CHƯƠNG 22
Tác giả: Agatha Christie
Đây là một ngày khác. Ngài Edwin Bulmer đứng lên thẩm vấn. Hôm nay ông chẳng còn chút nào dịu dàng, hòa nhã. Ông gay gắt nói:
- Chúng ta đã nghe nói nhiều về cái cặp da. Ngày 28 tháng Sáu, nó được đặt suốt đêm trong gian phòng đợi chính của Hunterbury, phải không?
Bà Hopkins đồng ý:
- Thưa phải.
- Đó là một sự bất cẩn, phải thế không?
Bà Hopkins bừng đỏ mặt:
- Thưa phải, tôi cho là thế.
- Bà có thói quen để thuốc men nguy hiểm ở chỗ mà bất cứ ai cũng có thể lấy được, phải không?
- Thưa không, cố nhiên là không rồi.
- Ồ! Bà không vậy sao? Nhưng trong dịp này bà đã làm thế.
- Dạ.
- Sự thực là, bất cứ ai trong khu nhà đều có thể lấy được thuốc morphine đó nếu họ muốn, phải thế không?
- Tôi cho là thế.
- Không phải cho là thế đâu. Mà đúng thế, phải thế không?
- Dạ, thưa phải.
- Không phải chỉ mình cô Carlisle có thể có được thuốc đó? Bất kỳ tên gia nhân nào cũng có thể có được? Hoặc là bác sĩ Lord? Hoặc là ông Roderick Welman? Hoặc là cô O’Brien? Hoặc là chính Mary Gerrard, phải thế không?
- Tôi cho là thế - đúng thế.
- Đúng là thế, phải thế không?
- Thưa đúng.
- Còn có ai khác biết bà có thuốc morphine trong cặp ấy không?
- Tôi không biết.
- Thế bà có nói về thuốc đó với ai không?
- Thưa không.
- Như vậy thì, thực sự là, cô Carlisle đã không thể biết rằng có thuốc morphine trong đó, phải thế không?
- Có thể là cô ta đã nhìn mà thấy.
- Hình như không phải là thế, phải không?
- Tôi không biết, tôi chắc thế.
- Có những người khác có lẽ biết về thuốc morphine đó hơn là cô Carlisle. Bác sĩ Lord, chẳng hạn. Có lẽ ông ta biết. Bà đã dùng thuốc morphine này theo lệnh của ông ta, phải không?
- Thưa, cố nhiên rồi.
- Mary Gerrard cũng biết bà có thuốc này ở đó chứ?
- Thưa không, cô ta không biết.
- Cô ta thường đến nhà bà, phải không?
- Thưa, không thường lắm.
- Tôi nghĩ rằng cô ta rất thường đến nhà bà, trong tất cả mọi người ở khu nhà có lẽ chỉ có cô ta phỏng đoán là có thuốc morphine trong cặp của bà.
- Tôi không đồng ý.
Ngài Edwin ngừng lại một phút.
- Buổi sáng hôm đó, bà đã nói với cô O’Brien là thuốc morphine bị mất, phải không?
- Không, tôi không nói thế.
- Bà đã không nói là bà đã để morphine trên thành lò sưởi ở nhà sao?
- Thưa, khi tôi không kiếm thấy nó, tôi nghĩ rằng chắc hẳn là như thế.
- Thực sự là, bà thực không biết bà đã làm gì với thuốc đó.
- Không phải thế, tôi đã để nó trong cái cặp.
- Thế thì tại sao sáng hôm 29 tháng Sáu bà lại nói bà đã để nó ở nhà?
- Vì tôi nghĩ là có thể tôi đã để nó ở nhà.
- Tôi có thể nói rằng bà là một người rất cẩu thả.
- Thưa, không đúng thế.
- Thỉnh thoảng bà có những lời khai không đúng, phải thế không?
- Thưa, không phải thế. Tôi rất thận trọng về lời tôi nói ra.
