phải chi mình ở trong một tình trạng văn minh tử tế, thì bà chỉ cần bảo nhỏ với ông rằng bà mong muốn chấm dứt cuộc đời, thế là ông ta đã kết thúc cho bà một cách không đau đớn bằng một thứ thuốc hay hay nào đó.Bà bảo: “Bác sĩ ạ, nếu ông có can đảm thì ông sẽ làm như vậy”.
Mary nói:
- Ồ, thế ông ta nói gì?
- Cháu ạ, cái chàng trẻ bất kính đó chỉ cười nhăn nhở, bảo rằng anh ta chẳng dại gì mà liều lĩnh để bị treo cổ. Anh ta nói: “Thưa bà Welman, nếu bà để lại cho tôi tất cả tiền của, thì lại khác, cố nhiên rồi!” Cái anh chàng lì lợm, nhưng bà thích anh ta. Những lần anh ta đến thăm còn tốt cho bà hơn là thuốc của anh ta.
- Đúng thế, ông ta rất tử tế - Mary nói - Cô O’Brien để ý đến ông ta rất nhiều, cả bà Hopkins cũng thế.
Bà Welman nói:
- Ở tuổi bà ta, bà Hopkins cần phải hiểu biết hơn mới phải. Còn cái cô O’Brien kia thì mỗi khi chàng ta đến gần là lại cười điệu nói: “Ồ, bác sĩ” rồi hất tung giải mũ lên.
- Cô O’Brien cũng đáng thương.
Bà Welman khoan dung nói:
- Thực ra cô ta không phải là hạng người xấu xa, thế nhưng bọn điều dưỡng thì đứa nào cũng làm cho bà bực mình; họ luôn luôn tưởng rằng mình thích “một ly trà ngon” vào lúc năm giờ sáng…
Bà ngừng lại rồi nói:
- Cái gì thế? Có phải xe không?
Mary trông ra ngoài cửa sổ:
- Đúng rồi, xe tới. Cô Elinor và cậu Roderick đã tới.
* * *
Bà Welman nói với cháu gái:
- Elinor, cô rất vui về cháu và Roddy.
Elinor mỉm cười:
- Cháu nghĩ cô hẳn phải vui, cô Laura.
Sau một lát ngập ngừng bà nói:
- Cháu quan tâm đến nó lắm phải không, Elinor?
Elinor ngước cặp lông mày thon lên, nói:
- Hẳn thế rồi, thưa cô.
Bà Laura Welman nói mau:
- Cháu thứ lỗi cho cô nhé, cháu. Cháu biết đấy, cháu dè dặt giữ gìn quá. Khó mà biết được cháu cảm nghĩ gì. Lúc hai cháu đều còn nhỏ, cô nghĩ rằng có lẽ cháu đã bắt đầu để ý đến Roddy - để ý quá nhiều.
Cặp lông mày thon của Elinor lại giương lên:
- Quá nhiều ư, thưa cô?
Bà già gật đầu.
- Đúng thế. Để ý nhiều quá thì chẳng phải là khôn ngoan đâu. Thỉnh thoảng bọn gái trẻ thường như vậy… Cô rất vui khi cháu ra nước ngoài, sang Đức để mà chấm dứt. Thế rồi, khi cháu trở về, cháu hình như hoàn toàn thờ ơ đối với nó - thì cô cũng lại chẳng thấy buồn về điều này. Cô là một bà già trái tính trái nết, khó làm vừa lòng. Nhưng lúc nào cô cũng cho rằng cháu có bản tính nồng nhiệt sôi nổi quá - cái tính khí ấy mọc tràn trong gia đình ta. Thực chẳng sung sướng gì lắm cho người có cái tính đó đâu… Nhưng khi cháu từ ngoại quốc trở về, cháu quá hững hờ đối với Roddy, thì cô lại buồn về điều này, vì cô luôn luôn mong mỏi hai cháu sẽ đến với nhau. Bây giờ các cháu như thế này, thế là mọi sự đều ổn cả. Cô hỏi nhé, có thật là cháu quan tâm đến nó không?
Elinor nghiêm trang nói:
- Cháu quan tâm đến Roddy vừa đủ thôi, chớ không quá nhiều.
Bà Welman gật đầu tán thành:
- Thế thì, cô nghĩ cháu sẽ hạnh phúc. Roddy cần tình yêu - nhưng nó không ưa cảm xúc mãnh liệt. Nó sẽ hổ thẹn vì bị khư khư giữ làm của riêng.
