watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nửa đêm Trảng Sụp-Phần III - tác giả Bình Nguyên Lộc Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc

Phần III

Tác giả: Bình Nguyên Lộc

Xong đâu đấy, chàng ra sân để lên đường cùng với nhân viên của chàng, Từ tỉnh lỵ lên tới đồn biên giới, theo đường Vũng Chàm, chỉ mất hai tiếng đồng hồ là cùng nếu chạy xe thong thả, và kể đến tình trạng không được tột lắm của con đường đó. Và bây giờ chỉ mới có bốn giờ. Lẽ ra Công không nên đi sớm như vậy, rất dễ bị thiên hạ thấy chàng ra quân. Biết đâu chúng nó không đặt người rình sự động tịnh của chàng và biết đâu chúng nó lại không có một lối thông tin mau lẹ đi báo động cho bọn tải hàng đề phòng ?

Nhưng độ rày xê dịch về đêm không được an ninh lắm.

Vả lên tới đó rồi còn phải báo tin cho các đồn bót hay chớ không thể âm thầm làm việc. Chàng phải còn dư ít lắm là một tiếng đồng hồ nơi đó trước khi trời sụp tối.

Vì thế mà chàng đành không giữ trọn bí mật của kỳ xuất chinh nầy.

Chỉ có Công là ăn mặc trây-di như quân nhân, sáu nhơn viên khác chỉ mặc âu phục thường, bằng đủ thứ vải đủ thứ màu.

Tuy họ không có súng máy cho oai, nhưng súng trường của họ lại đắc dụng hơn cả tiểu liên nữa. Đó là bốn cây garant bắn tự động, mỗi cây có thể bắn ra một loạt tám phát, bốn cây cùng bắn một lúc thì còn ghê hơn cả trung liên nữa.

Súng garant lại bắn được xa lắm, mạnh lắm và dễ trúng đích hơn tiểu liên và trung liên nữa.

Cả bảy người đều là tay thiện xạ, phần đông là cựu quân nhân, trừ Công ra, nhưng chàng đã được huấn luyện quân sự hẳn hòi theo cấp cao đẳng.

Nếu cần phải đánh xáp lá cà, họ vẫn đủ bản lãnh so dao găm với địch thủ, cái thứ vũ khí âm thầm ấy mà ai cũng có mang theo, kể cả Công nữa.

Xe của họ là loại xe cam nhông mái lá sườn tre, dài nhằn, thứ xe chở hàng của ta, người trong thành phố sẽ ngỡ là xe vận tải thường. Kẻ khác ở các truông vắng cũng ngỡ như vậy vì phía sau xe được phủ màn bố bịt bùng, phía trước chỉ có một nhân viên lái xe mặc thường phục ngồi mà thôi.

Công bảo họ soát lại vũ khí và y phục rồi ra hiệu cho cả đoàn lên xe.

Thúy đứng trong ty mà nhìn chính Công mở dây gai để buông bức màn bố xám xuống. Tấm bố xổ ra, che mất mặt của chàng, rồi che khuất thân mình chàng, đoạn đôi giày trận của chàng cũng không còn trông thấy nữa.

Xe vụt chạy ra đường, tiến về hướng Tây Bắc.

*

* *

Đêm không trăng, nhưng trời sáng sao. Ai đã từng sống ở thôn dã đều biết rằng ánh sáng của tinh tú, xem như là không đáng kể, thật ra đủ tỏ rạng để soi đường cho bộ hành, để giúp họ làm những công việc rất quen tay.

Rừng biên giới Miên - Việt ở vùng nầy không phải là rừng già, lắm nơi cây cối nhỏ bé và lưa thưa quá như cây chồi, nên đoàn Quan thuế đi không khó khăn bao nhiêu.

Mặc dầu Công đã đưa chỉ thị thật đích xác, đường đi nước bước được chỉ dẫn rành mạch, chàng vẫn đi trước để dẫn đầu.

Họ không ngậm thẻ như lính trận ngày xưa trong những cuộc đi cướp doanh trại, nhưng cả bảy người đều lặng lẽ bước, chỉ có điều là họ không tránh được đạp lên lá chết, lên nhánh mục rơi xuống đất. Nhánh lá khô gãy kêu răng rắc đánh thức tỉnh những con chim ngủ tối, chúng hoảng hốt đập cánh, kêu nhau, nhưng rồi im trở lại vì thấy không có nguy hiểm gì.

