Cây quanh hồ Gươm
Tác giả: Băng Sơn
Í t lâu nay xung quanh Hồ Gươm được chăm sóc, sửa sang khá đẹp, lát đường, cấy cỏ, trồng thêm cây, đặt thêm ghế đá, mắc thêm đèn... Đó là điều đáng khen, như cô gái đẹp được trang điểm thêm chút phấn son, hấp dẫn nhiều chàng trai ưa nhan sắc. Hồ Gươm đâu còn chỉ là của Hà Nội, nó đã trở thành gia tài vô giá của cả nước, là viên ngọc lưu lá, là niềm tự hào của đất nước, đồng thời còn là niềm say cho bao du khách khắp năm châu bốn biển... Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân là người khó tính, tỷ mỷ, từng đếm xem cầu Hiền Lương có bao nhiêu tấm ván... vậy mà chưa thấy ông đưa vào bài viết nào của mình xem xung quanh Hồ Gươm có bao nhiêu loài cây, và mỗi loài cây có bao nhiêu cá thể cây. Cũng không hiểu hồ sơ lưu trữ của Trại ươm cây, nay là Công tá Công viên và cây xanh có ghi lại được xem trên đoạn đường dài gần hai nghìn mét xung quanh hồ, cụ thể có bao nhiêu loài cây, cây nào cao tuổi nhất, cây nào đang được trồng thêm, những cây nào bị gió bão phũ phàng quạt ngã, cây nào chịu thua những con sâu con mọt...
Rặng liễu hơn mười cây trồng ở phía Hàng Khay, đằng sau chỗ trước đây là quán hoa, đang xanh tốt thì bão bẻ gẫy gần hết, bão không thương cả phận "liễu yếu đào tơ", nay mới trồng lại, bắt đầu buông mành xanh. Nói như một nhà thơ trước tả cây liễu hay tả người con gái đài trang: Liễu xinh xinh thon dáng Liễu cong đôi nét mày... Mong sao hàng cây lần này, gồm mấy chục cây không gặp bão, không bị những bàn tay "thiếu văn hóa" làm thui chột. Cũng khoảng quán hoa cũ này, có vài cây hoa ban trắng, loài hoa của Tây Bắc, vẫn có thể vui trong Hà Nội. Đây không phải là loài hoa ban tím như ở đường Thanh Niên. Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng rất ngạc nhiên về thứ cây lạ mắt này. ạng gọi nó là cây "Móng bò" vì hai cái lá giống như móng chân con bò, rất cân đối, nếu úp lại, chồng khít lên nhau. Một lần vui chuyện, nhà văn Tô Hoài, người hiểu biết sâu sắc về Hà Nội có nói ông rất sung sướng và ngạc nhiên đến vui thích vì phát hiện ra bờ Hồ Gươm có cây ô môi, thứ cây chỉ có mặt ở miền Nam đất nước, hoa nở tưng bừng chói đỏ, còn hơn cả hoa phượng, hoa đào, hoa gạo...
Tiếc sao, đến nay, tôi vẫn chưa tìm thấy cây ô môi ấy, không biết nó mọc ở quãng nào, mặc dù cả bốn mùa tôi đều có ý tìm màu hoa đỏ ấy, cả những buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, vì sợ nhỡ nó như hoa phù dung, mỗi lúc một màu chăng? Xin được mở một đường vòng, một vòng như "vòng phấn Caucase" trong vở kịch của tác giả Đức Berton Bretch, là chỉ nói đến dẻo đất quanh Hồ Gươm, loại trừ vỉa hè phía bên kia của các phố xung quanh. Những hè phố ấy xin tạm gọi là khách, cây cối cũng là người đến chơi. Ga cho con tàu chân tôi xuất phát là Cửa đền Ngọc Sơn, ngôi đền từng có hai bức tường rất cao, tạo thành một lối đi sâu hun hút, cách biệt hẳn chốn phồn hoa đô hội với niềm u tịch lặng lẽ thiêng liêng của tiểu bồng lai.
