Chương 2
Tác giả: ASTRID LINDGREN
Vào một ngày xuân đẹp trời, mặt trời rực rỡ, chim chóc véo von, nước róc rách trong mọi hố rãnh ven đường, Thomas và Annika chạy sang nhà Pippi. Thomas mang theo đường viên cho con ngựa của Pippi, cậu và Annika dừng lại một lát ngoài hiên vuốt ve con ngựa trước khi vào trong nhà với Pippi. Pippi vẫn nằm ngủ trên giường, hai bàn chân gác lên gối, còn đầu rúc sâu trong chăn. Nó luôn ngủ như vậy. Annika véo vào ngón chân cái của Pippi, gọi:
"Dậy thôi!"
Con khỉ nhỏ, tức ông Nilsson, đã dậy, nhảy tót lên ngồi chồm chỗm trên chụp đèn treo trên trần nhà. Dần dần có cái gì bắt đầu động đậy dưới lớp chăn, rồi bất chợt thò ra một mái tóc đỏ quạch. Pippi chớp chớp cặp mắt trong trẻo, ngoác mồm cười:
"Ô, các cậu véo ngón chân tớ chứ gì? Thế mà tớ vừa nằm mơ là bố tớ, vua của người da đen, kiểm ta xem tớ có bị rộp chân không cơ đấy."
Nó ngồi dậy trên mép giường và đi bít tất, một chiếc màu đen, một chiếc có sọc ngang.
"Mà nói thật chứ, chừng nào còn đi đôi giày này thì làm sao tớ bị rộp chân được." Pippi vừa nói vừa xỏ chân vào đôi giày đen to đùng, dài đúng gấp đôi bàn chân nó.
"Này Pippi, hôm nay bọn mình sẽ làm gì? Chúng tớ được nghỉ học," Thomas nói.
"Chà", Pippi đáp, "vấn đề là bọn mình sẽ không thể nhảy múa quanh cây thông Giáng sinh được rồi, vì ba tháng trước bọn mình đã quẳng cây thông ấy đi. Các rãnh nước lại đã tan băng, không thì tha hồ trượt băng suốt cả buổi sáng. Đào vàng thì cũng rất là thú đấy, nhưng không được nốt, vì bọn mình chẳng biết vàng nằm ở đâu. Phần lớn vàng nằm trên Alaska, ở đó người ta không còn chỗ mà len chân giữa các mỏ vàng ý chứ. Thôi, bọn mình nghĩ ra trò khác đi."
"Ừ, nhưng trò gì thật vui vào." Annika nói.
Pippi tết tóc thành hai cái bím cứng quèo vểnh ra hai bên đầu, vẻ nghĩ ngợi.
"Hay là bọn mình lên đường vào thị trấn mua sắm?" Cuối cùng nó hỏi.
"Nhưng chúng tớ không có tiền." Thomas nói.
"Tớ có" Pippi tuyên bố. Và để chứng minh, nó bước đến bên chiếc vali đựng đầy tiền vàng, mở vali ra. Nó vốc một vốc đầy tiền vàng, bỏ vào cái túi tạp dề trước mặt.
"Chỉ cần tìm được mũ nữa là tớ sẵn sàng lên đường". Nó nói.
Chẳng thấy mũ đâu, Pippi ngó vào hầm trữ củi, nhưng quái lạ, cái mũ không có trong đó. Nó bèn đi vào kho thực phẩm, lục tìm trong hộp sắt đựng bánh mì, nhưng chỉ thấy một cái nịt tất, một chiếc đồng hồ báo thức đã hỏng và một mẩu bánh mì sấy khô. Cuối cùng nó còn tìm cả trên giá để mũ, nhưng trên đó không có gì khác ngoài một cái chảo, một tuốc-nơ-vít và một miếng pho mát.
