CHƯƠNG 7
Tác giả: Agatha Christie
Sáng thứ ba, ngày 27 tháng Bảy, Elinor Carlisle bước ra ngoài lữ quán King’s Arms, dừng lại một lát, nhìn lượt con đường phố chính của Maidensford. Bỗng nàng mừng rỡ kêu lên, rồi băng qua đường.
Chẳng thể nào lầm được cái hình dáng bệ vệ, đồ sộ đó, cái dáng đi thanh thản đó, giống như một con thuyền buồm lộng gió.
- Bà Bishop!
- À, ra là cô Elinor! Thật bất ngờ quá. Tôi không nghĩ là cô đang ở đây. Nếu tôi biết là cô đến Hunterbury, thì tôi đã ở đó. Ai làm cho cô ở đó thế? Cô có đem theo ai từ London xuống không?
Elinor lắc đầu nói.
- Tôi không ở nhà đó, tôi ở King’s Arms.
Bà Bishop nhìn qua đường, rồi khịt khịt mũi nghi ngờ:
- Ở đó được lắm, tôi nghe nói thế - bà thừa nhận. Sạch sẽ lắm, tôi biết. Còn về nấu ăn thì người ta nói cũng khá, nhưng khó lòng mà cô quen được, cô Elinor ạ.
Elinor mỉm cười nói:
- Tôi thực rất thoải mái dễ chịu. Mà chỉ ở có một hay hai ngày thôi mà. Tôi phải dọn đồ ra khỏi nhà ấy. Tất cả các vật riêng của cô tôi, lại còn một vài thứ gia dụng mà tôi muốn có ở London.
- Vậy ra cô bán nhà thực sao?
- Đúng thế. Bán cho thiếu tá Somervell. Ông dân biểu mới của chúng ta ấy mà. Bà biết đấy. Ngài George Kerr mất đi, thì đã có cuộc bầu cử phụ.
- Bầu cử ứng viên duy nhất - bà Bishop trang trọng nói. Vùng Maidensford chúng ta bao giờ cũng chỉ có dân biểu thuộc Đảng bảo thủ thôi.
Elinor nói:
- Tôi rất mừng có được người mua khu nhà mà thật sự muốn ở đó. Tôi chắc sẽ rất tiếc nếu nhà đó bị biến thành khách sạn hay xây cất thêm.
Bà Bishop nhắm mắt lại, cả cái thân hình phì nộn, quý phái rung lên.
- Vâng, thực tế, nếu như thế thì quả là khủng khiếp - khủng khiếp quá. Cứ nghĩ đến Hunterbury mà vào tay người lạ, thì cũng đủ tệ hại rồi.
Elinor nói.
- Đúng thế đấy, nhưng khu nhà này quá lớn đối với tôi, tôi sống có một mình.
Bà Bishop khịt mũi.
Elinor nói mau:
- Tôi định hỏi bà xem có một thứ đồ gì mà bà đặc biệt quan tâm đến không? Nếu có thì tôi rất vui lòng biếu bà.
Bà Bishop mặt rạng rỡ, nói một cách thanh lịch:
- Thế à, cô Elinor, cô thực rất ân cần chu đáo - thực quá tốt bụng. Nếu không phải là quá đáng thì…
Bà ngưng lại. Elinor nói:
- Ồ, không đâu.
- Tôi thường rất thích cái bàn viết ở trong phòng khách. Nó thực là bảnh.
Elinor nhớ lại cái bàn viết này, một cái bàn khảm sặc sỡ. Nàng nói mau.
- Cố nhiên là bà sẽ có nó, bà Bishop ạ. Còn cái gì nữa không?
- Thưa không ạ, cô Elinor. Như thế này là cô đã quá rộng rãi rồi.
Elinor nói.
- Còn mấy cái ghế cùng kiểu với bàn viết ấy, bà có thích không?
Bà Bishop nhận ghế với mấy lời cám ơn hợp cách. Bà nói giải bày:
- Lúc này tôi ở với em gái tôi. Có điều gì tôi có thể làm được cho cô ở nhà đó không, cô Elinor? Tôi sẽ lên đó với cô, nếu cô muốn.
- Không, cám ơn bà.
Elinor nói nhanh, hơi cộc lốc.
Bà Bishop nói.
- Không có chi phiền nhiễu cả, mà là một thú vui. Tôi quả quyết với cô như thế. Thu dọn đồ vật của bà Welman kính mến thì thực là một phận sự buồn rầu.
Elinor nói.
- Cám ơn bà Bishop, nhưng tôi muốn giải quyết việc đó một mình. Có những việc làm một mình lại hơn…
Bà Bishop nói giọng cứng cỏi:
- Xin tùy ý cô, cố nhiên là thế rồi.