Năm 1952, cầu Thê Húc bị gục gẫy đêm giao thừa, tường vẫn còn, vẫn che bóng cho hàng chục cái chõng tre của những ông thày bói áo lương khăn xếp và những bà hàng hoa cúng, người của Ngọc Hà đến bán cho khách hành hương. Khoảng đầu những năm sáu mươi, thời nhà viết kịch Nguyễn Bắc làm giám đốc Sở Văn hóa, ông đã cho phá bức tường ấy đi, thay bằng bức tường thấp, mà trẻ em có thể nhảy lên, trèo qua như hiện nay. Công việc chỉ làm trong một đêm. Có lẽ ông sợ dư luận phản đối chăng, như từng phản đối quét vôi trắng cho Tháp Rùa và trồng bốn cây liễu bốn chân tháp. May mà việc xây tường "cải tiến" này, hình như không ai phản đối. Bắt đầu chuyện cây cối bằng cây sung. Bờ Hồ có hai cây sung. Một cây mọc ngay chân hòn núi đá giả, chân Tháp Bút. Có lẽ vì đá xanh cứng quá, nên cây sung cằn cỗi, mấy chục năm không thành cổ thụ. Một cây sung nữa ở quá phía dưới một chút, gần lối đi, trông sang nhà Đèn. Nhiều khi quả sung từng chùm xanh xanh đỏ đỏ, rơi lộp bộp nhưng không ai buồn nhặt, dù quả sung ăn được, chỉ phải đuổi hết đàn muỗi chui vào ruột quả từ bao giờ. Lá sung có thể ăn gỏi cá, nem chua cũng ngon, nhưng mỗi cái nem chua Đình Bảng hay Đan Phượng cũng đã có sẵn một chiếc lá sung rồi, nên cây sung này vẫn an toàn. Cổng đền Ngọc Sơn có cây hoa gạo. Chắc nó mang số tuổi mà không một người Hà Nội hôm nay nào có, có khi từ thời chỗ Đài phun nước tức quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục còn mang tên Bãi Gáo, là chỗ Tây chém đầu những người nổi dậy chống lại chúng. Cây gạo đứng đó, xù ra trăm con mắt, chớp vào đấy bao biến thiên Hà Nội, đọng lại thành thớ gỗ, mùa xuân lại đỏ một trời hoa.
Quanh hồ cũng chỉ có hai cây gạo. Một là nó, cây thứ hai ở xa một chút, trông sang vườn hoa Găng Đi, cũng cao to, cành đâm ngang, hoa mập mạp. Hoa của cây gạo thứ hai này hình như sung sướng hơn vì mỗi khi rụng, nó được lăn mình trên cỏ xanh, ngụp lặn vào nước hồ, mát mẻ, vui tươi như các thế hệ cha ông xưa, không bị nghiến nát như những bông hoa rụng trước cổng đền, rơi trên nền xi măng lạnh cứng. Cạnh cây gạo thứ hai này, Bờ Hồ có một cây dừa dầu duy nhất, vươn cao như một cây cau khổng lồ. Đứng ở phía bờ bên kia, thấy nó nổi bật lên trên nền tán lá các cây khác. Bãi Vông là tên nhiều người đặt cho chỗ gần Tháp Bút. Trải ra một quãng rộng, có 7 gốc vông đang thành cổ thụ, mỗi gốc đang tự vặn mình mà vươn lên cho trẻ trung hơn. Những cái lá vông mập mạp múp míp, xanh óng màu quan lục, tỏa mát dịu một vùng bóng râm dễ chịu. Sau khi hoa gạo rụng hết thì hoa vông nở đón mùa hè. Một bông hoa vông không đẹp, nhưng nhìn một cây vông đón mùa hè thì khó có gì so sánh được độ rực rỡ ấy. Chỉ một cây lẻ loi, cây thứ 8, mọc cạnh nhà Thủy Tạ, chỗ người ta đun bếp, làm bánh, nhiều khi cũng đã thấy tưng bừng như hội.