"Chỗ nào cũng mất trật tự, tìm gì cũng không ra." Pippi nói vẻ bất mãn. "Miếng pho mát này tớ tìm suốt mấy hôm nay, giờ lại hiện ra cũng hay. Ê này, mũ ơi, có muốn cùng tao đi mua sắm không thì bảo? Nếu mày không chịu thò mặt ra ngay, thì muộn giờ chớ trách! Thôi kệ, nó đã ngủ thì thôi nó ráng chịu. Nhưng chốc nữa về nhà, tao không muốn nghe kì kèo đâu đấy." Pippi nghiêm khắc đe.
Lát sau, người ta đã thấy cả bọn hành quân vào thị trấn : Thomas, Annika và Pippi với Ông Nilsson trên vai. Mặt trời đến là rực rỡ, bầu trời đến là xanh trong, và lũ trẻ đến là vui sướng. Nước róc rách trong con rãnh ven đường.Một con rãnh sâu, đầy ắp nước.
"Tớ cực thích các hố rãnh" Pippi vừa nói vừa vô tư nhảy ngay xuống rãnh. Nước ngập đến đầu gối Pippi và hễ nó nhẩy mạnh, nước lại bắn tung toé lên người Thomas và Annika.
"Giả vờ tớ là một chiếc tàu thuỷ" Pippi tuyên bố và toan nhảy loi choi lên phía trước. Nhưng vừa dứt lời, nó đã vấp ngã, chìm nghỉm dưới rãnh.
"Đú ng ra là tàu ngầm" nó vô tư đính chính khi ngoi mũi lên khỏi mặt nước.
"Không ! Pippi ơi, cậu ướt sũng rồi kìa!" Annika sợ hãi kêu lên.
"Thế thì đã sao?" Pippi nói. "Có ai khẳng định trẻ con nhất thiết phải khô ráo ? Xoa nước lạnh còn rất lợi cho sức khoẻ, tớ nghe nói thế. Ở nước ta mọi người cứ bảo là trẻ con không được lội xuống cổng rãnh, chứ ở bên Mỹ thì mỗi cống rãnh đều chật cứng trẻ con, đến nỗi nước cũng chẳng có chỗ mà len qua nữa kia. Bọn trẻ con quanh năm ở lì dưới ấy. Tất nhiên mùa đông chúng bị đông cứng lại, chỉ thò mỗi cái đầu lên khỏi mặt băng. Các bà mẹ phải ra đấy bón súp hoa quả và thịt băm viên cho chúng, vì chúng không thể về nhà ăn trưa được. Nhưng chúng khoẻ như vâm, các cậu tin tớ đi."
Dưới ánh nắng mùa xuân, thị trấn nhỏ trông mới xinh đẹp làm sao. Những con phố hẹp lát đá chạy len lỏi giữa những dãy nhà. Trong những mảnh vườn xinh xắn bao bọc hầu hết các ngôi nhà, hoa xuân đang đua nở. Thị trấn có rất nhiều cửa hiệu. Vào mùa xuân đẹp trời thế này, dân tình nô nức đi phố, người người nối nhau ra vào các cửa hiệu, làm bọn chuông gắn cửa trên khuôn cửa phải liên tục bính boong. Các bà các chị cắp giỏ đi mua cà phê, đường, bơ và xà phòng. Bao nhiêu trẻ con của thị trấn cũng ra phố mua những viên kẹo mút hoặc những thỏi kẹo cao su. Nhưng phần đông chúng nó không có tiền, và những đứa nghèo nhất đành đứng trước các cửa hiệu mà chiêm ngưỡng những món hàng vừa ngon vừa đẹp mắt bày trong tủ kính.
Đúng lúc mặt trời rực rỡ nhất thì trên phố chính xuất hiện ba hình hài bé nhỏ. Đó là Thomas, Annika và Pippi, một Pippi ướt lướt thướt, bước đến đâu để lại một vệt nước dài đến đấy.
