CHƯƠNG 9
Tác giả: Alexandre Dumas
Catherine đã nói ở Saint-Peterbourg không có một mùa đông một mùa hè, mà có hai mùa đông, một mùa đông trắng, một mùa đông xanh.
Sắp tới mùa đông trắng và tôi không khỏi tò mò chờ đợi hiện tượng này. Hoàng thân Constantin đã trở lại Varsovie, vì không phát hiện được gì về âm mưu đã khiến ông phải về Saint-Peterbourg, và Hoàng đế Alexandre cảm thấy chung quanh mình có một âm mưu lớn, nên đã chia tay với những rừng cây đẹp ở Tsarskoï Selo, bây giờ lá rụng phủ đầy mặt đất. Những ngày đầy nắng và những đêm trăng mờ đã biến mất, không còn màu xanh da trời, không còn ngọn lam cuộn trôi cùng những làn sóng trên sông Neva, không còn những điệu nhạc thoang thoảng trong gió, những chiếc thuyền chở đầy phụ nữ và hoa. Tôi những muốn thăm lại một lần nữa những hòn đảo đẹp khi mới đến tôi thấy phủ đầy cây lạ, lá dày, hoa nở rộng, nhưng cây đã được đưa vào nhà kính trong tám tháng. Tôi tới tìm những lâu đài, miếu mạo, những công viên tươi đẹp, chỉ thấy những ngôi nhà sương mù bao bọc, chung quanh là những cây sồi đã rụng hết lá và những cây thông giơ những cánh tay mang viền tang tóc, mà cư dân là những loài chim đã nhảy nhót suốt mùa hè đã bay khỏi Saint-Peterbourg đi ẩn náu.
Tôi đã làm theo lời khuyên của ông bạn Lyon gặp ở bàn ăn khi vừa đến là cuộn đầy quần áo lông thú mua ở chỗ ông này, chỉ còn chạy từ đầu đến cuối phố dạy những bài học đánh kiếm mà cuối cùng hầu như đều chuyển thành trò chuyện thay vì những bài trình diễn hoặc tấn công. Nhất là ông Gorgoli, sau mười ba năm đứng đầu ngành cảnh sát, đã xin từ chức vì một cuộc tranh cãi với tướng Miladorovitch, thị trưởng thành phố, và trở về đời thường, cảm thấy cần nghỉ ngơi sau một thời gian dài hoạt động. Ông Gorgoli đôi lúc yêu cầu tôi để nhiều giờ liền kể cho ông nghe về nước Pháp và những công việc của tôi như với một người bạn. Sau ông, ông De Bobrinski tỏ ra mến tôi nhất và trong những thứ quà cáp cho tôi, ông đã tặng tôi một thanh gươm Thổ Nhĩ Kỳ rất đẹp. Còn Bá tước Alexis, luôn là người bảo trợ nhiệt tình tuy hiếm khi gặp được ông, do ông luôn bận rộn với những cuộc họp mặt bạn bè ở Saint-Peterbourg và cả ở Moscou. Hai thủ đô này cách nhau hai trăm dặm nhưng ông không ngừng di chuyển trên con đường này vì con người Nga này là một tổng hợp lạ lùng về sự mâu thuẫn và tính tình mềm yếu, dễ lao vào hoạt động sốt sắng vì buồn phiền!
Chỉ thỉnh thoảng tôi mới gặp ông ở nhà Louise. Tôi thấy cô đồng hương có một nỗi buồn sâu sắc trông càng ngày càng trở nên rầu rĩ. Khi gặp một mình cô, tôi hỏi cô nguyên nhân về nỗi buồn ấy, cho rằng vì ghen tuông đàn bà. Khi tôi đề cập đến vấn đề ấy, cô lắc đầu và nói rất tin tưởng ở Bá tước Alexis, làm cho tôi bắt đầu nghĩ đây là do ông tham gia tích cực vào một âm mưu bí mật mà người ta đang nói tới, cũng không biết gồm những ai và chống lại ai. Còn ông, có thể đại diện cho một thái độ đáng tôn vinh của những người Nga mưu phản, tôi nhớ không một lần thấy có sự thay đổi nhỏ nào trong nét mặt, tính tình.
