CHƯƠNG 3
Tác giả: Alexandre Dumas
Tôi không phải băn khoăn lo lắng về xe cộ. Vừa ra đến đường phố đã thấy mỗi ngã tư có những trạm xe các loại. Đi qua quảng trường Amirauté để tới hàng cộg Alexandre, vừa ký hiệu gọi đầu tiên, nhiều người đánh xe đã chạy tới vây quanh đề nghị, giá rất vừa phải. Không có giá cước cụ thể, tôi muốn xem họ giảm giá đến mức nào, cuối cùng một người hạ giá xuống đến năm rúp. Đồng ý năm rúp, tôi thoả thuận với người đánh xe là đi suốt ngày và tôi chỉ cho anh ta đến ngay lâu đài Tauride.
Những người đánh xe ở thành phố này nói chung là những nông nô, vừa một khoản tiền nộp, họ được phép chủ cho đến Saint-Peterburg làm giàu. Dụng cụ kiếm tiền là một loại xe kéo bốn bánh, bên trong xe chiếc ghế dài thay vì để ngang lại để dọc nên hành khách ngồi như trẻ con đi xe đạp trên đường phố Champ-Elysées. Chiếc xe do một con ngựa kéo, cũng không kém hoang dã như chủ, vừa rời bỏ những đồng cỏ nơi sinh ra và chạy ngược xuôi trên đường phố Saint-Peterbourg. Người đánh xe thể hiện đôi với con ngựa một tình cảm rất bố con và thay vì đánh đập như những người đánh xe Pháp, anh nói với ngựa còn thân mến hơn người chăn la Tây Ban Nha nói với con la quý của mình. Đấy là ông bố, ông bác, con bồ câu nhỏ, sáng tạo ra những bài hát và lời hứa hẹn với ngựa một cuộc sống khác đổi lấy những nặng nhọc hiện nay, với những niềm hạnh phúc mà người khó tính nhất cũng sẽ hài lòng. Vì thế con vật khốn khổ, cảm nhận được sự vuốt ve hoặc tin tưởng vào lời hứa, không ngừng đi nước kiệu và hầu như không bao giờ được cởi yên cương, chỉ dừng lại ăn trong những máng cỏ đặt khắp các đường. Đấy là về chiếc xe và con ngựa.
Còn người đánh xe, anh có một nét giống những người hài hước xứ Naples, anh ta không cần biết ngôn ngữ của khách, chỉ nhờ vào sự thông minh tinh tế, anh có thể nắm bắt được ý nghĩ của người đối thoại. Anh ta ngồi trên một chiếc ghế giữa chiếc xe và con ngựa, biển số treo ở cổ thòng xuống hai vai để hành khác không bằng lòng về người đánh xe có thể nắm lấy đưa đến cảnh sát khiếu nại và trong trường hợp này người đánh xe hầu như luôn luôn bị phạt, nhưng hiếm khi xảy ra việc ấy.
Dân tộc Nga có bản chất tốt và không có thủ đô nào tôi biết lại giống như ở Saint-Peterbourg, hiếm có những vụ giết người vì dại dột hoặc thù hằn. Còn hơn thế, tuy rất muốn trộm cắp nhưng người nông dân Nga ghê tởm hành vi phá rào và người ta có thể giao cho một người gác cửa hoặc đánh xe chuyển một bức thư niêm phong đầy tiền giấy mà không sợ thất thoát dù anh ta biết trong đó có cái gì, còn nếu để trong tầm tay người ấy vài đồng tiền nhỏ nhất cũng sẽ là sự thiếu khôn ngoan.
Tôi không rõ người đánh xe c tôi có hay ăn cắp không nhưng chắc chắn anh rất sợ bị đánh cắp. Khi đến cửa lâu đài Tauride, anh cho tôi biết lâu đài có hai lối ra vào và rất mong tôi đưa cho anh một phần trả dần trong số năm rúp tương đương giá tiền đoạn đường vừa đi. Nếu là ở Paris, tôi đã nghiêm khắc trả lời với kẻ đòi tiền hỗn láo, còn ở Saint-Peterbourg tôi chỉ cười vì chuyện quỵt xe thường xảy ra. Thật vậy, hai tháng trước đây Hoàng đế Alexandre đi bộ dạo chơi theo thói quen, gặp trời sắp mưa gọi một chiếc xe ngựa đưa về hoàng cung. Đến đây ông tìm trong túi không có tiền, bèn xuống xe và nói với người đánh xe:
- Anh chờ đây, ta sẽ cho người đem tiền ra trả.