"Chúng mình mới may mắn làm sao!" Annika hân hoan. "Nhìn kìa, bao nhiêu là cửa hiệu, mà chúng mình thì lại có một túi tạp dề đầy tiền vàng!"
Thomas cũng quá đỗi sung sướng về điều đó, nhảy cẫng lên.
"Nào, vậy bọn ta bắt đầu thôi!" Pippi nói "Trước hết tớ muốn mua cho mình một chiếc đàn dương cầm."
"Nhưng mà Pippi, cậu có biết chơi đàn dương cầm đau!" Thomas nói.
"Làm sao tớ biết tớ chơi được không, nếu tớ chưa thử bao giờ?" Pippi vặn lại. "Tớ chưa từng có một chiếc dương cầm nào để có thể chơi thử cả. Mà tớ nói cho cậu biết nhé, Thomas, để chơi được đàn dương cầm khi không có đàn dương cầm thì phải khổ luyện kinh khủng."
Không ở đâu có cửa hiệu bán đàn dương cầm. Thay vào đó, lũ trẻ đi ngang qua một hiệu nước hoa. Trong ô kính bày một hộp lớn kem chống tàn nhang, bên cạnh là một tấm bảng bằng bìa ghi dòng chữ : " Bạn có phải chịu đựng các nốt tàn nhang không ?"
"Bảng ghi gì thế?" Pippi nói. Nó đọc không thạo cho lắm, vì nó không muốn đến trường như những đứa trẻ khác.
"Ghi là: bạn có phải chịu đựng các nốt tàn nhang không ?" Annika đáp.
"Thật hả?" Pippi ra vẻ trầm ngâm. "Phải rồi, một câu hỏi lịch sự cần câu trả lời lịch sự. Nào, bọn mình vào cửa hiệu thôi."
Nó mở cửa, bước vào ngay. Thomas và Annika bám sát theo lưng. Một bà đứng tuổi đứng sau quầy hàng. Pippi đến thẳng trước mặt bà ta.
"Không ạ" Nó nói dứt khoát.
"Cháu muốn mua gì?" Bà bán hàng hỏi.
"Không ạ" Pippi nhắc lại.
"Ta không hiểu ý cháu" Bà bán hàng nói
"Không ạ, cháu không phải chịu đựng những nốt tàn nhang ạ" Pippi bảo. Lúc này bà bán hàng đã hiểu. Bà ta đưa mắt nhìn Pippi và thốt lên:
"Nhưng cháu thân mến, cả mặt cháu đầy những nốt tàn nhang kìa!"
"Tất nhiên rồi, nhưng cháu không phải chịu đựng chúng. Cháu rất yêu chúng. Xin chào
bà!"
Nó bỏ đi. Khi ra đến cửa, nó quay lại gọi với:
"Nhưng nếu có lúc nào bà nhập thứ kem gì bôi vào lại có thêm tàn nhang, thì bà có thể gửi cho cháu bảy, tám hộp bà nhé!"
Bên cạnh hiệu nước hoa là một hiệu bán trang phục phụ nữ.
"Nãy giờ bọn mình chưa sắm gì nhiều." Pippi nói. "Giờ phải cố gắng thật lực mới được."
Thế là chúng hùng dũng bước vào, đầu tiên là Pippi, rồi đến Thomas và Annika. Vật đầu tiên chúng nhìn thấy là búp bê ma-nơ-canh rất xinh đẹp, to bằng người thật, mặc chiếc váy lụa màu thiên thanh. Pippi bước đến bắt tay búp bê thật nhiệt tình.
"Xin chào chị, chào chị." Pippi nói. "Như em hiểu thì chị chính là chủ hiệu này. Được gặp chị lúc thật là vui quá."Nó vừa nói vừa bắt tay nhiệt thành hơn nữa.
Đúng đó một tai hoạ kinh khủng xảy ra: cánh tay búp bê rời ra, tuột khỏi ống tay áo lụa, Pippi ta đúng đó cầm một cánh tay nhựa dài trắng bốp. Thomas thở hổn hển vì sợ hãi, còn Annika bắt đầu khóc. Chị bán hàng chạy bổ đến, mắng Pippi té tát.
