watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đò Dọc-Chương 13 - tác giả Bình Nguyên Lộc Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc

Chương 13

Tác giả: Bình Nguyên Lộc

Quả nhiên đêm ấy cái cảnh mà Quá tiên đoán đã diễn ra tại Thái Huyên trang. Chắc chắn là một cảnh y hệt như vậy cũng đang diễn ra tại nhà chú rể hụt.
Long không tham dự buổi nói chuyện đầu hôm trong gia đình và thoát ra sân để hóng mát.
Ấy thế, cứ vài bữa là chàng đào ngũ một lần cuộc họp mặt đầu hôm trong gia đình.
Gia đình nào cũng chỉ đông đủ có ba lần trong một ngày: hai bữa ăn chánh và đầu hôm. Cần nói gì với nhau, có gì để dạy con, để mách cha mẹ, dọ nói vào ba dịp đó. Long thấy mình đã chiếm mất cảnh thân mật trong các bữa ăn của người ta rồi, nên tha cho họ sự hành tội lúc đầu hôm đó.
Bà Nam Thành xỉa qua cục thuốc rồi hỏi con gái út:
- Làm sao con, con thấy thằng đó như thế nào?
- Dạ, thưa người cũng khá lịch sự.
- Hư, con gái hư! Ai lại khen như vậy.
Người miền Nam lớp già thường hiểu lầm và dùng lầm tĩnh từ lịch sự. Tiếng ấy đối với họ có nghĩa là đẹp người. Bà Nam Thành không bằng lòng con gái khen con trai đẹp vì bà thấy sự ngợi khen ấy trái đạo nên bà mới mắng yêu Quá như thế.
Mấy chị em hiểu được mẹ nên cười rộ lên.
- Gì mà bây cười? Bây chê tao xưa hả? Nay cũng vậy chớ, con gái chỉ nên để ý đến tài đức của con trai thôi.
- Làm sao mà con biết được tài đức của người ta sau khi mới trao đổi với người ta vài câu chuyện không đâu.
- Sao lại không? Người có đức nói một lời thì biết ngay là có đức.
- Hồi xưa thì như vậy nhưng bây giờ họ không có đức mà vẫn biết cách tỏ ra ta đây có đức thì làm sao, thưa má?
- Như vậy là họ giả dối, họ giả dối là mình thấy ngay.
- Thôi được, con thấy người ta có tài, có đức lắm.
- Chớ lại không à? Mới hăm bốn tuổi mà tự sắm xe hơi được rồi. Ông Phán bà Phán ấy về hưu có giàu có gì đâu, thế mà họ sống thong thả lắm, nhờ “thằng ấy” đó.
Bà nín lặng vài giấy. Trong lúc đó thì Hoa thúc cùi chỏ vào người chị cả rồi cười hóm hỉnh bằng mắt như nói:
- Bà cụ đã chấm đậu rồi đó.
Bà Nam Thành ngọt giọng hết sức rồi hỏi thêm con:
- Má hỏi thật con, con có bằng lòng ưng người ta hay không?
Quá từ thuở giờ được cưng hơn hết. Nàng không sợ mẹ giận, mẹ phiền về mọi việc khác. Nhưng việc nầy!
Nàng biết là cha mẹ rất lo âu về việc chồng con của bốn chị em nàng. Chỉ có mỗi một mình nàng là còn dễ gả thôi, ba chị kia đã lỡ lứa rồi. Hy vọng cuối cùng của cha mẹ, nàng đã đánh tan đi mà không thấy là bậy. Bây giờ trước mặt người thân yêu nhứt đời nàng, nàng bỗng nhớ sực lại trách nhiệm của mình rồi hối hận vô cùng . Nàng không hối hận đã bỏ lỡ dịp, mà đã làm một việc mà cha mẹ nàng khi hay được sẽ tuyệt vọng biết bao!
Bà Nam Thành ngỡ sự im lặng của Quá là lời thú nhận theo thường tình con gái nên bà đắc chí mỉm cười.
Biết sớm muộn gì cũng lòi ra, không nói thật bây giờ thì phải lo ngày này qua ngày khác, lo cơn bão tố bỗng nổ bùng ra nên nàng thưa, thưa thật nhỏ như sợ mẹ nghe:
- Con đã nói thẳng với người ta là con chưa định lấy chồng.
Ông bà Nam Thành rụng rời như cả ngôi nhà đang sụp đổ xuống vai ông bà. Ba người chị của Quá đều kinh ngạc.