Bà nói tiếp:
- Con gái ông Gerrard đã xuống đây. Hôm qua tang lễ đã cừ hành. Hiện giờ cô ta đang ở nhà bà Hopkins. Tôi nghe nói sáng nay họ đã lên nhà săn.
Elinor gật đầu nói:
- Đúng rồi, tôi yêu cầu Mary xuống đây để lo liệu việc đó. Thiếu tá Somervell muốn dọn đến ở càng sớm càng tốt.
- Tôi hiểu ra rồi.
Elinor nói:
- À, bây giờ tôi phải đi. Rất mừng được gặp bà, bà Bishop. Tôi sẽ nhớ về cái bàn viết và ghế.
Nàng bắt tay chào rồi đi.
Elinor bước vào tiệm bánh, mua một ổ bánh mì. Sau đó nàng đi sang cửa hàng khác mua một ít bơ và sữa. Cuối cùng nàng vào hàng tạp hóa.
- Tôi muốn mua bột nhồi để ăn với bánh xăng-uých.
- Có đây, thưa cô Carlisle. - Ông Abbott hích chú nhỏ tập sự sang một bên, rối rít bước tới. Cô thích thứ gì? Cá hồi với tôm nhé? Gà tây với lưỡi nhé? Cá hồi với cá sardine nhé? Giăm-bông với lưỡi nhé?
Ông ta lấy hết hũ nọ đến hũ kia xuống, bày lên trên quầy hàng.
Elinor hơi mỉm cười nói.
- Dù có tên là gì đi nữa, tôi nghĩ chúng có vị giống nhau cả.
Ông Abbott lập tức tán thành:
- Vâng, có lẽ chúng giống nhau cả, giống nhau cả. Nhưng chúng rất ngon, rất là ngon - cố nhiên rồi.
Elinor nói:
- Người ta thường rất sợ ăn bột cá hồi. Đã có những vụ đầu độc bằng bột cá nhồi, phải thế không ông?
Ông Abbott tỏ vẻ khiếp sợ nói:
- Tôi có thể cam đoan với cô đây là một loại thượng hảo hạng - đáng tin cậy nhất - chưa có ai phải phàn nàn bao giờ cả.
Elinor nói:
- Tôi muốn mua một hủ cá hồi với cá trồng và một hũ cá hồi với tôm. Cám ơn ông.
Elinor Carlisle theo cổng sau đi vào khu Hunterbury.
Hôm ấy là một ngày hè trong sáng, nóng bức. Có những cây hương đậu đang trổ bông. Elinor đi qua một rặng cây này. Người phụ vườn, Horlick, còn ở lại trông nom khu nhà, kính cẩn chào nàng.
- Kính chào cô. Tôi đã nhận được thư cô. Cô thấy sẽ cửa bên hông mở. Tối đã tháo chốt cửa chớp và mở nhiều cửa sổ.
Elinor nói:
- Cám ơn, Horlick.
Nàng tiếp tục bước đi, anh ta trái họng giật giật nhấp nhô, cuống quýt nói:
- Xin cô thứ lỗi, thưa cô…
Elinor ngoảnh lại.
- Có gì thế?
- Thưa cô, có thực là nhà bán không? Tôi muốn nói là đã thực bán xong chưa?
- Ồ, bán xong rồi.
Horlick bồn chồn nói:
- Thưa cô, xin cô vui lòng giúp tôi nói một lời với - với thiếu tá Somevell. Chắc ông ta sẽ cần người coi sóc vườn. Có thể ông ta nghĩ rằng tôi còn quá ít tuổi để làm phụ vườn chính, nhưng tôi nghĩ tôi cũng biết nghề chút ít, từ khi ở đây, một tay tôi đã quán xuyến công việc khá tốt.
Elinor nói mau:
- Cố nhiên tôi sẽ hết sức nói với ông ta, Horlick à. Thực sự là tôi đã có ý định đề cập với ông ta về anh, và nói anh là phụ vườn giỏi.
Horlick sạm đỏ mặt lên, nói:
- Xin cảm ơn cô. Cô thực rất tốt. Thưa cô, đúng là một cú choáng người: bà Welman tạ thế, rồi nhà bán quá mau - mà tôi, tôi lại sắp cưới vợ vào mùa thu này, tôi cần phải chắc chắn là…
Chàng ngừng lại.
Elinor ôn tồn nói:
- Tôi hy vọng rằng thiếu tá Somewell sẽ dùng anh. Anh hãy tin cậy tôi, tôi sẽ làm hết sức mình.
Horlick lại nói:
- Xin cám ơn cô. Tất cả chúng tôi đều đã mong sao khu nhà sẽ được gia đình giữ lại. Xin cám ơn cô.