Ở đây, muông thú cũng hiếm hoi. Thỉnh thoảng họ mới nghe một con mang một con mển nào chạy qua trước mặt họ hay bên cạnh họ, tiếng bước nhẹ nhàng như chơn chúng được bọc gòn, chỉ làm cho lá chết cựa mình là cùng.

Họ lặng lẽ bước. Lâu lâu viên chỉ huy đoàn dừng bước lại thình lình, đứng do dự trước một đám đất trống hay một ngọn đại thọ mà hắn thấy không hệt với những gì đã được tên điềm chỉ tả tỉ mỉ.

- Thèm một điếu thuốc muốn chết đi xếp ơi ! Một nhơn viên than nho nhỏ.

- A quên, Công thủ thỉ, ai có đem hộp diêm và quẹt máy theo ?

Cả bọn đều có mang lửa trong người họ. Nghe hỏi như vậy họ mừng rỡ hết sức, ngỡ được hút thuốc cho đỡ ghiền, nên nhao nhao lên khoe đức tánh lo xa của họ.

- Đưa đây xem ! - Đưa hộp diêm anh cho tôi mượn. - Đâu quẹt máy của anh đâu ?

Công đi qua một vòng thì gián tiếp tịch thâu tất cả bảy món đồ chơi nguy hiểm đó. Một ánh lửa lóe lên là kế hoạch của chàng sẽ đổ vỡ và đoàn có thể lâm nguy.

Công đã quên tiên liệu điều nầy nên khi nghe anh chàng đầu tiên đòi hút thuốc, chàng hoảng lắm.

Cả bọn tiu nghỉu và hối hận đã xin phép để bị tịch thâu lửa. Phải họ dè như vậy họ đã đặt chỉ huy trưởng của họ trước một sự việc đã rồi. Có bị quở trách, bị tịch thu gì, cũng đã được rút xong vài khói.

Rồi họ lại tiến lên, theo hướng Tây Nam mà trực chỉ.

Thỉnh thoảng kẻ dẫn đàn lại phải dừng bước nữa, ngước mặt lên trời nhìn qua những tàng lá thưa để tìm sao hầu minh định lại vị trí và hướng đi của họ.

Mặc đầu sương đêm đã bắt đầu rơi và âm khí của rừng không được khô ráo lắm, mồ hôi của họ đã toát ra dầm dề và cả đoàn đều khát nước rát cổ họng.

Họ khởi hành vào lúc vừa khuất mình, tức vào khoảng hơn bảy giờ rưỡi tối và giờ đã mười giờ hơn. Đi suốt ba tiếng đồng hồ trên những nẻo đường không suông sẻ, phải vẹt nhánh lá, phải nhảy qua những cây chết ngã trên đường, họ đã thấm mệt.

Tuy khát, họ không được giải lao, Công đã cấm ngặt họ mang nước theo vì uống nước vào sẽ đau xóc hông, không đi được nữa.

Họ tạm giải khát bằng nửa trái chanh gói cất trong túi và lấy ra ngậm cho đỡ khô cổ.

Cả đoàn đang đều bước tiến trong bóng tối thì họ bỗng thấy ánh sáng minh mông trước mặt họ. Ánh sáng nầy chỉ tương dối sáng thôi, sánh với bóng tối vây phủ lấy họ suốt ba tiếng đồng bồ qua.

Đó là thứ ánh sáng đêm sao soi lên mặt sông mặt hồ, và quả thật họ ngỡ đang đi đến ven một cái hồ rộng nào giữa rừng.

Trước mặt họ không còn cây cối gì nữa cả. Công đưa tay lên ra hiệu cho họ dừng bước. Bàn tay của chàng nổi bật lên, đen thui, trước thứ ánh sáng mờ đó.

Bây giờ đoàn người vốn dẫn hàng một, đã dồn cục lại sau lưng Công.

Cải hồ mà họ tưởng tượng ra nãy giờ chỉ là một cánh đồng trống minh mông, rộng ước chừng năm mươi mẫu.

Nơi đây, ngày xưa, cỏ lẽ người Sơn cước đã đốt rừng để làm rẫy. Qua mấy mùa lúa, theo thói quen, họ bỏ rẫy nầy vì đất đã bớt màu mỡ, để đi đốt khu rừng khác.

