watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Ngày Xanh-Chưong mười sáu - tác giả Archibald Joseph Cronin Archibald Joseph Cronin

Archibald Joseph Cronin

Chưong mười sáu

Tác giả: Archibald Joseph Cronin

Ngày tháng chậm chạp trôi qua và tôi sống trong nỗi chán chường, tuyệt vọng.
Một hôm, qua xén cỏ cho bà Bosomley, lúc đem dụng cụ vào cất (mỗi tháng bà trả một shilling để tôi làm việc này, không trả tiền mặt mà ba sẽ trừ vào tiền thuê nhà) bà gọi tôi vào nhà, đặt trước mặt tôi tách trà bốc khói kèm miếng bánh táo to tướng. Bà âu yếm nhìn tôi:
- Robert, ta rất buồn mà cho con hay rằng càng ngày con càng giống con ngựa.
- Thật sao, thưa bà?
- Thật, mặt con cứ dài ra, ta tự hỏi tại sao con cứ ưa buồn bã như vậy?
- Thưa bà, bản tính con...
- Nhưng con thích thú gậm nhấm buồn phiền mãi vậy hay sao?
- Thưa bà, thường thì không, nhưng cũng có khi con có thể vừa buồn rầu vừa sung sướng...
- Còn lúc này thì sao?
- Thưa bà, lúc này thì con không có gì vui cả.
Bà lắc đầu châm thuốc hút. Tôi im lặng ngồi. Bỗng bà chìa tay ra:
- Đưa tách trà con ta xem sao! Ta có thể đoán thử tương lai con.
Đón tách trà của tôi, bà đẩy điếu thuốc qua một bên mép, nhíu mắt để tránh khói, giọng bà chắc nịch, chậm rãi:
- Hay... hay lắm! Tương lai của con có màu xanh, tươi và dịu. Con sẽ khám phá nhiều sự lạ, nhưng chớ nấn ná lại đây lâu khi lớn tuổi một chút nữa. Đối với phái yếu con tỏ ra độc đoán... xem nào... á, à... Phải rồi, khi con 21 tuổi con sẽ có một người yêu rất tốt, nàng hiền lành...
Tôi đỏ bừng mặt. Bà đặt tách trà xuống, mỉm cười:
- Đừng chán nán! Có một ngày con đạt được ước vọng, nhưng hiện giờ thì... Robert! Thành thật mà nói, con làm ta buồn lây đó. Ta biết con có điều lo nghĩ...
- Thưa bà, đâu có gì...
- Ta biết, và ta biết thêm là con chả thèm tâm sự với ta nữa kia. Mà sao con không giải bày với ông con? Dù ai có nói gì đi nữa, con nên nhớ ông con là một người đáng trọng.
Luôn luôn, bà nói đến ông tôi bằng giọng thán phục, song tiếc thay: tôi không đồng ý với bà. Tôi vẫn yêu mến ông cố, nhưng cái thời sà vào lòng ông kể lể đã qua rồi. Lâu nay tôi trở thành con hến, giấu kín lo âu và can đảm câm lặng một mình. Ngay với mẹ, tôi cũng không tâm sự, mẹ thường nhìn tôi ái ngại và tôi, tôi biết rằng những điều tôi nói chỉ làm bà khổ tâm hơn.
Hình như bà Bosomley có kể lại với ông tôi, cho nên hôm sau ông gọi tôi đến phòng, gạn hỏi cho được nguyên do đã làm tôi buồn chán. Nét mặt và cái nhìn kinh ngạc, buồn bã của ông khi nghe tôi kể làm tôi xúc động sâu xa.
Ông tôi, người đã nhiều lần sai lầm, lố bịch nhưng chưa bao giờ tỏ ra là một kẻ tiểu nhân. Sự hẹp hòi là một cái gì ông không hề biết đến. Ông đột nhiên đứng lên cầm nón và "can" bảo tôi:
- Nào, ông cháu ta lại thăm thầy Reid, xem nào!
Lâu nay, tôi không muốn ra đường với ông, tôi xấu hổ vì sự lố bịch của ông, nhưng bấy giờ tôi buồn cho đến nỗi không đủ can đảm từ chối. Tin rằng sự can thiệp của ông vô ích, tôi vẫn ngoan ngoãn tuân lời.