Elinor bước đi.
Bỗng nhiên, giống như luồng nước từ cái đập vỡ tung đổ xuống, một làn sóng phẫn uất dữ dội lướt tràn lên nàng.
“Tất cả chúng tôi đều đã mong sao khu nhà sẽ được gia đình giữ lại ”.
Lẽ ra thì nàng và Roddy đã sống ở đây. Nàng và Roddy… Roddy chắc hẳn muốn thế. Đó là điều chính nàng cũng muốn. Trước đây cả hai người lúc nào cũng yêu thích Hunterbury. Hunterbury thân thương… Trong những năm trước khi cha mẹ nàng chết, khi cha mẹ nàng sống ở Ấn Độ, nàng thường đến đây trong những dịp nghỉ. Nàng đã chơi nghịch trong rừng, đi dạo bên suối, đã ngắt hoa hương đậu buộc thành thành bó, đã ăn những trái lý gai xanh mướt mập tròn, những trái mâm xôi ngọt ngào đỏ thắm. Về sau, lại có những trái táo nữa. Có những nơi chốn, những hang hốc kín đáo, ở đấy nàng thu tròn mình đọc sách hàng giờ.
Nàng đã yêu Hunterbury. Từ tận đáy lòng mình, nàng đã có cảm tưởng là một ngày nào đó sẽ mãi mãi sống ở đây. Cô Laura đã nuôi dưỡng ý tưởng này bằng những tiếng, những câu ngắn gọn: “Elinor ạ, rồi đây có thể là cháu sẽ thích đốn những cây thủy tùng kia xuống. Có lẽ chúng hơi u ám quá”. “Ở đây nên có một khu vườn có nước. Rồi đây có lẽ cháu sẽ có”.
Còn Roddy? Roddy cũng thế, cũng đã mong đợi Hunterbury là nhà của mình. Có lẽ khu nhà này đã nằm sau tình cảm của chàng đối với nàng, Elinor. Do đó chàng đã cảm thấy rắng họ phải cùng ở Hunterbury thế mới là hợp, mới là đúng.
Lẽ ra họ đã cùng ở với nhau tại đây rồi. Lẽ ra họ đã cùng ở đây - lúc này - không thu dọn nhà để bán, mà trang hoàng lại nó, trù tính làm thêm những cái đẹp mới trong nhà, trong vườn, rồi bước đi cạnh nhau trong thú vui tổ ấm uyên ương, hạnh phúc - đúng rồi, hạnh phúc cùng nhau - nếu không có cái tai họa gây ra do nhan sắc như bông hồng hoang dã của người con gái kia.
Roddy đã biết gì về Mary Gerrard kia nhỉ? Chẳng biết gì - chẳng biết gì hết. Chàng đã để ý đến cô ta - đến Mary thật kia. Rất có thể là cô ta có những đức tính đáng khâm phục, thế nhưng Roddy có biết gì về chúng không? Đó thực là câu chuyện cũ xưa, cái trò đùa xưa cũ của thiên nhiên.
Chính Roddy đã chẳng từng bào đó là “Bùa mê cháo lú” đó sao?
Chính Roddy đã chẳng từng thực hiện muốn vùng thoát khỏi nó đó sao?
Chẳng hạn như nếu Mary Gerrard chết đi thì Roddy rồi đây có không thừa nhận như thế này sao? “Thế là hay hơn nhất. Bây giờ mình hiểu ra rồi. Chúng ta chẳng có gì là tâm đầu ý hợp cả”.
Có lẽ chàng rồi sẽ buồn hiu mà nói thêm rằng, “Cô ta thật là một con người khả ái”.
Cứ để cho cô ta là như thế đối với chàng - đúng rồi - là một hoài niệm tuyệt vời, một vật báu đẹp đẽ, một thú vui lâu dài.
Nếu có sự gì xảy đến với Mary Gerrard, thì Roddy sẽ trở lại với nàng - Elinor. Nàng hoàn toàn chắc chắn như vậy.
Nếu có sự gì xảy đến với Mary Gerrard…
Elinor xoay nắm cửa hông. Nàng đi từ chỗ nắng ấm vào trong bóng mát của khu nhà. nàng rùng mình.
Ở đây thật là lạnh lẽo, âm u, ảm đạm. Dường như có cái gì đó đang ở tại đây, chờ đợi nàng, trong nhà…
Nàng bước dọc theo phòng đợi, rồi đẩy cái cửa bọc vải len dẫn vào căn phòng kho của người quản gia.
Mùi ẩm mốc xông lên ngai ngái. Nàng đẩy cửa sổ lên, mở toang ra.