Từ ấy những nay rẫy lúa bỏ hoang biến thành trảng tranh và đầu mùa khô nầy, do một rủi ro nào đó không rõ, toàn thể trảng tranh nầy bị cháy rụi.

Họ đoán như thế về điểm cuối cùng của tình trạng cánh đồng, vì mặt đất ở đây đen thui. Cỏ xanh về đêm cũng không thể nào đen sẫm đến như thế.

Công thì thầm:

- Ta đi vòng qua phía bờ bên kia, mà phải đi dọc theo ven rừng.

- Sao không băng ngang cánh đồng, xếp ?

- Đưa đầu cho chúng bắn à ? Chúng nó cũng sẽ đến cánh đồng nầy và cũng không dại gì mà băng ngang để làm đích cho ta dễ nhắm. Chỉ có rừng rậm mới là tùng đảng của họ và ta.

Nhưng chúng nó sẽ bọc cánh đồng nầy dọc theo ven rừng phía bên kia, nên ta phải qua bên ấy để… đón khách.

Khi đi tới vị trí đã nhắm, Công xem lại đồng hồ dạ quang đeo nơi tay thì thấy đã mười một giờ rưỡi rồi.

Họ lùi xa vào trong vì không thể tiên đoán được bọn tải hàng sẽ đi sát bờ ruộng hay không, không khéo chúng lại đi sau lưng họ thì hỏng cả.

Cuộc bố trí đã được sắp đặt hồi còn ở ty, nửa tiếng đồng hồ trước lúc khởi hành, nên ai nấy đều biết vị trí mà họ phái đứng rình nên không đợi viên chỉ huy dặn dò gì thêm, họ phân tán cả ra.

Muỗi rừng nhiều quá, họ rất khổ sở mà chỉ được xua tay đuổi chúng thôi, chớ không dám đập. Đập một vố vào chính gò má của mình, bất quá giết được vài con là cùng trong muôn ngàn con đang bay đặc không trung. Nhưng chết một con, mòn một mũi và giết được thì hả giận đỡ khổ phần nào.

Thời gian trôi chậm như rùa bò, ai cũng nghe mỏi mệt cả nhưng không dám ngồi. Ngồi là ngủ quên mất. Ngồi dựa gốc cây là cái thèm của mọi người bây giờ, họ thèm ngồi như vậy như đang qua truông vào trưa hè, thèm nước dừa. Có lẽ họ thèm ngồi còn hơn thèm thuốc điếu nữa.

Ai có đồng hồ dạ quang, thỉnh thoảng đưa tay lên xem. Đã quá nửa đêm rồi mà theo lời viên chỉ huy của họ thì bọn tải hàng phải đi qua đây lối mười hai giờ khuya.

Riêng Công, chàng hơi lo lo là bọn chúng đã đi qua rồi. Nếu thế thì mất công toi, uổng không biết bao nhiêu. Nhưng chàng không nghe mình có lỗi. Đoàn không thể ra khỏi đồn bót biên giới trước khi trời khuất mình vì như vậy là gián tiếp báo tin cho bọn buôn lậu.

Ra khỏi đồn bót họ đi không kịp thở thì có trễ hội là tại bọn kia đi giỏi quá chớ không phải là chàng tính sai thời dụng biểu.

Công cố nhớ đến một câu chuyện để tự an ủi cảnh bị muỗi đốt lúc nầy. Đó là câu chuyện con mòng.

Vào đầu mùa mưa: mầm giống mòng ẩn đâu không rõ, bỗng sanh sản vô số kể. Thú rừng phải đào ngũ rừng xanh, trốn ra những chồi cây gần xóm làng, còn bò vào rừng kéo củi bị chúng cắn phải rống lên.

Con mòng to bằng đầu mút đũa, thế mà hằng trăm hằng ngàn con cắn một con vật thì cho đến con voi cũng phải sụm đừng nói chi là bò.

Những tiều phu, những anh đánh xe bò kéo củi thì có giày, có bao tay, bao cổ, bao má - cố nhiên là chế tạo thô sơ bằng giẻ rách - còn bò thì không được tự vệ bằng gì cả.

Thành thử mỗi xe bò đi kéo củi đêm, vào mùa đó, phải được hai người đi theo. Họ được võ trang bằng một thứ dao to bãng mà không có lưỡi bén. Họ dùng dao ấy để gợt mòng trên da bò, gợt một nhát, nếu biết cách, giết được hằng trăm con, còn như làm thiếu phương pháp thì ít ra cũng đuổi được mấy trăm con mòng ấy trong mấy phút.

