watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Ngày Xanh-Chương một - tác giả Archibald Joseph Cronin Archibald Joseph Cronin

Archibald Joseph Cronin

Chương một

Tác giả: Archibald Joseph Cronin

Nắm chặt tay bà ngoại, tôi bước ra khỏi nhà ga tối om, tiến vào thành phố xa lạ, sương mù bao phủ.
Hôm nay, lần đầu tiên gặp mặt ngoại tôi nhưng tôi sẵn sàng chờ đợi bàn tay dịu hiền che chở của người. Tôi cũng sẵn sàng để yêu thương, tin tưởng bà tôi dù là tình cảm trong lòng không được… tự nhiên mấy và dù bà tỏ ra rất vồn vã, săn đón đứa cháu mồ côi, bạc phước của người… Bên cái máy tự động bán sô cô la, bà tôi mua cho tôi một miếng, đó là thứ quà tôi rất thích, song tôi vẫn khó mà vui cho được.
Có lẽ do bà cháu tôi gặp nhau đột ngột quá, và phần nữa bởi khuôn mặt bà tôi cằn cỗi, chất chứa đầy lo lắng khác hẳn khuôn mặt xinh xắn, tươi đẹp của mẹ tôi, cho nên dù tôi đã được người ta cho biết trước đó là người đã sinh ra mẹ tôi, tôi vẫn ngỡ ngàng, bối rối.
Bà cháu tôi khởi hành từ Winton và suốt cuộc hành trình dài dặc bà tôi ngồi đối diện với tôi trong toa xe hỏa hạng ba. Bà tôi phục sức đơn giản, áo vải màu xám sờn cổ, một khăn quàng bằng lông thú mỏng quấn quanh cổ, đôi hoa tai đen, nhỏ, lủng lẳng và một món nữ trang rẻ tiền nhận hột đá đo đỏ, nom bà còn buồn bã hơn cả chính tôi.
Đôi mắt không ngớt nhìn ra khung cửa sổ, đôi môi mấp máy như đang nói mà không thành lời, thỉnh thoảng bà ngoại đưa khăn lên phất phất vài cái trước mắt như để đuổi những con ruồi lì lợm: dáng bộ bà hết sức nôn nả.
Xuống ga, bà ngoại vui vẻ một chút, mỉm cười âu yếm và nắm chặt tay tôi:
- Con không khóc nữa! Con ngoan quá! Con có thể đi bộ về nhà với bà chớ? Không xa lắm đâu, con ạ!
Muốn người vui lòng, tôi quả quyết rằng tôi đi bộ được. Trong thoáng chốc chiếc xe ngựa độc nhất đón khách bỏ xa chúng tôi, rời ga.
Vừa đi, bà tôi vừa chỉ cho tôi những dãy nhà to lớn, cốt để tôi được thêm hăng hái. Chúng tôi đi sâu vào con đường lớn dẫn vào thành phố.
Con đường như thể lắc lư theo nhịp bước, tai tôi vẫn còn ù ù vì tiếng sóng gầm trên mặt bể Ái Nhĩ Lan.
Ngang một dinh thự khá đẹp có những hàng cột đồ sộ bằng đá mài, trước mặt tiền có bày hai khẩu đại bác và một cột buồm cao, bà tôi cất giọng hãnh diện:
- Robert này, đây là Tòa Đô sảnh của Levenford. Đẹp ghê không? Ông ngoại con làm việc trong đó. Ông lo việc Vệ sinh Công cộng.
Tôi băn khoăn suy luận thầm: ông ngoại? À! Chắc là chồng bà ngoại, mà bà ngoại là mẹ của mẹ mình vậy thì ông là cha của mẹ mình?... Ông có hiền không? Ông ấy là cha của mẹ mình chớ không phải là cha mình, vậy thì…
Tôi bắt đầu mỏi chân và bà tôi nhận biết điều này, giọng bà ái ngại:
- Thật không may cho bà cháu ta, hôm nay tàu điện không chạy, xe ngựa đắt tiền…
Tôi thấm mệt và hơi lo sợ nữa. Buổi trưa tháng 8 trời xám xịt, tiếng ồn ào trên công lộ làm tôi càng cau có vì nhớ lại những tiếng động quen thuộc thường vọng lên tận cửa sổ nhà tôi ở Phoenix Terrace. Tiếng búa gõ chan chát từ một xưởng đóng tàu gần đó… Ngoại giơ bàn tay (với chiếc găng rẻ tiền, xấu xí) chỉ cho tôi thấy một hãng đồ nhôm và tôi nhận thấy ánh lửa lập lòe, khói tuôn lên cuồn cuộn. Rồi bà cháu rẽ vào một con đường nhỏ hơn, đến ngã tư, gió thổi mạnh tạt bụi vào mắt tôi làm tôi ho sặc lên.