Nàng đặt cái gói đồ xuống - bơ, ổ bánh mì, cái chai thủy tinh nhỏ đựng sữa. Nàng nghĩ. “Thực ngu quá. Mình muốn có cà phê”.
Nàng nhìn vào trong những cái hộp đặt trên kệ. Trong một cái hộp có một chút ít trà, nhưng không có cà phê.
Nàng nghĩ. “Ồ, được rồi. Cũng chẳng sao”.
Nàng mở gói, bày ra hai cái hũ thủy tinh đựng bột cá nhồi.
Nàng đứng ngắm các hũ đó trong giây lát, rồi rời khỏi phòng kho, đi lên lầu. Nàng bước thẳng tới phòng bà Welman. Nàng bắt đầu từ cái tủ đứng cao, mở các ngăn kéo, lấy ra, xếp đặt, gấp quần áo thành từng chồng nhỏ.
* * *
Trong nhà săn, Mary Gerrard nhìn quanh, lẻ loi hiu quạnh. Trước đây, vì lý do này khác, nàng đã không nhận thấy tất cả ở đây đều tù hãm biết là nhường nào.
Quãng đời quá khứ cuồn cuộn dồn dập trở lại với nàng. Mẹ thì may quần áo cho búp bê. Bố thì luôn luôn giận dữ, cáu kỉnh. Ghét nàng. Đúng rồi, gHét nàng…
Nàng bỗng nói với bà Hopkins:
- Trước khi mất. Bố cháu không nói gì sao? Không dặn lại cháu gì sao, thưa cô?
Bà Hopkins chai đá tàn nhẫn, tươi cười nói:
- Ồ, không, cháu ạ. Trước khi mất ông ta bị hôn mê bất tỉnh đến một giờ, có biết gì đâu.
Mary chậm rãi nói:
- Cháu nghĩ có lẽ đáng lẽ cháu phải xuống đây để chăm nom ông. Dù sao thì ông cũng là cha cháu.
Bà Hopkins hơi bối rối nói:
- Mary ạ, cháu hãy nghe cô nói đây: ông ta có là cha cháu hay không thì cũng chẳng ăn nhằm gì. Cô thấy rằng thời buổi bây giờ con cái chẳng quan tâm gì nhiều đến bố mẹ, mà có rất nhiều bậc cha mẹ cũng chẳng để ý gì đến con cái. Có lẽ là như thế đó, nhưng, dù sao, hơi đâu mà quay lộn lại quá khứ, mà thương cảm bùi ngùi. Chúng ta cứ phải tiếp tục sống - đó là việc của mình - mà đôi khi cũng chẳng dễ dàng gì đâu.
Mary nói chậm:
- Cháu nghĩ là cô nói đúng. Nhưng cháu cảm thấy có lẽ cháu có lỗi vì bố cháu và cháu đã không được thuận thảo với nhau.
Bà Hopkins nói mạnh:
- Vô lý quá.
Tiếng đó vang dội lên như tiếng bom nổ, dồn nén Mary.
Bà Hopkins quay sang nói về những việc thực tế hơn:
- Cháu sẽ tính như thế nào đối với các đồ đạc đó? Định chừa lại hay bán đi?
Mary hoài nghi nói:
- Cháu không biết nữa. Cô nghĩ thế nào?
Nhận định một cách thực tế, bà Hopkins nói:
- Một số đồ còn tốt và bền lắm. Cháu có thể chừa lại đó để rồi đây bày biện trong căn nhà riêng của cháu ở London. Mấy cái đồ rác rưởi, thì tống khứ đi. Ghế hãy còn tốt chán - bàn cũng vậy. Cái bàn giấy đẹp kia tuy đã hết mốt rồi, nhưng đóng bằng gỗ đào hoa tâm rất chắc; người ta bảo rằng đồ đạc kiểu thời Victoria sẽ có ngày lại hợp thời trang. Còn cái tủ áo lớn, nếu là cháu, cô sẽ bỏ quách đi. To quá, đặt đâu cũng chẳng vừa. Một nửa số đồ gỗ trong phòng ngủ, cháu hãy lấy đi.
Họ lập danh sách liệt kê các đồ đạc nên giữ lại hay bỏ đi.
Mary nói:
- Ông luật sư rất tử tế - cháu muốn nói đến ông Seddon. Ông ta ứng trước cho cháu một số tiền để cháu có thể trả lệ phí học nghề và các chi phí khác. Phải khoảng một tháng nữa thì số tiền mới có thể được chuyển hẳn cho cháu; ông ta bảo thế.
Bà Hopkins nói:
- Công việc của cháu ra sao rồi? Cháu có thích không?
- Cháu nghĩ cháu sẽ rất thích việc đó. Ban đầu cũng khá cực nhọc. Cháu về nhà mệt đến chết đi được.