Được cái là mưa xuống chừng chín mười đám là mòng bị tiêu diệt cả cho đến đầu mùa mưa tới.

Dạo nầy mới đầu tháng tư. Một tháng nữa, chắc phải để bọn buôn lậu tự do, nếu không chế ra được thứ mặt nạ lưới như thợ nuôi ong bên Âu châu. Không thể bắt nhơn viên của chàng chịu lì cho mòng cắn mặt và tai như các lão thợ rừng đã rán chịu.

Mười hai giờ mười lăm… mười hai giờ rưỡi…

Cả đoàn bắt đầu thối chí trừ Công. Chàng quyết phục kích suốt đêm và đã trót cực khổ, cố chịu luôn kẻo phải hối hận khi được tin về sau rằng chúng qua đây hồi gần sáng.

Mệt mỏi, buồn ngủ, bị muỗi đốt, giờ họ lại nghe đói và một nỗi thèm mới lại nổi lên, thêm vào ba cái thèm trước là thèm thuốc, thèm nước, thèm nằm. Họ ao ước được húp vài chén cháo gà như ở nhà đi coi hát ra, mặc tình mà đánh chén.

Một giờ khuya … Công nằm xuống, bươi nhẹ lá khô rồi nghiêng mặt, đặt tai sát xuống mảnh đất con vừa được vạch trần ra. Thuở bé chàng có đi Hướng Đạo và học được lối nghe tiếng chơn đi đằng xa ấy của người da đỏ, mà hướng đạo sinh thường học tập.

Vừa đặt tai xuống đất là chàng giật nẩy mình, ngẩng lên ngay, toan hành động liền, nhưng chàng hạ tai xuống để lắng nghe lại cho thật chắc ý.

Cứ theo phỏng định của chàng thì có một đoàn người rất đông đang tiến về đây, còn ở cách xa chàng độ một ngàn bước. “Rất đông” chỉ là cảm giác thôi. Tiếng bước của bò mạnh hơn tiếng bước của người nhiều lắm và bò có tới bốn cẳng thì một chục con bò, làm ồn như hàng trăm người.

Bấy giờ Công lồm cồm ngồi dậy rồi đứng lên. Chàng đưa vào miệng hai ngón tay thổi lên một tiếng “hoéc” như tiếng tu hít.

Đó là ám hiệu ra lịnh cho người phục kích chuẩn bị. Sáu người kia đang chán nản có ý muốn “nằm đại xuống để ngủ mẹ nó cho đã cơn mỏi mệt, chớ hơi đâu mà rình ma” chợt nghe hiệu lịnh; giựt mình đánh thót một cái rồi tỉnh hẳn ra.

Họ xem lại coi gốc cây mà sau đó họ núp, có đủ to hay không, đoạn họ quì một chơn. Súng đã được lên đạn từ lức ra đi, giờ họ mở khóa an toàn.

Bây giờ ai cũng nghe được tiếng xào xạc đằng xa cả. Bò khua lá, tuông nhánh mà đi, không thể ra lịnh cho chúng im lặng tiến như người.

Không khí im phăng phắc, thế mà nghe như gió thổi rì rào trong tàn cây. Lại nghe như là một đám mưa đang chạy lên đầu rừng, từ đằng ấy lại đây.

Bỗng tiếng rì rào im bặt. Chúng đã tới trước cánh đồng và có lẽ dừng lại để nghe ngóng.

Mặc dầu đây không phải là chuyến xuất chinh lần đầu của họ, cả bảy người, kể cả viên chỉ huy đều hồi hộp. Gặp địch thình lình, thích lắm, có thể chết ngay hay hạ chúng ngay, và thần kinh khỏi bị căng thẳng một cách khó chịu trong nhiều phút như thế nầy.

Nhưng lạ, sao chúng im lâu quá ! Có suy nghĩ để quyết định cái nẻo phải theo, cũng mất mười phút là cùng. Đó là một hạng người định việc một cách chớp nhoáng, cho đến đỗi mạng người kia mà chúng chỉ quyềt định trong nháy mắt thôi. Chúng lại không có thói quen nghĩ ngợi dọc một con đường tương đối ngắn như đường tải hàng đêm nay.

