watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đò Dọc-Chương 18 ( Chương Kết) - tác giả Bình Nguyên Lộc Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc

Chương 18 ( Chương Kết)

Tác giả: Bình Nguyên Lộc

Long về Sài Gòn chỉ ngắm đàn bà là đàn bà. Khi trước chàng ngắm họ để nghiên cứu cho khoa hội họa, ngắm để thỏa mãn sở thích ngắm vẽ đẹp bên nữ giới của một người con trai.
Nhưng bây giờ chàng ngắm để so sánh.
Có ai biết rằng Long khổ hay không? Chàng vẫn yêu Hồng như trước. Ý nghĩ không cưới Hồng sẽ làm cho chàng đau đớn mênh mông, ý nghĩ ấy vày vò Long mãi không thôi.
Cưới Hồng là khỏi ân hận gì cả về vụ đó. Nhưng lại sẽ phải ân hận về vụ khác.
Ân hận? Ừ, Long định viết bức thơ nữa, càng ngày càng lạt, càng thưa, rồi trốn luôn. Nhưng trốn người chớ nào có trốn được cái đau của người, nó sẽ đeo đuổi theo chàng, vày vò lương tâm chàng đến bạc đầu.
Còn anh chàng Bằng nữa? Ăn làm sao nói làm sao với anh ta đây?
Lụi đụi đã đến ngày cưới của Hoa và Quá. Ông bà Nam Thành thương lượng cho hai ngày cưới ấy cách xa nhau có năm hôm thôi. Mọi sắp đặt cho đám cưới trước sẽ dùng được cho đám cưới sau, đỡ tốn kém lại đỡ thì giờ.
Long và mẹ đều có tiếp được hồng thiệp. Bức thơ riêng kèm theo đó nói rõ là chàng sẽ ngồi họ ở bàn đờn ông, còn bà Phủ thì được yêu cầu tăng danh dự cho lễ cưới bằng cách ngồi họ bên đàn bà.
Hôm về Sài Gòn, họa sĩ cằn nhằn mẹ:
- Sao má lên trên ấy mấy lần mà không cho con hay?
- Mày hỏi lạ, tao là mẹ của mày mà đi phải xin phép mày nữa sao?
- Không phải xin phép. Nhưng việc má đi có dính líu đến việc của con, con cần thảo luận trước với má.
- Còn thảo luận, thảo liếc gì nữa, chừng nào con quyết định thì má cậy mai. Nhưng phải giữ liên lạc thân mật luôn từ giờ đến đó.
- Rủi con không bao giờ nhất định cả thì có phải là hại hay không?
- Hại chỗ nào?
- Má lên làm thân, báo người ta hy vọng. Nếu về sau, việc không thành, họ sẽ thất vọng biết bao nhiêu.
- Sao lại không thành được?
- Được lắm, vì con chưa thích cưới vợ.
- Mày nói giỡn sao chớ. Họ hy vọng không phải vì tao làm thân đâu, mà vì mày đã có tơ tình với con của người ta, như mày đã thú nhận. Bây giờ mày lại muốn thối thác thì người ta còn coi mình ra gì nữa.
Long đuối lý, nín luôn mãi đến hôm nhận được thiệp mời mới nói với bà phủ:
- Má đi, còn con xin kiếu. Con gởi quà cho má trao lại giùm hai cô ấy.
Bà Phủ điếng người đi. Thì ra Long nó nói thật. Ngày vui của gia đình người ta, mà nó không buồn dự vào là nó đã quyết tâm không nghĩ đến hôn nhân rồi. Giây lâu bà hỏi con:
- Nó có lỗi gì không?
- Thưa không?
- Nó không vừa mắt con à?
Long làm thinh, bà phủ đoán hiểu phần nào, nên nổi tam bành lên:
- Mày có phải là con trai mười chín đâu mà đi coi mắt vợ sơ hở được. Mày đã hối thúc tao lên để xem có đồng ý với mày hay không, thế nghĩa là mày đã thích nó rồi, sao lại còn tráo trở gì nữa?
Lần thứ nhì Long lại đuối lý. Chàng rầu chín cả ruột gan vì nỗi lòng của chàng, càng bàn cãi, càng xét kỹ, càng rõ rệt ra.
Nhưng ích kỷ ngăn cấm chàng chuộc lỗi bằng cách cưới Hồng. Cưới Hồng, chàng sẽ ân hận suốt đời. Vì vậy chàng cố lì làm thinh luôn. Bà phủ thở dài lo mua sắm tặng phẩm lễ vật để đi một mình.
