watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đò Dọc-Chương 2 - tác giả Bình Nguyên Lộc Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc

Chương 2

Tác giả: Bình Nguyên Lộc

Hốt chót ba đầu hụi lớn xong là ông Nam Thành đi vắng nhà luôn. Ban đầu thỉnh thoảng bỏ cơm sau rồi hai ba hôm ông mới về : ông lo cất nhà để đưa gia quyến lên.
Trong khi đó thì bà Nam Thành tìm người sang nhà, dứt khoát những dính líu tiền bạc nho nhỏ và bán bớt những vật dụng mà ở nhà quê không dùng.
Cả nhà gom y phục trắng và màu để nhuộm đen. Bà Nam Thành nói :
- Làm lụng thì phải ăn mặc đồ đen cho nó đở tốn sà bông. Với lại mình phải làm cho giống người chung quanh. Nếu không, khó mà giao thiệp, mà trộm cướp nó thấy mình sang trọng thì nguy.
- Mình mà sang trọng với ai ?
- Ậy, ở đây mình chỉ xoàng thôi. Nhưng về quê thì các cô sẽ thấy. Các cô nỗi rõ lên như công chúa ấy.
Phe phụ nữ không ai háo hức lui về vườn cả, nhưng ai cũng chuẩn bị ráo riết, nhẫn nại chịu số phận và cố làm cho tròn phận sự. Cảm động thay người đàn bà !
Thỉnh thoảng ông Nam Thành về qua nhà, thấy vợ con buồn buồn, ông an ủi :
- Người ta nói : "Tấn về nội, thối về ngoại". Đồng quê là quê ngoại đó. Đó là nơi ẩn náu tuyệt diệu khi ta thất vận. Có làm là có ăn, không sợ đói bao giờ.
- Chớ ở đây mình làm cũng được vậy ba, cô Quá cãi.
- Mình làm cái gì ? Không lẽ ba đi làm phu cho các xưởng xây cất, hay làm lon ton. Về trển thì ba cuốc đất đó, mà coi nó còn được hơn : sĩ, nông, công, thương, nông đứng đến hàng thứ nhì.
Còn các con, đi bán thuốc điếu không được, bán chè đậu cũng không. Thì về nuôi heo là phải. Trong nhà, làm cực nhọc lem luốc gì cũng chẳng ai biết.
Tình thế bốn chị em quả khó xoay xở. Cả bốn đều có học nửa chừng trung học và đã sống theo lối khá giả từ thuở giờ. Bây giờ dễ gì mà dám đẩy một chiếc xe nước mía ! Đi làm vẫn được đó, nhưng ông Nam Thành nhắm sức học của con mình, cỡ đi làm thì lương chỉ đủ tiền son phấn và áo dài thôi, nên nhứt quyết không cho bốn cô tìm việc.
Ông ít băn khoăn về gánh nặng bốn cái thùng giạ nầy vì ông tưởng rồi chồng nó sẽ rước con ông đi. Nhưng mãi không thấy ai gắm ghé gì cả, cho đến bây giờ thì vợ chồng con cái phải lo cho bổn thân về sau vậy.
Quá cứ chui đầu vào các rạp chiếu bóng. Xem cho ngấy ra để nhịn thèm về sau. Còn Hoa thì lẽ cố nhiên, ăn kem hết hiệu nầy đến hiệu khác. Cô Hồng chỉ ngồi đó mà buồn, hay đi thơ thẩn ở các ngả đường vắng. Người chị cả tự nhiên như không tình cảm, lo thu xếp không ngớt tay.
Nhưng cả bốn chị em đều thích Bằng đến chơi. Bằng là người anh họ của bốn chị em nhà nầy. Hắn nhỏ hơn Hương một tuổi, nhưng trông già dặn, đáng mặt người anh lắm.
Gia đình nào chỉ có toàn con gái không mà thôi, thì rất cần một đứa cháu trai như vậy. Nó sẽ đưa em nó đi chỗ nầy chỗ nọ, những nơi tuổi trẻ giải trí mà người lớn không hạp, không muốn bước chơn tới, cha mẹ, vì thế không đưa con mình đi được.