Phần đông các giáo sư ngụ tại các khu vực sang trọng trong các biệt thự xinh xắn, thầy Reid thì khác, ông ở trong một căn nhà to, cũ kỹ ở khu lao động, thợ thuyền. Ông cho là như thế ông được tự do hoàn toàn, điều này hợp với tư tưởng cấp tiến của ông.
Vị giám học của nhà trường không ưa vẻ phóng túng của thầy Reid nhưng phải công nhận ông dạy hay và có nhiều sáng kiến. Tiến sĩ văn chương và Cử nhân vạn vật học, thầy có thể vừa dạy vạn vật vừa dạy văn chương Anh cho các lớp lớn.
Tôi còn nhớ hôm ông đến dạy đầu tiên, môn văn chương Anh. Theo thông lệ, chúng tôi thay phiên nhau đứng lên từng đứa nói về một đề tài gì đó. Đề tài hôm ấy là: Tôi sẽ làm gì ngày chúa nhật đến. Ngồi dựa ngửa ra ghế, gác chân lên bàn, ông nghe chúng tôi trình bày những dự tính hết sức đứng đắn, hay ho. Sau cùng, ông tuyên bố, giọng trầm trầm:
- Phần tôi hả? Chúa nhật này có lẽ tôi sẽ nằm nhà uống bia bằng thích!
Bề ngoài ồn ào, song tôi tin là ông cô độc và đau khổ. Ông không giao tiếp với đồng nghiệp vì ông khác xa họ quá. Đôi khi, ông dự vài buổi họp của các nhóm khuynh tả, song ông chê là các hội quán của Levenford toàn chứa chấp bọn nghiện ngập, vô dụng. Ông không hề chú ý đến phụ nữ, chưa bao giờ tôi thấy ông trò chuyện với một người đàn bà.
Ông có vẻ chú ý đến tôi và tôi cho là do tôi có một vài điểm giống ông. Chúa nhật, ông thường gọi tôi đến ăn sáng với ông. Tôi được ăn những bữa thịt dồi no nê. Tuy vậy, ông không hay biểu lộ tình cảm, ngoại trừ đôi khi tôi bắt gặp ông nhìn tôi bằng tia mắt âu yếm hiền lành.
Tiếng nhạc trong phòng ông phát ra khi ông cháu tôi lên khỏi cầu thang. Ông tôi gõ can vào cửa. Có tiếng thầy Reid la lên:
- Cứ vào đi!
Cạnh cửa sổ có cái ghế mây, thầy Reid ngồi, áo ngắn tay, hai ống quần túm lại bằng hai cái kẹp, chân mang giày đen có cột dây nhiều vòng, trên bàn trước mặt ông là ly bia sủi bọt và một máy quay dĩa.
Ông tôi vừa trịnh trọng tự giới thiệu thì thầy đã khoát tay bảo im và ra hiệu cho khách ngồi xuống. Hết bản nhạc, thầy lại nhanh nhẹn lật sang mặt khác và ngồi xuống ghế, lắng nghe. Thỉnh thoảng, thầy dùng khăn tay lau trán và hớp một ngụm bia. Tôi hiểu ngay thầy vừa đi chơi xe đạp về. Cứ mỗi lần có điều bực bội ông vớ lấy xe đạp, đạp thẳng trước mặt bất kể dốc đèo, khom mình trên tay lái, ông đạp như một tên tù khổ sai, mình mẩy đẫm mồ hôi, sau lưng bụi tung mù mịt. Sau đó, về nhà, thầy lại hăng hái trở lại, ăn uống bằng bốn người rồi thưởng thức nhạc hòa tấu của Becthoven. Tôi còn biết thầy cũng là tay dương cầm có hạng, song thầy rất ít khi đàn cho ai nghe vì thầy cho rằng ngón đàn tài tử của mình không lột hết được cái hay của bản nhạc.
Bản hòa tấu chấm dứt, thầy tắt máy, cho dĩa vào bao rồi mới quay sang ông tôi, giọng rất lịch sự:
- Thưa, tôi có thể giúp gì cho ông đây?
Mất dịp tự giới thiệu và bị bắt chờ đợi hơi lâu, ông tôi đổ cáu:
- Thế bây giờ ông có thể tiếp tôi vài phút chăng?