*****
Những ngày đám cưới rộn ràng khiến ai cũng quên Long trừ hai người: Hồng và Bằng.
Bằng kêu Hồng lại mà hỏi riêng:
- Hắn có gởi thơ cho cô nữa hay không?
Hồng nghẹn ngào, mắt ứa lệ, đáp không được.
Thấy vắng mặt Long, Bằng đã hỏi thăm ông dượng, và tin theo lời ông là Long bị cảm sốt. Nay thấy lời kể tâm sự câm lặng của em, Bằng bỗng hiểu cả và sợ hãi vô cùng. Anh hỏi gặn lại:
- Có hay không? Không à?
Hồng mếu máo nói:
- Có, độ nữa tháng rồi hai mươi ngày, mới được một bức thơ... mà lạt lẽo chớ không phải như trước.
Bằng giậm chân kêu trời, rồi quay đi, bỏ cô em lại với mớ nước mắt vừa tuôn trào lên.
*****
Bằng lùng kiếm khắp nơi đến trót tháng mà không gặp Long đâu cả. Anh không muốn tìm Long nơi nhà Long, vì ở đó không đủ thân mật. Long chắc có tâm sự gì, mà tâm sự ấy chỉ trong không khí thuận tiện nào anh mới lôi kéo nó ra được thôi.
Bằng lục khắp các chốn ăn chơi, khắp mọi nơi vắng vẻ như bến tàu, vườn thú là những chỗ Long có thể đến để nhờ sự ồn ào che lấp nỗi sầu của chàng, hay sự yên tĩnh xoa dịu niềm đau của chàng. Nhưng cuộc truy nã ấy hoàn toàn vô hiệu quả.
Đêm ấy vào khoảng chín giờ, Bằng đi ngang qua một hiệu cà phê Ấn Độ. Dãy nhà phố là một dãy nhà phố để ở. Cảnh vắng teo vì nhà nhà đóng kín cửa, trừ hiệu cà phê này.
Người Ấn Độ sống về đêm: không rõ ở xứ khác thì sao, ở đây thì như thế, vì phần đông phải thức để canh gác nhà cho người ta. Những giờ nghỉ gác, họ không ngủ mà tụ họp nơi đây. Họ uống cà phê rất nhiều, để thức được, và trong lúc thức, buồn quá, họ càng uống cà phê nhiều hơn.
Bằng qua đó dòm thử vào trong, để xem họ họp mặt thân mật ra sao. Anh ngạc nhiên thấy một người Việt ngồi đưa lưng ra ngoài. À, mà lạ này! Sao người ấy hơi giống Long.
Bằng dừng chân lại, đứng dòm một lát rồi bước vào tiệm, đi ngay lại bàn người khách Việt rồi đưa tay ra:
- Buồn lắm à? Anh hỏi.
Long bắt tay người bạn mà anh trốn, không tỏ vẻ gì sợ sệt cả. Xa Bằng chàng sợ anh ta, nhưng gặp bạn xong chàng nghe nhẹ nhõm như sắp chết đuối mà vớ được tấm ván.
Bằng xem ra chững chạc và tỉnh trí lắm, trước mọi tình thế. Việc gì anh cũng giải quyết được cả, giải quyết rất hay, với tinh thần hiểu biết người trong cuộc.
Bằng dòm xuống bàn thì thấy trước mặt Long một ly cà phê đậm đen và một ly sữa.
- Sao lại uống riêng ra? Anh hỏi:
- Uống chung, sữa nó làm mất mùi cà phê đi.
- Thì đừng uống sữa.
- Ấy, người Ấn Độ họ bảo cà phê nóng lắm phải uống thêm sữa để vào cho nó mát bớt.
Uống đồ nóng, rồi uống đồ mát cho đỡ nóng. Như vậy đừng uống gì hết thì cũng thế thôi.
- Uống cà phê có lợi. Nó làm cho mình hứng chí lên, hết uể oải, chán nản nữa.
- Anh chán nản lắm? Thất vọng vì tình?
- Không, tình thất vọng vì tôi.
- Sao anh bắt nó thất vọng như vậy?
- Không muốn bắt. Nhưng tôi bị bắt buộc phải làm như vậy.
- Cái gì, hay ai đã bắt buộc anh?
- Anh uống gì? Long không đáp mà chỉ hỏi Bằng như vậy thôi.