Hồi mấy chị em mới lên Sàigòn, còn nhà quê đặc, đã nhờ anh Bằng nầy rửa sạch mùi ruộng bùn lầy cho. Cho mãi đến ngày nay họ cũng còn nhờ cậy Bằng đưa vào những nơi họ không dám đến. Nói họ là nói Hương với Hồng ấy, chớ còn Hoa và Quá thì nơi đâu hai cô cũng dám lăn vào. Hai cô đã tổ chức đánh lộn với con trai tại vườn Tao đàn, hồi còn đi học, đã dám vác ve chai chọi lính Lê Dương thì có gì mà hai cô không dám. Còn điều nầy nữa, tuy cả nhà không ai nói ra, là họ hy vọng nơi một cuộc mai mối của người cháu, người anh họ ấy.
Bằng có rất nhiều bạn trai, thỉnh thoảng có rủ vài đứa đến chơi nhà. Thì một khi kia, lẽ nào lại không có một đứa si tình một trong bốn cô.
Bằng cũng thích đưa bốn cô em họ đi dạo. Bốn cô nầy cũng khá đông bạn gái. Bằng thích gặp bạn của các cô. Cả đôi bên đều có lợi.
Nay lui về quê, họ càng hy vọng nơi người anh ấy, rất sợ gãy mất cây cầu liên lạc, nên càng niềm nở với Bằng lúc anh nầy đến chơi, khẩn khoản nài nỉ anh ít ra mỗi tuần cũng lên trên ấy một chuyến.
Hôm Bằng hay tin họ sắp dọn nhà, chàng chưng hửng, rồi buồn buồn hỏi :
- Các cô đi đành à ?
- Không đành cũng phải đành. Anh tính coi còn biết làm sao ! Nè chúa nựt nào anh cũng lên nghen ! Tụi em cho ăn trái cây thì phải biết.
- Nói dóc. Cây chưa trồng, lấy đâu àm ăn.
Cả bọn cười xòa.

***

Bạn hữu của Hương và Hồng phần đông đã có chồng. Một vài cô đã góa chồng. Đôi cô lại thay chồng hai bận rồi. Cô nào cũng tay bồng tay dắt cả. Thế nên hai cô chỉ đi từ giã những bạn còn độc thân thôi. Những người nầy, tuy không nói ra, vẫn ái ngại cho hai cô lắm.
Còn Hoa và Quá thì trao đổi ảnh không ngớt tay. Có bao nhiêu tiền đi chụp ảnh cả, rồi để tặng bạn, rồi xin ảnh bạn dán vào tập. Họ làm thơ nữa, trong đó có lá
thư, lá vàng rụng rất nhiều, mưa rơi cũng lắm, còn nói gì nước mắt cũng đằm đìa.
Hôm ấy ông Nam Thành về lần chót rồi tuyên bố :
- Xong cả rồi, mốt ta đi !
- Vậy hả ! Ba cô con gái sau, mặc dầu dư biết sẽ có ngày ấy, vẫn rụng rời khi nghe tin dọn nhà. Ba cô cứ mong ông cụ chuận bị chậm thật chậm, càng chậm càng hay. Họ lại mơ hão một chuyện bất ngờ xảy ra để ông cụ đổi ý.
Giây lâu Quá hỏi :
- Nhà đẹp không ba ?
- Đẹp... nghĩa là đẹp theo sằn dã ấy. Hễ qua khỏi Thủ Đức, tụi bây thấy nếp nhà nào xinh xắn muốn vào đó mà ở thì đó là nhà của mình.
Ông cụ tuy vừ nói vừ cười, nhưng vẫn nghiêm trang chớ không cà rỡn. Cái cười đó là cười thích ý về cônng trình của mình.
- Thì xe ngừng ở đâu, là nhà ở đó, như vậy còn đoán trước sao được ? Bà Nam Thành nói.
- Không, tôi sẽ cho xe chạy lố một đoạn đường, để mẹ con đoán chơi. Đoán được thì là tôi thành công, bằng không thì cũng mặc. Rồi tôi sẽ cho xe lui lại ngay nhà.
Ông Nam Thành đi mướn xe cam nhông. Bà thì cho người sang nhà hay tin để mốt họ lại nhận nhà.
Ngày hôm đó, và hôm sau, không ai đi đâu nữa cả. Họ muốn, trong hai ngày cuối cùng, khắn khít với căn nhà mà họ chiếm trong mười năm, căn nhà đã thấy bốn cô gái lớn lên, căn nhà mà trên vách còn những ngắn đo bề cao hằng năm của ba cô gái sau.