Ngày 9 tháng 11 năm 1824, sương mù dày đặc bao phủ thành phố và đã ba ngày làn gió tây nam lạnh và ẩm ướt thổi mạnh từ vịnh Phần Lan, sông Neva cuộn sóng như mặt biển. Nhiều đám đông tập trung trên bến cảng, mặc gió rét thổi rát mặt, lo lắng theo dõi con sông lồng lộn và tính đếm những vòng chỉ mực nước dâng lên, gắn xen kẽ nhau dọc theo bức tường đá granit. Một số người đứng cầu nguyên dưới chân tượng Đức Bà trước đây suýt làm Pierre Đại Đê' từ bỏ ý định xây dựng thành phố hoàng gia, đã tính mức sông lên đến tầng hai các ngôi nhà. Trong thành phố ai cũng sợ hãi khi thấy nước giếng chảy mạnh, các giòng nước xuất hiện cuồn cuộn như bị một sức mạnh lạ dồn ép trong những kênh ngầm. Cuối cùng có một cái gì đó u tối tràn khắp thành phố, chỉ rõ một tai họa lớn sắp đến gần.
Chiều đến những trạm báo hiệu được bố trí gấp đôi ở khắp nơi.
Ban đêm một cơn giông tố dữ dội nổi lên. Người ta ra lệnh nâng hẳn những chiếc cầu để tàu bè vào tránh bão ở trung tâm thành phố. Cả đêm tàu ngược dòng Neva vào thả neo trước pháo đài giống như những con ma trắng.
Tôi ở nhà Louise đến nửa đêm. Cô càng lo sợ vì Bá tước Alexis được lệnh tập trung ở trại kỵ binh cận vệ. Việc phòng thủ bố trí y như khi thành phố ở trong tình trạng chiến tranh. Rời nhà cô, tôi đi một lúc trên bến cảng. Sông Neva bị khuấy động mạnh nhưng nước chưa dâng cao rõ rệt, thỉnh thoảng về phía bỉên có những tiếng lạ, như tiếng rên rỉ kéo dài.
Tôi trở về nhà. Trong nhà chưa ai ngủ. Một con lạch chảy trong sân, từ lâu nước đã tràn vào tầng trệt. Người ta bảo ở những chỗ khác nước toé ra, nâng cả những viên gạch. Thực vậy, đi trên đường tôi cảm thấy như nước đang chảy ngầm giữa những tảng đá nhưng không nghĩ đến nạn lụt vì chưa bao giờ tôi biết đến nó. Tôi lên căn hộ ở tầng ba rất yên ổn. Tuy nhiên ít lâu sau tôi nhận thấy những người khác bị náo động hơn bản thân tôi nên không ngủ được. Nhưng rồi quá mệt mỏi, tôi thiếp đi theo nhịp ầm ì của cơn dông bão.
Đến tám giờ sáng thì tôi thức dậy vì một tiếng súng ca nông. Tôi quàng chiếc áo mặc trong phòng và chạy lại cửa sổ. Đường phố xôn xao khác thường. Tôi vôi mặc quần áo và chạy xuống.
- Tiếng súng ca nông ấy là thế nào? – tôi hỏi một người đang mang chăn đệm lên tầng hai.
- Nước đang lên, thưa ông.
Ông ta trả lời rồi tiếp tục đi lên. Tôi xuống đến tầng trệt, nước lên đến mắt cá tuy sàn nhà vốn cao hơn mặt đường ba bậc thềm. Tôi chạy ra ngưỡng cửa ra vào, phần giữa con đường bị ngập, xe đi lại làm dồn sóng lên mặt hè đường.
Tôi thấy một chiếc xe ngựa liền gọi lại nhưng người đánh xe từ chối chở đi vì muốn nhanh chóng trở về trạm. Tôi đưa một tờ giấy bạc hai mươi rúp làm anh ta quyết định chở tôi đi. Tôi nhảy lên xe, chỉ hướng nhà Louise, đại lộ Nevski. Nước lên đến khoeo chân ngựa và cứ năm phút người ta lại bắn ca nông và bắn từng phát. Những người tôi gặp đều nói "Nước đang lên!"