- Uống sữa để cho mát, vì tôi nóng nghe tâm sự của anh lắm.
Đôi bạn nhìn mê anh bồi rót sữa cho nguội, một cách tài tình. Anh ta cầm ly sữa bằng thau, đưa lên cao rồi rót xuống một chiếc ly không ở dưới cũng bằng thau, ly dưới lại không hứng ngay ly trên, mà hứng trịch qua một bên. Thành ra giọt sữa cong như vòng cầu. Hai chiếc ly cách xa nhau gần một thước tây, thế mà giọt sữa bắn ngay vào chiếc ly hứng, không mất đi một hột bụi sữa nào hết.
Bằng ngạc nhiên hỏi:
- Họ nấu sữa chín thế này thì uống còn bổ quái gì nữa.
- Chín chỉ làm chết sinh tố thôi, mấy chất kia vẫn còn.
Anh bồi đặt cốc sữa gần nguội xuống trước mặt Bằng rồi sớt sữa qua một cái ly bằng pha lê.
Bằng bưng ly lên uống một hớp rồi nói:
- Trời đã bắt đầu lạnh vào tháng này. Anh vào đây là phải lắm. Uống sữa nóng nghe ấm quá.
- Nhất là khi có tâm sự như anh đã nói.
Bằng bỏ giọng cà rỡn nãy giờ, lập nghiêm lại mà hỏi bạn:
- Mối tình của anh với Hồng đã đi tới đâu rồi?
- Đi tới chỗ bí.
- Tôi cũng thấy thế, nên tìm anh hổm nay để hỏi cho biết rõ nguyên nhân.
Long uống cạn ly cà phê rồi nhìn Bằng trong mắt mà hỏi:
- Dầu sao anh vẫn không khinh tôi chớ?
- Cái đó tùy.
Long hơi sợ, nín lặng giây lâu mới đánh bạo mà tỏ niềm riêng:
- Đã ba lần anh sửa lưng tôi mà tôi không hiểu. Anh nhiều kinh nghiệm hơn tôi thật. Lần đầu tôi vừa mới nói sơ ý định về hôn nhân của tôi anh lại bảo chớ vội. Hai lần sau, anh định nói gì, hình như là nói cho tôi biết là quan niệm của tôi về sắc đẹp rất hại cho mối tình của tôi. Nhưng anh lại thôi. Bây giờ nhớ lại tôi mới hiểu anh.
Anh nè, hôm nọ tôi có đi thăm một bác sĩ quen hỏi về tâm trạng của một kẻ bị tai nạn xe hơi. Vị lương y ấy bảo rằng đó là một vấn đề rất phức tạp. Nếu chỉ bị thương tích thôi, cho dẫu nặng, tâm thần cũng chẳng thay đổi gì. Nhưng nếu bị va chạm mạnh như tôi, mà không thương tích, thần kinh có thể bị lung lạc, và tâm thần có thể biến đổi vĩnh viễn hay tạm thời.
Thú thật với anh là lúc tôi bừng tỉnh dậy nơi Thái – huyên trang, sao tôi nghe tôi như là một cậu trai còn trẻ lắm. Bao nhiêu kinh nghiệm về cuộc đời của tôi như là tiêu đâu mất cả, vì thế tôi thấy Hồng đẹp lắm.
Tôi tiếp tục thấy như vậy cho đến khi tôi về Sài Gòn. Có lẽ về đây, tôi hết bệnh lần lần, nên khi trở lên thăm bạn thì tôi chợt thấy Hồng không đẹp.
- Không đẹp ở chỗ nào?
- Nói không được. Nhưng cỡ tôi dẫn Hồng đi chơi thì ai cũng thấy không xứng. Hồng không, không...
- Không élégante? ( quý phái )
- Anh nói đúng lắm. Chữ đó thì phải dùng tiếng Pháp nói mới được.
- Thì anh cứ cưới Hồng rồi để ở nhà, tôi thấy vài gia đình như vậy.
Long trố mắt nhìn Bằng, thấy rằng anh chàng này kỳ dị lắm, giây lâu chàng hỏi:
- Anh sống đời sống như vậy được à?
Bằng phá lên cười, cười rất lâu, mới dứt cơn được. Bấy giờ anh vỗ vai Long mà rằng:
- Hú hồn hú vía! Tôi ngỡ là gì. Không, tôi đùa anh chơi chớ tôi cưới vợ rồi nhốt vợ trong buồng cũng không được.