Khó chịu quá ! Từ khi tới nơi, họ đợi mấy tiếng đồng hồ liên tiếp mà không nóng lòng bằng mười lăm phút nầy.

Hai mươi phút đã qua rồi … Công đâm lo, tự hỏi phải chăng là họ đổi hành trình ?

Bỗng cả bọn đều nín thở. Đoàn tải hàng đã tiến tới trước mặt họ rồi. Chúng đi theo một nẻo thật bất ngờ, đi ngoài đồng trống nhưng sát mé rừng. Vì thế mà bò không khua lá nên họ không hay, ngỡ chúng còn ở đằng đầu cánh đồng.

Bọn nầy quả là những tay chuyên nghiệp. Đi như vậy mau hơn là đi trong rừng. Bên kia cánh đồng có ai rình nhìn qua không thể thấy, chúng chỉ sơ hở chỗ nầy là bọn phục kích có thể rình bên nây cánh đồng.

Công đã dặn dò từng ly từng tí. Phải hạ bò trước vì bò là những cái đích lớn, bắn là phải trúng chắc một trăm phần trăm.

Bò ngã, bọn buôn lậu bắt buộc phải chiến đấu chớ không thể tẩu thoát vì hàng hóa còn quý hơn là mạng sống của chúng nữa; bảo vệ hàng hóa hay là chết, đó là châm ngôn của bọn tải hàng, cái khoen quan trọng nhứt trong một sợi dây xích buôn lậu.

Hạ bò trước tức là báo động cho địch biết để ẩn núp và phản công, bên quan thuế không còn hưởng được ưu thế của sự đánh bất thần. Nhưng bù lại, họ được cây cối bảo vệ còn bên buôn lậu thì phải ở chỗ lộ thiên mà đánh trận.

Sự bù đấp nầy chỉ có được một cách bất ngờ, trong truờng hợp độc nhứt nầy thôi nhờ bọn buôn lậu chọn đi ngoài đồng trống.

Nếu không, bên quan thuế phải chịu thất thế. Nhưng Công đã cân nhắc kỹ như một nhà chiến lược nhà nghề. Thất thế nhưng được việc. Hạ người trước vẫn không thể hạ hết trong loạt súng đầu mà bò sẽ hoảng sợ chạy mất cả. Như thế, mất hàng hóa, tang vật, lại không tiêu diệt được trọn ổ.

Đoàn phục kích hồi hộp vì thế: Họ phải hành động một cách “lạy ông tôi ở bụi nầy”, bọn buôn lậu sẽ kịp núp và bắn trả họ một cách hữu hiệu vì chúng sẽ nhìn lửa súng trong đêm tối mà biết họ núp ở đâu.

Họ phục kích thành một hàng dài, và đoàn tải hàng cũng tiến tới thành hàng dài. Một con bò đã lọt vào vòng. Họ chưa nhúc nhích. Hai con bò lọt vào vòng, ba con bò lọt vào vòng…

Chúg nó nổi bật lên nền sáng mờ của cánh đồng như những cái hình cắt bằng giấy đen dán lên mặt một chiếc đèn kéo quân mà trong đó cây nến đã cháy lụn chỉ còn lập lòe một đốm lửa.

Bốn con bò đã lọt vào vòng... Năm con bò...

Bọn tải hàng mỗi đứa dẫn một con vật mang bành hàng hóa lớn trên lưng.

Sáu con bò... Bảy con bò…

Đoàng !... Công bắn ra phát súng lịnh và bốn cây garant tức thì nhả đạn. Không có con bò nào thoát cả vì đích gần và to quá.

Cuộc tự vệ của bọn tải hàng thật chớp nhoáng, khiến bọn nầy suýt ẩn núp không muốn kịp. Cây tỉểu liên của chúng, nhờ bắn gần nên có hiệu lực thật đáng sợ chớ không như họ tiên liệu. Có lẽ chúng núp sau những xác bò vừa ngã chớ ngoài ấy không có mô đất, gốc cây nào cả.

Bên Quan thuế không còn thấy gì được hết vì khi bò ngã xuống đất rồi thì người cũng nằm liền theo, địch đã thấp xuống và lẫn trong màu đen của cỏ cháy.