Ông Nam Thành bỗng đứng lên như có lò xo bật nhưng ông lại ngồi trở xuống ngay, nói đúng ra là ông thả rơi mình trở xuống ghế.
Bà Nam Thành ngừng nhai trầu, nhìn con như không tin lời con vừa nói.
- Thật à? giây lâu bà hỏi như vậy.
- Dạ thưa thật.
- Trời, mầy giết tao!
Rồi bà ôm một đầu gối ngó lên trần, nuốt lệ như từ đâu nơi cổ họng bà nó cứ muốn trào ra, nghe nghèn nghẹn khó thở vô cùng.
Ông Nam Thành chỉ chắt lưỡi một tiếng thôi rồi tì cằm vào bàn tay chống, mắt nhìn vào khoảng không.
Cơn bão tố không bùng nổ lên như Quá đã dự liệu. Nhưng khỏi sợ hãi, nàng lại phải chịu đau xót vô ngần. Nàng đau nỗi đau thầm lặng của hai người thân yêu nhứt đời nàng.
“ Rồi con cũng sẽ lấy chồng được kia mà!” Nàng kêu thầm lên những lời đó, muốn nói lớn lẽ ấy ra để an ủi cha mẹ nhưng bỗng nàng giựt mình sợ hãi.
Ừ, lỡ không lấy chồng được? Người mà nàng yêu biết có chắc là yêu nàng hay không? Vả yêu và cưới là hai việc khác nhau, không bắt buộc phải liên hệ đến nhau, theo quan niệm của nhiều anh con trai đời bây giờ.
- “Trời ơi! Nếu như thế thì cha mẹ mình đành ôm hận mà không gả được đứa con nào hết”
Qúa nghĩ tới đó rồi bỗng dưng khóc ào. Hương thương hại đứa em út, kéo xển nàng đi ra ngoài, một tay nắm cánh tay Qúa một tay vuốt lên tóc em.
Đêm ấy cả nhà im tiếng sớm. Ai cũng lặng thinh và nằm êm trên giường mình nhưng thật ra không ai nhắm mắt cả.
Ông bà Nam Thành không tiêu hóa nổi thái độ kỳ khôi một cách vô lý của con, nằm gác tay lên trán mà hậm hực với ai không biết.
Cô Hương thật thà, không hề ngờ em đã yêu nên cứ ấm ách cho con bé sanh chứng một cách dại dột.
“Tại sao nó lại có thái độ lạ lùng như vậy? Cô Hồng tự hỏi. Người ấy, đoán thì gàn dở lắm nhưng chừng thấy mặt xem ra cũng người đàng hoàng, lại rất xứng đôi vừa lứa với nó lắm mà! Trời! nhà này có mã ế chồng sao mà? Mỗi một lần được một chỗ xứng đáng đến xem mắt thì lại sanh chuyện chẳng lành”
Chỉ có cô Hoa là hiểu được thái độ của Quá thôi. Không phải cô tinh ý hơn ai nhưng vì cô để ý nên đã bắt chợt được vài tiếng không kín, vài cử chỉ quá hùng biện nơi cô em út.
Tại sao cô lại để ý? Ấy, có tịch mà. Tuy làm bộ ta đây là gái có bản lãnh, Hoa thật ra đã bối rối trước người thanh niên mà nàng thấy là đẹp trai, lại có tài có duyên.
Đối với chính nàng, nàng luôn luôn chối là đã cảm mến người thanh niên ấy. Nhưng tất cả hành động của nàng đều tố cáo tình yêu không dám thú của nàng.
Nên chi, Hoa hay rình xem có ai yêu chàng trai ấy hay không. Nàng đã tìm ra được thủ phạm, đến hai thủ phạm kia, nhờ tài trinh thám của kẻ đa nghi, đa nghi vì đã bắt đầu ghen.
Tuy nhiên Hoa vẫn phục em về cái ngông của em nàng hồi sáng. Hoa với Quá là hai cô gái cứng đầu trong gia đình. Hai chị em trìu mến nhau vì đồng tật.
Kẻ có tội lớn trong nhà là cô gái út. Lẽ cố nhiên là cô ta đêm ấy lật qua lật lại mãi trong trí cái tội kia, thử xem coi nó hưởng được trường hợp giảm khinh hay không, cho nhẹ lương tâm cô một chút.
