watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người thầy dậy đánh kiếm-CHƯƠNG 13 - tác giả Alexandre Dumas Alexandre Dumas

Alexandre Dumas

CHƯƠNG 13

Tác giả: Alexandre Dumas

Hoàng đế Alexandre lên ngôi khi chưa đầy hai mươi bốn tuổi. Người được nuôi dạy với sự giám sát của bà nội, Catherine, theo một chương trình tự bà đặt ra mà một trong những phần chủ yếu như sau: không dạy cho các Đại quận công trẻ thơ nhạc vì phải dành nhiều thì giờ mới có hiệu quả. Alexandre tiếp nhận một nền giáo dục chắc chắn và nghiêm khắc trong đó nghệ thuật hầu như bị loại trừ. Người thầy, ông La Harpe, do chính Catherine lựa chọn, trong triều người ta bảo ông thuộc cộng hoà cực đoan vì không chỉ là người Thuỵ sĩ mà còn là em của một vị tướng dũng cảm. La Harpe đã từng phục vụ trong quân đội Pháp, ông đúng là người đã in dấu cho học trò những đức tính độ lượng và thẳng thắn, đức tính rất quan trọng để trong cuộc đời còn lại, Hoàng đế đấu tranh được với những kỷ niệm thời ấu thơ. Việc lựa chọn của Catherine rất đáng chú ý nhất là trong một thời kỳ mà những ngai vàng đang lung lay vì núi lửa cuộc Cách mạng, Léopold chết, người ta nói bị đầu độc, Gustave bị ám sát và Louis XVI mang đầu lên máy chém.
Một trong những lời dặn chính của Catherine là tránh tạo cho những Đại quận công trẻ mọi ý nghĩ liên quan đến sự khác biệt giới tính và tiếp cận với tình yêu.Ông Pallas nổi tiếng giảng cho họ một ít về thực vật học trong các khu vườn hoàng gia, hệ thống Linné về giới tính của loài hoa, cách thụ phấn, gây cho những học trò tôn kính của ông một mớ câu hỏi khó trả lời. Protasov, người giám thị các Hoàng tử thấy cần báo cáo với Catherine, bà liền cho gọi Pallas đến, chỉ thị phải khéo tránh né những chi tiết về nhị đực, nhị cái. Chỉ thị ấy làm cho bài giảng thực vật học gần như không thể thực hiện được và sự im lặng của thầy giáo càng làm cho học trò hỏi nhiều hơn, lớp học bị gián đoạn. Tuy vậy một kế hoạch giáo dục như vậy không thể tiếp tục lâu dài và tuy Alexandre còn ít tuổi, hoàng gia cũng phải nghĩ đến việc cưới vợ cho Đại quận công.
Ba công chúa trẻ người Đức được đưa tới triều đình nước Nga để người bà tuyển chọn cho cháu. Catherine nghe tin họ đến Saint-Peterbourg, vội muốn gặp họ, bà cho mời họ vào hoàng cung, tư lự đứng ở cửa sổ để xem họ xuống xe. Một lúc sau xe đưa họ tới, cửa mở và một trong ba công chúa nhảy xuống trước, không bước theo bậc lên xuống.
- Không phải cô này – bà già Catherine lắc đầu nói – sẽ là Hoàng hậu của nước Nga thì hơi vội vã.
Công chúa thứ hai bước xuống, chân vướng vào áo dài suýt ngã.
- Cô này cũng không được, rất vụng về.
Cô thứ ba cuối cùng bước xuống, đẹp, oai vệ và nghiêm trang.
- Đây là hoàng hậu nước Nga – Catherine nói.
Đấy là Louise de Bade.
Catherine cho đưa các cháu tới trong lúc các công chúa còn ở đấy, nói bà quen biết mẹ của họ, nữ quận công De Bade-Durlach, nguyên là công chúa De Darustadt và do người Pháp chiếm nước họ, nên bà cho đưa họ đến Saint-Peterbourg để nuôi dạy. Một lúc sau hai Đại quận công được đưa về, trên đường họ nói chuyện nhiều về ba cô gái. Alexandre bảo cô chị cả đẹp, Constantin nói "Em thì không, em chẳng thấy cô nào đẹp cả. Phải đưa họ tới Riga cho các Hoàng tử Courlande, thích hợp với họ đấy".