Hai bên chỉ xem lửa mà bắn nhau thôi. Trong đêm tối, có những con đôm đốm thật to và bay nhanh qua, đưa thoi trên không trung.

Tuy nhiên bên Quan Thuế thiện chiến hơn rõ rệt vì họ bắn rất ít. Kẻ nào bắn nhiều trong trường hợp không thấy địch là là kẻ đó bắn bừa bãi, đã dễ bị lộ tung tích lại hao đạn, không thể cầm cự lâu được.

Đạn bay vèo vèo và bên kia có tiếng chưởi thề rùm trời.

Mười phút đã qua mà không hỏa lực của bên nào giảm hết, chứng tỏ rằng chưa có ai bị thương. Đành rằng cả đôi bên đều có đem theo người trừ bị để thay thế kẻ nào ngã gục, nhưng nếu có sự thay thế như vậy, hỏa lực đã kém đi trong mấy mươi giây.

Bỗng cây tiểu liên nín tiếng. Bên kia lại chưởi thề inh ỏi. Có lẽ súng kẹt đạn. Quả thế, cây súng máy ấy nín luôn và chỉ được thay bằng tiếng chửa thôi.

Hình như ba tay súng trường giựt mình. Nãy giờ chúng ỷ lại vào cây tiểu liên nên bắn như mưa rào. Giờ thấy cần tiết kiệm đạn, chúng hạ hỏa lực xuống.

Bọn nầy chắc không được huấn luyện quận sự nên chỉ biết bắn – có thể bắn rất tài - mà không biết cách rút, nhứt là khi chiến trường là nơi trần.

Chúng cứ nằm đó mà bắn cầm chừng, cốt ngăn địch tiến tới. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà chúng bị bắt chợt ngoài đồng trống giữa rừng, khi sau lưng và trước mặt đều có cây cối che chở, dầu cho có dốt đánh giặc, chúng cũng rút được tương đối dễ dàng.

Bây giờ Công điều động các tay súng của chàng để họ mở rộng mặt trận, kéo dài hàng ngũ ra, đoạn phân ra làm ba cánh, hâm dọa bao trùm bọn buôn lậu.

Nếu chúng nó sợ bao vây, rút lui có phương pháp cũng lâm nguy vì hễ càng lui tức là càng ra ngoài trống; rút lui sái phép còn dễ chết hơn.

Bằng như chúng quyết tử vì không thể lui được, thì cánh tả và cánh hữu cũng tiêu diệt được chúng vì đạn của họ không bị chướng ngại bò ngăn cản, tức là địch bị đánh ngang hai hông.

Sự việc xảy ra theo dự đoán thứ nhì. Bọn buôn lậu quyết tử có lẽ vì không biết phép rút, không dám rút.

Súng lại nổ như mưa rào khi chúng bị cánh tả và cánh hữu của Quan Thuế tấn công bên hông. Cây tiểu liên kẹt nãy giờ lại lên tiếng trở lại được.

Thình lình một súng trường bên buôn lậu im hơi.

- Rồi một mạng, Công lẩm bẩm.

Mạng ấy được thay thế sau đó một phút đồng hồ. Và đồng thời bên Quan thuế cũng có một nhân viên bị thương.

Kẻ bị thương thuộc cánh hữu trong đó có Công. Chính chàng thay cho người nầy. Không muốn cho ai thọ nạn thêm nữa cả, chàng hô to lịnh ngưng chiến.

Chiến thuật cửa chàng bây giờ là chọc cho chúng nó bắn cho hết đạn, đợi sáng ra, bắt sống cả lũ. Khi mà địch không rút được thì áp dụng chiến thuật ấy rất lợi sinh mạng của chiến đấu viên.

Nhưng có lẽ hai cánh kia không nghe được lịnh chàng nên họ tiếp tục vừa bắn vừa tiến, nhứt là khi cây tiểu liên của bên kia lại kẹt.

Quan thuế lại bị thương một người nữa trong cánh trung ương do viên đạn cuối cùng của cây tiểu liên ấy.

Rồi bên buôn lậu, một tên ngã, và được thay thế tức khắc.

Cánh tả của quân chàng bắn như đốt pháo tết, có một lần họ bắn liên thinh tám phát đạn một lượt vì súng garant là loại súng bắn tự động.

Bên buôn lậu lại mất một cây súng trường mà không có người thay.

Công đoán rằng chúng nó bị thương đến sáu tên, nếu không, phải có ba cây súng nổ.