Chúng tôi đã bỏ lại phía sau sự náo động nhức đầu, tiến gần một công viên nhỏ, có hồ nước lấp lánh và một quán nhạc. Rồi ra ngoại ô. Nơi này nom như một làng nhỏ xinh xắn và êm ả nằm dưới chân một ngọn đồi xanh tươi. Nhiều khóm cây, bồn cỏ, vài quán tạp hóa nhỏ, một lò rèn phía trước có chỗ cho ngựa nghỉ chân, uống nước và cũng có những biệt thự mới tinh đáng ghét, mang những cái tên kiểu cách như: "Helensville" hay "Glenelg" khắc trên tấm bảng vàng chói gắn ngay trước cổng.
Cuối cùng, chúng tôi dừng lại trên đường Drumbuck, trước một căn nhà song lập cao ráo, bằng đá xám, cửa sổ treo rèm màu kem và mang tên "Lomond View". Đây là căn nhà nghèo nàn nhất của con đường êm ả này. Chỉ những khung cửa ra vào và cửa sổ mới được tô xi măng. Mặt tiền căn nhà bớt vẻ buồn thảm, nặng nề nhờ những hàng cúc nở vàng khắp chân thềm và lác đác quanh đó.
- Đến nơi rồi, con ạ!
Ngoại tôi thở phào khoan khoái vì đã tới nhà, vui vẻ tiếp:
- Vào những ngày nắng ấm, chúng ta có thể ngắm khắp vùng từ cửa sổ trên kia. Chúng ta ở gần làng Drumbuck, con ạ! Levenford chỉ là một thị trấn nhỏ đầy khói nhưng mấy vùng lân cận thì rất đẹp… Nào! Hãy tỏ ra ngoan ngoãn nhé? Lau mặt đi con! Rồi theo ngoại…
Tôi đã đánh mất khăn tay trong khi khóc nhưng vẫn tuân lời bà, đi dạo một vòng quanh nhà, tim đập loạn xạ trong lồng ngực lép xẹp, vì nghĩ đến cuộc sống mới, giữa những kẻ xa lạ, chưa hề biết mặt. Những lời nói chứa đầy xót thương, ái ngại do bà Chapman thốt ra – bà là láng giềng của mẹ tôi ở Dublin - vẫn còn vẳng ở tai tôi: "Tội nghiệp cho con, bé bỏng thế mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ… Số phận con rồi đây không biết sẽ ra sao". Phải! Bà ta nói thế trong khi hôn từ biệt tôi ở ga Winton, trước khi giao tôi cho bà ngoại. Bà khóc, nước mắt ướt đẫm má tôi.
Đến cửa sau, ngoại tôi dừng chân trước một thanh niên, anh ta cỡ 20 tuổi dáng bộ nặng nề, lạnh nhạt, nước da xanh mét, tóc màu đen và đôi mắt cận thị giấu sau cặp kính dày cộm; anh ta đang quỳ xới đất. Thấy bà cháu tôi, anh ta đứng lên, tay vẫn khư khư cán cuốc. Bà tôi trách nhẹ:
- Mẹ bắt gặp con rồi đấy nhá? Murdoch nhá!
Đoạn, bà đẩy tôi tới trước, tiếp:
- Đây! Cháu Robert đã về đây, con ạ!
Thanh niên nhìn tôi chăm chú một giây rồi giọng cậu cất lên nồng nhiệt:
- Cậu rất vui được gặp cháu, Robert ạ! Chúng ta sẽ là bạn thân với nhau, cháu chịu không?
Và cậu quay sang bà tôi:
- Mẹ ơi! Hạt giống này do bác làm vườn cho con đó, chẳng tốn xu nào hết.
- Dù vậy, con cũng nên rửa tay trước khi ba trở về. Con đừng quên là ba con không thích thấy con làm vườn, Murdoch ạ!