Bà Hopkins nham hiểm nói:
- Hồi còn tập sự tạo bệnh viện thánh Kule, cô tưởng là cô sắp chết mất. Lúc ấy cô cảm thấy chẳng thể nào chịu đụng nổi được ba năm. Thế mà được đấy.
Hai người đã sắp xếp xong quần áo của ông già. Bây giờ họ mở đến cái hộp thiếc đựng giấy tờ cũ.
Mary nói:
- Cô cháu mình phải thanh toán cho xong các thứ này.
Họ ngồi xuống, mỗi người ở một bên bàn.
Bà Hopkins càu nhàu khi lôi một nắm giấy ra.
- Kỳ lạ thực, rác rưởi thế này mà cũng giữ. Các mảnh báo cắt, thư từ cũ. Đủ mọi thứ hầm bà lằng.
Mary giở một tài liệu ra, nói:
- Đây là tờ giấy hôn thú của bố và mẹ cháu. Ở vùng thánh Albans, năm 1919.
Bà Hopkins nói:
- Giấy giá thú, đó là tiếng dùng đã lỗi thời. Khối người trong làng này bây giờ vẫn dùng cái từ ngữ đó.
Mary nói giọng cứng cỏi:
- Thế nhưng, thưa cô…
Bà Hopkins bất chợt ngước nhìn lên. Bà trông thấy vẻ buồn khổ trong mắt cô gái. Bà lanh lảnh nói:
- Có gì thế?
Mary Gerrard giọng run run:
- Cô không thấy sao. Bây giờ là 1939. Cháu hai mươi mốt tuổi. Năm 1919 cháu đã lên một. Thế có nghĩa là - có nghĩ là - bố cháu và mẹ cháu lúc ấy chưa lấy nhau, mà mãi… mãi… về sau mới lấy nhau.
Bà Hopkins nhăn mặt, mạnh mẽ nói:
- À, dù thế nào nữa thì có gì đâu nào? Cháu đừng thắc mắc về chuyện đó, vào lúc này.
- Nhưng, cô ạ, cháu không sao kìm nổi.
Bà Hopkins nói bằng giọng oai quyền:
- Có nhiều cặp không đến nhà thờ, cho mãi đến khi họ phải đến. Nhưng thế là cuối cùng họ cũng đến nhà thờ, như vậy thì có gì là lạ đâu? Cô bảo thế đấy.
Mary thấp giọng nói:
- Theo ý cô, có phải vì thế mà bố cháu không bao giờ ưa thích cháu không? Có lẽ là vì mẹ cháu làm cho ông ta cười mình, phải thế không cô?
Bà Hopkins ngần ngừ, bặm môi rồi nói:
- Cô cho là không hẳn như thế đâu. - Bà ngừng lại. - À, được rồi, nếu cháu cứ thắc mắc về chuyện đó, thì cháu có thể biết sự thực này. Cháu không phải là con gái của ông Gerrard.
Mary nói:
- Té ra là vì thế đấy!
Bà Hopkins nói:
- Có lẽ thế.
Một đốm đỏ bỗng cháy rát hai bên má của Mary. Nàng nói:
- Cháu biết thế là sai trái nhưng cháu lấy làm mừng. Từ trước đến nay cháu luôn luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, bởi vì cháu không để ý gì đến bố cháu, nhưng nếu ông ta không phải là bố cháu, thì thế cũng là được rồi. Làm sao cô biết được việc đó?
Bà Hopkins nói:
- Trước khi chết, ông Gerrard nói đến việc đó rất nhiều. Cô đã phải gay gắt để buộc ông im miệng, nhưng ông bất cần. Tự nhiên là lẽ ra cô không nên nói gì với cháu, nếu việc này không bất ngờ nảy sinh ra.
Mary nói chậm.
- Cháu tự hỏi ai mới đích thực là cha cháu?
Bà Hopkins do dự, mở miệng ra rồi lại ngậm vào. Như thể bà thấy khó lòng quyết định được về một điểm nào đó.
Lúc ấy một cái bóng đen in xuống mặt phòng. Hai người nhìn quanh thì thấy cô Elinor Carlisle đứng ở cửa sổ.
Elinor nói:
- Chào bà, chào em.
Bà Hopkins nói:
- Chào cô Carlisle. Hôm nay trời đẹp quá.
Mary nói:
- Ồ - chào cô Elinor.
Elinor nói:
- Tôi đã làm mấy cái bánh xăng uých. Bà và em lên ăn nhé? Đã đúng một giờ rồi, bây giờ mà phải về nhà ăn trưa thì phiền phức lắm. Tôi có đủ cho ba người ăn.