Ngay hôm ấy Catherine biết ý kiến của cháu là thích cô gái mà bà dự tính, bà xem tình cảm non trẻ ấy phù hợp với ý định của bà là một ân huệ của Thượng đế. Thực vậy, Đại quận công Constantin đã nhìn không chuẩn vì công chúa cả ngoài dáng vẻ tươi mát, có mái tóc vàng xám rất đẹp và dài phấp phới trên đôi vai tuyệt trần, thân hình mềm mại uyển chuyển của một bài tiên vùng sông Rhine và đôi mắt to xanh của Marguerite, nhân vật của thi hào Goethe.
Ngày hôm sau Nữ hoàng đến thăm họ ở trong một lâu đài của Potemkine. Bà mang cho họ vải vóc, đồ trang sức và cuối cùng dây huân chương Sainte-Catherine. Sau một lúc nói chuyện, bà xem tủ quần áo của họ, sờ từng tấm áo. Quan sát xong bà hôn vào trán họ, mỉm cười nói "Các bạn, tôi không được giàu như các bạn khi đến Saint-Peterbourg".
Thật vậy, Catherine đến nước Nga trong tình trạng nghèo, nhưng không phải không có hồi môn, bà để lại một tài sản thừa kế: nước Ba lan và Tauride.
Cuối cùng công chúa Louise đã cảm nhận được tình cảm của Alexandre đôi với mình. Sau này Napoléon phải gọi Alexandre là người đẹp nhất và tinh tế nhất trong những người Hy lạp, chàng trai đầy duyên dáng và ngây thơ, tính tình hoàn hảo, rất hiền, độ lượng đến độ người ta có thể cho là hơi dè dặt. Vì vậy với tấm lòng trong trắng, cô gái Đức không che giấu thiện cảm đôi với Hoàng thái tử. Catherine tranh thủ sự hoà hợp ấy và chẳng bao lâu thông báo với hai người rằng số phận của họ sẽ dành cho nhau. Alexandre nhảy lên vui sướng và Louise khóc vì hạnh phúc.
Thế là người ta chuẩn bị cho đám cưới. Người vợ chưa cưới sẵn sàng làm tốt nhất những gì người ta đòi hỏi. Cô học tiếng Nga, thâm nhập tôn giáo Hy lạp, công khai lòng tin mới của mình, nhận xức dầu thánh lên đôi vai trần và đôi chân đẹp, được phong tước nữ Đại quận công với tên là Elizabeth Alkeseïevna, trước đây chính là tên của Nữ hoàng Catherine Alexis thời chuyện gái.
Mặc dù những dự kiến tốt đẹp của Catherine, đám cưới cuối cùng trở nên nỗi bất hạnh cho cả hai người.
Nỗi đau đớn sâu sắc của ông vua mới đôi với cái chết của người cha lây sang người vợ. Tuy không biết Paul, người vợ này đã khóc thương như là con gái của ông.
Lịch sử kể lại những trận đánh Austerlitz và Friedland, Tilstt và Erfurt, những năm 1812 và 1814. Trong mười năm Alexandre được ánh sáng của Napoléon soi rọi.
Trong mười năm ấy, ông vua vị thành niên trở thành người lớn. Những say mê hăng hái buổi đầu không có gì giảm sút. Nhưng tuy duyên dáng, tươi cười với phụ nữ, lễ độ, thân mến với nam giới, thỉnh thoảng trên vầng trán ông như phảng phất những đám mây u buồn: đấy là những kỷ niệm lặng im nhưng ghê gớm của đêm đổ máu mà ông đã nghe thấy tiếng hấp hối của người cha vùng vẫy. Dần dần càng lớn lên, những kỷ niệm ấy càng ám ảnh ông thường xuyên hơn, rồi trở thành một nỗi buồn không dứt. Người ta thấy ông cố gạt bỏ nó đi bằng những suy nghĩ và hành động. Ông mơ ước những cái cách và làm những chuyện điên rồ.
Alexandre được ông em của tướng La Harpe giáo dục, có một thiên hướng không tưởng, những cuộc du lịch sang Pháp, Hà Lan, Anh càng làm tăng thêm thiên hướng này. Những ý tưởng tự do thoát thai trong thời kỳ bị chiếm đóng và thay vì phải đàn áp chúng, Hoàng đế đã khuyến khích chúng. Cuối cùng việc bà De Krüdener tới tạo điều kiện cho triết lý bí ẩn giao lưu với thánh thần: Hoàng đế bị ảnh hưởng của hai luồng tư tưởng ấy vào thời gian tôi đến Saint-Peterbourg.