Chơn trời chung quanh thật không có gì quyến rủ, tuy nhiên nó quen mắt quá nên họ cũng nao nao buồn phải rời cảnh quen thuộc đó : trước mặt là một dãy phố tồi tàn. Ngõ hẻm ở giữa hai dãy nhà thì lổm chổm đá và loang lổ những ổ gà nước đọng, một hàng trụ, mấy nghĩa địa nhà thờ Cầu Kho. Đầu mgoài là phố Võ Tánh và bên kia phố là hàng rào song sắt của thành Ô Ma.
Cô Hương lớn lên ở nhà quê, và như cha mẹ, xem chổ ấy là nơi tạm trú. Lui về quê cô chỉ thấy thích.
Ba cô sau đã quen mất nông thôn, xem ngõ hẻm là quê hương của họ, nhứt là cô Quá là kẻ lên đây lúc còn thơ ấu lắm. Quá và cả Hoa nữa, tuy nói tia lia vẫ héo hon lòng.
Sàigòn là nơi cô để lại mối tình đầu, nên chi cô Hồng ngậm ngùi hơn ai cả. Mặc dầu mối tình đã tan vỡ mà người cô yêu vẫn còn ở đô thành, thì đô thành đối với cô là một chổ thiêng liêng.

***

Để cho đở tốn, hôm ấy nội nhà theo cam nhông chớ không mướn xe riêng.
Người Sàigòn dọn nhà đi giữa sự thờ ơ của hàng xóm. Ở với nhau không bao lâu, tới lui nhau rất ít, thì đi đâu nào ai thiết tha đến mình !
Nhờ thế họ lên xe mà khỏi bận bịu người. Cảnh thì cứ ngậm câm, không nghẹn lời giã bạn được, nên họ chia tay với cảnh dễ dàng.
Qua khỏi chợ Thủ Đức, ông Nam Thành nói :
- Coi chừng, mẹ con rán mà dòm để đoán nhà.
- Bên trái hay bên mặt, ông ?
- Biết đâu, cứ xem cả hai bên.
- Hứ, làm bộ bí mật hoài. Nhà tranh chớ bộ lầu đài gì sao mà trịnh trọng dữ vậy.
Họ chia ra hai phe để nhìn hai bên lộ.
- Đây nè, Hoa reo lên.
Người ta xem lại thì đó chỉ là một ngôi nhà gạch củ, Quá véo chị một cái đau điếng.
Bà Nam Thành than :
- Mỏi cổ lắm ông ơi, ông báo hại mẹ con tôi làm chi vầy nè.
Anh tài xế và hai anh phu khiêng đều cười ngất mà thấy ông chủ nhà có ý dấu kỳ dị như vậy.
- Đây nè !
- Lần nầy, chính cô Hương ít nói kia la lên.
Họ day qua phía tả thì thấy một nếp nhà tranh có gác, kiến trúc rất kỳ lạ. Nhưng quả thật xinh lắm. Chung quanh nhà trồng được vài cây bông huỳnh, vài bụi cỏ huệ. Vì cuộc đất hơi to nên chỉ mới làm hàng rào ở mặt tiền thôi, mà đó là một hàng rào tượng trưng, dài độ bốn mươi thước, cố ý làm trước, để trổ cửa ngõ.
Rồi mấy mẹ con lại nhìn người gia trưởng thì thấy ông nầy cười chúm chím. Lúc bấy giờ xe đã chạy qua khỏi đó mấy trăm thước rồi.
Ông Nam Thành biểu xe ngừng và de lại.
Nếu vợ con ông mà biết được những dự bị của ông Nam Thành thì họ sẽ cảm động biết bao nhiêu !
Ông Nam Thành tản cư lên Sàigòn với hai bàn tay không như ta đã thấy. Nhưng ông lại ôm theo một chồng báo P.H. cũ. Báo ấy có dành riêng cho hội Ánh Sáng là hội bài trừ nhà hang chuột ở Hànội hồi tiền chiến, mỗi tuần một trang. Trong trang đó, mỗi tuần kiến trúc sư V.Đ.D đều có vẽ một kiểu nhà tre lợp tranh, rất tiện và khá đẹp.
Ông Nam Thành yêu báo, hay yêu kiểu nhà ? Có lẽ cả hai. Và có lẽ ông đã nưng niu cái mộng về quê cất nhà Ánh Sáng từ mười mấy năm nay.
Thấy rõ là ông đã làm công việc tạo tập nầy với cả tấm lòng ông.