Bà Hopkins ngạc nhiên vui vẻ nói:
- Thưa cô Carlisle, cô thực là chu đáo hết mức, tôi phải nói thế. Thực là phiền phải ngưng những công việc đang làm, lại phải từ làng lộn trở về đây. Tôi hy vọng là sáng nay chúng ta có thể làm xong việc được. Tôi đã đi lượt, thăm nom bệnh nhân rất sớm. Thế nhưng hóa ra lại mất nhiều thời giờ hơn là mình tưởng.
Mary nói biết ơn.
- Cám ơn cô Elinor. Cô tốt quá.
Ba người bước trên lối đi tiến tới khu nhà. Elinor đã mở cổng trước. Họ qua căn phòng đợi mát rượi. Mary hơi rùng mình. Elinor sắc sảo nhìn nàng.
- Sao thế em?
Mary nói:
- Ồ, không, thưa chị, chỉ hơi rùng mình. Tại vì ngoài nắng bước vào.
Elinor thấp giọng nói:
- Thực là kỳ lạ. Sáng nay chị cũng cảm thấy thế.
Bà Hopkins vui vẻ cười nói rôm rả.
- Ối chao, cô sẽ tưởng là nhà này có ma mất thôi. Tôi chẳng cảm thấy gì cả.
Elinor cười. Nàng đi dẫn đường tiến vào căn phòng vật dụng ở phía bên mặt cổng trước. Mành được cuốn lên, cửa sổ mở rộng. Tất cả đều có vẻ vui tươi.
Elinor đi qua phòng đợi, rồi bưng từ phòng kho về một cái khay lớn bày bánh xăng-uých. Nàng nín thở một phút, rồi thở hắt ra bằng cái thở dài. Nàng cắp khay ngang thắt lưng, đúng lơ đãng một lát, rồi trông thất bà Hopkins cặp môi he hé, dáng vẻ hau háu, nàng vội đưa khay mời bà.
Elinor lấy cho mình một bánh xăng-uých. Nàng nói biện bạch:
- Tôi định pha cà phê, nhưng quên là đã hết rồi. Tuy nhiên có rượu bia ở trên bàn kia, có ai muốn uống không?
Bà Hopkins buồn rầu nói:
- Phải chi tôi nghĩ đem theo ít trà.
Elinor lơ đãng nói:
- Có một ít trà để trong cái hộp để trong phòng kho.
Mặt bà Hopkins bừng sáng:
- Thế thì tôi phải đi lấy đun ấm nước mới được. Không có sữa sao?
Elinor nói:
- Có chứ, tôi có đem theo.
- Thế thì được lắm rồi - bà Hopkins nói rồi vội vàng đi ra.
Chỉ còn lại Elinor và Mary. Một làn khẩn trương kỳ lạ len vào bầu không khí trong căn phòng. Elinor gắng gượng khơi mào trò chuyện. Môi nàng khô ráo. Nàng thè lưỡi ra liếm môi. Nàng nói, hơi cứng cỏi:
- Em thích công việc ở London chứ?
- Thưa cô, cám ơn cô. Em… rất biết ơn cô…
Một tiếng gay gắt chợt thốt ra từ miệng Elinor. Một tiếng cười khác thường chói tai đến độ làm cho Mary phải đăm đăm nhìn nàng sửng sốt. Elinor nói.
- Em không cần phải biết ơn quá như thế.
Mary bối rối nói:
- Em không có ý nói… đó là… - Nàng ngừng lại.
Elinor nhìn nàng chòng chọc - một cái nhìn soi mói, lạ lùng đến nỗi khiến cho Mary phải băn khoăn, ngần ngại.
Mary nói:
- Thưa… thưa có gì không phải không?
Elinor đứng lên mau. Nàng quay đi, nói:
- Có gì không phải mới được chứ?
Mary nói khẽ:
- Cô… cô trông có vẻ…
Elinor cười nhẹ, nói:
- Chị đã nhìn chăm chăm phải không? Chị rất tiếc. Thỉnh thoảng chị vẫn thường thế đấy - khi chị đang nghĩ đến một chuyện gì khác.
Bà Hopkins từ cửa ngó vào, tươi cười nói:
- Tôi đã đun ấm nước rồi - Rồi lại đi ra.
Elinor bỗng cười rộ lên:
- Polly đun ấm nước, Polly đun ấm nước, Polly đun ấm nước - tất cả chúng ta đều có trà. Mary ơi, em có nhớ lúc chúng mình còn bé, mình thường chơi đùa như thế không?
- Thưa cô có, thực thế, em còn nhớ.
Elinor nói:
- Khi chúng mình còn bé , Mary ạ, thương thay chẳng bao giờ người ta trở lại được, phải thế không em?
Mary nói:
- Cô muốn trở lại không?