Những tán lá vông hình cây bài chuồn, có thể vò ra làm thuốc an thần cho người mất ngủ, nên có lúc thấy trẻ em hái lá vông không thương tiếc, hái thuê cho ai đó. Vượt qua bãi Vông một chút, ta gặp cây lộc vừng chín gốc. Cả chín gốc, choãi chân vào đất bờ hồ, để la cà cành thấp cành cao trên mặt nước. Cây đã được vào nhiều tranh nhiều ảnh, và là một cảnh "Bonạai" to lớn khác thường. Còn một cây lộc vừng đơn lẻ nữa, đó là cây ở quá cái "lâu đài" tuy mất mỹ quan nhưng lại rất cần thiết cho những ai cần thiết khi cần thiết. Cây lộc vừng này quằn quẽi như một cây thế trong chậu cảnh, vươn lên khó nhọc, mỗi năm hai lần, buông những chùm hoa đỏ như sợi pháo, lấp ló trong lá xanh. Gặp mùa thu, hoa rụng tơi bời, gió giạt về phía Hàng Khay như một tấm thảm đỏ trong chuyện hồ tinh. Những ai một thời trẻ tuổi, có nhớ một lần nắm tay nhau dưới bóng lộc vừng này. Cây vẫn còn đó. Tình vẫn sâu nặng hay đã phôi pha? Gặp kỳ hoa nở, nhiều nhà thơ nhà họa hẹn nhau đi ngắm lộc vừng, một điều kỳ thú của Hồ Gươm mà nhiều người không chú ý. Gần khoảng này có mấy cây cổ thụ, hơn hai người ôm, thân rất thẳng, lá rất to, nhưng hoa lại rất bé, chẳng có hương thơm, tuy vậy đây là loại gỗ quí. Bốn cây gỗ tếch đấy. Gỗ tếch có thể bán theo ki lô mà không bán cây bán tấm. Đã có lần tôi và nhà thơ Nguyễn Hà đi quanh Hồ Gươm một đêm để chia tay nhau. Anh mang Hà Nội ra đi, tôi mang Hà Nội chất vào lòng. Chúng tôi ngồi trên những "cây rễ" của gốc đa có hình chữ N hoa, một cây đa búp, những cái búp đỏ cho trẻ nhặt chơi. Cây đa đã bị đổ bão đêm 9-6-1991.
Nay, đúng chỗ ấy, đã trồng một cụm đa thay thế. Cũng đa. Hay lắm. Nhưng mấy năm rồi, những sợi rễ bò ngổn ngang trên mặt cỏ đã lụi tàn, cây đa mới cũng chỉ bằng bắp chân. Thì ra có được một cây, thật khó, phải mất hàng trăm năm, chứ phá đi, chặt đi một cân, chỉ cần một lúc. Có được những hàng cây như nay đâu phải không tử công phu, người nhỉ? Cầu cho linh hồn cây đa kia siêu sinh tịnh độ trên thiên đàng các loài cây, cây tuy mất đi khỏi mặt đất, nhưng đã sống trong lòng người. Đa búp, đa lông, có khá nhiều. Nhiều cây có vóc dáng của người lực sĩ, già làng. Cũng có cây làm xiếc, soi bóng xuống hồ, làm thành cái cầu nhảy cho trẻ tinh nghịch, từ đây nhảy xuống hồ mà bơi. Xem bơi chải, lướt ván mà trèo ra cành, rung rung, ngồi trong tán lá, thật hấp dẫn với tuổi thơ. Lạ một điều, những cây đa xoài xuống mặt hồ luôn luôn có nõn mới, xanh mướt màu rau xà lách, ngon lành, mát rượi. Phía bờ tây, mấy cây đa sừng sững, có lúc còn tinh nghịch thả lá vàng xuống cốc kem cạnh ki ốt, nhưng khách không coi là mất vệ sinh, mà chỉ coi như bàn tay của cô gió, chị trời, nàng trinh nữ cố ý trêu mình chút đỉnh. Nhội có khá nhiều.
Sấu cũng vậy. Phía bờ đông, chúng mọc thành hai hàng như đoàn quân danh dự, chào mỗi người Hà Nội qua đây. Cây nhội khiêm tốn, không có gì đặc biệt. Cây sấu quen thuộc hơn nhiều, từ tháng hai thay lá, tháng ba li ti hoa trắng, đầu mùa hè, quả sấu non, giữa mùa thu quả sấu già... đều là đặc sản của Hà Nội. Cạnh tháp Hòa Phong có mấy cây ôi lụ khụ, lúc nào cũng rung râu, phấn chấn. Tháp hứng rượu trời vào be trên nóc, còn ôi hứng gió vào râu, có lúc cũng ngả nghiêng, người ta phải dùng dây cáp thép để cứu cho cây khỏi đổ, như cây ôi trong đền Ngọc Sơn đã được cứu sống như thế. Quả là người không phụ cây thì cây chẳng phụ người. Cây ôi lá nhỏ nhưng chi chít những con mắt xanh, cứ nhìn ta mát mẻ. Tương phản để hòa hợp. Gần mấy cụ ôi già là lớp thiếu nữ non tơ ẩn trong hồn cây liễu. Đây là loại cây trồng lại lần thứ hai, đã bắt đầu buông mành như thắt lưng hoa lý của các nàng trinh nữ, chứ nó không buồn như thơ Xuân Diệu "Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng" một thời nao. Nhìn hàng liễu tốt tươi mà hởi dạ, như thấy cái chúm cau trên ngực tuổi dậy thì. Và cũng tiếc, có những cây bị bẻ cả cành, trụi cả lộc. Sao có người tàn ác thế?