- À! Vâng, không biết tôi có nên đợi không.
- Sao vậy? – Hoàng đế ngạc nhiên hỏi.
- Ồ, tôi biết rõ điều mình nói, biết bao nhiêu người tôi chở đến trước một ngôi nhà hai lối ra vào xuống xe không trả tiền, bao nhiêu người chịu tiền tôi rồi không trả.
- Thế nào, ngay cả trước cung điện Nhà vua ư?
- Ở đây thường như thế hơn những chỗ khác. Những ông lớn thường ít nhớ.
- Anh phải thưa kiện để người ta bắt kẻ quỵt tiền chứ - Alexandre nói vì câu chuyện làm ông thích thú.
- Bắt một nhà quý tộc! Ngài rất biết là không thể được. Nếu ai đó trong chúng tôi – người đánh xe trả lời – có thưa kiện thì rất dễ bị người ta bỏ tù. Vì vậy xin Ngài tìm kỹ trong túi, tôi chắc Ngài sẽ tìm được tiền trả cho tôi.
- Này – Nhà vua nói – ta có chiếc áo khoác đáng giá với chuyến đi, đúng không? Anh giữ lấy rồi đưa lại cho người đem tiền ra cho anh.
- Thế thì được! – người đánh xe nói – Ông rất biết điều.
Một lúc sau anh ta nhận tờ giấy một trăm rúp đổi lại chiếc áo. Hoàng đế trả tiền xe vừa cho mình vừa cho những người đến hoàng cung.
Do không thể tuỳ hứng thoải mái như thế, tôi chỉ đưa cho người đánh xe năm rúp giá đưa đón khách trong ngày, để chứng tỏ cho anh thấy tôi tin tưởng ở anh ta. Đúng là tôi đã biết số xe của anh và anh không biết tên tôi.
Lâu đài Tauride, vừa những đồ gỗ tuyệt đẹp, những bức tượng hoa cương và hồ cá vàng, là món quà của cận thần Potemkine tặng nữ hoàng hùng mạnh Catherine II của ông để kỷ niệm việc chinh phục đất nước. Điều đáng ngạc nhiên không phải ở vẻ huy hoàng của quà tặng mà là ở sự sùng bái ẩn sau nó. Một kỳ quan được xây dựng ở thủ đô mình mà Catherine không hề biết, cho đến một buổi tối, vị bộ trưởng mời nữ hoàng dự bữa tiệc đêm do ông tổ chức. Khi đến bà mới phát hiện thấy một toà lâu đài lộng lẫy trang trí hoa tươi đẹp như trong cõi tiên.
Chính vì vậy Potemkine là mẫu người của những ông hoàng hãnh tiến cũng như Catherine II là mẫu người của các bà hoàng ngẫu hứng, một là hạ sĩ quan bình thường, người kia là công chúa nước Đức, tuy vậy trong số tất cả những ông hoàng và nhà vua kế vị thời kỳ ấy, người ta thấy hai người này là những người được hơn cả.
Một sự tình cờ lạ lùng hơn là một tính tóan Trời định đã tập hợp họ lại với nhau.
Catherine mới ba mươi ba tuổi, đẹp, được yêu thương vì lòng từ thiện và được kính trọng vì sùng đạo, bỗng được tin Pierre III muốn đuổi bà đi để cưới nữ bá tước De Vorontsoff và để có lý do ruồng bỏ bà, Pierre dự tính tuyên bố việc bà sinh ra Paul Petrovich là bất hợp pháp. Bà hiểu ngay mình không được chậm trễ. Mười một giờ đêm hôm đó rời lâu đài Peterhoff, lên chiếc xe hai bánh của một người nông dân, người này không biết mình đang chở vợ của Hoàng đế Nga tương lai. Bà đến Saint-Peterbourg khi trời vừa sáng, tập hợp những người bạn tin cậy dẫn đầu họ đến trước các trung đoàn đồn trú ở đây. Đứng trước hàng quân, Catherine kêu gọi họ, gợi lên sự kính trọng của những người đàn ông, lòng trung thành của những người lính, rồi tranh thủ cảm xúc do bài diễn văn gây nên, bà rút ra một thanh kiếm ném bao đi, hỏi xin một giây đeo để buộc kiếm vào cánh tay. Một hạ sĩ trẻ mười tám tuổi bước ra khỏi hàng, lại gần đưa dây đeo của mình cho bà. Catherine với nụ cười dịu dàng đón nhận lấy. Chàng sĩ quan định trở về hàng ngũ nhưng con ngựa chàng cưỡi vốn quen đi trong hàng kỵ binh, nhảy chồm lên, ngang bướng ở lại bên cạnh con ngựa của Hoàng hậu. Bà nhìn người kỵ sĩ đẹp trai sát cạnh bà, bà cố gắng tách ra xa chàng trai nhưng không có hiệu quả. Một điều gì đó mơ hồ chỉ rõ cho bà đây sẽ là người bảo vệ bà. Bà phong ngay chàng trai là sĩ quan và tám ngày sau, khi Pierre III bị lật đổ đành nhường vương miện lại cho bà. Khi đã thực thụ là nữ hoàng, bà gọi Potemkine tới, phong cho làm nhà quý tộc trong cung điện.