Ông Nam Thành đã tự ý sửa đổi rất nhiều, và nếu nhà kiến trúc sư vẽ họa đồ trông thấy cái nhà lai căn nầy, chắc ông bất bình lắm. Nhưng phần chánh vẫn còn được kính nể và ông Nam Thành có nhiều lý do để xúc phạm kiểu mẩu như vậy.
Trước hết là cái nóc. Ông không lợp mỏng như người mình thường làm hay như họa đồ chỉ vẽ, mà lợp thật dày theo lối Nhật Bổn, dày đến bốn tấc. Bạc ngàn tiền tranh nằm trên đó. Như thế mười lăm năm sau, nóc ấy dễ cũng chưa hề hấm gì.
Ban đầu ông Nam Thành định làm vách đất tô xi măng rồi quét nước vôi để trông cho sáng sủa. Nhưng nghĩ lại vách đất hầm quá, phải tốn rất nhiều cửa sổ. Nên rốt cuộc ông làm vách trỉ long mốt, gần với kiểu mẫu hơn (họa đồ vẽ phên tre).
Nhà gỗ có gác, hai căn, một căn sâu tám thước, còn một căn chỉ sâu bốn thước thôi, thành ra nhà mang hình thước nách, cái phần hủng vô của cây thước nách ấy ngó về hướng đông. Vào buổi xế, chỗ ấy rợp bóng mát.
Theo hình thể đó thì nhà ngăn ra được sáu buồng, ba buồng dưới và ba buồng trên.
Ông bà Nam Thành chiếm buồng trên bên hướng tây, ông bà hy sinh, nhường hai buồng hướng đông cho bốn cô con gái ; ba buồng dưới thì dùng một làm phòng tiếp khách, một làm phòng ăn, còn một để trống phòng lúc có bạn hữu ở lại nhiều ngày.
Nhà bếp và nhà bắc cầu đều cất cột tre, lớp tôn ngừa hỏa hoạn. Ông Nam Thành có làm một việc châu đáo nầy mà ở nhà quê ta, không mấy ai để tâm đến là sau nhà bếp, ông thêm hai cái chòi con, một để tắm rửa, và một xa hơn, là cầu xí.
Phu khiêng bàn ghế vào nhà chỉ tốn có nửa giờ thôi. Nhưng gia đình phải mất trọn ngày để sắp đặt mọi thứ lặt vặt.
Không lần nào mà sáu người ấy đồng ý với nhau về vị trí một bức tranh hay một chiếc bàn con. Họ cãi nhau về mặt thẫm mỹ, mặt tiện lợi, mặt tình cảm, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi quá, muốn chấm dứt phải mượn đến lối bỏ thăm đưa tay lên. Ngặt nhà có sáu người, số chẵn, khó lòng mà lấy được đa số khi ý kiến chia hai đều.
Ông Nam Thành khôn ưa xử dụng quyền gia trưởng trong các việc lặt vặt, thành ra nền dân chủ trong gia đình ông gây rối loạn liên miên.
Người ta cãi nhau, người ta giận hờn, nhưng vui lắm vì sự dao động vô tội ấy giúp đỡ chán cái mặt nước phẳng của nhà quê.
Trong buổi dọn nhà nầy gia đình mới hiểu công dụng của những tấm bố nhà binh Pháp loại ra mà ông Nam Thành đà mua dưới chợ Dân Sanh hôm nọ.
Vách trỉ long mốt luôn luôn bị gió lò. Vào thu và bấc, mấy tấm bố nầy buông xuống sát vách bên trong, sẽ giúp cho nhà thêm ấm.
Và giỏ cần xé chai không kia là khí giới tối tân mà ông chủ nhà kỳ dị nầy đã nghĩ ra.
- Ở đây không khỏi có cướp, ông Nam Thành nói. Nhứt là bọn họ đồn mình ở chợ về thì cướp nó càng thêm hơn nữa. Mình nghèo mình biết, nhưng chúng nó ngỡ dân Sàigòn nào cũng nứt đồ đổ vách. Chai nầy ta sẽ đổ đầy nước vào rồi đem lên gác. Cướp nó đến, mỗi người năm bảy chai, chọi cho bể đầu chúng nó ta mới thôi.
- Ghê quá, cô Hồng nói, nó giận nó bắn chết còn gì ba ?
- Nếu chúng lẹ tay, chỉ bắn chết một mạng trong nhà ta thôi. Rồi chúng sẽ bể đầu mà rút lui.
- Thành ra mình phải hy sinh một mạng ?
- Chớ sao ! Ở chỗ dữ tợn phải như thế mới sống còn cho.