- Thưa mẹ, gần xong rồi, con sẽ vào ngay.
Trước khi tiếp tục công việc, cậu ấy còn bảo bà tôi, giọng hãnh diện:
- Con đã luộc khoai tây giúp mẹ rồi, mẹ ạ!
Bà dắt tôi vào nhà bếp, bàn ghế tại đây không mấy tiện nghi, bằng gỗ đào chạm trổ, vách dán giấy kẻ ô được dùng làm phòng ăn và nơi tụ họp trong gia đình. Một đồng hồ quả lắc treo trên tường, tiếng tích tắc to một cách kỳ khôi.
Giọng dịu dàng, bà bảo tôi ngồi xuống rồi cởi mũ, áo choàng mắc vào cái tủ khuất sau tấm màn cũ kỹ. Mang tấm tạp dề xanh vào, nom bà tôi như vừa lấy lại được tự tin, bà thoải mái nhìn quanh căn nhà quen thuộc bằng ánh mắt âu yếm và bắt tay vào việc tức thì.
Còn tôi? Tôi ngồi thật thẳng trên ghế - nhưng nép vào một góc – cạnh lò sưởi và chỉ dám thở nhẹ như tuồng không dám làm kinh động ngôi nhà xa lạ bằng tiếng thở của mình.
Ngoại tôi ôn tồn bảo:
- Hôm nay đặc biệt, vì bà bận đi đón con nên bữa ăn chính của chúng ta sẽ là bữa chiều. Con nhớ khi ông ngoại về cố gắng tươi tỉnh lên một chút nhé? Ông con cũng có nhiều điều lo âu, bực bội, đừng làm ông con… Tội nghiệp ông con, ông cực nhọc vì trách nhiệm ở công sở quá…
Bà ngoại ngừng lại để thở rồi tiếp:
- Dì Kate của con cũng sắp về đây, dì con là giáo viên. Có lẽ mẹ con có nói đến dì với con chớ?
Thấy đôi môi tái nhợt của tôi run run, ngoại an ủi:
- Bà biết, dù con là con trai lớn nhưng gặp họ hàng lần đầu chắc cũng làm cho con lo lắng chút đỉnh. Không sao đâu, con ạ! Con phải biết rõ họ hàng, còn cậu Adam, con trai trưởng của bà nữa, cậu làm việc tại hãng Bảo hiểm ở Winton. Cậu không ở đây nhưng cậu rất hay về thăm nhà mỗi khi có dịp. Con cũng phải để ý đến cụ cố, mẹ của ông ngoại con (tuy hiện giờ cụ đi nghỉ mát ở nhà một người bạn rất xa, mỗi năm cụ ở đây với chúng ta sáu tháng). Sau hết là cụ cố ngoại, cha của bà ngoại đây…
Hình như bà biết tôi mệt nhoài với các nhân vật vừa kể, vội vàng mỉm cười âu yếm:
- Hiếm có đứa trẻ nào cỡ tuổi con mà có diễm phúc được còn thấy ông cố ngoại. Ngoại nói thật đó, con ạ! Nhưng ngoại có ý kiến này: con không gọi hai cụ cố bằng cố mà gọi là ông và là bà, còn bà và ông ngoại con thì con gọi bằng ba mẹ, nghe không? Chốc nữa đây, con bưng cơm lên cho ông nghe? Như vậy, con vừa giúp bà… quên, giúp mẹ và có thể dễ dàng làm quen với ông nữa.
Bà tôi – mà kể từ phút này, tôi sẽ gọi bằng mẹ - đặt bàn ăn cho năm người. Đoạn, bà dọn một mâm riêng, trên đó có ba khoanh bánh mì, một bát sứ đựng nước trà, ít mứt, phô mai. Tôi tò mò hỏi:
- Thưa ngoại, ông không ăn chung với chúng ta sao?
Bà ngoại bối rối một giây:
- Không con ạ! Ông dùng riêng trong phòng (bà đưa mâm cho tôi) con giúp ngoại được chứ? Lên thang gác, ở tận cùng đó. Cẩn thận kẻo ngã, nhé!
