Chương 6
Tác giả: Bình Nguyên Lộc
Ệch... ệch... ệch
- Đó, thằng cha đút đầu vô lu mà la đó! Quá nói dứt câu thì cả nhà cười rộ lên.
Gốc me sau nhà có cái lỗ hẻ. Một con ãnh ương, không biết vì sao lại bỏ ao vũng chui vào đó mà ở. Nó ở đó ko biết được mấy năm rồi mà bây giờ cây lớn thêm một chút, lỗ hẻ khép lại hẹp miệng hơn năm xưa, thành thử nó ra không được nữa.
Tối tối, sau một trận mưa, nó kêu lẻ loi, giọng ồ ề như một người đút đầu vào cái thùng hay cái lu, quả như lời cô Quá nói.
Ãnh ương sống lẻ, kêu nghe buồn thảm như tuyệt vọng trước bản hợp ca của đồng loại nó ở ngoài ao xa kia.
Ệch... ệch... ệch... Con vật ở tù, cứ kêu đều đều như vậy.
Cô Hồng lấy hai tiếng kêu của lũ ãnh ương xa mà làm lời để hát theo điệu Hòn vọng phu:
UỀNH OANG UỀNH OANG, UẾNH ... UÊNH OÀNG...
- Thôi mầy, buồn quá rồi, mầy còn hát điệu đó làm chi?
Trận mưa đầu hôm ngớt đã lâu, nhưng không dứt hẳn. Đám mưa dầm nầy nghe chừng sẽ dai dẳng suốt đêm.
Trên đường, xe thưa như trên một thôn lộ. Cả nhà nhìn qua khe trỉ long mốt tìm những tia đèn pha hiếm hoi đêm nay, vì hiếm hoi nên họ nghe nhơ nhớ cái ánh sáng mà những ngày khác họ xem là thường.
Bỗng một ngọn đèn rọi chĩa thẳng vào nhà. Bấy giờ họ mới để ý rằng tiếng xe chạy mau lắm. Rồi thình lình nghe đánh rầm một tiếng như có mấy mươi chiếc thùng không đổ ngã một lượt.
Lưỡi kiếm đèn pha đang thọc qua khe vách bỗng quật lên trời, rồi thôi, không còn nghe, không còn thấy gì nữa.
- Ngay ngoài sân mình! Bà Nam Thành kêu lên, giọng run run.
Ông Nam Thành làm thinh, kéo hộc tủ lấy ra cây đèn pin rồi sắp sửa chạy ra ngoài. Bốn cô con gái cũng bỏ guốc định chạy theo ông.
Bà Nam Thành mếu máo nói:
- Đừng có đi, tôi sợ lắm ông ơi!
Vừa nói bà vừa níu áo ông lại. Ông Nam Thành gạt tay bà, nhảy phóc ra cửa. Bốn cô con gái chạy theo cha bén gót.
Từ thềm nhà ra tới đường, xa độ một trăm thước. Tia đèn pin ngắn quá soi không tới ngoài ấy. Tuy vậy họ cũng thoáng thấy một đống đen ngòm nằm trên sân, cách lề đường đâu lối năm sáu thước.
Những hột mưa thưa rơi trong ánh đèn, bắt đầu trở nhặt như hối thúc họ ra đường cho mau. Cả năm người đều có cảm giác đó, nên tự nhiên họ vén ống quần lên để mau bước trên đất sân úng nước.
Bấy giờ chiếc xe hơi đã hiện rõ lên, một chiếc xe sơn đen nằm đưa bốn bánh lên trời.
Ông Nam Thành chạy chớ không đi nữa, bốn cô gái cũng làm y theo cha. Còn lối năm sáu thước nữa là đến nơi, ông Nam Thành rọi đèn xuống đất, quanh xe, nhưng ông không thấy người văng ra ngoài. Ông chạy vòng qua hông xe bên kia và cũng rọi dưới đất như vậy: không có ai cả.
Bây giờ họ đã đến sát chiếc xe lật ấy rồi.
- Còn kẹt trong xe, cô Quá la lên khi đèn rọi vào trong đó.
Họ cúi dòm qua cửa kiếng thì thấy một người đàn ông nằm co lại như kẻ ăn xin ngủ ở vỉa hè một đêm lạnh.
Ông Nam Thành mở cửa xe, nhưng không mở được. Ông thử cả bốn cửa, nhưng đều thất bại.