- Ngày 27 tháng bảy - cái ngày Mary chết - có phải bà có nhận định về một vết châm do cây hoa hồng không?
- Tôi không thấy điều này có dính dáng gì tới vụ đó.
Quan tòa nói:
- Câu hỏi này có thích hợp không, thưa ngài Edwin?
- Thưa ngài có, đây là một phần chính yếu của bên biện hộ. Tôi có ý định kêu các nhân chứng ra để chứng tỏ lời khai ấy là dối trá.
Ngài Edwin nói tiếp:
- Bà vẫn còn nói rằng ngày 27 tháng Bảy bà bị gai đâm ở cổ tay do cây hoa hồng, phải không.
- Thưa phải - Bà Hopkins có vẻ thách thức.
- Bà bị gai đâm vào lúc nào?
- Ngay trước khi rời nhà săn, đi lên khu nhà, vào sáng ngày 27 tháng bảy.
Ngài Edwin ngờ vực nói:
- Thế đó là cây hồng gì?
- Một cây hồng leo ở ngay bên ngoài nhà săn, có những bông màu hồng.
- Bà chắc thế chứ?
- Tôi hoàn toàn chắc thế.
Ngài Edwin ngừng lại rồi hỏi.
- Bà nhất định nói rằng thuốc morphine để trong cặp lúc bà đến Hunterbury vào ngày 28 tháng sáu, phải không?
- Thưa phải. Tôi mang cặp đó theo mình.
- Giả sử lúc này đây cô điều dưỡng O’Brien vào ghế tòa này mà tuyên thệ rằng bà đã nói là có lẽ bà đã để thuốc đó ở nhà, thì sao?
- Thuốc đó để trong cặp của tôi, tôi chắc chắn như vậy.
Ngài Edwin thở dài:
- Bà đã không cảm thấy băn khoăn chút nào về sự biến mất thuốc morphine đó sao?
- Thưa không - băn khoăn ư - không.
- Ồ, thế ra bà đã hoàn toàn thanh thản, cho dẫu sự thực là, một lượng lớn thuốc nguy hiểm đã biến mất?
- Lúc ấy tôi không nghĩ là có ai đã lấy nó.
- Tôi hiểu rồi. Lúc ấy bà đã không nhớ nổi là bà đã làm gì với nó, phải không?
- Thưa, không phải thế. Nó để ở trong cặp.
- Hai chục viên thuốc nửa gren, tức là mười gren morphine. Đủ để giết chết nhiều người, phải thế không?
- Thưa phải.
- Thế mà bà đã không băn khoăn, bà cũng chẳng chính thức tường trình việc mất đó nửa.
- Tôi nghĩ thế là được rồi.
- Tôi xin nói rằng nếu thuốc morphine đã thực sự biến mất theo cách đó, thì bà, là một người có lương tâm, lẽ ra có bổn phận phải tường trình một cách chính thức chứ?
Bà Hopkins mặt đỏ gay nói:
- Thưa, tôi đã không làm thế.
- Đó chắc chắn là một sự bất cẩn tội ác về phần bà. Hình như không giữ trách nhiệm được nghiêm chỉnh lắm. Bà có thường hay để thất lạc các thứ thuốc men nguy hiểm này không?
- Việc này trước nay chưa hề bao giờ xảy ra cả.
Lời hỏi đáp còn tiếp tục trong mấy phút. Bà Hopkins, ửng hồng, bừng đỏ mặt, khai mâu thuẫn - đó là miếng mồi ngon cho cái tài của ngài Edwin.
- Có phải sự thực là ngày thứ ba, mồng 6 tháng bảy, cô gái đã chết kia, cô Mary Gerrard, đã làm di chúc không?
- Thưa, cô ta đã làm.
- Tại sao cô ta lại làm thế?
- Vì cô ta nghĩ làm thế là phải. Và quả đúng như vậy.
- Bà có chắc không phải là vì cô ta phiền muộn và không tin tưởng vào tương lai không?
