Chương mười bảy
Tác giả: Archibald Joseph Cronin
Đầu tháng sáu, một biến cố tầm thường xảy ra nhưng cũng đủ giúp tôi không ít, làm cho sự tin tưởng tăng lên. Tôi tin là Chúa giúp tôi: số là một sáng kia đi giao bánh về tôi gặp cậu Adam đang vui vẻ ngồi ăn sáng với ba mẹ. Cậu vừa về bằng chuyến tàu suốt đêm tại Luân Đôn. Lệ phí do hãng trả. Vì lâu nay cậu đã lên chức Thanh tra của hãng Bảo hiểm Caledonia và được đổi về Luân Đôn. Lương bổng không cao so với lúc trước nhưng cậu cho đây là cơ hội tốt để vươn lên, thi thố hết khả năng.
Nghe đâu cậu vừa mua một căn nhà đồ sộ tại Luân Đôn, ở vào một vị trí tốt, mặt tiền nhìn ra công viên. Nhà có bảy tầng, thang lầu có vịn tay bằng gỗ đào hoa tâm, hàng lang cẩm thạch. Theo lời cậu, căn nhà đáng giá 6000 livres nhưng nhờ khôn khéo cậu đã mua với giá rẻ mạt: 1900 livres. Đó là tất cả tiền cậu dành dụm trong ngót 10 năm nay. Mẹ xuýt xoa không ngớt. Nhân dịp này, cậu mời ba mẹ lên Luân Đôn xem cho biết.
Sau một hồi bàn cãi, mọi việc được dàn xếp trước khi cậu Adam ra đi: ba mẹ sẽ lên Luân Đôn nghỉ hè hai tuần – nếu có thể thì kéo dài một tháng. Ba luôn luôn thận trọng trước khi quyết định.
Tôi không thể nén vui mừng: tôi sẽ có một thời gian yên tĩnh học hành để chuẩn bị kỳ thi, còn may mắn nào hơn?
Thời gian trôi qua vùn vụt. Một hôm tôi đang học bài trong phòng thì nghe một tiếng động hơi lạ vang lên. Phải sau mấy phút bỡ ngỡ tôi mới nhận ra điều lạ lùng này: mẹ hát! Tiếng bà nhỏ và sai giọng nhưng quả thật là bà đã hát!
Những bộ quần áo tốt nhất của ba được đem ra ủi lại kỹ càng. Hai cái xách tay du lịch được đánh bóng. Mẹ cũng cố gắng mua vài thước voan nâu may chiếc áo mùa hè, song thứ mẹ đặc biệt quan tâm là cái khăn choàng lông thú cũ kỹ. Khăn choàng này xưa cũng trên phần tư thế kỷ vẫn được mẹ ướp long não trong tủ. Chao ơi! Cái khăn choàng của mẹ! Không biết đó là bộ lông của loài vật nào, nhưng thấy nó, tôi tức thì liên tưởng đến một con mèo khốn nạn nào đó chết bẹp dí dưới một sức nặng cũng to lớn như khối thiếc đã đè ông cụ Samuel-Leckie đáng thương. Mẹ đã may lót kèm bằng một miếng voan cắt từ một áo cũ, đổi kiểu chút ít để cho hợp thời trang, sau đó, bà mang ra dây kẽm phơi áo, treo lên, giũ, chải để dựng mớ lông lơ thơ dậy...
Tội nghiệp mẹ: từ năm năm nay bà chẳng có được một ngày nghỉ ngơi. Thế mà giờ đây, mỗi khi bà có tỏ ra vui mừng một chút, tức thì ba chặn lại bằng những lời lẽ đáng sợ như sau:
- Hãy nghĩ đến phí tổn chuyến đi này!
Ba sợ rằng nếu không cảnh cáo trước, mẹ sẽ tiêu quá lố chăng? Ý nghĩ sẽ phải ăn uống tại nhà hàng hoặc do một rủi ro phải ở khách sạn khiến ba như tuôn mồ hôi lạnh vì tiếc của. Ba tỉ mỉ sắp đặt tất cả: mang thức ăn theo cho suốt cuộc hành trình đến tận Luân Đôn. Sẽ dùng tàu đêm và mua vé hạng chót. Trong túi áo ghi lê, ba thủ sẵn cuốn sổ ghi: “Chi tiêu trong dịp đi thăm Adam”. Tôi đoán rằng trong thâm tâm, ba hy vọng con trai sẽ hoàn lại phí tổn cho ba. Chưa lên tàu, ba đã ghi vào trang đầu: “Hai vé tàu hỏa... 7 livres, 9 shillings, 6 pences” và ba đọc đi đọc lại, buồn bã như thể là đã tiêu phí nhiều lắm. (Mãi sau này nhờ cậu Murdoch khám phá, tôi được biết ba đã chạy chọt thế nào mà có hai vé “công vụ” miễn phí cho chuyến đi)!