- Nó kẹt thế nào không biết mà mở không ra. Bây giờ làm sao!
Ông hỏi bông lông và chỉ có sự im lặng đáp lời ông thôi. Họ sốt ruột mà đứng nhìn, bất lực trước mấy cánh cửa cứ khư khư đóng giữ nạn nhân.
Bỗng cô Hoa la lên:
- Phải rồi, chạy kêu bác thợ rèn.
- Thợ rèn để làm gì? Ông Nam Thành hỏi.
- Bác ta có búa lớn, phá cửa, đập kiếng được.
- Ừ phải, đứa nào chạy đi kêu. Nhưng không, đừng đi một đứa. Phải chạy đi ba đứa cho có bạn, còn một đứa thì ra đường đón xe, bất kỳ xe nào cũng bắt lại cả.
Ba cô Hồng, Hoa, Quá chạy lên lò rèn, còn cô Hương thì chạy ra đường. Ông Nam Thành ở lại một mình, đứng suy nghĩ về việc phải làm: đưa ngay nạn nhân xuống Thủ Đức xin cấp cứu tạm, một mặt cho cảnh sát dưới đó hay, đoạn về nhà thay quần áo khô, trùm lại cho ấm, và uống một viên thuốc ngừa cảm.
Ông đã ướt như chuột té mương và bắt đầu lập cập dưới gió từng cơn thổi đến.
- Sao mà chúng nó đi lâu quá như vầy nè? Ông nóng nảy lẩm bẩm và nhìn ra đường thì thấy một chiếc xe chạy qua. Hương đưa tay nhưng xe cứ chạy luôn. Một chiếc xe khác đến, Hương cũng đưa tay, nhưng xe nầy cũng chạy luôn.
Rồi ông bận nhìn đám đi lò rèn về, nên không để tâm đến việc đón xe nữa. Ông soi đèn cho họ dễ đi và kêu hỏi với:
- Có hay không?
- Dạ có, ba à.
Bọn nầy chạy chớ không đi. Ông Tư Hổ vác búa đập đe đi trước, theo sau ông là ba cô gái và một người đàn ông ở xóm trên.
Ông Nam Thành nói:
- Nó kẹt chốt hay kẹt gì đó tôi không biết. Đâu anh đập bậy thử vài vố xem sao.
Tư Hổ không nói không rằng, giương hết thần lực mà đập búa vào cửa xe. Tiếng búa sắt chạm vào thùng xe kêu ầm ầm, ông thợ thử đập cả nơi bốn tay vặn ở bốn cửa mà vẫn vô hiệu quả.
- Thôi đập cửa kiếng, đập bể nát bỏ. Ông Nam Thành bảo như vậy.
- Nó văng miểng trúng người ở trỏng làm sao? Bác thợ rèn cãi.
- Không, đó là thứ kiếng riêng, miểng không bén đâu.
Bác thợ đập một vố là tấm kiếng cửa trước bể nát ra. Miểng kiếng rơi đầy trên mình nạn nhơn, khiến bác ta hoảng, nhưng nghe ông Nam Thành quả quyết là không sao, nên bác ta cũng đỡ sợ đôi phần.
Ông Nam Thành xem kỹ lại thì thất vọng lắm. Khung cửa kiếng hẹp quá không thể lôi ra ngoài người đang nằm co trong đó.
Ông thò tay vào trong, thử mở cửa thì may quá, mở được.
Nạn nhơn không bị thương tích chỗ nào hết. Hắn nằm chèo queo bên trong chiếc mui lật ngửa, nệm xe hơi xuống đùi hắn.
Vừa lúc đó cô Hương trở lại nói:
- Khổ quá ba à, con đón sáu chiếc xe mà chiếc nào cũng không chịu ngừng hết.
Bác thợ rèn cắt nghĩa thái độ của những chiếc xe xấu bụng ấy:
- Đường vắng quá, trời lại mưa, nên họ sợ.
Ông Nam Thành làm thinh, khom xuống rồi nắm vai nạn nhơn mà kéo. Nhưng ông kéo không nổi, nên đứng thẳng lên rồi day lại nhìn ông Tư Hổ.
- Đâu anh kéo thử coi.
Tư Hổ làm thinh mà thi hành lời yêu cầu của ông chủ Thái huyên trang. Bác thợ rèn, tuy đã già mà còn mạnh lắm. Bác ta kéo trông như người ta kéo cái gối dài ra khỏi áo gối.