Dọc Hàng Khay, thay vào đường phố mang số chẵn thông lệ, thì ở đây là cây, là gió hồ, sóng hồ... rất nhiều cây xà cừ đã trưởng thành, hiên ngang rợp bóng. Xà cừ và sấu vẫn chen vai nhau, lác đác còn có một vài cây hoa sữa cũng chen vào. Cả sấu và sữa đều không xanh tốt hoặc đông vui, tròn tán như ở phố Trần Hưng Đạo hoặc phố Nguyễn Du. Sữa nở hoa âm thầm, treo mành âm thầm khi thu về, đông tới. Chỗ trước cửa Trung tâm phương pháp Câu Lạc Bộ, xà cừ khép tán, lúc nào cũng mát rượi, là chỗ đi dạo, ngồi đánh cờ lý tưởng cho các lão già Hà Nội. Có lẽ xà cừ, sấu và nhội chiếm ưu thế quanh hồ, nhưng vài ba chục năm nay, không át đi được màu bàng lang nước, mà không hiểu sao lại thành bằng lăng. Mùa hè hoa tím nở rộ bạt ngàn trên phố Thợ Nhuộm thì ở Bờ Hồ, cứ quãng quãng lại bắt gặp một chút tím bâng lâng xao xuyến, hòa sắc vào màu hoa phượng quá nóng bức, rất hợp với tuổi học trò. Thực ra phải gọi loài hoa đỏ màu xôi gấc này là hoa soan tây mới đúng, để phân biệt với loài kim phượng, cây nhỏ hơn, hoa cũng thắm hơn. ôi, thói quen, thay đổi một cách gọi, cách nói, đâu có dễ. Bàng lang nước quen mọc thẳng. Còn soan tây nhiều khi lại cứ thò cả những ngón tay lá xuống mặt nước mà đùa chơi, những chiếc lá xanh như cốm mà nhỏ như cốm. Trước đó, cuối xuân, lác đác đâu đó, màu hoa vàng của cây vàng anh cũng rộ lên, từng chùm, trong khi lá cũng từng chùm dày đặc và mỗi chiều về lá vàng anh cũng biết khép mắt đi vào giấc ngủ. Phải chăng Hà Nội tài hoa nên cây bên Hồ Gươm cũng tài hoa như thế, khoe nhiều màu sắc đậm nhạt, thấp cao, như thế? Có ai bâng khuâng trước một cây cọ cao vút nhưng đã cụt ngọn. Cây đang thành một Từ Hải chết đứng, ai là người xót xa, gửi cho nó một cái hôn gió não nùng như tiễn biệt một người bạn ra đi không bao giờ trở lại? Bờ Hồ ngoài cây cọ chết; đã chặt đi ấy, còn 11 cây cọ đang sống và một cây cũng mới chết. Chúng thường đứng cạnh mép nước, chen vai vào trời xanh, thân thẳng vút, không tốn đất, cũng không chen cành chen lá với ai. Chúng là người quân tử chăng, mặc cho gièm pha, níu áo. Cứ theo mình, chỉ nghe mình. Phía bờ tây có loài cây tên xấu nhưng dáng đẹp. Cây dái ngựa, nhiều người muốn thanh lịch, đọc chệch đi là trái ngựa. Cây cho một thứ quả giống như thế, màu như quả hồng xiêm. Lá cây xanh óng, thân nứt nẻ, gần giống như cây sao đen phố Lò Đúc. Không hiểu nó thay lá chính xác vào mùa nào mà hình như thường xanh. Lộc nõn mỏng như lụa, đỏ như lá bàng lang, khi già mới chuyển thành xanh. Cây muồng vàng thưa thớt chỗ này, chỗ khác. Màu hoa vàng chanh, vàng hoa mướp, nhỏ mà rực rỡ trong nắng, trên ngọn lá một sắc xanh rờn. Mấy năm trước, trước cửa rạp chiếu bóng Hòa Bình còn có một cây muồng đào. Mùa xuân hoa nở màu đào màu đỏ, chen cả chút trắng trinh bạch. Hoa từng chùm gióng như