Elinor cảm động nói:
- Cô biết Roddy rõ lắm.
Bà Welman nói:
- Nếu Roddy quan tâm đến cháu chỉ hơn cháu đối với nó chút xíu thôi, thì đã là tốt lắm rồi.
Elinor nói lanh lảnh.
- Trên mục “Lời khuyên của cô Agatha” có câu rằng: “Cứ để cho bạn trai phỏng đoán. Chớ để chàng quá chắc về mình ”.
Bà Welman nói lanh lảnh:
- Cháu có khổ không cháu? Có gì không ổn không?
- Không, không, không có gì cả.
Bà Welman nói:
- Cháu nghĩ là cô hời hợt lắm, phải không? Cháu ạ, cháu còn trẻ, lại nhạy cảm. Cô e rằng cuộc đời hời hợt, phù phiếm lắm.
Elinor nói hơi chua chát:
- Cháu cũng cho là thế.
Bà Welman nói:
- Cháu khổ lắm sao? Có chuyện gì nào?
- Không, không có gì cả - Nàng đứng lên, đi về phía cửa sổ. Rồi hơi ngoảnh lại nói - Thưa cô Laura, xin cô nói cho cháu biết thực là cô có nghĩ tình yêu là một điều hạnh phúc không?
Mặt bà Welman trở nên trang nghiêm:
- Elinor, theo cái nghĩa mà cháu muốn nói, thì không đâu, có lẽ không đâu. Say mê một kẻ khác thường đem lại nhiều buồn khổ hơn là vui sướng; thế nhưng, Elinorạ, nếu không trải qua thì không thấy đâu. Ai mà chưa hề thực sự yêu thì chưa bao giờ thực sự sống.
Cô gái gật đầu nói:
- Đúng thế, cô đã từng biết cái đó nó như thế nào rồi.
Nàng chợt quay lại đưa mắt dò hỏi:
- Thưa cô Laura…
Cửa mở ra, cô điều dưỡng O’Brien tóc đỏ bước vào, vui vẻ nói:
- Thưa bà Welman, có bác sĩ đến thăm.
Bác sĩ Lord là một chàng trai trạc 32 tuổi, mái tóc hung hung, mặt tươi tắn đầy tàn nhang, hàm vuông đặc biệt, mắt xanh nhạt sắc sảo.
- Chào bà Welman - chàng nói.
- Chào bác sĩ Lord. Xin giới thiệu đây là cháu gái tôi, Carlisle.
Một vẻ hâm mộ hiện rõ trên khuôn mặt thanh khiết của bác sĩ Lord. Chàng nói:
- Chào cô.
Bàn tay Elinorgiơ ra, chàng nắm lấy rụt rè tưởng chừng như có thể làm bàn tay tan vỡ.
Bà Welman nói tiếp:
- Elinor và thằng cháu tôi đã tới để cho tôi được khuây khỏa.
- Thực tuyệt vời - bác sĩ Lord nói - Bà đang cần thế. Thưa bà Welman, tôi chắc chắn rằng việc này sẽ rất tốt cho bà.
Chàng vẫn nhìn Elinor với vẻ hâm mộ lộ rõ.
Elinor tiến ra cửa nói:
- Thưa bác sĩ Lord, có lẽ tôi sẽ gặp ông trước khi ông đi.
- Ồ, vâng, thưa vâng ạ.
Nàng khép cửa lại, đi ra.
* * *
Bác sĩ Lord bước đến giưởng; cô O’Brien ở đằng sau chàng, có vẻ xốn xang, xao xuyến.
Bà Welman nháy mắt nói:
- Bây giờ lại phải chịu đựng bao nhiêu cái mánh lới thường lệ: nhịp mạch, hơi thở, nhiệt độ, phải thế không, bác sĩ? Bác sĩ các ông chúa là hay bịp.
Cô O’Brien thở dài nói:
- Ồ, bà Welman. Ai lại nói thế với bác sĩ chứ!
Bác sĩ Lord nhăn mặt nói:
- Bà Welman thấy rõ cả tim gan tôi, cô điều dưỡng ạ. Dù sao, thưa bà Welman, tôi cũng cứ phải làm cái trò lẩm cẩm này. Phiền một nỗi là tôi chưa hề học được cách chăm sóc người bệnh thế nào cho phải.