Khi đầu và vai của nạn nhơn ra khỏi cửa xe, ông Nam Thành đỡ lấy, để ông Tư Hổ kéo tiếp phần còn ở trong ra. Bốn cô gái ở Thái huyên trang và cái anh đến với ông Tư ở xóm trên cũng áp lại mà phụ đỡ khúc giữa, từ từ lôi nó ra ngoài.
Chiếc đèn pin được chận cái bấm, nằm một mình dưới đất ướt mà soi cái cảnh kỳ dị nầy: bảy người khiêng một người dưới mưa đã nặng hột.
- Khổ, đón xe không được, bây giờ mới biết làm sao đây?
Ông Nam Thành lại hỏi bông lông như vậy.
- Hay là đem người ta vào đỡ trong nhà mình, ba, cô Quá nói. Bắt người bịnh dầm mưa không tốt đâu.
- Ừ, đem thì đem.
Rồi họ khiêng luôn người lạ mặt vào nhà.
Bà Nam Thành thấy hai chiếc giày của người được khiêng ló vào trước thì khiếp đảm, kêu rú lên.
- Đừng có la! Ông Nam Thành quát. Xe lật cũng sợ, bây giờ thấy người ta, cũng sợ nữa. Sao mà dạn quá như vậy không biết!
Họ khiêng người bịnh đã ướt mem vào tuốt trong phòng để dành cho khách xa ngủ lại đó, và đặt y nằm trên chiếc đi văng giữa buồng.
Ông Nam Thành hối Hương lấy đèn măng sông thắp lên cho sáng. Nhờ đèn giản dị khỏi phải bôm nên không mấy chốc mà ánh sáng vàng mét của cây đèn dầu bị ánh sáng xanh của đèn măng sông đuổi mất.
Nạn nhơn là một thanh niên độ hăm sáu hăm bảy tuổi, mặc sơ mi trắng banh ngực, xăn tay, quần si bíc kin cũng trắng, cả đôi giày da cũng trắng tuốt, đế cờ rôm mê.
Mặt mũi y khá khôi ngô, mặc dầu đang trắng bạch chảng. Nhưng không biết y có khoẻ mạnh, đẹp trai hay không vì y nằm, khó lòng mà biết được.
Thật y không bị vết thương nằm trên người của y cả. Nếu không thấy da mặt khác thường của y thì ngỡ y ngủ.
- Còn nóng hổi, ông Nam Thành nói, nên tôi mới dám nghe lời con Quá đem va vào đây. À, anh kia, anh có biết cỡi xe máy hay không ? Ông Nam Thành hỏi người đờn ông xóm trên như vậy.
- Tôi thật không thạo thứ đó đa, người ấy đáp.
Ông Nam Thành chắc lưỡi, mặt có vẻ thất vọng.
- Chi vậy ba, cô Hoa hỏi. Con đi có được không?
- Con gái đi đêm làm chi.
- Đi đâu đó ba? Hương hỏi.
- Đi Thủ Đức chớ đi đâu. Đặng cho cảnh sát hay, rồi giao của nợ nầy cho họ. Để va chết ở đây đêm nay thì khổ cho mình. Va mà chết thì chắc chắn má bây sẽ bỏ nhà nầy mà đi.
Bỗng cả nhà nín lặng, nhìn trừng trừng vào nạn nhơn. Hắn cục cựa cái đầu, rồi giây lâu, rên hừ hừ.
Họ hồi hộp đợi xem sự thể ra sao. Hắn sẽ hấp hối, hay tỉnh lại? Ông Nam Thành lo lắng lắm, chỉ sợ hắn hấp hối trước khi cảnh sát đến.
Nhưng kia, hắn đã mở mắt ra, ngơ ngác nhìn chung quanh hắn. Đôi mắt tuy mệt đừ nhưng đầy vẻ thông minh và lanh lợi. Đôi mắt ấy thầm lặng hỏi thăm về sự có mặt của hắn ở một chỗ lạ hoắc nầy đối với hắn.
Bây giờ, mặt hắn bớt trắng dờ lần lần, và càng lúc càng ửng lên màu hồng hào của tuổi thanh xuân.
- Tôi sao lại ở đây bà con? Hắn hỏi ra tiếng.