Về những chuyến đi, thì có cái gì đó thần kỳ đôi với những người dân Paris. Người ta tính Hoàng đế đã đi cả trong nước và ngoài nước khoảng năm mươi nghìn dặm. Và kỳ lạ là trong những chuyến đi ấy, ngày đến được ấn định ngay hôm đi. Năm trước cuộc hành trình của tôi, Hoàng đế đi Ukraine ngày 26 tháng tám, thông báo sẽ trở về ngày 2 tháng mười một và thứ tự sử dụng những ngày đi được định trước một cách chặt chẽ, không thay đổi đến mức sau khi vượt khoảng cách một nghìn tám trăm bảy mươi hai dặm, Alexandre trở về Saint-Peterbourg vào ngày đã định và hầu như đúng giờ đã định.
Hoàng đế đi những chuyến du lịch dài ấy không những chẳng có bảo vệ, hộ tống và thậm chí gần như đi một mình, và như người ta nghĩ chẳng có ai đi như thế mà không có những cuộc gặp gỡ hoặc những tai nạn bất thường. Trong một chuyến đi Phần Lan cùng Hoàng thân Pierre Volkouski, người đồng hành duy nhất, ngay lúc ông ngày vừa ngủ, chiếc xe của nhà vua leo lên một quả núi cao và đầy đất cát, xe đi lùi trở xuống vì quá nặng. Alexandre không đánh thức ông bạn đường, nhảy ngay xuống vần bánh xe cùng với người đánh xe và gia nhân. Trong lúc đó người đang ngủ giật mình vì hành động thay đổi đột ngột, thức dậy thấy chỉ có một mình mình trong xe, ngạc nhiên nhìn quanh và thấy Hoàng đế đang lau mồ hôi trán: xe đã lên đến đỉnh núi.
Trong một chuyến đi khác lên thăm các tỉnh phía bắc, Hoàng đế đi qua một hồ rộng gặp một cơn bão dữ dội. "Anh bạn" – Hoàng đế nói với người chèo thuyền – "trong một trường hợp như thế này cách đây gần một ngàn tám trăm năm, một đại tướng người La mã cổ đại đã nói với người lái: "Anh đừng sợ vì anh đang chở César và vận mệnh của Người". Ta ít đáng tin hơn César, ta chỉ nói với anh: Anh bạn, hãy quên ta là Hoàng đế, chỉ xem ta là một người như anh và cố cứu lấy cả hai". Người lái thuyền đã bắt đầu mất bình tĩnh vì trách nhiệm nặng nề đè nặng lên vai mình, lấy lại can đảm ngay và con thuyền do một bàn tay vững vàng điều khiển, cập bến an toàn.
Alexandre không phải bao giờ cũng may mắn như vậy và trong những lúc gặp nguy hiểm ít hơn, đôi khi lại bị tai nạn nghiêm trọng hơn. Trong chuyến đi cuối cùng torng các tỉnh vùng sông Đông, xe bị lật đổ mạnh và ông bị thương ở chân. Theo kỷ luật tự đề ra cho mình, Người muốn đảm bảo đến nơi vào ngày đã định, nhưng sự mệt mỏi và thiếu đề phòng làm tổn hại đến vết thương. Từ đấy chứng nhiễm trùng nhiều lần tái phát ở chân buộc Hoàng đế phải nằm nhiều tuần lễ và đi cà nhắc nhiều tháng. Chính trong thời gian ốm đau ấy, nỗi buồn chán càng gia tăng, thời gian ấy ông đối mặt với Hoàng hậu và trên khuôn mặt bà nét buồn bã và tái xanh được thay cho nụ cười, hầu như đã biến mất. Người cảm thấy một nỗi oán trách rõ rệt vì nỗi buồn và nét xanh xao ấy do Người tạo ra.
Cơn đau cuối cùng vào mùa đông năm 1824, thời kỳ hôn lễ của Đại quận công Michel và là lúc Constantin cho biết có một âm mưu đang tồn tại, người ta có thể đoán biết nhưng lại không biết rõ, gây ra những lo lắng nặng nề. Chính ở Tsarskoïe Selo, lâu đài ưa thích và càng thân thiết hơn khi Hoàng đế càng đắm mình vào nỗi buồn không vượt qua được. Sau khi dạo bộ một mình theo thói quen, Người trở về lâu đài bị nhuốm lạnh và cho mang bữa ăn tối lên phòng mình. Cũng đêm ấy chứng nhiễm trùng tái phát mạnh hơn những lần trước, kèm theo những cơn sốt và hôn mê. Ngay đêm ấy người ta chở Hoàng đế trong một chiếc xe đóng kín về Saint-Peterbourg. Một hội đồng bác sĩ khám nghiệm, quyết định cắt chân Hoàng đế để đề phòng bệnh hoại thư, chỉ bác sĩ Wyllie, phẫu thuật riêng của Hoàng đế là phản đối, lấy đầu của mình bảo đảm cho bệnh nhân. Thật thế, nhờ sự chăm sóc của ông, Hoàng đế khoẻ trở lại nhưng nỗi buồn càng tăng trong thời gian bị bệnh và do đó những buổi lễ hoá trang sau này đều rất buồn.