Trước ngày lên tàu, vào buổi tối, mẹ vào phòng tôi, ngồi trên giường lặng lẽ nhìn tôi thật lâu, giọng âu yếm:
- Dạo này, con bận lắm, nhỉ?
Và mỉm cười hiền lành, mẹ tiếp:
- Và mẹ biết con sẽ bận hơn nữa trong khi ba mẹ ở Luân Đôn.
Mẹ biết rồi chăng? Hay ông đã cho mẹ hay? Tôi bối rối cúi đầu, giọng mẹ đều đều:
- Giày con trông thảm hại quá đỗi. Vá lại cũng vô ích... Nếu chúng rách trước... trước khi mẹ về thì con tìm trong ngăn dưới cầu thang có đôi giày của dì Kate, trông vẫn còn tạm được, con ạ!
- Thưa mẹ, vâng.
Tôi trả lời nhỏ và che giấu nỗi ngượng nghịu khi nói, vì tôi biết đôi giày màu vàng nâu của dì tôi: nó là kiểu giày con gái kia mà. Nghĩ đến lúc mang chúng, tôi nổi gai ốc khắp mình. Mẹ vô tình, vẫn cố thuyết phục:
- Dùng được, con ạ! Hôm kia mẹ vừa xem lại...
- Mẹ yên tâm, con sẽ lo lấy được mà.
- Robert! Mẹ biết con, con vẫn tự xoay sở đấy chứ...
Bà mỉm cười âu yếm, đoạn đứng lên vuốt tóc tôi, thì thầm trước khi bước ra:
- Chúc con may mắn, nhé!
*
* *
Ba mẹ vừa ra khỏi nhà, ông tôi khuân ngay bàn học và sách vở tôi vô phòng khách liền. Đó là một phòng khách ít khi dùng đến, nhưng nó làm cho ba tôi có cái cảm tưởng mình thuộc thành phần trưởng giả: lò sưởi to lớn, bằng cẩm thạch bên trên gắn một tấm kính khung mạ vàng. Trên cái tủ nhiều ngăn, trải khăn ren có trưng bày một quạt Nhật, 3 vỏ ốc "Venus" và một cái chặn giấy bằng thủy tinh khắc hàng chữ: "Kỷ niệm Ardfillan". Giữa phòng, trên một cái thảm đỏ là một cái bàn có cuốn sách bìa mạ vàng sắp khéo léo cạnh một lọ hoa bất tử. Góc phải, dương cầm với cái ghế xoay. Chễm chệ trên đàn là hình ba mẹ trong cái khung xanh, mặc áo cưới. Trên vách một bức tranh sơn dầu với hàng chữ "Vua thung lũng".
Khung cửa sổ mở rộng, thật là nơi lý tưởng để tôi đặt bàn học, thầy Reid tự do tới lui để xem xét việc học của tôi. Trong nhà im ắng, ông tôi hết sức sẽ sàng trong khi đi lại. Mẹ có nhờ bà Bosomley sang giúp chúng tôi việc bếp núp, nhưng tôi ngạc nhiên thấy ông tỏ ra là một tay nội tướng tài ba. Trong những năm khó khăn ông đã xoay xở một mình và học được cách nấu nhiều món ngon tuyệt. Trong căn nhà rộng vắng, ông tỏ ra thích thú được tự do đi lại không sợ bị chế giễu rầy rà.
Dĩ nhiên, ông cháu tôi bị nhiều hạn chế: các đồ sành sứ, đồ bạc được cất kỹ vào tủ khóa lại rồi, soong chảo tốt cũng vậy, vì mẹ sợ ông làm cháy. Mẹ đã cẩn thận ghi lại các điều cần thiết, chỉ dẫn cho ông cháu, sắp đặt thực đơn cho mỗi bữa ăn theo một ít thực phẩm sẽ được ngoài hiệu giao đến tận nhà mỗi thứ hai. Ông cháu tôi còn được giữ lại chút ít – rất ít – tiền mặt để phòng hờ. Song ông tỏ ra khinh thường mọi khó khăn. Ông vẫn giữ lệ thường đến trại Dalrymphe vài ba lần mỗi tuần. Và dù sự tiếp đón của cậu Murdoch không mấy nồng hậu, ít khi ông trở về tay không: khi thì một bắp su lơ rất tươi, khi thì một mớ khoai tây bùi ngậy, thứ mà tôi rất thích và ông nấu rất ngon lành.
Vài bận khác, vào lúc đêm xuống, ông lấy vẻ đạo mạo đi về phía nông trại Snoddie. Rồi hôm sau, tôi được thưởng thức món gà đút lò tưởng như từ trời rơi xuống.