Tôi đến nhà Louise. Một người lính đi ngựa đang dừng lại trước cửa. Anh được Bá tước Alexis cử phi nước đại đến nói cho cô hãy dọn lên tầng cao nhất của toà nhà để tránh hốt hoảng. Gió vừa trở hướng tây dồn nước vào sông Neva, trông như biển đang tranh chấp với sông. Người lính làm xong nhiệm vụ khi tôi bước vào nhà, anh phi ngựa về trại lính, bụng ép xuống mình ngựa, làm tung toé nước quanh mình. Súng ca nông vẫn bắn.
Tôi đến vừa đúng lúc. Louise đang sợ chết khiếp. Có lẽ sợ cho mình ít hơn cho Bá tước Alexis, vì trại lính trong khu Narva sẽ là nơi bị lụt đầu tiên. Tin tức những lính vừa đưa tới cũng làm cô yên tâm được đôi chút. Chúng tôi cùng nhau lên tầng thượng, nơi cao nhất trong nhà, bao quát được thành phố. Trong những ngày đẹp trời, ở đấy nhìn thấy biển, nhưng lúc này sương mù dày đặc, chân trời rất gần và chỉ thấy một đại dương hơi nước.
Ca nông bỗng bắn gấp gáp, ở quảng trường Amirauté chúng tôi thấy những chiếc xe chở thuê tuôn ra trên các đường phố từ mọi hướng. Những người đánh xe thấy nước ngầm tràn ra khắp nơi thì nghĩ đây là một dịp đầu cơ tốt, tập trung ở những bến đỗ thường ngày. Họ kêu lên "Nước lên! Nước lên!" thúc giục mọi người chạy lụt. Và như thế, phía sau những chiếc xe như để đuổi theo, một đợt sóng cao nhô làn nước xanh lên quá bến cảng, đập vào góc cầu Isaac,tung bọt đến tận chân tượng đài Pierre Đại Đế.
Người ta nghe một tiếng kêu sợ hãi như cả thành phố đều trông thấy làn sóng ấy. Nước sông Neva tràn bờ.
Qua tiếng kêu, tầng thượng cung điện Mùa Đông tràn đầy quân phục. Hoàng đế, Ban tham mưu lên để chỉ huy vì tai nạn mỗi ngày một cấp bách. Người ta thấy nước đã lên quá nửa tượng đài liền nghĩ ngay đến những người tù khổ sở bị giam trong các hầm song sắt trước mặt bờ sông. Chủ một chiếc thuyền được lệnh nhân danh Hoàng đế đến báo với quản trị trưởng đưa họ ra khỏi nhà tù, đến nơi an toàn hơn. Chiếc thuyền đến quá chậm, trong lúc lộn xộn người ta đã bỏ quên họ. Họ bị chết hết.
Trong lúc đó chúng tôi thấy phía trên cung điện Mùa Đông chiếc du thuyền Hoàng gia tiến lại gần để nếu cần có thể chở Hoàng đế và gia đình. Nước lúc ấy phải ngang mức lan can bến cảng. Chúng tôi thấy một người đánh xe vùng vẫy với con ngựa kéo, và hiểu rằng trên đường phố không đi lại được nữa. Người đánh xe nhảy xuống bơi lại phía một cửa sổ và được kéo lên ban công tầng hai.
Mải chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi không nhìn về phía sông Neva. Lúc quay lại, chúng tôi thấy hai chiếc thuyền lớn trên quảng trường Amirauté. Nước lên cao đến mức thuyền đi qua những dãy lan can, Hoàng đế cho thuyền đến cứu những người sắp chết đuối. Ba chiếc khác cùng đi đến tiếp theo. Chúng tôi máy móc nhìn lại chỗ chiếc xe và con ngựa. Mái xe còn nổi nhưng con ngựa đã chìm. Vậy là mực nước trên đường phố phải cao đến sáu bộ. Súng ca nông đã ngừng bắn được một lúc, chứng tỏ lụt đã lên tới tường thành.