- Thực là vô lý.
- Tuy nhiên, điều đó cho biết rằng cái ý nghĩ về sự chết đã xuất hiện trong trí cô ta - cô ta đã suy ngẫm về vấn đề ấy.
- Không phải thế. Cô ta chỉ nghĩ là làm thế là phải.
- Đây có phải là tờ di chúc đó không? Do Mary Gerrard ký tên, có các người làm chứng là Emily Biggs và Roger Wade, đều là thợ phu là mứt kẹo; khi chết để lại tất cả cho Mary Riley, em gái của Eliza Riley?
- Thưa, đúng thế.
Tờ di chúc được đưa đến bồi thẩm đoàn.
- Theo bà biết thì Mary Gerrard có của cải gì để lại không?
- Lúc đó thì không, cô ta không có gì.
- Nhưng chẳng bao lâu nữa cô ta sẽ có, phải không?
- Thưa phải.
- Có phải thực sự là một số tiền đáng kể - hai ngàn đồng bảng Anh - cô Carlisle đã cấp cho Mary không?
- Thưa phải.
- Không có gì bó buộc cô Carlisle phải làm như thế chứ? Có phải hoàn toàn là do một lúc nổi lòng hào hiệp của cô ta không?
- Cô ta làm thế là do tự ý muốn làm, thưa đúng thế.
- Nhưng chắc chắn là, nếu cô ta thù ghét Mary Gerrard - như người ta cho là thế - thì không đời nào lại cấp cho một số tiền lớn như vậy.
- Thưa, có thể là thế.
- Bà trả lời thế, là có ý nói gì?
- Tôi chẳng có ý nói gì cả.
- Đúng thế. À, bà có nghe thấy quanh vùng này người ta xì xào bàn tán gì về Mary Gerrard và ông Roderick Welman không?
- Ông ta phải lòng cô ta.
- Bà có chứng cứ về chuyện đó không?
- Tôi chỉ biết chuyện đó, thế thôi.
- Ồ, bà “chỉ biết chuyện đó thôi”. Điều đó chẳng làm cho bồi thẩm đoàn tin được lắm đâu, tôi e là thế. Có một dịp bà đã nói rằng Mary Gerrard sẽ chẳng có gì liên hệ với ông ta vì ông ta đã đính hôn với cô Elinor, cô ta cũng đã nói như vậy với ông ta ở London, phải phải thế?
- Cô ta đã nói với tôi thế.
Ngài Samuel Attenbury lại thẩm vấn:
- Khi Mary Gerrard đang thảo luận với bà về cách viết di chúc, thì bị cáo từ ngoài cửa sổ nhìn vào, có phải thế không?
- Thưa phải, cô ta đã nhìn vào.
- Lúc ấy cô ta nói gì?
- Cô ta nói “Thế ra em đang làm di chúc đấy à, Mary. Thực là nực cười”. Rồi cô ta phá lên cười. Cười ha hả, ha hả. - Nhân chứng tai ác nói - Theo ý tôi thì chính vào lúc đó cái ý nghĩ ấy đã vào trong đầu cô ta. Cái ý nghĩ trừ khử cô bé kia. Ngay phút đó trong lòng cô ta đã định sát nhân rồi.
Quan tòa gay gắt nói:
- Bà hãy tự hạn chế, chỉ trả lời những câu được hỏi. Phần sau của câu trả lời vừa rồi phải bị xóa bỏ.
Elinor nghĩ “Kỳ quặc thay. Khi người ta nói cái gì thực, thì họ bị xóa bỏ”. Nàng muốn cười to lên cuồng loạn.
* * *
Cô điều dưỡng O’Brien ngồi vào ghế nhân chứng.
- Sáng ngày 29 tháng sáu, bà điều dưỡng Hopkins có kể lại với cô, phải không?
- Thưa phải. Chị ta nói chị đã thấy mất ống thuốc morphine hydrochloride để trong cái cặp.