- Thầy nên yên mà nghỉ, đừng hỏi lôi thôi, đừng cử động gì hết, có khát nước hay không?
- Khát lắm!
Ông Nam Thành mừng quýnh lên. Không bị chảy máu mà khát nước là dấu hiệu tốt, ông nghĩ thế.
Thanh niên uống xong nửa tách nước trà nóng do ông NamThành đổ cho rồi toan ngồi dậy.
- Ý đừng! Ý đừng...
Tất cả những người có mặt đều kêu lên như vậy. Nhưng vô ích, hắn có ngồi được đâu. Hắn nằm trở xuống rồi rên siết, mặt nhăn nhó dữ dội.
- Cái cẳng, hắn nói.
- Chắc gãy. Phải mà, xe lật đến mấy tua...
- Vậy hả, thưa ông? Té ra tôi bị tai nạn xe hơi? Phải rồi, tôi nhớ ra rồi.
- Nhưng thầy nên yên mà nghỉ.
- Té ra ông và bà con đây đã cứu tôi? Nhà của ai đây, thưa ông?
- Không cần gì cái vặt ấy. Thầy tạm nằm đây, rồi sáng chúng tôi đưa thầy đi nhà thương. Thầy còn nghe gì khác trong người hay không?
- Thưa không. Bây giờ tôi khỏe nhiều, chỉ trừ đau đớn lắm ở cẳng.
- Cho dẫu gãy cả hai chân cũng không hề gì, miễn là đầu, ngực, bụng của thầy êm là tốt. Thầy nghe ba chỗ đó không sao chớ?
- Thưa không.
- Tôi thì không đủ sức dầm mưa thêm. Hai người nầy lại không biết đi xe đạp. Mấy đứa con gái tôi, tôi ngại sai chúng đi lúc tối tăm và mưa gió như vầy. Vả lại thấy thầy cũng không việc gì lắm nên thôi, để sáng hãy hay.
Bây giờ các con thay phiên nhau mà canh chừng thầy đây cho đến hừng đông, nghe chưa.
Ông Nam Thành day qua nói với mấy cô con gái của ông như vậy, đoạn dặn dò người bịnh vài tiếng nữa rồi lui ra.
Bà Nam Thành rút vào ngồi bó gối trong góc buồng tiếp khách. Thấy mặt ông bà hỏi:
- Làm sao đó ông? Chết hay sống?
- Chết đâu mà chết, tôi dại gì khiêng thây ma vào đây.
- Tôi sợ quá!
- Bây giờ nó đã tỉnh rồi, coi bộ không sao.
- Sao ông không gởi người ta đi?
- Bắt xe không được.
Ông Nam Thành đi thay quần áo khô rồi trở lại phòng bịnh ứng lập. Con ông cũng đã thay y phục xong và có mặt đông đủ nơi đó, đang đứng nhìn người khách dị kỳ của họ, hắn hỏi lăng xăng mà không ai đáp cả.
- Thầy nên nghỉ! Ông Nam Thành xẵng giọng khi bước vào nghe khách hỏi chuyện.
Người thanh niên sợ hãi nín khe. Trong những lúc nguy biến hay bối rối, thì ông Nam Thành tỏ ra quyết định lẹ làng và cương quyết chớ không phải nhu nhược như ngày thường. Ông ra lịnh:
- Bây giờ đã hơn mười giờ rồi. Mỗi đứa gác non hai tiếng đồng hồ cho đến hừng đông. Con Quá gác trước, rồi cứ theo thứ tự chị em mà đổi phiên gác với nhau. Có gì lạ thì kêu ba.
Đoạn nhìn người bịnh giây lâu, và an lòng vì màu hồng trên da mặt hắn đã tươi lắm rồi, ông mỉm cười mà rằng:
- Chúc thầy qua một đêm khó khăn được bình yên.
Rồi ông trở bước, ba cô con gái lớn cũng lặng lẽ theo cha. Hai người ở lại trong phòng, nghe ông Nam Thành hỏi:
- Bình xăng đầy hay không?
- Dạ thưa đầy.
- Tốt, đèn cháy được suốt đêm nay.
Liền sau khi cha và mấy chị ra đi, cô Quá nghe khó chịu ngay. Cô không nhát trai, cũng chẳng sợ ma, sợ xác chết. Nhưng kẻ nầy đến đây đột ngột quá, cô chưa quen cũng không lạ, mà muốn làm quen cũng khó khăn, vì cần phải để cho người ta nghỉ kia mà.