Lúc ấy người ta bắt đầu thấy bập bềnh những mảng nhà do sóng đưa từ ngoại ô tới. Đấy là những ngôi nhà gỗ khốn khổ của khu Narva, không trụ vững được trước cơn cuồng phong, bị bốc đi cùng với những người ở trong đó.
Một chiếc thuyền đi qua Đại lộ vớt được một người đàn ông, nhưng đã chết. Khó nói được cảm xúc của chúng tôi trước nạn nhân đầu tiên ấy.
Nước tiếp tục dâng nhanh một cách đáng sợ, ba con kênh bao quanh thành phố đổ ra đường những chiếc thuyền chở đá, cỏ khô và gỗ. Thỉnh thoảng thấy có người cố bám vào những hòn đảo nổi ấy, trèo lên chỏm ra hiệu cho thuyền đến cứu. một việc làm thật khó khăn vì sóng nước trên đường phố hoặc trong kênh đang lồng lộn dữ dội, đến nỗi trước khi thuyền cấp cứu đến nơi thì nạn nhân đã bị một làn nước cuốn đi hoặc trông thấy những người xem là cứu tinh cũng bị nhấn chìm.
Chúng tôi cảm thấy ngôi nhà mình đứng đang rung lên dưới những đợt sóng đã mấp mé tầng hai, tôi nghĩ ngôi nhà sẽ rạn nứt và những tầng trên đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng giữa cảnh ồn ào ấy Louise chỉ có một câu nói đầu miệng "Alexis! Ô! Lạy Chúa! Alexis!"
Hoàng đế tỏ vẻ thất vọng , Bá tước Miladonovitch, thị trưởng Saint-Peterbourg, ở bên cạnh Người, nhận và truyền đạt mệnh lệnh, tuy nguy hiểm đến mấy cũng được thực hiện tận tuỵ đến thần kỳ. Thế nhưng tin tức đưa lại mỗi lúc một thảm hại. Trong một trại lính của thành phố, cả một trung đoàn lên tránh lụt trên mái nhưng ngôi nhà sụp đổ và tất cả những người khốn khổ ấy đều biến mất. Trong lúc người ta báo cáo việc ấy với Hoàng đế, một người lính bị làn sóng kéo ra khỏi trạm gác, thấy Hoàng đế trên tầng thượng, anh đứng ngay dậy, bồng súng chào. Khi ấy một đợt sóng lật nhào, cuốn anh đi. Hoàng đế thét lên, ra lệnh thuyền đến cứu. May mắn, anh lính biết bơi, trụ được một lúc dưới nước, chiếc thuyền đến kịp đưa anh vào lâu đài.
Tất cả cuối cùng là một cảnh hỗn độn. Những chiếc thuyền đụng vào nhau vỡ toác ra, các mảnh vụn trôi giữa những mảng nhà, đồ đạc bồng bềnh, và xác người, xác súc vật. Những chiếc quan tài bị bốc lên từ các phần mộ bung ra cả những bộ xương người, một chiếc thập tự từ nghĩa trang bị cuốn qua một cửa sổ hoàng cung và được tìm thấy như một dự báo tang tóc trong phòng Nhà vua!
Nước biển dâng lên như thế trong mười hai tiếng đồng hồ. Khắp các nhà, tầng hai bị ngập và trong một khu phố nước lên đến tầng ba, nghĩa là phía trên tượng Đức Bà sáu bộ. rồi nước bắt đầu xuống vì nhờ Chúa, gió chuyển từ tây bắc sang hướng bắc và sông Neva có thể tiếp tục chảy ra biển, chỉ thêm mười hai tiếng nữa thôi thì Saint-Peterbourg và cư dân sẽ bị biến khỏi mặt đất như những thành phố cổ xưa trong ngày Đại hồng thuỷ.
Suốt thời gian ấy, Hoàng đế, Đại Quận công Nicolas, Đại Quận công Michel và thị trưởng thành phố, bá tước Milarodovitch, không hề rời khỏi tầng thượng cung điện Mùa Đông, còn Hoàng hậu thì đứng ở cửa sổ phòng mình, ném tiền vàng cho những người chèo thuyền đi cứu người.