Độ năm phút sau một cây súng nữa nín tiếng.

Thình lình súng nổ rền trời giữa cánh đồng trống, đạn bay vèo vèo bên tai họ và cả bọn phải vội nằm rạp xuống sát đất.

Phản ứng kỳ lạ của cả đôi bên trong trận nầy là họ đều im bặt. Không bên nào biết được đó là súng của bạn hay súng của thù, nên họ thấy bất động là hơn.

Cứ bằng vào các đóm lửa, Công đoán bọn ấy đông trên hai mươi tay súng.

“Lạ quá, chàng nghĩ, đồn bót không thể bắn mù quáng như vậy trong khi chưa biết vị trí của thù và của bạn. Không thể nào họ lại tiếp viện một cách dốt nát như thế. Vả lại mình có xin tiếp viện bao giờ đâu.

Còn nghi là viện binh của bọn buôn lậu thì càng vô lý hơn. Bọn nầy tự lực tự vệ, không bao giờ có viện binh cả”.

Thấy rõ ràng là bên kia cố ý bắn bừa vì chúng đoán biết thù hay bạn gì, phản ứng cũng như nhau là im tiếng súng bởi chưa biết ai bắn.

Phải thành thạo chiến trận lắm mới đoán được như vậy. Chúng bắn bừa để chọc cái phản ứng im lặng toàn thể nơi đây cốt xáp lại gần chỗ nầy.

Chừng xáp lại gần xong rồi, chúng mới hành động thật và bên nầy cả hai địch thủ nới biết chúng là ai.

Công đoán quả không sai. Lũ nầy đứng xổng lưng mà bắn vì các lằn lửa cao lắm. Vừa bắn chúng vừa chạy tới rất lẹ, xem như là vào chỗ không người.

Lúc chúng chỉ còn cách đây độ hai trăm thước thì sau một khẩu hiệu hô to lên, chúng thôi bắn và nằm rạp xuống cả.

Thật là tài tình. Chúng có thể cứ tiến tới như thế mà khỏi phải bắn một viên đạn nào.

Người ta lo bắn nhau, cỡ có thấy chúng đi nữa, cũng không hề tấn công chúng. Nhưng chúng làm như vậy là cốt để cứu cái bên lâm nguy mà chúng biết là bên bạn, vì trong khi chúng tiến thì bên tấn công phải ngưng bắn, và như thế bên lâm nguy không bị tiêu diệt.

Điều nầy, Công mới chợt nghĩ ra và tức thì chàng biết ngay đó là thù.

Kẻ thù lại tự xưng là kẻ thù bằng lời kêu gọi to sau đây:

- Chú Tám đừng lo, có tôi cứu đây. Ráng mà núp một hồi là tôi thanh toán hết.

Tức thì súng bên ấy lại nổ. Hằng trăm con đôm đốm to tủa ra từ bóng đêm.

- Rút !

Công vừa quát lịnh triệt thối, vừa bắn trả cho bạn đồng đội của chàng lui.

Cả ba cánh rút vào rừng rất chậm chạp nhưng đúng phương pháp lắm; một cánh bắn hai cánh rút, cứ thay phiên như vậy, ba cánh đểu rút được cả mà không bị địch tràn tới tàn sát.

Công tuyệt vọng quá. Đây là một hột cát rơi vào bộ máy đồng hồ của chàng, làm sai cả kế hoạch của chàng đi.

Sự can thiệp bất ngờ của một đệ tam nhân hoàn toàn chưa biết ai, làm chàng ngạc nhiên hơn là tức giận.

Thắng lợi đang nắm chắc trong tay, bỗng nhiên vuột đi vào phút chót do một sự tiếp cứu không hề dự phòng trước được.

Bốn tay súng không địch nổi với hai mươi tay, chàng đành phải cho quân mình triệt thối. Quân tiếp viện cho bọn buôn lậu ý chừng không định ăn thưa với Quan thuế nên chi mặc dầu hơn binh một cách có thể đè bẹp công quyền, họ chỉ làm áp lực cho Quan thuế rút lui chớ không xung phong, cũng chẳng truy nã.

Tuy nhiên họ tiếp tục bắn không ngớt và Công đoán biết mục đích của hỏa lực đó: nó che chở cho sự dọn dẹp chiến trường.