Cô Quá bưng chiếc ghế một, đặt trên đầu đi văng, cách xa người bịnh độ một thước năm, rồi ngồi xuống để tránh thấy nhau trong cái im lặng quá bỡ ngỡ kia.
Người bịnh chắc cũng đang cùng tâm trạng nên cũng nín thinh.
Một lát lâu, hắn gọi nho nhỏ:
- Cô ơi!
- Gì đó ông?
- Cô còn ở đó à?
- Phải, tôi vẫn ở đây, theo lời ba tôi căn dặn, ông có cần gì hay không?
- Thưa không. À, tôi có cần một việc… tôi cần nói với cô vài điều.
- Tốt hơn là ông nên nghỉ yên. Có gì, sau sẽ nói.
- Nhưng nếu tôi chết nội đêm nay thì biết bao giờ mới nói được, thưa cô?
Quá hoảng hốt trước lời nầy, nên hỏi lăng xăng:
- Làm sao, ông nghe trong mình thế nào mà nói những điều không hay đó?
Thanh niên cười ra tiếng:
- Thưa cô, tôi không nghe làm sao cả. Trái lại, tôi nghe khoẻ khoắn như vừa ngủ dậy. Nhưng biết đâu đó không phải là sự bừng dậy của ngọn đèn sắp tàn.
Quá lo lắng hết sức, bước mau lại trước mặt người bịnh mà nhìn chàng ta. Không, nàng không tìm ra sự thay đổi nào trên gương mặt tươi tỉnh ấy cả.
Hai người nhìn nhau rất lâu, không biết họ nghĩ gì trong bụng họ. Rốt cuộc, để đánh tan cái nín lặng khó thoát ấy, bịnh nhơn nói:
- Thưa cô, tôi là Long, hoạ sĩ, gia đình nào đã cứu tôi, tôi rất mong được biết.
- Gia đình Thái huyên trang, nhưng không quan hệ gì điều đó, ông cứ nghỉ yên.
Có tiếng đồng hồ reo trên gác, rồi tiếng chơn người bước xuống thang lầu. Cô Quá nói:
- Chị tôi xuống thay phiên cho tôi.
- Vậy à? Làm phiền cả nhà không biết bao nhiêu.
Cô Hoa đã vào phòng. Bịnh nhơn nói:
- Tôi không sao cả, quí cô cứ nghỉ đi. Đã dầm mưa cứu tôi, bây giờ lại...
- Không hề gì, ông cứ nghỉ yên là hơn.
Bịnh nhơn và cô Quá đều buồn cười vì họ nghe lại những lời đã nói rồi hồi nãy.
- Thôi, chào ông tôi đi ngủ đây. Cô Quá nói rồi xây lưng thật lẹ để giấu cái cười mà cô không giữ được bởi ai cũng lập lại mãi mãi một tiếng " nghỉ " ấy.
Đến phiên cô Hoa khó chịu. Thấy chiếc ghế mà em cô đặt trên đầu giường, cô đi lại đó mà ngồi liền, trong bụng cười thầm khi nghĩ rằng chắc em cô cũng đã khó chịu như cô nên mới tìm chỗ kín mà ngồi.
Giây lâu người bịnh kêu:
- Cô ơi!
- Có tôi đây. Ông cần uống nước hay không?
- Cám ơn cô, tôi không khát. Tôi tưởng cô nên nghỉ là hơn, tôi không sao cả mà!
- Không hề gì, ông cứ an lòng mà nghỉ.
- Cô à!
- Dạ
- Thái huyên trang là tên của ông cụ phải không cô?
- Té ra em tôi đã cho ông biết về nhà nầy rồi. Bậy quá, nó nên để ông tĩnh dưỡng. Không, Thái huyên trang là tên trại nầy, ba tôi đặt ra hồi dọn về đây.
- Vậy à. Tên trại đẹp quá! Tôi đoán là trước kia ông cụ bà cụ và quí cô ở Saigon, có phải không?
- Đúng, ông đoán đúng. Ông bằng theo dấu vết gì mà đoán như vậy?
- Người Saigon có vẻ gì riêng biệt khác hẳn người mọi nơi, tôi không nói ra được cái biệt sắc ấy mà vẫn cảm thấy là như vậy.