Elionor mạnh mẽ nói:
- Có, có chứ.
Sự im lặng rơi xuống giữa hai người trong một lát.
Rồi Mary mặt ửng hồng lên, nói:
- Thưa cô Elinor, cô không nên tưởng rằng…
Nàng bỗng ngừng bặt, vì thấy vóc dáng mảnh mai của Elinor bỗng nhiên sững lại, cằm hơi ngước lên.
Elinor nói bằng giọng lãnh lùng, sắt đá.
- Chị không nên tưởng gì cơ chứ?
Mary khẽ nói:
- Em… em đã quên bẵng đang nói gì rồi.
Thân hình Elinor thư giãn ra, như vừa qua một cơn hiểm nghèo.
Bà Hopkins bưng khay trà bước vào. Trên khay có một bình trà màu nâu, sữa và ba cái ly.
Không biết gì về tình hình suy giảm trên, bà nói:
- Có trà đây rồi.
Bà đặt khay trước mặt Elinor. Elinor lắc đầu nói:
- Tôi không muốn uống.
Nàng đẩy khay về phía Mary. Mary rót ra hai ly.
Bà Hopkins thích chí thở phào:
- Trà ngon và đặc lắm.
Elinor đứng lên, đi ra cửa sổ. Bà Hopkins nói thuyết phục:
- Cô Carlisle, cô có chắc là không muốn dùng một ly không? Trà làm cô thoải mái.
Elinor nói nhỏ:
- Không, cám ơn bà.
Bà Hopkins uống cạn ly trà, đặt ly lên đĩa tách, rồi nói khẽ:
- Tôi đi tắt ấm nước. Sẽ đun lại, phòng hờ mình còn cần nước rót vào bình.
Bà vội vã đi ra.
Elinor từ cửa sổ bước đi quanh phòng. Bỗng với giọng tha thiết cầu xin tuyệt vọng, nàng nói:
- Mary ơi.
Mary Gerrard đáp mau:
- Thưa gì thế?
Màu sáng từ từ tắt lọm trên mặt Elinor. Môi khép lại. Vẻ cầu khẩn tuyệt vọng phai nhòa, chỉ còn để lại chiếc mặt nạ, giá băng, lặng lẽ.
Elinor nói:
- Không có gì cả.
Sự im lặng trĩu xuống gian phòng.
Mary nghĩ. “Hôm nay mọi sự đều kỳ lạ quá - như thể chúng ta đang chờ đợi một sự gì”.
Cuối cùng Elinor chuyển động.
Nàng đi tới nhấc khay trà đặt lên chiếc khay xăng-uých trống không.
Mary chồm lên:
- Ồ, cô Elinor, để đấy em.
Elinor gay gắt nói:
- Không, em cứ ở đây. Chị sẽ làm.
Nàng đem khay ra khỏi phòng, ngoái đầu nhìn lại Mary Gerrard đứng bên cửa sổ, trẻ trung, sống động, và xinh đẹp…
Bà Hopkins ở trong phòng kho. Bà đang lau mặt bằng khăn tay. Khi Elinor bước vào, bà thoắt ngước nhìn lên và nói:
- Ở đây nóng nực quá.
Elinor đáp lời một cách máy móc:
- Đúng rồi, phòng kho trông về hướng nam.
Bà Hopkins cầm lấy khay trong tay Elinor.
- Cô để tôi rửa cho, cô Carlisle ạ. Trông cô có vẻ làm sao ấy.
Elinor nói:
- Ồ, tôi không sao cả.
Nàng cầm lấy khăn nói:
- Tôi sẽ lau khô.
Bà Hopkins sắn tay áo lên, đổ nước sôi từ ấm vào trong chậu.
Elinor nhìn cổ tay bà ta, nói vu vơ:
- Bà bị cái gì châm rồi.
Bà Hopkins cười:
- Tôi bị gai đâm ở giàn hoa hồng trong khu nhà săn. Bây giờ tôi sẽ khều ra.
Giàn hoa hồng ở khu nhà săn . Ký ức xô những lớp sóng tràn vào Elinor. Nàng cùng Roddy cãi lộn nhau - những cuộc chiến tranh hoa hồng (Cuộc chiến tranh xảy ra khoảng giữa thế kỷ XV ở nước Anh, giữa phe nhà York có huy hiệu là bông hồng trắng, ủng hộ vua Henri VI và phe nhà Lancastre có huy hiệu bông hồng đỏ ủng hộ vua Edward IV. Cuối cùng phe bông hồng đỏ thắng ). Nàng cùng Roddy cãi lộn nhau - rồi dàn hòa với nhau. Những ngày đẹp đẽ, vui tươi, sung sướng. Một nỗi đau khổ đột ngột như làn sóng tràn lướt lên nàng. Bây giờ nàng lâm vào chỗ nào đây? Vào cái vực thẳm đen tối của hận thù - của tội lỗi nào đây? Nàng đứng dậy, hơi ngất ngư dao động.