Vụ của anh là như thế này. Anh không có bị thần kinh lung lạc gì cả. Nhưng cảm tình đã khiến anh mờ mắt, thấy cả bốn chị em đều đẹp quá xá, nhất là Hồng. Nhưng anh chỉ mờ sơ sơ thôi vì Hồng quả đẹp thật.
Tại làm sao mà về sau, anh lại thấy cô ấy không đẹp? Anh cũng nói sai chỗ đó. Cô ấy vẫn đẹp nhưng không élégante đó thôi. Anh chỉ mới thấy sau vì về Sài Gòn anh có dịp thấy và so sánh, mà cảm tình của anh cũng không còn thủ vai gì nữa cả.
Trong một đêm đi chơi với tôi, anh có nhớ không, anh có nói đến hạng phụ nữ, nếu lấy riêng ra cái mặt, cái tay thì đẹp, mà những thứ ấy ráp lại thì không khéo.
Nơi Hồng, những thứ ấy ráp lại vẫn khéo. Nhưng anh nên biết rằng cuộc sống lam lũ ở thôn quê đã biến Hồng ra như vậy. Hồng đã trở thành vụng về trong cử chỉ, quê kệch trong dáng đi điệu đứng từ mấy tháng nay.
Tôi đã lo sợ anh thấy điều đó mà không khỏi. Anh là nghệ sĩ mà! Với người thường kia mà còn chưa thể che dấu được thay.
Ông dượng tôi ổng không hề biết việc đó, mà cỡ tôi có nói ra ổng cũng không thấy gì đáng lo. Các cụ thì quan niệm cưới vợ có hạnh có nết và dễ coi là đủ.
Dung nhan một cô gái biến thành quê kệch rất có hại cho việc lấy chồng của cô ấy. Ông dượng tôi không thèm biết thế, cứ đem con về vườn lúc chúng nó sắp lấy chồng.
Tôi nói nãy giờ, anh có tin tôi hay không?
- Tin. Anh thấy khoa học lắm!
- Nếu tin, thì anh cũng nên tin rằng dung nhan ấy sẽ tước bỏ sự quê kệch của nó khi về sống trở lại ở thành.
Long như chợt tỉnh, ngỏn ngoẻn cười với bạn:
- Té ra tôi tạo cái khổ cho tôi và cho người khác một cách vô ích quá, vì không có gì đổ vỡ cả.
- Cái gì cũng giải quyết được hết. Tôi lo lắng cho các em tôi như vậy, vì như đã nói, tôi không muốn có được sự thất bại của dì dượng tôi làm cho người khác sợ hãi rồi không dám trở về quê nữa.
- Thành ra có con gái lớn, không nên lui về vườn.
- Tùy. Nếu không có tham vọng gả con cho dân thành thì cứ việc lui. Mà nếu có, thì nên để con ở lại đây.
- Sao má tôi nói ngày xưa, “mấy thầy” thích tìm vợ ở thôn quê lắm?
- Ngày nay đã khác hẳn rồi. Hồi xưa người ta nói con gái thành hư hết, nên sợ chúng nó lắm. Bây giờ họ biết lại là chúng không hư như ai cũng tưởng đâu. Còn trái lại nữa là khác, tôi dám chắc gái thành sành nuôi con hơn gái quê chẳng hạn.
*****
Chú rể Long rước cô dâu Hồng đi xong, chiều lại ông bà Nam Thành ngồi nhơi cái hiu quạnh của mình.
Để cho vui nhà, ông Nam Thành nhìn bà, và cười tự đắc mà nói:
- Bà thấy hay không? Rồi cũng gả trôi hết ba đứa, có ế ẩm gì đâu mà bà cứ theo cằn nhằn tôi đến nhức xương.
- Xí, ông không biết khỉ khô gì hết, hỏi thằng Bằng nó nói cho mà nghe.
Gả trôi ba đứa là công lao vận động của thằng Bằng và của cả thằng Long nữa. Nếu ngồi đó mà đợi thì con mình sẽ thành đá vọng phu hết trọi!
Ông nên biết rằng trường hợp của mình là trường hợp đặc biệt. Tai nạn xe hơi không bao giờ diễn lại lần thứ nhì ở gia đình khác mà cùng cảnh với mình. Ông nghe chưa?
- Nhưng việc chánh là gả được con, mà mình đã gả được.
Rồi ông cười ha hả để đánh trống lấp.

HẾT
Đò Dọc
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18 ( Chương Kết)