- Thưa, ông nín mà nghỉ, nói nhiều có hại cho sức khoẻ của ông.
- Tôi không sao cả thưa cô. Tôi nghe kỹ trong người của tôi, nên mới dám quả quyết như vậy. Thưa cô còn bà cụ đâu?
- Má tôi suýt ngất đi khi khiêng ông vào mà lúc ấy thì ông cũng đang bất tỉnh, nên ông không thấy má tôi.
- Vậy hả. Trời, tôi làm khổ cả nhà.
- Không hề gì.
Anh bịnh nhơn lắm lời, không còn gì để hỏi nên đành làm thinh giây lát. Anh ta muốn thấy mặt cô nữ khán hộ ứng dụng nầy lắm, nên tìm cớ và mừng rỡ mà tìm được.
- Thưa cô, phiền cô cho tôi miếng nước.
Hoa vội vã đi rót nước và lấy muỗng cà phê thọc vào đó, đem lại cho người bịnh. Nhưng anh ta nói:
- Không cần, thưa cô, tôi bưng lấy mà uống được. Tôi ngóc đầu lên rất dễ dàng, đây cô coi.
Anh ta ngóc đầu dậy, đưa tay đỡ lấy tách nước, vừa hớp chầm chậm vừa nhìn cô nữ khán hộ.
Bốn mắt gặp nhau, nhưng đôi mắt của người dừng bên giường chạy trốn liền, không hiểu vì lẽ gì.
- Thưa cô, tôi là Long, hoạ sĩ.
- Hân hạnh được biết quí danh.
Long nghe tâm trí mình lạ quá. Hồi nãy nhìn Quá, chàng thấy cô ta khá đẹp, và bóng sắc của cô ấy tăng thêm cảm tình của chàng đối với người nghĩa.
Nhưng bây giờ nhìn Hoa, chàng thấy Hoa mới là đẹp, còn Quá thì còn trẻ con lắm, thân thể nở nang chưa đầy đủ.
" Con mắt hoạ sĩ của mình nhìn sai đến thế à? Chàng nghĩ thầm".
Sự nẩy nở của dung nhan cô Hoa đã định cư lại một chỗ rồi. Nó đã rõ rệt hẳn, mà cái bước dừng lại ấy, lại nằm đúng chỗ mức đẹp.
Long không đến nỗi yêu vội vàng bất cứ người con gái nào chàng mới gặp. Nhưng dầu sao, cảm tình của chàng đối với cô Quá, vẫn có. Bây giờ chàng nghe như cảm tình ấy vừa giảm bớt đi nên khó chịu, mắc cỡ như mình vừa phản bội một người yêu.
Bị nhìn kỹ nên Hoa cũng khó chịu lắm. Nàng nói cho có chuyện, và rất mừng mà tìm được ra một câu cần phải nói:
- Còn tôi là Hoa, con gái thứ tư nhà nầy. Em tôi hồi nãy tên là Quá.
Hoa nói tên cô em ra, vì cô biết chắc chắn là nó đã giấu tên nó bằng sự không xưng ra, giấu cái tên mà nó không bằng lòng tí nào cả.
- Hân hạnh được biết cô và được biết tên cô. À, cô Quá thứ mấy, cô?
- Thứ năm, nó là út. Nhưng ông cứ gọi tên chúng tôi.
- Phải, nếu quí cô cho phép.
Lại có tiếng đồng hồ reo, và y như hồi nãy, có tiếng chơn người bước xuống thang gác, và Hoa cũng nói:
- Chị tôi xuống thay phiên cho tôi.
- Vậy hả, trời ơi, tôi làm phiền cả nhà.
Long ngượng miệng mà phải lặp lại lời đã nói rồi nhưng không thể không nói điều đó.
Hồng vào nhẹ như một cái bóng, và đi ngay lại chiếc ghế đầu giường, nên Long không hay. Chàng hơi buồn mà nghe Hoa nói:
- Thôi chào ông, tôi đi nghỉ đây, chúc ông ngủ yên.
Chàng nhìn theo cô nữ khán hộ và thưởng thức tướng đi khá uyển chuyển của cô, rồi cứ trông về hướng cửa mà đợi người thay thế đến. Nhưng sao lâu quá mà người ấy không thấy vào.
Long buồn cười cho mình. Đã bảo người ta nghỉ, đừng có canh gác nhọc thân, rồi bây giờ lại bứt rứt khi không thấy dáng người ta.