quả cà phê chín chưa kịp hái. Tiếc, cây muồng đào này đã biến mất. Nay đứng từ rạp Múa Rối, không còn nhìn thấy nó nữa. Chỗ gần Đài phun nước, có một cây đề độc nhất, cũng đã gần trăm tuổi. Kiếm một người thích ăn thịt chó khá dễ. Nhưng tìm một người yêu mến và đồng cảm với các loài cây không dễ chút nào. Bờ Hồ chỉ có một cây muồng đào như thế. Nó chết đi, vắng cả nỗi lòng. Chỗ bến xe điện, nay là nơi trông giữ ôtô, hàng cây mới trồng nhiều loại: sa mu, tếch... sao nó còi cọc, mãi không lớn lên được. Vì hơi xăng, hơi ma dút chăng? Không biết. Giống như mấy cây chà là (không phải loại cây chà là ả Rập cho quả ngọt) lá nhọn như kim, có thể đâm chảy máu đầu ngón tay, và rặng phi lao bị xén cụt ngọn, để che cho cái nhà "cần thiết" kia, cũng không lớn được. Con đường đôi ở bờ phía tây, là việc làm còn lại của dược sĩ Thẩm Hoàng Tín khi ông này làm Thị trưởng Hà Nội, chủ yếu là loài cây sấu, cũng là một con đường đẹp hiện nay làm Hồ Gươm ở chỗ này được thư dãn chút ít. Thử tưởng tượng nếu Bờ Hồ không có cây, hoặc qua một đêm, có ai đó điên rồ, chặt hết cây đi (ấy là nói dại như thế) thì Bờ Hồ sẽ ra sao? Nó có giống như một bà hoàng hậu xiêm y lộng lẫy, đủ lệ bộ mà lại có cái đầu trọc lốc?? Nó có giống như cô gái thi hoa hậu, mà lại có mỗi một con mắt nằm dọc trên trán? Thật không thể tưởng tượng được, như vậy càng thấy cây đã đóng vai trò quan trọng như thế nào, nhất là xung quanh Bờ Hồ Gươm. Vài năm nay, Bờ Hồ luôn được tu bổ, còn có cây trong chậu, từng khóm dặt trong khung gỗ, thay đổi chỗ, và thay cây luôn cho tươi là việc làm tốt, trong đó có các loại hoa, có cây đa lá đỏ, cây cò tòng (tức đuôi lươn), cau châu Phi, cọ non v.v... Cũng khen một bồn cây mới có núi non, những phiến đá lũa do thợ trời phải tạc bằng mưa gió triệu năm, đặt một cách mất trật tự cố ý, cho hài hòa với cây vạn tuế cao thấp non già khác nhau. Đẹp. Quanh hồ, chỉ tiếc ít loài cây tỏa hương, trừ hoa sữa và mấy khóm dạ lan hương bên vườn Chí Linh. Có thể tôi kể chưa hết những loài cây quanh Hồ Gươm.
Khó mà thống kê chính xác, vì có thể có cây đổ do mưa, có cây được trồng mới hôm nào... Biến thiên là lẽ thường tình. Quan trọng là có nó và có người hiểu nó, yêu nó. Cây gạo, cây đa, cây ôi, cây sung, cây vông, cây tếch, cây sấu, cây lộc vừng, cây mõ, cây xoan tây, cây bàng lang nước, cây trái ngựa, cây cọ, cây sữa, cây liễu, cây vàng anh, cây muồng đào, muồng vàng, cây chà là, cây phi lao, cây cơm nguội, cây bàng, cây sa mu, cây hoa ban, cây muỗm, cây vạn tuế, cây trắc bách diệp, cây râm bụt, cây nhội... Tôi không thể chính xác và cũng không muốn chính xác như một cái máy vi tính. Cây quanh hồ đã sống cho Hà Nội, đã sống trong lòng nhiều người Hà Nội, trong lòng tôi, và mong sao, có người cũng yêu Hà Nội, yêu cây quanh hồ như thế.