"Chị hãy hạ nhiệt xuống vài độ đi." Pippi nói sau khi lắng nghe chị một hồi. "Em cứ tưởng đây là cửa hàng tự chọn kia chứ. Mà em thì muốn mua cánh tay này."
Thế là chị kia càng tức rồ lên, nói rằng búp bê để bày chứ không bán. Nhất là không ai có thể chỉ mua một cánh tay như thế. Nhưng Pippi sẽ phải đền số tiền đúng bằng giá toàn bộ con búp bê nó đã làm hỏng.
"Kỳ quặc thật đấy," Pippi nói. "May mà không phải cửa hàng nào cũng điên thế này. Thử nghĩ mà xem, nếu em muốn nấu món măng hầm để ăn trưa và đến bảo ông hàng thịt bán cho một cái chân giò, thì ông ta lại tìm cách bắt em rước nguyên cả một con lợn sao!"
Vừa nói nó vừa rút trong túi tạp dề ra mấy đồng tiền vàng, ném xuống mặt quầy.
Chị bán hàng im thít vì quá sửng sốt.
"Cô ả đáng giá hơn thế này chăng?" Pippi hỏi.
"Không, tất nhiên là không, còn lâu mới đến cái giá ấy." Chị bán hàng đáp lại và cúi mình lịch thiệp.
"Chị cứ giữ lại tiền thừa và nhớ mua cái gì hay hay cho bọn trẻ con nhà chị nhé"
Pippi nói, rồi đi ra cửa.
Chị bán hàng vừa cúi mình lia lịa vừa chạy theo sau Pippi hỏi xem chị ta phải gửi con búp bê đến địa chỉ nào.
"Em chỉ muốn có cánh tay này thôi nên cầm đi luôn." Pippi nói. " Chỗ còn lại chị có thể đem chia cho người nghèo."
"Nhưng cậu cần cánh tay này làm gì?" Thomas thắc mắc khi cả bọn dã ra ngoài đường.
"Cánh tay này hả? Tớ cần nó làm gì ấy á?" Chẳng phải thiên hạ vẫn mang răng giả và đội tóc giả đấy sao? Đôi khi lại cả mũi giả nữa ấy chứ. Vậy tại sao tớ lại không thể mang một cánh tay giả xinh xinh nhỉ? Ngoài ra tớ muốn nói để các cậu biết rằng có ba cánh tay tiện lợi vô kể. Tớ vẫn nhớ hồi tớ cùng bố dong buồm lang thang trên biển đã ghé vào một thành phố toàn những người có không tay. Khôn quá, hả ? Các cậu hình dung xem trong bữa ăn , khi một tay bận cầm dao và tay kia cầm dĩa, họ lại muốn ngoáy mũi hoặc gãi tai thì sao! Chà, thật chẳng ngốc tí nào nếu lúc đó họ viện đến sự giúp đỡ của cánh tay thứ ba! Bằng cách ấy họ tiết kiệm được vô khối thời gian, tớ nói cho các cậu biết!"
Trông Pippi có vẻ tư lự.
"Thôi chết, tớ lại đang nói dối rồi," Nó thốt lên. "Lạ thật đấy, tớ cứ nhãng đi một cái, là lập tức những lời nói dối ở đâu cứ kéo lên đầy mồm, khiến tớ không cưỡng lại được. Nói cho đúng sự thật, ở thành phố đó người ta không có ba, mà chỉ hai cánh tay thôi."
Nó im lặng một lát, ra chiều nghĩ ngợi.
"Ngoài ra rất nhiều người chỉ có một cánh tay." Nó tiếp, "Phải, nói đúng sự thật, thì thậm chí còn có những người chẳng có cánh tay nào. Khi muốn ăn họ phải vực mặt như lợn ăn trong máng vậy. Cố nhiên họ không thể tự gãi tai, mà phải nhờ mẹ gãi hộ. Thế đấy!"