- Dĩ nhiên là được, thưa ông.
- Tốt quá! Tôi đến đây để nói với ông về chuyện cháu tôi và cái học bổng Marshall...
Thầy Reid hết nhìn ông tôi lại nhìn tôi rồi sau cùng bước lại buýt phê đặt dưới kệ sách lấy thêm chai bia rót đầy các ly, thầy cất giọng:
- Tôi được chỉ thị rằng phải ly gián thằng nhỏ này với cái học bổng kia, càng xa, càng tốt. Mà ông biết đó: hạng tép riu như tôi phải tuân theo...
Ông tôi mỉm cười một cách trịnh trọng, đầu can trong tay ông tôi gõ trên nền nhà. Tôi biết là ông tôi sắp sửa lên giọng thao thao bất tuyệt, một thói quen cố hữu mà cũng là tài sản của ông.
Giọng trầm bổng, lúc hùng hồn, lúc tha thiết... tôi hoang mang không nhớ rõ ông nói gì, chỉ nghe nhiều lần ông nhấn mạnh đến Tự Do mà Thượng Đế đã ban cho con người, đến Công Bình, đến Lẽ Phải. Thầy Reid thích thú lắng nghe, thỉnh thoảng cười nhẹ. Cuối cùng thầy reo lên:
- Hay lắm! Hay lắm, thưa ông! Đây, sau một bài diễn văn ứng khẩu cách đó, ông hẳn khát lắm (thầy đưa ly bia cho ông tôi). Nhưng thật tình, tôi không thể nào giúp Robert được.
Ông tôi đón ly bia uống cạn rồi thản nhiên chùi miệng nói:
- Thầy cứ bí mật ghi danh cho cháu dự thi.
- Không được. Tôi đã gặp quá nhiều phiền phức rồi. Vả lại, đơn xin dự thi phải có chữ ký của người giám hộ.
- Tôi sẽ ký, thưa thầy.
Thầy Reid nhíu mày, bước tới bước lui trong phòng, dáng bộ suy tính dữ. Tôi biết thầy đang do dự về đề nghị của ông tôi và tôi chợt tràn trề hy vọng.
Thình lình, thầy dừng chân, nhìn thẳng và nghĩ ra tiếng nói:
- Tuyệt lắm: nếu ta đoạt được học bổng này. Không nói với ai cả. Làm việc tận lực và bí mật. Và sau đó...chà! Ta sẽ thắng cho chúng biết tay. Hừ! Từ lão giám học đến lão già Leckie bần tiện...
Thầy quay sang tôi:
- Nếu trò thắng, họ sẽ không ngăn trò vào Đại học được. Chúa ơi! Tuyệt quá!
Đôi mắt lộ của thầy nhìn tôi chăm chú như ước lượng khả năng tôi, tôi nóng bừng mặt, tay xoay quanh cái mũ, cố giữ bình tĩnh. Để đỡ tốn tiền, mẹ vẫn tự tay cắt tóc cho tôi, hôm qua bà vừa hớt mà lại hớt ngắn đến nỗi bày cả da đầu. Đầu tôi hiện giờ chắc chả có vẻ gì... trí thức.
Thầy Reid giơ nắm tay lên không.
- Đáng thử lắm chứ! Trò phải biết ta mong cho trò được dự thi đến ngần nào! Bây giờ ta còn mong ước hơn bao giờ, chúng ta sẽ không cho ai hay quyết định này và chúng ta sẽ thành công.
Chưa bao giờ tôi sống những phút giây kỳ thú như vậy. Hy vọng lại bừng lên trong lòng tôi, tương lai như mở rộng, đón mời. Thầy Reid gây thêm tin tưởng... Tôi vui như mở hội trong lòng.
Phát mạnh lên vai tôi một cách thân mật rồi thầy lại bắt tay ông tôi thật chặt. Trong ba người, tôi biết niềm phấn khởi cùng dâng cao. Song, một giây sau, vốn chừng mực thầy chặn lại:
- Này, đừng tưởng bở! (thầy kéo ghế ngồi cạnh chúng tôi) Robert, trò sẽ gặp nhiều khó khăn đấy nhé! Trò 15 tuổi thôi mà phải đương đầu với vô số đứa lớn hơn 2, 3 tuổi. Vả lại, trò cũng có những nhược điểm: chẳng hạn trò hay vội vàng kết luận trước khi suy luận. Phải bỏ cái tật này!