Tôi run rẩy, hai tay giữ chặt cái mâm bằng sơn mài, bước lên các bậc thang bằng gỗ đánh bóng. Ánh sáng yếu ớt của buổi xế rọi qua khung cửa sổ tròn trên mái nhà. Đến nơi, tôi thấy hai cánh cửa đối diện nhau, cửa thứ nhất khóa. Tôi run tay vặn quả nắm cửa thứ hai và cửa bật ra ngay.
Gian phòng ông cố ngoại tôi bừa bãi không thể tả: trên giường cao, bốn trụ đồng đã mất nước bóng, treo rèm sặc sỡ; chăn gối vứt lung tung. Dưới chân giường có tấm thảm bằng da gấu được cuộn tròn trong một góc. La va bô ngả màu vàng, cũ kỹ, khăn mặt thì như thể là giẻ lau bàn.
Một cái đồng hồ đen nằm trên mặt lò sưởi. Quanh phòng phảng phất mùi thuốc lá, mùi thức ăn, mùi hơi người tạo thành một thứ mùi hỗn tạp, thứ mùi của một gian phòng nhỏ có người ở thường xuyên.
Ông cố tôi ngồi trong cái ghế bành xiêu vẹo cũng già như ông, cạnh lò sưởi. Đôi giày vải trong chân ông rách mướp, bộ áo quần dày cũ mèm. Trước mặt ông là cái bàn thấp trải khăn màu lá úa, ông đang cắm cúi ghi chép, tập tài liệu dày cộm trải trước mắt ông, và tờ giấy mà ông đang ghi chi chít chữ, đều đặn xinh đẹp. Bàn tay ông sử dụng cán bút một cách vững vàng. Cạnh ông, vừa tầm tay là một lô toàn gậy chống. Bên kia bàn, một hộp diêm và nhiều ống điếu bằng đất sét có nắp kim khí.
Dáng dấp cao lớn, đôi vai rộng, nét mặt tươi tắn, mái tóc hoe đỏ lấm tấm bạc song ánh sáng rọi vào hóa thành vàng rực, râu ông cùng màu với tóc ông. Lòng trắng mắt hơi vàng, nhưng con ngươi màu xanh trong trẻo, sáng quắc, đây không phải là thứ màu xanh lờ đờ như mắt bà ngoại tôi mà là màu xanh của hoa lưu ly, trông thật đáng yêu! Điều làm tôi hơi bất mãn trên khuôn mặt ông cố tôi chỉ là cái mũi: cái mũi kỳ cục, thật to, đỏ và sần sùi. Thật tôi chưa hề thấy người nào có cái mũi như vậy, nó gần như muốn lấn hết các phần khác trên mặt ông cố tôi, giông giống như một quả dâu tây chín tới.
Chợt thấy tôi, ông cụ ngừng tay, cài bút lên mang tai, quay lại. Cử động của ông làm cho cái ghế kêu lên ken két như thể đánh dấu phút quan trọng giữa ông cố và đứa cháu.
Hai chúng tôi cùng im lặng khá lâu, cho đến khi cái mũi dễ sợ kia không còn "đe dọa" tôi nữa, tôi mới cảm thấy bối rối vì nghĩ đến bộ dạng tiều tụy của tôi lúc này: thân hình gầy như cái que trong bộ quần áo nâu đen, dây giày thì tuột ra, khuôn mặt xanh xao, nhem nhuốt nước mắt, tóc bù rối.
Ông cố lẳng lặng đẩy giấy tờ qua một bên, ra hiệu cho tôi đặt mâm cơm lên bàn. Rồi ông bắt đầu ăn rất mau, mắt vẫn không rời tôi. Vội vàng cho xong bữa, uống nước trà, đoạn ông chùi râu cẩn thận và vói tay lấy một ống điếu hút.
-Robert đó hẳn?
Giọng ông cố thân thiện, cởi mở. Tôi ấp úng thưa:
- Thưa ông cố, vâng, con đây ạ!
- Con đi đường khỏe chứ?
- Thưa ông, khỏe.
- Ờ, đó là những chiếc tàu có hạng. Hồi ta còn làm ở quan thuế, ta thấy chúng cập bến hoài. Chiếc Adder có một lằn sơn trắng trên sườn tàu, rất đặc biệt. Này, Robert, con biết chơi cờ "dame" không?
- Thưa ông cố, không ạ!
- Được rồi, ta sẽ dạy con nếu con ở đây.