Luận điệu cũ cứ trồi lên mãi: “Rồi con cũng sẽ lấy chồng được kia mà! Con còn trẻ chớ đã lỡ thời đâu”
Và lo sợ cũ cứ lù lù tiến đến để dọa nạt cô” Biết người ấy có thật dạ yêu mình hay không? Và nếu có, sẽ cưới mình hay không?”
Cứ như thế mà mãi cho đến khuya, Thái Huyên trang mới chợp mắt được.
Không khí gia đình Thái Huyên trang bỗng trở lại bình thường sau cái đêm bứt rứt đó.
Ông bà Nam Thành định dịu ngọt với con, thương yêu nó hơn lên để dỗ dành nó. Câu chuyện đáng tiếc hôm qua không phải là không còn cứu vãn được, và may ra Quá sẽ đổi ý.
Con gái đang dậy thì, bị cơ thể biến chuyển đau đớn như trở thời tiết hành hạ họ. Sự khó chịu ấy được cụ thể ra ngoài dưới hình thức những chứng bịnh thường xuyên, không rõ rệt là chứng gì. Đến mấy vị đốc-tờ già đầy kinh nghiệm cũng phải chịu là bí và dưới hình thức những lúc sanh chứng kỳ khôi, khó hiểu, những càu nhàu, những càu nhàu đáng giận.
Ông Nam Thành biết rõ điều ấy nên khuyên bà hãy có thái độ như thường, nếu càng dịu hơn thường được càng hay.
Hồng và Hoa thì công phẫn lối xem mắt vợ của người mình, đặt con gái ngang hàng với món đồ, với con vật nên nghe thỏa mãn hằn học của họ khi người con trai bị ra rìa. Họ nghe như Quá đã trả thù tập quán đáng giận kia giùm họ. Vì vậy họ thán phục cô em út và sự thương mến giúp họ vui vẻ với em hơn mọi ngày.
Duy chỉ có Hương là rầu buồn. Phận nàng, đã xong một đời như vậy. Nàng cam phận ở với cha mẹ đến khi cha mẹ qua đời. Nhưng thương em, nàng mong đứa nào cũng có đôi bạn để ra riêng mà hưởng hạnh phúc với người ta. Người sốt ruột hơn cả cho cảnh hẩm hiu của mấy chị em là nàng. Sự sốt ruột ấy không vì nàng mà vì các em của nàng vậy.
Mỗi lần có bạn trai đến chơi là nàng hy vọng giùm cho các cô em, hy vọng từ năm này đến năm khác và rất lo các cô em phải chịu chung số phận với mình.
Nay có một đám xem chừng xứng đáng, lại bước tới một cách quả quyết như thế thì công chuyện lại đổ vỡ vì cái ngông của em.
Cô tức lắm cho nên khi sáng Quá đang cho gà ăn, cô đi lại níu áo em mà nói:
- Qúa, mầy ngược đãi những người đi coi mắt mầy như vậy thì biết bao giờ mầy mới lấy chồng được?
- Bộ trên đời nầy chỉ có một người đi coi vợ sao chị?
- Hẳn là có nhiều người nhưng họ lại phân chia ra rải rác mà đi coi vợ nhiều nơi, chớ có phải họ chú trọng đến độc một mình mầy sao?
- Đành là thế nhưng cũng không phải sẽ chỉ có độc một người đi coi mắt em.
- Mà đám nầy tao xem được lắm…
- Không phải duyên nợ, chị tiếc làm gì.
- Mầy nói chuyện duyên nợ là mầy chỉ nghĩ đến một mình mầy. Nếu mầy mà thương ba má thì mầy chỉ được kén vừa vừa thôi.
- Em có kén chọn gì đâu. Em đã chẳng khen người ấy là lịch sự, là có tài có đức đó sao?
Hương rơm rớm nước mắt mà rằng:
- Em còn thơ dại, không hiểu được nỗi khổ của ba má. Nhà có con gái đông vầy mà không gả được đứa nào hết, thiên hạ cười chê ba má dữ lắm đó. Họ nói: “đẻ làm chi cả bầy con gái cho chúng ế chồng lên, ế chồng xuống như vậy?”
“Mình không thấy đó là xấu hổ nên mình bất kể được. Nhưng ba má lại nghĩ khác mình, nghĩ như họ nên ba má buồn phiền lắm”
Quá cảm động đến đỏ cả mắt và mũi:
- Khổ quá, em có muốn làm cha mẹ buồn đâu. Tại lòng em như vậy đó chớ.