Pippi buồn bã lắc đầu.
"Thật sự chưa ở đâu mà tớ lại thấy ít cánh tay như ở thành phố đó. Nhưng cái tính tớ nó thế! Lúc nào cũng thích tỏ ra quan trọng, đặc biệt, thích bịa ra nhiều cánh tay hơn thực tế."
Pippi đi tiếp, cánh tay nhựa vác lên vai.
Đến trước hiệu kẹo, nó dừng lại. Lũ trẻ con đang bâu lại trước tủ kính, say sưa ngắm nhìn những chiếc lọ thuỷ tinh to đựng đầy các viên kẹo xanh, đỏ, vàng, hàng dãy thanh sô cô la, hàng núi kẹo cao su và những thanh đường chỉ trông đã phát thèm. Nào có gì lạ đâu khi lũ trẻ cứ ngẩn ra đó, mắt dán vào tủ kính chốc chốc lại thở dài. Vì chúng không có tiền, đến một đồng cũng chẳng có .
"Bọn mình vào hiệu này chứ?" Thomas sốt sắng hỏi, tay kéo váy Pippi.
"Chúng mình vào hiệu này!" Pippi khẳng định, ba đứa đi vào.
Cháu muốn mua mười tám cân kẹo ạ!" Pippi vừa nói vừa huơ huơ một đồng tiền vàng.
Bà bán hàng há hốc mồm. Bà chưa thấy vị khác nào mua một lúc nhiều kẹo đến thế.
"Cháu muốn nói cháu định mua mười tám cân kẹo thật ư ?" Bà ta hỏi.
"Cháu muốn nói cháu định mua mười tám cân kẹo." Pippi vừa đáp vừa đặt đồng tiền vàng lên mặt quầy.
Thế là bà bán hàng tất tả đi đổ kẹo vào những cái túi to. Thomas và Annika đứng cạnh chỉ cho bà ta những loại kẹo ngon nhất, Loại kẹo bọc giấy đỏ đó ngon tuyệt vời nhé! Chỉ cần ngậm một lúc là nó tan thành thứ kem hết ý trong miệng. Còn loại kẹo bọc giấy xanh vị hơi chua chua kia cũng chẳng thể coi thường. Kẹo dâu và kẹo vani thì tuyệt không kém.
"Chúng mình mua mỗi loại ba cân đi!" Annika đề nghị. Chúng bèn lấy đúng như thế.
"Nếu cháu được thêm sáu mươi thanh đường và bảy mươi hai gói kẹo váng sữa, thì cháu nghĩ cháu không cần gì hơn cho ngày hôm nay ngoài một trăm linh ba thanh sôcôla nữa." Pippi tuyên bố. " Nhưng cháu còn cần một chiếc xe cút kít nhỏ để chở tất cả số kẹo này về."
Bà bán hàng nói rằng chắc chắn nó có thể mua xe cút kít ở cửa hàng đồ chơi bên cạnh.
Lúc này trước hiệu kẹo xúm xít cơ man là trẻ con. Chúng nhìn qua lớp kính và muốn xỉu vì xúc động khi tận mắt chứng kiến Pippi mua kẹo. Pippi chạy nhanh sang cửa hàng đồ chơi, mua về một chiếc xe cút kít và chất tất cả các túi kẹo lên đó. Đoạn nó nhìn quanh và gọi to:
"Đứ a nào ở đây không biết ăn kẹo, bước lên đằng trước!"
Chẳng đứa nào nhúc nhích.
"Lạ quá đi mất!" Pippi nói. "Thế có đứa nào biết ăn kẹo không?"
Lập tức hai mươi ba đứa bước lên. Cố nhiên có cả Thomas và Annika.
"Thomas, mở cái gọi kẹo ra đi!"