- Thôi, ai chọi cướp trước thì trọi, con đợi chúng nó rút lui mới chọi với theo. Quá cười và tỏ thái độ ấy. Nhưng chắc cô ta sẽ làm thật như vậy, khi có cướp đến.
Suốt ngày hôm đó họ ăn bánh mì thịt quay mua ở dưới Sàigòn vì họ đã tiên liệu sẽ bận, không làm bếp được. Mà quả như vậy.
Đến xế chiều, ông Nam Thành mới chịu dùng quyền chỉ huy để phân công cho mọi người :
- Công việc nhà, tôi sắp đặt một lần nầy thôi, rồi bà phải kiểm soát việc thi hành mỗi ngày, để tôi rảnh tay, rảnh trí mà lo vườn tược. Con Ba, con Tư, con Năm, ba đứa biết đi xe máy thì thay phiên nhau mà đi chợ. Đừng đi mỗi ngày mất công. Mình ăn khô, ăm mắm thì cứ hai ba bữa đi một lần.
Những thứ lặt vặt như tiêu, muối, hành, tỏi thì trử cho kha khá, để muốn dùng lúc nào sẵn có trong nhà lúc nấy. Thí dụ nửa đêm thèm cháo gà, trưa trưa họ có bán ếch mập thì ta đủ mọi thứ cần dùng.
- Ông thì lo món nhậu của ông trước.
- Ở nhà quê phải vậy. Có nhậu mới có tới lui với xóm giềng được. À, thay phiên nhau đi chợ, rồi về thay phiên nhau mà giặt gịa...
- Bàn ủi điện má bán rồi, còn đâu mà...
- Má mầy bán là phải, ở đây lấy đâu ra điện. Mà không cần mặc đồ ủi nữa. Có muốn làm dáng thì ủi điện lấy...
- Ủi điện ?
- Phải, ủi điện, mà là điện trời, nghĩa là vuốt cho thẳng, xếp tử tế rồi để dưới gối nằm đè lên đó, thì nó sẽ láng như là...
Cả nhà cười ngả nghiêng ngả ngửa.
Ông Nam Thành lại tiếp :
- Thay phiên nhau giặt gịa rồi áp nhau mà làm vườn...
- Đi chợ rồi nghỉ, giặt gịa rồi nghỉ, làm vườn rồi nghỉ, rửa chén rồi nghỉ, cho heo ăn rồi nghỉ, phải không ba ? Cô Hoa ranh mãnh hỏi cha như vậy.
- Đúng !
_ Ứ hự !
- Còn chị hai, ba ?
- Con hai làm bếp. Nên nói rõ chi tiết. Làm vườn gồm có những việc sau đây : nhổ cỏ, kéo nước tưới cây, bắt sâu, cho heo, cho gà ăn... v...v...
- ba trộn lộn chăn nuôi và trồng trọt. Đó là hai khoa khác nhau. Con học ở trường họ dạy như vậy.
- Hay là con ba biệt phái chăn nuôi. Hai đứa kia làm vườn, ông Nam Thành đề nghị sau lời cãi lý của Hoa.
- Không đâu, con muốn chăn nuôi hè !
- Con cũng vậy !
- Nữa nè, thôi thì bỏ thăm.
- Ừ, oẳn tù tì, đứa nào thắng là được chăn nuôi.
- Thôi đừng cà rỡn nữa. Phận sự của bốn đứa bây đã rõ rồi đó.
Còn bà, bà kiểm soát, nhắc nhở chúng nó, và xuất phát tiền bạc.
- Còn ông ?
- Tôi ấy à ? Tôi thì tôi làm tất cả các công việc còn lại chưa ai nhận lãnh.
- Đâu còn công việc gì ba, Hoa cãi.
- Ba ăn gian quá ! Quá phàn nàn.
- Sao lại không còn ? Tiếp khách nè, đi thăm xóm giềng nè...
- Nhậu nè, bà Nam Thànnh vừa xỉa thuốc sống, vừa tiếp lời chồng, và bốn cô con gái đều cười rộ lên.
- Nói chơi vậy chớ ba sẽ làm tất cả công việc nặng mà mẹ con bây làm không nổi. Nội hai việc sau đây, thử hỏi đứa nào dám đãm đương không ? Đó là việc canh ăn trộm và coi chừng ma cho bây ngủ.