- Cái cách của ông như vậy là được lắm rồi. Đúng là ông phải tự hào.
Sau mấy câu hỏi đáp theo thông lệ, bác sĩ Lord ngồi xuống ghế, mỉm cười nói với người bệnh.
- Được lắm, bà khá lắm rồi.
Bà Welman nói:
- Thế thì trong vài tuần nữa, tôi có thể dậy đi quanh nhà được không?
- Chưa được, chưa mau thế được.
- Thực thế à? Ông xạo lắm! Cứ nằm ườn như thế này, cho người ta chăm sóc như đứa trẻ nít, thì sống có tốt đẹp gì?
Bác sĩ Lord nói:
- Thế nào là cái tốt đẹp của cuộc đời? Đó là câu hỏi thực. Bà có đọc về một thứ phát minh thú vị của thời trung cổ, về cái lồng có tên là “Thoải mái đôi chút ” không? Trong cái lồng ấy, người ta không thể nào đứng, ngồi hay nằm. Chắc bà nghĩ rằng bất cứ ai bị giam hãm trong đó chỉ vài tuần thôi, tất sẽ phải chết. Không đúng thế đâu. Một người sống mười sáu năm trường trong cái lồng sắt đó, được thả ra rồi, vẫn còn sống rất khỏe mạnh đến lúc già.
Bà Welman nói:
- Câu chuyện ấy muốn nói gì thế?
Peter Lord nói:
- Muốn nói rằng người ta có bản năng sinh sống. Người ta không sống bởi vì lý trí mình ưng thuận sống. Kẻ nào nói “thà chết thì hơn”, họ không muốn chết đâu! Có những người xem ra có đủ mọi cái để vì đó mà sống, thế mà lại chán chường cuộc sống, chẳng qua vì họ không có nghị lực phấn đấu đó thôi.
- Ông cứ nói tiếp đi.
- Không có gì thêm nữa. Bà là một trong số những người thực sự muốn sống, dù cho bà có nói gì chăng nữa. Và nếu thể xác bà muốn sống, mà đầu óc bà lại gạt phắt cái trò lẩm cẩm kia đi, thì chẳng hay gì.
Bà Welman chợt nói sang chuyện khác:
- Ông có thích ở đây không?
Peter Lord mỉm cười nói:
- Đây hợp với tôi lắm.
- Trẻ tuổi như ông, có thấy ở đây chán ngắt không? Ông muốn theo chuyên khoa không? Làm bác sĩ đa khoa ở miền quê, có tẻ nhạt lắm không?
Lord lúc lắc mái đầu hung hung.
- Không, tôi thích việc tôi đang làm. Bà biết đấy, tôi thích người bình dân, tôi thích những bệnh tật thông thường hàng ngày. Tôi thật sự không muốn ghim bắt cái con vi khuẩn hiếm thấy của một chứng bệnh bí hiểm. Tôi thích bệnh sởi, bệnh thủy đậu và tất cả những bệnh như vậy. Tôi thích xem xét các cơ thể khác nhau có phản ứng đối với chúng như thế nào. Tôi thích xem xét mình có thể cải thiện cách điều trị đã được thừa nhận hay không. Cái phiền một điều là tôi không có chút tham vọng nào cả. Tôi sẽ ở đây cho đến khi râu mọc dài và người ta bắt đầu nói: “Hẳn thế rồi, chúng ta vẫn có bác sĩ Lord, ông già ấy tử tế lắm; thế nhưng cách chữa của ông ta lạc hậu lắm rồi, có lẽ chúng ta nên mời cái ông trẻ tuổi kia, ông ta mới hiện đại”.
- Hừm - bà Welman nói - Ông nói cứ như là mở máy ghi âm vậy.
Peter Lord đứng dậy nói:
- Thôi, tôi phải đi đây.
Bà Welman nói:
- Cháu gái tôi muốn được nói với ông. Tiện đây xin hỏi ông, ông nghĩ về cháu tôi ra sao? Trước đây ông chưa hề gặp nó.
Bác sĩ Lord chợt bừng đỏ mặt, cả đến lông mày cũng ửng hồng lên.
- Tôi ư… Ồ! Cô cháu bà xinh đẹp lắm, mà… mà lại thông minh nữa.
Bà Welman nghĩ sang chuyện khác. Bà nghĩ thầm. “Ông ta còn trẻ trung, thực thế”. Rồi lớn tiếng nói.
- Ông cần phải cưới vợ mới được.