- Dẹp cái lòng mầy lại một nơi đi. Mầy tưởng tình yêu không đến được sau hôn nhơn à? Mầy tưởng má hồi đó si tình ba dữ lắm lúc ba đi coi mắt mà à? Nhưng rồi má có không yêu ba đâu, đồ điên!
Vừa thoát khỏi tay chị, Quá lọt ngay vào ổ phục kích của Long.
Anh chàng họa sỹ đã được cô Hoa bép xép cho biết mọi việc, nên quyết gặp mặt Quá để phân vài lời cho cô biết lẽ phải ra.
Long hối hận lắm, chàng đã không can đảm mích lòng cô bé, để cô ta hiểu lầm nên nay mới xảy ra việc đáng tiếc nầy.
Mà khổ! Sao từ thuở giờ không ai đi coi mắt họ? Biển tình cảm trong gia đình vừa mới bị ngọn sóng ngầm dao động sơ sơ vài bữa là có một đám thật khá muốn giao tình.
Xui xẻo cho gia đình nầy biết bao! Long càng nghĩ càng thương những người sống trong tối tắm nầy, không bao giờ dám có mộng to, chỉ mong hưởng được một cuộc đời bình thường của mọi người mà cũng không toại nguyện.
Vừa bị chị gợt cho mình khổ tâm, Quá thấy Long thì bỗng nổi giận lên. Nàng quy tội cho anh họa sỹ đã bước vào đời nàng một khi không phải lúc, cho nàng phải xót dạ như vầy.
“Ừ, tại nhà ngươi đó mà ta mới ngông như vậy, mà nhà ngươi thì xem chừng như chưa dứt khoát lắm đó. Liệu hồn nhà ngươi, bỏ rơi ta thì biết”
Mặt Quá hầm hầm khiến Long sợ hãi lắm nhưng cố làm bộ thản nhiên, chàng hỏi:
- Thế nào cô út? Chưa muốn lấy chồng thật à? Bữa nay thì tôi tin cô rồi đó nhưng vẫn không hiểu tại sao…
- Đồ ngốc!
Quá như điên lên mắng càn một tiếng. Tiếng mắng vừa vọt ra khỏi miệng nàng là nàng hả giận được ngay và tỉnh hồn lại rồi hoảng sợ vô cùng. Hoảng sợ lại làm cho nàng tức nghẹn lên nên Quá òa lên khóc.
Người kinh khủng là Long. Tình cảm dữ dội của Quá vừa rồi cho chàng cảm thấy mãh lực cuồng loạn của mối tình nàng. Mãnh lực ghê hồn ấy được tuổi thơ dại buông cương ra và nó sẽ tác hại không biết đến bờ bến nào mà lường trước được.
“ Trời ơi, thế nầy thì chết mất! chàng than thầm. Ta vào đây, mang ơn gia đình này rất nặng, đã chẳng làm gì được để đáp nghĩa họ, lại vô tình gây rối rắm trong nhà người ta”
Đành rằng họ yêu mình là tại họ, có ai bắt buộc họ đâu, có ai dụ dỗ họ đâu? Nhưng phải thú nhận với lương tâm rằng cũng chính vì mình không ngay ngắn lắm nên người ta mới hiểu lầm, rồi chính vì mình hèn nhát lắm không dám đính chánh nên người ta tiếp tục hiểu lầm mãi”
Hoảng sợ quá nên tính xằng, Long tự hỏi: “Hay mình cưới quách con bé ấy cho xong? Ừ, cưới nó thì êm chuyện , khỏi sợ ai làm dữ nữa. Đành rằng mình đã tỏ tình với chị nó nhưng chưa nói gì rõ ràng đích xác lắm, mà chị nó cũng chẳng hứa hẹn gì, thì dứt bên kia cũng không khó. Cô Hồng ấy lại hiền từ…”
Ỳ nghĩ ấy vừa thoáng qua trí chàng thì Long lại hoảng hơn bao giờ cả. Thì ra càng sợ, càng rối lên rồi càng giải quyết bậy bạ tất cả mọi việc. Cũng may là chưa có gì ghê gớm lắm mà chàng đã hốt hoảng tính xằng như vậy rồi, nói gì khi uất khí của cô gái bé cứng đầu kia nổ đùng ra thì chàng sẽ hành động sai lạc đến đâu?