Thomas làm liền. Thế là diễn ra một cuộc ăn kẹo thả phanh chưa từng thấy trong thị trấn. Trẻ con đứa nào đứa nấy tọng đầy mồm toàn kẹo đỏ nhân kem, nào kẹo xanh có vị chua dịu, nào kẹo dâu, kẹo vani. Lại vẫn còn có thể nhét thêm một thanh sôcôla vào bên mép. Vì vị sôcôla mà đi với vị dâu thì ngon miễn chê. Từ mọi phía trẻ con kéo đến càng đông, Pippi vốc những vốc kẹo đầy chia cho chúng.
"Có lẽ tớ phải mua thêm mười tám cân kẹo nữa, kẻo chẳng còn chiếc nào cho ngày mai." Pippi nói.
Nó bèn mua thêm mười tám cân kẹo. Vậy mà cuối cùng cũng chẳng còn lại bao nhiêu cho hôm sau.
"Bây giờ tụi mình sang cửa hàng bên cạnh." Pippi nói , đoạn nó sang cửa hàng đồ chơi.
Cả lũ trẻ con theo liền. Sao mà nhiều đồ chơi đẹp thế, những đoàn tàu hoả, những chiếc ô tô có thể lên dây cót, những con búp bê nhỏ dễ thương trong những chiếc váy nhựa, nào chó, nào voi nhồi bông, nào những bức tranh sặc sỡ, nào những con rối.
"Tôi được hân hạnh phục vụ món đồ chơi nào đây?" Bà bán hàng hỏi.
"Mỗi món một ít ạ" Pippi đáp, mắt ngó quanh. " Ví dụ chúng cháu đang rất thiếu những con rối, cả súng đồ chơi nữa. Nhưng cái này có thể giúp được chúng cháu, cháu hy vọng thế."
Nói đoạn Pippi lôi trong túi ra một vốc tiền vàng. Lũ trẻ tha hồ chọn món đồ chơi nào chúng thích nhất. Annika quyết định chọn một con búp bê tuyệt đẹp có những lọn tóc vàng, mặc váy lụa hồng. Khi ấn tay vào bụng búp bê, nó sẽ gọi: "Mẹ ơi". Thomas thích một khẩu súng hơi và một đầu máy chạy bằng hơi nước. Cậu được lấy cả hai. Mọi đứa trẻ khác đều chọn ra thứ mình muốn có. Khi Pippi mua xong thì trong hiệu chỉ còn lại lèo tèo vài bức tranh màu và những khối vuông để xếp hình. Pippi chẳng sắm gì cho mình, nhưng ông Nilsson được một cái gương.
Trước khi rời cửa hàng, Pippi còn mua cho mỗi đứa một cái còi hình chim cúc cu bằng đất nung. Vừa bước ra phố, lũ trẻ lập tức thổi còi inh ỏi, còn Pippi cầm cánh tay gỗ bắt nhịp. Tiếng còi váng lên trên phố chính, tới mức rốt cuộc một cảnh sát xuất hiện.
"Cái gì mà ầm ĩ lên thế hả?" ông ta quát.
"Đó là nhạc bài Này mùa xuân ơi, đến mau đây đấy ạ." Pippi đáp. " Nhưng cháu không chắc liệu tất cả chúng nó có biết mình đang thổi bài ấy không. Hay vài đứa lại cứ tưởng là bài Trời mưa sấm sét đùng đùng ạ."
"Thôi ngay!" Viên cảnh sát thét lên, hai tay bịt tai.
Pippi lấy cánh tay gỗ vỗ vỗ lưng ông ta, an ủi:
"Bác hãy lấy làm mừng là chúng cháu đã không mua kèn trompét đấy.
Những chiếc còi lần lượt im hơi, cuối cùng người ta chỉ còn nghe thấy những tiếng píp píp khe khẽ từ cái còi của Thomas.
