CHƯƠNG 21
Tác giả: Agatha Christie
Trong tòa có nóng lắm không? Hay rất lạnh? Elinor Carlisle không thể nào hoàn toàn chắc chắn được. Thỉnh thoảng nàng cảm thấy bỏng rát rồi ngay sau đó lại rùng mình.
Nàng đã không nghe thấy đoạn cuối lời diễn từ của Ủy viên công tố. Nàng đã trở về dĩ vãng, đi chậm chạp qua toàn thể sự việc, từ cái ngày nhận được bức thư khốn khổ kia cho đến cái lúc viên sĩ quan cảnh sát mày râu nhẵn nhụi nói bằng giọng lưu loát khủng khiếp.
- Cô là Elinor Katharine Carlisle. Tôi đây có lệnh bắt giữ cô về tội giết Mary Gerrard bằng cách đầu độc vào ngày 27 tháng bảy vừa rồi. Tôi cần báo cho cô biết trước rằng bất cứ điều gì cô nói ra cũng sẽ được ghi lại và có thể được dùng làm bằng chứng trong phiên xét xử.
Thực là lưu loát khủng khiếp ghê người. Nàng cảm thấy bị mắc trong một bộ máy dầu mỡ trơn tru, chuyển động nhịp nhàng - bạo tàn và điềm tĩnh.
Bây giờ nàng đứng đây, trước vành móng ngựa, trong ánh sáng công khai, với hàng trăm con mắt chẳng hững hờ cũng không tàn bạo, đang hả hê hau háu nhìn nàng.
Chỉ có bồi thẩm đoàn là không nhìn nàng. Họ bối rối cố tình ngoảnh mắt nhìn đi nơi khác. Nàng nghĩ, chỉ là bởi vì - không bao lâu nữa - họ biết họ sẽ nói gì.
Bác sĩ Lord đang làm chứng. Đây có phải là Peter Lord - cái anh chàng bác sĩ mặt tàn nhang, trẻ trung, vui vẻ, tử tế, rất thân thiết ở Hunterbury không? Lúc này anh ta trông cứng nhắc. Nghiêm nghị chuyên nghiệp. Những câu trả lời tuôn ra đều đều đơn điệu. Anh đã được điện thoại gọi đến phủ đệ Hunterbury; đã quá trễ không làm gì được nữa; Mary Gerrard đã chết mấy phút sau khi anh tới; cái chết này, theo ý anh, phù hợp với sự trúng độc morphine ở một trong số những hình thái ít thấy - đó là thứ “Mạnh như sét đánh”.
Ngài Edwin Bulmer đứng lên thẩm vấn.
- Có phải ông là bác sĩ thường chăm sóc bà Welman quá cố không?
- Thưa phải.
- Trong những lần đến thăm Hunterbury vào tháng sáu vừa rồi, ông có dịp nào trông thấy bị cáo và Mary Gerrard ở cùng với nhau không?
- Thưa nhiều lần.
- Theo ý ông, thái độ của bị cáo đối với Mary Gerrard như thế nào?
- Tôi thấy hoàn toàn vui vẻ, tự nhiên.
Ngài Edwin Bulmer hơi khinh khỉnh mỉm cười nói:
- Chúng ta đã nghe nói nhiều về cái nỗi “hờn ghen” ấy, ông không bao giờ thấy có dấu hiệu nào sao?
Peter Lord bạnh hàm lại, nói quả quyết.
- Không.
Elinor nghĩ “Nhưng anh ta đã - đã trông thấy. Anh ta đã vì mình mà nói dối. Thực ra anh ta đã biết”.
* * *
Sau Peter Lord thì đến bác sĩ phẩu thuật của cảnh sát. Ông này làm chứng dài và tỉ mỉ hơn. Cái chết này là do trúng độc morphine thuộc loại “mạnh như sét đánh”. Ông ta có vui lòng cắt nghĩa cái từ ngữ đó không? Với niềm hứng thú ông ta đã giải thích. Cái chết do trúng độc morphine có thể đưa đến nhiều hậu quả khác nhau. Trường hợp thường thấy nhất là một khoảng thời gian bị kích động mạnh, tiếp theo là tình trạng thờ thẫn, mê man, con ngươi mắt thu nhỏ lại. Có một hình thái không thông thường khác đã được người Pháp gọi là “mạnh như sét đánh”. Trong trường hợp này, người trúng độc ngủ li bì sau một khoaảng thời gian rất ngắn - chừng mười phút; con ngươi mắt thường thường mở rộng ra.
Phiên tòa hoãn rồi họp lại. Có mấy giờ dành cho lời chứng thuộc về chuyên môn y học.
Bác sĩ Alan Gercia, nhà phân tích lỗi lạc, rất khoái trá dùng toàn những từ thông thái, nói về những thức tìm thấy trong dạ dày. Bánh mì, bột cá nhồi, nước trà, có chất morphine - thêm nhiều từ thông thái và những dấu thập phân khác nhau. Lượng chất độc được người chết dùng ước chừng vào khoảng 4 gren (1 gren bằng 0,0648 gram ). Mà một gren thì cũng đủ tai hại rồi.