Mỏi quá, chàng nhắm mắt lại để tưởng tượng mặt mũi của cô chị thứ ba nầy. Chàng hình dung một cô gái rất xấu xí để khỏi phải thất vọng. Nhưng không thể được. Cô ấy cứ hiện ra, xinh đẹp trong trí tưởng tượng của chàng. Nhưng xinh đẹp đến mức nào thì thật là không rõ rệt.
Bỗng chàng nghe thốn nơi chơn, thốn như có ai siết hai khớp xương của chàng lại bằng kẹp bàn. Long cắn răng rên lên một tiếng nhỏ.
Hồng đang ngồi nhìn sâu bọ đổ xô vào ngọn đèn măng sông, nghe rên, đứng lên rồi đi lại trước giường người bịnh.
Nghe động, Long mở mắt ra và kinh ngạc hết sức. Chàng không dè giữa mấy chị em, nhan sắc lại quá chênh lệch như thế được.
Hồi nãy nhìn Hoa, chàng thấy cô Quá bớt đẹp. Nhưng bây giờ nhìn cô nầy, hai cô trước bỗng như không còn nữa.
Ngày trước Hồng là một cô gái đẹp. Cô ấy đã thành đờn bà. Sắc đẹp kia, nhờ thế được nâng lên đến quá mức chót. Con gái chỉ đẹp thôi, còn đẹp lộng lẫy, đẹp mê hồn chính là đờn bà vậy.
Mặc dầu gần gũi phụ nữ rất nhiều, Long bỗng thấy bối rối trong lòng và ngoài mặt. Chàng chào cô nữ khán hộ thứ ba một cách vụng về và ấp úng nói:
- Tôi làm phiền cả nhà ... làm phiền cô quá!
- Không hề gì. Ông có sao không?
- Cám ơn cô, tôi nghe khoẻ khoắn như không. Thưa cô, tôi là Long, hoạ sĩ, tôi...
- Hân hạnh, còn tôi là Hồng, con gái thứ ba nhà nầy.
- Thưa cô, cô có anh hay em trai nào không?
- Không, ba má tôi chỉ có mấy chị em tôi thôi.
Long rất lấy làm kỳ cho gia đình Thái huyên trang nầy. Đẻ toàn con gái. Con gái đang đến tuổi gả chồng, lại kêu nhau về cái xó hẻo lánh nầy.
- Thưa cô, đây có phải là gần Thủ Đức không?
- Phải, còn năm cây số nữa tới chợ.
- Tôi nhớ lại ghê quá! Tôi chạy có mau đâu, chỉ năm mươi cây số một giờ thôi. Nhưng đường trơn như mỡ, tôi tránh một người chạy sì cút tơ rồi xe trợt bánh đâm luôn vào lề đường.
- Xe nó lật một bận hay mấy bận không biết, chỉ thấy nó nằm ngửa nơi sân chúng tôi. Nhưng ông nên nín mà nghỉ thì tốt hơn.
- Không hề gì. May quá phải không cô, là trên lề đường không có trồng cây. Nếu có, thì xe tôi chắc là đã xếp lại như cây đờn ắt cọt đê ông, và tôi đã bị ép như mía ở các xe nước mía.
- Ông nói nghe ghê quá.
Hồng mỉm cười, Long thấy hai hàm răng của cô sao mà trắng và đều đặn lạ. Giọng của Hồng nhẹ và êm, không đả đớt như giọng đờn bà mình hạc xương mai, cũng không thô như giọng đàn bà thường.
- Mà đến hai lần may mắn đó, thưa cô. Nếu tôi đâm đầu vào một khu vườn khác thì có đâu được biết cô... biết gia đình Thái huyên trang.
- Thôi, ông nín để nghỉ.
- Có những điều tôi cần nói đêm nay, không thôi không bao giờ có dịp nói nữa. Tôi đã được dịp nghĩ nhiều về sự tình cờ, và tôi tin là sự tình cờ nào cũng do trời xui ra cả.
Cô Hồng châu mày, bực mình vì ông khách đã bắt đầu khó chịu. Cô bước lại ghế ở đầu giường, vừa đi vừa nói:
- Tốt hơn là ông nên nín để nghỉ.
Thấy vẻ mặt bất bình của cô gái, Long giựt mình và hối hận đã nói nhiều quá.