Vừa hồi phục, Người trở lại ngay Tsarskoï Selo, tìm đến cuộc sống quen thuộc. Mùa xuân Hoàng đế ở đấy một mình, không triều thần, không tướng tá, tiếp các bộ trưởng trong những ngày đã định trong tuần, cuộc sống như của một tu sĩ khóc than vì lỗi lầm thay vì của một Hoàng đế đầy quyền lực đem lại hạnh phúc cho dân chúng. Mùa đông vào lúc sáu giờ, mùa hè năm giờ, Alexandre thức dậy, tắm rửa, vào văn phòng, không chịu được sự lộn xộn ở đấy, luôn có một chiếc khăn vải mỏng gấp nếp và một hộp ngòi bút mới gọt. Hoàng đế bắt đầu làm việc, hôm sau không bao giờ sử dụng ngòi bút hôm trước dù chỉ mới dùng để ký tên. Xem xong công văn, ký xong, Người xuống công viên và mặc dù có tiếng đồn âm mưu phản loạn đã hai năm, Người vẫn đi dạo một mình, không có vệ sĩ đi kèm, ngoài lính gác lâu đài Alexandre. Đến năm giờ chiều Người trở về, ăn tối một mình và đi ngủ theo tiếng nhạc quân bảo vệ chơi dưới cửa sổ, những bản nhạc luôn được Người chọn lọc trong số những âm điệu buồn nhất, ru Người ngủ trong khung cảnh giống ban ngày đã qua.
Về phần mình, Hoàng hậu sống trong cô đơn sâu lắng, trông chừng Hoàng đế như một thiên thần vô hình, tuổi tác không dập tắt được tình yêu sâu sắc của bà đôi với chồng, nó vẫn luôn giữ trong trắng, vĩnh cửu mặc dù có nhiều sự không trung thành của chồng. Thời kỳ ấy bà đã bốn mươi lăm tuổi, nhưng thân hình còn mảnh mai dễ coi, trên khuôn mặt còn vết tích một sắc đẹp lộng lẫy bắt đầu phai tàn qua mươi năm đau khổ. Tóm lại bà trinh bạch như một vị thánh, không bao giờ người ta có thể bôi nhọ được bà, đến nỗi gặp bà ai cũng nghiêng mình, trước một tấm lòng phúc hậu cao cả hơn là quyền lực, trước một thiên thần bị đày xuống hạ giới hơn là trước một người đàn bà trị vì trên mặt đất.
Mùa hè tới, các bác sĩ đồng thanh quyết định cần có một cuộc đi du lịch để hoàn toàn khôi phục sức khoẻ cho Hoàng đế, tự xác định Crimée là nơi có khí hậu tốt để an dưỡng. Alexandre tiếp nhận phương pháp điều trị của các thầy thuốc một cách thờ ơ hoàn toàn. Cuối cùng vừa quyết định ra đi thì Hoàng hậu đề nghị và được phép đi cùng chồng. Chuyến đi đưa lại một đợt làm việc quá sức cho Hoàng đế vì ai cũng vội vã giải quyết công việc với Người cho xong, như thể rồi không gặp lại Người nữa vậy. Vì vậy trong nửa tháng Người phải dậy sớm, ngủ muộn nhưng sức khoẻ của Hoàng đế xem ra không bị suy nhược, trong tháng sau, sau một bữa tiệc chúc phúc cho chuyến đi cả gia đình hoàng gia tham dự. Người rời Saint-Peterbourg, có Hoàng hậu cùng đi, người đánh xe Ivan trung thành điều khiển xe, một số sĩ quan cận vệ đi theo dưới sự chỉ huy của tướng Diebitch.
Người thầy dậy đánh kiếm
Mở đầu
CHƯƠNG 1
CHƯƠNG 2
CHƯƠNG 3
CHƯƠNG 4
CHƯƠNG 5
CHƯƠNG 6
CHƯƠNG 7
CHƯƠNG 8
CHƯƠNG 9
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 11
CHƯƠNG 12
CHƯƠNG 13
CHƯƠNG 14
CHƯƠNG 15
CHƯƠNG 16
CHƯƠNG 17
CHƯƠNG 18
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 2O
CHƯƠNG 21
CHƯƠNG 22
CHƯƠNG 23
CHƯƠNG 24 (Hết)