Thấy rõ là cần phải nguội trong đầu, bình tĩnh lại mới khỏi làm xằng, Long quyết đánh cù cưa cho dịu cơn tức của Quá để đợi sự lắng tình của nàng và lắng trí của mình.
Chàng dọn ra một bộ mặt rộng lượng và đậm màu thương mến, tiến đến gần Quá mà rằng:
- Anh không ngốc đâu, em nhỏ à! Anh hiểu em lắm nhưng anh thấy là anh không gây hạnh phúc cho em được bằng người khác, bằng người thanh niên hôm qua.
Quá mừng rỡ hết sức vì cái liều lĩnh đến thô lỗ của nàng chẳng nhưng không làm mích lòng Long mà lại buộc Long nói rõ ra vài điểu mà từ hổm nay chưa ai dám nói. Thế là đã rõ, như là nàng có tỏ tình với anh ta và anh ta đã có ý kiến về mối tình ấy.
Tuy đó là một ý kiến thối thác nhưng vẫn còn hy vọng nhiều và dễ chịu cho thắc mắc của nàng hơn là trước kia không thể biết được người ta hiểu thấu mình hay không.
Một lần nữa Long lại hèn nhất rồi dấn thân thêm vào con đường gai góc. Chàng không yêu Quá, mà nói như thể hóa ra yêu, yêu nhiều lắm, yêu đến vị tha, sợ không làm nàng sung sướng được nên hy sinh mối tình của mình nhường nó lại cho người khác. Khổ ơi là tuổi trẻ! thờ thần tình cảm quá rồi cứ dối người dối mình, dối cả đến vị thần mà họ thờ phượng. Đến khi đức tin nơi vị thần ấy phai lợt được thì bao nhiêu là tang tóc, bao nhiêu là sụp đổ đã chồng chất lên đời họ rồi!

*


Ở thôn quê miền Đông, nhứt là ven các con lộ, không hiểu sao trong vòng mười lăm năm nay cỏ bù xít mọc nhiều quá.
Các bạn biết thứ cỏ ấy chăng? Đó là thứ cỏ người ta hái ngọn để nuôi thỏ. Cỏ có thân cây và nhánh lá đủ cả như một cây to thu nhỏ lại. Nhưng thứ cỏ bù xít mọc tràn đầy đồng nội nầy lại cao quá đầu người chớ không phải chỉ thấp độ hai tấc như cỏ bù xít thường.
Có người biết chuyện quả quyết rằng chính quân đội Nhựt muốn kháng chiến chống quân đồng minh nên đã mang hột cỏ ấy từ xứ họ qua đây mà rải để khi cỏ mọc lên, họ có chỗ núp mà đánh du kích ở khắp nơi.
Chỉ có cỏ ấy là đủ điều kiện thôi. Mọc mau, rậm rì để ẩn núp mà lại mềm, không gai góc, người núp trong đó day trở dễ dàng mà không sao cả.
Sáng hôm ấy Long vẽ chơn dung cho Hoa, Hoa nài nỉ đòi ngồi giữa đám cỏ bù xít bên vuông đất trống cạnh vườn nhà, vì nàng bảo hay e lệ, ngồi ở ngoài vườn thiên hạ trông thấy, nàng sẽ hết tự nhiên đi.
Mới ngồi xong, Hoa lo lắng hỏi:
- Anh vẽ em ngây thơ, hay quạu cọ hay gì đó?
- Chơn dung của cô là chơn dung của “sắc đẹp”
- Nịnh đầm! Hoa mỉm cười và mắng khéo hoạ sỹ một tiếng.
Long mặc sơ mi vẽ hình đủ thứ cả, quần phớ la-nen, ống chẹt nhưng trông phong nhã chớ không cao bồi.
Chàng đã vẽ xong chơn dung cho mọi người nhà trừ Hoa và ông Nam Thành. Đã đi được ngay ngắn từ lâu, Long muốn về lắm nhưng loạt truyền thần không lẽ bỏ dở chừng, nên rán vẽ cho xong để ra đi sớm chừng nào hay chừng nấy!
Long ngừng tay lại, đứng ngắm kỹ mặt người mẫu như để cố thu tất cả những đặc điểm của gương mặt ấy vào trí chàng.
Trong giây phút, mắt chàng gặp phải mắt Hoa, chàng bỗng sực nhớ lại rằng đêm đầu, mắt ấy đã trốn mắt chàng.