Từ ngày đó vận mệnh của người cận thần đã sang trang mới. Những kẻ muốn cạnh tranh với chàng đều thất bại. Một kẻ tên là Zoritch được Potemkine bảo trợ, đưa vào bên cạnh Catherine, lợi dụng khi chàng đi vắng, đã vu khống để làm hại chàng. Potemkine nghe tin báo, vội quay về căn nhà cũ của mình trong hoàng cung. Khi được biết mình đã hoàn toàn bị thất sủng và sẽ bị đi đày, chàng mặc nguyên quần áo đi đường, vào gặp ngay Nữ hoàng. Ở cửa phòng một trung uý trẻ đứng gác ngăn chàng lại. Potemkine ôm sườn anh ta, nâng lên quăng sang một bên, rồi vào phòng Nữ hoàng và chỉ mười lăm phút sau đi ra, trên tay cầm một tờ giấy.
- Cầm lấy – chàng nói với viên trung uý trẻ - đây là một chứng chỉ thăng đại uý tôi vừa xin được ở Nhà vua cho anh.
Ngày hôm sau, Zoritch bị đày đến thành phố Chklov theo chỉ thị của Nữ hoàng.
Về phần mình, chàng Potemkine lần lượt mơ về lãnh thổ của công tước Courlande và ngôi vua Ba Lan, rồi lại chẳng thiết gì những cái đó, chàng tự hài lòng với việc tổ chức các lễ hội cho các ông vua và tặng những lâu đài cho các nữ hoàng. Chàng nghĩ vương miện liệu có làm cho chàng mạnh và xa hoa hơn những gì chàng đang có không? Triều thần chẳng đã tôn sùng chàng như một hoàng đế rồi sao? Tay trái chàng chẳng đã đầy kim cương, còn tay phải để trần nắm chắc thanh gươm đó sao? Phải chăng chàng đã có những chuyến xe đi thu thập cá ở sông Volga, dưa hấu ở Astrakhan, nho Crimée, hoa ở những nơi có hoa đẹp và trong những ngày đầu năm, ngoài quà tặng, chàng đã biếu nữ hoàng của mình một đĩa anh đào đáng giá mười nghìn rúp?
Khi là thiên thần, khi ma quỷ, chàng liên tục xây dựng hoặc phá huỷ tất cả, làm đảo lộn tất cả nhưng làm tất cả dồi dào sinh lực. Ông hoàng Ligne nói đúng khi bảo rằng ở chàng có một tính lớn lao lãng mạn và sự hoang dã.
Cái chết của chàng cũng kết thúc kỳ lạ như sự đổi đời của chàng. Chàng vừa trải qua một năm ở Saint-Peterbourg giữa những tiệc tùng và hoan lạc, nghĩ đã làm đủ cho vinh quang của mình và của Catherine khi đẩy lùi biên giới nước Nga vượt quá Caucase thì bỗng được tin ông già Reptnine trong lúc chàng vắng mặt đi đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ buộc chúng phải đề nghị hoà bình, chỉ trong hai tháng ông đã làm được hơn chàng trong ba năm.
Thế là không còn nghỉ ngơi được nữa, dù đang bị bệnh nhưng mặc kệ chàng phải đi. Còn bệnh tật, chàng sẽ đấu tranh và tiêu diệt nó. Chàng đến Jassy đi Otchakov, vùng chàng đã chinh phục được. Đi được vài nghìn mét, chàng cảm thấy không khí trong xe ngột ngạt, chàng sai người trải áo khóac trên mặt đất, chàng xuống xe nằm lên trên đó và rồi tắt thở ngay bên vệ đường.
Catherine tưởng chết đi vì cái chết của chàng. Bà ngất đến ba lần, khóc rất nhiều và luôn luôn nhắc tên chàng.