Viên cảnh sát giải thích hết sức nghiêm khắc rằng trẻ con không được phép tụ tập đông thế này trên phố chính, và rằng bọn trẻ phải đi về nhà. Thật ra lũ trẻ cũng không phản đối, chúng đang muốn thử chạy những đoàn tàu, những chiếc ô tô và chơi với đám búp bê của chúng. Thế là đứa nào đứa nấy mãn nguyện ra về. Ngày hôm đó chúng bỏ bữa chiều.
Pippi, Thomas và Annika cũng muốn về nhà. Pippi kéo chiếc xe cút kít theo sau. Đi qua biển hiệu nào nó cũng chăm chú nhìn và cố gắng đánh vần."H-iêu-hiêu-nặng-hiệu Th-uôc-thuôc-sắc-thuốc, người ra mua sược phẩm ở đây hả?" Nó hỏi.
"Ừ, người ra mua dược phẩm ở đây." Annika đáp.
"Ồ, thế thì tớ phải vào ngay mua mấy thứ mới được."
"Nhưng cậu có bị ốm đâu" Thomas nói.
"Cái gì chưa bị thì có thể sẽ bị chứ sao," Pippi cãi. "Hằng năm có bao nhiêu người bị ốm và chết, chỉ vì họ không mua sược phẩm kịp thời. Tớ mà lại để mình chịu cảnh ấy thì thiên hạ cười vào mũi cho!"
Trong hiệu thuốc , ông chủ hiệu đang điều chế những viên thuốc, ông định làm dấn chút nữa rồi nghỉ, vì cũng đã muộn rồi. Ba đứa bước đến trước quầy.
"Cháu muốn mua bốn lít sược phẩm ạ." Pippi nói.
"Cụ thể là loại nào?" Ông bán thuốc sốt ruột hỏi.
"Dạ, nếu được thì là loại chữa bệnh tôn tốt ấy ạ."
"Cụ thể là bệnh gì?" Ông bán thuốc càng sốt ruột hỏi.
"Thôi thì chúng cháu cứ lấy loại nào chữa được ho, đau chân, đau bụng, thuỷ đậu, và nếu chẳng may táy máy nhét hạt đậu vào lỗ mũi hay đại loại thế thì cũng chữa được ạ. Nếu thuốc ấy lại dùng để đánh bóng đồ gỗ được nữa thì càng hay. Đó phải thật sự là một loại sược phẩm thượng hạng ạ."
Ông bán thuốc bảo làm gì có loại dược phẩm nào như thế. Ông ta khẳng định chữa bệnh nào phải có thuốc dành cho bệnh đó. Sau khi Pippi liệt kê thêm khoảng chục căn bệnh mà nó muốn chữa nữa, ông bèn đặt lên mặt quầy một dãy chai lọ. Có những chai ông ta viết Dùng ngoài có nghĩa thuốc ấy chỉ để bôi ngoài da. Pippi trả tiền, quơ đống chai lọ, cảm ơn và đi ra. Thomas và Annika theo sau.
Ông bán thuốc nhìn đồng hồ, thấy đã đến giờ đóng cửa hiệu. Sau khi lũ trẻ đã đi, ông cẩn thận khoá cửa. Bụng khấp khởi sắp được vào trong nhà chén món gì đó.
Ra ngoài đường, Pippi đặt những chai thuốc xuống. "Ái chà, ái chà, điều quan trọng nhất tớ lại suýt quên." Nó kêu lên.
Và vì cửa hiệu đã khoá, nên Pippi đặt ngón trỏ lên núm chuông, nhấn rõ mạnh, rõ lâu. Thomas và Annika nghe tiếng chuông ré từng hồi chói tai phía trong hiệu thuốc. Lát sau, một ô cửa sổ nhỏ trên cánh cửa được mở ra. Người ta thường mua thuốc qua cái ô cửa nhỏ đó nếu ban đêm có ai bị ốm. Ông bán hàng thì đầu ra, mặt đỏ tía lên.