Ngài Edwin đứng lên, vẫn giọng dịu dàng nói:
- Tôi muốn được biết thực rõ ràng. Ông chỉ tìm thấy trong dạ dày có bánh mì, bơ, bột cá nhồi, trà và chất morphine thôi. Ngoài ra không có gì khác nữa sao?
- Thưa, không có gì khác.
- Thế tức là người chết chỉ ăn có bánh xăng-uých và uống nước trà trong một khoảng thời gian đáng kể nào đó, phải không?
- Thưa, đúng thế.
- Có cái gì cho biết chất morphine đã được dùng trong thức truyền nào không?
- Tôi không hiểu rõ câu hỏi của ngài.
- Tôi xin hỏi đơn giản hơn. Chất morphione đã có thể được dùng hoặc trong bột cá nhồi, hoặc trong bánh mì, hoặc trong bơ phết lên bánh mì, hoặc trong nước trà, hoặc trong sữa hòa thêm vào nước trà, có phải thế không?
- Thưa, chắc chắn thế.
- Không có bằng chứng đặc biệt cho biết chất morphine đã có ở trong bột cá nhồi, chứ không phải ở trong các thức môi giới khác, phải thế không?
- Thưa, đúng thế.
- Thế thì, thực ra là, chất morphine có thể đã được dùng riêng rẽ - tức là, không dùng trong một thức truyền nào cả, phải thế không. Nó có thể chỉ đã được nuốt trong hình thức thuốc viên thôi, phải thế không?
- Cố nhiên là thế rồi.
Ngài Edwin ngồi xuống.
Ngài Samuel Attenbury thẩm vấn lại.
- Tuy nhiên, ông có ý kiến là, dù chất morphine có được dùng cách nào đi nữa, thì nó cũng đã được dùng cùng một lúc với thức ăn uống khác, phải thế không?
- Thưa phải.
- Cám ơn ông.
* * *
Thanh tra Brill đã tuyên thệ một cách mau lẹ máy móc. Ông đứng dậy, có dáng vẻ quân nhân, bình thản, tuôn ra hàng tràng bằng chứng một cách thành thạo, lưu loát.
- Được gọi đến khu nhà… Bị cáo đã nói: “Chắc chắn đây là bột cá nhồi hư…” Lục soát nhà cửa, vườn tược… Một hũ cá nhồi đã rửa sạch được đặt trên máng thoát nước trong phòng kho, một hũ khác còn đầy một nửa… Lục soát thêm trong nhà bếp phòng kho…
- Ông đã kiếm thấy gì?
- Trong một kẽ nứt ở dưới cái bàn, giữa hai tấm ván sàn, tối kiếm thấy một mẫu giấy nhỏ.
Tang vật được đưa đến bồi thẩm đoàn.
MIC TABLET
10rphin. Hydro
Gr. 1/2
- Theo ông thì đó là cái gì?
- Đó là một mảnh rời của một nhãn hiệu in - như thường được dùng trên những ống thủy tinh đựng chất morphine.
Luật sư biện hộ ung dung đứng lên.
Ông nói:
- Ông đã tìm thấy mẩu giấy này trong mợt kẽ nứt trên sàn nhà, phải không?
- Thưa phải.
- Đó là một phần của nhãn hiệu, phải không?
- Thưa phải.
- Ông có tìm thấy phần còn lại của nhãn hiệu không?
- Thưa không.
- Ông không tìm thấy một cái ống thủy tinh hay một cái chai nào mà cái nhãn hiệu đó có thể đã được dán vào sao?
- Thưa không.
- Lúc ông tìm thấy thì tình trạng của mẫu giấy đó ra sao? Sạch hay bẩn?
- Nó hoàn toàn mới.
- Ông muốn nói gì, hoàn toàn mới?
- Có một mặt giấy có bụi ở trên sàn, nhưng mặt kia thì hoàn toàn sạch.
- Nó không thể đã ở đấy lâu chứ?
- Thưa không. Nó rơi xuống đó mới đây thôi.
- Ông cho là nó đã rơi xuống đó vào đúng hôm ông tìm thấy - chứ không lâu hơn, phải không?
- Thưa phải.
Ngài Edwin lầm bầm ngồi xuống.
Elinor nghĩ, dù sao thì bà Hopkins cũng không làm cho mình hoảng sợ bằng thanh tra Brill. Chính cái tính vô nhân đạo của thanh tra Brill đã làm cho người ta phải đớ ra vì sợ hãi. Ông ta rõ ràng là bộ phận của một bộ máy lớn. Còn bà Hopkins có nhiệt tình của con người và những định kiến.
- Tên bà là Jessie Hopkins?