Lâu đài Tauride vào lúc tôi đến thăm, là chỗ ở của Đại Quận công Michel, trước kia là nơi tạm trú của Hoàng hậu Louise, người đàn bà cưỡi ngựa hiện đại có hy vọng có lúc thắng được đối thủ của mình; vì Napoléon khi gặp bà lần đầu tiên có nói "Thưa bà, tôi biết rõ là là người đẹp nhất trong các hoàng hậu nhưng không biết bà là người đẹp nhất trong những người đàn bà". Những lời tán tỉnh của người anh hùng xứ Corse không kéo dài bao lâu. Một hôm Hoàng hậu Louise cầm chơi một bông hồng.
- Đưa cho tôi bông hồng ấy – Napoléon bảo.
- Ngài cho tôi thành phố Magdebourg – Hoàng hậu trả lời.
- Ồ! Không! – Hoàng đế kêu lên – Như vậy thì quá đắt!
Hoàng hậu bực bội vứt bông hồng đi nhưng bà không có được Magdebourg.
Rời lâu đài Tauride, tôi tiếp tục cuộc du ngọan. Đi qua cầu Troiskoï để tham quan căn lều của Pierre Đệ Nhất, một thứ đồ trang sức thô thiển của hoàng gia hôm trước tôi chỉ mới thấy cái vỏ bên ngoài.
Lòng tín ngưỡng của quốc gia này đã khiến người ta cho giữ công trình nguyên như cũ: phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ như đang chờ nhà vua trở về. Trong sân là chiếc thuyền nhỏ do người thợ mộc Saardam làm. Hoàng đế đã dùng chiếc thuyền ấy đi trên sông Neva đến những điểm cần có mặt ở thành phố đã sinh ra ông.
Gần chỗ ấy là nơi an nghỉ của ông. Thi hài ông cũng như những người kế vị, yên nghỉ trong nhà thờ Saint-Pierre và Saint-Paul giữa trung tâm pháo đài. Ngôi nhà thờ này có mũi tên vàng gợi lên cảm giác không tương xứng và kém thẩm mỹ. Giá trị duy nhất của nó là chỗ kho tàng mồ mả trong đó. Mộ Hoàng đế Nga ở gần cửa ra vào cánh phải, trên vòm trần nhà treo hơn bảy trăm lá cờ lấy của người Thổ, Thuỵ Điển và Persans.
Tôi đi qua cầu Tioutchkoff trên đảo Vasileivskoi. Những cảnh vật gây sự chú ý trong khu này là sở Giao dịch (chứng khóan) và các Viện hàn lâm. Tôi chỉ lướt qua những công trình này. Tôi vượt cầu Isaac và đường Phục hưng, thấy kênh Fontalka, đi dọc theo bến cảng đến tận nhà thờ Thiên chúa giáo. Tôi dừng lại ở đây để thăm viếng ngôi mộ của Moreau. Mộ chỉ là một tấm đá đơn giản đặt trước mặt bàn thờ ở giữa chánh điện.
Trong các nhà thờ tôi đi thăm thì nhà thờ Kazan là Nhà thờ Đức Bà ở Saint-Peterbourg, bước vào nhà thờ phải qua hàng cột kép xây dựng theo mẫu nhà thờ Saint-Pierre ở Rome. Ở đây ngược lại với thói quen của người Nga, việc quảng cáo không thể hiện bằng hiện vật. Bên ngoài nhà thờ bằng thạch cao và gạch, bên trong trang trí bằng đồng thau, hoa cương, đá granit, những cánh cửa rắn chắc tạc bằng bạc khối, nền bằng đá thạch anh, tường dát đá hoa cương.
Trong một ngày tôi đã xem khá nhiều công trình. Tôi cho xe đưa đến nhà bà Xavier nổi tiếng để chuyển bức thư cho người đẹp đồng hương. Cô không ở nhà này đã sáu tháng nay và bà chủ cũ của cô cho biết với giọng rất thờ ơ là cô ta ở riêng khoảng giữa con kênh Moika và cửa hàng Orgelot. Địa chỉ này cũng dễ tìm vì Orgelot là cửa hàng có tiếng ở đây.
Mười phút sau tôi đứng trước ngôi nhà được chỉ dẫn. Xác định đây đúng là nhà người đồng hương, tôi để người đánh xe ra về và vào hỏi cô Louise Dupuy.
Một cô gái hỏi tôi đến hỏi hàng hay hỏi việc riêng, tôi trả lời vì việc riêng.
Cô đứng dậy ngay và dẫn tôi về nhà bà chủ.