Thế là hết! Nãy giờ được nói nhiều với người không đẹp, bây giờ gặp giai nhân, giai nhân lại giận mình thì có chết hay không?
Long nhắm mắt lại, chiếu lại trên màn ảnh tưởng tượng cảnh người con gái đẹp ngoe nguẩy bỏ đi. Trời, người đẹp thì làm gì cũng đẹp, khóc đẹp mà giận lại càng đẹp hơn.
- Cô ơi, Long kêu người nữ khán hộ thứ ba, sau khi nín im một lúc rất lâu.
- Có việc gì, ông?
- Nếu tôi chết đêm nay, phiền cô nói lại với má tôi rằng tôi thương má tôi lắm.
Hồng cũng hoảng sợ như em cô hồi nãy, chạy lại hỏi:
- Làm sao, ông nghe trong mình thế nào?
- Tôi không nghe gì lạ cả, nhưng biết đâu.
- Để tôi mời ba tôi xuống.
- Xin cô tha cho. Làm phiền cụ mà chi. Ông cụ cũng chẳng cứu tôi sống lại được, nếu tôi phải chết. Cô à...
Hồng không đáp tiếng gọi, nàng rối trí vì sự hăm doạ của bịnh nhơn.
- Cô à, má tôi, một người đàn bà hiền từ, chỉ có một mình tôi là con thôi. Chắc má tôi khổ lắm...
Long đã toại nguyện, gạt được người đẹp đến bên giường. Nhưng chàng không tìm ra được gì để nói cho hay.
- Tôi có món nầy, xin cô làm ơn trao lại dùm cho má tôi.
Long vừa nói vừa nhăn mặt thò tay ra túi quần sau để rút bóp. Chàng lấy trong một ngăn ra một chiếc lắc bằng bạch kim, trên mặt có khắc hai chữ H và L tréo nhau, đoạn trao của ấy cho Hồng mà rằng:
- Đây là món quà tôi tặng người yêu tôi. Nàng đã phụ tôi một cách công khai, và gọi tôi lên Biên Hoà để trao trả vật kỷ niệm này, chiều hôm nay...
... Cô ôi, tôi đau còn hơn là cái đau chơn bây giờ. Tôi muốn má tôi để chung món nầy với các di vật khác của tôi...
Long nghẹn ngào thật sự, mặc dầu chàng nói láo. Chàng biết chắc chàng không việc gì, nhưng kêu chết để thảm kịch hoá giây phút nầy hầu có thể đưa ra một câu chuyện cảm động. Chàng lại hết đau vì món quà bị trả lại. Vụ ấy xảy ra đã hơn một năm rồi.
Quả cô Hồng bị mắc bẫy. Trời ơi, một người bạn đồng cảnh ngộ với cô đây mà! Long chỉ muốn gây thương hại nơi lòng cô gái mà chàng đoán là đa cảm. Chàng không dè mưu chàng có hiệu quả đến thế vì chàng đánh trúng ngay tim của một người bị tình phụ như chàng.
Cô Hồng mủi lòng đến khoé mắt hơi ửng đỏ. Cô cầm chiếc lắc mà mân mê, nghĩ đến cái oái oăm của cuộc đời: một thiếu nữ bị tình phụ trong khi ấy thì một thiếu nữ khác lại phụ tình. Thì ra trong cái trò tình ái, các tay chơi không ăn rơ với nhau, nên mới sanh ra những cuộc lỏn chỏn mãi mãi.
Bỗng chuông đồng hồ báo thức lại reo lên
- Chị tôi xuống thay cho tôi đó.
Long đã quá mệt vì từ đầu hôm đến giờ chàng không có ngủ phút nào hết. Chàng không buồn cười được trước cái cảnh cứ tái diễn lại mãi nầy.
Lúc Hồng từ giã ra đi và Hương đến, chàng đã thiếp rồi.
Số phận cô Hương là số phận bị bỏ quên, bất cứ ở đâu và lúc nào. Nãy giờ người ta nói chuyện với nhau không đủ thì giờ mà nói cho hết. Đến lượt cô thì kẻ đối thoại đã thiếp đi.
Nhưng cô thấy đó là tự nhiên, vì ít tình cảm, ít mơ mộng lăng nhăng, lại cũng vì không dè nãy giờ con bịnh đã trò chuyện với mấy em của cô.