Cô Quá ý ạ một tiếng rồi nhảy vô ngồi giữa gia quyến mắt liếc ra vách. Qua trỉ long mốt, hoàng hôn xuống ngập đồng vắng. Đây là buổi chiều đầu tiên mà bốn cô con gái sống ở thôn quê. Lòng họ bỗng nghe buồn minh mông quá, khiến họ kinh ngạc cho số phận họ, mới hồi sáng còn ở chốn phồn hoa đô hội, rồi chớp mắt một cái thì bây giờ đã ngồi giữa cảnh đìu hiu, cô quạnh nầy, và không biết về sau sẽ ra sao.
Ông Nam Thành có sắm một cây đèn măng sông, mua săng, mua rượu đủ cả. Nhưng ông nói thắp đèn sáng quá sợ người ta để ý ngỡ gia đình giàu có dư dả lắm, rồi trộm cướp nó mò tới. Nên chi họ thắp đèm dầu hôi .
Cô Hương đã có ở nhà quê, nên không thấy mình lạc hướng bao nhiêu trong cảnh quạnh quẽ nầy. Nhưng ba cô khác vì rời thôn xóm lúc còn bé quá, nên nghe bỡ ngỡ lạ kỳ.
Cây đèn vặn ngọn lên cao thì un khói, còn hạ thấp ngọn ánh sáng vàng vàng cũng phủ lên buồng khách một màu dơ dáy, ủ rũ và bệnh hoạn.
Những con sâu con trùng gì không biết, ở đâu ngoài cỏ nội bay ùa vào đâm đầu vô ống khói rồi chết thiêu rơi rơi xuống đầy mặt bàn. Có một mớ lại rơi ngay trong ống khói đèn và lớp xác sâu cứ càng lúc càng dày lên.
Ông Nam Thành lượm lên một xác sâu xanh rồi nói :
- Thứ nầy tên là con phù du...
- Vậy hả ba ? Té ra con phù du có thật à ?
- Sao lại không thật.
Rồi ông ngâm :
Đời người như kiếp phù du,
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.
- Chà, ba thi sĩ quá !
Thêm hứng, ông Nam Thành hạ ngọn đèn xuống đoạn lại ngâm :
Canh khuya thắp chút dầu dư,
Tim loan cháy lụn, sầu tư một mình.
Cô Quá vỗ tay khen :
- Hay quá ! Ba dạy con câu hát nhà quê đi ba.
- Tụi bây ở chợ, không nghe ai hát ru con nên dốt về câu hát lắm. Về đây rán mà banh lỗ tai ra để nghe mà học.
- Học làm gì, bà Nam Thành cà rỡn, mấy đứa nầy nữa chúng nó ru con bằng âm nhạc hò lờ, lúa vàng, và hò dô ta ấy mà !
Cô Hồng cứ ngó ngoáy ra sau lưng mà nói :
- Vách hở như vầy, ghê quá !
- Cho nên ở nhà quê, ngủ phải tắt đèn, nếu chong đèn ăn trộm nó thấy rõ bên trong hết.
- Nhưng không chong đèn thì tối hù, lại còn ghê hơn nữa, bà Nam Thành bàn rộng sau lo sợ của Hồng.
- Kín cổng cao vách như vầy mà còn sợ thì ở đây sao được, ông Nam Thành nói.
- Ăn trộm nó dòm vô, nó thấy cái gì ba ?
- Thì nó thấy mình nằm đâu, ngủ hay thức, tủ áo để chỗ nào, tủ tiền kê xó nào ấy mà. Ngày xưa nghe bà nội bây nói lại, trộm còn giỏi hơn nữa. Nó gắn một cây đèn cầy cháy lên lưng một con cua, rồi nó thả con cua vào nhà, qua hạ cửa. Con cua bò qua lại trong nhà, soi sáng cả mọi vật. Lắm khi không cần đèn, chúng vẫn thấy rõ trong bóng tối như giữa ban ngày. Đi đứng thì chúng dùng một que tre thật nhỏ và thật dài mà quơ trước mắt. Que đụng phải cột, báo chúng biết để tránh mà không khua động gì hết, cho chủ nhà đừng giựt mình thức dậy.
Chúng lại hốt gạo cất sẵn trong túi mà ném tứ tung ra. Gạo chạm phải đồ đồng, đồ thau, kêu leng keng nho nhỏ, dẫn dắt chúng lại chỗ cất đồ quí đó. Ấy ngày xưa, trong nhà dân, chỉ có đồ đồng, đồ thau, là quí giá thôi.