Tôi nhìn thầy, há hốc miệng, sáng ngời mắt không nói gì nhưng sự im lặng của tôi còn hùng hồn hơn những lời đoan quyết, hứa hẹn. Giọng thầy dịu lại khiến tôi hãnh diện:
- Ta hiểu rõ tình thế. Này, theo ta biết năm nay tình trạng như sau: đối thủ ít hơn thường lệ nhưng trình độ sẽ rất cao. Đây là ba thí sinh đầy triển vọng: Gavin-Blair, trường Larchfield, kế đến là Allardice, trường Cao đẳng Ardfillan và thứ ba là Mc Evan học ở nhà. Blair, trò biết đó, xuất sắc trong tất cả các môn. Allardice, 18 tuổi tròn, thì lần thứ hai, đây là một một điểm lợi rõ ràng cho nó. Song đứa làm ta thật sự lo sợ chính là Mc Evan.
Thầy Reid ngừng lại một chút, như thể muốn gây ấn tượng cho tôi và chưa chi tôi đã cảm thấy gờm tên Mc Evan lạ mặt rồi!
- Nó tuổi trạc trò thôi, cha nó dạy cổ ngữ La Tinh, Hy Lạp ở trường Under-shaws. Ông này chuẩn bị cho con trai dự thi từ lâu nay đấy, con ạ! 12 tuổi. Nó đã thạo tiếng cổ Hy Lạp rồi. Bây giờ ít ra nó cũng thạo thêm 5 ngoại ngữ nữa. Nó có vẻ thần đồng với cái trán cao và cặp kính dày cộm. Những ai quen biết nó đều quả quyết rằng nó sẽ thắng kỳ thi đặc biệt này...
Giọng thầy tôi hơi khôi hài nhưng không che giấu nỗi lo sợ. Tôi chua chát nghĩ: “Chà, thằng này trong bữa ăn dám xin cha nó đưa cho bánh mì bằng tiếng Phạn chứ không chơi!”. Tôi chỉ nghĩ thế thôi chứ không hé miệng.
- Trò thấy chưa? Robert? Trò sẽ phải học tận lực đó nhé! Ờ! Ta sẽ không giết trò đâu... Đừng lo: mỗi ngày ta sẽ cho trò có một giờ nghỉ ngơi. Nếu trò hăng quá, không muốn nghỉ, ta sẽ buộc trò phải nghỉ, trò phải đi dạo ở đồng quê để đầu óc được thoải mái. Ta cho mượn cái xe đạp... nhưng liệu chừng đó, đừng làm bể bánh xe. Ta sẽ lo cho trò đầy đủ sách vở, trò sẽ phải giữ kỹ tất cả trong phòng và ta khuyên trò nên học trong đó, vì ngồi giữa bốn bức vách, trò sẽ không bị chia trí, lo ra. Để đây rồi ta sẽ sắp đặt chương trình cho trò học. Hiện giờ, trong hộc bàn ta ở trường còn giữ tất cả đề thi Marshall từ 10 năm qua. Ngày mai, chúng ta sẽ cùng xem xét lại từng điểm một, từng câu hỏi. Ta không quên gì chứ? Robert, con muốn hỏi chi không?
Tôi xúc động nhìn thầy, mắt ngời sáng, không biết nói gì để cảm ơn ông. Tôi lúng túng không biết dùng lời gì để biểu tỏ sự sẵn sàng tuân lời. Sẵn sàng làm việc, tranh đấu đến cùng.
- Con xin hứa, con xin hứa...
Tôi chỉ biết ấp úng ngần ấy lời thôi. Nhưng cần gì phải nói dài dòng? Tôi biết thầy hiểu tôi. Thầy nhanh nhẹn lại tủ sách, chọn cho tôi những sách cần thiết. Sau đó, ông tôi giúp tôi mang về nhà.
Tôi tưởng như mình đang bước trên mây!
Những Ngày Xanh
Lời giới thiệu
Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười
Chương mười một
Chương mười hai
Chương mười ba
Chương mười bốn
Chương mười lăm
Chưong mười sáu
Chương mười bảy
Chương mười tám
Chưong mười chín
Chương hai mươi
Chương cuối