- Thưa ông cố, chắc con phải ở đây. Bà Chapman có nói với con là con không còn nơi nào nương tựa nữa.
Thốt nhiên, nỗi thống khổ lại dâng lên chẹn lấy cổ họng tôi. Tôi muốn được ông thương yêu, tôi rất cần một người để trút gánh nặng đang đè tôi xuống. Ông há không biết rằng cha tôi chết vì bệnh lao và chứng bệnh di truyền đó đã giết cả hai cô tôi lẫn mẹ tôi ư? Láng giềng xì xầm bàn tán rằng tôi cũng đã nhiễm bệnh rồi, nhưng còn… nhẹ, kia mà? Than ôi! Ông tôi vẫn ngậm ống điếu, mép hơi nhếch, đổi hướng câu chuyện:
- Robert, con lên tám phải không?
- Thưa ông cố, chưa, con chưa được tám tuổi…
Tôi muốn tỏ cho ông biết là tôi còn nhỏ lắm, nhưng lúng túng vì vẻ cứng rắn của ông:
- Con lớn rồi, Robert ạ!
Chúa ơi! Tôi mà lớn rồi? Tôi, tôi chưa đầy tám tuổi tròn mà đã mất cha mất mẹ, tôi khổ sở thế này… Giọng ông vang lên sang sảng:
- Vào tuổi con, lại là con trai, phải có can đảm… Này, con thích đi bộ chứ?
- Thưa, con chưa bao giờ đi xa.
- Được rồi, ta sẽ dắt con đi dạo mát. Không khí trong lành của Tô Cách Lan sẽ có ích cho con.
Ông thấp giọng xuống, tâm sự:
- Ta rất bằng lòng về màu tóc của con, con có màu tóc của họ nhà ta… Người mẹ đáng thương của con đã thừa hưởng màu tóc này, Robert ạ!
Tôi không thể không nén được nữa, nước mắt trào ra. Kể từ tuần trước, sau khi chôn mẹ tôi, hễ ai nhắc đến bà là tôi khóc ròng, và sự thương hại của mọi người càng có cớ cho tôi khóc khỏe. Vậy mà hôm nay đây, không có bà Chapman để bà ôm chặt tôi vào lòng, cũng chẳng có cha sở để ông cúi xuống an ủi, vỗ về tôi…
Tôi biết rằng nước mắt của tôi làm cố tôi phật ý nên cố nén và cũng hết sức khó chịu. Tôi nén khóc cho đến nỗi bật ra tiếng ho. Và tôi ho dữ dội, thót cả bụng lại vì ho. Một trận ho xứng đáng, không thua chi những cơn ho đáng sợ của cha tôi. Chờ khi cơn ho thật dứt, tôi đưa mắt nhìn ông dò xét.
Cố tôi không hề tìm lời an ủi tôi, không nói gì cả, ông lẳng lặng rút trong túi áo choàng ra một hộp kẹo bằng thiếc, thong thả mở nắp và lấy ra viên kẹo to. Chắc ông sẽ cho mình? Tôi tự hỏi, song tôi thất vọng biết bao khi thấy ông cho viên kẹo vào miệng, không lý gì đến tôi cả. Tôi càng tủi thân thêm.
Giây lâu, ông mới lên tiếng, giọng nghiêm khắc:
- Này cháu! Có một điều ta không kham nổi, đó là đụng phải một đứa con trai mít ướt. Robert! Con mau nước mắt quá đi! Con phải tỏ ra can đảm coi!
Ông rút viết từ mang tai xuống, vươn vai thở mạnh đoạn nói tiếp:
- Ta đây, ta cũng gặp vô số chuyện khó khăn, nếu ta yếu đuối, làm sao ta có thể vượt qua?
Bài đại luận của cố tôi chắc sẽ còn dài hơn nữa, dài ngoằng, nếu đúng lúc ấy không có tiếng chuông reo từ nhà dưới. Cố tôi ngừng lại, ra hiệu cho tôi đem mâm xuống. Trước khi khép cửa, tôi ngoái lại, thấy ông đã cầm bút trên tay, cắm cúi ghi.
Những Ngày Xanh
Lời giới thiệu
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương mười lăm
Chưong mười sáu
Chương mười bảy
Chương mười tám
Chưong mười chín
Chương hai mươi
Chương cuối