Ánh đèn dầu phóng đại lên vách trỉ sáu bóng người. Quá đưa cánh tay lên hươi thử và lấy làm thích mà thấy bóng cánh tay nàng giống đầu một con vịt quây mỏ lại để rỉa lông.
- Đừng giỡn với bóng, khuya ngủ, nó dồi chết bây giờ. Ba Nam Thành mắn con gái út.
- Bà khéo dị đoan hoài. Bóng sao lại dồi người ?
Cô Hồng đứng lên đi lại đi văng lấy chiếc gối dài, ôm gối vào mình như ẵm con, rồi ngắm thử bóng mình trên vách.
Như hội ý, cô Hoa hát :
" Ai đời còn nhớ chăng "
Xóm Nam Xương có một nàng.
Lòng son muôn đời muôn kiếp mang xuống tuyền đài.
Câm uất ôi buồn ôi đến bao nguôi.
Ông cụ cũng cảm xúc về chuyện cổ tích mà lũ con ông vừa gợi lên, nên ngâm bài thơ Lê thánh Tông :
" Nghi ngút đầu gành tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương "
Câu chuyện đã đến lúc nặng nề khó thở. Mà không khí cũng khó thở thật. Bầu trời giống như một nồi xúp de bị nung nhiều giờ, áp lực mạnh vô cùng mà không ai xả xúc báp cho xì bớt hơi.
Lúc ấy vào cuối tháng tư, tại hóa chuyển mình một cách đau đớn để bước sang mùa khác, nhưng bước còn do dự ngập ngừng nên vạn vật dưới đây bị đè dẹp dí xuống.
Không bảo nhau, cả nhà đông đứng lên, đi ra ngoài.
Mặc dầu nực, trời không mây. Sân sáng sao, trông mờ mờ như hừng đông. Vài con đôm đóm nở trước mùa, xẹt qua lại trên không trung thành những lằn nhỏ dài như những mũi kim vàng. Đèn nhà ai le lói đằng xa và xa nữa rừng mờ đen trên chân trời trong hơn một tí.
Trên vòm trời, sao dầy đặc như dề cơm cháy. Đó là muôn ngàn đâu cây đinh bằng vàng đóng trên một tấm trần đen.
Thỉnh thoảng một cây đinh long ra, rơi đi đâu không biết.
- Sao băng ! Bà Nam Thành nắm tay chồng, hồi hộp nói bằng giọng run run.
- Không có gì đâu mà sợ. Mỗi đêm hằng trăm ngôi sao xẹt đi như vậy là thường.
Trong khi đó thì bốn cô con gái đều ngó về hướng nam. Một vầng ánh sáng bừng lên ở chơn trời hướng đó, như mặt nhựt sắp lú lên vào buổi bình minh.
Đó là ánh sáng đô thành mà mới hôm qua đây họ còn sống lộn trong đó. Mới hôm qua nầy ? Ừ ! Nhưng sao mà nghe như lâu quá rồi, nghe như xa lắm rồi. Nỗi nhớ xứ, nhớ nhà minh mông như là họ đã lìa khỏi quê cha đất tổ.
Quặn quẹo là khúc đường từ nhà đổ xuống chợ Thủ Đức và quặn quẹo là lòng của bốn ả nhớ nhà. Lòng quặn quẹo và ruột quặn đau niềm ly biệt cái nơi mà họ xem như nơi chôn nhau của họ.
Cô Quá không sao xóa được nơi trí cô hình ảnh các rạp chiếu bóng hực hỡ đèn màu. Nóng bức lại nhắc nhở cô Hoa các tiệm kem mà nơi đó, giờ này, bạn hữu cô đang ngồi chấm chút thứ tuyết ngọt kia.
Riêng cô Hồng thì ngậm ngùi hơi ai cả. Cô không chỉ để lại Saigòn một căn nhà không cá tánh, một lũ bạn ít tình cảm hay một cuộc sống quay cuồng, mà là một mối tình đầu, hơn thế, một mối ttình đau thương không nguôi.
Như hiểu ý con, ông Nam Thành nói cho khuây dạ chúng nó :
- Các con biết ! Ngày xưa không ai nhớ Sàigòn cả, vì lúc đó không có dân Sàigòn.
- Không có dân Sàigòn, thưa ba ? Cô Hương ngạc nhiên hỏi.