Độ mười lăm phút sau, đoàn quân ma nầy vừa bắn vừa đi lùi trở lại đầu cánh đồng, nơi mà bọn buôn lậu đã xuất phát.

Thế là ít ra cả đoàn tải hàng, từ người sống đến xác chết đều thoát được do ngã đó, nếu hàng hóa bị bỏ lại đi nữa.

Bây giờ đã ba giờ sáng rồi. Công tập họp binh sĩ để kiểm điểm quân số và săn sóc thương binh ! May quá, hai người bị thương xoàng khi nãy không lưu huyết nhiều lắm. Chính họ đã tự lết đi được lúc cả đoàn rút lui vào rừng.

Khi xong đâu đó, cả đoàn Quan thuế nghe gà rừng gáy chập đầu.

- Giờ làm sao Trung úy ? Một nhơn viên hỏi thăm.

- Đợi sáng chớ còn làm sao.

- Uổng quá !

- Thật là lạ. Thắng bại là sự thường và chính tôi đã bại nhiều trận rồi, nhưng chưa bao giờ gặp một cuộc can thiệp bất ngờ như thế nầy.

- Xếp của tụi nó tên là chú Tám.

- Ừ nhưng biết tên hắn, không giúp ta được gì.

- Không rõ hắn chết hay sống ?

- Có lẽ hắn xử dụng cây tiểu liên. Tiểu liên bị kẹt hai lần, nhưng không hề giảm hỏa lực rồi lại được thay thế. Ít ra, hắn không bị thương trong lúc bắn.

- Nếu Trung úy cho lịnh xung phong, ta đã toàn thắng trước khi bọn kia đến.

- Ừ, nhưng ai ngờ. Đã chắc thắng, còn xung phong làm chi cho hao binh. Ai ở vào địa vị tôi cũng đều hành động y như tôi.

Họ làm thinh và chờ đợi. Súng bên kia đã thôi nổ từ lâu, Công đoán họ đã đi xa lắm rồi.

- Xếp ơi, không biết hàng hóa còn hay không.

- Có lẽ chỉ còn xác bò thôi. Chúng nó đâu có hốt hoảng mà phải bỏ cả.

Gà rừng đã gáy chập nhì. Cái phần sinh vật thức đêm của rừng rú bắt đầu im hơi và cái phần dậy một lượt với mặt trời lại khởi sự đánh tiếng đâu đây.

Đầu rừng đằng hướng Đông đã rựng sáng, Chân trời nơi đó ửng hồng lần lần. Mặt trời sắp lộ diện để thản nhiên soi sáng như đã làm từ bao nhiêu muôn năm rồi, soi sáng chiến địa đẫm máu mà mấy tiếng đồng hồ trước đây, cái chết bay kề sát tai mỗi người trong cả đôi bên.

Công ra hiệu cho đoàn Quan thuế bất động nhưng chính chàng lại cầm cây Colt 9 đi thị sát chiến trường.

Ngoài kia, ánh sáng đã đủ tỏ để cho chàng thấy rằng chiến trường đã trống người. Chàng hô lịnh cho đoàn chàng tiến tới.

Khi họ đổ ra cánh đồng thì họ thấy mười xác bò nằm ngổn ngang trên cỏ cháy, những bành hàng hóa trên lưng bò đã bay theo bọn người rút lui trong đêm.

Nhiều con bò bị trúng gần hai mươi viên đạn, nát cả bụng. Máu bò và máu người đã đông đặc trên mặt đất đen.

Họ nhìn cảnh tượng ấy mà tưởng tượng xa vời hơn, hình dung ra những xác người mà bọn can thiệp đã mang đi, riêng Công, chàng nghĩ đến cái “chú Tám” có đôi mày rậm và cái càm vuông.

Thế là chàng không bị hạ. Chú ta có thể bị thương nhưng được cứu thoát với cả hàng hóa nên chắc sẽ không nản chí ra hàng như chàng mong ước hão.

Mặt trời chưa nhô lên khỏi đầu rừng đằng hướng đông, nhưng đã đủ sáng để họ có thể lên đường mà không sợ sự phản trắc nào nữa cả.

Vì thế mà Công nhét súng vào bao rồi ra lịnh phản hồi.
Nửa đêm Trảng Sụp
Phần I
Phần II
Phần III
Phần IV
Phần V
Phần VI
Phần VII
Phần VIII
Phần Kết