"Còn muốn gì nữa hả?" Ông ta giận dữ hỏi Pippi.
"Dạ, cháu xin lỗi , thưa ông sược sĩ, nhưng cháu vừa sực nhớ muốn hỏi ông một điều ạ. Thưa ông sược sĩ, ông hiểu rõ về bệnh tật… Vậy cách chữa đau bụng nào là tốt nhất ạ : ăn một khúc dồi tiết nóng hay nhúng cả bụng vào nước lạnh ạ?"
Mặt ông bán thuốc càng đỏ tợn.
"Xéo khỏi đây!" ông ta thét lên. "Xéo ngay, nếu không…" Ông ta đóng sập cánh cửa nhỏ lại.
"Chà, xem ông ta nổi đoá lên kìa." Pippi nói. "Ai không hiểu lại tưởng tớ đã làm gì ông ta không bằng!"
Nó lại bấm chuông. Lần này chuông vừa reo chưa được vài giây, đầu ông bán thuốc đã lại ló ra, mặt đỏ lựng lên.
"Dồi tiết nóng e rằng hơi khó tiêu đấy ạ," Pippi nói, nhìn ông ta vẻ thân thiện, ông ta không thèm đáp, sập cửa đánh rầm!
"Thôi được!" Pippi nhún vai nói. "Tớ sẽ thử bằng món dồi tiết vậy. Nếu tớ có làm sao thì đó là do ông ta tự gây ra."
Nó bình thản ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước hiệu thuốc và lần lượt xếp hết các chai thuốc thành một dãy.
"Sao những người lớn lại có thể thiếu óc thực tế thế chứ!" Nó phàn nàn. "Ở đây có tất cả… để xem nào… những tám cái chai… trong khi thừa sức cho cả vào một chai. May làm sao tớ vẫn còn giữ được sáng suốt."
Vừa nói Pippi vừa rút các nút chai và rót tất cả các loại thuốc vào một cái chai duy nhất. Pippi lắc cái chai thật kỹ, rồi kề lên miệng tu mấy hơi dài. Biết rằng có mấy loại thuốc chỉ được dùng bôi bên ngoài, Annika hơi lo lắng:
"Nhưng này Pippi, làm sao cậu biết được thuốc này không độc ?"
"Tớ nhận ra chứ," Pippi thích thú đáp. "Chậm nhất là đến ngày mai tớ sẽ nhận ra. Nếu tớ vẫn sống tức là nó không độc, và đến đứa trẻ bé nhất cũng có thể uống."
Thomas và Annika suy nghĩ một lát, đoạn Thomas hỏi, giọng nghi ngờ xen lẫn sợ hãi.
"Đượ c, nhưng nếu nó độc thì sao ?"
"Thì các cậu dùng chỗ thuốc còn lại đánh bóng bàn ghế trong phòng ăn chứ sao." Pippi nói, " Như vậy, dù sược phẩm này độc hay không thì bọn mình đã phí tiền mua nó."
Nó cầm chai thuốc đặt lên xe cút kít . Trên xe đã chất sẵn đầu máy chạy bằng hơi nước, khẩu súng săn của Thomas, con búp bê của Annika và một cái túi đựng sẵn năm cái kẹo bọc giấy đỏ bé xíu. Đó là tất cả số kẹo còn lại. Ông Nilsson cũng ngủ trên xe. Con khỉ đã mệt và muốn về nhà.
"Ngoài ra tớ nghĩ đây là loại sược phẩm rất tốt đấy." Pippi phấn khởi nói. "Tớ cảm thấy khoẻ ra nhiều. Đặc biệt khoẻ và tỉnh táo ở mông đít." Nói đoạn nó ngoáy ngoáy cặp mông xinh của mình.
Rồi nó kéo xe cút kít, ngúng nguẩy đi về Biệt thự Bát nháo. Thomas và Annika bước đi bên cạnh, nhận thấy rằng bụng chúng đang nhâm nhẩm đau.