- Nghĩa là có, nhưng không phải dân Sàigòn chánh hiệu. Sàigòn ngày xưa chỉ gồm có hai thư dân : thương gia và công chức. Công chức toàn là người các tỉnh lên. Họ về tỉnh cưới vợ, khi muốn lập gia đình. Đẻ con ra, họ cho về tỉnh ỡ quê ngoại, quê nội. Cả Sàigòn đều đổ xô nhau mà nhớ tỉnh. Hễ Tết một cái là Sàigòn trống trơn. Về ông về bà hết kia mà !
Vả Sàigòn lúc đó cũng chưa có đặc tính gì để họ lưu luyến, cho đến đỗi ca dao về Sàigòn cũng rất hiếm hoi, đếm được trên đầu mười ngón tay.
Số phận của các thành phố mới là như thế. Không có dân chánh gốc để làm cốt trụ, không có nhân cách riêng để quyến rủ người ta.
- Ba chưa nói đến hạng thứ hai là thương gia.
- Ờ thường dân ấy à ? Bọn nầy là ngoại nhân cả. Cũng có vài thương nhân Việt Nam, nhưng họ là hạng người ít tình cảm, đâu cũng là quê, là nhà được tuốt.
Phải qua nhiều thế hệ người, một thành phố mới trở thành được một quê cũ có người nhớ, có người thương. Có lẽ Sàigòn ngày nay đã đến tuổi già dặn của một chốn định cư lâu đời rồi.
Bây giờ đèn pha xe hơi từ Sàigòn lên và từ Biên Hòa xuống soi thủng bóng đêm trên đường. Tia đèn bắt tréo nhau như những lưỡi gươm dài mà mấy tay hiệp sĩ dạ khách khổng lồ nào đang so kiếm giữa đêm trường.
Xa xa tiếng chó sủa dài. Lần nầy ông Nam Thành giựt nẩy mình, dáo dác nghe ngóng, rồi tần ngần rất lâu ông nói :
- Nghe chó sủa sao mà nhớ nhà quá !
- Tôi cũng vậy. bà Nam Thành đồng tâm với chồng.
Nhưng hai ông bà lại nhớ một làng xa dưới Bắc Liêu chớ không phải nhớ Sàigòn.
Suốt đêm ấy cả nhà không ai ngủ được hết.
Con chó con mà bà Nma Thành xin dưới Ô Ma, kêu cẳng cẳng từ đầu hôm tới sáng. Nó nhớ ổ, nhớ mẹ nó. Thỉnh thoảng từ trên gác, bà Nam Thành hét xuống :
- Chó nà ! Nín đi hôn ?
Nó im giây lát, rồi kêu cẳng cẳng trở lại như củ.
Ông Nam Thành bỗng phát minh ra một điều nầy, nói to lên rồi cả nhà áp nhau trò truyện từ giường của mỗi người.
Ông Nam Thành nói :
- Thấy rõ là nuôi chó ở nhà quê rất cần. Không có nó, lúc nào mình ngủ quên thì nguy. Và vì thế thấy rõ việc nuôi chó ở các thành phố là xa xí. Món xa xí ấy lại có hại. Nó cắn người đi đường, báo hại người ta phải đi tiêm thuốc mất ngày giờ không biết bao nhiêu. Đó là nói trường hợp bắt được chủ nó đền bồi tổn phí. Mà khó bắt biết bao ! Ai làm chứng cho mình là chó ông A chó ông B cắn mình.
Tôi mà có quyền trong chánh phủ, tôi đánh thuế chó ở các thành phố cho thật nặng, nặng hơn cả hột xoàn và rượu huýt ky, tôi cho kiểm tra chó kỹ lưỡng, mỗi năm nội Sàigòn, thâu không dưới trăm triệu bạc.
Cô Hồng vốn đa cảm, bỗng nhớ lại bầy chó bẹc dê trong xóm mà các me Tây khi lui về vườn, bỏ rơi lại. Lũ chó nầy thành chó đói cả, và rất sung sướng được ăn cơm người ta bố thí cho.
- Hồi trước thịt bò mà nó chê, bây giờ bữa nào mà có chút nước cá kho, lũ nó thích quá xá.
- Có một con, sáng nào cũng đi tiệm cà phê cả. Ở đó nó ăn vỏ bánh bao no nê. Mà họ cũng kỳ, tiền đâu mà vứt xuống đất cho mấy con chó vô ích đó ăn cho uổng ?
Cô Quá sợ trộm, lại sợ ma, chạy qua giường cô Hoa mà nằm. Bực bội quá, Hoa thét lên, rồi Quá gây lại, không ai chợp mắt được cả.
Đò Dọc
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18 ( Chương Kết)