Dến chiều, một chiếc thuyền bơi tới tầng ba nhà chúng tôi. Trước đó Louise trao đổi tín hiệu vui với người lính trên thuyền mà cô nhận ra từ bộ quân phục. Thật vậy, anh mang tin của Bá tước Alexis tới và hỏi tin tức chúng tôi. Louise viết mấy hàng bằng bút chì để Bá tước yên tâm, tôi cũng thêm vào đấy một lời nhận xét và hứa sẽ không rời cô.
Nước biển tiếp tục xuống, gió ổn định từ phương bắc. Chúng tôi từ tầng thượng xuống tầng ba và qua đêm ở đây vì không có khả năng vào tầng hai, nước đã rút đi nhưng mọi thứ đều vấy bẩn và mất mát. Những cánh cửa bị gãy, sàn nhà đầy rác rưởi.
Đây là lần thứ ba từ một thế kỷ nay Saint-Peterbourg với những lâu đài bằng gạch và những cột thạch cao bị nước đe doạ, tương xứng lạ lùng với Naples ở đầu bên kia thế giới, khi châu Âu bị hoả hoạn đe doạ.
Sáng hôm sau trên đường phố mức nước chỉ còn hai, ba bộ. Nhìn những mảnh vụn và xác người đầy rẫy, người ta có thể đánh giá được thảm hoạ. Xác những chiếc tàu được tấp lên cao bằng chiều cao nhà thờ Kazan và ở Kronstad, một chiếc thuyền với hàng trăm súng ca nông bị đẩy lên giữa quảng trường, và trước khi đến đó đã làm lật nhào hai ngôi nhà như va vào đá tảng.
Giữa cơn thù hận của Chúa, con người cũng có một sự báo thù ghê gớm.
Vào mười một giờ đêm vị bộ trưởng được Hoàng đế gọi, để cô tình nhân ở nhà, dặn khi có dấu hiệu nguy hiểm thì lên những tầng nhà trên, nước không tới được. Việc dễ dàng thôi vì nhà của bộ trưởng là một trong những ngôi nhà đẹp nhất trên đường Phục Hưng, có bốn tầng lầu.
La Gossudarina vậy là ở nhà một mình với những người nô lệ. Vị bộ trưởng tới cung điện Mùa Đông bên cạnh Hoàng đế cho đến hôm sau, nghĩa là suốt thời gian ngập lụt. Được tự do, ông trở về nhà ngay, thấy các cửa bị phá vỡ, nước lên cao mười bảy bộ, nhà hoàn toàn bỏ vắng.
Lo ngại cho cô tình nhân đẹp, bộ trưởng vào ngay phòng ngủ của cô. Cửa ra vào đóng kín, cánh cửa duy nhất trụ vững được với sóng nước, hầu hết những cửa khác đều bị bật và cuốn đi. Trước hoàn cảnh lạ lùng ấy, ông đập cửa và gọi, tất cả đều vắng lặng, càng lo sợ hơn và sau những cố gắng lạ thường, ông phá được cánh cửa.
Xác La Gossudarina nằm ngay giữa phòng, nhưng cảnh tượng ghê gớm không chỉ do lụt, bằng chứng là thân không còn đầu.
Bộ trưởng suýt điên lên vì đau đớn, chạy ra kêu cứu ngay ở ban công mà trước đây Machnka ngồi xem hành hạ người yêu cũ của mình. Mấy người chạy đến thì thấy ông quỳ gối gần cái thân cụt đầu.
Người ta tìm trong phòng, thấy chiếc đầu bị sóng cuốn lên trên giường, gần đầu là đôi kéo to người ta dùng cắt rào vườn và dĩ nhiên là dụng cụ giết người.
Tất cả nô lệ của bộ trưởng trông thấy cảnh nguy hiểm, đều đã bỏ chạy mỗi người một phía, và đều trở về lại ngay tối hôm ấy hoặc ngày hôm sau.
Chỉ có người làm vườn không quay trở lại.