- Thế cô đã làm gì?
- Tôi giúp chị ta lục tìm nó.
- Nhưng cô không kiếm thấy nó, phải không?
- Thưa, không kiếm thấy.
- Theo cô biết, thì cái cặp đó để suốt đêm trong phòng đợi, phải không?
- Thưa phải.
- Ông Welman và bị cáo cả hai người đều ở trong khu nhà vào lúc bà Welamn chết - tức là vào ngày 28 đến 29 tháng sáu, phải không?
- Thưa phải.
- Xin cô cho tôi biết về một việc xảy ra vào ngày 29 tháng sáu - cái ngày sau khi bà Welman chết?
- Tôi đã trông thấy ông Roderick Welman cùng với Mary Gerrard. Ông ta đang nói với cô ta là ông yêu cô, rồi ông ta cố hôn cô ta.
- Có phải lúc ấy ông ta đã đính hôn với bị cáo rồi không?
- Thưa phải.
- Sau đó thì việc gì xảy ra?
- Mary bảo ông ta là ông ta phải hổ thẹn mới phải, vì ông đã đính hôn với cô Elinor.
- Theo ý cô, tình cảm của bị cáo đối với Mary Gerrard như thế nào?
- Cô ta thù ghét cô bé kia. Cô ta thường nhìn theo cô bé như thể là cô ta muốn hủy hoại nó.
Ngài Edwin nhảy chồm lên.
Elinor nghĩ “Tại sao họ lại cãi lộn nhau về chuyện đó nhỉ? Có quan hệ gì đâu?”
Ngài Edwin Bulmer thẩm vấn:
- Có phải sự thực là bà điều dưỡng Hopkins đã nói rằng bà ta đã để thuốc morphine ở nhà, phải thế không?
- Thưa, bà ta có nói thế.
- Lúc ấy bà ta thực sự không băn khoăn gì về chuyện đó sao?
- Thưa không, lúc đó thì không.
- Vì bà ta nghĩ bà ta để thuốc đó ở nhà, nên lẽ dĩ nhiên là bà ta không băn khoăn.
- Bà ta không tưởng tượng được là có ai lấy thuốc đó.
- Đúng thế. Chỉ đến khi Mary Gerrard chết vì morphine rồi thì trí tưởng tượng của bà ta mới hoạt động.
Quan tòa ngắt lời:
- Thưa ngài Edwin, tôi nghĩ rằng ngài đã hỏi hết về điểm này với nhân chứng trước rồi.
- Xin vâng lệnh ngài.
- Đối với thái độ của bị cáo đối với Mary Gerrard, thì giữa hai người đó không có lúc nào cãi cọ, phải thế không?
- Thưa, không có cãi cọ.
- Cô Carlisle lúc nào cũng rất vui vẻ đối với cô gái kia, phải không?
- Thưa phải. Đó là cái điều cô ta nhìn cô bé.
- Phải rồi - phải rồi - phải rồi. Nhưng chúng ta không thể nào cứ tiếp tục nói về những chuyện như thế. Cô là người Ái-nhĩ-lan, phải không, tôi nghĩ thế?
- Thưa phải, tôi là thế đó.
- Người Ái-nhĩ-lan có trí tưởng tượng khá linh hoạt, phải thế không?
Cô O’Brien sôi nổi nói to:
- Mỗi một lời tôi đã nói với ngài đều là sự thực.
* * *
Ông chủ tiệm tạp hóa Abbott ngồi vào ghế nhân chứng. Có vẻ bối rối - không tin chắc mình (tuy nhiên, hơi hồi hộp vì cảm thấy mình quan trọng). Lời khai nhân chứng của ông rất ngắn. Chỉ là việc mua hai hủ bột cá nhồi. Bị cáo đã nói rằng, “Có nhiều vụ đầu độc bằng thức ăn với bột cá nhồi”. Cô ta có vẻ bị kích động và kỳ quặc lắm.
Không có thẩm vấn.