Lầnnày nó không lẩn tránh nữa mà lại như muốn đương đầu với cái nhìn của chàng.
Long hơi bối rối rồi chàng quyết định chịu thua. Nếu không chịu ơn nhà nầy, nếu không có chuyện rắc rối xảy ra hổm nay thì chàng đã cho hai cái nhìn quyện lấy nhau rồi.
Long là một thanh niên đa tình, cô Hoa lại là một cô gái đẹp. Nghệ sỹ thường thường tham lam đến quên đạo đức, mặc dầu yêu cô chị, chàng cũng dám trầm trồ nhan sắc của cô em.
Nhưng cái nguy đã ló dạng nên chàng để lý trí lên trên được.
Hoa hỏi:
- Tại sao lại “của sắc đẹp” như anh vừa nói?
- Là vì cái điểm trội hơn hết nơi cô là sắc đẹp. Cô Hồng thì đã có cái mơ buồn làm minh tinh cho dung nhan của cô ấy, mặc dầu cô ấy cũng rất đẹp. Cô Quá có cái ngây thơ là khả họa nhứt. Nơi cô, sắc đẹp là chủ điểm.
- Ừ, chị Hồng em buồn lắm. Nhưng vẻ buồn của chị rất nên thơ và khả ái.
- Đúng như vậy. Tại sao cô Hồng lại buồn như thế cô?
Đây là một câu hỏi mà Hoa cố ý khêu gợi ra khi nói đến cái buồn của Hồng, khêu gợi và mong mỏi nó đến.
Nhưng nàng vẫn làm bộ ngại lời, nên chỉ mỉm cười một cách bí mật thôi.
Long yêu Hồng vì nhiều lẽ, mà một là vì vẻ buồn như tàng ẩn nỗi niềm gì đau thương lắm. Riêng vẻ buồn ấy, riêng cái đau thương bí mật ấy, tự nó cũng đã quyến rũ lắm rồi, chàng không cần biết thêm gì nữa cả. Nhưng tò mò là bản chất của con người nên chàng nài nỉ một cách như không tha thiết lắm:
- Cô Hồng nhờ buồn mà đẹp hơn lên nhưng vẻ đẹp ấy sẽ còn mãi hay không là do duyên cớ buồn của cô. Nếu tự nhiên mà buồn thì cô sẽ đẹp mãi mãi nhờ nét buồnám trợ. Bằng như buồn vì một cớ có thể nguôi được thì vĩnh biệt vẻ đẹp vậy.
Hoa ngứa ngáy quá chịu không thấu nữa, xác định:
- Chị em chỉ mới buồn về sau nầy thôi. Tội nghiệp cho chỉ lắm, chỉ đã đau khổ không biết bao nhiêu…
- Vậy à? Tình duyên chắc? Xin lỗi cô, tôi quá tò mò…
- Chuyện riêng tư không lẽ nói với ai, nhưng đã xem anh như là người nhà, như một người anh rồi thì…
Hồng làm quen với Thân nơi nhà một người bạn gái chung.
Thân là một sinh viên y khoa đại học, nhà nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có lẽ tình trạng đáng thương ấy khiến Hồng cảm tình với Thân ngay trong cuộc gặp gỡ đầu.
Họ ít gặp nhau lắm vì Thân ngoài các buổi nghe giảng ở phân khoa, còn phải đi thực hành ở các viện như viện cơ thể học, viện hoá học hữu cơ, viện sinh lý học…và nhứt là dạy ở các trường tư để mưu sinh và mua thêm sách vở.
Ít gặp mà hễ gặp là đàm đạo mê vì xem ra họ rất hạp tâm hạp ý với nhau lắm.
Sau một năm quen biết, họ yêu nhau. Hồng con nhà nề nếp, Thân đứng đắn nên họ yêu nhau suông vậy thôi, được một năm nữa.
Thân dạy trường tư rất ít giờ, vì chàng sợ bỏ học thực hành rồi hỏng thi như không biết bao nhiêu sinh viên khác ở các phân khoa khác.
Vì vậy vấn đề cưới hỏi nhau chưa ai dám đặt ra cả.
Ông bà Nam Thành không khá giả bao nhiêu thì không thể bao cho một tiểu gia đình nữa được. Thân chỉ kiếm vừa đủ tiền ăn cơm tháng, tiền quần áo, sách vở và xi-nê thôi. Đến những bữa mời nhau đi ăn mà Hồng còn phải trả tiền tắc-xi, tiền hiệu ăn nữa là.