Dù không để lộ, xem ra ông rất phục sự học của tôi: mỗi bận tôi nhờ ông dò bài hộ, ông rất hãnh diện.
Một tuần lễ sau khi ba mẹ đi, ông bắt tôi ngưng việc giao bánh, ông cho là mất thì giờ quý báu lúc này.
Trời vừa hửng sáng tôi đã ngồi vào bàn sách mở rộng trước mặt. Thầy Reid miễn cho tôi việc đến trường trong thời gian này. Và như thế, tôi được yên tĩnh học suốt ngày. Tôi học say mê. Ngày định mệnh đã gần đến, đối thủ của tôi hẳn cũng là bù đầu, tôi tin thế; mà học bổng thì chỉ có một làm sao tôi dám hy vọng thắng nếu mắt tôi rời sách vở, dù chỉ trong giây lát chứ?
Cứ đúng năm giờ chiều, thầy Reid đến, ông chỉ khẽ gật đầu chào, đoạn quan sát sức khỏe tôi. Sau đó, thầy ngồi xuống cạnh tôi hướng dẫn tôi học mãi đến tận 10 giờ đêm. Ông tôi đem lại cho thầy trò tôi hai tách ca cao, song thường, nó bị bỏ quên đến nguội lạnh.
Khi thầy ra về - trước khi giục tôi đi ngủ và vẫn biết tôi không nghe – tôi vẫn cắm cúi trên sách, chống lại sự mệt mỏi, chống với cơn buồn ngủ kéo dài. Đôi khi tôi phải vào phòng tắm, nhúng đầu trong nước lạnh. Rồi trở lại bàn học, mệt nhọc không bớt nhưng có một sức mạnh bên trong thúc đẩy khiến tôi đủ can đảm cố gắng thêm. Trước khi cắm đầu vào trang sách chờ đợi sẵn, tôi thầm cầu nguyện Chúa giúp tôi. Để được thức tỉnh, tôi lấy ngòi bút cào trên bắp chân rồi tôi đập tay lên đầu như muốn nhồi nhét kiến thức vào.
Từng phút, từng phút lặng lẽ trôi qua trong đêm tối và tôi vẫn kiên trì ngồi mãi. Tay áo xắn cao, cùi chỏ chống lên bàn, hai tay tôi ôm lấy cái đầu đang quay cuồng.
Đồng hồ điểm hai tiếng rời rạc như cũng đang ngái ngủ, tôi đứng lên lảo đảo về phòng. Thường thường nằm xuống tôi ngủ ngay tức khắc, nhưng cũng có khi tôi thao thức, hay chập chờn với những cơn ác mộng ghê gớm: tôi thấy tôi vào phòng thi và bí không trả lời được một câu hỏi nào. Lại có những đêm khác, đầu óc bỗng dưng sáng suốt lạ thường, tôi mò mẫm thật lâu. Cứ thế, tôi thiếp đi song đầu óc vẫn quay cuồng với chữ nghĩa... và những con số.
Bóng tối vừa lui, tôi đã ngồi dậy ngồi trước trang sách, nô lệ cho tham vọng của mình. Khoảng gần năm giờ chiều tôi mới chịu nghỉ một lúc, bấy giờ ông tôi buộc tôi phải dạo một vòng cho thoải mái. Một đôi khi Gavin từ trường về, tôi đón bạn, đứng tựa vào hàng rào sơn trắng, tôi nhìn nó xuống xe băng qua sân ga. Vài hôm khác, tôi đến sân chơi banh với thầy Reid, chạy nhảy một lúc cho giãn gân cốt để có thể học lại đều đều.
Một vài bận may mắn hơn, tôi gặp Alison đầu đường, cô ấy đi học nhạc về. Tránh nhìn nhau, chúng tôi chỉ nói những câu ngắn, tầm thường. Đầu trần, tay cắp tập nhạc, cô kể cho tôi nghe những điều xảy ra trong lớp, những gì thầy Reid nói. Xem ra, Alison cũng rất phục thầy. Thỉnh thoảng đôi mắt cô sáng rực lên, dịu dàng hơn và đôi môi như tươi hơn, dù cô cố giữ một bề ngoài bình thản. Rồi chúng tôi chia tay nhau. Và bấy giờ tôi cắm đầu chạy nhanh về, có lúc tôi dừng lại bất ngờ, cúi nhặt viên đá, cố hết sức ném ra thật xa.
Mặt mày còn bừng nóng, tôi lại cúi đầu vào sách... Mọi việc tiến triển có vẻ tốt đẹp. Lâu lâu, ông sẽ sàng tiến lại gần tôi, đặt trước mặt tôi tách trà bốc khói.