Nàng nghĩ. “Ta đã điên - hoàn toàn điên mất rồi”.
Bà Hopkins tọc mạch chằm chằm nhìn nàng.
- Cô ta có vẻ kỳ quặc hết mức - bà Hopkin sau này kể lại - Cô ta nói như thể là cô ta không biết mình đang nói gì, mắt sáng rực lên kỳ lạ.
Ly, tách chạm nhau lách cách trong chậu. Elinor nhấc một hũ bột cá nhồi trống không ở trên bàn, bỏ vào chậu nước. Khi làm thế, nàng cảm thấy kinh dị về giọng nói vững chãi của mình. Nàng nói:
- Tôi đã lựa ra quần áo của cô Laura ở trên lầu rồi. Tôi nghĩ có lẽ bà có thể khuyên tôi dùng chúng ở đâu cho được ích lợi, trong làng này.
Bà Hopkins mau mắn nói:
- Thực thế, tôi sẽ cho ý kiến. Có bà Parkinson này, bà lão Nellie này, và cái bà khốn khổ kia nữa, không phải tất cả đều ở thảo xá Ivy. Xin hãy là điều may mắn bất ngờ cho những kẻ đó.
Bà Hopkins cùng Elinor dọn dẹp phòng kho. Rồi hai người cùng đi lên lầu.
Trong phòng bà Welman, quần áo được xếp thành các bọc gọn ghẽ: quần áo lót, áo dài, và thứ y phục đẹp, áo dự dạ hội bằng nhung, áo choàng may bằng da xạ thử. Cái áo choàng này Elinor nói đã định tặng bà Bishop.
Bà Hopkins gật đầu tán thành. Bà để ý thấy những chiếc áo lông chồn của bà Welman xếp trong tủ có ngăn kéo. Bà nghĩ “mình sẽ đem sửa lại để dùng cho mình”.
Bà đưa mắt nhìn những cái tủ đứng. Tự hỏi rằng liệu Elinor có thấy bức hình ký tên Lewis không, và nếu thấy nó thì cô ta đã dùng nó làm gì.
Bà nghĩ thầm: “Buồn cười thật, O’Brien đã bắt gặp thư mình! Chẳng bao giờ mình mường tượng một việc như vậy lại có thể xảy ra được. Cô ta lại với được bức hình ấy vào đúng cái ngày mình viết thư cho cô ta về bà Slattery”.
Bà giúp Elinor sắp xếp quần áo, tự nguyện buộc chúng thành những bọc riêng dành cho các gia đình khác nhau và chính mình lo việc phân phát.
Bà nói:
- Tôi có thể tiến hành việc này trong lúc Mary xuống thu dọn cho xong ở khu nhà săn. À mà cô ta bây giờ ở đâu nhỉ? Có phải cô ta đã xuống khu nhà săn không?
Elinor nói:
- Tôi để cô ta lại căn phòng vật dụng.
Bà Hopkins nói:
- Lúc này chắc cô ta không còn ở đó - bà xem đồng hồ - À, chúng ta đã ở đây gần một tiếng rồi.
Bà hối hả bước xuống cầu thang. Elinor đi theo bà.
Hai người vào phòng vật dụng.
Bà Hopkins kêu lên:
- À, cô nàng ngủ rồi.
Mary Gerrard ngồi trong chiếc ghế bành lớn bên cửa sổ. Nàng hơi gục mình xuống. Trong phòng vang lên một âm thanh kỳ dị: hơi thở nặng nhọc phì phào.
Bà Hopkins bước tới lay cô gái:
- Dậy đi, cháu ơi…
Bà ngừng sững lại. Cúi thấp, xệ một mí mắt xuống. Rồi bà bắt đầu lắc mạnh cô gái, rất là sốt sắng.
Bà quay lại nhìn Elinor. Có cái gì đe dọa trong giọng của bà khi nói:
- Thế là thế nào cơ chứ?
Elinor nói:
- Tôi không biết bà định nói gì. Có phải cô ta bệnh không?
Bà Hopkins nói:
- Máy điện thoại ở đâu? Hãy gọi bác sĩ Lord càng sớm càng tốt.
Elinor nói:
- Có sự gì thế?
- Sự gì à? Cô ta bệnh. Cô ta sắp chết.
Elinor lùi lại một bước, nói:
- Sắp chết ư?
Bà Hopkins nói:
- Cô ta đã bị đầu độc.
Mắt bà cứng lại vì nghi ngờ, nhìn trừng trừng Elinor.