- Thưa phải.
- Bà là điều dưỡng khu vực có chứng thực, bà trú ngụ tại Hồng hoa trang, ở Hunterbury, phải không?
- Thưa phải.
- Ngày 28 tháng sáu vừa rồi, bà ở đây?
- Tôi ở phủ đệ Hunterbury.
- Bà đã được phái tới đó?
- Thưa phải. Bà Welman đã phát cơn bệnh - lần thứ hai. Tôi đến để giúp cô điều dưỡng O’Brien cho tới khi nào kiếm được một điều dưỡng viên thứ hai.
- Lúc ấy bà có mang cái cặp nhỏ theo không?
- Thưa có.
- Bà hãy trình bày cho bồi thẩm đoàn biết trong cặp đó đựng gì.
- Bông băng, quần áo, một ống chích dưới da, vài thứ thuốc, trong đó có một ống morphine hydrochloride.
- Thuốc morphine đem theo đó để làm gì?
- Trong làng có một trường hợp bệnh cần phải chích morphine vào buổi sáng và buổi tối.
- Trong ống thuốc đó đựng gì?
- Có hai chục viên thuốc, mỗi viên chứa nửa gren chất morphine hydrochloride.
- Bà làm gì với cái cặp đó?
- Tôi để ở trong phòng đợi.
- Đó là vào buổi tối ngày 28. Sau đó thì lúc nào bà có dịp nhìn lại chiếc cặp?
- Vào sáng hôm sau khoảng chín giờ, lúc tôi sửa soạn rời khu nhà.
- Có thấy thiếu gì không?
- Thiếu ống thuốc morphine.
- Bà có nói ra việc mất thuốc này không?
- Tôi đã nói việc đó với cô điều dưỡng O’Brien, phụ trách trông nom bệnh nhân.
- Cái cặp để trong phòng đợi, là nơi người ta thường qua lại sao?
- Thưa phải.
Ngài Samuel ngừng lại, rồi nói tiếp:
- Bà quen thân với cô gái chết kia, cô Mary Gerrard, phải không?
- Thưa phải.
- Bà có ý nghĩ gì về cô ta?
- Cô ta là một cô gái rất xinh xắn - và rất tốt.
- Cô ta có được sung sướng không?
- Thưa, rất sung sướng.
- Bà biết cô ta không có rắc rồi gì chứ?
- Thưa không có rắc rối gì.
- Vào lúc cô ta chết có sự gì làm cho cô ta phải lo lắng hay khổ sở về tương lai không?
- Thưa không.
- Cô ta không có lý do gì để tự hủy mình, phải không?
- Thưa, không có lý do nào cả.
Cái câu chuyện định tội ấy cứ tiếp tục kể ra. Bà điều dưỡng Hopkins đã đi cùng Mary đến nhà săn, vẻ mặt của Elinor, cử chỉ dễ bị kích động của nàng, lời mời đến ăn bánh xăng-uých, cái khay được đưa cho Mary trước tiên. Lời Elinor đề nghị nên rửa sạch mọi thứ, lại bảo bà Hopkins cần lên gác giúp nàng sắp xếp quần áo.
Luôn luôn có lời ngắt hay phản đối của ngài Edwin Bulmer.
Elinor nghĩ. “Phải rồi, tất cả đều thực - bà ta tin thế. Bà ta chắc chắn mình đã làm thế. Mỗi tiếng bà ta nói ra đều là sự thực cả - đó mới là khủng khiếp. Tất cả đều thực”.
Một lần nữa, khi nhìn qua phòng tòa, nàng trông thấy khuôn mặt của Hercule Poirot đang nhìn nàng đăm chiêu - hầu như ân cần, thân ái. Nhìn nàng với quá nhiều hiểu biết.
Mảnh bìa cứng có dán mẩu nhãn hiệu được đưa đến cho nhân chứng.
- Bà có biết cái này là cái gì không?
- Đó là một mẩu nhãn hiệu.
- Bà hãy nói cho bồi thẩm đoàn biết là mẩu nhãn hiệu gì?
- Thưa đúng rồi - đây là một phần của nhãn hiệu tách ra từ ống đựng những viên thuốc dùng để chích dưới da. Những viên morphine nửa gren - giống như cái ống thuốc tôi đã đánh mất.
- Bà chắc thế chứ?
- Cố nhiên là tôi chắc. Đây là mẫu nhãn hiệu tách ra từ ống thuốc của tôi.
Quan tòa nói.
- Có dấu hiệu đặc biệt nào trên mẩu giấy mà nhờ đó bà có thể nhận ra nó là nhãn hiệu của ống thuốc bà đã mất không?
- Thưa ngài, không, nhưng chắc hẳn là cũng như thế.
- Thực sự là, bà chỉ có thể nói là nó giống hệt, phải thế không?
- Thưa phải, tôi có ý định nói thế.
Phiên tòa hoãn lại đến một ngày sau.