Hồng đã lãnh đan áo, lãnh xếp đèn giấy cho người ta, thức đêm thức hôm để kiếm thêm chút ít mà giúp bạn.
Mối tình vô tội của đôi bạn, vì phải đợi lâu ngày quá nên chuyển ra tội lỗi. Thân chỉ mới học đến năm thứ nhì, nếu kể cả năm dự bị là ba, còn đến bốn năm nữa mới cưới vợ được. Mà đời nay con trai con gái không đủ bền chí đợi nhau đến ba bốn năm như các cụ ngày xưa.
Hồng lo sợ Thân thối chí nên đã dễ dãi với người sanh viên ấy.
Năm đó Thân thi đỗ ngoại trú. Người ngoại trú mỗi ngày phải vào làm việc ở các nhà thương một buổi .
Công việc bắt buộc chàng chung đụng rất thường với bạn gái đồng nghề.
Thân vẫn yêu Hồng như thường nhưng gần gũi cô Nghĩa, cô nữ đồng nghiệp ấy lâu ngày chầy tháng quá nên lửa phải bắt rơm.
Là một người vị hôn phu trung thành với người bạn đời chưa cưới, trung thành đến dại dột, Thân thú thật với Hồng sự phản bội của hắn.
Hồng đau đớn lắm nhưng sau những giải thích khoa học của Thân và những lời cam kết của anh, Hồng nguôi được.
Nhưng rủi ro cho cả ba người trong cuộc là cô Nghĩa mang thai với Thân.
Thân trước kia có giới thiệu hai người bạn gái với nhau, và Nghĩa với Hồng cũng mến nhau lắm.
Bây giờ cớ sự như thế này, Thân hoảng sợ quá không giải quyết làm sao được cả.
Cô Nghĩa thì chỉ khóc, chớ cũng chẳng làm gì Thân.
Hồng đành chịu thiệt thòi, không phải để cứu một người bạn không thân bao nhiêu mà chính là để cứu một người đờn bà mà số kiếp thường chịu long đong do tạo hóa gây dựng thể chất của họ một cách bất lợi trong đường tình.
Hồng cố vui vẻ cho Thân cưới Nghĩa, nếu không anh chàng nầy dám làm mặt lì bỏ rơi Nghĩa lắm, vì Nghĩa kém sắc hơn Hồng nhiều, lại vì chính Nghĩa đã thọ thai, tức là đã bớt quyến rũ về xác thịt.
Đau đớn là ở chỗ đó.
Khi nỗi đau khổ bị đè nén xuống, nó chạy dồn vào bên trong rồi con người cứ phải nhơi mãi thứ tình cảm không tiêu ấy, nó nằm trong đó mà gặm lần gặm mòn cả tâm hồn người ta.
Nghe câu chuyện, Long có cảm giác rằng Hoa cố ý tiêu diệt Hồng trong lòng chàng, Hoa đã đoán thấy mối tình chớm nở giữa hai người và cũng yêu chàng nên mới nhẫn tâm tiết lộ bí mật của đời chị như thế.
Trời! “Núc ních trật chín, trận mười”, lời tục nói không sai! Cái cô Hoa nầy hổm nay xem ra như là rất thờ ơ với mình , nhưng giờ mới thấy là cô ta quá sá.
Quá tuy thế mà thẳng thắn hơn, lương thiện hơn nhiều. Cô yêu là cứ yêu, không sợ ai cười chê gì cả. Và yêu thì yêu không cần gạt ai ra hết. Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn chớ!
Cô Hoa đã lầm. Long yêu là yêu, không thèm biết đến dĩ vãng của người yêu, hay có biết cũng chẳng để nó ảnh hưởng đến tình yêu của chàng được.
Trái lại, chàng nghe ghê tởm quá cái con người nầy mà lòng vẩn đục những ác ý. Bỗng nhiên chàng thấy Hoa bớt đẹp ra và hình như là bắt chợt được vẻ hiểm ác kín đáo ẩn hiện trên gương mặt của nàng.
Hoa im lặng nhìn phản ứng trên mặt của Long, còn Long thì ngẩn người ra mà kinh ngạc cho nhơn dục đã làm loạn tâm con người đến thế.
Hai người không nghe được tiếng chơn đạp lá, không thấy những cây cỏ bù xít bị lay động gần đó.
Đò Dọc
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18 ( Chương Kết)